Thảo luận Nghĩa Ngữ Điển Từ Việt: Văn, Sách… và TVE-4U!

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 25/3/15.

Moderators: amylee
  1. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    THƯ GỬI CÁC BẠN 9X
    [Nhân đọc những gì các bạn viết trên mạng...]

    Các bạn thân mến,

    Tôi sinh trước các bạn "1X", thuộc thế hệ đầu của "8X", một thế hệ sinh sau chiến tranh và trước thời kỳ đổi mới của đất nước chúng ta. Là một người sinh ra ở nông thôn, một vùng quê nghèo miền tây Xứ Thanh, cái xứ mà các bạn nghe đâu đó người ta bảo đất đai nơi đó là "chó ăn đá gà ăn sỏi'. Từ bé, chúng tôi khoai sắn đổi chữ, cả xóm, cả xã trẻ con đi học phải tự mang ghế đi mà ngồi. Trường lớp là nhà dân cho mượn. mãi cuối cấp tiểu học chúng tôi mới có trường lớp theo đúng nghĩa để đi học, nhưng chúng tôi vẫn phải học ca 3 [sau lớp sáng tan chúng tôi vào học, chúng tôi học xong đến lớp buổi chiều]...

    Tôi kể một chút như thế về một vùng quê nghèo của một thế hệ sinh trước các bạn mươi năm, hoặc ít hơn, không phải để ôn nghèo kể khổ, mà để thấy rằng, dẫu chỉ có chênh nhau bấy nhiêu thời gian đó, các bạn đã là một thế hệ hoàn toàn khác, trong một đất nước đã "đổi mới', có điều kiện hơn về vật chất lẫn tinh thần. Cái lí do mà tôi đọc đâu đó trên đài báo người ta lên án các bạn, tôi cho là họ hơi quá lời. Họ quá lời vì họ chưa hiểu hết các bạn. Họ cực đoan đến mức phán xét các bạn là một thế hệ 'hỏng" thì có lẽ đó là một từ không chấp nhận được. Trong mắt tôi, thế hệ các bạn là một thế hệ tuyệt vời. Chỉ là có nhiều điều chưa ổn, trong những điều ấy, có hai điều mà tôi sẽ tâm sự cùng các bạn: 1. Về cách nói, cách viết của các bạn; 2/ về cách nghĩ của các bạn.

    1. Về cách nói và cách viết.

    Các bạn ạ, ông bà có câu "ăn nên đọi, nói nên lời'. Khi ta nói chuyện với với nhau, lời đẹp, lời hay cho nhau còn chưa hết, dùng lời tục, lời không có nghĩa, lời cụt lời què mà nói với nhau để làm gì?! Các bạn cứ trải nghiệm rồi sẽ thấy một điều là, những thứ hay, thứ tốt rất khó để ngấm vào ta nếu ta không muốn học; còn những thứ xấu, thứ dở thì rất dễ tạo thành thói quen và dễ bám vào ta hơn. Nói năng cho "tròn vành rõ chữ' với nói năng méo mó, ngọng nghịu, rõ là cái sau sẽ không thể hay bằng cái trước rồi. Vậy sao các bạn vẫn nói với nhau và nói với người lớn tuổi hơn mình bằng cách ấy? Tôi hiểu lí do. Và tôi biết, bản thân các bạn cũng chẳng ưa gì những điều như thế, song, thấy bạn mình nói thế, mình cũng nói theo, nói khác đi thì bị xem là thế này thế nọ. Hãy thử nói khác đi một lần xem sao các bạn nhé.

    Trong một lần nói chuyện với các bạn sinh viên của tôi tại trường quốc tế VIP, họ cũng thuộc thế hệ 9X như các bạn, tôi kể cho họ nghe câu chuyện của bầy vịt và những chú thiên nga. Chuyện rằng, có hai thầy trò kia đi dạo trong vườn, đến một chỗ hồ nhỏ trong vườn, nơi đó có một bầy vịt đang bơi. Người thầy thò tay vào túi lấy ra một mẩu bánh mì và chìa ra, 8 trong 10 con vịt ùa đến để tranh nhau mẩu bánh mì. Chỉ có 2 con cứ nhởn nhơn xem chẳng có việc gì. Lần thứ hai, người thầy lấy ra một mẩu sô-cô-la, lúc này hai chú vịt còn lại mới từ tốn đến để ăn. Người trò không hiểu thế nào, nên nhờ thầy giải thích. Thầy chỉ cười và nói: "Hai con vịt kia là hai con thiên nga, ta đã nhuộm nó thành vịt. Song, nó vẫn biết mình là ai và không lẫn lộn giữa bầy đàn".

    Các bạn biết không, những sinh viên mà tôi may mắn được dạy họ vài thứ và trò chuyện cùng họ, họ thực sự là những chú thiên nga đáng yêu. Không phải vì họ là những sinh viên Elite, mà vì họ ý thức rõ điều họ cho là đúng. Sáng nay, tôi ngồi đọc những gì họ viết, họ nghĩ, họ tâm sự với nhau mà hạnh phúc đến rưng rưng... Tôi tin các bạn cũng không tự biến mình thành vịt, vì tôi biết, thực chất các bạn là thiên nga. Đừng cố hùa nhau thành một-bầy-đàn các bạn nhé.

    Tiếng Việt của chúng ta đẹp lắm. Đẹp đến mức khô cạn mọi tính từ, mọi mỹ từ vốn có của ngôn ngữ không đủ để ngợi ca sự đẹp đẽ ấy. Dân tộc ta về chữ viết vốn không có chữ, nên ông cha đã mượn các thứ chữ của nước khác để ghi âm tiếng Việt cho chúng ta. cái thứ chữ mà tôi đang viết thư cho các bạn, là thứ chữ có nguồn gốc latin, song trải qua mấy trăm năm hoàn thiện, đến nay, nó đủ sức mạnh để diễn tả tâm hồn và trí tuệ chúng ta lên trang giấy trắng. Chữ viết đương tại của chúng ta là có thanh có dấu, luyến láy điệp trùng khi hành văn như núi như sông, như lời ru của mẹ, của bà. Tự nó khi nói khi viết đã hay như có nhạc... Sao ta không viết đàng hoàng mà lại dùng những kí tự lắp ghép làm ô nhiễm sự trong sáng vốn có đó. làm như thế, là có tội với giọng của mình, có tội với bản thân tâm hồn người Việt trong các bạn. Hãy dũng cảm để trở lại chính con người tuyệt vời của các bạn, những con người thuộc một thế hệ đầy may mắn, khi đất nước đã ổn định, không có chiến tranh, được học, được hành.

    2. Về cách các bạn nghĩ...

    Các bạn của tôi, tôi biết, tự lâu, ngay cả thế hệ chúng tôi đã mồ côi tư tưởng rồi. Bởi những điều chúng tôi được học và những gì chúng tôi thấy không đúng và khớp với nhau. Đến thế hệ các bạn, công nghệ hiện đại, vật chất dư thừa, bận bịu đủ thứ quyến rủ trên đời, lúc nào mà nghĩ đến tư tưởng hay lý tưởng. Nên các bạn sống và đi trên những đại lộ mà chẳng biết sẽ đi đâu, điểm đến là gì. Không đâu. tôi không tin như thế. Mỗi một chúng ta là một vi diệu của sự cấu thành mà tạo hoá đã ban cho. Nơi đó, tại bộ óc trong mỗi chúng ta, là cả một vũ trụ hằng hà đại lộ, hãy tìm lấy một đại lộ cuộc đời mà đi, đừng ùn nhau như những con đường kẹt xe mỗi buổi tan tầm mà chẳng biết sẽ dẫn đi đâu. hãy tìm lấy lý tưởng sống cho mình các bạn nhé.

    Khi những đủ đầy về một điều gì đó, lại vô tình có những khoảng trống kề bên. Tôi biết nhiều bạn trong các bạn có những khoảng trống như vậy. Đừng để mình chết uổng trong khoảng trống đó. Các bạn có lựa chọn ngồi im đó, hoặc đứng lên đi về các phía có ánh sáng cơ mà. Tiền bạc, các thiết bị điện tử v.v... có đầy đủ bao nhiêu cũng không làm nên các bạn. Chỉ có các bạn mới làm nên các bạn.

    Tôi thực không biết tại sao lại viết lá thư này, nhưng tôi biết chắc rằng, đó là vì tôi nghĩ đến các bạn, trong đó có những người đang là bạn tôi, là học trò của tôi. Và có lẽ, lí do cao nhất là vì tôi yêu các bạn, những người trẻ có trong mình nhiều sức mạnh làm chủ tương lai.

    Các bạn cũng có thể ghét tôi vì lá thư này, điều đó không quan trọng, vì nếu điều đó xảy ra, càng làm tôi tin rằng tôi phải viết mấy lời kia. Chúc các bạn thật nhiều niềm vui và hạnh phúc.

    Chu Giang Phong.
     
    Heoconmtv, lichan, thichankem and 3 others like this.
  2. bun_oc

    bun_oc VIP

    Nhân đang soát cuốn Chơi chữ của Lãng Nhân, mình xin đăng vài bài để minh họa một nét hay hay trong vô vàn cái hay của "nghĩa ngữ Việt". Đọc hiểu nghĩa đen rồi đọc lần nữa để ngẫm cái tầng nghĩa... ấy ấy! Riêng mình thì ngược lại, vì đang soát đến phần chơi chữ "ấy ấy", nên liên tưởng ngay nghĩa "ấy ấy", xong rồi đọc lại mới thấy: Trời, tác giả nói chuyện ấy mà không phô tí nào! Duyên phết!

    Đánh Giặc Đêm
    Nửa đêm giờ Tí trống canh ba
    Vác súng lên thành tháo lũy ra,
    Một tướng xông vào trong cửa ải,
    Hai quân lăn lóc bãi san hà.
    Quân ta giao chiến cùng quân nó.
    Nước nó giao hòa với nước ta.
    Đánh giặc xong rồi lau khí giới,
    Thu binh hồi trại xếp can qua.


    Cùng một cảm-hứng này, một lão-tướng quần vợt đã tả những lúc xông-xáo trên sân như sau:
    Càng già càng dẻo lại càng dai.
    Lão tướng ra quân chẳng kém trai.
    Đấu mấy hiệp liền không đuối sức,
    Tranh ba ngày tiếp chẳng mòn hơi.
    Khi mau, khi chậm, khi mơn ngắn.
    Lúc xuống, lúc lên, lúc thọc dài.
    Gác lại gác qua phô đủ kiểu,
    Mòn lông banh nỉ lão còn chơi.

    Mòn lông banh nỉ lão còn chơi,
    Cân sức cho nên chẳng dám loi.
    Chống đỡ gay go trào bọt mép.
    Cò cưa dai dẳng toát mồ hôi.
    Chơi trưa chưa phỉ còn chơi tối
    Đánh chiếc xong rồi lại đánh đôi.
    Phút chốc mưa đâu tung xối xả,
    Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi.

    Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi,
    Chốc nữa lau khô lão lại chơi.
    Biểu diễn sân quen hay đáo để.
    Nắn dồi banh mới sướng mê tơi.
    Người trên ập xuống phều phào thở,
    Kẻ dưới nâng lên khúc khích cười.
    Đối thủ gặp nhau mùa nắng cực,
    Quần lâu thấm mệt ngả lăn nhoài.

    (Hoàng-trọng-Thược)

    Đọc xong cứ cười miết. Nói thanh mà giảng tục được cũng là một nét duyên. Gần đây thấy mọi người nói chuyện tục mà sỗ sàng quá, chẳng được cái ý nhị như người xưa.
    Không biết đăng vào đây có đúng ý topic của chủ thớt không, nếu sai thì xin bác @tducchau lượng thứ. :)
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/4/15
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Thương tặng các bông hoa trong vườn dịch thuật TVE-4U. Yêu lắm...


    DỊCH THUẬT VĂN HỌC

    Cũng gọi là nghệ thuật dịch.

    Một dạng sáng tác văn học trong đó tác phẩm vốn viết bằng một ngôn ngữ dân tộc này được táí tạo lại bằng một ngôn ngữ dân tộc khác. Giữa điểm xuất phát và kết quả của sáng tác dịch là cả một quá trình phức tạp nhằm định hình lại "bức dệt" ngôn từ hình tượng của tác phẩm được địch. Khác biệt ít nhiều so với dịch thuật thông thường, dịch thuật văn học (dịch thuật tác phẩm nghệ thuật ngôn từ) thuộc phạm vi của nghệ thuật, tuân thủ những quy luật riêng. Dịch thuật khác với sáng tác nguyên bản ở chỗ nó phụ thuộc vào đối tượng được dịch. Ở các nền văn học thường có những tác phẩm vừa không phải là dịch thuật theo nghĩa chặt chẽ của nó, vừa không phải là sáng tác nguyên bản; chẳng hạn các dạng phóng tác, phỏng dịch, cải biên, v.v...

    Trong các quan niệm về dịch thuật từ xa xưa đến ngày nay có thể thấy hai xu hướng đối lập nhau: hoặc là hướng về văn bản của nguyên tác, hoặc là hướng tới sự tiếp nhận của độc giả thuộc ngôn ngữ dịch. Một quan niệm đúng đắn về bản chất biện chứng của dịch thuật văn học phải dựa vào sự kết hợp hai xu hướng này. Cái quyết định trong quan điểm hiện đại về dịch thuật văn học là yêu cầu về một thái độ thận trọng tối đa đối với đối tượng dịch thuật, và yêu cầu tái tạo lại nó với tư cách một tác phẩm nghệ thuật trong sự thống nhất của nội dung và hình thức, đồng thời mang được bản sắc dân tộc cùng bản sắc cá nhân.

    Sự tồn tại của bộ phận văn học dịch trong một nền văn học dân tộc có thể được xem như dấu hiệu trưởng thành của ý niệm về người khác ở dân tộc ấy. Lịch sử dịch thuật ở mỗi nước là một bộ phận của lịch sử văn học dân tộc. Ngay ở các chứng tích thư tịch cổ đã chứng tỏ có hoạt động dịch thuật. Thời đại hình thành các nền văn học dân tộc thường là thời đại tăng trưởng của dịch thuật, với số lượng lớn các bản dịch được thừa nhận là có phẩm chất ngang hàng với những sáng tác nguyên bản xuất hiện cùng thời.

    Nhà nghiên cứu I. Evan-Zohar cho rằng hoạt động dịch thuật gia tăng vai trò của mình trong một nền văn hóa khi:

    1) Văn học đang ở buổi sơ kỳ;
    2) Văn học tự nhận thấy vị trí ngoại vi (hoặc yếu kém) của mình;
    3) Có bước ngoặt hoặc khủng hoảng trong văn giới.

    Vào thập niên 70 thế kỷ XX, một số học giả, đứng đầu là Itamar Evan-Zohar ở Tel Aviv (Israel) hợp nhau quyết định mở ra ngành nghiên cứu riêng về dịch thuật, đó là phiên dịch học (translation studies).

    Bộ môn nghiên cứu mới này mang tính liên ngành, các nhà nghiên cứu về dịch thuật càng chú trọng đến văn hóa sử và văn học sử. Theo José Lambert và Rik Van Gorp (Bỉ), phiên dịch học cho phép:

    1) Nghiên cứu những quy ước từ vựng, phong cách, thi pháp... của hệ thống ngôn ngữ nguồn (source language) và hệ thống ngôn ngữ tiêu đích (target language);
    2) Phân tích cách trình bày một tác phẩm dịch thuật như là dịch phẩm, phóng tác, mô phỏng hoặc thậm chí là một "nguyên tác" mới ở hệ thống ngôn ngữ tiêu đích;
    3) Xác lập lịch sử lý luận dịch thuật và phê bình ở các nền văn học cụ thể vào các thời điểm lịch sử cụ thể;
    4) Khảo sát sự xuất hiện của các nhóm phái hay trường phái dịch thuật;
    5) Truy tìm vai trò bảo thủ hay sáng tạo của dịch thuật trong một hệ thống văn học.

