35 Kilo Hy vọng - Quà Tặng Nhân Ngày 20/11

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi lichan, 19/11/13.

Moderators: Cát Cát
  1. lichan

    lichan Lớp 12

    35 Kilo Hy vọng - Quà Tặng Nhân Ngày 20/11
    Ebook này có trong Tủ Sách Văn Học Nước Ngoài.
    Dưới đây là nhận định về Tác Phẩm , chép từ nhiều nguồn
    Mời nhà mình tham khảo
    Nếu chưa đọc - xin mời đọc!
    Nếu đã đọc - xin hãy đọc để cảm nhận và giới thiệu sách hay với bạn bè , người thân.


    Phải đọc: 35 ki-lô hy vọng
    Tác giả: Anna Gavalda
    Lĩnh vực: Văn học
    Đối tượng: Mọi bạn đọc yêu sách
    Dịch giả: Trần Thị Ngọc Thư
    Nhà xuất bản: Văn học
    Số trang: 110 - Giá bìa: 25.000 VND

    Thỉnh thoảng, tôi tự hỏi bản thân: "Ôi, làm thế quái nào mình lại vượt qua được 16 năm học nhỉ? Thật đúng là một kỳ tích của... các thầy cô!".

    Tại sao lại là kỳ tích của... thầy cô mà không phải của chính bản thân tôi?
    Đến cuối bài viết, bạn sẽ tìm được câu trả lời cho câu hỏi này nhưng đầu tiên, xin thề có Chúa chứng giám, tôi hoàn toàn không phải một học sinh kiểu mẫu.

    Tức là, tôi không phải tuýp học hành chăm chỉ, chí thú nghiên cứu bài vở, ngồi trong giờ tuyệt đối nghe giảng mà không quay ngang, ngó dọc trò chuyện với các bạn, cũng không phải chưa bao giờ... ngủ gật trong giờ. Bởi vì, tôi là kiểu học sinh chỉ học những gì tôi thích.

    Thực sự là thế. Tôi không ghét trường học, nhưng thỉnh thoảng tôi sợ trường học lắm lắm, chính xác là tôi sợ vô cùng những môn học mà tôi không thích. Vậy nên từ tận đáy lòng mình, tôi thấy biết ơn sâu sắc tất cả những thầy cô đã xuất hiện trong cuộc đời tôi, với nỗ lực phi thường và sự kiên nhẫn tuyệt đối để đưa tôi từng bước vượt qua ngần ấy năm ngồi trên ghế nhà trường.

    Một ngày đẹp trời, khi mà đã tạm biệt trường học được 5 năm, trở thành một công dân mẫn cán và say mê làm việc của xã hội, tôi như tìm được... "tri kỷ" khi cầm trên tay cuốn 35 ki-lô hy vọng. Mọi kỷ niệm "ngọt ngào và man trá" về thời học sinh lũ lượt kéo nhau sống dậy.

    Grégoire ghét trường học, ghét đến nỗi để lên lớp 6, cậu đã... đúp hai lần. Ở nhà, việc học hành của cậu luôn là một thảm kịch... Mẹ cậu khóc lóc còn bố la mắng, nếu không phải thế thì ngược lại, mẹ cậu mắng mỏ còn bố im lặng chẳng nói gì. Bản thân Grégoire rất đau khổ khi nhìn bố mẹ như vậy nhưng cậu có thể làm được gì? Nếu mở miệng ra, mọi chuyện còn tệ hơn. Y như rằng, bố mẹ chỉ biết lặp đi lặp lại điệp khúc: "Học đi!", "Học đi!", Học đi!"...

    Chỉ có duy nhất một năm học Grégoire cảm thấy hạnh phúc, đó là hồi... mẫu giáo lớn với một cô giáo tên là Marie. Cô thường nói, một ngày thành công là khi ta tạo ra được một thứ gì đó. Trong cuốn sổ học bạ cuối năm mẫu giáo, cô Marie đã viết: "Cậu bé này có cái đầu như một sàng thưa, những ngón tay thiên thần và một trái tim cũng to như thế. Chừng ấy hẳn là đủ để ta giúp cậu bé làm được một điều gì đó". Đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời Grégoire cho rằng cậu không bị một thành viên của hệ thống giáo dục quốc gia... vùi dập.

