Đang dịch G LẬT ĐỔ - Lịch sử hơn trăm năm nước Mỹ đảo chính từ Hawaii cho đến Iraq

Thảo luận trong 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' bắt đầu bởi bun_oc, 30/9/13.

  1. bun_oc

    bun_oc VIP

    Mình xin phép khai trương box Tập Dịch thuật của forum mới nhé. Xin chúc cho box này nói riêng và forum mới nói chung ngày càng phát triển rực rỡ, là một nơi dân mọt sách tin cậy và yêu thương, truyền được tình yêu sách cho những lứa độc giả tiếp theo.

    Tên sách: LẬT ĐỔ - Lịch sử hơn trăm năm nước Mỹ đảo chính từ Hawaii cho đến Iraq (Overthrow - America's Century of Regime Change from Hawaii to Iraq)
    Tác giả: Stephen Kinzer
    Số trang: 410
    Xuất bản: 2006
    Tình trạng: tạm dịch, tìm người biên tập

    [​IMG]
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Quyển sách này kể lại những câu chuyện Mỹ tổ chức đảo chính các chính phủ nước ngoài như thế nào. Tuy chi tiết, cảm xúc có thể là hư cấu, nhưng tình tiết, sự kiện cũng được trích dẫn khá nhiều và khá rõ, nên độc giả có thể tự rút ra nhận xét của riêng mình.
    Có người bạn nhờ mình dịch vài chương của quyển sách này cho bài luận của bạn ý. Mình thấy quyển sách khá hay và muốn từ từ dịch giới thiệu cho các bạn khác. "Nhân dịp" Mỹ đang kiếm cớ với Syria, mình nghĩ có thể các bạn sẽ thích quyển sách này nên đăng từ từ lên đây. Mình cũng không biết là mình có thể đi đến cùng con đường không. Nếu mình không thể, hy vọng sẽ có một bạn khác hoàn thành nốt con đường ấy. [​IMG]

    Xin cám ơn các bạn đã bỏ thời gian đọc.

    (Người làm ebook không chịu trách nhiệm về mọi chính kiến, tư tưởng, quan điểm... chia sẻ trong sách.)
     
    Last edited by a moderator: 26/10/13
  2. bun_oc

    bun_oc VIP

    Cả hiện tại và quá khứ
    Có lẽ đều có mặt ở tương lai
    Và tương lai có mặt trong quá khứ.

    T.S. Eliot (dịch thơ: Nguyễn Viết Thắng)(1)

    ---
    (1) Người làm ebook không có khả năng dịch thơ, mà tìm được bản dịch này cũng có vẻ như chỉ vừa đủ thoát ý chứ chưa ra dáng thơ thẩn lắm (có lẽ do đây chỉ là 3 câu được trích, dở dở dương dương, chẳng ra khổ cũng chẳng phải bài). Người làm ebook đành chép nguyên văn ở đây xem bạn đọc nào có cách dịch hay hơn chăng.
    Time present and time past
    Are both perhaps present in time future
    And time future contained in time past.


    ---
    MỤC LỤC (Những mục màu nâu là đã đăng. Chương 7 nói về việc lật đổ Diệm. Giới thiệu mỗi chương là do người làm ebook viết)

    Introduction (Lời giới thiệu)
    PART ONE: THE IMPERIAL ERA
    1. A Hell of a Time Up at the Palace
    Bạn có biết HAWAII đã từng là một vương quốc độc lập trước khi những người chủ đồn điền đường da trắng quyết định biến đất nước này thành một bang của Hoa Kỳ?
    2. Bound for Goo-Goo Land
    Bạn có biết CUBA đã "có vấn đề" với Mỹ từ hàng trăm năm trước? Tại sao cho đến tận bây giờ PORTO RICO vẫn được xem là một lãnh thổ chưa hợp nhất của Hoa Kỳ? Hoa Kỳ đã từng tạo nên một chương đen tối trong lịch sử PHILIPPINES?
    3. From a Whorehouse to a White House
    Bạn có biết Cộng hòa PANAMA được lập nên là do mong ước chủ quan của Mỹ? COLUMBIA đã đánh mất phần lãnh thổ Panama như thế nào? NICARAGUA đã từng cạnh tranh với Panama trong dự án xây dựng một con kênh nối hai đại dương? Làm thế nào mà một tay lái buôn chuối lại có thể khuynh đảo cả bộ máy chính quyền của đất nước HONDURAS?
    4. A Break in the History of the World
    Kết cục của các chiến dịch lật đổ nói trên ra sao? Nó ảnh hưởng gì đến tình trạng hiện tại của các nước này?


    PART TWO: COVERT ACTION
    5. Despotism and Godless Terrorism
    Mỹ đã ép vua IRAN tham gia lật đổ thủ tướng dân cử Mossadegh được dân chúng yêu mến như thế nào? Vai trò của Anh trong vụ này?

    6. Get Rid of This Stinker
    7. Not the Preferred Way to Commit Suicide
    8. We're Going to Smash Him
    9. A Graveyard Smell
    PART THREE: INVASIONS
    10. Our Days of Weakness Are Over
    11. You're No Good
    12. They Will Have Flies Walking Across Their Eyeballs
    13. Thunder Run
    14. Catastrophic Success
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/12/15
    laithanhtuan and vqsvietnam like this.
  3. bun_oc

    bun_oc VIP

    LỜI GIỚI THIỆU

    Tại sao một nước mạnh lại tấn công một nước yếu? Thường là bởi vì họ muốn áp đặt tư tưởng của mình, tìm cách tăng cường sức mạnh của họ, hoặc là để giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên đầy giá trị. Sự kết hợp uyển chuyển giữa ba nhân tố đó đã thúc đẩy Hoa Kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của nước này trong suốt một thế kỷ vừa qua, có khi còn dài hơn thế nữa. Cuốn sách này chỉ nói về hình thức can thiệp trực tiếp nhất của Mỹ: lật đổ các chính phủ nước ngoài.

    Cuộc xâm lược Iraq năm 2003 không phải là một diễn biến riêng lẻ. Đây là kết quả của một quá trình dài 110 năm, trong thời gian đó người Mỹ đã lật đổ 14 chính phủ mà họ không hài lòng về mặt ý thức hệ, chính trị hay kinh tế. Cũng như những vụ lật đổ trước đó, dường như đã có quá ít thời gian cho một sự "thay đổi chế độ" ở Iraq. Tuy nhiên, bây giờ thì rõ ràng là chiến dịch này đã có những hậu quả khôn lường khủng khiếp. Tương tự như vậy, hầu hết các cuộc đảo chính, cách mạng hay xâm lược khác mà Hoa Kỳ đã đứng đằng sau để lật đổ chính phủ đều đáng sợ và không đáng tin tưởng.

    Hoa Kỳ sử dụng một loạt các phương tiện để khuất phục các nước khác. Trong nhiều trường hợp nước này dựa trên chiến thuật ngoại giao lâu đời là hứa hẹn phần thưởng cho các chính phủ ủng hộ lợi ích của Mỹ và đe dọa trả đũa những nước nào thách thức. Đôi khi Hoa Kỳ bảo vệ những chính quyền đồng minh khỏi những sự chống đối và những cuộc nổi dậy thường gặp. Ở nhiều nơi, nước này lặng lẽ ủng hộ những cuộc đảo chính, những cuộc cách mạng do những thế lực khác tổ chức. Sau hai lần chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ đã góp phần xóa bỏ trật tự thế giới cũ và đặt ra những trật tự mới.

    Cuốn sách này không nói về các hình thức người Mỹ đã định hình thế giới hiện đại. Cuốn sách chỉ tập trung vào những tình huống cụ thể nhất: những lần Hoa Kỳ sắp đặt để lật đổ các nhà lãnh đạo nước ngoài. Không một quốc gia nào trong lịch sử hiện đại làm điều này thường xuyên đến vậy. Không một quốc gia nào làm điều này cho các quốc gia xa xôi như vậy.

    Những câu chuyện về các chiến dịch "thay đổi chế độ" là cực kỳ thú vị. Chúng kể về những người ái quốc và những tên vô lại, về động cơ cao và hoài nghi thấp, về lòng can đảm khủng khiếp và sự phản bội độc ác. Cuốn sách này lần đầu tiên kết hợp những câu chuyện ấy lại với nhau, với mong muốn đem lại nhiều điều hơn là chỉ kể lại một câu chuyện. Bằng cách xem xét các chiến dịch này một cách liên tục chứ không phải là một loạt các sự kiện rời rạc, cuốn sách mong muốn tìm ra những đặc điểm chung của các chiến dịch ấy. Nó đặt ra và cố gắng trả lời hai câu hỏi cơ bản. Một là, lý do tại sao Hoa Kỳ đã thực hiện các chiến dịch này? Hai là, sẽ có những hậu quả lâu dài gì đối với người Mỹ?

    Liệt kê một danh sách các nước mà chính phủ Hoa Kỳ đã đảo chính không phải là việc đơn giản. Cuốn sách này chỉ nói về các trường hợp mà Mỹ đóng vai trò quyết định trong việc truất bỏ một chế độ. Lấy ví dụ, Chile có mặt trong danh sách này bởi vì vai trò của Mỹ là quyết định, mặc dù đã có nhiều yếu tố khác dẫn đến cuộc đảo chính năm 1973 ở đây. Indonesia, Brazil và Congo không được kể đến trong danh sách, bởi vì các đặc vụ Mỹ cũng chỉ đóng vai trò phụ trong việc lật đổ chính phủ những nước này trong những năm 1960. Chúng tôi cũng không kể đến Mexico, Haiti, hoặc Cộng hòa Dominica, các nước này dù bị Mỹ xâm lược nhưng các nhà lãnh đạo của họ lại không bị lật đổ.

    Cả một thế kỷ "thay đổi chế độ" lâu dài của nước Mỹ đã khởi đầu vào năm 1893 với sự lật đổ chế độ quân chủ Hawaii. Đó là một kế hoạch lóng ngóng và thiếu quyết đoán, một bi kịch văn hóa được diễn như tuồng. Đó không phải là một chiến dịch quân sự, nhưng nếu không có cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ thì có lẽ nó sẽ không thành công. Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã chấp thuận kế hoạch này, nhưng ngay sau khi nó được triển khai, một tổng thống mới nhậm chức lại lên án nó. Nước Mỹ đã bị chia rẽ trong vấn đề ủng hộ hay không ủng hộ việc lật đổ các chế độ nước ngoài.

    Việc lật đổ nữ hoàng Hawaii khơi lại một cuộc tranh luận chính trị mà lần đầu tiên bùng lên trong thời chiến tranh Mexico từ nửa thế kỷ trước đó. Cuộc tranh luận, mà thực chất là về vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới, cho đến ngày nay vẫn còn chưa kết thúc. Nó bùng nổ trở lại trên trang nhất các báo sau cuộc xâm lược Iraq.

    Không có tầm nhìn chiến lược nào của các nhà cầm quyền Mỹ đứng đằng sau cuộc cách mạng ở Hawaii năm 1893. Chỉ là, điều ngược lại cũng đúng đối với cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ nổ ra năm năm sau đó. Đó thực sự là hai cuộc chiến tranh: ban đầu là do Hoa Kỳ trợ giúp những người yêu nước chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha, và sau đó là do nước này đàn áp những người yêu nước để đảm bảo rằng các quốc gia mới giải phóng đó sẽ được Hoa Kỳ bảo hộ chứ không phải là một nền độc lập thực sự. Một ý tưởng hoàn toàn mới của Mỹ, mang nhiều tham vọng toàn cầu hơn bất kỳ một quốc gia nào trước đó, đã xuất hiện từ các cuộc xung đột này. Nó đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mà trong đó Hoa Kỳ đã thừa nhận quyền can thiệp vào bất cứ nơi nào trên thế giới, không chỉ đơn giản bằng cách tác động hay ép buộc các chính phủ nước ngoài mà còn bằng cách lật đổ họ.

    Ở Hawaii và những quốc gia nổi dậy chống lại đế quốc Tây Ban Nha vào năm 1898, các tổng thống Mỹ đã thử nghiệm và phát triển chính sách can thiệp mới của họ. Tuy nhiên, ở các nơi đó, họ đã phản ứng với hoàn cảnh được tạo ra bởi những người khác. Lần đầu tiên một tổng thống tự quyết định rằng ông sẽ lật đổ một nhà lãnh đạo của nước khác là vào năm 1909, khi William Howard Taft ra lệnh lật đổ Tổng thống Nicaragua José Santos Zelaya. Taft tuyên bố ông hành động để bảo vệ an ninh của Mỹ và thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ. Mục đích thực sự của ông ta là để bảo vệ quyền lợi của các công ty Mỹ để có thể hoạt động thoải mái ở Nicaragua. Hiểu rộng hơn, ông đã khẳng định quyền của Hoa Kỳ được áp đặt các hình thức mà nước này muốn lên sự ổn định của các quốc gia khác.

    Sự kiện này trở thành một kiểu án lệ. Trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Mỹ liên tục sử dụng sức mạnh quân sự của mình, kể cả các điệp vụ bí mật, để lật đổ các chính phủ từ chối bảo vệ lợi ích của Mỹ. Lần nào nước này cũng che giấu sự can thiệp của mình bằng những lời tuyên bố hoa mỹ về an ninh quốc gia hay giải phóng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nước này hành động chủ yếu vì lý do kinh tế - nhất là để thiết lập, thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của những công dân Mỹ đang kinh doanh khắp thế giới mà không bị cản trở.

    Những lực lượng khổng lồ đã định hình thế giới trong thế kỷ XX. Một trong những sự việc có ảnh hưởng sâu sắc nhất là sự nổi lên của các tập đoàn đa quốc gia, vốn là các doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia nhưng lại thu lợi nhiều nhất từ nước ngoài. Các tập đoàn này và những người điều hành chúng tích lũy sự giàu có và ảnh hưởng chính trị. Các phong trào dân chủ, các tổ chức công đoàn và các đảng phái chính trị cũng nổi lên để làm đối trọng với các tập đoàn nói trên, nhưng tại Hoa Kỳ, thậm chí những lực lượng mới nổi ấy cũng chẳng bao giờ có thể tiếp cận sức mạnh mà các tập đoàn nắm giữ. Các tập đoàn xây dựng hình ảnh họ trong tâm trí công chúng bằng những lý tưởng tự do kinh doanh, làm việc chuyên cần và thành tích cá nhân. Họ cũng điều động phe phái và những người ủng hộ họ vào những vị trí quan trọng tại Washington.

    Sau một sự việc lạ lùng trong lịch sử, nước Mỹ đã tăng cường quyền lực, cùng lúc đó, các tập đoàn đa quốc gia nổi lên như một lực lượng quyết định trong các vấn đề thế giới. Các công ty này đã mong muốn chính phủ bảo vệ họ ở nước ngoài, thậm chí bằng cách cực đoan nhất là lật đổ các nhà lãnh đạo nước ngoài không hợp tác. Nhiều đời tổng thống liên tiếp đã nhất trí rằng đây là một cách tốt để thúc đẩy lợi ích của Mỹ.

    Bảo vệ sức mạnh của các tập đoàn khó có thể là lý do duy nhất để Hoa Kỳ lật đổ chính phủ nước ngoài. Kể từ khi có lịch sử, những dân tộc và quốc gia hùng mạnh đều tấn công các nước yếu hơn. Họ làm vậy với lý do nguyên thủy nhất, đó là để chiếm đoạt được nhiều hơn, bất cứ thứ gì. Trong thế giới hiện đại, các tập đoàn là công cụ mà các quốc gia sử dụng để vơ vét của cải. Họ đã trở thành đội tiên phong của sức mạnh Hoa Kỳ, và thách thức họ đồng nghĩa với việc thách thức Hoa Kỳ. Khi người Mỹ lật đổ một nhà lãnh đạo nước ngoài nào dám thách thức như vậy, họ không chỉ khẳng định quyền lợi của mình đối với đất nước đó mà còn gửi một thông điệp rõ ràng cho những nước khác.

    Các ảnh hưởng mà sức mạnh kinh tế tác động lên chính sách đối ngoại của Mỹ đã tăng lên khủng khiếp kể từ ngày những điền chủ đầy tham vọng ở Hawaii nhận ra rằng nếu sáp nhập hòn đảo của họ vào Hoa Kỳ, họ sẽ có thể bán đường vào thị trường lục địa mà không phải trả thuế nhập khẩu. Với những tiến triển trong thế kỷ XX, những gã khổng lồ của ngành công nghiệp và những người ủng hộ họ đã đi một bước xa hơn trong việc ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách, họ đã trở thành các nhà hoạch định chính sách. Nhân vật hoàn hảo nhất để minh họa cho sự kết hợp các lợi ích chính trị và kinh tế là John Foster Dulles, người đã dành nhiều thập niên làm việc cho một số công ty quyền lực nhất trên thế giới và sau đó trở thành Bộ trưởng. Chính Dulles đã ra lệnh cho cuộc đảo chính năm 1953 ở Iran, với một phần mục đích là kiến tạo một Trung Đông an toàn cho các công ty dầu mỏ Mỹ. Một năm sau đó, ông ra lệnh cho một cuộc đảo chính khác, ở Guatemala, nơi một chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc đã thách thức sức mạnh của United Fruit, đây là một trong những công ty mà hãng luật Dulles từng làm việc đại diện.

    Đã giành được quá nhiều sự hỗ trợ về dư luận và chính trị, các công ty Mỹ tương đối dễ dàng huy động quân đội và Cục Tình báo Trung ương (CIA) để bảo vệ đặc quyền của họ tại các quốc gia mà họ gặp rắc rối. Họ có thể không có khả năng làm vậy nếu họ và tổng thống hợp tác với họ thẳng thắn trình bày trường hợp của họ cho người dân Mỹ. Người Mỹ luôn là những người hay lý tưởng hóa. Họ muốn đất nước của họ hành động vì động cơ trong sáng, và có thể họ sẽ từ chối ủng hộ việc can thiệp vào các nước khác, hay nói một cách thẳng thắn là việc bảo vệ quyền lực của các tập đoàn. Các đời tổng thống đã sử dụng hai chiến lược để đảm bảo rằng các hành vi can thiệp này sẽ bị phản đối ở mức tối thiểu. Đôi khi họ che giấu những lý do thực sự của việc lật đổ chính phủ nước ngoài, nhấn mạnh rằng họ đã hành động chỉ để bảo vệ an ninh của Mỹ và giải phóng người dân bản xứ khỏi áp bức. Khi khác họ chỉ đơn giản là chối bỏ, rằng Hoa Kỳ hoàn toàn không tham gia vào các chiến dịch đó.

    Lịch sử các cuộc lật đổ các chính phủ nước ngoài của Mỹ có thể được chia thành ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn đế quốc, khi Mỹ lật đổ các chế độ một cách khá công khai. Không ai trong số những người đã lật đổ chế độ quân chủ Hawaii cố gắng giấu diếm sự tham gia của họ. Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ đã xảy ra dưới sự chứng kiến đầy đủ của thế giới, và Tổng thống Taft công bố chính xác những gì ông làm khi ông quyết định lật đổ chính phủ Nicaragua và Honduras. Những người đã đạo diễn những kịch bản "thay đổi chế độ" này có thể không thẳng thắn giải thích lý do tại sao họ làm như vậy, nhưng họ đã nhận trách nhiệm cho hành vi của mình.

    Sau Thế chiến thứ II, với tình hình chính trị thế giới phức tạp hơn rất nhiều so với hồi đầu thế kỷ XX, tổng thống Mỹ đã tìm ra cách mới để lật đổ chính phủ nước ngoài. Họ không thể chỉ đơn giản là yêu cầu các nhà lãnh đạo nước ngoài không thân thiện chấp nhận thực tế về quyền lực Mỹ và bị hạ bệ, cũng không thể gửi quân tới đóng trên bờ biển nước ngoài mà không lo lắng về hậu quả. Điều này là vì lần đầu tiên trên thế giới, đã có một lực lượng hạn chế quyền tự do hành động của Hoa Kỳ: Liên Xô. Trong Chiến tranh Lạnh, bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào của Mỹ đều là liều lĩnh kích động phản ứng từ Liên Xô, có thể gây nên một phản ứng dữ dội cỡ Đại hồng thủy. Để thích nghi với thực tế mới này, Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng một kỹ thuật tinh tế hơn, những cuộc đảo chính bí mật, để lật đổ chính phủ nước ngoài. Ở Iran, Guatemala, Nam Việt Nam và Chile, các nhà ngoại giao và nhân viên tình báo đã thế chỗ các vị tướng trong vai trò là những công cụ cho việc can thiệp của Mỹ.

    Đến cuối thế kỷ XX, thực tế càng trở nên khó khăn hơn cho người Mỹ trong việc tổ chức đảo chính do các nhà lãnh đạo nước ngoài đã học được cách chống lại chúng. Các cuộc đảo chính cũng đã trở thành không cần thiết. Sự suy yếu và sụp đổ của Liên Xô, cũng như sự biến mất của Hồng quân có nghĩa là không còn bất kỳ hạn chế quân sự nào đối với Hoa Kỳ. Điều đó cho phép nước này thoải mái quay trở lại thói quen cũ là đóng quân trên các bờ biển nước ngoài.

    Cả hai quốc gia nhỏ mà Hoa Kỳ đã xâm lược trong những năm 1980, Grenada và Panama, đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ theo định nghĩa truyền thống của nước này, và cả hai đều trong tình trạng hỗn loạn khi quân đội Mỹ được điều đến. Hai cuộc xâm lược sau đó, ở Afghanistan và Iraq, là lớn hơn nhiều về quy mô cũng như tầm quan trọng lịch sử. Nhiều người Mỹ đã ủng hộ chiến dịch tại Afghanistan vì họ coi đó là một phản ứng phù hợp để đối phó với sự hiện diện của những kẻ khủng bố ở đó. Một số người Mỹ khác, ít hơn nhưng vẫn đáng kể, ủng hộ chiến dịch ở Iraq sau khi được cho biết rằng Iraq cũng là một mối đe dọa trong tương lai đối với hòa bình thế giới. Các cuộc xâm lược của Mỹ để lại ở cả hai nước này sự hỗn loạn và bạo lực.

    Hầu hết các kịch bản "thay đổi chế độ" đã đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Chẳng hạn như, trước khi CIA lật đổ chính phủ Guatemala vào năm 1954, United Fruit đã không được tự do hoạt động như hãng này mong muốn tại đó; sau đó hãng này đã đạt được điều đó. Tuy nhiên, từ những góc nhìn khác nhau trong lịch sử, rõ ràng là hầu hết các chiến dịch này đã thực sự làm suy yếu an ninh của Mỹ. Họ đưa toàn bộ các khu vực của thế giới vào biến động, tạo ra các vòng xoáy bất ổn từ đó các mối đe dọa khủng khiếp hơn rất nhiều so với tưởng tượng đã lần lượt xuất hiện vào những năm sau đó.

    Lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng nó ưa thích các mô hình và sự đối xứng. Khi những câu chuyện về các kịch bản "thay đổi chế độ" kiểu Mỹ được gom lại một chỗ, chúng tiết lộ nhiều về lý do tại sao Hoa Kỳ lật đổ chính phủ nước ngoài và những hậu quả của những hành động ấy mà nước này mang lại cho chính mình. Chúng cũng dạy những bài học cho tương lai.
     
    superlazy and sushi2009 like this.
  4. bun_oc

    bun_oc VIP

    PHẦN MỘT: KỶ NGUYÊN ĐẾ QUỐC

    1
    MỘT THỜI KHẮC KINH KHỦNG Ở DINH NỮ HOÀNG


    Bóng tối đã bao phủ Honolulu đã khi hai mưu gia(1) ăn mặc bảnh bao gõ một trong những cánh cửa oai nghiêm nhất trong thị trấn. Người đàn ông họ đến thăm nắm giữ điều cốt yếu đối với cuộc cách mạng của họ. Ông không phải là một chiến binh hay một lãnh chúa, không phải là một nhà tài phiệt, không phải là một chính trị gia, cũng chẳng phải là một tay buôn vũ khí. John L. Stevens là Đại sứ của Mỹ ở Hawaii , và đêm đó ông tham gia một âm mưu táo bạo để lật đổ nữ hoàng Hawaii và sáp nhập đất nước của bà vào Hoa Kỳ.

    Stevens và hai người đến thăm ông vào tối ngày 14 tháng 1 năm 1893 hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của nhiệm vụ của họ, nhưng họ không thể nào biết được rằng cái bóng mờ mà họ phủ lên lịch sử sẽ kéo dài lâu đến thế nào. Họ là những người Mỹ đầu tiên gặp gỡ để lập kế hoạch và thực hiện việc lật đổ một chính phủ nước ngoài. Đêm đó họ đã làm nhiều việc hơn là chỉ quyết định số phận của một quốc gia. Họ cũng đã mở ra một thế kỷ đầy biến động bởi các cuộc đảo chính, các cuộc cách mạng và các cuộc xâm lược do Mỹ tài trợ.

    Hawaii đang trong một cuộc đối đầu lâu dài và đầy khó khăn giữa truyền thống và hiện đại. Nền văn hóa bộ tộc của vùng này, một nền văn hóa trên đảo, đã sụp đổ dưới áp lực của sự mở rộng không ngừng của ngành công nghiệp đường. Một vài chục gia đình người Mỹ và người châu Âu đã kiểm soát rất hiệu quả cả nền kinh tế và chính phủ, cai trị thông qua một loạt các vị vua bản xứ không có mấy thực quyền.

    Hệ thống này phục vụ đắc lực cho các tầng lớp tinh hoa, nhưng nó đã biến người bản địa trở thành thuộc hạ trên chính vùng đất của họ. Trong số những người muốn khôi phục cán cân quyền lực có Nữ hoàng Liliuokalani, và vào một ngày tháng Một, bà triệu tập nội các của mình để đưa ra một thông báo gây chấn động. Bà sẽ công bố một bản hiến pháp mới, theo đó chỉ có công dân Hawaii mới có quyền bỏ phiếu. Việc phân định mức độ giàu có để có quyền bỏ phiếu sẽ bị loại bỏ, và sức mạnh của các tầng lớp tinh hoa không phải người bản địa sẽ bị giảm đi đáng kể.

    Bốn vị bộ trưởng trong nội các của nữ hoàng đã thực sự kinh ngạc. Họ cảnh báo bà rằng người Mỹ ở Hawaii sẽ không bao giờ chấp nhận một hiến pháp như vậy. Bà trả lời bằng cách khẳng định rằng bà có quyền ban hành những gì bà muốn. Khi cuộc tranh luận của họ đã chuyển gay gắt, hai vị xin phép cáo lui và chuồn khỏi cung điện. Một trong số họ, John Colburn, Bộ trưởng Nội vụ, lao vào trung tâm thành phố để cảnh báo người bạn lâu năm của ông, Lorrin Thurston, một luật sư chuyên đâm bị thóc, chọc bị gạo và cũng là một mưu gia(2) chống bảo hoàng.

    Ông bắt đầu: "Lorrin, chúng tôi vừa trải qua một thời khắc kinh khủng ở Dinh Nữ hoàng".

    Thurston và những người da trắng(3) khác, theo cách người Hawaii gọi những người hàng xóm da trắng của họ, đã phải chờ mãi mới có một cái cớ để tấn công chống lại chế độ quân chủ. Bây giờ họ đã có. Stevens đã đứng về phía họ, và sau lưng ông ta là sức mạnh của Hoa Kỳ. Đây là thời điểm của họ.

    Sân khấu đã được dựng cho một hoạt cảnh mới mẻ trong lịch sử. Chưa bao giờ một nhà ngoại giao Mỹ lại giúp tổ chức lật đổ một chính phủ mà đất nước ông chính thức công nhận. Câu chuyện về những gì đã khiến Stevens làm việc này, và hơn thế nữa, câu chuyện về việc làm sao Hoa Kỳ đã đô hộ Hawaii, chứa đựng đầy đủ các diễn biến mà sau này sẽ được lặp đi lặp lại qua thời gian bởi vì người Mỹ đã lỡ nhiễm phải cái thói quen phế truất các nhà lãnh đạo nước ngoài.



    Trong gần năm triệu năm kể từ khi phun trào mạnh mẽ từ sâu dưới đáy Thái Bình Dương, Hawaii luôn là một hòn đảo cô lập. Những cư dân đầu tiên của nó, có thể là những người Pôlinêdi từ các đảo phía nam, được cho là đã đến đây vào khoảng những năm đầu Công nguyên. Qua nhiều thế kỷ, người Hawaii rất ít tiếp xúc với bất cứ người nào bên ngoài bởi vì hầu như chẳng ai có thể vượt qua khoảng cách rộng lớn của đại dương bao quanh quần đảo ấy. Hàng ngàn giống cây và các loài động vật đã tiến hóa độc đáo, nhiều hơn hầu như bất cứ nơi nào khác trên trái đất.

    Cộng đồng dân cư Hawaii đã phát triển một xã hội khá đặc biệt, ràng buộc người dân lại với nhau trong hệ thống phức tạp những nghĩa vụ, nghi lễ và tôn kính thiên nhiên. Nếu đây không phải là một vườn Eden nhiệt đới, thì đây là một nơi mà qua nhiều thế hệ, người ta duy trì được một nền văn hóa hài hòa bổ sung cho họ cả về thể chất và tinh thần. Một sử gia đã mô tả nó là "rất thành công" và "ít tàn bạo hơn hầu hết các xã hội đã từng xuất hiện trong suốt lịch sử thế giới, hơn cả những ông lớn trịch thượng ở châu Âu, nền văn minh ấy ít tàn bạo hơn hầu hết những nền văn minh đang tô điểm cho thế giới văn minh của chúng ta ngày hôm nay."

    Điều đó đã thay đổi đột ngột một cách đáng kinh ngạc, bắt đầu từ ngày 18 tháng 1 năm 1778. Vào lúc bình minh sáng hôm đó, ngoài khơi bờ biển Kauai, một cảnh tượng diễn ra khiến người dân Hawaii choáng váng hệt như ngày nay người ta choáng váng bởi cuộc đổ bộ của một con tàu vũ trụ. Dường như có hai hòn đảo nổi xuất hiện trên đường chân trời. Người ta trở nên điên cuồng, một số thì phấn khích còn những người khác thì sợ hãi. Nhiều người bỏ dở công việc của mình và chạy xuống thung lũng Waimea để ra bờ biển.

    Theo một ghi chép thì "tù trưởng và dân chúng nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời và kinh ngạc. Một người hỏi, 'những nhánh lỉa chỉa lên trời đó là gì thế?' và người kia trả lời: "Đó là những cái cây đi lòng vòng trên biển."

    Buổi trình diễn ấy thực ra là những con tàu Anh chỉ huy bởi một trong những nhà thám hiểm nổi tiếng nhất thế kỷ, thuyền trưởng James Cook. Ban đầu, những người bản địa đầy kinh ngạc đã xem Cook như một vị thần, nhưng chẳng lâu sau - có lẽ do những khác biệt văn hóa không tránh khỏi giữa họ - hai nhóm rơi vào xung đột bạo lực. Nhiều cư dân đảo đã vui vẻ khi người nước ngoài dong thuyền đi, và ném đá khi họ quay trở lại một năm sau đó trong tuyệt vọng và cần cung cấp nhu yếu phẩm. Những gã thủy thủ đói ăn bắt đầu cướp những thứ họ cần, và sau khi họ giết chết một tù trưởng người Hawaii, các chiến binh đã trả thù đẫm máu. Họ bao vây Cook và chém ông thành từng mảnh. Sau đó, họ nướng phần cơ thể còn lại của ông trong một lò ngầm. Đó là một trong những lần cuối cùng người Hawaii bản địa có thể áp đặt ý muốn của họ lên người da trắng.

