TG Khác Dấu chân trên cát - Mika Waltari- Nguyên Phong dịch

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi Lan Giao, 12/7/15.

Moderators: mopie
  1. Lan Giao

    Lan Giao Lớp 7

    [​IMG]


    Dấu Chân Trên Cát

    Nguyên Phong phóng tác theo THE EGYPTIAN của Mika Waltari
    Nguồn: Quehuongngaymai
    Làng Văn xuất bản năm 2000
    Được bạn TKiem đưa lên ngày 14/6/2014
    Làm lại ebook, soát lỗi chính tả: Lan Giao
    Ngày hoàn thành: 12/07/2015




    Lời giới thiệu

    Ngày nay Ai Cập chỉ được biết đến như một quốc gia chậm tiến với những Kim Tự Tháp đồ sộ và những cổ mộ chứa xác ướp. Rất ít ai biết về quá khứ đầy huy hoàng của nền văn minh đã bị vùi lấp trong lòng cát sa mạc này. Hiển nhiên lịch sử đã ghi nhận về triều đại của các vua Pharaoh, những người đã tốn rất nhiều xương máu dân chúng để xây cất các Kim Tự Tháp, nhưng xây cất vào việc gì thì vẫn còn là một câu hỏi mà ngày nay người ta chưa tìm được câu trả lời. Lịch sử triều đại vua chúa Ai Cập cũng chứa đựng nhiều bí mật lạ lùng không thể giải thích. Hiện nay các nhà khảo cổ thông thái nhất vẫn không tìm được một chút manh mối hay di tích gì về các đấng quân vương, những người đã xây dựng lên nền văn minh bậc nhất bên bờ sông Nile này. Họ chỉ khai quật được mồ mả, lăng tẩm của các bạo chúa, những người đã gây chiến tranh khắp nơi, làm đổ máu dân lành vô tội.

    Nhà khảo cổ Kevin Livingston đã viết: "Hình như các vị minh quân không hề xây cất lăng tẩm, không hề dựng bia đá khắc ghi công trạng của mình. Phần lớn các lăng tẩm hay mồ mả đã được đào lên chỉ toàn của các vị vua bất tài, những bạo chúa khát máu, những người mà tên tuổi không còn ai muốn nhắc đến nữa". Ngày nay người ta biết đến triều đại các vua chúa Ai Cập thời cổ qua sách vở của người Hy Lạp. Sở dĩ các sử gia Hy Lạp biết được các chi tiết này vì họ đã học hỏi từ một người Ai Cập bị đày biệt xứ tên là Sinuhe. Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở một tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.

    Các sử gia ngày nay đã đưa ra nhiều giả thuyết về nhân vật Sinuhe này. Có người cho rằng ông chỉ là một lái buôn đến Hy Lạp lập nghiệp nhưng làm sao một lái buôn lại mở trường dạy học và để lại nhiều tài liệu quí giá như thế được? Từ ngàn xưa, chỉ riêng giai cấp vua chúa và giáo sĩ mới được hưởng quy chế giáo dục toàn vẹn như vậy mà thôi. Do đó, một số người cho rằng ông thuộc giai cấp giáo sĩ nhưng việc một giáo sĩ Ai Cập đến mở trường dạy học tại Hy Lạp cũng là điều khó chấp nhận. Mặc dù khi đó văn minh Hy Lạp chưa tiến bộ như Ai Cập nhưng tôn giáo xứ này đã phát triển rất mạnh, hiển nhiên các giáo sĩ Hy Lạp không thể chấp nhận cho một giáo sĩ ngoại quốc đến mở trường dạy học tại thánh địa Olympia của họ được. Nếu thế, phải chăng Sinuhe thuộc giai cấp hoàng tộc? Điều này xét ra cũng không có lý vì một người thuộc giai cấp hoàng tộc không thể bị đày biệt xứ. Luật pháp Ai Cập chủ trương xử tử những kẻ trong hoàng tộc nếu họ vi phạm một tội trọng nào đó chứ không có lệ đày biệt xứ, vì các vua Pharaoh rất sợ những người trong bọn họ chiêu binh mãi mã làm phản. Việc một người Ai Cập, thân thế mơ hồ, bị đày biệt xứ, đến mở trường dạy học tại Athens, trung tâm văn hóa của Hy Lạp, vẫn là một bí mật đến nay các nhà khảo cổ chưa tìm được câu trả lời.
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 20/11/19
  2. Tieubot

    Tieubot Mầm non

    có thể loại pdf không ạ?
     
