Tâm lý - Giáo dục PG 100 Câu Chuyện Về Mưu Lược Trong Chính Trị, Quân Sự Và Đời Sống - Quách Thành [tạm dừng vô thời hạn]

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi chichi.myluckycharm, 10/12/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    img345.gif

    100 CÂU CHUYỆN VỀ MƯU LƯỢC
    TRONG CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ VÀ ĐỜI SỐNG

    Tác giả: Quách Thành
    Người dịch: Tiến Thành
    NXB Hồng Đức
    Năm xuất bản: tháng 8/2012
    Số trang: 296 trang
    Khổ sách: 13,5 x 21 cm
    Nguồn sách: Chi Chi
    Đánh máy: Chi Chi

    Trong lịch sử có rất nhiều câu chuyện về các nhà chính trị và quân sự đã vận dụng kế sách, mưu lược.


    Xã hội không ngừng phát triển, trên mọi phương diện đều có sự cạnh tranh gay gắt, vì thế việc vận dụng mưu lược là không thể thiếu. Đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, quân sự hay kinh tế, ngoại giao, ngoài tầm nhìn xa trông rộng, tài phân tích, phán đoán nhạy bén, những người lãnh đạo còn phải giỏi cách nhìn người và sử dụng người để vận dụng trong mọi hoàn cảnh.

    100 Câu Chuyện Về Mưu Lược Trong Chính Trị, Quân Sự & Đời Sống tập hợp nhiều kế sách hay cũng như thuật dùng người khôn khéo của các nhân vật nổi tiếng giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, học hỏi kinh nghiệm, từ đó vận dụng một cách sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày.


    LỜI GIỚI THIỆU

    Giáo dục nền tảng bao gồm nhiều lĩnh vực như: triết học, kinh tế, chính trị, lịch sử, văn học, toán học, ... có tác dụng giúp con người phát triển toàn diện những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống. Ngày nay, để có được một vị trí trong xã hội, chúng ta phải không ngừng học tập, trau dồi và bổ sung kiến thức. Thế nhưng để làm được điều đó bạn phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đọc sách là một trong những phương pháp học tập vừa có hiệu quả vừa tiết kiệm được thời gian. Để đáp ứng nhu cầu đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một bộ sách hay thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 7 quyển:

    1. 100 câu chuyện Phật giáo

    2. 100 câu chuyện triết lý và kẻ trí

    3. 100 tác gia và tác phẩm kinh điển

    4. 100 câu chuyện về mưu lược trong chính trị - quân sự & đời sống

    5. 100 câu chuyện thành bại

    6. 100 câu chuyện về tình cảm

    7. 100 câu chuyện về sự giàu có

    Bộ sách không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng thuộc các chủ đề riêng biệt như: Phật giáo, triết học, chính trị và đời sống, văn học, tình cảm nhân sinh... mà còn có tác dụng khai sáng trí tuệ, phát huy khả năng tư duy logic; bồi dưỡng tâm hồn, dạy ta cách nghĩ, cách sống, ... và còn rất nhiều bài học bổ ích, thiết thực có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày.


    MỤC LỤC
     
  2. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    1. NHẪN NHỊN LÀ VÀNG

    Năm 494 trước Công nguyên, để trả thù nước Việt giết cha, Ngô vương Phù Sai dấy binh đánh Việt, trong trận chiến Mai Sơn, quân Ngô giành đại thắng, quân Việt hầu như hoàn toàn bị tiêu diệt. Trước tình cảnh nước mất nhà tan, Việt vương Câu Tiễn bàn bạc với các đại thần Văn Chủng, Phạm Lãi, quyết định đích thân dắt vợ con sang nước Ngô làm con tin, hầu hạ Phù Sai.

    Bất chấp sự phản đối của các đại thần, Phù Sai chấp nhận thỉnh cầu của Câu Tiễn, ông cho xây một ngôi nhà đá tồi tàn ngay bên mộ của tiên phụ Hạp Lư chết bởi nước Việt ngày trước, cho vợ chồng Câu Tiễn vào ở đó và lệnh cho họ bỏ mũ áo, để đầu trần, bôi mặt xấu, mặc trang phục nô lệ, chăn ngựa cho ông. Mỗi khi Phù Sai đi đâu, Câu Tiễn phải cầm cương ngựa đi bên cạnh hầu hạ, trăm họ nước Ngô chỉ trỏ vào ông bàn tán: “Người kia là vua nước Việt đấy!” Câu Tiễn chỉ biết nhịn nhục, cúi đầu không nói. Bình thường Câu Tiễn còn phải chặt củi gánh nước, phu nhân thì nấu cơm may áo, đôi phu phụ Hoàng đế này sống như nô lệ.

