Đang dịch R Anybody Out There? [Walsh Family #4] - Marian Keyes

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi Moony, 28/3/14.

  1. Moony

    Moony Mầm non

    [​IMG]

    CÓ AI ĐẤY KHÔNG?

    Tác giả: Marian Keyes

    "Tôi phải trở lại New York và đi tìm anh ấy. Có thể anh ấy không có ở đó nhưng tôi vẫn phải thử, bởi vì có một điều tôi biết chắc chắn: anh ấy không ở đây".

    Anna Walsh, thương tích đầy mình cả về thể xác lẫn tâm hồn, nằm trên ghế sofa ở nhà bố mẹ đẻ tại Dublin, với một tâm niệm duy nhất: trở lại New York. New York có nghĩa là căn hộ của cô, Công Việc Tuyệt Nhất Trần Đời, và hơn hết, là người chồng của cô, Aidan.
    Nhưng cuộc đời của Anna không dễ dàng như vậy...
     
    meculi, thanhbt, NHTB and 1 other person like this.
  2. Moony

    Moony Mầm non

    Lời dẫn
    Không có địa chỉ người gửi trên phong bì, thật không bình thường chút nào. Ngay lập tức tôi cảm thấy lăn tăn. Còn bứt rứt hơn nữa khi tôi nhìn thấy tên và địa chỉ của mình...
    Một người phụ nữ khôn ngoan sẽ không mở cái phong bì này. Một người phụ nữ khôn ngoan sẽ quẳng nó vào sọt rác rồi bỏ đi. Nhưng ngoại trừ quãng thời gian ngắn ngủi từ khi hai mươi chín đến ba mươi tuổi, đã bao giờ tôi là người khôn ngoan chưa?
    Vậy nên tôi đã mở nó.
    Đó là một tấm thiệp, một bức tranh màu nước vẽ một bình hoa trông khá là ủ rũ. Và nó mỏng đến nỗi tôi có thể cảm thấy có gì khác ở bên trong. Tiền chăng? Tôi nghĩ. Hay một tấm séc? Nhưng đó chỉ là tôi đang tỏ ra mỉa mai, cho dù chẳng có ai ở đây để lắng nghe tôi, mà dù sao thì tôi cũng chỉ nói thầm trong đầu mà thôi.
    Và thực sự là có thứ khác ở bên trong: một bức ảnh... Sao người ta lại gửi thứ này cho tôi? Tôi đã có quá nhiều... Nhưng rồi tôi nhận ra mình đã lầm. Đó không phải là anh. Và đột nhiên tôi hiểu ra mọi chuyện.

