Tuỳ bút - Biên khảo G Hồn Mai - Nguyễn Xuân Hoàng

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 5/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    hồn mai_1.jpg

    HỒN MAI

    Tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng
    NXB Thuận Hóa & Cty Văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện
    Năm xuất bản: 2007.

    Số đăng ký KHXB: 343 - 2007/CXB/21a - 36/ThuH
    Quyết định XB: 164/QĐ - XBTH.
    Khổ sách: 14,5 X 20,5cm
    Số trang:
    Loại thể: Tùy bút.

    Những người tham gia:


    - Nguồn sách: @lichan, @Ban Tang Du Tử
    - Đánh máy: @lichan
    - Soát lỗi lần 1: @teacher.anh, @lichan, @Dâu Huế
    - Soát lỗi lần 2: @lichan
    - Tạo ebook: @Rafa
    - Audio book: @lichan


    Ngày hoàn thành: 25/12/2020
    Ebook đã có tại Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    Về Tác giả:

    NGUYỄN XUÂN HOÀNG

    - Sinh ngày 30 - 8 - 1966 tại Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Quê hương tổ phụ ở làng Vân Cù, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ và tuổi học trò gắn bó với quê mẹ làng Thạnh Long, xã Đức Thăng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

    - Nguyên Phó trưởng Phòng Chương trình Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế; ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; ủy viên Thường trực Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế; Trưởng ban Biên tập Tạp chí Sông Hương.

    - Mất ngày 16 - 12 - 2006 tại Thành phố Huế.

    Suốt đời tư duy ngây thơ như con trẻ, đó chính là những nghệ sĩ, và bản thân tôi cũng rất vui mừng thấy Nguyễn Xuân Hoàng được trang bị đủ kinh nghiệm và chữ nghĩa để nói về một thế giới "siêu thực" như vậy. Tôi tự hỏi nhà văn đã rèn luyện khi nào để đạt được một bản lĩnh nghề nghiệp như vậy. Tôi bỗng nhớ cách đây đã lâu tôi có được đọc những truyện ngắn đầy chất thơ trên tạp chí Sông Hương, ký tên là Hạnh Lê. Hạnh Lê chính là một bút danh khác của Nguyễn Xuân Hoàng thuở mới vào đời, thuở ấy Huế còn đủ sức quyến rũ để mời gọi người ta đi bộ qua cầu Trường Tiền trong những chiều đầy sương khói...

    HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
    Lời tựa

    Văn chương vốn vô mệnh nhưng người làm ra văn chương thì có mệnh nên nó vẫn phải chịu lụy phần. Nói văn là người hay người là văn cùng không khác khi ý niệm chúng ta vượt ra ngoài quan hệ tương thuộc giữa tâm và vật giữa chủ thể và khách thể. Văn nghiệp của một nhà văn là sự tích hợp những chuỗi lâm sự biến cảm qua bút lực đời họ. Những đặc tính này khá rõ nét trong di cảo của một nhà văn đoản mệnh có tên là Nguyễn Xuân Hoàng.

    Đoạn bút ở tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, cái tuổi độ chín của sự sáng tạo, anh vẫn kịp để lại hàng ngàn trang viết từ truyện ngắn, tản văn, tiểu luận, đến thơ. Ở đấy, dù cái được biểu đạt phải biểu đạt dưới hình thức nào, nó vẫn thị hiện những đặc trưng thể loại riêng biệt theo nguyên tắc đồng đẳng qua sự “trình diễn” của cây bút này.

    Đấy là sự trình diễn cái tôi cộng hưởng các khí cụ tri thức ở ba cấp độ bản năng (vô thức), lý trí (ý thức) và linh cảm (siêu thức). Nhà văn không thể viết nếu không có tri thức. Nhưng tri thức nhà văn, nói theo cách nói của Osho, phải là tri thức “lòng giếng”, chứ không thể tri thức “hồ chứa”. Mốt sính học hàm, học vị thời nay, số nhiều trí thức sa vào tri thức hồ chứa”. Người ta múc từ ngoài vào, múc lẫn nhau, múc đầy sự tù đọng. Chỉ có “lòng giếng” là luôn luôn tự “đổi mới” mình qua sự đối lưu trong mạch nguồn tiềm linh minh triết.

    Dù kinh nghiệm còn ít, vốn sống chưa nhiều nhưng khi tri giác nội tại được đánh thức bởi lòng chân thành dâng hiến, Hoàng đã chiêu dưỡng được đầy đủ những gì cần thiết cho hành trang nghệ thuật của mình. Văn Hoàng thanh thoát, bồng bềnh như sương khói, không bám víu, không dính mắc vào đâu. Đấy là thứ văn đạt ngưỡng “cái nhạt” theo quan niệm mĩ học truyền thống phương Đông. Nó lấy sự kín đáo để chưng diện. Đằng sau cái vẻ tẻ nhạt, lạnh lùng ấy hiện hữu một sức

    sống bền bỉ. Cái nhạt là cái thường tục, thường hằng không đối thủ, không tranh chấp. Khác với cái phi thường. Cái phi thường của ngày hôm nay sẽ là đêm trước của cái phi thường ngày hôm sau. Cái nhạt của văn chương dường như tương đồng với ý nghĩa cái nhạt của Đạo lão. “Đạo mà nói ra thì nhạt và vô vị”.Văn Hoàng dù viết ở thể loại nào, đề tài nào cũng nhất quán trung trinh trong dòng biểu cảm nên nó “áp đặt” đối tượng tiếp nhận vào thế “khích tâm” hơn là “khích trí”. Lẽ thường, cái gì không khích trí thì cái đó không được đem ra đánh giá. Song, mặt nào đó của ý nghĩa tồn tại, cái không được đánh giá lại là luôn luôn được đánh giá. Đấy cũng là cách trình hiện của những tác phẩm nghệ thuật bàng bạc các phẩm chất mĩ học, triết học và tôn giáo.

    Cho dù đến với cuộc đời này một khoảng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Xuân Hoàng đã trải nghiệm hết thảy mọi khổ đau, hạnh phúc. Hạnh phúc của sự sẻ chia và sáng tạo, khổ đau của lòng quyến niệm và chia ly. Phẩm cách của Hoàng đồng khi với phẩm cách các nghệ sĩ lớn xứ Huế mà anh từng ngưỡng mộ như nhà thơ Phùng Quán, nhạc Trịnh Công Sơn. Ở họ đều có năng lực “ám thị” những người tâm giao một dòng tình cảm “tự kỷ” nên ai ai cũng thấy họ như là “thứ của riêng”. Khi biết sống vì mọi người thì đồng thời cũng được sống trong mọi người. Đó là chân lý qui ước và là thuộc tính của những người lớn hơn chính mình. Sự thực, Hoàng đã lớn hơn chính mình trên cả phương diện cuộc đời và tác phẩm.

    Với sự tri cơ và tình tri ngộ, Nhà xuất bản Thuận Hoá phối hợp Công ty văn hóa Phương Nam cho ra mắt bộ tuyển tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng nhân ngày giỗ đầu của anh. Thật ý nghĩa, thật cảm động. Đây cũng là tâm nguyện của bằng hữu chi giao Lê Huỳnh Lâm, Đinh Thu, Duy Tờ, Trần Huyền Sâm, Minh Tự, Bùi Ngọc Long... cùng nhiều bằng hữu khác.

    Và, tôi là người có vinh dự được tôn lên hàng “trưởng lão” thay mặt anh em nói vài lời mào sách. Không nỡ và không thể chối từ sự tin cậy đó, tôi đã phải làm cái việc “ngôn giả bất tri”. Hẳn không tránh khỏi những điều khiếm khuyết và khiếm nhã. Cúi mong quý độc giả lượng thứ và chỉ giáo.

    NGUYỄN KHẮC THẠCH
    Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương


    EBook này sẽ được thực hiện nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng, góp phần nhỏ trong việc nâng cao dân trí, thúc đẩy văn hóa Đọc cho các bạn không có điều kiện mua sách giấy.

    Khi bạn có khả năng, hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả và Nhà xuất bản!

    Xin chân thành cảm ơn bạn @lichan đã chia sẻ một quyển sách hay.

    Do chúng tôi chưa thể liên hệ được với gia đình tác giả để xin phép nên rất mong gia đình tác giả và bạn đọc thông cảm và lượng thứ.

    Cảm ơn các bạn đọc, những người giúp chúng tôi có động lực thực hiện số hóa cuốn sách này.


    Mục lục

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/12/20
  2. lichan

    lichan Lớp 12

    Những đôi mắt trên đèo

    Hơn mười năm đi học ở Huế, không dưới một trăm lần tôi đi qua đèo Hải Vân. Hơn một trăm lần ấy, không có lần đi nào giống lần đi nào. Duy lần nào cũng vậy, hễ cứ lên đèo là thấy ...buồn. Sương mù giăng kín. Chim cu cô đơn bay giữa những nụ hoa giẻ giun nở trắng đến se lòng. Và gió, những ngọn gió dại cứ như từ trong ruột đá thổi ra hắt hiu một màu lam chướng. Nín lặng trong một nỗi sợ hãi mơ hồ, tôi đã nhiều lần thấy khó thở khi xe qua đèo Hải Vân. Tưởng có lúc lồng ngực như vỡ ra, rồi vô cớ thắt lại khi nghe sau triền núi có tiếng gì như tiếng vượn mẹ hú gọi con. Và bất ngờ từ một khúc cua tay ảo hiểm trở, hiện ra những vạt cỏ lau nở dài lấp loá dưới nắng, khắc khoải như tay người đưa tiễn. Cả một rừng lau khiến lòng người bối rối không biết ngọn lau nào là tay mẹ tiễn đưa.

    Dường như từ "Mẹ" và "đèo" có chung một nội hàm, nằm trong một trường liên tưởng rộng về những gì vất vả, cơ cực nhất. Chả trách người xưa bảo lên đèo nhớ mẹ. Ai đó từng có một ý tưởng hay là hãy tống hết những kẻ bất hiếu lên đèo, để y hoặc thị, có một lần nghe tiếng khóc của vượn con mà biết ơn sinh thành của cha mẹ. Và theo tôi đèo ấy phải là đèo Hải Vân.

    Nhưng ám ảnh lòng tôi là những lần vượt đèo Hải Vân không chỉ có hoa lau và mẹ, mà còn có đôi mắt thăm thẳm buồn không sao nói hết của những người xa xứ. Mười năm qua đèo, tôi đã ngộ gặp hàng nghìn những đôi mắt như vậy. Háo hức, thất vọng chia ly, buồn tủi. Buồn trong ngày ra đi và buồn cả trong ngày trở về. Những ánh mắt như nói lên hết thảy, từ bao ngày tha phương đói cơm, thiếu áo cho đến một niềm hy vọng mới vừa được nhen nhóm. Đó không phải là cuộc ra đi và trở về của những Khinh Kha mặc áo khinh cừu, mà là cuộc ra đi của sự dồn đuổi cơm áo và cuộc trở về của những con chim thiên di lòng nhớ nhung nguồn cội.

    Trong số những đôi mắt buồn tha hương qua đèo Hải Vân, có lần tôi nhìn thấy đôi mắt của một mẹ già. Khuất sau những vai người, mắt mẹ ầng ậng nước. Phải chăng mẹ đã khóc khi đi qua đèo này? Bên cửa xe, gió thổi quần quật, chiếc khăn mỏ quạ nâu sồng che khuất một phần gương mặt già nua. Làm sao tôi biết quê mẹ ở đâu, nhưng đoán chắc đó là một vùng quê nghèo của đồng bằng Bắc Bộ chiêm khê, mùa thối. Cây lúa không nuôi nổi con người. Qua hết đèo xe lại tiếp tục cuộc hành trình vào Nam.

    Mẹ ơi! Mẹ đã tin gì ở ngày ra đi này? Nơi mẹ đến sẽ là đâu? Đường vào Nam còn xa xôi lắm? Mười năm đi qua đèo Hải Vân, sau nỗi buồn cỏ lau, con đã đủ lớn khôn chưa để nhận ra từ ánh mắt mẹ muộn phiền nỗi đau của một người xa xứ.....

