Phật Giáo Đình đền miếu quán chùa am - những nơi thờ tự vô vàn linh thiêng

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi tducchau, 23/2/14.

Moderators: mopie
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐÌNH ĐỀN MIẾU QUÁN CHÙA AM
    NHỮNG NƠI THỜ TỰ VÔ VÀN LINH THIÊNG


    Câu ca dao này thu thập khá đầy đủ những công trình kiến trúc về mặt tín ngưỡng ở làng quê Việt Nam. Có làng không đầy đủ sáu loại ấy, nhưng thường có thể có đến bốn năm công trình. Nhiều nơi dùng tên gọi hơi khác, song ý nghĩa và yêu cầu tín ngưỡng vẫn là chung.


    Đình làng

    Nông thôn Việt Nam, làng nào cũng có đình, có khi gọi tên khác mà công dụng vẫn là một. Một số làng ở trung du Thanh Hóa gọi là cái nghè. Nhiều nơi có ba bốn làng cùng xây dựng một cái đình chung. Ví dụ như những đình Ba Xã ở Nghệ Tĩnh, ở Thái Nguyên v.v…

    (1) Đình là nơi thờ vị Thành hoàng của làng (nhiều người gọi lầm là Thần hoàng). Đó là vị thần hoặc có công với làng, hoặc được làng rước về để coi sóc, giám sát về toàn diện cho đất đai, con người ở trong làng (*). Thành hoàng có thể là thiên thần, nhân thần v.v… Một làng có thể cùng thờ nhiều Thành hoàng.

    (2) Đình bao giờ cũng được chọn để xây dựng ở một nơi có quang cảnh trang nghiêm, sầm uất, thuận lợi cho việc đi lại của dân làng. Nhiều nơi biết chọn cho đình một địa điểm đẹp đẽ, chứng tỏ cách nhìn rất mỹ thuật. Sân đình thường là rộng rãi, thoáng mát, có cây cổ thụ xum xuê. Có những cái đình dựng cổng tam quan, hoặc xây những cột cửa nanh đồ sộ. Chung quanh đình của nhiều làng thường xây thêm những cái miếu thờ Thổ công, những nhà bia gọi là bia Hậu (để thờ những người già không có con cái đã gửi hậu để đóng góp cho làng). Khu vực như thế, có thể xem là cả một quần thể kiến trúc khiến cho đình làng thêm vẻ bề thế.

    (3) Thường thường một ngôi đình thường có hai phần. Phần ngoài gọi là bái đường, phần trong là nội tẩm.

    Nội tẩm là nơi đặt tượng Thành hoàng, đặt hòm sắc, lưu những tờ sắc chỉ của vua chúa các triều đại phong thần cho các vị Thành hoàng. Nội tẩm thường được đóng kín và các sắc chỉ này nếu không được phép thì phải giữ gìn không cho ai xem.

    Bái đường là chỗ rộng rãi hơn cả. Tùy theo trình độ và khuynh hướng xây dựng, có nơi xây thành hình vuông (người ta gọi là phương đình), có nơi thành hình chữ nhật. Thường được chia làm ba phần. Phần giữa là chỗ lễ bái, có đặt hương án và có chỗ rộng để tổ chức những cuộc hành lễ. Ngày hành lễ có các ông chủ tế, bồi tế cùng các chức sắc đều tề tựu ở gian giữa này, tiến hành các nghi thức rất có qui củ. Đó là gian chính cũng gọi là gian đại bái. Phía bên tay trái (theo chiều người đứng trong nhìn ra ngoài sân) là gian tả biên, là chỗ ngồi hội họp, hoặc chờ phiên hành lễ, của các quan viên chức sắc trong làng. Phía bên tay phải, gọi là gian hữu biên để cho những người dân khác và những người hầu lễ. Gian hữu biên này, còn là nơi để các kiệu, các loại cờ quạt sử dụng trong các ngày lễ. Hai bên hương án thờ còn có những giá để cắm các thứ binh khí phục vụ cho các ngày lễ như gươm. giáo, long đao, xà mâu và các cây phù hiệu dùng làm biển báo. Các thứ này gọi là đồ lễ bộ.

    Ở giáp với hàng hiên, ngay sát bái đường là chỗ để ba vật dùng làm hiệu lệnh (trong ngày lễ, hoặc ngày có việc). Đó là ba cái trống, chiêng, mõ đều được đặt trên giá rất nghiêm trang. Phía trong cùng bên góc tả biên là hàng ghế dành cho quan nhạc (tức phường bát âm) để sẵn sàng phục vụ nghi lễ.

    Việc trang trí ở các ngôi đình (cũng như các đền chùa) ngày xưa, không có nhưng tranh ảnh (sau này người ta thêm vào). Chủ yếu chỉ có những bức hoành phi (*) treo trên cao, nhìn xuống hương án và những câu đối (*). Những chữ viết ở đây thường sơn son thiếp vàng và rất có ý nghĩa ngợi ca, xưng tụng.

    (4) Sinh hoạt ở đình thường là rất phong phú:

    - Đình là nơi hội họp chung. Muốn nghe phổ biến điều gì, người dân đều được mời ra đình. Quan khách đến làng đều đến đình. Các viên chức sắc trong làng khi bàn bạc việc làng đều trung ở đình cả. Những làng có hương ước, thì vào dịp đầu năm, dân chúng phải tề tựu ở đình để nghe các ông tư văn đọc và giảng nội dung cho mọi người hiểu, nhớ và tuân theo.

    - Đình là nơi người dân gửi gắm niềm tin thiêng liêng vào các vị Thành hoàng của làng. Có những chuyện mắc mớ, mâu thuẫn không giải quyết, người ta đem nhau ra thể ở đình. Thi đỗ được chức tước, được làm một việc công ích gì cũng phải làm lễ để cáo với Thành hoàng.

    - Đình còn là nơi cho dân chúng trong làng đến thưởng thức và biểu diễn nghệ thuật. Những ngày hội lễ, đình là nơi để mở đầu các cuộc rước kiệu, đám rước từ đình đi ra khắp các ngõ trong làng, có khi rước sang cả các làng kết nghĩa hay ăn chạ với nhau. Mùa xuân, đình là nơi có các cuộc chơi đu, đánh cờ người. Nhiều làng thường có những buổi diễn xướng, diễn các trò: Tú Dân, Sĩ Nông Công Thương (tức các trò nghề). Sân đình là nơi để cho các đoàn nghệ thuật dân gian biểu diễn (không được diễn ở bái đường). Do đó mà có các hình thức như: Hát cửa đình, Chèo sân đình v.v…

    Nhưng đình cũng là nơi để phát sinh nhiều thói tệ. Ngồi vào đình là phải có chức sắc, có phẩm hàm, rồi do đó mà có sự tranh cạnh nhau, sinh ra nhiều cái xấu, phần lớn là chuyện ăn uống, chia chác lợi lộc. Bọn hương hào chức sắc ở đình thường bị gọi là phường xôi thịt. Cái góc chiếu đình trung đã từ lâu là một bằng chứng về sự lạc hậu, tha hóa của bọn ăn trên ngồi trốc trong làng. Đã có thời ta phải công kích mạt sát nặng lời, đến nỗi có tiếng kêu: Phá đình đi! Bỏ đình đi!

