Nhà văn Sơn Nam: Sẽ lại trồng cây đước tiền kiếp trên châu thổ... (Chu Văn Sơn)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Nhà văn Sơn Nam: Sẽ lại trồng cây đước tiền kiếp trên châu thổ...


    Tác giả: Chu Văn Sơn

    [​IMG]

    Ngày 13 tháng 8, lúc 12h40, Nam Bộ đã mất đi một trong những người con ưu tú nhất của mình, người đã dành cả một đời lầm lũi đi ngang dọc miền lục tỉnh, đã tận tuỵ với văn minh miệt vườn, đã cặm cụi lượm lặt từng hạt vàng vùi lẫn trong phù sa của chín nhánh Cửu Long để lưu lại cho đời: Nhà văn Sơn Nam. Người ta đã gọi ông là “Ông già Nam Bộ”, là “Nhà Nam Bộ học”, là “lão nhà văn chỉ thích ngồi mép chiếu của văn chương”… Phần mình, kể từ ngày đầu tiên đọc Sơn Nam, tôi luôn hình dung ông như một cây đước cổ thụ gầy gùa mà mỗi tập sách, mỗi trang viết là một nhánh rễ gân guốc bền bỉ ăn sâu vào miền châu thổ Cửu Long.

    Sinh ngày 11/12/1926 tại miền kinh rạch Kiên Giang, suốt hơn 80 năm trong đời, vừa hoạt động cách mạng vừa hoạt động văn nghệ, ông đã để lại cho đời một tấm gương quí giá về sống và sáng tạo. Mảnh đất Nam Bộ đã nhào nặn, đào luyện nên con người Sơn Nam. Và ông đã kết tụ trong mình nhiều tính cách ròng của người Nam Bộ. Ông giản dị đến mức xềnh xoàng. Ông bộc trực mà kiêm nhượng. Ông dân dã mà không thiếu kiêu sang. Ông cẩn mẫn mà phóng khoáng… Nhưng, trước hết Sơn Nam có một tình yêu thầm lặng mà mãnh liệt dành cho đất đai xứ sở. Tình yêu ấy không chỉ khiến ông trở thành một chiến sĩ, sớm gia nhập cách mạng để đấu tranh cho nền độc lập của quê hương, mà quan trọng hơn, nó đã khiến ông sớm có cốt cách của một nhà văn hoá học, hằng thiết tha với mọi giá trị của ông cha để lại. Trên bước đường nào, ông cũng trân trọng nâng niu từng dáng vẻ, từng lề lối, từng nền nếp, từng tập tục, từng địa danh, từng cảnh trí… của miền châu thổ này như một nhà bảo tồn đơn độc, cứ âm thầm lưu giữ tất cả vào mấy chục pho sách ông để lại cho đời. Có lẽ vì thế mà Sơn Nam luôn hiện ra như sự hoà hợp lạ lùng, theo đúng cách nói Nam Bộ: hình dong cỏ dả, tấm lòng hải sơn.

    Khi Sơn Nam trước tác, thì mỗi trang viết của ông có thể xem là sự lên tiếng của văn hoá Nam Bộ. Ông đã tích tụ vào mình cả một nền văn minh mà chính ông đã đặt tên là “văn minh miệt vườn”, cả một nền văn hoá mà chính ông đã gọi là “văn hoá sông nước” để làm trữ lượng cho một đời cầm bút. Vì thế, khi ông thả những dòng chữ lên trang giấy, thì đó không còn là những nét mực, mà đó thực sự là những gợn sóng Cửu Long sóng sánh phù sa. Hơi thở Nam Bộ, không khí miệt vườn thấm đượm, chan hoà đến từng dòng văn, từng lời chú thích. Đến nỗi đọc ông, không hiểu sao tôi cứ hình dung mỗi trang văn Sơn Nam tựa như một chiếc lá vú sữa, mặt trên xanh mướt, mặt dưới óng ánh nâu vàng như vừa được nhúng vào phù sa sông Hậu sông Tiền. Bởi thế, ông cũng luôn hiện ra như một sự hoà hợp kì lạ: vóc dáng gầy gùa mà nội lực thâm hậu. Có lẽ nhờ vốn tích tụ khổng lồ mà ông đã để lại một khối lượng tác phẩm cũng khổng lồ với hơn 50 đầu sách thuộc nhiều thể loại từ biên khảo đến sáng tác, trong đó có những cuốn sách đã in đi in lại không biết bao nhiêu lần, nhiều cuốn đã thành cẩm nang, thành sách gối đầu giường đối với những người muốn tìm hiểu đất và người Nam Bộ. Bất cứ người viết trẻ nào cũng có thể nhận từ ông bài học về lòng yêu đời và sự tích tụ văn hoá đối với con đường sáng tạo lâu dài.

