Tin tức Sự khốn cùng của “tư duy triệu phú”

Thảo luận trong 'Tin tức - Sự kiện' bắt đầu bởi thomas, 2/6/15.

  1. thomas

    thomas Lớp 8

    Cuộc sống khó khăn và rối ren, bạn cần một lời khuyên, nhưng từ đâu? Với nhiều người, giải pháp gần nhất là đi mua một cuốn “self-help”. Khái niệm sách “self help” rất rộng, nhưng thường được hiểu là loại sách dạy tu thân, học làm người, chứa đầy lời khuyên thông tuệ và các “bí kíp” để nhanh giàu, nhanh khôn, nhanh thành công...

    [​IMG]

    Đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help - hay được gọi là sách tu thân, tự lực, tự giúp - vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng người đến với nó như nước chảy vào vùng xoáy. Dòng sách này đã trở thành nồi cơm, chỗ dựa của nhiều nhà xuất bản.

    THỜI CỦA CÁC "BÍ KÍP" CHO KHÔNG

    Bước vào một hiệu sách, bạn sẽ thấy chừng một phần ba diện tích kệ sách, thường là khu vực gần cửa nhất, được dành cho thể loại này. Hai mảng bán chạy nhất hiện nay là học làm giàu và phát triển bản thân thường đi kèm với nhau: thay đổi bản thân để thịnh vượng. Nhiều năm qua, những cuốn như Dạy con làm giàu, Cha giàu cha nghèo, Đọc vị bất kỳ ai, Chiến thắng con quỷ bên trong bản thân, Tôi tài giỏi, bạn cũng thế hay Sức mạnh của tư duy tích cực luôn nằm trong nhóm sách bán chạy nhất ở Việt Nam.

    Gần đây, thậm chí ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, còn cho phát không hàng chục triệu cuốn Nghĩ giàu, làm giàu của Napoleon Hill và Đắc nhân tâm của Dale Carnergie cho thanh niên cả nước. Hai cuốn kinh điển này nằm trong một danh sách được ông Vũ gọi bằng cái tên cũng rất self-help là “Tủ sách đổi đời”.

    Lý do gì khiến nhiều người đón nhận thể loại sách này nhiệt tình tới như vậy?

    Như đã thể hiện qua chữ “đổi đời” của ông Vũ, loại sách này đem lại hi vọng. Bỏ ra vài chục nghìn đồng, người mua sách self-help sở hữu những giấc mơ ngọt ngào. Tuần làm việc 4 giờ hứa có thể giúp bạn “làm việc ít đi 20 lần nhưng thu nhập tăng lên 10 lần”, và khuyên “thuê một trợ lý cách xa nửa vòng trái đất để cô này viết một lá thư ngọt ngào xoa dịu người vợ đang giận dữ của bạn”. Nghĩ giàu, làm giàu không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần bạn rất, rất mong muốn trở nên giàu có. Cái đó thì không khó.

    Trên trang mạng Học làm giàu, một thanh niên đặt ra mục tiêu “Sau năm thứ nhất có 20 triệu đồng, sau năm thứ năm có 1 triệu USD, sau năm thứ mười có 1 tỉ USD”. Các thành viên khác ngưỡng mộ: “Việt Nam mình có nhiều người có hùng tâm như anh thì ước mơ dân giàu, nước mạnh không phải quá xa vời. Chúc anh thành công!”.

    Đằng sau những ảo tưởng làm giàu kiểu mì ăn liền kia là những dịch chuyển xã hội và thay đổi cơ bản trong triết lý sống của người Việt. Trước hết, hai thập kỷ qua đã tạo ra huyền thoại Từ cậu bé nhà quê thành đại gia mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ.

    Nếu như trước kia nhiều người cho rằng giàu nghèo có số và vị trí của mình trong xã hội đã được xếp đặt sẵn thì ngày nay, chứng kiến của cải nảy nở xung quanh mình, họ chuyển sang thái cực kia và tin vào một triết lý lạc quan là bạn hoàn toàn có thể điều khiển được tiền tài và danh vọng của mình nếu nắm được một số “kỹ thuật” nhất định: 23 nguyên tắc của Carnegie, 13 bước của Hill, 8 bài học từ Cha giàu, cha nghèo của Robert Kiyosaki.

