"Người dịch" nào uy tín trên thị trường sách dịch hiện nay?

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi thomas, 2/3/15.

Moderators: Cát Cát
  1. thomas

    thomas Lớp 8

    Theo quan điểm của mình, dịch tức là "tái tạo" lại tác phẩm theo lăng kính của người dịch. Nói vui là sách dịch bạn cầm trên tay theo một nghĩa nào đó là hàng "second-hand" đã qua tay một người khác, tức là có xê dịch, khác biệt (nhiều hoặc ít, chấp nhận được hoặc không chấp được) so với tác phẩm gốc. Nói thế tức là, muốn xài hàng "brand-new" chỉ có cách đọc luôn tác phẩm gốc. Nhưng nếu trình độ ngoại ngữ kém, đọc bản gốc có khi lại không cảm nhận được hoặc hiểu sai ý tác giả, vậy là lại quay về bản dịch. Nhưng nếu bản dịch kém thì phải làm thế nào?

    Các bạn có lẽ là người đọc nhiều tác phẩm văn học dịch, vậy chúng ta thảo luận xem ai là "người dịch" uy tính trên thị trường sách dịch hiện nay nhé?

    P/S: Xin dùng chữ "người dịch" để trong dấu nháy mà không dùng từ "dịch giả", vì ngày nay cái từ "dịch giả" hơi bị lạm dụng nhiều quá :)
     
    namphuong.hqh thích bài này.
  2. thomas

    thomas Lớp 8

    Tự mở hàng :)

    Theo mình, dịch giả uy tín hiện nay có lẽ phải kể đến Lê Chu Cầu. Các tác phẩm của ông hầu hết được dịch từ tiếng Đức. Các bản dịch đều rất chỉnh chu, và kỹ lưỡng bao gồm Tên của đóa hồng, Đời tôi, Mùi hương... Nói chung là mua sách thấy tên ông là mua ngay, ít đắn đo.

    Người thứ hai là Giáp Văn Chung, dịch từ tiếng Hung, các tác phẩm Bốn mùa, trời và đất, Bảo tàng thơ ngây, Cánh cửa,... Bên cạnh còn có ông Trần Tiễn Cao Đăng cũng là một dịch giả kỳ cựu. Hồi trước có dính vụ dịch tục 1 đoạn trong "Những thứ họ mang", nhưng nói chung vẫn là một dịch giả uy tín.

    Còn ai nữa không ? :confused:
     
  3. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Nói theo quan điểm này thì rất khó để nhận xem ai dịch tốt hay dở nếu bạn không tiếp xúc với bản dịch gốc. Nó đại khái giống như thế này :)

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    dangxunb thích bài này.
  4. thomas

    thomas Lớp 8

    Vậy theo quan điểm của bạn, dịch phải như thế nào? Nói ra đi bạn cho mọi người cùng hiểu. Chính vì đôi khi không thể đọc được bản gốc (tiếng Hung, tiếng Đức, tiếng Ý, Nhật...) mới cần đến bản dịch, vì thế nên cũng băn khoăn dịch giả nào là uy tín.

    À, mình quen suy nghĩ dịch thuật là tái tạo lại một tạo vật hơn là hình ảnh minh họa của bạn :)
     
  5. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Quan điểm của mình là tự đốt đuốc mà đi bạn à, sách dịch tiếng nước khác cũng được dịch sang tiếng Anh bạn có thể tham khảo để đọc từ đó, mà người dịch là những học giả từ đại học hàng đầu thế giới. Bạn cứ xem rồi chắc ăn thế nào cũng được :)

    Bạn có thể xem review của người đọc ở amazon hay goodreads rồi lúc đó sẽ có lựa chọn chính xác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/15
    suotdoirongchoi and ThanhVan like this.
  6. vietanht2001

    vietanht2001 Mầm non

    Những người dịch uy tín thì họ thường cộng tác hoặc làm việc với các trung tâm lớn, ví dụ trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây hay các viện, trung tâm văn hóa giữa Việt Nam với nước ngoài. Anh Thomas có thể liên hệ các trung tâm đó xem.
     
