LS-Tổng hợp Tỉnh Long Xuyên trong tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)

Thảo luận trong 'Tủ sách Lịch sử - Địa lý' bắt đầu bởi conguyen, 30/9/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. conguyen

    conguyen Sinh viên năm IV

    Một số mục từ dính dấp tới
    Tên sách: TỈNH LONG XUYÊN trong Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam

    Tác giả: Vương Hồng Sển
    Nhà xuất bản: Trẻ
    Năm xuất bản: 1999

    Đánh máy và tạo eBook: Goldfish
    Ngày hoàn thành: 08/04/2013

    Vài lời thưa trước
    Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Giang xưa thuộc đất Tầm Phong Long của Chân Lạp. Do nội bộ vương triều Chân Lạp có sự tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn Phúc Khoát giúp đỡ trở lại nắm quyền nên năm 1757, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn để tạ ơn. Chúa Nguyễn chia đất ấy làm ba đạo: đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu. Thời Gia Long, đất An Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh, một trong năm trấn của thành Gia Định. Từ thời thuộc Chân Lạp cho đến tận đầu nhà Nguyễn, đất An Giang còn hoang hóa, rất ít dân cư. Những năm đầu thời vua Gia Long, nhà Nguyễn mới tổ chức mộ dân đến khai hoang định cư, và gọi là Châu Đốc Tân Cương.

    Năm 1832, vua Minh Mạng lấy đất Châu Đốc Tân Cương hợp thêm với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long (tức Vĩnh Trấn) để thành lập tỉnh An Giang gồm 2 phủ, 4 huyện, 167 thôn. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện: Tây Xuyên và Đông Xuyên; phủ Tân Thành gồm 2 huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định; đồng thời đặt ra chức An Hà tổng đốc thống lĩnh cả hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, lỵ sở đặt tại tỉnh thành Châu Đốc của tỉnh An Giang.

    Theo Wikipedia, huyện Tây Xuyên nguyên là đất đạo Châu Đốc cùng huyện Vĩnh Định và thổ huyện Mật Luật (của Cao Miên), nằm ở bờ Tây sông Hậu Giang, gồm 3 tổng (Châu Phú, Định Thành, Định Phước) với 38 làng xã, phía Tây giáp huyện Hà Dương, phía Nam giáp huyện Long Xuyên tỉnh Hà Tiên, phía Đông và phía Bắc giáp huyện Đông Xuyên (phủ Tân Thành). Đất huyện Tây Xuyên nay có thể là đất thuộc các huyện thị Châu Đốc, Châu Phú, Châu Thành, thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang.

    Theo Vietgle, huyện Tây Xuyên, thành lập năm 1832, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang; huyện được thành lập trên cơ sở tách một phần đất của huyện Vĩnh Định, tỉnh Vĩnh Long và một phần đất của đạo Châu Đốc, nằm phía Tây sông Hậu. Năm 1836, huyện gồm có 3 tổng (Châu Phú, Định Phước và Định Thành) với 49 thôn.

    Đến đời Thiệu Trị rồi Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ với 10 huyện:

    - Phủ Tuy Biên gồm 4 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Dương, Hà Âm.

    - Phủ Tân Thành gồm 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên.

    - Phủ Ba Xuyên gồm 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định.

    Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, ngày 05/10/1867, Thống đốc Nam Kỳ Dupré ký nghị định bãi bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh, chia Nam Kỳ thành 4 khu vực là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac với tất cả 19 hạt. Tỉnh An Giang được chia thành 5 hạt (còn gọi là địa hạt, hạt tham biện hoặc tiểu khu): Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc.
    Theo cụ Vương Hồng Sển, trong Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam (về sau gọi tắt là TVTNMN), Pháp sáp nhập phủ Tuy Biên và huyện Đông Xuyên (của phủ Tân Thành) thành địa hạt Long Xuyên.

    Năm 1899, Pháp đổi hạt thành tỉnh. Lúc đó, tỉnh Long Xuyên gồm 3 quận, 8 tổng, 54 làng. Ba quận đó là: Châu Thành, Thốt Nốt và Chợ Mới.
    Năm 1953, tỉnh Long Xuyên có thêm hai quận mới là quận Lấp Vò và quận Núi Sập.