    (5) Nhưng thật ra hiện tượng đình làng về cơ bản không phải là xấu. Cái đình vẫn có phần tiêu biểu cho thuần phong mỹ tục Việt Nam và chứa đựng nhiều điều cần nghiên cứu khám phá cả về phần tâm linh và phần ý nghĩa xã hội. Đã có người đề xuất ý kiến, nên nghiên cứu về triết lý cái đình.


    Đền – Miếu

    Đền miếu là những công trình tín ngưỡng hoàn toàn của Việt Nam, của làng này, thôn nọ. Nó gắn chặt với lịch sử Việt Nam. Lịch sử Dân tộc và lịch sử địa phương.

    Có nhiều loại đền miếu ở Việt Nam:

    + Đền miếu thờ những thiên thần, nhân thần, thần Sấm Sét, thần Núi, thần Sông. Thần Cây, thần Cá v.v… Người ta hay gọi đây là các miếu: miếu Lã Công, miếu Hà Bá v.v…

    + Nhưng đa số là thờ Người. Gọi là thần là sự tôn vinh con người được nâng lên thành thần thánh. Thông minh chính trực vị chi thần. Ai không thông minh chính trực thì dân không thờ. Các vị thần như vậy thường được tôn vinh là Thánh. Và Đạo Thánh là một thứ tín ngưỡng riêng ở Việt Nam, mà còn ít người biết chú ý đến (*). Nhân dân ta hay nói: Chuông làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ.

    Các vị thánh thần này, thật ra là các anh hùng dân tộc, các nhân vật lịch sử của cả nước, cả các địa phương. Đến với các đền miếu Việt Nam. Là ta đến với lịch sử Việt Nam, cả chính sử và dã sử. Với các nhân vật sử này (nhất là trong huyền sử, dã sử) thì các nhà nghiên cứu còn phải đặt ra vấn đề xác minh nghiên cứu, nhưng nhân dân thì đều rất tôn thờ, rất thành kính. Có những sử sách không chép (như Tống Trân) hoặc các triều đại chính thống cho là kẻ phản nghịch (như Hoàng Công Chất) v.v… Có những thần không rõ thực hư như Phù Đổng, như bà Chúa Xứ v.v… vẫn được thờ cúng. Những người xứng đáng đều được thờ phụng mà không phải là mê tín chút nào.

    Tại các đền miếu như vậy, hàng năm vẫn có những cuộc thờ phụng lễ bái. Và kèm theo đó là có các lễ hội mở ra, để tôn vinh các thần thánh. Những ngày lễ hội có kèm theo nhiều cuộc rước xách vui chơi, có cả những hèm tục cần thiết cho việc nghiên cứu các thời đại.

    Đền miếu ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên có nhiều ngôi đền rất là tiêu biểu. Thí dụ:

    - Đền thờ Vua Hùng (đức tổ Hùng Vương) trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc địa phận Phong Châu tỉnh Phú Thọ. Có đến 700 nơi thờ tự vua Hùng trong cả nước.

    - Đền Cổ Loa thờ Thục An Dương Vương ở Đông Anh, thủ đô Hà Nội. Lễ hội Cổ Loa hàng năm rất lớn.

    - Đền Kiếp Bạc là một trong những nơi thờ chính Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Vị anh hùng chiến thắng quân Nguyên đã trở thành một vị thánh linh thiêng của Việt Nam. Kiếp Bạc nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

    - Đền Bố Vệ ở thành phố Thanh Hóa thờ các vua Lê có công dựng nước và giữ nước suốt 400 năm từ khi Lê Lợi lãnh đạo cuộc Lam Sơn khởi nghĩa.


    Chùa

    Ở nước ta, gần như huyện tỉnh (và cả xã thôn nữa) nơi nào cũng có chùa. Chùa gắn với làng, với đất nước. “Đất vua chùa làng, phong cảnh bụt” là như vậy. Chùa gắn chặt với thiên nhiên xứ sở, có núi rừng, sông suối, là nới có phong cảnh đẹp nhất ở địa phương. Chùa thường gắn với các sự tích dân tộc, sự tích quê hương. Chùa rất bình đị mà rất thâm nghiêm, gắn với tâm thức dân tộc.

    Khuôn viên, phong cảnh nhà chùa rất có tổ chức. Chùa có điện thờ Phật, nhà Tổ cho các sư ở, rồi còn có nhiều tháp. Các tháp đều có bia, ghi sự tích các nhà sư từ ngày thành lập. Chùa Bồ Đề (Việt Yên, Bắc Giang) có đến 87 tháp. Chùa có ao sen, có cây bồ đề. Cây bồ đề ở chùa Trấn Quốc là do tổng thống Prasat mang trao tay cho chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 24-03-1959 (*). Chùa có nhiều tượng Phật, tiêu biểu là tượng Cửu Long, tượng Triết Sơn, tượng Nát Bàn. Rồi còn có tượng Quan Thế Âm. Tượng Phật Bà, Văn Thù, Phổ Hiền v.v… Có những ngôi chùa như chùa Phật Tích, chùa Tây Phương có các tượng La Hán. Một số vua chúa và nhà sư trong nước cũng có tượng.

    Chùa là nơi các nhà sư tu hành, là chốn cho các đệ tử đến sinh hoạt. Dân ta theo đạo Phật từ những ngày trước công nguyên. Nước ta có nhiều thiền phái do những nhà sư nước ngoài đến tuyên truyền đạo và ở lại trụ trì. Riêng người Việt cũng tạo ra một Phật giáo Việt Nam riêng cho dân tộc mình. Đó là môn phái Trúc Lâm mà vị tổ sư là Điều Ngự Giác Hoàng, tức là vua Trần Nhân Tông. Cùng với vị vua sư trưởng này, còn có 2 vị nữa cũng được tôn là tổ môn phái Trúc Lâm. Đó là Trúc Lâm Tam Tổ. Điều Ngự Pháp Loa và Huyền Quang.

    Nhân dân ta thấm nhuần Phật Giáo. Từ những tiếng nói giao thiệp thông thường hay cầu khẩn thần linh (cả thần linh ngoài Phật giáo) đều dùng ngôn từ của Phật. Nam mô A Di Đà Phật là tiếng kết thúc buổi thỉnh cầu, hay lúc xin keo (xin đài âm dương), “Lạy cha ba lạy một quì, lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng” là thủ tục từ đạo Phật. Ngày rằm tháng 7 (*), ta có lễ Trung Nguyên đọc bài văn tế Thập loại chúng sinh để thấm thía với tinh thần nhân đạo của Phật.


    Quán

    Theo tín ngưỡng của mình, người Việt đã thành lập những nơi để thờ các bậc siêu trần. Chùa để thờ Phật, đền miếu để thờ thần, và quán để thờ các vị tiên thánh.

    Nhiều người không rõ tình hình như vậy, nên đã bị lẫn lộn. Thí dụ ở Hà Nội có con đường Quan Thánh là gọi lầm. Con đường ấy có nơi thờ một vị thánh là Thánh Trấn Vũ, đúng ra phải gọi là Quán Thánh (chữ quan có dấu sắc).

