Đôi dòng lưu niệm Những bài thơ yêu thích!

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Trúc Quỳnh Đặng, 21/8/21.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: amylee
  1. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Dịch Thủy Ca - Kinh Kha


    Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn,
    Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.


    Dịch nghĩa:
    Gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh,
    Tráng sĩ một khi ra đi, sẽ không trở về nữa.


    Hai câu này chép trong Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Kinh Kha truyện.

    Kinh Kha khi lên đường làm thích khách để ám sát Tần Thuỷ Hoàng, được Thái tử Đan và quần thần đưa tiễn đến bờ sông Dịch. Tương truyền, tại đây bạn thân là Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, và Kinh Kha khảng khái hát hai câu này.
     
  2. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Nguyễn Văn Trỗi - Lê Anh Xuân

    Khi Anh gọi Bác ba lần
    Lòng anh như thấy được gần Bác thêm
    Anh chưa được tận mắt nhìn
    Nhưng hình ảnh Bác trong tim vẫn ngời
    - Cháu yêu Bác lắm, Bác ơi!
    Những năm kháng chiến từ hồi còn thơ
    Trung thu gặp Bác trong mơ
    Kính yêu cháu hát: “Bác Hồ Chí Minh”...
    Giờ đây trước phút tử hình
    Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây
    Bác hôn cháu, Bác cầm tay
    Cháu hôn lại Bác sáng nay ba lần
    Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
    Triệu người đáp lại ầm ầm bốn phương
    Tiếng hô gặp núi, núi vang
    Gặp sông, sông hát, gặp rừng, rừng ca
    Bác Hồ khi hiện vào ta
    Như tên bật ná, thác sa khỏi ghềnh
    Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh!
    Đã thành vũ khí, đã thành niềm tin
    Đã thành lời hứa thiêng liêng
    Lửa thiêu chẳng cháy, đá nghiền chẳng tan
    Cổ gông cổ vẫn thét vang
    Tay còng tay vẫy vẫn ngàn cánh tay
    Bác là non nước, trời mây
    Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn
    Còn cao hơn đỉnh Thái Sơn
    Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha
    Điệu lục bát, khúc dân ca
    Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam
    “Việt Nam muôn năm!”
    Việt Nam, Tổ quốc muôn năm
    Nơi ta yêu quý muôn vàn của ta
    Dù đây trường bắn Chí Hoà
    Đất chân ta đứng vẫn là của ta
    Sau lưng ta cả quê nhà
    Nơi lưng ta tựa ấy là Trường Sơn
    Là bờ ruộng, lối cỏ mòn
    Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu
    Là Thu Bồn mặt nước xao
    Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca
    Là hàng ớt đã ra hoa
    Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông
    Là trưa tiếng mẹ ru nồng
    Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm
    Là Việt Nam! Là Việt Nam!
    Biển Đông một dải xanh lam cõi bờ
    Việt Nam đất nhạc, đất thơ
    Chân mây điểm trắng cánh cò quê hương
    Đầm sen nở trắng, nở hường
    Đêm trăng thơm dịu những đường sầu riêng
    Việt Nam xứ sở thần tiên
    Bốn mùa một sắc trời riêng đất này
    Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây
    Non cao gió đựng, sông đầy nắng chan
    Sum sê xoài biếc, cam vàng
    Dừa nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi
    Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
    Như sông, như núi, như người Việt Nam
    Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
    Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa
    Trường Sơn chí lớn ông cha
    Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào
    Mặt trời ánh sáng tự hào
    Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do
    Bốn ngàn năm dựng cơ đồ
    Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người
    Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!
    Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha.


    Một số trích đoạn của trường ca này từng được sử dụng trong một số sách giáo khoa bậc tiểu học trong thời gian dài.
     
  3. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    ~ GIÀU NHƯ AI THÌ TÔI KHÔNG BIẾT ~
    (Khuyết danh)

    Giàu như ai thì tôi không biết
    Chớ giàu như tôi chừ, ít kẻ muốn vô:
    Trong nhà trống rỗng, chỗ mô cũng thấy trời
    Trong nhà chẳng thiếu chi đồ chơi
    Nàng nàng, bợp bợp mọc thời huyên thuyên
    Rau dền, rau má mọc riêng
    Cỏ chỉ, cỏ cú mọc liền đầy sân
    Trong nhà có sắm một cái giàn
    Để năm ba tấm đệm, vài ngàn lá tơi
    Lại thêm năm bảy cái nón cời
    Vài gùi giẻ rách để chờ thời diện sang
    Tôi kể ra thì trâu với ruộng nhất làng
    Tới mùa đi gặt tràn lan cả đồng
    Gặt rồi họ được trả công
    Lúa ai gánh về nhà nấy, tôi xách cái mủng không tôi về!
    Cơm nấu nồi đất vừa khét vừa khê
    Đem ra ăn với muối no nê ngon lành
    Bữa ăn năm bảy cái mảnh sành
    Cái thì sứt miệng, cái lành như răng cưa
    Mâm nan đứt lạt bung thùa
    Lên non bẻ đôi ba đôi đũa sặt, khỏi mua tốn tiền
    Nhón chân qua kêu: Bớ nữ hiền
    Giàu như qua mức nớ, em còn phiền nỗi chi?


