Thảo luận Có nên bỏ Tết cổ truyền?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Heoconmtv, 26/2/16.

Moderators: amylee
  1. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Trong mình thì ít gói bánh chưng lắm chỉ bánh tét thôi. Nhưng phải gói phải nấu mới ra không khí Tết. Mình không biết gói nhưng đảm nhiệm khâu canh nồi bánh tét. Tết năm nay lạnh trời tối ba bốn anh em ngồi quanh nồi bánh tám chuyện thấy cũng thú vị phết.
     
  2. Văn.Cường

    Văn.Cường Banned

    He he! Nhà mình giờ cũng còn 3 người, 4 ông anh đã có gia đình, tổng cộng mình có 4 bà chị dâu và 9 đứa cháu, số lượng mình gói là gần 50 kg. Mệt khỏi phải nói nhá! Gần 1 ngày còng lưng.
     
  3. hanguyen1

    hanguyen1 Lớp 2

    Chuẩn rồi ạ. Sau nhiều chuyện của 2014, bây giờ, cứ thấy không còn gì để lo. Cái gì tới thì tự tới thôi, mình đã làm hết sức, kết quả sao thì "ôi thôi, được nhiêu hay bấy nhiêu".cute_smiley20
     
  4. Văn.Cường

    Văn.Cường Banned

    Bánh chưng hay bánh tét tớ chơi tất. Bánh chưng để thờ phụng, bánh tét xơi. Nấu bánh bây giờ toàn chơi bếp gas công nghiệp, nấu củi khoái hơn, nhưng cũng tùy TếT, phải lạnh thì ngồi bên mới thú, chứ có năm Tết nóng thì chỉ muốn bỏ chạy.
     
    viettran_ru and Heoconmtv like this.
  5. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Đừng vì một năm "buồn" mà vứt bỏ những năm còn lại chứ. Tết nghỉ 5 - 7 -10 ngày không vấn đề. Tuy nhiên, dân tây họ làm cật lực trong mấy trăm ngày rồi thì dịp lễ họ nghỉ rất dài đó thôi, chẳng thấy ai kêu ca gì. Dân mình, có những nơi chơi không ra chơi, làm không ra làm, đến khi nghỉ dài lại kêu ca ảnh hưởng kinh tế này nọ. Cả năm mà các bác làm cật lực đi, nghiêm túc đi...đến khi các bác ấy có nghỉ lễ dài ngày thì công việc vẫn ngon ơ....kiểu như rằm tháng giêng tới công sở nọ rút giấy tờ. Bảo vệ bảo rằng Văn thư đi chùa xin xăm chưa về, thế thì do ai? Đâu có phải do tết?
     
    viettran_ru and Heoconmtv like this.
  6. trung_luoc

    trung_luoc Lớp 3

    Không!!!
     
    hut_mit thích bài này.
  7. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Tớ nấu cả mưa lẫn nóng. Cũng được chục năm "trong nghề" rồi á. Khi nào các bác vào Huế em mời các Bác thử bánh Chưng nó ra làm sao nhá.
     
    viettran_ru and trung_luoc like this.
  8. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Phải có Tết em ạ
    Để gặp lại mẹ cha
    Những đứa trẻ lớn đầu
    Sẽ có cớ cho mình dăm ba ngày trở về quê cũ

    Phải có Tết em ạ
    Cuộc đời bôn ba đã nhiều rồi
    Nếu không có một tiếng chuông ngày cũ
    Ta còn thả bao nhiêu thứ trôi

    Phải có Tết em ạ
    Bánh chưng xanh lá, củ kiệu dưa hành
    Hoa vừa chớm nở, xun xoe váy áo
    Tình người thân mật trong những câu chào
    Và xem đời bỗng bớt những gian lao

    Phải có Tết em ạ
    Nếu không có chốn để trở về, rồi thì ta biết sẽ ra sao?