    1
    Mẹ đẩy tung cửa phòng khách và tuyên bố, "Sáng rồi, Anna, đến giờ uống thuốc rồi."
    Mẹ cố gắng đi vào với vẻ điêu luyện như các cô y tá mẹ thường xem trong các bộ phim truyền hình về bệnh viện, nhưng vì trong phòng có nhiều đồ quá, thành ra mẹ phải đánh vật để đi tới chỗ tôi.
    Khi tôi về Ai-len tám tuần trước, tôi không thể leo cầu thang vì xương bánh chè bị gãy, vậy nên bố mẹ tôi buộc phải kê một cái giường ở Phòng Trước.
    Xin bạn đừng hiểu nhầm, đây là một vinh dự lớn lao: vào lúc bình thường thì chúng tôi chỉ được vào phòng này vào dịp Giáng sinh. Phần còn lại của năm thì mọi hoạt động giải trí trong gia đình - xem tivi, ăn sô cô la, cãi lộn - đều diễn ra trong cái nơi chật chội vốn là nhà để xe được sửa sang lại, và được gán cho cái danh hiệu rất oai là Phòng Tivi.
    Nhưng khi giường của tôi được đưa vào Phòng Trước, thì bố mẹ cũng không biết phải cất đi đâu các đồ đạc khác - như là đi-văng có tua rua, ghế bành có tua rua. Vậy nên giờ đây căn phòng trông như một cửa hàng bán đồ nội thất giảm giá, nơi có cả triệu cái đi-văng bị nhồi với nhau, vậy nên gần như ta phải leo qua nó như leo bãi đá ven bờ biển.
    "Đúng rồi đấy, cô nương." Mẹ kiểm tra lại tờ giấy có ghi lịch uống thuốc theo từng giờ của tôi - kháng sinh, kháng viên, chống trầm cảm, thuốc ngủ, vitamin liều cao, thuốc giảm đau có thể tạo ra cảm giác bay bổng cực kỳ dễ chịu, và một thứ na ná thuốc gây nghiện Valium mà mẹ đã giấu rất kỹ.
    Tất cả những gói, lọ đủ loại ấy được đặt trên một cái bàn nhỏ được chạm khắc cầu kỳ - mấy cái tượng chó sứ xấu kinh dị đã bị dẹp đi để nhường chỗ cho thuốc men và giờ đây chúng đang nhìn tôi một cách trách móc từ dưới sàn - và mẹ đang phân loại thuốc, lấy ra những viên con nhộng từ trong vỉ và xóc xóc các lọ thuốc viên.
    Giường của tôi được kê một cách rất có ý tứ ở bên cửa sổ, để tôi có thể ngắm dòng đời trôi qua. Ấy thế nhưng tôi lại chẳng ngắm được gì: bởi vì có một tấm rèm lưới án ngữ ở phía trước, chẳng khác một bức tường kim loại bất di bất dịch. Không phải là bất di bất dịch theo nghĩa đen, bạn biết đấy, mà là về phương diện xã hội: ở ngoại ô Dublin này, việc trơ tráo cuộn lưới lên để nhìn ngắm "dòng đời trôi qua" là một tội lỗi về mặt xã hội không kém việc sơn mặt tiền nhà bạn bằng màu hồng chói lọi.
    Ngoài ra thì cũng làm gì có dòng đời nào trôi qua đây. Ngoại trừ... thực ra thì qua mắt lưới, tôi bắt đầu để ý thấy hầu như ngày nào cũng có một bà lão dừng lại để con chó của bà ấy tè ở cột rào nhà tôi. Đôi khi tôi nghĩ là con chó đó, một con chó sục rất dễ thương, có khi nó còn chẳng muốn tè, nhưng có vẻ như bà ấy cứ ép nó.
    "Được rồi, cô nương." Trước những chuyện đã xảy ra, mẹ chưa bao giờ gọi tôi là "cô nương". "Uống đi này." Mẹ trút cả vốc thuốc vào mồm tôi rồi đưa cho tôi cốc nước. Mẹ thực sự là rất dịu dàng với tôi, cho dù tôi ngờ là mẹ chỉ đang diễn thôi.
    "Chúa trời ơi," một giọng nói cất lên. Đó là em em gái Helen của tôi vừa đi làm ca đêm về. Nó đứng ở ngưỡng cửa phòng khách, nhìn khắp các đồ tua rua xung quanh rồi hỏi, "Sao chị chịu được nhỉ?"
    Helen là em út trong năm chị em chúng tôi và vẫn sống cùng bố mẹ, mặc dù con bé đã hai mươi chín. Nhưng việc gì phải chuyển đi, con bé thường nói vậy, khi mà không phải trả tiền thuê nhà, có truyền hình cáp, lại cộng thêm cả tài xế khi cần nữa (Bố tôi). Tất nhiên, con bé thừa nhận, thức ăn là một vấn đề, nhưng chuyện gì thì cũng có cách khắc phục cả.
    "Chào con yêu, đi làm về rồi à?" Mẹ nói. "Công việc thế nào?"
    Sau mấy lần thay nghề đổi nghiệp, Helen - mà không phải tôi bịa ra đâu nhé, ước gì là như vậy - hiện đang là một thám tử tư. Nghe thì hay nhưng chẳng được nguy hiểm và kịch tính như bạn hình dung đâu. Con bé chủ yếu làm các vụ liên quan tới giới văn phòng và "chuyện nhà" - nghĩa là kiếm bằng chứng về bọn đàn ông ngoại tình. Tôi thì thấy chuyện đó thật thê thảm nhưng con bé nói nó chẳng thấy vấn đề gì bởi vì nó luôn biết rằng bọn đàn ông đều là một lũ đểu.
    Phần lớn thời gian nó phải ngồi trên các bờ rào ướt át, với ống kính tê-lê, cố gắng chụp bằng chứng những gã đàn ông ngoại tình rời khỏi hiện trường gây án của họ. Lẽ ra nó có thể ngồi trong cái xe ấm áp khô ráo của mình, nhưng thường thì nó sẽ ngủ gật và hụt mất mục tiêu.
    "Mẹ ơi, con căng thẳng quá," con bé nói. "Cho con một ít Valium được không?"
    "Không."
    "Họng con rát quá. Đau chết đi được. Con đi nằm đây."
    Vì thường xuyên ở chỗ hàng rào ẩm thấp, Helen liên tục bị viêm họng.
    "Chút nữa mẹ sẽ mang kem lên cho con." Mẹ nói. "Cho mẹ biết đi, mẹ tò mò quá, con có bắt được quả tang không?"
    Mẹ thích công việc của Helen, gần như là hơn cả mẹ thích công việc của tôi, và như thế là ghê gớm lắm. (Rõ ràng tôi có Công việc Tốt nhất Trần đời). Thỉnh thoảng khi Helen thấy chán hay sợ hãi, mẹ còn đi làm cùng con bé; ví dụ như Vụ án Người đàn bà Mất tích. Helen phải tới căn hộ của cô ta để tìm kiếm manh mối (vé máy bay đi Rio chẳng hạn...) và mẹ tôi đi cùng bởi vì mẹ thích xem xét nhà của người khác. Mẹ thường nói nhà người ta thường bẩn khó tin khi họ tin chắc là không có khách tới chơi. Điều đó khiến mẹ vô cùng nhẹ nhõm, khiến mẹ thấy dễ sống hơn trong căn nhà như thời cổ đại của mình. Tuy nhiên, bởi vì cuộc đời mẹ bắt đầu trở nên giống như, chỉ một chút thôi nhé, một bộ phim hình sự, mẹ bắt đầu nổi cơn bốc đồng và tìm cách dùng vai húc đổ cách cửa căn hộ đang khóa - mặc dù, tôi phải nhấn mạnh rằng, Helen có chìa khóa. Và mẹ biết điều đó. Chị gái của người mất tích đã đưa chìa khóa cho Helen và tất cả những gì mẹ đạt được sau nỗ lực đó là một bên vai bầm dập.
    "Chẳng giống trên tivi gì cả," sau đó mẹ than phiền, vừa đấm bóp bên vai của mình.
    Rồi thì đầu năm nay, có kẻ tìm cách ám sát Helen. Tình hình chung là mọi người không quá sốc vì một điều kinh khủng như thế có thể xảy ra, mà là tại sao đến bây giờ nó mới xảy ra. Sự thật thì sự vụ cũng không có gì quá to tát. Có kẻ nào đó ném một cục đá qua cửa sổ phòng tivi đúng vào lúc đang phát một tập phim EastEnders - có thể chỉ là một đứa ranh con nào đó muốn thể hiện sự chán đời của tuổi dậy thì, nhưng ngay lập tức mẹ gọi điện cho tất cả mọi người, nói rằng có kẻ nào đó đang tìm cách "khủng bố" Helen, rằng bọn chúng "muốn loại con bé khỏi vụ đó." Và vì "Vụ đó" chỉ là một ông sếp thuê Helen đặt máy quay trộm để xem có phải nhân viên của ông ta ăn cắp mực máy in không, vậy nên có vẻ không nghiêm trọng như mẹ nói. Nhưng tôi là ai mà dám nói này nói nọ, cứ để cho họ ảo tưởng và thích thú về chuyện đó. Chỉ có bố là ngoại lệ và đó là vì bố là người phải phải quét các mảnh kính vỡ và bịt một cái túi nylong vào lỗ hổng cho tới khi thợ lắp kính tới sửa, khoảng sáu tháng sau đó. (Tôi ngờ là mẹ và Helen sống trong một thế giới giả tưởng, ở đó sẽ có người tới và biến cuộc đời của hai mẹ con thành một loạt phim truyền hình vô cùng thành công. Mà trong đó thì, khỏi cần nói, họ sẽ vào vai là chính mình.)
    "Có, con tóm được hắn rồi. Ding-dong! Con đi nằm đây". Thế nhưng con bé lại ườn ra trên một cái đi-văng. "Gã đó nhìn thấy con ở hàng rào khi đang chụp ảnh hắn."
    Mẹ đưa tay lên bịt miệng, đúng như cách diễn viên trên tivi làm khi họ muốn tỏ ra là đang lo lắng.
    "Mẹ đừng lo," Helen nói. "Chúng con đã nói chuyện với nhau. Hắn ta hỏi xin số điện thoại của con. Co vòi rồi." Con bé nói thêm với sự khinh bỉ sâu sắc.
    Đó là vấn đề của Helen: Con bé quá xinh đẹp. Đàn ông, kể cả những kẻ mà con bé đang theo dõi theo yêu cầu của vợ họ, cũng phải lòng nó. Dù tôi lớn hơn con bé ba tuổi, nhưng chúng tôi nhìn giống nhau vô cùng: đều thấp, tóc đen dài và khuôn mặt gần như giống hệt nhau. Đôi khi mẹ còn nhầm chúng tôi với nhau, nhất là khi mẹ không đeo kính. Nhưng khác tôi, Helen có thứ ma thuật nào đó. Ở nó toát ra một thứ tần số độc nhất vô nhị làm mê hoặc đàn ông; có thể giống như loại còi phát ra âm thanh mà chỉ có loài chó mới nghe được. Cứ khi nào đàn ông gặp cả hai chúng tôi, thì dường như có thể thấy được sự bối rối của họ. Dường như có thể thực sự thấy được họ đang nghĩ, Bọn họ trông giống nhau quá, nhưng Helen thì như có bùa mê, còn cô Anna kia thì mình chẳng cảm thấy gì cả...
    Nhưng chuyện đó cũng chẳng có ích gì cho các gã đàn ông đang phân vân đó. Helen tuyên bố thẳng thừng rằng con bé chưa bao giờ yêu ai và tôi tin lời nó. Con bé chẳng mảy may động lòng trước chuyện tình cảm và coi khinh mọi người và mọi thứ.
    Kể cả Luke, bạn trai của chị Rachel - giờ thì đã là chồng chưa cưới rồi. Luke đẹp trai và sexy khiến tôi cảm thấy phát khiếp mỗi khi phải ở một mình với anh. Ý tôi là anh ấy đáng yêu, rất rất đáng yêu, nhưng chỉ là, bạn biết đấy... anh ấy là đàn ông mà. Tôi vừa thích vừa muốn tránh xa anh ấy, nếu bạn có thể hiểu được chút nào trong đó, và tất cả mọi người - cả mẹ; mà có khi cả Bố nữa - cũng bị anh ấy thu hút. Nhưng Helen thì không.
    Đột nhiên mẹ nắm lấy tay tôi - may thay, cánh tay không bị gãy của tôi - và rít lên đầy phấn khích. "Nhìn kìa! Cô nàng Vui vẻ Angela Kilfeather. Với Bạn gái Vui vẻ của cô ta nữa! Chắc là cô ta về thăm nhà!"
    Angela Kilfeather là con người kỳ quặc nhất chúng tôi từng biết. Thật ra thì cũng không đúng đâu, gia đình tôi còn có nhiều chuyện kịch tính hơn nhiều, nào là hôn nhân tan vỡ, rồi thì tự tử hụt và nghiện ngập và cả Helen nữa, nhưng mẹ luôn coi Angela Kilfeather như là tiêu chuẩn vàng: dù các con gái của mẹ có tồi tệ đến thế nào, thì ít ra chúng cũng không phải dân đồng tính, hôn hít bạn gái ngay ngoài đường.
    (Helen từng làm việc với một người Ấn Độ và anh ta hiểu nhầm dân đồng tính là "Các anh chàng Vui vẻ". Cụm từ đó giờ đây phổ biến đến nỗi gần như mọi người tôi quen biết - kể cả đám bạn đồng tính của tôi - giờ đây đều gọi người đồng tính là "Các anh chàng Vui vẻ". Và phải luôn nói từ đó bằng giọng Ấn Độ. Vậy nên rất lô-gic khi người đồng tính nữ sẽ được gọi là "Các cô nàng Vui vẻ", và cũng phải nói bằng giọng Ấn Độ."
    Mẹ dí sát mắt vào khoảng hở giữa bức tường và cái rèm lưới. "Mẹ chẳng nhìn thấy gì cả, cho mẹ mượn ống nhòm đi," mẹ ra lệnh cho Helen, và con bé nhanh nhảu rút ống nhòm trong ba-lô ra nhưng lại để tự nó nhòm. Một cuộc tranh giành sôi nổi diễn ra. "Cô ta đi mất bây giờ," mẹ cầu xin. "Để mẹ xem đi."
    "Mẹ hứa cho con Valium đi, rồi thì con sẽ cho mẹ xem."
    Thật là tiến thoái lưỡng nan, nhưng cuối cùng mẹ đã làm điều đúng đắn.
    "Con biết mẹ không thể làm thế mà," mẹ nói nghiêm nghị. "Mẹ là mẹ của con và làm như thế thì thật vô trách nhiệm."
    "Tùy mẹ thôi," Helen nói, nhìn qua ống nhòm rồi lẩm bẩm, "Ôi trời ơi, có tin nổi không!" Rồi thì: "Không thể nào! Họ đang làm cái quái gì vậy? Giải phẫu cổ họng của nhau à?"
    Rồi thì mẹ nhảy khỏi đi-văng, tìm cách giật cái ống nhòm trong tay Helen, và bọn họ vật nhau như trẻ con, chỉ dừng lại khi họ đụng vào tay tôi, cái bàn tay đã bị tuột hết móng, và tiếng hét đau đớn của tôi đã giúp họ khôi phục sự đứng đắn của mình.
     
    thanhbt and NHTB like this.
  3. Moony

    Moony Mầm non

    2

    Sau khi tắm cho tôi, như mọi ngày, mẹ gỡ băng ra khỏi mặt tôi, rồi quấn tôi trong một cái chăn lớn. Tôi ngồi ở mảnh vườn sau bé xíu, ngắm cỏ mọc và hong khô các vết thương hở, trong khi thuốc giảm đau làm tôi cảm thấy lơ mơ và thanh thản.

    Nhưng bác sĩ đã bảo tôi tuyệt đối không được phơi nắng trực tiếp, vậy nên dù hầu như không có nắng ở Ai-len vào tháng Tư, nhưng tôi vẫn phải đội một cái mũ rộng vành trông rất ngớ ngẩn mà mẹ từng đội trong đám cưới chị Claire; may thay chẳng có ma nào ở đây để thấy tôi cả.