    Audio by @lichan
     
    Last edited by a moderator: 26/6/16
  3. lichan

    lichan Lớp 12

    Bến Cũ

    Thường thì mỗi con sông dù to hay nhỏ, cũng chở chí ít trên mình nó vài ba chục cái bến. Tên gọi của bến sông cũng giống như tên người, có tên có lai lịch gốc gác, có tên chỉ là một sự vũ đoán, muốn hiểu thế nào cũng được.

    Không kể thượng nguồn, sông Hương bắt đầu từ ngã ba Bằng Lăng về cửa Thuận An cũng đã có hơn chục cái bến với nhiều tên gọi gần gũi. Bắt đầu từ bến Tuần, nơi hợp lưu của hai dòng Tả và Hữu trạch. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ đây là bến sông dân giã và buồn nhất của dòng Hương. Nơi vào những buổi chiều mưa tơi tả, có các em nhỏ khăn quàng đỏ đội tơi đi học về, các mẹ bán bánh nậm lọc, gánh hàng rong nhẹ như gió bấc mà đong đủ mấy đời người. Và nhất là mấy cái quán cóc bên liêu xiêu mái rạ, đong đưa mấy tấm phên tre trét cứt trâu, không đủ che ấm khách đợi đò. Ngồi co ro trong quán cóc nhìn sang bên kia sông, chỉ thấy mờ mờ tỏ tỏ sau mưa một bóng đò nhẫn nại, chầm chậm rẽ ngang con nước như đuổi theo tiếng gọi "đò ơi".

    Xuôi về phố Huế, sông Hương vui hơn với bến đò Linh Mụ. Nơi này, lòng sông như đôi tay vẫn còn mở ra rất rộng. Bến Linh Mụ đón đò dọc nhiều hơn là đò ngang. Vào mùa hè, bến đông như hội. Du khách dập dìu đi lễ chùa. Đò đậu san sát, sầm uất, gợi nhớ một quá khứ mịt mùng cổ tích. Vua Nguyễn viếng chùa với đoàn ngự lâm quân áo lễ, gươm dài. Ngựa xe nườm nượp. Quan với quân lên chùa. Xuôi thêm một tầm sông nhỏ là bến đò Kim Long. Ai đó bao cách trở, có còn nhớ không một câu ca dao cổ lắm rồi " Tình về Đại lược, duyên ngược Kim Long". Chuyến đò dọc đã tác hợp cho bao duyên phận, và cũng chia quyên rẽ thuý bao mối tình quê. Có một thứ trái cây miệt vườn Kim Long đổ xuống đò để xuôi về Tam Giang, và ngược lên là thuỷ hải sản và cá dìa, cá ong, tôm rằn nước lợ....ngon nổi tiếng. Có một thời bến Kim Long là bến tắm gội của các nàng Ỷ Lan. Những mái tóc huyền buông thẫm cả một khúc sông làm bồi hồi bao trái tim trai trẻ.

    Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn hết là bến đò Phú Vân Lâu, với câu thơ đã thành bất tử của Ưng Bình Thúc Dạ Thị "Chiều chiều trước bến Vân Lâu.." Lịch sử dân tộc từng có một vết cắt đau thương nằm ngay khúc sông này. Đó là tấm lòng ưu tư ngồi trên nước không ngăn được nước của một nhà vua trẻ. Đối diện về bên kia sông là bến đò Thừa Phủ-Quốc Học. Nghe bảo khi chưa có cầu bắc ngang sông Hương, vua quan nhà Nguyễn tế đàn Nam Giao thường đi qua khúc sông này. Trùng trùng ngựa xe qua sông áo mão vua quan ướt đẫm trong sương mù.

    Nếu bến Tuần buồn, bến Phú Văn Lâu đài các một thời "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" thì bến đò Đông Ba là bến vui náo nhiệt. Suốt một khúc sông chảy dọc theo chợ đều là bến đò. Đứng trên chợ Đông Ba chỉ thấy đò và nón nhấp nhô như sóng. Có nhìn thật kỹ mới nhận ra dưới chiếc nón lá là đôi vai gầy mỏng của các mẹ. Tần tảo dưới nắng mưa, phải chăng đời mẹ cũng là một bến đò không bến...Từ bến Đông Ba xuôi ngang một tí là bến đò Đập Đá. Dù Đập Đá bây giờ là một con đường, nhưng tên gọi thì vẫn như xưa. Đã nhiều năm nay bến đò Đập Đá là bến ở quần cư của nhiều hộ dân vạn đò. Bến thành cái eo như vòng tay mẹ cưu mang bao cuộc đời hạ bạc.

    Dường như kể mãi mà vẫn chưa hết. Còn nữa là bến đò chợ Dinh, nơi cậu bé Thanh Tịnh cho chuồn chuồn cắn rốn để tập bơi. Có đứa trẻ đi học nào mà không từng trốn học, ra bến sông để chơi với bạn bè. Những trò chơi con trẻ của nhà văn Thanh Tịnh ngày xưa, bây giờ những đứa trẻ vẫn tiếp tục chơi, áo con trai có rách thì vòi mẹ vào chợ Dinh mà mua. Khác ngày xưa một chút là chợ Dinh bây giờ còn bán áo con gái nữa. Bao nhiêu năm tháng cũ, bến đò chợ Dinh chỉ chở có trầu và áo con trai...Lam lũ những cuộc đời nghèo khó.

    Khó mà biết được rằng một đời người đã và sẽ đi qua biết bao nhiêu bến đò. Cứ hết dòng sông này ta lại gặp một dòng sông khác. Như chính cuộc đời của con người, mỗi bến sông tự cầm giữ trong nó một hình hài với những thành vận riêng tư. Đêm thao thức trong cơn mơ đòi đoạn của Huế, nghe tiếng ếch nhái rêu hoang cả lòng, bất chợt ký ức chói loà như sấm, kìa như ai đang gọi "bớ...đò" .

    Audio by @lichan
     
    Last edited by a moderator: 26/6/16
  4. lichan

    lichan Lớp 12


    Bánh Nổ Quảng Ngãi

    Tháng chạp, cứ chớm tắt mưa phùn, nghe có nắng hanh, là người làng tôi đắp lò, rang nếp làm bánh nổ Tết. Ít có loại bánh nào dễ làm như bánh nổ, chỉ vẻn vẹn có ba thứ nguyên liệu là nếp, đường và gừng già. Chính vì làm dễ, ai cũng làm được, nên làm một chiếc bánh nổ cho ngon rất khó. Nó là cả một quá trình chuẩn bị khá công phu. Trước hết là ở khâu chọn nguyên liệu. Nếp hạt phải chọn từng lượm một khi còn đứng ngoài đồng, rồi phơi phóng riêng cho đủ nắng. Xong, bảo quản nếp bằng bao ni lon kín không để lò hơi. Đường dùng làm bánh cũng phải là loại đường vừa trắng, đủ để bánh có màu hơi vàng ở "mạch hồ" giữa các hạt nổ. Gừng làm bánh là thứ gừng "cụ" , được chuẩn bị từ lúc mãn mùa gừng, ủ khô trong cát chờ ngày Tết mang ra làm bánh.

    Cái hay của bánh nổ là làm rất ồn ào. Đầu tiên, nếp cho vào chảo rang như rang phỏng. Nếp nổ càng to, hạt càng lớn và "lợi" bánh. Sau đó sàng nhặt vỏ trấu, rồi xên đường với gừng già xắt mỏng trộn đều với nhân nếp nổ, cho vào khuôn gỗ, dùng vồ đóng mạnh và đều tay. Vừa đóng vừa đếm nhẩm số lần đóng vồ sao cho từng phần của cây bánh đều chịu một lực nén bằng nhau. Đây là công việc của người lớn. Cây bánh đóng xong, khi mang ra vuông dài cỡ hai gang tay, được bỏ trên cái sịa xấy nhẹ bằng than nóng. Đến đây bánh đã hoàn tất, muốn cúng quảy hay dọn bánh đãi khách chỉ cần cắt ra từng lát mỏng hình vuông hay hình chữ nhật, tam giác, tuỳ thích.

    Còn nhớ ngày bé, khi mẹ làm bánh nổ ngày tết, tôi thường được giao mấy công việc long tong như nhặt vỏ trấu, giã gừng và lau rửa khuôn gỗ. Khoái nhất là ngồi chầu rìa bên chiếc nia. Lúc bỏ nổ vào khuôn để đóng thế nào cũng có nổ rơi. Cứ hễ hạt nổ nào rơi ra chiếc nia tròn là tôi chén ngay. Vị gừng thơm cay quyện với hương nếp còn nóng sộc lên mũi nghe cứ tê tê như ăn cao lương mỹ vị. Mà đúng là không có loại cao lương mỹ vị nào thay thế được. Bởi hương vị của bánh nổ gợi lên trong tâm thức đôi vai gầy của mẹ, cánh đồng lúa bạc màu của cha, và những đêm thức trắng khi gió mùa đông bắc thổi rộ kỳ lúa báo hiệu một năm mất mùa.

    Gần đây bánh nổ Quảng Ngãi có qui cách làm hiện đại hơn xưa nhiều. Thay vì rang nếp bằng lò củi, lò than, người ta đã rang bằng lò điện. Một ang nếp, khoảng hai chục lon sữa bò, được rang xong cái vèo, khỏi phải đội nếp xếp hàng như ngày xưa. Còn bánh cũng không đóng thủ công như ngày xưa nữa, mà đóng bằng máy, nhanh gấp chục lần. Công nghệ mới, chiếc bánh ra lò nhẹ và trắng tinh, trông thật xinh xắn.

    Ấy thế mà mỗi độ Xuân về, không hiểu sao tôi vẫn thèm và nhớ chiếc bánh nổ xưa, thô kệch nặng mùi đường với những "mạch hồ" vàng li ti mà mẹ tôi vẫn làm để cúng ông bà ngày Tết.

     
    Chỉnh sửa cuối: 6/6/16
  5. lichan

    lichan Lớp 12

    Bống Cát Kho Khô

    Cá bống có đến hàng chục loại như bống mủ, bống đao, bống cầu, bống tượng... nhưng riêng vùng sông Vệ - Quảng Ngãi quê tôi chỉ có rặt một loài ấy là bống cát. Cá bống cát còn có một cái tên khác rất dân gian là bống thệ. Đây là loài cá nhỏ, con to nhất chỉ bằng ngón chân cái người lớn, còn thường chỉ bằng ngón tay út, mắt nhỏ, mình thuôn lấm tấm hoa cát, rất khó nhìn thấy khi nép mình sát đáy sông. Cá bống cát có hai mùa trong một năm. Mùa tháng ba khi tiết trời ngót gió bấc, nước sông cạn dần, nhiều sương mù, và mùa tháng bảy, khi trời chớm sang thu, nắng vẫn còn rực rỡ cho tới tận chiều tối. Đánh cá bống cát chỉ cần dùng loại lưới nhỏ mặt đáy chừng năm gang tay và chiều dài chừng chục sải tay người lớn. Lưới thả dích dắc theo hình chữ chi. Khi thả xong, dùng mái chèo gõ đều đều vào mạn thuyền để "dồn" cá. Nhiều năm xa quê, nhưng không làm sao quên được cái dáng ngồi vắt vẻo, thanh mỏng như một vệt nắng của cô bé làng chài. Trên mặt sông rộng, lơ thơ gió, tóc em chảy về một phía. Một nửa khuôn mặt thầm lại huyền hoặc như một âm bản phim nghệ thuật. Nhưng nhớ nhất vẫn là tiếng chèo hối hả, câu thúc nôn nóng gõ vào mạn thuyền.