    Để không khiến Phù Sai nghi ngờ dẫn đến chuốc họa bất trắc, Câu Tiễn còn tìm mọi cách nịnh bợ Phù Sai. Một lần Phù Sai bị bệnh, Câu Tiễn xin vào cung thăm bệnh. Lúc ấy Phù Sai đang bị tiêu chảy, bèn lệnh cho Câu Tiễn tạm lánh đi một chút. Câu Tiễn nói:

    - Tiện thần ngày trước từng theo thầy học y, có thể nhìn phân người là biết bệnh tình nặng hay nhẹ.

    Chờ Phù Sai đại tiện xong, kẻ hầu bê thùng phân ra khỏi phòng, Câu Tiễn theo ra, nhấc nắp thùng lên, thò tay vào lấy một cục phân rồi quỳ xuống cho vào miệng nếm, mọi người ai nấy nhăn mặt nhíu mày. Câu Tiễn nếm phân xong mặt lại tỏ vẻ mừng, vào cung chúc mừng Phù Sai:

    - Tiện thần xin chúc mừng Đại vương, bệnh của Đại vương chỉ đôi ba ngày nữa là khỏi.

    Phù Sai hỏi:

    - Sao nhà ngươi biết?

    Câu Tiễn đáp:

    - Tiện thần từng nghe thầy dạy rằng phân có vị ngũ cốc, người khỏe thì vị nó nặng, người bệnh thì vị nó nhẹ. Tiện thần nếm phân của Đại vương, thấy vị nó chua lại đắng, nên biết được.

    Phù Sai nghe xong vô cùng cảm động, khen:

    - Các đại thần của ta, Thái tử của ta không ai làm được như vậy, chỉ mình Câu Tiễn thực sự yêu mến ta thôi!

    Thế rồi ông quyết định thả vợ chồng Câu Tiễn về nước.

    Sau khi về nước, Câu Tiễn ra sức phấn đấu, sau mười năm gây dựng, nước Việt đã lớn mạnh. Năm 475 trước Công nguyên, Câu Tiễn dốc toàn lực đánh nước Ngô. Phù Sai đại bại, xin đời đời làm tôi tớ nước Việt, Câu Tiễn không chịu, buộc Phù Sai tự sát.
     
  3. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    2. QUA CẦU RÚT VÁN

    Sau cuộc “Binh biến Trần Kiều”, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn đoạt được ngôi đế, bổ nhiệm Triệu Phổ làm Khu Mật Trực học sĩ, mọi việc lớn trong nước đều bàn với ông. Khi ấy, bọn tướng lĩnh cấm quân Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Kỳ đều là thân tín của Triệu Khuông Dẫn, là những người ủng hộ đưa Triệu Khuông Dẫn lên ngôi trong cuộc “Binh biến Trần Kiều”, có thế lực rất lớn trong quân đội.

    Triệu Khuông Dẫn từng hỏi Triệu Phổ:

    - Từ cuối thời Đường đến nay, mấy mươi năm đã thay mấy họ Hoàng đế, thiên hạ không yên, rốt cuộc là bởi làm sao? Muốn nước nhà thịnh trị lâu dài, khanh có kế sách gì hay?

    Triệu Phổ đáp:

    - Thiên hạ không yên là bởi quyền tướng nặng mà quyền vua nhẹ. Muốn nước nhà thịnh trị lâu dài thì phải đoạt quyền, thu binh và kiểm soát tiền lương...

    Bất chợt hiểu ra, không đợi Triệu Phổ nói hết lời, Triệu Khuông Dẫn ngăn lại.

    Một chiều mùa thu năm đó, Triệu Khuông Dẫn chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn, cho mời bọn Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Kỳ đến yến ẩm. Rượu đang ngấm, Triệu Khuông Dẫn bất chợt than thở:

    - Không nhờ sức các vị ở đây thì ta đâu có ngày hôm nay, nhưng làm Hoàng đế cũng khó lắm thay! Chẳng sung sướng bằng một Tiết độ sứ. Từ khi lên làm Hoàng đế, ta chẳng được lấy một đêm yên giấc.