    (G)
     
  9. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Bác không biết đó thôi ở chỗ tôi mấy bác qua Tàu làm ăn kiểu vượt biên nó cấm rồi loa đài ầm ĩ lên đó bác :))
     
    sannyas60 and Heoconmtv like this.
  10. quocdat5594

    quocdat5594 Lớp 2

    Tính ra nhà em cũng hưởng lợi từ tết các bác à, cứ tết đến việc sẽ nhiều việc hơn. Xem như tết nó bù vào các ngày làm trong năm thôi mà bác. Cái này phải do nhà nước điều tiết lại, chớ năm nào cũng xì xào những chuyện kiểu này :))
     
    Heoconmtv thích bài này.
  11. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Bỏ tết cổ truyền, cấm xe máy ở chợ Gồng, chuyển múi giờ sang GMT 8, ôi, những câu chuyện đã chửi nhau được hơn 3 năm... hệ hệ
     
    Heoconmtv thích bài này.
  12. mr.buiduytung

    mr.buiduytung Lớp 7

    Làm bao nhiêu là đủ?
    Nghỉ bao nhiêu là đủ?
    Con người bây giờ còn chưa giống cỗ máy sao?
     
    viettran_ru and Heoconmtv like this.
  13. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Đây là ý kiến của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp cho trong việc nghiên cứu cây lúa ở ĐBSCL cũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang.

    Đón Tết cổ truyền theo dương lịch

    GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ với độc giả quan điểm Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay.

    Ngày 14/02/2005 mục “Chào buổi sáng” của báo Thanh Niên có đăng bài viết của tôi nhan đề Tết “hội nhập,” tại sao không? Ngay sau đó một làn sóng tranh luận rất sôi nổi đã dấy lên trong mục “Ý kiến bạn đọc” của tờ báo.

    Chỉ trong vòng vài ngày mà đã có hơn 200 độc giả góp ý, trong số đó nhóm không đồng tình chiếm hơn 50%. Sự tranh luận này tiếp tục kéo dài cho đến năm nay 2012, qua nhiều diễn đàn. Tôi tải về tổng cộng được 396 trang A4 với cỡ chữ 8,5.

    Thật sự tôi rất cảm kích sự quan tâm của độc giả về vấn đề này, vì đó là thể hiện sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta trong thời đại mới.

    Vì ý kiến quá nhiều, tôi không thể đọc hết các chi tiết lập luận, nhưng có thể thấy được số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là khi các ý kiến ấy mới được nêu vào năm nay 2012, bảy năm sau khi bài báo xuất hiện.

    Tuy nhiên tôi cố gắng đọc kỹ những ý kiến không đồng tình để học hỏi thêm lập luận của các bậc tiền bối.

    Một điều tôi khám phá rất quan trọng là những lập luận không đồng tình này đã chỉ căn cứ vào cái tít của những thành viên diễn đàn (hoặc của biên tập viên nhà báo) viết cho kêu như “Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?”, “Tết Tây hay Tết ta?”, “Bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền Việt Nam?”, không đúng theo nội dung trình bày của tôi trong bài Chào Buổi Sáng 14/2/2012.

    Vì không đọc kỹ lập luận của tôi mà chỉ căn cứ trên những cái tít giựt gân trên đây nên có một số vị độc giả đã viết những câu chê trách quá nặng lời. Sự hiểu lầm này nhằm vào 2 điểm chính:

    1. Bỏ ngày Tết cổ truyền. Tôi không hề viết một ý kiến như vậy bất cứ ở đâu. Đọc lại bài trên mục Chào buổi sáng trên báo Thanh Niên năm 2005, tôi viết rất rõ: “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại "bản sắc dân tộc" của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.

    Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3 - 4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu.

    Và dĩ nhiên chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê.”

    Như thế, thí dụ tục lệ lì xì thay vì xảy ra vào ngày mồng 1 âm lịch thì ta đổi lại là mồng 1 dương lịch, v.v… Có độc giả chuyên chơi hoa đã cho biết là có thể điều khiển cho hoa mai và hoa đào nở vào ngày mồng 1 dương lịch.