    Bỏ sách vở lên bờ cát, lũ trẻ bọn tôi háo hức đợi. Và lúc cất lên, lưới đầy rặt cá bống cát. Chỉ còn chịu khó ngồi gỡ từng con một ra khỏi mắt lưới, rồi bỏ vào chiếc chậu sành to giữ cho cá tươi sống. Ở chợ Trạm quê tôi cá bống cát được bán thành từng mớ. Loại nhỏ nhất người ta dùng cái rá tre để đong bán theo theo rá. Và đây cũng là loại cá bống cát ngon nhất. Kho cá bống cát là một nghệ thuật ẩm thực của người dân quê. Cá bống cát chỉ ngon khi được kho bằng lửa củi tre trong chiếc nồi đất mà người xứ Quảng hay gọi là cái trã (hoặc nhỏ hơn cái trã một tí gọi là cái trách đất). Trước khi kho, cá bống cát được rửa sơ qua nước muối cho cứng mình, rồi ướp gia vị gồm muối phèn the, ớt và mía cây chẻ nhỏ. Nước đổ vào trã đất vừa đủ sao cho khi cá đã chín rim, là vừa hết nước. Kị nhất là khi kho xong, niêu cá có màu trắng bợt bạc. Để con cá bống cát ngon mắt, người kho lấy đường đen (loại đường chưa rút mật) thắng (nấu) làm màu. Nghe hơi đường hơi cháy và có màu đỏ sậm là vừa. Cho vài muỗng đường đã thắng vào trã cá, chỉ một lúc, cá bống cát đã có màu đỏ sậm như rượu vang chưa ăn đã nhìn thấy thèm. Nồi cá kho xong, vùi vào trấu nóng. Trấu giữ cá nóng và khô suốt ngày.

    Còn gì hơn trên đời này khi được ăn cá bống cát kho khô ăn với cơm mới lên đồng. Mỗi và cơm làm nửa con cá bống cát nhỏ. Vị bùi của hạt gạo quyện với cái ngòn ngọt của mía, chút nhân nhẫn thơm thơm của thịt cá, vị đăng đắng của đường cháy và hơi ớt the cay...Nghe mơ hồ như một bóng hoa hư ảo. Chỉ một con cá bống cát kho khô, sao lại gợi lên trong lòng bao nhiêu những hoài niệm chất chứa. Món ăn đạm bạc bày ra trước mặt, khiến lòng ai rưng rưng nhớ cái thưở đầu còn để chỏm, quần rách đít chạy dọc bờ sông chang chang nắng, mót cá bống về cho mẹ kho khô. Trã cá bống cát huyền dịu như nồi cơm Thạch Sanh, ăn hoài không hết. Có hết rồi lại ra bờ sông như cô Tấm ngày xưa "bống bống bang bang lên ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta...". Ơ thì ra con cá bống cát nhỏ nhoi kho khô kia đâu chỉ là cá bống cát mà nó là cái núm nhau, khúc ruột lòng ta nối với sông mẹ, nối ta với quê hương dằn dặt nhớ thương. Ăn con cá bống cát sao còn nghe mùi khét lẹt của tóc cháy nắng, tiếng cười trong trẻo âm vang của đám bạn một thời giờ đã tan tác xa, tiếng mái chèo xua cá dội lồng ngực. Nhớ tháng bảy trở thu, mưa ngâu đổ đầy mặt sông lạnh. Cá bống cát kéo nhau về từng bầy xoan kín đáy sông. Nhớ bầy chim sẻ nhỏ đầu hói lông vì phải bắc cầu Ô Thước cho Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau.

    Mười mấy năm xa quê, con cá bống cát nhỏ nhoi dẫn tôi về nguồn cội, về tuổi thơ dấu yêu giờ đã nhạt nhoà. Hôm về thăm lại mái nhà xưa, mẹ lại đi chợ Trạm mua cá bống cát về kho khô đãi đứa con lang bạt. Gắp con cá nhỏ bằng ngón tay thơm nức, mẹ bảo tôi ăn kẻo nguội mất ngon. Tôi nhìn trã cá bống cát kho khô đặt trong chiếc mâm gỗ thị, rồi nhìn mẹ chống gối nhìn ra hiên nhà, mắt bỗng dưng nhoà nước, nhớ cái thời nhong nhỏng chạy dọc bờ sông.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/6/16
  6. lichan

    lichan Lớp 12


    Tóc Của Mẹ

    Tôi còn nhớ, dù rất mơ hồ, năm tôi lên mười tóc của mẹ vẫn còn dài lắm. Ngày ấy, tôi vẫn thường hay nghịch tóc mẹ. Tóc mẹ xanh, sợi nào cũng to và óng mượt. Mỗi bận chải tóc, mẹ phải đứng lên một chiếc ghế, để tóc khỏi bết vào nền đất. Lúc chải, tóc mẹ rụng thành búi, phải cuộn tròn lại, rồi mang ra thả vào bụi tre sau nhà. Nhiều năm liền, dù mưa gió phôi pha, chỗ tre nhà ngoại vẫn cứ xanh một màu tóc mẹ. Khi làm đồng, mẹ búi tóc ra sau gáy. Giữa búi tóc xỏ nghiêng một chiếc trâm tre là ngà đã lên nước vàng óng.

    Bảy lần sinh nở, bao lận đận truân chuyên, lạ thay tóc mẹ xanh vẫn cứ xanh đến kỳ lạ. Nhớ những ngày nắng quái, mẹ suốt ngày giang người trong cái nắng chang chang. Búi tóc có lúc xổ tung xuống chân đám mạ già hoen nước. Dẫu vất vả nhưng chưa bao giờ tôi nghe mẹ than phiền. Nhớ những hôm nhà đứt bữa, buổi sáng chỉ thấy tóc mẹ rối bời. Dường như cả đêm qua, mẹ chưa hề chợp mắt một chút nào.

    Ngày bé, tôi đã không hiểu là có một mối liên hệ nào đó giữa mái tóc của mẹ và cuộc đời của anh em tôi. Chúng tôi càng trưởng thành, tóc mẹ càng thưa đi, bạc màu như thửa ruộng thâm canh nặng, cây lúa đã ăn đi hết bao màu mỡ của đất. Đất trơ ra, cho hạt gạo trắng tinh như con cò trắng bay lượn trên những thửa ruộng lành.

    Có một dạo, tóc mẹ rụng nhiều. Ấy là ngày tôi chuẩn bị đi xa. Chia tay mẹ, chia tay cánh đồng nhỏ đầy nắng gió tuổi thơ, tôi vào đại học. Gian nan thay con đường đi học xa của một học trò nghèo. Hôm mẹ tiễn tôi ra bến đò, trời có gió lớn, nước sông Vệ chao nghiêng tôi thấy người hâm hấp sốt. Đò trôi đi chầm chậm. Đò đã xa, mẹ vẫn còn đứng lặng trên bến vắng. Mái tóc xổ tung đâu như chỉ còn chưa đến một nửa thời con gái. Trời chiều bảng lảng, bóng mẹ nhoà trong tóc mẹ, rồi xa khuất dần, chợt mờ chợt tỏ như một ngọn lửa nồng hậu cuối chân trời.

    Nhớ có bận mẹ đau thương hàn, tóc cơ hồ như rụng hết. Cứ như lá mùa thu, sau mỗi đêm thức dậy, tóc mẹ rụng đầy trên gối. Những sợi tóc xanh dài. Cười gượng, mẹ bảo tôi rồi tóc mẹ sẽ xanh trở lại. Xanh như ngày mẹ chưa gặp ba, xanh như ngày mẹ chưa sinh con, xanh như ngày....Mắt mẹ chứa chan niềm hy vọng và tôi vẫn hằng tin rằng tóc mẹ sẽ xanh trở lại. Sau bệnh gượng dậy, tóc mẹ không còn xanh nữa. Búi tóc to ngày nào giờ còn không đến một nắm tay trẻ con. Để búi được tóc, mẹ phải mua một món tóc giả, nhưng là tóc thật. Không hiểu tóc của ai mà xanh đến vậy? Cứ hao hao như mái tóc mẹ ngày nào. Cũng sợi to dài và óng mượt, lấp lánh những đường tơ. Sức khoẻ mẹ cũng giảm sút nhiều, bước đi chậm và hơi thở thường gấp gáp.

    Lần gần đây nhất, có dịp đi công tác tôi tạt về thăm mẹ. Mẹ ra đón tôi ở hàng hiên. Tôi thấy tóc mẹ bạc nhiều. Búi tóc sau gáy chỉ nhỉnh hơn củ tỏi có tí chút. Mẹ không búi mái tóc giả nữa nhưng vẫn giữ gìn nó trong một chiếc khăn len. Trong ngày vui sum họp mẹ con, vẫn đôi mắt chứa chan niềm hy vọng, mẹ bảo là tóc mẹ sẽ xanh trở lại....
     
  7. lichan

    lichan Lớp 12


    Nhớ buổi học đầu tiên

    Nghe gió thu xao xác trên phố, lá vàng từng cụm đùn dày lối đi, mưa nhỏ lất phất và tiết trời se lạnh, biết là năm học mới lại sắp bắt đầu. Khi không còn là học trò, không còn được đi học nữa, mới thấy nhớ đến nôn nao cái thưở cắp sách đến trường. Như mới hôm nào lòng hồi hộp, sách vở mới, thầy cô mới. Nhìn đâu cũng chỉ thấy những điều hay và lạ lẫm. Cuộc sống khôi nguyên như trang giấy học trò. Chưa biết ngày mai là cái gì, chỉ thấy hôm nay sân trường rực rỡ nắng. Tiếng trống tùng tùng vào lớp buổi học đầu tiên đầy ắp bỡ ngỡ. Cái cảm giác vừa lạ vừa quen, không làm sao quên được. Này là mùi giấy thơm thơm, những ô vở vuông vuông như bàn cờ mời gọi những chữ viết đầu tiên. Này là chiếc cặp da có quai đeo, có ngăn để sách vở, có ngăn để bút mực. Nếu biết gìn giữ có thể học đến hai, ba năm. Chiếc bảng tên trên ngực áo cũng mang lại một niềm vui lớn, ghi đầy đủ họ và tên ta, ghi cả lớp ta học. Gặp bạn mới lần đầu không phải hỏi họ tên. Chỉ cần nhìn lên chỗ phía trái ngực áo, gọi tên rồi thành thân.

    Nhớ nhất có lẽ là cái chỗ ngồi, thơm thơm mùi gỗ; lớp véc-ni mới bóng loáng, chưa có một chữ nào nhè lên. Mặt bàn hơi nghiêng nghiêng, phía trên có đóng một gờ gỗ nhỏ để quảng bút khỏi rơi. Thời ấy còn viết bút chấm, nên mặt bàn có khoét một lỗ tròn cạn bằng đáy bình mực nhựa, là chỗ để bình mực. Buổi học đầu tiên, ta vận quần áo mới, lòng cứ sợ mực tím dây vào. Nhưng áo cũng chỉ trắng được vài ba hôm. Sau đó thì đứa nào cũng như nhau: vạt áo, ngực áo, đầy mực loang lổ.

    Còn nhớ trong buổi học đầu tiên, khuôn mặt cô giáo hiền như mẹ. Cô gọi tên từng bạn để làm thân. Cô nhắc nhở lớp yên lặng. Chữ đầu tiên cô viết lên bảng đen được cả lớp chép lại vào vở. Sự tích Lạc Long Quân - Âu Cơ, chàng Gióng đánh giặc, những khái niệm về đất nước.....đều bắt đầu từ đó. Lớp học nằm cạnh đình làng. Trước mặt là chiếc ao rộng mênh mông. Sau lưng là bạt ngàn đồng lúa. Ngồi trong lớp học có thể nhìn thấy rõ mồn một con cò lửa dong đôi chân đỏ hạ cánh xuống bờ ruộng xa xa. Rồi một đàn trâu đủng đỉnh ra đồng, tấm lưng béo núc, những sợi lông đen ở vai đã mượt trở lại sau một vụ cày. Chỉ là một gian nhà tranh vách đất, nhưng lớp học đã vở lòng cho bao nhiêu lứa học trò quê.

    Nhiều năm rồi sao vẫn nhớ. Lẽo đẽo theo sau gánh hàng xáo của mẹ, tôi đến trường buổi học đầu tiên. Mẹ đi thoăn thoắt, còn tôi lúc thúc chạy theo, đôi dép mới chưa quen chân chốc chốc lại tụt ra. Xốc lại chiếc cặp, tôi bám theo lưng mẹ đến trường.
     