    suotdoirongchoi thích bài này.
  7. thomas

    thomas Lớp 8

    Tác phẩm dịch bằng tiếng Anh không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Vẫn có những bản dịch gây tranh cãi. Trong quyển Tên của đóa hồng, mình nhớ là ông Lê Chu Cầu có nói là ông dịch dựa vào bản tiếng Anh nhưng phải tham khảo thêm bản tiếng Đức vì, bản tiếng Anh bị cắt bỏ tùy tiện khá nhiều đoạn.
    Mặt khác không phải tác phẩm nào cũng được dịch sang tiếng Anh mà. :)

    Mình vẫn đang tự đốt đuốc đây, nếu cái nào có bản gốc tiếng Anh thì tất nhiên phải cố đọc bằng tiếng Anh chứ.
     
    suotdoirongchoi thích bài này.
  8. thomas

    thomas Lớp 8

    Cám ơn em. Anh chỉ muốn hỏi ý kiến mọi người để sau này biết lựa sách dịch mà mua thôi, chứ liên hệ với các trung tâm đó làm gì :D
     
    vietanht2001 thích bài này.
  9. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Tranh cãi nghĩa là cắt bớt sách hả bạn ? Mình nghĩ dịch giả có thể mua bản dịch cho đại chúng rồi nói thế. Đây cũng là một chiêu trò của nhà xuất bản để làm giá sách thôi bạn, ở nước ngoài vẫn có phiên bản unabridged được dịch trọn vẹn. :)

    Họ cắt hay không cắt sao cũng được miễn là giữ được cốt truyện của tác giả là được còn mấy cái tiểu tiết cao siêu đó bạn đọc chưa chắc gì đã hiểu :)
     
  10. thomas

    thomas Lớp 8

    Tranh cãi tức là dù là Anh hay Việt, vẫn có bản dịch tốt và bản dịch tồi. Mình không biết dịch giả có mua bản đại chúng hay không. (Mình chắc là ông hiểu rõ được sự khác biệt giữa bản abridged và unabridged, và không nghĩ là ông dịch từ bản abridged.) Chỉ thấy là ông đọc rất kỹ bản tiếng Anh, so với bản tiếng Đức, đồng thời đối chiếu lại với bản gốc tiếng Ý, sau đó chú thích lại rất cẩn thận những khác biệt này (Mình đang nói tới bản dịch Tên của đóa hồng của Lê Chu Cầu). Còn nhà xuất bản có sử dụng chiêu trò hay không thì chỉ là đoán mò mà thôi.

    Cắt xén một tác phẩm theo mình là chuyện tuyệt đối không nên vì sẽ gây tổn hại đến tác phẩm. Dù gì mình thích bản dịch trọn vẹn hơn là một bản dịch đã cắt xén so với bản gốc. Còn tiểu tiết cao siêu gì đó, mình không chắc có hiểu được hay không nhưng đã là dịch thì nên trung thành với bản gốc vẫn là tốt nhất.
     
  11. silence00

    silence00 Sinh viên năm II

    Thì chiêu trò của NXB đã nói trên là: "Dịch giả XXX đã tham khảo bản dịch tiếng Y và bản tiếng Z." Đã là NXB thì họ muốn nói gì chả được, vừa rồi lồi ra bản dịch Bên phía Nhà Swan của nhóm dịch giả kì cựu Việt Nam bị soi từng lỗi một đấy.
     
    Cát Cát and tducchau like this.
  12. BaoTran84

    BaoTran84 Lớp 5

    Mình thì biết chắc một chuyện là dân dịch sách chuyên nghiệp, lúc nào cũng phải đối chiếu bản dịch từ 2 ngôn ngữ (ví dụ Pháp + Đức), nếu bí ngôn ngữ gốc (ví dụ Latin).
    Mình thích dịch giả Bùi Văn Nam Sơn (cháu Bùi Giáng), vì từng chứng kiến cụ ngồi dịch chay (tiếng Đức), rất thú vị.
     
