Pháp luật HÌNH LUẬT TỔNG QUÁT - NGUYỄN QUANG QUÝNH

Thảo luận trong 'Tủ sách Pháp luật' bắt đầu bởi luatkhoathuquan, 1/4/17.

  1. luatkhoathuquan

    luatkhoathuquan Lớp 2

    [​IMG]


    HÌNH LUẬT TỔNG QUÁT - NGUYỄN QUANG QUÝNH
    -------------------------------------------------------------
    THỜI XƯA, Khổng Phu Tử thường khuyên nhà cầm quyền nên dùng đức độ mà trị dân thay vì dùng hình phạt mà bắt dân theo luật. Trong quan niệm nhân trị này, hình luật chỉ có một vai trò thứ yếu, đứng sau Lễ và Nhạc. Lễ mới là phương tiện chính để giữ con người khỏi sa ngã và xã hội khỏi loạn. Chỉ khi nào Lễ không đủ sức ngăn cản con người phạm tội, mới cần đến hình phạt. Hình luật được coi như cái hàng rào thứ hai (sau Lễ) để ngăn cấm con người khỏi đi vào con đường tà đạo. Vạn bất đắc sĩ mới phải dùng đến hình luật. Nhà lập pháp thời xưa như miễn cưỡng khi làm ra luật hình, vì luôn luôn có hoài bão tiến đến một tương lai lý tưởng trong đó không cần hình phạt mà xã hội vẫn yên vui. Vua Gia Long khi đề tựa bộ Hoàng Việt Luật Lệ của triều Nguyễn đã viết: "Trừng trị ngày nay để mai hậu không bao giờ phải trừng trị nữa". Ở Tây Phương, Ihering cũng từng có một mong ước tương tự khi tiên đoán rằng "lịch sử của hình luật chỉ là một sự bãi bỏ hình phạt không ngừng". Tiếc thay, những tư tưởng cao đẹp này chỉ có giá trị tinh thần mà không thiết thực. Người ta hy vọng hình luật mỗi ngày sẽ thu hẹp phạm vi, mỗi ngày sẽ giảm bớt hình phạt. Nhưng nhìn vào thực tế, ta phải chứng kiến một hiện tướng trái ngược là sự bành trướng của hình luật: Nó có khuynh hướng lan tràn sang nhiều lãnh vực mà trước kia nó vắng bóng. Thực tế cho ta thấy là hình luật rất cần cho sự sinh tồn của xã hội.
    Ngày nay hơn bao giờ hết, chủ trương của phái Pháp gia được coi như thắng thế. Tư tưởng của Hàn Phi Tử lại thấy hợp thời. Nhất là tại Việt Nam ta, tình trạng chiến tranh kéo dài từ nhiều năm đã làm tăng số tội phạm một cách bất thường và đòi hỏi sự tăng cường những biện pháp thích nghi để ứng phó khiến cho pháp chế hình sự của nước nhà càng thêm phong phú. Mặc dù sự phát triển ấy, những điều phi pháp vẫn còn đầy đẫy, nạn tham nhũng và gian thương vẫn là hai tệ đoan lớn. Quan niệm của Tử Sản (tể tướng, nhà cải cách nổi tiếng của nước Trịnh) coi hình luật như lửa đỏ liền được đem ra ứng dụng để thị uy. Đó là chính sách hình sự của nhà cầm quyền sau ngày cách mạng mà pháp trường cát và tòa án Đặc biệt là hai tiêu biểu. Nhưng kết quả của chính sách bài trừ tội phạm dùng LỬA không cần thiết bằng dùng LƯỚI. Montesquieu, thâm thúy hơn Tử Sản, đã chẳng khuyên ta làm như vậy sau khi ông viết: "hình phạt không cần phải khắc nghiệt mà cần phải CHẮC CHẮN". Câu đó có nghĩa là bất luận ai làm nên tội cũng không thoát khỏi hình phạt.
    Nếu kẻ phạm pháp biết rằng y có thể thoát được hình phạt bằng cách này hay cách khác, tội phạm sẽ không giảm thiểu mặc dù hình phạt có thập phần khắc nghiệt. Vài nhận xét trên đây cho ta thấy hình luật không phải chỉ là những điều khoản khô khan. Nó có cả một triết lý phong phú làm căn bản. Sự thấu triệt triết lý này rất cần thiết cho nhà cầm quyền khi dự hoặc một chính sách hình sự cho quốc gia.
    Trong nhiệm vụ bài trừ tội phạm, quốc gia nào cũng phải giải đáp một bài toán khó là dung hòa sự tôn trọng tự do cá nhân với sự cần thiết duy trì trật tự xã hội. Nếu quá tôn trọng tự do cá nhân thì sự bảo vệ xã hội sẽ sơ khoáng. Ngược lại, nếu đề cao quyền lợi xã hội thì tự do cá nhân dễ bị hy sinh. Chính hình luật mang lại giải pháp cho vấn đề này. Vì thế nên nó phản ảnh chế độ chính trị của quốc gia. Xuyên qua hình luật ta có thể nhận thấy tính cách tự do dân chủ hay độc tài chuyên chế của một chế độ. Cũng vì vậy mà hình luật liên quan nhiều đến chính trị. Hình luật của các nước độc tài phát xít hay cộng sản theo những nguyên lý khác hình luật của các quốc gia dân chủ tự do. Khuynh hướng chung ngày nay của hình luật các nước tự do là không bỏ hẳn con đường cổ điển (vì con đường ấy vẫn có nhiều bảo đảm nhất cho cá nhân), nhưng tìm cách dung hòa với những quan niệm mới có tính cách khoa học và thực tế hơn, mục đích bảo vệ hữu hiệu xã hội trước làn sóng của tội phạm.
    Hình luật không những quan trọng đối với nhà cầm quyền, nó cũng quan trọng đối với công dân vì hình luật liên quan trực tiếp đến tự do, danh dự, tài sản và sinh mạng của cá nhân. Chính vì hình luật quan trọng như vậy nên Hiến Pháp Việt Nam 1967 đã phải quy định những nguyên tắc bảo đảm sự an toàn của cá nhân và quyền lợi của người bị can (điều 7).
    Sách này được biên soạn trước nhất cho các sinh viên. Tuy nhiên vì nó ra mắt độc giả vào lúc phong trào điển chế luật pháp đang được nhà cầm quyền xúc tiến nên âu cũng là dịp để cho tác giả trình bày vài ý kiến về bản Dự Thảo Bộ Luật hình Việt Nam 1969 mà Hành pháp đã chuyển qua Quốc Hội. Mong rằng những ý kiến này góp được phần nhỏ vào công việc lớn lao của các nhà lập pháp trong nhiệm vụ xây dựng một nền hình luật Việt Nam duy nhất và tiến bộ.
    Sài Gòn, ngày 22 tháng 6 năm 1970
    Nguyễn Quang Quýnh
    -------------------------------------------------------------