  8. lichan

    lichan Lớp 12


    Nhớ ....Làng


    Sống lâu thật lâu cho đến một lúc nào đó thì con người ta đâm ra hay quên. Có cái quên vui, có cái quên buồn. Có cái quên là chuyện được mất của thời thế cần phải quên, cố mà quên. Cũng có cái quên mà không thể quên được đó là gốc gác mình, gia đình mình,dòng họ, làng nước, quê hương mình.

    Hôm lập thu gặp lại bạn cũ, ngồi uống rượu suông nói mỗi một chuyện đó là...Làng. Thách nhau trí nhớ, ngày xưa ăn cái gì ngon nhất, nhớ cái mùi gì nhất, ngày nào trong năm là làng vui nhất. Rồi chị Na, chị Nụ ai đẹp hơn, ai được trai làng yêu nhiều nhất. Năm nào làng cháy, năm nào làng mất mùa. Chẳng đâu vào đâu, chuyện nọ xọ chuyện kia - cứ thế mà nhớ. Cạn veo hết chai rượu tăm làng, hoa quỳnh nở rũ cánh, đồng hồ đã nhích sang một ngày mới, mà vẫn chưa hết chuyện.

    Ừ! mà làm sao quên được cái mùi phân chuồng nồng nồng hoi hoi, theo gió nồm thổi trùm hết cả làng. Nghe quen, sống mũi cứ ấm rang rang như xoa dầu cù là con cò. Lăn lê chăn bò suốt một ngày, đít quần sực nức mùi bò, cái đũn vàng cháy lông bò. Có cái gì đáng nhớ đâu mà lại nhớ. Chỉ kể thôi cũng không quên được cái mùi trứng vịt nướng kiểu trẻ chăn trâu: trộn đất bùn với cỏ, phủ một lớp vỏ lên trứng vịt rồi "thả" vào đống lửa rơm. Cả lũ nắm tay hò hét át cả tiếng rơm vàng nổ tanh tách; hét cho đến khi trứng kỳ chín mới thôi. Mát nhất mùa hạ, vẫn là được tắm giếng khơi đầu làng. Cái giếng rất to, mười lăm đứa con nít làng tôi đứng vòng quanh chưa kín miệng. Nước giếng ướp hương đá, hương rêu đượm một mùi là lạ, như mùi tóc con gái làng, từng làm si mê, điêu đứng cả mấy lũ con trai.

    Kề bên giếng làng là "sân vận động" nhỏ một chút cheo như cái mũi trước đình làng, nhưng suốt bốn mùa chưa bao giờ vắng người. Một quả bóng bằng trái bòng nước cả đám hò hét như giặc Ba Vành, chơi bể lại được thay quả khác, mà bòng nước thì làng tôi ê hề, có chơi một trăm World cup cũng đủ.

    Chai rượu tăm thứ hai, có chiếc nút bằng lá chuối xanh đã được đặt lên bàn. Anh bạn cũ xem ra đã ngà ngà say, nói năng xuất thần, đôi mắt lóng lánh. Chiếc thẹo nhỏ trên má do ngày xưa trong một trận ẩu đả tôi cắn anh, chừ cứ đỏ lựng lên như một nhân chứng của cái thời đã qua không thể nào quên được.

    Làng ơi.....
     
  9. lichan

    lichan Lớp 12


    Tiếng Chuông Thiên Mụ


    Sống thẳng một mạch mười năm có lẽ ở Huế, nhiều đêm mất ngủ, tôi nằm nghe tiếng chuông Thiên Mụ tựa như lời nói thầm âm hao mà lòng thổn thức nhớ quê. Một năm 365 đêm, đêm nào cũng thế, cứ vào giờ tí, sư trụ trì chùa Thiên Mụ lại cho thỉnh chuông. Mùa xuân, tiếng chuông nghe trong vắt như hơi gió heo may đi qua kẽ lá, làm bồi hồi đất trời, đâu đó những mầm sống cựa mình để đất nở hoa, cho hoàng mai rực vàng suốt một dãy phố chợ. Kể từ tiết lập hạ, tiếng chuông nghe thảnh thơi hơn, có nắng gió và sự trầm tĩnh của lòng người thỉnh chuông. Tiếng chuông như có bóng mát che chở mỗi đời người. Nhưng từ trong sâu thẳm vẫn sừng sững một nỗi cô đơn nhân từ của trời cao, và tiếng chuông lúc này nghe như đại ngã bao dung.

    Vào giác thu, trời Huế tím cho đến tận nửa đêm, đường phố nhiều lá rụng, tiếng chuông Thiên Mụ vì thế cũng đã vàng xao xác. Cây cối rũ lá thanh thoát và tiếng chuông đi qua xương cây nghe mơ hồ như một hơi thở nhẹ, say say nắng. Đó cũng là thời khắc bịn rịn chia lìa của các tình nhân, họ ngậm ngùi trở về để mặc vai áo cho sương thu ướt đẫm. Tiết lập đông có tiếng chim sếu kêu khan ngoài sông lạnh, Huế rét mướt vô kể. Tiếng chuông Thiên Mụ nghe như buồn hơn bao giờ hết, để người xa quê nao nao nhớ một bếp lửa hồng.

    Chỉ một tiếng chuông nhưng chao ôi đã đong bao buồn vui, khắc khoải của một đời người. Rằng nương theo tiếng chuông này, ta sẽ gặp ngày hội ngộ của bốn mùa.

    Với những người am hiểu Huế, sở dĩ tiếng chuông chùa Thiên Mụ hay và vang xa nhất, không phải chỉ vì nhờ cấu trúc tinh xảo và chất đồng tinh luyện mà vì chuông còn được thỉnh bằng dùi gỗ mít nài xứ núi, tuổi trên một trăm, thớ gỗ đã chuyển cả từ vàng nghệ sang đỏ sẫm với vân hình cánh nhạn. Gỗ nài xứ núi khắc với đồng như thuỷ với hoả. Sự tương khắc để mà sinh sôi cho tiếng chuông kỳ diệu, nghe một đời mà không thấu trọn.

    Còn với người Huế xa quê, tiếng chuông Thiên Mụ là nỗi nhớ dai dẳng như mưa dầm, buốt rức, suốt một đời ám ảnh những bước chân ai phiêu bạt mưu sinh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/6/16
  10. lichan

    lichan Lớp 12


    Mùa Gió Huế


    Giữa hai khối nhà tập thể tôi ở bây giờ có khoảng trống đầy gió. Mùa đông, gió bấc từ phía trước thổi ra đàng sau, hun hút lạnh. Trở gió bấc, hàng cây long não chuyển sang màu xanh tím tê tái. Lá rơi từng đợt làm vàng cả con đường rộng. Người đi dưới phố mặc áo mưa kín thân mà vẫn không khỏi rùng mình vì lạnh. Người mẹ Huế đưa con đến trường buổi sáng, cũng chỉ nhìn thấy hai khối người, mỏng manh trên chiếc xe đạp cọc cạch. Con đường như chỉ ấm lên vào buổi tối khi những ngọn đèn vàng được người thợ điện bật sáng. Những vầng sáng vàng vàng trên vòm cây long não trụi lá, dễ gây mũi lòng những tâm hồn đa cảm. Nhất là khi có một chiếc xe phở đi qua, tiếng gõ mời gọi lóc cóc trong tiếng mưa nhẹ hạt như tiếng người nói lao xao. Một tiếng gọi giật gấp gáp "phở". Chiếc xe phở dừng lại. Tiếng gõ biến mất. Người đàn ông Ba Tàu có mái đầu bạc lúi húi trụng phở với một chiếc vá dài. Mùi hương thơm từ nước phở nấu bằng xương bò bay ra, lan toả trong một không gian ấm áp kỳ lạ. Tô phở Tàu bưng trong mưa giá, toả hơi nghi ngút. Ở Huế bây giờ còn không đến chục chiếc xe phở dạo. Không biết rồi sau mười năm, hai mươi năm nữa liệu có còn không tiếng gõ lóc cóc như tiếng song loan nhịp ba, mang lại cho phố xá hơi ấm giản dị của cuộc đời.

    Thôi những đợt gió bấc, văng vẳng tiếng ve sầu dưới vòm long não, tim phượng nở bập bùng, Huế chuyển dần sang mùa hạ và khoảng trống ở khu tập thể nhà tôi đầy gió đông nam. Lần này gió lại thổi từ phía sau ra đàng trước. Huế vẫn còn sương mù và lạnh về sáng nhưng lại nóng ấm lúc ban trưa. Trong bữa ăn của nhiều gia đình đã có dĩa rau muống luộc xanh ngắt. Rau muống Huế được trồng chủ yếu ở các hồ trong thành nội, ven các hộ thành hào, hộ thành hà. Nói trồng nhưng thật ra là cấy. Cây rau muống Huế cũng khá đặc biệt. Thường nhỏ sợi, thân mỏng và lá vừa phải. Khi luộc cần đổ nhiều nước, rồi trở rau bằng đũa tre bảng to (người Huế gọi là đũa bếp), giữ cho rau xanh mướt, như khi rau còn nằm trong lòng hồ. Một dĩa rau muống luộc, một bát nước rau muống nhỏ có đánh một tí ruốc và nặn ít chanh tươi đặt bên cạnh chén nước chấm được pha chế công phu, đã là một bữa ăn thịnh soạn của văn hoá ẩm thực Huế. Sành điệu hơn thì kèm theo bữa ăn một dĩa nhỏ cà pháo đã chẻ lòng, ươm ươm đỏ. Vị cà hăng hăng cay cay lẫn với vị rau muống ngòn ngọt vẫn còn chát nhẹ, gợi lên trong tâm thức phong vị quê hương không dễ gì quên được.

    Khi những cành phượng đỏ tắt lửa, trái phượng dài ra chừng một gang tay người lớn, màu trời chuyển sang tai tái bầm bầm, Huế bắt đầu đón gió phơn tây nam mà người ta gọi là gió Lào. Gió cực khô và cực nóng khiến mồ hôi cứ tươm ra, rít rát như ướp muối. Cổ họng khát bỏng, nhiều khi nóng quá phải thở ra đằng miệng. Hàng cây long não trên phố, lá đang xanh bỗng dày ra, co lại như những chiếc vỏ hến vàng vọt. Lúc này trên bàn ăn của nhiều gia đình Huế đã có một bát canh rau má thơm mát. Ở Huế, cây rau má mọc nhiều ở vùng đồi phía tây thành Huế. Một số người thích ăn rau má núi, một số khác chỉ thích ăn rau má đồng mềm và ít đắng. Gần đây rau má còn được trồng ở vườn, ven các nguồn nước. Rau má trồng không bao giờ có được vị ngon của rau má rài (rau má dại). Rau má hợp nhứt là nấu với tôm rằn nước lợ. Một bát canh rau má ngon là bát canh vừa phải. Tỉ lệ tôm, rau má, nước phải hài hoà. Quá nhiều tôm sẽ mất vị rau má, ngược lại quá nhiều rau má sẽ làm ôi bát canh. Với một bát canh rau má tôm rằn trong bữa ăn ngày gió phơn tây nam, người Huế có thừa sự chăm chút để bát canh ở lại mãi trong lòng người thưởng thức.

    Khi những cánh sếu đầu mùa bay từ nội thành Huế qua bờ nam sông Hương, rồi đi mải miết đến chân đèo Hải Vân, Huế đón mùa thu với gió heo may. Gió rít nhẹ, thoảng thơm như hương cau. Khoảng trời trên sông Hương xanh ngắt, điểm vài cụm mây trắng đuôi gà. Lúc này, những quán cà phê Huế dọc hai bờ sông Hương gần kín người. Uống cà phê khi gió heo may về, cũng là một thói quen của người Huế thị dân đi tìm một chút tĩnh lặng cho đời sống tâm hồn. Mùa thu cũng là mùa thành phố Huế đẹp nhất. Sông Hương mang gương mặt của bầu trời, như chưa bao giờ xanh đến vậy. Ven sông, lá mùa thu rơi vàng như nắng chiều. Đường phố thưa người đi, thỉnh thoảng trong những con hẻm vắng còn đọng lại một ít sương mù.

