Phật Giáo Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực - GS Trần Thạc Đức

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi hhongxuan, 4/10/13.

Moderators: mopie
  1. hhongxuan

    hhongxuan Lớp 7

    Post Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực - GS Trần Thạc Đức
    Lời tựa của ông Tam Ích
    Thưa ...
    1- Không gian vô-cùng theo bề ngang. Thời gian vô-cùng theo bề dọc. Vì vô-cùng cho nên không thời gian có vị-trí cho chúng sinh - hãy nói tới con người mà thôi... Mỗi một con người đều có một vị-trí khác nhau trong không gian và thời gian cho nên khi phát sinh, họ có mặt một cách khác nhau, và khi trưởng thành để mà đi đến cuối cuộc "hành trình" ba vạn sáu ngàn ngày là bịnh và tử, họ lại cũng có mặt một cách khác nhau. Ðã khác nhau như vậy thì, nếu theo lời dạy của Phật tổ để đi bến Giác, họ lại cũng, khi đi thì cùng theo ngón tay chỉ mặt trăng mà cùng đi một đường, nhưng về vấn-đề hành trang thì lại khác; khác nhau cả cái đi cái đứng, khác nhau cả nếp thấy nếp nghe... cả nếp dò đường đất, cả việc dừng chân nghỉ hay định tốc lực cho đường trường còn dài tăm tắp kia... Tác phong chung của thị giác chung vẫn chỉ là một mà thôi: theo ngón tay chỉ mặt trăng...

    Ðồng thời mỗi một người đem theo với mình một nghiệp quả - tùy mà dày tùy mà mỏng tùy mà nặng tùy mà nhẹ, màu sắc khác nhau và dung tích khác nhau... Tô Tần và Trương Nghi đời Xuân Thu chẳng hạn... tuy không bao giờ tự tay sát phạt lẽ hiếu sinh nơi những cơ thể của những tha nhân, nhưng về tư duy về tinh tiến của Bát Chánh Ðạo... chung quy cũng chỉ vì lòng dục của nhà du thuyết mà thiên hạ luôn luôn nuôi ý chiến tranh bằng bá đạo... Còn Quan Vân Trường đời nhà Hán thì lại khác: đó là người có tư-cách và khí phách làm người, nhưng thanh long đao đã chém bằng hà vô số người: ông sẽ nhẹ về nghiệp kiến và tư duy... của tám con đường chính, nhưng về tang tóc ông đã gieo... chẳng hạn.

    Cái phần "Sinh tố" bến giác dành cho mỗi cá nhân đương đi trên cuộc hành trình và đương cạn nhắc cái nghiệp, cũng tùy mà lớn, tùy mà nhỏ, mà ít, mà nhiều... vậy.

    Ðó là Phật giáo trên phương diện cá nhân

    -oOo-

    2- Chuyện cá nhân là thế, chuyện đoàn thể, chuyện dân tộc lại cũng vậy - nhưng có khác. Cũng vậy, là vì chuyện nhân quả của ít người hay nhìều người, hệ thống nhân duyên cũng chỉ theo một hướng định chuyển biến. Còn khác ấy là khác ở tác dụng về phương diện tôn giáo và triết học. Phật giáo là một hệ thống tôn giáo và triết-học phát sinh và trưởng thành trong lịch sữ - trong không gian và thời gian. Trong không gian vì vượt biên giới để bành trướng và nối biên giới để hòa đồng. Trong thời gian vì lịch sử loài người càng tiến hóa, Phật giáo càng có bề cao và bề sâu... Trong khi vượt biên giới và nối liền biên giới, tạo bề cao và bề sâu trên cuộc hành trình dài vô cùng, Phật giáo, dừng lại trước khi lên đường, đều để lại ở mỗi dân tộc một dung tích về "sinh tố" thích nghi với truyền thống, phối hợp với hiện tại, hòa đồng với tương lai.. của dân tộc ấy, để cùng với tương lai... của dân tộc ấy, đê cùng với hoàn cảnh riêng về văn hóa; kinh tế, chính trị, văn hóa trí thức... của dân tộc ấy, duy dưỡng đường hướng thượng của họ trong lịch sử riêng của họ - trên bối cảnh văn-hóa chung.