    Với sự xuất hiện của phiên dịch học, dịch thuật được xem như một trong những quá trình xử lý văn bản. Quan niệm về tính phức số (plurality) của tiếp nhận-dịch thật (tức là chấp nhận nhiều phương thức dịch khác nhau) đã thay cho giáo điều về sự trung tín đối với nguyên bản. André Lefevere cho rằng nên nghiên cứu dịch thuật song song với cái mà ông gọi là "tái trứ tác" (rewritings) - một chiến lược quan trọng mà những người giám hộ một nền văn học dùng để cải biên cái ngoại lai cho phù hợp với các chuẩn mực của văn hóa tiếp nhận. Jaques Derrida còn cho rằng văn bản nguồn (source text) xét cho cùng vẫn không phải là căn gốc mà chỉ là một bản phiên dịch ý tưởng của tác giả thể hiện trên trang giấy viết; vì vậy "văn bản nguyên thủy" và "văn bản phiên dịch" cần được đối xử bình đẳng.

    Bộ môn phiên dịch học ở nhiều nước đang thu hút sự chú ý của nhiều sử gia, triết gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, xã hội học, nghiên cứu văn học.

    ____

    (Xem thêm: Nguyễn Nam - Phiên dịch học và văn học so sánh: Một hướng tiếp cận văn học Việt Nam / / Tạp chí Văn học, Hà Nội, s.9-2001; Khái lược về phiên dịch học và văn học Việt Nam / / Tạp chí Văn học, Hà Nội, s. 1-2002).
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/15
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    * Tự tố

    Một trong những dấu hiệu khu biệt của tự vị. Chẳng hạn chữ cái "H" in hoa bao gồm ba tự tố thẳng: hai tự tố dài thẳng đứng song song và một tự tố ngắn ngang giữa hai tự tố thẳng.

    "Tự tố là những yếu tố cuối cùng, không thể chia nhỏ được nữa, thu được sau khi tiến hành thao tác chiết đoạn văn bản".
    (Theo Lý Toàn Thắng, Một vài cơ sở ngôn ngữ học của vấn đề chữ viết, "Ngôn ngữ" 3- 4, H., 1979, tr. 184).​

    * Tự vị

    1. Đơn vị nhỏ nhất của hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ có những nội dung ngôn ngữ học nào đó. Thuật ngữ ‘tự vị’ thường được dùng đồng nghĩa với chữ cái, chữ tượng hình hoặc một bộ phận của nó.

    2. Ký hiệu nhỏ nhất của một hệ thống chữ viết nhất định, biểu thị quan hệ của một đơn vị ngôn ngữ (bình diện nội dung) tương ứng với một sự thể hiện bằng đồ hình (bình diện biểu hiện); chẳng hạn như: các âm vị và các con chữ (chữ cái) thể hiện chúng.

    “Hệ thống chữ viết được tạo thành từ một số lượng nhất định các đơn vị cơ sở được gọi là tự vị (grapheme). Tự vị khác với chữ cái, tuy hai khái niệm này có quan hệ mật thiết với nhau, bởi vì:
    a) Chữ cái chỉ có quan hệ với bộ chữ cái (alphabet), còn tự vị có quan hệ đến ngôn ngữ viết nói chung;
    b) Tự vị có thể là một chữ cái hoặc một tổ hợp chữ cái (tr, ph, ngh,…), nhưng có thể không phải là chữ cái mà chỉ là những loại ký hiệu đặc biệt (dấu thanh, dấu trọng âm, dấu câu, chữ số…).
    Mối quan hệ giữa tự vị và chữ cái trên đại thể cũng giống như mối quan hệ giữa âm vị và âm tố, và có thể được hình dung như sau:

    âm tố : âm vị = tự vị : chữ cái “.​
    (Theo Lý Toàn Thắng, Một vài cơ sở ngôn ngữ học của vấn đề chữ viết, "Ngôn ngữ" 3- 4, H., 1979, tr. 184).​

    “Điểm đáng lưu ý nhất của tự vị, so với âm vị, là ở chỗ nó có tính ‘nước đôi’. Một mặt, tự vị là đơn vị cấu trúc cơ sở của ngôn ngữ viết (với tư cách là một hệ thống kí hiệu độc lập) có giá trị khu biệt ý nghĩa và nhận diện các từ ở dạng viết. Mặt khác, xét trong mối quan hệ với ngôn ngữ nói, tự vị (khi là các chữ cái) thường là sự hiện thân trên chữ viết của âm vị (vì nó biểu đạt âm vị đó)”.
    (Theo Lý Toàn Thắng, Một vài cơ sở ngôn ngữ học của vấn đề chữ viết, "Ngôn ngữ" 3- 4, H., 1979, tr. 185).​

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/8/15
    Heoconmtv, lichan, Cải and 3 others like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THI HỌC, THI PHÁP

    Ngành học thuật nghiên cứu hệ thống các phương thức phương tiện biểu hiện trong các tác phẩm văn học; một trong những bộ môn lâu đời nhất của nghiên cứu văn học. (Trong các ngôn ngữ châu Âu, tên gọi poètika / hoặc poétique, poetica... / đều có gốc từ chữ Hy Lạp poiètike téchne - nghĩa là nghệ thuật sáng tác). Trong nghĩa rộng, "thi học" trùng với "lý luận văn học"; trong nghĩa hẹp, "thi học" trùng với một số ngành của thi học lý thuyết.

    Là một ngành của lý luận văn học, thi học nghiên cứu đặc trưng của các loại hình loại thể văn học, các trào lưu và khuynh hướng, các phong cách và phương pháp, nghiên cứu các quy luật liên hệ và quan hệ nội tại giữa các cấp độ khác nhau của chỉnh thể nghệ thuật. Tùy theo việc bình diện (và nội hàm khái niệm) nào được lấy làm trung tâm nghiên cứu, mà người ta nói tới, chẳng hạn, thi pháp chủ nghĩa lãng mạn (thi pháp của khuynh hướng hoặc phương pháp sáng tác), thi pháp tiểu thuyết (thi pháp của thể loại), thi pháp sáng tác của một nhà văn nào đó (thi pháp của phong cách) hoặc của một tác phẩm nào đó... Do chỗ mọi phương tiện biểu hiện trong văn học rốt cuộc đều quy được về ngôn ngữ, cho nên có thể định nghĩa thi học như khoa học về nghệ thuật sử dụng các phương tiện ngôn ngữ. Văn bản bằng lời (tức là bằng ngôn ngữ) của tác phẩm là hình thức vật chất duy nhất cho sự tồn tại của nội dung tác phẩm. Dù ý thức của người đọc và nhà nghiên cứu muốn tiếp cận tác phẩm như thế nào đó (ví dụ tái thiết nội dung tác phẩm, dựng lại dự đồ sáng tác của tác giả, đặt tác phẩm vào văn hóa của các thời đại đã biến đổi...) thì rốt cuộc vẫn phải dựa vào văn bản ngôn từ, tức là cái mà thi pháp nghiên cứu. Điều này cho thấy sự hệ trọng của thi học, thi pháp trong hệ thống các bộ môn của nghiên cứu văn học.

    Mục tiêu của thi học là nêu ra và hệ thống hóa các yếu tố (của văn bản) tham gia vào việc hình thành nên cái ấn tượng thẩm mỹ toát ra từ tác phẩm. Nói cho cùng, mọi yếu tố ngôn từ nghệ thuật đều tham gia vào đấy, nhưng là ở những cấp độ khác nhau, ví dụ ở thơ trữ tình, các yếu tố cốt truyện có vai trò nhỏ, các yếu tố nhịp điệu và ngữ âm có vai trò lớn; trong văn xuôi tự sự thì ngược lại.

    Bất cứ nền văn hóa nào cũng có một tập hợp các phương tiện tách lọc các tác phẩm văn học trên cái nền những phương tiện phi văn học: điểm giới hạn là nhịp điệu (thơ), từ vựng và cú pháp ("ngôn ngữ văn chương"), đề tài (các kiểu nhân vật và sự kiện được ưa thích). Trên cái nền của hệ thống các phương tiện ấy, chính sự vi phạm hệ thống lại là tác nhân thẩm mỹ mạnh mẽ: "chất văn xuôi" ở thơ, việc đưa những đề tài mới, phi truyền thống vào văn xuôi, v.v... Nhà nghiên cứu nào thuộc về nền văn hóa của tác phẩm mình nghiên cứu sẽ dễ cảm thấy rõ và nhạy những sự bất thường về thẩm mỹ ấy, trong khi anh ta thấy cả cái nền kia như một cái gì đương nhiên. Nhà nghiên cứu nào xa lạ với văn hóa của tác phẩm mình nghiên cứu trước hết cảm thấy được rõ cái hệ thống chung của những biện pháp (ưu thế ở những khác biệt so với nền văn hóa quen thuộc của anh ta), nhưng lại khó hoặc ít cảm thấy cái hệ thống những vi phạm. Việc nghiên cứu hệ thống thi pháp "từ bên trong nền văn hóa này đưa tới việc xây dựng thi học quy phạm (ví dụ trong thời chủ nghĩa cổ điển ở Pháp); việc nghiên cứu "từ bên ngoài" đưa tới việc xây dựng thi học miêu tả. Cho đến thế kỷ XIX, khi các vùng văn học của thế giới còn đóng kín và đi theo truyền thống riêng, thì thi học quy phạm là kiểu thi học thống trị; khi có sự hình thành văn học toàn thế giới (bắt đầu từ thời đại chủ nghĩa lãng mạn), việc xây dựng thi học miêu tả trở thành nhiệm vụ hàng đầu.

    Người ta thường chia ra: thi học đại cương (thi học lý thuyết hoặc thi học hệ thống, - thi học "vĩ mô"); thi học chuyên biệt (hoặc thi học thuần miêu tả, - thi học "vi mô"); thi học lịch sử.

    Thi học đại cương được chia thành ba ngành, nghiên cứu ba phương diện tương ứng của văn bản: ngữ âm, từ vựng, hình tượng. Mục đích của thi học đại cương là xác lập một hệ thống thủ pháp (các yếu tố có tác động thẩm mỹ) bao quát cả ba phạm vi trên, về cơ cấu thanh âm của tác phẩm, cần nghiên cứu ngữ âm, vần luật, tiết tấu (nhịp), v.v...; tài liệu nghiên cứu ở đây thiên về các văn bản thơ. Về cơ cấu từ vựng, ở đây cần nghiên cứu các đặc điểm của từ vựng, hình thái cú pháp của tác phẩm; ở đây nói chung có sự tương ứng với tu từ học (phong cách học). Các đặc điểm từ vựng ("chọn chữ" "chọn lời") và cú pháp (kết hợp các từ) đã được nghiên cứu từ lâu bởi các bộ môn thỉ học và từ chương học, với việc chú ý tới các hình ảnh tu từ và các biện pháp chuyển nghĩa; còn các đặc điểm hình thái học (ngữ pháp thi ca) thì chỉ gần đây mới thành đối tượng nghiên cứu của thi học. Về cơ cấu hình tượng của tác phẩm, cần nghiên cứu các hình tượng (nhân vật, vật thể), các môtip (các hành động, hành vi), các cốt truyện (tổng thể các hành động gắn kết với nhau). Phương diện thi học hình tượng, so với các phương diện khác, còn được nghiên cứu ít hơn cả, vì suốt thời gian dài, người ta tưởng như thế giới nghệ thuật của tác phẩm chẳng khác gì thế giới thực tại; do vậy ở đây cho đến nay vẫn chưa đề xuất được một sự phân loại chất liệu các phương tiện nghệ thuật với sự thừa nhận chung, rộng rãi.

    Thi học chuyên biệt thực hiện việc miêu tả tác phẩm văn học ở tất cả các mặt kể trên, nhằm xây dựng "mô hình" - một hệ thống cá biệt những đặc tính có tác động thẩm mỹ của tác phẩm, vấn đề chủ yếu của thi pháp chuyên biệt là kết cấu, tức là sự tương quan về chức năng của tất cả các yếu tố có giá trị thẩm mỹ của tác phẩm trong chỉnh thể nghệ thuật.

    [Ở đây có sự khác nhau giữa tác phẩm cỡ nhỏ và cỡ lớn: ở tác phẩm cỡ nhỏ (ví dụ một câu tục ngữ) số lượng các mối liên hệ giữa các yếu tố, dù nhiều cũng không phải là vô hạn, do vậy có thể chỉ ra một cách toàn diện vai trò của từng yếu tố trong hệ thống chinh thể; ở tác phẩm cỡ lớn thì không thể làm được như vậy, và một phần đáng kể các liên hệ nội tại vẫn còn chưa được đọc ra, chưa được cám nhận về mặt thẩm mỹ.]

    Hai khái niệm cuối cùng mà việc phân tích các phương diện biểu hiện có thể đưa tới là "hình tượng thế giới" (với xác định cơ bản của nó là thời gian nghệ thuật và không gian nghệ thuật) và "hình tượng tác giả". Tác động qua lại của hai khái niệm này sẽ đưa ra "điểm nhìn", là cái có tác dụng quyết định mọi điều chủ yếu trong cấu trúc tác phẩm. Cả ba khái niệm này ("hình tượng thế giới", "hình tượng tác giả", "điểm nhìn") chỉ mới được đề xuất trong thi học dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu văn học thế kỷ XIX - XX; trước đó thi học châu Âu thỏa mãn với việc phân chia ba loại văn học: kịch (đưa ra hình tượng thế giới), trữ tình (đưa ra hình ảnh tác giả) và đứng giữa là tự sự (phân loại của Aristoteles).

    Điều chủ yếu của thi học chuyên biệt (“thi học vi mô”) là miêu tả từng tác phẩm; nhưng cũng có thể miêu tả khái quát hơn về những nhóm tác phẩm (của một liên hoàn tác phẩm; của một tác giả; của một thể loại, một khuynh hướng văn học, một thời đại văn học sử). Sự miêu tả như vậy có thể được hình thức hóa từ việc thống kê các yếu tố xuất phát điểm của mô hình và danh mục các quy tắc kết hợp chúng; việc áp dụng tuần tự các quy tắc ấy dường như là sự mô phỏng quá trình xây dựng tác phẩm, từ dự kiến đề tài, dự đồ tư tưởng đến sự định hình ngôn từ chung cục.

    Thi học lịch sử nghiên cứu sự tiến hóa của từng biện pháp nghệ thuật và hệ thống các biện pháp ấy, với sự hỗ trợ của bộ môn nghiên cứu so sánh lịch sử nhằm vạch ra các đặc điểm chung của các hệ thống thi pháp thuộc những nền văn hóa khác nhau; xác định hoặc là cội nguồn chung của chúng, hoặc là sự chi phối của những quy luật chung của ý thức nghệ thuật nhân loại. Cội rễ của ngôn từ thành văn là ngôn từ truyền miệng; - đây là tài liệu cơ bản của thi học lịch sử, đôi khi nó cho phép dựng lại tiến trình phát triển từ xa xưa của từng hình tượng, từng hình ảnh tu từ, từng kích cỡ kiểu dáng câu thơ đoạn thơ. Vấn đề chủ yếu của thi học lịch sử là thể loại, hiểu theo nghĩa rộng, từ ngôn từ có tính nghệ thuật nói chung đến những dạng thức như "bi ca tình yêu châu Âu", "bi kịch của chủ nghĩa cổ điển", "tiểu thuyết tâm lý", v.v... tức là tổng thể những yếu tố nghệ thuật được hình thành trong lịch sử, của những loại thể khác nhau, không loại trừ nhau nhưng có liên hội với nhau do cùng tồn tại lâu dài. Những ranh giới để tách văn học với phi văn học, thể loại này với thể loại kia, đều biến động bởi vì những thời đại tương đối ổn định của các hệ thống nghệ thuật này thường xen kẽ với những thời đại phi quy phạm hóa và sáng tạo hình thức; những biến đổi này cũng được nghiên cứu bởi thi học lịch sử. Ở đây có sự khác nhau giữa các hệ thi pháp gần gũi và xa cách về lịch sử (hoặc địa lý): xa cách thường là những hệ thi pháp quy phạm và phi cá nhân; gần gũi - là những hệ thi pháp độc đáo và không thuần dạng, nhưng đây thường là ảo giác. Trong thi học truyền thống, thể loại được thi học đại cương khảo sát như một hệ thống mang giá trị chung, do tự nhiên xác lập.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/7/15
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    * Thuật ngữ

    Từ hoặc cụm từ biểu đạt chính xác một khái niệm của một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Thuật ngữ nằm trong hệ thống từ vựng chung của ngôn ngữ, nhưng chỉ tồn tại trong một hệ thống thuật ngữ cụ thể, nghĩa là nó chỉ được dùng trong ngôn ngữ chuyên môn.