    2. Bỏ lỡ cơ hội kinh tế (làm giàu). Tôi nêu mấy thí dụ cho thấy trong khi ta vui Tết lê thê thì thị trường chứng khoán ở Tokyo, New York, London đang hoạt động; các doanh nghiệp bạn hàng của ta ở ngoại quốc cũng đang hoạt động, chắc chắn ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt.

    Tôi viết: “Ở An Giang, Công ty XNK thủy sản Afiex liên tục nhận fax của khách hàng nước ngoài đặt mua cá filê. Cũng trong mấy ngày Tết ta này tôi vẫn nhận đều đều 30 - 40 bức điện, thư mỗi ngày, trong đó có hai thư phải trả lời ngay để kịp thời hạn.

    Một thư về dự án Asia Link (Kết nối Á châu) của Trường Đại học Corvenus ở Budapest, và thư kia của ông Hiệu trưởng Đại học Tufts của Mỹ yêu cầu cho biết ngay tôi có thể tham gia hội nghị quốc tế hiệu trưởng một số trường đại học thảo luận chuyên đề vai trò đại học trong phục vụ xã hội hay không.

    Tôi chắc chắn hàng nghìn người chức trách điều hành các ban ngành trung ương và các doanh nghiệp công và tư cũng đã nhận được những điện thư khẩn của các đối tác từ nước ngoài gửi về cần được trả lời ngay trong lúc chúng ta đang "ăn Tết".

    Thực vậy, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.

    Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch, trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết Tây (kể cả Nhật Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, Lodon... đóng băng

    Lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta. Như vậy trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam tiếp tục ăn Tết theo âm lịch thì đương nhiên chúng ta hưởng hai lần nghỉ Tết, tổng cộng ít nhất 3 tuần lễ nghỉ.

    Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu.”

    Tôi nghĩ rằng nếu tất cả quí vị độc giả có thời gian đọc kỹ bài viết của tôi thì chắc sẽ đồng tình với những lập luận của tôi, như tôi đã cảm nhận khuynh hướng này trong số đông ý kiến mới nhất trong các diễn đàn.

    Trong khi các nước đang thi nhau làm giàu, Việt Nam có tiềm năng bắt kịp họ hoặc hơn họ trong tương lai gần nếu bớt ăn nhậu, vui chơi kéo dài, dành thời gian làm việc vào những ngày thế giới làm, nghỉ theo những ngày thế giới nghỉ.

    Dĩ nhiên các tập quán cổ truyền lành mạnh của ta chúng ta vẫn giữ và sẽ cử hành vào ngày dương lịch như thế giới đang làm. Chúng ta nên cương quyết đổi mới, không ăn tết 2-3 thậm chí 4 tuần theo âm lịch nữa mà chỉ nên ăn tết 4 ngày theo dương dương lịch là đủ.

    Thay đổi tập quán rất khó, nhưng trong tập quán Tết Việt Nam chúng ta thay đổi không khó vì chúng ta vẫn cử hành các tập quán đó, nhưng trong ngày dương lịch. Có quyết tâm đổi mới “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch,” đất nước Việt Nam sẽ có những điều lợi sau đây:

    1- Vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài.

    2- Ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.

    3- Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành.

    4- Giám tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông.

    5- Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.