    Cuộc đời, vốn được quan niệm là bất định, nay được cho là được quản trị bởi một số “bí mật” mà rất may đã được một số tác giả phát hiện và truyền đạt lại, dễ hiểu hơn bản cửu chương.

    Thứ nữa, mô hình lao động cùng tập thể, cá nhân dựa vào cộng đồng trong cuộc sống nông nghiệp không còn thích hợp cho một môi trường kinh tế thị trường đầy cạnh tranh. Thay cho một hệ thống hài hòa, vạn vật đều có chỗ đứng của mình, cuộc đời nay được hiểu như một mê cung, một cuộc đua, một rừng rậm, những biểu tượng hay được dùng trong các sách self-help phương Tây.

    Trong môi trường này, người ta luôn phải cập nhật các kỹ năng và tái tạo bản thân để mạnh hơn đối thủ, các sách dạy phát triển bản thân đánh vào nỗi lo âu thường trực này. “Cần phải sẵn sàng để ứng phó với những thay đổi, nếu không mỗi người sẽ tự hủy hoại cơ hội tồn tại của mình”, cuốn Ai lấy miếng phó mát của tôi cảnh báo và bán được 26 triệu bản trên toàn cầu.

    SÁCH ĐẸP NÓI DỐI

    [​IMG]
    Rất đáng tiếc, đưa sách dạy làm giàu và kỹ năng sống như những cuốn trên cho thanh niên, hay bất cứ ai cũng vậy, là gửi họ và cộng đồng vào con đường cụt bởi những tác động tiêu cực của chúng.

    Vấn đề đầu tiên là triết lý của phong trào self-help hiện đại, được đặt nền móng bởi Dale Carnegie với Đắc nhân tâm, là “mỗi người vì chính mình”. “Phát triển bản thân” luôn là một dự án vì mục đích cá nhân, không có chỗ cho những vấn đề của cộng đồng và hoạt động xã hội.

    Trong thế giới quan đó, con người là một động vật ích kỷ và nông cạn. Họ thích được nghe tới tên mình, muốn được tỏ ra quan trọng và thèm khát sự khen ngợi. Thay vì làm cho con người tốt đẹp lên, Carnegie đánh vào bản năng vị kỷ của họ và khuyên người ta lợi dụng nó. Con người chỉ là những loại cá khác nhau, và bí mật để đạt được thành công là “học được cách móc mồi vào lưỡi câu phù hợp với từng loại cá”.

    Nhiều nguyên tắc của Đắc nhân tâm phục vụ cho những con người giả tạo, cơ hội và thao túng. Trong cuốn sách, một đại tư bản tự hào vì ông có thể gọi nhiều công nhân của mình bằng tên riêng nên “chưa hề có một cuộc đình công nào xảy ra tại các nhà máy thép của ông”. Ở đây có một ẩn ý xã hội sâu xa hơn: thay vì phải xây nhiều nhà vệ sinh hơn cho các nữ công nhân dệt may, các ông chủ hãy cố học thuộc tên riêng của họ và thế là mọi chuyện đều ổn thỏa cả.

    Nếu như trước kia giá trị sống của người Việt là trở thành người quân tử, ưu việt về đạo đức và vững vàng về luân lý thì ngày nay với nhiều người, mục tiêu đơn thuần chỉ là tạo ra một bộ mặt khả ái, bởi như Carnegie giải thích, thành công “được định nghĩa phần lớn qua việc người khác nhìn bạn như thế nào”.

    “Với Carnegie - Steven Watts, tác giả cuốn tiểu sử về ông, viết - trọng tâm dịch chuyển từ việc xây dựng những giá trị đạo đức bên trong mỗi người sang xây dựng những ấn tượng mà người ta gây cho người khác”. Carnegie nói về “thương hiệu bản thân” trước khi chữ này tồn tại. Nhà văn Sinclair Lewis phê phán Carnegie đã thay thế những chữ niềm tin, danh dự, cao thượng trong những cuốn sách học làm người trước kia bằng chữ giàu có. Ông đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.