  3. Natri

    Natri Mầm non

    Cám ơn bạn nhiều nha
     
  4. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Một người Ai cập không rõ nguồn gốc có thể làm cho văn minh Hy Lạp có tên trên bản đồ văn minh thế giới được à? Nếu anh có khả năng đó thì trước hết anh hãy được biết đến ở quê nhà anh cái đã, anh đã chưa giúp gì được cho dân tộc anh mà nói đi giúp dân tộc khác phát triển, thậm chí điều đó gián tiếp đưa dân tộc của anh vào vòng nô lệ cho cái dân tộc mà anh đã giúp phát triển. Anh đáng được tôn vinh sao?
    Vả lại phải xét một điều. Nếu một dân tộc có khả năng phát triển lên đến mức hoàng kim cuối cùng trong lịch sử loài người như Hy Lạp, thì họ không cần anh qua khai hóa họ đâu. Trước sau gì họ cũng đá anh về. Văn minh Hy Lạp hưởng soái rất nhiều thành tựu của các nền văn minh xung quanh. Nếu nói một người Ai Cập thật sự đã khai sáng văn minh Hy Lạp, cho là nó đúng đi. Thì thực tế lại nói lên một điều khác hẳn. Vì Hy Lạp là một sự tổng hòa của rất nhiều, lối sống Hy Lạp rất khác Ai Cập. Hơn nữa triết học Hy Lạp chịu ảnh hưởng từ người Semite nhiều hơn là Ai Cập, hay chính xác hơn là những người Hy Lạp đến từ những vùng Semite.
    Ngay cả bảng chữ cái Hy Lạp, cải tiến từ bảng chữ Phoenicia, bắt nguồn cho mọi tài liệu về Hy Lạp mà chúng ta biết hôm nay. Còn Ai Cập thì sao nhỉ? Nếu không nhờ phiến đá Rosetta mà quân đội Pháp của Napoleon phát hiện ra, với vốn hiểu biết tiếng Hy Lạp sẵn có thì thế giới vẫn sẽ không biết được nhiều về lịch sử Ai Cập. Về phương diện này thì nhờ tiếng Hy Lạp mà Ai cập mới được khai sáng thì đúng hơn.
    Đây là góc nhìn của mình.
    Mong có nhiều ý kiến phản biện.

    Bổ sung một ý mà lúc viết chợt nghĩ ra nhưng quên viết vào.
    Nếu một dân tộc không tự đi trên đôi bàn chân của mình. Không một dân tộc nào hay một con người nào có thể vực dậy họ, chứ nói gì đến đưa họ lên tầm cao như trường hợp Hy Lạp. Con người cũng vậy. Hãy tự mình tiếp thu học hỏi để phát triển. Không ai có thể nhét tham vọng vô đầu bạn được, đừng cho rằng ai đó đã giúp bạn thành công hay dìu dắt bạn. Ai cũng có suy nghĩ riêng và mưu cầu riêng, họ chẳng hy sinh mình để cho bạn phát triển đâu. Tự bạn không đút rút được gì để phát triển thì không ai đưa bạn lên được cả. Có người nói Alexander là sản phẩm của Aristotle vĩ đại, nhưng không, Alexander ngay từ nhỏ đã có tham vọng của riêng mình. Đã có sẵn tài năng, nếu không có Aristotle thì tự ông cũng sẽ đi tìm một người thầy khác thôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/12/19
  5. HockeyQ

    HockeyQ Lớp 9

    Mình đồng tình với quan điểm của bạn, đặc biệt là ý thứ 2 (một dân tộc mạnh phải tự đi trên đôi chân của mình). Dù con đường đi đến thành công đôi lúc cũng cần yếu tố ngoại lực, nhưng mình tin nội lực vẫn là yếu tố tiên quyết, quyết định thành bại của một cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc. Lịch sử Việt Nam cũng đã có rất nhiều bài học về việc lệ thuộc yếu tố ngoại lực và tất cả đều có chung 1 kết cục là thất bại. Có thể hơi chủ quan, nhưng mình rất tự hào về dân tộc Việt Nam và mình tin Việt Nam là 1 dân tộc mạnh, 1 dân tộc hiểu được giá trị của việc "tự đi trên đôi chân của mình".