    Trước đó, Cook đã có hành động trả thù. Ông và người của ông đã để lại bệnh dịch thậm chí còn dữ dội hơn những gì họ đã hình dung. Sau vài tuần họ tiếp xúc với người bản xứ, từ cái bắt tay cho đến quan hệ tình dục, giống người Hawaii đã ở trong tình trạng gần như tuyệt chủng.

    Những người trong nhóm của Cook, như chính ông đã dự đoán trong nhật ký của mình, đã lây truyền bệnh hoa liễu trên các hòn đảo. Đó chỉ là màn khởi đầu. Trong những thập kỷ sau đó, sốt, kiết lỵ, cúm, lao phổi, bệnh thận, còi xương, tiêu chảy, viêm màng não, sốt phát ban và bệnh phong đã giết chết hàng trăm ngàn người Hawaii.

    Sau khi Hawaii được ghi vào hải đồ, nó đã trở thành một trạm thông thương tập trung tất cả các loại thủy thủ. Tuy nhiên, họ không phải là những người duy nhất quan tâm đến quần đảo này. Cũng đã có một nhóm Presbyterian và Congregationalist(4) sùng đạo từ New England(5) đến. Từ một số nguồn tin – những thuyền trưởng, một cuốn sách nổi tiếng về một đứa trẻ mồ côi người Hawaii lên đường đến Connecticut và cải đạo sang Thiên Chúa giáo, cùng với một loạt các bài báo được đăng trên một tờ báo ở Maine gọi là Tạp chí Kennebec, những người mộ đạo ấy biết rằng vùng đất xa xôi này chứa đầy những kẻ ngoại đạo đang chờ được cải đạo. Trong những năm từ 1820 đến 1850, gần hai trăm con người sùng đạo ấy cảm thấy rất xúc động bởi những ghi chép rằng họ đã tình nguyện dành phần còn lại của đời mình để làm những việc mà Chúa đã giao phó trên quần đảo Sandwich, là cái tên mà Cook đã đặt.

    Đa phần những gì mà các nhà truyền giáo chứng kiến đã làm họ kinh hoàng. Xã hội Hawaii, bình thường với bản chất công xã và tinh thần duy linh , hoàn toàn khác biệt với cuộc sống nghiêm nghị, lạnh lùng của những con người xứ New England này. Những nguyên tắc mà các nhà truyền giáo xem là nền tảng của văn minh, chẳng hạn như tham vọng, tính tằn tiện, cá nhân và sở hữu tư nhân, là tất cả đối với họ, nhưng người Hawaii lại chẳng biết tí gì về những điều ấy cả. Họ tin vào thần đồi, thần cây, thần động vật, thần gió, thần sấm sét, và thậm chí cả thần giọt sương. Nhiều người còn loạn luân, đa thê, giết trẻ sơ sinh, và hanai, một tập tục theo đó các bà mẹ trao những đứa con mới sinh của họ cho bạn bè, người thân hoặc tù trưởng để mở rộng các mối quan hệ của gia đình. Đa số đều trần truồng và quan hệ tình dục rất thoải mái. Đối với những người truyền giáo nghiêm khắc, họ dường như là những tội nhân đáng nguyền rủa nhất trên trái đất. Một người đã nhận xét họ "cực kỳ ngu dốt, chẳng hiểu gì là đáng yêu, là vĩ đại, là khủng khiếp trong các công trình của Chúa; họ thấp lùn, trần truồng, bẩn thỉu, thấp hèn và dâm dục; họ khoác một lớp da ghê tởm, vấy máu và đen đúa màu tội lỗi."

    Được trang bị một niềm tin mạnh mẽ mà chỉ có thể có từ một đức tin sâu sắc, các nhà truyền giáo đã làm việc không mệt mỏi để áp đặt những giá trị của họ lên những con người ấy, hay nói cách khác là họ đã cứu lũ man rợ ấy khỏi hỏa ngục. Theo ghi nhận của một người du lịch đến thăm Honolulu năm 1825: “Những con đường trước đây đầy động vật, giờ vắng tanh. Mọi thể loại trò chơi, ngay cả những trò trong sáng sạch sẽ nhất, đều bị cấm tiệt. Ca hát là phạm tội và sẽ bị trừng phạt, nhảy nhót bị khép vào tội hoang toàng trác táng và chắc chắn sẽ không được thương xót."

    Nhiều năm trôi qua, một số nhà truyền giáo đánh mất niềm đam mê của họ khi phải thực thi chính sách đạo đức khắc khổ này. Con cháu họ cũng vậy, chúng được đưa trở lại Hoa Kỳ để học hành và khi trở lại, chúng đã thấm nhuần tinh thần không mệt mỏi của Tổ quốc đang phát triển hừng hực, nơi mà cơ hội đều nằm ở cuối mỗi đường rầy xe lửa. Trở lại Hawaii, họ nhìn quanh và thấy đất đai dường như đang cầu xin để được canh tác. Vài người trong số họ cho rằng đường, mà người dân địa phương đã trồng trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ được tinh chế, sẽ phát triển mạnh ở đó.

    Không ai có thể làm hình mẫu cho sự phát triển của cộng đồng haole ở Hawaii tốt hơn Amos Starr Cooke. Sinh ra ở Danbury, Connecticut, Cooke đến trong vai trò một nhà truyền giáo vào năm 1837 và là một hiệu trưởng nổi tiếng nghiêm ngặt của một trường học cho trẻ em Hawaii dòng dõi trong nhiều năm. Sự cám dỗ của của cải cuối cùng đã dẫn ông ra khỏi con đường tâm linh, và vào năm 1851 ông đã quyết định thử sức mình: ông trồng đường. Với một cựu giáo sĩ khác Samuel Castle, người luôn để mắt đến những cơ hội, ông thành lập Castle & Cooke, hãng này sẽ trở thành một trong những nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới.

    Để bắt đầu trồng trọt với quy mô lớn, những người khởi nghiệp như thế này rất cần đất. Mua đất rất phức tạp, vì người Hawaii bản địa hầu như chẳng có chút khái niệm nào về sở hữu tư nhân hoặc trao đổi tiền mặt. Họ gặp rất nhiều khó khăn để hiểu làm sao mà một giao dịch, hoặc có thể gọi dưới nhiều cái tên khác nhau, có thể tước đi đất đai của họ.

    Trong những năm cuối của thập niên 1840, Amos Starr Cooke đã thuyết phục vua Kamehameha III, một cựu học sinh của mình, công bố một cải cách ruộng đất mà đã đánh đổ một trong những trụ cột của xã hội Hawaii. Theo quy định mới, vùng đất rộng lớn của công xã được phân thành nhiều khoảnh nhỏ cho cá nhân, và hầu hết phần còn lại trở thành “đất của hoàng gia." Bằng cách thiết lập các nguyên tắc về quyền sở hữu đất đai, cải cách này đã trao cho những điền chủ đầy tham vọng, trong đó có nhiều nhà truyền giáo và con cháu của họ, các quyền hợp pháp để mua lại bao nhiêu đất như họ muốn cũng được. Nhiều người đã nhanh chóng làm vậy. Chẳng bao lâu, tầng lớp truyền giáo và chủ đồn điền đã hòa trộn thành một.

    Vẫn còn một trở ngại ngăn những người chủ đồn điền này trở nên giàu có. Thị trường cho sản phẩm đường của họ là Hoa Kỳ, nhưng để bảo vệ nông dân Mỹ, Hoa Kỳ đã áp mức thuế rất cao lên đường nhập khẩu. Trong những năm 1850, giới chủ đồn điền Hawaii đã cố gắng để giải quyết vấn đề này bằng thủ đoạn đơn giản là biến Hawaii trở thành một phần của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quan chức ở Washington vẫn chưa thử qua hương vị tuyệt hảo của “món ăn thuộc địa ở nước ngoài”, nên đã dẹp chuyện đó sang một bên. Sau đó những người chủ đồn điền cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo Mỹ ký một thỏa thuận tự do thương mại, một kiểu hiệp ước “bánh ít đi, bánh quy lại", cho phép họ bán đường mà không bị áp thuế ở Hoa Kỳ, nhưng đề nghị đó cũng bị bỏ ngoài tai.

    Trong những năm sau đó, một thế hệ doanh nhân, chính trị gia và các nhà hoạch định quân sự mới tại Hoa Kỳ đã dành nhiều quan tâm hơn cho ngoại thương. Những người chủ đồn điền Hawaii đã đưa ra một ý tưởng phục vụ tham vọng của họ: để đổi lấy một hiệp ước “có đi có lại”, họ sẽ cấp cho Hoa Kỳ độc quyền đặt cơ sở thương mại và quân sự ở Hawaii. Họ sắp xếp cho vị vua bù nhìn Kalakaua thông qua kế hoạch này và đến Washington để trình bày nó. Tổng thống Ulysses S. Grant thấy nó quá hấp dẫn và đồng ý. Trong suốt mùa hè năm 1876, hiệp ước đã được lập, ký kết và phê chuẩn một cách hợp lệ. Đây là một điều khoản đã đi vào lịch sử:
    Về phần đức vua xứ Hawaii, ngài đồng ý rằng cho đến khi nào hiệp ước này vẫn còn hiệu lực, thì ngài sẽ không cho thuê, bán, cho, tặng hoặc thế chấp bất kỳ cảng, bến cảng hoặc vùng lãnh thổ khác trong lãnh địa của ngài, hoặc cấp bất kỳ ưu đãi đặc biệt hay quyền sử dụng những chỗ đó, cho bất kỳ lực lượng, nhà nước hoặc chính phủ nào, cũng không ký kết bất kỳ hiệp ước nào mà theo đó ngài cấp những đặc quyền như nhau cho tất cả các quốc gia khác, liên quan đến việc thừa nhận các điều khoản bãi bỏ thuế quan sau đây được ký kết với Hoa Kỳ.​
    Hiệp ước này vẫn giữ được nền độc lập bề ngoài của Hawaii, nhưng khi có hiệu lực, nó đã biến Hawaii thành một thuộc địa của Mỹ. Nhà sử học xuất sắc thời kỳ này, William Adam Russ, đã viết rằng nó "đã gần như sáp nhập Hawaii vào phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nhưng các chủ đồn điền đường ở các đảo rất hài lòng… Hậu quả chính trị của thỏa thuận ‘có đi có lại’ này không thể được đánh giá quá cao. Cuối cùng thì Hawaii đã được sáp nhập vào năm 1898. Khi đó trên thực tế, tất cả mọi người đều đồng ý rằng bước đi thực sự đầu tiên chính là hiệp ước “có đi có lại”, nói cách khác, chính là sáp nhập kinh tế."

    Tin tức về thỏa thuận này đã làm nhiều người Hawaii bản địa tức giận. Khi các cuộc biểu tình biến thành bạo lực, nhà vua đầy cảnh giác cảm thấy cần phải thận trọng và yêu cầu Hoa Kỳ bảo vệ. Hoa Kỳ đáp ứng, cử 150 thủy quân lục chiến, họ đã trở thành vệ sĩ riêng của nhà vua.

    Ngành công nghiệp đường nhanh chóng bùng nổ. Trong năm năm đầu tiên sau khi hiệp ước được ký kết, số lượng các đồn điền ở Hawaii tăng hơn ba lần. Đường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, năm 1876 đạt 21 triệu pound, năm 1883 đã tăng đến 114 triệu pound và năm 1890 là 225 triệu pound(6). Tiền như mưa đổ xuống kho của những người chủ đồn điền da trắng, vốn đang kiểm soát nền kinh tế Hawaii.

    Ngành đường cần rất nhiều lao động, nhưng chẳng ai trong số người da trắng lẫn người Hawaii bản địa muốn làm việc ngoài đồng. Sau khi xem xét một vài phương án thay thế, những người chủ đồn điền bắt đầu “nhập khẩu” lao động từ Nhật Bản và Trung Quốc mà họ gọi là "cu li". Hàng ngàn người đã đến sau khi hiệp ước “có đi có lại” được ký kết. Điều đó càng khiến tầng lớp chủ đồn điền phản đối dân chủ mạnh mẽ hơn, bởi vì phổ thông đầu phiếu sẽ rất có thể bầu ra một chính phủ bị chi phối bởi những người không phải tầng lớp da trắng.

    ***

    Hiệp ước “bánh ít đi, bánh quy lại” có hiệu lực trong thời hạn tám năm, và khi nó hết hiệu lực, những người chủ đồn điền đường từ Louisiana đã cố ngăn chặn hiệp ước được gia hạn. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo những chủ đồn điền ở Hawaii, là những người có tài sản phụ thuộc vào hiệp ước này. Họ sắp xếp cho vua Kalakaua, ngài gần như đã bị điều khiển hoàn toàn, đưa ra nhiều nhượng bộ hơn nữa. Hiệp ước mới bao gồm một điều khoản cho phép Mỹ kiểm soát Trân Châu Cảng trên đảo Oahu, cảng tự nhiên tốt nhất ở phía bắc Thái Bình Dương.

    Một vài năm sau, vua Kalakaua thông qua một bản hiến pháp bảo đảm quyền của giới chủ đồn điền. Nó trao hầu hết quyền lực cho các bộ trưởng nội các, không cho phép vua chúa được bãi nhiệm bộ trưởng mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp, và phân định mức độ giàu có để có quyền bỏ phiếu bầu ra cơ quan lập pháp. Được gọi là "hiến pháp lưỡi lê" bởi vì nó được áp dụng dưới cái bóng đe dọa của lực lượng vũ trang, bản hiến pháp cũng đã cho tất cả người Mỹ và người châu Âu quyền bỏ phiếu, dù cho họ không phải là công dân đi nữa, nhưng lại từ chối ban quyền đó cho những người lao động đến từ châu Á. Tác giả của nó là Lorrin Thurston, và sau khi Kalakaua miễn cưỡng thông qua nó, giới chủ đồn điền “đề xuất” rằng ngài cũng phải chấp nhận Thurston làm Bộ trưởng Nội vụ của ngài.

    Việc Kalakaua không có khả năng chống lại những áp đặt này cho thấy chế độ quân chủ Hawaii đã bị người da trắng kiểm soát hoàn toàn. Người da trắng đạt được vị trí này không phải chỉ một sớm một chiều, mà thông qua từng bước từng bước chắc chắn. William Adam Russ đã viết rằng "năm này qua năm khác, bằng cách ám muội của mình, họ cứ từ từ giành được sự ưu ái của nhà vua, cho đến khi họ nắm được quyền lực đằng sau ngai vàng. Kiểm soát việc kinh doanh và của cải trên các đảo, họ đã trở thành thiểu số chiếm ưu thế, đứng trên những người mà mới chỉ vài năm trước đã chào đón họ đến vùng đất của mình."

    Hệ thống này mang lại sự thịnh vượng tuyệt vời cho giới điền chủ đường ở Hawaii trong hơn một thập kỷ, nhưng đột nhiên lại có hai sự việc làm đảo lộn mọi thứ. Đầu tiên phải kể đến năm 1890, khi Quốc hội ban hành Biểu thuế McKinley, miễn thuế cho sản phẩm đường nhập từ tất cả các nước vào Mỹ và trợ cấp cho sản xuất nội địa với một khoản là hai cent trên mỗi pound. Điều này xóa bỏ chế độ bảo trợ đã giúp cho giới điền chủ Hawaii phát tài, và nhấn chìm họ vào “tận cùng tuyệt vọng”, theo cách mà một trong những nhà lãnh đạo của họ miêu tả. Trong vòng hai năm, giá trị xuất khẩu đường của họ đã sụt giảm mạnh, từ 13 triệu xuống còn 8 triệu đôla.

    Chưa hết, vị vua bù nhìn của giới điền chủ, Kalakaua, qua đời vào năm 1891, để lại ngai vàng cho người em gái có suy nghĩ rất độc lập của mình, Liliuokalani. Nữ hoàng mới đã từng theo học tại một trường của người truyền giáo và cải đạo sang Thiên Chúa giáo, nhưng bà cũng không bao giờ quên đi những di sản mà tổ tiên truyền lại. Khi người anh trai dâng Trân Châu Cảng cho người Mỹ vào năm 1887, bà đã viết trong nhật ký của mình rằng đó là "một ngày ô nhục trong lịch sử Hawaii." Cuối năm đó, khi đang ở London vào dịp kỷ niệm năm mươi năm Nữ hoàng Victoria lên ngôi, bà đã nghe tin về "bản hiến pháp lưỡi lê" và viết rằng nó là tiền đề cho "một phong trào cách mạng mở màn bởi những nòi giống ngoại bang, hoặc bởi người Mỹ."

    Liliuokalani đã năm mươi hai tuổi khi Chánh án Tòa án tối cao của Hawaii, Albert Judd, đọc lời tuyên thệ cho nữ hoàng vào ngày bà đăng quang hôm 29 tháng 1 năm 1891. Sau buổi lễ, Judd đã nói riêng với bà rằng: "Nếu bất kỳ thành viên nào trong nội các đề xuất bất cứ điều gì thì cũng cứ đồng ý đi nhé." Nếu bà nghe theo lời cảnh báo này, nếu bà chấp nhận làm bù nhìn và cho phép bọn haole tiếp tục cai trị Hawaii, có thể bà đã không bị lật đổ.

    Một số kẻ thù của vị nữ hoàng mới là những kẻ trục lợi vơ vét tiền của một cách đê tiện mà chẳng thèm quan tâm đến đất đai hay con người xứ này. Tuy nhiên, những người khác đã sống trên các hòn đảo nhiều năm trời hoặc đã được sinh ra ở đó. Một số đã yêu Hawaii và tự coi mình là những người ái quốc thật sự. Lorrin Thurston là một trong số này.

    Ông bà nội ngoại của Thurston đều đến Hawaii trong vai trò là các nhà truyền giáo. Ông theo học tại những ngôi trường có cả học sinh người bản xứ; một trong những ngôi trường đó đã đuổi học ông bởi lý do: chống đối "hết thuốc chữa". Không giống như một số bạn bè haole của mình, ông thông thạo tiếng Hawaii và thậm chí còn tự đặt cho mình một cái tên Hawaii: Kakina; ông đã dùng cái tên này trong những lá thư và tài liệu trong suốt cuộc đời. Khi còn niên thiếu, ông đắm mình trong chính trị; năm 1874 ông bỏ học để theo dõi cuộc bầu cử gây tranh cãi của vua Kalakaua, mà sau đó đã bùng nổ thành bạo loạn. Trong suốt phần còn lại của đời mình, ông đã bị lôi cuốn đến các sự kiện lớn.

    Thurston chưa bao giờ tốt nghiệp trung học nhưng lại tìm được công việc là một thư ký về pháp luật, hay một người giám sát và nhân viên kế toán tại Công ty Đường Wailuku. Với số tiền kiếm được, ông tự đăng ký theo học Trường Luật của Đại học Columbia ở New York, và sau đó trở về Honolulu hành nghề, cộng tác với bạn mình là William Smith. Ngay sau đó ông trở thành một nhà lãnh đạo trong cuộc chiến tấn công vào chế độ quân chủ Hawaii. Thấm nhuần cái tư tưởng rằng chỉ có người da trắng mới có thể cai trị quần đảo một cách hiệu quả, ông đã có thể coi đây là một hình thức của chủ nghĩa yêu nước.

    Vào đầu năm 1892, Thurston thành lập Nhóm Sáp nhập, với mục tiêu tuyên bố đưa Hawaii vào Hoa Kỳ. Tại cuộc họp đầu tiên, ông được chọn làm người lãnh đạo. Không lâu sau đó, ông thuyết phục nhóm này cử ông đến Washington để kêu gọi hỗ trợ cho mục đích sáp nhập.

    ---
    (1) Conspirator: nghĩa là người có liên quan đến những âm mưu, kế hoạch phạm pháp, từ điển dịch là “người âm mưu” hay “kẻ chủ mưu”.
    (2) Ở đây là plotter, đồng nghĩa với conspirator ở chú thích #1.
    (3) Nguyên tác là haole, tức một người da trắng sống ở Hawaii, không phải là người bản xứ (Pôlinêdi). Đây là từ của người bản xứ gọi những người da trắng đến sinh sống tại vùng đất của họ.
    (4) Presbyterian: (tôn giáo) tín đồ của Giáo hội Trưởng lão, tín đồ của giáo hội Scotland; Congregationalist: người ủng hộ phái Tin lành tự quản.
    (5) New England: là một vùng nằm ở đông bắc nước Mỹ, bao gồm 6 bang: Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Islands và Connecticut. Vùng này chính là điểm cập bến của những con tàu đầu tiên trong đợt sóng tha hương của người dân châu Âu đến “Tân lục địa” hồi thế kỷ 17. Gọi là New England vì ban đầu chỉ có vài trăm người Anh theo những tôn giáo không được công nhận rộng rãi ở châu Âu (Thanh giáo chẳng hạn) cộng với một nạn đói khủng khiếp hồi đó, đã đẩy họ lên đường tìm một chân trời mới.
    (6) 1 pound gần bằng 0,45 kg. Số lượng xuất khẩu đường các năm, quy đổi ra tấn, lần lượt là: 1876 – khoảng 9.500 tấn; 1883 – khoảng 51.700 tấn; 1890 – khoảng 102.000 tấn.
     
  5. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 1 - THỜI KHẮC KHỦNG KHIẾP Ở DINH NỮ HOÀNG(tt)

    Thurston mang theo một thư giới thiệu của John L. Stevens, Đại sứ Mỹ tại Honolulu. Ông đã trình bày kế hoạch sáp nhập của mình cho Bộ trưởng Hải quân Benjamin Tracy một cách đầy thuyết phục đến nỗi Tracy đã đưa ông tới Nhà Trắng để gặp Tổng thống Benjamin Harrison.
    Ngài Tracy bảo tôi đợi trong một phòng chờ để ông nói chuyện với Tổng thống. Sau khoảng nửa giờ, ngài bộ trưởng quay lại và ra hiệu cho tôi theo ra ngoài. Sau đó, ông nói: "Tôi đã giải thích đầy đủ cho Tổng thống những gì ông đã nói với tôi, và tôi có lời này muốn chuyển tới ông: ngài Tổng thống không cho rằng gặp ông là ý hay, nhưng cho phép tôi nói rằng: nếu tình thế ở Hawaii buộc mọi người phải hành động như ông đã nói, và ông mang đến Washington một đề xuất sáp nhập, ông sẽ thấy ở đây có một chính quyền vô cùng đồng cảm." Đó là tất cả những gì tôi muốn biết.​
    Thurston đem về những tin tức mà các mưu gia đồng sự của ông mong đợi nhất: Hoa Kỳ đứng về phía họ. Điều này không làm Stevens ngạc nhiên. Trước khi rời Washington để nhậm chức, ông đã thảo luận rất chi tiết về vấn đề sáp nhập với Bộ trưởng Ngoại giao James G. Blaine, và biết ông ta là một người ủng hộ nhiệt thành. Chỉ huy hải quân Mỹ tại Honolulu, Felix McCurley, hứa với ông rằng hải quân sẽ "ủng hộ và hợp tác đầy đủ trong bất kỳ động thái nào của ông." Những đảm bảo này khiến ông không còn nghi ngờ gì, rằng cả Bộ Ngoại giao và hải quân đều muốn ông tiến hành bất cứ điều gì cần thiết để lật đổ chế độ quân chủ Hawaii.

    Một vài tháng sau khi Thurston trở về Honolulu, ông nhận được một lá thư đặc biệt từ người đại diện của ông tại Washington, một thư ký tòa án có mối giao hảo với những người đầy quyền lực, tên là Archibald Hopkins. Bức thư cho biết chính quyền Harrison muốn hối lộ nữ hoàng. Theo bức thư: "Tôi có thẩm quyền thông báo cho ngài rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả cho Nữ hoàng Liliuokalani và những người trong liên minh của bà một số tiền là 250.000 đôla, để chuyển nhượng cho Hoa Kỳ chủ quyền của Hawaii." Thurston trả lời thật không may rằng "nữ hoàng sẽ không bao giờ chấp nhận lời đề nghị đó,” bởi vì "đầu óc bà rất độc lập… tính tình thì cứng đầu ương ngạnh, khư khư với đặc quyền hoàng gia và mong muốn mở rộng đất nước chứ không phải là từ bỏ một tí quyền lực và đặc quyền nào mà bây giờ bà đang có."

    Hơn ai hết, Thurston và các đồng sự của ông mong đợi một chính phủ tốt, mà với họ có nghĩa là được cai trị bởi thiểu số người da trắng. Điều tra dân số năm 1890 cho thấy có 40.612 người Hawaii bản địa trên quần đảo; 27.391 lao động Trung Quốc và Nhật Bản, và tổng cộng chỉ có 6.220 là người Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Na Uy và người da trắng sinh ra ở Hawaii. Với những con số này, giới haole chẳng thiết tha gì với nền dân chủ cũng là lẽ tự nhiên. Trong nhiều thập kỷ qua, họ đã kiểm soát hiệu quả vùng đảo này, và bằng cách áp đặt "bản hiến pháp lưỡi lê", họ đã chính thức hóa quyền lực của họ. Họ không muốn từ bỏ để áp dụng cái hệ thống mà theo đó mỗi cư dân của hòn đảo đều có một phiếu bầu có giá trị ngang nhau.



    Nữ hoàng Liliuokalani dành buổi sáng ngày 14 tháng 1 năm 1893 để chủ trì một buổi lễ long trọng đánh dấu sự kết thúc của phiên họp lập pháp thường niên. Bà mặc một chiếc váy lụa tím và cài vương miện đính kim cương, bước vào hội trường; tất cả đều đứng lên chào, từ các ông bộ trưởng, các viên thị thần, các bà mệnh phụ ở tòa án cho đến một toán ngự lâm quân mang những cây cờ cắm lông chim truyền thống được gọi là kahili. Một người có mặt ở đó đã miêu tả cảnh này là "sự nghiêm trang vĩ đại", nữ hoàng đọc bài diễn văn cảm ơn các nhà lập pháp vì công việc của họ và mời họ tham dự một bữa chiêu đãi.

    Trong lúc nữ hoàng trở lại Cung điện Iolani, tại chỗ của hoàng gia Hawaii đã xảy ra một điều gì đó bất thường. Vài chục người ăn mặc kiểu Hawaii một cách chỉnh tề, là thành viên của một nhóm gọi là Hội Ái quốc Hawaii, đã tập hợp lại để thể hiện sự ủng hộ nữ hoàng mà rõ ràng là sắp đặt. Bà tiếp họ trong phòng khách hoàng gia. Một người dâng lên một bản hiến pháp mới, trong đó kiềm chế sức mạnh của giới haole mới và xin bà ban hành nó. Bà đồng ý bằng một cái phất tay, sau đó đi sang phòng bên cạnh và triệu tập nội các.

    Ngay lúc nhận ra nữ hoàng đang tìm cách để công bố một bản hiến pháp mới, Lorrin Thurston lập tức hành động. Đầu giờ chiều, ông và các đồng sự đã tóm ngay bốn vị bộ trưởng nội các, những người mà ông thấy "đang rất sầu não cho sự nghiệp của họ." Lời khuyên của ông dành cho họ cực đoan đến mức chỉ có hai chữ: lật đổ; họ phải tuyên bố rằng nữ hoàng là quân phiến loạn, rằng ngai vàng của bà đang bỏ trống, và rằng phải chuyển giao quyền lực cho cái mà ông thích gọi là "những phần tử thông thái của cộng đồng."

    Đó là một kế hoạch táo bạo, nhưng làm thế nào những kẻ đảo chính có thể ngăn chặn những người Hawaii bản địa, bao gồm cả đội ngự lâm quân của nữ hoàng, nổi dậy bảo vệ quốc vương của họ? Câu trả lời nằm ở ngoài khơi. Neo đậu gần Trân Châu Cảng là Boston, một tàu tuần dương 3,000 tấn và là một trong những con tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Hoa Kỳ. Con tàu rất ấn tượng với hai cột buồm cao chót vót, hai ống khói, một ụ đại bác ở mỗi bên, và một lá cờ Mỹ tung bay trên đỉnh. Gần hai trăm thủy thủ và thủy quân lục chiến ở trên tàu. Nếu Đại sứ Hoa Kỳ huy động họ vào bờ, họ sẽ trở thành một lực lượng bảo vệ lý tưởng cho chế độ mới.

    Vào lúc chiều muộn hôm đó, Thurston triệu tập hàng chục đồng sự đến văn phòng pháp luật trên đường Fort của William Smith, người bạn thân nhất và cũng là người cộng tác với ông. Ở đó, ông đề xuất Henry Cooper, người được ông nhận đỡ đầu vừa từ Indiana đến, được trao quyền để lựa chọn thành viên vào một cái "Ủy ban An toàn" mà sẽ "đề ra cách thức và phương tiện để đối phó với tình hình." Tất cả đều đồng ý. Cooper chọn mười ba người đàn ông từ đám này, tính cả ông và Thurston. Tất cả đều là thành viên tích cực của Nhóm Sáp nhập. Chín người có nguồn gốc Mỹ hoặc tổ tiên là người Mỹ. Không có ai trong số đó là người bản địa Hawaii cả.

    Cuốn hồi ký của Thurston có một trang phụ đính(7) có hình ảnh của mỗi thành viên trong Ủy ban An toàn. Có vẻ họ đã tạo nên một nhóm ấn tượng. Ai cũng ăn mặc chỉn chu. Hầu hết đều còn trẻ (Thurston ba mươi lăm tuổi). Tất cả đều có râu, mỗi bộ râu được tạo dáng khác nhau, từ bộ ria mép vểnh thanh lịch của Smith cho đến bộ râu đen được cắt tỉa gọn gàng của Thurston hay bộ râu dài và rậm hơn của Cooper. Không ai cười cả. Họ trông như thành viên phòng thương mại của một thành phố nhỏ ở Mỹ, hay một phái đoàn từ Hoa Kỳ lục địa đến Hawaii thanh sát.

    Sau khi chọn xong thành viên cho Ủy ban An toàn, Cooper yêu cầu những người còn lại của đám đông rời đi để nhóm có thể tổ chức cuộc họp đầu tiên. Ngay khi cánh cửa được đóng lại, Thurston nói: "Tôi đề nghị mục đích của cuộc họp này là để thống nhất rằng giải pháp của tình hình hiện nay là sáp nhập vào Hoa Kỳ," ông nói đơn giản. Đề xuất của ông đã được thông qua mà không có ý kiến gì thêm.

    Các nhà cách mạng háo hức trước cuộc đối đầu, nhưng mục tiêu của họ, nữ hoàng lại không như vậy. Trong khi Thurston sắp xếp lực lượng, bà ở cung điện, lắng nghe những ý kiến tranh biện rằng hiến pháp đề xuất của bà là quá cực đoan. Cuối cùng bà chịu thua. Tầm ba giờ chiều, bà bước ra khỏi phòng nội các và gặp lại những người ủng hộ đang chờ đợi.

    "Ta đã sẵn sàng, và dự kiến sẽ công bố bản hiến pháp mới ngày hôm nay," bà nói với họ từ ban công. "Nhưng này, ta đã gặp một số trở ngại. Các khanh hãy trở về nhà một cách hòa bình và trật tự… Ta buộc phải trì hoãn việc ban bố hiến pháp mới thêm một vài ngày nữa."

    Chẳng những đã không xoa dịu những kẻ phản động, tuyên bố này còn thổi bùng ngọn lửa trong họ. Bằng cách tuyên bố rằng bà sẽ tiếp tục chiến dịch công bố bản hiến pháp mới của mình trong "một vài ngày tới", hoặc thậm chí là "vào một lúc nào đó", theo cách nói của người Hawaii, nữ hoàng đã khẳng định rằng bà sẽ không từ bỏ nỗ lực của mình để khôi phục quyền lực chính trị cho người Hawaii bản địa. Miễn là bà còn ngự trên ngai vàng của mình, giới haole sẽ không an toàn.