    Ngày 22/10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sáp nhập tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên (trừ quận Lấp Vò) thành tỉnh An Giang, gồm 8 quận: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập, với tổng cộng 16 tổng và 96 xã.

    Trong eBook này, tôi chép các mục từ trong Tự Vị tiếng nói Miền Nam – nhan đề của cụ Vương là Tự vị tiếng Việt miền Nam - có dính dấp đến tỉnh Long Xuyên. Tôi chép từ trước ra sau, nhưng vì các mục từ trong sách không hoàn toàn theo đúng thứ tự abc nên thứ tự các mục từ trong eBook này cũng vậy, tôi không sắp xếp là để chúng ta dễ đối chiếu với “sách giấy”. Tôi thường gõ sai, mà bản in của nhà xuất bản Trẻ, năm 1999, do Bùi Đức Tịnh giới thiệu và hiệu đính cũng có mấy chỗ sai, tiếc rằng tôi không có bản in của nhà xuất bản Văn Hoá để đối chiếu. Để tránh hiểu lầm địa danh Long Xuyên thời Pháp thuộc và các địa danh Long Xuyên đời đàng cựu, tôi chép thêm các mục từ Long Xuyên Đạo, Long Xuyên huyện… Ngoài ra tôi còn chép thêm một số bản đồ và hình ảnh trong tập Monographie de la province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省, Éditions du Moniteur de l’Indochine - Hanoi, 1924 của Victor Duvernoy, về sau gọi tắt là Monographie 1924 (xin đừng lầm với Monographie 1901 và Monographie 1905 mà tác giả không phải là Victor Duvernoy).
    Goldfish
    Tháng 4 năm 2013
    _____________
    Link: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    Nguồn e-thuvien.com
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 14/10/13
    haist, ha2004, phanquoctoan and 7 others like this.
  2. goldfish

    goldfish Lớp 8

    Lắp vò là xảm trét ghe thuyền?

    Trong bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của (bản in năm 1895, trang 548), hai chữ Lắp vò trong mục từ Lắp được in như sau:

    “- vò. Xảm trét, (ghe thuyền).” (Xin xem hình chụp lại một phần trang 548 từ bản đăng trên Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    MucTuLap.jpg

    Theo tôi, câu trên có thể hiểu như sau: Lắp vò là xảm trét một vật nào đó, ví dụ như xảm trét ghe thuyền. Khi cần dẫn câu đang xét, ta có thể viết như sau: Lắp vò: xảm trét (ghe thuyền). Nếu viết: “Lắp vò: xảm trét ghe thuyền” - như trong các thí dụ (TD) sẽ nêu ở dưới - thì sẽ khiến cho người đọc hiểu lầm rằng chỉ xảm trét ghe thuyền mới gọi là lắp vò, còn xảm trét những vật khác thì không thể gọi là lắp vò được.

    TD 1: “Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị Huỳnh Tịnh Của, in năm 1895 tr. 548 viết: “Lắp Vò”: xâm trét ghe thuyền”. (Vương Hồng Sển, Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam, nhà xuất bản Trẻ, năm 1999, trang 407. [Chữ “xảm”, sách in lầm thành “xâm”, Goldfish tôi đã sửa lại]). Xem eBook Tỉnh Long Xuyên trong TVTNMN (Vương Hồng Sển) ở trên.

    TD 2: “Trong bộ “ Đại Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của in năm 1895, viết: Lấp vò là xảm trét ghe thuyền”. (Nguyễn Phẩm, Địa danh Lấp Vò,Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    TD 3: “Lấp Vò: theo phương ngữ chuyên môn Nam bộ thì “Lắp Vò” (hay “Lắp Dò”) là xảm trét ghe thuyền (giống như cách giải thích Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của)”. (Lê Hoài Lê, Tại sao là Vàm Cống (1),Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    Tóm lại, theo chúng tôi, viết: Lắp Vò (hoặc Lấp Vò) là “xảm trét ghe thuyền” không phản ánh đúng lời giảng của tác giả bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Nếu chúng tôi nhớ không lầm thì tô trét dầu chai lên nón lá, lên gàu (đan bằng tre dùng để tát nước) cũng gọi là lắp vò.

