Thảo luận Ý nghĩa của Liêu Trai Chí Dị ?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi cxz27, 14/8/15.

Moderators: amylee
  1. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Mình biết bộ truyện này rồi mà nghe tên rùng rợn không muốn đọc. Có nhiều cái kinh dị như phim họa bì thì...

    Với lại cách giải thích từ "Liêu Trai" mình thấy nó không hợp lý ấy, đại khái là nó là căn phòng tạm bợ nghe chuối nhỉ... Nó giống một danh từ hơn.

    Theo Nguyễn Hiến Lê trong cuốn Đại cương văn học sử Trung Quốc : "Bồ Tùng Linh lựa chỗ núi non vắng vẻ xây một nhà học, đặt tên là Liêu Trai để họp bạn đồng chí uống rượu ngâm thơ.."
     
    cfcbk and Heoconmtv like this.
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Phim nó làm quá lên thôi.
    Truyện này nó mang tính thần bí, ma quỷ nhưng không đến nổi kinh dị, cũng như một số truyện thần thoại thôi.
    Như Từ Thức gặp tiên, Trương Chi... của VN cũng là 1 dạng truyện Liêu Trai đấy.
     
    cfcbk, Heoconmtv and cxz27 like this.
  3. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Bồ Tùng Linh người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sinh năm Sùng Chính thứ 13 (1640) vào cuối đời Minh. Lúc nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh thì ông vừa được 7 tuổi. Ông mất năm 1715, dưới đời vua Khang Hi nhà Thanh, thọ 76 tuổi.

    Bồ tiên sinh tự là Lưu Tiên (留仙) lại có tự là Kiếm Thần (剑臣), biệt hiệu Liễu Tuyền cư sĩ (柳泉居士), tự xưng là Di Sử thị (异史氏), người đời vẫn gọi là Liêu Trai tiên sinh (聊斋先生).

    Ông là thầy giáo nghèo ở làng quê, học giỏi, 18 tuổi đã đỗ đầu huyện, phủ, tỉnh trong khoa thi Đồng tử, được bổ Bác sĩ đệ tử viên (Chức danh ban cho người học giỏi, được vào học ở Thái học) nhưng sau đó thi mãi không đỗ đạt gì, đến năm 71 tuổi mới đỗ Cống sinh và chỉ 4 năm sau thì mất. Lúc sinh thời, ông dành hầu hết thời gian trong việc dạy học tư, và sưu tầm những câu chuyện mà sau này được viết trong tác phẩm Liêu trai chí dị, bao gồm 12 quyển chia làm 431 truyện chính và 17 truyện phụ.

    Xã hội phong kiến thời Mãn Thanh đầy rẫy những tệ nạn, những thói tục vô lý, đầy rẫy những tên dốt nát, gian ác nhưng lại đỗ đạt và được cất nhắc làm quan khiến Bồ Tùng Linh chán nản. Thực tế cuộc sống ấy được tác giả cách điệu thành những câu chuyện ma quái, đưa vào Liêu trai chí dị.

    Trong 2 từ "Liêu trai" thì "trai" là chính từ, còn "liêu" là bổ túc từ. Từ "trai" có rất nhiều nghĩa nhưng nghĩa "phòng học", "phòng đọc sách", là được nhiều người đồng tình nhất. "Liêu" có nghĩa là "sơ sài", "tạm bợ" . Vậy Liêu trai chí dị là sách ghi những chuyện quái lạ, viết ở phòng học sơ sài, tạm bợ. Thật ra trước đó Liêu trai chí dị có tên là "Quỷ hồ truyện" (鬼狐傳). Nhưng có lời đồn rằng trong những lần ông đi thi Hương, quỷ và hồ ly cứ quanh quẩn ngoài lều khiến ông sợ hãi nên đổi tên thành Liêu trai chí dị.