    Tối hôm đó, Thurston đã mời những người mà ông tin cậy nhất đến ngôi nhà gỗ của mình để tham dự cái mà ông gọi là "cuộc họp bổ sung". Có tất cả sáu người, trong đó có William Castle, con trai của nhà-truyền-giáo-kiêm-chủ-đồn-điền Samuel Castle và là người chủ đất lớn nhất của vùng đảo. Tất cả đều biết rằng quân đội trên tàu Boston nắm giữ chìa khóa cho chiến thắng của họ. Họ cũng biết rằng Stevens, người có khả năng huy động đội quân ấy lên bờ bất cứ lúc nào, là người ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp của họ. Họ đã quyết định giờ là lúc tìm đến ông. Đây sẽ là buổi gặp gỡ quyết định số phận của Hawaii.

    Khi "cuộc họp bổ sung" chấm dứt, năm trong số sáu khách mời trở về nhà. Người bạn và đồng sự của Thurston, William Smith vẫn còn nấn ná. Sau một ít trao đổi ngắn, hai người họ đã quyết định rằng mặc kệ đêm đã khuya, họ phải lập tức đến gặp Stevens, trình bày kế hoạch của họ và kêu gọi sự giúp đỡ có tính chất quyết định của Stevens.
    Stevens vừa trở về sau một hành trình mười ngày trên tàu Boston và hẳn phải khá ngạc nhiên khi nghe tiếng gõ cửa đêm đó. Tuy vậy, ông biết hai người đàn ông này và biết luôn dự tính của họ, ông chào đón họ. Theo báo cáo sau đó từ Ủy ban tổng thống: "Họ tiết lộ cho ông tất cả kế hoạch của họ."
    Họ sợ bị bắt giữ và trừng phạt. Ông hứa sẽ bảo vệ họ. Họ cần quân đội cập bờ để răn đe những kẻ ủng hộ nữ hoàng và Chính phủ. Ông đồng ý, và thỏa mãn họ điều này. Họ có một ít vũ khí nhưng không có binh sĩ được huấn luyện. Họ không có phương tiện chiến đấu. Đại sứ Mỹ và họ đã thống nhất với nhau rằng lời tuyên bố phế truất nữ hoàng và tổ chức một chính phủ lâm thời phải được đọc từ Tòa nhà Chính phủ, và ông sẽ lập tức công nhận chính phủ lâm thời ấy. Tất cả điều này sẽ được quân đội Mỹ bảo vệ, cung cấp vũ khí hạng nhẹ và pháo binh, trên một con đường hẹp trong tầm ném.​
    Sáng hôm sau, Chủ nhật ngày 15 tháng 1, Thurston thức dậy lúc bình minh. Ông vẫn hy vọng sẽ kéo theo cả những vị bộ trưởng nội các của nữ hoàng vào âm mưu của mình, và vào lúc sáu giờ ba mươi, ông đã gặp hai người mà ông cho là ủng hộ ông nhất, Bộ trưởng Nội vụ John Colburn và Tổng chưởng lý Arthur Peterson. Ông nói với họ rằng ông và các đồng sự đã quyết định họ không thể "ngồi trên đống lửa" mãi và giờ họ đã quyết tâm lật đổ Nữ hoàng. Liệu hai quý ông lỗi lạc ấy có tham gia vào cuộc nổi loạn không?

    Cả hai đều sửng sốt và nói rằng họ cần thời gian để xem xét một đề nghị táo bạo như vậy. Thurston bỏ đi, không vui vẻ cho lắm, và cảnh báo hai ông này là không được nói lại cho hai vị bộ trưởng kia những gì ông đã tiết lộ về kế hoạch của mình. Dù sao thì họ cũng làm vậy.

    Sau cuộc gặp gỡ không mấy vui vẻ đó, Thurston sang nhà William Castle, một tòa biệt thự ván ghép hai tầng, nơi Ủy ban An toàn đang chờ ông. Ông báo cáo thất bại của mình trong việc lôi kéo các vị bộ trưởng nội các vào âm mưu, nhưng nói: ông vẫn nhất định thành công. Ông nói với các đồng sự rằng cuộc cách mạng phải được công bố tại một cuộc mít-tinh công khai vào ngày hôm sau. Họ đồng ý, và sau đó quyết định bàn bạc kỹ lưỡng về mặt hình thức. Khi nữ hoàng bị lật đổ, Hawaii sẽ cần một nhà lãnh đạo lâm thời để dẫn lối cho nó sáp nhập vào Hoa Kỳ. Với quá trình “châm bị thóc, chọc bị gạo” không biết mệt mỏi và thành tích dàn xếp cuộc cách mạng này, Thurston rõ ràng là người được chọn.

    Vào lúc đó, Thurston đã có một quyết định khôn ngoan rất đặc trưng trong tính cách của ông. Chiến dịch lâu dài và nguy hiểm của ông chống lại chế độ quân chủ có lẽ đã biến ông thành tên đáng ghét nhất ở Hawaii. Ông cực kỳ cứng đầu, nóng tính, rất không tế nhị/phải phép, và ông biết điều đó. Vì vậy, ông cảm ơn bạn bè đã đề cử nhưng nói rằng ông không thể nhận trách nhiệm này bởi vì ông "quá cấp tiến" và "quá bận rộn trong việc kinh doanh." Ông sẽ tìm kiếm người tốt hơn.

    Sáng thứ Hai, cộng đồng haole ở Hawaii bùng nổ vì phấn khích. Ủy ban An toàn tập trung ở nhà của Castle để hoàn thành kế hoạch cho cuộc mít-tinh quần chúng vào chiều hôm đó. Họ đang họp thì Charles Wilson, cảnh sát trưởng của nữ hoàng và cũng được cho là nhân tình của bà, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đột nhiên xuất hiện ở cửa. Ông gọi Thurston ra ngoài.

    Ông nói: "Tôi biết những gì các ông đang theo đuổi, và tôi yêu cầu các ông: hãy dừng ngay lại và về nhà đi". Thurston lắc đầu.

    Ông trả lời: "Charlie, chúng tôi sẽ không về đâu cả. Mọi thứ đã tiến triển đến mức này rồi."

    Wilson nói rằng cá nhân ông có thể đảm bảo rằng nữ hoàng sẽ không bao giờ công bố bản hiến pháp mới, "ngay cả khi tôi phải nhốt bà ấy vào trong phòng để ngăn bà làm vậy." Thurston vẫn bất động.

    Ông nói: "Vô ích thôi, Charlie. Chúng tôi sẽ không cho ai thêm bất kỳ cơ hội nào nữa."

    Wilson nói cộc lốc rằng ông và những người khác nên xem đây là lời cảnh báo. Sau đó, ông rút lui, bước nhanh đến cung điện và xông vào phòng nội các. Ông nói thẳng với các bộ trưởng rằng họ chỉ có một mong muốn là cứu lấy chính phủ và chế độ quân chủ. Họ phải ra lệnh bắt giữ ngay lập tức tất cả nhóm mưu gia, từng tên từng tên một.

    Yêu cầu đó là quá quyết liệt đối với bốn vị bộ trưởng mà lòng trung thành đã bị chia năm xẻ bảy, đó là đã nói giảm đi nhiều rồi đấy! Họ sợ hãi trước cơn thịnh nộ từ Stevens và từ Hoa Kỳ. Wilson đã nguyền rủa họ là "những kẻ hèn nhát chết tiệt", nhưng họ đã cảm nhận được tấn tuồng này rồi sẽ kết thúc như thế nào.

    Thurston và những mưu gia khác đã nghiêm túc cảnh báo Wilson. Ngay khi ông này rời đi, họ quyết định đã đến lúc huy động quân đội Mỹ. Họ viết một lá thư kêu gọi Stevens, lời kêu gọi này không hề hùng hồn nhưng khá là lôi cuốn.
    Chúng tôi, những công dân và cư dân của Honolulu ký tên dưới đây, trân trọng tuyên bố rằng, nếu xét đến các sự kiện xảy ra gần đây tại vương quốc này, mà đỉnh cao là hành vi mang tính phản động của Nữ hoàng Liliuokalani vào thứ bảy tuần trước, sự an toàn của công chúng đang bị đe dọa, tính mạng và tài sản bị đặt vào vòng nguy hiểm, và chúng tôi kêu gọi ngài và quân đội Hoa Kỳ, dưới sự điều động của ngài, giúp đỡ.

    Nữ hoàng, với sự trợ giúp của các lực lượng vũ trang, và đi kèm là các mối đe dọa bạo động và đổ máu từ những người mà bà cùng hành động, đang cố gắng công bố một bản hiến pháp mới, và trong lúc này khi bà đang bị ngăn chặn, không cho hoàn thành việc ấy, thì bà lại tuyên bố công khai rằng bà sẽ chỉ trì hoãn hành động của mình.

    Lời tuyên bố và hành động trên đem đến một cơ hội và bên cạnh đó, nó cũng tạo ra báo động và khủng bố. Chúng tôi không thể bảo vệ chính mình mà không có sự tương trợ, và do đó chúng tôi cầu khẩn để được Quân đội Hoa Kỳ bảo vệ.​
    Mười ba người đàn ông, những thành viên của Ủy ban An toàn, đã ký tên dưới lời kêu gọi này. Tất cả đều là người da trắng, và mười một người trong số đó nắm giữ các cổ phiếu của các đồn điền đường hoặc các doanh nghiệp khác trong quần đảo. Trong số đó có một số người thuộc nhóm giàu nhất xứ Hawaii, bao gồm William Castle và ông trùm hàng hải William Wilder.

    Sau khi gửi đi lời kêu gọi của họ tới Stevens, quân nổi dậy đã đi nước cờ riêng của họ: kêu gọi mít-tinh đầu giờ trưa tại kho vũ khí Honolulu, cuộc mít-tinh công khai của họ đã dự dịnh tổ chức tại đây. Trên đường phố họ thấy các bản sao của lời công bố chính thức được dán khắp thị trấn. Đó là lời cam kết từ nữ hoàng rằng, trong tương lai, bà sẽ tìm cách thay đổi hiến pháp "chỉ bằng các phương pháp được cho phép trong chính bản hiến pháp ấy."

    Nhượng bộ này đến quá muộn để xoa dịu hơn một ngàn người đã kịp đổ về kho vũ khí lúc hai giờ chiều hôm đó. Gần như tất cả đều là thành phần mà một nhà sử học gọi là "những người đàn ông da trắng ngoại quốc," và chẳng ai muốn thỏa hiệp cả. Wilder làm chủ tọa cuộc họp, và Henry Baldwin, một trong những ông trùm ngành đường quyền lực nhất ở Hawaii, là một trong số diễn giả.

    Điều không làm mọi người ngạc nhiên là Thurston chính là nhân vật nổi bật tại cuộc mít-tinh này. Theo một khán giả nhiệt thành lắng nghe, ông đã đọc một nghị quyết tuyên bố rằng nữ hoàng đã hành động "bất hợp pháp và vi hiến" thong qua việc theo đuổi những chính sách "cách mạng và phản nghịch đúng kiểu của bà." Bài phát biểu kết thúc bằng việc trao quyền cho Ủy ban An toàn để "đề ra những cách thức và phương tiện khi cần thiết để đảm bảo việc duy trì sự thường trực của pháp luật và trật tự cũng như bảo vệ tính mạng, tự do và tài sản ở Hawaii.”

    "Thưa các quý ông, tôi xin tuyên bố rằng lúc này và ở đây chính là thời điểm hành động!" Giọng Thurston rền vang, và đám đông nổ bùng hân hoan. "Người nào không muốn đấu tranh khi các quyền tự do của chúng ta bị đe dọa thì cũng không có quyền hưởng tự do ấy. Nếu mặt trời nhiệt đới làm dịu và pha loãng bầu máu nóng của chúng ta, thì nhiệt huyết có còn chảy trong từng mạch đập, chúng ta có còn là những kẻ yêu tự do và sẵn sàng chết vì tự do? Tôi đề nghị thông qua nghị quyết!"

    Tất cả những diễn giả chiều hôm đó đều lên án nữ hoàng vì nỗ lực của bà muốn áp đặt một bản hiến pháp mới. Tuy nhiên, không ai kêu gọi lật đổ bà. Sau đó Thurston giải thích rằng ông đã không xem việc đó là cần thiết, bởi vì "đã có một sự hiểu biết nhất trí rằng truất ngôi Nữ hoàng và bãi bỏ vương quyền chính là kế hoạch." Ông cũng lo rằng nếu ông và bạn bè ông công khai kêu gọi khởi nghĩa, có thể ngay cả nội các bạc nhược cũng sẽ ra lệnh bắt giữ bọn ông. Tuy vậy, khởi nghĩa là những gì ông đã lên kế hoạch, và việc đám đông đồng lòng nhất trí thông qua bản nghị quyết của ông đã làm mạnh mẽ thêm quyết tâm của ông.

    Chiều ngày 16 tháng 1 không chỉ diễn ra có một cuộc mít-tinh đó. Vào lúc nó bắt đầu, vài trăm người ủng hộ Nữ hoàng đã tập trung tại Quảng trường Cung điện gần đó để bắt đầu cuộc biểu tình khác của riêng họ. Vài người có biết sơ qua âm mưu của phe chống bảo hoàng cũng như diễn biến của âm mưu đó. Những bài phát biểu của họ thận trọng và đa phần là lịch sự, mặc dù một diễn giả đã tuyên bố: "Ai phát ngôn chống phụ nữ, đặc biệt là chống nữ hoàng, đều là bọn súc sinh và là bạn đời của một con heo."

    Những người ủng hộ nữ hoàng giải tán sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Cung điện, nhưng phe phiến quân tụ tập tại kho vũ khí vẫn chưa xong. Lúc 4 giờ, mười ba thành viên của Ủy ban An toàn tập trung tại nhà Smith để bàn tính những động thái tiếp theo. Sau khi thảo luận, họ quyết định họ cần ít nhất thêm một ngày nữa để tổ chức lực lượng. Điều này có nghĩa là Stevens sẽ phải trì hoãn đổ quân. Thurston và Smith ngay lập tức đến tòa công sứ Mỹ để truyền đạt ý định ấy. Họ rất ngạc nhiên khi ông từ chối.

    Ông nói với họ: "Thưa các ngài, đội quân trên tàu Boston sẽ đổ bộ lúc năm giờ chiều nay, bất kể các ngài đã sẵn sàng hay chưa."

    Stevens chia sẻ nhiều điểm chung với Thurston và những nhà cách mạng khác, ông định đảm bảo cho chiến thắng của họ. Ông sinh ra ở Maine năm 1820, cùng năm đó nhóm những nhà truyền giáo đầu tiên đến Hawaii, và thời trai trẻ ông đã là một nhà giảng thuyết. Sau đó ông kết bạn với Blaine, sau trở thành một chính trị gia địa phương đầy tham vọng và biên tập viên của Tạp chí Kennebec. Blaine là một người ủng hộ nhiệt thành việc sát nhập Hawaii, và đã viết một bài xã luận giục giã việc đó trong số đầu tiên của tờ tạp chí mà ông biên tập. Stevens gắn bó với sự nghiệp ấy với lòng nhiệt thành ngang ngửa.

    Trong những năm sau cuộc nội chiến, Blaine bắt đầu khởi sắc trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông được bầu vào Quốc hội, đã trở thành Chủ tịch Hạ viện, và vào năm 1884 là ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, sau đó thất cử trước Grover Cleveland. Năm năm sau, Tổng thống Benjamin Harrison bổ nhiệm ông làm Bộ trưởng Ngoại giao. Một trong những động thái đầu tiên của Blaine là chỉ định Stevens làm Đại sứ ở Hawaii.

    Bộ máy chỉ huy cuộc khởi nghĩa tại Hawaii thật ra là như vậy đó. Ngoại trưởng Blaine đã rất quyết đoán, dám nghĩ dám làm. Ông đã cử Stevens đến Honolulu để tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết. Đến đây, Stevens tìm ra Thurston là một tay sẵn sàng hành động. Họ cùng nhau lên kế hoạch và thực hiện cuộc nổi dậy.

    Vào buổi chiều ngày 16 tháng 1 năm 1893, Stevens ngồi vào bàn và viết mấy dòng gửi thuyền trưởng Gilbert Wiltse, vị chỉ huy mang bộ ria mép ngông cuồng của tàu Boston; đây chính là một bức thư định mệnh. Chỉ có một câu duy nhất và câu này là điển hình của kiểu hành văn ngoại giao xuyên tạc, xáo rỗng mà người Mỹ sẽ thường xuyên nghe thấy trong thế kỷ tới.
    Xét những biến động lớn gần đây tại Honolulu, cho thấy lực lượng pháp luật không đầy đủ, tôi yêu cầu ngài đổ bộ quân lục chiến và thủy thủ trên con tàu mà ngài chỉ huy nhằm bảo vệ tòa công sứ và lãnh sự quán Hoa Kỳ, cũng như để đảm bảo sự an toàn của tính mạng và tài sản của nước Mỹ.​
    Lúc năm giờ chiều hôm đó, 162 thủy quân lục chiến và thủy thủ Mỹ đổ bộ tại một bến tàu ở cuối Đại lộ Nuuana ở Honolulu. Họ bao gồm một trung đội(8) pháo binh, một trung đội thủy quân lục chiến, và hai trung đội lính bộ binh. Mỗi người lính có một súng trường đeo quanh cổ và mang một dây đạn sáu mươi viên. Pháo binh kéo theo những khẩu Gatling(9) và đại bác cỡ nhỏ.

    Thurston quan sát bến tàu khi những người lính đổ bộ lên bờ và theo sau họ qua vài dãy nhà. Trên đường trở về văn phòng, ông đã gặp một nhà quản lý đồn điền tên W.H. Rickard, người có một ghế trong cơ quan lập pháp và mạnh mẽ ủng hộ nữ hoàng. Rickard đang trong cơn giận dữ.

    Ông hét lên, nắm tay run rẩy: "Chết tiệt, Thurston! Mày đã làm điều này!"
    "Làm gì?"
    "Huy động quân đổ bộ!"
    Thurston trả lời: "Ông xem trọng tôi quá đấy, ai mà huy động được quân đội Mỹ chứ! Tôi cũng chẳng hơn gì ông, tôi không làm gì được với sự đổ bộ của họ, và tôi không biết họ định làm gì."

    Thurston đã quá khiêm tốn. Ông và Stevens đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Họ đã không liên lạc thường xuyên trong suốt tháng Giêng và cũng không cập nhật cho nhau kế hoạch mới nhất của họ, nhưng điều đó là không cần thiết. Mỗi bên đều hiểu những gì người kia đang làm và giành cho đối tác sự hỗ trợ quan trọng. Không bên nào phải đơn độc tiến hành cuộc cách mạng. Quan hệ đối tác của họ đã thực hiện nó.

    ---
    (7) Foldout: (ngành in) trang to hơn các trang khác trong một ấn bản và phải xếp lại mới khít vào ấn bản ấy được.
    (8) Theo Wikipedia.org, một company (tạm dịch: trung đội) thường bao gồm từ 3-6 platoon (tạm dịch: tiểu đội). Một company thường có khoảng 80-225 người, một platoon thường có khoảng 26-64 người. Không biết tác giả có bị nhầm lẫn không khi tổng cộng quân số chỉ có 162 người mà lại bao gồm tận 4 company? Hay biên chế quân đội hồi thế kỷ trước khác với bây giờ?
    (9) Gatling gun: súng máy cổ điển, có nhiều nòng bắn xoay tua, do R.J. Gatling phát minh năm 1862. Loại súng này gọn nhẹ, nặng khoảng 27 kg, dài khoảng hơn 1 mét, bốn người bắn.
     
  6. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 1 - THỜI KHẮC KHỦNG KHIẾP Ở DINH NỮ HOÀNG(tt)

    Những người Hawaii chăm chú nhìn ra phía cửa hậu hoặc dừng bước trên đường để dõi theo cảnh lính Mỹ đã tuần hành qua những con phố đầy cát ngày hôm đó hẳn đã rất bối rối. Chỉ có ít người đã từng thấy đội hình quân sự kiểu phương Tây, và thậm chí còn ít người hơn biết được tại sao những người lính này đổ bộ. Chỉ khi họ thấy các thành viên của Ủy ban An toàn cổ vũ nhóm đi đầu thì đa phần mới nhận ra rằng đội quân này là thù địch với chế độ quân chủ. Nội các họp khẩn cấp, và ngay sau đó Bộ trưởng Ngoại giao Samuel Parker gửi đi một bản yêu sách đầy ai oán tới Stevens.
    Do tình hình hiện tại không cần đến sự can thiệp từ phía Chính phủ Hoa Kỳ, tôi và các đồng sự, một cách trân trọng nhất, yêu cầu ngài Đại sứ hủy bỏ hành động vừa qua. Tôi cũng muốn nói thêm rằng bất kỳ sự bảo vệ nào có thể được coi là cần thiết cho tòa công sứ Mỹ hoặc cho lợi ích của nước Mỹ trong thành phố này sẽ được Chính phủ của Nữ hoàng đáp ứng một cách hân hoan.​
    Stevens không trả lời bức thư này. Ông đã ra ngoài khảo sát địa điểm cắm trại khả thi cho quân lính Mỹ, cuối cùng được quyết định tại một tòa nhà gọi là Arion Hall. Đây không phải chỗ thuận lợi để bảo vệ người Mỹ, bởi chỉ có vài người sống hoặc làm việc gần đó. Tuy nhiên, đó là địa điểm thuận tiện bởi nó nằm cạnh Tòa nhà Chính phủ và điện Iolani thì nằm trong tầm đại bác.

    Khi những người lính dựng trại, Ủy ban An toàn đã ăn mừng tại nhà của một thành viên sinh ra tại Tasmania, Henry Waterhouse. Đây là thời điểm chiến thắng của Ủy ban, và mọi thành viên đều nhận ra điều đó. Cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ đảm bảo chiến thắng của họ. Tất cả những gì cần làm để hoàn thành cuộc cách mạng, với họ là công bố một chính phủ mới, và với Stevens là công nhận chính phủ đó. Lính Mỹ sẽ làm chùn chân bất kỳ sự kháng cự nào từ nữ hoàng hoặc lực lượng ủng hộ bà.

    Cuộc họp này ở nhà Waterhouse là đáng chú ý vì hai lý do. Đầu tiên, bởi sự trùng hợp kỳ lạ mà ba mưu gia quan trọng nhất – vị luật sư sôi nổi Thurston, ông trùm ngành đường Castle và các ông trùm hàng hải Wilder - đã bị ốm và không thể tham dự. Thứ hai, và có lẽ không liên quan mấy, cuộc họp này đánh dấu sự xuất hiện của người đàn ông sẽ thống trị Hawaii trong giai đoạn tiếp theo của lịch sử. Ông ta là Sanford Dole, cháu trai của một trong số những nhà truyền giáo, tốt nghiệp đại học Williams và là một vị thẩm phán Tòa án Tối cao đáng kính. Vài năm sau đó, Dole giúp cháu họ mình, James, bắt đầu xây dựng một công ty hoa quả mang tên gia đình.

    Mặc dù Dole không có mặt ở nhà Waterhouse tối hôm đó và cũng chẳng phải là thành viên của Nhóm sáp nhập, ông đã tham dự "cuộc họp bổ sung" của Thurston hai đêm trước đó, vì vậy ông biết những gì đang được tiến hành. Khi các thành viên của Ủy ban An toàn bắt đầu suy nghĩ xem nên chọn ai lãnh đạo Hawaii sau cuộc cách mạng, có người đã nhắc đến tên ông. Điều này "lập tức được cả nhóm chấp thuận," một thành viên đã chia sẻ như vậy. Một người được cử đi mời vị luật gia râu trắng đến.
    Tôi và vợ đang ngồi trong phòng khách ở nhà thì một người đàn ông sống ở Kaneohe từ nhà ông Waterhouse đến và nói rằng bọn họ muốn tôi lãnh đạo vụ này. Tôi nói "Không. Tại sao không phải là Thurston?" Người đưa tin nói rằng ông ấy bị ốm liệt giường vì phải ngày đêm lo vụ này ngay từ đầu. Tôi đồng ý đi qua…

    Một người đưa tin cũng đã được cử đến nhà Bộ trưởng Stevens để hỏi xem ông có đồng tình với chúng tôi không, câu trả lời là có, và tôi nhập bọn.

    Tôi trở về nhà và tạm gác lời đề nghị ấy qua một bên, nhưng cứ trằn trọc và băn khoăn rất nhiều. Tôi thiếp đi và sau đó thức dậy với vụ việc ám ảnh đầu óc, và trải qua một đêm rất khó chịu.​
    Sáng sớm hôm sau, Thứ Ba ngày 17 tháng Giêng, Dole đến bàn bạc với ông Thurston đang ốm liệt giường. Họ nói chuyện vài phút về tương lai của Hawaii. Dole cho biết ông vẫn chưa quyết định liệu có nên chấp nhận làm lãnh đạo của chính phủ mới hay không. Tuy nhiên, ông đã đồng ý giao một bức thư Thurston viết cho Stevens. Nó thông báo cho Stevens rằng chính phủ mới sẽ được công bố chiều hôm đó, và yêu cầu ông ta lập tức công nhận chính phủ ấy.

    Sau khi trở về nhà, Dole ngồi một mình một lúc lâu, từ hiên nhà phóng tầm mắt ra những hàng cọ và ra đại dương phía xa. Cuối cùng ông quyết định chấp nhận chức tổng thống lâm thời của nước Cộng hòa Hawaii mới thành lập. Theo những gì ông viết sau đó thì đây là "một vị trí tôi sẽ làm tạm một vài tháng" trong khi sắp xếp việc sáp nhập Hawaii vào Hoa Kỳ.

    Hành động đầu tiên của Dole trong vai trò là một thành viên của cuộc nổi loạn là tới gặp người bảo trợ của nó. Ông trao cho Stevens lá thư của Thurston. Stevens đọc lá thư, rồi ngước lên và nói với Dole: "Tôi nghĩ rằng ngài có một cơ hội tuyệt vời."

    Từ tòa công sứ Mỹ, Dole hướng đến văn phòng luật Smith, những mưu gia đang tập trung ở đây. Ông nói với họ rằng ông đã sẵn sàng lãnh đạo chính phủ mới của họ, và họ vỗ tay hoan hô ông. Với sự lễ độ đã thấm sâu vào máu, ông tiếp tục đến Tòa nhà Chính phủ và đệ đơn từ chức đến Tòa án tối cao. Khi vừa làm xong chuyện đó, ông nhận ra rằng chỗ đó đã không còn bất cứ quyền lực nào nữa.

    Cảnh sát trưởng của nữ hoàng, Charles Wilson, vẫn chưa cam chịu rằng chế độ quân chủ đã bị đánh đổ. Ông ra lệnh cho ngự lâm quân chuẩn bị hành động, và có một lúc nào đó, dường như là sẽ có một trận đánh nổ ra. Trong tay các vị bộ trưởng nội các có khoảng 550 binh lính và sĩ quan cảnh sát, hầu hết trong số họ được trang bị súng trường, và mười bốn khẩu pháo. Chưa vị bộ trưởng nào từng nghĩ đến việc có nên huy động lực lượng đó để chiến đấu với quân thù hay không. Họ rất cần ai đó nói cho họ biết là phải làm gì. Không có ai khác để tham khảo ý kiến, họ triệu tập vài vị đại sứ nước ngoài tại Honolulu. Tất cả đều có mặt ngoại trừ Stevens đang bệnh. Mọi người đều cho là không nên kháng cự.

    Sáng hôm đó, những giọt máu duy nhất của cuộc cách mạng đã đổ xuống. Một trong những mưu gia, John Good, đã dành nhiều thì giờ thu thập vũ khí và đạn dược. Khi ông đánh cỗ xe nặng trĩu qua giao lộ Fort và King, một sĩ quan cảnh sát đã cố dừng xe ông lại. Ông rút súng ra và bắn thủng vai viên cảnh sát, rồi đi tiếp.

    Trong một nỗ lực cuối cùng để chống lại một định mệnh không thể tránh khỏi, nữ hoàng ra lệnh cho toàn bộ nội các lập tức đến gặp Stevens. Ông chỉ đồng ý tiếp một trong bốn vị bộ trưởng, Tổng chưởng lý Peterson, ông này đã nói với ông rằng nội các vẫn là chính phủ chính thức của Hawaii. Stevens chẳng quan tâm. Ông tiễn Peterson cùng một lời cảnh báo rằng nếu các "phần tử nổi dậy bị tấn công hoặc bị bắt giữ bởi lực lượng của Nữ hoàng, quân đội Mỹ sẽ can thiệp."

    Lính Mỹ đổ bộ không phải là để duy trì hòa bình mà để đảm bảo cho cuộc nổi loạn thành công, điều này là quá rõ ràng. Nó cũng đánh dấu sự diệt vong của chế độ quân chủ. Giờ chỉ còn phải làm sao để biến các hành động này trở thành chính thức, và ngay hai giờ chiều hôm đó, quân nổi dậy đã làm xong. Họ tập trung ở phía trước Tòa nhà Chính phủ, nơi đóng đô chính thức của các thế lực chính trị ở Hawaii, và một trong số họ, Henry Cooper, người mới chỉ đặt chân đến vùng này hai năm trước, tiến lên phía trước. Trong tay ông là bản tuyên bố mà Thurston đã đọc từ giường bệnh sáng hôm ấy. Có khoảng sáu mươi binh sĩ Mỹ đứng gần đó, ông đọc to lời tuyên bố cho một đám đông nhỏ.

    Điều cốt yếu nhất được tuyên bố ngay từ đầu: "Chính phủ quân chủ Hawaii đã bị bãi bỏ." Tiếp theo là tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời "để tồn tại cho đến khi các điều khoản của việc hợp nhất với Hoa Kỳ được đàm phán và ký kết"; chỉ định Sanford Dole đứng đầu chính phủ, và ban bố rằng tất cả các công chức của chính quyền cũ có thể tiếp tục công việc của họ, ngoại trừ sáu người sau đây: Wilson, bốn vị bộ trưởng nội các và Nữ hoàng Liliuokalani.

    Vài chục khán giả reo hò cổ vũ. Khi không khí lắng xuống, Dole và ba người khác trong "Hội đồng điều hành" mới bước vào tòa nhà chính phủ. Tại văn phòng làm việc của các bộ trưởng nội các cũ, họ chỉ thấy có vài nhân viên. Các bộ trưởng đã dời sang đồn cảnh sát gần đó và đang bận rộn soạn thảo một bản yêu sách khác gửi Stevens. Vào lúc này, họ vẫn hy vọng kẻ hành hình sẽ đột nhiên biến thành người giải cứu. Không huy động quân đội kháng cự, họ cũng chẳng biết làm gì khác.

    Trong văn kiện chính thức cuối cùng này, các bộ trưởng đã viết cho Stevens: "Một số kẻ phản nghịch hiện nay đã chiếm Tòa nhà Chính phủ ở Honolulu. Nội các của Nữ hoàng muốn được biết liệu Hoa Kỳ có công nhận cái Chính phủ lâm thời ấy không, và nếu không, Chính phủ của Nữ hoàng trong tình hình hiện nay trân trọng yêu cầu sự hỗ trợ từ Chính phủ quý quốc để giữ gìn nền hòa bình của đất nước chúng tôi."