    Nguồn: Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật, Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hoá thông tin, 2001
     
  4. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Cậu cai nón dấu lông gà - Khuyết danh


    Cậu cai nón dấu lông gà,
    Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
    Ba năm được một chuyến sai,
    Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.
    Cậu cai buôn áo em ra,
    Để em đi bán kẻo mà chợ trưa.


    Nguồn:
    1. Hoàng Trọng Thược, Thi ca châm biếm và trào lộng Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1969
    2. SGK Ngữ văn 7 (tập I), NXB Giáo dục, 2005
     
  5. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Dáng Đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân

    Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
    Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
    Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
    Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
    Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
    Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
    Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
    Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
    Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
    Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
    Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
    Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
    Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
    Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
    Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
    Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
    Tên Anh đã thành tên đất nước
    Ôi anh Giải phóng quân!
    Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
    Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân


    (3-1968)

    Nguồn: Thơ Lê Anh Xuân, NXB Giáo Dục, 1981
     
  6. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Việt Nam Quê Hương Ta - Nguyễn Đình Thi

    Việt Nam đất nước ta ơi
    Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
    Cánh cò bay lả rập rờn
    Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
    Quê hương biết mấy thân yêu
    Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
    Mặt người vất vả in sâu
    Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn

    Đất nghèo nuôi những anh hùng
    Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
    Đạp quân thù xuống đất đen
    Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
    Việt Nam đất nắng chan hoà
    Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh
    Mắt đen cô gái long lanh
    Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung

    Đất trăm nghề của trăm vùng
    Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem
    Tay người như có phép tiên
    Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ

    Nước bâng khuâng những chuyến đò
    Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi
    Đói nghèo nên phải chia ly
    Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường

    Ta đi ta nhớ núi rừng
    Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ
    Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô
    Bũa cơm rau muống quả cà giòn tan…


    (Trích từ trường ca Bài thơ Hắc Hải (1958).

    Nguồn: Trần Đăng Khoa, Chân dung và đối thoại, NXB Thanh niên, 1999).
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/8/21
  7. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Tràng Giang - Huy Cận


    Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
    H.C.
    tặng Trần Khánh Giư


    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
    Con thuyền xuôi mái nước song song,
    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
    Củi một cành khô lạc mấy giòng.

    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

    Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
    Mênh mông không một chuyến đò ngang.
    Không cầu gợi chút niềm thân mật.
    Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

    Lớp lớp mây cao đùn núi bạc…
    Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
    Lòng quê dợn dợn vời con nước,
    Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.



    Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, Ngữ văn 11 từ 2007.

    Nguồn:
    1. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
    2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
    3. Văn học 11 (tập 1), NXB Giáo dục, 2005
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/8/21
  8. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
    Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
    Ðến nay thấm thoát mấy tinh sương
    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
    Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
    Nước còn cau mặt với tang thương
    Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
    Cảnh đấy người đây, luống đoạn trường.
     
  9. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    TỐNG BIỆT HÀNH

    Đưa người, ta không đưa qua sông
    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
    Đưa người ta chỉ đưa người ấy
    Một giã gia đình một dửng dưng…

    – Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
    Chí nhớn chưa về bàn tay không
    Thì không bao giờ nói trở lại!
    Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

    *

    Ta biết người buồn chiều hôm trước:
    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
    Một chị, hai chị cũng như sen
    Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

    Ta biết người buồn sáng hôm nay:
    Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
    Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
    Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
    Chị thà coi như là hạt bụi,
    Em thà coi như hơi rượu say.

    Mây thu đầu núi, gió lên trăng
    Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
    Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
    Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.

    – Thâm Tâm
    Nguồn: Việt Nam thi nhân tiền chiến.
     
  10. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    BẾP LỬA – BẰNG VIỆT

    Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
    Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
    Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!

    Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
    Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
    Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
    Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
    Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

    Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
    Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
    Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
    Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
    Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
    Mẹ cùng cha công tác bận không về,
    Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
    Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
    Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
    Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
    Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?


    Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
    Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
    Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
    Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
    “Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
    Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
    Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

    Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
    Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
    Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

    Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
    Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
    Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
    Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
    Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
    Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
    Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
    Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

    Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
    Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
    Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
    – Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…

    Nguồn:
    1. Hương cây – Bếp lửa, NXB Văn học, 1968
    2. Bếp lửa, NXB Văn học, 2005
    3. Bằng Việt, tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
     
  11. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    HAI SẮC HOA TI-GÔN (T.T.K.H)

    Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
    Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
    Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
    Tôi chờ người đến với yêu đương.

    Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
    Dải đường xa vút bóng chiều phong,
    Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
    Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.

    Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
    Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
    Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ,
    Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

    Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
    Cánh hoa tan tác của sinh ly,
    Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng
    Là chút lòng trong chẳng biến suy”

    Đâu biết lần đi một lỡ làng,
    Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
    Người xa xăm quá! – Tôi buồn lắm,
    Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…

    Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
    Lòng tôi còn giá đến bao giờ
    Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…
    Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.