    Và như vậy, thách thức của cuộc đời không còn là việc đi tìm một ý nghĩa sống trong cộng đồng của mình nữa mà là giám sát và quản lý bản thân để trở nên giàu có. Cho rằng không khi nào là quá sớm, một số nhà trẻ nhanh nhạy ở Việt Nam tổ chức những khóa học “Dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo bản thân từ những năm đầu đời”. Viễn cảnh ở đây là những đứa trẻ sớm điều khiển được người khác và theo dõi hiệu quả của bản thân như của một cỗ máy.

    LẢNG TRÁNH HIỆN THỰC


    [​IMG]
    Bên cạnh tham vọng “đọc vị” người khác, “tư duy tích cực” là một trụ cột cơ bản khác của văn hóa self-help, và như tác giả Barbara Ehrenreich lập luận trong cuốn Sự quảng bá triền miên tư duy tích cực đã làm xói mòn nước Mỹ như thế nào, nó đang gặm nhấm nền tảng xã hội.

    Ở đây “tư duy tích cực” không liên quan gì tới một thái độ sống lạc quan. Nó là một kiểu niềm tin, có thể gọi là mù quáng, là người ta có thể dùng ý nghĩ để điều khiển những gì xảy ra với bản thân. Bạn muốn giàu? Bạn phải thật sự, luôn luôn và sắt đá tin mình sẽ giàu. Vì thế mà các nhà trẻ nói trên cho lũ trẻ mẫu giáo hằng ngày lặp lại các câu như: “Tôi là một thần đồng trong lớp học” và “Tôi đang trên con đường tạo ra sự giàu có tuyệt vời”.

    Cuốn Nghĩ giàu, làm giàu yêu cầu bạn viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên ngày hai lần vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc “tuy không nói năng được nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó” - tác giả đoan chắc. T. Harv Eker, tác giả Những bí mật của tư duy triệu phú, hướng dẫn bạn đọc “cài đặt” tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: “Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi”. Sau đó cần chạm lên đầu mình và nói: “Tôi có tư duy triệu phú”.

    Đằng sau “tư duy tích cực” này kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực - họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.

    Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

    Tệ hơn, tư duy này làm những người nghèo bên lề xã hội cuối cùng quay ra tự trách cứ bản thân, thay vì phê phán các tương quan và chính sách xã hội đẩy họ vào trạng thái này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “tư duy tích cực” được dùng như một công cụ kiểm soát xã hội. Barbara Ehrenreich dẫn ra rằng khi các tập đoàn Mỹ sa thải hàng loạt nhân viên vào thập niên 1980 cũng là lúc họ thuê nhiều nhất các diễn giả về “tư duy tích cực” tới để xoa dịu những người bị đuổi việc và để những nhân viên chưa bị đuổi tiếp tục lao vào cày cuốc.

    Và cuối cùng, “tư duy triệu phú” kiểu “tự kỷ ám thị” đó cổ xúy sự dịch chuyển của các giá trị đạo đức. Nếu như trước kia người ta tôn vinh các cá nhân theo đuổi một cái nghiệp, cống hiến, say mê, thì bây giờ sự say mê duy nhất được ngưỡng mộ là say mê làm giàu. Và sự giàu có mới nổi cần một biện minh về đạo đức để được chấp nhận và tôn trọng.

    Trên nền tảng đạo đức mới này, giàu có nghĩa là thành công, với Napoleon Hill thì nó còn “không cần lời xin lỗi”. Làm giàu không những đã trở thành đích sống, mà còn là một đức hạnh, “làm giàu là vinh quang”. Hệ quả là gì? Trong khi tôn vinh người giàu, người ta rất dễ đi đến kết luận thứ hai rằng người nghèo làm xấu hổ đất nước, là gánh nặng của cộng đồng. Napoleon Hill viết: “Chúa đứng bên những người quyết tâm làm giàu”.

    Đáng ngạc nhiên là chưa một ai thắc mắc nếu hàng triệu cuốn sách dạy “tư duy tích cực” và làm giàu có hiệu quả thì GDP quốc gia hằng năm đã phải tăng như thế nào rồi. Nhưng các ý tưởng self-help không khuyến khích các câu hỏi, chúng chỉ yêu cầu người đọc tin vào chúng. Nếu bạn chưa giàu thì có nghĩa là bạn chưa tin đủ, bạn cần mua thêm sách, nghe thêm băng, tới dự thêm các buổi thuyết trình.