    Chính vì vậy mà có nền Phật giáo Việt Nam - chính vì vậy mà nền Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo Tây Tạng chẳng hạn, khác Phật giáo Phù Tang chẳng hạn... Vạn nhất có đem Phật giáo chốn này trồng vào đất chốn kia... sự thực nghĩ sẽ vất vả lắm lắm: cây sẽ cằn trên đất lạ và hoa sẽ héo trên khí hậu chẳng phải của hoa lá chính truyền ... Việc ấy, ai cũng hiểu: giá có ai nghĩ rằng chẳng phải thế, ấy là người ấy đi ngược lý dịch của Nho giáo, lý duyên của nhà Phật vậy.

    Nói một cách khác, nói cho rõ và cho đầy đủ và nói tóm lại, thì Phật giáo có mầm có mống, có cây có lá phổ bỉến cho toàn diện chúng sinh năm châu và năm đại dương - nhưng cũng có những thực-thể riêng biệt cho mỗi chốn mỗi cõi trong không thời gian vậy.

    Ðó là Phật giáo trên phương diện dân tộc -
    và đối với chúng ta là dân tộc Việt Nam, và đã như vậy bắt đầu từ Lý trần


    -oOo-

    3- Bây giờ, từ những luận cứ ấy, chúng ta suy diễn ra: Phật giáo dạy lý hướng thượng cho cá nhân, Phật giáo dạy lý hướng thượng riêng cho từng dân tộc, tức là ... Phật giáo dạy Nhân Bản vậy. Dạy Nhân Bản vì Nhân Bản dạy con người cá nhân phát huy giá trị của con người để tự thực hiện và dạy dân tộc gây đất đứng phì nhiêu trong không thời gian để tạo vị-trí xứng đáng cho dân tộc trong lịch sử riêng - trên bối cảnh lịch sử chung. Nói khác đi, Phật giáo dạy nhân bản riêng cho mỗi cá nhân, và dạy nhân bản chung (humanisme collectif) cho từng dân tộc. Mỗi cá thể lớn nhỏ nhiều ít đều có tự do lựa chọn đường thoát nghiệp, đều tự gánh lấy trách nhiệm của chính mình - về biệt nghiệp hay cộng nghiệp, thì cũng đều xây đắp trên yếu lý của tự do và trên ý thức của trách nhiệm.

    Ngón tay chỉ mặt trăng: tự giác nhi giác tha - nếu ai cũng tự giác thì vấn đề giác tha tự nó nó đặt lấy và nếu vấn đề giác tha đặt rồi thì vấn đề tự giác nó được sự giác tha lôi kéo trên hành trình. Hai vấn đề duyên và giác đặt ra như vậy.

    Nhân bản của Phật giáo là nhân bản đích thực, và nhân bản của Phật giáo Việt Nam đích thực cho riêng dân tộc Việt Nam - là vì thế, là do thế, là bởi như vậy. Và nhân bản Phật giáo không đặt vấn đề xuất thế hay nhập thế riêng biệt - nói một cách khác, vấn đề xuất nhập đặt ra thế này: Con Người theo ngón tay nhìn mặt trăng tìm Giác trong đời sống, với đời sống, cùng đời sống, giữa đời sống... Nói khác đi nữa, không có sự đắc đạo ngoài đời sống. Nói như thế để cho hợp với yếu lý "Bất ly thế gian giác" của Phật giáo, để thích nghi một cách hợp lý (conséquent) với duy thức luận và thích nghi với một số yếu lý Ấn Ðộ giáo, cùng chủ trương tại thế và siêu thế của Ưu Bà Na giáo vậy.

    -oOo-

    4- Cái sở trường của Phật giáo trên phương diện cá nhân, trên phương diện dân tộc, và trên phương diện Nhân Bản bao trùm cả hai ý niệm cá nhân và dân tộc, là Phật giáo là một cái vạn hoa kính: xoay một vòng, hiện ra một đóa hoa nhiều màu, xoay thêm một vòng, hiện ra một đóa hoa nhiều mầu hoa khác... xoay đến vô cùng, hoa hiện ra vô cùng đóa, vô củng mầu, vô cùng hoa...