  13. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Đọc sách chuyên ngành mình buộc phải đọc sách gốc vì mấy nhiều bạn dịch giả chuyển ngữ ẩu quá. Dịch dễ thì rất dễ mà đạt đến độ "tinh" thì khó vô cùng. Dịch văn học thì dịch giả phải là người giỏi ngôn ngữ, kiến thức chuyên ngành, văn hóa ngôn ngữ gốc. Trên thị trường dịch hiện tại có vài người đạt đến độ này - Dịch khoảng 10 năm mới tự vỗ ngực nhận là dịch giả được.
    - Bùi Văn Nam Sơn: triết học. (duy nhất đủ trình độ dịch triết từ tiếng Đức vì ông ý là triết gia duy nhất của VN còn sống)
    - Văn Học: Cao Xuân Hạo, nico Trí Hải hoặc các bản dịch cũ của các nhà văn từ năm 80 trở về trước.
    - Kinh tế - chính trị: Nguyễn Quang A, Phạm Nguyên Trường; sách của Doanh Trí.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/15
  14. BaoTran84

    BaoTran84 Lớp 5

    Bạn Hạnh nhẹ tay rồi, 10 năm mà là dịch giả thì còn ưu ái lắm đó. Mình dịch nghiêm túc đã hơn 7 năm mà thấy chắc mới là dịch viên thôi. Hi hi.

    Một định nghĩa của ngành Dịch thuật, là khi nào tinh thông 4 kỹ năng mới gọi là nhập môn ngành Dịch thuật. Vì sẽ có n thứ cần phải làm quen và rèn luyện. Quy tắc 10,000 giờ rất đúng cho những ngành cần khổ luyện thế này.

    PS: Nico Trí Hải, đọc nghe vui vui sao ấy. Chắc ý Hạnh là Ni sư Thích Nữ Trí Hải. Nhớ Bác Nguyễn Tường Bách và Ni sư tranh luận về chữ appearance dịch là 'giả tướng' hay 'trình hiện', thấy vui vui. Nghề chơi cũng lắm công phu thật. :)
     
  15. conruoinho

    conruoinho Lớp 1

    Mình đã đọc một vài tác phẩm của Phạm Viên Phương - Huỳnh Kim Oanh (Giết Con Chim Nhại, Tên Tôi Là Đỏ, Rabbit Ơi Chạy Đi... ) mình thấy khá tốt dựa theo bản tiếng Anh.
    Ngoài ra còn có Nguyễn Hồng Vân (Núi Thần) mình thấy bản dịch khá hay nhưng không biết tiếng Đức nên không biết nó có sát nghĩa hay không, dù nó cũng khá tương xứng với bản tiếng Anh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/3/15
    teacher.anh, Du Ca, anoydev and 2 others like this.
  16. suotdoirongchoi

    suotdoirongchoi Lớp 8

    Để ý bác Lê Chu Cầu hầu như dịch tác phẩm nào cũng tham khảo 2,3 thứ tiếng, tinh thần làm việc rất đáng ngưỡng mộ, văn phong của bác có hơi hướng hơi cổ điển.

    Nếu nói về độ tin cậy trong chuyển ngữ của bản dịch thì mình nghĩ bác Trịnh Lữ (Rừng Na-uy, Đại gia Gastby, Cuộc đời của Pi...) có thể tin cậy được, tuy nhiên bác hành văn khá là chán, nếu tác phẩm bác dịch không phải là tác phẩm hay thì chắc mình ngủ gục sau vài trang.

    Triết học, Xã hội học thì có Nhà giáo Lê Hồng Sâm, mình thấy bà dịch rất kỳ công và chăm chút, tuy nhiên nội dung các sách bà dịch đều khá là tối nghĩa và khó hiểu, nên để đọc được cũng khá vất vả.

    Về văn phong dịch thì thích nhất Lý Lan, chuyển ngữ Harry Potter quá tuyệt, có thể nội dung có sai đôi chỗ nhưng cách dịch trôi chảy, thoát ý, và hài hước không thua gì bản gốc, có thể nói thành công của HP ở VN nhờ rất lớn vào bản dịch của Lý Lan.
     