    Khi các bộ trưởng đang thảo bức thư này, Dole và các đồng sự của ông cũng đang làm việc tại Tòa nhà Chính phủ, bận rộn phân công nhiệm vụ, gửi đi thư từ và những bản tuyên bố. Quân đội Mỹ đứng bảo vệ bên ngoài. Sau đó, vào khoảng bốn giờ rưỡi, một sứ giả đến với các giấy tờ công nhận chiến thắng của các mưu gia. Đó là lời tuyên bố chỉ có một câu của Stevens:
    Một chính phủ lâm thời đã được thành lập hợp lệ tại nơi đóng đô Chính phủ trước đó của Nữ hoàng Liliuokalani, và chính phủ lâm thời nói trên giờ đây đã chiếm được Tòa nhà Chính phủ, Kho Lưu trữ cũng như Kho bạc và đang kiểm soát thủ phủ của quần đảo Hawaii, vậy tôi xin công nhận Chính phủ lâm thời nói trên là chính phủ cách mạng(10) của quần đảo Hawaii.​
    Cả nữ hoàng và nội các của bà chưa ai tuyên bố đầu hàng, mà cũng chẳng có ai yêu cầu họ phải làm vậy. Một trong những mưu gia, Samuel Damon, một cựu cố vấn của nữ hoàng và vẫn còn giữ mối quan hệ tốt với bà, quyết định rằng ông nên là người yêu cầu bà làm điều đó. Ông bước đến đồn cảnh sát gần đó và thấy các bộ trưởng nội các đang tranh cãi xem nên làm gì tiếp theo. Họ xúm lấy ông mà phản đối trong vài phút. Ông chỉ đơn giản nói với họ những sự kiện vừa xảy ra và ý nghĩa của chúng. Hoa Kỳ đã công nhận chế độ mới, chế độ cũ phải đầu hàng.

    Ít nhất thì các vị bộ trưởng nội các cũng cảm thấy đau đớn dằn vặt một chốc, nhưng với một chiếc tàu vũ trang của Mỹ nằm trong bến cảng và 162 lính Mỹ trên bờ, họ biết họ thua rồi. Họ đã đồng ý đi cùng Damon báo tin xấu cho nữ hoàng. Theo một người chép sử sau này đã viết: "Các vị bộ trưởng và những người khác tại cuộc họp đã ép bà rằng phản kháng là vô ích, bởi vì bọn đảo chính cùng phe với Mỹ". Bà đuổi cả phái đoàn đi, cầm bút lên và viết một lời tuyên bố sắc sảo và được lựa chọn từ ngữ cẩn thận. Đó là một lời tuyên bố đầu hàng nhưng không thoái vị, và bà đã nói rõ rằng bà rút lui chỉ vì áp lực của Mỹ.
    Ta, Liliuokalani, chịu Ơn Chúa theo Hiến pháp của vương quốc, Nữ hoàng, lúc này đây long trọng phản đối bất kỳ và tất cả mọi hành vi chống lại ta và Chính phủ hiến pháp của Vương quốc Hawaii sau khi một vài người tuyên bố thành lập một chính phủ lâm thời của Vương quốc và để lãnh đạo Vương quốc này.

    Ta chịu thua trước lực lượng vượt trội của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, vị đặc mệnh toàn quyền của họ John L. Stevens đã huy động quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên Honolulu và tuyên bố rằng ông sẽ ủng hộ chính phủ lâm thời nói trên.

    Bây giờ, để tránh nổ ra bất kỳ sự đụng độ nào giữa các lực lượng vũ trang mà có thể gây ra những thiệt hại về tính mạng, ta, miễn cưỡng và bị bắt buộc bởi lực lượng nói trên, tuyên bố từ bỏ quyền lực của ta cho đến khi nào Chính phủ Hoa Kỳ, dựa vào các sự kiện sẽ được trình bày cho họ, quyết định hủy bỏ toàn bộ các động thái của vị đại sứ và khôi phục cho ta quyền trị vì quần đảo Hawaii theo đúng hiến pháp.​
    Sau khi ký tên văn kiện này, nữ hoàng ra lệnh cho các vị bộ trưởng nội các từ bỏ quyền kiểm soát đồn cảnh sát và các doanh trại quân đội. Ủy ban An toàn tiếp nhận mà không xảy ra sự cố nào. Dole đã gửi một bức thư cho Stevens thể hiện "lòng biết ơn sâu sắc" đối với việc công nhận nhanh chóng của chính phủ ông ta.

    Thurston lật đổ chế độ quân chủ Hawaii với một nhóm nòng cốt chưa đến ba mươi người. Họ có lẽ đã cho rằng họ thực hiện một cuộc cách mạng cho Hawaii, và họ đã nghĩ sao làm vậy. Tuy nhiên, nếu không có sự hiện diện của Stevens hoặc một bộ trưởng Mỹ khác với cùng suy nghĩ, họ có thể đã không bao giờ dám thử làm gì. Một bộ trưởng kiểu khác có thể sẽ trừng trị bọn phiến loạn ở Hawaii chứ không phải hỗ trợ quân sự cho họ. Nếu vậy thì những doanh nhân ấy sẽ gần như là vô vọng.

    Mặc dù Stevens là một người ủng hộ không nao núng, ông cũng không phải là một trường hợp lạ. Ông được cử đến Hawaii để xúc tiến việc sáp nhập, và những người đã cử ông đi, Tổng thống Harrison và Ngoại trưởng Blaine, biết chính xác những gì sẽ xảy ra. Theo các nhà phê bình sau này đã nói, sự thật là Stevens đã hành động mà không có lệnh rõ ràng từ Washington. Ông chắc chắn đang lạm quyền khi huy động quân lên bờ, đặc biệt là khi ông biết rằng cái gọi là "tạo ra báo động và khủng bố" mà Ủy ban An toàn báo cáo cho ông chỉ là bịa đặt. Tuy nhiên, ông đã làm những gì tổng thống và bộ trưởng ngoại giao muốn. Ông đã sử dụng quyền lực của mình và cả của họ để lật đổ chế độ quân chủ Hawaii. Điều đó khiến ông trở thành người Mỹ đầu tiên chỉ đạo việc lật đổ một chính phủ nước ngoài.

    ---
    (10) Ở đây dùng tính từ de facto nghĩa là (nói về chính phủ) hình thành từ một cuộc đảo chính hoặc một cuộc cách mạng, chứ không do dân bầu ra.
     
  7. bun_oc

    bun_oc VIP

    2
    KẸT CỨNG TRÊN ĐẤT GOO-GOO
    (1)

    Sự hứng khởi bao trùm Cuba trong những ngày cuối năm 1898 đã gần như ngoài sức tưởng tượng. Đất nước của họ bị giày xéo bởi cuộc nổi loạn ba mươi trời, và chịu đựng những đày đọa cùng cực trong suốt mấy năm gần đây. Mùa hè năm đó, khi cuộc nổi dậy của họ lên đến cao trào, quân đội Mỹ đã đến để giúp họ tung ra đòn quyết định kết thúc ba thế kỷ cai trị của thực dân Tây Ban Nha. Giờ đây, chiến thắng cuối cùng cũng đã đến, những người ái quốc Cuba và người bạn Mỹ của họ đang chuẩn bị cho buổi tiệc lớn nhất trong lịch sử của hòn đảo.

    Các nhà lãnh đạo của "Ủy ban Ái quốc Kháng chiến" tại Havana dự tính dành hẳn một tuần cho các lễ hội, bắt đầu vào ngày đầu năm mới. Sẽ có những buổi khiêu vũ đông vui, những cuộc đua thuyền hoành tráng, bắn pháo hoa, các bài phát biểu, và một buổi dạ tiệc để vinh danh các vị chỉ huy quân khởi nghĩa chiến thắng. Hàng ngàn binh sĩ Cuba sẽ diễu hành qua các đường phố để được cả nước tung hô vì biết ơn.

    Tuy nhiên, ngay khi lễ kỷ niệm sắp được khai mạc, vị chỉ huy quân sự mới được bổ nhiệm của Mỹ ở Cuba, Tướng John Brooke, đã ra một thông báo gây choáng váng. Ông ra lệnh hủy bỏ toàn bộ chương trình. Ông không chỉ hủy bỏ các cuộc diễu binh, mà còn ra lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với thành Havana. Hơn thế nữa, vị tướng tuyên bố rằng Hoa Kỳ không công nhận quân nổi dậy và muốn đội quân này phải giải tán.

    Sự thay đổi thái độ một cách hoàn toàn và đột ngột này khiến những nhà ái quốc Cuba căm giận, đặc biệt là hàng ngàn người đã chiến đấu lâu dài và kiên trì để giành lấy độc lập. Vào phút cuối, Mỹ đã tước bỏ mơ ước bỏng cháy của họ là một nền độc lập. Nhiều năm sau, họ và các thế hệ con cháu của họ ngày càng giận dữ khi chứng kiến những cách thức khác nhau mà tên bạo chúa mới này sử dụng, bao gồm cả việc cử đến đây những tên độc tài để cai trị Cuba.

    Người Cuba nằm trong số những người đầu tiên cảm nhận được tác động của những thay đổi sâu sắc đã định hình lại tinh thần Mỹ quốc vào cuối thế kỷ XIX. Khi đó, đột nhiên người Mỹ không còn hài lòng với vùng lãnh thổ mà họ chiếm giữ trên lục địa Bắc Mỹ. Chiếm hết tâm trí họ là một ý tưởng mới vĩ đại về một nước Mỹ có tầm ảnh hưởng mở rộng ra toàn thế giới. Theo nhà sử học Louis Perez, năm 1898 “là một năm bước ngoặt, là thời điểm có tính chất quyết định để định ra những gì diễn ra sau đó, trong năm đó kết thúc và khởi đầu đồng thời xảy ra: tình thế đặc biệt của hoàn cảnh lịch sử thường là để vạch rõ phân biệt hai thời đại lịch sử với nhau."

    Bành trướng lãnh thổ không còn là khái niệm mới đối với người Mỹ. Họ đã tiến mãi về phía tây kể từ khi những người định cư đầu tiên đến Jamestown và Plymouth(2). Trong quá trình đó họ chiếm đoạt cả một lục địa lớn, giết hoặc xua đuổi gần như tất cả cư dân bản địa ở đó. Vào những năm 1840, trong trận đụng độ đầu tiên của họ trong cuộc chiến tranh đế quốc(3), họ lấn một nửa lãnh thổ Mexico. Nhiều người bắt đầu tin rằng Hoa Kỳ đã có một "vận mệnh hiển nhiên"(4) để chiếm đoạt và định cư trên toàn bộ vùng lãnh thổ nằm giữa Canada, Vịnh Mexico, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương(5). Tuy vậy, cái ý tưởng tiến xa hơn nữa vẫn còn khá mới mẻ.

    Nhiều tháng sau cuộc cách mạng năm 1893 ở Hawaii, các nhà lãnh đạo mới của nước này đã tìm cách sáp nhập vào Hoa Kỳ, nhưng Tổng thống Grover Cleveland, người vừa tiếp nhiệm Benjamin Harrison vào tháng 3 năm đó, vẫn bỏ ngoài tai. Ông đã hoàn toàn đúng khi tuyên bố rằng đa số người Mỹ không tán thành việc sáp nhập các vùng đất xa xôi "vì việc này không chỉ đi ngược với chính sách quốc gia, mà còn bóp méo sứ mệnh quốc gia." Năm năm sau, sự đồng thuận này bay biến cả. Bất thình lình xuất hiện một yêu sách đòi bành trướng lãnh thổ ra các vùng biển xung quanh, vụ này ầm ĩ khắp cả nước. Đây là vụ đảo chiều công luận nhanh chóng và toàn diện nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

    Nền tảng cho sự đổi hướng bất ngờ này là ở một số ít các tác giả và trí thức nhìn xa trông rộng. Năm 1893, một trong số họ, Frederick Jackson Turner, đã công bố một trong những bài viết khiêu khích chưa từng có trong giới sử gia Hoa Kỳ. Khởi đầu, ông dẫn số liệu thống kê dân số quốc gia năm 1890, rồi đi đến kết luận nổi tiếng rằng không còn khái niệm biên giới ở Hoa Kỳ(6). Điều đó "đã kết thúc giai đoạn đầu tiên của lịch sử nước Mỹ", Turner tuyên bố, và đặt ra hai lựa chọn khắc nghiệt. Hoặc là đất nước này tự khẳng định là nó hài lòng với kích thước hiện tại của nó, một kích thước chưa từng có từ trước đến nay. Hoặc là nó tìm kiếm lãnh thổ bên ngoài lục địa Bắc Mỹ. Trong bài báo và những bài viết tiếp theo của ông, độc giả không còn nghi ngờ gì về cái lựa chọn mà Turner tin là khôn ngoan hơn.
    Trong gần ba thế kỷ, điều ám ảnh trong đời sống nước Mỹ là việc bành trướng. Nhưng khi đã định cư ở bờ biển Thái Bình Dương và chiếm đoạt được hết các vùng đất tự do, chúng ta phải xem xét lại phong trào này. Sẽ thật hấp tấp nếu tiên đoán rằng khát khao bành trướng sẽ không còn nữa; và tất cả những đòi hỏi về một chính sách đối ngoại mạnh mẽ, về một con kênh nối hai đại dương(7), về sự hồi sinh của sức mạnh trên biển của chúng ta, cũng như về việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ đến các đảo ngoại biên và các nước lân cận, đều là dấu hiệu cho thấy phong trào sẽ tiếp tục.​
    Một nhà triết học kiêm thủy thủ(8) đã hiện thực hóa những lời kêu gọi như thế này vào một kế hoạch hành động, đó là thuyền trưởng Alfred Thayer Mahan, giám đốc trường Đại học Chiến tranh Hải quân(9) mới thành lập. Cuốn sách Ảnh hưởng của Sức mạnh Hải quân trong Lịch sử của ông cho rằng không một quốc gia nào đã từng lớn mạnh mà không kiểm soát nổi thị trường nước ngoài và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước khác. Ông khẳng định: Để có thể kiểm soát, một quốc gia phải duy trì một lực lượng hải quân đủ mạnh để bảo vệ đội tàu buôn của nó và áp đảo các nước không hợp tác nhằm mở cửa thị trường thương mại và đầu tư của họ. Một lực lượng hải quân đáp ứng tham vọng như vậy cần một mạng lưới căn cứ quân sự trên toàn thế giới. Áp dụng những luận điểm này vào trường hợp Hoa Kỳ, Mahan kêu gọi rằng không chỉ phải nhanh chóng xây dựng một con kênh xuyên Trung Mỹ mà còn phải thiết lập các căn cứ quân sự ở vùng Caribê, Thái Bình Dương, và ở bất cứ nơi đâu nước này muốn giao thương.

    Mahan viết: "Dù muốn hay không, bây giờ người Mỹ phải bắt đầu phóng tầm mắt ra bên ngoài. Nền sản xuất đang tăng trưởng của đất nước đòi hỏi điều đó."

    Mahan là tâm điểm của Washington những năm 1890. Ông xuất hiện trước ủy ban quốc hội và phát triển tình bạn thân thiết với các chính trị gia đầy quyền lực. Thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge của bang Massachusetts, một người theo chủ nghĩa bành trướng hàng đầu, đã coi những bài viết của ông là kinh điển(10). Theodore Roosevelt đã viết một lời đánh giá sôi nổi cho cuốn sách của ông và thư từ qua lại với ông về các vấn đề sức mạnh hải quân cũng như sự sáp nhập các quần đảo xa xôi. Bộ ba này - Lodge tại Quốc hội, Roosevelt trong bộ máy hành pháp và Mahan trong tâm trí của người dân - đã trở thành Thiên Chúa Ba Ngôi trong chủ nghĩa bành trướng Mỹ quốc.

    Họ và những người có cùng suy nghĩ trình bày quan điểm của họ theo nhiều cách khác nhau. Một số lập luận rằng Hoa Kỳ phải “hớt tay trên” các vùng lãnh thổ mới trước các cường quốc châu Âu, hoặc thậm chí Nhật Bản. Những người khác lại nhấn mạnh khía cạnh truyền giáo của chủ nghĩa thực dân, cho rằng nghĩa vụ của các dân tộc "tiến bộ" hơn là phải khai hóa thế giới. Giới tướng lĩnh quân đội thì cho rằng nếu Mỹ có vị thế quân sự càng mạnh mẽ thì nước này sẽ càng có sức mạnh nhiều hơn và ngân sách lớn hơn. Tuy nhiên, sức thuyết phục nhất của những lập luận này luôn trở lại một điểm quan trọng duy nhất.

    Đến cuối thế kỷ XIX, các trang trại và nhà máy ở Hoa Kỳ đã sản xuất hàng hóa nhiều hơn đáng kể so với sức tiêu thụ của người Mỹ. Để đất nước có thể tiếp tục đà tăng trưởng, họ cần thị trường nước ngoài. Thị trường này không nằm ở châu Âu, ở đó các chính phủ, cũng giống như Hoa Kỳ, bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa sau những bức tường thuế quan cao ngất ngưởng. Người Mỹ phải tìm đến các nước xa xôi, các nước nhỏ lực yếu, các nước có thị trường rộng lớn và giàu tài nguyên nhưng vẫn chưa bị đặt dưới ách đô hộ của bất kỳ cường quốc nào.

    Việc tìm kiếm ảnh hưởng ở nước ngoài này ám ảnh nước Mỹ năm 1898. Truyền bá dân chủ, truyền bá Kitô giáo đến những quốc gia ngoại đạo, xây dựng lực lượng hải quân mạnh mẽ, thiết lập căn cứ quân sự trên toàn thế giới, và đem chính phủ nước ngoài đặt dưới tầm kiểm soát của Mỹ; tất cả những việc đó không bao giờ kết thúc. Đó là cách để Hoa Kỳ đảm bảo nước này có thể tiếp cận các thị trường, các nguồn tài nguyên và tiềm năng đầu tư ở các vùng đất xa xôi.

    Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 25 năm cuối thế kỷ XIX, đa phần sự giàu có tuyệt vời của đất nước chỉ đến với một vài ngàn nhà tư bản đứng đầu của các ngành công nghiệp. Điều kiện sống của hầu hết những người bình thường ngày một xấu đi. Cho đến năm 1893, một phần sáu số công nhân Mỹ bị thất nghiệp, và nhiều người trong số có việc làm vẫn phải sống dựa vào đồng lương bèo bọt. Sụt giảm giá nông sản trong những năm 1890 đã giết chết cả một thế hệ nhà nông nhỏ lẻ. Đình công và bạo loạn nổ ra khắp nơi, từ New York, Chicago cho đến California. Phong trào xã hội chủ nghĩa và vô chính phủ bắt đầu thu hút đông đảo quần chúng. Năm 1894, Ngoại trưởng Walter Gresham, khi phản ánh một nỗi lo sợ đang lan rộng, cho biết ông đã thấy "những triệu chứng của cách mạng" trên khắp cả nước.

    Nhiều chủ doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo chính trị đã kết luận rằng cách duy nhất để nền kinh tế Mỹ có thể mở rộng một cách nhanh chóng, đủ để đối phó với những mối đe dọa này, đó là tìm kiếm những thị trường mới ở nước ngoài. Trong số đó có Bộ trưởng Ngân khố của Tổng thống Cleveland, John Carlisle, ông này đã cảnh báo trong báo cáo thường niên của mình năm 1894 rằng "sự thịnh vượng của dân chúng phụ thuộc phần lớn vào khả năng họ bán được các sản phẩm dư thừa tại thị trường nước ngoài với giá cả có lợi." Thượng nghị sĩ Albert Beveridge của bang Indiana cũng đi đến kết luận tương tự, ông khẳng định: "Các nhà máy Mỹ đang sản xuất nhiều hơn nhu cầu của người dân Mỹ; đất đai ở Mỹ đang cho thu hoạch nhiều hơn số lượng mà người dân có thể tiêu thụ. Chính số phận đã thảo ra chính sách cho chúng ta. Việc buôn bán của thế giới phải là của chúng ta và sẽ là của chúng ta."
    ***
    Cuba là hòn đảo lớn nhất trong vùng biển Caribê và cũng là thành trì vĩ đại cuối cùng ở châu Mỹ của đế chế Tây Ban Nha rộng lớn một thời. Hòn đảo này đang ở trong tình trạng hỗn loạn kéo dài suốt nửa sau của thế kỷ XIX. Những nhà ái quốc ở đó chiến đấu ròng rã mười năm trời để giành độc lập, mà kết quả là một thỏa thuận đình chiến tạm thời năm 1878, và nổi loạn trở lại năm 1879-1880. Lần tấn công thứ ba của họ nổ ra vào năm 1895. Tổng tham mưu trưởng của chiến dịch này là một nhân vật tài năng quá mức, vừa là luật sư, nhà ngoại giao, nhà thơ và cũng là nhà viết tiểu luận, José Martí, dù đang phải lưu vong ở New York vẫn có thể tập hợp một loạt các phe phái ở cả Cuba và cả trong cộng đồng lưu vong dưới ngọn cờ thống nhất. Thành công của ông đã thuyết phục hai nhà cầm quân nổi tiếng từ cuộc chiến đầu tiên là Máximo Gómez và Antonio Maceo, vốn đã cáo lão, cầm súng trở lại. Sau khi lập kế hoạch cẩn thận, ba người bọn họ trở lại hòn đảo vào mùa xuân 1895 và phát động một cuộc nổi dậy mới. Martí do khăng khăng đòi dẫn đầu đoàn quân nên đã bị giết chết sau một vài vụ đụng độ của phiến quân. Đồng đội ông đã đăng lá thư cuối cùng còn đang dang dở của ông trên bảng tin tại khu doanh trại. Trong lá thư đó, ông không chỉ thúc giục đồng bào mình giải phóng quê hương khỏi thực dân Tây Ban Nha mà còn kêu gọi họ "vì sự độc lập của Cuba mà hãy ngăn chặn Hoa Kỳ bành trướng khắp quần đảo Tây Ấn(11), từ đó tấn công những vùng khác của châu Mỹ."

    Quân nổi dậy đã giành được nhiều lợi thế vững chắc, và vị chỉ huy quân Tây Ban Nha, Tướng Valeriano Weyler, phải áp dụng những chiến thuật rất quyết liệt hòng đẩy lùi những bước tiến đó. Ông lệnh cho binh lính dồn một lượng lớn chiến sĩ Cuba vào trận địa kiên cố, hàng ngàn người đã bị giết, và ông tuyên bố nhiều vùng nông thôn là khu vực chiến sự(12). Quân nổi dậy đáp trả bằng cách đốt các trang trại, giết hại hàng đàn gia súc và phá hủy các nhà máy đường. Chẳng bao lâu sau phần lớn dân số lâm vào tình trạng thiếu đói, giận dữ, cay đắng và hăng hái hơn bao giờ hết trong việc ủng hộ công cuộc giải phóng dân tộc.

    Mùa xuân năm 1897, William McKinley thuộc đảng Cộng hòa, vốn được giới doanh nhân miền Trung Tây ủng hộ, đã vượt qua ứng cử viên chống chủ nghĩa đế quốc Grover Cleveland thuộc đảng Dân chủ và trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng như hầu hết người Mỹ khác, McKinley từ lâu vốn coi thực dân Tây Ban Nha là tai họa đối với Cuba. Tuy nhiên, cái viễn cảnh người Cuba tự lãnh đạo đất nước họ thậm chí còn làm ông lo lắng hơn. Ông lo rằng một nước Cuba độc lập sẽ trở nên quá quyết đoán và không tuân phục Washington.

    McKinley có lý do để lo âu. Các nhà lãnh đạo phiến quân Cuba đã hứa hẹn rằng một khi nắm quyền, họ sẽ triển khai những cải cách xã hội sâu rộng, bắt đầu bằng việc chia lại ruộng đất. Điều đó gây cho giới doanh nhân Hoa Kỳ một nỗi lo sợ sâu thẳm, vì họ đã đầu tư hơn 50 triệu đôla lên hòn đảo này, phần lớn là vào nông nghiệp. Đầu năm 1898, McKinley quyết định rằng đã đến lúc phải gửi cho cả hai bên chiến tuyến một thông điệp mạnh mẽ. Ông ra lệnh cho chiến hạm Maine rời Hạm đội Đại Tây Dương và hướng tới Havana.

    Về mặt ngoại giao, Maine chỉ đơn giản là đang thực hiện một "chuyến thăm hữu nghị", nhưng không ai ở Cuba thực sự tin tưởng lời giải thích đó. Tất cả đều nhận ra rằng con tàu ấy đến với hai vai trò "danh thiếp" và “pháo hạm”, một biểu tượng của quyết tâm Hoa Kỳ hòng kiểm soát các diễn biến tại vùng biển Caribê. Ba tuần liền nó chỉ lặng lẽ thả neo tại Havana. Sau đó, vào đêm 15 tháng Hai năm 1898, con tàu bị xé toang sau một tiếng nổ khủng khiếp. Hơn 250 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Tin tức về thảm họa đó gây chấn động Hoa Kỳ. Mọi người đều đoán là do Tây Ban Nha, và khi phía hải quân công bố một bản báo cáo trong đó họ cho rằng thảm họa xảy ra là do "một vụ nổ từ ngoại bang", thì giả định của họ đã chuyển thành chắc chắn.

    Nhiều người Mỹ đã dâng lên lòng thù hận đối với thực dân Tây Ban Nha và lòng quyến luyến đầy lãng mạn với ý tưởng "Cuba Libre".(13) Cảm xúc của họ bùng cháy sau một loạt các bài báo cực kỳ giật gân đã một thời gây nên chương xấu hổ nhất trong lịch sử báo chí Hoa Kỳ. William Randolph Hearst, chủ biên tờ New York Journal và một chuỗi các tờ báo khác trên khắp đất nước, đã thu hút độc giả trong nhiều tháng bằng chuỗi bài chỉ trích thực dân Tây Ban Nha đầy mạnh mẽ. Cũng như vô số người khác tìm cách đẩy Hoa Kỳ vào con đường chiến tranh, ông biết rằng ông cần một nhân vật phản diện, một cá nhân có thể hứng chịu sự phẫn nộ của công chúng. Vào thời điểm đó vua Tây Ban Nha chỉ là một cậu bé mười bốn tuổi, và nhiếp chính là mẹ ngài, vị công chúa của nước Áo, do đó trong hai người này không ai làm đối tượng được. Hearst hướng dư luận đến Tướng Weyler, và cho đăng tải một loạt các câu chuyện kinh hoàng khiến ông này trở thành hiện thân của tội lỗi.

    "Weyler, tên vũ phu, kẻ hủy diệt các đồn điền xưởng máy, kẻ lăng nhục phụ nữ… hắn nhẫn tâm, lạnh lùng, một kẻ diệt chủng", một bài báo đã chạy tít như vậy. "Không gì có thể ngăn bộ não súc sinh và trần tục ấy không đau đáu nghĩ ra những phương cách tra tấn bỉ ổi, đồi trụy và đẫm máu."

    Nghe tin về vụ đắm tàu Maine, Hearst nhận ra đó là một cơ hội tuyệt vời. Trong nhiều tuần sau vụ nổ, ông ta liên tiếp tung những số báo đầy kín những tin sốt dẻo dối trá, những cuộc phỏng vấn ngụy tạo với các quan chức chính phủ giấu tên, và những lời tuyên bố rằng chiến hạm đã bị "phá hủy do bị bội phản" và "bị xé toang bởi một cỗ máy bí mật của kẻ thù đến từ địa ngục". Lượng phát hành tờ nhật báo Journal tăng gấp đôi trong bốn tuần. Các tờ báo khác cũng tham gia cơn điên này, và chiến dịch của họ khiến người Mỹ gần như cuồng loạn.

    Với cảm xúc mãnh liệt dấy lên khắp nước Mỹ như vậy, thật dễ dàng để McKinley gạt sang một bên những đề nghị mà Thủ tướng Tây Ban Nha Praxedes Sagasta liên tục đưa ra nhằm giải quyết các xung đột tại Cuba một cách hòa bình. Là một thành viên đảng Tự do có tư tưởng tân tiến, Sagasta hiểu rằng các chính sách thực dân của đất nước mình đã đẩy đế chế của chính nó đến bờ vực sụp đổ. Ngay sau khi nhậm chức vào năm 1897, ông đã thay vị Weyler đáng ghét, và sau đó cố gắng xoa dịu phiến quân bằng cách trao cho họ quyền lãnh đạo đất nước của chính họ. Phe phiến quân thấy rằng chiến thắng đã trong tầm tay nên từ chối đề nghị này. Điều đó càng khiến cho Sagasta nhiệt tình hơn khi chính thức đề xuất việc trao trả hòa bình lại cho Cuba, và trong mùa xuân 1898, ông đã nhiều lần đề nghị dàn xếp với Hoa Kỳ. Bác bỏ những lời đề nghị này với lý do là không thành thật, McKinley và phe ủng hộ ông nói rằng họ đã mất kiên nhẫn với Tây Ban Nha và đã quyết tâm giải quyết vấn đề Cuba bằng vũ lực.

    Đằng sau cuộc trao đổi gay go của hai nước ấy là một thực tế rõ ràng. Rất có thể các cuộc đàm phán sẽ đưa đến một Cuba độc lập mà không một nước nào kể cả Mỹ có thể đặt căn cứ quân sự tại đó. Điều này không phải là kết quả McKinley mong muốn, và nó cũng làm kinh hoàng những người theo chủ nghĩa bành trướng như Roosevelt, Lodge và Mahan. Lodge sẵn sàng làm mọi thứ để cảnh báo McKinley rằng nếu ông không can thiệp, ông sẽ đánh mất cơ hội của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm đó.
    Ông nói với tổng thống: "Nếu chiến tranh ở Cuba tiếp tục kéo dài lê thê suốt mùa hè mà không có chuyển biến gì, chúng ta sẽ thất cử một cách “hoành tráng” nhất từ trước tới nay."

    Nhiều năm sau, nhà sử học Samuel Eliot Morison khi tìm hiểu những nỗ lực của Tây Ban Nha trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Cuba một cách hòa bình đã kết luận: "Tổng thống nào cũng vậy thôi, chỉ cần có một ít tham vọng và ngoan cường thì sẽ nắm lấy cơ hội này để tìm một giải pháp danh dự." Tuy nhiên, giải pháp như vậy sẽ không đem đến cho Hoa Kỳ điều mà nước này tìm kiếm. Họ chỉ có thể đoạt được nó thông qua một cuộc chinh phục. McKinley hiểu điều này, và vào ngày 11 tháng 4, ông đã yêu cầu Quốc hội cho phép "can thiệp bắt buộc" tại Cuba.

    Bước tiến này đã cảnh báo các nhà lãnh đạo cách mạng Cuba. Từ lâu họ tin rằng, theo cách nói của Tướng Maceo, “thà tự nổi dậy hoặc bị đánh bại mà không cần sự giúp đỡ từ ngoại bang hơn là phải ký kết một khế ước ân huệ với một người hàng xóm đầy quyền lực như vậy". Nhà tư vấn pháp luật của phe khởi nghĩa Horatio Rubens, đang ở New York, đã cảnh báo rằng sự can thiệp của Mỹ chính là "một lời tuyên bố chiến tranh của Hoa Kỳ chống lại lực lượng cách mạng Cuba" và tuyên bố rằng nghĩa quân sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ hòng chiếm được quần đảo này "bằng vũ lực, dù phải chịu gian nan và kiên trì như khi chiến đấu chống lại quân đội Tây Ban Nha."