    Bọn Thạch Thủ Tín nghe xong vội hỏi nguyên nhân. Triệu Khuông Dẫn đáp:

    - Các khanh thử nghĩ, ngôi Hoàng đế có ai không thèm muốn? Ta luôn lo sợ bị người ta đoạt mất đế vị, nên sao có thể yên giấc?

    Bọn Thạch Thủ Tín vội nói:

    - Sao Hoàng thượng lại nói như vậy? Nay thiên hạ đã định, còn ai dám mưu đồ phản nghịch, tự chuốc lấy diệt vong?

    Triệu Khuông Dẫn cười, lạnh lùng nói:

    - Các khanh ắt là không bao giờ làm điều đó. Song nếu thuộc hạ của các khanh cứ nhất quyết khoác hoàng bào lên người các khanh, ép các khanh tạo phản, giống như các khanh đối với ta hồi trước, thì e các khanh không tự quyết định được.

    Bọn Thạch Thủ Tín hốt hoảng khấu đầu, nói:

    - Chúng thần ngu muội, chưa từng nghĩ xa xôi. Mong Hoàng thượng nể tình theo hầu nhiều năm, chỉ cho chúng thần một con đường sống.

    Triệu Khuông Dẫn lòng mừng khấp khởi, nhưng ngoài miệng vẫn ra vẻ ôn tồn:

    - Hỡi ôi, đời người ngắn ngủi, chi bằng tranh thủ hưởng an nhàn. Ta thì chẳng có cách nào, nhưng các khanh thì còn kịp. Các khanh cũng coi như đã công thành danh toại, sao không giũ bỏ binh quyền, chọn đại ấp phiên trấn mà đặt điền sản, an hưởng phú quý? Như thế vừa có thể khiến con cháu đời sau không còn nỗi lo thiếu thốn, vừa có thể làm cho vua tôi hết nghi kỵ nhau, trên dưới đều yên, như vậy thật tốt biết mấy!

    Bọn Thạch Thủ Tín nghe đến đây, lòng đã ngầm hiểu Triệu Khuông Dẫn muốn đoạt binh quyền của họ, dù có sẵn lòng hay không cũng chỉ còn cách quỳ xuống tạ ơn, nói:

    - Hoàng thượng quan tâm đến chúng thần như vậy, thực là tình cốt nhục sinh tử! Chúng thần còn có gì để nói nữa?

    Ngày hôm sau, bọn Thạch Thủ Tín lên triều xin nghỉ bệnh, xin miễn quân chức. Triệu Khuông Dẫn lập tức phê chuẩn và trọng thưởng cho từng người. Và rồi Thạch Thủ Tín được phong làm Thiên Bình tiết độ sứ, Vương Thẩm Kỳ được phong làm Trung Chính tiết độ sứ, Cao Hoài Đức được phong làm Quy Đức tiết độ sứ, Trương Lệnh Phong được phong làm Trấn Ninh tiết độ sứ, tất cả đều ra giữ nơi khác. Khi ấy, quân quyền địa phương đều quy về các châu thống nhất cai quản, Tiết độ sứ chẳng qua chỉ là chức tước không quyền lực mà thôi.
     
  4. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    3. GIẤU TÀI GIẤU NGHỆ

    Vào thời Ngụy Minh Đế, Tào Sảng và Tư Mã Ý cùng nắm triều chính. Tư Mã Ý được thăng làm Thái phó, thực chất là tuy thăng mà giáng, đại quyền quân chính rơi vào tay gia tộc Tào Sảng. Tư Mã Ý thấy vậy thì chán nản, bèn giả bệnh xin về ở ẩn để chờ đợi thời cơ.

    Tào Sảng là kẻ kiêu ngạo chuyên quyền, không coi ai ra gì, chỉ sợ mỗi Tư Mã Ý. Khi ấy Lý Thắng được thăng bổ làm Thứ sử Thanh Châu, Tào Sảng bèn bảo ông ta đến phủ Tư Mã từ biệt lên đường, nhưng thực chất là đến thám thính hư thực. Tư Mã Ý hiểu rõ điều này, bèn bỏ mũ, xõa tóc, ôm chăn ngồi trên giường, giả vờ bệnh nặng, sau đó mời Lý Thắng vào gặp.