    Toàn bộ các thuật ngữ của một lĩnh vực sản xuất, hoạt động, tri thức tạo nên một lớp từ đặc biệt tạo thành một hệ thống thuật ngữ.

    "Bất cứ ngành khoa học (tự nhiên hay xã hội) nào cũng cần phải có một tập hợp từ ngữ được xác định một cách nghiêm ngặt, dùng để biểu thị khái niệm về sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm... trong ngành đó. Lớp từ vựng bao gồm những đơn vị từ vựng như vậy được gọi là hệ thống thuật ngữ của mỗi ngành khoa học".
    (Đái Xuân Ninh - Nguyễn Đức Dân - Nguyễn
    Quang - Vương Toàn. Ngôn ngữ học: Khuynh
    hướng - lĩnh vực - khái niệm
    . Nxb KHXH, H.,
    1986, tr. 64)​

    "Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật bao gồm các đơn vị từ vựng được dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động, đặc điểm... trong những ngành kĩ thuật công nghiệp và trong những ngành khoa học tự nhiên hay xã hội. Khác với từ thông thường, thuật ngữ có ý nghĩa biểu vật trùng hoàn toàn với sự vật, hiện tượng... có thực trong thực tế, đối tượng của ngành kĩ thuật và ngành khoa học tương ứng. Ý nghĩa biểu niệm của chúng cũng là những khái niệm về các sự vật, hiện tượng này đúng như chúng tồn tại trong tư duy. Về mặt nội dung, ở các thuật ngữ không xảy ra sự chia cắt thực tế khách quan theo cách riêng của ngôn ngữ. Mỗi thuật ngữ như là một "cái nhãn" dán vào đối tượng này (cùng với khái niệm về chúng) tạo nên chính nội dung của nó".
    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1981, tr. 221-222)​

    "Thuật ngữ là từ hoặc nhóm từ dùng trong các ngành khoa học, kĩ thuật, chính trị, ngoại giao, nghệ thuật v.v... và có một ý nghĩa đặc biệt, biểu thị chính xác các khái niệm và tên các sự vật thuộc ngành nói trên".
    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr. 176)​

    "Thuật ngữ là những từ và những từ tố cố định để chỉ những khái niệm của một ngành khoa học nào đó, ngành sản xuất hay ngành văn hóa nào đó v.v...

    Đặc điểm của thuật ngữ là một từ chỉ có một nghĩa, không có từ đồng nghĩa, không có sắc thái tình cảm, có thể có tính chất quốc tế (tùy từng ngành)".
    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 114)​

    "Thuật ngữ là những từ chuyên môn được sử dụng trong phạm vi một ngành khoa học, một nghề nghiệp hoặc một ngành kĩ thuật nào đấy. Có thuật ngữ của ngành vật lí, ngành hóa học, toán học, thương mại, ngoại giao v.v... Đặc tính của những từ này là phải cố gắng chỉ có một ý nghĩa, biểu thị một khái niệm hay chỉ tên một sự vật, một hiện tượng khoa học, kĩ thuật nhất định".
    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ
    hội học)
    . Nxb GD, H., 1962, tr. 167)​

    "Thuật ngữ là bộ phận ngôn ngữ (từ vựng) biểu đạt các khái niệm khoa học, "là thuộc tính của khoa học, kĩ thuật, chính trị, tức là những lĩnh vực của hiện thực xã hội đã được tổ chức một cách có trí tuệ".
    (Vân Lăng - Như Ý. Tình hình và xu hướng
    phát triển thuật ngữ tiếng Việt trong mấy chục
    năm qua. “Ngôn ngữ"
    1, H., 1977, tr.44)​

    "Những đặc điểm trên (ổn định về cấu tạo, ngắn gọn, có sức sản sinh) tạo ra cho thuật ngữ tính đơn vị định danh, tính chất này bảo đảm cho thuật ngữ có khả năng tách biệt với mọi ngữ cảnh, không bị ngữ cảnh làm sai lạc nội dung mà nó biểu thị"
    (Hồng Dân. Tham luận về chuẩn hóa thuật ngữ
    khoa học. "Ngôn ngữ"
    3-4, H., 1979, tr. 118)​

    "Theo ý chúng tôi, thuật ngữ tiếng Việt phải:

    1) chính xác, 2) có hệ thống, 3) có tính bản ngữ (dân tộc), 4) ngắn gọn, cô đọng, 5) dễ dùng; trong đó ba tiêu chuẩn đầu là ba yêu cầu cơ bản mà tính chính xác là quan trọng bậc nhất".
    (Lưu Vân Lăng, Vấn đề chuẩn hóa chính tả.
    "Ngôn ngữ'
    3-4, H., 1979, tr. 182)​

    "Vấn đề này ý kiến rất phong phú, nhưng có thể khẳng định những yêu cầu cơ bản của thuật ngữ là:

    1. Tính định danh;
    2. Tính chính xác;
    3. Tính hệ thống;
    4. Tính bản ngữ."
    (Như Ý. Tham luận về chuẩn hóa thuật ngữ
    khoa học. "Ngôn ngữ'
    3-4, H., 1979, tr. 117)​

    "Thuật ngữ khoa học, kĩ thuật bao gồm các đơn vị từ vựng được dùng để biểu thị những sự vật, hiện tượng, hoạt động đặc điểm... trong những ngành kĩ thuật công nghiệp, và trong những ngành khoa học tự nhiên hay xã hội".
    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1981, tr. 221)​

    "Mỗi thuật ngữ như là một "cái nhân" dán vào đối tượng này (cùng với khái niệm về chúng) tạo nên chính nội dung của nó. Tính hệ thống về mặt ngữ nghĩa của thuật ngữ là do tính hệ thống của bản thân đối tượng và khái niệm trong ngành khoa học và kĩ thuật đó quyết định".
    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H„ 1981, tr. 222)​

    "Điều quan trọng là ở chỗ các thuật ngữ phải biểu thị cho đúng cái khái niệm (đúng hoặc sai) mà chúng gọi tên. Một thuật ngữ chính xác là một thuật ngữ khi nói ra, viết ra, người nghe, người đọc hiểu một và chỉ một khái niệm khoa học (đúng hoặc sai) ứng với nó mà thôi".
    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H„ 1981, tr. 224)​

    "Cũng như tính chính xác, các thuật ngữ nhất là các thuật ngữ khoa học có tính quốc tế cả về ngữ nghĩa, cả về hình thức".
    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H„ 1981, tr. 225)​

    "Thuật ngữ là từ ngữ dùng để biểu thị một khái niệm xác định thuộc hệ thống những khái niệm của một ngành khoa học nhất định. Toàn bộ hệ thống thuật ngữ của các ngành khoa học hợp thành vốn thuật ngữ của ngôn ngữ".
    (Hoàng Văn Hành. Về sự hình thành và phát triển
    thuật ngữ tiếng Việt. "Ngôn ngữ"
    4, H., 1983, tr. 26)​

    "Thuật ngữ là bộ phận từ ngữ đặc biệt của ngôn ngữ. Nó bao gồm những từ và cụm từ cố định là tên gọi chính xác của các loại khái niệm và các đối tượng thuộc các lĩnh vực chuyên môn của con người".
    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H„ 1985, tr. 308-309)​


    * Thuật ngữ học

    Bộ môn ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu về thuật ngữ.

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/8/15
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Nghĩa

    1. Sự phản ánh đối tượng của hiện thực (các hiện tượng, các quan hệ, phẩm chất, quá trình) vào trong nhận thức, trở thành một yếu tố của ngôn ngữ nhờ việc tạo nên mối liên hệ thường trực, liên tục với một chuỗi âm thanh nhất định nhờ đó sự phản ánh hiện thực trong nhận thức được hiện thực hóa. Sự phản ánh hiện thực này tham gia trong cấu trúc của từ như là mặt bên trong, mặt nội dung trong quan hệ với mặt âm thanh như là vỏ vật chất cần thiết không chỉ để biểu hiện nghĩa và thông báo nó cho người khác, mà còn cần thiết cho chính sự hình thành, nảy sinh, tồn tại và phát triển của nó.

    2. Toàn bộ các chức năng của các đơn vị ngôn ngữ; tất cả những điều được các đơn vị ngôn ngữ này biểu hiện, phản ánh là mặt nội dung của chúng, ví dụ: Nghĩa chuyển; nghĩa số lượng; nghĩa nguyên nhân.

    Nghĩa của từ không phải là một thực thể độc lập với ngôn ngữ trong đó nó tồn tại, mà chỉ là một khái niệm về sự vật khách quan được phản ánh vào trong ngôn ngữ. Mặt được biểu đạt, tức nghĩa của từ được xác định bởi những mối quan hệ của chúng với những từ khác trong hệ thống. Nói cách khác, nghĩa của từ là một tập hợp các nét khu biệt (còn gọi là nét nghĩa, hay nghĩa vị). Đó là những tiêu chí mà tiếng nói giữ lại để nhận biết một loại đối tượng nào đó trong những vật thể của hiện thực. Như vậy, nghĩa của từ là một cấu trúc có thể phân xuất ra những yếu tố cấu tạo nhỏ nhất, giống như các nét khu biệt trong âm vị học. Ví dụ: Nghĩa của từ "anh" trong tiếng Việt gồm các nghĩa vị: "đàn ông", "sinh trước", "trong quan hệ gia đình với người cùng thế hệ" v.v...


    * Nghĩa ban đầu
    x. nghĩa gốc


    * Nghĩa biểu cảm

    Nghĩa phụ của từ (hoặc ngữ), sắc thái nghĩa hoặc sắc thái phong cách lồng vào nghĩa cơ bản để biểu thị nét cảm xúc, biểu cảm, có thể tạo cho phát ngôn có tính chất trang trọng, thân mật, kiểu cách...


    * Nghĩa biểu niệm

    Mối liên hệ giữa từ với khái niệm và biểu tượng của sự vật, tức với những đặc trưng bản chất nhất của sự vật; tập hợp một số nét nghĩa chung và riêng, khái quát và cụ thể theo một trật tự nhất định và có tổ chức. Nghĩa biểu niệm được coi như bất biến thể trong sự đối lập với nghĩa biểu vật; còn gọi là nghĩa biểu ý, nghĩa sở biểu.


    * Nghĩa biểu vật

    Mối liên hệ giữa từ với sự vật, sự phản ánh các sự vật, hiện tượng cụ thể trong thực tế bằng ngôn ngữ; còn gọi là nghĩa sở chỉ.


    * Nghĩa biểu ý
    x. nghĩa biểu vật


    * Nghĩa bóng

    Nghĩa phái sinh, nghĩa thứ yếu của từ, bắt nguồn từ nghĩa đen hoặc một nghĩa bóng khác nhờ kết quả của việc sử dụng từ có ý thức trong lời nói để biểu thị sự vật không phải là vật quy chiếu tự nhiên, thường xuyên. Một từ có được nghĩa bóng khi nó định danh sự vật không phải trực tiếp, mà qua một sự vật khác theo phép ẩn dụ, hoán dụ hay cải dung. Như vậy, nghĩa bóng của từ là nghĩa có căn cứ, có tính lí do.


    * Nghĩa bổ sung

    Nghĩa phụ kèm theo nghĩa cơ bản; còn gọi là nghĩa thứ yếu, sắc thái nghĩa.


    * Nghĩa cơ bản

    1. Nghĩa bất biến (nghĩa cấu trúc) của đơn vị ngôn ngữ được thể hiện qua việc sử dụng cụ thể đa dạng; còn gọi là nghĩa chung. Ví dụ: Tính có hướng - tính không có hướng; tính có khối lượng - tính vô lượng... là những nghĩa cơ bản của các cách trong tiếng Nga.

    2. x. nghĩa vật chất.

    3. x. nghĩa thường dùng.


    * Nghĩa cụ thể

    Nghĩa của từ biểu thị các đối tượng, sự vật có tính thể chất. Chẳng hạn, từ nhà, bàn có nghĩa cụ thể.


    * Nghĩa dẫn xuất

    Nghĩa của các phụ tố cấu tạo từ được coi như các dấu hiệu bổ sung, không có khả năng sử dụng độc lập mà luôn đi kèm với nghĩa vật chất của căn tố (hoặc thân từ phái sinh) nhằm hạn chế và làm sáng tỏ cho nghĩa vật chất do căn tố biểu thị.


    * Nghĩa đen

    Nghĩa từ vựng của từ theo đúng nghĩa của nó, còn gọi là nghĩa trực tiếp, khác với nghĩa bóng - nghĩa ẩn dụ, bóng bẩy và cũng khác với những sắc thái cảm xúc, biểu cảm đi kèm theo nó. Nghĩa đen đồng thời cũng là nghĩa ban đầu, nghĩa xuất phát không có căn cứ, không có tính lí do.


    * Nghĩa định danh

    Nghĩa từ vựng cơ bản, trực tiếp của từ, liên quan, hướng trực tiếp đến các sự vật, hiện tượng, hoạt động, phẩm chất, quan hệ v.v... của thực tế khách quan, bao gồm cả đời sống nội tâm của con người và phản ánh sự hiểu biết của xã hội về chúng. Ví dụ: sách (tên gọi sự vật); đẹp (tên gọi phẩm chất); nói (tên gọi hành động); năm (tên gọi số lượng); buồn (tên gọi trạng thái).


    * Nghĩa giảm nhẹ

    Nghĩa mang tính chất giảm thiểu phẩm chất hoặc khối lượng sự vật, thường bổ sung cho nghĩa từ vựng cơ bản của từ.


    * Nghĩa gốc

    Nghĩa từ vựng vốn có của từ ngay từ khi nó xuất hiện hoặc nghĩa vốn có từ xa xưa của bộ phận vật chất của từ ; còn gọi là nghĩa ban đầu, nghĩa xuất phát.


    * Nghĩa hẹp

    Nghĩa từ vựng vốn có của từ ngay từ khi nó xuất hiện mà chưa có các nghĩa phái sinh kèm theo.


    * Nghĩa hiện thực
    x. nghĩa vật chất


    * Nghĩa ngữ cảnh

    Nghĩa từ vựng của từ chỉ xuất hiện trong một ngữ cảnh nhất định nào đó, trái với nghĩa thông thường, nghĩa thường dùng của nó; còn gọi là nghĩa lâm thời.


    * Nghĩa ngữ pháp

    1. Nghĩa biểu thị sự phụ thuộc về hình thái của từ, tức là nghĩa quan hệ, được biểu hiện không phải bằng từ mà bằng các yếu tố không độc lập bổ sung cho phần cơ bản (nghĩa vật chất) của từ; còn gọi là nghĩa hình thái. Nghĩa ngữ pháp đặc trưng đối với từ của các ngôn ngữ tổng hợp tính được thể hiện bằng các phụ tố hoặc trợ từ.

    2. Nghĩa ngôn ngữ khái quát, trừu tượng khái quát cho hàng loạt từ, từ hình hoặc các kết cấu cú pháp cố định thường xuyên trong ngôn ngữ. Trong lĩnh vực hình thái học nghĩa chung này của các từ là từ loại (ví dụ, nghĩa sự vật của danh từ, nghĩa hành động, hoạt động của động từ), cũng như các nghĩa bộ phận của từ hình và của từ nói chung đối lập với nhau, trong khuôn khổ các phạm trù hình thái học (ví dụ các nghĩa thời, số, giống, ngôi). Trong lĩnh vực cú pháp học thì đó là nghĩa vị ngữ tính, cũng như các quan hệ đa dạng của các thành phần của tổ hợp từ và câu như là các mô hình ngữ pháp trừu tượng (nghĩa chủ thể, đối tượng...). Cần phân biệt hai loại nghĩa ngữ pháp - đó là nghĩa ngữ pháp phi cú pháp và nghĩa ngữ pháp quan hệ. Nghĩa ngữ pháp phi cú pháp biểu hiện thuộc tính các sự vật và hiện tượng của hiện thực ngoài ngôn ngữ, như nghĩa số lượng, thời gian, không gian, công cụ hoặc tác nhân của hoạt động. Còn nghĩa ngữ pháp quan hệ lại chỉ ra mối liên hệ các yếu tố trong thành phần cụm từ và câu hoặc mối liên hệ của các yếu tố trong thành phần của từ phức (nghĩa cấu tạo từ).

