Đang dịch PG All Our Yesterdays - Cristin Terrill

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi .:Veronica:., 15/8/14.

  1. .:Veronica:.

    .:Veronica:. Mầm non



    ALL OUR YESTERDAYS


    Cristin Terrill


    [​IMG]


    Thể loại: Young adult, time travel, một chút sci-fi

    Nhà xuất bản và năm xuất bản:
    Bloomsbury (UK) – tháng 8/2013
    Disney-Hyperion (US) – tháng 9/2013

    ISBN13: 9781423176374

    Số trang: 360

    Độ dài: 40 chương

    Người dịch: .:Veronica:.


    Vài nét về tác giả:

    Tác giả Cristin Terrill sinh tại Texas, tốt nghiệp cử nhân khoa Kịch - Đại học Vassar (New York) và theo học thạc sĩ nghiên cứu William Shakespeare tại Học viện Shakespeare thuộc Đại học Birmingham (Stratford-upon-Avon). Bà từng đảm nhiệm công việc quản lý sân khấu. Hiện bà đang sinh sống tại Silver Spring, bang Maryland, Hoa Kỳ, vừa viết sách vừa tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng viết văn sáng tạo dành cho thiếu niên và nhi đồng của tổ chức phi lợi nhuận Writopia Lab. “All Our Yesterdays” là tiểu thuyết đầu tay của bà.

    Tóm tắt nội dung (hay lời tám nhảm của người dịch):

    “All Our Yesterdays” là một cuốn sách đặc biệt đối với mình. Lần đầu tiên nhìn thấy bìa sách, mình đã lập tức bị thu hút. Lướt qua phần giới thiệu nội dung thì thấy hấp dẫn (và mình thầm nhủ nhất định sẽ đọc), nhưng chẳng bao lâu sau, mình quên sạch. Khi đã có sách, mình chưa đọc ngay mà phải ba tháng sau mới sờ đến. Ý niệm của mình về cuốn sách này lúc bắt đầu đọc chỉ còn sót lại đúng mấy từ: có vẻ hấp dẫn, cần đọc. Vậy mà ai biết được, đó lại là một may mắn. Chính vì đọc khi không biết (hay đúng hơn là đã quên) nội dung chính mà cuốn sách đã đem đến cho mình hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khi quyết định post bản dịch này lên, mình cũng muốn độc giả trải qua những giây phút như thế, và mình thành thực khuyên các bạn đừng tìm đọc phần giới thiệu bằng tiếng Anh, bởi trong đó những yếu tố bất ngờ đã bị spoil ra không ít. Cứ từ từ rồi mọi thứ sẽ sáng tỏ. Mình nói thế hoàn toàn không phải vì muốn câu khách hay gì cả, mà chỉ vì lợi ích của các bạn thôi. Những gì các bạn cần biết về cuốn sách (ít ra là tại thời điểm này) có thể gói gọn trong một câu: “Kill the past to save the future – một cô gái trở về quá khứ trong một sứ mệnh nhằm thay đổi tương lai.”

    OK? Bắt đầu đọc được chưa nhỉ?

    * * *

    Chương 1


    Em
    Tôi nhìn đăm đăm vào cái phễu thoát nước nằm ngay giữa sàn bê tông. Đó là thứ tôi trông thấy trước tiên khi chúng tống tôi vào xà lim này; kể từ lúc ấy, ánh mắt tôi hầu như dán chặt vào nó không rời.

    Lúc đầu, tôi cố tình chống đối, lết từng bước chậm rề trong đôi dép tù mỏng te được cấp, vậy là chúng phải nắm lấy hai cẳng tay tôi mà lôi dọc hành lang. Nhưng vừa trông thấy cái phễu, tôi lập tức thét lên. Hình ảnh cái phễu cứ lớn dần, lớn dần, cho tới khi bao trùm toàn bộ xà lim chật chội xây bằng gạch block, và tôi bắt đầu quẫy đạp trong tay những kẻ đang trấn giữ mình, cố vùng vẫy hòng thoát khỏi gọng kìm của chúng. Trong đầu tôi hiện lên bao viễn cảnh ghê rợn nhất để lí giải cho việc chúng đặt phễu thoát nước trên sàn nhằm mục đích gì.

    Những nỗi kinh hoàng tuy không xảy đến như tôi tưởng tượng – hay ít ra là chưa – nhưng sự chú ý nơi tôi vẫn dồn vào cái phễu thoát ấy. Với tôi, nó giống như một thứ kim chỉ nam, liên tục lôi kéo, thu hút tôi hết lần này đến lần khác. Ngay cả lúc này đây, khi đang nằm nghiêng trên chiếc giường gấp nhỏ hẹp kê sát tường, mắt tôi vẫn găm chặt vào đó như thể ở nó có điều gì đáng để tôi khám phá. Đường kính năm inch rưỡi, ba mươi hai lỗ, gần chính giữa là một vết lõm bằng nửa đồng xu.

    “Đang làm gì vậy, Em?” Giọng nói thân thuộc cất lên khe khẽ qua hệ thống ống sưởi.

    “Nướng bánh.”

    Anh bật cười, âm thanh ấy khiến tôi mỉm cười theo. Tôi có chút ngỡ ngàng khi nhận ra những cơ trên mặt mình vẫn còn nhớ biểu cảm ấy.

    “Lại nhìn cái phễu thoát nước đấy à?”

    Tôi im lặng không đáp.

    “Đừng mà,” anh nói. “Làm thế sẽ chỉ khiến bản thân em phát điên chứ ích gì.”

    Nhưng tâm trí tôi lúc này đang hướng tới một điều khác.

    Ngày hôm nay, rốt cuộc tôi sẽ khám phá tất cả những bí mật đang ẩn giấu bên trong cái phễu này.

    Không rõ bao lâu sau, tôi chợt nghe thấy tiếng chân của một tên lính canh đang đến gần. Rất khó đoán định thời gian khi mà ở đây không có đồng hồ, cửa sổ hay bất kì hoạt động nào diễn ra để phá vỡ những giây phút dài đằng đẵng. Cách giải khuây duy nhất của tôi là những cuộc chuyện trò với anh chàng trong xà lim bên cạnh cùng những cơn đói kéo đến rồi lại tan đi.

    Dạ dày tôi sôi lên òng ọc khi nghe tiếng bốt nện trên sàn xi măng, thứ âm thanh tương tự như tiếng chuông reo với chú chó trong thí nghiệm của Pavlov. Hẳn là đã đến giờ ăn trưa.

    Cánh cửa kim loại nặng trịch được kéo ra một khoảng đủ để tôi nhác thấy Kessler, tên lính canh có bộ mặt y như đám lửa tàn vẫn còn âm ỉ sau khi bị tạt nước. Bọn lính đa phần đều chẳng bận tâm tới tôi, nhưng tên này thì ghét tôi thậm tệ. Chắc hắn hận vì phải chầu chực để mang cho tôi từng bữa ăn và bộ quần áo sạch màu xanh dương không hoạ tiết để thay. Ý nghĩ ấy khiến tôi mỉm cười. Phải chi hắn biết tôi từng trải qua những gì trước khi thế giới quanh chúng tôi sụp đổ chẳng khác nào căn nhà mục ruỗng từ bên trong.

    Kessler chìa khay đồ ăn về phía tôi, tôi vội chạy đến để giật lấy. Nhưng không để tôi tới nơi thì hắn đã buông tay, cái khay rơi xuống sàn đánh xoảng, thức ăn văng tung toé. Nỗi nhục nhã khi phải lê lết đón nhận sự bố thí của Kessler như ngọn lửa thiêu đốt tâm can tôi, nhưng ít nhất đây là lần đầu tiên tôi ngóng đợi bữa ăn. Dĩ nhiên không phải vì thứ đồ ăn nhão nhoét nâu xỉn trong khay.

    Cái tôi cần là thìa dĩa đi kèm kia.

    Kessler ném cho tôi nụ cười khinh nhạo lạnh lùng rồi cửa xà lim đóng sầm lại. Ngay khi hắn vừa khuất dạng, tôi chộp lấy thìa dĩa trên khay và chăm chú quan sát. Ở đây chúng không bao giờ phát dao. Món thịt ướt nhoẹt không cần phải cắt, mà chắc chúng cũng sợ tôi âm mưu dàn dựng màn vượt ngục táo bạo với con dao nhựa yếu xìu uy hiếp đám đàn ông lăm lăm súng máy bên ngoài xà lim.

    Tôi đặt cái khay sang bên, khoanh chân ngồi cạnh cái phễu thoát. Tôi thử dùng dĩa trước, ấn đầu nhọn lên một cái đinh vít trên lưới chắn miệng phễu. Quả nhiên đầu dĩa quá dày, không vừa với rãnh trên đầu vít, vậy là tôi vứt luôn. Cái dĩa trượt đi trên sàn bê tông rồi dừng lại bên cạnh chiếc khay.

