Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long - Nguyễn Khắc Bảo

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi Heoconmtv, 4/7/15.

  1. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long

    [​IMG]
    Tháng 12/2005, trong lần về Tiên Điền, Hà Tĩnh dự Lễ kỷ niệm 240 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, biết tôi là người Bắc Ninh, các cụ địa phương đã ngâm cho nghe đôi câu thơ - đối cổ:

    Trai Tiên Điền tinh anh Hồng Lĩnh
    Gái Kinh Bắc thanh sắc Tiêu Tương.
    Và tặng tôi cuốn "Hoan Châu - Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả".


    Ánh sáng từ cuốn gia phả

    "Cảo thơm lần giở" cuốn gia phả của gia tộc Đại thi hào Nguyễn Du, tôi như được lãng du về miền cổ tích và những trang tình sử thơ mộng. Cụ tổ 9 đời của Đại thi hào Nguyễn Du là Trạng nguyên Nguyễn Thiến (đỗ năm 1532) vốn quê xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là Hà Tây); có người cháu nội là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm, thời Lê Trung Hưng có dự mưu phục lại nhà Mạc, bị thua trận chạy về phương Nam, giấu hẳn tông tích, đến sinh cơ lập nghiệp tại Tiên Điền, trở thành người khai sáng ra dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Đến đời thứ 6 thì dòng họ này đã nổi tiếng với tiến sĩ khai khoa Nguyễn Nghiễm đỗ Hoàng giáp năm 1731 lúc 24 tuổi và Nguyễn Huệ (anh ruột Nguyễn Nghiễm, bác Nguyễn Du) đỗ tiến sĩ năm 1733.

    Cụ Nguyễn Nghiễm làm quan thời vua Lê - chúa Trịnh lên tới chức Tể tướng - Đại tư đồ, tước Xuân quận công. Quan Tể tướng giỏi ca trù, hát xướng ra Thăng Long nhậm chức đã say mê giọng ca quan họ của các liền chị ở vùng Kinh Bắc nên cưới thêm bà ba Trần Thị Tần, quê Hoa Thiều, Hương Mạc, Từ Sơn và sinh ra Thi hào Nguyễn Du. Bà tư Nguyễn Thị Xuyên, quê Hoàng Mai, Yên Dũng, Kinh Bắc sinh ra Nguyễn Quýnh.

    Nhưng thông tin đáng lưu ý nhất mà cuốn gia phả đã giục bước chân tôi đi điền dã là thân thế bà vợ thứ năm của cụ Tể tướng: "Nguyễn Trừ (1760-1809), anh trai thứ năm của Nguyễn Du vẫn lưu ở quê mẹ (con bà Trắc thất Nguyễn Thị Xuân; người xã Tiêu Sơn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

    Năm 1779, Trừ đỗ Tứ trường, thời Chiêu Thống được bổ Tri phủ Tam Đới, thời Gia Long được bổ Tri huyện Siêu Loại, thăng Tri phủ Kinh Môn, đổi làm Tri phủ Nam Sách. Năm Gia Long thứ 8 (1809), ông mắc bệnh và mất. Nguyễn Trừ có con trai Nguyễn Trù làm Tri phủ Vĩnh Tường; con gái Thị Uyên giỏi nghề thuốc được tuyển vào làm cung tần của vua Gia Long, rất được yêu quý".

    Như vậy cụ Nguyễn Trừ là Quốc trượng nhà Nguyễn (bố vợ vua) và Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long.

    Đôi câu đối nối mạch cội nguồn

    Trong ngôi nhà cổ làm bằng gỗ xoan, cột cái to vừa một người ôm, cấu trúc và hoa văn họa tiết kiểu cuối Lê, đầu Nguyễn, chúng tôi được 2 anh em cụ Nguyễn Thinh, 86 tuổi và cụ Nguyễn Thanh Bình, 67 tuổi, tiếp. Ngắm nhìn đôi câu đối cổ, nền gỗ sơn ta màu đen, chữ thếp vàng đã phôi pha treo hai bên bàn thờ cổ: Lưỡng triều danh tể tướng.

    Nhất thế đại nho sư (Tể tướng uy danh hai triều đại. Nhà nho lừng lẫy nhất một thời), chúng tôi vô cùng mừng rỡ vì đây chính là những từ ngữ hàm súc nhất mà người thời Lê - Trịnh đã ngợi ca dòng họ Nguyễn Tiên Điền, ghi nhận công lao cụ Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là Tể tướng kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám và con trai trưởng là tiến sĩ Nguyễn Khản cũng được giữ chức Nhập nhị Tham tụng (tương đương Tể tướng), Tả tư giảng (dạy chúa Trịnh học lúc còn là thế tử) và Tế tửu Quốc Tử Giám.