    Theo Salerno - tác giả cuốn Phong trào tự lực đã làm nước Mỹ trở nên bất lực như thế nào, cứ chừng 18 tháng người đọc self-help lại mua một cuốn sách mới. Sự khốn cùng của kiểu “tư duy triệu phú” này là ở chỗ nó làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở Việt Nam. Nó không dẫn tới khai sáng và minh triết. Đám đông đi theo nó vừa phỉnh nịnh vừa giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình, tin tưởng rằng chính nghĩa và đạo đức thuộc về kẻ giàu có.


    ĐẶNG HOÀNG GIANG

    Nguồn:Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    utitgg, Pagodasto, hunam and 21 others like this.
  2. tulipviet

    tulipviet Sinh viên năm II

    Mình cũng vừa đọc bài này. Thấy khá hay, như một tư duy và tiếng nói phản biện với xu hướng học và đọc sách làm giàu, tư duy triệu phú hiện nay.
    Cá nhân mình có quan điểm dung hòa giữa 2 tư tưởng này. Người VN có tâm lý hưởng thụ, ỷ lại nhiều nên cần sự kỷ luật, quyết tâm làm giàu, thay đổi bản thân nhưng cũng cần nhận ra đâu là giá trị thực sự, tiếp thu có chọn lọc.
     
    HOCON, Pagodasto, 123phat and 7 others like this.
  3. angel_in_hell

    angel_in_hell Mầm non

    Đọc mấy tiểu thuyết khiêu dâm, mấy chuyện tình cảm sướt mướt thì không cho là xấu mà đọc sách có ích cho phát triển bản thân thì lại nói không tốt
    Tư duy tích cực không lúc nào là không cần thiết cả
    Mấy tay nhà báo với mấy bài báo viết kiếm tiền mới là đáng không nên quá tin, mỗi lúc nói một kiểu
     
  4. Zhiqiang

    Zhiqiang \m/(∆_∆)\m/ Thành viên BQT

    Thật sự cám ơn @thomas đã chia sẻ bài viết!
     
    ------ thích bài này.
  5. Tớ cũng nọ mua những sách này. Nó làm cho con người trở thành một con vật - một con lừa bị dắt mũi. Mọi suy nghĩ, tình cảm bị chà đạp và hướng đến thế giới kim tiền rỗng tuếch.

    Ai đó sẽ nói: Thì mi cứ ôm lấy giấc mơ của mi đi, đưa tiền bạc cho ta rồi mi cũng phải sáng mắt ra với hiện thực.

    Tớ chắc ai đó mà nói thế hẳn là người đó đã quên đi những giá trị sâu lắng trong mỗi con người.

    Nhưng, nếu cậu khao khát làm giàu điên cuồng và không biết làm sao và không biết làm gì nữa. Cậu cứ đọc đi thôi.
     
  6. suotdoirongchoi

    suotdoirongchoi Lớp 8

    Sách làm giàu chủ yếu tạo tâm lý ỷ lại vào sách, không tỉnh táo đọc sách này rất nguy hiểm, đọc xong cứ nghĩ là mình thần thánh lắm nhưng ngoài niềm tin thì chẳng còn kỹ năng thực tế nào nữa. Khi cảm thấy bản thân bất lực không được như sách thì lại tìm sách khác đọc, nạp thêm niềm tin, quay lại vòng lặp cũ, vẫn ì ạch, vẫn không tiến bộ, và lại làm giàu cho nhà xuất bản, còn bản thân thì chả đến đâu. Niềm tin và động lực nhờ vào sách dạy làm giàu giống như bong bóng, thổi một hơi thì phồng lên rất nhanh, nhưng dễ vỡ. Khi còn sinh viên tôi từng là nạn nhân của loại sách này, giờ thì thỉnh thoảng có đọc thì chỉ là để biết một số kỹ năng. Làm giàu là việc rất khó, phải đổ cả mồ hồi, máu và nước mắt chứ không phải một sớm một chiều là xong. Có lao động mới có sáng tạo, phải làm việc mới tích lũy được, khi kiến thức, kinh nghiệm vững vàng hơn rồi niềm tin sẽ lớn dần, và đó là niềm tin chắc chắn, niềm tin nội tại, không phá vỡ được. Khi bản thân đã vững vàng, đã làm việc cật lực, thì việc làm giàu là việc có thể. Chứ cái tâm lý ăn xổi ở thì, không thích làm việc nhiều mà lại muốn nhanh chóng làm giàu, mơ mộng những đam mê, những công việc lý tưởng khi chưa có gì trong tay, bám víu niềm tin vào sách thì chỉ đáng vứt sọt rác.