    Giờ đây, mọi hi vọng của tôi đều đặt vào cái thìa. Tôi ấn mũi thìa lên chiếc đinh vít ấy, lần này vừa khít với một rãnh. Nín thở như thể sự thay đổi áp suất không khí trong xà lim dù lớn hay nhỏ cũng có thể làm mọi việc hỏng bét, tôi đè chiếc thìa xuống, cố tháo cái vít ra. Nhưng chiếc thìa trượt đi. Tôi thử lại đến năm, sáu lần mà chẳng ăn thua, cái thìa không tài nào bám chặt được vào rãnh trên đầu vít, vì vậy tôi chỉ ấn rồi xoay một cách vô ích. Mũi thìa quá nhỏ và cong, không khớp với rãnh thẳng; trong lúc bực tức, tôi suýt nữa ném bay cái thìa vào tường.

    Bàn tay giơ lên chợt dừng lại giữa chừng. Hít một hơi. Động não đi nào.

    Cán thìa quá dày, không thể vừa, phía đầu cán lại quá to, nhưng... Tôi áp tay xuống sàn bê tông gồ ghề, một cảm giác thô ráp và lạnh lẽo truyền tới lòng bàn tay. Có thể được đấy.

    Khi Kessler quay lại lấy khay, tôi đã chờ sẵn. Dạ dày tôi rỗng không, đau nhói, nhưng tôi không hề động đến thức ăn. Tôi cần khay đồ ăn nhão nhoét còn nguyên. Kessler kéo cửa, và ngay khi thấy khoảng trống mở ra vừa đủ để hành động, tôi lia cả cái khay qua đó.

    “Thật ghê tởm!” tôi gào lên. “Chúng tôi đâu phải con vật!”

    Kessler nghiêng người né, vậy là cái khay đập vào bức tường phía sau lưng hắn với một tiếng bốp. Hắn giật mình và chửi thề khi những mẩu thức ăn nâu nâu, xanh xanh bắn cả lên mặt và đồng phục. Tôi cố ghìm nụ cười tai quái được khoảng nửa giây trước khi Kessler vung tay tát thẳng vào mặt tôi một phát như trời giáng. Tôi sụm xuống sàn, nước mắt cay xè bắt đầu ứa ra sau cú đánh.

    “Đồ chó điên,” Kessler nói và đóng cửa lại.

    Tôi chỉ hi vọng hắn nổi khùng vì phải dọn dẹp đống bầy hầy kia nên không phát hiện ra còn thiếu chiếc thìa.

    Tôi cố chờ thật lâu cho chắc ăn. Một tiếng, hay là hai tiếng đã qua? Rồi tôi lôi chiếc thìa ra khỏi chỗ giấu bên dưới tấm đệm mút mỏng. Tôi bẻ đầu thìa đi, chỉ để lại phần cán sắc cạnh và dùng ngón tay để đo, ướm thử vào khía trên đầu vít.

    Tôi xích lại phía tường, áp mặt gần ống sưởi. “Ê, anh có đó không vậy?”

    Tôi nghe thấy tiếng cót két đầy thống khổ của lò xo gỉ sét khi Finn rời khỏi chiếc giường gấp. “Vừa ra ngoài về. May cho em đấy, sớm tí nữa là không gặp rồi.”

    Tôi áp tay lên những dải kim loại lạnh ngắt của tấm lưới che đường ống sưởi. Đôi khi, thật khó tin thứ ngăn cách chúng tôi chỉ là một bức tường bê tông dày một foot. Tôi có cảm giác như anh ấy đang ở rất xa.

    Anh có bao giờ chạm vào phía bên kia bức tường và nghĩ đến tôi?

    “Anh hát cho em nghe được không?” tôi nói.

    “Hát ư?”

    “Đi mà?”

    “Ừm... thôi được.” Bối rối nhưng vẫn đồng ý. Finn chưa bao giờ từ chối tôi điều gì. “Em thích bài nào?”

    “Bài nào cũng được.”

    Anh bắt đầu cất tiếng hát, bài gì đó nghe như nhạc nhà thờ vậy. Là thánh ca chăng? Phải đến khi mọi chuyện bắt đầu – khi chúng tôi bắt đầu chu du trên đường, mọi thứ liên quan đến cuộc sống trước đây đều ở lại phía sau, giống như làn khói xả của chiếc xe tải lén đưa chúng tôi rời khỏi thành phố – tôi mới biết Finn và mẹ anh tuần nào cũng đi lễ nhà thờ. Anh ấy thậm chí còn thích nữa. Lúc anh nói, tôi đã rất sốc, nhưng giờ đây tôi chẳng nhớ nổi vì lí do gì. Có lẽ vì tôn giáo chưa bao giờ là mối quan tâm đối với tôi, hay vì những thứ như cầu nguyện, những buổi thông công, những bài giảng đạo, tất cả dường như đều chẳng ăn nhập gì với anh chàng Finn hồi ấy tôi quen.

    Anh chàng Finn tôi cứ ngỡ mình đã hiểu.

    Giọng anh khá hay, một giọng nam cao khoẻ khoắn, đem lại cảm giác như lớp bông mát rượi lướt trên làn da. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chắc chẳng ai ngờ được điều ấy. Nhưng... tôi không biết nữa... cũng có thể lắm. Đã mấy tháng nay tôi chưa được nhìn thấy Finn. Có lẽ anh bây giờ đã không còn giống như trong kí ức của tôi nữa rồi.

    Trong lúc giọng hát của Finn vang vọng khắp bốn bức tường gạch tro và lấp đầy mọi ngóc ngách, tôi ấn đầu cán thìa sắc cạnh xuống sàn và di qua di lại trên mặt bê tông thô nhám, chầm chậm bào mòn chiếc cán nhựa. Tôi mài càng lúc càng nhanh, bên tai tôi là tiếng cán thìa cọ xát trên sàn hoà với giọng hát của Finn.

    Xà lim lạnh lẽo là thế, vậy mà mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán tôi do gắng sức. Tôi tạm dừng và áp cán thìa lên đầu đinh vít để kiểm tra. Vẫn hơi dày, nhưng sắp được rồi. Tôi lại tiếp tục mài, nắm chặt chiếc cán tới mức tay tôi bắt đầu thấy đau. Nhất định sẽ thành công, tôi dám chắc như vậy.

    Finn ngừng hát, nhưng tôi còn mải tập trung vào công việc trước mắt nên hầu như chẳng phát hiện ra. “Em đang làm gì thế?”

    “Nhất định là được,” tôi thì thào với chính mình.

    “Cái gì được?”

    Tôi lại kiểm tra cán thìa, lần này cạnh sắc được mài bớt đã vừa khít với rãnh trên đầu vít. Tôi ấn chặt vào, cảm thấy máu trong người nóng bừng lên. Một giọng nói yếu ớt xa xăm cất lên trong tâm trí tôi, hỏi tôi rằng cái phễu thoát nước dớ dẩn ấy có gì khiến tôi phải nhọc công đến vậy, nhưng tiếng mạch đập dồn trong đầu đã át đi tất cả, giống như có người đang đánh trống giục hồi đoàn quân lâm trận. Tôi bắt đầu xoay cán thìa, nhưng cái đinh vít chẳng hề suy chuyển, kẹt cứng vì bụi bặm, gỉ sét tích tụ đã bao năm qua, và còn gì nữa thì chỉ Chúa biết. Tôi vặn mạnh hơn, cố khiến cái vít phải xoay, đến mức chiếc cán nhựa phát ra tiếng cót két như sắp gãy.

    “Xoay đi, chết tiệt!”

    Tôi bấm chặt lấy phần dưới cùng của cán thìa, chỗ sát với đinh vít nhất có thể, rồi vặn. Với một âm thanh ken két chói tai, chiếc vít bắt đầu dịch chuyển. Tôi bật cười, những luồng hơi nhỏ phả ra trên môi đem lại một cảm giác xa lạ nhưng cũng thật tuyệt vời. Sau khi cái đinh vít rơi ra, tôi tiếp tục xử lí cái thứ hai, rồi thứ ba... lấy cả móng tay cạy đến tứa máu khi chiếc cán thìa làm mất quá nhiều thời gian. Đến phút chót, tôi cầm cả mảnh lưới sắt mà giật, dù vẫn còn vài đường ren chưa tháo trên chiếc đinh vít cuối cùng.

    Mảnh lưới trong tay tôi bật tung ra, giờ nó chỉ còn là một miếng kim loại tầm thường, mỏng manh. Tôi buông rơi xuống sàn với một tiếng keng.

    “Chuyện gì vậy, Em?”

    Giọng Finn bắt đầu có vẻ lo lắng, nhưng lúc này tôi làm sao để tâm cho được. Cái phễu thoát nước rốt cuộc cũng đã mở và đang phơi bày trước mắt tôi. Tôi thò tay vào trong; lí trí nói rằng tôi sẽ chẳng thấy gì ngoài đường ống lạnh lẽo nhưng trong thâm tâm, một phần nhỏ bé khác – phần thuộc về bản năng – khẽ thì thầm với tôi... điều gì đây? Mục tiêu? Số phận? Hay là một trong những điều lớn lao khác mà nhiều năm nay tôi đã không còn tin tưởng?