    Lý Thắng bái kiến rồi nói:

    - Lâu nay không gặp Thái phó, ai ngờ bệnh đến mức này. Nay kẻ hèn này được điều làm Thứ sử Thanh Châu nên đến chào từ biệt Thái phó.

    Tư Mã Ý giả nặng tai, nói:

    - Tịnh Châu sát phương bắc, phải cẩn trọng đấy!

    Lý Thắng nói:

    - Tôi đến Thanh Châu, không phải Tịnh Châu!

    Tư Mã Ý cười hỏi:

    - Ông từ Tịnh Châu đến ư?

    Lý Thắng đáp to:

    - Là Thanh Châu ở Sơn Đông!

    Tư Mã Ý cười:

    - Từ Thanh Châu đến à!

    Lý Thắng nghĩ bụng:

    - Sao lão già này lại bệnh nặng như vậy? Điếc đặc rồi!

    - Mang bút đến đây! - Lý Thắng bảo, rồi viết chữ cho ông xem.

    Tư Mã Ý giả vờ xem xong mới hiểu, cười nói:

    - Không ngờ tai ta lại điếc đặc.

    Ngón tay chỉ vào miệng, người hầu bèn cho ông ăn canh, ông mở miệng húp, rồi sặc phun đầy giường. Tư Mã Ý bảo Lý Thắng:

    - Ta không xong rồi, nhưng hai đứa con ta lại không thành tài, mong tiên sinh dạy bảo chúng, nếu gặp Tào đại tướng quân, hãy xin ông ấy chiếu cố!

    Nói xong nằm lăn ra giường, thở khò khè.

    Lý Thắng đi thăm trở về, kể lại tình hình cho Tào Sảng, Tào Sảng cả mừng, nói:

    - Lão mà chết thì ta mới yên tâm được.

    Từ đó không đề phòng Tư Mã Ý nữa.

    Tư Mã Ý thấy Lý Thắng đã đi, bèn ngồi dậy bảo hai con:

    - Từ nay Tào Sảng đã thực sự yên tâm về ta, chờ hắn ra khỏi thành đi săn, sẽ cho hắn nếm mùi lợi hại.

    Không lâu sau, Tào Sảng hộ giá theo Minh Đế đi cúng tổ tiên. Tư Mã Ý lập tức tập trung bộ hạ ngày trước, dẫn gia tướng đến chiếm kho vũ khí, uy hiếp Thái hậu, trừ bỏ vây cánh của Tào Sảng, sau đó lại lừa Tào Sảng rằng chỉ cần giao binh quyền thì sẽ không gia hại ông ta. Khi cục thế đã ổn định, Tư Mã Ý đem xử trảm Tào Sảng cùng vây cánh, nắm lấy đại quyền quân chính triều Ngụy.
     
  5. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    4. CHỌN CHÚA MÀ THỜ

    Phạm Tuy là một nhà chính trị, nhà ngoại giao rất nổi tiếng trên vũ đài chính trị thời Chiến Quốc, nhưng ông bước lên vũ đài chính trị lại trải qua rất nhiều thăng trầm.

    Ông vốn là người nước Ngụy, từ nhỏ đã có chí đi theo phò Ngụy vương, do xuất thân nghèo hèn không thể gặp được Ngụy vương, nên ông theo làm môn hạ của đại phu Tu Giả.

    Một năm nọ, ông theo Tu Giả đi sứ nước Tề, Tề Tương Vương biết Phạm Tuy là người hiền, bèn ban tặng rất nhiều vàng bạc, bò rượu, Phạm Tuy khôn khéo từ chối, không nhận. Tu Giả hay chuyện, cho rằng Phạm Tuy trước nay luôn tiết lộ bí mật của nước Ngụy, rất tức giận, sau khi về nước bèn báo cáo chuyện này lên Tướng quốc Ngụy Tề của nước Ngụy. Ngụy Tề không hỏi rõ trắng đen phải trái, ra lệnh đánh Phạm Tuy một trận thừa sống thiếu chết, đến khi gãy sườn rụng răng, Phạm Tuy giả chết, bị bó lại bằng chiếu rách, vứt vào nhà xí. Tu Giả chứng kiến hết mọi chuyện, nhưng không can ngăn một lời, còn hùa với bọn khách say rượu cùng vào nhà xí tiểu tiện lên người Phạm Tuy.