    Còn về Aristotle và Alexander, mình lại thấy một phần vĩ đại của Aristotle cũng đến từ Alexander đấy chứ. Ông ấy chỉ việc ngồi 1 chỗ, đợi Alexander mang cả văn minh thế giới về cho ổng nghiên cứu (Cái này nói vui thôi nha).
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/7/21
    tran ngoc anh thích bài này.
  6. huytran

    huytran Lớp 5

    Nói chung loại sách này không phải sách biên khảo, mà có tính cách kiểu như giảng đạo, dù có thể chỉ là cái đạo riêng của người viết. Tin vào đó để học lịch sử cố nhiên là chuyện khờ dại. Tuy vậy, chuyện đúng sai trong vấn đề 1 nền văn hóa thừa hưởng nền văn hóa khác không phải là dễ kết luận.

    Ta thấy Đức Phật xuất xứ ở Ấn độ, nhưng dân Ấn thờ ơ với đạo Phật; Chúa Jesus là người Do thái, cuối cùng chỉ có dân Do thái cương quyết phủ nhận Jesus (Jesus từng nói, nhà tiên tri không bao giờ được đón nhận ở quê mình). Đạo Phật truyền sang Tây Tạng tạo thành nền văn minh xứ này, nhưng nó không còn mấy giống Phật giáo nguyên thủy, mà pha trộn cả màu sắc Ấn giáo và Bổn giáo của người Tạng. Mọi dân tộc tiếp nhận 1 nền tảng văn hóa mới từ bên ngoài bao giờ cũng biến tướng nó đi cho hợp với căn cơ riêng của họ. Cho nên truy nguyên 1 ý tưởng là 1 công việc nghiêm chỉnh, phải lần theo dấu tích kinh sách và sự biến đổi theo thời gian.

    Ai Cập là 1 nền văn minh thiên về chủ nghĩa huyền bí, cho nên họ cất giấu các tri thức của mình cho 1 nhóm ít ỏi chuyền tay nhau, chứ không quan tâm việc soạn ra thành sách vở. Trong lịch sử ghi nhận những trường hợp người Hy Lạp sang du học ở Ai Cập, như ông Thales học được môn hình học ở đó. Đó là những tri thức thực chứng, dễ chỉ ra; nhưng nền văn minh nào phát triển khoa học kỹ thuật và đô thị hóa thì trong cái phát triển đó đã có bao hàm căn bản về tư duy trừu tượng. Những tư tưởng kiểu như bái hỏa của Heraclite rất có khả năng là vay mượn từ dạng tôn giáo cổ xưa của Ai Cập hoặc Ba Tư.

    Sang đến thời Trung cổ, rồi cả Phục hưng và Khai sáng ở châu Âu, rất nhiều những học giả huyền bí nhận họ là đồ đệ của triết lý Ai Cập; chẳng hạn những người lập ra Hội Tam điểm. Tôi nghĩ thật ra đây cũng giống kiểu như ông nào học võ cũng nhận là đệ tử Đạt Ma cho nó chính danh; nhưng điều đó chứng tỏ là họ nhìn văn minh Ai Cập như cái gì đó ưu việt mà họ kính phục và muốn hội nhập vào. Bạn chắc đã đọc Con lắc Foucault của Umberto Eco, Nhà thờ Đức Bà Paris của Hugo, hoặc Joseph Balsamo của Dumas thì nhận thấy ảnh hưởng của Ai Cập lên suy nghĩ (hay trí tưởng tượng) của 1 bộ phận học giả phương Tây rất mạnh.

    Sau cùng thì Freud trong cuốn Moses và đạo độc thần đưa ra 1 giả thuyết, mà tôi không chắc là đúng hay sai, rằng 1 người Ai Cập đã phát minh ra tôn giáo độc thần giữa thời đại đa thần, truyền bá tôn giáo đó cho người Do Thái lưu vong, và lãnh đạo họ lập ra xã hội Do Thái trên đất mới.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/7/21
  7. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Trên tinh thần phân tích vấn đề mình sẽ triển khai thêm dựa vào các ý của bạn :D

    Không giống các tôn giáo khác tin vào thần thánh, Phật giáo sơ khởi duy lý và vô thần, hướng con người đến giác ngộ.

    Đức Phật trong lịch sử là Siddhārtha Gautama (625-545 TCN) đã dùng 45 năm cuộc đời (49 năm theo Bắc tông) để truyền bá triết lý khắp miền bắc Ấn Độ. Đến thời vua Asoka (từ năm 273-232 TCN) Phật giáo lan rộng hơn nữa ra các quốc gia lân cận và phát triển hưng thịnh.

