Truyện ngắn Tuyển Tập Truyện ngắn Trần Thùy Mai

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi Ngọc Sơn, 24/9/15.

Moderators: Bọ Cạp
  1. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Tuyển Tập Truyện Ngắn Trần Thùy Mai

    Nguồn : Được đánh máy từ một số tập truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai đã xuất bản và sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.

    Về văn chương của Trần Thùy Mai, PGS.Tiến sĩ Văn học Hồ Thế Hà từng nhận định: "...Những nhân vật của Trần Thùy Mai thường không bình lặng. Họ cô đơn, hẫng hụt, tiếc nuối nhưng không bao giờ từ bỏ khát vọng sống của mình bằng cách bơi ngược dòng sông ký ức để làm sống lại những điều tốt đẹp....Đọc Trần Thùy Mai, tôi bị cuốn hút bởi chất nhân ái và triết lý này. Con người dù giận hờn, hằn học nhưng trong tận cùng sâu thẳm của ý thức cộng đồng, họ âm thầm sẻ chia và nhận nỗi đau về mình để được kéo dài ra trong niềm vui của người khác, để được yêu trong trắc ẩn dù có khi không tránh khỏi sự đối xử thờ ơ, nguội lạnh của tha nhân..."
    (Tìm trong trang viết, tập tiểu luận, Nxb. Thuận Hóa, Huế - 1998)

    Nguyễn Vinh Sơn, đạo diễn bộ phim "Trăng nơi đáy giếng", một đồng hương xứ Huế với nữ nhà văn thì nhận xét: "Cảm nhận của Trần Thùy Mai đầy Huế. Chất thơ là thuộc tính của người Huế từ cung cách đi đứng, nói năng đến lối sống thâm trầm, sâu sắc, tinh tế..."

    Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cho rằng: "Càng về sau văn chị viết càng đời, càng đầy đủ mặn ngọt đắng cay của những phận đời trong đó....Dù những cái kết được báo trước nhưng người đọc vẫn muốn nếm hết những vị đắng cay, điệu man mác cho đến những dòng cuối cùng."



     

    Các file đính kèm:

  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Tuyệt vời, mình bổ sung thêm một số định dạng cho mọi người tiện download.

    Trần Thùy Mai là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc yêu văn chương Việt Nam. Nhắc đến chị, người ta nhớ tới "Thương nhớ Hoàng Lan", "Trăng nơi đáy giếng", "Gió thiên đường","Thập tự hoa"…; nhưng nhớ hơn có lẽ là một giọng văn riêng, rất Huế.

    [​IMG]
    Trần Thùy Mai

    Giọng văn ấy vừa như lời thì thầm, vừa như có một ma lực dễ bám vào tâm trí người đọc. Và trong suốt mấy tuần vừa rồi, cái tên Trần Thùy Mai lại được nhắc tới với bộ phim của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (đoạt giải Cánh diều bạc 2008) chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chị.

    I. Nhiều bạn bè của Trần Thùy Mai ở Hà Nội hay Sài Gòn đi xem phim về đã gọi điện thoại chúc mừng chị. Vẫn giọng nói Huế rất nhẹ, chị tỏ ra hồi hộp, chờ đợi lắm để được xem phim này. Đây không phải là lần đầu tiên truyện của chị được chuyển thể thành phim.

    Trước đó, những Gió thiên đường, Thập tự hoa cũng đã lên màn ảnh rộng, và hơn chục trang truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng cũng đã được đạo diễn Ái Như đưa lên sân khấu kịch IDECAF.

    Nhưng tâm trạng chị với phim Trăng nơi đáy giếng có vẻ khác nhiều. Chị đã chờ đợi nhiều lắm từ bộ phim này. Chị cũng tin lắm vào lời Vinh Sơn từng nói với chị, ở Huế: "Không có ai dựng truyện của Mai thành phim hay hơn mình đâu". Bởi vậy, khi nghe bạn báo tin trên điện thoại, Trần Thùy Mai hỏi dồn: Phim thế nào? Có hay không? Có đẹp không? Giọng của Hồng Ánh vào vai phụ nữ Huế có hợp không? v.v…

    Rồi khi nghe bạn khen điều này, bạn chê điều khác, Trần Thùy Mai lại xuýt xoa bảo, ừ, mình phải chờ để xem phim đã rồi mới nói được. Rồi chị bảo, nhiều lần lắm, mình đã nhắn anh Vinh Sơn gửi cho mình xem một vài đoạn phim, ngắn thôi cũng được, nhưng anh Sơn vẫn chưa gửi.