    Và cái phần nhỏ bé ấy chẳng hề bất ngờ khi tay tôi siết lấy một vật được giấu bên trong ống. Toàn thân tôi căng cứng khi một cảm giác hoang dại và vui sướng vỡ oà, như thể các cơ bắp trên người tôi hiểu rằng phải kìm nén những cảm xúc bùng nổ mạnh mẽ ấy lại. Tôi cố lôi hẳn ra, giơ về phía ánh sáng và nhìn chằm chằm vào món đồ tìm được.

    Đó là một chiếc túi nylon vuốt mép cũ mèm, lốm đốm vết mốc và dấu tích nước cứng để lại sau bao năm tháng. Một vật thật tầm thường nhưng lại khơi lên trong tôi kí ức về những chiếc bánh sandwich bơ lạc tôi thường thấy nhét trong túi đựng đồ thể thao ngày trước. Trông nó quá ư lạc lõng trong cái xà lim nhỏ xíu, chật chội này. Trong túi chỉ có một tờ giấy màu trắng kẻ sọc xanh, giống loại tôi hay dùng hồi còn đi học, mép giấy nham nhở chứng tỏ nó được xé ra từ một cuốn sổ.

    Tay run run mở chiếc túi, đột nhiên tôi thấy sợ. Vừa trông thấy cái phễu, tôi đã biết ngay ở nó có gì đó đáng lưu ý. Việc này không bình thường, nhất định là chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cả.

    Tôi lấy mảnh giấy ra, giờ tôi mới thực sự được nhìn kĩ. Đột nhiên, tôi tưởng như đang ở trong một căn phòng chân không. Tôi cố hít thở nhưng không thể, giống như toàn bộ dưỡng khí đã bị hút cạn.

    Mặt giấy gần như kín chữ. Những con chữ viết bằng bút mực và cả bút chì, nét mực mấy dòng đầu đã phai nhạt đến mức khó mà đọc nổi, còn những dòng dưới cùng trông như thể mới được viết. Mỗi câu trong đó đều bị gạch đi với nét bút ngay ngắn, thanh mảnh, chỉ trừ dòng chữ ở cuối trang.

    Ngay đầu tờ giấy là một cái tên được viết hoa toàn bộ bằng nét chữ quen thuộc, dòng cuối cùng rất rõ ràng và đậm nét, những con chữ in hằn trên giấy như thể người viết đã ấn mạnh bút.

    Người ấy chính là tôi.

    Tôi chưa từng thấy tờ giấy này bao giờ, nhưng đây chắc chắn là chữ của tôi: chữ e với nét uốn mềm mại trong khi những chữ khác đều cứng cáp, chữ h nghiêng và a hẹp ngang. Bản năng trong tôi nhận ra tờ giấy, cảm giác giống như khi nghe tiếng chuông điện thoại vang lên trong căn phòng khác vậy.

    Toàn thân tôi bắt đầu run rẩy. Vào lúc này và tại đây, một lá thư tôi không nhớ đã viết đột nhiên mang một ý nghĩa vô cùng rõ ràng.

    Nhưng chính dòng chữ cuối cùng mới là điều khiến tôi vội vàng bò đến bên chiếc bồn cầu trong góc xà lim.

    Cô phải giết hắn.


    Hết chương 1

     
    Chỉnh sửa cuối: 21/8/14
    Mary, dakedo, NHTB and 5 others like this.
  2. .:Veronica:.

    .:Veronica:. Mầm non



    Chương 2


    Em
    Tôi cứ thế nôn khan cho tới khi cái dạ dày chịu chấp nhận thực tế là trong bụng chẳng có gì để ói, sau đó tôi tựa trán vào bức tường mát lạnh và lấy ống tay áo lau miệng.

    Cô phải giết hắn.

    Những con chữ hiện lên rõ mồn một ngay cả khi tôi nhắm mắt. Chúng hằn sâu trong tâm trí tôi, nhưng tôi không thể chấp nhận điều đó. Chắc chắn vẫn còn cách khác. Tôi không phải loại người tàn nhẫn như vậy.

    Chưa đến mức ấy.

    Tôi chợt nghe thấy tiếng cửa lách cách từ hành lang vọng lại. Có người đến. Tôi ngồi bật dậy và nhào tới chỗ chiếc phễu thoát nước. Ai mà biết được tên tiến sĩ phản ứng thế nào nếu hắn biết tôi đã phá tung cái phễu, nếu hắn trông thấy tờ giấy...

    Ý nghĩ ấy khiến máu trong người tôi lạnh toát. Hắn sẽ giết tôi là cái chắc.

    Tôi luống cuống bẻ vội chiếc thìa ra thành vài mảnh nhỏ và bỏ vào trong ống thoát nước. Giờ đây, tôi nhận ra tiếng bốt nặng nề bước trên sàn xi măng. Tôi dộng tấm lưới lên miệng phễu thoát, cố sức dùng móng tay và đầu ngón tay để bắt vít vào như cũ, sau đó vơ lấy cái túi và mảnh giấy rồi lao đến bên chiếc giường đệm. Tôi nhét hai món đồ xuống dưới đệm vừa đúng lúc bộ mặt của Kessler hiện ra sau ô trống nhỏ trên cửa xà lim.

    “Thìa đâu?” hắn hỏi.

    Đúng là hết ý mà. Kessler không ngu như tôi hi vọng.

    “Chả hiểu ông nói gì,” tôi đáp, ra vẻ hờ hững ngả đầu ra sau. Tôi cố ép mình thở đều, dù hai lá phổi thiếu điều muốn vỡ tung vì gắng sức.

    Kessler quay sang trao đổi với ai đó đứng bên phải. Kẻ này không đi bốt quân đội nên tôi không nghe tiếng hắn đến. Mười đầu ngón chân tôi co quắp bên trong đôi dép tù.

    Kessler lại nhìn tôi. “Bọn tôi biết cô đang giấu. Mau đưa đây.”

    Hừm, việc đó giờ bất khả thi rồi. Nếu nghe lời hắn, tôi sẽ phải thò tay vào trong phễu, lôi mấy mảnh nhựa ra, và rồi chúng sẽ xới tung cả cái xà lim này lên để tìm xem tôi đang giấu thứ gì. Chúng mà phát hiện ra tờ “danh sách đồ giặt là” với một loạt mối đe doạ thì tôi chết chắc.

    Vả lại, tôi chưa bao giờ đáp ứng bất cứ yêu cầu gì của chúng, dù lớn hay nhỏ.

    Tôi đan hai tay, đặt sau đầu. “Ngon thì nhào vô.”

    “Chỉ là chiếc thìa nhựa thôi mà, nhóc.” Là tên tiến sĩ, giọng hắn vọng lại từ sau cánh cửa. “Cô định làm gì với nó, đào hầm vượt ngục chắc?”

    Tôi đứng phắt dậy khi nghe thấy tiếng nói ấy. “Đồ thối tha!”

    “Em?” Finn cất tiếng gọi qua hệ thống ống sưởi. “Chuyện gì vậy?”

    “Cơ hội cuối cùng đấy.”

    Tôi nhổ toẹt về phía ô cửa xà lim. Cơn giận bốc lên ngùn ngụt làm da trên người tôi râm ran. Cửa có thể bật mở bất cứ lúc nào, tên tiến sĩ xuất hiện, và lại một trò kinh dị mới được trình làng. Tất cả chỉ vì một cái thìa nhựa. Thôi thúc bỏ chạy khiến hai chân tôi run rẩy, nhưng biết chạy đi đâu.

    Hơn nữa, tôi có thể cố chịu được.

    “Mở ra,” tên tiến sĩ nói.

    Tôi nghe tiếng chìa tra vào ổ lanh canh, cửa kéo sầm sập, nhưng căn phòng vẫn im lìm. Phải một vài giây sau, khi đã quá muộn, tôi mới hiểu ra.

    “Không!” Tôi vụt chạy tới cánh cửa đóng im ỉm, hai nắm tay dộng thình thình lên tấm kim loại. “Để anh ta yên! Finn!”

    Bên kia bức tường, Finn kêu lên đau đớn. Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng lẹt xẹt từ súng bắn điện đặc biệt của quân đội mà tên tiến sĩ thường sử dụng để không làm vấy bẩn đôi tay quý hoá. Loại này gồm nhiều cấp độ, có thể làm nạn nhân bất tỉnh hoặc khiến tim ngừng đập tức thì. Kiểu thứ nhất tôi đã trải qua, còn kiểu thứ hai thì chỉ mới chứng kiến. Ý nghĩ chúng dùng thứ dụng cụ đó để tra tấn Finn khiến tôi phát điên. Tôi liên tục hét gọi tên anh và cứ thế lao người vào cửa.

    Tên tiến sĩ bất ngờ xuất hiện sau ô cửa nhỏ xíu, tôi lùi phắt lại như sợ hắn thò tay qua tấm kính để bóp cổ mình. Nhưng hắn cũng không cần phí sức làm gì. Chỉ nhìn thấy mặt hắn thôi là tôi đã có cảm giác sinh khí bị hút cạn rồi.