    Nhưng rồi mải đến nửa cuối thế kỉ VIII, caliphate Al-Mahdi (775-785) của triều Hồi giáo Abbasid tấn công Ấn Độ, cướp phá các tài liệu, công trình, kiến trúc Phật giáo, bước đầu hủy hoại Phật giáo trên diện rộng khắp Ấn Độ, Afghanistan và Trung Đông. Tiếp đó các vương triều Hồi giáo do sultan Muhammad Ghorī gốc Afghanistan thiết lập tại Ấn Độ thông qua các cuộc chinh phạt giữa những năm 1178-1197, kéo theo hầu hết các công trình Phật giáo bị tiêu hủy. Năm 1197, trung tâm Phật giáo Nālandā bị hủy diệt hoàn toàn, kể cả các tăng sĩ. Vikramaśīla cũng bị chiếm năm 1203, chấm dứt hoàn toàn một thời đại lịch sử của Phật giáo tại Ấn Độ.

    Sơ lược như thế để thấy Phật giáo tồn tại ở Ấn suốt 17 thế kỷ, so với Hồi giáo đang tồn tại trên đất Ấn mới chỉ từ thế kỷ XIII. Phật giáo đã bị ngoại xâm tước khỏi người dân Ấn.

    Câu chuyện này khá hấp dẫn, một lý do cho sự bức hại mà các tín đồ Kitô viện ra để áp bức người Do Thái,.. những việc Đức quốc xã làm thật kinh khủng.

    Song chúng ta thường nhìn Jesus qua lăng kính Kitô, lăng do những người Hy Lạp thời La mã và những người Do Thái tin theo giao ước mới của Jesus mài ra, mà với lăng kính thì nó luôn khúc xạ :D.

    Jesus thường tự coi mình là con thiên chúa, do trinh nữ Maria sinh ra để cho thấy tính thánh thần của mình, nhưng vì ngài được chiêm tinh sẽ là đấng Messiah tiếp theo, mà các ông Messiah trước kia là hàng fake, không giải thoát được dân Do Thái, mà trong Do Thái giáo Messiah vẫn chỉ là con người, sao lại có chuyện trinh nữ sinh con cho thiên chúa phi logic như vậy, các giáo sĩ Do Thái đã không vừa mắt điểm này.

    Có nhân vật Yeshu được ghi nhận là một rabbi, dành trọn cuộc đời để giảng kinh Do Thái, Yeshu xuất hiện đã đáp ứng một kỳ vọng về đấng Messiah bấy lâu. Chỉ sau khi ông chết (năm 30 CN) rất lâu thì các môn đồ người Do Thái mới dựa theo giao ước mới của Yeshus mà tách ra thành tôn giáo mới, mải đến sau năm 313 CN, thì tôn giáo mới này mới được Constantinus công nhận và chấm dứt tàn sát các tín đồ.

    Tuy nhiên không phải người Do Thái nào cũng tin Yeshus, họ rất khó chịu với "đứa con của thiên chúa" tự xưng này nên đã cùng với chính quyền La Mã treo ông lên thập giá, những người tin theo ông ban đầu, sau khi thấy ông chết trên cây thập tự (thập tự là công cụ chiến tranh mà thôi), đã về với Do Thái giáo nguyên thủy, vì rõ Yeshus là hàng fake rồi. Buổi đầu hơn 300 năm của Kitô, họ bị La Mã đàn áp truy giết hơn là sự can thiệp nếu có từ người Do Thái, những người còn đang bận sống qua ngày dưới ách cai trị của tổng trấn Palestine.

    Chính Constantinus công nhận Kitô và lấy nó làm công cụ để đánh bại các đối thủ chính trị của ông, nên đã điều khiển để nhắm mũi dùi căm ghét không chỉ vào các đối thủ đa thần giáo, các đối thủ vô thần mà còn đối với các mầm mống nổi loạn tại Palestine theo Do Thái giáo, tất cả là chính trị mà thôi.

    Không chắc là Jesus có thật sự đã nói câu này hay không hay lại là thủ đoạn tuyên truyền của chính quyền La Mã?

    Người Ba Tư cũng Ba Tư hóa đạo Hồi chễm trệ chiếm vị trí lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo và nhét cả vựa từ vựng Ba Tư vào tiếng Ả rập.

    Do đặc điểm dân tộc mà Tây tạng chỉ chiết xuất một phần để tạo ra nhánh mật tông, Trung Hoa thì bắc tông, và còn có nam tông nữa. Nhật chọn ra thiền để phát triển. Có thể thấy ban đầu đức Phật giảng đạo suốt 45 năm không ghi chép nên kinh sách được kết tập theo trí nhớ và qua 4 lần hiệu đính lớn nên chuyện phân nhánh là hiển nhiên, điều kiện khách quan cả.