    Đọc Sơn Nam, tôi luôn cố hình dung ông thuộc típ nào trong giới cầm bút. Có lần tôi đã đồng tình với cách nhận diện rằng ông thuộc típ những nhà địa phương học, như Nguyễn Vinh Phúc đối với Hà Nội, Toan Ánh với Kinh Bắc, Ninh Viết Giao đối với xứ Nghệ, Vũ Ngọc Khánh với xứ Thanh, Nguyễn Đắc Xuân với xứ Huế, Nguyễn Văn Xuân với xứ Quảng… Nhưng không hẳn vậy. Là một nhà biện khảo, nhưng Sơn Nam còn là một nhà văn. Không phải ông hoạt động đồng thời trên cả hai mảng viết văn và biên khảo. Điều tinh vi hơn là hai mảng ấy đã xâm nhập lẫn nhau làm nên phong cách trước tác khá nhất quán của ông: biên khảo của ông đượm hơi hướm văn chương; văn chương của ông lại giàu những thông tin biên khảo. Chính điều này làm nên nét độc đáo của ngòi bút Sơn Nam. Cứ đọc những cuốn biên khảo như “Văn minh miệt vườn”, “Bến Nghé xưa”, “Biển cỏ miền Tây” hay văn phẩm như “Hương rừng Cà Mau”, “Gốc cây, cục đá và ngôi sao”… thì sẽ thấy ngay sự xâm nhập độc đáo ấy. Vì thế tôi tâm đắc với ý kiến của Tô Hoài, trong một cuộc chuyện trò khi cùng ông lưu giảng ở phương Nam, rằng Sơn Nam gần tạng ông. Ông xâu chuỗi: nếu Tô Hoài biết một ít về Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường biết một ít về Huế, thì Sơn Nam biết về Nam Bộ, Sài Gòn.

    Cùng một tạng, nhưng có thể hai nhà văn của Hà Nội và Huế trội về văn hơn, còn cây bút Nam Bộ này trội về biên khảo hơn chăng? Cách biên khảo của Sơn Nam cũng gần với lao động sáng tác của nhà văn hơn. Người xưa chia sách ra là hai loại: một loại sách chắt ra từ đời, một loại sách chắt ra từ sách. Có đọc, có tra cứu sách vở để làm giàu tri thức của mình, nhưng biên khảo của Sơn Nam không phải sách chắt ra từ sách, mà là loại sách chắt ra từ đời. Túi khôn của ông được làm đầy chủ yếu do trực tiếp lăn lội trong trường đời mà lượm lặt, thâu gom, tích cóp được. Nghĩa là những tri thức ông mang lại cho con người chủ yếu nhờ đúc kết từ chính những trải nghiệm riêng của cá nhân ông trong trường đời. Đó là những tri thức tươi rói sự sống, và in đậm dấu vân tay của Sơn Nam. Đó là loại tri thức nền tảng cho những tri thức sách vở. Bởi thế mà quí vô ngần.

    Vài năm gần đây, ông ít viết. Nhưng không phải do cạn nguồn mà do kiệt lực. Chắc chắn còn rất nhiều điều trong túi khôn vô tận của mình, ông chưa kịp gieo vãi lên trang giấy. Giờ đây chúng đã theo ông đi vào cõi khác. Tiếc thay. Nhưng, sao tôi vẫn tin rằng, dẫu có sang cõi khác, ông sẽ lại trồng cây đước tiền kiếp trên châu thổ và toả bộ rễ gân guốc của mình vào sóng nước và phù sa.

    Hà Nội, 14-7-2008

    (Nguồn: Website Phong Điệp)

    Posted by goldfish
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này