    “Việc này sẽ kết thúc ngay nếu cô muốn,” hắn nói. Trông hắn vẫn như ngày nào. Nếu soi gương, chưa chắc tôi đã nhận ra chính mình, nhưng thời gian chẳng hề để lại dấu ấn nơi hắn. Hắn dịu giọng nói tiếp, gần như tử tế. “Chỉ cần nộp lại chiếc thìa.”

    Tôi nhìn hắn chằm chằm bằng cặp mắt cay xè, nhoè nhoẹt. Finn đang rên rỉ đau đớn, vậy mà tôi cũng không làm được gì cho anh, vì tờ giấy đó có thể khiến cả hai chúng tôi khốn đốn. Tôi nuốt nước bọt và thấy miệng đắng ngoét. “Tôi không giữ. Hẳn Kessler làm mất rồi.”

    Gương mặt hắn tỏ vẻ buồn bã, Chúa ơi, điều đó làm tôi ghét hắn vô cùng. Thế rồi hắn nghiêng đầu, và Kessler lại ra tay khiến Finn thét lên.

    Đến khi Finn không còn kêu nữa thì giọng tôi đã khản đi, hai cạnh bàn tay đau rát do đấm vào tường. Tiếng chân nặng nề của Kessler và nhịp bước nhẹ nhàng hơn của tên tiến sĩ vang lên bên ngoài cửa xà lim rồi mất hút. Cảm giác tội lỗi đè nặng trong tôi, mọi cử động cũng vì thế mà trở nên chậm chạp và khó nhọc khi tôi kéo gối và tấm chăn cotton mỏng khỏi giường, co ro ngồi trên sàn lạnh lẽo bên cạnh ống sưởi.

    “Finn?” tôi thì thào. “Anh có đó không?”

    Căn phòng im phăng phắc. Lúc này đây, liệu anh có ghét tôi nhiều như tôi ghét chính mình?

    “Finn?”

    “Anh vừa về đến nhà. Vừa đi ăn pizza.”

    Tôi bật khóc.

    “Này.” Anh khẽ nói, giọng khàn khàn. “Này em, không sao đâu.”

    “Anh im đi!” tôi kêu lên. “Đừng cố an ủi em! Vì em mà anh bị tra tấn!”

    “Suỵt, anh ổn mà, Em.”

    “Ổn gì mà ổn chứ!”

    “Thật đấy. Anh chỉ...”

    “Anh sao?”

    Finn thở dài. “Anh chỉ ước gì được nhìn thấy em.”

    Tôi xích lại gần hơn nữa cho tới khi sát hẳn vào tường, áp tay lên những viên gạch như thể đang chạm vào anh. Tôi biết làm vậy thật ngốc, may mà anh ấy không biết, nhưng nhờ thế tôi cảm thấy khá hơn đôi chút. “Em cũng vậy.”

    “Còn nhớ ngày xưa em từng rất ghét anh không?”

    Tôi vừa bật cười vừa sụt sịt và nấc cụt. “Thì hồi ấy anh khó ưa bỏ xừ.”

    “Anh nghĩ đúng hơn là hết thuốc chữa.”

    Tôi tựa trán vào tường, trong giây lát, tôi thầm tưởng tượng đang kề bên tôi là bờ vai ấm áp, vững chãi của Finn. “Anh đúng là nhảm nhí.”

    “Này, anh vừa chịu tra tấn thay em đấy. Người ta có quyền kiêu chứ bộ!”

    “Finn...”

    “Suỵt,” anh nhẹ nhàng nói. “Giờ hãy nói hồi ấy em đã quá sai lầm và anh là con người phi thường đi.”

    Finn đúng là phi thường. Và anh ấy không đáng bị đối xử như thế này.

    Cả tôi cũng thế.

    “Em sẽ giết hắn,” tôi nói khẽ.

    “Ừ, anh biết.”

    “Không, em nói thật đấy. Chúng ta phải tìm cách thoát khỏi nơi này, và em sẽ giết hắn.”

    Qua những chấn song trên ống sưởi, tôi thì thầm giải thích với anh tất cả mọi chuyện, từ chiếc phễu thoát nước, tờ giấy, cho đến thông điệp ở cuối trang. Sự im lặng của Finn sao nặng nề chẳng khác nào bức tường ngăn cách chúng tôi. Tôi cố hình dung gương mặt anh. Mái tóc vàng loà xoà có lẽ đang cần cắt thậm tệ, những lọn tóc cuộn lại bên tai và sau gáy anh. Đôi mắt xanh dương mở to, lạc đi vì sửng sốt. Xanh dương hay xanh lục? Không, nhất định là xanh dương. Màu nước xanh trong, sâu thẳm. Miệng anh hơi mở, nhưng cố đến mấy tôi cũng không nhớ nổi hình dáng chiếc miệng ấy. Môi anh dày hay mỏng, ửng hồng hay nhợt nhạt?

    Giờ đến mặt mũi mình thế nào tôi còn chẳng rõ nữa là.

    “Liệu có được không?” cuối cùng anh hỏi.

    Ý anh muốn hỏi liệu có giết được hắn, nhưng có lẽ anh không thể nói ra lời. “E rằng chúng ta chẳng còn cách nào khác.”

    “Nhưng trước hết phải thoát ra khỏi đây, rồi trở về. Theo em, việc đó có khả thi không?”

    “Theo những gì viết trên tờ giấy đó, chúng ta đã làm tới mười bốn lần rồi.”

    “Bằng cách nào?”

    “Em không biết. Nhưng em tin, nếu cần phải biết thì em đã để lại chỉ dẫn.”

    Anh bật cười. “Không thể tin nổi sự phi lí trong câu nói đó.”

    “Không ư?” Tuy tôi ghen tị với khả năng nhìn thấy khía cạnh hài hước trong mọi tình huống của Finn, nhưng tôi chẳng thấy chuyện này có gì đáng cười cả.

    “Em...”

    “Anh đừng nói chúng ta không cần phải làm vậy.” Chắc chắn tôi phải có lí do hết sức chính đáng mới viết ra câu ấy, và phần “con” nhỏ bé ác độc trong tôi – thứ được tạo nên từ những nỗi oán giận, cay đắng chồng chất – chẳng hề ân hận, day dứt. “Đừng nói chúng ta vẫn còn lựa chọn khác.”

    “Thực ra, anh định hỏi là em đang mặc gì.”

    Tôi cắn môi để ngăn nụ cười. Thôi được, câu này đúng là có chút đáng cười.

    “Em nhớ anh lắm.” Vừa thốt ra lời, tôi lập tức muốn rút lại. Tôi quay đi khỏi đường ống, sợ anh sẽ trông thấy tôi đỏ mặt, dù ý nghĩ đó thật dớ dẩn.

    “Anh biết,” Finn nhẹ nhàng nói. Tôi hình dung bàn tay anh đang áp lên phía bên kia bức tường. “Nhưng anh đang ở ngay bên cạnh em mà.”

    Nhiều ngày trôi đi. Trong mỗi bữa ăn, Finn và tôi đều tranh thủ trao đổi với nhau về những gì tôi mới khám phá được.

    “Chúng ta nên về vào hôm nào?” cuối cùng anh cũng hỏi. Lâu nay cả hai đều cố tránh né vấn đề này. Nhắc đến chỉ thêm đau, mà ở đây, chúng tôi đã phải chịu đựng quá đủ rồi.

    “Điều đó em cũng đã tính,” tôi nói. “Ta cần trở về vào ngày mùng bốn tháng Giêng. Bốn năm trước.”

    Sự im lặng bao trùm quanh tôi.

    “Thật ư?”

    Tôi hiểu nỗi do dự của anh. Chính tôi cũng không muốn sống lại quãng thời gian ấy.

    “Chúng ta không thể hành động trước khi hắn tìm ra công thức,” tôi nói. “Vì như thế nghịch lí là quá lớn, chẳng thể dự đoán hậu quả sẽ thế nào. Phải sau thời điểm đó mới được.”

    “Anh hiểu rồi, nhưng sao lại là ngày mùng bốn?”

    “Vì hắn sẽ không ngờ chúng ta lại tới đó,” tôi đáp. “Anh còn nhớ lúc em tìm thấy mớ tài liệu không?”

    “Dĩ nhiên. Là hôm ấy.”

    “Nhưng tên tiến sĩ không biết,” tôi nói. “Hắn cứ tưởng về sau em mới tình cờ phát hiện ra chúng. Anh biết tại sao không?”

    “Tại sao?”

    “Vì hắn không nhớ mình đã tìm ra công thức vào hôm ấy. Hắn tưởng phải ba hôm sau hắn mới nghĩ ra, tức là ngày mùng bảy.”

    “Như vậy, nếu về ngày mùng bốn,” Finn nói, “thì chúng ta có ít nhất ba ngày để hành động trước khi hắn xuất hiện.”