    [...]
     
    Heoconmtv and teacher.anh like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Nghĩa phái sinh

    Nghĩa bắt nguồn từ nghĩa gốc, nghĩa ban đầu.


    * Nghĩa phạm trù

    Nghĩa trừu tượng, tổng quát lồng vào trong nghĩa từ vựng cụ thể của từ.


    * Nghĩa quan hệ

    Nghĩa chỉ quan hệ, tức nghĩa ngữ pháp.


    * Nghĩa rộng

    Nghĩa từ vựng có thể có của từ gồm cả nghĩa gốcnghĩa phái sinh.


    * Nghĩa tăng cường

    Nghĩa có tính chất tăng cường, phóng đại, sự vật, tính chất, thường bổ sung cho nghĩa từ vựng cơ bản của từ; còn gọi là nghĩa phóng đại.


    * Nghĩa thứ yếu
    x. nghĩa bổ sung


    * Nghĩa thường dùng

    Nghĩa cơ bản vốn có của từ được thừa nhận trong một ngôn ngữ; nghĩa từ được sử dụng tự nhiên và thường xuyên.


    * Nghĩa tiềm ẩn

    Nghĩa từ vựng của từ chỉ được hiện thực hóa trong những hoàn cảnh, trường hợp nhất định.


    * Nghĩa tố

    Đơn vị giới hạn tối thiểu của bình diện nội dung; còn gọi là thành tố nghĩa, dấu hiệu ngữ nghĩa khu biệt, chỉ số ngữ nghía, nghĩa ngữ vị, nét nghĩa. Nghĩa tố là những sự phản ánh cơ sở các mặt và các thuộc tính khác nhau của các sự vật và hiện tượng của thực tế được biểu hiện trong ngôn ngữ. Nghĩa tố là đơn vị có tính chất thao tác của phương pháp phân tích thành tố nghĩa khi nghiên cứu trường ngữ nghĩa của các từ và các biến thể từ vựng - ngữ nghĩa của từ, xác định sự giống và khác nhau của chúng. Nghĩa tố thường được hiện thực hóa như là những thành tố của nghĩa cơ bản (biến thể từ vựng - ngữ nghĩa) của từ. Trong nghĩa cơ bản của từ có thể có một hoặc một số nghĩa tố nằm trong quan hệ có thứ bậc, có giá trị và vai trò khác nhau. Ví dụ: nghĩa cơ bản (nghĩa đen) trong cấu trúc ngữ nghĩa của từ "cha" bao gồm các nghĩa tố: a) đàn ông ; b) đã có con ; c) trong quan hệ với con.


    * Nghĩa trừu tượng

    1. Nghĩa khái quát đặc trưng cho những danh từ trừu tượng.

    2. x. nghĩa quan hệ.


    * Nghĩa tuyệt đối

    Nghĩa của từ biểu thị mức độ giới hạn tột cùng của phẩm chất và vì vậy không cho phép sử dụng những từ nhấn mạnh hoặc hình thái nhấn mạnh. Ví dụ: Tòa nhà cực đẹp, nhưng không thể dùng Tòa nhà rất cực đẹp.


    * Nghĩa từ điển

    1. Nghĩa vốn có của từ không phụ thuộc vào ngữ cảnh cụ thể được trừu tượng hóa khỏi tất cả các cảnh huống nói năng và sử dụng từ.

    2. x. nghĩa vật chất


    * Nghĩa từ vựng

    Nội dung của từ phản ánh và lưu giữ trong nhận thức quan niệm, sự hiểu biết về sự vật, thuộc tính, quá trình v.v... Nghĩa từ vựng là sản phẩm hoạt động tư duy của con người, nó còn có liên quan đến nhận thức của con người, đến các dạng thức của quá trình tư duy như so sánh, phân loại, khái quát. Nghĩa từ vựng mang đặc trưng khái quát hóa. Sự hình thành nghĩa từ vựng đóng vai trò tối quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người. Nó được hình thành trong quá trình hoạt động tích cực của người nói.

    Trong ngôn ngữ học nghĩa từ vựng được đem đối chiếu với phạm trù khái niệm của triết học. Một số học giả đồng nhất khái niệm với nghĩa từ vựng, một số khác lại phủ nhận mối liên hệ giữa chúng. Khái niệm và nghĩa từ vựng đều có quan hệ với các phạm trù của tư duy, nhưng chúng không trùng nhau. Mối tương quan giữa chúng được phân biệt trong những quan hệ khác nhau: nghĩa rộng hơn khái niệm vì nó gồm yếu tố đánh giá và hàng loạt các yếu tố khác; nghĩa cũng là khái niệm khi nó chỉ chứa những đặc điểm khác nhau của đối tượng, còn khái niệm gồm những thuộc tính cơ bản hơn và sâu xa hơn. Mối tương quan biện chứng của cái chung và riêng, của cái cố định, bất biến và cái biến đổi được phản ánh trong nghĩa từ vựng của từ. Chính tính biến đổi của nghĩa từ vựng cho phép sử dụng từ để gọi tên các sự vật mới và là một trong các yếu tố của sự sáng tạo nghệ thuật. Nghĩa từ vựng là một cấu trúc phức tạp được xác định bởi những thuộc tính chung của từ với tư cách là một kí hiệu. Trong cấu trúc của nghĩa từ vựng có mặt hai bình diện: nghĩa biểu vật, hướng về ngoại diên khái niệm, về một số đặc trưng khu biệt rõ nét nhất, dễ nhận thấy nhất để nhận biết sự vật; nghĩa biểu niệm hướng về nội hàm khái niệm, về những đặc trưng bản chất nhất, nhằm để nhận thức sự vật.


    * Nghĩa từng chữ

    Nghĩa từ vựng vốn có của từng yếu tố tạo thành một từ phức, cụm từ, hoàn toàn chưa bị thay đổi trong nghĩa tổng thể của từ mà chúng tạo nên.


    * Nghĩa tương đối

    Nghĩa không độc lập cần được mở rộng và chính xác hóa.


    * Nghĩa tường minh
    x. nghĩa hiện thực


    * Nghĩa vật chất

    Nghĩa tương ứng với một khái niệm riêng biệt về sự vật, hiện tượng hành động, tính chất, quan hệ v.v... trong thực tại khách quan; còn gọi là nghĩa vật thể, nghĩa hiện thực, nghĩa tường minh. Trong các ngôn ngữ biến hình, phần mang nghĩa vật chất là căn tố của từ, là phần cơ bản của từ. Nghĩa vật chất khác nghĩa hình thái, nghĩa ngữ pháp.


    * Nghĩa vị

    1. Đơn vị nhỏ nhất của bình diện nội dung ứng với đơn vị tương đương của bình diện biểu hiện trong hệ thống các đơn vị của một ngôn ngữ (như hình vị, âm vị...) là đơn vị nghĩa cần yếu.

    2. Nghĩa riêng biệt của từ, nghĩa cơ sở của từ, là đơn vị của bình diện nội dung ở cấp cao hơn so với nghĩa tố; còn gọi là biến thể từ vựng - ngữ nghĩa. Nghĩa vị biểu hiện mặt nội dung của đơn vị ngôn ngữ ở bình diện giao tiếp. Một từ có thể có một nghĩa vị - đó là các từ đơn nghĩa; hoặc một vài nghĩa vị - đó là các từ đa nghĩa.

    Ví dụ: Ý nghĩa của từ đầu trong tiếng Việt bao gồm các nghĩa vị:
    a) Phần trên cùng của thân thể con người hay phần trước nhất của thân thể động vật nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác.
    b) Đầu con ngưòi coi là biểu tượng của suy nghĩ, nhận thức.
    c) Phần có tóc mọc ở trên đầu con người; tóc (nói tổng quát).
    d) Phần trước nhất hoặc phần trên cùng của một số vật.
    đ) Phần có điểm xuất phát của một khoảng không gian hoặc thời gian; đối lập với cuối.
    e) Phần ở tận cùng, giống nhau ở hai phía đối lập trên chiều dài của một vật.
    g) Vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước tất cả những vị trí, thời điểm khác.
    h) Từ dùng để chỉ từng đơn vị để tính đổ đồng về người, gia súc, đơn vị diện tích.


    [...]
     
    Heoconmtv, teacher.anh and deathshine like this.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    * Nét khu biệt

    Một hoặc một số yếu tố của âm tố lời nói làm nền tảng cho chức năng âm vị học của nó, là thành tố nhỏ nhất có tính quan yếu âm vị học của âm vị và chung cho tất cả các biến thể của âm vị đó, khu biệt âm vị đó với các âm vị khác; còn gọi là đặc trưng khu biệt, tiêu chí khu biệt.

    Thành tố nhỏ nhất của âm vị có thể là một chùm những đặc điểm phân biệt và được xác định trên cơ sở của một loạt thế đối lập hai vế (lưỡng phân), chẳng hạn "bật hơi / không bật hơi" là nét khu biệt để phân biệt hai phụ âm đầu trong các âm tiết "tả" và "thả".


    * Ngạc hóa

    Động tác bổ sung cho cấu âm cơ bản các phụ âm, thực hiện bằng cách phần giữa lưỡi nâng về phía ngạc cứng, làm tăng đáng kể tiếng thanh và tiếng ồn đặc trưng.


    [...]
     
    teacher.anh and deathshine like this.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Nguyên tắc (chữ viết) âm vị học

    Nguyên tắc xây dựng hệ thống chữ viết trên cơ sở dùng chữ viết để ghi đơn thuần phần âm vị của hình thức biểu đạt của từ.

    Theo nguyên tắc này, hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ bao gồm những âm vị nhất định; hệ thống chữ viết cũng bao gồm những chữ cái. Mỗi âm vị có một hình thức biểu hiện tương ứng trong chữ viết.

    Mối quan hệ giữa chúng là 1 - 1.

    Khi quan hệ này bị vi phạm thì cần phải có sự sửa đổi lại chữ viết.

    Mặc dù chữ viết ra đời với chức năng cố định hóa lời nói, nhưng do hệ thống chữ viết bao gồm những chữ cái mà mỗi chữ cái chỉ đại diện cho một âm vị nên rốt cuộc chữ viết không ghi được lời nói.

    Nói tóm lại, nguyên tắc chính tả được thể hiện ở chỗ các chữ cái của bảng chữ cái phản ánh không phải các âm tố được phát âm thực tế mà là các âm vị ở dạng cơ bản của chúng, tức là không phụ thuộc vào vị trí của chúng ở trong từ.


    * Nguyên tắc (chữ viết) ngữ âm học

    Nguyên tắc chính tả thể hiện ở chỗ các chữ cái của bảng chữ cái thể hiện các âm tố được phát âm thực tế.


    [...]
     
    teacher.anh and deathshine like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Ngữ

    Kết hợp hai hoặc nhiều thực từ (không hoặc có cùng với các hư từ có quan hệ với chúng gắn bó về ý nghĩa và ngữ pháp), diễn đạt một khái niệm thống nhất, và là tên gọi phức tạp biểu thị các hiện tượng của thực tại khách quan. Đó là một kết cấu cú pháp được tạo thành bởi hai hoặc nhiều thực từ trên cơ sở liên hệ ngữ pháp phụ thuộc - theo quan hệ phù hợp, chi phối hay liên hợp. Trong một ngữ có từ đóng vai trò chủ yếu về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp, gọi là thành tố chính, các từ phụ thuộc vào thành tố chính gọi là các thành tố phụ. Thành tố chính của ngữ có thể là danh từ (tạo nên danh ngữ), động từ (tạo nên động ngữ), tính từ (tạo nên tính ngữ). Ngữ còn được gọi là cụm từ, từ tổ.

    Ngữ là phương tiện định danh, biểu thị sự vật, hiện tượng quá trình, phẩm chất. Ý nghĩa ngữ pháp của ngữ được tạo nên bằng quan hệ nảy sinh giữa các thực từ kết hợp lại trên cơ sở của một kiểu liên hệ nào đó giữa chúng. Ngữ thường chia ra hai kiểu: ngữ tự do và ngữ không tự do (ngữ cố định). Ngữ tự do bao gồm những ý nghĩa từ vựng độc lập của tất cả các thực từ tạo thành ngữ; mối liên hệ cú pháp của các yếu tố trong ngữ tự do là mối liên hệ linh hoạt và có sức sản sinh (kiểu như đọc sách). Còn trong ngữ không tự do thì tính độc lập về mặt từ vựng của một hoặc cả hai thành tố bị yếu đi hoặc bị mất và ý nghĩa từ vựng của ngữ trở nên giống như ý nghĩa của một từ riêng biệt (kiểu như vui tính, bền gan, sân bay, đường sắt).


    * Ngữ âm

    1. Ngữ âm học, nói tắt.
    2. Các thuộc tính âm học và cấu âm của các âm tố trong một ngôn ngữ.


    * Ngữ âm học

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ, các phương thức cấu tạo và đặc trưng âm học của các âm tố lời nói. Khác với các bộ môn ngôn ngữ học khác, ngữ âm học nghiên cứu không chỉ chức năng ngôn ngữ mà còn nghiên cứu cả mặt vật chất của đối tượng nghiên cứu: sự hoạt động của bộ máy phát âm, đặc trưng âm học của các hiện tượng âm thanh và sự cảm nhận âm thanh của người bản ngữ. Ngữ âm học hiện đại chia âm thanh lời nói ra bốn bình diện: bình diện chức năng (hay bình diện ngôn ngữ học), bình diện âm học, bình diện cấu âm và bình diện cảm nhận qua thính lực. Ngữ âm học xem xét các hiện tượng âm thanh như những yếu tố của hệ thống ngôn ngữ dùng để thể hiện các từ và câu trong hình thức vật chất âm thanh mà thiếu nó thì sự giao tiếp không thể thực hiện được.


    * Ngữ âm học đại cương

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu những điều kiện chung của sự tạo thành âm thanh xuất phát từ khả năng của bộ máy phát âm của con người, cũng như phân tích đặc trưng âm học của các đơn vị âm thanh, đặc tính phổ quát của chúng. Ngữ âm học đại cương cũng nghiên cứu những quy tắc kết hợp các âm tố, sự ảnh hưởng các đặc trưng của một trong những âm tố tiếp giáp lên âm tố khác, bản chất của âm tiết, các quy luật kết hợp các âm tố trong âm tiết, sự tổ chức vé mặt ngữ âm của từ, đổng thời nghiên cứu các phương tiện dùng để thể hiện ngữ điệu cao như cao độ của thanh cơ bản, cường độ, trường độ của từng phần riêng lẻ của câu, tốc độ phát âm, chỗ ngừng, âm sắc.


    * Ngữ âm học lịch sử

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu sự phát triển hệ thống ngữ âm của ngôn ngữ và sự kiến tạo nó dưới dạng như hiện nay, tức là xem xét mặt ngữ âm của ngôn ngữ trong tiến trình phát triển của nó.


    * Ngữ âm học mô tả

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các âm tố của các ngôn ngữ riêng biệt với tư cách là một tổng thể xác định trong bình diện đồng đại.


    * Ngữ âm học thực nghiệm

    Toàn bộ các phương pháp nghiên cứu mặt âm thanh của ngôn ngữ bằng các khí cụ.


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Ngữ cảm
    Sự phản ứng trực giác, theo linh cảm về một hình thức phát ngôn nào đó, coi như là tiêu chuẩn về tính đúng đắn của lời nói, xuất phát từ phía người nói mà thứ ngôn ngữ đó là tiếng mẹ đẻ của họ.


    * Ngữ cảnh
    Bối cảnh ngôn ngữ học gồm một đoạn trích của văn bản trong đó có mặt đơn vị được lựa chọn để phân tích, cần và đủ để xác định ý nghĩa của đơn vị này; còn gọi là văn cảnh. Nói cách khác, ngữ cảnh là một trích đoạn văn bản có chứa đơn vị được xác định để phân tích; là điều kiện, đặc điểm sử dụng của một đơn vị ngôn ngữ trong lời nói.


    * Ngữ cảnh hẹp
    Môi trường hoàn cảnh xung quanh tối thiểu của một đơn vị trong đó đơn vị này thể hiện ý nghĩa của mình.