    Tại Hà Nội, còn có một quán nữa, cũng rất quen thuộc. Đó là quán Bích Câu, thờ cặp vợ chồng tiên là Tú Uyên, Giáng Kiều. Nhiều người cũng gọi lầm là đền Bích Câu. Thực ra trong sách vở có ghi rất đúng cái tên là Bích Câu đạo quán.

    Đạo Tiên ngày nay đã sa sút, nên cái tên quán không còn phổ biến nữa. Nhiều nơi người ta lấy danh hiệu của vùng thắng cảnh để gọi, lâu dần thành quen. Tại Nga Sơn Thanh Hóa có động Bích Đào, tại Ngũ Hành Sơn ở Quảng Nam Đà Nẵng có Thuyền Không động.


    Am

    Ở nhiều làng, những nơi tha ma mộ địa (chôn cất những người vô thừa nhận), người ta thường lập một nhà thờ, như dạng đền miếu, nhưng không được qui mô, không có nội điện, bái đường, gọi là am. Cách gọi đầy đủ là am chúng sinh, thường xây bệ lộ thiên. Danh từ của nhà chùa thì gọi là hàn lâm sở. Thường năm, vào ngày 15 tháng 7 (*), làng tổ chức lễ chiêu hồn (Thập loại chúng sinh) thì các chức sắc ra đó làm lễ, gọi là cúng bách linh. Nơi thờ này cũng là một bằng chứng về lòng nhân đạo của quần chúng, thông cảm với những linh hồn vô thừa nhận. Có làng cử người chăm sóc cái am này. Các buổi lễ cũng có hình thức nấu cháo đổ vài thìa cháo vào các lá đa bày trên mặt đất, mặt đường chung quanh am. Câu thơ của Nguyễn Du “Chết lại nhờ hớp cháo lá đa” là nói về việc ấy.

    Những cái am này thường là nơi vắng vẻ, thanh tịnh, có phần nào gợi không khí u tịch của người ẩn dật, do đó nhiều người thất chí hoặc có khuynh hướng thoát tục cũng ra ở am (không có hình thức cúng lễ). Thăng Long, có một nàng phi bị nhà vua ruồng bỏ, về lập cái am ở đó, sống những ngày tàn. Người ta gọi là am Cô Son (ở Thụy Khuê, đầu Hồ Tây bây giờ). Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thôi quan về lập am di dưỡng, dạy bảo học trò, cũng gọi chỗ ở của ông là am Bạch Vân.

    ...


    (Nt: Những nơi có (*) là những phần mở rộng sẽ được bổ túc thêm. Hiện tại, 'khổ chủ' còn đang tập hợp lại các sách vở, tài liệu... để 'gói ghém' làm một bộ ebook về Việt Nam Phong Tục Tập. Chủ yếu dẫn và theo: Mai Viên Đoàn Triển-An Nam Phong Tục Sách, Phan Kế Bính-Việt Nam Phong Tục, Toan Ánh-Nếp cũ, Vũ Ngọc Khánh-Việt Nam Phong Tục Toàn Biên, ... Trân trọng!)
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/1/15
    tungpham2610 and cfcbk like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    (*) CÂU ĐỐI Ở CÁC NHÀ THỜ


    Người Việt Nam ta có một phong tục đẹp là thường treo câu đối ở trong các nhà thờ. Câu đối là hai câu sóng đôi với nhau, mỗi câu có thể từ năm chữ đến mười, mười hai chữ hoặc dài hơn nữa. Chữ câu đối viết trên giấy, hay khắc trên gỗ thường là sơn son thiếp vàng, treo thẳng đứng, song song với nhau. Mỗi câu như vậy có thể là câu thơ hoặc câu phú dài, nắn, câu này chữ cuối là trắc thì câu kia chữ cuối là bằng. Câu đối để treo trong nhà, có thể treo ở phòng khách, có thể treo ở nhà thờ, có nhà treo ở cửa ngõ, hoặc ở chuồng trâu tùy thích. Câu đối phải treo dọc, chứ không xếp hàng ngang. Câu có chữ cuối vần trắc treo bên tay phải, có chữ bằng treo bên tay trái, (hoặc ngược lại tùy theo ý nghĩa). Đọc câu đối, người ta đọc câu bên tay phải trước rồi câu bên tay trái sau. Nếu ta để khác đi, thì người ngoài có thể chê là ta không biết gì về câu đối.

    Nói riêng về câu đối ở các nhà thờ họ, nhà thờ tổ tiên (từ đường). Đây là những câu đối để tôn vinh dòng họ. Thông thường, câu đối nhà nào cũng được treo làm hai vế:

    Công Tử
    đức tôn
    bách vạn
    niên đại
    duy kiến

    (Công đức cha ông trăm năm còn đó,
    Thế hệ con cháu muôn đời thấy đây).

    Hoặc là:

    Tổ Tử
    Tông hiếu
    Công tôn
    Đức hiền
    Thiên vạn
    Nhiên đại
    Thịnh xương​

    Có lẽ lời văn câu đối này đã có từ lâu lắm. Sách thần tích, phường Trích Sài (Hàm Long, Hà Nội) nói rằng, vào năm 1282, nhà sử học Lê Văn Hưu vâng lệnh vua Trần, đã đề ở đền Mục Thận (người giăng lưới bắt được Thái sư Lê Văn Thịnh để cứu vua Lí) mấy câu này:

    Tổ tông công đức thiên niên hỏa,
    Tử hiếu tôn hiền vạn thế hương.

    (Công đức tổ tiên ngàn năm lửa sáng,
    Cháu con hiếu thuận vạn thuở hương thơm).

    Sau này, các đời bắt chước, thay đổi vài chữ, có thể sử dụng ở tất cả các nhà thờ.

    Có khi câu đối treo ở nhà thờ lại có ngụ ý một cách sâu xa, kín đáo, mách bảo riêng cho các dòng họ một vấn đề về nguồn gốc, về gia phong.

    Vì hoàn cảnh lịch sử nhất định, nhiều nhà đã phải đổi họ, thay tên, tìm đi trốn tránh nơi xa, phải nghĩ cách truyền lại cho người đời sau gốc gác của họ nhà mình. Ví như trường hợp họ Mạc, sau khi bị nhà Lê Trịnh diệt (cuối thế kỉ XVI). Con cháu họ Mạc đều phải đổi thay nhiều họ khác nhau: ho Phan, Hoàng, Phạm, Thái, Nguyễn v.v… và di cư đi nhiều nơi trong cả nước, họ đã dùng câu đối để tìm nhau. Dòng họ Nguyễn ở Xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An, có câu đối ở từ đường:

    Phúc khang đại đồng thực lại nhất thành chân cảm,
    Gia đình yên lạc, toàn bằng tiên tổ chí linh.

    Nghĩa đen của câu đối là: mong cho cuộc sống chung vui hòa hợp, cùng có cảm tình chân thực với nhau, gia đình yên ổn, nhớ đến tiên tổ linh thiêng ngày trước. Nhưng sự thực, câu đối lại nhằm mách bảo những ai muốn tìm họ thì hãy tìm đến các địa danh, được ghép theo dụng ý riêng (mà không sai ý chung) để chỉ nơi có người trong họ. Đó là những chữ đại đồng, là xã Đại Đồng ở huyện Thanh Chương. Đó là chữ chân cảm, là xã Kẻ Gấm ở huyện Yên Thành, và chữ lạc, là làng Giai Lạc cũng ở huyện Yên Thành, còn bốn chữ cuối về sau, có thể hiểu là, tổ tiên ta là ở đất Chí Linh, tức huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Họ Mạc chính quê ở đó. Rất kín đáo mà vẫn rõ ràng. Quả là rất văn hóa!