    “Chính xác.” Tôi thở dài. “Vả lại, lúc ấy hắn sẽ suy sụp bởi những gì xảy ra. Nhưng sau đó, bất cứ lúc nào hắn cũng có thể trở nên quá mạnh, được bảo vệ quá kĩ càng.”

    Finn đồng ý. Cũng như tôi, anh hiểu quá rõ rằng không còn thời điểm nào có thể mang lại cho cả hai cơ hội tốt như vậy. Chúng tôi lượt lại kế hoạch một lần nữa, cố gắng tính toán trước mọi tình huống. Cuối cùng, tôi đã thuộc nằm lòng từng con chữ bị gạch đi trong tờ giấy và có lẽ cũng hiểu những sự việc trong quá khứ, vì đâu mà tờ giấy lại đến tay tôi. Tôi không nhớ đã xảy ra chuyện gì khiến tôi phải viết những dòng chữ này, nhưng “tôi” trước kia – những phiên bản không còn tồn tại – cũng để lại manh mối đủ cho tôi có thể đoán ra.

    Khi không còn gì để bàn bạc, không còn chiếc phễu thoát nước để dằn vặt, băn khoăn, tôi chỉ biết nhìn đăm đăm lên trần phòng. Đồ ăn tệ hại, nỗi đau đớn, thậm chí là những lần tên tiến sĩ ghé qua, tất cả tôi đều chịu đựng được. Nhưng những giờ phút tẻ nhạt, đơn điệu, việc phải ngóng đợi điều gì đó xảy ra như thế này ư? Chắc chắn tôi sẽ phát điên mất.

    “Còn thức không, Finn?” tôi hỏi, trở mình nằm nghiêng.

    Không có tiếng đáp. Khả năng ngủ ngon lành trong bất cứ hoàn cảnh nào của Finn luôn khiến tôi ngạc nhiên. Anh chàng ngủ tới mười sáu tiếng mỗi ngày chỉ để quên đi nỗi chán chường.

    “Người gì chán chết,” tôi khẽ nói.

    Tôi quay sang nhìn cửa, tha cho cái trần phòng một lúc. Bằng cách nào đó, nhất định tôi phải trốn khỏi xà lim này. Ít nhất tôi cũng từng thành công, các phiên bản “tôi” ngày trước đã trốn thoát và góp thêm những dòng chữ trên tờ giấy dưới tấm đệm. Phải làm thế nào đây? Giá như tôi nhớ được những điều mà các bản sao của Em đã trải qua thì tốt biết mấy, bởi lúc này, vượt ngục dường như là điều bất khả thi. Tôi nhẩm lại từng lựa chọn dù đã tính cả trăm lần rồi. Tôi có thể hạ tên lính mang đồ ăn, hoặc khống chế tên tiến sĩ khi hắn ghé qua lúc nửa đêm theo thói quen và dùng hắn làm con tin. Như thế tôi có thể thoát khỏi xà lim, biết đâu còn cứu được cả Finn. Cứ cho là kế hoạch thành công đi chăng nữa – cơ hội mong manh lắm – thì bên ngoài kia còn cả một căn cứ quân sự hùng hậu của chính phủ mà tôi mới chỉ nhác thấy đúng một lần, khi chúng tống tôi vào nơi này từ nhiều tháng trước. Giữa tôi và Cassandra còn có hàng loạt lính vũ trang trấn giữ, đấy là trong trường hợp tôi rành rẽ đường đi nước bước, mà tôi thì chẳng biết tí gì. Kế hoạch nào vạch ra cũng đi vào ngõ cụt hoặc kết thúc với một phát đạn vào đầu.

    Như mọi thứ khác, dự tính kế hoạch tẩu thoát và/hoặc cái chết của bản thân rồi cũng trở nên nhàm chán. Chán đến mức tôi gần như cảm thấy được giải thoát khi cửa xà lim mở ra, tên tiến sĩ xuất hiện cùng một gã đàn ông được tôi và Finn gán cho biệt danh “đạo diễn”, kẻ múa rối đứng sau giật dây tên tiến sĩ.

    Gần như vậy.

    Tôi vờ ngáp dài vì biết điều đó sẽ cho hắn tha hồ gặm nhấm cục tức, nhưng thực ra, tim tôi đang đập thình thịch trong ngực. “Đã lại đến lúc rồi cơ à?”

    Gã đạo diễn nghiêng đầu và một tên lính bước tới kéo phắt tôi dậy, ấn tôi xuống chiếc ghế gấp bằng kim loại chúng mang theo khi đến đây. Hắn trói tay tôi vào thanh chống trên ghế bằng loại dây thít nhựa mà người làm vườn nhà tôi từng dùng để buộc những khóm hoa hồng.

    “Trói cả chân vào,” gã đạo diễn nhắc. Vinh dự quá, hắn vẫn nhớ vụ lần trước.

    Khi đã trói xong đứa con gái tuổi teen trong tay không một tấc sắt, xung quanh là những gã đàn ông lăm lăm súng máy, cuộc hỏi cung bắt đầu. Tôi từng đếm số lần tên tiến sĩ và gã đạo diễn đến “thăm hỏi” và “tán gẫu” cùng tôi – lần nào tôi cũng nghĩ sẽ là lần cuối, chúng hết kiên nhẫn và giết quách tôi cho rảnh nợ – nhưng sau khi qua con số hai mươi thì tôi chẳng để ý nữa. Từ đó đến nay cũng phải vài tuần rồi.

    “Chỗ giấy tờ đó đâu?” gã đạo diễn hỏi.

    “Ông còn không thèm hỏi xem hôm nay tôi thế nào sao? Mẹ ông không dạy ông cách cư xử à?”

    Gã đạo diễn tát tôi. Không như tên tiến sĩ, hắn chẳng ngại làm bẩn tay mình. Mắt tôi hoa lên. Những bộ phim tôi xem không giúp tôi chuẩn bị tinh thần cho điều này, cho cơn đau thực sự từ những cú đánh, và không hiểu sao mỗi lần như thế luôn khiến tôi choáng váng.

    “Hôm nay tao không có thời gian chơi đùa với mày,” hắn nói. “Mau khai ra, chỗ tài liệu đó đâu? Mày đã giao cho bên nào? Trung Quốc? Hay Ấn Độ?”

    “Mạng sống của nhiều người phụ thuộc vào nó,” tên tiến sĩ khẽ khàng nói vọng ra từ trong góc phòng, như thể hắn quan tâm đếch gì lắm vậy.

    Tôi gửi cho gã đạo diễn một cái hôn gió tử tế nhất có thể mà không cần dùng tay. Tôi thừa biết, ngay khi tôi tiết lộ nơi cất giấu chỗ giấy tờ đó, chút lợi thế cuối cùng của tôi sẽ tan biến tức thì. Việc tôi đang nắm giữ thông tin chúng không có chính là bùa hộ mệnh của tôi và Finn cho tới lúc này. Dù tôi thà nói phứt ra rồi chết cho nhanh, nhưng biết tính mạng Finn cũng đang nằm trong tay mình nên tôi vẫn im lặng, mặc cho chúng tra tấn.

    Và lũ ấy ra tay quả là triệt để.

    Tiếng thét của tôi chắc chắn đã khiến Finn thức giấc, nhưng vì cả hai mà tôi quyết không đầu hàng.



    Hết chương 2

    ____________________

    Dây thít nhựa:

    [​IMG]

     
    hapt90, Levananh, vqsvietnam and 4 others like this.
  3. .:Veronica:.

    .:Veronica:. Mầm non



    Chương 3


    Em

    Một ngày nữa lại trôi đi. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi nhìn đăm đăm lên trần nhà, cố căng mắt tìm những vết nứt trên đó nhờ ánh đèn xanh leo lét từ hành lang hắt vào. Tôi lơ đễnh chạm tay lên những vết bầm. Cảm giác đau khi ấn nhẹ khiến tôi đoán chúng có màu đỏ tím, giống màu tấm phủ giường trong phòng ngủ dành cho khách ở nhà tôi ngày trước. Mẹ tôi xưa nay vẫn thích màu đó. Chắc hẳn phần nào là do niềm say mê loại rượu vang cabernet thượng hạng của bà.

    Nghe thấy tiếng bốt vang lên ngoài hành lang, tôi cau mày. Tôi không thấy đói; đã đến giờ ăn sáng rồi sao? Nhưng không, đèn đóm vẫn chưa bật mà.

    Cửa xà lim từ từ mở ra, đằng sau là người lính mới được giao nhiệm vụ canh gác tôi và Finn. Tôi mến ông ta. Trong đôi mắt kia vẫn còn thấp thoáng chút nhân tính, và không như Kessler, ông ta luôn đưa khay đồ ăn đến tận tay cho tôi, thỉnh thoảng còn cảm ơn khi tôi trả lại. Tôi không rõ tên ông ta là gì. Connor ư? Hay là Cooper?

    “Khi còn nhỏ,” ông ta nói, ngập ngừng nơi ngưỡng cửa, “cô có một người bạn tưởng tượng tên là Miles. Một chú kangaroo màu tím.”

