TG Khác Khảo luận xây bàn & cơ bút trong Đạo Cao Đài

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi hhongxuan, 3/10/13.

Moderators: mopie
  1. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    ÐẠI ÐẠO TAM KỲ PHỔ ÐỘ
    TÒA THÁNH TÂY NINH

    KHẢO LUẬN
    XÂY BÀN & CƠ BÚT
    Trong Đạo Cao Đài



    Năm Đạo 80 - Ất Dậu 2005
    Soạn giả: HIỀN TÀI Nguyễn Văn Hồng


    Ấn bản năm Ất Dậu - 2005

    LỜI TỰA

    Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế lập ra là nhờ Cơ Bút.

    Kỳ lập Đạo thứ ba nầy, Đức Chí Tôn không giáng sanh xuống cõi trần mang xác phàm mà lập Đạo như các Đấng Giáo Chủ trong hai thời kỳ Phổ Độ trước: Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ, mà Đức Chí Tôn chỉ dùng điển quang tối diệu của Ngài phóng xuống cõi trần, điều khiển cây Ngọc Cơ chuyển động, để viết ra văn tự truyền đạt tư tưởng của Ngài, qui tụ các linh căn đã vâng lịnh Ngọc Hư Cung đầu kiếp xuống trần làm tướng soái cho Đức Chí Tôn lập Đạo.

    Nếu Đức Chí Tôn không dùng Cơ Bút thì Đức Chí Tôn chưa thể lập Đạo kỳ nầy. Do đó, Cơ Bút là vấn đề cốt yếu của Đạo Cao Đài.

    Quỉ Vương đã biết được yếu điểm nầy, nên tìm cách khuấy phá Cơ Bút để làm mất đức tin, hầu tiêu diệt nền Đạo. Nhưng Đức Chí Tôn đã ngăn ngừa trước bằng cách “Cấm Cơ Bút Phổ Độ” vào cuối tháng 6 năm Đinh Mão (1927) sau khi Đức Chí Tôn đã lập xong Pháp Chánh Truyền và Hội Thánh đã lập xong Tân Luật.

    Lúc đó chỉ còn có Cơ Bút tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh, để Đức Chí Tôn ban thêm Thánh Ngôn, Thánh giáo, hoàn thành Giáo Lý và Triết lý của Đạo Cao Đài, đồng thời Đức Lý Giáo Tông lập ra các Đạo Nghị Định tạo thành luật pháp căn bản điều hành nền Đạo, và cũng để các Đấng ban cho Tân Kinh và các chi tiết về Nghi lễ.

    Đức Chí Tôn đã nói trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển:

    “Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Độ, Quỉ Vương đã khởi phá khuấy, đến danh ta nó còn mượn, duy Ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi”.

    Đức Chí Tôn nói “Cái Ngai của Ta” là ý nói Đàn cơ tại Cung Đạo Tòa Thánh Tây Ninh, được lập ra để cầu Đức Chí Tôn hay các Đấng thiêng liêng giáng dạy, do Đức Quyền Giáo Tông hay Đức Hộ Pháp làm Chủ đàn, hai vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài làm Phò loan, Độc giả và Điển ký là Chức sắc Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài.

    Đàn cơ tại Cung Đạo được xem là Tòa ngự của Chí Tôn, để Đức Chí Tôn giáng cơ dạy Đạo, chỉ tại nơi đây, Quỉ Vương không dám đến khuấy phá; còn các Đàn cơ khác tại các nơi khác thì có thể bị các chơn linh Quỉ vị của Quỉ Vương nhập vào phá khuấy để thử thách đức tin của người mới nhập môn vào Đạo.

    Quỉ Vương đã biết chỗ yếu điểm của Đạo Cao Đài là Cơ Bút nên nó đánh ngay vào chỗ hệ trọng nầy để mưu toan phá tan cơ Đạo và tiêu diệt nền Đạo.

    Tuy nhiên, Đức Chí Tôn đã dự bị trước tất cả để bảo toàn nền Đạo, cho nên khi Ngự Mã Thiên Quân vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng trần làm Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Chí Tôn hỏi:

    - Con phục lịnh xuống thế mở Đạo, con mở Bí Pháp hay Thể Pháp trước?

    Đức Hộ Pháp trả lời: - Xin mở Bí Pháp trước.

    Đức Chí Tôn nói: - Nếu con mở Bí Pháp trước thì phải chịu khổ đa. Đang lúc Đời cạnh tranh tàn bạo, nếu mở Bí Pháp trước thì cả sự bí mật huyền vi của Đạo, Đời thấy rõ rồi xúm nhau tranh giành phá hoại thì mối Đạo mới ra thể nào? Vì thế, con nên mở Thể Pháp trước, dầu Đời quá dữ, tranh giành phá hoại cả cơ thể hữu vi hư hỏng đi nữa thì cũng vô hại, miễn là mặt Bí Pháp còn là Đạo còn.