    * Ngữ cảnh rộng
    Hoàn cảnh xung quanh của đơn vị được nghiên cứu cho phép xác định chức năng của nó trong văn bản như một chỉnh thể.


    * Ngữ cố định
    x. cụm từ cố định


    * Ngữ danh từ
    x. cụm danh từ


    * Ngữ dụng học
    Lĩnh vực nghiên cứu trong kí hiệu học và ngôn ngữ học khảo sát sự hoạt động hành chức của các kí hiệu ngôn ngữ trong lời nói. Thuật ngữ "ngữ dụng học" do Ch.U.Morris đưa ra vào cuối những năm 30 của thế kỉ XX, là tên gọi của một trong các bộ môn của kí hiệu học. Morris chia kí hiệu học thành ngữ nghĩa học, nghiên cứu quan hệ của kí hiệu với đối tượng; cú pháp học, nghiên cứu các quan hệ giữa các kí hiệu và ngữ dụng học, nghiên cứu quan hệ của người nói với các kí hiệu. Việc tách ra và hình thành bộ môn ngữ dụng học với tư cách là một lĩnh vực của nghiên cứu ngôn ngữ học chỉ được bắt đầu vào những năm 60-70 với các ý tưởng của Ch.S. Peirec (1839-1914) dưới ảnh hưởng của lí thuyết lôgíc - triết học về các hành vi nói năng của J.Austin (1911-1960), J.R.Searle (sinh năm 1932), Z. Vendler (sinh năm 1921). Từ đó ngữ dụng học trở thành một trong những phương diện nghiên cứu ngôn ngữ, bao gổm việc tách biệt và nghiên cứu các đơn vị ngôn ngữ trong quan hệ của chúng với một hay nhiều người sử dụng ngôn ngữ.


    * Ngữ điệu
    Sự thống nhất của một tập hợp phức tạp của các thành tố có quan hệ tương tác lẫn nhau, bao gồm các yếu tố như âm điệu, tiết tấu, cường độ, tốc độ nói, âm sắc, trọng âm lôgíc được sử dụng ở cấp độ câu làm phương tiện biểu thị ý nghĩa và phạm trù cú pháp cũng như các sắc thái cảm xúc biểu cảm. Ngữ điệu là phương tiện quan trọng hình thành phát ngôn và làm sáng tỏ ý của phát ngôn. Trong phát ngôn, ngữ điệu thực hiện các chức năng: phân biệt các kiểu thông báo, phân biệt các bộ phận của phát ngôn. Ngữ điệu có thể phân ra nhiều loại khác nhau, như ngữ điệu cảm thán, ngữ điệu cầu khiến, ngữ điệu hỏi, ngữ điệu kết thúc, ngữ điệu liệt kê, ngữ điệu mệnh lệnh v.v...


    * Ngữ điệu cảm thán
    Ngữ điệu có đặc trưng là từ được tách ra phát âm cao giọng hơn so với trong câu tường thuật, nhưng lại thấp giọng hơn so với trong câu hỏi; còn gọi là ngữ điệu than.


    * Ngữ điệu cầu khiến
    Ngữ điệu kết thúc câu cầu khiến (câu mệnh lệnh); còn gọi là ngữ điệu mệnh lệnh.


    * Ngữ điệu chưa kết thúc
    Ngữ điệu tăng như một tiêu chí biểu thị sự chưa kết thúc của một phát ngôn.


    * Ngữ điệu hỏi
    Ngữ điệu có đặc trưng nâng cao giọng ở từ muốn hỏi.


    * Ngữ điệu kết thúc
    Ngữ điệu phân chia và hình thành câu.


    * Ngữ điệu liệt kê
    Biến dạng của ngữ điệu chưa kết thúc được sử dụng trong khi liệt kê.


    * Ngữ điệu mệnh lệnh
    x. ngữ điệu cầu khiến


    * Ngữ điệu than
    x. ngữ điệu cảm thán


    * Ngữ đoạn

    1. Chỉnh thể ngữ điệu - ý thể hiện một khái niệm trong một ngữ cảnh cụ thể và trong một cảnh huống cụ thể nào đó và có thể gồm một từ, một nhóm từ hoặc một câu hoàn chỉnh. Ngữ đoạn, như vậy, là một chỉnh thể ngữ âm biểu thị một chỉnh thể nghĩa duy nhất. Ngữ đoạn là một đơn vị của lời nói. Phương tiện cơ bản để chia tách các ngữ đoạn là chỗ ngừng cùng với tiết tấu, nhịp điệu của lời nói. Ngữ đoạn có thể trùng hoặc không trùng với cụm từ, nhưng giữa chúng có sự khác nhau cơ bản. Ngữ đoạn được tách ra từ trong câu, là kết quả của sự phân đoạn câu và chỉ tồn tại trong câu, còn cụm từ thì không những được tách ra trong câu mà còn là chất liệu tạo câu, có sẵn cùng với từ và là kết quả không phải của sự phân tích mà là tổng hợp các thành tố. Việc phân chia câu thành các ngữ đoạn có thể khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh, sắc thái biểu cảm và cách lí giải khác nhau về nội dung của câu.

    2. Sự kế tiếp của hai hoặc nhiều đơn vị ngôn ngữ (có thể là các hình vị; là các từ, tổ hợp từ, câu) được liên kết với nhau bằng một kiểu quan hệ nhất định. Với nghĩa này, ngữ đoạn đã được F.de Saussure sử dụng trong "Giáo trình ngôn ngữ học đại cương".


    * Ngữ đoạn học

    1. Một trong hai phương diện nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ, phân tích các quan hệ đặc biệt - quan hệ ngữ đoạn - giữa các kí hiệu ngôn ngữ xuất hiện giữa các đơn vị của hệ thống ngôn ngữ được phân bố kế tiếp nhau khi kết hợp trực tiếp với nhau trong lời nói hoặc trong văn bản; phương diện nghiên cứu này đối lập với ngữ hình học.

    2. Học thuyết nghiên cứu bình diện ngữ đoạn của lời nói hoặc của văn bản, thể hiện mặt tuyến tính của các quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ được nghiên cứu, tức là nghiên cứu các đơn vị này khi chúng được hiện thực hóa đồng thời cùng một lúc trong lời nói hoặc văn bản.

    3. Học thuyết về các kiểu quan hệ ngữ đoạn như quan hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ theo chiều ngang, khác với sự tương quan liên tưởng của chúng trong ngữ hình học.


    * Ngữ đoạn ngoài

    1. Ngữ đoạn như một sự thống nhất cú pháp khác với ngữ đoạn trong như một chuỗi ghép các hình vị.
    2. Ngữ đoạn vị ngữ với các thành phần chính của câu.
    3. Cụm từ định tính gồm hai từ. Ví dụ: Nhà mới; hát hay.


    * Ngữ đoạn trong
    Từ phái sinh hoặc từ ghép được xem như một chuỗi ghép của các hình vị hợp thành.


    * Ngữ động từ
    x. cụm động từ


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/6/16
    teacher.anh thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Ngữ hệ

    Toàn bộ (nhóm, loạt) các ngôn ngữ mà sự giống nhau của chúng được giải thích bằng sự cùng chung một cội nguổn. Những đặc tính chung của hai hoặc một số ngôn ngữ thể hiện ở chỗ trong chúng có các yếu tố tối thiểu có' nghĩa từ xa xưa (chẳng hạn như các hình vị gốc từ, các phụ tố) nằm trong sự tương ứng nhất định một cách nghiêm ngặt. Các yếu tố này phản ánh đặc điểm thường xuyên sự biến đổi âm thanh của mặt vật chất trong từng ngôn ngữ bắt nguồn từ một nguồn gốc chung là một ngôn ngữ nguyên sơ. Nhóm các ngôn ngữ thân thuộc như vậy tạo nên một ngữ hệ.


    * Ngữ hình
    x. hệ biến hóa


    * Ngữ hình học

    1. Học thuyết xem xét các đơn vị ngôn ngữ như những yếu tố của hệ thống ngôn ngữ, như tổng thể các đơn vị cấu trúc gắn bó với nhau bởi những quan hệ đối lập, gộp chúng lại thành những cột dọc (như các hình thái cách của một danh từ, các hình thái ngôi của một động từ v.v...) ; còn gọi là hệ hình học. Ngữ hình học là một trong hai bình diện nghiên cứu hệ thống ngôn ngữ được xác định bởi sự chia tách và đối lập hai kiểu quan hệ giữa các yếu tố và các đơn vị ngôn ngữ - quan hệ ngữ đoạn và quan hệ biến hóa. Đó là bộ môn khoa học về ngôn ngữ, nghiên cứu các quan hệ biến hóa, sự phân loại chúng xác định phạm vi tác động của chúng, đối lập với ngữ đoạn học về kiểu quan hệ được nghiên cứu.

    2. Hệ thống ngôn ngữ hiểu như là toàn bộ các lớp ngôn ngữ, đối lập với ngữ đoạn học hiểu như là sự đồng nghĩa với khái niệm quá trình ngôn ngữ.


    * Ngữ không tự do
    x. cụm từ cố định


    * Ngữ lưu
    Chuỗi âm thanh nối tiếp nhau liên tục được người nghe phân lập và cảm nhận như một chuỗi có tổ chức các đơn vị của cấp độ ngữ nghĩa.


    * Ngữ năng
    x. năng lực ngôn ngữ


    * Ngữ nghĩa

    1. Toàn bộ nội dung, thông tin được ngôn ngữ truyền đạt hoặc được đơn vị nào đó của ngôn ngữ thể hiện (như từ, hình thái ngữ pháp của từ, cụm từ, câu).

    2. x. ngữ nghĩa học.


    * Ngữ nghĩa học
    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu ngữ nghĩa từ vựng, tức là nghiên cứu các ý nghĩa của từ, cụm từ được dùng để gọi tên, định danh các đối tượng và hiện tượng riêng lẻ của thực tế khách quan.


    * Ngữ nghĩa học chức năng
    Học thuyết giải thích sự biến đổi ngữ nghĩa của từ bằng sự trùng hợp về chức năng của các sự vật khác nhau về thể chất được từ đó gọi tên.


    * Ngữ nghĩa học đại cương

    1. Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các quy luật cơ bản việc cấu tạo mặt bên trong (ý nghĩa) của các đơn vị ngôn ngữ.

    2. Khuynh hướng hiện đại trong ngôn ngữ học đại cương biện dẫn tính chất không đắc dụng của các ngôn ngữ tự nhiên trong việc đáp ứng các nhu cẩu giao tiếp hiện nay (vì tính thiếu lôgíc của chúng do "sự sùng bái từ ngữ" vốn là đặc thù của các ngôn ngữ tự nhiên) và đi tìm các biện pháp thay thế chúng bằng những "ngôn ngữ" lôgíc hợp lí.


    * Ngữ pháp

    1. Toàn bộ các quy tắc biến đổi và kết hợp từ thành cụm từ, câu được cấu thành đối với một ngôn ngữ.

    2. Cơ cấu của từ, cụm từ và câu vốn có đối với một ngôn ngữ.

    3. Ngữ pháp học (nói tắt).


    * Ngữ pháp cải biến
    x. ngữ pháp tạo sinh


    * Ngữ pháp chức năng

    Một biến thể của ngữ pháp học có đối tượng nghiên cứu là chức năng của các đơn vị của cấu trúc ngôn ngữ và những quy tắc hoạt động, hành chức của các đơn vị này. Bộ môn ngữ pháp này xem xét trong một hệ thống duy nhất các phương tiện có quan hệ với các cấp độ ngôn ngữ khác nhau, nhưng lại được thống nhất lại trên cơ sở giống nhau về chức năng ngữ nghĩa của chúng. Đối tượng của ngữ pháp chức năng là cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ trong hệ thống các chức năng của nó, trong sự hoạt động của nó nhờ sự tác động lẫn nhau với các yếu tố xung quanh. Đặc trưng chủ yếu của ngữ pháp chức năng là phát hiện, nghiên cứu các quy luật tương tác của những đơn vị ngữ pháp, của từ vựng và ngữ cảnh, của hệ thống hành chức của các phương tiện ngôn ngữ dùng để truyền đạt nghĩa của phát ngôn. Ngữ pháp chức năng là sự phát triển phương diện hoạt động của ngữ pháp học như là một chỉnh thể có khả năng chuyên biệt, tách riêng ra khi nghiên cứu phương diện hoạt động của các đơn vị ngôn ngữ theo hướng tiếp cận từ chức năng đến các phương tiện biểu hiện.


    * Ngữ pháp duy lí
    x. ngữ pháp logic


    * Ngữ pháp đối chiếu
    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu việc so sánh cơ cấu ngữ pháp của các ngôn ngữ khác nhau bất chấp giữa chúng có hay không có những liên hệ cội nguồn; còn gọi là ngữ pháp so sánh.


    * Ngữ pháp hàn lâm
    Ngữ pháp chuẩn được cơ quan khoa học cao cấp của một quốc gia thông qua.


    * Ngữ pháp hình thái
    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu các quan hệ ngữ pháp có hình thái biểu đạt và không đề cập tới tất cả các ý nghĩa quan hệ (các ý nghĩa ngữ pháp) không có hình thái biểu đạt, tức là không được biểu thị bằng các hình thái ngữ pháp của ngôn ngữ.


    * Ngữ pháp hóa

    1. Sự khái quát, trừu tượng hóa khỏi nội dung từ vựng cụ thể.

    2. Hiện tượng mất tính chất độc lập từ vựng của từ do việc sử dụng với chức năng phụ trợ. Chẳng hạn, động từ to be trong chức năng trợ từ He is a student và He is Writing.

    3. Sự biến đổi cụm từ thành hình thái phân tích của từ.


    * Ngữ pháp học

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu cơ cấu ngôn ngữ, tức là nghiên cứu hệ thống các phạm trù hình thái, các phạm trù cú pháp, các cấu trúc của từ, các kiểu cụm từ và câu, các phương thức biến đổi và sản sinh từ, các quan hệ giữa chúng mà không tính đến ý nghĩa vật chất cụ thể của chúng. Ngữ pháp học có quan hệ với sự khái quát và trừu tượng. Đó là những sự khái quát về các phương thức tạo từ, các quan hệ đa dạng trong cụm từ và câu. Tóm lại, ngữ pháp học là khoa học nghiên cứu cơ cấu ngữ pháp của ngôn ngữ.


    * Ngữ pháp học trẻ

    Khuynh hướng ngôn ngữ học bắt đầu ở Đức vào những năm 70 thế kỉ XIX. Đại diện cho khuynh hướng này là A. Leskien, G. Osthoff, K. Brugmann,
    H. Paul, A. Fick, G. Colliza...

    Tư tưởng chính của Ngữ pháp học trẻ là quan niệm ngôn ngữ như một hiện tượng tâm lí cá nhân: các khái niệm được ngôn ngữ biểu thị phát sinh không từ đâu khác ngoài từ tâm hồn của các cá nhân. Sự giao tiếp bằng ngôn ngữ chỉ có thể xảy ra nhờ cuộc sống tâm lí của mọi người giống nhau và âm thanh ngôn ngữ của người nói gợi ra ở người nghe một và chỉ một tập hợp các biểu tượng chung cho cả người nói và người nghe.


    * Ngữ pháp lịch đại
    x. ngữ pháp lịch sử


    * Ngữ pháp lịch sử
    Ngữ pháp học nghiên cứu cơ cấu của từ, cụm từ và câu trong sự phát triển lịch sử của chúng bằng cách so sánh các giai đoạn khác nhau trong tiến trình lịch sử của chúng; còn gọi là ngữ pháp lịch đại. 


    * Ngữ pháp lôgíc
    Một khuynh hướng trong ngữ pháp học theo quan điểm đồng nhất các phạm trù ngữ pháp với các phạm trù lôgíc; còn gọi là ngữ pháp duy lí.


    * Ngữ pháp miêu tả
    Ngữ pháp học hướng đến việc mô tả thuần túy ở bình diện đương đại về cơ cấu của từ, cụm từ và câu của một ngôn ngữ bằng cách quan sát theo kinh nghiệm những văn bản riêng biệt.


    * Ngữ pháp nhà trường
    Tên gọi quy ước của ngữ pháp truyền thống được giảng dạy ở các trường phổ thông.


