Tâm lý XH Tên của khí trời - Alberto Ruy Sanchez

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi Sophia, 9/9/15.

  1. Sophia

    Sophia Sinh viên năm IV

    Mình xin đăng lại tác phẩm Tên của khí trời

    300x384-ten-cua-khi-troi.jpg
    Thông tin chi tiết:

    Tên sách: Tên của khí trời
    Tác giả: Alberto Ruy Sanchez
    Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng
    NXB Hội Nhà văn năm 2009


    Giới thiệu nội dung:

    Câu chuyện nồng nàn bởi tiếng mời gọi của nhục cảm, song lại tinh tế và lắng sâu trong khoảng không tao nhã và thuần khiết.

    Có một điều chắc chắn rằng, khi lật giở trang đầu tiên của cuốn sách nhỏ này, độc giả sẽ bước vào một cảm giác rất khác. Các con chữ hồ như làm chủ những ánh nhìn tìm kiếm của bạn. Không có sự hiện diện rõ ràng của cốt truyện, thông tin. Mọi thứ đều bị xoá đi đường biên dưới màn sương ẩm đẫm của khí trời. Độc giả chỉ thực sự chạm vào cuốn sách bằng sự cảm nhận một cách sâu lắng. Ở đó, trí tưởng tượng sẽ sàng cất cánh nắm vai trò dẫn lối.

    Cuốn sách được chia làm hai phần, trong mỗi phần lại chia thành những tiểu mục, có một vài tiểu mục lại được chia thành những phần nhỏ hơn. Song, điều khác thường là ở chỗ, độc giả sẽ không mấy để ý tới những dải phân cách ấy, mà bị cuốn theo vòng xoáy cảm nhận để bước vào một mê cung với vô số ngóc ngách mở ra. Bạn sẽ bắt gặp hình ảnh này trong nhà tắm công cộng Hammam, nơi đặc biệt của thành phố Mogador được ví như “đặt ra ngoài không gian và thời gian” và gặp Fatma với câu chuyện về cô như một tấm thảm dệt bằng những sợi chỉ mỏng tang của nhiều tưởng tượng khác nhau.

    Một ấn tượng đọng thẫm lại trên lối đi thư thái ấy là các bức tranh, những nốt nhạc và chất thơ lấp lánh mọi nơi. Bạn sẽ nhìn thấu những thứ chưa bao giờ hiện hữu: vị muối của biển như dục vọng của nhân vật chính Fatma; khí hậu mới như con chim hung dữ có bộ lông lạnh ngắt; sự trong suốt của nước và khí trời hợp nhất; cái gì như là đáy của khí trời; những người đàn bà trần truồng trong nhà tắm công cộng Hammam như khoác trên mình màu sắc của thuỷ tinh… Những hình ảnh và âm thanh cùng ngôn từ đã mở ra một thế giới riêng trong Tên của khí trời, đánh thức những giác quan bị bỏ quên bấy lâu trong bạn, lay động đến từng cung bậc cảm xúc.

    Tên của khí trời đề cập nhiều đến tính dục với ngôn từ cùng hình ảnh táo bạo trong không gian “dệt bằng chất liệu nhẹ ngời sáng”. Điều này hiển hiện rõ nét qua hình ảnh nhà tắm Hammam, được miêu tả như niềm hoan lạc bất tận, không chịu tuân theo bất cứ thứ rào chắn nào, kể cả tôn giáo. Cái nhìn xuyên qua thứ ngôn ngữ cơ thể thầm kín, tràn qua đường biên giới cấm kị để bước vào mê cung dục tính. Với thứ luật duy nhất về sự thanh tẩy hoàn toàn thể xác, trui rèn thân thể trong khoái lạc - nhà tắm Hammam được bao phủ bởi hơi ẩm dâm dục và tinh tế, nơi những người đàn bà buông thả trong sự trần truồng đầy hương vị vào buổi sáng, chỗ những người đàn ông phô bày sự hiện hữu cương cứng lúc ban chiều… Giữa chốn ngoài thời gian này, các cư dân của thành phố cảng Mogador hé lộ những bản năng ẩn mật, phó mặc cho những chuyển động khoan thai, đầy chiếm hữu mang đi. Từ Hammam, ngôi nhà của thân thể trước khi thân thể bước vào thế giới, dòng chảy tính dục xuất hiện trong trạng thái nguyên sơ cùng cường độ mạnh mẽ, chở theo những khát khao tự nhiên khôn thỏa của loài người.

    Hình ảnh những con chim với đôi cánh khát khao luôn trở đi trở lại trong cuốn sách. Fatma cũng mang đôi cánh chấp chới đó đợi chờ sự hiện diện của cô gái có nước da sẫm màu - Kadiya. Bao nhiêu thời gian mòn mỏi trôi qua trong cái nhìn qua ô cửa sổ ra biển chỉ đổi lại bằng mấy tiếng đồng hồ trong Hamman. Những đôi tay mơn trớn táo bạo, những cặp môi nồng nàn ấm đẫm của hai cô gái, lạ thay không cuộn sóng nên thứ dục vọng mờ mịt. Sự khêu gợi xáo động ấy hiển thị thứ tình cảm phiêu linh và bí ẩn trong cơ thể một người đàn bà, vượt qua mọi suy nghĩ trần tục, trong suốt màu của khí trời.

    Đó là lúc người ta cảm nhận về giá trị của con người với một cái nhìn khẽ khàng song hết sức nồng nhiệt. Không bằng những toan tính so đo, không theo những phân tích lạnh lùng của lý tính. Là nơi mà những người đàn ông, những người đàn bà lắng nghe và cảm nhận giá trị có ý nghĩa nhất nằm trong sâu thẳm bản thân mình - đó là món quà tặng vô giá của cuộc sống. Cuốn sách nâng niu vẻ đẹp tinh thần, sức sống cuộn chảy trong mỗi con người, không bằng những thứ nhìn thấy, mà từ những cảm nhận bên trong: táo bạo mà thuần khiết, như sự hợp nhất của nước và khí trời.

    Nhà văn người Mexico, Alberto Ruy Sanchez (1951), đã viết Tên của khí trời như thể tách mình khỏi không gian và thời gian hiện đại. Cái nhìn phiêu linh và thi vị, thấm đẫm chất nhạc và hội họa đã mang lại cho tiểu thuyết đầu tay này giải thưởng Premio Xavier Villaurutia. Hiện Alberto Ruy Sanchez được đánh giá là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất với nền văn học Mỹ Latin đương đại.
     

    Các file đính kèm:

    victra, thanhphonge, quan286 and 38 others like this.

Chia sẻ trang này