    Quan sát kỹ thì thấy ở đôi câu đối có 2 dòng lạc khoản:

    1, Long Phi Mậu Thìn thu

    2, Huân Mộc bái thư

    Xét tên tự người viết Huân Mộc hàm nghĩa là "Tắm gội bằng nước cỏ thơm" thì có thể hợp với cụ Nguyễn Trừ (1760-1809) con trai thứ năm của Nguyễn Nghiễm. Vậy năm làm đôi câu đối này có lẽ là năm Mậu Thìn 1808, lúc cụ Nguyễn Trừ đang là Tri phủ Nam Sách.

    Ngôi mộ quan Tri phủ Nam Sách bố vợ vua Gia Long

    Chúng tôi cùng 2 cụ Thinh và cụ Bình ra viếng mộ cụ Tổ khai lập nên chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Tương Giang) thì được đọc tấm bia đá cổ kích thước khoảng 30x50cm.

    Mặt trước khắc: Cố Nam Sách phủ tri phủ Nguyễn Hầu, Nghệ An trấn, Đức Thọ phủ, Tiên Điền xã nhân dã

    Mặt sau: Minh Mệnh thập nhất niên chính nguyệt cốc nhật phụng khắc ư Vĩnh Tường phủ công sở.

    Những thông tin này kết hợp với ghi chép trong "Hoan Châu - Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả" thật phù hợp và đủ để kết luận: Đây là ngôi mộ cụ Nguyễn Trừ - cố Tri phủ Nam Sách quê ở xã Tiên Điền, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An do Tri phủ Vĩnh Tường (con trai Nguyễn Trừ) khắc năm Minh Mệnh thập nhất (ngày lành tháng giêng năm 1830).

    Bức hoành phi do quan Chánh sứ của vua Càn Long tặng

    Trong lúc vui nói chuyện, gia tộc cho biết thêm, năm xưa các cụ còn một bức hoành phi nữa, nhưng do đời sau gia cảnh khó khăn nên đã bán mất, may mà đôi câu đối mang nội dung quá hiển hách nên không ai dám mua về, nên còn lưu giữ, được treo ở nhà thờ tổ đến nay. Tôi bàng hoàng sững sờ, xúc động và mừng khôn xiết khi thấy 4 chữ thếp vàng rực sáng trên cao: Dịch thế Thư hương (đời đời vinh quang nhờ văn chương sách vở).

    2 dòng lạc khoản là:

    Bên phải: Càn Long Tân Tỵ, lạp tiền nhất nhật sách phong Chánh sứ Đức Bảo đề.

    Bên trái: Minh Mệnh Giáp Ngọ... vọng phụng... ư Vĩnh Tường tân tu.

    Đối chiếu trong gia phả thấy chép: "Tháng 12 năm ấy (Tân Tỵ) sứ nhà Thanh sang sắc phong, Nguyễn Nghiễm được sai đến Thiều Dao công quán thăm hỏi, ông có làm thơ tặng Chánh sứ là Đức Bảo và Phó sứ là Cố Nhữ Tu. Hai người rất khen trọng và có họa đáp. Đức Bảo lại viết 4 chữ Dịch thế Thư hương tặng ông".

    Không còn nghi ngờ gì nữa, thông tin trong gia phả và bức hoành phi cổ thật trùng khớp, có thể kết luận chính xác rằng: Tại ngôi nhà cổ ở ngõ "Quan Phủ" thôn Hưng Phúc, xã Tương Giang, huyện Từ Sơn (xưa là Tiêu Sơn, Yên Phong, Kinh Bắc) do cụ Nguyễn Trừ (con trai Nguyễn Nghiễm, anh trai Đại thi hào Nguyễn Du) tạo dựng còn lưu giữ được một đôi câu đối cổ Lưỡng triều danh tể tướng. Nhất thế đại nho sư tạo tác năm Mậu Thìn 1808 và một bức hoành phi Dịch thế Thư hương do Chánh sứ của vua Càn Long và Đức Bảo viết tặng cụ Tể tướng Nguyễn Nghiễm vào trước tháng chạp năm Tân Tỵ (1761) một ngày.

    Bức hoành phi này chắc năm 1761 Chánh sứ Đức Bảo viết tặng vào giấy hoặc lụa, đến năm Minh Mệnh Giáp Ngọ (1834) cháu nội cụ Nguyễn Nghiễm là Nguyễn Trù làm Tri phủ Vĩnh Tường mới chuyển sang tân tu bằng gỗ sơn son thếp vàng như hiện treo ở nhà thờ họ Phạm.

    Chúng tôi đã thông báo những tư liệu trên cho ông Đinh Sỹ Hồng, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông Hồng đã cử 2 cán bộ là Lê Vân và Hồng Vinh ra Bắc Ninh cùng tôi về Tiêu Sơn thắp hương trước mộ cụ Nguyễn Trừ và chiêm ngưỡng, thẩm định các di vật văn hóa quý giá trên.