    Nhưng nếu ai gán cho Phật giáo một tĩnh từ, một trạng từ,... về tôn giáo hay về triết học thì Phật giáo từ chối: Phật giáo chỉ nhìn nhận một danh từ: chủ thuyết nhân bản đích thực... như giáo sư Trần Thạc Ðức nói trong sách này.

    Nói thế vì cần phải nhìn Phật giáo như Phật giáo. Ngày xưa kia, Ngài A Nan mỗi khi nói , đều đặt lên trên mỗi mệnh đề mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi thiên, mỗi chương, mỗi cuốn sách, thành ngữ "Như Thị Ngã Văn" là để nói cái ý ấy. "Như Thị" nghĩa là phải nhìn phãi nghe theo Yếu Tính của sự vật, của thực thể (entité) - kể cả cái thực thể lớn bát ngát, rộng bát ngát, cao vun vút là Phật giáo, cố nhiên.

    Thưa ...

    Tôi đã được đọc cuốn "Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực" của ông Trần Thạc Ðức và có cái hân hạnh được giới thiệu tác giả, một giáo sư Ðại học Phật giáo nhiều uy tín. Lòng tôi nghĩ rằng ai đã ở trong khí hậu Phật giáo thì xin vào thêm một lần, ai chưa vào thì xin vào thêm một lần, ai chưa vào thì xin vào để thưởng ngoạn... Giáo sư Trần Thạc Ðức vốn không phải là người xa lạ - và sách này là sách nhiều giá trị, cố nhiên. Cũng xin thưa thêm là sự nghiệp văn học của Ông không phải chỉ có một cuốn này...

    Sắp hết mùa hè Ðinh Mùi (1967)
    Tam Ích


    ***

    “Trước kia, hướng đi của văn hóa là tranh đấu với thiên nhiên. Giờ đây, hướng đi của văn hóa là tranh đấu với đồng loại.

    Trong một trường tranh đấu khốc liệt và bao la, "dùng sát hại để ngăn sát hại" là một ảo tưởng không thể thực hiện được.

    Luật nhân quả không sai chạy bao giờ: gieo gió gặt bão; trồng ngô được ngô, trồng đậu được đậu; và gây nhân sát hại thì chịu quả sát hại.

    Con người phải ý thức được điểm hệ trọng đó và phải nhận rằng văn hóa đã đi lạc đường.

    Con người cần thấy rằng dục vọng tham sân đã gây loạn cho thiên hạ, phải quay về tự thân để mở một cuộc thanh trừng vĩ đại bên trong nội giới. Phải ý thức rằng bản thân mình chứa đựng những yếu tố trí tuệ, tình thương, mà cũng chứa đựng cả những yếu tố si mê dục vọng,

    Dục vọng si mê đã che lấp tình thương và trí tuệ. Con người phải tranh đấu để diệt trừ chúng, để nuôi dưỡng trí tuệ và tình thương. Có trí tuệ tình thương thỉ con người mới có thể đoàn kết sâu rộng để tạo một đời sống chung cùng tươi đẹp.

    Văn hóa xưa kia đã từ hướng tranh đấu với thiên nhiên mà xoay sang hướng tranh đấu với đồng loại.

    Hướng đi của nền văn hóa mới của nhân loại phải là tranh đấu với dục vọng bản thân vậy.”

    ****

    “Nếu không có cuộc sống đau thương thì đã không có đạo Phật. Phật giáo xuất hiện vì thế gian và tồn tại cũng vì thế gian. Sứ mệnh của Phật giáo làm nhẹ bớt những nỗi đau thương của mọi loài, và hơn thế nữa, là hướng dẫn con ngưòi trong việc kiến tạo một đời sống an lạc căn cứ trên nền tảng Trí tuệ và Từ bi.