    Trời xanh, ngày ấm áp, tất cả đều thật dễ chịu. Tôi nghe thấy Helen ho cành cạch ở trên gác và mơ màng ngắm những bông hoa đẹp đẽ đu đưa trong gió nhẹ, từ trái sang phải, rồi lại từ phải sang trái... Đó là những bông hoa thủy tiên nở muộn, hoa tu-líp và mấy bông gì đó màu hồng mà tôi không biết tên. Thật buồn cười, tôi lờ mờ nhớ lại rằng nhà tôi từng có một cái vườn rất kinh khủng, tệ nhất trong cả phố này, mà có lẽ là trong cả Blackrock. Trong nhiều năm liền nó là nơi đổ rác với xe đạp rỉ (của chúng tôi) và những vỏ chai Johnnie Walker rỗng (cũng của chúng tôi), và đó là bởi vì, khác với các gia đình tử tế chịu khó làm ăn, chúng tôi từng có một người làm vườn: ông Michael, một ông già càu nhàu, khó tính, chẳng làm việc gì ngoài việc bắt mẹ đứng ngoài trời lạnh cóng để nghe ông ấy giải thích vì sao ông ấy không thể cắt cỏ được ("Vi trùng sẽ xâm nhập qua các vết cắt, có thể gây chết người"). Hay tại sao ông ấy không thể xén tỉa hàng rào ("Phải để nó thế để chống đỡ cho bức tường, thưa bà"). Đáng lẽ phải cho ông ấy nghỉ việc, thì mẹ lại mua bánh quy thượng hạng cho ông ấy ăn, rồi thì bố lại lén đợi đến đêm để đi cắt cỏ chứ chẳng dám nói gì ông ấy. Nhưng khi bố nghỉ hưu thì bố mẹ đã có lý do hoàn hảo để sa thải ông Michael. Nhưng ông ấy không dễ dàng chấp nhận chuyện đó. Sau khi ca cẩm không ngớt rằng những kẻ nghiệp dư sẽ phá hủy khu vườn trong chốc lát, ông phẫn nộ bỏ đi và tìm được việc ở chỗ nhà O'Mahoneys và làm xấu mặt cả nhà tôi bằng việc kể với bà O'Mahoney rằng từng có lần ông ấy thấy mẹ tôi lau rau diếp bằng cái khăn lau bếp bẩn thỉu.

    Nhưng mà cứ kệ đi, vì ông ấy đã đi rồi, và khu vườn, nhờ có bố tôi, giờ đã đẹp hơn nhiều. Điều đáng than phiền duy nhất là lượng bánh quy trong nhà đã sụt giảm đáng kể từ khi ông Michael ra đi. Nhưng ta không thể có mọi thứ ta muốn được, và nhận thức này khiến cho suy nghĩ của tôi rẽ sang một hướng khác hẳn, và chỉ khi những giọt nước mắt mặn đắng chảy xuống các vết thương của tôi, khiến chúng nhức nhối thì tôi mới nhận ra rằng mình đang khóc.

    Tôi muốn trở lại New York. Trong vài ngày vừa qua, tôi đã nghĩ về chuyện đó rất nhiều. Không chỉ là cân nhắc thiệt hơn, mà là một cảm giác thúc ép mãnh liệt, và không thể hiểu nổi tại sao tôi chưa đi từ lâu rồi. Nhưng vấn đề là mẹ và những người còn lại trong nhà sẽ nổi điên nếu tôi nói ra điều đó. Tôi có thể hình dung họ sẽ nói gì - rằng tôi phải ở lại Dublin, nơi chôn rau cắt rốn của tôi, nơi tôi được yêu thương, nơi họ có thể "chăm sóc cho tôi."

    Nhưng kiểu "chăm sóc" của nhà tôi không giống với các gia đình bình thường khác. Họ nghĩ rằng giải pháp cho mọi chuyện chính là sô cô la.

    Chỉ vừa hình dung họ sẽ phản đối ầm ĩ và dai dẳng như thế nào thì tôi lại kinh hoàng vì một ý nghĩ khác: Tôi phải trở về New York. Tôi phải trở về làm việc. Tôi phải trở về với các bạn của tôi. Và dù tôi chẳng thể nào nói điều này với bất kỳ ai, bởi vì họ sẽ báo ngay cho bệnh viện tâm thần, nhưng tôi phải trở về với Aidan.

    Tôi nhắm mắt lại, và bắt đầu mơ màng, nhưng rồi đột nhiên, tôi bị quẳng vào trong một ký ức với những tiếng động ầm ĩ, đau đớn và tối tăm. Tôi mở choàng mắt: hoa vẫn rất đẹp, cỏ vẫn rất xanh, nhưng tim tôi đập dữ dội và tôi phải chật vật lắm mới thở được.

    Chuyện này đã bắt đầu từ vài ngày trước đây: thuốc giảm đau không còn tác dụng như lúc ban đầu. Chúng mất tác dụng nhanh hơn và tấm chăn êm ái mà chúng phủ lên tôi giờ bắt đầu lộ ra những vết rạn nứt chằng chịt, và rồi sự kinh hoàng sẽ đổ ập tới, như nước trào ra từ một con đập vỡ.

    Tôi chật vật đứng dậy đi vào nhà. Tôi xem "Home and Away", ăn trưa (nửa cái bánh pho-mát, súp kiểu Nhật, 8 viên thuốc), rồi mẹ băng vết thương cho tôi trước khi tôi đi dạo.

    Mẹ thích công việc này, lỉnh kỉnh với kéo phẫu thuật, băng gạc và băng keo y tế màu trắng, giống như bác sĩ đã hướng dẫn. Y tá Walsh chăm sóc người bệnh. Hay thậm chí là bà bác sĩ Walsh.

    Tôi nhắm mắt lại. Những ngón tay của mẹ chạm vào tôi làm tôi cảm thấy dễ chịu.

    "Mấy cái vết nhỏ hơn trên trán con bắt đầu ngưa ngứa rồi; như thế là tốt phải không ạ?'

    "Để xem nào." Mẹ vén tóc mái của tôi sang bên để nhìn kỹ hơn. "Đúng là đang lành đây này," mẹ nói, như thể mẹ hiểu mình đang nói về chuyện gì. "Mẹ nghĩ ta không cần băng những chỗ này nữa. Cả một chỗ ở cằm của con nữa." (Một mẩu thịt hình tròn hoàn hảo đã bật ra ở chính giữa cằm của tôi. Giờ tự dưng trông như thể tôi có cằm chẻ vậy. "Nhưng không được gãi đâu đấy, cô nương! Tất nhiên ngày nay người ta chữa các vết thương trên mặt giỏi lắm," mẹ nói vẻ hiểu biết, nhắc lại y chang những gì bác sĩ đã nói với chúng tôi. "Kỹ thuật khâu bây giờ tốt hơn hẳn ngày xưa. Chỉ còn chỗ này thôi," mẹ nói, nhẹ nhàng bôi gel chống viêm lên vết cắt sâu chạy suốt má phải của tôi, rồi dừng lại khi tôi nhăn nhó vì đau. Vết thương này không thể lành được, trông nó như thể được ai đó vá lại một cách vụng về theo kiểu của Frankenstein. Trong số tất cả các vết thương trên mặt tôi, thì đây là cái duy nhất mà sẽ chẳng bao giờ biến mất.

    "Nhưng vì thế mà mới cần có phẫu thuật thẩm mỹ," tôi nói, lặp lại y chang những gì bác sĩ đã nói với chúng tôi.

    "Phải rồi," mẹ hùa theo. Nhưng giọng mẹ lạc đi. Tôi lập tức mở mắt. Mẹ đang khòng người xuống và lẩm bẩm nói gì đó như là, "Tội nghiệp con gái tôi."

    "Mẹ đừng khóc!"

    "Mẹ có khóc đâu."

    "Vậy thì được rồi"

    "Hình như là Margaret tới rồi đấy." Mẹ lau mặt qua loa bằng khăn giấy rồi bước ra ngoài, cười cợt cái xe mới mua của chị Maggie.

    Maggie đến để đi dạo cùng tôi. Maggie là chị thứ hai của tôi, là kẻ lạc loài trong gia đình nhà Walsh, là bí mật mà chúng tôi luôn giấu diếm. Những người khác (kể cả mẹ tôi, vào những lúc không đề phòng) đều gọi chị là đồ "bợ đỡ", một từ mà tôi không thích bởi vì nói thế thật quá đáng, nhưng phải thừa nhận là đúng không thể tả được. Maggie đã "nổi loạn" bằng việc sống một cuộc sống yên bình, có tổ chức với một người đàn ông ít nói, có tổ chức tên là Gary, người mà gia đình tôi ghét bỏ trong suốt nhiều năm. Mọi người phản đối sự đứng đắn của anh, sự tử tế của anh, và trên hết là những cái áo liền quần của anh. (Nhận định chung là quá giống bố tôi.) Tuy nhiên, mối quan hệ đó đã được cải thiện trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi các con của anh chị ra đời: JJ giờ đã 3 tuổi, còn Holly thì mới được 5 tháng.

    Tôi phải thừa nhận rằng mình đã từng thích thú với những sự thành kiến có liên quan đến thời trang của anh, mà đến bây giờ tôi thấy thật xấu hổ, bởi vì khoảng 4 năm trước, Gary đã giúp làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã tới một ngã rẽ tồi tệ trong đời (chi tiết tôi sẽ kể sau) nhưng anh Gary đã vô cùng tử tế với tôi. Thậm chí anh còn xin cho tôi vào làm ở công ty bảo hiểm nơi anh đang làm việc - ban đầu là ở phòng văn thư sau đó tôi được thăng cấp lên làm lễ tân. Rồi thì anh khuyến khích tôi học hành, sau đó tôi lấy được một tấm bằng về quan hệ công chúng. Tôi biết nó không được ấn tượng như bằng thạc sĩ ngành vật lý vũ trụ, nhưng nếu không có nó, thì tôi đã chẳng có được công việc hiện tại của tôi - Công Việc Tuyệt Nhất Trần Đời. Và tôi sẽ chẳng bao giờ gặp Aidan.