    Mọi việc lên tới đỉnh điểm khi Grégoire bị đuổi học vào năm lớp 6 và không có bất cứ trường học nào quanh vùng chịu nhận cậu. Ngay cả ông ngoại Léon, người duy nhất trong gia đình thường ở bên ủng hộ, bênh vực và khuyến khích cậu phát triển năng khiếu thiên bẩm của mình là sáng tạo, phát minh, chế tác ra những vật dụng hữu ích cho sinh hoạt gia đình... cũng tỏ ra thất vọng về cậu. "Ông ư, ông thích những người biết làm chủ cuộc đời mình! Ông không thích những kẻ lười biếng, chỉ tìm cách khiến người ta thương xót, và sau đó bị đuổi học vì vô kỷ luật! Để ông nói cho cháu nghe điều này, anh bạn: Chọn một cuộc sống bất hạnh bao giờ cũng dễ hơn là chọn sống cho hạnh phúc, và ông ư, cháu nghe đây, ông không thích những kẻ chọn lựa sự dễ dàng, ông không thích những kẻ hay than thân trách phận! Hãy sống cho hạnh phúc đi chứ, khỉ thật! Hãy làm những gì cần làm để có thể sống hạnh phúc!".

    Gia đình Grégoire vốn có nhiều trục trặc. Bố mẹ cậu dường như không còn thương yêu nhau nữa và thường xuyên cãi vã về ti tỉ thứ xoay quanh chuyện "cơm áo gạo tiền". Đáng buồn hơn, Grégoire luôn là khởi nguồn cho xung đột bùng nổ và là cái cớ để bố mẹ đổ lỗi cho nhau vì sự thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm, thấu hiểu và yêu thương con cái.

    Cách miêu tả nội tâm sống động và tinh tế, giọng văn hài hước và tự nhiên, cốt truyện cô đọng và cảm động, Anna Gavalda đã đưa người đọc trải qua mọi cung bậc cảm xúc... để cùng khóc cười với nhân vật, cùng lo lắng, hồi hộp, căng thẳng rồi vỡ òa hạnh phúc trong suốt quá trình dài nỗ lực vượt qua chính mình, tỉnh thức và trưởng thành.

    Chỉ vỏn vẹn có 106 trang nhưng 35 ki lô hy vọng của Anna Gavalda - một trong những tác giả được đọc nhiều nhất ở Pháp và châu Âu - tràn ngập tinh thần lạc quan, sự thấu hiểu, tình yêu thương và niềm tin sâu sắc ở con người, ở cuộc sống. Đây là những giá trị căn bản và quý giá của cuộc sống mà hiển nhiên không chỉ nặng có 35 ki lô.

    Công thức: "Trái tim yêu thương, sự gắn kết bền chặt và ủng hộ từ gia đình + thái độ quan tâm, thấu hiểu và lòng kiên nhẫn của những giáo viên đích thực, không phân biệt, trù dập hay thiên vị + tình bạn trong sáng, chân thành và tích cực... + lòng dũng cảm và quyết tâm của chính Grégoire đã giúp cậu vượt lên chính mình". Từ một học sinh bị mặc định là "ngu lâu khó đào tạo", Grégoire đã phát huy được những tố chất thiên bẩm, sự khéo léo và óc sáng tạo, đồng thời đánh bại nỗi sợ hãi trường học, để không chỉ trở thành một người sống tốt, mà còn là một người sống hạnh phúc.

    Kính gửi thầy hiệu trưởng trường Grandchamps,

    Em mong muốn được nhận vào học tại trường của thầy, nhưng em biết điều đó không thể được vì học bạ của em quá tồi.
    Em đã đọc thấy trên tờ quảng cáo là trường có xưởng cơ khí, xưởng mộc, phòng vi tính, có cả một nhà kính trồng cây nữa.

