Tâm lý XH Cọp Trắng - Aravind Adiga <Man Booker 2008>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi thanhbt, 16/7/16.

  1. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Cop trang bt_n.jpg

    Thông tin sách

    Tên sách: Cọp Trắng
    Nguyên tác tiếng Anh: The White Tiger
    Tác giả: Aravind Adiga
    Người dịch: Thi Trúc
    Nhà phát hành: DT Books
    Nhà xuất bản: NXB Trẻ
    Khối lượng: 450g
    Kích thước: 14.5x20.5 cm
    Ngày phát hành: 10/2009
    Số trang: 360
    Giá bìa: 70.000đ
    Thể loại: Tiểu thuyết Đương đại

    Thông tin ebook

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Type+Làm ebook: thanhbt
    Ngày hoàn thành: 16/07/2016
    Dự án ebook #206 thuộc Tủ sách BOOKBT [​IMG]

    Giới thiệu

    Cọp trắng là cuốn tiểu thuyết được giải Man Booker 2008 của nhà văn Ấn Độ Aravind Adiga. Nội dung thể hiện dưới dạng bức thư viết trong 7 ngày cho thủ tướng Ôn Gia Bảo, kể về đời tư của Balram Halwai. Lớn lên từ một làng quê nghèo Ấn Độ, Balram bị bỏ học giữa chừng, trở thành kẻ làm thuê, rồi làm tài xế riêng cho con trai một địa chủ, rồi cuối cùng trở thành một doanh nhân thành đạt của Bangalore. Sự vươn lên của Balram cũng chính là sự tha hóa từng bước của cá nhân anh. Đồng thời, qua bức thư tự thuật này, Balram hé lộ cho độc giả sự thật về một đất nước Ấn Độ với hai thế giới: Ánh sáng - đời sống của giai cấp thượng lưu giàu có; Bóng tối - cuộc sống cơ cực của những kẻ bần cùng, thân phận nô lệ. Đây là câu chuyện sâu sắc, vạch ra sự bất công của xã hội Ấn.

    Balram Halwai là một con người phức tạp. đầy tớ. Triết gia. Doanh nhân. Sát nhân. Trong bảy đêm, Balram kể cho chúng ta câu chuyện hãi hùng khiếp sợ về việc anh ta đã thành công như thế nào - chẳng có gì ngoài sự nham hiểm giúp anh ta toại nguyện. Và với một sự duyên dáng không thể phủ nhận cũng như không thể ngờ đến, Balram dạy chúng ta rằng tôn giáo không tạo ra đức hạnh, tiền bạc không giải quyết được mọi vấn đề - nhưng sự tử tế vẫn có thể được tìm thấy trong một thế giới tha hóa, và bạn có thể có được những gì mình muốn nếu biết lựa chuyện mà nghe lỏm. Ngổ ngáo, xấc xược, gây thiện cảm, và trên hết là tính đương đại, quyển tiểu thuyết này là một tác phẩm gây rung động thế giới - và là một tác phẩm đầu tay khiêu khích, đáng chú ý.

    Tác giả

    Aravind Adiga(tiếng Kannada: ಅರವಿಂದ ಅಡಿಗ, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1974) là một nhà văn kiêm nhà báo người Ấn Độ. Tiểu thuyết đầu tay của anh, The White Tiger, đã giành được giải Man Booker Prize năm 2008. Hiện anh đang sinh sống ở Mumbai, Ấn Độ.

    Aravind Adiga sinh ở Chennai. Cậu bé lớn lên ở Mangalore và học tại Trường phổ thông trung học Canara, sau đó là tại Trường phổ thông trung học St. Aloysius, nơi cậu hoàn tất SSLC năm 1990. Cậu xếp hạng nhất bang ở SSLC. Sau khi di cư qua Sydney, Australia, với gia đình, cậu học tại Trường trung học nông nghiệp James Ruse. Anh đã học văn học Anh tại Columbia College, ðại học Columbia ở New York, nơi anh học với Simon Schama và đã tốt nghiệp xếp thứ nhì vào năm 1997. Anh cũng học tại Magdalen College, Oxford, nơi anh học với thầy Hermione Lee.