    Tôi đi tập tễnh ra cửa. Maggie đang đưa các con từ trên xe xuống, cái xe mới đồ sộ mà mẹ cứ bảo rằng trông nó giống hệt một con voi.

    Bố cũng có ở đó, cố gắng bênh vực chị khi chứng minh cái xe đó tốt như thế nào, bằng cách đi xung quanh và đá vào cả 4 cái lốp xe.

    "Xem chất lượng tốt chưa này," bố tuyên bố, rồi lại đá vào lốp xe lần nữa để nhấn mạnh quan điểm của mình.

    "Nhìn những cái mắt lợn tí xíu của nó mà xem!"

    "Không phải mắt đâu mẹ ơi, đèn đấy," chị Maggie nói, rồi nhô ra với bé Holly kẹp ở nách.

    "Sao con không kiếm một cái Porsche mà đi?" mẹ hỏi.

    "Lạc hậu quá".

    "Hay là Maserati?"

    "Chạy chậm bỏ xừ."

    Mẹ tôi - tôi e là mẹ bị như vậy là do quá buồn chán - bỗng nhiên rất hứng thú với những chiếc xe sang chảnh. Mẹ xem chương trình Top Gear và biết (đôi chút) về Lamborghini và Aston Martin.

    Maggie lại biến mất vào trong cái xe, và sau một lúc tháo cái này cái nọ, chị xuất hiện với nhóc JJ 3 tuổi ở nách bên kia.

    Maggie, giống như Claire (chị cả của tôi) và Rachel (chị thứ ba) đều cao lớn và mạnh mẽ. Ba người bọn họ giống mẹ. Helen và tôi thì lại thấp bé, trông khác xa với các chị, và tôi không biết chúng tôi thừa hưởng điều đó từ đâu. Bố tôi không quá bé nhỏ; chỉ là sự hiền lành khiến cho bố có vẻ như vậy thôi.

    Maggie cực kỳ mê mệt việc làm mẹ - không chỉ là việc làm mẹ thông thường mà cả về vẻ bề ngoài nữa. Chị bảo, một trong những điều tuyệt vời nhất khi có con đó là ta sẽ chẳng có thời gian mà lo nghĩ mình trông như thế nào, và chị còn khoe khoang rằng mình đã bỏ hẳn việc làm đẹp. Tuần trước, chị kể với tôi rằng cứ vào đầu xuân thu 2 kỳ, là chị sẽ đi Marks & Spencer và mua 6 cái váy giống hệt nhau, 2 đôi giày - một cao, một bệt - và một loạt áo sơ-mi. "Vào và ra trong 40 phút," chị nói vẻ rất hả hê. Ngoài mái tóc dài chấm vai và nhuộm màu hạt dẻ rất đẹp (rõ ràng là chị vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ), thì chị giống một bà mẹ sề còn hơn cả mẹ chúng tôi.

    "Xem cái váy nó mặc kìa," mẹ lẩm bẩm. "Người ta không biết lại tưởng mẹ với nó là hai chị em".

    "Con nghe thấy rồi đấy," Maggie nói, "Và con không quan tâm".

    "Xe của con trông như con tê giác vậy," mẹ phản pháo.

    "Một phút trước mẹ bảo là con voi cơ mà. Bố ơi, bố mở thùng xe giúp con với".

    Rồi JJ nhìn thấy tôi và trở nên vô cùng vui sướng. Có thể là do sự mới lạ nên tôi hiện là bà dì ưa thích nhất của nó. Nó giật ra khỏi Maggie và chạy vù vù đến như một viên đạn đại bác. Nó luôn lao vào tôi, và dù 3 ngày trước, nó vô tình lao thẳng vào cái đầu gối bị gãy của tôi, mà chỉ vừa mới được tháo bột, và sự đau đớn khiến tôi nôn thốc nôn tháo, nhưng tôi vẫn bỏ qua cho thằng bé.

    Tôi có thể tha thứ cho nó mọi chuyện: nó đúng là biết gào thét. Khi ở bên cạnh nó, tâm trạng của tôi khá hơn, nhưng tôi cố gắng không thể hiện điều đó quá nhiều bởi vì mọi người trong nhà có thể sẽ thấy lo lắng khi tôi tỏ ra thích nó quá, và họ đã có quá nhiều chuyện phải lo cho tôi rồi. Họ có thể sẽ lại khuyên răn này nọ - rằng tôi còn trẻ, rằng rồi thì tôi sẽ có con của riêng mình vv... và tôi chắc là mình chưa sẵn sàng để nghe những lời khuyên đó.

    Tôi đưa JJ vào trong nhà để lấy "cái mũ đi bộ" của nó. Trong khi mẹ tìm kiếm cái mũ vành rộng tránh nắng cho tôi, mẹ đã moi ra cả một kho những cái mũ ghê sợ mà mẹ đã đội tới các đám cưới trong bao năm qua. Thật ra nó cũng gần sốc như khi người ta khai quật ra một ngôi mộ tập thể vậy. Có hàng chồng mũ, và cái sau lại còn ghê gớm hơn cái trước, và vì một lý do nào đó JJ lại phải lòng một cái mũ cói bẹt với một chùm anh đào đung đưa nơi vành mũ. JJ khăng khăng rằng đó là "một cái mũ cao bồi", nhưng kỳ thực thì chẳng có gì khác xa sự thực hơn thế. Cuối cùng thì, ở tuổi lên 3, thằng bé đã thể hiện cái khuynh hướng lập dị - mà chắc hẳn là gien lặn bởi vì chắc chắn nó không được thừa hưởng cái tính đó từ cả bố lẫn mẹ mình.

    Khi chúng tôi đều đã sẵn sàng thì đoàn diễn hành bắt đầu tiến lên phía trước: tôi, dựa vào bố bằng cánh tay không bị gãy, chị Maggie đẩy xe nôi của bé Holly, và JJ, cảnh sát trưởng, dẫn đầu đoàn.

    Mẹ từ chối tham gia cuộc đi bộ mỗi ngày này của chúng tôi, viện cớ rằng nếu mẹ tham gia thì sẽ có nhiều người quá và rằng "người ta sẽ nhìn đấy". Và quả thực là chúng tôi cũng gây ra kha khá sự xôn xao: với JJ và cái mũ của thằng bé và tôi với những thương tích của tôi, đám trẻ trong khu cảm thấy như có một gánh xiếc tới thị trấn vậy.

    Khi chúng tôi tới gần bãi cỏ - cũng không xa lắm, tôi chỉ cảm thấy xa bởi vì đầu gối của tôi đau quá, khiến cho ngay cả JJ, một đứa trẻ lên ba, có thể đi nhanh hơn tôi - thì một thằng nhóc trông thấy chúng tôi và gọi mấy thằng bạn của nó. Ngay lập tức sự phấn khích hiện rõ trong bọn chúng và chúng bỏ mọi việc đang làm với diêm và giấy báo để chuẩn bị chào đón chúng tôi.

    "Chào Frankenstein," Alec gọi, khi chúng tôi đã tới trong tầm nghe thấy.

    "Chào", tôi đường hoàng đáp lại.

    Lần đầu chúng gọi tôi như vậy, tôi cũng thấy buồn bực. Đặc biệt là khi chúng đề nghị trả tiền để tôi nhấc băng lên, cho chúng xem các vết cắt của tôi. Chuyện đó chẳng khác gì yêu cầu tôi kéo áo phông lên cho chúng xem ngực, chỉ có điều là còn tồi tệ hơn. Ngay khi nước mắt tôi chực trào ra, và tôi choáng váng vì sự tàn nhẫn của con người, tôi quay đi định về thẳng nhà. Và rồi tôi nghe Maggie hỏi, "Bao nhiêu? Xem chỗ sợ nhất thì trả bao nhiêu?"

    Sau một khoảnh khắc bàn bạc ngắn ngủi. "1 Euro."

    "Đưa tiền đây," Maggie ra lệnh. Thằng lớn nhất - nó nói tên nó là Hedwig, nhưng chắc không thể nào - đưa tiền ra, nhìn chị tôi có vẻ hồi hộp.

    Maggie cắn thử để xem có phải là tiền thật không, rồi chị nói với tôi, "Chị lấy 10%, phần còn lại là của em. Được rồi. Cho chúng nó xem đi."

    Vậy là tôi cho chúng xem - hoàn toàn không phải vì tiền mà vì tôi nhận ra rằng tôi chẳng việc gì phải thấy xấu hổ, chuyện xảy ra với tôi có thể xảy ra cho bất cứ ai. Từ sau đó chúng luôn gọi tôi là Frankenstein, nhưng không - và tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ lạ - không phải là theo cách ác ý.

    Hôm nay chúng nhận ra rằng mẹ tôi đã bỏ bớt mấy chỗ băng bó. "Chị sắp khỏi rồi." Xem chừng chúng có vẻ thất vọng. "Mấy chỗ trên trán chị gần khỏi hết rồi. Chỉ còn một cái ra hồn ở bên má chị thôi. Và chị còn đi nhanh hơn trước kia nữa, chị gần đi nhanh bằng JJ rồi."