    Sau khi đọc lời tựa đầy tâm huyết của tác giả, LKTQ cảm thấy rằng bất kỳ lời nào chúng tôi định viết ra đều trở nên không xứng đáng với nhiệt tâm ấy. Vì vậy, LKTQ xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này đến độc giả; và xin để quý vị có thể tự mình khám phá những giá trị của cuốn sách này.

    LKTQ cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn và cảm kích trước sự sẻ chia của bạn Phu Tran. Nhờ có tấm lòng đáng quý của bạn mà cuốn sách giá trị này mới có thể đến với quý vị bạn đọc. Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi bạn vì đã không thể khắc phục các sự cố kĩ thuật để đăng tải cuốn sách sớm hơn.

    Ngoài ra, nếu quý vị mong muốn chung vai góp sức với Luật Khoa Thư Quán, xin gửi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: [email protected]

    Xin trân trọng cảm ơn.

    -------------------------------------------------------------
    Tên sách: HÌNH LUẬT TỔNG QUÁT
    Tác giả: Nguyễn Quang Quýnh, Tiến sĩ Luật Khoa, Giáo sư Học viện Quốc gia Hành Chính, Giáo sư Đại học Luật Khoa Saigon
    Năm xuất bản: 1970
    Nguồn: Luật Khoa Thư Quán
    Link Download: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Chú thích:
    Ảnh bên ghi lại tiền cảnh Dinh Thống Đốc, sau 1966 trở thành trụ sở Tối cao Pháp Viện VNCH.
    Nguồn: Blog Việt Nam: Xưa và Nay (vnxuavanay.wordpress.com)
     
    vu thien vu, haist, quynhkmt and 8 others like this.

Chia sẻ trang này