    Nell, Du Ca, superlazy and 3 others like this.
  17. memomii

    memomii Lớp 1

    Mình mới biết đến các bản dịch hay bản gốc tiếng Anh gì đó gần đây, tại dạo này nhiều vụ lùm xùm dịch thuật với lại khi đọc ít khi mình chú ý tên dịch giả. Quan điểm của mình khi mua sách là sách viết bằng tiếng Anh thì mình sẽ tiết kiệm để mua được bản Anh, đọc ebook hay mượn bản tiếng Việt, sách ngôn ngữ khác thì xem xét, có khi bản của Việt Nam còn hay hơn bản chuyển sang tiếng Anh, tùy dịch giả. Về người dịch mình thích bác Huỳnh Lý với Không gia đình, cực hay và mượt.
    Lan man tí chút, bạn nào hay đọc sách tiếng Anh thì biết sách bên nước ngoài rất đa dạng và phong phú về nhiều mặt, cùng 1 tựa đề sách có khi là bản rút gọn cho trẻ em, bản đầy đủ, rồi bản có minh họa hay không có minh họa, in lần 1 lần 2 thì khác nhau...Bởi vậy mình gặp nhiều bạn không đế ý kĩ, cứ tưởng mua sách tiếng Anh là ngon là yên tâm, ai dè mở quyển sách dày bịch ra mới biết là sách cho thiếu nhi, 2/3 là tranh minh họa.Thế nên , khi mua sách tiếng Anh mình chọn kĩ không khác gì sách bên mình.Mua sách hay nhất là lên amazon xem review để có 1 cái nhìn tổng quan về sản phẩm mình sắp bỏ tiền ra. :)))
    Ví dụ như cuốn những người khốn khổ này chẳng hạn,Les Misérables Paperback Movie tie-in edition, mình có ý muốn mua vì bên bán bảo nó là 1 quyển complete luôn không chia lẻ như bên mình. Lên amazon xem thấy khách kêu quá trời.Thứ 1, đây không phải là bản đầy đủ. Thứ 2, chất lượng dịch quá tệ, và đây là nhận xét của 1 giáo sư đại học dạy ngành văn.Thế là mình bỏ luôn không mua nữa :))) 9780143123590_p0_v2_s260x420.JPG
     
  18. thomas

    thomas Lớp 8

    Mấy vụ lùm xùm dịch thuật gần đây không chỉ là do tay nghề mấy ông thợ dịch nước mình, mà còn do nhiều cái đấu đá lộn xộn trong giới trí thức nữa. (Ai nói trí thức là hiền đâu! Cái bệnh của mấy ông trí thức là khen ai khen tuốt tận mây xanh, chê ai là dìm tận đáy.) Dịch hay và mượt chưa chắc đã là dịch đúng đâu nhe :) Mặc dù vậy mình cũng thích bản dịch Không gia đình của Huỳnh Lý.

    Khi đọc một bản dịch hay, đôi khi bạn cảm nhận được không khí tác phẩm còn đậm nét hơn cả khi đọc bản gốc (do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan!). Mình lấy ví dụ đoạn đầu trong Hội chợ phù hoa do Trần Kiêm dịch

    There is a great quantity of eating and drinking, making love and jilting, laughing and the contrary, smoking, cheating, fighting, dancing and fiddling; there are bullies pushing about, bucks ogling the women, knaves picking pockets, policemen on the look-out, quacks (OTHER quacks, plague take them!) bawling in front of their booths, and yokels looking up at the tinselled dancers and poor old rouged tumblers, while the light-fingered folk are operating upon their pockets behind.

    Mình giả sử đoạn văn này vào tay một ông thợ dịch nghiệp dư (là mình) với phương châm tuyệt đối "bám sát tác phẩm" có lẽ sẽ thành ra thế này.

    Có nhiều kẻ đang ăn và uống, làm tình và phụ tình, cười và khóc, hút thuốc, lừa bịp, đấm đá, nhảy nhót và lừa bịp; có những tay côn đồ đang chen chúc, những tên công tử bột đang liếc mắt đưa tình với đám đàn bà , những kẻ đểu giả đang giở trò móc túi, mấy viên cảnh sát đang canh chừng, những tên lang băm (những tên lang băm khác, trời đánh chúng đi!) đang khoác lác trước quầy hàng của chúng, và những ông nhà quê đang nhìn ngắm mấy cô vũ công được trang điểm sặc sỡ.....