    GS-TS Võ Tòng Xuân
     
  14. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Mình có topic Mai hoa rồi đó, hihi.
     
    hanguyen1 and Heoconmtv like this.
  15. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Ý kiến riêng:
    - Không nên bỏ Tết âm lịch, vì bỏ sẽ gây ra biến động lớn làm mất đi một truyền thống có từ ngàn năm nay (đương nhiên là một phần lớn theo Trung quốc vì cái thuần Việt đã mất một phần lớn).
    - Những vấn nạn liên quan tới Tết: lười biếng, cờ bạc, nhậu nhẹt xuất phát từ ý thức của công dân thôi. Không có Tết thì người Việt vẫn lười, vẫn cờ bạc, vẫn nhậu tới bến đó thôi.
    - Kỳ nghỉ Tết với nhiều người là kỳ nghỉ phép năm dùng để nghỉ ngơi, đi du lịch.
    - Giải pháp: xây dựng ý thức tốt cho công dân, với học sinh thì chia đôi kỳ nghỉ ra, mỗi học kỳ nghỉ 1.5 tháng chẳng hạn, có 1 kỳ trùng với Tết. Với các đối tượng khác thì cần có thời gian nghỉ hợp lý.
    Nói ngoài lề là ở nhiều nước thì thời gian làm việc đang giảm dần: 1 tuần 5 ngày, 1 ngày 6 giờ và còn có vụ làm bán thời gian nữa. :D
     
  16. ilovebook

    ilovebook Mầm non

    Theo tôi Tết âm lịch khác Tết dương lịch không chỉ đơn thuần về ngày tháng mà là về cách tính thời gian, một theo Mặt trăng và đằng kia theo Mặt trời. Thực ra Tết âm lịch mới bắt đầu mùa Xuân ở nước ta.
    Ngoài ra Trung Quốc nơi phát sinh ra Tết Âm lịch không hề đặt vấn đề bỏ Tết Âm lịch mà trái lại ở rất nhiều nước Phương Tây mấy năm nay lại hưởng ứng nhiều hơn đến việc đón Tết Âm lịch của cộng đồng người Hoa tại đó.
    Còn nói về bỏ lỡ cơ hội làm giàu, nhiều nước giàu có như Israel chẳng hạn họ vẫn có những ngày lễ truyền thống của họ và không trung với Tết dương lịch hay ngày lễ của các nước khác.
    Người Việt Nam mình có tính hay bắt chước, trước kia thì bắt chước Tàu nay thì bắt chước Tây.
    Tôi cho rằng vẫn nên đón Tết Âm lịch nhưng cần loại bỏ các thói quen xấu. Điều này đòi hỏi phải xây dựng một văn hóa khác.
     
  17. viettran_ru

    viettran_ru Lớp 7

    Trung quốc họ vẫn ăn Tết Âm,Họ vẫn rất giàu có và giỏi giang,họ đốt pháo vui như Tết,các nước ăn Tết dương lịch vẫn hãi họ như con hãi Bố,cho nên mọi ý kiến bỏ Tết cổ truyền dân tộc đều là vớ vẩn hết!Các nhà khoa học,các nhà kinh tế nên tập trung vào chuyên môn của mình cho đúng người đúng việc,đừng dựa vào những cái mác GS-TS mà phát ngôn không đúng với chức năng chuyên nghành của mình,làm mất uy tín có khi gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân.Bỏ Tết âm lịch là bỏ đi một tập tục lễ nghi tôn giáo quan trọng và thiêng liêng bậc nhất
    của dân tộc Việt có từ ngàn đời xưa,do ông cha để lại.Ai có dã tâm phá bỏ hoặc làm thay đổi đều phải trả giá thích đáng!
    Trong những ngày Tết, các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, mừng tuổi và thờ cúng tổ tiên...Không kể già trẻ giàu nghèo ai ai cũng cảm thấy sung sướng hạnh phúc!Làm sao phải thay đổi đảo lộn?Rất vớ vẩn!
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/3/16
    4DHN, tauvequehuong and Heoconmtv like this.
  18. Derby