    Trong khoảng nửa giờ, chúng tôi ngồi thư giãn trên ghế băng. Chúng tôi đã đi dạo hàng ngày như vậy trong vài tuần vừa qua, và thời tiết thì khô ráo không giống với Ai-len bình thường tý nào, ít nhất là vào ban ngày. Chỉ có buổi tối, khi Helen ngồi trên bờ rào với cái ống kính tê-lê, thì trời lại mưa.

    Sự mơ màng bị phá vỡ khi Holly bắt đầu ré lên, theo Maggie thì cần phải thay bỉm cho con bé, vậy nên tất cả chúng tôi lại rút về nhà, ở đó Maggie đã nỗ lực nhưng bất thành trong việc thuyết phục mẹ, rồi bố, thay bỉm cho Holly. Chị không nhờ tôi; đôi khi việc bị gãy tay lại có ích như vậy đấy.

    Trong khi chị đang bận bịu với bỉm và tã, JJ đã kiếm được cây chì kẻ môi màu đồng trong cái túi đựng đồ trang điểm (đặc biệt lớn) của tôi, đưa nó lên mặt, rồi nói, "Giống dì".

    "Cái gì giống dì?"

    "Giống dì," nó nhắc lại, chạm vào mấy chỗ xước của tôi, rồi lại dùng cây chì chỉ vào mặt mình.

    À! Nó muốn tôi vẽ sẹo lên mặt cho nó.

    "Chỉ vài cái thôi." Tôi không chắc lắm rằng đây có phải là việc nên khuyến khích không, nên tôi vẽ mấy vết cắt tàm tạm lên trán nó. "Nhìn này". Tôi giơ cái gương con ra trước mặt nó và nó có vẻ thích lắm, nó hét lên, "Nữa!"

    "Chỉ một cái nữa thôi nhé."

    Nó cứ liên tục soi gương và đòi hỏi thêm nhiều vết thương nữa, nhưng rồi chị Maggie trở lại và tôi nhìn thấy vẻ mặt của chị, lòng tôi tràn ngập sự sợ hãi. "Ôi trời, chị Maggie, em xin lỗi. Em mải chơi quá."

    Nhưng với một chút nhẹ nhõm, tôi nhận ra rằng chị không giận vì JJ trông như một mảnh vải chắp vá - mà đó là vì chị đã thấy túi đựng đồ trang điểm của tôi và ngay lập tức có vẻ mặt đó, vẻ mặt giống hệt tất cả những người khác, nhưng tôi đã tưởng chị khá hơn cơ.

    Đó là điều kỳ quặc nhất - bất kể những kinh hoàng và sầu thảm vừa qua, hầu như mọi ngày sẽ có ai đó trong nhà tôi tới, ngồi lên giường của tôi và đề nghị được xem các thứ có trong túi đồ trang điểm của tôi. Họ đều hoa mắt vì công việc tuyệt vời của tôi và chẳng buồn che giấu sự "không thể tin nổi" rằng tôi, chứ không phải ai khác, lại kiếm được công việc này.

    Maggie đi về phía túi đựng đồ trang điểm của tôi như một kẻ mộng du. Tay chị vươn ra. "Chị xem được chứ?"

    "Chị cứ tự nhiên. Còn cả cái túi giặt của em ở trên sàn nữa. Có mấy thứ được lắm ở trong đó, nếu mẹ và Helen chưa trấn sạch rồi. Cứ lấy bất cứ thứ gì chị muốn."

    Cứ như trong trạng thái hôn mê, Maggie lấy trong túi ra hết thỏi son môi này tới thỏi son khác. Tôi có khoảng 16 thỏi. Và đó là vì tôi có thể.

    "Một số thỏi vẫn còn chưa hề mở ra," chị nói. "Sao Helen và mẹ chưa lấy chúng nhỉ?"

    "Vì hai người đó đã có rồi. Ngay trước khi... chị biết đấy... trước chuyện đó. Em đã gửi bộ sản phẩm mới của mùa hè. Hai người đã có hầu hết những màu này rồi."

    Hai ngày sau khi tôi về, Helen và mẹ đã ngồi trên giường của tôi và xem xét đồ mỹ phẩm của tôi một cách rất có hệ thống, loại bỏ gần như mọi thứ. "Porn Star à? Có rồi. Multiple Orgasm? Có rồi. Dirty Grrrl? Có rồi."

    "Chẳng ai nói gì với chị về sản phẩm mới cả," Maggie buồn bã nói. "Mà chị sống cách đây có hơn một cây số."

    "Ôi. Có thể vì vẻ bề ngoài hiện nay của chị nên họ không nghĩ chị quan tâm tới đồ trang điểm. Em xin lỗi. Khi nào về New York, em sẽ gửi đồ thẳng tới chỗ chị."

    "Thật chứ? Cảm ơn em." Rồi thì một cái nhìn sắc bén. "Em sẽ về đó à? Khi nào? Tỉnh lại đi. Em chẳng thể đi đâu được. Em cần có sự bảo vệ của gia đình mình..." Nhưng chị bị phân tâm vì một thỏi son môi. "Chị thử cái này được không? Đây đúng là màu của chị."

    Chị tô son, bặm môi lại, rồi thỏa mãn ngắm nghía mình trong cái gương con, rồi thì bất thình lình cảm thấy ăn năn. "Chị xin lỗi Anna. Chị đã cố gắng không hỏi xem những thứ đẹp đẽ này, ý chị là trong tình cảnh này... Chị thấy khó chịu với những người khác, họ cứ như lũ chim ăn xác chết. Nhưng nhìn chị này! Chị cũng tệ như họ thôi."

    "Đừng quá nghiêm khắc với bản thân, chị Maggie. Chẳng ai kiềm chế được cả. Nó vượt quá khả năng của chúng ta."

    "Vậy à? Được rồi. Cảm ơn em." Chị tiếp tục lấy các thứ ra, mở hộp này hộp kia, bôi thử lên mu bàn tay, rồi đóng hộp lại gọn ghẽ. Sau khi đã kiểm tra xong mọi thứ, chị thở ra nặng nề. "Chắc chị sẽ xem cả cái túi giặt của em nữa."

    "Chị cứ tự nhiên. Có một chai sữa tắm được lắm đấy." Nhưng rồi thì tôi nhớ ra. "Không, chờ đã, em nghĩ là bố lấy nó rồi."

    Chị xem xét từ sữa tắm tới kem tẩy da chết và sữa dưỡng thể, mở nắp, ngửi thử, rồi nói, "Em đúng là có công việc tốt nhất thế giới."

    Công việc của tôi

    Tôi làm nhân viên truyền thông cho ngành mỹ phẩm ở New York. Tôi là trợ lý truyền thông cho Candy Grrrl, một trong những nhãn hiệu mỹ phẩm được ưa chuộng nhất hành tinh. (Có thể bạn đã nghe nói tới nó rồi; còn nếu chưa, thì có nghĩa là ai đó, ở đâu đó, chưa làm tốt công việc của họ. Tôi khẩn thiết hy vọng người đó không phải là tôi.) Tôi được tiếp cận nhiều sản phẩm miễn phí đến chóng cả mặt. Ý tôi nói "chóng cả mặt" theo nghĩa đen: một thời gian ngắn sau khi tôi được nhận công việc này, chị Rachel của tôi, người sống ở New York trong nhiều năm, đã tới văn phòng của tôi vào buổi tối sau khi mọi người đã về nhà hết, để xem tôi có nói quá lên không. Và khi tôi mở kho cho chị thấy hàng giá, hàng giá chất đống sản phẩm của Candy Grrrl, kem dưỡng và kem thu nhỏ lỗ chân lông và che khuyết và nến thơm và sữa tắm và phấn nền và highlight và... chị nhìn chằm chằm lâu thật lâu rồi nói, "Có các đốm đen ở trước mắt chị. Chị không đùa đâu, Anna, chắc chị sắp ngất rồi." Thấy chưa - chóng mặt - mà đó là trước khi tôi bảo chị thích gì thì cứ lấy.

    Và mọi chuyện còn tuyệt vời hơn theo cấp số mũ vì tôi không chỉ nhận được các sản phẩm của Candy Grrrl. Công ty tôi làm việc, McArthur on the Park (do Ariella McArrthur sáng lập và sở hữu đến tận bây giờ, bà không bao giờ bán công ty của mình) đại diện cho 13 nhãn hiệu mỹ phẩm khác nữa, cái sau lại còn ngon lành hơn cái trước, và mỗi tháng một lần chúng tôi họp chợ trong phòng họp, nơi chúng tôi trao đổi hàng với nhau một cách không khoan nhượng. (Tất nhiên đây không phải là quy định chính thức và không bao giờ xảy ra khi có mặt Ariella.)

    Bên cạnh sản phẩm miễn phí, chúng tôi còn có những ưu đãi khác. Vì Perry K là một khách hàng của McArthur on the Park, nên tôi được Perry K cắt tóc và nhuộm miễn phí. Tất nhiên không phải là đích thân Perry K nhưng là một trong những trợ thủ đắc lực của ông ấy. Perry K thì lúc nào cũng ở trên máy bay riêng, tới Bắc Hàn hay Vanuatu để làm tóc cho một ngôi sao điện ảnh nào đó ngay tại trường quay.

    Làm tóc miễn phí nghe có vẻ tuyệt vời nhưng đôi khi tôi cảm thấy mình hơi giống một dạng gái gọi cao cấp. Trông thì có vẻ như được quan tâm, nhưng đó chỉ là để đảm bảo chúng tôi làm tốt việc của mình. Như với tôi, tôi không được lựa chọn kiểu tóc. Tôi phải cắt theo kiểu đang thịnh hành nhất trên sàn catwalk vào lúc đó.