    Lại còn có những câu đối tuy hoàn toàn cổ xưa, nhưng lại rất thích hợp với thời đại. Nhà thờ cụ Quả Ngôn (xã Hội Thống, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), có đôi câu đối:

    Kĩ nghệ văn minh tân thế vận,
    Kỉ cừu kế thuật cựu gia phong.

    Nghĩa là: phải theo tình hình xã hội vận động trong cuộc sống mà học tập theo kĩ nghệ văn minh. Nhưng phải tiếp tục phát huy nền nếp cũ của gia đình lao động từ xưa. (Con nhà làm cung tên, đan áo tơi không quên cách chằm, cách vót của ông cha).

    Những đôi câu đối treo ở các nhà thờ là những khẩu hiệu, những phương châm để dạy bảo một cách thường trực cho con cháu trong nhà: nhiều người thường chỉ nhớ chuyện trang trí theo cái đẹp hình thức, mà quên đi, hoặc không biết cái văn hóa đẹp của gia đình mình qua những câu đối như thế.


    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/2/14
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    (*) HOÀNH PHI


    Thật ra thì hoành phi là tiếng đã quen dùng, chứ nghĩa đen của nó chưa rõ lắm. Hoành phi là một tấm ván đặt ngang ở ngay gian giữa nhà, hoặc trên bàn thờ tổ tiên. Hoành phi được sơn son thiếp vàng, khắc chữ lớn. Khách vào nhà là nhìn ngay thấy mấy chữ trên hoành phi ngay trước mắt, trên đầu mình. Con cháu vào nhà thờ cũng nhìn thấy hoành phi trước nhất.

    Hoành phi thường được khắc lên đó hoặc hai chữ, hoặc ba chữ để chỉ rõ cái thanh danh, hoặc cái phương hướng của gia đình. Mấy chữ người ta thường dùng là:

    Đức lưu quang (đạo đức của gia đình sáng mãi)
    Minh đức viễn (đức của nhà này sáng xa)
    Chính thanh hòa (chính đại, trong sáng, hòa nhã)
    Mãn đường cát khánh (đầy nhà lành vui)​

    Những chữ khắc trên hoành phi treo ở bàn thờ gia đình là các chữ:

    Bản hồ tổ (gốc từ cụ tổ)
    Phục kỳ thủy (hướng về nguồn)
    Ẩm hà tư nguyên (uống nước nhớ nguồn)
    Tích thụ kim hoa (cây xưa hoa nay)
    Tổ cưng tôn bồi (tổ tiên gây dựng, con cháu bồi đắp)​

    Có khi hoành phi lại là mấy chữ để giới thiệu nhà thờ họ, nơi tụ hội của gia đình, hoặc giới thiệu tên của nhà thờ, của địa điểm phụng sự. Đền Hùng (Phú Thọ) có hoành phi đề mấy chữ:

    Triệu cơ vương tích
    (Di tích đức vua đầu tiên)​

    Ngoài cổng một ngôi chùa, có thê có bức hoành phi đề mấy chữ:

    Phật giáo hương lưu
    (Giáo lý của Phật như dòng chảy thơm hương)​

    ...
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    (*) THỜ TỔ LÀNG, THỜ THẦN LÀNG


    Người dân ta nhớ đến tổ tiên sinh ra gia đình, dòng họ của mình thì họ cũng thấy mình ở trong làng, phải biết ơn làng. Phải biết cái làng này lập ra từ bao giờ, ai lập ra nó. Vậy là họ nhớ đến các vị tổ của làng, và phải thờ vị tổ ấy.

    Các vị tổ này khi được thờ cúng gồm có hai loại:

    – Một là vị thành hoàng của làng. Làng nào cũng có thành hoàng. Đó là vị thần giám sát làng, coi sóc dân làng về mặt tâm linh. Thành hoàng có thể là thiên thần, có thể là nhân thần.

    Thí dụ các làng ở miền Nam Trung bộ đa số là thờ ông Nguyễn Phục. Các làng ngoài Bắc đa số thờ ông Tô Hiến Thành là thành hoàng.

    – Thành hoàng được xem là tổ làng. Rồi có những danh nhân của làng được nhà vua phong cho làm phúc thần. Những vị này đều là thần tổ của làng.

    – Cũng có những người không biết từ bao giờ đã về ở một địa điểm nhất định rồi hội với nhau lập gia đình, mở mang làng xóm. Dân chúng truyền đi và biết ơn họ, xem họ là tổ làng. Làng Hội Thống tỉnh Hà Tĩnh là do có nhóm 8 người về sinh sống lập ra làng. Dân làng thờ 8 vị là tổ làng. Tiến sĩ Vũ Thời Mẫn đã viết rõ trong bài thơ cúng:

    Nhớ xưa bảy họ tám người
    Lập thành dân xã, công nơi hải tần​


    *
    **

    (*) &, THẦN HOÀNG


    Người nào làm quan từ tam, tứ phẩm trở lên thì nhà vua ban sắc phong tặng cho cha mẹ, ông bà, cụ kị, tùy theo phẩm tước của mình như: nhứt phẩm thì được phong tặng tam đại, nhị phẩm thì được phong tặng nhị đại, tam tứ phẩm được phong tặng nhứt đại.

    Sắc của vua ban, đại để kể công trạng chức tước của người làm quan, rồi suy ân ra mà truy phong đến tiền đại. Phong về làng nào, dân làng ấy phải rước sắc về nhà chủ, rồi nhà chủ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ cáo gia miếu.

    Trước hết sao bản sắc của vua ra một tờ giấy vàng, cũng y như bản sắc chính. Hai bản ấy dựng vào một cái mâm, đặt trên hương án. Trên bàn thờ bày đủ đồ tế tự, người chủ đốt hương vào lễ, rồi tuyên đọc một bài văn kể duyên do tổ khảo được phong tặng, và được phong chức gì. Đoạn rồi tuyên đọc đến bản sắc. Xong thì đốt bản sao mà để bản nguyên lại thờ, cho nên gọi là Thần hoàng (đốt tờ sắc vàng).

    Tế lễ xong thì khoản đãi khách khứa, cũng như các việc ăn mừng.

    Xét cái điểm phong tặng này, chủ ý triều đình cốt để khuyên người làm con có tài đức thì tổ tiên cũng được gội nhuần mưa móc triều đình. Vậy thì mình hay bao nhiêu, cha ông mình lại được vinh hiển bấy nhiêu, mà nhớ đến công đức cha ông thì lại nên nhớ đền ơn vua, ơn nước càng nên hết lòng mà báo đáp ơn sâu.