    Sau khi Bồ Tùng Linh mất, vì nhà nghèo, không có ai chủ trì, Liêu trai chí dị vẫn không thể ấn hành; mãi hơn 50 năm sau (năm Càn Long thứ 31; 1766) mới được khắc in và chỉ sau một thời gian, các bản dịch Liêu trai chí dị đã xuất hiện ở hơn 20 nước. Đến nay tác phẩm được chuyển thể sang các loại nghệ thuật khác như: hí kịch, điện ảnh, phim truyền hình, …

    Ở nước ta, từ năm 1901 trên báo Nông Cổ Mín Đàm, Liêu trai chí dị đã được dịch và đăng nhiều kỳ. Sau đó các dịch giả như Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Huệ Chi, Cao Xuân Huy, Nguyễn Văn Huyền, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Vọng Chi Nguyễn Chí Viễn, Phạm Tú Châu, Đỗ Ngọc Toại, Nguyễn Đức Lân, Trần Thị Băng Thanh, Đàm Quang Hưng, ... dịch lại, in thành sách.

    Hầu như trong mọi bản in chữ Hán hoặc bản dịch bộ sách này, bao giờ cũng được in kèm với một bài giới thiệu ở đầu sách. Đó là bài đề từ ngắn của Vương Ngư Dương, một người bạn đồng hương của Bồ tiên sinh.

    Bài thơ đề từ ấy như sau:

    Liêu trai đề từ

    Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
    Đậu bằng qua giá vũ như ti.
    Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
    Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.


    Tạm dịch nghĩa:

    Nói lời lảm nhảm (mà vui), nghe lời lảm nhảm (mà vui)
    Mưa (đêm) dệt như màn mưa tơ trên giàn đậu giá dưa
    Giọng đời đã chán ngấy không muốn nhắc tới nữa
    Chỉ thích nghe quỷ dưới mộ mùa thu ngâm thơ.


    Bài đề từ vỏn vẹn chỉ có 28 chữ (thất ngôn tứ tuyệt), nhưng có thể nói rằng bài thơ đã làm giá trị của Liêu trai chí dị tăng thêm rất nhiều, số người thích thú không phải là ít (nhiều người nhầm lẫn cho rằng đó là thơ của Bồ tiên sinh).

    Một số thi sĩ nước ta đã lấy cảm hứng từ bài đề từ này để sáng tác như Vũ Hoàng Chương (bài Tình liêu trai), Đông Hồ (bài Đêm lại liêu trai), Đinh Hùng, …

    Bài thơ đề quá hay khiến hơn trăm năm nay ở nước ta đã có nhiều bản dịch quốc ngữ, trong đó có lẽ bản dịch của Tản Đà được nhiều người biết đến:

    Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
    Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi
    Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc
    Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/8/15
  4. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dư; Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm; Chùa Đàn của Nguyễn Tuân... đều thuộc thể loại này hết.
     
    Bilbone and Ban Tang Du Tử like this.
  5. hung_1982hvtc

    hung_1982hvtc Mầm non

    Trước mình đọc trong cuốn Văn học Trung Quốc (bộ sách về văn hóa Trung Hoa) thì thấy bảo Bồ Tùng Linh có dựng 1 quán trà để mọi người qua đường đàm đạo, sưu tầm những chuyện kỳ văn rồi viết thành bộ Liêu Trai Chí Dị :).

    Vậy nên Liêu Trai dịch thoát thì mình hiểu là thư trai, trai phòng của tác giả chứ không dịch vèo ra là căn nhà tạm như trên wiki viết :(.

    Nhiều bạn ko thích đọc truyện vì không ly kỳ mà thích xem phim hơn:

    1. Có phim điện ảnh Thiện Nữ U Hồn 1987 (Trương Quốc Vinh, Vương Tổ Hiền) chắc bạn cũng nghe tên, phim cũng chuyển thể từ 1 truyện trong bộ Liêu Trai.

    2. Ngài ra TVB có làm 2 phần Liêu Trai I & II khá hay.

    Phim chỉ lấy tên, cốt truyện thôi rồi thêm tình tiết, xào nấu lên - nhưng cũng không kinh dị như mấy phim kinh dị của Nhật, Mỹ đâu bạn à :p.

    Còn truyện chỉ mang tính nhân văn, khuyên răn người đời nhiều cái như không nên làm điều ác, không nên thất hứa bội tín ...
     
    cfcbk and Ban Tang Du Tử like this.
  6. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Mình giới thiệu lời bình của Tản Đà về bộ Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh

    Đêm thu dưới trăng, một mình ngồi nghĩ ngợi.

    Nghĩ rằng: Hằng Nga Quảng Hàng liệu khó có thể là có, mà tự mình không muốn bảo là không; lại cả như Khiên Ngưu, Chức Nữ, Ngân Hà, có lẽ cũng là không, mà thế gian vẫn cứ nói là có, cứ chi là có là không; không hay có, ở tự lòng vậy.