    Bonus: True for eveything else.
    comics-Cyanide-and-Happiness-science-nsfw-1244751.png
     
  7. VọngAlpha

    VọngAlpha Lớp 2

    cũng như cách họ làm với bóng đá thui !zz
     
    Pupppy93, vqxvn, ------ and 1 other person like this.
  8. maiminh06

    maiminh06 Mầm non

    quá hay, phải nói tác giả của bài viết này đã thoát ra khỏi được cái sức hút của thể loại sách kia.
    Ngày trước mình cũng mê thể loại sách này lắm, ban đầu là do cô giáo chủ nhiệm lớp 10 giới thiệu.
    Quả thực sau nhiều năm đọc và nghiền nghẫm, mình thấy ngoài các sách dạy kĩ năng sống còn mang lại cho mình những lợi ích nhất định. Còn lại thì khá là viển vông. Chính cô giáo mình cũng bắt chắc quyển Làm giàu kkhông khó, mở 1 tiệm bán sách rồi kinh doanh này nọ, cuối cùng thì mang nợ nần đầy thân.
    Các sách dạy làm giàu vẽ lên những câu chuyện khá là ngọt ngào. Thực ra nếu có đọc, thì chỉ là nên xem cái bối cảnh đã đẩy họ lên như thế thôi. Chứ giờ 100 anh sinh viên bỏ học, đi làm giàu, thì may ra được 1 anh thành công. Trong khi nếu 100 anh học hành tử tế, lao động chân chính sẽ đóng góp cho bản thân và xã hội nhiều hơn rất nhiều.
    Còn các sạch dạy lạc quan, nói thật, cách đây vài năm mình từng so sánh và thấy nó giống 90% phép thắng lợi tinh thần của "AQ", nhân vật nổi tiếng của Lỗ Tấn. Kiểu lạc quan ko nhìn thẳng vào vấn đề mà toàn là tự tâng bốc, tự nghĩ mình vĩ đại....
    Giờ thì không bao giờ "làm giàu" thêm cho mấy ông tác giả rẻ tiền và mấy nhà xuất bản nữa nhé ! Hihi
     
    nguyenminh2301, ------ and Zhiqiang like this.
  9. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Đọc xong chiến tranh tiền tệ tư nhiên thấy yêu tiền :D, còn mấy cuốn học làm giàu đọc chả thay đổi gì :(.... Mà thú thật chưa bao giờ đọc hết một cuốn học làm giàu. Toàn đọc được nửa rồi bỏ, chắc do bản tính không ham làm giàu...T.T

    Người ta bảo "Nhất nghệ lập thân, bách nghệ lập nghiệp"... Học được bách nghệ thì thế nào cũng giàu :))
     
  10. darkdragon28

    darkdragon28 Lớp 4

    Mình cũng nghĩ như bạn :)
     
    Zhiqiang and ------ like this.
  11. phivutinh

    phivutinh Lớp 1

    Mấy cuốn sách làm giàu, thật ra đúng là nó làm giàu thật.....làm giàu cho bọn viết sách đó
     
    ------, Zhiqiang and whatcsvt100 like this.
  12. whatcsvt100

    whatcsvt100 Lớp 8

    Toàn best seller :(, không biết có thật không ?
     