    Điển này vừa bồi thực được nhân tài, mà lại duy trì được nhân tâm, thực là một điển rất trọng, tục ăn mừng phải lắm.
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    (*) SỰ THẦN


    Thần Hoàng – Mỗi làng phụng sự một vị Thần Hoàng, có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm, bảy vị tức gọi là Phúc thần. Phúc thần chia làm ba hạng:

    1- Thượng đẳng thần.
    2- Trung đẳng thần.
    3- Hạ đẳng thần.​


    Thượng đẳng thần là những thần Danh Sơn Đại Xuyên, và các bậc Thiên thần như Đông thiên vương, Sóc Thiên Vương, Sử Đồng Tử, Liễu Hạnh v.v…

    Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Hai là các vị Nhân thần như là Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, v.v… Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước, lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ.

    Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần.

    Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc những thần có chút linh dị, tới khi nhà vua sai kỳ tinh đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.

    Hạ đẳng thần dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.

    Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy thờ bạ, nơi thì thờ thần bán lợn, nơi thì thờ thần trẻ conthần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết, v.v… Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân ngu xuẩn tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì.


    Đình miếu – Mỗi làng thờ thần phải có một tòa miếu. Có nơi thì vừa có miếu vừa có đình. Làng nào to thì mỗi thôn lại có lập riêng một đình.

    Miếu là chỗ quỷ thần bằng y, đình là nơi thờ vọng và để làm nơi công sở cho dân hội họp.

    Miếu thường hay kén những nơi đất thắng cảnh, nhất là trên gò cao, hoặc nơi gần hồ to sông lớn thì mới hay. Đình thì tùy chỗ nào trung độ, tiện cho dân lành hội họp thì thôi. Đình và miếu thường giồng nhiều cây cối cho sầm uất, nơi nào lắm cổ thụ, tức là nơi thắng cảnh và là đình miếu rất lâu đời.

    Đình miếu cũng theo một kiểu mẫu chỉ khác nhau to với nhỏ mà thôi. Đại để đình miếu nào cũng có một nội điện là chỗ rất thâm nghiêm, để an phụng thần vị. Ở ngoài thì nhà đại bái, chia làm ba khoảng: khoảng giữa gọi là trung đình, để làm nơi tế tự, và các người có ngôi thứ cao mới được ngồi. Hai bên gọi là tả gian, hữu gian, ở trong có bàn thờ thổ công, hoặc thờ bộ hạ của thần, hoặc thờ hậu thần, ở ngoài thì làm chõ cho tư văn, hàng giáp ngồi giải lao.

    Đình nhiều nơi làm rộng rãi đến năm bảy gian, tám chín gian, cột to tới hai người ôm. Các dân xã lớn, đình miếu nguy nga, cột sơn son vẽ rồng, dui hoành trổ chạm sơn thiếp, hoành biển, cửa võng rực rỡ trang hoàng.

    Phía ngoài nhà đại bái có hai bàn tả mạc, hữu mạc, tục gọi là hai dãy muống, để làm chỗ quan viên áo mũ vào tế và để khi có việc to thì lấy chỗ ngồi.

    Ngoài cùng là cửa tam quan, làm cách tôn nghiêm rộng rãi, tường hoa cột trụ, xây đắp chung quanh. Hai bên vách tường, nhiều nơi đắp con rồng con cọp, hoặc vẽ hình đôi võ tướng cầm long đao, hoặc vẽ voi, vẽ ngựa, hoặc làm voi đá đứng đối bên, trên đầu cột trụ thì xây đắp con sấu sành.


    Đồ phụng sự - Mỗi vị thần có một bài vị an phụng vào một bộ long ngai, hoặc an phụng ở trong long khám. Bình nhật để khi có việc hội hè thì phong áo mũ đai mãng đại trào để thờ hoặc rước. Vị thần nào có sắc phong thì dùng các chữ mỹ tự trong lòng sắp làm duệ hiệu của thần. Phải có hòm sắc để chứa sắc, có kim sách để ghi chép sự tích của thần. Còn đồ thờ như đồ tam sự, ngũ sự, đài rượu, quả trầu thì cũng đồ thờ tư gia. Ngoại giả thì đại để các đồ nghi trượng, loan giá, lộ bộ như long kiệu, long đình, cờ quạt, tàn tán, bát bỉu, gươm trường, biển tĩnh túc, biển hồi ty, tay văn, tay võ, dùi đồng phủ việt, chiêng trống v.v…

    Có nơi làm đôi hạc gỗ đứng chầu đôi bên cửa điện.

    Có nơi làm đôi ngựa gỗ hoặc hai con voi rút bằng mây để thờ.


    Tự điền tự trạch – Mỗi làng phải để riêng mấy mẫu ruộng làm tự điền. Hoặc có hồ có đầm riêng của làng thì để làm tự trạch mỗi năm lấy hoa lợi, ngư lợi ở đó ra mà cúng vào việc tế tự. Làng nào không có tự điền, tự trạch thì lấy vào khoản công nho nào đó hoặc phải đóng góp với nhau.


    Người thủ từ - Mỗi đình miếu làng cắt một người thủ từ. Người thủ từ ấy phải ngày đêm ở luôn chốn đình miếu, coi việc đèn hương, giữ đồ phụng sự và coi việc sai táo cho được sạch sẽ. Nhiều nơi bắt người thủ từ phải chay sạch, không được ở gần đàn bà. Cũng có nơi thì cho người thủ từ đem cả vợ con đến ở gian ngoài, trông nom trồng trọt những đất chung quanh mà kiếm ăn.

    Ngưới thủ từ được hưởng hoa lợi ở chỗ đình miếu và được phép miễn trừ sưu thuế tạp dịch. Nơi nào lắm linh tích, thiên hạ khách khứa đến lễ bái đông, thì người thủ từ lại được hưởng nhiều lộc thánh.

    *
    * *​

    Xét về cái tục thờ Thần Hoàng này từ đời Tam quốc trở về vẫn đã có, nhưng ngày xưa thì nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần Hoàng ở Thành Đô, kế đến nhà Tống, nhà Minh thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.

    Nước ta thuở bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành lắm rồi.

    Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên ấy để làm chủ tể cho việc ấm tí một phương mà thôi. Kế sau triều đình tinh biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình. Làng nào có sẵn anh hùng hào kiệt mất đi rồi thì thờ ngay người ấy, làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về nhà thờ. Hoặc nơi thì nhân việc mộng mị, việc bói khoa, việc tá khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là thiêng liêng mà xin duệ hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập, trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần.

    Tổng chi là dân ta tin rằng: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh.

    Quỷ thần là việc u minh huyền viễn, cũng chưa dám chắc thế nào mà nói được. Nhưng xét hai chữ quỷ thần của Thánh hiền đặt ra, thần là gì? Thần nghĩa là thần diệu, quỷ là gì? Quỷ nghĩa là quỷ tàng. Chỉ là nói cái lẽ tạo hóa huyền diệu, lúc đương không tự nhiên hóa có, thế là khéo, cho nên gọi là thần, khi đang có tự nhiên hóa không, thế là vẽ, cho nên gọi là quỷ. Vậy thì nói cái lẽ như thế mà thôi, chớ không phải có quỷ thần thực. Và thánh nhân có dạy rằng: “Vị tri sinh, yên tri tả. Vị tri sự nhân, yên tri sự quỷ”, nghĩa là sự sống còn chưa biết hết, đã biết thế nào được sự chết, việc ăn ở với người còn chưa xong, đã biết thế nào mà thờ quỷ thần. Cứ như lời ấy thì ý thánh nhân cũng không muốn cho người ta nói đến việc quỷ thần. Ngài nói rằng: “Kính quỷ thần nhi viễn chi”, nghĩa là quỷ thần vẫn kính nhưng phải xa đi mới được. Lời ấy thì lại có ý khuyên người ta không nên thờ nhảm.