    Những lời phản đối như thế này có ảnh hưởng lớn ở Washington, nơi những lời kêu gọi tinh thần "Cuba Libre" vẫn còn làm lay động nhiều trái tim. Các thành viên Quốc hội đã miễn cưỡng bỏ phiếu cho giải pháp chiến tranh của McKinley trong khi nhân dân Cuba phản đối điều này. Họ đã không thông qua việc sáp nhập Hawaii sau khi họ nhận ra rõ ràng rằng hầu hết người dân Hawaii không tán thành ý tưởng này. Giờ đây, năm năm sau đó, người Mỹ vẫn cho thấy sự miễn cưỡng như vậy. Nhiều người đã không thoải mái với việc gửi binh sĩ hỗ trợ một phong trào không muốn được Mỹ giúp đỡ. Để đảm bảo rằng Quốc hội sẽ tán thành việc can thiệp ở Cuba, McKinley đã đồng ý thông qua những điều khoản sửa đổi đặc biệt mà Thượng nghị sĩ Henry Teller của bang Colorado đệ trình. Nó bắt đầu lời tuyên bố rằng "nhân dân đảo Cuba có quyền được hưởng tự do và độc lập" và kết thúc bằng một cam kết long trọng: "Hoa Kỳ, trong văn bản này, phủ nhận bất kỳ khuynh hướng hoặc ý định nào trong việc đòi chủ quyền, quyền tài phán, hoặc trong việc kiểm soát hòn đảo nói trên ngoại trừ việc đem lại hòa bình cho hòn đảo đó, và khẳng định quyết tâm của mình rằng khi việc đó được hoàn tất, sẽ trao chính phủ cũng như việc lãnh đạo hòn đảo này cho người dân của nó." Thượng viện hoàn toàn nhất trí thông qua.

    Lời cam kết đó, sau được gọi là Tu chính Teller, đã làm yên lòng phe cách mạng. Một vị lãnh đạo của họ, Tướng Calixto García, đã viết: "Sự thật là họ đã không tham gia vào một cái gọi là chính phủ liên minh với chúng tôi, nhưng họ đã công nhận quyền tự do của chúng tôi, đối với tôi thế là đủ".

    ---
    (1) Theo giải thích trong chương này của tác giả, Goo-goo là cách binh lính Mỹ gọi người bản địa Philippines.
    (2) Jamestown (bang Virginia) và Plymouth (bang Massachusetts) là hai địa điểm đầu tiên mà người châu Âu đặt chân lên châu Mỹ trong làn song di cư bắt đầu từ thế kỷ 17.
    (3) Imperial war (tạm dịch: chiến tranh đế quốc). Trong lịch sử Mỹ không có cuộc chiến tranh nào được gọi là imperial war. Có thể tác giả muốn ám chỉ một giai đoạn bành trướng lãnh thổ lâu dài được thực hiện bằng các cuộc chiến tranh với người bản địa và các quốc gia lân cận (xem phụ lục 2). Thập niên 1840 chỉ có cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Mexico (Mexican-American war) xảy ra trong những năm 1845-1848 do những bất đồng về chủ quyền bang Texas. Kết quả Mỹ thắng.
    (4) Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) là một niềm tin rằng Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Khái niệm này cũng được sử dụng để hô hào và biện hộ cho việc thu phục các lãnh thổ khác. Những người cổ vũ cho khái niệm "Vận mệnh hiển nhiên" tin rằng mở rộng lãnh thổ không chỉ tốt đẹp mà còn là "hiển nhiên" và là "vận mệnh". Ban đầu, "Manifest Destiny" là một câu có tính cách thời thế chính trị trong thế kỷ 19 nhưng dần dần nó trở thành thuật ngữ chuẩn lịch sử, thường được dùng như đồng nghĩa với việc mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ khắp lục địa Bắc Mỹ. (Nguồn: vi.wikipedia.org)
    Do khái niệm này gắn bó khá chặt chẽ với chủ đề cuốn sách, người làm ebook xin đính kèm phần diễn giải, nguồn gốc… của khái niệm này ở Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, cũng như một bài chuyên khảo ngắn về lịch sử bành trướng lãnh thổ của nước Mỹ ở Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, những mong giúp được độc giả nào quan tâm tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này.
    (5) Ban đầu nước Mỹ chỉ là một vùng đất nhỏ bé gồm 13 bang phía đông bắc, sau mới mở rộng đến như hiện nay. Theo như tác giả mô tả thì lãnh thổ trong tham vọng của người Mỹ khi đó còn chồng lấn lên phần lãnh thổ của Mexico hiện nay.
    (6) Bài viết có tên gốc "The Significance of the Frontier in American History", trong đó đưa ra một luận đề làm nên tên tuổi Turner: luận đề Biên giới (Frontier thesis hay Turner thesis), trong đó ông tranh luận về tầm quan trọng của biên giới đối với việc hình thành nhân cách Mỹ. Trong luận đề này, ông nói về quá trình: luôn luôn mở mang bờ cõi – biên giới động (the moving frontier line), cũng như kết quả: nó đem đến nền dân chủ kiểu Mỹ, chủ nghĩa bình đẳng, tự do, bạo lực… Việc bành trướng lãnh thổ liên tục cũng giải thoát người Mỹ khỏi những nền nếp châu Âu, bỏ đi hệ thống tước vị; đất là tự do chiếm hữu, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy nên không còn lãnh chúa, không cần lính canh.
    Ông tin rằng tinh thần và thành công của nước Mỹ gắn bó chặt chẽ với quá trình mở mang bờ cõi về phía Tây. Chính con người miền Tây, chứ không phải miền Đông, mới làm nên những nét đặc trưng của nhân cách Mỹ, khi họ phải thuần hóa tự nhiên. Cứ mỗi thế hệ “tây tiến” 50-100 dặm thì họ lại bỏ đi được nhiều tập tục cũ sáo mòn không còn giá trị, thay vào đó là những giải pháp mới cho những vấn đề mà tự nhiên đặt ra. Bằng cách này, qua nhiều thế hệ, biên giới đã tạo nên các tính cách như suồng sã, bạo lực, thô kệch, dân chủ song cũng đầy sáng kiến mà chúng ta gọi là “người Mỹ”.
    Ông nói “không còn biên giới nữa” là vì lúc này Hoa Kỳ đã mở rộng đến bờ biển Thái Bình Dương, không còn “tây tiến” thêm được nữa.
    (7) Ý nói con kênh nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Lúc này kênh đào Panama mới chỉ là một trong những phương án được cân nhắc, thậm chí nó còn không phải là phương án tốt nhất (phương án tốt nhất là con kênh bắc ngang Nicaragua).
    (8) Philosopher-sailor.
    (9) Naval War College.
    (10) Secular scripture: nghĩa đen là kinh thế tục, nghĩa là những đoạn triết lý trăm năm mới có một lần.
    (11) Vùng Caribe có hơn 7.000 hải đảo, trong đó có quần đảo "Tây Ấn" (West Indies), trải dài hơn 4.000 cây số. Địa danh "Tây Ấn" có nguồn gốc từ chuyến hải hành của Cristoforo Colombo năm 1492 khi ông khám phá ra châu Mỹ. Vì ngộ nhận là ông đã đến xứ Ấn Độ, ông gọi vùng đất đó là "Ấn Độ". Người đời sau phải thêm chữ "Tây" vào để phân biệt với xứ Ấn Độ và Nam Dương mà người Âu châu sau gọi là "Đông Ấn".
    (12) Free-fire zone: khu vực tự do quân sự (hai bên giao chiến được quyền tự do công kích).
    (13) "Cuba Libre": một loại cốc-tai gồm rượu rum, cô-la, đá và nước chanh. Nghĩa đen của cái tên này là “tự do của Cuba”.
     
  8. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 2: Kẹt cứng trên đất Goo-goo (tt)

    Ngày 25 tháng 4, Quốc hội ban bố tình trạng chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha. Các thành viên Hạ viện ăn mừng kết quả bỏ phiếu của họ bằng cách hát vang đoạn điệp khúc của bài "Dixie" và bài "The Battle Hymn of the Republic"(14) khi rời nghị trường. Viên thư ký của McKinley đã viết trong nhật ký rằng: "Tinh thần chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến hoang dã dường như đã chiếm hữu những con người bảo thủ thường nhật này".

    Một đất nước vẫn còn đang phục hồi sau sự chia rẽ cay đắng của cuộc Nội chiến cuối cùng đã có một lý do có thể đoàn kết tất cả mọi người. Tổng thống McKinley kêu gọi 125.000 quân tình nguyện, và hơn gấp đôi số đó đã ùn ùn kéo đến các điểm tuyển quân. Tờ New York Journal đề xuất cho những vận động viên huyền thoại như ngôi sao bóng chày Cap Anson và nhà vô địch quyền anh "Quý ngài" Jim Corbett được tuyển vào lãnh đạo một đơn vị tinh nhuệ. Không chịu thua kém, tờ báo đối thủ New York World tung ra bài viết của Buffalo Bill Cody với tiêu đề "Làm thế nào 30.000 chiến binh da đỏ(15) có thể đánh đuổi quân Tây Ban Nha ra khỏi Cuba!" Theodore Roosevelt tuyên bố rằng ông sẽ thôi vị trí trợ lý Bộ trưởng hải quân để xây dựng và chỉ huy một đơn vị chiến đấu.

    Theo sử gia quân sự Walter Millis đã viết ba mươi năm sau: "Đó là một cuộc chiến tranh can thiệp mà không hề gieo nghi ngại và hồi đó được đánh giá là cao cả nhất. Lịch sử hiếm khi ghi nhận một trường hợp xâm lược quân sự nào trong sáng hơn, mà cũng hiếm khi một cuộc chiến tranh được khởi đầu bằng một niềm tin sâu sắc như vậy về sự công bình của nó."

    Nhiều diễn biến đã nhanh chóng xảy ra trong những tuần sau đó. Roosevelt đã điều(16) Phó Đề đốc George Dewey tiến tới vịnh Manila, Philippines, và tiêu diệt hạm đội Tây Ban Nha đang triển khai ở đó. Dewey đã thực hiện việc này dễ dàng đến kinh ngạc chỉ trong một ngày, ngày 1 tháng 5, khi đưa ra câu quân lệnh nổi tiếng của ông: "Nếu sẵn sàng rồi thì cứ bắn, Gridley."

    Sáu tuần sau, lính Mỹ đổ bộ xuống gần Santiago trên bờ biển phía đông nam Cuba. Họ đã chiến đấu ba trận, mỗi trận kéo dài một ngày, trong đó nổi tiếng nhất là trận mà Roosevelt, mặc quân phục đặt từ Brooks Brothers(17), dẫn đầu một cuộc đột kích lên đồi Kettle, sau này gọi là đồi San Juan. Ngày 3 tháng 7, đội tàu tuần dương Mỹ đã phá hủy một vài con tàu cũ kỹ của hải quân Tây Ban Nha neo tại Santiago. Chẳng bao lâu sau, lực lượng Tây Ban Nha ngừng kháng cự, và các vị chỉ huy, của Cuba là tướng Calixto García và của Mỹ là William Shafter, sẵn sàng chấp nhận sự đầu hàng chính thức của họ. Tuy vậy, trước buổi lễ, Shafter đã khiến García kinh ngạc khi gửi một thông báo nói rằng ông này không thể tham gia vào buổi lễ hoặc thậm chí là không thể tiến vào Santiago. Đó là dấu hiệu đầu tiên báo trước rằng Hoa Kỳ sẽ không giữ lời hứa mà Quốc hội đã tuyên bố trước đó khi thông qua Tu chính Teller.

    Ngày 12 tháng Tám, chỉ hai tháng sau khi quân Mỹ đổ bộ, các nhà ngoại giao đại diện cho Tây Ban Nha và Mỹ đã gặp nhau tại Nhà Trắng và đã ký kết một "nghị định thư hòa bình" kết thúc chiến tranh. Chỉ có 385 lính Mỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, vừa đủ để nhiều hơn số lượng quân lính đã thiệt mạng bởi thổ dân Sioux(18) tại Little Big Horn(19) trong chiến dịch quân sự lớn của đất nước hai mươi hai năm trước. Sau đó có thêm khoảng hai ngàn người nữa chết do thương tật, nhưng thậm chí con số này vẫn còn ít hơn số người đã ngã xuống trong một buổi trong các trận chiến khốc liệt của cuộc Nội chiến. Theo lời vị chính khách Mỹ John Hay, đó là "một cuộc chiến tranh bé nhỏ nhưng tuyệt vời."

    Với chiến thắng giành được, đã đến lúc Hoa Kỳ bắt đầu rút quân và, theo những gì diễn giải trong Tu chính Teller, "trao chính phủ cũng như việc lãnh đạo hòn đảo này cho người dân của nó". Thay vào đó, nước này đã làm điều ngược lại.

    Tại Hoa Kỳ, lòng nhiệt thành đối với việc giành lại độc lập cho Cuba cũng nhanh chóng lụi tàn. Whitelaw Reid, chủ biên tờ New York Tribune và cũng là nhà báo thân cận với Tổng thống McKinley, tuyên bố rằng: "Việc kiểm soát Cuba là tuyệt đối cần thiết đối với an ninh quốc phòng của chúng ta", và phủ nhận Tu chính Teller rằng: đó là "một sắc lệnh tự phủ nhận chỉ có giá trị trong lúc quốc gia đang bị kích động". Thượng nghị sĩ Beveridge cho biết Tu chính này không thể ràng buộc họ bởi Quốc hội đã thông qua nó "trong một khoảnh khắc hào phóng đầy bốc đồng song cũng đầy sai lầm". Tờ New York Times khẳng định rằng người Mỹ có một "nghĩa vụ cao cả" hơn những gì mà lời hứa thiếu khôn ngoan ấy thể hiện, và phải trở thành "chủ sở hữu vĩnh viễn của Cuba nếu người Cuba tỏ ra là họ hoàn toàn không có khả năng tự trị".

    Những tay rường cột của nền dân chủ Mỹ này đã lập luận khá rõ ràng rằng Hoa Kỳ không bắt buộc phải tuân thủ những cam kết, vốn được pháp luật công nhận, nếu sau đó người ta cho là những cam kết này đã được lập vào lúc thiếu minh mẫn. Hơn một năm sau, họ và những người khác đã chứng minh lập luận đáng chú ý này bằng một loạt các tuyên bố. Tất cả đều được tính toán để xoa dịu lương tâm của dân chúng, và tất cả đều cực kỳ sai trái, hoàn toàn sai trái.

    Tuyên bố đầu tiên là quân đội Mỹ, chứ không phải quân đội Cuba, đã đánh đuổi Tây Ban Nha ra khỏi hòn đảo này. Phóng viên báo chí nói với những độc giả cả tin của họ rằng khi quân đội Mỹ đến, họ thấy phiến quân Cuba đang "ở bên bờ tuyệt vọng", "gần như tan rã," và "sa lầy trong bế tắc đầy cay đắng". Sự thật hoàn toàn ngược lại. Sau ba năm chiến đấu liên tục, quân nổi dậy Cuba đã giành quyền kiểm soát hầu hết hòn đảo, buộc quân đội Tây Ban Nha, đang lâm vào cảnh đói ăn và bệnh dịch lan tràn, phải rút lui vào các vùng đất được bảo vệ; nghĩa quân cũng lên kế hoạch tấn công Santiago và các thành phố khác. Họ đang tiến gần đến chiến thắng khi quân Mỹ đổ bộ.

    Huyền thoại thứ hai mà người dân Mỹ tin tưởng là quân cách mạng Cuba là những gã lạc hậu hèn nhát, đã rất bối rối xen lẫn ngưỡng mộ khi Mỹ đánh bại quân đội Tây Ban Nha. Một phóng viên đã tường thuật từ tiền tuyến thế này: "Đồng minh này chẳng những đã đóng góp rất ít mà còn ở lại hậu phương". Một phóng viên khác thấy rằng quân Cuba "làm cho liên minh yếu đi rất nhiều". Một người khác viết rằng quân nổi loạn "đã làm ít mà cũng chẳng chiến đấu" và "đã chẳng chịu làm gì để chứng minh khát vọng giải phóng Cuba".

    Còn sau đây là một minh chứng khác của việc tự lừa dối, nhưng có thể hiểu được. Một vài phóng viên Mỹ đã có mặt tại Cuba trong nhiều năm, họ quan sát phiến quân xây dựng lực lượng, giành được sự ủng hộ rộng rãi trong dân chúng và tiến hành một cuộc chiến tranh du kích cực kỳ thành công. Với hầu hết các nhà báo này, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu khi quân đội Mỹ đổ bộ vào mùa xuân 1898. Không ai chịu hiểu rằng quân đội Cuba đã giành được quyền kiểm soát những bãi biển nơi lính Mỹ đổ bộ xuống gần Santiago; thậm chí viên chỉ huy hải quân Mỹ ở đó, Đô đốc William Sampson, sau đó đã cho rằng sự vắng mặt của quân đội Tây Ban Nha trên bãi biển Cuba “vẫn còn là một bí ẩn". Những người Cuba khác làm việc trong vai trò trinh sát và nhân viên tình báo cho Mỹ, mặc dù họ đã cự tuyệt một cách phẫn nộ những yêu cầu lặp đi lặp lại muốn họ khuân vác và lao động tay chân.

    Đối với hầu hết người Mỹ, chiến tranh bao gồm các trận đánh theo chiến thuật, trong đó quân đội chạm trán. Họ thích đọc sách về các trận đánh như tại đồi San Juan, trong đó chỉ có một vài người Cuba tham gia. Cuộc chiến tranh kéo dài và tiêu hao nhiều sinh lực mà người dân Cuba đã tiến hành không phù hợp với quan điểm của tầng lớp công chức cũng như phóng viên Mỹ. Hầu hết trong số họ đã không nhận ra rằng cuộc chiến tranh kéo dài ấy đã đóng một vai trò quyết định trong chiến thắng năm 1898.

    Khi người Mỹ tự thuyết phục mình rằng quân đội Cuba là lũ hèn nhát, là những kẻ chẳng hiểu gì về việc tổ chức quân đội, thì họ cũng dễ dàng kết luận rằng người dân Cuba không có khả năng lãnh đạo đất nước của chính họ. Báo chí Mỹ không bao giờ nói về các nhà lãnh đạo quân cách mạng, vài người trong số họ có học vấn cao, giàu kinh nghiệm và uyên bác. Thay vào đó, họ mô tả lực lượng nổi dậy là một đám dân hạ đẳng ngu dốt, chủ yếu là người da đen vừa mới chỉ thoát khỏi mông muội. Kết quả là, McKinley và các đồng minh của ông trong chính phủ và giới doanh nghiệp thoải mái mô tả họ là ngu muội và dốt nát như dân chúng Hawaii.

    "Tự trị ư?" Tướng Shafter cười hô hố khi một phóng viên hỏi ông về điều đó. "Tại sao chứ, những kẻ đó không tự trị nổi đâu, cũng như là thuốc súng thì không dành cho địa ngục vậy".

    Trong những ngày Tây Ban Nha đầu hàng, các quan chức Mỹ bắt đầu nói với người dân Cuba rằng họ nên quên đi lời cam kết về nền độc lập thể hiện trong Tu chính Teller. Tổng thống McKinley tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cai trị Cuba theo "luật về quyền của bên chiếm đóng trong thời chiến".(20) Tổng chưởng lý John Griggs nói với Phó Tổng thống Chính phủ lâm thời Cuba rằng quân đội Mỹ tại Havana là một "đội quân xâm lược sẽ mang theo chủ quyền của nước Mỹ tới bất cứ nơi nào nó đóng quân".

    Nhiều người Cuba cảm thấy hoang mang khi nghe các phát ngôn này, và đã chuyển thành phẫn nộ, giận dữ khi Tướng Brooke không cho phép quân giải phóng tham gia lễ kỷ niệm dự tính tổ chức vào những ngày đầu năm 1899. Nhiều người đã chết lặng. Tướng Máximo Gómez viết: "Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng [nối tiếp sự can thiệp của Mỹ] sẽ là một cuộc chiếm đóng quân sự từ một đất nước đồng minh của chúng tôi, những người này đã cho là chúng tôi không có khả năng tự giải phóng mình, và họ đơn giản là bắt chúng tôi tuân lệnh, phục tùng và áp đặt một nền đô hộ. Sau nhiều năm đấu tranh, đây không thể là số phận của chúng tôi."

    Hầu hết người Mỹ đã ít quan tâm đến người dân Cuba, vì vậy chuyện họ cự tuyệt những lời phản đối như vậy là lẽ tự nhiên. Nhiều người còn phản ứng hơn thế nữa. Họ tức giận vì người dân Cuba đã không quỳ xuống cảm ơn Hoa Kỳ đã giải phóng họ. Tin tức báo chí tường thuật rằng thay vì “ôm hôn thắm thiết” binh lính Mỹ, những người Cuba tỏ vẻ "chua chát", "ủ rũ", "kiêu ngạo", "tự phụ và đầy ghen tị." Một người đã viết anh ta khá ngạc nhiên khi thấy rằng họ đã không "tràn đầy lòng biết ơn đối với chúng ta." Không ai chịu tìm hiểu hoặc có khả năng hiểu cái lý lẽ của người dân Cuba khi họ tỏ ra như vậy. Người Mỹ đã đem lòng oán giận của người dân Cuba làm bằng chứng về sự ngu dốt và non nớt của họ.

    Trong nhiều năm, những nhà ái quốc người Cuba đã hứa hẹn rằng sau khi độc lập, họ sẽ ổn định đất nước bằng cách thúc đẩy công bằng xã hội. Người Mỹ muốn một điều hoàn toàn khác. Vị chỉ huy quân đội mới, tướng Leonard Wood, đã viết trong một báo cáo về Washington ngay sau khi ông nhậm chức vào năm 1900 thế này: "Người ta hỏi tôi rằng chúng ta đã có ý gì khi nói về một chính phủ ổn định ở Cuba, tôi nói với họ rằng nếu anh có thể vay tiền với lãi suất hợp lý và nếu người ta sẵn lòng đổ vốn vào hòn đảo này, thì chúng ta có thể sẽ đạt được tình trạng ổn định". Trong một bức thư gửi Tổng thống McKinley, thậm chí ông còn viết ngắn gọn hơn: "Khi mọi người hỏi tôi rằng tôi đã có ý gì khi nói về một chính phủ ổn định, tôi nói với họ: 'Tiền có lãi suất sáu phần trăm.’"

    Vào ngày 25 tháng 7 năm 1900, tướng Wood công bố một lời kêu gọi bầu cử đại biểu vào một hội nghị hiến pháp Cuba. Chỉ có gần một phần ba số cử tri đủ điều kiện đến bỏ phiếu, và thậm chí họ còn không ủng hộ nhiều ứng cử viên do người Mỹ tài trợ. Tướng Wood mô tả nhóm ba mươi mốt đại biểu này như sau: "Mười người thuộc vào tầng lớp tinh anh, mười lăm người có trình độ và tính cách không rõ rệt, và sáu người là những tên bất lương hay những kẻ tu sĩ khổ hạnh tồi tệ nhất ở Cuba."

    Mùa thu năm đó, Bộ trưởng Chiến tranh Elihu Root, người đã từng là luật sư mảng doanh nghiệp hàng đầu ở New York, cùng với Thượng nghị sĩ Orville Platt của bang Connecticut, Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về Quan hệ với Cuba, đã viết một bộ luật sẽ định hình tương lai của Cuba. Tu chính Platt, sau này người ta gọi như vậy, là một tài liệu rất quan trọng trong lịch sử chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Nó đã giúp Hoa Kỳ kiểm soát Cuba mà không cần trực tiếp cai trị hòn đảo này, bằng cách duy trì một chế độ phục tùng ở địa phương. Washington sẽ tiếp tục áp dụng hệ thống này tại nhiều nơi trên vùng biển Caribbean và Trung Mỹ, tại đây cho đến ngày nay Tu chính Platt vẫn còn được gọi là plattismo.

    Theo Tu chính Platt, Mỹ đồng ý chấm dứt chế độ chiếm đóng Cuba ngay khi người Cuba chấp nhận một bản hiến pháp trong đó quy định cho Mỹ quyền duy trì những căn cứ quân sự tại Cuba, quyền phủ quyết bất kỳ hiệp ước nào giữa Cuba và các nước khác, quyền giám sát ngân quỹ quốc gia của Cuba, cũng như "quyền can dự vào việc duy trì nền độc lập của Cuba [hoặc] vào việc duy trì một chính quyền đủ để bảo vệ tính mạng, tài sản và tự do cá nhân." Về bản chất, Tu chính Platt cho phép người dân Cuba tự trị miễn là họ cho phép Hoa Kỳ phủ quyết bất kỳ quyết định nào của họ.

    Các thành viên Quốc hội không thể tránh khỏi việc nhận ra sự thật là: bằng cách thông qua Tu chính Platt, họ sẽ phải bội ước một lời cam kết mà họ đã trao cho Cuba chưa đầy ba năm trước. Mỗi người sẽ phải tự vấn bản thân một câu hỏi đau đớn mà tờ New York Evening Post đã công bố trong một bài xã luận súc tích: "Với một lời hứa long trọng và đáng tin cậy về việc giành lại độc lập cho Cuba, làm sao tôi có thể tự dối lòng mà đi nhà thờ để tạ ơn Chúa rằng tôi không tồi tệ như những người khác?" Các vị thượng nghị sĩ đã vượt qua tình trạng tiến thoái lưỡng nan này mà không gặp khó khăn gì mấy. Ngày 27 tháng 2 năm 1901, họ đã thông qua Tu chính Platt với số phiếu 43/20. Tất cả thành viên đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu thuận. Sau đó Hạ viện cũng thông qua, sau một cuộc bỏ phiếu cũng dựa trên ý chí của đảng(21). Tổng thống McKinley ký thông qua Tu chính này thành luật vào ngày 2 tháng 3. Luật này đã nhận chìm Cuba vào cái mà một nhà sử học gọi là "một cơn bão đầy náo động".
    Havana rơi vào hỗn loạn đêm 2 tháng 3. Một đám rước đuốc trình một kiến nghị phản đối lên Wood tại Dinh Thống đốc, và một đám đông người biểu tình săn đón các đại biểu hội nghị(22) và thúc giục họ giữ vững lập trường phản đối đối với các yêu sách của Mỹ. Các cuộc biểu tình tương tự xảy ra vào đêm hôm sau. Bên ngoài thủ đô, chính quyền các thành phố trên toàn đảo đổ ra một loạt những thông điệp và nghị quyết phản đối, trong khi các mít-tinh công khai lan truyền nhanh như bệnh dịch. Vào đêm 5 tháng 3, một diễn giả nói với một cuộc diễu hành tại Santiago rằng nếu Hoa Kỳ cứ khăng khăng đòi hỏi những yêu sách của mình, người dân Cuba sẽ phải đi đến chiến tranh một lần nữa.​
    Các đại biểu tham gia hội nghị hiến pháp Cuba phải quyết định xem có thông qua Tu chính Platt hay không. Các quan chức Mỹ đảm bảo với họ rằng Hoa Kỳ không muốn tác động trực tiếp lên những công việc nội bộ của Cuba, và cũng cảnh báo họ rằng nếu không chấp nhận Tu chính Platt, Quốc hội sẽ áp đặt các điều khoản khắt khe hơn. Sau những tranh cãi kéo dài mà đa phần được tổ chức kín đáo, các đại biểu Cuba tán thành, với số phiếu 15/14, với những gì người Mỹ muốn. Một năm sau, trong một cuộc tuyển cử do người Mỹ giám sát, Tomás Estrada Palma, một người đã sống nhiều năm ở thị trấn Central Valley, New York, đã được chọn là tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Cuba. Tướng Wood, vị chỉ huy quân sự, đã viết trong một lá thư riêng những gì mà mỗi người dân Cuba và Mỹ đều biết: "Theo Tu chính án Platt, tất nhiên là có ít hoặc không có chút độc lập nào cho Cuba cả".



    Nhà thơ người Puerto Rico Lola Rodríguez De Tió, đã sống tại Cuba nhiều năm, từng miêu tả hai hòn đảo này [Puerto Rico và Cuba – người làm ebook] là "hai cánh của cùng một chú chim". Những người theo chủ nghĩa bành trướng tại Hoa Kỳ cũng đồng ý như vậy. Khi Theodore Roosevelt chuẩn bị dong thuyền đến Cuba mùa xuân 1898, ông đã gửi cho Thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge một lá thư cảnh báo rằng: "Đừng chấp nhận hòa bình cho đến khi chúng ta đoạt được cả Porto Rico".(23) Lodge bảo rằng ông hãy an tâm.

    Ông trấn an bạn mình: "Chúng tôi sẽ không quên Porto Rico và chúng tôi sẽ nhắm đến hòn đảo đó. Trừ khi tôi đã hoàn toàn hiểu sai, hiện nay Chính phủ đang cực kỳ nhiệt thành với những chính sách lớn mà cả hai chúng ta đều mong muốn."

    Đảo Puerto Rico, nhỏ hơn một phần mười kích thước của Cuba, chưa bao giờ nổ ra những cuộc nổi dậy vũ trang chống lại thực dân Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cũng như Cuba, nó sản sinh ra một nhóm đáng kể gồm những trí thức cách mạng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, vốn đã chiếm lĩnh nhiều trái tim vùng thuộc địa nửa cuối thế kỷ XIX. Trong nhiều năm, Tây Ban Nha đã đàn áp những lời kêu gọi được tự trị của họ, nhưng điều đó đã thay đổi khi Práxedes Sagasta, một người có tư tưởng tiến bộ, trở thành thủ tướng năm 1897. Ngay sau khi nhậm chức, Sagasta đã đề nghị trao quyền tự trị cho cả Cuba và Puerto Rico. Phiến quân Cuba, sau nhiều năm phản công quân Tây Ban Nha và hàng ngàn người có vũ trang khác, đang trên đà chiến thắng và thẳng thắn bác bỏ đề nghị ấy. Tuy nhiên, Puerto Rico lập tức chấp nhận.

    Lãnh sự Mỹ Philip Hanna đã viết trong một báo cáo nhanh: "Nói chung, người dân Porto Rico hân hoan khi nhận được tin tức từ Tây Ban Nha liên quan đến quyền tự chủ chính trị. Những người bản địa thường tin rằng Tây Ban Nha sẽ ban cho họ một hình thức tự trị sẽ khiến họ vừa lòng".

    Sắc lệnh về quyền tự chủ mà Tây Ban Nha trao cho Puerto Rico sẽ cho họ quyền bầu ra một Hạ viện với quyền hạn dàn trải, bao gồm cả quyền bổ nhiệm các thành viên nội các sẽ điều hành hòn đảo. Họ đã tổ chức một cuộc bỏ phiếu ngày 27 Tháng 3 năm 1898. Hầu hết cử tri đều bầu cho Đảng Liên hiệp Tự do của Luis Munoz Rivera, chủ biên tờ báo vận động La Democracia và cũng là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết của phong trào tự chủ.

    Trong khi chính phủ tự trị vẫn chưa nhậm chức, lúc hừng đông ngày 12 tháng 5, một hạm đội gồm bảy tàu chiến Mỹ đã kịp vào vị trí neo đậu, đối diện với San Juan, thủ đô Puerto Rico. Dưới ánh bình minh, viên chỉ huy hạm đội, Đô đốc Sampson, ra lệnh cho con tàu chỉ huy Iowa nổ súng vào các vị trí của người Tây Ban Nha, sau đó là một cuộc đấu pháo rời rạc. Mỹ bắn 1.362 quả đạn và giết được khoảng một chục người. Quân bảo vệ Tây Ban Nha đáp lễ bằng 441 quả đạn cùng một vài loạt đạn bộ binh, làm thiệt mạng một lính Mỹ. Sau ba tiếng rưỡi, họ ngừng bắn. Theo thuật ngữ quân sự, đây chỉ là một cuộc giao tranh nhỏ, nhưng nó đã gửi một thông điệp rất rõ ràng. Puerto Rico sẽ bị cuốn vào cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ.

