Lịch sử - Dã sử Bản giao hưởng Pháp - Irène Némirovsky

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi poppy_chip, 30/9/13.

  1. poppy_chip

    poppy_chip Sinh viên năm IV

    [​IMG]

    Bản giao hưởng Pháp

    Irène Némirovsky

    Tác giả Iréne Némirovsky
    Dịch giả Lê Ngọc Mai
    Năm xuất bản 2008
    Đơn vị xuất bản NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam
    Giá sách 82.000 VND
    Số trang 434
    Nước Pháp những năm 1940. Sau một mùa hè tản cư rối loạn, đầy kinh hãi và cả đớn hèn, người dân bắt đầu bước vào thời kỳ buộc phải chung sống cùng quân Đức. Nghịch lý thay, giai đoạn tưởng chừng ngập tràn khiếp sợ này lại diễn ra hết sức êm đềm với những tình cảm con người trìu mến, trong đó có những mối tình thầm lặng, trong sáng, lãng mạn, ngập tràn chất thơ…

    Bản giao hưởng Pháp được hết thảy giới nhà văn, nghiên cứu,phê bình, giới truyền thông và tất cả những ai từng đọc nó trên toàn thế giớ tôn vinh như một viên ngọc quý của nền văn học. Dù còn dang dở, song kiệt tác này vẫn “kịp” miêu tả thành công cái nền chân thực của một tấn trò đời thời chiến, ở đó, toàn bộ tài năng của tiểu thuyết gia được bộc lộ thông qua nhân vật trong vô số gương mặt thuộc mọi giai tầng khác nhau. Đó chính là lý do giải thich vì sao Irène Némirovsky được coi như một văn sĩ hiếm hoi đã diễn tả đầy sức mạnh và sinh động cuộc sống hậu phương thời chiến ở một tầm vóc sử thi. Và khiến bà trở thành nhà văn quá cố duy nhất cho tới lúc này giành được giải Renaudot - một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của Pháp.

    Bản giao hưởng Pháp công bố năm 2004 đã giành giải thưởng Renaudot - 2004, lần đầu tiên được trao cho nhà văn quá cố, và được dư luận độc giả cũng như giới làm nghề phương Tây và trên toàn thế giới đánh giá cao vì tính chất văn chương sâu sắc.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Người post: Russie
    Nguồn TVE
     
    amibosi, applesocola, atdau and 12 others like this.
  2. Cải

    Cải Cử nhân

    .
     

    Các file đính kèm:

    amorphous, page13, hoang.le and 24 others like this.
  3. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    Bản giao hưởng Pháp

    Némirovsky muốn ghi lại thời đại mà chính bà đang đắm mình trong những biến cố bão táp của nó bằng một tổ khúc giao hưởng vừa êm dịu vừa bi tráng, nhưng tác phẩm quan trọng nhất của cuộc đời bà đã không được hoàn thành. - Irène Némirovsky

    Người đọc hơn 60 năm sau (tác phẩm được công bố vào năm 2004 ) có thể còn ngạc nhiên vì năng lực tiếp biến một cách nhuần nhị và sâu sắc những sự kiện khủng khiếp đã làm đảo ngược toàn bộ thế giới khách thể của con người, thành những diễn biến nội tại vô cùng tinh tế trong tâm thức. Tính chất suy ngẫm ở mức độ đáng ghi nhận, phạm vi vấn đề cũng như chiều sâu bao quát cảm xúc và tâm thái… khiến cho Suite Francaice thực sự là một bản giao hưởng với những phức âm mạnh mẽ, những bè đệm đan xen và tính chất trang nghiêm sâu lắng trong một tổng thể hùng tráng.