    Bộ Liêu Trai nguyên Hán văn của ông Bồ Tùng Linh soạn ra, tất cả 448 truyện; tự đời Khang Hy nhà Thanh đến nay, kể có 260 năm. Hiện nay, các bản có chú giải, đồ họa điểm xuyết, tranh in ra để lưu hành. Vậy tất có lý thú như sao, cho nên mới được người đời mến chuộng thế.

    Tôi từ tuổi trẻ thôi sự học khoa cử, trong lúc vô liêu thường hay xem Liêu Trai, chỉ thấy chuyện vui mà vẫn hay, đủ là một tập sách tiêu khiển có giá trị. Mới đây, dịch bộ sách đó, nhân xem lại và nhận kỹ, thấy có hứng vị hơn xưa, thấy rằng:

    Bộ Liêu Trai của Tàu, cùng với quyển Truyện Kiều của ta tuy văn xuôi, văn vần khác nhau mà cái tài học của tác giả, cái giá trị của văn chương thực giống nhau lắm. Hai tác giả cùng bậc học rộng, mà văn có đại tài. Cụ Nguyễn Du viết quyển Kiều, bao nhiêu câu lục bát, mà không câu nào phảng phất với câu nào. Ông Bồ Tùng Linh viết Liêu Trai, hay bao nhiêu chuyện dài, ngắn, mà không chuyện nào phảng phất với chuyện nào, điển tích dẫn dùng, lời lẽ gọt chuốt, đều hoành bác mà tinh công. Cho nên đều được người đời mến chuộng về lâu dài, là một lẽ xứng đáng. Tác giả Liêu Trai là người ở Trung Quốc; sinh vào đời Mãn Thanh, chắc chắn có chỗ u phẫn mà mượn tập truyện đó để khiển hoài; cũng như cụ Nguyễn Du ta là cố thần nhà Lê, mà bùi ngùi vì thân thế xuất xứ vậy.

    Riêng nói về bộ Liêu Trai này, chuyện hồ quỷ chiếm quá nửa, minh bạch là câu chuyện bịa đặt, mà cái hay cứ hay. Cái hay của Liêu Trai, như nghìn vạn cảnh trạng ở nhân gian đều thu vào phiến ảnh rất nhỏ bé, mà cảnh nào tình ấy, nhận cho kỹ, sẽ thấy được rõ ràng. Lật những ý tưởng quang minh chính đại, những kiến thức khoáng đạt cao siêu, đều tùy thế truyện, mượn mồm người mà phát ra ngôn luận, đặt làm văn chương. Cho nên cái hay không chỉ là đáng yêu, mà phần đáng trọng rất không ít. Cho nên không thể coi như một bộ tiểu thuyết tầm thường, mà cũng không phải như Chức Nữ, Hằng Nga, chỉ thanh tú mà không có thiết đến nhân thế. Ấy là cái giá trị xác thực của Liêu Trai…

    Hà Đông Năm Mậu Dần

    Sau tiết Trung Thu một ngày


    Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/12/16
    Ban Tang Du Tử and Ducko like this.
  7. fareast3010

    fareast3010 Mầm non

    Hi, truyện này em chả thấy sợ mà chỉ thấy hơi hướng như truyện 18+ vì suốt ngày đả động yêu đương, ông thư sinh, ông học trò yêu mà bà hồ ly tinh mà tưởng gái đẹp... nói chung bộ truyện này không thể so với mấy bộ kinh điển kia đươc.
     
    Heoconmtv thích bài này.
  8. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Mình nhớ rồi cái bộ Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ nó khá giống Liêu Trai ấy
     
  9. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Hô hô, lâu lắm mới thấy người viết tên tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục như thế. Nhất là người trẻ (bác trẻ hơn em một tẹo nhá, bác Heoconmtv:p).
     
    cfcbk and Heoconmtv like this.
  10. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Tâm lý người ta là thích kích thích nên làm phim phải thêm thắt cho nó kinh dị lên để mọi người tò mò, câu view. LTCD nhiều truyện ngắn ngủn, không thêm thắt vào thì chẳng có gì để lên phim cả.:D
     
    Ducko thích bài này.
  11. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Dạ vâng, sách giáo khoa cũng viết sai về việc này.