    Vả lại muôn sự ở đời, do ở sức người làm ra mới gọi là tài trí, nếu cứ cậy về quỷ thần thì sức người chẳng hóa ra hèn đốn lắm ru?

    Xem như các nước Âu châu, trừ ra thờ Giáo tổ là để tỏ lòng kỷ niệm, còn không có thờ đến thần thánh nào, không phải nhờ đến sức âm phù mặc hộ bao giờ, vậy sao mà nước nào cũng thịnh vượng, dân nào cũng phú cường. Mà Á Đông này thờ thần thành kính là thế, sao thần lại chẳng phù hộ cho giàu mạnh bằng các nước đó? Một lẽ ấy đủ làm chứng cho sự ta tin nhảm.

    Thiết tưởng chỉ những miếu trung thần nghĩa sĩ và những miếu những bậc đại anh hùng hào kiệt, thì mới đáng nên thờ. Mà thờ thì là để tỏ cái lòng kỷ niệm, chớ không phải thờ mà cầu phúc. Ta nên coi cái miếu đó như một tượng đồng của người Âu châu.


    (Theo Phan Kế Bính - VIỆT NAM PHONG TỤC: "Nói về phong tục hương đảng")​
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/2/14
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    (*) THẦN SỐNG


    Các vị Thiên thần không kể, các Nhân thần thường chỉ được người ta thờ phụng khi đã chết; tuy vậy, cũng có nhiều người được dân làng một thôn xã nào đó tôn thờ ngay từ lúc sống. Việc nghe tưởng như vô lý, nhưng sự thật đã có như vậy.

    Hoàng Cao Khải khi lập ra ấp Thái Hà, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) đã được dân ấp này lập đền thờ. Đành rằng đây chỉ là một sự bắt buộc của Hoàng, lúc đó Hoàng đang có thế lực, nhưng sự thờ Hoàng ngay lúc sinh thời đã là một sự kiện, và sau khi Hoàng chết, dân Thái Hà ấp vẫn tiếp tục việc thờ phụng.

    Có thể việc thờ Hoàng ngay từ khi còn sống do một thiểu số được Hoàng xúi dục và đã chịu ơn Hoàng, đứng lên chủ trương và được dân ấp nghe theo, vì dù sao Hoàng cũng đã làm được đôi ba việc có lợi cho dân ấp này.

    Việc dân ấp Thái Hà thờ Hoàng Cao Khải nhiều người biết.

    Dưới đây tôi xin đơn cử một thí dụ thứ hai về việc thờ thần sống.

    Việc này xảy ra tại Khai Quang, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên, tôi đã hân hạnh quen biết vị Thần sống này.

    Làng Khai Quang ở sát ngay gần tỉnh lỵ Vĩnh Yên về phía Nam. Làng có một ngôi đền, dựng bên Quốc lộ số 4, từ Hà Nội đi Hà Giang, về mé tay phải, cách Vĩnh Yên vào khoảng ba cây số. Đền dựng lên trên một thửa đất, chung quanh có cây cối, trông mặt ra quốc lộ.

    Xưa nay đền vẫn thờ vị Thành Hoàng, rất tiếc tác giả không được rõ thần tích của vị này.

    Hồi đó vào khoảng năm 1938 hoặc 1940. Tại thị xã Vĩnh Yên ở xóm Dinh có ông Nguyễn Đình Cận, người hiền lành làm nghề nuôi dê vắt sữa.

    Hàng ngày ông chăn đàn dê ở khu rừng Khai Quang, nói là rừng thì không đúng hẳn, vì Khai Quang thuộc về Trung du, ruộng đất lúa không tốt mấy, có nhiều đồi, và trên những ngọn đồi này có những cây nhỏ rất tiện cho dê ăn.

    Chăn dê, ông thường đi qua quốc lộ số 4 nơi có đền thờ của làng Khai Quang. Người ta thuật lại rằng, mỗi lần ông đi qua ngôi đền lại đổ nhào về phía trước.

    Lần đầu tiên, người thủ từ trong coi đền thấy ngai đổ, cho là có con vật gì chạy qua đụng chạm mạnh nên ngai đổ xuống. Rồi năm bảy lần như vậy, người thủ từ không khỏi không chú ý và lấy làm lạ. Ông ta về sau để ý cứ thấy mỗi lần ông Cận dắt đàn dê đi qua ngai trong đền lại đổ.

    Ông tường trình cùng hương lý mọi sự. Hương lý cùng các cụ họp bàn và làm lễ khấn xin đức Thành Hoàng báo mộng để cho dân làng biết lý do việc ngai đổ.

    Việc cầu xin của dân làng đã ứng nghiệm. Ông tiên chỉ đã được thần linh báo mộng. Thần nhân đây chính là vị Thành Hoàng của làng Khai Quang. Thần nhân báo mộng đã được Thượng đế triệu về Thiên đình giữ chức vụ khác, còn tại xã Khai Quang sẽ có ông Nguyễn Đình Cận thay thế. Ông Nguyễn Đình Cận được chỉ định làm Thành Hoàng xã Khai Quang và dân làng phải đón ông Cận về thờ để tránh mọi sự không tốt đẹp có thể xảy ra được vì thiếu vị Thành Hoàng. Chính vì vậy mà mỗi khi ông Cận đi qua đền làng thì ngai thần đổ, trong lúc đó vị Thần Hoàng cũ phải chạy vội vã ra đón vị Thành Hoàng mới. Ngai đổ chỉ là một điềm báo cho dân làng Khai Quang biết.

    Ông Tiên chỉ thuật lại giấc mộng cho hương chức trong làng hay. Sau nhiều buổi họp với các bô lão, dân làng vẫn chưa quyết định. Trong khi đó mỗi khi ông Nguyễn Đình Cận lùa đàn dê đi qua đền làng, chiếc ngai thần lại cứ đổ ra đằng trước.

    Các vị hương chức đã bàn đi bàn lại về việc này. Tự nhiên làng rước một anh chăn dê về thờ còn ra thể thống gì nữa. Các làng lân cận sẽ chê cười, và một anh chăn dê thì giúp đỡ bảo vệ làm sao được cho dân làng chống lại ma quỷ cũng như bất cứ cái gì.

    Dân làng chần chừ. Giữa lúc ấy, trong làng xảy ra rất nhiều biến cố: cháy nhà, lục súc chết, các vị tai mắt trong làng ốm đau, giếng làng bỗng nhiên bị lấp v.v…

    Các bô lão và các vị hương chức phải cùng nhau cấp tốc hội họp. Rồi cho người đi xem bói. Quẻ bói ứng ra là động vì làng không có một vị thần linh cai quản.