    Nhiều năm sống ở Huế, với bao nhiêu buồn vui. Có lúc phấn khích, có lúc mỏi mệt, bực dọc chuyện đời thường. Nhưng khi nghe bất chợt một tiếng sấm mùa thu xa tận thượng nguồn, rồi những hạt mưa ngâu đầu tiên rơi xuống lòng bàn tay, sao thấy lòng như ấm lại. Gió heo may nhen nắng về trên phố. Có con sếu lẻ nào đó kêu khan, khiến lòng ta rưng rưng bởi một tình yêu quá đỗi.
     
  11. lichan

    lichan Lớp 12

    Gạo Nhe An Cựu

    Lúa bây giờ rất nhiều giống mới, với nhiều ưu thế như ngắn ngày, kháng sâu bệnh, năng suất cao. Đất ít người lại đông, một năm có thể thâm canh tù tì ba vụ liền. Nhưng thường cái gì ngắn, mau, vội thì phẩm chất thường không cao. Với các giống lúa ngắn ngày hiện nay, khái niệm về "bát cơm mới" là không còn nữa. Mùa lên, lên đồng, cơm mới vẫn chỉ là cơm cũ ít thơm, ít dẻo, đơn thuần là một thứ tinh bột có tên gọi là "cơm".

    Cho nên, bao năm rồi mà nhiều người vẫn nhớ những giống lúa ngày xưa, dài ngày, năng suất thấp, nhưng đã thành cơm thì khi ăn chỉ có ngậm mà nghe. Suốt mấy trăm năm, đồng đất xứ An Cựu - Huế chỉ cấy rặt một thức lúa, đó là giống lúa Nhe. Cái gì ở giống lúa này cũng dài: dài ngày, thân dài, bông lúa khi đã cúi (chín) dài như đuôi trâu con. Còn hạt lúa chín vàng ươm, dài ngư cái tắp bã (đùi) con gái. Khi đã thành gạo, hai đầu thon đều ánh màu ngà. Đúng là hạt ngọc trời. Đến cái màu vàng của đồng lúa Nhe An Cựu cũng khác xa cái màu vàng thếch của những cánh đồng lúa ngắn ngày. Đó là thứ vàng ròng. Vàng như từ trong cổ tích vàng ra. Tơ tơ ươm ươm trong sương mù buổi sáng sớm, rồi bắt nắng mai phô phai rực rỡ như một bức tranh lụa tuyền vàng. Càng đẹp hơn khi chen giữa màu vàng là vài sắc xanh rơi rớt của những thửa ruộng muộn. Giữa một biển lúa vàng, nét gam xanh như một nét đi mềm mại gợi nhớ những mối tình quê và bước chân ai Tư Mã.

    Lúa Nhe An Cựu gặt về để thành gạo còn phảo qua nhiều khâu nữa. Trước hết là ủ mát cho màu vàmg hạt lúa sậm lại. Rồi phơi nắng cho hạt lúa nõ như đất ải, khi đong nghe tiếng lúa rào rạo như kim loại. Hạt lúa Nhe nếu đem xay xát bằng máy thì hỏng, bởi hạt gạo sẽ bị vỡ hình hài và lớp vỏ cám mỏng sẽ bị máy tuốt mất. Gạo Nhe chính hiệu phải được xay bằng cối xay tay, giã bằng cối gỗ và sàn bằng sàn tre. Từ hạt giống lúa Nhe nằm dãi gió dầm mưa trên cánh đồng An Cựu năm sáu tháng trời, cho đến hạt gạo Nhe trắng ngà đựng trong chiếc hũ sành là cả một quá trình cực nhọc. Đó là cuộc hành trình của niềm tin. Khả năng lao động bền bỉ để sống còn của người nông dân.

    Nhưng có hạt gạo Nhe trong nhà hạnh phúc mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại là phần cơ cực của hạt gạo, chịu đi qua lửa nóng và vùi mình trong tro ấm để được dẻo thơm một bát cơm đầy. Bưng bát cơm gạo Nhe An Cựu, lòng ta hàm ân cái vết bầm trên vai mẹ, những nét chai sần trên tay cha. Nghe trong hương thơm như điếc mũi có gió mùa đông bắc, nắng xuyên khoai và sương mù buổi sáng. Và lúc này, bát cơm gạo Nhe An Cựu không chỉ đơn thuần là nuôi sống con người, mà còn là nguồn thực phẩm nuôi sống tâm thức, nhắc nhở con người về lẽ sống mà từ lâu chúng ta đã gần như quên lãng: hạnh phúc là những gì giản dị nhất trên đời.

    Gần đây, trong xu thế đô thị hoá, cánh đồng An Cựu xưa nay cũng đã thay hình đổi dạng: lom mom nhà, lom mom phố. Gạo Nhe An Cựu giờ chỉ còn trong câu ca dao xưa:

    Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi​
    Gạo Nhe An Cựu mà nuôi mẹ già​
    Tôi đi qua cánh đồng An Cựu xưa nghe lòng đầy nuối tiếc. Những chân ruộng lúa Nhe vàng rực trải dài trong ảo giác. Chợt lòng cộm lên một câu hỏi: rằng những cậu bé của cánh đồng An Cựu ngày sau sẽ nuôi mẹ bằng gì?
     
    Last edited by a moderator: 19/6/16
  12. lichan

    lichan Lớp 12

    Cây Phượng Bên Chân Cầu Trường Tiền


    Mỗi năm một lần vào mùa hè, cây Phượng bên chân cầu Trường Tiền nở hoa rực rỡ. Sắc hoa đỏ pha hồng vào giác chiều tím bầm như xác pháo. Màu hoa như chạm nổi vào bầu trời bềnh bồng mây trắng đuôi chồn. Ấy là cái màu hoa đỏ khát khao, cuồng nhiệt của một thời áo trắng không thể nào quên. Con trai con gái Huế phải lòng nhau, hay tìm đến gốc cây Phượng này như một địa chỉ của Vườn Thuý. Vật để gieo cầu tin yêu là những cánh hoa Phượng đỏ. Hoa rút ra từ tơ lòng nên có mầu sắc riêng, phập phồng như nhịp đập của trái tim. Uống nước dòng Hương và được sưởi ấm bởi những bàn tay tình nhân, mỗi năm cây Phượng một rậm rạp ra. Gốc đã to hơn một vòng tay của đàn ông, xù xì những thớ gỗ bọc thành múi gân guốc. Thân cây đen mốc những rêu xanh nhung mịn. Ở sát với mặt đất lát đá hộc, một chiếc đinh to không hiểu ai đó đã đóng ngập vào thân cây. Nhưng Phượng vẫn lớn, vẫn xanh và đợi con ve sầu kêu là nở bùng hoa đỏ. Gieo từ trời cao xuống, những lúm hoa như những chiếc lúm đồng tiền mời gọi một nụ hôn nồng thắm. Nhưng đâu chỉ có con trai con gái lấy cây Phượng làm nơi hẹn hò. Thỉnh thoảng, cây Phượng lại mở rộng vòng tay đón một đôi chim Vành Khuyên lạc rừng về đây âu yếm.​

    Nhiều năm sống, cây Phượng đã trở thành một phần không thể thiếu được của thành phố Huế. Để lịch sử thành phố tiếp tục với những giả định: nếu như không có sông Hương, nếu như không có cầu Trường Tiền, và nếu như không có cây Phượng đỏ bên chân cầu....thì thành phố Huế sẽ thế nào? Huế sẽ nghèo đi biết mấy. Mà đúng là như vậy. Với người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, chỉ có một góc ưu việt nhất để bắt cái thần của cầu Trường Tiền là đứng ở đường Nguyễn Đình Chiểu sau lưng Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế, lấy cây Phượng làm tiền cảnh và lia máy ôm gần trọn thân cầu.​

    Gần một chục năm nay năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa Phượng nở, tôi lại tha thẩn ra chân cầu Trường Tiền chong mắt đếm những cành Phượng đỏ. Vẫn là mười ba cành. Cũng gần mười năm rồi cây Phượng không ra thêm một cành nào. Chỉ có hoa là nhất thuỷ nhất chung, mỗi năm một lần đỏ trời đỏ đất đỏ vai con trai con gái mỗi dịp hè về. Không hiểu là có nên xếp cây Phượng này vào loại "di tích sống" hay không? Chứ mỗi năm Phượng cũng đã tiếp ngót nghét chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Có người đi qua lần đầu chỉ thấy cây Phượng hay hay. Đứng một mình mà làm cả mùa hè. Còn với cư dân Huế, cây Phượng là thước đo niềm vui, nỗi buồn, những kỷ niệm chưa bao giờ phai nhạt. Trên lớp vỏ dày xù xì thời gian vẫn còn đọng mãi những vết khắc vụng dại. Dấu khắc có khi là một cái tên người trọn vẹn. Có khi chỉ là hai chữ cái xoắn vào nhau trong một ô van trong ngần tuổi học trò. Vỗ nhẹ vào thân cây nghe như đâu đó dưới mặt sông có tiếng cười âm vang. Rồi một tà áo tím bạch như áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa đi qua cội lòng như một giấc mơ đã nhoà hương sắc.​

    Năm nay mùa hoa Phượng nở, tôi lại tha thẩn ra chân cầu Trường Tiền ngắm cây Phượng đỏ. Và đếm số cành trên cây: một, hai, ba, bốn, năm... vẫn là mười ba cành. Sao lại là mười ba? Tôi tự hỏi mà lòng mà lòng không thể trả lời được. Nhưng kìa, từ một nách cành phía lòng sông Hương, một chồi Phượng nhỏ như ngón tay út người lớn đang nhu nhú mọc. Giữa một bầy hoa đỏ, chiếc chồi xanh mạnh mẽ và lạc loài đâm vào kỷ niệm xưa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/8/16
  13. lichan

    lichan Lớp 12


    Bánh Canh Nam Phổ

    Có gì lạ đâu, chỉ là bột gạo viên lại rồi cắt thành lát dài, nấu với tôm và thịt heo nạc, ấy thế mà bánh canh Nam Phổ nổi tiếng khắp cả nước

    Từ hàng trăm năm nay, nấu bánh canh bán dạo đã trở thành nghề gia truyền của người làng Nam Phổ. Một gánh bánh canh là đủ chạy gạo cho cả gia đình. Có năm thịnh, cả làng Nam Phổ nấu bánh canh bán dạo khắp vùng Huế. Dù đơn giản, nhưng để nấu được một nồi bánh canh Nam Phổ cũng khá công phu. Từ buổi sáng các mẹ, các chị đã dậy sớm để đi chợ, lựa mua cho được những mớ tôm tốt nhất. Tôm nấu bánh canh phải là tôm đầm, thịt đậm đà, đặc biệt là không tanh. Thịt heo cũng phải là thịt ba chỉ vừa nạc, nhưng mỡ phải dày. Tôm và thịt heo mua về được trộn đều giã nhỏ, lớp gia vị vừa phải và viên tròn thành chả. Trong quá trình giã có trộn lẫn một ít hạt điều để tạo màu.

    Thường đúng trưa các mẹ mới nhen lửa nấu bánh canh. Đợi nước sôi vùng mới bắt đầu cho bột vào và hạ dần lửa. Khi bột vừa chín, bỏ tôm và thịt đã viên tròn vào nồi. Do hạt điều trong chả viên, từ màu trắng nồi bánh canh chuyển sang màu đỏ sậm. Ngay cả phần thịt heo nạc giã nhỏ trông cũng có màu đỏ như tôm. Dùng vá khoáng chậm và đều cho đến khi đáy nồi sênh sếch, là vùi lửa giữ nóng. Về cơ bản đến đây bánh canh đã chín. Có thể múc ra cái bát trẹt, sức chứa bằng một chén lớn, vừa thổi vừa ăn. Nhưng muốn ngon phải cầm lòng một tí để các mẹ làm cho chén nước mắm ớt. Đây mới thực là một tuyệt chiêu bởi nước mắm ăn kèm với bánh canh Nam Phổ là thứ nước mắm cốt làm từ con huyết Cửa Thuận, có màu vàng sậm như rượu vang, bỏ hạt cơm vào cơm vẫn nổi lên. Giữa trời đông, Huế lạnh như cắt, cứ một bát bánh canh Nam Phổ đỏ sậm , chơi lên vài thìa nước mắm ớt, vừa ăn vừa xuýt xoa, mới hay cái ngon ở đời nào chỉ là nem công, chả phụng.