    Em nghĩ rằng trên đời này không chỉ có những điểm số trong học bạ. Em nghĩ có cả động lực nữa.
    Em muốn đến học ở trường Grandchamps bởi vì chỉ ở đó, em mới thực sự hạnh phúc, em nghĩ vậy.

    Em không to lắm đâu, em cân nặng 35 ki lô hy vọng.

    Kính chào thầy,
    Grégoire Dubosc


    Hãy đọc 35 ki lô hy vọng để học cách hy vọng, để đánh thức sức mạnh tiềm ẩn của bản thân, để khơi dậy lòng trắc ẩn giữa con người với con người và biết đâu, bạn sẽ gặp những phép lạ trong cuộc sống này.

    Phương Phương
    Việt Báo (Theo_NgoiSao)
    (Trích từ Việt Báo Việt Nam)


    “35 kilo hy vọng”

    Sau “Giá đâu đó có người đợi tôi”, “Bố đã từng yêu”, “Chỉ cần có nhau”…, cái tên Anna Gavalda chắc hẳn đã trở nên quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam.

    Vẫn phong cách truyện trữ tình nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà sâu sắc, đi sâu vào những khía cạch cảm xúc và tâm lí con người; lần này, Gavalda mang đến cho chúng ta một câu chuyện đầy thú vị nhưng cũng không kém phần chân thực và cảm động cùng với “35 kilo hy vọng”.

    “Tôi ghét trường học.

    Tôi ghét nó hơn tất thảy mọi thứ trên đời.

    Thậm chí còn hơn thế nữa…

    Nó làm cuộc sống cuả tôi trở nên thật khốn khổ.”

    Đó là lời của Grégoire – nhân vật chính của câu chuyện, một cậu bé bình thường có vấn đề về tập trung và đã từng bị ở lại lớp hai lần: năm lớp ba và lớp tám. Trường học đối với cậu là một cơn ác mộng, một nỗi ảnh, là thứ “mùi” hỗn tạp siết chặt lấy cổ họng làm cậu không tài nào thở được. Nỗi sợ trường học ấy thậm chí đã trở thành một căn bệnh, thể hiện ở cơn đau bụng dai dẳng tỉ lệ thuận với khoảng cách từ nhà đến trường và tỉ lệ nghịch với khoảng cách từ trường về nhà. Grégoire không phải là một đứa trẻ thông minh – cậu biết điều đó và cũng đã từng rất cố gắng học để làm vừa lòng cha mẹ cho đến khi cậu nhận ra rằng thứ mình làm tốt nhất ở trường chỉ là trở thành trò hề cho cả lớp và làm giáo viên nổi điên. Mọi người luôn nhìn Grégoire như một đứa vô dụng và ngu ngốc, chỉ có ông Léon và cô mẫu giáo của cậu là nhận ra cậu có một đôi bàn tay khéo léo và kì diệu như thế nào. Một mình cậu mày mò thiết kế và chế tạo nên những món đồ nhỏ, những cỗ máy xinh xắn có thể hoạt động ra trò và sửa chữa cả những món đồ hỏng hóc trong nhà mà không cần một ai giúp đỡ. Grégoire đã tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ bé đó với sự thỏa mãn; nhưng rồi khi cậu bị đuổi học lần thứ hai, một vết rạn lớn đã nảy sinh giữa cha mẹ cậu, ngay cả người ông mà cậu hằng yêu quý cũng bắt đầu trở nên lạnh nhạt và quay lưng lại với cậu. Khi không còn ai bên cạnh, Grégoire mới nhận ra rằng đã đến lúc mình phải lớn lên, phải trưởng thành và có trách nhiệm với tương lai của bản thân mình.