    Những cảnh sinh, lão, bệnh, tử mà Thái Tử Tất Ðạt Ða đã gặp ở bốn cửa thành Ca Tỳ La Vệ là những cảnh khổ tiêu biểu cho cuộc đời khổ đau ở muôn đời và ở muôn xứ. Những cảnh khổ ấy đã là động lực thúc đẩy vị hoàng tử con vua Tịnh Phạn đi tìm chân lý cứu khổ. Ngày nay, khổ đau của nhân loại đã tràn ngập, to rộng gấp mấy mươi lần khổ đau của thời xưa. Ác nghiệp của chúng sinh đã cộng đồng kiến tạo nên ác quả; và trong thế giới hắc ám vì vô minh và dục vọng, đạo Phật càng phải nhận thức sứ mạng quan trọng của mình.

    Con người khi sinh ra, đã mang theo những bất mãn và thắc mắc. Những bất mãn và thắc mắc ấy, một khi chưa được thanh toán, vẫn còn là nguyên do của muôn ngàn đau khổ.

    Ðau khổ về thể chất

    Với một xác thân, con người luôn luôn phải đòi hõi những nhu cầu vật chất. Hầu hết nhân loại đã bất mãn với hoàn cảnh của mình. Ít ai bằng lòng với những điều kiện hiện tại; ước muốn của con người đã là vô cùng thì sự khát khao thỏa mãn của con người cũng là vô tận.

    Vấn đề cơm áo tưởng như có thể là vấn đề quan hệ nhất. No và ấm được người ta xem như là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Nhưng không, lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng con người đã không bao giờ chịu bằng lòng với điều kiện cơm áo.

    Ước muốn thì phải được thỏa mãn, nhưng sự thỏa mãn chỉ có trong phút giây rồi tan biến, nhường chỗ cho một ước muốn mới. Vì thế, suốt đời, con người cứ mãi lận đận gian nan.

    Trong khi chạy theo các ước muốn, con người có thể phạm vào muôn tội ác. Ðể thỏa mãn tư dục, con người trở nên gian xảo, dối trá, cam tâm cắt đứt tình thân thuộc, và đành lòng dẫm lên xương máu của đồng loại.

    Nhân xấu chỉ gây được quả xấu. Vì thế ngọn lửa dục vọng vị kỷ từ con người phát sinh nay lại trở lại thiêu đốt con người, làm cháy bừng cả tam giới nhiễm ô. Ðau khổ càng tăng lên cùng với sự bất mãn của con người. Về phương diện sinh hoạt thể chất, con người đã không tìm ra được hạnh phúc.

    Ðau khổ về tinh thần

    Về phương diện sinh hoạt tinh thần, những thắc mắc sâu xa của trí óc càng làm cho con người khổ đau hơn nữa.

    Với một khối óc và một trái tim, con người sinh hoạt khác hẳn các loài vô tình. Bao nhiêu âu lo giận ghét, bao nhiêu thương yêu, say đắm đã gây cho con nhười những cuộc khủng hoảng liên miên về đời sống tình cảm. Thêm vào đó, những câu hỏi về giá trị cuộc sống được đặt ra, cấp bách và khẩn thiết không khác gì vấn đề cơm áo. Nhìn những cảnh tượng thương đau, nhìn những cuộc bể dâu thay đổi của kiếp sống, con người bàng hoàng tự hỏi xem mình là ai, đâu là nguồn gốc của tất cả các hiện tượng, trước mình là những ai và sau mình sẽ có những gì?. Vì sao muôn loài tồn tại, tồn tại để tương tàn tương sát, tồn tại để chứng kiến bao nhiêu nỗi thảm sầu? Tất cả những câu hỏi đó đến trong trí óc chúng ta như những nhọn gió lốc bạo tàn. Con người làm sao có được hạnh phúc trong trạng thái thắc mắc nghi nhờ đó của tâm tưởng?

    Bao nhiêu bất mãn và thắc mắc thỉ bấy nhiêu đau khổ. Người ta chỉ có thể có hạnh phúc được khi đã làm thỏa mãn được những thắc mắc lớn lao kia. Thế mà con người đã quan niệm hạnh phúc một cách quá giản dị. Con người tưởng rằng hạnh phúc là kết quả của sự thỏa mãn một ít ước vọng: danh, lợi, tài, sắc...