    Lần này dân làng phải quyết định. Dân làng mua cơi trầu và đồ lễ, cử một phái đoàn lên tỉnh gặp ông Nguyễn Đình Cận. Thấy những người này tới với những đồ lễ, ông Nguyễn Đình Cận ngạc nhiên. Mọi người trình bày sự thể và xin ông Cận làm Thành Hoàng cho xã Khai Quang. Ông Cận giẫy nẩy người từ chối, ông tự cho mình không có phúc đức và tự làm thần như vậy sẽ phải tội với trời đất. Phái đoàn dân xã Khai Quang năn nỉ, nhất định xin ông vui lòng giúp đỡ dân làng nhận cho chức Thành Hoàng. Ông Cận vẫn một mực từ chối. Phái đoàn phải đi về nhưng sau lại trở lại và mời thêm các cụ già tới kêu nài với ông Cận. Thấy mọi người cố sức nài nỉ, ông Cận muốn được yên thân cho xong chuyện, phải bằng lòng nhận lời cầu khẩn của dân làng Khai Quang.

    Dân làng xin ông tên họ ngày sinh tháng đẻ về lập bài vị thờ.

    Thật lạ lùng! Từ ngày đó làng Khai Quang trở lại bình yên. Ông Cận vẫn giữ việc chăn dê và vẫn lùa đàn dê đi qua đình làng Khai Quang, nhưng kể từ ngày dân làng lập bài vị thờ ông, khi ông đi qua, ngai thần không bị đổ nữa.

    Dân làng Khai Quang muốn mời ông về làng để phụng dưỡng và xin ông bỏ nghề chăn dê nhưng ông không chịu. Ông cứ đi chăn dê và cứ sống theo nghề riêng của mình, mặc những lời cầu khẩn của xã Khai Quang.

    Làm Thành Hoàng xã Khai Quang ông Cận luôn luôn được dân làng mang lễ vật tới dâng.

    Mỗi khi trong làng có cúng tế, lại có người mang lễ vật tới dâng ông từ hôm trước xin ông ngày hôm sau, nằm ngủ vào lúc làng tế lễ.

    Ông Cận làm Thành Hoàng làng Khai Quang như vậy cho đến năm 1945. Việc này, chính các viên công sứ và tuần phủ tỉnh Vĩnh Yên đều lưu ý tới và lấy làm lạ. Lúc đầu bọn họ cho là ông Cận bày đặt ra để mưu toan một việc chính trị gì, nhưng sau khi dò xét kỹ lưỡng, họ đã mất hết lòng nghi ngờ và chỉ cho đây là một việc thần bí không giải thích được.

    Ngày nay có thể ông Nguyễn Đình Cận vẫn còn sống nhưng việc thờ phụng ông tại làng Khai Quang với mọi biến chuyển của thời thế không biết có còn chăng?


    (Theo Toan Ánh – NẾP CŨ: “Tín ngưỡng Việt Nam – Quyển THƯỢNG")​
     
    cfcbk thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    (*) LỄ VU LAN


    Lễ Vu Lan là một lễ của nhà Phật nhằm ngày 15 tháng 7 âm lịch.

    Vu lan chính là cái chậu dùng để chứa đựng những hoa quả phẩm vật dâng cúng – Bởi vậy, muốn gọi đúng phải gọi là lễ Vu Lan bồn.

    Lễ Vu Lan bồn tức là lễ dâng các phẩm vật đựng trong chiếc Vu Lan để cúng chư Tăng với mục đích cầu xin cho vong hồn người thân của mình được thoát khỏi nơi địa ngục.

    Sự tích lễ Vu Lan có từ khi Đức Phật còn tạ thế.

    Trong bọn đệ tử vẫn tháp tùng Đức Phật có ngài Mục Liên là một vị Tôn giả đã tu được nhiều thần thông. Một bữa ngài Mục Liên dùng thiên lí nhỡn thấy thân mẫu ngài dưới địa ngục phải đọa làm quỷ đói khổ sở.

    Ngài liền dùng phép mầu mang cơm xuống địa ngục cho mẹ, nhưng ác thay, mỗi khi tay bà mẹ, bà Thanh Đề, chìa ra nhận cơm thì cơm biến thành khối lửa không sao ăn nổi. Không làm sao cho mẹ ăn được, ngài Mục Liên quay về kêu van Đức Phật. Phật dạy rằng: ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ, nên sắm sửa hoa thơm quả ngọt để vào chiếc chậu Vu Lan mang đến cúng dâng chư tăng, ăn mày uy đức của chư tăng để chuyển nghiệp tham si nơi vong nhân, mới mong cứu thoát được vong nhân khỏi địa ngục. Ngài Mục Liên tuân theo lời Phật dạy quả nhiên cứu mẹ khỏi âm cung.

    Từ đó về sau các Phật giáo đồ căn cứ vào lời Phật dạy cử hành lễ Vu Lan cầu Phá địa ngục.

    Qua sự tích trên ta thấy rằng việc phá ngục không phải do một mệnh lệnh của một quyền lực nào mà chỉ nhờ vào uy đức chư Tăng chuyển nghiệp tham si nơi vong nhân mà vong nhân thoát khỏi nơi địa ngục. Chính Đức Phật cũng đã nói rằng: Thần thông bất năng định nghiệp, nghĩa là phép thần thông không thể định nghiệp cho ai được.

    Phật có thể dạy cho biết cách thoát khỏi địa ngục, nhưng muốn thoát được cần phải theo đúng lời Phật dạy, nghĩa là chính vong nhân phải tự chuyển nghiệp lấy cho mình để tìm thấy con đường thoát khỏi địa ngục.

    Như ở trên đã nói địa ngục hay thiên đường đều do mình tự tạo ra và đều ở trong lòng mình hết. Mình là thủ phạm gây ra tội ác, phải chính mình có chuyển nghiệp mới cứu nổi mình. Chuyển nghiệp để phá tan gốc rễ của tội ác, do đó mà vong nhân thoát khỏi được nơi địa ngục.

    Như vậy phá địa ngục không phải dùng một sức mạnh nào ở ngoài phá vào mà phải phá từ trong phá ra tức là làm thế nào cho tội nhân chuyển được thức tâm thành thánh chí.

    Công đức lớn lao khó khăn ấy, chuyển thức tâm thành thánh chí của tội nhân, Phật đã trông cậy vào chư Tăng vì:

    - Phật đã đưa ra những điều cần thi hành, mà những điều này phải nhờ sự gia hộ của chư Tăng mới chuyển nổi nghiệp thức nơi chúng sinh.

    - Phật muốn khi nào Phật không còn tại thế nữa, pháp môn Vu Lan vẫn có thể thi hành được, mà chỉ cần có hai ngôi Tăng và Pháp là đủ.

    Thứ vị quan trọng nhất trong nghi thức Vu Lan, chính là chư Tăng, nhưng cũng cần phải có thời cơ thuận tiện để chư Tăng thi hành công quả của mình: đó là lúc chư Tăng họp nhau trong khóa hạ, và khóa hạ vừa mãn, nghĩa là vào ngày Tự Tứ, lúc ấy chư Tăng ai nấy hoan hỉ để bố thí công đức. Do đó ngày rằm tháng bảy là ngày thuận tiện để cử hành lễ Vu Lan.

    Ngoài ra, lễ Vu Lan đòi hỏi một hằng tâm nơi tín chủ, nhiều ít lễ vật để dâng cúng chư Tăng – xin nhấn mạnh đây là cúng chư Tăng, chứ không phải dâng cúng Phật, vì ở đây không phải Đức Phật nhận trách nhiệm.