    Câu chuyện được kể lại bằng lời kể hồn nhiên, thành thật và rất đỗi chân thành của nhân vật chính – Grégoire, đem lại cho chúng ta một góc nhìn khác về cái gọi là trí thông minh và tài năng của con người, đặc biệt là trẻ em. Xưa nay chúng ta đều cho rằng, một người thông minh tài giỏi phải là người học nhiều hiểu rộng, nhưng thực chất đó chỉ là một sứ đánh giá phiến diện và thiếu chính xác. Trên thực tế có đến bảy loại thông minh, và nếu xét một cách khách quan, Grégoire cũng có thể xem là một thiên tài. Với đôi bàn tay kì diệu của mình, cậu đã tạo nên chiếc máy bóc vỏ chuối; chế ra Berlu-lông-lá; thiết kế một đôi giày có thể tháo lắp gót dùng để leo núi mà cậu chắc mẩm có thể giúp cậu kiếm được bộn tiền và đến đời con cháu cậu cũng không sợ bị đói; hay mơ ước phát minh ra một loại nước hoa mang tên “Mùi thơm của túp lều” lưu lại thứ mùi của dầu mỡ, của que hàn sắt, keo dán gỗ… mà cậu rất thích khi ở trong túp lều của ông Léon - thứ mùi tuyệt vời mà bất cứ ai ngửi vào cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Grégoire mơ ước được sống với niềm đam mê của cậu với việc chế tạo và sửa chữa nhưng cũng chính ước mơ đó đã khiến cậu không nhận ra rằng thực chất cậu chỉ đang chạy trốn khỏi sự hèn nhát của chính mình.

    “Chọn một cuộc sống bất hạnh bao giờ cũng dễ hơn hạnh phúc”. Với sự quay lưng lại của tất cả mọi người, Grégoire cảm thấy bị tổn thương và chán nản; đó cũng là lúc cậu bắt đầu suy ngẫm về bản thân và mọi người xung quanh. Và rồi cậu bé chợt nhận ra rằng, đằng sau những lời trách mắng và cáu bẳn tường chừng như vô tâm của cha mẹ, đằng sau sự lạnh nhạt và hắt hủi của ông khi cấm cậu đến túp lều – nơi duy nhất cậu cảm thấy mình thuộc về, đều ấn chứa tình yêu thương và sự mong mỏi dành cho cậu. Cậu hiểu rằng mình đã lớn và đã đến lúc phải thoát ra khỏi sự hèn nhát của bản thân mình. Lấy hết can đảm, cậu viết một bức thư gửi đến trường trung học kỹ thuật Grandchamps – ngôi trường đã làm cậu ấn tượng với tờ quảng cáo in hình những đứa trẻ đang chăm chú làm việc chứ không “ngồi vào bàn và cười một cách ngớ ngẩn”, cũng là ngôi trường duy nhất mà cậu cảm thấy muốn đi học. Đó cũng là lần đầu tiên Grégoire tự đưa ra quyết định cho mình. Cậu đã dồn tất cả tâm tư tình cảm cũng như niềm mong mỏi vào trong bức thư, thậm chí đặt cược bằng số cân nặng khiêm tốn của mình: 35 kilo và gọi nó bằng 35 kilo hy vọng.

    Câu chuyện khép lại bằng nụ cười của Grégoire. Xuyên suốt cuốn truyện, ta không hề thấy Grégoire cười một lần nào, có chăng cũng chỉ là những nụ cười ngờ nghệch để làm vui lòng đám bạn cùng lớp. Nụ cười đầu tiên và thật sự của Grégoire là khi được nhìn thấy nụ cười của ông Léon nơi sân trường sau một thời gian ông phải nằm viện tưởng chừng không qua khỏi, là nụ cười xuất phát từ trái tim, cũng là nụ cười của tình yêu thương và niềm hạnh phúc trọn vẹn.

    Cuốn sách chỉ dày tầm 100 trang, không mất quá nhiều thời gian để đọc nhưng lại giúp ta nghiệm ra được nhiều bài học quý báu về con người và cuộc sống, rằng hy vọng luôn tồn tại và dũng cảm chính là dám đem hy vọng ra để đặt cược cho số phận của mình.

    Tôi chỉ là một người bình thường nhưng tôi nặng đủ cho mơ ước và trái tim.

    Còn bạn, bạn nặng bao nhiêu kilo hy vọng?


    Gấu béo (Theo Cóc đọc số 37, 9/2011)
    (Trích từ trang FPT.Fpt University)
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/11/13
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này