    Ước vọng đã vô cùng thì sự "thỏa mãn hoàn toàn" không bao giờ có thể thực hiện. Tự giam mình trong vô minh đen tối, trí thức con người không bao giờ có thể giải quyết được những thắc mắc lớn lao về cuộc đời. Thế là nhân loại quay cuồng trong lầm lạc đau khổ mà không tìm được lối thoát.

    Nhận thức được tình trạng đó, đạo Phật lạc quan và cương quyết chủ trương diệt khổ, đồng thời xây dựng một hạnh phúc chân thật cho mọi loài.

    Ðạo Phật với sự đối trị khổ đau vật chất

    Ngày xưa, Thái tử Tất Ðạt Ða cũng vì những thắc mắc lớn lao về cuộc đời và những đau khổ ê chề của nhân loại mà đi xuất gia tìm đạo. Ðạo lý của Ngài hẳn nhiên phải là những phương pháp thiết thực và hợp lý để diệt khổ và để giác ngộ.

    Trước tiên, giáo lý đạo Phật cho chúng ta thấy rằng dục lạc không phải là hạnh phúc. Dục lạc chỉ là nguồn gốc của đau khổ và chính bản thân của dục lạc cũng là đau khổ nữa. Muốn được hạnh phúc chân chính, không những con người không được chạy theo dục lạc mà còn phải diệt trừ tận gốc những dục lạc trong tâm mình.

    Dục vọng bớt xuống, hạnh phúc tăng lên. Muốn diệt trừ dục vọng, trước tiên, con người phải thực hiện phép "tri túc" của Phật. "Tri túc" nghĩa là nhận những điều kiện vật chất mà mình sẵn có vốn là đủ cho mình rồi. Cuộc chạy đua theo dục vọng của mọi người chỉ gây nên đau khổ, trầy chân, phỏng trán, đứt hơi. "Tri túc" là tự bảo mình đứng dừng lại, đừng nối tiếp cuộc chạy đua điên rồ kia nữa. Nhiều kẻ sẽ bảo rằng pháp "tri túc" sẽ chận đứng mọi tiến bộ về mặt kỹ thuật và sản xuất. Không, mọi ngành hoạt động xã hội vẫn được tiếp tục chạy đều để phụng sự cho xã hội loài người. Tri túc chỉ có nghĩa là đừng hướng mọi hoạt động ấy về mục đích phụng sự dục vọng cá nhân là được.

    Một nhà Phật học Á Ðông của thế kỷ thứ mười một đã nói "Người biết tri túc thì dù nằm trên đất cũng còn là sung sướng. Người không biết tri túc thì tuy nằm trên ngọc vàng vẫn cảm thấy khổ sở." Vậy tri túc là ngăn cản không cho con người rơi sâu xuống hố diệt vong. Tuy chỉ là một thứ hạnh phúc tiêu cực, nhưng thứ an ổn do tri túc đem lại sẽ là nền tảng cho hạnh phúc chân thực và tuyệt đối.

    Ðức Ðạo sư dạy :"Ðời là đau khổ" chỉ cho ta thấy rõ rằng không thể tìm hạnh phúc ở vật chất giả ảo. Con người chỉ có thể có hạnh phúc được trong sự tiến hóa, cất mình lên cao để một ngày kia thể nhập với chân lý muôn đời. Trên nền tảng tri túc, con người sẽ thương yêu nhau hơn, sát cánh với nhau hơn trên một đường hướng duy nhất: đó là đường hướng giải thoát hoàn toàn.

    Cuộc sống sát cánh để tiến bộ này tương đối đã là một cuộc sống hạnh phúc.