    *​

    Nhân đây chúng tôi xin trích thêm vài đoạn liên quan đến mấy chữ Lắp Vò, Lấp Vò, Lắp Dò:

    - Cụ Vương Hồng Sển, trong sách đã dẫn, còn viết như sau (xin trích): “Kinh Lắp Vò quen gọi là Lấp Vò”, “Về chính tả hai chữ Lắp Vò, anh Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, khi duyệt đến đây, có nêu ra ý kiến rằng: “Một người quê ở Lắp Vò, bảo nơi đó vừa chuyên sản xuất thứ dầu chai để trét ghe, và đó là dò chỗ nứt trong ghe…” và Lộc Đình đề nghị nên cải chính là Lắp Dò”.

    - Nguyễn Phẩm, trong bài đã dẫn, còn bảo: “Có truyền thuyết cho rằng vào thời nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ (1777-1789), trước và sau khi Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Hồi Oa (Nước Xoáy-Long Hưng), thì rạch Lấp Vò là một thuỷ đạo vô cùng quân trọng trong việc di chuyển quân của Nguyễn Ánh bằng ghe thuyền từ sông Tiền sang sông Hậu. Để phục vụ cho việc di chuyển thường xuyên này, hai bên bờ sông xuất hiện nhiều cơ sở sửa chuyển ghe thuyền, trong đó khâu chủ yếu là sản xuất, nấu ra dầu chai, một thứ dầu dùng để trét, xảm các đường ráp nối, hoặc kẻ nứt chung quanh ghe thuyền, mà tiếng nhà nghề gọi là lấp dò (dò là chỗ nứt trong ghe). Người chuyên làm công việc này được gọi là thợ lấp dò. Vì thế nên con sông được mang tên Lấp Vò (dò bị viết thành vò)”.

    - Theo Victor Duvernoy trong Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (bản in năm 1924) thì địa danh đang xét được viết là “Lấp vò”. (Xin xem hình chụp một phần trang 49 và hình chụp một phần trang 81 ở dưới):

    QuậnThốtNốt.jpg

    BìnhNinh.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/11/13
  3. goldfish

    goldfish Lớp 8

    “Nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền”?

    Trên trang Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, và trang Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link đều có đoạn sau đây:

    “Trong Đại Nam nhất thống chí có ghi: Chợ Vĩnh Phúc tục gọi chợ Sa Đéc ỏ phía đông lỵ sở huyện Vĩnh An, chợ và phố ở ven sông liên tiếp với nhau dài đến năm dặm, dưới sông là trúc gác lên (hiểu là làm nhà bè trên tre) cửa nhà la liệt thành hàng hoặc mua bán tơ lụa và đồ dùng, hoặc mua bán dầu trám, dầu rái, nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền [Chúng tôi nhấn mạnh – Goldfish], than gỗ chủ yếu làm nghề gốm thô, gạch ngói, mây tre, muối mắm, trên bờ và giữa sông hàng hóa san sát thật là nơi phồn hoa”.

    Còn trên trang Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link thì có đoạn sau đây:

    “Cảnh vật giống như các sách xưa tả về Sa Đéc: chợ và phố ở ven sông liên tiếp với nhau dài đến năm dặm, dưới sông là trúc gác lên (nhà bè trên tre) cửa nhà la liệt thành hàng hoặc mua bán tơ lụa và đồ dùng, hoặc mua bán dầu trám, dầu rái, nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền [Chúng tôi nhấn mạnh – Goldfish], than gỗ chủ yếu làm nghề gốm thô, gạch ngói, mây tre, muối mắm, trên bờ và giữa sông hàng hóa san sát thật là nơi phồn hoa”.