    Một "Thế giới vỡ nát"

    Không phải đợi tới khi những cột khói hình nấm cao hàng nghìn mét cuộn lên trên bầu trời nước Nhật để ngã ngũ Thế chiến II tàn khốc, người ta mới cảm nhận về một loài người mất nơi trú ẩn. Nơi trú ẩn không phải sự kiên cố hay tiện nghi của đời sống vật chất mà là những tín điều, là sự tin chắc vào bản thể tồn tại của mình, từ thời tối cổ. Sự sụp đổ của niềm tin bản thể đã được dự báo và thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người từ trước đó, trong cái nhìn của các triết gia cuối thế kỷ 19. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Némirovsky chọn góc độ khắc họa chiến tranh như sự tan vỡ của đời sống có tổ chức của con người, mà cơn gió dữ của bạo lực giết chóc có lẽ chỉ là cái cớ.

    Những biến cố trong đời sống xã hội thượng lưu Paris khi cơn “bão tháng Sáu” quét qua, chỉ là giọt nước cuối cùng để làm tràn chén sống vốn đầy những nghịch lý và bất thường. Nhà văn nổi tiếng Gabriel Corte ý thức cao về đẳng cấp, có biệt đãi với “nhân tình chính thức”, nhưng cô nhân tình khi sửa soạn chạy tản cư đã bỏ lại tập bản thảo tâm huyết của ông, giành chỗ cho hộp trang điểm. Bà tư sản Péricand xuất thân danh giá luôn lấy lòng độ lượng với kẻ dưới làm phương châm xử thế, nhưng trên đường tản cư, khi những cửa hiệu trống rỗng với dòng người mỏi mệt đói ăn bất tận tràn qua, lòng nhân từ giáo điều ấy đã sụp đổ, thay thế bằng sự điên tiết, khi các con bà đứng ra phân phát chỗ thực phẩm ít ỏi mang theo.

    Tiếng nổ của những trái bom đầu tiên trút xuống Paris cũng là dịp xác đáng để mỗi tầng lớp xã hội đánh giá tầng lớp còn lại một cách trực diện, không khách sáo.

    Nhà sưu tầm đồ cổ trứ danh Charlie Langelet tự cho mình quyền phán xét cái nhân loại thấp hèn, đang nháo nhác chạy trốn hòng cứu vãn sinh mạng rẻ rúng của họ, và chỉ một viên đá lát đáng tôn kính của điện Louvre, hay những lâu đài vùng sông Loire, những thứ thuộc về một thế giới “của cái đẹp” cao siêu, bất tử mà chỉ những kẻ như ông mới thấu hiểu được, cũng giá trị bằng hàng nghìn sinh mệnh kiểu đó.

    Bác quản gia Marcel thì nghĩ ngợi: “… Chẳng phải khốn khổ sao khi thấy những người giàu có và nổi tiếng lại không biết xét đoán gì hơn lũ súc vật”. Trong mắt chị công nhân phải làm việc thay chồng đang bị động viên ra mặt trận, nhà văn nổi tiếng cũng như giới thượng lưu chỉ là loại người “có thể nhìn chúng ta chết thảm hơn chó… Lão ta viết sách và viết kịch cho nhà hát. Một lão điên, theo như ông tài xế nói, và đần độn tột bậc”.

    Cuộc di tản khỏi Paris còn là tiến trình của những sự vỡ mộng cay đắng nhưng muộn màng, không có đường giải thoát cho bất cứ ai còn đức tin. Linh mục trẻ Philippe vốn biết cái ác được gieo mầm sẵn trong mỗi con người, nhưng lại tin tưởng quá mức vào cư xử nhân từ của mình, đến nỗi bị bọn thiếu niên trong nhà giáo dưỡng trẻ hư mà chính ông dắt đi lánh nạn, tấn công và hành hung cho đến chết. Cậu bé Hubert Pericand trốn nhà đi chiến đấu cho tổ quốc thân yêu, nhưng khi tìm được quân ta, cậu bẽ bàng và hổ thẹn khi thấy đó chỉ là đoàn quân đã rã rời, cam phận đầu hàng. Cô vũ nữ nửa gái bao hạng sang Arlette, vốn chẳng có đức tin gì, thoát được khỏi đống đổ nát Paris lập tức nghĩ tới việc hòa nhập vào tầng lớp thượng lưu mới mà cô tin sẽ hình thành ngay sau cuộc bắn giết.