    Adiga bắt đầu sự nghiệp phóng viên tài chính cho Financial Times. Với các báo cho Financial Times, Money và Wall Street Journal, anh đảm trách mảng thị trường chứng khoán và đầu tư, anh đã từng phỏng vấn Donald Trump.
     

    Các file đính kèm:

  2. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Bài giới thiệu của NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA - Nguồn: sachhay

    Với giọng văn dí dỏm nhưng chua xót, Aravind Adiga đưa ra một câu chuyện nói về sự tương phản giữa một nước Ấn Độ đang phát triển thành một cường quốc về kinh tế và nhân vật chính Cọp trắng, người xuất thân từ giai cấp cùng đinh trong xã hội. Chuyện cũng đề cập đến sự mục rữa về chính trị đã bắt rễ sâu xa trong xã hội (“Ở Ấn Độ, chuyện bầu cử là điều khiển được tuốt.”), đến các xung đột tôn giáo giữa những tín đồ Ấn giáo và Hồi giáo, đến sự trăn trở muốn được phục vụ đất nước của Ashok - ông chủ của Cọp trắng - sau khi đã sống ở Mỹ, và tình trạng căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, một cường quốc Châu Á.

    Câu chuyện được viết dưới dạng một loạt các bức thư viết vào ban đêm để gửi thủ tướng Ôn Gia Bảo nhân dịp ông đến thăm Bangalore - thành phố đông dân thứ ba của Ấn Độ. Cọp trắng muốn thủ tướng biết sự thật về Bangalore vì Cọp trắng khẳng định chỉ có mình mới biết rõ về Bangalore nhất. Và câu chuyện dẫn dắt chúng ta đi suốt từ khi Cọp trắng còn thuộc giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội cho đến khi Cọp trắng trở thành một doanh nhân thành đạt.

    Cọp trắng, tức Balram Halwai, một cậu bé Ấn Độ, được sinh ra ở Laxmangarh - tượng trưng cho khu Bóng Tối - trong một gia đình mà con trâu được chăm sóc chu đáo hơn cả ông chủ trong nhà. Dân làng Laxmangarh luôn phải chịu sự bóc lột từ bốn tay địa chủ: Trâu nước, Lão Cò, Lợn Rừng và Lão Quạ.

    Cọp trắng phải bỏ học dù là học sinh sáng dạ nhất lớp để đi làm ở một quán trà vì gia đình Cọp trắng đã phải vay một món tiền lớn để làm đám cưới linh đình và làm của hồi môn cho chị họ của Cọp trắng. Cũng chính khi làm việc trong quán trà và nhờ vào những lúc hóng chuyện mà cuộc đời Cọp trắng đã đổi thay.

    Năm mười ba tuổi, Cọp trắng ao ước được tự đi lên pháo đài đen - biểu tượng của một Ấn Độ đẹp đẽ dù qua biết bao thăng trầm - nhưng lần nào cũng thất bại vì quá nhát gan.

    Sau khi làm ở quán trà một thời gian, Cọp trắng học lái xe. Rồi Cọp trắng đến sống ở Delhi (khu Ánh Sáng) vì được Lão Cò thuê làm tài xế để lái xe cho Ashok - con trai lão. Tại đây Cọp trắng phát hiện được nhiều điều khi lái xe đưa Ashok đi từ trung tâm mua sắm này đến cơ sở giao dịch nọ. Cọp trắng ngày càng nhận thức rõ chung quanh hắn giàu sang lẫn cơ hội đều thừa mứa nhưng Cọp trắng cũng đồng thời biết mình không thể nào chạm tới được thế giới hào nhoáng đó. Suy nghĩ đến hoàn cảnh của mình, Cọp trắng hiểu rằng nếu muốn được tham gia vào một Ấn Độ mới rất quyến rũ đó thì cách duy nhất hắn phải làm là giết Ashok dù ông ta rất tốt bụng với mình. Cọp trắng giết ông Ashok vì hắn đã phát hiện rằng toàn bộ những gì ông Ashok phải làm là hối lộ các quan tham bằng chính những đồng tiền bóc lột từ mồ hôi nước mắt của Cọp trắng và của giai cấp cùng đinh.

