Cẩm nang cho người viết văn

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi 4DHN, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    CẨM NANG CHO NGƯỜI VIẾT VĂN


    Khi đọc cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" của học giả Nguyễn Hiến Lê, ta có thể khẳng định rằng: Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi truyền thụ kinh nghiệm tổ chức bản thảo và trau dồi tri thức để hướng một người viết trẻ trở thành một nhà văn có lượng bạn đọc rộng rãi. Ở những nước có nền văn học nghệ thuật phát triển, số đầu sách dạng này có thể nhiều, song ở Việt Nam thì quả tình, nó có thể đếm trên đầu ngón tay.


    [​IMG]

    Ở Việt Nam, theo thời gian, các loại sách hồi ký, tự truyện của các nhà văn cũng "túc tắc" được xuất bản. Sáu, bảy chục năm trước là "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng, "Cỏ dại" của Tô Hoài, sau này là "Đời viết văn của tôi" của Nguyễn Công Hoan, "Hồi ký" của Đặng Thai Mai, "Những năm tháng ấy" của Vũ Ngọc Phan; "Nửa đêm sực tỉnh" của Lưu Trọng Lư, rồi tiếp đó là "Cát bụi chân ai" của Tô Hoài, "Nhớ lại một thời"của Tố Hữu, "Hồi ký song đôi" của Xuân Diệu - Huy Cận…vv và v v.

    Số lượng tuy chưa phải quá mỏng manh, song ở phần nội dung, đa phần những cuốn sách nhắc tới trên cũng chỉ xoay quanh nội dung chính là cho thấy quá trình hình thành nhân cách và các diễn biến sự kiện liên quan đến cuộc đời của các nhà văn. Rất ít cuốn sách đi sâu vào trình bày kinh nghiệm sáng tác cũng như cách thức tổ chức cuộc sống để việc sáng tác của các nhà văn trở nên thiết thực, hiệu quả.

    Cuốn hồi ký mới xuất bản của nhà văn Phùng Quán, tuy tên gọi "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào", song phần "đời" vẫn là chính; phần "nghề" dù có được nhắc rải rác đây đó nhưng vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.

    Cho nên, sẽ không có gì là quá khi đọc cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" của học giả Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn hóa-Thông tin 2006), ta có thể khẳng định rằng: Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi truyền thụ kinh nghiệm tổ chức bản thảo và trau dồi tri thức để hướng một người viết trẻ trở thành một nhà văn có lượng bạn đọc rộng rãi. Ở những nước có nền văn học nghệ thuật phát triển, số đầu sách dạng này có thể nhiều, song ở Việt Nam thì quả tình, nó có thể đếm trên đầu ngón tay.

    Nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học vào năm 1912 tại Hà Nội (quê gốc của ông thuộc Hà Tây). Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chánh (Hà Nội) và được bổ nhiệm vào làm việc tại các tỉnh ở khu vực phía Nam. Từ đó đến khi mất (năm 1984), ông sống và gắn bó với mảnh đất nơi đây.

    Nguyễn Hiến Lê bắt đầu cầm bút từ năm 1935 và trong gần nửa thế kỷ miệt mài lao động, ông đã để lại một di sản đồ sộ gồm trên một trăm tác phẩm ở đủ các thể loại: Từ sách du ký, khảo luận, ngôn ngữ học, triết học, sử học, giáo dục học tới văn học; từ sách sáng tác tới các ấn phẩm dịch (trong đó có những cuốn được độc giả nhiều thế hệ nồng nhiệt đón nhận: Như các tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình", "Kiếp người", "Chiếc cầu trên sông Drina", những sách dạy con người nghệ thuật xử thế như "Đắc nhân tâm","Quẳng gánh lo đi và vui sống"...).

    Trong lời mở đầu cuốn sách nhắc tới đây, học giả Nguyễn Hiến Lê đã đưa ra một nhận xét mang tính đúc kết"Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ Học và Viết. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi viết để học, và học để viết". Vậy chúng ta thử cùng nhau đọc xem Nguyễn Hiến Lê đã tạo dựng cho mình một phương pháp "học" và "viết" như thế nào để trong chừng ấy năm, ông có thể làm được một khối lượng công việc khổng lồ như vậy, trong khi từng câu văn vẫn được ông chăm sóc một cách kỹ càng, và nội dung các cuốn sách ông đưa tới độc giả không hề mang chút dấu ấn lá cải, rẻ tiền mà đều phong phú, bổ ích.