    Nếu theo bản Tân biên Truyền kỳ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú, in năm 1763 thì tên tác giả là 阮 璵 NGUYỄN DƯ. Chữ 璵 viết với bộ 玉 (ngọc) do chữ 璵 璠 DƯ PHAN là tên một thứ ngọc quí.

    Cũng có sách viết là 阮 嶼 thì chữ 嶼 viết với bộ 山 (sơn) lại có mấy cách đọc khác như sau:

    1. TỰ: Theo Thiều Chửu trong quyển Hán - Việt tự điển, Lạc Thiện trong Hoa - Việt thông dụng tự điển (Sài Gòn - 1972) và Nguyễn Quốc Hùng trong Hán - Việt tân từ điển (Sài Gòn - 1975).

    2. DỮ: Theo Đào Duy Anh trong quyển Hán - Việt từ điển (Huế - 1931). Nguyễn Quốc Hùng trong quyển Hán - Việt tân từ điển còn ghi thêm hai âm DƯ và DỮ. Như vậy, chữ 嶼 có thể đọc là TỰ, DỮ và DƯ.

    Nếu đọc là DỮ thì theo âm Nôm lại có nghĩa là dữ tợn, độc ác chắc không ai lại chọn chữ ấy để đặt tên cho con mình. Theo chúng tôi thì, dù viết 璵 hay 嶼 thì hai chữ ấy đều đọc là DƯ được cả nhưng chữ 嶼 DƯ (còn đọc là TỰ hoặc DỮ) với nghĩa là hòn đảo nhỏ không cao đẹp bằng chữ 璵 DƯ là hòn ngọc quí.

    Trong quyển Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (bản in lần thứ nhất năm 1944) ở trang 290, dòng 12 đã in sai là NGUYỄN DỮ nhưng ở cuối sách soạn giả đã đính chính là NGUYỄN DƯ. Vì không biết đến bản đính chính này nên các lần tái bản sau, kể cả những lần mới tái bản gần đây cũng vẫn cứ in sai là NGUYỄN DỮ. Sự sai lầm do đó càng ngày càng phổ biến rộng hơn và đã trở thành quen miệng.
     
  12. Hôm nay, ngày mùng một tháng bảy âm lịch, nghe mọi người bàn luận về Liêu Trai. Có ý gì không nhỉ?
     
    Last edited by a moderator: 14/8/15
  13. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Xưa giờ cứ dùng Liêu trai như kinh dị, ma quái, quái lạ.

    Ví dụ: Sao chuyện này nghe liêu trai dữ vậy.
     
  14. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Cái này giống như người Việt ta gọi xe máy là xe Honda, từ một danh từ riêng thành một danh từ chung luôn.
     
  15. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Như Hoạn Thư = ghen tuông hay Tú Bà = má mì hả bác Heoconmtv?
     
    Heoconmtv thích bài này.
  16. Ngaymua

    Ngaymua Lớp 3

    Liêu trai chí dị là những câu chuyện ma mị, nhẹ nhàng, đâu có kinh dị. Khi xây dựng thành phim, họ đã đẩy độ kinh dị lên rất nhiều lần. Và phải nói rằng phim hay hơn nguyên gốc nhiều. Chẳng hạn như: Phim Họa bì 1, 2 hay hơn trong Liêu trai chí dị nhiều. Bạn cứ thử đọc thử mà xem
     
  17. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Xin hỏi rằng tên tác phẩm này, nếu viết đúng âm Hán Việt thì viết hoa như thế nào?

    "Liêu Trai Chí Dị": viết hoa tất
    "Liêu trai chí dị": viết thường tất
    "Liêu Trai chí dị": viết hoa chữ "Liêu Trai" thôi
     
    Dr. No and Heoconmtv like this.
  18. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Nếu viết đúng âm Hán Việt thì không phân biệt chữ hoa, chữ thường.
    Nếu coi Liêu Trai là một tên hiệu của cụ Bồ Tùng Linh hay tên một cái nhà của cụ thì viết hoa 2 chữ này. Nếu coi 2 chữ đó chỉ có nghĩa là căn nhà tạm bợ thì chỉ cần viết hoa chữ đầu câu. Còn 2 chữ 'chí dị' thì không cần viết hoa làm gì.
    Nhưng mà bạn cứ viết hoa hết đi cũng chẳng sao, ai để ý đâu.