    Trong khi đó, bản dịch của bác Trần Kiêm là như sau:

    Thiên hạ đang đua nhau mà ăn uống, mà chim chuột, rồi bỏ rơi nhau, mà cười mà khóc, rồi hút sách, lừa bịp, nhảy nhót, đấm đá nhau hoặc la cà đây đó. Có những tay anh chị huých kẻ nọ đẩy người kia mà đi có những cậu công tử bột ra sức liếc tình đàn bà con gái. Có những chú đạo trích chuyên rờ túi thiên hạ, có những ông đội sếp soi mói nhìn ngó đó đây, này là mấy anh bán thuốc rong (trời đánh thánh vật mấy anh bán thuốc rong.) đang gân cổ lên mà quảng cáo thuốc trước quầy hàng của mình; kia là mấy bác nhà quê cứ há hốc mồm ra mà ngắm các cô vũ nữ bận áo sặc sỡ và mấy chú làm trò xiếc leo dây đáng thương mặt trát son đỏ bự, trong khi bọn kẻ cắp đứng đằng sau lưng cứ việc lách mấy ngón tay vào túi mà nẫng nhẹ ví mang đi.

    Các bạn thấy khác biệt không? Đôi khi tác phẩm nào thích mình đọc luôn cả bản gốc lẫn bản dịch.
     
  19. dat.giua.bien

    dat.giua.bien Lớp 1

    Bởi vì tác phẩm mình yêu thích nhất - "Khoảng trời mênh mông" - nên mình đề cử cho người dịch chính tác phẩm đó - Vũ Kim Dung
    Mà cũng có thể nói - chính nhờ Vũ Kim Dung - mình mới có thể yêu thích "Khoảng trời mênh mông" đến vậy.
    Quả thật, hiếm có cuốn sách nào mình thích bản dịch hơn cả bản gốc - thích từ tiêu đề được dịch từ "Hattie Bigsky" thành "Khoảng trời mênh mông" đến cái trang bìa mà youbooks chọn còn tuyệt vời và đúng chất hơn cả bản gốc của Mỹ.

    [​IMG]


    [​IMG]

    Mình thích đến từng câu từng chữ trong tác phẩm này, và thích mê từng lời dịch của Vũ Kim Dung.
    À, nhân tiện, mọi người ai có mail của Youbooks không cho mình xin với, vì mình đang đang rất muốn đề nghị Youbooks mua bản quyền và để cho Vũ Kim Dung dịch tiếp phần 2 của cuốn này "Hattie ever after" - mong chờ hoài mà chẳng thấy cuốn này được xuất bản.
    Mà nếu có xuất bản thì chỉ muốn cô Dung dịch thôi, để có thể tiếp nối được phần 1 mà không thấy trúc trắc trục trặc nếu đổi dịch giả!
     
    namphuong.hqh and thomas like this.
  20. totochan

    totochan Mầm non

    Tôi là một người học chuyên dịch tiếng Anh và đã từng đọc nhiều sách, nên tự nhìn nhận thế này:
    Dịch giả là dành cho những người có các tác phẩm dịch hay và được nhiều người đọc công nhận, có thể là bản dịch đó không đúng hoàn toàn với bản gốc, nhưng có thể chấp nhận được, ví dụ như cuốn Harry Potter của dịch giả Lý Lan. Tôi còn nhớ khi chưa xuất bản cuốn 7, ở trên internet đã có bản dịch của một nhóm nào đó mà tôi và gia đình tôi nhận xét là còn hay hơn bản dịch của Lý Lan. Nhưng Lý Lan vẫn được tôi coi là một dịch giả, vì bản dịch của bà đúng nghĩa bản gốc, sử dụng văn phong của Việt Nam và tác phẩm chính là một bản khó dịch. Ngoài ra, điều quan trọng là bản dịch của bà vẫn còn sống theo thời gian. Vậy một người được gọi là dịch giả thì phải làm được những điều trên, có thể nói đến, Nguyễn Hiến Lê, Bùi Giáng, Trác Phong, Hương Lan (2 dịch giả của tuyển tập Nicholas)...
    Người dịch, bạn có thể thấy rất nhiều, chủ yếu là qua các bản dịch dạy kỹ năng và ngệ thuật sống, tôi thấy đây là các loại sách thường không được người dịch chăm chút nhất. Các cuốn như: Nghịch lý sự lựa chọn, Suy nghĩ như đàn ông hành động như đàn bà, dám thất bại... Đều là các cuốn sách hay nhưng bản dịch dở. Các câu trong đó tối nghĩa, không đúng cấu trúc câu tiếng Việt. Vậy nếu một người có dịch được bao nhiêu cuốn sách hoặc trong thời gian dài, thì cũng không thể gọi là dịch giả nếu không tạo được bản dịch tốt.
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này