    Derby Lớp 7

    Anh Tư ơi, làm 5 ngày môt tuần thì đúng rồi nhưng mỗi tuần 38 hrs cho công nhân trong factories, văn phòng thì phải 40 hrs. Và đó là tiêu chuẩn lãnh mức lương bình thường. Khi cần thì công nhân được yêu cầu làm overtime (sau giờ về hay on Sat / Sunday). Nếu số lượng công việc nhiều hơn nữa, the business sẽ phải create thêm afternoon shift / nightship. Công nhân có quyền từ chối làm overtime nhưng trừ những bà mẹ có con nhỏ, phần còn lại đều nhận lời. Vì mức lương trả cho 3 tiếng đầu là gấp 1.5 và gấp 2 cho những giờ kế tiếp.) Còn nữa, những người từ chối làm overtime vì lười biếng thường là những người bị cho nghỉ đầu tiên khi chủ nhân cần bớt người.

    Nhân viên văn phòng thì không có tiêu chuẩn overtime vì đã hưởng mức lương cao hơn. Khi không thể giải quyết hết công viêc trong ngày, họ thường tới sớm hơn hoặc về trễ hơn (hay như mẹ em, sau dinner, vẫn nhảy lên computer remotely connected to work làm cho xong việc những việc cần).

    Part-time jobs thường là dành cho đàn bà có con còn quá nhỏ hoặc full-time students giống như tụi em thôi. Những người khác nếu làm part-time thì phải ôm khoảng hai / ba cái một lúc. Ngay cả full-time cũng có nhiều trường hợp làm 2 jobs: day and afternoon/night (tùy theo nhu cầu của từng cá nhân hoặc gia đình). Ở xã hội tây phương, người ta khuyến khích independence. Khi còn ở highschool / uni thì ngoài giờ học, ngay cả con của the current thủ tướng / tổng thống cũng làm part-time ở một nơi nào đó, và được trả lương giống như mọi người khác thôi . Hoàng tử Harry của Anh quốc, lúc còn đi học, cũng từng làm việc ở một trại chăn cừu bên Úc vào kỳ nghỉ hè, v.v.

    Và tuy mọi người đều được hưởng 4 tuần nghỉ có lương mỗi năm (annual leave) nhưng lịch nghỉ được sắp xếp theo công việc. Factory workers có thể được chủ nhân yêu cầu lấy ngày nghỉ cuối năm vào bất cứ lúc nào mà đơn đặt hàng ít đi hoăc trở lại làm việc ngay sau New Year nếu công việc đỏi hỏi.

    Nhân viên văn phòng thì hơi khác. Ở cả private lẫn public sectors, anh phải báo trước với cấp trên nếu muốn lấy annual leave vào khoảng thời gian nào trong năm để tiện việc sắp xếp. Gorvernment departments không bao giờ đóng cửa trừ public holidays. Và chỉ có ngày mồng một mới là public holiday, mồng hai là ngày thường. Christmas là lễ lớn cũng chỉ được nghỉ có ngày 25. Ngay cả ngày thường ho cũng phải organise làm sao để lúc nào cũng có người phục vụ dân. Thí dụ, có 2 timeframe để ăn trưa, nhóm này đi ăn còn nhóm kia vẫn làm việc. Ngay cả khi inquiring information via phone. Nếu em cần hỏi một điều gì đó mà lúc em phone, mọi nhân viên đều bận trả lời những người phone trước, em sẽ được yêu cầu để tên và số phone lại cùng với vấn đề em muốn hỏi, sau đó họ sẽ gọi lại cho em.

    Có những ngày lễ như lễ lao động chẳng hạn, chỉ có factory workers và primary & highschool students được nghỉ, office staff và uni students thì không. Tuy nhiên, nếu có một ngày public holiday nào mà rơi vào thứ Bảy hay Chủ Nhật thì sau đó được nghỉ bù một ngày thường. :D

    In private sectors, at Christmas, nhân viên thường được tặng quà hoặc bonus bằng cash tùy theo tình hình làm ăn trong năm. Tùy theo tình cảm giữa hai bên, bosses có thể nhận những món quà đơn sơ của người dưới quyền nhưng họ luôn luôn từ chối những món quà có vẻ đắt giá. In Public sectors, chỉ có chính phủ có quyền tặng quà cho tất cả nhân viên. Còn giữa nhân viên các cấp, tuyệt đối cấm chuyện "tặng và nhận quà". Không biết ở Việt Nam có giống như vậy không?