    Dù sao thì sau chuyến viếng thăm của Rachel, chị ấy kể với tất cả mọi người ở nhà về cái kho chứa đó. Ngay sau đó là một cơn bão điện thoại từ Ai-len. Có phải Rachel nghiện trở lại không? Chuyện tôi cho chị ấy mỹ phẩm miễn phí có đúng không? Và nếu đúng thì cho họ một ít được không? Ngay lập tức, tôi đóng gói một lô một lốc mỹ phẩm và gửi về Ai-len - và tôi thừa nhận, tôi đang thể hiện, cố gắng chứng tỏ tôi đã thành công thế nào.

    Tôi không chỉ được dùng các sản phẩm của Candy Grrrl, mà tôi có trách nhiệm làm như vậy. Chúng tôi phải mang các đặc tính của hãng mà chúng tôi là đại diện. Hãy sống cùng nó, Ariella thúc giục tôi như vậy khi cho tôi được giao công việc này. Hãy sống cùng nó, Anna. Cô là cô gái Candy Grrrl, 24/7, lúc nào cũng là giờ làm việc.

    Tuy nhiên, khi gửi sản phẩm cho người khác, thì bạn cần phải "ghi rõ người nhận" - từng cái mascara, từng cây son dưỡng. Nhưng nếu bạn nói là gửi chúng tới chương trình Nebraska Star, trong khi thực sự thì chúng tới chỗ mẹ bạn ở Dublin, thì người ta cũng chẳng kiểm tra đâu: tôi là một nhân viên đáng tin cậy mà.

    ĐIều kỳ lạ là thông thường thì tôi là người thành thực: nếu ai đó trả thừa tiền cho tôi ở cửa hàng, tôi sẽ trả lại họ, và tôi chưa bao giờ, trong đời mình, ăn hàng mà không trả tiền. (Chẳng phải có những cách khác hay hơn để vui vẻ sao?) Nhưng mỗi lần tôi thảy một lọ kem mắt cho Rachel, hay một cây nến thơm cho bạn Jacqui của tôi, hay gửi một kiện hàng sản phẩm mùa xuân tới Dublin, đó chính là tôi đang ăn cắp. Thế nhưng tôi chẳng mảy may cảm thấy tội lỗi. Đó là vì các sản phẩm quá đẹp, tôi cảm thấy như, giống như các kỳ quan của tự nhiên, chúng phải là của mọi người. Làm sao ta có thể rào Hẻm núi Grand Canyon lại? Hay rạn san hô Barrier Reef? Với những thứ quá tuyệt vời, thì ai cũng nên có quyền được hưởng chúng.

    Mọi người thường hỏi tôi, mặt họ méo mó vì ghen tỵ, "Làm sao cô kiếm được công việc như vậy?"

    Được rồi, tôi sẽ kể cho mà nghe.
     
    thanhbt and NHTB like this.
  4. Moony

    Moony Mầm non

    3

    Làm sao tôi có được công việc này


    Sau khi kiếm được tấm bằng về PR, tôi được nhận vào làm ở phòng truyền thông của một công ty mỹ phẩm làng nhàng tại Dublin. Lương thì ít ỏi, việc thì nhiều gãy cả lưng - chủ yếu là nhồi phong bì gửi hàng mẫu quảng cáo qua bưu điện - và chúng tôi bị kiểm tra túi xách mỗi khi ra về, thế nên đừng có mơ tới mỹ phẩm miễn phí. Nhưng ở đó tôi đã hiểu làm PR là như thế nào, và ta có thể sẽ rất vui và sáng tạo ra sao nếu được làm ở một nơi phù hợp, và từ lúc đó tôi đã mơ về New York...

    Tôi không muốn đi một mình, vậy nên tôi phải thuyết phục cô bạn thân thiết Jacqui của tôi, rằng cả cô ấy nữa, cũng thèm khát được tới New York. Nhưng tôi cũng không đánh giá cao cơ hội của mình. Trong nhiều năm, Jacqui cũng giống như tôi, hoàn toàn chẳng có chút khái niệm nào về việc mình nên làm gì. Cô ấy chủ yếu làm trong ngành khách sạn, từ làm việc ở quầy bar cho tới làm quản lý phòng, nhưng sao đó, mặc dù chẳng phải là lỗi của cô ấy, cô ấy kiếm được một công việc rất khá: trở thành nhân viên phụ trách các khách hàng VIP ở một trong những khách sạn 5 sao ở Dublin.

    Khi giới showbiz muốn thứ gì đó, từ số điện thoại của Bono, cho tới người đưa họ đi mua sắm, hay người đóng thế để đánh lạc hướng cánh săn ảnh, thì Jacqui sẽ cung cấp tất cả những thứ đó. Không có ai, đặc biệt là Jacqui, có thể lý giải chuyện đó đã xảy ra như thế nào - cô ấy chẳng có bằng cấp gì cả, tất cả những gì cô ấy có là khả năng buôn chuyện, tính thực tế, và sự kiềm chế khi phải chiều chuộng những kẻ ngu ngốc, kể cả những kẻ ngu ngốc nổi tiếng. (Cô ấy nói rằng hầu hết những kẻ nổi tiếng đều nhỏ bé hay ngu ngốc hay cả hai.)

    Có thể vẻ bề ngoài của cô ấy cũng có liên quan tới sự thành công này; cô ấy thường mô tả về bản thân như là một con nhện chân dài lông vàng, và sự thực thì đó cũng không phải là nói quá lên. Cô ấy cao và gầy đến nỗi mọi khớp xương của cô ấy - đầu gối, hông, cùi trỏ, vai - trông như thể chúng đã bị người ta dùng cờ-lê vặn lỏng ra vậy, và khi cô ấy bước đi, cảm tưởng như là có một nghệ nhân múa rối vô hình nào đó đang điều khiển cử động của cô ấy bằng những sợi dây. Vì thế mà phụ nữ không cảm thấy cô ấy như một mối đe dọa. Nhưng nhờ vào khiếu hài hước, kiểu cười hô hố, và khả năng thức khuya và tiệc tùng phi thường của cô ấy, cánh đàn ông rất thoải mái khi ở bên Jacqui.

    Những vị khách celeb thường tặng cho cô ấy các món quà đắt tiền. Nhưng tuyệt nhất là, cô ấy nói, khi cô ấy đưa họ đi mua sắm; và nếu họ mua cho bản thân cả tấn đồ thì họ sẽ bị dằn vặt với cảm giác tội lỗi nếu không mua chút gì cho cô ấy. Chủ yếu là những món đồ thiết kế nhỏ xíu mà cô ấy mặc rất đẹp.

    Là dân chuyện nghiệp, cô ấy không bao giờ - hay đúng hơn là hiếm khi - có quan hệ này nọ với những celeb nam mà cô ấy phụ trách (trừ khi họ vừa mới chia tay vợ và cần được "vỗ về"), nhưng thỉnh thoảng cô ấy có qua lại với bạn của họ. Thường thì đó là những kẻ rất kinh khủng; cô ấy thích như vậy. Còn tôi thì tôi chưa bao giờ thích tay bạn trai nào của cô ấy.

    Vào buổi tối tôi gặp Jacqui để thuyết phục cô ấy nghe theo đề xuất của tôi, cô ấy xuất hiện với vẻ bóng bảy, vui vẻ và khẳng khiu như thường lệ, với áo khoác Versace, thứ gì đó của Dior, lại thứ gì đó nữa của Chloé, và thế là trái tim tôi trĩu xuống. Sao lại có ai muốn từ bỏ một công việc như thế này chứ? Nhưng dù sao thì cũng đã lỡ rồi.

    Trước khi tôi kịp nói đến New York, cô ấy thú nhận rằng mình đã phát ốm vì những ngôi sao khệnh khạng và các yêu cầu ngu ngốc của họ. Một ngôi sao đoạt giải Oscar nào đó hiện đang ở khách sạn và khiến cho đời cô ấy trở thành địa ngục khi cứ khăng khăng rằng có một con sóc cứ nhìn chằm chằm vào cửa sổ và dõi theo mọi hành động của ông ấy. Tất nhiên điều khiến Jacqui phát điên không phải là thái độ ác ý của ông ta với con sóc đó, mà là vì bọn họ đang ở tầng thứ 5 - lấy đâu ra sóc? Cô ấy không thể chịu đựng bọn celeb đó thêm nữa, cô ấy nói. Cô ấy muốn một sự thay đổi triệt để, trở về với nền tảng xã hội, làm việc với người nghèo và người bệnh, ở một trại của người bệnh phong, nếu điều đó là có thể.

    Đó quả là một tin tuyệt vời nếu không muốn nói là đáng ngac nhiên, và là thời điểm tuyệt hảo để tôi rút trong túi xách ra mẫu đơn xin làm việc ở Mỹ; hai tháng sau, chúng tôi đã vẫy tay chào tạm biệt Ai-len.

    Khi tới nước Mỹ, thời gian đầu chúng tôi sống cùng Rachel và Luke, nhưng hóa ra đó cũng không phải là ý hay: Jacqui đổ mồ hôi túa lua mỗi lần cô ấy nhìn Luke, nhiều đến mức cô ấy sắp sửa phải uống viên bù nước.