    Trong hai tháng tiếp theo, hạm đội Mỹ vẫn duy trì sự phong tỏa gần như là hiệu quả nhằm ngăn chặn người Tây Ban Nha gửi vật tư hay quân tiếp viện cho đội quân của họ ở Puerto Rico. Tuy nhiên, người Tây Ban Nha đã quá tập trung vào Cuba đến nỗi không mấy để tâm đến các diễn biến trên các hòn đảo nhỏ hơn. Người Mỹ cũng vậy. Với hy vọng sẽ lợi dụng được tình trạng này, các thành viên của Hạ viện mới thành lập của Puerto Rico đã triệu tập phiên họp đầu tiên của họ vào ngày 17 tháng 7. Cùng ngày đó, nội các mới, đứng đầu là Munoz Rivera, đã bắt đầu hoạt động. Nội các này sẽ chỉ được nắm quyền trong tám ngày.

    Lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 25 tháng 7, một biệt đội lính thủy đánh bộ và thủy thủ từ tàu chiến Gloucester của Mỹ đã đổ bộ lên bờ gần Guánica trên bờ biển phía tây nam Puerto Rico. Sau một vài loạt đạn mà không gây ra thương vong nào cho mình, họ chiếm được thị trấn và giương cờ Mỹ trên nóc tòa nhà hải quan. Kể từ giây phút lá cờ phấp phới trong gió nhiệt đới, Hoa Kỳ đã thực sự kiểm soát được Puerto Rico. Tất cả các đơn vị trong bộ máy cai trị Tây Ban Nha, bao gồm cả chính quyền tự trị, đều nhanh chóng tan rã.

    Một số người Rico Puerto đã háo hức mong chờ cái viễn cảnh được người Mỹ cai trị. Họ hy vọng sau thời gian xây dựng đất nước (có thể kéo dài hai mươi năm hoặc lâu hơn), tùy thuộc vào niềm tin chính trị của họ, đất nước sẽ được độc lập hoặc sáp nhập vào Hoa Kỳ. Nhiều người đã lấy cảm hứng từ một tuyên bố được diễn đạt một cách chung chung của viên chỉ huy người Mỹ, tướng Nelson Miles, vào cuối tháng Bảy:
    Chúng tôi đã quyết định không gây chiến với nhân dân của một quốc gia đã bị áp bức trong nhiều thế kỷ, mà ngược lại, quyết định bảo vệ các bạn… Đây không phải là một cuộc chiến tranh tàn phá, mà là một cuộc chiến, dưới sự kiểm soát của các lực lượng quân sự và hải quân, nhằm mang đến cho tất cả các bạn những điều thuận lợi và hạnh phúc của một nền văn minh được khai sáng.​
    Cuộc chiến ở Puerto Rico là một màn trình diễn gần như hoàn toàn bị lu mờ sau những xung đột ở Cuba. Thương vong của phía Mỹ thật đáng kinh ngạc, chỉ có 9 người chết và 46 người bị thương. Tây Ban Nha và Puerto Rico thiệt hại tổng số khoảng 450 binh sĩ và thường dân thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt giữ. Sau đó, một trong những phóng viên chiến trường xuất chúng nhất của Mỹ, Richard Harding Davis, đã mô tả sự việc trên là "một buổi dã ngoại", "thưởng hoa".(24)

    Tại hội nghị hòa bình Paris tháng 12 năm 1898, khi các điều kiện đầu hàng cuối cùng đã được minh định, Tây Ban Nha cố gắng giữ lại Puerto Rico, lập luận rằng Hoa Kỳ chưa bao giờ lên tiếng phản đối chủ quyền của hòn đảo này. Người Tây Ban Nha thậm chí đã đề nghị đổi cho Hoa Kỳ những vùng thuộc thuộc địa khác để họ có thể giữ lại Puerto Rico. Tổng thống McKinley đã khước từ tất cả các lời đề nghị như vậy. Trong bản đường lối đàm phán của Mỹ lần này, ông cho biết ông đã quyết định chọn Puerto Rico “trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ." Người Tây Ban Nha đã bị đánh bại và yếu ớt, không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải chấp nhận chuyện đó.

    Ngày 18 tháng 10, tại một buổi lễ chính thức trên ban công Dinh Thống đốc tại San Juan, viên chỉ huy Tây Ban Nha chuyển giao chủ quyền của Puerto Rico cho Hoa Kỳ. Tờ New York Evening Post đưa tin: “Đó là một buổi lễ tĩnh lặng. Không náo nhiệt, nhưng có một chút nhiệt tình. Một giờ sau khi buổi lễ kết thúc, đường phố khoác lên mình diện mạo mà họ mong muốn. Gần như chẳng có gì cho thấy ở đây vừa diễn ra một sự kiện quan trọng; sau buổi lễ này ngắn gọn này, quyền thống trị của Tây Ban Nha trên đảo Puerto Rico đã kết thúc mãi mãi."



    Không người Mỹ nào sống ở năm 1898 có chút nghi ngờ gì về lý do Hoa Kỳ đã gây chiến với Tây Ban Nha. Cuộc xung đột xảy ra nhằm trả lời một câu hỏi duy nhất: Ai sẽ kiểm soát Cuba? Cuba là lý do của cuộc chiến, Cuba là chiến trường và Cuba là giải thưởng. Nhưng khi các nhà ngoại giao Mỹ và Tây Ban Nha gặp nhau tại Paris để thương lượng một hiệp ước chấm dứt chiến tranh, ngoài Cuba, họ cũng đã quyết định số phận của một vùng đất khác, một vùng rộng lớn mà người dân Mỹ đa phần là không biết đến, và cách xa bờ biển của họ.

    Trong nhiều năm, Cuba đã trở thành một ảo tưởng của người Mỹ, ít nhất là kể từ khi Thomas Jefferson viết rằng ông hy vọng một ngày nào đó hòn đảo này sẽ trở thành một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Quần đảo Philippines là một vấn đề hoàn toàn khác. Chỉ có rất ít người Mỹ biết lờ mờ là nó nằm ở đâu. Tuy nhiên, chiến thắng của Phó Đề đốc Dewey tại Manila đã đem đến kết quả là: Mỹ đột nhiên có quyền cai trị quần đảo này. Nằm ngoài dự tính. Tổng thống McKinley đã phải quyết định những gì Hoa Kỳ nên tiến hành trên quần đảo rộng lớn này.

    McKinley nổi tiếng nhất là bởi sự bí hiểm của ông. Hầu như ai gặp ông cũng có cảm tưởng là ông nhất trí với họ, và hiếm khi ông để lộ những gì ông đang suy nghĩ, thậm chí là với những cố vấn thân cận nhất của mình. Các nhà sử học đã mô tả ông là một "bí ẩn" mà nội tâm được "che dấu kín đáo" và là người có "quan điểm khuất sau một màn sương mù của các thuật ngữ, các quy ước và những lời sấm tối nghĩa".

    ---
    (14) Đây là hai bài hát rất phổ biến thời nội chiến. “Dixie” là bài hát quen thuộc của phe miền Nam thời 1861-1865, còn "The Battle Hymn of the Republic" kể từ khi sang tác năm 1861 đã trở thành bài ca của những nhà ái quốc Mỹ.
    (15) Brave (chiến binh da đỏ) ý nói quân Mỹ.
    (16) Dù chỉ là trợ lý của Bộ trưởng Hải quân nhưng Roosevelt có gần như toàn quyền, bởi Bộ trưởng Hải quân John D. Long khi đó gần như vô dụng. (Theo Wikipedia.org)
    (17) Brook Brothers là nhà cung cấp quần áo nam giới lâu đời ở Mỹ, có trụ sở tại Đại lộ Madison, Manhattan, New York, thành lập năm 1818 và vẫn còn hoạt động đến ngày nay. Hiện họ có kinh doanh cả quần áo phụ nữ.
    (18) Sioux: thổ dân Bắc Mỹ ở Great Plains ngày xưa, nay chủ yếu tập trung ở hai bang North Dakota và South Dakota.
    (19) Little Bighorn: dòng sông dài 145km ở phía nam bang Montana. Tướng George Custer và quân đội của ông đã bị dân bản xứ châu Mỹ đánh bại trên bờ sông này vào năm 1876.
    (20) “The law of belligerent right over conquered territory”. Trước công ước Geneve, đó là lý thuyết cho phép chính quyền chiếm đóng được sát nhập lãnh thổ bị chiếm đóng vào thành lãnh thổ nước mình. Sau công ước thì chỉ có quyền điều hành lãnh thổ đó cho đến khi lui quân hoặc được chính quyền cũ nhượng lại lãnh thổ; khi kẻ chiếm đóng điều hành lãnh thổ, thì họ có quyền lập ra chính quyền của họ, và giải tán chính quyền có sẵn. (chú thích dựa vào góp ý của thành viên @huytran tại diễn đàn tve-4u.org, xin chân thành cảm ơn bác)
    (21) Party-line vote: nghĩa là một cuộc bỏ phiếu mà trong đó không có ý kiến cá nhân, mà thành viên đảng nào phải bỏ phiếu theo tinh thần, ý kiến của đảng đó, dù cho ý kiến cá nhân của thành viên đó là khác biệt với ý kiến chung.
    (22) Ở đây là đại biểu của hội nghị hiến pháp đã nói ở trên. Nguyên văn là convention delegate.
    (23) Puerto Rico hay Porto Rico đều là cách viết đúng.
    (24) Nguyên văn: Fête des fleurs.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/12/15
  9. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 2: Kẹt cứng trên đất Goo-goo (tt)

    Ban đầu, McKinley dường như chỉ muốn lấy một phần lãnh thổ đủ cho một căn cứ hải quân tại Manila. Sau đó ông cân nhắc việc trao trả độc lập cho quần đảo, có thể là dưới sự bảo lãnh quốc tế. Cuối cùng, sau những cân nhắc bớt trần tục hơn, ông đã ra một quyết định.

    McKinley là một tín đồ Kitô sùng đạo sống trong thời đại phục hưng tôn giáo. Sau đó, ông có lần nói với một nhóm các nhà truyền giáo của Hội Giám lý(25) rằng trong khi đang đau đầu với vấn đề Philippines, một vài buổi tối tại Nhà Trắng, ông đã quỳ gối "và cầu nguyện Thiên Chúa toàn năng ban cho ông ánh sáng soi đường".

    Ông nói: "Vào một đêm muộn, ánh sáng ấy đã đến với tôi. Chúng ta chẳng thể làm gì hơn ngoài việc chiếm trọn quần đảo và giáo dục người Philippines, dìu dắt họ, cải đạo cho họ, và nhờ ân sủng của Chúa, chúng ta đem mọi điều tốt đẹp nhất có thể cho họ, xem họ như đồng loại của mình".

    Cùng với đó, ông đã ra một quyết định trọng yếu. Các nhà sử học vẫn thắc mắc tại sao McKinley đã quyết định như vậy. Ông là người có đức tin sâu sắc, và có thể đã thực sự cảm động vì Khải huyền. Trong buổi nói chuyện với đoàn đại biểu mà ông cử đi đàm phán ở Paris, ông đưa ra một lời giải thích khác, nói rằng ông hành động như vậy là nhằm nắm lấy "cơ hội giao thương, thuật trị quốc của người Mỹ không thể không quan tâm đến các cơ hội ấy được". Theo một nhà sử học, điều chắc chắn là McKinley "chẳng biết gì về người Philippines cả, nên sẽ đánh giá sai phản ứng của họ là sự kiên trì đến thảm thương". Bản thân ông cũng thừa nhận rằng khi nghe tin chiến thắng của Dewey tại Manila, ông "đã chẳng thể chỉ ra cái quần đảo chết tiệt ấy nằm ở đâu trong phạm vi hai ngàn dặm quanh đây". Việc ông rất thiết tha cải đạo Kitô cho người dân Philippines, trong khi đa số họ theo Công giáo, đã cho thấy sự thiếu hiểu biết của ông về thực trạng trên quần đảo này. Chắc chắn ông không hề biết rằng họ đang quằn quại trong cuộc cách mạng chống thực dân đầu tiên trong lịch sử hiện đại của châu Á.

    Stanley Karnow đã viết như thế này trong cuốn sách của ông về lịch sử Philippines: "Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt then chốt trong kinh nghiệm của người Mỹ. Lần đầu tiên, binh lính Mỹ chiến đấu ở nước ngoài. Và cũng là lần đầu tiên, Mỹ có ý định xâm chiếm một vùng lãnh thổ nằm cách xa bờ biển nước này; đây là quá trình Hoa Kỳ biến thành thực dân đô hộ".

    Ngày 1 tháng 5 năm 1898, ba tuần sau khi tiêu diệt hạm đội Tây Ban Nha, Dewey chào đón vị lãnh đạo du kích Philippines Emilio Aguinaldo lên con tàu chỉ huy Olympia. Những gì họ nói về các sự kiện đã diễn ra hoàn toàn trái ngược. Aguinaldo thì kể rằng họ đã nhất trí cùng chống lại Tây Ban Nha và sau đó sẽ lập ra nước Cộng hòa Philippines độc lập. Dewey đã thề rằng ông không hề cam kết như vậy. Chẳng ai trong hai người nói được ngôn ngữ của người kia và cũng chẳng có thông dịch viên ở đó, do đó việc nhầm lẫn là điều dễ hiểu. Dù sự thật có là gì đi nữa, khi Aguinaldo tuyên bố nền độc lập của Philippines vào ngày 12 tháng 6, không có một đại diện nào của Hoa Kỳ, kể cả Deway, có mặt tại buổi lễ.

    Sự lạnh nhạt đó khiến cho Aguinaldo và những nhà lãnh đạo Philippines khác lo sợ rằng Hoa Kỳ sẽ không công nhận nền độc lập của đất nước họ. Tướng Thomas Anderson, một cựu chiến binh của cuộc Nội chiến và cũng là vị chỉ huy đầu tiên của quân đội Mỹ tại Philippines, tìm cách trấn an họ. Trong lá thư gửi Aguinaldo ngày 4 tháng 7, ông viết: "Tôi ước mong có thể kết tình bằng hữu với ngài, và được ngài cùng nhân dân quý quốc hợp tác trong các hoạt động quân sự nhằm chống lại lực lượng quân đội Tây Ban Nha".

    Tướng Anderson có thể đã chân thành khi viết lá thư này, nhưng cùng lúc ấy, chính sách của Washington đã thay đổi. Tổng thống McKinley, tuân theo những gì mà ông cho là lời dạy từ Thiên Chúa, đã quyết định rằng Hoa Kỳ nên chiếm, không chỉ một vùng đất Manila riêng lẻ, mà là toàn bộ quần đảo Philippines. Ông lệnh cho phái đoàn đàm phán tại Paris đưa ra một khoản 20 triệu USD cho người Tây Ban Nha để đổi lấy quần đảo này. Tây Ban Nha không có lý do gì từ chối, và vào ngày 10 tháng 12, các nhà ngoại giao Mỹ và Tây Ban Nha đã ký kết cái gọi là Hiệp ước Paris. Hiệp ước này trao cho Hoa Kỳ quyền sở hữu Cuba, Puerto Rico và quần đảo Philippines xa xôi, nơi ấy có hơn bảy ngàn hòn đảo và dân số bảy triệu người.

    Ngày 21 tháng 12, McKinley ra một "sắc lệnh" tuyên bố chủ quyền của Mỹ đối với Philippines. Phiến quân ở đó đã kịp tiến hành theo cách riêng của họ. Họ đã bầu ra một quốc hội lập hiến, quốc hội này đã ra một bản hiến pháp, theo đó nước Cộng hòa Philippines đã được thành lập ngày 23 tháng 1 năm 1899, Aguinaldo là tổng thống đầu tiên. Mười hai ngày sau, quốc gia non trẻ này tuyên bố chiến tranh với quân đội Hoa Kỳ đang đóng trên quần đảo. McKinley không để tâm mấy. Đối với ông, người Philippines là những người mà sử gia Richard Welch đã mô tả là "vô tổ chức và không thể kiểm soát được".
    McKinley nhận thức rõ về quân nổi dậy Aguinaldo và những tuyên bố của họ. Có thể là ông vẫn đánh giá thấp mức độ kiểm soát lãnh thổ của lực lượng Aguinaldo, nhưng theo McKinley, chính phủ quân nổi dậy tuyên bố chủ quyền đối với bao nhiêu lãnh thổ đều không quan trọng… McKinley không thể tin rằng quân nổi dậy Aguinaldo sẽ ngu xuẩn đến mức chống lại sức mạnh và lòng nhân từ của Hoa Kỳ. McKinley dường như đang ấp ủ những ý nghĩ mâu thuẫn lẫn nhau, rằng Aguinaldo là một con quỷ, là tên đầu sỏ tư lợi của một toán cướp và rằng ông ta có thể dễ dàng bị sai khiến như một tên chạy chọt hạng bét ở Canton, Ohio.​
    Hiệp ước Paris đã trao cho Hoa Kỳ chủ quyền của Philippines, nhưng nó không thể có hiệu lực nếu không được Thượng viện phê chuẩn. Cuộc tranh luận kéo dài và sôi nổi. Phe chống đối tố cáo rằng hiệp ước này chính là hành động tước đoạt một vùng đất xa xôi theo kiểu đế quốc, và điều này làm hổ danh những lý tưởng của người Mỹ cũng như tăng cường quá mức sức mạnh của Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ George Frisbie Hoar của bang Massachusetts cảnh báo rằng nó có thể sẽ biến nước Mỹ trở thành "một đế chế thô bỉ và tầm thường, được dựng xây bằng sức mạnh quân đội đơn thuần, cai trị các dân tộc lệ thuộc và các nước chư hầu, trong đó sẽ có một giai cấp mãi mãi thống trị và mọi giai cấp khác phải mãi mãi phục tùng". Những người ủng hộ đáp trả bằng ba luận điểm: rằng thật là lố bịch khi công nhận nền độc lập của Philippines bởi không hề tồn tại một quốc gia của người Philippines, rằng nhiệm vụ của nước Mỹ là khai hóa vùng Philippines lạc hậu, và rằng việc chiếm hữu quần đảo này sẽ mang lại vô số lợi thế chiến lược và lợi ích giao thương.

    Khi cuộc tranh luận lên đến cao trào, theo những gì mà tờ New York World nhận xét là "sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc", có tin rằng quân nổi dậy Philippines đã tấn công các cứ điểm của Mỹ tại Manila. Sau đó người ta biết rằng hóa ra đó chỉ là một cuộc giao tranh vớ vẩn, nhưng do chính một binh nhì Mỹ khai hỏa. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, người ta không biết rõ như vậy và dù sao thì chuyện đó cũng chẳng quan trọng gì. Một vài thượng nghị sĩ tuyên bố rằng giờ đây họ cảm thấy bị buộc phải bỏ phiếu ủng hộ hiệp ước này như một cách bày tỏ sự ủng hộ với những người lính Mỹ ở đầu kia trái đất hiện đang phải chịu nhiều chỉ trích và áp lực. Thượng nghị sĩ Knute Nelson của bang Minnesota đã quả quyết với các đồng sự rằng: "Chúng ta là những thiên thần hộ mệnh, không phải là những kẻ bạo chúa". Thượng viện đã hoàn toàn bị thuyết phục và phê chuẩn Hiệp ước Paris với số phiếu 57/27, chỉ vừa đủ vượt qua tỷ lệ tối thiểu cần đạt được là 2/3.

    Tổng thống McKinley hẳn đã cực kỳ tin tưởng rằng Chúa mong muốn Hoa Kỳ "nâng đỡ" và "truyền đạo Kitô" cho nhân dân Philippines. Tuy nhiên, những bài phát biểu của các Thượng nghị sĩ trong cuộc tranh luận về hiệp ước, cùng với nhiều bài viết trên báo chí, đã đưa ra một nguyên nhân sâu xa hiển nhiên hơn của việc chiếm cứ Philippines. Giới doanh nhân đã rất hào hứng với triển vọng buôn bán ở Trung Quốc, nước này sau khi thua trận trong cuộc chiến với Nhật năm 1895 đã trở nên suy yếu và không còn khả năng kháng cự khi bị can thiệp. Họ đã nhìn thấy một cơ hội trên cả tuyệt vời, khi vùng đất rộng lớn này mở cửa cho họ khai thác trong lúc họ đang rất nỗ lực tìm kiếm trong tuyệt vọng những thị trường mới.

    "Chúng ta không thể để [Philippines] lọt vào tay Pháp hoặc Đức, đối thủ thương mại của chúng ta ở phương Đông," McKinley đã nói với Quốc hội như vậy khi yêu cầu phê chuẩn Hiệp ước Paris. "Đó sẽ là một thương vụ tồi tệ và tai tiếng".

    Khi Hoa Kỳ tuyên bố chủ quyền đối với Philippines, nước này cũng thừa hưởng từ Tây Ban Nha sự phản kháng của quân nổi dậy. Binh sĩ Hoa Kỳ chưa bao giờ chiến đấu bên ngoài Bắc Mỹ. Trừ một ngoại lệ gây tranh cãi về chiến tranh Ấn Độ, họ cũng chưa từng chiến đấu chống lại một đội quân bảo vệ nền độc lập quốc gia. Họ không hề biết họ sẽ phải đối mặt với cái gì trong chiến dịch chống lại lũ "goo-goos", theo cách họ gọi người Philippines, nhưng họ đã phát động cuộc chiến với sự tự tin khủng khiếp.

    Cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm 1899 bằng một trận đụng độ nhằm giành giật Manila. Ngay từ đầu, người ta đã biết rõ là nó sẽ kết thúc như thế nào. Các phần tử nổi dậy có lợi thế về số lượng, nhưng nếu xét theo những tiêu chí khác thì người Mỹ rõ ràng là trội hơn. Aguinaldo và đội quân của ông bị tê liệt do thiếu vũ khí, và bị dồn ép bởi sự phong tỏa hiệu quả của hải quân Mỹ. Lính Mỹ đổ bộ từng đợt liên tục, lên đến hàng chục ngàn, sẵn sàng chiến đấu chống lại những kẻ thù mà họ, hạnh phúc thay, không hiểu bọn chúng có động cơ gì. Trong thư gửi về nhà, họ nói với bạn bè và người thân rằng họ đã đến "để thổi tung lũ mọi rợ lên thiên đàng của chúng" và thề sẽ chiến đấu "cho đến khi lũ mọi bị giết sạch như tụi da đỏ".

    Đối mặt với những bất lợi này, du kích quân chuyển sang những chiến thuật mà lính Mỹ chưa từng gặp. Họ đặt bẫy lưới và bẫy mìn, cắt cổ, gây hỏa hoạn, đầu độc và tùng xẻo tù nhân. Lính Mỹ, trong đó có một số người có sếp đã từng là cựu binh trong cuộc chiến với bọn da đỏ, trả lời ngang ngửa. Khi hai trung đội dưới sự chỉ huy của tướng Lloyd Wheaton bị phục kích ở phía đông nam Manila, Wheaton ra lệnh phá hủy tất cả các thị trấn và làng mạc trong vòng mười hai dặm và giết sạch dân chúng.

    Trong nửa đầu cuộc chiến Philippines, các chỉ huy quân đội Mỹ đã ra lệnh kiểm duyệt đối với phóng viên nước ngoài để đảm bảo rằng tin tức về các diễn biến như thế này không đến được với dân chúng ở quê nhà. Chỉ sau khi lệnh kiểm duyệt được dỡ bỏ vào năm 1901, người dân Mỹ mới có thể biết về các diễn biến của cuộc chiến này. Báo chí bắt đầu đưa tin như bài báo này của một phóng viên từ tờ Philadelphia Ledger, bài báo được lưu trữ vào đầu năm 1901.
    Cuộc chiến hiện nay của chúng ta không phải là không có đổ máu, giả mạo hay kinh kịch. Những chiến sĩ của chúng ta không ngơi nghỉ; đã phải giết chóc hòng tiêu diệt những người đàn ông, đàn bà, trẻ em, tù nhân và những người bị bắt giữ, quân nổi dậy chủ động và những người bị tình nghi, khỏi lũ thanh niên trai tráng trên mười tuổi; một ý tưởng phổ biến rằng những người Philippines kiểu đó còn chẳng bằng con chó, một loài bò sát độc chẳng hạn, mà cách xử lý tốt nhất là vứt ra đống rác. Binh sĩ của chúng ta đã bơm nước muối vào người họ để "cho nó khai", đã bắt làm tù nhân những người giơ tay lên đầu hàng một cách hòa bình, và một giờ sau đó, dù chẳng có một tí bằng chứng nào cho thấy họ là phiến quân, vẫn xếp họ đứng trên cầu và bắn từng người từng người một, để cho xác họ rơi xuống dòng nước phía dưới và trôi xuôi dòng làm gương cho những ai thấy những cái xác thủng lỗ chỗ ấy.​
    Bước ngoặt trong cuộc chiến này là vào chiều 23 Tháng 3 năm 1901, khi một chuẩn tướng ba mươi sáu tuổi tên là Frederick Funston tiến hành một trong những chiến dịch chống du kích táo bạo nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Funston đã giành được Huân chương Danh dự tại Cuba ba năm trước đó, lúc này đang điều hành một khu vực trên đảo Luzon và nhận được tin tức thu được từ một người đưa tin vừa bị bắt giữ, rằng Aguinaldo đã cho quân đóng trại tại một ngôi làng trong khu vực mà anh đang điều hành. Anh nảy ra ý tưởng sử dụng một nhóm trinh sát người Philippines để giúp anh ta thâm nhập vào làng và bắt giữ Aguinaldo. Các trinh sát viên này là người dân tộc Macabebe, vốn tự xem mình là đối thủ của người Tagalogs - cộng đồng của Aguinaldo và nhiều phiến quân khác.

    Viên chuẩn tướng Funston và bốn sĩ quan khác phân công nhiệm vụ cho bảy mươi chín trinh sát viên người Macabebe. Kế hoạch của họ là cho các trinh sát đóng giả phiến quân và thưa lên Aguinaldo rằng họ đã đem về một nhóm tù nhân Mỹ. Khi nhóm này còn cách nơi ẩn náu của Aguinaldo khoảng mười dặm, ông gửi lời rằng người Mỹ phải bị nhốt riêng. Tuy vậy, ông cũng đã mời nhóm "phiến quân" tới, và khi người bảo vệ thân cận của ông chào đón họ, họ đột nhiên nổ súng.

    "Dừng ngay trò hề này lại!" Aguinaldo hét lên từ lều chỉ huy. "Đừng lãng phí đạn dược!"

    Một trong những trinh sát quay lại, xông vào lều của Aguinaldo, rút súng lục ra và nói: "Các người là tù nhân của chúng tao. Chúng tao không phải quân nổi dậy. Chúng tao là người Mỹ! Đầu hàng đi, hoặc chết!"

    Aguinaldo và các sĩ quan của ông đã quá kinh hoàng nên không thể trả lời. Trong vòng vài phút, họ bị trói và tước vũ khí. Chuẩn tướng Funston xuất hiện ngay sau đó và tự giới thiệu mình với nhà lãnh đạo quân nổi dậy.

    Aguinaldo hỏi: "Đây không phải là trò đùa khác đấy chứ?"

    Câu trả lời là không. Aguinaldo đã bị bắt và bị giải đến Manila, Funston sau đó đã nói thành phố này "đã trở nên hoang dại và phấn khích". Người dân Mỹ nơi quê nhà hân hoan với người anh hùng mới của họ. Sự hài lòng của họ càng sâu đậm hơn bởi chưa đầy một tháng sau khi bị bắt giữ, Aguinaldo đã đưa ra một tuyên bố chấp nhận chủ quyền của Mỹ và kêu gọi đồng đội từ bỏ cuộc chiến.

    Vài ngàn người đã từ bỏ thật, khiến cho viên chỉ huy Mỹ tại Philippines, tướng Arthur MacArthur, đã công bố rằng cuộc nổi loạn "gần như hoàn toàn bị đàn áp". Ông đã phát ngôn quá sớm. Quân nổi dậy vẫn trụ ở chiến trường và chiến đấu với sự dã man càng thêm mãnh liệt. Tháng 9 năm 1901, một tốp quân kháng chiến đánh úp một cứ điểm của Mỹ trên đảo Samar tàn bạo đến mức các sĩ quan Hoa Kỳ đã phải sử dụng một số biện pháp đối phó khủng khiếp nhất từ trước tới nay.

    Diễn biến này khởi đầu bằng cuộc đổ bộ như thường lệ của lính bộ binh tại một bãi biển gần làng Balangiga. Một vài người có vẻ nhận ra rằng họ đã đổ bộ lên một vùng lãnh thổ đáng ngờ. Khi họ cập bờ, một trung úy nhìn chằm chằm về phía trước và nói với đồng đội: "Giờ thì chúng ta sẽ kẹt cứng trên đất goo-goo thôi".

    Theo những lời khai sau đó, quân Mỹ chiếm đóng Balangiga trong vài tuần, bình định hòn đảo thông qua việc bắt bớ, tra tấn và hãm hiếp. Bình minh ngày 28 tháng 9, binh sĩ thức dậy như thường lệ sau hiệu lệnh đánh thức(26). Vài người ở lại làm nhiệm vụ canh gác trong khi những người khác ăn sáng. Cảnh sát trưởng của thị trấn tản bộ đến một trạm gác, nói vài lời động viên, rồi đột nhiên rút ra một con dao dài và đâm tên lính gác. Ngay lập tức chuông nhà thờ bắt đầu đổ. Rất nhiều quân nổi dậy, trước đó đã thâm nhập vào thị trấn, đổ ra khỏi nơi trú ẩn của họ. Họ đánh úp quân Mỹ không có vũ khí rất quyết liệt, đâm chém cho đến chết. Trong vòng vài phút, máu tràn ngập trại lính. Một số lính Mỹ đã trốn thoát lên thuyền và tiến thẳng đến một căn cứ cách bờ biển ba mươi dặm. Trong số bảy mươi tư quân đóng ở Balangiga, chỉ có hai mươi người sống sót, hầu hết đều mang trên mình nhiều vết đâm.

    Tin tức về "vụ thảm sát Balangiga" nhanh chóng truyền về Hoa Kỳ. Cả đất nước choáng váng, họ chỉ mới bắt đầu nhận ra cuộc chiến ở Philippines là thế nào. Các vị chỉ huy quân đội Mỹ trên hòn đảo này cũng bàng hoàng không kém, nhưng họ đang ở thế buộc phải phản ứng, và họ đã phản ứng. Họ ra lệnh cho Đại tá Jacob Smith, người đã tham gia vào vụ thảm sát Wounded Knee trên Lãnh thổ Dakota(27) một thập kỷ trước, hành quân đến Samar và làm bất cứ điều gì được cho là cần thiết để khuất phục những tên nổi loạn. Smith đã đến và phụ trách các đơn vị đồn trú còn lại, ra lệnh cho binh sĩ giết chết tất cả những người trên mười tuổi và biến hòn đảo thành "một vùng hoang vu thảm đạm".

    Ông nói: "Tôi muốn không có tù nhân. Các anh chỉ cần giết và đốt. Các anh giết càng nhiều, đốt phá càng nhiều thì tôi sẽ càng vui lòng".

    Lính Mỹ thực hiện lệnh đó một cách thích thú. Họ khởi động bằng cách cướp phá vùng Balangiga, và sau đó cày nát vùng nông thôn. Biết rằng những kẻ đã tham gia vụ tấn công ở Balangiga thường đóng giả dân làng, họ chẳng thèm phân biệt ai là chiến binh, ai không. Niềm đam mê trả thù cho đồng đội đã thôi thúc họ giết chết hàng trăm người, đốt phá hoa màu, giết hại gia súc và phá hủy hàng chục ngôi làng.

    Trong suốt cuộc hành quân kéo dài và bất định một cách đáng ngạc nhiên qua khu rừng Samar, mười một thủy quân lục chiến đã thiệt mạng bởi nhiều lý do: đói, kiệt sức… Viên đại úy, vốn đang mê sảng, lâu lâu mới tỉnh táo, thì trở nên tin rằng các phu khuân vác người Philippines đã góp phần vào cái chết của họ bằng cách ăn cắp khoai tây, muối và các nhu yếu phẩm khác. Ông chỉ ra mười một người, mỗi người đền một mạng cho một tên lính đã chết, và bắn họ.