    Tôi ngồi phắt dậy. “Gì cơ?”

    “Nhanh lên. Chúng ta đi thôi.”

    “Ông bảo sao?”

    “Tôi sẽ đưa cô ra khỏi đây.”

    Miệng tôi đột nhiên khô khốc, lưỡi trở nên nặng trịch, dày cộp. Điều tôi hằng chờ đợi là đây. Một lối thoát. Xưa nay tôi chưa từng kể với bất kì ai về Miles.

    Ngoại trừ người lính này, hẳn rồi.

    “Vậy còn Finn?” tôi hỏi.

    “Cả cậu ta nữa. Khẩn trương lên.”

    Tôi bật dậy, đôi chân bỗng trở nên vững chãi lạ thường. Tôi thò tay xuống dưới đệm, lôi túi nylon đựng tờ giấy ra và nhét vào túi áo. Người lính canh – tên là Connor chăng? – đã khuất dạng và đang tới giải thoát cho Finn. Tôi từ tốn bước tới. Cửa xà lim mở rộng. Tôi khẽ chạm đầu ngón tay lên khung cửa, chăm chú quan sát nơi bốn bức tường từng giam giữ tôi kết thúc và hoá thành hư không. Tôi do dự bước qua, và trong một khoảnh khắc dớ dẩn, tôi cứ ngỡ mình sẽ bật khóc.

    Nghe tiếng chìa tra vào ổ lách cách, tôi quay lại, nhìn thấy Connor đang loay hoay mở khoá xà lim nhốt Finn. Lạy Chúa. Nhận thức chợt ập đến như cơn sóng dữ ở đảo Kiawah, khiến không khí bị ép sạch khỏi hai lá phổi: Tôi sắp được gặp Finn.

    Rốt cuộc Connor cũng mở được khoá và kéo cửa ra. Thế giới xung quanh dường như trôi chậm dần, cho tới khi khoảng lặng giữa những nhịp tim mỗi lúc một dài hơn, tĩnh lặng đến tuyệt đối. Khi bất ngờ tìm lại được tự do, phản ứng của tôi chẳng khác nào phản ứng của một con thú từ lâu đã quên mất thế giới bên ngoài song sắt, nhưng Finn thì chạy vụt ra như một chú chim sổ lồng. Tôi chỉ kịp nhác thấy anh trước khi anh lao tới, tay chân cả hai xoắn lấy nhau trong cái ôm chặt đến ngạt thở nhưng tôi mặc kệ.

    “Lạy Chúa,” anh nhắc đi nhắc lại. “Lạy Chúa tôi.”

    “Để em nhìn anh nào.” Tôi buông ra và áp hai bàn tay lên má anh, nhìn thật kĩ gương mặt anh. Đôi mắt xanh dương, dĩ nhiên là thế rồi. Và sao tôi có thể quên được chiếc miệng kia nhỉ? Làn môi mỏng ửng hồng và một bên khoé miệng hơi nhếch luôn ẩn chứa nụ cười châm chọc. Chúa ơi, sao trước đây tôi lại không nhận ra anh đẹp đến chừng nào? “Anh phải cắt tóc đi thôi.”

    Anh xoa nhẹ ngón cái lên gò má tôi. “Em xinh lắm.”

    Đã bao năm nay tôi sống trong sợ hãi. Khoảng thời gian chạy trốn, phải chia lìa những người tôi yêu thương, rồi bị nhốt vào xà lim này, bị hành hạ và tra khảo, mối lo mất mạng luôn thường trực trên đầu. Nhưng dám thề rằng chưa bao giờ tôi thấy sợ hãi như lúc Finn rướn người và hôn tôi lần đầu tiên trong đời.

    Đôi môi anh khẽ chạm lên môi tôi thật nhẹ, như thể anh sợ giấc mơ này sẽ tan biến vào giây phút hạnh phúc nhất. Hai tay anh áp chặt hơn vào lưng tôi, kéo tôi lại gần. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tất cả nỗi sợ trong tôi như lùi xa.

    “Xin lỗi đã chen ngang,” Connor lên tiếng, “nhưng chúng ta phải đi ngay.”

    Finn nhìn tôi cười ngượng nghịu khi chúng tôi rời nhau ra, và Connor rút súng, bắt đầu bước trên lối đi. Tôi nắm tay Finn, những ngón tay đan vào nhau. Giờ đây, khi đã có anh ở bên, tôi không muốn để mất anh thêm lần nào nữa, dù chỉ một giây.

    Connor dẫn đường, chúng tôi đi theo ngay đằng sau. Tôi không ngừng nghiêng ngó bên này bên kia để nắm bắt mọi thứ xung quanh. Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy nơi này kể từ ngày chúng tống giam bọn tôi, chẳng rõ cách đây bao nhiêu tháng, lúc ấy tôi có lòng dạ nào mà quan sát. Cạnh buồng giam của tôi và Finn còn ba xà lim khác cũng xây bằng gạch tro và có cửa kim loại, nhưng bên trong không có người. Những buồng còn lại dường như là kho chứa đồ, trông chúng tầm thường tới mức khiến tôi sửng sốt và tự ái ghê gớm. Như thế chẳng khác nào tên tiến sĩ xếp Finn và tôi vào cùng một chỗ với những món đồ tạp nham, cũ kĩ, chẳng khác gì chiếc hộp đựng quần áo mùa đông được cất đi khi vào hè để rồi bị quên lãng.

    “Những kẻ khác đâu rồi ạ?” tôi khẽ thì thào khi cả ba vượt qua cánh cửa khoá kín, ngăn cách hành lang này và phần còn lại của căn cứ. Nãy giờ, chúng tôi chưa hề trông thấy bóng dáng tên lính nào.

    “Giờ đang là nửa đêm, phiên gác tối giản,” Connor ngoái lại đáp. “Tôi đã bỏ thuốc mê vào bình cà phê trong phòng nghỉ.”

    “Chú biết không,” tôi nói, “cháu thực sự bắt đầu thấy mến chú rồi đấy.”

    “Đừng vội quyết định khi còn chưa tới được với Cassandra.”

    Chúng tôi rón rén lần tới khu vực trung tâm của căn cứ, giờ tôi mới thấy khu này quả là rộng lớn. Connor phải bước cẩn thận để đôi bốt khỏi khua lộp cộp trên sàn bê tông, Finn và tôi khẽ khàng bám theo trong đôi dép tù mỏng quẹt. Hơi thở của tôi trở nên nặng nhọc hơn theo từng bước chân, giữa ngực nóng bừng như có lửa đốt vì phải gắng sức. Đến tận bây giờ tôi mới nhận ra việc phải sống trong một xà lim rộng bốn bước chân đã tác động thế nào đến cơ thể mình. Tôi đưa mắt nhìn Finn xem anh có run rẩy, mồ hôi nhễ nhại như tôi không, nhưng dường như anh chẳng sao cả. Chắc hẳn lâu nay cậu chàng đã chăm chỉ tập thể dục trong phòng giam, thật đáng ghét.

    Giá mà tôi cũng nghĩ ra để tập.

    “Em không sao chứ?” anh hỏi. Tôi bị tụt lại phía sau, và anh đang nắm tay kéo tôi đi. Tôi gật đầu, hít một hơi thật sâu, cố giục bản thân đi nhanh hơn.

    Quá tập trung vào từng bước chân nên tôi không nghe tiếng cửa mở phía cuối hành lang và cũng chẳng nhìn thấy gã đàn ông tóc sẫm màu vừa bước qua. Nhưng Connor trông thấy hết. Cánh tay ông dang ra chặn ngang ngực tôi, gạt Finn và tôi lùi vào khoảng trống phía trước một ngưỡng cửa khác. Trong lúc lùi lại để nấp, tôi chỉ kịp nhác thấy bóng dáng kẻ đó.

    Chính là tên tiến sĩ. Tôi dán chặt người vào cánh cửa, cố ghìm lại nhịp thở hổn hển.

    Connor tiến về phía hắn, và nỗi khiếp đảm như lưỡi dao cứa vào lòng tôi. Đột nhiên tôi tin chắc đây là trò dàn dựng của tên tiến sĩ, lại một mánh khoé được bày ra để khiến chúng tôi phải khuất phục. Connor sẽ giao nộp chúng tôi cho hắn, Finn và tôi sẽ không bao giờ thoát khỏi xà lim được nữa. Thôi thúc bỏ chạy chợt bùng lên trong tôi.

    Như cảm nhận được ý nghĩ của tôi, Finn siết tay tôi, bắt tôi đứng yên.

    “Connor, ông đến khu vực này làm gì?” Từ chỗ nấp mong manh, chúng tôi nghe thấy tên tiến sĩ cất tiếng hỏi. Hắn chỉ cần tiến vài bước về phía này là hốc tường sẽ không thể giấu được chúng tôi nữa. “Việc của ông là cai ngục kia mà?”

    “Đúng vậy, thưa ngài. Abrams đang gác hộ tôi. Trung sĩ phái tôi đi tìm ngài.”