    Không chỉ ngon và rẻ, đi với gánh bánh canh Nam Phổ còn có một nét văn hoá phổ quát rất Huế, đó là chiếc áo dài. Vận chiếc áo dài nái thâm nối vai kín đáo, các mệ các chị lúp xúp quảy đòn gánh đi khắp nơi. Chiếc áo đã thêm vào ẩm thực Huế một nét văn hoá độc đáo. Và các mệ, các chị không còn là người bán thức ăn dạo bình thường mà là sứ giả của cái đẹp, mang lại cho phố phường một sự lãng mạn hiếm thấy. Gần đây, người bán bánh canh Nam Phổ không còn mặc áo dài nữa, đó là một nỗi mất mát lớn của Huế.

    Trong xu hướng đô thị hoá, ẩm thực Huế cũng có nhiều thay đổi. Các quán phở, quán bún mọc lên nhan nhản. Người mê bánh canh Nam Phổ cũng không còn mấy. Có còn chăng chỉ là những người lao động nghèo, mà bát bánh canh hợp với túi tiền. Riêng với người sành ăn, gánh bánh canh của mệ Dự, mệ Bê là ngon nhất. Mới đây, mệ Dự sau gần sáu mươi năm trong nghề, tuổi cao sức yếu mệ đã giải nghệ. Gánh bánh canh bây giờ mệ chuyền tay cho con gái. Còn mệ Bê, do bán ở Huế ế ẩm, mệ chuyển sang bán ở phố cổ Bao Vinh. Cứ vào giác đầu giờ chiều, nhiều người thấy mệ đi đò ngang, khuôn mặt đăm chiêu buồn, gánh bánh canh đặt trên sạp ghe, thoang thoảng mùi tôm đầm Chuồn và vị nước mắm Cửa Thuận.
     
  14. lichan

    lichan Lớp 12

    Trò Chuyện Với Cây Xanh

    Sẽ thế nào nếu thành phố Huế thiếu vắng bóng cây xanh? Nhiều ngày rảnh rỗi mạn đàm chuyện cây với anh TrầnThanh Khánh Hoà - Giám đốc Trung tâm cây xanh thành phố Huế, chúng tôi chỉ bàn có mỗi chuyện cây. Một đời cây có cái gì na ná như đời người. Cũng có tuổi thơ ấu vụng dại lơ thơ những chiếc lá non. Rồi tuổi mười bảy, cành vạm vỡ vươn dài lớn nhanh như thổi. Tuổi trung niên chững chạc, cây đổ vỏ, múi nở ra từng trải. Và, một tuổi già tóc bạc trắng, thân cây còng xuống, chờ ngày sinh tử biệt ly.

    Chỉ về lá thôi cũng đã có khối chuyện để nói. Đó là những câu chuyện sinh học, nghe rất lý thú. Nó mở ra trong tâm thức một sự sinh tồn triết học đáng nể. Mùa đông sở dĩ nhiều loài cây cho lá rụng là để bảo toàn nước trong thân cây. Đừng nhìn những hàng cây trơ trọi mà nghĩ cây buồn vì thiếu lá. Rồi lá sẽ mọc lại, còn những chiếc lá cũ sẽ là kỷ niệm, của đời cây. Một đời như cây Long não có đến hàng trăm lần trút lá và cứ mỗi lần như thế cây lại nhích lên, tán toả rộng che nắng gió cho người.

    Huế có nhiều phố cây rất "sắc tộc". Có phố cây chỉ rặc có Phượng - nên gọi là đường phượng bay. Con phố Lý Thường Kiệt chạy dài bên thắt lưng Đại học Khoa học được gọi là phố Bằng lăng. Mùa lá rụng, đường chiu chít lá. Thi thoảng những chiếc lá vàng nhỏ lại kêu lên xạc xào dưới chân du khách. Riêng đường lên nhà thờ Phú Cam thì toàn một màu Long não, và đây cũng là nơi khởi nghiệp "Diễm xưa" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bồ đề là cây vốn "họ" nhà chùa, sống tịch liêu trong các cổ tự, ấy thế nhưng lúc buồn buồn, lại thoát ra phố, sống ngang nhiên một đời cây vỉa hè, không ngại một chút luỵ tục nào. Rồi cũng chịu chơi như bạn bè. Bồ đề sẵn sàng trút lá ùa vào cuộc chơi đồng - dao- lá của mùa thu, không một chút ngại ngần. Không chỉ biết hát bằng gió bắt nhịp, một số loài cây ở Huế còn có khả năng "tự hát". Có đêm lang thang tôi đã giật mình khi nghe tiếng vó ngựa gõ đều trong đêm thanh vắng. Đã từ lâu Huế làm gì có xe ngựa?. Tiếng nhạc mỗi lúc một rõ dần. Tôi nín thở nhích từng bước chân cho đến lúc nghe thật rõ, thì ra lúc này tôi đang đứng dưới bóng một tán cây lớn mà sau này hỏi ra đó là cây Nhạc ngựa. Nhưng đâu chỉ có cây Nhạc ngựa biết hát, nghe bảo Cừa - một loại cây mê nước, mọc ven bờ sông Hương cũng biết hát theo cách của mình. Đó là tiếng hát của đàn nước khi những bộ rễ Cừa dài và rậm rạp như râu người được nước kéo dạt nghe lép bép như lửa cháy. Trong nước lại ca những bài ca về lửa, đó còn gì khác hơn khát vọng nhớ rừng của anh bạn Cừa. Mùa hè, đám con trai con gái đang yêu thường thích ngồi hàng giờ chờ nhau dưới những cây Si, ngắm lá Si xanh như mắt người tri kỷ. Bóng Si trầm lắng nhưng theo lời gió ru nhẹ những lời thủ thỉ của Kim Kiều thời hiện đại. Đẹp nhất một thời là cây Si trong khuôn viên nhà Văn hoá Thiếu nhi Huế. Nhà Văn hoá xây dựng lại, cây Si phải nhường chỗ cho các em. Bây giờ chỉ có cây Si nằm trong khuôn viên trước trường Quốc Học là giữ được phong vận của một thời.

    Đứng chôn chân bên chân càu phía nam Trường Tiền nhiều năm nay, vẫn là cây Phượng già cội to một người ôm không hết. Thế Phượng rất đẹp, nên từ lâu vẫn phải đóng vai một tiền cảnh cho các đoàn làm phim và các bác phó nháy. Có một dạo nhánh chủ đẹp nhất, nhiều hoa nhất rũ xuống lòng sông Hương đã bị chặt đứt bởi một bác phó nháy muốn giữ "bản quyền" cảnh hoa và cầu Trường Tiền. Một sự thô lỗ mà phải gần chục năm sau mới phần nào bù đắp được. .....

    Ai đã từng theo học trường ở trường Đại học Tổng hợp Huế, hẳn còn nhớ cây Mù u nhiều tuổi nằm bên phải giảng đường A. Mỗi năm một lần vào mùa xuân, cây nở hoa trắng, hương thơm ngan ngát, có thể sáng với hương cau quê ngoại. Nhiều năm hương cây đã tác thành bao uyên ương. Và ai đó có gãy cánh trong tình trường thì hương Mù u là một niềm yên ủi mamg lại sự thanh thản cho lòng.

    Nói chuyện về cây xanh phố Huế, chớ quên cây Ngô đồng - một loài cây lạ có gốc phương Bắc, chỉ nở hoa vào tháng ba. Hoa nở đến đâu, lá rụng đến đó, cánh nhỏ như hoa Tigôn, sắc đỏ tím. Hương thơm hoa Ngô đồng rất lạ, đượm lâu như lửa thông, ở Huế bây chừ chỉ còn khoảng một chục cây, tập trung chủ yếu sau lưng điện Thái Hoà - Đại Nội. Đẹp và thanh thoát nhất lại là cây Ngô đồng nằm trong khuôn viên Tứ Tượng, cách dòng Hương chưa tới nửa tầm cây. Gần đây nhất anh Trần Thanh Khánh Hoà khoe là mới mang về cho Huế một loài cây mới có tên là cây Huyền diệp, hoa nở màu lam như áo nhà chùa. Hiện nay cây đã cao ngang tầm người lớn, và chờ ngày để ra phố với bạn bè.

    Khó mà nói hết được về cây xanh phố Huế, sự di dưỡng nhân hậu mà cây dành cho người. Vòm lá xanh che chở cho những cuộc đời tất bật. Điều quí báu nhất mà tôi nghĩ như một thiên tính mà con người nên học hỏi là cây không bao giờ nói chỉ lặng lẽ sống một cách có ích cho người.
     
    Last edited by a moderator: 24/7/16
  15. lichan

    lichan Lớp 12


    Phóng Sinh Những Cánh Chim Trời.

    Đó là những gì diễn ra vào một buổi sáng, đầu mùa xuân, dòng Hương đầy ắp sương mù, Rosalind Graham, một du khách người Bỉ còn khá trẻ, trên đường xuống bến sông để làm một chuyến thuỷ du ngược dòng sông Hương, chị đã gặp một phụ nữ nghèo bán những con chim én trong một chiếc lồng to. Rosalind Graham đã mua mà không hề trả giá. Cả bầy chim ba mươi đô la. Trong tay Rosalind, những con chim én hiền lành, lưỡng lự một chút rồi bất ngờ tung mình sải những đường bay dài vào bầu trời cao rộng.

    Và giờ đây, sau khi đã thả chúng, chị mê mải nhìn theo cho đến khi những cánh chim mới bị cầm tù kia bay cao, cao mãi và khuất dạng trong sương mù.

    Mùa xuân ở Huế cũng là mùa của phóng sinh. Ngoài những ý nghĩa rất nhà Phật, tránh sát sanh hại vật, phóng sinh còn mang một nghĩa khác có tính dự phóng thế giới, rằng với một cánh chim trời được tự do, thiên nhiên sẽ có thêm một tỉ lệ cân bằng, và ở đó thế giới được duy trì trong một trật tự lợi ích có sẵn, định hình qua một quá trình chọn lọc tự nhiên hài hoà và khắc nghiệt.
    Điều đáng tiếc là trừ những nhà khoa học, với những thông số rút ra từ khảo sát và suy luận, không phải ai cũng thấy được bằng mắt thường cái gọi là sự cân bằng sinh thái. Và chính sự mưu sinh đã thúc ép họ phải làm ngược lại, thay vì bảo vệ sự cân bằng này.

    Bằng chứng gần đây chuột đã hoàn hành dữ dội, do con người đã ăn quá nhiều rắn và mèo. Thống kê của FAO - tổ chức lương thực thế giới, ít nhất trong năm 1999 loài chuột đã ngốn hơn 30 triệu tấn lương thực, và lượng lương thực này đủ nuôi 150 triệu người. Nhưng trên thực tế, con số tổn hại còn lớn hơn nhiều.

    Từ chuyện chim lại nói sang chuyện chuột, nghe có vẻ lạc đề, nhưng với sự cân bằng sinh thái, chúng là những mắc xích nhỏ có ý nghĩa như nhau, và thậm chí còn quyết định cả sự tồn vong của con người.

    Chuyện một nữ du khách Bỉ thả chim én bên bờ sông Hương vào một buổi sáng, nó cũng thường tình như chuyện một người phụ nữ Việt Nam nghèo sống bằng số tiền lời từ món hàng mua đi bán lại là những cánh chim. Nhưng ít nhất cũng đã có đến hai sự thật từ một cuộc mua bán: đó là nền văn minh chúng ta chưa theo kịp, cũng như sự nghèo khó mà bằng mọi cách những gia đình nông dân đã chẳng làm sao giảm nhanh được.