    * Ngữ pháp phổ quát

    Lí thuyết ngữ pháp có nhiệm vụ nghiên cứu, lí giải các phổ quát ngôn ngữ phục vụ cho việc xây dựng các ngữ pháp tạo sinh cho từng ngôn ngữ cụ thể. Ngữ pháp phổ quát được xây dựng từ tập hợp các quy tắc ngôn ngữ thấy được qua các ngôn ngữ tự nhiên của loài người.

    Có những điều giống nhau cho mọi ngôn ngữ trên thế giới, gọi là những phổ quát ngôn ngữ, hay phổ niệm ngôn ngữ. Những nghiên cứu về phổ quát ngôn ngữ chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm phục vụ việc dịch máy và những vấn đề của ngữ pháp tạo sinh. Để thực hiện việc dịch máy cần thiết xây dựng một siêu ngôn ngữ; đổng thời để xây dựng các ngữ pháp tạo sinh cho từng ngôn ngữ, cần thiết phải xây dựng một lí thuyết ngữ pháp đại cương.

    Hai nhu cầu trên đây dẫn đến việc cần thiết nghiên cứu các điểm giống nhau giữa các ngôn ngữ, giống nhau trong phạm vi nào, cấp độ nào, ở từng mặt cụ thể nào và giống nhau như thế nào. Đó là cơ sở ra đời của ngữ pháp phổ quát.

    * Ngữ pháp sản sinh
    x. ngữ pháp tạo sinh
    x. ngữ pháp đối chiếu



    [...]
     
    teacher.anh and deathshine like this.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Ngữ pháp tạo sinh

    1. Một trong các nhánh của khuynh hướng hình thức trong ngôn ngữ học xuất hiện dưới ảnh hưởng các ý tưởng của N.Chomsky trong những năm 50-60 của thế kỉ XX, dựa trên cơ sở miêu tả ngôn ngữ dưới dạng các mô hình hình thức theo một kiểu xác định, còn gọi là ngữ pháp sản sinh, ngữ pháp cải biến. Ngữ pháp tạo sinh là một kiểu mô hình hình thức có tính chất cơ bản đối với ngôn ngữ học sản sinh.

    Cũng có khi người dùng bộ phận chủ yếu của ngữ pháp tạo sinh là các phép cải biến để gọi tên cho nó: ngữ pháp cải biến (còn được gọi là ngữ pháp chuyển hóa, ngữ pháp hóa sinh, hoặc ngữ pháp biến đổi). Ngữ pháp tạo sinh miêu tả năng lực ngôn ngữ của người nói. Cấu trúc của ngữ pháp tạo sinh có ba thành tố cơ bản là: thành tố cú pháp, thành tố ngữ nghĩa và thành tố âm vị, trong đó thành tố cú pháp là thành tố chủ yếu và trung tâm, còn thành tố ngữ nghĩa và âm vị chỉ thực hiện chức năng giải thích cho thành tố cú pháp. Cấu trúc chìm và cấu trúc nổi là hai khái niệm cơ bàn trong ngữ pháp tạo sinh. Cấu trúc chìm của một câu giải thích ý nghĩa của câu, còn cấu trúc nổi cho ta sự biểu hiện ngữ âm của câu.

    Tóm lại, ngữ pháp tạo sinh là một khuynh hướng trong ngôn ngữ học hiện đại, coi nhiệm vụ của ngôn ngữ học là khám phá quy luật nội tại của cấu trúc ngôn ngữ. Cấu trúc ngôn ngữ được hình dung dưới dạng một "cơ chế” hoặc "kết cấu" nào đó không những được quan sát trong quá trình hoạt động tự nhiên của ngôn ngữ, mà còn được đưa vào hoạt động bằng con đường nhân tạo cho việc nghiên cứu khoa học.

    2. Ngữ pháp được xây dựng như một hệ thống suy diễn, dựa vào đó có thể giải thích trực tiếp và hợp lí tất cả sự đa dạng thật sự của các chức năng của từ và cấu trúc cú pháp. Vì vậy văn bản (phát ngôn) được mô tả không phải bằng hệ thống các thuật ngữ tạo thành trực tiếp mà là bằng một hệ thuật ngữ của toàn bộ các quy tắc hoàn chỉnh cần thiết để cấu tạo (sản sinh) nó; các quy tắc đó cần phải bao trùm không những cú pháp học, hình thái học biến đổi từ mà còn cơ cấu cấu tạo từ và âm vị học.


    * Ngữ pháp văn bản
    Ngữ pháp dùng để mô tả văn bản.


    * Ngữ pháp vị

    1. Đơn vị nhỏ nhất của cấp độ ngữ pháp.

    2. Đơn vị nền tảng của ý nghĩa ngữ pháp.

    Ngữ pháp vị là một thành tố của phạm trù ngữ pháp. Về mặt ý nghĩa, nó là khái niệm nằm trong quan hệ với ý nghỉa của phạm trù ngữ pháp. Cũng như phạm trù ngữ pháp nói chung, ngữ pháp vị là sự thống nhất của ý nghĩa và các phương thức biểu hiện nó. Trong cấu trúc của phạm trù ngữ pháp, ngữ pháp vị là một trong các dãy đối lập nhau của hình thái ngữ pháp cấu thành phạm trù ngữ pháp như là một hệ thống.

    Kiểu cấu trúc cơ bản của ngữ pháp vị là một dãy các dạng thức hình thái được liên kết lại bởi ý nghĩa của mỗi thành phần của phạm trù ngữ pháp.


    * Ngữ thời học

    Lĩnh vực của ngôn ngữ học so sánh lịch sử nghiên cứu và phát hiện ra tốc độ biến đổi ngôn ngữ, đồng thời xác định sự chia tách các ngôn ngữ họ hàng và sự gần gũi giữa chúng trên cơ sở một khoảng thời gian nhất định.

    Xuất phát từ giả thuyết vốn từ vựng cơ bản của mọi ngôn ngữ đều thay đổi theo một nhịp điệu tương đối ổn định, Morris Swadesh đã xây dựng lí thuyết xác định khoảng thời gian giữa hai trạng thái của một ngôn ngữ. Từ đó ông tìm ra phương pháp so sánh hai ngôn ngữ có quan hệ họ hàng xem chúng đã phân tách khỏi nhau từ bao lâu rồi; tức là ông đề ra phương pháp xác định niên đại mà các ngôn ngữ họ hàng đã phân tách khỏi nhau.

    Phương pháp này như sau: Trong mọi ngôn ngữ tự nhiên đều tồn tại một lớp từ cơ bản. Đó là những từ: a) Chỉ những khái niệm chung nhất về thiên nhiên; b) Chỉ những hoạt động chung nhất, căn bản nhất của con người; c) Chỉ những bộ phận cơ bản nhất của con người và những quan hệ tất yếu trong mỗi cộng đồng xã hội. Những từ này rất ít thay đổi, và sự thay đổi của chúng rất đều đặn theo thời gian. Swađesh đã đối chiếu tiếng Bồ Đào Nha, Rumani hiện đại với tiếng Latinh cổ, đối chiếu tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hán hiện đại với các tiếng đó tương ứng thời cổ đại. ông thu được kết quả là trong 1000 năm thì khoảng 74% - 91% các từ cơ bản còn giữ lại. Ở mỗi ngôn ngữ có một hệ số chỉ tỉ lệ phần trăm các từ còn giữ lại. Bằng tính toán ông đi tới công thức:

    T = lnc : lnr​

    Trong đó: T là thời gian mà hai ngôn ngữ đã tách khỏi nhau; c là vốn từ cơ bản chung còn lại của hai ngôn ngữ; r là hệ số bảo toàn các từ cơ bản của hai ngôn ngữ được so sánh, tính theo 1000 năm; ln là lôgarít.


    * Ngữ tính từ
    x. cụm tính từ


    * Ngữ tự do
    x. cụm từ tự do


    * Ngữ trị
    x. hóa trị


    * Ngữ văn học
    Tên gọi chung của các môn học nhân văn như văn học, ngôn ngữ học, văn bản học, cổ tự học, v.v... nghiên cứu văn hóa tinh thần của con người nhờ việc phân tích ngôn ngữ và phong cách các văn bản. Văn bản trong tổng thể tất cả các bình diện bên trong và các quan hệ bên ngoài là hiện thực xuất phát của ngữ văn học.


    * Ngữ vị

    Đơn vị cấu trúc cơ bản của bình diện nội dung, hoặc đơn vị nhỏ nhất của ý nghĩa ngôn ngữ có khả năng biến dạng và tái hiện trong lời nói.

    Thuyết ngôn ngữ học đại cương, là sự thể hiện triệt để nhất của chủ nghĩa cấu trúc trong ngôn ngữ Tây Âu; có ý đồ trở thành một loại "đại số học” đặc thù của ngôn ngữ, và do đó sưu tầm những phương pháp đơn thuần hình thức để mô tả các cấu trúc ngôn ngữ.

    Ngữ vị học đòi hỏi nghiên cứu mặt biểu đạt và mặt nội dung trong ngôn ngữ như là những "hình thái" đặc hiệu, tức là không hướng tới "thể chất" của chúng - tới một bên là nội dung hiện thực, và một bên là âm hưởng hiện thực. Ngữ vị học được L.Hjelmslev (1899 - 1965), H.J.Uldall (1907-1957) và những thành viên khác của trường phái ngôn ngữ học Côpenhagen (Đan Mạch) nghiên cứu trong những thập kỉ 30-50. Tên gọi "ngữ vị học" được lựa chọn với mục đích nhấn mạnh sự khác biệt về nguyên tác của học thuyết này với cái gọi là ngôn ngữ học truyền thống. Ngữ vị học coi đối tượng duy nhất và chân chính của ngôn ngữ học là ngôn ngữ xét trong bản thân nó và vì bản thân nó; coi ngôn ngữ như một mục đích tự thân, chứ không phải một phương tiện (nguyên tắc nội tại). Người nghiên cứu phải tìm ra những hằng thể trong lòng cái cấu trúc nội tại ấy. Đó là lí thuyết cấu trúc thuần túy, táo bạo nhất, đi sâu vào các chi tiết, nhằm làm cho khoa học ngôn ngữ thoát khỏi mọi nhận định chủ quan.

    Hjelmslev cố gắng xây dựng nên một thứ đại số học ngôn ngữ, nghĩa là một mạng lưới định nghĩa, tạo thành một hệ thống có thể dùng làm khuôn mẫu và mô hình, miêu tả cho tất cả các ngôn ngữ cụ thể. Ngữ vị học phân biệt bình diện biểu hiện và bình diện nội dung trong ngôn ngữ, gắn cho các thuật ngữ này một ý nghĩa trừu tượng, tức là cho phép có thể sử dụng thuật ngữ này thay cho thuật ngữ kia. Theo Hjelmslev, nếu trên bình diện biểu hiện đã có khả năng phân tiết đôi (mônem chia thành xênem), thì trên bình diện nội dung cũng có thể có cách phân tiết như thế, để tìm ra kết cấu hình thức của nó. Do đó, bình diện biểu hiện, cũng như bình diện nội dung đều có những quy tắc tổ chức giống nhau, đều có một kiểu kết hợp: đó là nguyên tắc đồng hình (isomorphiame). Để chứng minh luận điểm này Hjelmslev áp dụng vào lĩnh vực ý nghĩa (bình diện nội dung) phép giao hoán, mà các nhà âm vị học đã áp dụng thành công vào lĩnh vực âm thanh (ở bình diện biểu hiện). Nếu trong mônem (con) bê, nhà âm vị học phân tích ra hai đơn vị "b" và "ê", là vì mỗi đơn vị ấy có thể thay thế bằng một đơn vị khác, và những cách thay thế này sẽ đưa đến hai nghĩa khác nhau, ví dụ, như: "tê", "bi". Cũng cái phương pháp giao hoán ấy, có thể áp dụng vào nội dung các hình vị. Ví dụ hình vị (con) bê có thể phân tích thành các nghĩa vị (nét nghĩa): bò + non + giống (đực, cái)". Cũng vậy, trong cái tập hợp nghĩa vị (nét nghĩa) của từ Jument (ngựa cái) = (cheval (ngựa) + elle (giống) cái)), nếu thay "elle" bằng "il" (giống đực), sẽ có từ "étalon" (ngựa đực). Do đó, đối với ngữ vị học, đơn vị ngôn ngữ cơ bản không còn là kí hiệu nữa. Điểm khác nhau này với học thuyết của F.de Saussure cũng là một trong những điểm mà Hjelmslev bị công kích nhiểu nhất.

    Như vậy, trong ngữ vị học, bình diện nội dung và bình diện biểu hiện đều có hình thức của nó và cái hình thức đó có thể phân tích ra được. Cái hình thức ấy của bình diện nội dung có thể phân tích thành các nghĩa vị (nét nghĩa) mà Hjelmslev gọi là hình (figures) của nội dung hay plêrem (plérémmes), còn hình thức của bình diện biểu hiện có thể phân tích ra hình của biểu hiện, gọi là xênem (cénème). Với một số ít (vài ba chục) xênem (âm vị) cho phép tạo ra vô vàn cái biểu hiện (từ), và một tập hợp hữu hạn (quãng vài trăm) filêrem (nghĩa vị) cho phép nhận thức được nội dung của vô vàn kí hiệu ngôn ngữ.


    * Ngữ vựng

    1. Toàn bộ các từ của một ngôn ngữ hay một phương ngữ.

    2. Hệ thống toàn bộ các từ của một ngôn ngữ nào đó, của một thổ ngữ hay biệt ngữ.


    [...]
     
    teacher.anh and deathshine like this.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Từ

    Đơn vị cấu trúc - ngữ nghĩa cơ bản của ngôn ngữ dùng để gọi tên các sự vật và thuộc tính của chúng, các hiện tượng, các quan hệ của thực tiễn, là một tổng thể các dấu hiệu ngữ âm, ngữ nghĩa và ngữ pháp đặc trưng cho từng ngôn ngữ. Các dấu hiệu đặc trưng của từ là tính hoàn chỉnh, tính có thể phân chia thành các bộ phận và khả năng tái hiện lại dễ dàng trong lời nói.

    Từ có thể phân chia thành các cấu trúc: cấu trúc ngữ âm của từ, cấu trúc hình thái của từ và cấu trúc ngữ nghĩa của từ.

    Cấu trúc ngữ âm của từ là toàn bộ các hiện tượng âm thanh tạo nên vỏ âm thanh của từ.
    Cấu trúc hình thái của từ là toàn bộ các hình vị tạo nên từ;
    Cấu trúc ngữ nghĩa của từ là toàn bộ các nghĩa khác nhau của từ.

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu".

    (Mai Ngọc Chù - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt.
    Nxb ĐH và GDCN, H., 1990, tr. 165)​

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, có kết cấu vỏ ngữ âm bền vững hoàn chỉnh, có chức năng gọi tên: được vận dụng độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để tạo câu".

    (Mai Ngọc Chù - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt.
    Nxb DH và GDCN, H„ 1990, tr.170)​

    "Từ là đơn vị đặc biệt có thể diễn đạt một nội dung tối thiểu đầy đủ và phân biệt với các đơn vị ngôn ngữ khác...

    Từ là đơn vị cơ bản chủ yếu có khả năng vận dụng độc lập mang nghĩa từ vựng, nghĩa ngữ pháp. Chúng ta gọi từ là đơn vị trung tâm, vì từ có đầy đủ những tiêu chuẩn của đơn vị ngôn ngữ cơ bản và là đơn vị quan trọng nhất".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968. tr.33 - 34)​

    "Từ là đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ. Nó là một đơn vị hoàn chỉnh tức các bộ phận thành tố của nó kết hợp thành một khối thống nhất chặt chẽ không rời rạc hay nói như Xmia-nit-xki là có tính định hình".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr.17)​

    "Từ là một đơn vị cụ thể của ngôn ngữ. Khi nói đến một ngôn ngữ là phải nghĩ ngay đến từ vì ngôn ngữ mà không có từ thì không tồn tại được. Với tư cách là một công cụ giao tiếp, trước hết ngôn ngữ phải là một công cụ bằng từ."

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr. 147)​

    "Từ là một đơn vị định danh của ngôn ngữ, nó cũng là một hỉnh thức ngữ pháp được các thành viên của một tập thể hiểu như nhau trong quá trình trao đổi. Từ có âm thanh và hình thức. Tuy vậy âm thanh và hình thức chỉ là những phương tiện cấu tạo nên từ, bản thân chúng chưa phải là từ. Chỉ khi nào gán liền với một ý nghĩa nào đấy thì chúng mới có khả năng biểu đạt tư tưởng".