    Có lẽ nỗ lực của học giả sẽ sớm kết luận Sinuhe là hàng fake mà thôi :D. Ông ta chỉ được biết đến thông qua một cuốn tiểu thuyết bán chạy ở Phần Lan, người Hy Lạp và cả Ai Cập hiện đại chưa chắc đã để ý tới.

    Mình có đọc được một bài nói về tác giả Nguyên Phong, mà một đoạn trên trang vanhoanghean.com.vn tác giả bài báo là Lê Lam có phân tích như sau:

    "- Về nội dung, như trên đã đề cập đến Sinuhe-Egyptiläinen của Mika Waltari là một tiểu thuyết hư cấu, trong đó tác giả chỉ lấy tên nhân vật Sinuhe từ một truyền thuyết Ai Cập. Nhưng ở lời nói đầu của Dấu chân trên cát (DCTC), tác giả Nguyên Phong đã viết về Sinuhe: “Đây là một nhân vật lạ lùng, đã có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp khi quốc gia này còn ở một tình trạng kém mở mang so với Ai Cập lúc đó.” (tr. 6). Đáng chú ý là sau nội dung của DCTC, tác giả còn chú thích một cách rất khó tin rằng: “Sử gia Heterodotus ghi nhận: Một người Ai Cập tên Sinuhe đến Hy Lạp mở trường dạy học. Ông có rất đông học trò. Sau khi ông qua đời, học trò của ông đã góp phần xây dựng Hy Lạp trở nên một quốc gia văn minh, hùng cường mà các thế hệ sau này gọi là “thời buổi hoàng kim của các triết gia”. Học trò của ông là Plato, Aristotle, Socrates, Epitete, v.v.” (tr.311). Tôi không hiểu những thông tin này người viết dựa vào nguồn nào? Trong khi Heterodotus (484-425 tr.CN) sống cùng thời với Socrates (469-399 tr.CN), Plato (428-348 tr.CN) là học trò của Socrates, còn Aristotle (384-322 tr.CN) sinh sau Heterodotus tới 1 thế kỷ và sau Socrates 85 năm!"

    Như vừa thấy, bản phóng tác khá là rối. Hơn nữa tác phẩm gốc tiếng Phần Lan không rõ có kết luận chắc nịch rằng "... có công mang văn minh Ai Cập truyền vào Hy Lạp..., góp phần xây dựng Hy Lạp trở nên một quốc gia văn minh, hùng cường..." hay không, mà tác giả Nguyên Phong đã phóng tác ra những câu đó (Hay anh biên tập nào đó lén sửa bản gốc viết tay của Nguyên Phong nhỉ :D) và nữa Hy Lạp cổ cũng không phải là một quốc gia thống nhất như Ai Cập đâu hì hì?

    Với nhiều sai lạc như thế, rất khó để chấp nhận kết luận mà bản phóng tác đưa ra - ngay cả chỉ trên tinh thần văn học của một bản phóng tác rút gọn từ một bản dịch tiếng Anh từ tiếng Phần Lan.

    Có thể là vì Chữ tượng hình Ai Cập quá khó, chỉ được dùng trong phụng sự tôn giáo, ghi chép lịch sử cũng như giới hạn bên trong các lăng mộ Kim tự tháp.

    Sau này có bộ chữ Demotic thông dụng hơn, nhưng không được viết nhiều tinh túy như chữ tượng hình. Tiếng nói Ai Cập phát triển đến gia đoạn tiếng Copt mà đến thế kỷ XVII mới bị tiếng Ả Rập thay thế hoàn toàn, cùng với sự Copt hóa bộ chữ Hy Lạp để cho ra đời chữ Copt, ngày nay ta có thể thấy chữ Copt hao hao chữ Hy Lạp, chả khác mấy việc hồi xưa các giáo sỹ Byzantine tạo ra chữ Cyrill là mấy.

    Mình thấy Hy Lạp áp đảo trong trường hợp này hơn là nỗ lực nhỏ nhoi của một Sinuhe nào đó không mấy người biết đến :D

    Và nếu không nhờ tảng đá Rosetto, chữ tượng hình sẽ mãi mãi không còn một ai có thể đọc được, bởi chính những hậu duệ Copt của họ cũng đã quên chữ viết tổ tiên, vì thực ra họ có bao giờ được học nó đâu, nó chỉ để trang trí vách tường Kim tự tháp mà thôi :D