    Bởi vì Luke quá đẹp trai, nên mọi người thường cư xử hơi buồn cười mỗi khi ở cạnh anh. Họ thường nghĩ rằng anh phải là gì đó phi thường lắm. Nhưng về cơ bản thì anh chỉ là một anh chàng bình thường, tử tế, có cuộc đời như anh muốn, với người phụ nữ mà anh muốn. Anh có một đám bạn cũng rất bảnh bao - dù không có ai trong đó đẹp đến như anh - thường được gọi là hội Chuẩn Men. Những người cho rằng album nhạc tử tế gần đây nhất là vào năm 1975 (Physical Graffiti của Led Zeppelin) và rằng tất cả những thứ âm nhạc được tạo ra sau đó hoàn toàn là rác rưởi. Với họ một buổi tối lý tưởng là tham gia giải vô địch chơi ghita ảo - thực sự là có thứ như vậy đấy - và mặc dù họ đều là những tay chơi nghiệp dư có tài, nhưng một người trong hội đó là Shake thực sự có tiềm năng và đã lọt tới vòng chung kết khu vực.

    Jacqui và tôi đều đi tìm việc làm, nhưng không may cho Jacqui là chẳng có trại phong nào đang tuyển người cả. Trong vòng một tuần, cô ấy kiếm được việc làm tại một khách sạn 5 sao ở Manhattan, với một vị trí gần như giống hệt việc cô ấy từng bỏ lại ở Dublin.

    Trong một bước ngoặt kỳ lạ của số mệnh, cô ấy gặp lại tay diễn viên con sóc, kẻ không nhớ cô ấy và lại kể chính câu chuyện đó về việc bị một con sóc theo dõi. Chỉ có điều lần này không phải bọn họ ở tầng 5 mà là tầng 27.

    "Tôi thực sự muốn làm việc gì đó khác đi," cô ấy nói với Rachel, Luke và tôi khi về nhà sau ngày đầu đi làm. "Thật không hiểu sao chuyện này có thể xảy ra."

    Thật ra thì quá hiển nhiên: rõ ràng là cô ấy bị ràng buộc với cái thế giới lấp lánh siêu sao đó hơn là cô ấy nhận ra. Nhưng ta không thể nói thẳng điều đó cho cô ấy. Jacqui chẳng có thời gian để xem xét nội tâm: đen là đen và trắng là trắng. Và theo tôi thì đó là một triết lý sống rất có giá trị - bởi vì mặc dù tôi rất yêu chị Rachel, đôi khi tôi cảm thấy như mình không thể gãi cằm mà chị ấy không nghĩ rằng tôi có ẩn ý gì trong đó. Nhưng mặt khác thì, sẽ thật vô ích nếu muốn tâm sự với Jacqui vào lúc ta tuyệt vọng nhất, bởi vì cô ấy chỉ có một kiểu phản ứng bất di bất dịch, "Ôi không! Đã có chuyện gì vậy?" Và hầu hết thì chẳng có chuyện gì cả, chỉ là bạn cảm thấy chán nản thôi. Nhưng nếu bạn cố gắng giải thích, cô ấy sẽ nói, "Nhưng cậu chán nản vì chuyện gì chứ?" Rồi cô ấy nói, "Ra ngoài uống sâm banh đi. Ngồi đây khóc lóc thì ích gì đâu!"

    Dù sao thì trước khi Jacqui bị mắc chức co cơ do thiếu khoáng vì nhìn Luke, chúng tôi đã tìm được một chỗ cho mình. Một phòng nhỏ ở khu căn hộ cũ nát tại Lower East Side. Nó nhỏ và đắt đến khó tin và nhà tắm thì cũng chính là bếp, nhưng ít nhất thì chúng tôi được ở Manhattan. Chúng tôi cũng đâu có muốn ở nhà nhiều - nơi đó chỉ để ngủ và là địa chỉ liên hệ, một chỗ đặt chân nhỏ xíu trong thành phố trần trụi này. May là Jacqui và tôi rất thân thiết, và chúng tôi có thể chia sẻ chỗ chật chội này với nhau, mặc dù có đôi khi Jacqui cũng tới quán bar và kiếm một gã nào đó, chỉ để cô ấy có thể ngủ một đêm trong một căn hộ bình thường.

    Khi đó tôi đã đăng ký tìm việc với vài trung tâm tuyển dụng sang trọng, nộp cho họ bộ hồ sơ đẹp đẽ có hơi tô vẽ lên chút xíu. Tôi đã đi phỏng vấn vài bận, nhưng cũng không nhận được hứa hẹn gì chắc chắn. Khi tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng, thì vào một sáng thứ Ba, tôi nhận được điện thoại bảo là tới McArthur on the Park gấp. Có vẻ như một ai đó của công ty này phải "đi Arizona" (theo cách nói của dân New York thì có nghĩa là "đi trại cai nghiện") ngay lập tức và họ cần gấp người thay thế bởi vì họ đang chuẩn cho một sự kiện lớn.

    Tôi biết về Ariella McArthur bởi vì bà ấy là một huyền thoại trong nghề PR; ở vào độ tuổi năm mươi, tóc xù, vai rộng, ưa kiểm soát, nóng nảy. Tin đồn là bà ấy chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày (nhưng sau đó tôi phát hiện ra là tự bà ấy đã gieo rắc tin đồn đó).

    Vậy là tôi mặc vội bộ vét và đi tới văn phòng của họ nằm ở cạnh Công viên trung tâm (tầng 38, khung cảnh nhìn từ văn phòng của Ariella đẹp tuyệt vời, nhưng ta chỉ được mời vào phòng của bà ấy mỗi khi bị mắng mỏ, vậy nên cũng khó mà thưởng thức cảnh đẹp được).

    Mọi người đang chạy loạn cả lên trong văn phòng, và chẳng ai thực sự nói năng gì với tôi cả. Họ chỉ hét lên các mệnh lệnh như photocoy cái này cái kia, rồi sắp xếp thức ăn, rồi dính cái này cái kia lại với nhau. Dù bị đối xử lạnh nhạt như vậy, nhưng tôi vẫn thấy choáng váng vì các thương hiệu mà McArthur là đại diện và các chiến dịch quảng bá cao cấp mà họ tổ chức và tôi tự nhủ: Mình có thể đổi cả thế giới để được làm ở đây.

    Tôi đã phải dính thứ này thứ kia lại với nhau, rồi thì họ bảo tôi trở lại vào ngày hôm sau, ngày sẽ diễn ra sự kiện, khi mà họ còn trở nên bực dọc hơn.

    Vào lúc 3 giờ chiều, Ariella và 7 trợ thủ hàng đầu của bà ngồi vào quanh bàn họp. Tôi cũng ở đó, nhưng chỉ phòng khi có ai đó cần gấp thứ gì đó - nước, cà phê, lau mồ hôi trán. Tôi được chỉ dẫn là đừng nói gì cả. Tôi có thể liên hệ bằng mắt nếu cần thiết, nhưng không được nói.

    Trong khi chờ đợi, tôi nghe lỏm được Ariella nói bằng giọng khẩn thiết với Franklin, trợ lý thứ hai của bà, "Nếu tôi không có khách hàng này, thì chết với tôi."

    Với những ai chưa biết về sự tích của Candy Grrrl - và vì tôi sống và thở cùng nó đã quá lâu, đôi khi tôi quên rằng có những người không biết rằng Candy Grrrl là đứa con tinh thần của nghệ sĩ makeup Candace Biggly. Bà ấy bắt đầu tự trộn mỹ phẩm sau khi không thể mua được màu và chất liệu chính xác như mình muốn, và rồi những gì bà tạo ra hóa ra lại quá tốt và các người mẫu của bà đều thích mê mệt. Trong giới bắt đầu lan ra tin đồ rằng sản phẩm của Candace Biggly rất đặc biệt, và từ đó nó bắt đầu gây xôn xao.

    Rồi còn về cái tên. Vô số người, bao gồm cả mẹ tôi, đều kể rằng "Candy Grrrl" được đặt theo tên con chó của Kate Moss. Rất tiếc phải làm các bạn thất vọng, nhưng sự thực không phải như vậy. Candace và chồng bà ấy, George (một gã rất ghê rợn), đã thuê một hãng quảng cáo đắt đỏ để nghĩ ra cái tên đó (và cả logo hình cô gái đang gầm gừ nữa), nhưng câu chuyện về con vật cưng của Kate đã đi vào truyền thuyết dân gian và cứ để nó như vậy thì cũng chẳng hại gì.

    Một cách thầm lặng, cái tên Candy Grrrl bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí làm đẹp. Rồi một cửa hàng nhỏ được mở ở Lower East Side, những phụ nữ ở rìa thành phố chưa biết mặt mũi trung tâm là gì cũng thực hiện những chuyến hành hương tới đây. Thêm một cửa hàng nữa được mở ra, lần này là ở L.A; tiếp theo là một ở Luân Đôn và hai ở Tokyo; và rồi điều không thể tránh khỏi đã xảy ra: Candy Grrrl được hãng Devereaux mua lại với mức giá không được tiết lộ (thực ra là 11,5 triệu Đô La. Tôi đọc được điều đó trong các giấy tờ ở văn phòng vào mùa hè trước. Không phải tôi lục lọi đâu, chỉ là tình cờ đọc được thôi. Thực sự đấy).

    Đột nhiên CG trở thành sản phẩm đại chúng và có mặt trên kệ ở Sak, Bloomingdale's, Nordstrom - tất cả những trung tâm mua sắm lớn này. Tuy nhiên, Candace và George không "thoải mái" với dịch vụ quan hệ công chúng của Devereaux, vậy nên họ mời vài hãng lớn đấu thầu cho công việc này.