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ
    hội học)
    . Nxb GD, H., 1962, tr.3)​

    "Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, từ là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, có thể tách ra khỏi các đơn vị khác của lời nói để vận dụng một cách độc lập và là một khối hoàn chỉnh về ngữ âm, ý nghĩa (từ vựng hoặc ngữ pháp) và chức năng ngữ pháp".

    (Nguyễn Kim Thản. Nghiên cứu về ngữ pháp
    tiếng Việt
    (tập 1). Nxb KH, H., 1963, tr.64)​

    "Trong ngôn ngữ, từ là ngữ đoạn có tính chất định tên, một số tính chất định chức hoặc chỉ có tác dụng hỗ trợ. Đây là ngữ đoạn tính, có sẵn”.

    (Lưu Vân Lăng. Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt
    trên quan điểm ngữ đoạn tầng bậc có hạt nhân.
    "Ngôn ngữ"
    3, H„ 1970, tr.57)​

    "Từ là đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất, có ý nghĩa và độc lập trong lời nói, nghĩa là nó được vận dụng một cách tự do theo quy luật kết hợp của ngữ pháp."

    (Nguyễn Nguyên Trú. Một số suy nghĩ xung quanh
    việc xác định từ láy đôi trong tiếng Việt hiện đại.

    "Ngôn ngữ' 3, H., 1970, tr.58)​

    "Từ giống cụm từ cố định ở chỗ chúng đều được tái hiện dưới dạng làm sẵn, khi sử dụng trong lời nói; chúng đã cố định về thành phần và cấu trúc, đều bền vững về ngữ nghĩa và tính chất tu từ - biểu cảm. Điều khác nhau giữa chúng là thành phần cấu tạo: cụm từ cố định gồm từ hai thực từ trở lên, còn từ thì được cấu tạo bằng hỉnh vị."

    (Vương Đông San. Thành ngữ so sánh trong
    tiếng Việt. "Ngôn ngữ"
    1, H., 1974, tr.2)​

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất có thể vận dụng độc lập ở trong câu. Nhưng không phải bất kì một từ nào cũng là một đơn vị tế bào của cú pháp".

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb
    ĐH và THCN, H., 1975. tr. 326)​

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất mà có thể vận dụng độc lập được..."

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1975, tr. 360)​

    "Tất cả những đặc điểm từ pháp, cú pháp quan trọng đó đều bắt nguồn từ một đặc điểm gốc mà mọi người đểu biết là từ tiếng Việt không có biến hóa hình thái".

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt
    Nxb ĐH và THCN, H., 1975, tr. 45)​

    "Trong tiếng Việt từ không biến hóa hình thái."

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt.
    Nxb DH và THCN, H., 1975, tr.329).​

    "Từ là đơn vị cơ bản của cấu trúc ngôn ngữ ở giữa hình vị và cụm từ. Nó được cấu tạo bằng một hay nhiều đơn vị ở hàng ngay sau nó tức là hình vị và lập thành một khối hoàn chỉnh".

    (Đái Xuân Ninh. Hoạt động của từ tiếng Việt.
    Nxb KHXH, H., 1978, tr.24)​

    "Từ là đơn vị ngữ ngôn có chức năng định danh phi liên kết hiện thực, hoặc chức năng mô phỏng tiếng động có khả năng kết hợp tự do, có tính vững chắc về cấu tạo và tính nhất thể về ý nghĩa.”

    (Hồ Lê. Vấn đề cấu tạo từ của tiếng Việt hiện đại.
    Nxb KHXH. H., 1976, tr. 104)​


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/8/15
    teacher.anh thích bài này.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    "Từ là một hình thái ngôn ngữ tự do, không thể chia thành những hỉnh thái tự do nhỏ hơn. Ví dụ: tay, chân, chim, nhà v.v... Theo định nghĩa trên đây, những đơn vị sau đây không thể xét chúng như là một từ được: hòa bình, cấm cửa, tạp chí, v.v..."

    (Đinh Quang Kim. Từ - "Giữ gìn sự trong sáng
    của tiếng Việt về mặt từ ngữ."
    Nxb KHXH, H.,
    1981, tr.5)​

    "Định nghĩa từ ngữ Việt Nam. Nếu ta cho từ ngữ là một đơn vị mang ý nghĩa nhỏ nhất, không thể phân tích được nữa, thì ta có thể định nghĩa một từ ngữ Việt Nam là: một âm hiệu mang một ý nghĩa riêng biệt và có một phận sự ngữ pháp trong câu nói: Theo định nghĩa này, trong tiếng Việt, ta có thể xác định ngay một bên là những từ đơn và bên kia là những từ phức".

    (Lê Văn Lý. Cách thức câu tạo và tố hợp của từ
    ngữ Việt Nam - "Giữ gìn sự trong sáng cùa tiếng
    Việt về mặt từ ngữ."
    Nxb KHXH, H., 1981, tr.56)​

    "Mặc dù trên những bình diện khác nhau, có những đơn vị cấu tạo từ khác nhau: hình trong từ vựng và tiếng trong ngữ pháp, nhưng từ là giao điểm của nhiều hệ thống đơn vị. Là đơn vị sẵn có, nói chung có chức năng định danh (nghĩa rộng), từ mang nhiều chất thực dụng trong đời sống. Muốn dễ xác định một cách khách quan, nên dựa vào tính tách biệt của từ."

    (Lưu Vân Lăng. Xác định quan niệm từ ngữ trong
    tiếng Việt - "Giữ gìn sự trong sáng cùa tiếng Việt
    về mặt từ ngữ"
    . Nxb KHXH, H., 1981, tr. 12)​

    "Từ ngữ không phải là đơn vị nhỏ nhất, mà là ngữ đoạn, nên đều có khả năng dùng tách biệt (hai đặc điểm này mật thiết với nhau). Nhưng đơn vị dùng tách biệt nhỏ nhất mới là từ. Có thể nói từ là đơn vị tách biệt nhỏ nhất. Nói cách khác từ là ngữ đoạn (tĩnh) nhỏ nhất".

    (Lưu Vân Lăng. Xác định quan niệm từ ngữ trong
    tiếng Việt - "Giữ gìn sự trong sáng cùa tiếng Việt
    về mặt từ ngữ".
    Nxb KHXH, H., 1975, tr. 12)​

    "Đặc điểm cơ bản của từ giúp ta dễ phân biệt từ với các đơn vị cấu tạo từ là hình (trong từ vựng) và tiếng (trong ngữ pháp) là khả nảng dùng tách biệt".

    (Lưu Vân Lăng. Xác định quan niệm từ ngữ trong
    tiếng Việt - "Giữ gìn sự trong sáng cùa tiếng Việt
    về mặt từ ngữ"
    . Nxb KHXH, H., 1981, tr. 12)​

    "Để khỏi phải tham gia vào cuộc tranh luận về vấn đề từ là gì, chúng ta tạm thời chấp nhận định nghĩa sau đây về từ của tiếng Việt: từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định, bất biến, mang những đặc điểm ngữ pháp nhất định, nằm trong những kiểu cấu tạo nhất định, tất cả ứng với một kiểu ý nghĩa nhất định, lớn nhất trong tiếng Việt và nhỏ nhất để tạo câu".

    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H , 1981, tr.14)​

    Từ là đơn vị có nghĩa nhỏ nhất của lời nói, có tính độc lập."

    (Nguyễn Thiện Giáp. Tính độc lập không độc
    lập của đơn vị ngôn ngữ - "Giữ gìn sự trong
    sáng cùa tiếng Việt về mặt từ ngữ".
    Nxb KHXH,
    H, 1981, tr. 15)​

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất để đặt câu. Từ có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định".

    (UBKHXHVN. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH,
    H., 1983, tr.22)​

    "Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh và cấu tạo ổn định dùng để đặt câu".

    (UBKHXHVN. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb KHXH,
    H., 1983, tr. 49)​


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    "Trong ngôn ngữ một đơn vị đã được dùng tách biệt, tất phải mang một ý nghĩa nhất định. Đơn vị tách biệt nhỏ nhất, sẵn có, mang một ý nghĩa nhất định, trong ngữ học thường được gọi là từ".

    (Lưu Vân Lãng. Vị trí của từ và những đơn vị
    cấu tạo từ trong hệ thống ngôn ngữ.

    "Ngôn ngữ' 3, H., 1984, tr.52)​

    "Từ của tiếng Việt là một chỉnh thể nhỏ nhất có ý nghĩa dùng để tạo câu nói: nó có hình thức của một âm tiết, một "chữ" viết lời".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H„ 1985, tr.72)​

    "Bất kì đơn vị nào, lớn nhất trong hệ thống của một ngôn ngữ và nhỏ nhất để tạo câu thì đều là từ (3).

    (3) Đây là nói những đặc trưng chủ yếu của từ, hình vị và các đơn vị khác. Thực ra có rất nhiều trường hợp trung gian".

    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1985, tr.6)​

    "Từ là đơn vị ngôn ngữ mà bắt đẩu từ nó ngôn ngữ mới thực hiện chức năng giao tiếp và chức năng tư duy."

    (Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ và từ
    tiếng Việt.
    Nxb KHXH H., 1986, tr.20)​

    "Từ có những đặc điểm:

    a. Có hình thức ngữ âm và ý nghĩa;
    b. Có tính sẵn có, cố định, bắt buộc;
    c. Là những đơn vị thực tại, hiển nhiên của ngôn ngữ. Nó là đơn vị lớn nhất của hệ thống ngôn ngữ (...).
    d. Nhưng nó lại là đơn vị nhỏ nhất ở trong câu, là đơn vị trực tiếp nhỏ nhất để tạo câu”.

    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1985, tr.6)​

    "Từ là một đơn vị hai mặt: mặt hình thức và mặt ý nghĩa. Mặt hình thức theo chúng tôi, là một hợp thể của một số thành phần: thành phần ngữ âm (còn gọi là ngoại biểu), thành phẩn cấu tạo (còn gọi là cấu trúc của từ) và thành phẩn ngữ pháp".

    (Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ và từ
    tiếng Việt.
    Nxb KHXH, H., 1986, tr.21)​

    "Từ tiếng Việt là những phân đoạn ngữ âm cố định, bất biến, phản ánh một cách trực tiếp theo quan hệ 1/1 số lượng hình vị và phương thức cấu tạo; toàn bộ ứng với một hoặc một số từ - ngữ nghĩa gồm một khuôn từ loại và những nét nghĩa riêng cho mỗi từ và ứng với một tập hợp những đặc điểm ngữ pháp chủ yếu mà ngoài từ phù hợp với mỗi từ - ngữ nghĩa. Đó là những đơn vị trong hệ thống từ vựng tiếng Việt - tức là lớn nhất trong hệ thống từ vựng tiếng Việt - và nhỏ nhất để tạo câu, chứa đựng trong bản thân những cấu trúc từ - ngữ nghĩa, từ - cấu tạo và từ - ngữ pháp, chúng cho nhiều từ khác cùng loại".

    (Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ và từ
    tiếng Việt.
    Nxb KHXH, H., 1986, tr.138)​

    "Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định bất biến, có một ý nghĩa nhất định, nằm trong một phương thức (hoặc kiểu cấu tạo) cấu tạo nhất định, tuân theo những kiểu đặc điểm ngữ pháp nhất định, lớn nhất trong từ vựng và nhỏ nhất để tạo câu".

    (Đỗ Hữu Châu. Các bình diện của từ và từ
    tiếng Việt.
    Nxb KHXH, H., 1986, tr.139)​


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Từ căn
    x. gốc từ


    * Từ cấm kị

    Từ bị cấm sử dụng vì những nguyên nhân về tín ngưỡng mê tín dị đoan và những thiên kiến, định kiến, cũng như do những lí do cấm đoán về mặt kiểm duyệt, hoặc do sự e ngại, sợ hãi khi dùng những từ ngữ thô tục khiếm nhã một cách trực tiếp; còn gọi là từ kiêng kị.

    Hiện tượng cấm kị liên quan đến từ cấm kị.

    Chức năng ma thuật của lời nói, nghĩa là liên quan đến lòng tin về khả năng tác động trực tiếp đến thế giới chung quanh nhờ ngôn ngữ.

    Hiện tượng từ cấm kị là đặc thù đối với các ngôn ngữ của các dân tộc có nền văn hóa cổ xưa (như các dân tộc ở châu Phi, châu Đại Dương...) nhưng nhìn chung ở mọi ngôn ngữ đều có các từ cấm kị.


    * Từ câu

    1. Câu chỉ bao gồm một từ hoặc một cụm từ cố định. Chẳng hạn như: Không. Dĩ nhiên. Thế. Ào. Rồi.

    2. Đơn vị ngôn ngữ kiêm nhiệm cả chức năng định danh lẫn chức năng giao tiếp trong các ngôn ngữ hỗn nhập.


    * Từ cổ

    Từ không còn được sử dụng trong đời sống hàng ngày nhưng còn được bảo tồn trong vốn từ tiêu cực và được thay thế bởi từ đồng nghĩa định danh cùng một sự vật. Chẳng hạn: han (hỏi), chăng (không), dấu (yêu dấu), âu (lo âu), trong tiếng Việt.

    "Từ cổ là những từ đã bị loại ra ngoài ngôn ngữ tiêu chuẩn".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 171)​

    "Từ ngữ cổ là những từ ngữ biểu thị những đối tượng trong tiếng Việt hiện nay có các từ đồng nghĩa tương ứng".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb DH và THCN, H., 1985, tr. 328-329)​

    "Từ cổ là những từ bị đẩy ra ngoài hệ thống từ vựng hiện đại, bởi trong quá trình phát triển, biến đổi đã xảy ra những xung đột về đồng nghĩa hoặc đồng âm và bị từ khác thay thế".

    (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb
    ĐH và GDCN, H., 1990, tr. 271)​


    * Từ cũ

    Từ hiện nay không còn sử dụng nữa và được coi như dấu vết của thời kì xa xưa trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Từ cũ bao gồm từ cổ và từ lịch sử. Các từ cũ tạo thành một tiểu hệ thống ngữ vựng trong vốn từ một ngôn ngữ. Tùy theo mức độ lỗi thời của chúng, có thể phân chia ra các nhóm: các từ mà hiện tại người sử dụng ngôn ngữ hiện tại không hiểu nghĩa của chúng nếu không dựa vào các từ điển giải thích từ nguyên và các từ mà người sử dụng ngôn ngữ hiện tại vẫn hiểu được nghĩa chúng nhưng nằm trong lớp tiêu cực và thường chỉ sử dụng với mục đích tu từ nhất định.


    * Từ đa nghĩa

    Từ có từ hai nghĩa trở lên, còn gọi là từ nhiều nghĩa, đối lập với từ đơn nghĩa là từ chỉ có một nghĩa.

    Chẳng hạn, từ chân trong tiếng Việt, với tư cách là đơn vị ngôn ngữ có 6 nghĩa khác nhau (theo "Từ điển tiếng Việt" Hà Nội, 1994) đó là:

    1. Bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng.
    2. Chân con người, coi là biểu tượng của cương vị, phận sự của một người với tư cách là thành viên của một tổ chức.
    3. Một phẩn tư con vật có bốn chân, khi chung nhau sử dụng hoặc chia nhau thịt.
    4. Bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng, có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác.
    5. Phần dưới cùng của một số vật, giáp và bám chặt vào mặt nền.
    6. Âm tiết trong câu thơ ở ngôn ngữ nhiều nước phương Tây.

    "Khi nói về từ nhiều nghĩa là nói về một từ có nhiều nghĩa khác nhau".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện
    đại
    . Nxb GD, H., 1968, tr. 81)​

    "Từ đa nghĩa là một từ, có sự thống nhất về nội dung và hình thức. Trong một giai đoạn lịch sử nhất định các nghĩa khác nhau của một từ đa nghĩa vẫn có liên hệ chặt chẽ với nhau và không thoát li nghĩa chính".