    Và như thế, chính năm hai mươi bốn tuổi Cọp trắng đã biến giấc mơ được đặt chân lên pháo đài đen thành hiện thực. Và cũng năm đó, tám tháng sau khi đã leo lên được bức tường và nhìn xuống ngôi làng Laxmangarh bé nhỏ, Cọp trắng cắt cổ ông Ashok.

    ***

    Qua toàn bộ câu chuyện, một đất nước Ấn Độ gồm hai phía: Bóng Tối (Laxmangarh) và Ánh Sáng (Delhi) hiển hiện trước mắt chúng ta. Nhưng phần Bóng Tối được nhấn mạnh hơn với những mảnh đời thuộc giai cấp cùng đinh. Cọp trắng ví xã hội Ấn như một chuồng gà: “Chiếc Chuồng Gà Ấn Độ Vĩ Đại.” và nếu có ai thắc mắc tại sao Chuồng Gà lại có thể nhốt được hàng triệu người đàn ông, đàn bà hiệu quả đến thế thì Cọp trắng sẽ trả lời đó là do sự hy sinh cho vinh quang của dân tộc mà họ bị nhốt và trói buộc vào chiếc chuồng. Đối với Cọp trắng, Chuồng Gà là một guồng máy có tác dụng khiến đám đầy tớ phải ngăn cản những đầy tớ khác biến thành nhà cải cách.

    Aravind Adiga đã khắc họa được nhân vật Cọp trắng thật tài tình: từ một đứa cháu hằn học và láo xược luôn thừ môi nhìn chằm chằm mình trong gương, Cọp trắng đã không ngừng suy nghĩ - thường là ngồi một mình, tách khỏi đám tài xế đồng nghiệp - và đã ngộ ra được nhiều điều. Triết lý của Cọp Trắng là: Hãy để con vật sống như con vật; để con người sống như con người. “Cháu không thể sống suốt đời trong chuồng được, bà ơi.” Vì hiểu rằng “lịch sử của thế giới là lịch sử của cuộc chiến trí não suốt mười nghìn năm giữa người giàu và người nghèo và người giàu đã thắng cuộc chiến trong suốt mười nghìn năm” nên Cọp Trắng phải phấn đấu để trở thành một người giàu có hầu giúp gìn giữ một Ấn Độ lý tưởng.

    Và Aravind Adiga cũng cho chúng ta thấy rất nhiều nghịch lý ở Ấn Độ:

    - Người nghèo cả đời mơ được đủ ăn và trông giống người giàu. Còn người giàu mơ được giảm cân và trông giống kẻ nghèo.

    - Ashok: “Ta thích những món ăn của cậu!” Cọp trắng mỉm cười thầm nghĩ: “Tôi cũng thích những món ăn của ông.”

    - Người giàu luôn luôn có được những thứ tốt nhất trong đời, và tất cả những gì chúng tôi có chỉ là đồ thừa của họ. (trang 257).
     
    Bich Dung, meocon, lotus and 2 others like this.
  3. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Hiện tượng tiểu thuyết Ấn Độ: Cuộc đối thoại giữa hai đại thụ

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Việc tiểu thuyết Cọp trắng của Aravind Adiga đoạt giải Man Booker 2008 thêm một lần khẳng định dòng văn xuôi tiếng Anh của Ấn Độ đang phát huy ảnh hưởng trên thế giới.