    Khi in tác phẩm này, người ta thường chỉ ghi bài thơ đề từ của Vương Ngư Dương, một người bạn đồng hương của Bồ Tùng Linh mà quên bài thơ họa của Bồ tiên sinh.

    Đề từ
    Cô vọng ngôn chi cô thính chi,
    Đậu bằng qua giá vũ như ti.
    Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
    Ái thính thu phần quỷ xướng thi.

    Họa
    Chí dị thư thành cộng tiếu chi
    Bố bào tiêu sách mấn như ti
    Thập niên phả đắc Hoàng châu ý
    Lãnh vũ hàn đăng tự thoại thi
     
    Dr. No and Caruri Tlkd like this.
  19. YurbleVn

    YurbleVn Lớp 1

    Bên Trung Quốc thời xưa, người ta thường đặt tên cho mỗi khu ở, phòng/thất. Các bạn xem phim, đọc truyện, sẽ thấy cái biển treo trước cửa phòng, đó là tên của phòng đó.

    Và người đọc sách xưa thích đặt tên thư phòng của mình cho thêm nét tao nhã. Tên thường được đặt để thể hiện tâm và chí của người chủ. Nhiều tác phẩm cũng thường lấy tên thư phòng thay cho bút danh.

    Liêu Trai là tên "thư phòng"/ phòng đọc sách của Bồ Tùng Linh.
    - Có thể có nhiều cách hiểu, nhưng chắc chắn sẽ không có cái ý nghĩa là "Cái phòng đơn sơ tạm bợ". Vì chữ Liêu này không có nghĩa tạm, đơn sơ như các bạn trên diễn giải. Cái "tạm thời" mà các bạn thấy trên từ điển là Phó Từ, không phải tính từ. nếu dịch ra tiếng anh, cái tính tạm thời của chữ Liêu gần chữ "somewhat" hoặc nghĩa "tạm để vậy".

    - Chữ "Liêu" trong Liêu Trai, mang ý nghĩa "nhàn nhã, hứng thú","chuyện phiếm".

    - Còn chữ "Trai" có thể là phòng sách, hoặc nơi học tập và chia sẽ/nơi tụ họp của văn nhân xoay quanh sách và chữ. Hoặc các tiệm sách xưa cũng gọi là "Trai". Các phòng đọc sách nơi tụ họp bạn bè văn nhân thời xưa hay được đặt tên với chữ Trai, chữ Trai trong Liêu Trai gần nghĩa này nhất.

    Nên hiểu "Liêu Trai" là phòng đọc sách mà Bồ Tùng Linh tận hưởng, theo đuổi những nhã hứng, những niềm vui tao nhã (so với những thư phòng khác lấy tên thể hiện chí hướng to lớn...). Hoặc là nơi ông hội họp bạn bè kể chuyện, tán gẫu giết thời gian. Dịch tiếng anh dạng như "Relaxing Book Space"

    "Chí" là ghi chép, lưu lại. Như chữ Chí trong "Tam Quốc Chí" ("Tam Quốc Diễn Nghĩa" là giả sử, "Tam Quốc Chí" là chính sử). "Chí Dị" có nghĩa là ghi lại những truyện kỳ dị.

    Liêu Trai Chí Dị, nên hiểu là Những Truyện Kỳ Dị được ghi lại ở cái "Trai" tên là "Liêu"... Dịch thoáng nghĩa là "Truyện Kỳ Dị được chép lại ở Phòng Sách "Liêu Trai".

    Còn dịch theo ngữ cảnh thời nay là "Tuyển Tập Truyện Kỳ Dị của Tác Giả Liêu Trai", trong đó, Liêu Trai là bút danh của Bồ Tùng Linh lấy theo tên của thư phòng.

    Thí dụ, Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi, cũng là lấy Ức Trai làm thành bút danh. Ức Trai, nơi rèn luyện và Mài Rũa con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/20
    Dr. No and Bilbone like this.
  20. YurbleVn

    YurbleVn Lớp 1

    Thêm nữa, Liêu Trai nổi tiếng vì nó giá trị văn học và nhân văn của nó. Liêu Trai mượn truyện quỷ thần để phê phán xã hội, quan lại và thể hiện khát vọng yêu đương tự do...

    Chứ không phải chỉ là chuyện kinh dị.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/20
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này