    Tôi đồ rằng, ai đã từng xem phim Trăng nơi đáy giếng trong đợt tranh giải Cánh diều vàng vừa rồi đều có nhiều cảm xúc. Đôi khi những cảm xúc ấy rất phức tạp. Vừa thích thú, vừa bực bội. Vừa ngạc nhiên, vừa tiếc nuối. Vừa dễ hiểu, vừa tự đặt ra những câu hỏi mà không dễ trả lời.

    Nhưng tôi cũng đồ rằng, ai xem phim xong cũng về kiếm lại cái truyện ngắn của Trần Thùy Mai để đọc. Bạn tôi xem về, lôi truyện ra đọc, và thấy rằng có tới 90% những chi tiết trong truyện đã được các nhà làm phim sử dụng.

    Nhưng cái quan trọng hơn, truyện của Trần Thùy Mai nhấn vào bi kịch gia đình, với một câu chuyện đời giữa thực và giả, ẩn dụ qua hình ảnh "trăng nơi đáy giếng".

    Còn đạo diễn Vinh Sơn, ông đã kể câu chuyện ấy bằng một cách riêng, ông nhấn mạnh đến cuộc sống thật và thế giới tâm linh ngự trị, và vì thế, phim mang một tinh thần khác.

    Nhưng xem phim rồi đọc lại truyện ngắn một lần nữa, ít người biết rằng, Trần Thùy Mai đã viết Trăng nơi đáy giếng trong một giai đoạn rất buồn của cuộc đời chị, lúc ấy chị chỉ còn có niềm an ủi là viết. Chị viết hết truyện ngắn này tới truyện ngắn khác. Những câu chuyện về mảnh đất Huế mà chị đã sống suốt bao nhiêu năm qua.

    Trần Thùy Mai đã nhìn ra quanh mình và viết lại chuyện đời của những người phụ nữ sống xung quanh... Và Trăng nơi đáy giếng đã ra đời, đó là những ngày cận Tết năm 2001. Chị viết rồi gửi in ở tạp chí Sông Hương, rồi sau đó in trên tuần báo Văn Nghệ.

    II. Trần Thùy Mai viết văn từ hồi sinh viên, khi mới tròn 19 tuổi, với truyện ngắn đầu tiên là "Ổ bánh mì". Đến bây giờ, chị đã có hơn 30 năm trong nghề cầm bút, là tác giả của hàng ngàn trang sách.

    Chị không coi văn chương là một cuộc chơi, là nghề tay trái như nhiều người đã vống lên trên báo chí. Với chị, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích của chị.

    Văn chương đã cho chị được là chính mình, được có thêm nhiều bạn bè, nhất là những người bạn gái, họ đến và kể cho chị nghe những tâm tình của họ.

    Chị từng nói: Sống độc thân có cái lợi là không ai kiểm duyệt những chuyện tình yêu mà mình viết ra. Tôi hiểu đó là một cách nói khi gắn cuộc sống với văn chương. Nhưng cũng có một cách nói khác. Như đoán được ý tôi, Trần Thùy Mai lại cười, khuôn mặt tròn, đôi mắt tròn với nét đẹp của một người đàn bà đã ở tuổi 56.

    "Thực lòng mình nghĩ phụ nữ viết văn nên sống độc thân, vì những lúc đang viết, chăm chăm chúi chúi, cái mặt thì khó đăm đăm, việc dọn dẹp nấu nướng nhiều khi cũng bỏ mặc chẳng quan tâm, có người đàn ông nào thích thú sống với một người như vậy không?

    Hơn nữa mình lại có cái tính viển vông, đối tượng gần gũi dễ kết hợp thì mình không thích, lại thường thích những nơi trớ trêu cách biệt, nên dù có những lúc thoáng nghĩ đến chuyện làm lại cuộc đời cũng không đâu đến đâu.