    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
    Mà từng thu chết, từng thu chết,
    Vẫn giấu trong tim bóng “một người”.

    Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
    Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
    Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
    Và đỏ như màu máu thắm pha!

    Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
    Một mùa thu trước rất xa xôi…
    Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
    Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

    Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
    Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
    Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
    Người ấy sang sông đứng ngóng đò.

    Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
    Trời ơi! Người ấy có buồn không?
    Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ
    Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?


    Bài thơ đã được các nhạc sĩ Anh Bằng và Trần Thiện Thanh phổ nhạc.

    Nguồn:
    1. Tiểu thuyết thứ bảy, số 179, ngày 30-10-1937
    2. Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2005
     
  12. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    AUTUMN (November)

    THERE is wind where the rose was,
    Cold rain where sweet grass was,
    And clouds like sheep
    Stream o'er the steep
    Grey skies where the lark was.

    Nought warm where your hand was,
    Nought gold where your hair was,
    But phantom, forlorn,
    Beneath the thorn,

    Your ghost where your face was.

    Cold wind where your voice was,
    Tears, tears where my heart was,
    And ever with me,
    Child, ever with me,
    Silence where hope was.

    — Walter de la Mare​
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/8/21
  13. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Silver


    Slowly, silently, now the moon
    Walks the night in her silver shoon;
    This way, and that, she peers, and sees
    Silver fruit upon silver trees;
    One by one the casements catch
    Her beams beneath the silvery thatch;
    Couched in his kennel, like a log,
    With paws of silver sleeps the dog;
    From their shadowy cote the white breasts peep
    Of doves in a silver-feathered sleep;
    A harvest mouse goes scampering by,
    With silver claws and a silver eye;
    And moveless fish in the water gleam,
    By silver reeds in a silver stream.


    Walter de la Mare
     
  14. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Winter - Walter de la Mare

    And the robin flew
    Into the air, the air,
    The white mist through;
    And small and rare
    The night-frost fell
    Into the calm and misty dell.

    And the dusk gathered low,
    And the silver moon and stars
    On the frozen snow
    Drew taper bars,
    Kindled winking fires
    In the hooded briers.

    And the sprawling Bear
    Growled deep in the sky;
    And Orion's hair
    Streamed sparkling by:
    But the North sighed low,
    "Snow, snow, more snow!"
     
  15. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

  16. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Mẹ - Bằng Việt


    Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
    Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
    Nhà yên ắng. Tiếng chân đi rất nhẹ
    Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.

    Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
    Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
    Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt
    Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…

    Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
    Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế,
    Khoai nướng, ngô hung ngọt lòng đến thế
    Mỗi ban mai tỏa khói ấm trong nhà…

    BẰNG VIỆT
    (Trích) – Theo “Văn 4” giai đoạn 1980 – 1989
     
  17. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Cây Dừa

    Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
    Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng.
    Thân dừa bạc phếch tháng năm,
    Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.
    Đêm hè hoa nở cùng sao
    Tàu dừa – chiếc lược chải vào mây xanh.
    Ai mang nước ngọt, nước lành,
    Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa.

    Tiếng dừa làm dịu nắng trưa
    Gọi đàn gió đến cùng dừa múa reo.
    Trời trong đầy tiếng rì rào
    Đàn cò đánh nhịp bay vào bay ra.
    Đứng canh trời đất bao la
    Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi.

    (Trần Đăng Khoa, Tiếng Việt lớp 2, tập 1)
     
  18. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Con Chim Chiền Chiện

    Con chim chiền chiện
    Bay vút, vút cao
    Lòng đầy yêu mến
    Khúc hát ngọt ngào.

    Chim bay chim sà
    Lúa tròn bụng sữa,
    Đồng quê chan chứa
    Những lời chim ca.

    Bay cao, cao vút
    Chim biến mất rồi
    Chỉ còn tiếng hót
    Làm xanh da trời.

    (Huy Cận, Tiếng Việt lớp 2, tập 1)
     
  19. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Nhà Em

    Em yêu nhà em
    Hàng xoan trước ngõ
    Hoa xao xuyến nở
    Như mây từng chùm.

    Em yêu tiếng chim
    Đầu hồi lảnh lót
    Mái vàng thơm phức
    Rạ đầy sân phơi.

    Em yêu ngôi nhà
    Gỗ, tre mộc mạc
    Như yêu đất nước
    Bốn mùa chim ca.

    (Tô Hà, Tiếng Việt lớp 2, tập 1)
     
  20. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    Viếng Lăng Bác - Viễn Phương


    Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
    Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
    Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
    Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

    Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
    Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
    Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
    Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

    Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
    Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
    Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
    Mà sao nghe nhói ở trong tim.

    Mai về miền Nam thương trào nước mắt
    Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
    Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
    Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...


    4-1976

    Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa khánh thành, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ này được sáng tác trong dịp đó và in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978).

    Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

    Nguồn: Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1987
     
Moderators: amylee
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này