    Người Mỹ đã sử dụng những chiến thuật rất khắc nghiệt ngay từ đầu của cuộc chiến Philippines, nhưng việc hành hình mười một người Philippines để đền mạng, mà những người này lại đang làm việc cho họ, và rõ ràng là cũng chẳng phạm tội gì, khiến các vị chỉ huy không thể bỏ qua. Họ đưa viên sĩ quan vi phạm ấy ra tòa án binh về tội giết người. Cuối cùng anh này được trắng án, nhưng vụ án này đã làm bùng lên làn sóng phẫn nộ tại Hoa Kỳ.

    Trước vụ này, nhiều người dân Mỹ đã tin rằng binh sĩ của họ khác biệt với binh sĩ các nước khác, họ hành xử với một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn vì họ có động cơ tốt đẹp. Tuy nhiên, sau vụ Balangiga, một loạt những tin tức lộ ra đã khiến họ không còn cả tin như vậy. Phóng viên báo chí tìm kiếm những cựu binh trở về, và từ những bài báo của họ, người ta biết rằng lính Mỹ ở Philippines đã phải dùng hết tất cả các cách tra tấn. Nổi tiếng nhất là "liệu pháp nước": lấy một đoạn tre thọc vào cổ họng người tù và đổ nước bẩn đầy dạ dày người đó cho đến khi họ quằn quại trong đau đớn. Binh sĩ lại còn nhảy lên bụng người tù để nước phọt ra, họ thường lặp đi lặp lại quá trình này cho đến khi nạn nhân chịu khai báo hoặc chết. "Kỹ thuật" này được báo chí tường thuật rộng rãi tại Hoa Kỳ đến nỗi thậm chí tờ Cleveland Plain Dealer còn đăng một câu chuyện đùa về nó.
    Má: Tiếng nước phọt ra ngoài đó là sao hả Willie?
    Willie: Má à, là chúng con đây. Chúng con đang thử nghiệm liệu pháp nước Philippines cho Bobby Snow, và bây giờ chúng con đang dốc ngược thằng nhóc ấy lên.​
    Những người khác xem vấn đề này là nghiêm trọng hơn. Tờ Baltimore American than thở: "Thực sự chúng ta cũng phải tự dùng cái ‘liệu pháp nước’ ấy để quên đi [những hổ thẹn này]". Tờ Indianapolis News kết luận rằng Hoa Kỳ đã áp dụng "các phương pháp man rợ", và tờ New York Post đã tuyên bố rằng quân đội Mỹ "đã theo đuổi một chính sách giết người hàng loạt và có chủ ý". David Starr Jordan, chủ tịch trường Đại học Stanford, đã tuyên bố rằng người Philippines đã chẳng làm gì ngoài việc nổi loạn chống lại "sự kiểm soát ngoại bang" và do đó, "chính là lỗi của chúng ta và chỉ do chúng ta đã gây chiến". Vị giáo sư đáng kính của trường Harvard, William James, nói rằng người Mỹ đã phạm tội "sát hại một nền văn hóa khác" và đã kết thúc một bài phát biểu của mình bằng cách tuyên bố: "Chúa nguyền rủa nước Mỹ vì hành vi đốn mạt của nước này ở Philippines!" Mark Twain cho rằng đã đến lúc phải thiết kế lại quốc kỳ Mỹ với "sọc trắng nền đen và thay thế các ngôi sao bằng đầu lâu xương chéo".

    Những lời buộc tội như thế này tiếp tục bùng nổ trong vài tháng, nhưng ngay sau đó một chiến dịch đáp lễ đã được khởi động. Những người ủng hộ chính sách của Mỹ, ban đầu đã quá choáng váng bởi đòn công kích của những tiết lộ khủng khiếp đến nỗi không thể phản ứng gì được, rốt cuộc cũng đã tìm thấy tiếng nói của họ. Họ khẳng định rằng điều kiện khắc nghiệt đã buộc binh sĩ phải hành động như vậy. Tờ New York Times cho rằng "các sĩ quan dũng cảm và trung thành" đã có những phản ứng dễ hiểu đối với bọn người Philippines "độc ác, nguy hiểm, đầy sát khí". Tờ St. Louis Globe-Democrat nói rằng ở Philippines, binh lính Mỹ cũng chỉ làm những điều mà họ đã từng làm trong cuộc Nội chiến, và rằng "nếu xét đến việc phải tiếp nhận các hành vi khiêu khích cũng như tính chất đặc thù của các nhiệm vụ được thực hiện, thì các lỗi vi phạm cũng là không đáng kể". Tạp chí Providence kêu gọi độc giả của mình hãy chấp nhận "sự uyên thâm của việc lấy gậy ông đập lưng ông".

    Chủ đề tiếp theo bao trùm báo chí chính là: "Bất kỳ tội ác tàn bạo nào tại Philippines đều là hành vi loạn trí". Tờ St. Paul Pioneer Press thừa nhận rằng họ thật là "tệ hại", nhưng "chuyện này không liên quan gì đến các vấn đề cơ bản của chính sách quốc gia." Tờ New York Tribune nói rằng chỉ có một vài binh sĩ bị kết tội và "đây không phải trách nhiệm của chính sách, mà là trách nhiệm của chính những người lính đó".

    Khi cuộc tranh luận này lên đến đỉnh điểm đầu năm 1902, Tổng thống McKinley bị ám sát và Theodore Roosevelt lên nắm quyền. Roosevelt nhận nhiệm vụ bảo vệ danh dự của đội quân mà ông yêu mến, và ông chấp nhận nhiệm vụ đó mặc dù ông chưa từng hào hứng đối với cuộc chiến ở Philippines. Ông kéo thêm người bạn thân và cũng là đồng minh của mình, Henry Cabot Lodge, vào vai trò lãnh đạo cuộc bảo vệ đó. Trong một bài phát biểu kéo dài và hùng hồn trước Thượng viện, Lodge thừa nhận rằng đã có những trường hợp "dùng liệu pháp nước hay đe dọa bắn bỏ nếu không khai, hay những cách đối xử tàn bạo và độc ác nhằm bảo mật thông tin". Nhưng ông cảnh báo rằng người dân Mỹ, vốn đang sống "trong những mái nhà êm ấm cách xa những ấn tượng và nỗi gian nan của chiến tranh" sẽ không thể hiểu được những thách thức của việc đưa pháp luật đến một "dân tộc bán khai(28) với tất cả các xu hướng và tính cách tiêu biểu của dân châu Á(29)".

    Lodge cầu xin Thượng viện rằng: "Chúng ta, nào, chúng ta hãy chỉ lo việc của chúng ta mà thôi".

    Theo gợi ý của Tổng thống Roosevelt, Lodge sắp xếp cho Thượng viện tổ chức buổi điều trần về những lời tố cáo các hành vi sai trái của quân nhân Mỹ ở Philippines. Đó là một động thái thông minh. Lodge vừa chủ tọa các phiên điều trần, vừa cẩn thận giới hạn phạm vi của chúng. Có nhiều lời khai về chiến thuật của các trận đánh, nhưng không để lộ chính sách lớn hơn đằng sau. Ủy ban thậm chí không phát hành báo cáo tổng kết. Một sử gia đã mô tả việc này là "một trò đánh lận con đen hơn là để thanh minh".

    Ngày 4 tháng 7 năm 1902, ngay sau khi ủy ban điều tra hoàn tất công việc, Tổng thống Roosevelt tuyên bố Philippines đã thanh bình. Ông đã tuyên bố rất chính đáng. Các yếu nhân của quân du kích đã bị giết hoặc bị bắt giữ và sự kháng cự gần như bị dập tắt hoàn toàn. Cuộc chiến đã tốn kém hơn rất nhiều so với bất cứ dự đoán nào lúc ban đầu. Trong ba năm rưỡi dày vò bởi chiến tranh, 4.374 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, gấp hơn mười lần thiệt hại ở Cuba. Khoảng mười sáu ngàn du kích và ít nhất là hai mươi ngàn thường dân cũng đã bị thiệt mạng. Người dân Philippines nhớ về những năm tháng đó là giai đoạn đẫm máu nhất trong lịch sử của họ. Người Mỹ đã nhanh chóng quên rằng cuộc chiến ấy đã từng xảy ra.

    ---Hết chương 2---

    (25) Methodist: thành viên của Hội Giám lý (do John Wesley sáng lập).
    (26) Reveille: (quân sự) hiệu lệnh đánh thức (bằng kèn, trống… vào buổi sáng trong quân đội).
    (27) Vụ thảm sát Wounded Knee xảy ra vào ngày 29 tháng 12 năm 1890 tại nơi ngày nay nằm trong bang South Dakota, Hoa Kỳ, khiến cho khoảng 300 da đỏ người thiệt mạng, trong đó có 200 phụ nữ và trẻ em, đa phần là thường dân. Người ta tin rằng rất nhiều nạn nhân đã thiệt mạng là do bị binh lính Mỹ “bắn nhầm” (friendly fire), vì lúc đó rất hỗn loạn.
    (28) Semi-civilized.
    (29) Ở đây, Lodge dùng từ asiatic, vốn có nghĩa như asian (người châu Á), nhưng từ Asiatic mang ý nghĩa xem thường, sỉ nhục, hiện đã không còn được dùng mà thay bằng asian vốn có nghĩa trung lập, khách quan.
     
  10. bun_oc

    bun_oc VIP

    3
    TỪ NHÀ THỔ ĐẾN NHÀ TRẮNG


    Một con tem bưu chính đã khiến Hoa Kỳ quyết tâm lật đổ nhà lãnh đạo đáng gờm nhất mà Nicaragua từng có. Nó đã khởi đầu một chuỗi các sự kiện vẫn còn vang dội cho đến tận ngày nay, khiến nó có thể trở thành con tem có ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Nếu không tung ra con tem này, Nicaragua đã có thể là một quốc gia hòa bình, thịnh vượng từ lâu. Thay vào đó là nghèo khổ và bất ổn dai dẳng, cảnh nồi da xáo thịt và một sân khấu cho vở kịch can thiệp lặp đi lặp lại của Mỹ.

    Nếu nhìn bằng mắt thường, con tem này không có gì nổi bật. Nó có màu tím và in cảnh một ngọn núi lửa đang trào khói bên bờ hồ. Ở rìa con tem có mấy chữ "Nicaragua", "Correos", "10 xu" và dưới cùng là mấy chữ bé tí xíu: "Công ty Tiền giấy Hoa Kỳ NY". Khi con tem được phát hành năm 1900, Nicaragua đang trong một cuộc cách mạng hiện đại hóa. Ngày nay con tem là một lời nhắc nhở sâu sắc về những gì có thể đã xảy ra.

    Trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX, những lý tưởng cải cách xã hội và chính trị lan khắp Trung Mỹ. Các nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, lấy cảm hứng từ các triết gia và các nhà lập quốc châu Âu, đã tìm cách xóa bỏ chế độ phong kiến đang bế quan tỏa cảng. Trong số đó có Tổng thống José Santos Zelaya của Nicaragua, đã áp dụng các nguyên tắc chủ nghĩa dân tộc một cách nghiêm túc đến nỗi Hoa Kỳ cảm thấy buộc phải lật đổ ông.

    Chân dung của Zelaya, ngày nay đang tô điểm trên tờ tiền mệnh giá hai mươi cordoba của Nicaragua, cho thấy ông có nét mặt mạnh mẽ, với bộ ria mép xoăn tít thanh lịch và đôi mắt sắc sáng rực năng lượng và đầy nôn nóng. Khi còn là thanh niên, ông khoe khoang rằng cha của ông, một đại tá quân đội và nông dân trồng cà phê, đã sắp xếp để gửi ông đến học ở châu Âu. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nhà với người vợ Bỉ và gia nhập Đảng Tự do, đảng này theo đuổi lý tưởng của chủ nghĩa thế tục và cải cách triệt để. Năm 1893, khi Đảng Bảo thủ, sau thời gian cầm quyền kéo dài, phải giải tán bởi các cuộc xung đột giữa các phe phái, ông và một nhóm các đồng chí thuộc Đảng Tự do đã tổ chức một cuộc nổi dậy đánh đổ đảng kia một cách cực kỳ dễ dàng. Trong vòng vài tháng, ông nổi lên và trở thành nhà lãnh đạo mới của đất nước.

    Khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nicaragua, Zelaya còn sáu tuần nữa mới tròn bốn mươi tuổi. Ông tuyên bố một chương trình cách mạng và bắt đầu lay tỉnh đất nước mình từ giấc ngủ dài. Ông đã xây dựng đường giao thông, bến cảng, đường sắt, các tòa nhà chính phủ và hơn 140 trường học; lát nền các con đường ở Managua, mắc đèn đường, và nhập khẩu chiếc ô tô đầu tiên của đất nước; hợp pháp hóa hôn nhân và ly hôn dân sự; và thậm chí tổ chức giải thi đấu bóng chày đầu tiên của quốc gia, trong đó có đội "Thanh niên" và đội "Nổi dậy". Ông khuyến khích kinh doanh, đặc biệt là ngành công nghiệp cà phê mới ra đời. Về vấn đề đối ngoại, ông thúc đẩy một liên minh gồm năm quốc gia nhỏ ở Trung Mỹ và nhiệt thành ủng hộ một dự án lớn đã đẩy Nicaragua lên sân khấu thế giới: đào con kênh xuyên đại dương.

    Tất cả các tổng thống Mỹ kể từ Ulysses S. Grant đã thúc đẩy dự án kênh đào này. Năm 1876 một ủy ban chính phủ đã nghiên cứu các tuyến đường khả thi và kết luận rằng nếu đào con kênh bắc ngang Nicaragua thì sẽ "chiếm được lợi thế lớn, cả về cấu trúc xây dựng cũng như việc bảo trì con kênh, đồng thời cũng gặp ít khó khăn về mặt kỹ thuật, thương mại và kinh tế, hơn bất cứ tuyến đường nào khác". Từ từ thì dự án cũng có đà. Năm 1889, một công ty tư nhân mà Quốc hội thuê đã bắt đầu nạo vét gần bờ biển Đại Tây Dương của Nicaragua. Dự án bị thiếu vốn và bị hủy bỏ ngay trước khi Zelaya lên nắm quyền.

    Một nhóm người đã ăn mừng sự thất bại này. Họ là thành viên của một tổ chức tại Paris sở hữu một vùng đất rộng lớn cắt ngang Panama, nơi đây các kỹ sư người Pháp đã cố gắng và thất bại khi đào một con kênh. Những người này sẽ trở nên rất giàu có nếu họ có thể tìm ra một người mua đất của họ. Khách hàng duy nhất chỉ có thể là chính phủ Hoa Kỳ, nhưng nước này đang theo đuổi tuyến đường Nicaragua. Cần phải có một chiến dịch vận động hành lang rất tinh vi để thuyết phục Washington thay đổi ý định. Nhóm này đã thuê một luật sư tài năng ở New York để chỉ đạo chiến dịch, đây là một người hiểu rõ hơn bất kỳ người nào cùng thế hệ cách khuất phục chính phủ, bắt họ phải chiều theo ý muốn của doanh nghiệp.

    Cuối thế kỷ XIX, khi các công ty Mỹ bắt đầu trở nên khổng lồ, họ gặp phải một loạt các vấn đề về mặt tổ chức và chính trị. Nhiều công ty đã cậy đến William Nelson Cromwell để được giúp đỡ. Ngoại hình của Cromwell gần như là lập dị, với đôi mắt xanh sáng, da trắng và mái tóc dài bạc phơ. Đằng sau vẻ ngoài lạ lùng đó là một đầu óc cực kỳ nhạy bén. Những thành tựu trong kinh doanh của Cromwell đã trở thành huyền thoại.

    Một phóng viên đã viết như sau: "Ông ấy có thể mỉm cười ngọt ngào như một mỹ nhân, và đồng thời tung một đòn vào đối thủ kinh doanh vốn đang trói ông trong một mớ vô vọng những rắc rối tài chính".

    Vừa là một bậc thầy về luật doanh nghiệp, cũng là một nhà vận động hành lang tài giỏi ở Washington, Cromwell là một đối tác lý tưởng cho nhóm người Pháp về vấn đề kênh đào. Năm 1898, người đứng đầu nhóm này, Philippe Bunau-Varilla, thuê ông ta và giao cho ông một nhiệm vụ khó khăn: sắp đặt để Hoa Kỳ xây dựng con kênh của nước này cắt ngang Panama chứ không phải Nicaragua.

    Chiến thuật đầu tiên của Cromwell là cản trở những bước tiến triển chậm mà chắc đã đạt được sau khi triển khai lại dự án ở Nicaragua. Việc này ông cứ làm đi làm lại, với sự giúp sức tận tình từ bạn bè trong Quốc hội và Bộ Ngoại giao. Sau đó, vào năm 1901, sau vụ ám sát Tổng thống McKinley, Theodore Roosevelt, một tín đồ cuồng nhiệt tin vào sức mạnh hải quân, nhậm chức.

    Roosevelt quyết tâm nhanh chóng xây dựng con kênh, bất kể là phải đào nó ở đâu. Đầu năm 1902, ông yêu cầu Quốc hội dành ra 140 triệu đôla để xây dựng một con kênh cắt ngang Nicaragua. Cromwell đã xoay xở để lôi kéo được một vài nhân vật có ảnh hưởng về phe của ông, trong đó có Thượng nghị sĩ Mark Hanna, một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng hòa. Để củng cố liên minh của họ, ông đã đóng góp 60.000 đôla cho Đảng Cộng hòa, chi phí kinh doanh này do nhóm kênh đào chịu. Tuy nhiên, ngay cả những người bạn này cũng không đủ mạnh để đánh bại dự luật Nicaragua. Ngày 9 tháng 1, Hạ viện đã thông qua dự luật trên với số phiếu áp đảo 308/2.

    Cromwell đã cố gắng trì hoãn cuộc tranh luận này trong nhiều năm. Giờ thì nó đã đến rất gần rồi, sự nghiệp của ông trở nên ảm đạm. Ông chỉ có thể giành chiến thắng khi bằng cách nào đó, ông trời can thiệp. Và ông trời đã can thiệp, trong lốt Công ty Tiền giấy Hoa Kỳ.

    Cũng như một số các quốc gia nhỏ khác, Nicaragua đã thuê công ty New York uy tín này sản xuất tem bưu chính. Những nhà thiết kế của công ty tung ra những mẫu tem với những cảnh đẹp nổi bật nhất ở Nicaragua. Trong số đó có một bộ tem miêu tả núi lửa Momotombo hùng vĩ với một làn khói hình xoắn ốc bốc lên. Một ngày nọ, ở Washington, một người vận động hành lang sắc sảo cho tổ chức kênh đào của người Pháp để ý đến con tem kiểu này trên lá thư từ Nicaragua. Nó đã cho ông cảm hứng để thay đổi tiến trình của lịch sử.

    Trùng hợp thay, năm 1902 cũng là năm núi lửa hoạt động bất thường trên vùng biển Caribê. Trong tháng 5, một vụ phun trào khủng khiếp đã làm ba mươi nghìn người trên đảo Martinique thiệt mạng. Ngay sau đó lại có một vụ phun trào nữa trên đảo St. Vincent. Trên báo chí Mỹ đầy rẫy những câu chuyện kinh hoàng về sức tàn phá của núi lửa, và trong vài tháng công luận bị ám ảnh bởi một loại hội chứng cuồng loạn về núi lửa. Cromwell nhận ra rằng ông có thể tận dụng lợi thế sau những diễn biến ngẫu nhiên này.

    Đầu tiên, ông đăng một bài nhỏ trên tờ New York Sun - sau này người ta đã chứng minh bài này là sai hoặc đã bị thổi phồng quá mức - đưa tin rằng núi lửa Momotombo đã phun trào và tạo ra những rung động địa chấn. Rồi ông lùng tìm đủ bộ tem Momotombo và dán lên giấy dưới tiêu đề "Một bằng chứng chính thức cho các hoạt động núi lửa ở Nicaragua", và gửi cho tất cả các thượng nghị sĩ, mỗi người một bản. Các tờ rơi này truyền đạt một thông điệp rõ ràng: thật điên rồ khi xây dựng một con kênh trong một đất nước có địa chất không ổn định đến nỗi nước này sử dụng hình ảnh một ngọn núi lửa đang nhả khói trên tem bưu chính.

    Rất ít người ở Washington biết rằng Momotombo gần như không hoạt động, rằng nó nằm cách tuyến kênh dự tính hơn 100 km, và rằng quyết định sử dụng hình ảnh núi lửa trên một con tem là do các nhà thiết kế tại New York chứ không phải ở Nicaragua. Khi con tem được lưu truyền khắp Washington, các Bộ trưởng Nicaragua và Costa Rica, vốn đang chỉ đạo một chiến dịch mà họ cho là khá dễ dàng để đảm bảo tuyến kênh bắc ngang Nicaragua được phê duyệt, bỗng thấy mình bị quá tải. Khi cuộc tranh luận về dự luật kênh khởi động tại Thượng viện, Mark Hanna đã trình bày một bài phát biểu đầy nhiệt huyết ủng hộ cho tuyến kênh Panama, minh họa bằng một bản đồ khủng khiếp và cực kỳ không thực tế hiển thị các khu vực có nguy hiểm về địa chất ở Trung Mỹ. Bài phát biểu đó cùng với sự vận động hậu trường, phối hợp chặt chẽ với những nỗ lực song hành từ Cromwell, đã đem đến một kết quả như ý. Ngày 19 Tháng 6 năm 1902, ba ngày sau khi nhận được bộ tem Momotombo, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ tuyến kênh Panama với số phiếu 42/34. Ngay sau đó Hạ viện cũng đảo ngược kết quả bỏ phiếu của họ và chấp nhận tuyến kênh đó. Sau chiến dịch vận động hành lang đó, Cromwell thu được một khoản phí là 800.000 đôla.

    Con tem Momotombo không phải là yếu tố duy nhất trong cuộc bầu cử. Kết quả ấy còn do bối cảnh của một mối thù chính trị giữa Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, John T. Morgan của bang Alabama, một người ủng hộ tuyến kênh qua Nicaragua hàng đầu, và Thượng nghị sĩ Hanna, ông này chọn ủng hộ tuyến kênh Panama một phần cũng để làm suy yếu phe của Morgan. Một số thượng nghị sĩ bị ảnh hưởng bởi một báo cáo vào phút cuối của Hội đồng Kênh đào Eo Panama(1) kết luận rằng tuyến kênh Panama là có lợi thế. Những người khác xem đây là một vụ làm ăn tốt về mặt tài chính bởi nhóm kênh đào [người Pháp] đã giảm giá chào bán từ 109 triệu đôla xuống còn 40 triệu. Tuy nhiên, những ghi chép của cuộc tranh luận cho thấy rằng các thượng nghị sĩ đã có một cái nhìn cực kỳ phóng đại về tầm nguy hiểm của những ngọn núi lửa đối với tuyến kênh Nicaragua. Những ghi chép này, cũng như những lời tuyên bố sau đó của các thành viên Quốc hội, rõ ràng cho thấy con tem Momotombo và nỗi lo sợ núi lửa phun trào ở Nicaragua đã đóng một vai trò quyết định trong việc bỏ phiếu cho Panama.

    Sau khi bỏ phiếu, thượng nghị sĩ Morgan phàn nàn rằng một nhà vận động hành lang cho Panama "tham nhũng và có ảnh hưởng" đã vô liêm sỉ mà lừa đảo đồng sự của mình. Ông đã đúng, nhưng vấn đề này đã được quyết định. Ngày 29 tháng 6, Tổng thống Roosevelt ký ban hành đạo luật cho phép xây dựng một con kênh bắc ngang Panama. Ngày nay một bản khắc của con tem Momotombo được trưng bày nổi bật tại Bảo tàng Kênh đào xuyên đại dương ở Panama.

    Trong thời gian người ta nghĩ là con kênh sẽ được xây dựng ở Nicaragua, các quan chức Mỹ đã hòa thuận với Tổng thống Zelaya. Năm 1898, Đại sứ Mỹ tại Managua đã viết trong một báo cáo nhanh rằng Zelaya "đã xây dựng cho người dân Nicaragua một chính phủ tốt đẹp như họ mong muốn ở ông… Người nước ngoài, nếu chỉ lo kinh doanh và không can dự vào những việc chính trị không liên quan đến họ, thì sẽ được bảo vệ đầy đủ". Hai năm sau đó, Ngoại trưởng John Hay cũng ca ngợi "khả năng, nghị lực và sự liêm chính rất cao" của Zelaya. Lãnh sự Mỹ tại San Juan del Norte, nơi sắp là trạm cuối của con kênh tại Caribê, đã gọi ông là "người có năng lực và mạnh mẽ nhất Trung Mỹ" và cho biết ông "rất nổi tiếng trong công chúng, và đem lại cho họ một chính phủ tuyệt vời".

    Sau khi Quốc hội chọn tuyến kênh Panama, sự ngưỡng mộ này nhanh chóng chuyển thành khinh bỉ. Các quan chức Mỹ, vốn đã từng coi chiến dịch thúc đẩy đoàn kết Trung Mỹ của Zelaya là cao đẹp, bắt đầu xem nó là nguyên nhân gây mất ổn định. Những nỗ lực của ông khi chỉnh đốn các công ty Mỹ, từng được coi là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc đầy tự tin, bắt đầu gặp thách thức.

    Nhà sử học người Mỹ John Ellis Findling sau này đã viết: "Đối với Bộ Ngoại giao, Nicaragua đã không còn là một quốc gia cần phải được nâng niu hoặc chăm sóc để chuẩn bị cho tính hữu dụng trong tương lai. Thay vào đó, giờ đây đó là một quốc gia cần phải được theo dõi cẩn thận và chờ đến lượt sử dụng".

    Tổng thống Roosevelt lao vào dự án kênh đào với sự hăng hái không kiềm chế. Tuy nhiên, trước khi có thể xây dựng bất cứ cái gì tại Cộng hòa Panama, ông phải giải quyết một vấn đề còn tồn tại. Không có cái gọi là Cộng hòa Panama. Panama chỉ là một tỉnh của Colombia, và các nhà lãnh đạo Colombia đã miễn cưỡng từ bỏ chủ quyền đối với khu vực tuyến kênh đề xuất mặc dù họ gợi ý rằng họ có thể xem xét lại nếu Hoa Kỳ đưa ra nhiều tiền hơn.

    Roosevelt đã viết cho Ngoại trưởng Hay: "Tôi cảm thấy có hai lựa chọn. (Một là) Để mất Nicaragua; (Hai là) bằng cách nào đó can thiệp khi cần thiết để giữ chặt tuyến kênh Panama mà không cần phải thỏa thuận gì thêm với bọn chính trị gia tham nhũng, ngu dốt và sát nhân ở Bogotá". Sau một vài trao đổi qua lại ngắn gọn, ông đã chọn phương án thứ hai.

    Hoa Kỳ có rất ít kinh nghiệm trong việc kích động các cuộc cách mạng. Tuy nhiên, nó đã có một hình mẫu. Một thập kỷ trước, nhà ngoại giao Mỹ John L. Stevens đã nghĩ ra một kế hoạch đơn giản cho phép một nhóm người, dù ít được quần chúng ủng hộ, vẫn có thể lật đổ chính phủ Hawaii. Roosevelt quyết định biến tấu kế hoạch đó vào Panama. Ông khuyến khích "các nhà cách mạng" Panama tuyên bố độc lập, tách khỏi Colombia, nhanh chóng công nhận họ về mặt ngoại giao, và sau đó sử dụng quân đội Mỹ hòng ngăn chặn quân đội Colombia tái lập sự kiểm soát.

    Ngày 2 tháng 11 năm 1903, viên chỉ huy pháo hạm Nashville đang thả neo tại Colón trên bờ biển về phía Caribê của Panama, nhận được lệnh từ Washington yêu cầu "ngăn chặn bất kỳ lực lượng vũ trang nào đổ bộ với ý định thù địch, bất kể là chính phủ hay quân nổi dậy". Ông cảm thấy bối rối, bởi vì chẳng có cuộc cách mạng nào nổ ra cả. Ngày hôm sau thì có. Tại thủ phủ của tỉnh là thành phố Panama, một nhóm quân nổi dậy được lập nên vội vàng đã tuyên bố rằng Panama độc lập.

    Không có quân đội đóng ở thành Panama, nhưng ở Colón thì có một đội quân lớn, và chỉ huy của nó đã lập tức phản ứng với những tin tức về cuộc nổi loạn. Ông tập hợp một lực lượng năm trăm người, hành quân băng qua thị trấn đến nhà ga xe lửa và yêu cầu một đoàn tàu chở họ đến thành phố Panama. Viên quản lý nhà ga Colón là người Mỹ, đã nói xạo rằng chỉ còn một chiếc xe duy nhất. Không nản lòng, vị chỉ huy lên xe cùng với các sĩ quan của mình, rõ ràng là rất tự tin, rằng ông có thể đè bẹp quân nổi dậy dù không mang theo một đội quân hùng hậu. Ông đã rơi vào một cái bẫy. Người Mỹ đã đánh điện trước và sắp xếp để bắt giữ ông cùng các sĩ quan khi họ vừa ra khỏi sân ga.

    Một tàu chiến khác của Mỹ, chiếc Dixie, đã cập cảng Colón vào ngày 5 tháng 11 và đưa bốn trăm lính thủy đánh bộ lên bờ. Ngày hôm sau, Hoa Kỳ chính thức công nhận phe nổi dậy là các nhà lãnh đạo của một nước Cộng hòa Panama mới thành lập. Thêm tám tàu chiến nhanh chóng xuất hiện trong vùng biển ngoài khơi Colón, phong tỏa không cho tàu Colombia tiếp cận khu vực ly khai. Một nhà sử học gọi đó là "một hành vi trắng trợn, nhưng lại thành công; một hành động ngoại giao pháo hạm mà thế giới chưa từng thấy".

    Ngay cả bản thân Roosevelt dường như cũng đang mâu thuẫn về những gì ông đã làm. Ban đầu, ông tìm cách phủ nhận. Ông phản đối trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không kích động một cuộc cách mạng tại vùng eo biển Panama". Ngay sau đó ông khẳng định rằng các nhà lãnh đạo "hoàn toàn không đủ năng lực" của Colombia đã đánh mất Panama một cách ngu ngốc bằng cách từ chối phê duyệt điều ước quốc tế về kênh đào "bất chấp những lời cảnh báo chân thành nhất". Rõ ràng là lời lẽ của Tổng thống cũng chẳng thuyết phục nổi bản thân ông, bởi tại cuộc họp nội các tiếp theo, ông đã yêu cầu Tổng chưởng lý Philander Knox tổ chức một cuộc tranh luận pháp lý mà ông có thể sử dụng để biện minh cho các hành vi nói trên.

    Knox trả lời: "Ồ, thưa Tổng thống, ngài đừng để những chiến công tuyệt vời như vậy bị dính bất kỳ vết nhơ nào về tính hợp pháp".

    Roosevelt lo lắng hỏi: "Tôi đáp trả những lời buộc tội như vậy đã được chưa? Hả?"

    Bộ trưởng Chiến tranh Elihu Root nhăn nhó trả lời: "Thưa Tổng thống, chắc chắc là rồi chứ. Ngài đã cho thấy rằng khi bị buộc tội dụ dỗ, ngài đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng tội của ngài là hiếp dâm".