    Em cũng thấy những chuyện không tốt xảy ra vào thời điểm Tết là tùy theo ý niệm của con người thôi. Cho dù ăn tết theo dương lịch mà thái độ đón tết của người dân không thay đổi thì cũng vậy. Vả lại, ở đâu mà không có chuyện vui quá trớn. Xã hội tây phương cũng vậy, năm nào chính phủ cũng phải tìm đủ mọi cách để giảm thiểu số lượng người bị thương / chết vì tai nạn giao thông vào Giáng Sinh / New Year. Nếu không sẽ bị la ó um xùm là đã không làm tròn trách nhiệm. Ở đây, chuyện lớn nhỏ gì người ta cũng qui trách nhiệm cho chính phủ hết. Tại sao mấy ông viết bài hô hào bỏ Tết Việt không đổ lỗi cho chính phủ VN? Mà lại bắt Tết phải chịu trách nhiệm? Chắc vì Tết không có miệng để nói lại, đổ thừa cho nó chắc ăn hơn. cute_smiley18.
     
  19. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Nói chung, việc giảm thời gian làm việc chỉ có thể áp dụng và mang lại hiệu quả khi năng suất lao động rất cao, ý thức lao động rất tốt, cách quản lý tốt. Khi đó không cần thiết phải có thời gian làm việc dài nữa và người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, du lịch, giải trí.

    Ý của anh trong topic này là: việc nghỉ Tết dài ngày, cụ thể năm nay là 9 ngày, (nói nhỏ: bọn anh còn được nghỉ 15 ngày do đặc thù công việc) không ảnh hưởng đến xã hội nếu những ngày làm việc bình thường được thực hiện với ý thức cao, có hiệu quả cao.

    Chỉ một số nước phát triển là đạt được thời gian làm việc thấp, khu vực phát triển nhất là Bắc Âu, hiện tại nước có thời gian làm việc thấp nhất thế giới là Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

     
    Derby and Heoconmtv like this.
  20. Ngaymua

    Ngaymua Lớp 3

    Việc này bàn qua bàn lại nhiều rồi. Mỗi phe đều đưa ra những lập luận khác nhau và không phải là không có tính thuyết phục.
    Tết cổ truyền giờ cũng nhạt nhẽo không còn đậm phong vị như xưa.
    Nhưng nói đến chuyện bỏ Tết cổ truyền hoặc ghép vào với Tết Dương lịch ở Việt nam thật là không tưởng.
    Ở Nhật, Thiên Hoàng Minh Trị đã làm được nhưng còn ở Việt nam thì dù có chán, có muốn bỏ thì cũng khó mà bỏ được chứ đừng nói là Tết cổ truyền vẫn còn là một cái gì đó thiêng liêng đối với rất nhiều người.
    Dưới góc độ kinh tế thì có 2 cái Tết quả thật là rất lãng phí. Nhưng còn dưới góc độ xã hội, văn hóa thì sao?
    Bạn đã thấy một nhà xã hội học hay một nhà văn hóa nào ủng hộ bỏ Tết cổ truyền chưa?
    Cá nhân mình thấy rằng Tết cổ truyền thật lãng phí, mệt mỏi, không còn vui như trước nhưng người ta vẫn còn có tâm linh, tín ngưỡng nên không thể nói bỏ là bỏ.
    Và hiện tại cũng còn có rất nhiều người phải đi làm ăn xa, chỉ chờ đến Tết để được về thăm nhà, đoàn tụ với gia đình....
    Cái Tết giống như 1 dấu chấm giữa các câu dài, mà nếu không có dấu chấm ấy người ta sẽ đứt hơi.
     
    Heoconmtv thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này