    Tên tiến sĩ thở dài bực bội. “Giờ đâu phải giờ làm; tôi tới chỉ để hoàn thành nốt chỗ giấy tờ. Ông ta cần gì?”

    “Tôi không rõ, thưa ngài. Ông ta chỉ nói muốn gặp ngài ở phòng chỉ huy trung tâm.”

    Có tiếng chân bước tới gần. Không phải tiếng bốt nặng nề của Connor, tôi dám lấy mạng sống ra cá rằng đó là tiếng giày da cao cấp của Italy. Tôi áp lưng vào cánh cửa mạnh đến nỗi nếu sống sót qua đêm nay, tôi sẽ thêm vào bộ sưu tập vài vết bầm nữa.

    “Tôi phải quay lại văn phòng trước đã,” tên tiến sĩ nói, “sau đó mới –”

    “Ông ta nói có chuyện khẩn, thưa ngài.”

    Tiếng chân dừng lại. “Bỏ tay ra, tên lính.”

    Trời ơi! Nắm tay tôi siết chặt. Nếu hắn tới gần, chí ít tôi có thể tặng hắn mấy vết bầm làm kỉ niệm trước khi hắn giết tôi.

    “Xin thứ lỗi,” Connor run rẩy nói. “Chỉ là ngài trung sĩ đang rất muốn gặp ngài, không nên để mất thời gian...”

    Sự im lặng kéo dài bất tận, hai mắt tôi nhắm chặt, và tôi gần như có thể hình dung vẻ mặt thăm dò của tên tiến sĩ khi hắn nhìn Connor. Nghe giọng ông ấy gian không thể tả, tên tiến sĩ có điếc mới không phát hiện ra điều bất thường trong đó. Tôi chỉ dám hi vọng khả năng đọc vị người khác bằng 0 và niềm tin bất diệt vào bản thân của hắn sẽ chiến thắng.

    “Thôi được,” cuối cùng hắn nói. “Tôi sẽ đến phòng chỉ huy trung tâm, ông dẫn xác về với đám tù nhân. Còn nữa, lần sau phải biết thân biết phận.”

    “Rõ, thưa ngài.”

    Tiếng chân êm ái đi xa dần, tôi thở phào một hơi kìm nén từ nãy đến giờ.

    “Mau đi thôi,” Connor nói khi quay lại chỗ chúng tôi. “Hắn sẽ phát hiện ra ngay khi đến phòng chỉ huy và không thấy ai. Nhưng phòng đó ở tận phía bên kia căn cứ, còn Cassandra cách đây không xa.”

    Ba chúng tôi băng qua những hành lang dài, Connor chạy trước chừng mươi, mười lăm foot để thăm dò, Finn gần như phải lôi tôi theo cùng. Khi dừng lại, tôi gập người, chống hai tay vào đầu gối, cố thở chậm lại. Finn xoa lưng cho tôi theo vòng tròn, nhưng mọi sự chú ý của Connor đều dồn về phía trước. Ông giơ súng trước ngực, chĩa về phía ngã rẽ ở hành lang. Ông đưa một ngón tay lên môi.

    “Phòng điều khiển nằm ngay sau ngã rẽ này,” Connor thì thào. “Ở đó sẽ có lính canh – tôi không có cách nào đẩy chúng đi trước được – thế nên cô cậu chờ ở đây.”

    Người Finn căng ra bên cạnh tôi. “Chú định xử lí thế nào?”

    “Điều đó thì quan trọng gì? Một khi cô cậu quay về rồi, tất cả những việc này sẽ như chưa từng xảy ra, phải không?”

    Tôi nuốt khan một hơi nữa. “Đại khái là vậy.”

    “Ở yên đây.” Connor nhét súng vào bao và chạy vụt qua ngã rẽ. Hai chúng tôi nghe tiếng ông la lên, sau đó là tiếng nắm tay dộng ầm ầm trên kính. Phòng điều khiển. Finn quàng tay ôm lấy vai tôi, tôi nép sát vào anh. Người anh ấm quá. Đã bao lâu nay tôi quên mất hơi ấm của con người là như thế nào rồi.

    “Khu A có hoả hoạn!” Connor kêu lên. “Tất cả các đơn vị tập hợp! Khẩn trương!”

    Trong giây lát không có động tĩnh gì, sau đó là tiếng cửa vụt mở ra rất khẽ.

    “Làm gì có báo động,” một tên lính nói, “mà cũng không thấy thông báo qua radio.”

    “Bọn tôi không được phép rời vị trí,” tên khác thêm vào.

    Bất thình lình, hai tiếng súng nổ inh tai vang lên, chấn động cả những bức tường vững chãi. Tôi đưa tay bịt chặt lấy miệng.

    “Mau lên!” Connor gọi to.

    Finn vụt chạy đi, tôi cũng lao theo, vòng qua ngã rẽ tới phòng điều khiển được bao kín từ trần đến sàn bằng kính chống đạn. Hai tên lính gục xuống ở ngưỡng cửa; bên dưới, một vũng máu đỏ sậm nhanh chóng loang ra. Tôi không tưởng tượng nổi lại có nhiều máu đến vậy. Những bộ phim tôi xem cũng chẳng giúp tôi quen được với cảnh hai người đàn ông bị bắn vỡ sọ như thế này.

    Connor đứng trong phòng, cạnh xác hai tên lính. Trên mặt và quân phục của ông lấm tấm máu, tôi rùng mình khi ông chìa tay về phía tôi. Đó là tay phải, bàn tay cầm súng, máu bắn ra để lại những đốm đỏ li ti trên da ông. Tôi cố ép mình nắm lấy, và ông giúp tôi nhảy qua hai xác chết. Finn nhảy sau tôi, nhưng chân anh lại dẫm phải rìa vũng máu loang và trượt đi, khiến anh ngã sóng soài. Tôi giúp anh đứng dậy, anh hất bỏ đôi dép dính máu.

    “Vì Chúa, hi vọng cô cậu biết cách vận hành thứ này,” Connor nói, mắt nhìn chằm chằm vào hàng loạt máy móc và đèn nhấp nháy trên bảng điều khiển. Phía bên trên là ô cửa sổ trông vào một phòng khác nhỏ hơn, để vào đó chỉ có cách đi qua cửa ở góc phòng điều khiển. Căn phòng nhỏ xíu ấy trông thật khác thường, ghê rợn, hoàn toàn không màu mè hay hoạ tiết gì, một khối hộp nhẵn nhụi, trống rỗng, xám xịt.

    “Cháu nghĩ ra rồi,” tôi nói. “Cháu từng phải nghe kể về thứ này đến phát ốm. Finn à, anh –”

    “Xong ngay,” anh đáp, lập tức ngồi xuống chiếc ghế phía trước máy chủ. “Nếu anh hiểu đúng về gã tiến sĩ, hệ thống này hẳn phải có cách vận hành đơn giản thôi.”

    Trong lúc gõ bàn phím lách cách, trán anh khẽ nhăn lại vì tập trung. Tôi biết lúc này mà bị cắt ngang thì anh sẽ cáu, thế nên tôi quay sang Connor. “Cảm ơn chú.”

    Ông quệt mu bàn tay lên quần. “Không có gì.”

    “Vì sao chú lại giúp chúng cháu?” tôi hỏi. “Ý cháu là, trước đây cháu làm thế nào để thuyết phục chú ạ? Cháu muốn được biết.”

    Connor nhún vai. “Tôi từng là một tên lính gác trọng yếu, và cô cậu đã cho tôi cơ hội làm một người hùng. Vả lại, tôi đã chứng kiến nhiều điều...”

    “Tình hình ngoài đó tệ đến mức nào ạ?”

    “Tệ.”

    Connor có vẻ sợ hãi, điều đó làm tôi chết khiếp. Người đàn ông này thản nhiên đánh thuốc mê đồng đội được trang bị đầy đủ vũ khí và vừa bắn vỡ đầu hai kẻ khác chẳng hề chớp mắt, nhưng những gì đang diễn ra ngoài kia lại khiến ông trở nên căng thẳng, không dám hé răng. Hồi Finn và tôi bị bắt, máy bay không người lái của Mỹ đang oanh tạc Trung Quốc, Israel và Syria giằng co trong cuộc chiến hạt nhân, một phần không nhỏ của Houston vừa bị xoá sổ khỏi bản đồ. Khó mà hình dung nổi tình hình còn có thể tệ hơn thế.

    Nhưng thực tế hẳn là như vậy.

    “Cô cậu thật sự cho rằng mình có thể thay đổi được tất cả những điều này ư?” Connor hỏi, giờ đây, tôi nhận ra nỗi tuyệt vọng ẩn sâu trong đôi mắt ông.

    Tôi lướt ngón tay theo mép chiếc túi nhựa đang mang bên mình. “Có lẽ chúng cháu sẽ còn tiếp tục cho tới khi làm được điều đó.”