    Gia đình cụ Thinh và cụ Bình rất phấn khởi khi được chúng tôi và cán bộ Bảo tàng Nguyễn Du khẳng nhận chắp nối dòng họ Nguyễn Tiêu Sơn vào dòng đại tông Nguyễn Tiên Điền và gia tộc đã nhờ thợ giỏi làm phiên bản bức hoành phi và đôi câu đối cung tiến về nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền vào ngày 1 tháng 10 năm Đinh Hợi (10/11/2007).

    Bản Truyện Kiều chữ Nôm ở gia đình hậu duệ cụ Nguyễn Trừ

    Khi hỏi về sách vở của các quan phủ xưa, hậu duệ cụ Nguyễn Trừ cho biết: "Trước còn một cuốn gia phả, nhưng đến năm lụt 1971 thì thất lạc, may còn một cuốn Truyện Kiều nhưng cũng nát lắm rồi".

    Chúng tôi mừng rỡ khôn xiết, run run mở ra xem, thấy đây thực là một bản Truyện Kiều cổ, khắc ván in trên giấy bản, có kích thước 12x17cm.

    Cuốn Truyện Kiều chữ Nôm in theo cách khắc ván này bị mất hẳn 8 trang đầu, 7 trang cuối, các trang 9, 10, 11, 12 chỉ còn non nửa trang phía gáy sách. Nhận xét chung là bản Truyện Kiều sưu tầm được ở nhà cụ Nguyễn Trừ gọi là bản Tiêu Tương, hình thức giống các bản Kiều đời Tự Đức.

    Bản Kiều này ở câu 1728: Tuồng chi những giống bơ thờ quen thân.

    Câu 2066: Khen rằng khéo giống của nhà Hoạn nương.

    Và câu 1988: So vào với thiếp Lan Đình nào thua, lại còn quý hơn các bản Kiều cổ đời Tự Đức vì không viết kị húy tên vua Gia Long là Chủng (âm Nôm là Giống) và cũng chẳng kị húy chữ Lan là mẹ vua Gia Long. Việc kị húy vua Tự Đức cũng không được thực hiện nghiêm chỉnh. Từ đầu đến trang 102 không kị húy chữ Thì, Nhậm (tên húy vua Tự Đức); chỉ từ trang 103 trở đi mới khắc kiêng húy hai chữ trên. Do vậy có thể suy luận bản Truyện Kiều này khắc vào cuối đời Thiệu Trị, đầu đời Tự Đức (1847-1848), nghĩa là vào hàng cổ nhất trong số các bản Kiều sưu tập được hiện nay.

    Châu về Hợp Phố

    Cụ Bình tâm sự: “Thời gian trôi qua, chiến tranh lưu lạc, các cụ chúng tôi về quê ngoại sống đã lâu. Trước, nhà có giữ bản gia phả, nhưng sau bị thất lạc. Bây giờ quay về, chẳng có bằng chứng gì, sợ bị mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ, nên hàng năm đều tưởng nhớ, nhưng chẳng dám về”.

    Chúng tôi trân trọng tặng gia tộc bản "Hoan Châu - Nghi Tiên Nguyễn Gia thế phả", cụ Bình xúc động đón nhận và cho đánh máy tính lại toàn văn, sao nhiều bản, giao cho mỗi gia đình giữ một bản để "nối mạch cội nguồn".

    Họ Nguyễn Tiên Điền có dòng dõi từ Trạng nguyên Nguyễn Thiến đời nhà Mạc ở Canh Hoạch, trấn Sơn Nam; trải nhiều đời ở Hồng Lĩnh - Lam Giang vẫn nối tiếp được truyền thống khoa bảng, văn võ toàn tài của tổ tiên mà dân Hoan Châu đã ca ngợi.

    Bao giờ ngàn Hống hết cây
    Sông Lam hết nước, họ này hết quan.

    Đến đời cụ Hoàng giáp Tể tướng Nguyễn Nghiễm lại gắn bó với vùng Kinh Bắc để sinh thành ra cho dân tộc Đại thi hào Nguyễn Du mà người xứ Bắc vẫn nhắc nhở trong câu thành ngữ “Trai Tiên Điền - Hồng Lĩnh, Gái Kinh Bắc - Tiêu Tương”.

    Và nay, qua duyên may run rủi, chúng ta lại biết được tại Tiêu Sơn, Tương Giang, Từ Sơn, một nhánh của dòng họ Nguyễn Tiên Điền do Nguyễn Trừ (anh trai Nguyễn Du), lại là bố vợ vua Gia Long, từng làm Tri phủ Nam Sách, sinh con trai là Nguyễn Thích (Tri phủ Nguyễn Hưng, Nam Định), Nguyễn Trù (Tri phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và con gái là Nguyễn Thị Uyên, sau này là cung tần của vua Gia Long, đã nối tiếp xứng đáng truyền thống vẻ vang của gia tộc.

    Nguyễn Khắc Bảo
    (Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/7/15

Chia sẻ trang này