    ------ and Zhiqiang like this.
  13. phivutinh

    phivutinh Lớp 1

    Ngày xưa cuốn Tư Bản của Marx lần đầu mới phát hành cũng best seller đó. Nghe kể là người ta cứ tưởng cuốn đó như mấy cuốn "Dạy làm giàu" =)) Nhớ hồi đó gặp một thằng đa cấp tự xưng ngoại thương ra, bảo mình mua cuốn sách làm giàu để cùng nó khởi nghiệp gì ấy. Mình bảo thà nó tặng mình cuốn Tư Bản đến khi nào mình hiểu được quy luật vận hành kinh tế thì may ra mới giàu được =)) (nhưng mình chả biết đến khi nào mới hiểu)
     
    ------, whatcsvt100 and Zhiqiang like this.
  14. hungtk

    hungtk Lớp 7

    Thanh niên nào viết bài này mà nông cạn quá. Suy nghĩ không dài được quá cái sào treo quần áo. Văn vẻ như sinh viên tập làm nhà báo vầy.
     
    thaibeouu, ------, romanov and 3 others like this.
  15. @thomas: Bạn không chép phần hay nhất của bài báo này - 'comments', thật đáng tiếc.
    Hình như tác giả là người này:

    Ông Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Là người Áo gốc Việt, ông sở hữu nhiều kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ.
    Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) - một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân.
     
    truongcan123, Zhiqiang and superlazy like this.
  16. Zhiqiang

    Zhiqiang \m/(∆_∆)\m/ Thành viên BQT

    Vậy bạn chép đi "VDTC" ( cái tên nghĩa gì ấy nhở o_O)!
     
    ------ thích bài này.
  17. tudomuonnam

    tudomuonnam Mầm non

    Hôm nay mình cũng thấy nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này rồi. Đây quả thật là góc nhìn phản biện đầu tiên về thể loại sách kêu gọi làm giàu này. Nhưng mình thấy, đa phần sách làm giàu ngoài việc kêu gọi bản thân nỗ lực hết mình quyết không bỏ cuộc sớm còn có những phần nói về hỗ trợ người khó khăn, kém may mắn khi bạn thành công. Không thấy những thứ như tác giả nói.
     
    ------ and Zhiqiang like this.
  18. thomas

    thomas Lớp 8

    Cảm ơn bạn đã cung cấp những thông tin về tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Bài viết này mình tình cờ đọc được do link của một bạn trên facebook chia sẻ. Khoảng thời gian đó chỉ có 5 comment, và các comment này theo mình chưa đến mức phải chép lại và đăng lên. Phần việc này, nếu bạn thấy tiếc, có thể bổ sung giúp. Theo bản thân mình, bài viết trên được suy luận rất chặt chẽ, phản ánh một khả năng tư duy vô cùng tốt. Mình đang mong chờ những suy nghĩ phản biện từ mọi người để có cái nhìn nhiều chiều, tức là thực sự thảo luận, và đưa ra các lý lẽ, chứ không phải mạt sát tác giả. (Rất tiếc là đã có một comment như vậy rồi!)
     
    ------ and superlazy like this.
  19. InvisibleMan

    InvisibleMan Mầm non

    Mình có đọc được ở đâu đó người ta nói rằng những cuốn sách gán nhãn "BestSeller" giống như những cô gái thiếu tự tin phải trang điểm thật đậm để người ta công nhận mình
    Thêm nữa mình cực kì không thích cuốn "Làm giàu không khó" mặc dù chưa đọc
    Làm giàu mà không khó thì ai cũng giàu rồi :))
     
    ------ and superlazy like this.
  20. hungtk

    hungtk Lớp 7

    Ý mình sách làm giàu cho công dân xã hội Mẽo đem về Việt Nam thấy không đúng lại chê mấy ông viết sách tầm bậy. Mà mấy ông viết sách chắc gì đã ra khỏi cửa làng chỉ là cái đất Mẽo cứ người mua là có thằng bán. Cái gọi là giấc mơ Mẽo khônh phải nói mồm đâu nó một thời là cả niềm tụ hào của người Mẽo. Vì thế mới có chả thiếu ông ngồi ở nhà quay tay ra tác phẩm dậy đời nhà xuất bản thì thấy bán được thì nhất định phải bán thôi.

    Còn văn phong ông viết báo thì mình nghĩ với ý định ban đầu là "A" sau đó ngồi cố nặn ra cái khác để giải quyết A cho nên nghe thi có vẻ hay nhưng thực tế vẫn là quan điểm dậy đời như mấy ông chưa giầu đa viết sách dầu.

    Mình đoán gần như rất ít người hiểu được cái gớm nhất của quyển "NGHĨ VÀ LÀM GIẦU" là cái nhóm trí tuệ của chương " Giác quan thứ 6 " chê N .Hill là sai làm của ông tác giả nầy.
     

Chia sẻ trang này