    Chờ bọn người kia đi hết, Phạm Tuy thò đầu ra nói với người coi nhà xí:

    - Nếu bác giúp tôi, sau này tôi nhất định sẽ hậu tạ bác.

    Người coi nhà xí bèn đi xin Ngụy Tề cho phép ông mang thi thể trong nhà xí đi. Ngụy Tề đang ngà say chấp thuận, Phạm Tuy nhờ thế thoát chết.

    Trải qua muôn vàn gian khó, Phạm Tuy đến đô thành Hàm Dương của nước Tần và đổi tên thành Trương Lộc. Nước Tần khi đó do Tần Chiêu Vương chấp chính, nhưng trên thực tế người nắm đại quyền khống chế lại là Tuyên thái hậu, mẹ của Tần Chiêu Vương, và Tắc Hầu, Hoa Dương Quân - các em trai khác của bà ta là Hính Dương Quân, Cao Lăng Quân. Những người này cậy quyền mưu lợi, chính sách nội chính ngoại giao có nhiều sai lầm, Tần Chiêu Vương hoàn toàn bị bịt mắt, giống như bù nhìn.

    Nhưng Phạm Tuy nhận thấy, trên vũ đài các nước phân tranh thời bấy giờ, Tần là nước có lực lượng mạnh nhất, Tần Chiêu Vương cũng không phải là một ông vua bất tài, ông càng tin rằng, ở đây hoài bão của ông nhất định sẽ được thực hiện, thế nên sau nhiều lần gặp trắc trở, cuối cùng ông đã gặp được Tần Chiêu Vương. Bằng tài hùng biện xuất sắc, ông chỉ cho Tần Chiêu Vương thấy những sai lầm trong chính sách của nước Tần, địa vị cô lập không quyền của bản thân Chiêu Vương, đồng thời đề ra một loạt chủ trương về nội chính ngoại giao.

    Tần Chiêu Vương kinh ngạc, lập tức áp dụng biện pháp quyết đoán, phế Thái hậu, đuổi bọn Tắc Hầu, Cao Lăng, Hoa Dương ra ngoài quan ải, thu đại quyền về mình và phong Phạm Tuy làm tướng quốc.

    Chính sách ngoại giao mà Phạm Tuy đề ra chính là “viễn giao cận công” (xa hòa gần đánh) nổi tiếng sau này, mà nước ông muốn đánh đầu tiên chính là cố quốc Ngụy.

    Nước Ngụy rất sợ hãi, phái sứ thần đến nước Tần cầu hòa, viên sứ thần này chính là chủ nhân Tu Giả của Phạm Tuy ngày trước. Nhưng Tu Giả chỉ biết tướng quốc nước Tần tên là Trương Lộc chứ không biết đó chính là Phạm Tuy, còn nghĩ Phạm Tuy đã chết từ lâu.

    Phạm Tuy được biết Tu Giả đến, bèn thay y phục cũ nát, cũng không mang theo tùy tùng, một mình đến chỗ ở của Tu Giả. Tu Giả vừa gặp thì cả kinh, hỏi:

    - Phạm thúc từ khi ly biệt đến nay vẫn khỏe chứ?

    Phạm Tuy đáp:

    - May vẫn còn sống!

    Tu Giả lại hỏi:

    - Phạm thúc định du thuyết nước Tần sao?

    Phạm Tuy đáp:

    - Không. Từ khi đắc tội với tướng quốc nước Ngụy, ta đào vong đến đây, nào còn dám du thuyết?

    Tu Giả hỏi:

    - Hiện thúc làm gì?

    Phạm Tuy đáp:

    - Làm công cho người ta.

    Tu Giả bất giác lấy làm thương xót, bèn giữ Phạm Tuy lại ăn cơm, nói:

    - Không ngờ Phạm thúc bần hàn đến mức này.

    Đồng thời biếu ông một chiếc áo bào lụa.

    Trong bữa ăn, Tu Giả hỏi:

    - Thúc có biết tướng quốc nước Tần là Trương quân không? Tôi nghe nói việc thiên hạ ngày nay đều phụ thuộc vào vị tướng quốc họ Trương này, thành bại chuyến đi này của tôi cũng phụ thuộc vào ông ta, thúc có người bạn nào quen biết ông ta không?