    Trước khi chúng ta kịp hiểu điều gì đã xảy ra, thì những con én tội nghiệp vẫn tiếp tục bị những người tội nghiệp săn đuổi. Trong cái vòng lẩn quẩn của cơm áo, thiên nhiên đã bị rẻ rúng đến tăm tối. Và trên cao, những con chim én hiền lành, vô hại, mang mùa xuân đến đang sải cánh tung bay, bất chấp những cạm bẫy đang rình rập giăng há từ phía con người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/6/16
  16. lichan

    lichan Lớp 12

    Hương Mùa Thu

    Nửa đêm choàng thức dậy, nghe mưa rơi lác đác trên mái ngói, gió thổi từng đợt nhỏ xao xác ngoài hàng hiên, rồi lá hổn hển rơi rụng đầy hè phố, biết là mùa thu đã về.

    Mùa thu ở Huế ngắn và vội như một giấc mơ đẹp. Trong ánh nắng thu vàng rượi màu mỡ gà, đã xuất hiện từng cụm sương mù như pháo hoa. Ven sông Hương hàng cây sến lửa thả lá đỏ rực. Những chiếc lá mỏng như con thuyền nan lơ lửng trôi về Đập Đá chở theo trong lòng lá hẹp là một khoảng trời xanh lơ - đặc trưng của mùa thu xứ Huế. Kể từ vào thu, nước sông Hương dường như cũng thêm hương sắc, xanh hơn và trong hơn. Đứng ở mái hiên cầu Trường Tiền có thể nhìn thấy từng bầy cá bống hoa bơi quanh chân cầu. Những bọt nước sủi từ miệng cá, nghe có hương thoang thoảng của Thạch Xương Bồ. Phải là tôi đang nghe hay đó chỉ là mùi hương của ảo giác, của một tình yêu trẻ thơ tự ám thị vào mình.

    Có một ngày đi tìm mùa thu chân đưa tôi về Vỹ Dạ. Những bóng trúc xa in mặt chữ điền trong thơ Hàn không còn nữa. Vỹ Dạ thôn bây chừ đã là phố. Nhưng còn có một niềm may là những vạt cúc dại ven con hói cầu ông Thượng cứ chớm thu là nở rộ. Màu hoa vàng gợi nhớ lay lắt những ngày xưa, ta lần đầu đến trường học a,b,c. Gợi nhớ một mùa thu nào xa lắm hực hở mối tình đầu học trò. Tóc em cài hoa cúc, hương hoa bay như bầy bướm vàng trên con đường làng ngái xa. Dường như không phải đợi vào thu, hoa cúc nở, mà là hoa cúc nở để gọi mùa thu về. Hoa cúc cho mùa thu sắc vàng, cho mùa thu hương thơm, cho mùa thu cả màu trời ửng sáng, gọi đàn sếu bên kia sông bay về với ngày hội lá bay.

    Mùa thu ở Huế đầy hương bắp. Hương thơm giản dị như phù sa, thân mật mà gần gũi đến lạ. Người Huế thường trồng bắp ven các biền, bãi sông Hương, sông Bồ, sông Truồi....Nhưng nói đến hương bắp Huế, vẫn là nói đến bắp xứ Cồn Hến - cái ốc đảo cách Vỹ Dạ một tầm sông. Mùa thu Huế cũng là mùa người dân xứ Cồn "cất" lứa bắp non cuối cùng trước mùa mưa lũ. Những gánh bắp nấu dậy hương thơm, được quảy đi khắp phố Huế làm nên cái hồn quê, không thể diễn tả bằng lời. Và nữa, nào ai đã một lần vào buổi sớm mai, đi qua những hào sen mùa thu, nghe trong tiếng đập nước của bầy chuồn chuồn ớt, thoang thoảng mùi hương sen cuối mùa, vị mằn mặn bùn. Đó là hương thơm của những đoá hoa sen muộn mằn nằm khuất lấp nhiều ngày trong những chiếc lá to, để lặng lẽ điểm thêm cho mùa thu một chút hương thầm.

    Xoè bàn tay đếm hương mùa thu Huế, những hương Thạch Xương Bồ, hương cúc, hương bắp, hương sen...sao vẫn còn thấy thiếu thiếu. Chợt nhớ trong ký ức còn nữa một mùi hương lá. Chỉ thoảng hiện vào buổi sáng sớm và đậm đặc lúc chiều tối. Lá long não nồng nàn, lá phượng cay thoảng chút chua chua, lá bàng sên sết đắng, lá hoàng hậu ngọt lạnh. Hương lá đã làm cho mùa thu xứ Huế có một phong vị và gương mặt riêng của đất kinh kỳ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/6/16
  17. lichan

    lichan Lớp 12


    Trên Sông Khói Sóng

    Thưở nhỏ nghe Kiều, đọc Kiều, lòng vui buồn theo cuộc đời chìm nổi của Thuý Kiều. Ngày Kiều bán mình, trời đất rỏ lệ, mưa đòi đoạn sụt sùi. Ngày Kiều ở lầu Ngưng Bích mùa xuân ảm đạm như tang tế. Ngày Kiều đội đèn hầu nhà Hoạn, sao mà tàn liễu nát hoa. Rồi sảng khoái cười khanh khách cái ngày Kiều làm đệ nhất phu nhân "Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi" để ân đền oán trả những phường ưng khuyển. Nhưng đời Kiều chỉ hạnh phúc khi gặp sông Tiền Đường - con sông duy nhất trong truyện Kiều chảy bàng bạc như một lời định mệnh, hoá giải bao nhiêu trong đục của đời Kiều. Dường như là đã có một mối liên hệ bí ẩn giữa số phận Kiều và sông Tiền Đường, mà rộng ra là những liên hệ thầm kín giữa số phận con người và số phận những dòng sông. Sự so sánh giữa đời người bằng dòng sông gợi lên tất cả sự nếm trải, những niềm vui nỗi buồn, bi tráng và nhiều thương cảm.
    Khởi đầu từ núi cao và kết thúc ở bể cả, những dòng sông đã hoài thai trong chính bản thân nó sự bất diệt của đời người. Và cũng giống như con người, mỗi dòng sông mang trong lòng nó một số phận với tư chất riêng. Chẳng hạn như xanh, trong và đầy đó là tư chất của sông Hương. Mãnh liệt, đục ngầu bụi đỏ là tư chất của sông Hồng. Mênh mông và duyên dáng những dề lục bình trôi, đó là tư chất của sông Hậu, sông Tiền. Trẻ trung, cuồng nhiệt và thơ dại đó là tư chất của sông Vệ, sông Hàn. Nhưng dù có khác biệt nào thì tất cả những dòng sông đều hàm dưỡng phù sa, và mang cho đất mẹ một niềm tin mới về sức mạnh thực sự của những hạt đất bền bỉ. Mà trên đó cha mẹ ta ngày ngày cày cấy, đổ mồ hôi mong đợi những mùa vàng. Nhưng cũng có một hiển nhiên là những dòng sông luôn gợi lên một cái gì đó là sự cách trở, không thể nào hàn gắn được. Có ngăn cách nào lớn hơn sự ngăn cách của những dòng sông, nơi ngày xửa ngày xưa, cái thưở binh đao, người lính Thú triều Nguyễn chống kiếm đại trượng phu "bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa". Hơn 200 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh là nỗi đau của sự phân cách. Nhiều trăm năm sau đó, nỗi đau Hiền Lương lại một lần nữa gọi cả dân tộc làm một cuộc kháng chiến trường kỳ. Những lá thư vượt tuyến đã xoá đi cái ranh giới hữu hình chia cắt Bắc - Nam. Đêm thao thức nhìn lên sao Hôm, bao nhiêu đôi trai gái đã trở thành những Ngưu Lang - Chức Nữ, thắc thỏm đợi một nhịp cầu Ô Thước. Ngày ra đi đưa tay hẹn hai năm sẽ về, nhưng đó là một cuộc đi dài ngót hai mươi năm có lẻ.

    Thuyền ơi có nhớ bến chăng
    Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
    Chợt một ngày tôi đọc lại câu ca dao xưa, cái mô típ tưởng chừng đã cũ là THUYỀN và BẾN, bỗng hiện ra trong một màu nghĩa mới, đong đầy nước mắt chia ly. Nhưng người xưa thâm thuý, câu ca dao nào chỉ lạm bàn chuyện con gái con trai, mà theo tôi đó là bản chất triết học của đời sống, mối quan hệ vô cùng giữa cái bất dịch và cái biến dịch, được diễn nôm bằng hình ảnh gợi cảm phổ biến và dễ nhớ là thuyền và bến. Đi suốt một đời, thuyền đã qua bao bến sông, bao nhiêu nước dưới lòng thuyền đã chảy. Hờ hững và cuồng nộ, dữ dội và dịu dàng, những dòng sông đã phổ vào tâm hồn con người bản giao hưởng của ánh sáng, màu sắc và hương thơm. Phải chăng là chỉ cần một ánh đèn chài nhỏ trên sông, từ những thất vọng ê chề ta trở lại với bao hy vọng và một chút khói sóng lam mờ sẽ thuốc thang cho những vết đau tâm hồn.

    Nửa đời đi, đã qua nhiều những con sông nước Việt, kể không hết những ngọn nguồn quên lãng, chợt một ngày dừng lại dưới chân cầu Tràng Tiền, ngắm sắc xanh kiêu hãnh của dòng Tiền Đường mải mê xuôi về bể cả, chợt thấy lòng ấm lại, ai như bóng Kiều thấp thoáng bên những ngò cải đơm hoa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/6/16
  18. lichan

    lichan Lớp 12


    Ẩm Thực Huế

    Đọc "Miếng ngon Hà Nội" của nhà văn Vũ Bằng, "Hà Nội ba mươi sáu phố phường" của nhà văn Thạch Lam, rồi đến những thiên tuỳ bút của Nguyễn Tuân v.v...mới thấy ẩm thực Việt Nam có thể so sánh với bất kỳ một nền ẩm thực nào trên thế giới. Ăn được xem như thể là văn hoá, thể hiện phép ứng xử của con người với con người, và con người với tự nhiên.

    Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Hà, cũng không phồn thực như lối ẩm thực Nam Hà, ẩm thực Huế có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch nhẹ nhàng và tùng tiệm. Người Huế ăn uống gắn liền với ba tiêu chí: rẻ, ngon, nhất là phải đẹp. Một món ăn không đẹp không phải là một món ăn. Và với những tiêu chí đã nêu, người Huế ẩm thực chia ăn uống thành ba bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực. Khẩu thực là cách ăn không dám coi thường nhưng là thấp nhất, vì là ăn bằng miệng, và ăn để tồn tại. Nó dính dáng nhiều đến cơ chế sinh học - như là sạc pin hay nạp xăng để vận hành một cổ máy. Đến nhãn thực, cách ăn đã cao hơn một bực - ăn bằng mắt. Thưởng thức cái đẹp trong sự đăn đo về màu sắc, hình khối, khả năng bày biện, xếp đặt để tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao. Lúc này cái đói đã chịu ngồi yên ở chiếu, dưới, nhường cho những xúc cảm đã chớm thăng hoa. Nhưng cao hơn hết thảy vẫn là tâm thực. Nghĩa là ăn bằng cả tấm lòng mình. Chẳng vì thế mà một bát nước rau muống luộc đánh tí chanh tươi pha vào một ít nước mắm cốt, lại có thể đánh đổ bao sơn hào hải vị. Một trong những món ăn được nhiều người Huế ưa thích là rau dại nấu canh tập tàng. Khó mà diễn tả cái mùi bách thảo lan toả khi mở vung nồi canh. Cái thơm bùi ngùi của chồi bí, một chút chan chát ngọt của rau bồ ngót, pha với chút hăng hăng của cây bồ hôi, rồi nào là dền gai, đọt thài lài non, nõn chuối chát, lá rau diếp cá.....Có cảm giác như cả thế giới rau dại đã cùng dung dăng dung dẻ trong bát canh xanh ngăn ngắt. Gợi lên gốc gác rằng, có một thời con người đã sống bằng hái lượm. Với tuổi trẻ khó có thể hiểu rằng bát canh rau dại nhỏ đã gói gắm trong nó cả một triết lý lớn về đời sống con người.