    Nhưng trong Đại Nam Nhất Thống Chí, người dịch Phạm Trọng Điềm, người hiệu đính Đào Duy Anh, tập 5, Nxb Thuận Hoá tái bản lần thứ 2, năm 2006, trang 223, không có mấy chữ “nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền”. (xem Hình 1 ở dưới)

    Hình 1.jpg

    Như vậy, theo tôi đoán thì những người trích dẫn sách Đại Nam Nhất Thống Chí, bản Thuận Hoá 2006, đã ghi thêm mấy chữ “nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền” để thích nghĩa hai chữ “dầu rái”, nhưng lại không đặt mấy chữ đó vào trong dấu ngoặc.

    Xin nói thêm là trong Đại Nam Nhất Thống Chí – Lục tỉnh Nam Việt, dịch giả Tu Trai Nguyễn Văn Tạo, Nha văn hoá Bộ Giáo Dục xuất bản năm 1959, tập số 3, trang 70, cũng không có mấy chữ “nguyên liệu chính làm nghề xăm trét ghe thuyền”. (Hình 2)

    Hình 2.jpg
     
  4. goldfish

    goldfish Lớp 8

    ĐỊA DANH “LẤP VÒ” CÓ PHẢI DO TIẾNG “LẮP DÒ” MÀ RA?


    Lấp Vò là tên một con kinh ở bờ tả sông Hậu, cũng là tên cái chợ ở vàm rạch. Năm 1897, chợ Lấp Vò là một trong 7 chợ quan trọng thuộc hạt Long Xuyên. Về sau hạt Long Xuyên đổi thành tỉnh Long Xuyên. Năm 1953, tên chợ được dùng làm tên một quận mới được thành lập: quận Lấp Vò. Ngày nay Lấp Vò thuộc tỉnh Đồng Tháp.


    Địa danh Lấp Vò, trong Tự vị tiếng nói Miền Nam, Nxb Trẻ, năm 1999, cụ Vương Hồng Sển viết như sau:


    Lắp Vò: đd., Kinh Lắp Vò quen gọi là Lấp Vò th. Long Xuyên cũ; Cường Thành Giang (TVK).

    Cơ Me: srok tak por (di cảo TVK trong Le Cisbassac).

    Tên một quận trước thuộc Long Xuyên cũ, sau th. An Giang.

    Srok tak por là viết theo đời ông Trương Vĩnh Ký, đúng chính tả, nhưng nay đã đổi khác. Trong tự điển Miên Pháp J.B.Bernard, có:

    pù: bouillir, bouillonner, pétiller: sôi, chiếu rực.

    Tuk pu: eau bouillante, qui bout: nước đang sôi, nước sôi.

    Xứ nước sôi, có dính líu gì với Lắp Vò?

    (Về chính tả hai chữ Lắp Vò, anh Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê, khi duyệt đến đây, có nêu ra ý kiến rằng: “Một người quê ở Lắp Vò, bảo nơi đó vừa chuyên sản xuất thứ dầu chai để trét ghe, và đó là dò chỗ nứt trong ghe…” và Lộc Đình đề nghị nên cải chính là Lắp Dò.

    Nhưng tôi đã tra kỹ hai bộ sách:

    a) Bộ Đại Nam Quốc Âm Tự Vị Huỳnh Tịnh Của, bản in năm 1895 tr. 548 viết: “Lắp Vò”: xâm trét ghe thuyền” (1).

    b) Bộ Chuyện Đời Xưa của ông Trương Vĩnh Ký, in năm 1866 cũng viết: “Thợ Lắp Vò”.

    Nhắm hai vị tiền bối này ắt hay chữ hơn ông sanh đẻ tại chỗ, nên chi tôi giữ y chính tả cũ là “Lắp Vò”.

    Lắp Vò còn có nghĩa là o bế sửa sọn: tỷ dụ: Tôi mới lắp vò chiếc xe đạp xập kỷ nìn (2) của tôi cũng như tôi vừa lắp vò chữ lắp vò này. (21-1-1982)”. (Sđd, tr.407)

    Như vậy, theo Vương Hồng Sển, có 2 giả thuyết về nguồn gốc địa danh Lấp Vò: một của Trương Vĩnh Ký (tạm gọi là thuyết “srok tak por”) và một của Nguyễn Hiến Lê (tạm gọi là thuyết “lắp dò”).