    Phạm Tuy đáp:

    Chủ nhân tôi rất thân quen với ông ta, tôi cũng từng gặp ông ta, tôi có thể tìm cách giúp ông gặp tướng quốc.

    Tu Giả nói:

    - Ngựa của tôi bị bệnh, trục xe cũng gãy, không có xe lớn tứ mã, không đi đâu được.

    Phạm Tuy nói:

    - Tôi có thể mượn một chiếc xe của chủ nhân nhà tôi.

    Ngày hôm sau, Phạm Tuy cho một chiếc xe tứ mã đến, còn đích thân đánh xe, đưa Tu Giả đến phủ tướng quốc. Khi vào tướng phủ, mọi người đều tránh ra, Tu Giả rất lấy làm lạ. Đến đại cổng tướng phủ, Phạm Tuy nói:

    - Ông chờ một chút, để tôi đi thông báo một tiếng giúp ông.

    Tu Giả đứng chờ ngoài cổng mãi lâu cũng không thấy người ra, bèn hỏi người giữ cửa:

    - Phạm tiên sinh này sao mãi không thấy ra?

    Người giữ cửa đáp:

    - Làm gì có Phạm tiên sinh nào.

    Tu Giả nói:

    - Chính là người vừa đi cùng tôi vào đây đó!

    Người giữ cửa nói:

    - Đó là Trương tướng quốc.

    Tu Giả thất kinh, mặt biến sắc, hiểu rằng mình đã mắc lừa, bèn cởi áo, làm ra vẻ kẻ có tội, xin người giữ cửa dẫn ông ta vào thỉnh tội. Phạm Tuy ngồi uy nghi trên đường, bên cạnh thị tùng đông nghịt. Tu Giả đi bằng đầu gối đến trước chỗ Phạm Tuy ngồi, khấu đầu nói:

    - Tiểu nhân không thể ngờ đại nhân lại ở địa vị cao như vậy, tiểu nhân từ nay không còn dám xưng mình là kẻ đọc sách có học, cũng không còn dám dự nghe chuyện thiên hạ. Tiểu nhân có tội chết, xin thả tiểu nhân đến nơi hoang dã, sống hay chết do đại nhân sắp đặt.

    Phạm Tuy hỏi:

    - Nhà ngươi có mấy tội?

    Tu Giả đáp:

    - Tội của tiểu nhân nhiều hơn tóc tiểu nhân.

    Phạm Tuy nói:

    - Nhà ngươi có ba tội lớn: Ta sinh ra ở Ngụy, lớn lên ở Ngụy, nay phần mộ tổ tiên vẫn ở Ngụy, lòng ta hướng về nước Ngụy, vậy mà ngươi lại vu cho ta lòng hướng về nước Tề, còn vu cáo ta với Ngụy Tề, đó là tội lớn thứ nhất. Khi Ngụy Tề làm nhục ta trong nhà xí, ngươi đã chẳng can ngăn, đó là tội lớn thứ hai. Không chỉ có vậy, ngươi còn nhân lúc say rượu tiểu tiện lên người ta, đó là tội lớn thứ ba. Hôm nay sở dĩ ta không xử tử ngươi, là vì hôm qua ngươi đã tặng ta một chiếc áo bào lụa, xem ra ngươi vẫn chưa quên tình nghĩa cũ, ta có thể thả cho ngươi trở về, nhưng ngươi phải chuyển lời của ta đến Ngụy Vương, mau chóng gửi thủ cấp của Ngụy Tề đến! Nếu không ta sẽ phát binh rửa Ngụy đô Đại Lương thành bằng máu.

    Nước Tần khi đó uy lừng thiên hạ, không ai dám tranh giành; Phạm Tuy khi ấy quyền cao chức trọng, lời nói ra như mệnh lệnh. Ngụy Tề sợ hãi chạy trốn khắp nơi, nhưng các nước Triệu, Ngụy sợ uy binh nước Tần nên không ai dám lưu giữ, cuối cùng Ngụy Tề buộc phải tự sát.
     
  6. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    5. GÂY DƯ LUẬN

    I. Trong những kẻ đoạt quyền, mưu quyền xưa nay ở Trung Quốc, Vương Mãng là kẻ giỏi gây dư luận nhất. Thủ đoạn gây dư luận của y chính là ám thị, khích cho đại thần dâng sớ ca tụng công đức của y.