    Nghĩ lại như vậy cũng có cái may, vì càng bớt ràng buộc, thì thâm tâm càng nhẹ nhàng, mình tự biết với tính cách của mình thì mọi chuyện tình cảm rồi cũng chỉ đi tới chỗ thêm một nguồn cảm hứng để viết mà thôi".

    Vậy là tôi đã chạm vào một miền ký ức riêng của chị. Đó là một vùng ký ức mà chỉ có chị, người chồng cũ của chị là thấu hiểu rõ nhất. Còn tôi, hay những độc giả vẫn thường đọc tác phẩm của chị, thậm chí cả những người thân xung quanh chị nếu có biết cũng chỉ là sự mơ hồ hoặc võ đoán quanh chuyện đổ vỡ của một cuộc tình.

    Tôi đã tới Huế nhiều lần, lần nào cũng thấy Huế thật buồn. Và với chị, người con gái sinh ra ở Hội An, sau bao nhiều năm giờ vẫn đi về một mình sống trong một căn nhà nhỏ trong một con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, không hiểu sao tôi vẫn cứ thấy đượm một vẻ u buồn.

    Căn nhà này gắn bó với chị từ khi nào vậy? - Tôi hỏi. Trần Thùy Mai nói mà như thì thầm: Từ năm 1985, khi ấy mình sắp sinh cháu thứ hai. Về căn nhà này được một năm thì ba các cháu đi Liên Xô học. Hồi ấy cuộc sống khó khăn lắm nên chỉ mong đi được để đổi đời chứ không ngờ rằng sự xa cách sẽ kéo dài lâu đến cả đời người như thế.

    Rồi chị kể: "Mình lấy chồng năm 27 tuổi, hồi đó mình đang là giảng viên trẻ của trường Đại học sư phạm Huế, anh ấy là giảng viên ở cùng khoa Văn, là bí thư chi đoàn của mình. Hai vợ chồng công tác cùng ngành, ở cùng một cơ quan, có thể nói là rất thuận lợi.

    Nhưng có lẽ là do duyên số, mới đám hỏi xong thì anh ấy được cử đi học cao học ở Hà Nội hai năm, sau khi cưới lại đi Liên Xô học, thành thử thời gian thực sống bên nhau chỉ có khoảng hơn một năm rưỡi. Chuyến đi Liên Xô lẽ ra dự định là bốn năm, nhưng đã kéo dài thành 16 năm. Thời gian trôi qua, thói quen sống của cả hai đều thay đổi. Vậy là…
    ".

    Từ ngôi nhà này, người chồng của chị đã ra đi, chọn đất Sài Gòn làm chốn an cư. Các con chị đều lớn lên ở đây, vì thế căn nhà nhỏ vẫn ngập tràn những hình ảnh kỷ niệm. Đó là những ngày sinh nhật, những đêm Noel, hay rằm tháng Tám khi các con còn nhỏ. Thời gian trôi. Vậy là đến nay đã hơn 20 năm đã qua rồi.

    "Bây giờ một cháu đi dạy ở trường Đại học Nông Lâm Sài Gòn, một cháu đang học sau đại học ở Singapore, thỉnh thoảng dịp hè, dịp Tết các cháu lại về, đó là những ngày mình hạnh phúc nhất trong năm... Sau những ngày ấy thì vắng lặng quá, vì vậy mình phải viết mới sống được. Phải nói căn nhà này là một chỗ lý tưởng để viết vì yên tĩnh gần như tuyệt đối". - Chị tâm sự.

    Tôi đã cố gắng để không tiếp tục gợi sâu ký ức của chị, vì tôi nghĩ, đó là câu chuyện của quá khứ. Câu chuyện ấy có quyền được trở thành tài sản riêng tư của chị. Và chị có quyền giữ bí mật về nó. Bởi thế nên tôi đã nói chuyện với chị về một nhà văn tôi quen vừa than trời về con đường văn chương, muốn bỏ cuộc ngang đường.

    Trần Thùy Mai vẫn nhẹ nhàng: Trong cuộc sống của mình hiện nay có hai điều đối với mình là quan trọng nhất: Các con của mình và những trang viết. Vì vậy mình không bao giờ chán nản hay bỏ cuộc. Mình không quan niệm văn chương là cuộc chơi hay cuộc đua, nó là một phần tình yêu và niềm vui sống. Dù biết viết văn là một lao động phải chấp nhận nhiều thiệt thòi, nhưng mình không thể từ bỏ nó, như không thể từ bỏ niềm vui sống của mình.