    Trong ẩm thực, người Huế cũng mê gia vị đến mức cực đoan. Ngoài màu sắc đẹp, đồ gia vị mang lại cho vị giác nỗi "thống khổ" của cái ngon. Và trong bè giao hưởng hàng trăm loại gia vị thì ớt vẫn là vị "nhạc trưởng" có chiếc mũ đỏ đầy quyến rũ. Người Nam Bắc Hà du lịch Cố đô, vẫn cay tít với Huế từ bát bún bò điểm tâm buổi sáng. Rồi bún hến, cơm hến cho đến nước chấm các loại bánh khoái, bánh nậm, bánh lọc.....Tất thảy đều cay. Thời sinh viên, nhiều lần cùng bạn bè ăn bát cơm hến cay xé miệng, xé lòng, tôi nghĩ là nên thêm sắc tím trong bản màu truyền thống của văn hoá Huế một màu sắc nữa, đó là màu đỏ chói chang của ớt. Và như vậy Huế sẽ tưng bừng hơn với màu tím vốn đằm thắm của mình.

    Trở lại với cách ăn. Người Huế xem ẩm thực gần như là một nghi lễ. Dù đơn giản hay bày biện phong phú, bữa ăn phải thanh tịnh, chén dĩa tươm tất, tư thế ngồi đằng thằng. Không lăng xăng, ồn ào trong lúc ăn. Đưa bữa là những câu chuyện gia đình vui vẻ. Hết sức tránh những chuyện buồn, chuyện đàm tiếu, tranh luận cãi vả trong bữa ăn. Chính trong bầu không khí có vẻ tôn nghiêm ấy, các thành viên gia đình ý thức nhiều hơn về sự bao dung và cẩn trọng trong hành xử hàng ngày. Thú vị nhất là với một món ăn, không bao giờ được dọn ra một lần mà được tiếp làm nhiều lần. Vừa tránh được cảm giác ối thừa thức ăn lại vừa giữ được thức ăn nóng sốt suốt bữa ăn. Do không nắm bắt được nét ẩm thực khoa học này, nhiều người lần đầu ăn cơm khách Huế, đã ái ngại nhìn những chiếc dĩa con con mà không dám "thực lòng". Văn hoá ẩm thực Huế là sự trả lời cho câu hỏi "ăn như thế nào?" chứ không phải là "ăn cái gì?". Chính vì vậy ngay từ trong bếp núc các món ăn đã được chăm chút nhiều lúc đến mức thái quá, để giữ riêng một vẻ đẹp đặc trưng. Dù món ăn đó là nem công, chả phụng, bào ngư hầm hay canh hoa lý, mắm cua gạch....đều được thực hiện với một cung cách kỹ lưỡng như nhau.

    Theo thời gian, ẩm thực Huế đang lên ngôi và ngày càng phổ biến trong nước. Có thể ăn một bát bún riêu cua Huế ở góc đường Hai Bà Trưng - Pleiku, một tô cơm hến hơi bị ngọt hoá tận những con phố nghèo quận 8 - Sài Gòn. Hoặc dĩa bánh bèo - nậm - lọc ở đường Nguyễn Thái Học - Qui Nhơn....Món ăn Huế đã theo chân người Huế làm một cuộc du hành và ở những nơi mới đến, các món ăn có thay đổi chút ít để phù hợp với khẩu vị địa phương. Như vậy, những món ăn Huế lại sống tiếp một cuộc đời thứ hai với những "tín đồ" mới, ở những vùng đất mới.

    Chính với cách ăn như một nghi lễ đời thường, người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Qua cái ăn, con người bộc lộ những cách nghĩ, cách cảm về cuộc đời. Đưa cái ăn vốn nằm dưới tầm thấp của bản năng lên hàng ngũ của cái đẹp, đó là những gì vô ngôn nhất mà người Huế nhân hậu đã dành cho loài rau dại và những chú hến nhỏ một đời vô danh dưới lớp bùn lưu cửu của Hương Giang.
     
  19. lichan

    lichan Lớp 12


    Những Tiếng Rao Đêm

    Tuổi thơ sống trong một hẻm phố nghèo và hay ăn quà vặt, những tiếng rao đêm qua nhiều năm tháng trở thành một nỗi ám ảnh trong tôi. Có bao nhiêu thứ quà bánh, thì cũng có chừng ấy tiếng rao. Mà ngay cả những người bán cùng một mặt hàng quà bánh, tiếng rao cũng không có một chút gì giống nhau. Tiếng rao của các em nhỏ khác rất nhiều tiếng rao của người già. Phụ nữ rao hàng cũng khác đàn ông. Nó không chỉ mang sắc thái của giới tính, tuổi tác mà dường như thoảng trong tiếng rao là cái gì đó rất hoàn cảnh của một đời người. Có thể cảm được và hình dung được. Có một điểm chung là tiếng rao nào nghe cũng buồn xa xót, cứ bị ngắt quãng ở những âm vực không thể ngờ được. Bạn hãy hình dung giúp tôi vào một ngày mùa đông, mưa gió bão bùng, rét thâm tím phố, bỗng xé màn đêm là tiếng rao khàn "mì nóng dòn....đơi....". Rồi một cụ già nhỏ thó bó mình trong một tấm tơi mỏng, bước đi dò dẫm như không có mục đích. Hằng đêm, cứ vào một giờ nhất định, cụ lại đi qua ngõ phố nhà tôi. Cho đến một ngày không thấy cụ nữa.....Thèm đi và hay đi, qua mỗi vùng đất, tôi lại nhận ra cái "nết" riêng của những tiếng rao đêm. Trong sổ tay của tôi ghi chép nhiều tiếng rao hay và lạ, có kí âm và ghi chú hẳn hoi. Một lần trú lại Bình Định, suốt ngày đã mệt nhoài với mấy cái tháp Chàm, đêm về ngã lưng đã nghe tiếng rao "ơi bén hỏ đơi...." (ai bánh hỏi đây) vừa lạ vừa vui. Rao vui nhất là người bán trứng vịt lộn. Tôi ước chừng thị xã Pleiku là nơi bán rao trứng vịt lộn nhiều nhất. Đêm nào nằm ở nhà người quen trên đường Hai Bà Trưng, cũng nghe "Hô...vi lô đơi..."(hột vịt lộn đây). Có hôm mệt mỏi, chỉ nghe một tiếng rao tắt: "lộn đơi..". Chữ "lộn" do nguyên tắc hài thanh, khi rao nghe tục nhưng mà thanh, vừa buồn cười, vừa thú vị.

    Lại nhớ có một lần cùng anh bạn người xứ Nẫu, ngồi lai rai trên một vỉa hè Huế. Đang vui và hăng, bỗng tôi thấy mặt anh đực ra lo lắng như con ngỗng. Cố át tiếng mưa, tôi hỏi "cậu đau à?". Anh ta đưa tay lên miệng ra dấu im lặng "dường như tau nghe có tiếng rao bán bánh cốm". Tôi chả nghe thấy gì còn anh thì cứ thắc thỏm "đấy, đấy, đấy, đang đến gần đấy". Và đúng là...cuối cùng trong làn mưa, xuất hiện hai cái bầu to như trong truyện Tam quốc và tiếng rao cấp thúc hối hả "Cúm, cúm, cúm....đơi". Tiếng rao đi qua, anh như một người khác, không nói không cười, mặt buồn dàu dàu. Mãi sau trước lúc về anh bảo: "Tau nhớ quê...Ba tau ngày xưa bán cốm dạo nuôi tau thành bác sĩ bây giờ"

    Gần đây phố xá cứ cao mãi lên. Người thì nhiều mà tiếng rao đêm lại cứ "vắng dần". Hôm rồi ra Hà Nội, ở tít trên tầng sáu của khu phố trung tâm. Bỗng dưng thèm nghe thèm biết người Hà Nội bán quà bánh đêm rao như thế nào. Nhưng làm sao nghe được. Chỉ nghe tiếng rao của gió Tây Hồ vọng đến, thao thao như tiếng nói của người.
     
  20. lichan

    lichan Lớp 12


    Trường Tiền Biết Mấy..Là Yêu

    Nâng cao hiệu quả giao thông. Và cũng chỉ chừng ấy sự dễ dãi thôi, cầu Trường Tiền đã không còn là nó sau khi được phục chế.

    Mất những chiếc ban công xinh xắn, cầu Trường Tiền như mất đi đôi cánh thiên thần khi nó vươn qua dòng Hương thơ mộng để làm mỗi một việc duy nhất là kết nối hai bờ. Người Huế cũng thôi cù rủ nhau lên Kapia cầu ngắm trăng, và hàn huyên những câu chuyện dường như dài dằng dặc của mỗi đời người. Thiệt thòi nhất thương thay lại thuộc về những đôi trai gái. Tình yêu dắt họ lên cầu rồi bỏ họ cô đơn ở đó với chiếc hành lang dài thông thống không một chỗ để dừng chân. Còn nói như ai đó là các bà mẹ nghèo tần tảo gánh những bèo, nậm, lọc qua chiếc cầu dài không có chỗ để xoay trở đòn gánh mà nghỉ vai. Mất đi một yếu tố vật chất nho nhỏ trong đời sống người dân Huế cũng mất luôn những thói quen thị dân thân thích của mình, là đứng trầm tư từ giờ này qua giờ khác trên Kapia cầu. Từ ngày cầu được hiện đại hoá với hệ thống đèn cao áp sáng rực, trăng cũng thôi không còn mấy ý nghĩa khi nó cứ bợt bạt, tàn úa. Tôi đâm ra là người hoài cổ, cứ tiếc nuối vô vàn những điều lẽ ra không thể mất kia..

    Đi vào lịch sử vùng Huế với những dày vò thương tật, kỳ diệu thay cứ sau mỗi lần "ngoạ bệnh", cầu Trường Tiền lại trỗi dậy phục sinh với một sức sống mới, đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dường như đó là sức sống của niềm kiêu hãnh, kết tinh từ máu, mồ hôi và nước mắt của một vùng đất đa địa tầng văn hoá. Quyết không thể làm mất những gì đã làm nên bản sắc của mình. Sống nhiều năm, những cư dân Huế phát hiện ra rằng: cầu Trường Tiền đẹp nhất vào hai thời điểm trong ngày: sáng sớm và chiều tối. Vào buổi sáng, mặt cầu ướt đẫm sương đêm. Không gian ngào ngạt hương hoa sen. Nghe như trong những hạt sương móc rơi rơi xuống thành cầu có tiếng vó câu gập ghềnh của nhạc ngựa. Lao xao trên bến, dưới thuyền tiếng nói cười của thôn nữ đi phiên chợ sớm Đông Ba. Và xa khuất phía mạn dưới cầu là những ánh đèn chài bập bềnh của vạn đò Cồn Hến. Khi ở phương Đông, bình minh choàng thức, những tia nắng đầu tiên của ngày mới rực rỡ hình rẽ quạt đã nhuộm một nửa thân cầu vàng óng ánh. Buổi chiều, cầu Trường Tiền bạc trắng như tóc người già. Những đường cong cứ khòm mãi xuống cho đến khi đã rũ hết những bụi bặm, ưu phiền của một ngày đã sống. Từ những hàng cây ven sông, bóng đêm lặng lẽ bò ra và sắc tím như một niềm yên uỷ cùng với sương mù phủ kín mặt sông. Tôi cho đây là thời khắc đẹp đẽ nhất của Trường Tiền. Ngay cả trong mùa đông mưa gió bão bùng,cầu Trường Tiền cũng mang một vẻ đẹp riêng, cái vẻ đẹp của sự chịu đựng mụ mị. Từng đám con gái áo dài đi học mình mẩy ướt như một bầy chim cánh cụt so le trong gió bấc, mưa phùn.

    Một trăm năm đã qua. Bao nhiêu ruộng dâu thành bể cả. Dù ngày nắng, dù ngày mưa, cầu Trường Tiền đã sống như một lời khải huyền của Huế, để thêm vào chất thơ chút bụi bặm của cuộc đời.
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/6/16
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này