    1. Cọp trắng là tác phẩm thứ tư của các nhà văn Ấn Độ đoạt giải thưởng của khối những nước nói tiếng Anh, mức độ danh giá có lẽ chỉ đứng sau giải Nobel văn học mà thôi. Ba tác phẩm đoạt giải trước đó là Lũ trẻ sinh ra lúc nửa đêm (1981, nhà văn gốc Ấn Salman Rushdie), Trùm chuyện vặt (1997, nữ văn sĩ Arundhati Roy, bản dịch tiếng Việt là Chúa trời của những điều vụn vặt), Di sản của mất mát (2006, nữ văn sĩ Kiran Desai).

    Kể thêm tác giả Jhumpa Lahiri (tập truyện Người dịch bệnh) với giải Pulitzer Mỹ năm 2000, hoặc một đội ngũ những tác giả Ấn Độ nổi danh thế giới như Anita Desai với Bị giam giữ (In custody), Vikram Seth với Chú rể tốt (A suitable boy), Amitabh Gosh với Hình bóng (The shadow lines), Khuswant Singh với Delhi, Bharati Mukherjee với Hoa nhài (Jasmine), Manil Suri với Cái chết của Vishnu (The death of Vishnu), Vikas Swarup với Triệu phú khu ổ chuột... thì người ta có thể nói đến một hiện tượng văn học Ấn Độ tràn đầy hơi thở đời sống, thấm đẫm bản sắc và độc đáo hiếm thấy.

    Hiện tượng này cũng góp phần tạo ra một thứ tiếng Anh mới, sinh động và khác lạ. Rất nhiều khái niệm văn hóa và đời sống tưởng như dị biệt đã được bổ sung vào tiếng Anh, ban đầu là chữ nghiêng rồi dần dần bình thường hóa, không in nghiêng nữa. Nhiều từ tiếng Anh ta sử dụng hiện nay có nguồn gốc Ấn Độ, đấy là công sức không nhỏ của dòng văn học gốc Ấn này. Không còn là chuyện lạ, trong những hiệu sách Âu Mỹ, đã và đang có nhiều “mọt sách” bước chân vào tìm mua tiểu thuyết Ấn Độ.

    Vì sao tác giả lại để cho nhân vật Balram trong bảy đêm viết thư cho thủ tướng Trung Quốc? Đêm, bởi vì đó là lúc như anh ta dẫn lời Phật, thế gian đều say ngủ, chỉ duy nhất anh ta là người tỉnh thức (giác ngộ). Cho thủ tướng Trung Quốc, bởi đây là khao khát đối thoại giữa hai cổ thụ văn hóa, hai nền văn minh sớm bậc nhất của loài người. Phép so sánh Ấn Độ với Trung Quốc được tác giả coi là sự cứu rỗi, hay cũng là sự giễu cợt và sẽ chẳng đi đến đâu cả?

    Mỗi độc giả sẽ có cách lý giải của mình. Phép so sánh này gợi nhớ chuyện khác: một thanh niên Ấn đã lên mạng so sánh Ấn Độ với sự tiến bộ của Thái Lan (được coi là nền văn hóa có yếu tố phái sinh từ Ấn Độ, một nhánh nhỏ) và việc so đo khập khiễng này chứng tỏ sự sốt ruột và bất bình trước tốc độ chuyển mình của đất nước.

    2. Xin hãy thử khảo sát những yếu tố thành công của văn xuôi Ấn Độ qua cuốn tiểu thuyết mới nhất. Cọp trắng thành công nhờ một số điểm: chạm đến những vấn đề cốt lõi của nhân sinh, chọn được hình thức kể chuyện phù hợp và sử dụng một thứ ngôn ngữ thật đặc sắc.
    Không chỉ là cái nhìn về đất nước Ấn Độ hiện đại, tác giả cho thấy một cõi nhân sinh giống như cái chuồng gà giữa chợ: lũ gà “thấy ruột gan của anh em mình la liệt xung quanh. Chúng biết tiếp theo sẽ đến lượt chúng. Nhưng chúng không nổi loạn. Chúng không tìm cách thoát khỏi chuồng”.