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập l, từ hội
    học)
    . Nxb GD, H., 1962, tr.85 - 86)​

    "Nếu từ tham gia vào những lớp tổ hợp, được dùng với những chức năng điển hình, đặc trưng cho một từ loại nhất định thì đó là dấu hiệu của hiện tượng nhiều nghĩa của từ".

    (Hà Quang Năng. Một số suy nghĩ về hiện tượng chuyển loại trong tiếng Việt - "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ".
    Nxb KHXH, H„ 1981, tr.51)​

    "Từ đa nghĩa có thể vừa có nghĩa tự do vừa có nghĩa hạn chế.

    Thí dụ:

    "dài" theo "Từ điển tiếng Việt" của Văn Tân có 3 nghĩa tự do: 1- Từ đầu nọ đến đầu kia có một quãng; 2 - Lâu mới hết; 3 - Nhiều. "Dài" trong "áo dài" có nghĩa hạn chế;

    "chua" theo "Từ điển tiếng Việt phổ thông" (A - C) có 5 nghĩa tự do: 1 - Có vị như vị của chanh, dấm; 2 - Có chứa nhiều chất a-xít (nói về đất); 3 - Có mùi của chất lên men như mùi của dấm; 4 - Giọng the thé, nghe khó chịu; 5 - Khó khăn vất vả rất nhiều. "chua" trong "cà chua" có nghĩa hạn chế'’.

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr.170-171)​

    "Từ đa nghĩa là những từ có một số nghĩa biểu thị những đặc điểm, thuộc tính khác nhau của một đối tượng, hoặc biểu thị những đối tượng khác nhau của thực tại".

    (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1990, tr.205)​


    * Từ đa tiết

    Từ bao gồm hai hoặc nhiều âm tiết, đối lập với từ đơn tiết là từ chỉ gồm có một âm tiết. Chẳng hạn, các từ gia đình, Tổ quốc, nhân dân, sân bay, cà chua, lăm le, câu lạc bộ, bâng khuâng, cổ sinh vật học... là từ đa tiết trong tiếng Việt.

    "Thuật ngữ "từ ghép" chúng tôi dùng ở đây có ý nghĩa tương đương như thuật ngữ "từ đa tiết", "từ đa âm".

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb
    ĐH và THCN, H., 1975, tr. 49)​

    "Từ đa tiết do tiếng có nghĩa kết hợp với tiếng có nghĩa tạo thành, ở tiếng Việt hầu như bao giờ cũng được cấu tạo nên theo sát mô hình cấu tạo của các đơn vị cú pháp".

    (Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb
    ĐH và THCN, H„ 1975, tr 41 - 42)​


    * Từ đệm

    Từ không liên quan với những từ khác trong câu về hình thái ngữ pháp, không phải là thành phần câu, biểu thị quan hệ hoặc thái độ của người nói đối với điều nói ra, chỉ rõ nguồn thông báo, mối quan hệ giữa các ý riêng lẻ trong phát ngôn; còn gọi là từ chêm, từ xen. Khi nói, từ đệm được phát âm kèm theo ngữ điệu riêng và sự ngắt giọng. Khi viết, từ đệm thường được tách biệt bằng dấu phẩy, ví dụ: Có lẽ, tôi không đến được. Thế thì, em đi với anh.


    * Từ địa phương

    Từ của một phương ngữ thuộc một ngôn ngữ dân tộc nào đó và chỉ phổ biến trong phạm vi vùng lãnh thổ của địa phương đó.

    "Từ địa phương không ở trong ngôn ngữ văn học mà thuộc về tiếng nói của một vùng nhất định. Chúng mang sắc thái địa phương. Người của địa phương này không hiểu những từ của địa phương kia".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 129)​

    "Khác với một số biến thể vốn là đơn vị trong cùng một hệ thống, từ ngữ địa phương là loại biến thể gắn với một hệ thống nằm ngoài hệ thống từ vựng tiếng Việt văn hóa. Điều đó bảo đảm cho một phương pháp định nghĩa phù hợp với chúng. Định nghĩa qua từ có nghĩa tương đương (trong tiếng Việt văn hóa)".

    (Phạm Văn Hảo. Bàn thêm một sổ điểm về việc
    thu thập và định nghĩa từ ngữ địa phương trong
    từ điển tiếng Việt phố thông."Ngôn ngữ"
    2, H.,
    1979, tr. 59)​

    "Những đơn vị từ vựng địa phương là những đơn vị từ vựng có ý nghĩa khác nhau nhiều hay ít kèm theo sự khác nhau về ngữ âm nhiều hay ít nhưng không nằm trong những sai dị ngữ âm đều đặn".

    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1981, tr.241)​

    "Từ địa phương là những từ được dùng hạn chế ở một họặc một vài địa phương. Nói chung, từ địa phương là bộ phận từ vựng của ngôn ngữ nói hàng ngày của bộ phận nào đó của dân tộc, chứ không phải là từ vựng của ngôn ngữ văn học. Khi dùng vào sách báo nghệ thuật, các từ địa phương thường mang sắc thái tu từ: diễn tả lại đặc điểm của địa phương, đặc điểm của nhân vật v.v..."

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr.292-293)​

    "Những từ thuộc một phương ngữ (tiếng địa phương) nào đó của ngôn ngữ dân tộc và chỉ phổ biến trong phạm vi lãnh thổ của địa phương đó, thl được gọi là từ địa phương".

    (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb
    ĐH và GDCN, H., 1990, tr. 263)​


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Từ điển

    Sách tra cứu bao gồm các từ, ngữ được sắp xếp theo một trật tự nhất định, giải thích ý nghĩa các đơn vị được miêu tả, cung cấp những thông tin khác nhau về chúng hoặc dịch chúng ra một ngôn ngữ khác, hoặc thông báo những kiến thức về các đối tượng do chúng biểu thị.

    Từ điển đóng vai trò to lớn trong văn hóa tinh thần, chứa những tri thức về mặt xã hội nhất định trong một thời kì lịch sử. Từ điển thực hiện các chức năng xã hội khác nhau, như chức năng thông báo, chức năng giao tiếp và chức năng chuẩn mực.

    "Từ điển là những tập sách tập hợp vốn từ vựng của một ngôn ngữ, xếp theo vần, theo đề tài hoặc theo nét, v.v... có giải nghĩa các từ và có chú thích cẩn thiết về chính tả, ngữ pháp, ngữ âm, tu từ học v.v...".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện
    đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr.269)​


    * Từ điển bách khoa

    Từ điển giới thiệu một cách cô đọng tình trạng hiểu biết khoa học hiện tại đã đạt được trong các lĩnh vực được thể hiện bằng các từ ngữ.

    * Từ điển chính tả

    Từ điển bao gồm các từ ở dạng chữ viết đúng chính tả.


    * Từ điển địa danh
    Từ điển bao gồm các tên gọi địa lí (tên đất nước, thành phố, sông ngòi, hổ, biển, núi non).


    * Từ điển đối chiếu
    x. từ điển song ngữ

    "Dịch từ trong từ điển của một thứ ngôn ngữ này sang một tiếng khác. Đó là từ điển đối chiếu".

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr. 183)​

    "Từ điển nhiều thứ tiếng còn được gọi là từ điển đối chiếu. Thông dụng và phổ biến nhất là từ điển hai thứ tiếng. Nhiệm vụ chủ yếu cùa từ điển đối chiếu là dịch tất cả các nghĩa khác nhau của từ ra ngôn ngữ khác. Tất nhiên kèm theo đó có sự chỉ dẫn sơ lược về từ vựng và ngữ pháp".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H., 1985, tr. 29)​


    * Từ điển giải thích

    Từ điển một thứ tiếng giải thích ý nghĩa và cách sử dụng của từ, ngữ, chỉ ra những đặc điểm ngữ pháp và ngữ âm của từ; còn gọi là từ điển tường giải.

    "Từ điển tường giải của ngôn ngữ nào thường dùng ngôn ngữ ấy để giải thích nghĩa của từ. Trong các từ điển này, không những người ta giải thích nghĩa gốc, nghĩa rộng, nghĩa bóng của từ mà còn tổng kết cách dùng của chúng nữa, đồng thời có những thí dụ trích ở các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng".

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr. 184)​


    * Từ điển hai thứ tiếng
    x. từ điển song ngữ


    * Từ điển học

    Bộ môn ngôn ngữ học nghiên cứu lí thuyết và thực tiễn biên soạn từ điển, và phân tích ngôn ngữ học phục vụ cho mục đích đó.

    "Theo nhiều nhà ngôn ngữ học thì trong từ vị học, bên cạnh ngữ nghĩa học còn có từ điển học, có nhiệm vụ nghiên cứu những nguyên tác biên soạn các loại từ điển".

    (Lưu Vân Lăng. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr.9)​

    "Từ điển học là khoa học là nghệ thuật tập hợp vốn từ vựng của ngôn ngữ thành tự điển hay từ điển. Từ điển học cũng là một bộ môn nhỏ của ngôn ngữ học có nhiệm vụ xây dựng lí luận biên soạn từ điển, đặt cơ sở khoa học cho các kiểu từ điển và các nguyên tác biên soạn từ điển".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 269)​

    "Từ điển học là khoa học vể phương pháp và nghệ thuật biên soạn các từ điển".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt
    Nxb ĐH và THCN, H„ 1985, tr.27)​


    * Từ điển học sinh

    Từ điển cổ khối lượng từ, ngữ và cách giải thích nghĩa phù hợp với nhu cẩu học tập và giảng dạy trong các trường phổ thông; còn gọi là từ điển nhà trường.


    * Từ điển ngôn ngữ
    x. từ điển ngữ văn

    "Nhiệm vụ của từ điển ngôn ngữ là giải thích các từ chứ không phải giải thích các sự vật hay các khái niệm khoa học, kĩ thuật do các từ diễn đạt. Từ điển ngôn ngữ chia ra từ điển một ngôn ngữ và từ điển hai (hoặc hơn hai) ngôn ngữ".

    (Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt.
    Nxb ĐH và THCN, H„ 1985, tr. 29)​


    * Từ điển ngữ văn

    Từ điển có mục đích là giải thích ý nghĩa và cách sử dụng các từ đã được thu thập đưa vào từ điển; còn gọi là từ điển ngôn ngữ. (khác với từ điển bách khoa chỉ thông báo những tri thức về các hiện tượng của thực tế khách quan).


    * Từ điển ngược

    Từ điển trong đó các từ được sắp xếp theo trật tự chữ cái cuối cùng chứ không phải theo chữ cái đầu từ như trong các từ điển thông thường.


    * Từ điển nhà trường
    x. từ điển học sinh


    * Từ điển phương ngữ

    Từ điển giải thích, trong đó thu thập và mô tả các từ ngữ riêng của một phương ngữ hoặc những ý nghĩa riêng chỉ có trong từ toàn dân khi từ đó được sử dụng ở phương ngữ đó.


    * Từ điển song ngữ

    Từ điển biên dịch (phiên dịch) từ, ngữ một thứ tiếng này sang từ ngữ một thứ tiếng khác; còn gọi là từ điển đối chiếu, từ điển hai thứ tiếng. Ví dụ: Từ điển Anh - Việt, Từ điển Nga - Việt.


    * Từ điển tần số

    Từ điển liệt kê các từ của một ngôn ngữ được sắp xếp theo tần số, mức độ sử dụng của chúng. Từ điển tần số ngôn ngữ báo chí - chính luận Việt Nam.


    * Từ điển thành ngữ

    Từ điển giải thích (một thứ tiếng) hoặc biên dịch (hai thứ tiếng) các đơn vị thành ngữ của một ngôn ngữ. Từ điển thành ngữ tiếng Nga. Từ điển thành ngữ tiếng Việt. Từ diển thành ngữ Anh - Việt.

    * Từ điển thuật ngữ

    Từ điển giải thích (một thứ tiếng) hoặc biên dịch (hai thứ tiếng) các thuật ngữ của một ngành khoa học hoặc một chuyên ngành khoa học. Từ điển thuật ngữ khoa học - kĩ thuật. Từ điển thuật ngữ toán học. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học.


    * Từ điển từ địa phương
    x. từ điển phương ngữ.

    "Từ điển này tập trung và giải thích những từ trong tiếng địa phương, "thổ ngữ".

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngũ học.
    Nxb GD H., 1960, tr. 185)​


    * Từ điển từ nguyên

    Từ điển giải thích nguổn gốc, lịch sử xuất xứ của các từ được nêu ra trong từ điển.

    "Giải thích lịch sử, nguồn gốc của từ của một ngôn ngữ là soạn từ điển từ nguyên học".

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr. 185)​


    [...]
     
    teacher.anh thích bài này.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    * Từ điệp

    Thủ pháp lời nói thể hiện trong việc lặp lại từ hoặc ngữ ở phần đầu hoặc phần cuối của các cụm từ (câu) tiếp liền nhau. Chẳng hạn trong tiếng Pháp: Je Tai vu, de mes yeux vu, vu comme je vous vois.


    * Từ đồng âm

    Hai hoặc nhiều từ của cùng một ngôn ngữ có vỏ âm thanh như nhau, nghĩa là được phát âm giống nhau, và khác nhau ở bình diện nội dung (thể hiện ở sự khác biệt về ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp).

    "Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa".

    (Mai Ngọc Chừ - Vũ Đức Nghiêu - Hoàng Trọng
    Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt.
    Nxb DH và GDCN, H., 1990, tr.223)​

    "Từ đồng âm là những từ hoàn toàn khác nhau về nghĩa mà chỉ trùng nhau về âm thanh".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 126)​

    "Còn nói về từ đồng âm là nói về hai từ khác nhau có vỏ âm thanh đồng nhất".

    (Nguyễn Văn Tu. Từ vựng học tiếng Việt hiện đại.
    Nxb GD, H., 1968, tr. 126)​

    "Thường thường những từ đọc giống nhau và có ý nghĩa khác nhau là những từ đồng âm. Có nhiều loại từ đồng âm. Có những từ đồng âm hoàn toàn khác nhau về nghĩa gọi là từ đồng âm từ vị học. Lại có loại khác nhau về hình thái gọi là từ đồng âm hình thái học, và loại đồng âm phức tạp hơn: từ đồng âm từ vị - ngữ pháp".

    (Nguyễn Văn Tu. Khái luận ngôn ngữ học.
    Nxb GD, H., 1960, tr.161)​

    "Từ đồng âm là từ giống nhau về hình thức ngữ âm nhưng ý nghĩa khác nhau. Hoàn cảnh ngôn ngữ, thủ pháp văn tự có thể giúp ta phân biệt được hai từ đồng âm".

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội
    học)
    . Nxb GD, H., 1962, tr.85)​

    "Trái lại, giữa hai từ đồng âm không có sự thống nhất về nội dung; ý nghĩa của hai từ đồng âm căn bản khác nhau và sự thống nhất về hình thức chẳng qua là sự gặp gỡ ngẫu nhiên mà thôi".

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội
    học).
    Nxb GD, H., 1962, tr.86)​

    "Trong một ngữ ngôn, từ đồng âm xuất hiện là do sự trùng hợp ngẫu nhiên của những hiện tượng bản chất khác nhau".

    (Đỗ Hữu Châu. Giáo trình Việt ngữ (tập 2, từ hội
    học)
    . Nxb GD, H., 1962, tr.87)​

    "Những đơn vị đồng âm là những đơn vị giống nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về ý nghĩa.

    1. Nói cho rõ hơn, các đơn vị đồng âm là những đơn vị không có quan hệ đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa với nhau. Chúng chỉ là những đơn vị khác biệt về ngữ nghĩa. Về mặt này các đơn vị đồng âm có tính chất ngẫu nhiên, không bị chi phối bởi các quy luật ngữ nghĩa của ngôn ngữ.

    2. Trong hệ thống ngôn ngữ, có những hình vị đồng âm với từ và có những từ đồng âm với các cụm từ tự do hay cố định. Nếu như đã chấp nhận sự phân biệt các cấp độ khác nhau trong ngôn ngữ thì chỉ nên xem là đồng âm thực sự khi các đơn vị trong cùng một cấp độ đồng âm với nhau. Nói rõ hơn, chúng ta chỉ xem là đồng âm khi các hình vị đồng âm với hình vị, từ đồng âm với từ, cụm từ đồng âm với cụm từ".

    (Đỗ Hữu Châu. Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt.
    Nxb GD, H., 1981, tr.213)​


    [...]
     
    chis and teacher.anh like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này