    Thuyết “lắp dò”, về sau được một số người ủng hộ. Có người, sau khi dẫn một đoạn trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoà Đức, cho rằng:

    “Địa danh Lấp Vò ra đời khá sớm, trước cuộc nội chíến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777), do cư dân ngụ hai bên bờ sông có nhiều người làm nghề nấu dầu chai để “lấp dò” ghe thuyền, nên con sông mới mang tên này”. (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link)

    Trước kia tôi cũng tin thuyết “lắp dò” vì nghĩ rằng thuyết “srok tak por” (hoặc) srok tuk pu”) không hợp lý: về âm thì “xa lắc xa lơ” mà về nghĩa thì khó hiểu quá. Nhưng gần đây, trong khi “Thử tìm hiểu một số đơn vị hành chính thuộc quận Thốt Nốt cũ”, tôi được biết ở xã Trung An của quận Thốt Nốt cũ (nay là xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) có một con rạch nhỏ tên là “Lấp Vò” (để tiện phân biệt, ở dưới tôi sẽ gọi rạch Lấp Vò ở Thốt Nốt là “Lấp Vò nhỏ” và Lấp Vò ở Đồng Tháp là “Lấp Vò lớn”).

    Thật khó mà tưởng tượng được rằng từ “cái thời xa xưa ấy”:

    - hai bên bờ rạch Lấp Vò nhỏ cũng là nơi sản xuất và bán dầu chai để trét ghe, hoặc có cái trại chuyên “lấp dò” ghe xuồng, hoặc

    - những cư dân đầu tiên ở rạch Lấp Vò nhỏ vốn từ Lấp Vò lớn sang lập nghiệp nên lấy tên “cố hương” mà đặt cho con rạch.

    Cách rạch Lấp Vò nhỏ không xa, có một con rạch nhỏ khác - cũng đổ vào rạch Thốt Nốt nhưng ở bờ hữu - tên là Xa Mau. Theo cụ Vương Hồng Sển thì Xa Mau, tên một làng ở Sóc Trăng, là do tiếng Cơ-Me là smau, nghĩa là có). (Sđd, tr. 212). Chúng ta đã biết tên rạch Thốt Nốt và tên nhiều con rạch khác ở Miền Tây có nguồn gốc tiếng Khmer; chỉ xét riêng rạch Thốt Nốt và rạch Sa Mau, ta cũng có thể tin rằng tên rạch Lấp Vò nhỏ cũng là do tiếng Khmer mà ra.

    Suy rộng thêm thì Lấp Vò lớn ở Đồng Tháp cũng có thể là do tiếng Khmer mà ra. Mà tiếng Khmer đó có phải là srok tak por thì tôi không biết, chỉ có điều là tôi đã mất niềm tin với cái thuyết “lắp dò” rồi!

    Dù sao thì đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Rất mong quí vị và các bạn chỉ giáo. Xin chân thành cám ơn trước.


    --------------

    (1) Có lẽ “xảm” bị in sai thành “xâm”. Victor Duvernoy cho rằng “Lấp Vò” là xảm trét ghe thuyền nên trong Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省, Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924, ông viết như sau: “(Marché de Lấp vò) 垃 圩 (Calfatage)”. (Sđd, tr. 49). Theo Từ điển chữ Nôm (Website Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) thì chữ 垃 đọc là lắp hoặc lấp đều được, nhưng “lấp” mới có nghĩa là “che chỗ sâu kín”; chữ 圩 đọc là và có nghĩa là “cái chum nhỏ”.


    (2) Trong mục từ Xập kỷ nìn, cụ Vương giảng là: “cũ lắm. Thập kỷ niên, nói theo giọng Quảng Đông. Mặc bộ đồ xập kỷ nìn. Đi chiếc xe máy xập kỷ nìn. Đồng nghĩa với: đời ông Nhạc ỉa cức xu; cũ xì đời Minh Mạng Thập Nhất (1836), là năm tu địa bộ trong Nam Kỳ”. (Sđd, tr. 653).
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/5/15
    tran ngoc anh thích bài này.
  5. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Sao nửa đầu của bài là “lắp vò”, nửa cuối nó bị chuyển dần thành “lấp vò” rồi?
     
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này