    Đây có thể là hiểu lầm phổ biến, chứ ông đi chu du rất nhiều nơi và từ các quan sát, phân tích số liệu để cho ra các cách tính, các định lý, và đó thường là nỗ lực cá nhân. Do nội chiến, ngoại xâm mà các dân tộc Hy Lạp đẩy nhau ra gián tiếp lập nên các thuộc địa khắp Địa Trung Hải, sự năng động trong giao thương và tinh thần học hỏi, nghiên cứu cao của người Hy Lạp đã giúp họ phát triển nên nền toán học quan trọng nhất lịch sử nhân loại, họ còn thiết lập cơ sở cho nhiều ngành quan trọng khác, tiếng Hy Lạp cũng là ngôn ngữ quan trọng bậc nhất, biến thể delta của vi rút Côrôna cũng lấy chữ cái Hy Lạp mà đặt :D

    Và phần lớn các nhà toán học Hy Lạp cổ sinh ra ở các vùng thuộc địa và thường hay chu du, nên hiểu lầm phổ biến là họ đi du học để về áp dụng vào Hy Lạp :D mình thấy bản chất lại là chuyến thực tập cho bài luận văn mà thôi, ví như Aristotle đi phân loại thực vật chẳng hạn, chả lẽ nói ông đi du học môn sinh vật học sao, nước nào mở trường dạy nổi ông :D tự ổng tạo ra cái nganh đó bằng những phân loại giống loài đầu tiên mà thôi.

    Từ trừu tượng, giả thuyết, đi đến tìm tòi và phát triển được phương pháp giải quyết vấn đề một cách duy lý, biện chứng thì người Hy Lạp là ông tổ mở đầu, lĩnh vực này các nền văn minh khác học từ họ.

    Mình cho là từ Hỏa giáo Ba Tư, thời đại của Heraclite trùng với đế chế Ba Tư Achaemenes nơi mà Hỏa giáo đã có chỗ đứng. cũng liên quan với Do Thái giáo trong những năm này khi được cho là thời gian mà Cựu ước được viết lại.

    Heraclite thì thiên về triết học duy vật biện chứng hơn là tôn giáo, và được coi là ông tổ của phép biện chứng. Lênin còn coi các quan niệm của ông như là “một sự trình bày rất hay những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng”.

    Rất có thể, nhưng trực tiếp hơn là các học giả Byzantine là chuẩn xác nhất. Sau khi Constantinople thất thủ, giới tinh hoa Byzantine chạy đến Ý, với các tác phẩm giá trị đầu tiên của những người Byzantine Hy Lạp này đã khởi động Phục Hưng. Chính nền văn hóa Byzantine Hy Lạp suốt hơn 10 thế kỷ trước đó (từ khoảng năm 306 khi quốc giáo hóa Kitô đến năm 1454 khi Constantinople thất thủ dưới tay Ottoman) đã thổi bùng Phục Hưng mà như đã thấy nó mang nặng tính tôn giáo Kitô vì đất Byzantine là cái nôi Kitô mà.

    Đạt Ma là người Ấn, ngưỡng vọng Đạt Ma tức là coi Ấn Độ ở tầm cao hơn, mà gần đây báo Trung Quốc còn đưa tin một nhà văn hóa của họ thừa nhận điều này với trường hợp Phật giáo. Dường chỉ có ảnh hưởng một chiều từ Ấn vòng lên Trung Á mà vào TQ.

    Với Ai Cập thì ngưỡng vọng vì trước hết họ giàu có mà Hy Lạp phải thèm khát, họ là cái vựa lương thực không bao giờ cạn mà các đế quốc ai ai cũng muốn chiếm hữu. Họ có các Kim Tự Tháp mà thời hoàng kim nhìn thôi đã phải mơ ước. Phú quý sinh lễ nghĩa, khoa học sẽ theo đó mà phát triển, cũng như thế giới Ả rập giai đoạn thế kỷ VIII-XV có tỉ lệ biết chữ gần full trong khi xung quanh rất hạn chế dưới mức 50%, do vừa khống chế một khu vực rộng lớn kể cả Ai Cập họ có điều kiện để đi học, họ dịch sách tiếng Hy Lạp của các Plato, Aristotle, và trả cho các dịch giả vàng nặng bằng đúng bản dịch của họ.

    Và cũng y như tây Âu ngưỡng vọng Ấn Độ và Trung Quốc thông qua các lời kể của Marco Polo về một Trung Quốc giàu có, xứ sở của Lụa, Gốm chất lượng nhất thế giới, thông qua các chuyến hàng hương liệu mà Venice chở về từ Ấn độ.