    “À, đây,” Connor nói, thò tay vào túi. “Suýt nữa thì quên. Hai người cần mang theo thứ này.” Ông rút ví và lôi một tấm ảnh nhỏ từ ngăn để ảnh ra và đưa cho tôi, trong ảnh là một người phụ nữ tóc vàng mật ong có nụ cười rạng rỡ.

    “Ai thế ạ?”

    Connor cười toe. “Cô cậu thuyết phục được tôi chính là nhờ điều này đấy.”

    Tôi mỉm cười. “Ồi, cô ấy xinh quá.”

    “Thế mà lại đồng ý làm vợ một kẻ kém cỏi như tôi, cô tin nổi không?”

    Tôi cất chung tấm ảnh vào chiếc túi đựng mảnh giấy. “Tin chứ ạ.”

    “Được rồi, giờ đã rõ,” Finn nói, đánh nốt mấy kí tự cuối cùng. “Mọi thứ nói chung đều được vận hành tự động, thế nên chỉ cần nhập ngày tháng rồi vào trong là Connor có thể khởi động máy gia tốc.”

    “Khoan đã,” Connor nói. “Nếu nhập ngày tháng rồi, nhỡ hắn đi theo sau cô cậu thì sao? Hoặc là đến trước vài phút và nổ súng ngay khi cô cậu xuất hiện?”

    “Việc đó chúng cháu đã tính trước rồi ạ,” tôi đáp.

    “Cháu biết một mã có thể ẩn đi ngày tháng thật và hiển thị con số khác,” Finn nói. “Liệu có chắc chắn là ngày mùng bốn tháng Một không, Em? Giờ là cơ hội cuối cùng đấy.”

    “Chắc mà.”

    “Được rồi,” Finn nói. “Anh sẽ tạo mã giả để hắn tưởng chúng ta đến đó vào ngày mùng bảy, như thế ta sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị trước khi hắn xuất hiện.”

    “Khởi động máy gia tốc như thế nào?” Connor hỏi.

    “Sau khi bọn cháu vào căn phòng kia” – Finn chỉ vào nút “đảo ngược” – “chú hãy ấn nút này. Những việc còn lại sẽ do hệ thống tự động xử lí. Cần khoảng hai phút để máy gia tốc khiến các hạt đạt đến vận tốc thích hợp cho va chạm xảy ra, sau đó chúng cháu sẽ đi.”

    “Có vẻ cũng đơn giản,” Connor nói. Tôi cố nén tràng cười sặc sụa đang lăm le bật ra. “Chắc cũng không còn gì để nói, ngoài... chúc cô cậu may mắn.”

    Finn bắt tay Connor, sau đó hai chúng tôi bước tới phía bên kia phòng, nơi có lối vào căn phòng nhỏ. Finn vừa kéo cửa ra thì tiếng chuông báo động inh ỏi vang vọng khắp toà nhà. Hai tay tôi bịt chặt lấy tai, toàn thân co gập, lùi ra xa khỏi âm thanh điếc tai ấy, còn Finn thì chửi thề.

    “Mau vào trong...” Connor gào to, cố át tiếng chuông. “Trước khi chúng tới! Tôi sẽ cầm chân chúng!”

    Connor đóng sầm cửa căn phòng nhỏ phía sau chúng tôi. Tôi kéo Finn tới giữa phòng để cả hai đứng trên hình tròn lớn màu đen đánh dấu trung tâm của Cassandra, máy gia tốc hạt hạ nguyên tử dài hàng dặm nằm sâu bên dưới căn cứ. Connor chặn cửa, sau đó đẩy đổ một thứ trông như kệ chứa máy chủ dự phòng. Chuông kêu to đến mức tôi không nghe thấy tiếng chiếc kệ đổ ập xuống sàn. Connor chạy lại chỗ máy tính, và một âm thanh khác vang lên hoà với tiếng chuông, đó là tiếng ầm ì rất trầm mà lúc đầu tôi ngỡ mình chỉ tưởng tượng, cho tới khi rung động phát ra từ máy gia tốc hạt sâu hàng ngàn foot dưới lòng đất truyền tới chân tôi. Không gian quanh Finn và tôi tràn đầy năng lượng râm ran, khiến tóc gáy tôi dựng đứng và gai ốc chạy dọc cánh tay.

    Tôi biết, đây mới chỉ là khởi đầu. Tôi chưa bao giờ trải qua hành trình này như mười bốn bản sao trước đây của mình, nhưng những điều thu được qua nhiều lần nghe giảng cũng đủ để tôi nắm bắt những gì sắp tới. Dưới chân tôi, trong đường ống dài hàng dặm có đường kính đủ lớn để chứa cả một chiếc xe tải này, khi những phân tử chuyển động theo quỹ đạo tròn cuối cùng va chạm vào nhau với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, vụ nổ xảy ra sẽ có cường độ cực lớn, đủ để tạo ra kẽ hở thời gian.

    Đột nhiên, tôi thấy sợ hãi vô cùng. Cái tôi sợ không phải là vụ nổ, dù nó vượt quá tầm hiểu biết của tôi, mà là việc tôi sẽ phải làm khi mọi chuyện kết thúc. Mục đích cuối cùng của tất cả những nỗ lực này.

    Cô phải giết hắn.

    Không rõ Finn cảm nhận được nỗi sợ trong tôi hay là chính anh cũng đang thấy sợ, vì anh áp hai tay lên má tôi, khẽ nâng mặt tôi để tôi ngước lên nhìn anh.

    “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi,” anh nói, dù tôi hầu như không nghe rõ trong tiếng máy ầm vang.

    Nhưng rồi không gian bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường, hay ít ra là với tôi. Bằng cách nào đó, tôi tìm thấy sự tĩnh lặng trong đôi mắt xanh sẫm của Finn. Chúa ơi, sao tôi có thể sống sót trong cái xà lim đó lâu đến thế khi không được nhìn vào đôi mắt ấy?

    Đột nhiên, nhận thức ùa tới như thác lũ. Một điều hiển nhiên tới mức tôi không tin nổi phải đến giờ phút này tôi mới nghĩ ra. Tim tôi vỡ vụn, nỗi đau khôn xiết từ đó lan khắp cơ thể.

    “Finn,” tôi gọi và nói với anh cái điều khủng khiếp mà cuối cùng tôi cũng hiểu ra, nhưng giờ đã quá muộn rồi.

    Anh nhìn vào mắt tôi và nói với tôi lí do tôi không cần phải lo lắng. Tôi ghi nhớ những lời của anh và cất sâu trong lòng.

    Sau lưng anh, tôi nhác thấy có động tĩnh, vậy là thế giới quanh tôi và những âm thanh ồn ào trong đó đã trở lại. Đám lính đã tới nơi. Trong lúc hai chúng tôi không để ý, Connor dẹp hai cái xác ở lối đi và đóng cửa phòng điều khiển, nhưng đó chỉ là rào chắn yếu ớt. Tôi kinh hãi nhìn cảnh chúng phá bay cánh cửa. Connor xả súng về phía đám lính tụ tập trước lối vào, hạ hết tên này đến tên khác, nhưng lũ lính đông hơn, được trang bị nhiều súng hơn. Chẳng mấy chốc, Connor bị áp đảo. Tôi úp mặt vào ngực Finn khi cơn mưa đạn khiến Connor lùi lại và ông gục xuống.

    Tuy vậy, tôi không thể né tránh được lâu. Quân binh ập vào phòng điều khiển, đa phần tới thẳng chỗ máy chủ bị đổ đang chặn trước lối vào căn phòng nhỏ. Nếu chúng mở được cửa, Cassandra sẽ tự động tắt, hai chúng tôi sẽ kẹt lại ở đây.

    Nhưng khiến lòng tôi tràn ngập nỗi sợ hãi thực sự là cảnh tượng tên tiến sĩ bước vào phòng theo sau đám lính. Qua tấm kính dày bốn inch của ô cửa sổ nhỏ, ánh mắt chúng tôi giao nhau, và cơn thịnh nộ trên gương mặt hắn làm tôi lạnh buốt tới tận xương tuỷ. Chắc chắn là hắn hiểu rõ những gì tôi sắp làm. Cho dù Finn và tôi có thoát được đi nữa, tôi biết vẻ mặt kia sẽ theo tôi mãi, ám ảnh tôi bất chấp cả thời gian.

    Hắn bước tới chỗ bàn điều khiển máy chủ. Lúc này, dưới chân chúng tôi rung chuyển chẳng khác gì động đất, tên tiến sĩ đang ngồi trước bàn phím và đám lính dồn sức mở cửa, thời gian của chúng tôi chỉ còn tính bằng giây. Tôi siết tay Finn chặt đến mức cảm thấy xương ngón tay anh ép vào nhau. Chúng sẽ dừng Cassandra lại mất, sau đó giết chúng tôi theo một cách thật chậm, thật mới.

    Nhưng muộn mất rồi.

    Đúng lúc đám lính kéo cửa ra, thế giới quanh tôi bùng nổ, và toàn thân tôi tan biến trong ngọn lửa đau đớn.



    Hết chương 3

     
    NHTB, hathao and Levananh like this.

Chia sẻ trang này