    Trong cái thế giới náo nhiệt, phồn tạp, rồ dại… của cả tâm lý và sự kiện mà Némirovsky đã hư cấu nên để hình dung về nước Pháp của bà trong cơn bĩ cực, hợp âm chủ đạo chính là sự khắc họa trực tiếp con người, trong tư cách đạo đức và nhân tính. Con người với bản năng sinh vật trần trụi trong nỗi sợ hãi cái chết, tự phá tung những ràng buộc vốn đã thực dụng, trắng trợn, đầy tính vị kỷ, con người bất lực với những ảo tưởng về ngôi thứ… trở nên nhỏ nhoi, phù du, và không còn ý nghĩa trong một thực tại đã bị tước mất lý trí và mọi giá trị.

    “Tinh thần hiện sinh lạc quan”

    Trong thế giới mà mọi tín điều, trật tự, quy ước lý trí cũng như quan niệm về những giá trị thẩm mỹ (cái đẹp, tình yêu, danh dự…) đã hoàn toàn bị hủy hoại, hoặc ít nhất là người ta chắc chắn cảm thấy điều đó, Némirovsky vẫn nhìn thấy nguồn xung lực duy nhất thúc đẩy tồn tại, đó là năng lượng sống mãnh liệt như thuộc tính tự nhiên, bất khả lý giải bằng luân lý hay luận lý mà chỉ có thể cảm nhận bằng rung động, khoái thú tâm hồn, bất chấp sự tuyệt vọng của lý trí.

    Khi loạt súng máy của kẻ thù nã vào đoàn người di tản, bà công chức nghèo Jeanne Michaud nằm thụp xuống vẫn còn cảm thấy “một cọng cỏ nhỏ trên đầu là bông hoa chuông màu hồng sượt qua dưới cằm”, và sau đó còn “nhớ lại, trong lúc họ nằm ở đấy, một con bướm nhỏ màu trắng bay nhởn nhơ từ bông hoa này sang bông hoa khác”. Đan xen với đời sống bình thường của tự nhiên là cảnh những xác người nằm bất động, những con người chỉ vừa mới vài giây trước vẫn là sinh thể sống, được miêu tả với tất cả sự náo động, phức tạp, cá biệt đến từng chi tiết của hình dáng, giọng nói, tâm tính. Đặt trong tương quan đối chiếu, cái bất thường, vô nghĩa, phi lý của chiến tranh, cái chết và sự hủy diệt vẫn không lấn át được tính chất mong manh, tức thời, nhưng vĩnh hằng, bất tận của sự sống tự nhiên.

    Sự trống rỗng, bị cắt đứt tạm thời khỏi vận hành cũng như những ám ảnh thường xuyên của đời sống duy lý lại là mảnh đất tốt lành cho cảm thức tự do nảy nở. Ông viên chức Michaud cùng người vợ yêu, khi trở lại Paris hoang vắng, vì đường tản cư của thường dân lớp dưới đã bị chặn lại, cảm nhận “Anh nhìn mọi người như những kẻ vô sỉ nhất, tuyệt vọng nhất và đồng thời, anh lại chẳng đau khổ”… Điều an ủi ông là “Niềm tin chắc chắn về sự tự do bên trong mình - thứ tài sản quý giá không thể suy suyển ấy, và việc để mất hay giữ gìn nó chỉ phụ thuộc vào mình anh thôi… Cứ để cho những thảm họa qua đi và phải cố gắng đừng biến mất trước chúng, chỉ có thế thôi”.

    Khám phá của Némirovsky về bản chất của tự do, là khi những điều kiện ngoại tại đã trở thành thứ yếu, đóng vai trò một thứ xúc tác. Tự do đích thực chỉ có được khi mỗi cá nhân hoàn toàn chủ động trao cho bản thân quyền độc lập với cảm thức của cộng đồng, tự gây dựng một hệ thống xác tín và giá trị riêng của mình mà thôi.