    Nhưng rốt cuộc thì sao, Hy Lạp cai trị Ai Cập mà không có chiều ngược lại, Tây Âu cai trị Ấn và Trung Quốc tương tự..

    "Dấu chân trên cát" được viết bằng tiếng Phần Lan dựa trên truyện dân gian Ai Cập, nó cũng không nói lên vai trò của một con người Ai Cập nào đối với tác phẩm đó cả. Lấy cảm hứng từ một nền văn minh đã chết rất khác việc La Mã hay Hy Lạp chính tay họ tạo nên ảnh hưởng như thời kỳ Hy Lạp hóa hay thời kỳ La Mã sau đó, mà hệ thống cầm quyền cũng như văn hóa chữ viết nó còn sừng sững như hiện nay.

    Cảm hứng từ các xác ướp Ai Cập thì đúng là mạnh đó, nhưng mình không dám coi mấy phim đó :D

    Người Ai Cập mà Freud đang nói đó chính là Moses, tất nhiên ông vừa là người Ai Cập vừa là người Do Thái.. gõ cụm từ hoàng tử Ai Cập là ra tên Moses người Do Thái ngay ấy mà :D

    Theo sách Ê-díp-tô ký (xuất hành) thì ông được mặc khải bởi một ngọn lửa trong bụi cây và thực hiện giao ước với nó để đưa con dân Do Thái trở về đất hứa.

    Mình có đọc một bài, các nhà nghiên cứu kết luận đó là một dòng chảy lịch sử khi có một cuộc xung đột giữa chính quyền Ai Cập và một nhóm dân tộc chăn thả đã nhập cư Ai Cập từ trước đó, rồi đẩy họ về vùng Sinai gián tiếp tác động họ xâm lược Canaan lần nữa. Dân tộc này đã đô hộ người Canaan cho tới khi bị Ba Tư độ hộ lại.

    Đó hoàn toàn là một xu thế xã hội của các cuộc tranh giành nguồn thức ăn, đất chăn thả lại được họ thánh hóa cuộc xâm lược với lý do tôn giáo như đã biết. Cũng có vai trò của Ai Cập rồi đó :D tương tự thì hậu thế ở thế kỷ XIII là Mông Cổ cũng thần thánh hóa cuộc chiếm cứ đất chăn thả cho ngựa của họ với lý do cai trị thế giới theo ý muốn của chúa :D

    Có một chi tiết thú vị là hình tượng thiên chúa đầu tiên được mô tả bởi Moses là một bụi cây đang bốc cháy, gợi nhớ đạo thờ lửa của Ba Tư. Các học giả còn cho rằng chính đạo thờ lửa Ba Tư mới là tôn giáo độc thần đầu tiên ảnh hưởng lên thế giới quan của Do Thái giáo mà cụ thể là ý niệm về thiên thần.

    Các vị thiên thần như Micheal, Gabriel, Raphael là sản phẩm của Hỏa giáo.
    Vì ban đầu người Ba Tư cũng theo đa thần giáo, người dân chưa tin Zarathrusta cho lắm và không muốn bỏ các vị thần mà họ yêu mến, nên ông thêm đôi cánh cho mấy ông hiền hiền được mến mộ, thêm đuôi cho mấy ông hung ác.

    Những thay đổi đó vào thế kỷ 10 TCN và là cơ sở cho quan niệm thiên thần và ác quỷ mà các đa thần giáo trước đó chưa có. Trong đền thờ Hỏa giáo, người ta chỉ đốt một ngọn lửa trên bàn thờ để cầu nguyện Thượng Đế.

    Năm 597 TCN, Ba Tư chiếm xứ Judah (tức Do Thái), sau nhiều thế kỷ cai trị Trung Đông, Hỏa Giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên giáo lý của Do Thái Giáo. Gián tiếp xâm nhập KiTô và Hồi Giáo.

    Trước đây thì Cựu Ước được cho là do Moses thế kỷ 13 TCN viết, nhưng các học giả bác bỏ, như phía trên đã trình bày, câu chuyện đó sẽ được viết sau đó 5 thế kỷ và các tác giả Cựu ước đã đưa vào tôn giáo của họ khái niệm sáng thế ký và ngọn lửa đại diện thiên chúa mặc khải cho Moses được hấp thụ từ Hỏa giáo.

    Không liên quan mấy đến Ai Cập nhỉ, Do Thái thật ra chỉ được định hình khi đã xâm nhập đất hứa thành công và vì có nhu cầu hợp thức hóa cuộc xâm lược trước đó cũng như đang chịu ảnh hưởng từ chính quyền Ba Tư, chưa kể việc bì đày sang Babylon khiến họ mang thêm nhiều màu sắc Sermit vào và gần hơn tới cái nôi độc thần thời lửa trên vùng đất tổ của Ba Tư.
     