    Tín chủ dâng lễ cho các thầy, các thầy đem dâng Phật trước khi thọ thí đó là việc của các thầy, còn tín chủ chỉ tuân theo giáo pháp của Đức Phật cúng dâng chư Tăng để chư Tăng hoan hỉ chuyển pháp luân siêu thăng cho các vong hồn đang bị giam nơi địa ngục.

    Ở đây, việc cúng dâng chư Tăng không giống như dâng lễ để nhờ việc, nghĩa là nôm na, là không phải để trả công chư Tăng.

    Việc cúng dâng chư Tăng là một pháp môn rất mầu nhiệm, càng thành kính bao nhiêu, kết quả càng tốt đẹp bấy nhiêu. Của mình đem dâng cho người, phải kính cẩn cầu xin để người nhận cho, có vậy mới là lòng thành của tín chủ. Cử chỉ này là một việc làm giảm bớt tham lam sân si, một hành động đánh tan sự kiêu ngạo của tín đồ, và đó chính là một pháp môn để tiêu tội và tăng đức hạnh.

    Về phía chư Tăng đây là cả một sự khó khăn, vì nhận của cúng dâng tức là nhận tội thay tín chủ, và muốn như vậy, phải có công đức tu hành.

    Nếu cúng dâng gặp phải sãi chùa thiếu công đức tu hành, việc cúng dâng sẽ không có ích lợi gì mà sãi chùa thêm mang tội.

    Chính vì e sự cúng dâng gặp phải sãi chùa thiếu công đức cho nên lễ Vu Lan phải đợi ngày Tự Tứ, ngày các chư Tăng hội họp đủ mặt, có kẻ dở cũng có người hay, người hay sẽ lấy công đức tu hành của mình át kẻ dở, và đem lại kết quả trong việc cúng dâng, nghĩa là chuyển được nghiệp cho các vong nhân.

    Hơn nữa trong chư Tăng, theo giáo lý nhà Phật, gồm cả phàm Tăng, hiền Tăng và thánh Tăng. Thánh Tăng là các vị Bồ tát, đệ tử của Đức Phật, nguyện ở lại trong đời đô hóa chúng sinh.

    Hiền Tăng là các vị đã tu qua nhiều kiếp và đã luôn luôn trau dồi đức hạnh qua các kiếp.

    Phàm Tăng là các vị sư thụ giới tỳ kheo để trau giồi đức hạnh, tu theo đúng lời Phật dạy.

    Vả chăng Tăng Bảo là một ngôi oai đức lớn nên chư Tăng trong lễ Vu Lan đủ đức để chuyển nghiệp cho vong nhân tội lỗi, và như vậy khế hợp với đại nguyện của Chư Phật.

    Về phía tín chủ, thành tín dâng hương là khế hợp với sở cầu của chúng sinh.

    Tất cả các nghi trên thi hành đúng phép làm chấn động cõi U minh, rọi ánh sáng trí tuệ vào thức tâm tăm tối của bọn tội nhân, khiến cho họ tỉnh giác mộng dị sinh, và tỉnh giấc mộng này, tự họ đã cứu được họ.

    Mỗi chúng sinh nơi U minh phải riêng đón ánh tuệ quang chứ không ai giúp hộ được, kể cả Đức Phật. Chúng sinh đón được nhiều hay ít hay không đón được không phải do một sự chọn lọc nào đó mà chính do nguyên lực của thân nhân họ có đi sâu được tới họ, có cảm được đến họ hay không, do đức của chư Tăng có đầy đủ hay không và do nghiệp báo dày mỏng của chính tội nhân. Tâm chúng sinh có động, nghiệp mới chuyển và họ mới được giải thoát.

    Qua các điểm trình bày trên, ta thấy rằng:

    - Về phía tín chủ, đức tin rất cần thiết để cầu xin cho ông bà, ch mẹ được siêu thăng nhờ pháp môn Vu Lan: tín chủ phải tin ở phép Phật, tin ở nhân quả thiện ác, tin ở giáo lý nhà Phật.

    Đức tin đã khiến tất cả tâm hồn được quyện thành một nguồn thương không phân biệt thân sơ, một suối hỷ xả không bờ bến, điều kiện.

    Phẩm vật trong chậu Vu Lan, chỉ tượng trưng cho đức tin.

    - Về phần chư Phật, không đức Phật nào thủ vai trò mở cửa ngục hay ra lệnh cho kẻ khác mở cửa ngục. Vả lại nói Phật không phải chỉ là một vị Phật nào, mà là Phật của cả mười phương, của cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

    *​

    Có chúng sinh nên mới có Phật. Phật nguyện cứu độ hết chúng sinh để chúng sinh cũng thành Phật, và lúc đó giữa Phật và chúng sinh không còn gì là phân biệt nữa. Do đó, danh từ Phật chỉ là giả danh và Phật pháp cũng chỉ là giả lập để tận độ chúng sinh, theo ý nguyện của mười phương chư Phật.

    Đối với chúng sinh nào Phật cũng nguyện độ cho hết tội lỗi, và mọi chúng sinh đều có thể đón nhận Phật pháp, và sự đón nhận sẽ được thành tựu khi nào mỗi chúng sinh đều rõ ràng mình với Phật cùng một thể, mê là chúng sinh, tỉnh là Phật.

    Ngoài ra, mỗi chúng sinh còn phải nhận thấy rằng mình với mọi chúng sinh khác cũng đồng một thể. Khi một chúng sinh cần Phật thì phải nghĩ rằng mình hành động vì toàn thể chúng sinh khác và phải cảm thấy rằng việc cầu khẩn của mình là việc cầu khẩn của tất cả chúng sinh mười phương. Như vậy, một chúng sinh không phải chỉ có cái sức mạnh của riêng mình, mà đã có cái sức mạnh của cả chúng sinh mười phương, vì lẽ rằng đây không phải riêng bản ngã cá nhân mà đây là bản thể pháp giới. Nhờ vậy cái nguyện lực đồng thể vi ngưỡng sẽ vô biên như pháp giới.

    Đồng thể vi ngưỡng nơi chúng sinh, đồng nguyện thùy từ nơi chư Phật nên từ bi đã thành một phương tiện viên mãn nó hàm cả đại giác, đại hùng, đại lực và nó thành tựu tất cả mọi món công đức.

    Lẽ tất nhiên trước cái diệu lực đại Từ Bi ấy, thức tâm của từ nhân thức dậy khiến tù ngục thành không còn nữa, và tù nhân đã tự giải thoát.

    *​

    Lễ Vu Lan cử hành vào rằm tháng bảy hàng năm. Các chúng sinh muốn được giải thoát phải có chuyển nghiệp và phải chính chúng sinh tỉnh ngộ nhờ nghi thức lễ Vu Lan.

    Lễ Vu Lan tại nước ta ngoài ý nghĩa dùng Từ Bi làm một phương tiện phá ngục, còn là Tết Trung Nguyên.

    Theo Phan Kế Bính thì ta thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mất, cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy.

    Sở dĩ như vậy vì ta nghĩ rằng trong ngày hôm ấy, vong hồn các tổ tiên ta được tha tội, có thể trở về cõi trần hưởng lễ của con cháu cúng kiến…
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/2/14
    cfcbk, golddragon and canaximuoi like this.
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này