    Thí dụ, y bỏ tiền ra nhờ người mua một con chim trĩ trắng đến miếu, thế mà có quần thần dâng sớ khen y có công yên định tông miếu xã tắc nên y được phong làm An Hán Công.

    Hay như, y muốn gả con gái mình cho Hoàng đế làm Hoàng hậu, nhưng trước đó lại tấu xin tuyển chọn rộng rãi con gái nhà thánh hiền công hầu. Đến khi danh sách các cô gái được báo lên, y sợ con gái mình đức hạnh, tài năng, dung mạo đều không bằng người ta, không được nhập tuyển, bèn dọa sẽ gạch bỏ tên con gái mình. Nhưng miệng lại nói là mình đức hạnh không đủ cao, con gái mình tài đức thấp kém, không xứng cùng con gái người khác nhập cung. Việc này khiến cho thứ dân, thư sinh, trăm họ lũ lượt dâng tấu, nói rằng con gái An Hán Công mà không làm Hoàng hậu thì còn cô gái nào xứng làm Hoàng hậu? Chiêu giả đò nhượng bộ này của Vương Mãng không chỉ gây nên dư luận cần thiết, mà còn được lợi ích vật chất to lớn, tăng thêm 25.600 khoảnh đất, hai vạn cân vàng, hai triệu đồng tiền sính lễ.

    Thế nhưng trong những dư luận tạo ra trước đó, mặc dù dấy lên cao trào, thanh thế không nhỏ, nhưng đều là tùy việc mà làm, không khỏi có tính chất tùy cơ ứng biến, đến khi y chuẩn bị soán ngôi nhà Hán, đổi họ giang sơn, thì cần phải có một thứ dư luận toàn diện hơn, hệ thống hơn, có chiều sâu lý luận hơn. Thế nên, có một người tên là Trần Sùng dâng lên một bản tấu hàng nghìn chữ, đại thể ca ngợi công đức của Vương Mãng. Mở đầu bản tấu sử dụng phương pháp đi sâu từng bước, quy nạp công đức của Vương Mãng về 12 phương diện, như “nghèo mà vui, giàu mà ưa lễ”, thẳng thắn không a dua, không sợ cường quyền, “biết khiêm nhường, biết nhân nhượng”, trừ bỏ cái xấu, công sánh với Chu Công v.v... Tóm lại, “đó đều là những điều mới mẻ trên đời, những việc mà thánh nhân cũng khó làm được”, là người hoàn hảo xưa nay. Kết luận là, có công lao trọng hậu, xứng đáng được đền đáp trọng hậu. Như thế, kết luận lấy Mãng thay Hán cũng được miêu tả sinh động. Vương Mãng soán quyền thành công, thay thế Hán đế, đổi quốc hiệu là “Tân”.

    Nếu thuần túy xét từ góc độ văn chương học thì bản tấu này quả thực là một bài văn hay. Mở đầu 12 đoạn, mỗi đoạn liệt kê ra một phương diện công đức của Vương Mãng, lời văn rõ ràng, khí thế mạnh mẽ; nhưng không chỉ giới hạn ở liệt kê sự việc, mà còn dùng sự tích của cổ nhân để so sánh, dùng lời của thánh hiền làm căn cứ. Có được cái nền phong phú, vững chắc và thuyết phục như thế, kết luận cuối cùng tất nhiên là giàu sức thuyết phục.

    Một chính trị gia mà tạo dư luận đạt đến độ như vậy thì có thể nói là hiếm có trên đời.

    II. Vi Huyền Thành từ nhỏ hiếu học, kế thừa học thuật của cha. Ông là người khiêm tốn, rất kính trọng người đọc sách. Đi trên đường, gặp người có tri thức, học vấn đi bộ, ông dừng xe lại, hoặc là đi bộ cùng, hoặc là dùng xe chở họ. Hơn nữa, ông còn rất tôn trọng người nghèo khó, vì thế được tiếng thơm. Nhờ hiếu học, thông kinh thư, ông được triều đình bổ làm Gián đại phu, không lâu sau lại thăng làm Đô úy Đại Hà (nay là huyện Đông Bình tỉnh Sơn Đông).

