Tây y Kawasaki - Một căn bệnh mới

Thảo luận trong 'Tủ sách Y học - Sức khỏe' bắt đầu bởi ntnquynhpro, 30/9/13.

Moderators: thichankem, Zhiqiang
  1. ntnquynhpro

    ntnquynhpro Lớp 7

    KAWASAKI, MỘT CĂN BỆNH MỚI
    BS Nguyễn Đức Kiệt

    Gần đây ở Viện Nhi (Hà Nội) có một số cháu bị một căn bệnh khá nặng, được chẩn đoán với một cái tên rất lạ: bệnh Kawasaki. Vậy bệnh Kawasaki là gì? Bệnh có những triệu chứng gì? Tiến triển và tiên lượng bệnh ra sao? Cách điều trị như thế nào? Ở Việt Nam người đầu tiên phát hiện ra bệnh này là ai? Bệnh có nguy hiểm gì không? Cách phòng tránh như thế nào?...

    Bệnh Kawasaki là gì?

    Kawasaki là một bệnh nặng, có sốt và mọc ban cấp tính, thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh được xem là một hội chứng viêm lan toả hệ thống mạch máu vừa và nhỏ, dễ gây ra các tổn thương phình hoặc tắc nghẽn động mạch vành tim và cũng là một trong những nguyên nhân của đột tử hoặc suy mạch vành mạn tính ở trẻ em. Bệnh được một bác sĩ người Nhật Bản là Tomisaka Kawasaki mô tả lần đầu tiên năm 1967 với một tên gọi khá dài: Hội chứng da - niêm mạc kèm sưng hạch limpho và bong da đầu ngón đặc trưng ở trẻ nhỏ.
    Năm 1971, bệnh được BS Kawasaki chính thức công bố bằng tiếng Nhật, nhưng mãi đến năm 1974 bệnh mới được thế giới biết đến do được đăng trên một tạp chí chuyên ngành bằng tiếng Anh. Từ đó đến nay, bệnh được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới và có xu hướng ngày càng tăng với sự thống nhất về dung mạo lâm sàng và dịch tễ học của bệnh. Ngày nay, bệnh được chính thức mang tên Kawasaki, là tên của BS Tomisaka Kawasaki.

    Triệu chứng.

    Bệnh Kawasaki có một số triệu chứng chủ yếu rất đặc trưng của dị ứng và nhiễm virus: sốt cao liên tục trên một tuần, dùng kháng sinh không đỡ, hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc, xung huyết ở củng mạc); biến đổi ở đầu chi; đỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón vào tuần thứ 2, thứ 3, mọc ban đỏ đa dạng toàn thân; nổi hạch ở cổ và góc hàm; biến đổi ở khoang miệng; mũi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét, tổn thương tim mạch (thường sau 2 - 3 tuần) : loạn nhịp tim, viêm cơ tim có suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, phình, giãn động mạch vành tim...
    Ngoài ra, có một số triệu chứng không điển hình khác như: rối loạn tiêu hoá (nôn mửa, tiêu chảy...), sưng đau các khớp, viêm phế quản - phổi, giãn túi mật. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng...

    Tiến triển của bệnh

    Tiên lượng của bệnh không được khả quan lắm: tuy để tự nhiên bệnh có thể có thuyên giảm sau 2 – 3 tuần, sau đó hồi phục dần sau vài tháng, nhưng có đến 1/3 số trường hợp dẫn đến phình mạch, giãn mạch, tắc nghẽn động mạch vành, suy động mạch vành mạn tính và có thể đưa đến nhồi máu cơ tim, một số bị đột tử trong thời kỳ hồi phục.

    Căn nguyên và cách chữa trị

    Cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra được căn nguyên của bệnh. Các nhà y học nghĩ nhiều đến nguyên nhân của bệnh là do ô nhiễm môi trường và nhiễm khuẩn, cụ thể là do ngộ độc các kim loại nặng, hoá chất tổng hợp, nước rửa chén, hoá chất lau thảm và ô nhiễm môi sinh hoặc do độc tố của liên cầu khuẩn gây phản ứng quá mức của cơ thể...
    Tuy chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, song về điều trị, người ta đều thống nhất là thuốc đặc trị bệnh Kawasaki là Aspirin (uống 50mg/kg cơ thể/ngày x 2-3 tuần) và Gamma globulin (tiêm vào tĩnh mạch 200mg - 400mg/kg cơ thể/ngày x 4 ngày), sau đó tiếp tục duy trì bằng Aspirin.

    Bệnh Kawasaki ở nước ta

    Ở Việt Nam, một trong những người được tiếp cận đầu tiên với bệnh Kawasaki là BS Hồ Sĩ Hà, một bác sĩ chuyên khoa nhi đi sâu vào siêu âm tim mạch. Năm 1994, tại một khoá Bồi dưỡng về siêu âm tim tại Malaysia, BS Hồ Sĩ Hà đã được tham dự hội nghị về nhi khoa các nước khu vực Đông Nam Á. Tại đây anh đã làm quen với căn bệnh Kawasaki và đã được tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với BS Tomisaka Kawasaki.
    Từ khi về nước đến nay, cùng với những giáo sư đầu ngành nhi khoa, BS Hồ Sĩ Sà đã khám, chẩn đoán được 33 bệnh nhân mắc bệnh Kawasaki tại Viện Nhi Hà Nội.
    Điều đáng nói là trước khi được chuyển vào viện, chưa cháu nào được chẩn đoán là bệnh Kawasaki mà thường chẩn đoán là các bệnh khác như nhiễm khuẩn máu, dị ứng, sởi, sốt phát ban, viêm màng não, viêm đường tiết niệu, lao hoặc các bệnh gây sốt kéo dài khác.
    Theo BS Hồ Sĩ Sà, tỉ lệ mắc bệnh Kawasaki ở Nhật bản và Hàn Quốc khoảng 50 - 100/100.000 ; ở Mỹ khoảng 5 - 15/100.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy tỉ lệ tử vong của bệnh không cao, nhưng những biến chứng của bệnh lại rất trầm trọng và hiểm nghèo. Nếu bệnh nhân được điều trị sớm, đúng cách thì thường tiến triển rất tốt và đặc biệt, hạn chế được các biến chứng về tim mạch. Cũng theo BS Hồ Sĩ Hà, ở nước ta, trong những năm vừa qua mới có 33 bệnh nhân được chẩn đoán là bệnh Kawasaki, còn phần lớn bệnh bị bỏ sót do không được nhận diện nên thường được chẩn đoán nhầm thành các bệnh khác.
    Trước đây người ta cho rằng bệnh nhân thấp khớp cấp (thấp tim) là một bệnh nguy hiểm vì nó "liếm khớp đớp tim", nhưng ngày nay người ta mới biết rằng bệnh Kawasaki cũng nguy hiểm không kém, tỉ lệ bệnh lại cao gấp hàng trăm lần bệnh thấp tim. Vì vậy, việc thông tin cho các thầy thuốc nói riêng, toàn dân nói chung, có hiểu biết để phát hiện bệnh Kawasaki được sớm, điều trị kịp thời là rất cần thiết./.

    (Bài đã đăng ở Tạp chí Thế giới mới, Vietnam)

    P/s: xin lỗi bạn @Vũ Tương Sinh bên TVE vì post bài bạn mà chưa xin phép, mong bạn thông cảm nha.
     
    Last edited by a moderator: 24/5/15
    gameaccBook and thichankem like this.
Moderators: thichankem, Zhiqiang

Chia sẻ trang này