    Ở chương V của cuốn sách, chương mà Nguyễn Hiến Lê đặt một cái tên khá gợi tò mò là "Nhờ đâu tôi viết được nhiều?", ông cho biết: "Có người bảo tôi là cái "máy cái"; một thanh niên ở Trung Việt còn ngỡ tôi đã"mướn người viết" rồi coi lại, và ký tên".

    Sự thật thì Nguyễn Hiến Lê chẳng những không mướn người viết mà cũng chẳng mướn người giúp ông trong việc xuất bản, bán sách, sửa bản in, thậm chí cũng chẳng cần nhờ vợ con giữ sổ sách, sắp đặt tài liệu. Lý do đơn giản chỉ là "vì tôi biết tổ chức công việc, tiết kiệm thì giờ, một phần nữa là nhờ tôi được thuận tiện hơn đa số các nhà văn khác. Gánh gia đình tôi rất nhẹ".

    Một lý do khá quan trọng nữa là ông "được trời phú cho tính giản dị, rất ít nhu cầu, mà cũng không có một đam mê gì ngoài sách vở". Nói tóm lại, ông là người toàn tâm toàn ý với công việc. Ông sẵn sàng nói "không" với những lời mời mọc, từ chối mọi hư vinh. Ông kể "Nhiều trường đại học mời tôi dạy ngữ pháp Việt Nam, triết học hoặc văn học Trung Quốc, tôi đều từ chối. Một lần thi sĩ Đông Hồ lúc đó đương dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, sáng sớm từ trong Gia Định ra chơi tôi ở đường Kỳ Đồng bảo tôi:

    - Tôi nghe nói người ta mời bác dạy Văn khoa. Tôi vội ra để cản bác. Mất thì giờ lắm. Tôi dạy thì được, bác thì không nên. Thì giờ của bác quý hơn của tôi.

    Tôi đáp: Bác thật là tri kỷ của tôi. Vâng, tôi đã từ chối rồi".


    Không chỉ từ chối việc dạy học (nó có thể đem lại cho ông nguồn thu nhập cao và ổn định), Nguyễn Hiến Lê còn nhất mực từ chối khi chính phủ Ngô Đình Diệm và chính phủ Nguyễn Văn Thiệu liên tiếp mời ông làm giám khảo cuộc thi văn chương toàn quốc, rồi sau đó là mời vào Hội đồng giáo dục quốc gia. Ông khẳng định một nguyên tắc bất di bất dịch "Không phí thì giờ vào các công việc khác".

    Về cách làm việc của mình, ở chương VI của cuốn hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết "Tôi tự đặt cho tôi một kỷ luật, trừ khi đau ốm còn thì ngày nào cũng dậy từ 6h hay 6h30, điểm tâm lúc 7h, rồi nằm đọc sách, 9h lại bàn viết để viết luôn đến 12h, giờ bữa trưa. Ăn trưa xong, tôi nằm nghỉ khoảng 1h, nhắm mắt lại, chợp được độ nửa giờ là nhiều; một giờ rưỡi dậy, nằm ở giường đọc sách đến 3h. Chiều lại viết từ 3h đến 5h30, 6 giờ; tắm xong, ăn bữa tối lúc 7h. Cả buổi tối, cho tới 10h, tôi chỉ nằm đọc sách báo". Vẫn theo Nguyễn Hiến Lê cho biết, thường mỗi kỳ viết xong một cuốn vài trăm trang, ông lại cho phép mình nghỉ độ nửa tháng.

    Làm việc chuyên cần như vậy, song khi đối chiếu với số đầu sách in ra, nhất là khi chia đều các trang cho thời gian sống, Nguyễn Hiến Lê vẫn cảm thấy phong độ làm việc như vậy cũng không có gì đặc biệt: "Nhiều bạn hỏi tôi làm sao có thể viết trong trên 30 năm được 120 nhan đề… Tôi đáp: 120 nhan đề đó được khoảng 30 ngàn trang, chia cho 33 năm chỉ có khoảng 900 trang một năm, trung bình mỗi ngày chưa được 3 trang mà".