    Trên Vi Huyền Thành còn có ba người anh, huynh trưởng Vi Phương Sơn đã qua đời, nhị huynh Vi Hoằng, tam huynh Vi Thuấn. Cha là Vi Hiền tuổi già có bệnh, muốn lập Vi Hoằng làm người thừa kế tước vị. Vi Hoằng làm Thái thường thừa, trông coi tông miếu và các việc lăng ấp, lo lắng về chính sự, có không ít lỗi lầm. Vi Hiền sớm lo lắng ông phạm tội bị trách ảnh hưởng đến việc kế thừa tước vị, nên từng bảo ông thác bệnh từ quan, nhưng Vi Hoằng không nghe. Đến khi Vi Hiền bệnh nặng, mà Vi Hoằng đang bị tội vì việc tông miếu lăng ấp, bị nhốt trong ngục, vụ án chưa được xử rõ ràng, người nhà hỏi Vi Hiền lập ai làm người thừa kế tước vị, Vi Hiền buồn bã, không chịu nói. Môn sinh của Vi Hiền là Bác Sĩ Nghĩa Tín thương nghị với quý tộc, giả mượn ý của Vi Hiền, dâng sớ thỉnh cầu cho Vi Huyền Thành kế thừa tước vị của Vi Hiền. Khi Vi Hiền mất, Vi Huyền Thành đang ở trong cung. Biết tin cha mất, cũng hay tin mình được kế thừa tước vị, Vi Huyền Thành một là biết rõ cho mình làm người thừa kế tước vị không phải là ý nguyện của cha, hai là có lòng nhường, thầm nghĩ trên còn có anh hai, mình không nên vượt vai vế, nên quyết ý từ chối. Thế nên ông giả ngây ngô, nói năng lộn xộn, khóc cười thất thường, thậm chí đại tiểu tiện ngay trên giường. Tuyên Đế truyền triệu ông vào Trường An, chôn cất cha xong kế thừa tước vị, ông vẫn giả điên không đi. Đại Hồng Chủng vì thế tấu rõ, triều đình lệnh cho Thừa tướng ngự sử tra rõ. Vì Vi Huyền Thành vốn có thanh danh, các sĩ đại phu đều hoài nghi ông giả bệnh giả điên, muốn nhường tước vị cho huynh trưởng. Thừa tướng ngự sử xử lý cụ thể việc này viết thư cho Vi Huyền Thành, nói:

    - Việc từ nhượng ngày xưa phải có văn bản để xem mới có thể lưu danh hậu thế. Nay ngài cố tình giả điên, làm hỏng hình tượng, chịu đựng sỉ nhục, làm cho ánh sáng của mình bị che khuất, cái danh mà ngài muốn dựng thật quá nhỏ! Tôi xưa nay ngu muội nông cạn, cũng như các quan viên khác, mong được biết tình hình chân thực. Nếu không, tôi lo sẽ làm tổn thương đến sự cao khiết của ngài mà khiến tôi mang tiếng tiểu nhân!

    Vi Huyền Thành có một người bạn, cũng dâng sớ lên Hoàng đế, nói:

    - Minh vương thánh chúa lấy lễ để trị nước, vì vậy nên ưu đãi Vi Huyền Thành, đừng buộc ông ấy thay đổi chi tiết, nên để con người có đức như ông ấy yên ổn với chí mình.

    Tiếp đó, Thừa tướng ngự sử dâng tấu chỉ ra Vi Huyền Thành không hề mắc bệnh. Hoàng đế đã biết ý Vi Huyền Thành, hạ chiếu lệnh cho Thừa tướng ngự sử không truy cứu nữa, dẫn Vi Huyền Thành vào gặp. Vi Huyền Thành hết cách, đành ứng chiếu vào cung. Hoàng đế hạ lệnh cho ông thừa kế tước vị, Vi Huyền Thành thấy không thể từ chối được nữa, đành nhận tước vị. Tuyên Đế thấy Vi Huyền Thành có tiết nghĩa, bổ ông làm Thái thú Hà Nam; đồng thời phong cho anh ông là Vi Hoằng làm Đô úy Thái Sơn, sau thăng làm Thái thú Đông Hải. Kết quả, Vi Huyền Thành vừa được thừa kế tước vị, vừa được tiếng hiền nhường vị, trở thành một giai thoại đẹp.
     
  7. jvlonter

    jvlonter Mầm non

    bác có file sách thì up lên cho e tải với ạ.
    Tác giả có bộ 7 cuốn 100 câu chuyện các chủ đề, mà e mới đc đọc có 1 phần thôi. e cũng quan tâm phần này a.
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này