  8. xversion1

    xversion1 Lớp 3

    Theo em thì Phật giáo, hay nói là Đức Phật ban đầu thuyết pháp không phải là vô thần, các thể loại thần thánh (chư thiên, chúng sinh các cõi khác...) không bị Phật bác bỏ, chỉ có thái độ đối với loại chúng sinh này trở nên khác đi, từ tôn thờ cầu cạnh xin xỏ trở thành thờ ơ ít quan tâm.
    Xem xét kỹ Kinh Thánh có thể thấy những ý tưởng và câu truyện trong đó hầu hết đã tồn tại từ trước ở Hỏa giáo Ba Tư và thần thoại vùng Lưỡng Hà với ít nhiều sai khác, sai khác chủ yếu từ định hướng đa thần trở thành độc thần duy nhất tối cao. Cũng có những người (học giả?) cho rằng Cơ Đốc giáo có nguồn gốc từ tôn giáo Ai Cập. Trước em có đọc được 1 quyển của ông nào phân tích những tương đồng giữa những khái niệm thần thánh của Ai Cập và Cơ Đốc rất kỹ, viết riêng thành 1 quyển sách dày, mà xem qua thì thấy ông này chỉ liệt kê mà ko có chú thích trích dẫn nguồn hay thông tin tham khảo từ đâu, cứ viết 1 lèo trơn tuột vậy thôi nên có vẻ không đáng tin.

    Còn quyển Dấu Chân Trên Cát này ông Phong bịa ra gần hết nên chẳng có gì để bàn về tính lịch sử. Nhà sách lại dám xuất bản ghi là "dịch" đúng là làm bừa nói ẩu. Sách vở cứ xuất bản kiểu trớt quớt này làm mất hết uy tín của việc đọc sách. Thật giả bất phân, nhà sách thu tiền chỉ người đọc là thiệt thòi.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  9. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Vẫn rất đáng quan tâm. Gần đây có phim các vị thần Ai Cập toàn diễn viên đẹp đóng :D

    Để ý sẽ thấy họ đẹp mã và có thể mọc cánh khi định đánh nhau. Mấy ông thần canh địa ngục thì lại đen thui, xấu xí.

    Văn minh Ba Tư đi sau Ai Cập, rất có thể họ cũng đã copy về cho Hoả giáo trước khi gây ảnh hưởng lên Do Thái, Kitô, Islam.

    Người Ai Cập tuy đa thần nhưng thần mặt trời "Ra" hay "Re" tùy cách phiên âm là mạnh nhất, cai quản bầu trời.

    Vậy có thể chính các vị đa thần mà Ba Tư theo trước Hoả giáo là bản clone từ Ai Cập cũng nên, rồi tới lượt Zarathustra ông ấy mới cải tiến thêm.

    Có thể nhìn ra sự tương đồng ở ngọn lửa thượng đế với thần "Ra" của Ai cập. Đôi cánh của mấy ông còn lại nữa :D Ở trên mình chưa nghĩ ra nên đã nói Zarathustra tự chế ra đôi cánh mà các tôn giáo đa thần chưa có. Nhưng khái niệm thiện ác thì chắc ông chế ra thật, phân các vị thần ra hai loại là một cải tiến của ông.

    Nhưng vẫn chưa thể khẳng định đôi cánh là sản phẩm của riêng Ai Cập hay Ba Tư. Các bức bích họa của các nền văn minh khác vùng Levant, vùng lưỡi liềm thì hình ảnh đôi cánh rất phổ biến, thậm chí còn có mỏ chim nữa, chỉ thân thể là người thôi :D
     
    xversion1 thích bài này.
  10. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Điểm này thì bạn hoàn toàn đúng vì Aris đã nổi tiếng với các lãnh vực khác như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc, luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, Kinh tế học, chính trị học, đạo đức học... còn động vật học hay rộng hơn là sinh học mà đóng góp của Alex từ các mẩu vật mang về giúp hoàn thiện hơn thường được xếp sau cùng :D

    Ngược lại thì các kiến thức tiếp thu từ ông thầy có ích rất lớn cho một thống lĩnh như Alex, giúp ông có các nhìn chiến lược dẫn đến chinh phục một vùng đất rộng lớn như thế trong vỏn vẹn có 10 năm với điều kiện đường xá không mấy gì ngon nghẻ như ngày nay :D
     
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này