    "Họ tới muộn," Franklin nói, lấy ra một cái hộp thuốc nhỏ khảm trai. Lúc trước tôi đã thấy anh ta công khai nuốt nửa viên Xanax; tôi đoán là anh ta đang cân nhắc uống nửa còn lại.

    Và rồi, không hề có sự tung hô nào, Candace bước vào, trông chẳng giống Candace gì cả với mái tóc nâu không tạo kiểu, legging đen và thật lạ, hoàn toàn không hề son phấn. George thì ngược lại, có thể coi là điển trai và thu hút - ông ta chắc chắn nghĩ như vậy.

    Ariella chào đón họ rất thân mật, nhưng George cắt ngang bà ấy, và đòi hỏi "các ý tưởng".

    "Nếu Candy Grrrl trở thành khách hàng của anh, anh sẽ làm gì?" Ông ta chỉ ngón tay vào Franklin.

    Franklin lắp bắp gì đó về việc thuê celeb làm người đại diện nhãn hàng, nhưng trước khi anh ta nói xong, George đã chuyển sang người tiếp theo. "Còn cô sẽ làm gì?"

    Ông ta hỏi một lượt và nhận được các ý tưởng PR phổ biến như là: thuê celeb làm đại diện, viết bài PR trên báo, mời các biên tập phụ trách mục làm đẹp tham gia các chuyến du lịch đến những nơi thú vị - như là sao Hỏa chẳng hạn.

    Rồi ông ta hướng tới tôi, Ariella cố gắng trong tuyệt vọng để nói với ông ta rằng tôi chẳng là ai cả, chỉ hơn con robot một chút thôi, nhưng George khăng khăng. "Cô ta làm việc cho bà phải không? Tên cô là gì? Anna à? Cho tôi biết ý tưởng của cô đi."

    Arielle thực sự là thấy kinh hoàng. Và còn kinh hoàng hơn khi tôi nói, "Dịp cuối tuần vừa rồi tôi thấy những cái đồng hồ báo thức rất đẹp trong một cửa hiệu ở SoHo."

    Đây là cuộc họp với một khách hàng tiềm năng trị giá nhiều triệu Đô La, ấy thế mà tôi đang nói về chuyện mua sắm cuối tuần. Ariella thực sự đã đặt tay lên cổ họng như một mệnh phụ thời Victoria sắp sửa ngất đi.

    "Chúng là hình ảnh phản chiếu qua gương của một cái đồng hồ thông thường," tôi nói. Tất cả các con số đều ngược và kim cũng quay ngược chiều thông thường. Vậy nên nếu muốn đọc được giờ thì phải nhìn vào cái đồng hồ ở trong gương. Tôi nghĩ đó là cách rất hay để quảng bá dòng kem ngày "Quay ngược Thời gian" của quý vị. Ta có thể làm một slogan như kiểu 'Nhìn vào gương: Bạn đang quay ngược thời gian.'

    "Chà," George nói. Ông ta ngồi xuống và nhìn quanh bàn họp. "Chà. Tuyệt vời! Đó là ý tưởng độc đáo nhất tôi được nghe hôm nay. Đơn giản là... tuyệt! Rất Candy Grrrl." Ông ta và Candace trao đổi cái nhìn với nhau.

    Không khí căng thẳng quanh bàn họp bỗng thay đổi. Một số người trở nên thư giãn trong khi những người khác lại còn căng thẳng hơn nữa. (Tôi nói "những người khác" nhưng ý tôi là Lauryn.) Vấn đề là không phải tôi cố tình có một ý tưởng xuất sắc, đó đâu phải là lỗi của tôi, nó chỉ tự nhiên xảy ra thôi. Điều duy nhất tôi thừa nhận là tôi đã ghé qua Sak trên đường về nhà vào tối hôm trước, lấy một quyển catalogue sản phẩm của CG và đọc về các sản phẩm của họ.

    "Có lẽ ông bà cũng nên cân nhắc chuyển tên sản phẩm thành Kem Buổi Sáng Quay ngược thời gian," tôi đề xuất. Nhưng một cái lắc đầu hơi dữ dội của Ariella đã ngăn tôi lại. Tôi đã nói đủ rồi. Tôi đang trở nên hơi quá tự tin.

    Lauryn reo lên. "Đúng rồi! Tôi cũng đã thấy những cái đồng hồ báo thức đó. Tôi..."

    "Im đi Lauryn." Ariella cắt lời Lauryn, và thế là xong.

    Đó là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất đời tôi. Ariella có được khách hàng, còn tôi thì có việc làm.

    4

    Mẹ tôi gọi món mang về ở nhà hàng Ấn Độ gần nhà và tôi đã ăn rất ngon lành: nửa suất bánh nướng hành, một con tôm, một miếng gà, hai miếng mướp tây (rất to), khoảng 35 hạt cơm, sau đó là 9 viên thuốc.

    Các bữa ăn đã trở thành cuộc chiến thầm lặng khi mẹ và bố cố gắng nói năng vui vẻ, đề nghị tôi ăn thêm một thìa cơm nữa, một miếng sô cô la nữa, một viên vitamin E nữa (có vẻ là rất tốt cho việc ngừa sẹo). Tôi đã cố hết sức - tôi cảm thấy trống rỗng chứ không phải đói bụng - nhưng bất kể tôi ăn gì thì cũng là không đủ với bố mẹ tôi.

    Sau khi quá mệt mỏi vì cố gắng chiều lòng bố mẹ, tôi rút về phòng mình. Một vấn đề khác nổi lên: tôi cần phải nói chuyện với Aidan.

    Tôi thầm nói với anh rất nhiều trong đầu mình, nhưng giờ tôi muốn hơn thế: tôi phải nghe giọng nói của anh. Sao chuyện đó không xảy ra sớm hơn? Vì tôi bị thương và đang sốc tâm lý? Hay quá lơ mơ vì thuốc giảm đau?

    Tôi ngó ra xem bố mẹ và Helen đang làm gì, và thấy họ đang dính chặt mắt vào bộ phim trinh thám trên tivi. Mọi người vẫy tay gọi tôi ra và bắt đầu nhích ra lấy chỗ cho tôi ngồi, nhưng tôi nói, "Không, con không xem đâu. Con sẽ..."

    "Được rồi! Con gái yêu."

    Tôi có thể nói bất kỳ điều gì - "Con sẽ đốt nhà", "Con sẽ tới nhà Kilfeathers, tham gia màn yêu đương tay ba với Angela và bạn gái của cô ta" - thì mọi người cũng sẽ trả lời như vậy thôi. Họ đang ở trong một trạng thái không thể chạm tới được, như thể bị thôi miên vậy, và sẽ như thế trong suốt một giờ sắp tới. Vậy là tôi đóng cửa lại, lấy cái điện thoại để ở hành lang rồi mang nó về phòng mình.

    Tôi nhìn chằm chằm vào cái máy bé nhỏ đó: đối với tôi điện thoại luôn có vẻ gì đó thật kỳ diệu, làm sao chúng có thể làm điều không tưởng như vậy, nối liền những người ở cách xa nhau hàng ngàn km. Tôi biết có những sự giải thích hợp lý rằng điện thoại hoạt động như thế nào, nhưng tôi vẫn chẳng bao giờ hết trầm trồ khi thấy những con người ở hai bờ đại dương có thể nói chuyện được với nhau.

    Trống ngực tôi đập thình thịch và lòng tôi tràn đầy hy vọng - thực ra là phấn khích. Tôi nên gọi cho anh ở đâu đây? Không thể gọi tới chỗ làm bởi vì sẽ có ai đó khác nhấc máy. Tốt nhất là gọi vào di động của anh. Tôi không biết có còn gọi được không, có thể thuê bao đã bị cắt, nhưng khi tôi nhấn những con số mà tôi đã gọi cả ngàn lần, có một tiếng click và rồi tôi nghe thấy tiếng nói của anh. Không phải tiếng nói thực, chỉ là lời nhắn thoại, nhưng như thế là đủ để tôi ngừng thở.

    "Xin chào, đây là Aidan. Tôi không thể nhận cuộc gọi của bạn vào lúc này, xin hãy để lại lời nhắn, tôi sẽ gọi lại ngay khi có thể."

    "Aidan," tôi nghe thấy mình đang nói. Giọng của tôi có vẻ hơi lạc đi. "Là em đây. Anh không sao chứ? Anh gọi lại cho em ngay khi có thể chứ? Làm ơn hãy gọi cho em." Còn gì nữa nhỉ "Em yêu anh. Hy vọng là anh biết điều đó."

    Tôi dập máy, cảm thấy run rẩy và choáng váng. Tôi đã nghe thấy giọng nói của anh. Nhưng chỉ trong vài giây tôi cảm thấy mình đang sụp đổ. Chỉ để lại tin nhắn vào điện thoại của anh thì chưa đủ.

    Tôi có thể gửi email cho anh. Nhưng như thế cũng không đủ. Tôi phải trở lại New York và tìm anh. Có khả năng anh không có ở đó nhưng tôi vẫn phải thử bởi vì có một điều tôi biết chắc: anh không ở đây.

    Tôi yên lặng đặt điện thoại trở lại chỗ cũ. Nếu họ biết tôi đang định làm gì, không đời nào họ để cho tôi ra đi.
     
    TiToet, meculi, thanhbt and 1 other person like this.
  5. meculi

    meculi Mầm non

    Rất mong sẽ sớm được đọc tiếp tác phẩm dịch này, cám ơn bạn ....
     

Chia sẻ trang này