    Ðạo Phật với sự đối trị đau khổ về tinh thần

    Về phương diện trí thức, Phật giáo chủ trương trí óc con người vì vô minh và dục vọng che lấp, đã không thấy được ánh sáng của chân lý bất diệt. Khả năng tri thức cũa con người quá kém cỏi. Những suy luận của tri thức con người chỉ có thể đưa con người đi đến những biên giới siêu hình hư vọng. Con người phải căn cứ vào lời dạy của các bậc giác ngộ để học tập để thực hành, trừ diệt tất cả những vô minh đen tối che lấp tâm trí. Một khi vô minh bị trừ diệt, trí tuệ bát nhã sẽ hiện rõ, và với khí cụ tri thức sáng tỏ vô song này, con người có thể trực nhập được chân lý và phá tan tất cả những nghi ngờ vi tế nhất mà trí phàm phu có thể thấy được. Lúc ấy, bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc sâu xa của chúng ta về cuộc đời, về bản ngã đều được giải đáp, và chỉ trong sự giác ngộ này, chúng ta mới tìm được hạnh phúc.

    Vậy con đường hạnh phúc phải là con đường hướng thượng, con đường giải thoát giác ngộ, mà phương tiện cần thiết nhất để nhân loại có thể thương yêu sát cánh nhau mà đi trên con đường ấy lại là phương pháp tri túc và diệt dục của Phật dạy.

    Tính cách cần thiết của công việc Hoằng Pháp trong giai đoạn hiện tại

    Thế giới ngày nay đang lâm vào một tình trạng báo động: quyền lợi giữa người và người, giữa giai cấp và giai cấp, giữa quốc gia và quốc gia đã là nguyên do của tất cả những kinh khủng tràn lan khắp mọi địa phương.

    Người ta rùng mình khi nghĩ đến hố diệt vong đang chờ đón nhân loại. Tiếng gọi thất thanh nhưng rời rạc của một vài tâm hồn nhân loại vang lên đây đó không đủ để cản ngăn sức lôi cuốn của dòng quyền lợi "Bản thân mình, giai cấp mình, quốc gia mình, quyền lợi mình, chủ nghĩa mình" xúi dục con người tiến mãi đến chỗ rình rập nhau, gầm gừ nhau, xem nhau như là thù ngịch muôn đời.

    Hơn bao giờ hết, Phật tử toàn thế giới cần phải bày tỏ rõ ý nguyện tha thiết hòa bình của mình bằng cách thực hiện một đoàn kết to rộng lấy sự sống làm căn bản lấy tri túc là phương châm và lấy giác ngộ làm cứu cánh. Cùng với những tâm hồn nhân loại khác, chúng ta cố tâm xây dựng, không phải những cường quốc hùng mạnh về binh bị, mà là những quốc gia ham chuộng hòa bình, biết sống trong tinh thần tri túc và thương yêu, biết sống đời hướng thượng. Chúng ta tin rằng từ bi sẽ thắng cường bạo và hòa bình sẽ ở lại loài người, nếu chúng ta thực tình mong muốn. Sự truyền bá tư tưởng Phật giáo trong các quốc gia trên thế giới, vì vậy, trở thành một vấn đề cấp bách. Một phần nhân loại đã hầu như hết tin tưởng. Chúng ta phải đem ánh sáng của Phật Ðà đến để gây niềm tin tưởng cho họ.

    Tổ chức Phật giáo thế giới phải hoạt động mạnh hơn nữa về phương diện hoằng pháp. Sự liên lạc hoằng pháp giữa các quốc gia phải được thiết lập. Ðại hội văn hóa Phật giáo thế giới phải xác định lập trường Phật giáo trong tình thế và hoàn cảnh hiện tại. Phải có những kế hoạch tương trợ, giúp đỡ các nước Phật giáo tiến mạnh trên các hoạt động xã hội. Phải chú trọng đến sự tác thành cho những nền Phật giáo quốc gia hiện giờ đang thiếu điều kiện kinh tế và chuyên môn để trưởng thành."

    Chúng tôi thắp hương để cầu nguyện.
    Trần Thạc Đức

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    ****
    Xin trân trọng giới thiệu ebook "Phật giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực" của GS Trần Thạc Đức (TNH).

    Nguồn TVE : tambao
     

    Các file đính kèm:

    haist and Kiep Lang Thang like this.
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này