    Chị không từ bỏ văn chương. Và văn chương cũng đáp lại những cố gắng bền bỉ của chị. Quan trọng hơn các giải thưởng văn học đã đạt được, những trang viết của Trần Thùy Mai vẫn có độc giả của riêng mình, vẫn được độc giả chờ đợi.

    Tập sách mới nhất của chị, "Một mình ở Tokyo", ra mắt cuối năm ngoái sau đó đã lập tức được tái bản. Với chị công bố thêm một tập truyện mới, đó không chỉ là sự chứng minh không bỏ cuộc, mà như là một cách để âm thầm "nuôi" độc giả của mình.

    12 truyện ngắn trong tập sách mới này là những cố gắng của chị trong suốt một năm vừa qua với rất nhiều thay đổi. Vẫn là một Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu sắc dù chị có viết về cái xấu, sự đổ vỡ hay cái sân, si của đời người thì vẫn là những trang văn đẹp. Nhưng bối cảnh của nhiều truyện thì đã được mở rộng ra ngoài Huế - mảnh đất gắn bó của chị.

    Nói cách khác, nó không còn đậm đặc chất Huế như trong các tập truyện trước. Trần Thùy Mai đang thấy thích thú với đề tài lịch sử, vì thế trong tập sách này, nhiều truyện có dính dáng đến lịch sử đã xuất hiện, như truyện "Thần nữ đi chân không", "Nơi có những cây tùng xanh biếc"…

    III. Huế. Thứ 6 ngày 13/3/2009. Phim Trăng nơi đáy giếng đã chính thức được chiếu ở xứ Thần kinh. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có mặt, "nữ chính" Hồng Ánh cũng từ Sài Gòn bay ra. Và tất nhiên, Trần Thùy Mai không vắng. Bởi chị đã chờ đợi được xem phim này, như người mẹ chồng chờ xem mặt con dâu tương lai.

    Chị phấp phỏng chờ đợi, với tâm trạng lo lo vì cái sự tình cờ của "thứ 6 ngày 13". Nhưng Trần Thùy Mai vẫn tới, một mình, mặc áo dài Huế. Còn người Huế hôm đó đến xem kín rạp, chăm chú theo dõi từng mét phim chạy trên màn hình.

    Tôi đã không hỏi chuyện chị ngay hôm đó. Đơn giản bởi tôi biết chị sẽ ít nhiều bị chấn động. Thế nào giữa một truyện ngắn thành phim cũng có những điều bất ngờ, những cảm xúc hụt hẫng hay tiếc nuối - nhất là với người viết như chị.

    Và vì thế, chị sẽ cần một khoảng lặng để chiêm nghiệm và lắng nghe sự đồng vọng trong tâm hồn mình. Tôi đã tìm gặp chị. Khi đó Huế không còn trận mưa giông như cái đêm chị đi xem Trăng nơi đáy giếng trở về nhà một mình.

    Trần Thùy Mai tâm sự: "Ban đầu tôi thấy hơi buồn vì câu chuyện và nhân vật của mình đã bị đơn giản hóa đi, nhất là thầy giáo Phương. Nhưng sau đó bình tâm suy nghĩ khách quan hơn và nhận ra tác giả muốn nhìn câu chuyện theo một góc độ khác, gần như là kể một câu chuyện khác.

    Chủ đề của phim thực ra là thế giới tâm linh của người Việt, và câu chuyện này có lẽ hợp với công chúng phương Tây hơn là với mình. Nhưng biết đâu chính vì thế mà phim có thể giới thiệu với công chúng nước ngoài một phần của văn hóa Việt và nếp sống Việt, như thế thì mình cũng vui lắm
    ".

    Trước khi phim bấm máy, Trần Thùy Mai cũng đã nhiều lần trò chuyện, thậm chí tranh luận với đạo diễn Vinh Sơn. Đến bây giờ, chị tin lời Vinh Sơn đã nói: "Không có ai dựng truyện của Mai thành phim hay hơn mình đâu".

    Nhưng trong nghệ thuật, "cái tôi" thường được đề cao ở từng tác phẩm. Và Trần Thùy Mai cũng quan niệm rạch ròi: "Tác phẩm của ai người ấy hưởng thành công, thất bại và phải chịu trách nhiệm".