    Ý nghĩ này sao giống với ý nghĩ của nhà văn Tô Hoài, khi mà có người trầm trồ trước việc ông cho xuất bản tới 200 đầu sách, ông đã thủng thỉnh mà rằng: "Con người ta chơi nhiều chứ viết là mấy. Số đầu sách của tôi thế, suy tính ra mỗi ngày cũng chỉ viết được độ 2- 3 trang in chứ có nhiều nhặn gì".

    Cũng trong chương VI này, học giả Nguyễn Hiến Lê truyền đạt cho độc giả và bạn viết kinh nghiệm của ông trong việc "kiếm tài liệu - đọc sách báo", việc "lập bố cục" cho một cuốn sách, rồi việc… viết.

    Trong việc viết, ông có những cách thức có thể không áp dụng được với tất cả mọi người, song cũng đáng để chúng ta tham khảo: "Nhiều nhà văn phải đợi lúc có hứng rồi mới viết. Họ gợi hứng bằng nhiều cách: uống cà phê, trà đậm, hút thuốc hết điếu này tới điếu khác… Tôi thì dù không có hứng cũng đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa bãi vài câu, nửa trang rồi tự nhiên hứng tới".

    Có thể cách làm này không phải đã phổ biến, và đắc địa đối với người làm thơ, song với người viết văn xuôi thì không phải ít nhiều không có hiệu quả. Nhà văn Nhất Linh cũng từng tâm sự rằng, khi cầm bút, ông không biết nên viết cái gì và cứ viết lăng quăng một câu nào đó vào trang giấy. Từ đó, có thể một chủ đề bỗng bất ngờ theo đó hiện lên.

    Ai từng một lần đọc sách của Nguyễn Hiến Lê, kể cả sách sáng tác, dịch thuật lẫn biên khảo đều dễ dàng nhận thấy văn phong của ông rất giản dị, các vấn đề dù "hóc" đến mấy cũng được ông diễn đạt một cách sáng sủa, mạch lạc, và vì thế mà không khó tiếp cận. Sách của ông được in đi in lại nhiều lần, với số lượng lớn cũng là vì thế.

    Tuy nhiên, đọc cuốn hồi ký này, ta mới hiểu phần nào: Để tiến tới được sự khúc triết, mạch lạc, dung dị nói trên, Nguyễn Hiến Lê đã phải lao động một cách hết sức kỳ công. Ông tâm sự: "Dịch tiểu thuyết Âu Mỹ khó hơn dịch tiểu thuyết Trung Hoa. Mỗi ngôn ngữ có một lối phô diễn tư tưởng, không thể áp dụng bừa bãi lối của người vào ngôn ngữ của mình được…

    Vì vậy, dịch sách Pháp, Anh, chúng ta thường phải dịch thoát, đảo lên đảo xuống, thay đổi tổ chức câu văn, có khi ta bắt buộc phải tìm hiểu ý của tác giả rồi quên nguyên tác đi, diễn lại ý đó sao cho hợp với tinh thần tiếng Việt, để những đồng bào không biết ngoại ngữ hiểu được như ta, hiểu mà không thấy bỡ ngỡ chướng tai".


    Là một nhà trí thức uyên thâm, trọn cuộc đời, nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê đã vắt mình cho sự nghiệp sáng tạo và truyền bá tri thức. Với quan điểm "Phải chính mình thích cái gì mình viết thì độc giả mới thích nó được", ông đã được độc giả đền đáp xứng đáng với việc hàng trăm đầu sách của ông hiện vẫn song hành cùng cuộc sống.

    Với những người viết văn, Nguyễn Hiến Lê thực sự là một tấm gương sáng. Và vì thế, cuốn hồi ký "Đời viết văn của tôi" là một cuốn sách rất đáng đọc. Không phải đơn thuần mà cả NXB Văn học và NXB Văn hóa - Thông tin trong cùng một năm đều đã tái bản cuốn sách này

    (Nguồn: Website Công an Nhân dân)
     
    Last edited by a moderator: 20/7/14
    Thanhang72, superlazy, Fish and 2 others like this.
  2. Cho cái link để tải cuốn này với bạn ơi.
     
  3. Black

    Black Banned

     

    Các file đính kèm:

    SWreika, vu thien vu, hilda and 11 others like this.
  4. Cảm ơn bạn nhiều.
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này