    Hình ảnh cõi vô minh tăm tối này chỉ có thể thay đổi bằng quyết tâm giải phóng khỏi kiếp giam cầm, tự mình phải là một con cọp trắng - “loài vật mà trong rừng mỗi thế hệ chỉ có một con”. Sự vượt thoát, trớ trêu thay, lại cũng phải đè đầu cưỡi cổ người khác, thậm chí phải tiêu diệt sinh mạng khác.

    Sự thức tỉnh đương đại xem ra cũng là giễu cợt khi tác giả dẫn lời một người Bà La Môn hỏi xem Đức Phật là người hay là thần, và Người đã trả lời: “Không là gì cả. Ta chỉ là kẻ thức tỉnh trong khi các người còn say ngủ”.

    3. Vấn đề tham nhũng, vấn đề đẳng cấp, giàu nghèo và những xung đột về sắc tộc, tôn giáo... không chỉ là hình ảnh về một nước Ấn Độ hiện đại. Đúng hơn, nó là hình ảnh Ấn Độ theo cái nhìn phương Tây. Điều này là có lý, Aravind Adiga và những nhà văn Ấn Độ viết tiếng Anh đều là những người “Tây học” và “Âu hóa”, xuất thân trung lưu, họ không thể tránh được cái gọi là “bóng ma so sánh” - khái niệm của giáo sư chính trị học Mỹ Benedict Anderson: chủ nghĩa thực dân đã ra đi từ lâu, nhưng bóng ma so sánh vẫn ám ảnh giới trí thức bản địa. Họ nhìn đời sống đất nước mình trong sự so sánh theo những chuẩn mực Âu Mỹ. Không thể trách, và cũng có thể hiểu được trong thời đại toàn cầu hóa.

    Bản dịch Cọp trắng của Thi Trúc thanh thoát, lột tả được thứ văn hoạt, tự nhiên, hòa trộn giữa ngôn ngữ dân dã và cách lập luận trí thức, sự hài hước vừa Ấn vừa Âu của Aravind Adiga. Mới đây dịch giả Nham Hoa cũng đã làm được điều này với tiểu thuyết Di sản của mất mát của Kiran Desai. Như vậy là độc giả Việt Nam có được may mắn, nhờ công phu ngôn ngữ của các dịch giả, mặc dù khó có thể bàn đến ngôn ngữ của tác phẩm dịch vì dịch là mất văn (lost in translation). Nhưng từ đây cũng có thể thấy cá tính ngôn ngữ của các nhà văn Ấn mạnh mẽ đến mức có thể tràn qua công đoạn chuyển dịch để khi sang một ngôn ngữ khác vẫn giữ được ấn tượng.

    Ở Ấn Độ, tiếng Anh là ngôn ngữ của công sở, nhưng đất nước này có hàng trăm ngôn ngữ, trong đó 19 thứ tiếng phổ biến được công nhận là ngôn ngữ chính. Dòng văn học đa ngôn ngữ này được coi là sức sống của nền văn học Ấn, nhưng ảnh hưởng của nó khó vượt qua hàng rào ngôn ngữ. Văn học tiếng Anh, có thể bị kêu là văn học của giới trung lưu và sặc mùi bơ sữa phương Tây, lại đồng thời lớn mạnh không ngừng, có được người đọc trong hàng trăm triệu người trung lưu trên tiểu lục địa này và bây giờ có uy tín trên khắp thế giới.
     
  4. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Uầy, cám ơn chị Thanh nhiều nhiều!
    (✿ ♡‿♡)
    Dừ mới có dịp đọc được topic này. Note lại vài dòng cho nhớ. :D
    Tải epub xong rồi lại lên Goodreads đánh dấu Want to Read. Không thôi vài hôm sau lại quên! :p
     

Chia sẻ trang này