    Đức Chí Tôn để cho Quỉ Vương phá khuấy đủ cách, thử xem có tiêu diệt được Đạo Cao Đài hay không, lúc đó mới thấy rõ Cao Đài là Chánh Đạo, đủ năng lực cứu rỗi nhơn sanh trong thời Hạ ngươn mạt kiếp. Quỉ Vương trở lại kính phục Đạo và được Đức Chí Tôn giao cho làm giám khảo thử thách người tu để người tu đoạt vị xứng đáng.

    Cơ Bút là phần thiết yếu của Đạo Cao Đài, nhưng Cơ Bút không phải là Bí Pháp của Đạo, nên khi tất cả Cơ Bút bị cấm chỉ, Đạo Cao Đài phải chịu nhiều điều khó khăn bất tiện vì hai Đấng nơi cõi Thiêng liêng là: Đức Lý Giáo Tông và Đức Phạm Hộ Pháp không thể trực tiếp điều hành nền Đạo bằng Cơ Bút. Hội Thánh chỉ hành đạo theo Pháp Chánh Truyền, Tân Luật, các Đạo Nghị Định và các Đạo Luật của Hội Thánh ban hành thuở trước mà thôi.

    Nếu người cầm quyền Đạo lúc nầy có cải sửa luật pháp của Đạo thì chỉ có thể cải sửa phần Thể Pháp, còn phần Bí Pháp vẫn do các Đấng thiêng liêng gìn giữ y nguyên. Thế là nền Đại Đạo của Đức Chí Tôn không bao giờ bị biến thái hay bị tiêu diệt đặng, mà lại có một điều rất ngộ nghĩnh gần như nghịch lý là: Càng gây khó khăn để chận đứng nền Đạo bao nhiêu thì nền Đạo lại càng phát triển rộng ra bấy nhiêu.

    Chúng ta đọc đoạn Thánh Ngôn sau đây của Đức Chí Tôn giáng cơ ngày 5-11- Bính Dần (dl 9-12-1926) [Xem Thánh Ngôn Sưu Tập], rồi chúng ta chiêm nghiệm lại các giai đoạn thăng trầm của nền Đạo trong 80 năm qua:

    “Thầy vì Tam Kỳ Phổ Độ, tùng nhơn nguyện, cho nên muốn khuấy rối bao nhiêu, Đạo lại càng phát triển bấy nhiêu.

    “Trước Thiên ý chẳng đồng nhơn trí, nên không thể nào chuyển đặng. Đạo cao nay nhơn tâm đồng hiệp, cảm thấu Thiên đình, Thiên tùng nhơn nguyện, cũng như đồng thinh vậy, nên Đạo mới dễ chuyển hơn. Các con hiểu à!

    “Ấy vậy, hễ biết đến nguồn Đạo thì phải nhứt tâm đợi ngày thành tựu thì các con sẽ thấy sự tối cao tối trọng của nền Chánh giáo của Thầy đem ban cho các con mà lập thành Quốc Đạo”.

    Do đó, chúng ta thấy ngày nay, các tín đồ của Đạo Cao Đài đều có mặt khắp nơi trên thế giới: từ Á Châu, Úc Châu, Mỹ Châu, Âu Châu cho đến Phi Châu. Tại các nước nầy, nơi nào có tín đồ Cao Đài cư ngụ, đều có xây dựng các Thánh Thất thờ Đức Chí Tôn và các Điện Thờ Phật Mẫu. Còn trong nước Việt Nam thì các Thánh Thất và Điện Thờ Phật Mẫu đều được xây dựng lại rất đẹp đẽ, to lớn uy nghi, trong khắp các Tỉnh Thành từ Nam đến Bắc.

    Tất cả những điều đó đã chứng minh lời nói của Đức Chí Tôn bao giờ cũng đúng cả.

    ***

    Trước khi mở Đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn dùng huyền diệu thiêng liêng khiến cho chư vị tiền khai khởi sự Xây Bàn thông công với các Đấng trong cõi vô hình, để tạo đức tin cho chư vị môn đệ đầu tiên. Sau đó mới nhờ Thất Nương Diêu Trì Cung hướng dẫn tạo Ngọc Cơ cách Phò cơ viết ra chữ bóng, để việc thông công được mau lẹ, tiếp nhận các Thánh giáo mau hơn và đầy đủ hơn.

    Do đó, trước tiên chúng ta nghiên cứu việc Xây Bàn, kế đó đến việc Cầu Cơ, Chấp Bút, vấn đề các Đồng tử, và sau cùng là việc cấm Cơ Bút Phổ Độ với những qui định nghiêm nhặt về Cơ Bút để tránh Cơ Bút giả.

    Nay kính.

    Hiền Tài NGUYỄN VĂN HỒNG.


    Nguồn TVE :lamdathoa
     

    Các file đính kèm:

    Kiep Lang Thang thích bài này.
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này