    Bởi thế, khi những thước phim Trăng nơi đáy giếng khép lại ở Huế với cái kết theo kiểu "happy ending", chị lại bắt đầu vào công việc của mình.

    Để mỗi khi ai đó nhắc về bộ phim, trong tâm hồn chị chợt hiện về những hình ảnh của Huế với ngôi nhà rường tiêu biểu, cảnh Hồng Ánh làm lễ cúng giao thừa, chi tiết ông Phương quay về nhà tìm chìa khóa không thấy rồi bắt gặp vợ đang thờ cúng ông chồng mới, và con chó đã được đạo diễn nâng lên thành hình ảnh chủ đề của sự thủy chung...

    "Thế hệ của mình đã mất nhiều thời gian trong con đường sáng tác. Đến năm 22 tuổi mình vẫn chỉ nghĩ đến việc được đăng là vui. Tiếp đó, trong khoảng 10 năm sau chiến tranh, văn chương phải viết quanh mấy đề tài: Lao động, sản xuất, chiến đấu. Toàn những món mình không sở trường.

    Mình quay sang "lách" vào đề tài chuyện đời thường, nhưng cũng đã có lần gặp phiền hà: Sau khi đăng truyện "Một chút màu xanh" trên tạp chí Sông Hương số 1, mình bị ông giám đốc sở nọ lên án vì "viết bôi bác, dám nói có hai vợ chồng nhà nọ nghèo đến nỗi không sắm được chiếc quạt máy".

    Đó là chuyện của "thời xa vắng", bây giờ nhắc lại cho vui mà thôi. Hồi đó mình viết về cái nghèo và nỗ lực của con người để thương yêu nhau trong cảnh nghèo.

    Hai mươi năm sau mình chọn viết về khát vọng sống của con người vượt qua những thành kiến xã hội - mình cho rằng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc là điều mà ai cũng quan tâm. Khát vọng đó thể hiện dưới nhiều hình ảnh khác nhau, mà tình yêu là một dạng thể hiện gần gũi và dễ cảm nhận nhất.

    Viết về cái gì thì bắt đầu cũng là từ thương yêu, và kết thúc là thương yêu, cả đời mình viết nhiều đề tài, cách viết theo thời gian có thể khác đi, nhưng xu hướng đó thì không thay đổi".

    Nguyễn Thanh Bình
    Báo Tiền Phong
     

    Các file đính kèm:

    amorphous, VietNhan, vndony and 12 others like this.
  3. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Rất cảm ơn Bác đã chia sẻ thêm những thông tin và chuyển định dạng giúp.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Em thích nhà văn này nên sẽ lăng xê cho tuyển tập này tích cực. Sẽ có những bài viết những nhận định hay về các tác phẩm của Trần Thuỳ Mai được giới thiệu đến bạn đọc trong topic này.
     
    chelsky_ngoann and Ngọc Sơn like this.
  5. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Lúc đầu, lướt qua các topic, bài đăng, tìm mãi lục lọi vẫn không tìm thấy tập nào của Cô Mai, hơi buồn buồn, sao Cô Mai viết hay thế mà lại không thấy có tác phẩm đăng ở đây, nghĩ hoài nên thôi thì vừa sưu tầm, cái nào không sưu tầm được thì lôi sách ra đánh máy lại, chỉ tiếc là còn đang...chưa hoàn thành được, thiếu một vài truyện ngắn nữa, Onkel yêu dấu, và đặc biệt là ngày xưa ở Kim Long vẫn chưa đưa lên được. Hi vọng các anh chị em có thể bổ khuyết. cute_smiley60cute_smiley7
    Gì chứ có người, đồng niệm là khoái rồi.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  6. Sakura2k7

    Sakura2k7 Banned

    Miềng thì biết Trần Thùy Mai từ "Thương nhớ Hoàng Lan" từ Đọc truyện đêm khuya của Đài TNVN. Vẫn xao xuyến mãi từ độ ấy...
     
    Ngọc Sơn thích bài này.
  7. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    cute_smiley60cute_smiley7 quá giỏi
     
  8. phongtom123

    phongtom123 Mầm non

    cảm ơn các bác nhiều ạ :D
     
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này