    Trên cái nền bạo lực và bi thảm của chiến tranh, những cảm xúc “chủ quan” cá nhân vẫn nảy nở như tính chất lạc quan, niềm vui sống, tình yêu bất tận trong cảm thức sâu xa của con người.

    Anh thương binh nặng Jean-Marie Michaud trong lúc mê man, cận kề cái chết vẫn cảm nhận được vẻ tinh khôi diễm lệ trên gò má thiếu nữ, có lẽ đó là điều trước hết đã níu được ham muốn ở lại bên này thế giới của anh, cứu chuộc được nỗi bi quan tuyệt vọng thân phận. Hai nữ tu trẻ, khi kho xăng trúng bom khiến cho thị trấn cháy ngút, đã rất vui sướng được chứng tỏ tài tháo vát của mình cũng như được tha hồ sử dụng chiếc xe đạp của cha xứ, vốn là “đặc quyền” của nam giới.
    Cũng với cái nhìn như vậy, dưới ách trực thuộc quân đội Quốc xã, cuộc sống mới của nước Pháp được Némirovsky miêu tả như một chương trữ tình, êm dịu và sâu lắng của bản giao hưởng, với những khát vọng và cảm xúc đẹp đẽ giữa con người. Tính chất “phản luân lý” cũng như xa rời luận lý của những cảm xúc, niềm vui, ham muốn… đó, được khắc họa như cái tự nhiên, tất yếu phải diễn ra, cái duy nhất thích đáng tồn tại trong khoảnh khắc, tình huống cụ thể của hiện thực ấy.

    Trong hơn 400 trang sách (nguyên bản tiếng Pháp), chỉ có duy nhất 1 lần nhà văn nhắc đến từ Do thái, để chỉ chính kiến của một nhân vật cũng chỉ được nhắc thoáng qua trong lời kể chuyện (bài Do thái ). Có thể suy đoán, bà đã gần như không để tâm đến nguy cơ sâu rộng của những chính kiến cực đoan, thậm chí không để tâm đến tác động đời sống của tư tưởng Quốc xã. Bà đã nhìn những biến cố xã hội không phải như sự đương đầu của các ý thức hệ mà thực chất là các chiêu bài giả trá của lòng tham và tàn bạo, cũng không phải như cuộc giao tranh có thực của những tham vọng và ý chí thống trị. Cái nhìn của Némirovsky xuất phát từ lòng nhân đạo và tinh thần lạc quan, từ một quan niệm hiện sinh đầy khoan dung về nhân tính nền tảng trong đời sống của con người và tự nhiên.

    Bà không còn sống, để kể lại. Nhưng “nỗi bất hạnh sắc tộc” và cả cái chết của Némirovsky không nên được kể đến như góc độ một nạn nhân. Cái chết của Némirovsky có thể kể như sự sống một cách trung thành cho đến hết “bản giao hưởng” hay bài thơ trữ tình mà bà đã viết, về tình yêu, sự bất diệt của khoảnh khắc hiện tại và lòng khoan dung.

    Irène Némirovsky sinh năm 1903 tại Kiev, là người gốc Do thái, từng lưu vong ở Bắc Âu rồi chọn nước Pháp làm quê hương thứ 2. Bà thông thạo 7 ngoại ngữ, có vốn hiểu biết và văn hóa sâu rộng, tên tuổi bà đã từng là “hiện tượng xuất bản” khi mới công bố các tác phẩm đầu tay. Bản giao hưởng Pháp dự định gồm 5 phần nhưng tác giả mới chỉ hoàn thành được 2 phần, có tên Bão tháng Sáu Êm dịu. Bà đã bị phát xít Đức giết hại tại trại tập trung Auschwitz vào năm 1942.

    Bản giao hưởng Pháp công bố năm 2004 đã giành giải thưởng Renaudot- 2004, lần đầu tiên được trao cho nhà văn quá cố, và được dư luận độc giả cũng như giới làm nghề phương Tây và trên toàn thế giới đánh giá cao vì tính chất văn chương sâu sắc.

    Khánh Phương
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     

Chia sẻ trang này