    Tại Nicaragua, Tổng thống Zelaya đón nhận những sự kiện này bằng vẻ cực kỳ thanh thản. Ông không bao giờ thể hiện sự tức giận khi đánh mất dự án kênh đào, hoặc để lộ sự phẫn nộ đối với "cuộc cách mạng" mà Mỹ tài trợ đã chia đôi quốc gia láng giềng. Thay vào đó, chỉ vài tuần sau cuộc nổi dậy, ông đã tiếp một đại diện ngoại giao từ Cộng hòa Panama, trân trọng mời ông này dự tiệc tối và công nhận chính phủ mới. Theo John Ellis Findling giải thích, ông đã có lý do chính đáng khi thể hiện như vậy.
    Sự tự mãn của Zelaya đối với việc đánh mất dự án kênh đào có thể được giải thích bởi hai yếu tố chính và mới xuất hiện trong các vấn đề ở vùng Panama. Thứ nhất, năm 1902 và 1903 là những năm yên bình của khu vực Trung Mỹ, và Zelaya đã tranh thủ thời gian này để lặng lẽ khởi động một liên minh Trung Mỹ mới dưới sự lãnh đạo của ông… Thứ hai, [ông] đã bắt đầu nhượng cho giới doanh nhân Mỹ và Nicaragua nhiều quyền(2) có tiềm năng sinh lợi. Một con kênh của Hoa Kỳ có thể sẽ cản trở chính sách kinh tế này.​
    Cũng như những người theo chủ nghĩa lý tưởng và không tưởng ngày nay, Zelaya mơ ước tái lập một vùng Trung Mỹ thống nhất đã tồn tại trong thời kỳ 1821-1838. Năm 1902, ông kêu gọi Tổng thống của bốn quốc gia Trung Mỹ khác là Guatemala, El Salvador, Honduras và Costa Rica tham gia một hội nghị mà ông hy vọng sẽ khởi động quá trình tái thống nhất. Tại đây, người ta ký kết một loạt các hiệp định có vẻ hay ho, nhưng ngay sau đó vùng Eo lại quay trở về tình trạng xung đột lâu đời của nó giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do. Zelaya đã cố gắng áp đặt ý chí của mình, đầu tiên là sử dụng áp lực chính trị và sau đó là cử những đội quân viễn chinh tới Honduras và El Salvador.

    Cho đến khi công trình kênh đào Panama được khởi công, các quan chức Mỹ vẫn có nhận thức rất mờ nhạt về những cuộc viễn chinh như vậy. Tuy nhiên, các cuộc tấn công quân sự định kỳ của Zelaya, dù vẫn gây khó chịu cho một số người ở Washington, có lẽ là chưa đủ để Hoa Kỳ quyết định lật đổ ông. Kể cả việc ông không tiến hành một nền dân chủ đúng mức ở đất nước mình cũng vẫn là chưa đủ cho Hoa Kỳ làm thế. Tuy nhiên, cùng với hai "lỗi" này, ông còn thêm một "lỗi" thứ ba, khiến cho cán cân nghiêng hẳn về bên chống lại ông: Ông liên tục đụng độ với các công ty Mỹ hoạt động tại đất nước mình.

    Trong tất cả các thành tựu của Zelaya, không gì vĩ đại hơn việc thống nhất đất nước Nicaragua. Những nỗ lực của ông đã khiến người Anh, từ lâu kiểm soát các bến cảng thịnh vượng trên bờ biển phía đông của Nicaragua và vùng hoang dã nhiệt đới quanh đó, cuối cùng cũng chịu từ bỏ tham vọng của họ. Sau khi họ rời đi, doanh nhân Mỹ nhảy vào. Hơn một chục công ty đã mua từ chính phủ của ông Zelaya những quyền cho phép họ độc quyền khai thác gỗ, khai khoáng, hoặc những quyền khác theo luật định. Sau đó một số công ty còn quay lưng lại với ông và kêu gọi Bộ Ngoại giao giúp đỡ.

    Trong số những người hay gây hấn nhất có George D. Emery, một lái buôn gỗ ở Boston. Năm 1894, Emery đã mua quyền thu hoạch gỗ gụ, gỗ tuyết tùng và các loại gỗ tốt khác từ một khu rừng ở miền đông Nicaragua. Trong vài năm, ông đã trở thành nhà cung cấp gỗ gụ chính cho Công ty xe hơi Pullman Palace và các khách hàng sành sỏi khác. Ông thuê mướn hơn 1.500 lao động Nicaragua, trả cho chính phủ 40,000 đôla mỗi năm phí nhượng quyền và đóng góp 2 triệu đôla trong tổng số vốn đầu tư của Mỹ.

    Thỏa thuận nhượng quyền của Emery yêu cầu ông phải làm hai việc: xây dựng một tuyến đường sắt qua khu rừng của ông, và cứ mỗi cây ông chặt thì phải trồng hai cây mới. Ông chẳng làm gì cả. Khi chính phủ đòi hỏi chuyện này, ông yêu cầu Bộ Ngoại giao bảo vệ ông khỏi "những hành vi bòn rút mang tính gạ gẫm và đàn áp" của Zelaya.

    Tổng thống Roosevelt đã không mấy chú ý đến những lời phàn nàn của các doanh nhân như Emery, và cái câu hỏi rằng liệu có phải chính ông đã hành động để tiêu diệt Zelaya hay không đã hấp dẫn các nhà sử học người Nicaragua trong nhiều năm. Roosevelt thường được coi là một trong những người sáng lập của chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ. Những kỳ công chói lọi của ông ở Cuba, câu tuyên bố cửa miệng của ông rằng Hoa Kỳ cần phải luôn giữ một "cây gậy lớn" để lúc nào cũng có thể sử dụng trong các vấn đề thế giới(3), cũng như việc ông sẵn lòng đạo diễn một màn cách mạng giả tạo tại Panama, tất cả đều thể hiện quan điểm đó. Tuy nhiên, thế vẫn chưa đầy đủ. Roosevelt đã mong muốn giải quyết những rắc rối với các nước khác một cách hòa bình khi có thể, và ông rất tự hào với việc trong nhiệm kỳ của mình, Hoa Kỳ đã không gây một cuộc chiến nào mà gây tổn thất về sinh mạng. Ông không cảm thông với giai cấp thống trị ăn trên ngồi trốc như những thế lực từ lâu đã cai trị Trung Mỹ. Thậm chí ông có thể đã thấy một bản sao của chính mình ở José Santos Zelaya, một người đàn ông với đầu óc không ngừng nghỉ, năng lượng nhiệt huyết và lòng nhiệt thành cải cách. Cho tới năm 1908, ông vẫn xem vị lãnh tụ của Nicaragua là "người bạn tuyệt vời và thân thiết của mình".

    ---

    (1) Nguyên tác: Isthmian nghĩa là liên quan đến/thuộc về người sống ở eo đất Panama, dải đất liền và đảo kéo dài như chiếc đuôi ở phía nam Mexico, bao gồm các nước nhỏ và rất nhỏ ở khu vực Trung Mỹ như Nicaragua, Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica… Từ đây sẽ được dịch là “vùng Eo” hay “vùng Panama”.
    (2) Nguyên văn là concession, nghĩa là quyền được người chủ trao/bán/cho phép sử dụng, khai thác tài sản, chẳng hạn như quyền khai thác khoáng sản, quyền thăm dò dầu khí… Đây không phải hành động nhân nhượng các công ty Mỹ, mà chỉ là kinh doanh sòng phẳng.
    (3) Câu nói của Roosevelt: "speak softly, and carry a big stick" (tạm dịch: “Nói năng nhỏ nhẹ nhưng mang theo một cây gậy to”) chính là chính sách ngoại giao của ông, và sau đó cũng trở thành một kiểu ý thức hệ, thuật ngoại giao hay chính sách với tên gọi “Big Stick”. Hàm ý của chính sách này là: đàm phán một cách hòa bình, nhưng đồng thời phải đe dọa bằng sức mạnh quân sự. Chính sách này thể hiện ở một số sự kiện tiêu biểu xảy ra trong hai nhiệm kỳ của ông: vụ đình công của thợ mỏ ở Canada (Anthracite Coal Strike), vụ Venezuela 1902 và Hệ luận Roosevelt (sẽ được nhắc đến ở phần sau), vụ ngoại giao kênh đào (giữa Nicaragua và Panama), vụ Cuba (với Tu chính Teller và Tu chính Platt).
     
  11. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 3: Từ nhà thổ đến Nhà Trắng (tiếp)

    Tuy nhiên, Roosevelt phải gián tiếp chịu trách nhiệm về vụ lật đổ Zelaya, bởi vì ông đã đề ra nguyên tắc tiến hành vụ đó. Kể từ năm 1823, chính sách của Mỹ ở Tây bán cầu đã được định hình bởi học thuyết Monroe(4), đơn phương tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất cứ nỗ lực nào của các cường quốc châu Âu hòng tác động đến các diễn biến ở châu Mỹ. Khi kênh đào Panama được khởi công, Roosevelt đã quyết định đi xa hơn. Năm 1904, ông tuyên bố "Hệ luận Roosevelt"(5) phát triển từ học thuyết Monroe, trong đó khẳng định Hoa Kỳ có quyền can thiệp vào bất cứ nước nào ở Tây bán cầu mà nước này nhận định là cần phải can thiệp.
    Nếu một quốc gia thể hiện rằng họ biết nên hành xử thế nào trong các vấn đề xã hội và chính trị để đạt được hiệu quả và lễ độ một cách hợp lý, nếu họ giữ khuôn phép và thực hiện nghĩa vụ của mình, họ chẳng cần phải lo sợ Hoa Kỳ can thiệp. Các hành vi phạm pháp lặp đi lặp lại đến mức thâm căn cố đế, hoặc việc bất lực không thể kiểm soát nổi sự nới lỏng các mối ràng buộc của xã hội văn minh, có thể ở Mỹ hoặc bất cứ đâu, rốt cuộc cũng đều cần các quốc gia văn minh can thiệp; tuy nhiên, ở Tây bán cầu, đối với các trường hợp sai trái hay bất lực rõ ràng như vậy, việc Hoa Kỳ tuân thủ học thuyết Monroe có thể buộc nước này miễn cưỡng phải đóng vai trò như một lực lượng hòa bình quốc tế.​
    Roosevelt rời Nhà Trắng tháng 3 năm 1909. Người kế nhiệm ông, William Howard Taft, gần gũi hơn với các doanh nghiệp lớn, và đã bổ nhiệm Philander Knox, một luật sư cực kỳ thành công chuyên phục vụ các doanh nghiệp và cũng là cựu Bộ trưởng Tư pháp, trở thành Ngoại trưởng. Knox đã dành nhiều năm làm đại diện cho các tập đoàn lớn của Mỹ, đáng chú ý nhất là Carnegie Steel, và đã làm việc chặt chẽ với William Nelson Cromwell để tổ chức công ty này trở thành United States Steel(6). Một trong những khách hàng mà ông dành nhiều tình cảm nhất là Công ty Khai khoáng La Luz và Los Angeles, có trụ sở ở Philadelphia, vốn đang nắm giữ quyền khai thác mỏ vàng béo bở ở miền đông Nicaragua. Bên cạnh mối quan hệ thương vụ với La Luz, Knox còn có liên hệ mật thiết về mặt chính trị và xã hội với gia đình Fletcher ở Philadelphia, vốn sở hữu công ty này.

    Nhà Fletcher có cách bảo vệ công ty của họ hiệu quả đến bất thường. Gilmore Fletcher quản lý công ty. Anh trai ông này, Henry Fletcher,(7) thì làm việc tại Bộ Ngoại giao, giữ một loạt các vị trí quyền lực và cuối cùng được thăng lên làm thứ trưởng. Cả hai đều ghét cay ghét đắng Zelaya, đặc biệt là sau khi ông bắt đầu đe dọa xóa bỏ quyền khai thác của La Luz vào năm 1908.

    Được anh em nhà Fletcher khích lệ, Knox háo hức tìm cách tước quyền Zelaya. Khi ông trùm buôn gỗ George Emery tiếp cận ông, ông nghĩ rằng ông đã tìm ra cách ấy. Emery đã yêu cầu chính phủ Nicaragua bồi thường cho những thiệt hại mà ông ta tuyên bố là ông đã phải gánh chịu ở Nicaragua, và Knox chộp lấy cơ hội này. Ông đã gửi một bức thư ngắn cộc cằn tới Đại sứ Nicaragua tại Washington, cảnh báo ông này rằng sự chậm trễ "không cần thiết, tùy tiện và chậm chạp" của đất nước ông trong việc giải quyết vấn đề này sẽ đe dọa đến "mối giao hảo" hiện có giữa Managua và Washington. Knox hẳn đã cực kỳ ngạc nhiên và có lẽ còn thất vọng nữa khi Zelaya đáp ứng tất cả các đòi hỏi này và nhanh chóng chấp nhận cách giải quyết mà Emery đưa ra. Theo các điều khoản quy định, Emery đồng ý từ bỏ quyền khai thác và nhận được 640.000 đôla bồi thường.

    Ngay sau đó, sự tức giận của Knox một lần nữa đã bùng lên khi Zelaya ký thỏa thuận vay 1,25 triệu bảng từ các ngân hàng châu Âu để tài trợ cho dự án trong mơ của ông này: một tuyến đường xe lửa nối hai bờ đại dương. Knox không phản đối đường sắt, nhưng ông hiểu rất rõ là bằng cách vay mượn tiền từ châu Âu chứ không phải từ các ngân hàng Mỹ, Zelaya đang cố gắng để làm cho đất nước mình giảm lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Ông không thể chịu được điều này. Ông yêu cầu chính phủ Anh và Pháp bác bỏ các khoản vay, nhưng họ đã từ chối một cách lịch sự. Vào mùa hè năm 1909, khoản nợ đã được lưu hành ở London và Paris.

    Trong nhiều năm, Knox và những người khác ở Washington đã lan truyền tin đồn rằng Zelaya đã bí mật đàm phán với các nhóm lợi ích của châu Âu hoặc Nhật Bản để xây dựng một con kênh bắc ngang đất nước của ông hòng cạnh tranh với con kênh mà Hoa Kỳ đang xây dựng ở Panama. Những tin đồn đó là thất thiệt, nhưng Zelaya đã không phủ nhận rằng cái ý tưởng về con kênh rất thu hút đối với ông. Ông cũng không giấu niềm tin của mình rằng Nicaragua sẽ có thêm lợi thế khi kết bạn với các nước khác ngoài Hoa Kỳ. Ông là một người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành với những tham vọng quá lớn lao cho bản thân và đất nước mình. Sau khi ra lệnh trục xuất một công dân Peru khỏi Nicaragua, và khi người Peru ấy đe dọa sẽ khiếu nại lên chính phủ của anh ta, Zelaya đã trả lời rằng: "Cứ đi mà kiện! Khi tôi chế giễu Hoa Kỳ, cười nhạo nước Đức và nhổ vào mặt nước Anh, anh cho là tôi sẽ quan tâm đến cái đất nước Peru nghèo nàn của anh sao?"

    Knox thấy tất cả những điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận. Vào mùa hè năm 1909, ông bắt đầu bố trí một chiến dịch, vốn được thiết kế để đảo chiều công luận tại Hoa Kỳ hòng chống lại Zelaya. Ông chộp lấy một số sự kiện nhỏ nhặt tại Nicaragua, trong đó có chuyện một lái buôn thuốc lá Mỹ đã bị bắt giam một thời gian ngắn, để vẽ nên một chế độ Nicaragua tàn bạo và áp bức. Ông đã gửi đến Nicaragua các nhà ngoại giao mà ông biết là họ chống đối Zelaya một cách mạnh mẽ, và chuyển các báo cáo khủng khiếp của họ tới bạn bè ông trong giới báo chí. Chẳng bao lâu, báo chí Hoa Kỳ đã làm toáng lên rằng Zelaya đã dựng lên một "triều đại khủng bố" tại Nicaragua và trở thành "mối đe dọa của Trung Mỹ". Khi chiến dịch giật gân của họ lên tới cao trào, Tổng thống Taft tuyên bố một cách nghiêm trọng rằng Hoa Kỳ sẽ không thể nào tiếp tục "chịu đựng và làm việc với một bạo chúa thời trung cổ như vậy nữa".

    Bằng tuyên bố này, Hoa Kỳ đã tuyên án tử về mặt chính trị cho Zelaya. Giới doanh nhân Mỹ tại Bluefields, một thị trấn trọng yếu bên bờ biển Caribê, đã vội vàng tiến hành cuộc hành hình. Giới doanh nhân đã chia sẻ chi tiết kế hoạch của họ với vị lãnh sự người Mỹ William Moffett, và với sự chấp thuận ngầm từ ông này, họ đã lập một âm mưu với vị thống đốc tỉnh đầy tham vọng, Tướng Juan José Estrada. Ngày 10 tháng 10 năm 1909, Estrada tuyên bố mình là Tổng thống Nicaragua và kêu gọi Mỹ công nhận về mặt ngoại giao.

    Cuộc cách mạng này được tài trợ đầy đủ đến bất thường. Kế toán trưởng của công ty khai khoáng La Luz, Adolfo Díaz, một người đeo kính xuất thân từ một gia đình khiêm tốn theo Đảng Bảo thủ, chính là thủ quỹ của cuộc cách mạng. Các công ty Mỹ hoạt động xung quanh khu vực Bluefields đã gửi cho anh này những số tiền lớn. Chi phí của cuộc cách mạng đã được ước tính thành nhiều con số khác nhau, từ 63.000 cho tới 2 triệu đôla.

    Estrada đã tiêu nhiều tiền để xây dựng và trang bị cho lực lượng dân quân. Dù vậy, lực lượng này đã không chứng minh được họ là một đơn vị chiến đấu tuyệt vời, và cuộc hành quân phô trương lực lượng ở Managua nhanh chóng biến thành sa lầy trong rừng. Zelaya đã gửi quân đè bẹp nó. Knox theo dõi diễn biến từ Washington, và tỏ ra lúng túng. Cuộc cách mạng của ông đã nổ ra, nhưng nó đã nhanh chóng sụp đổ. Ông cần một cái cớ để can thiệp. Và đáp lại vận may tuyệt vời của ông, Zelaya đã cho ông một cái cớ.

    Lời kêu gọi khởi nghĩa của Estrada, cũng như mọi lời kêu gọi khởi nghĩa khác ở Trung Mỹ, đã thu hút hàng tá lính đánh thuê cho Mỹ cùng bọn anh chị giang hồ. Vài người trong đó xuất thân từ thợ mỏ đi tìm niềm phấn khích. Những người khác làm việc cho các công ty Mỹ ở Bluefields hoặc các thị trấn duyên hải khác. Một số ít là từ New Orleans dong thuyền tới. Trong đám này có hai người sẽ đi vào lịch sử Nicaragua.

    Lee Roy Cannon đến từ Virginia, đã từng là một chủ đồn điền cao su ở Nicaragua, một sĩ quan cảnh sát ở El Salvador, và cũng từng đánh thuê ở Honduras. Ông đã nghỉ hưu ở Guatemala, nhưng dường như đời sống hưu trí không phù hợp với ông. Khi Estrada mời ông tham gia quân nổi dậy Nicaragua với cấp bậc đại tá, ông chấp nhận.

    Người đồng đội thân cận nhất của Cannon cũng là một cựu chiến binh của các cuộc chiến vùng Trung Mỹ, Leonard Groce, một người Texas đã bỏ việc khi đang là giám sát tài sản hầm mỏ cho La Luz. Hai người cùng nhau hành động. Họ lần lượt bị bắt giữ, từng người một. Họ thú nhận đã đặt một quả mìn ở sông San Juan với ý định cho nổ tung Diamante, một tàu hải quân mang năm trăm binh sĩ chính phủ nhằm đàn áp cuộc nổi dậy của họ. Bỏ qua tất cả trình tự và thủ tục, cả hai tức khắc bị kết án về "tội nổi loạn" và bị tuyên tử hình. Zelaya không chấp nhận lời cầu xin khoan hồng, và tinh mơ ngày 17 tháng 11 năm 1909, họ bị bắn.

    Ngay sau khi tin tức về vụ hành quyết lan đến Washington, Knox chộp lấy cái cớ ấy. Ông cấp tốc gửi một bức thư ngắn đầy bực tức đến Ngoại trưởng Nicaragua, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ "tuyệt đối không tha thứ cho những hành vi đối xử với công dân Mỹ như vậy". Sau đó, ông chính thức đưa ra một ý kiến cho rằng vì quân khởi nghĩa Estrada đã thể hiện là họ đủ "tầm" để tham chiến, Cannon và Groce sẽ được hưởng quy chế tù binh chiến tranh. Điều đó biến Zelaya thành tội phạm chiến tranh.

    Knox đã cố gắng thuyết phục Guatemala, El Salvador và Costa Rica gửi quân đội đến Nicaragua để lật đổ Zelaya, nhưng cả ba nước này đều ngần ngại. Điều đó đã bắt buộc Ngoại trưởng và Tổng thống Taft phải quyết định xem liệu Hoa Kỳ có nên hành động đơn độc hay không. Họ đã không gặp khó khăn nào khi quyết định. Ngày 1 tháng 12, Knox đã gửi cho viên Công sứ Nicaragua tại Washington một bức thư bất thường, trong đó yêu cầu chính quyền Zelaya phải bị thay thế bằng "một chính quyền khác hoàn toàn không dính líu gì đến những tình huống không thể chấp nhận như hiện nay". Cho đến ngày nay, học sinh Nicaragua vẫn còn được học về bức thư này.
    Thật là tai tiếng khi Tổng thống Zelaya đã gần như liên tục giữ khu vực Trung Mỹ trong trạng thái căng thẳng hoặc rối loạn. … Đồng thời lại có một vấn đề khi ai cũng biết rằng dưới chế độ của Tổng thống Zelaya, các thể chế cộng hòa ở Nicaragua đều hữu danh vô thực, rằng công luận và báo chí đều bị trấn áp, rằng tù tội chính là phần thưởng của bất kỳ phong trào ái quốc chân chính nào…

    Hai người Mỹ mà chính phủ này đang tuyên án là sĩ quan có liên hệ với các lực lượng cách mạng, và do đó lẽ ra họ phải được đối xử theo các quy chế văn minh của các quốc gia văn minh, nhưng lại bị xử tử theo lệnh trực tiếp của Tổng thống Zelaya. Việc hành quyết họ được cho là rất tàn ác dã man. Lãnh sự quán tại Managua hiện nay chính thức bị uy hiếp…

    Chính phủ Hoa Kỳ tin rằng cuộc cách mạng này đại diện cho ý chí của đa số người dân Nicaragua hơn là cho chính quyền Tổng thống Zelaya. … Trong những trường hợp như thế này, Tổng thống [Hoa Kỳ - người làm ebook] không còn có thể cảm thông với chính quyền Zelaya trên tinh thần tôn trọng và tin tưởng nữa vì những điều đó chỉ thích hợp trong việc duy trì quan hệ ngoại giao thường xuyên.​
    Mức độ nghiêm trọng của thông điệp này là rất rõ ràng. "Chúng tôi thật sự bị chấn động, chúng tôi đang bị tê liệt", Công sứ Nicaragua cho biết sau khi nhận được thông điệp. Zelaya cũng sửng sốt. Ông kêu gọi Mexico và Costa Rica, lãnh đạo của những nước này đều có mối giao hảo với chính quyền Taft, nói đỡ cho mình, nhưng họ đều từ chối. Sau đó, ông đề xuất rằng một ủy ban gồm các thành viên người Mexico và người Mỹ sẽ đến Nicaragua để điều tra vụ Cannon và Groce, và hứa sẽ từ chức nếu họ phát hiện ra ông phạm bất kỳ hành vi sai trái nào. Taft đáp lại bằng cách lệnh cho tàu chiến tiếp cận cả hai bờ biển Nicaragua, và lệnh cho thủy quân lục chiến tập kết tại Panama.

    Công hàm Knox, sau này trở nên nổi tiếng, nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi Zelaya biến mất. Trước tình hình thực tế là các lực lượng quân sự của Mỹ đang dàn trận chống lại mình, ông không còn cách nào khác ngoài phục tùng. Ngày 16 tháng 12 năm 1909, ông đệ đơn từ chức. Trong diễn văn từ chức trước Quốc hội, ông hy vọng sự ra đi của mình sẽ đem lại hòa bình "và trên hết là Hoa Kỳ sẽ thôi không còn thù địch nữa; tôi cũng hy vọng là mình sẽ không còn cho nước này thêm một cái cớ nào để tiếp tục can thiệp, dưới mọi hình thức, vào vận mệnh của Tổ quốc". Một vài ngày sau đó, ông lên một con tàu tại cảng Corinto bên bờ Thái Bình Dương để đi sống lưu vong.

    Đàn áp cuộc nổi loạn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống mới José Madríz, một luật gia lỗi lạc theo Đảng Tự do. Ông cử một lực lượng bộ binh đến Bluefields, và cũng ra lệnh mua chiếc tàu hơi nước ở căn cứ New Orleans, Venus, và sửa chữa nó cho mục đích quân sự. Khi Venus đến ngoài khơi bờ biển Bluefields vào giữa tháng 5 năm 1910, bộ binh đã có mặt ở đó. Chỉ huy quân chính phủ yêu cầu phiến quân Estrada đầu hàng, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công đồng thời từ bộ binh và thủy quân.

    Chưa có phát súng nào kịp bắn ra thì Mỹ đã can thiệp. Lãnh sự Mỹ William Moffett gửi viên chỉ huy tàu Venus một bức thư ngắn nói rằng vì lo lắng cho cuộc sống của người Mỹ xung quanh Bluefields, ông đã tuyên bố khu vực này là "vùng trung lập". Theo gương của John L. Stevens, nhà ngoại giao Mỹ đã ra lệnh cho quân đội chính phủ ở Hawaii không tấn công hoặc bắt giữ phiến quân, Moffett yêu cầu viên chỉ huy này không nổ súng vào bất kỳ vị trí trên bờ nào và không quấy rầy tàu thương mại. Điều này có nghĩa là Venus vừa không thể tấn công phiến quân cũng không thể chặn những con tàu tiếp tế vũ khí cho họ. Điều này cũng đảm bảo cho phiến quân có một nguồn thu liên tục từ hải quan.

    Khi Moffett viết bức thư này, ông chẳng có sức mạnh quân sự nào để mà yêu sách. Một vài ngày sau, hai tàu chiến Mỹ, Paducah và Dubuque, xuất hiện tại Bluefields và thả ra vài trung đội thủy quân lục chiến. Chỉ huy của họ là Thiếu tá Smedley Butler, một bậc thầy về chống phiến loạn, hai mươi tám tuổi đã là cựu binh từ cuộc chiến Tây Ban Nha - Mỹ, từ cuộc xung đột Philippines, và từ vụ can thiệp Panama năm 1903. Quân của Butler nắm quyền kiểm soát Bluefields mà không gặp chút kháng cự nào. Sau khi nhanh chóng đánh giá tình hình ở đó, ông kết luận rằng quân nổi dậy sẽ không thể chịu nổi một cuộc tấn công từ quân đội.

    Butler đã viết sau đó: "Trừ khi họ thực hiện một điều gì đó quyết liệt, nếu không cuộc cách mạng sẽ thất bại. Tôi hoàn tất nhiệm vụ chẳng khó khăn gì. Rõ ràng là Washington muốn thấy các chiến sĩ cách mạng chiến thắng".

    Để giúp điều đó xảy ra, Butler đã phát minh ra một công thức đơn giản. Ông đã viết một bức thư gửi các chỉ huy quân đội Nicaragua đang đóng bên ngoài Bluefields rằng tuy họ tùy ý muốn tấn công lúc nào cũng được, song ông vẫn phải nhấn mạnh rằng họ không được sử dụng vũ khí. Ông giải thích: đạn lạc "có thể vô tình trúng công dân Mỹ".

    Những chỉ huy ấy trả lời: "Làm sao chúng tôi chiếm thị trấn nổi nếu không thể nổ súng? Và ngài cũng sẽ chẳng giải giáp lực lượng cách mạng bảo vệ thị trấn đâu nhỉ?"

    Butler nhẹ nhàng hồi đáp: "Những người bảo vệ ấy sẽ không sát hại lính Mỹ bởi vì họ sẽ bắn ra ngoài, nhưng quân đội của các ông sẽ nổ súng về phía chúng tôi".

    Do đó, binh sĩ Nicaragua đóng trại bên ngoài Bluefields bị cấm tấn công quân nổi dậy ở đó. Họ rút lui và hành quân tới thị trấn Rama cách đó khoảng hai mươi lăm dặm dọc theo bờ biển. Butler dẫn một số thủy quân lục chiến theo sau họ.
    Chúng tôi đã cử một tên cào bãi(8) người Mỹ đến Rama nhằm chắc chắn rằng sẽ có một công dân Mỹ cần được bảo vệ, và sau đó diễn lại trò ở Bluefields. Chúng tôi đã cấm các lực lượng chính phủ nổ súng, và cuối cùng họ đã tan rã, bị thuyết phục rằng sẽ là vô vọng nếu muốn chống lại cuộc khởi nghĩa vốn được Lực lượng Thủy quân lục chiến ủng hộ. Sau đó, cuộc khởi nghĩa đã kết thúc ở Rama.​
    Tổng thống Madríz, người đã cống hiến cuộc đời mình cho luật học, tin rằng ông có thể đàm phán với Hoa Kỳ trên cơ sở pháp lý. Ông đã không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp đến thế hòng chống lại chính phủ của ông. Khi họ làm vậy, ông đã đề xuất một loạt các thỏa hiệp. Các nhà ngoại giao Mỹ bác bỏ tất cả, nhấn mạnh rằng Nicaragua phải có một chính phủ tự do, hoàn toàn không bị "Zelaya ảnh hưởng chút nào". Không cần nói hay làm gì thêm nữa. Vào cuối tháng Tám, Madríz từ chức và theo bước Zelaya sống lưu vong.

    Với chiếc ghế quyền lực bị bỏ trống, Tướng Estrada đã có thể hành quân đến Managua mà không gặp trở ngại gì. Trên đường hành quân, ông gửi một bức điện cho Ngoại trưởng Knox, trong đó đảm bảo với các vị lãnh đạo Mỹ rằng "bên chiến thắng của cuộc cách mạng sẽ dành sự tôn trọng đặc biệt cho họ". Ông tiến vào thủ đô và tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày 21 Tháng 8 năm 1910.

    Phóng viên Harold Denny của tờ New York Times sau này đã viết: "Ngày đó cũng là ngày khởi đầu sự cai trị của Mỹ tại Nicaragua, cả về chính trị lẫn kinh tế".

    Ngày đó thậm chí còn có ý nghĩa nhiều hơn những gì Denny có thể tiên đoán. Giờ đây, nó có thể được xem là ngày mở ra một kỷ nguyên. Lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ công khai chỉ huy một vụ lật đổ lãnh tụ nước khác. Ở Hawaii, một nhà ngoại giao Mỹ đã giật dây một cuộc khởi nghĩa mà không được Washington hướng dẫn cụ thể. Ở Cuba, Puerto Rico và Philippines, kịch bản "thay đổi chế độ" của Mỹ chỉ là một phần của một cuộc chiến tranh lớn hơn. Lật đổ Tổng thống Zelaya ở Nicaragua là cuộc đảo chính thực sự đầu tiên của Mỹ.



    Vào một buổi tối tháng 12 năm 1910, chỉ một năm sau khi Zelaya rớt đài, bốn nhân vật bảnh bao bước ra khỏi khách sạn New Orleans của họ để đi tìm khoái cảm xác thịt ở Storyville, một trong những khu tập trung nhà thổ, câu lạc bộ jazz và sòng bạc trứ danh nhất thế giới.(9) Âm nhạc tràn khắp phố. Phụ nữ cười đàng điếm (và còn hơn thế nữa) với đàn ông, những kẻ mặc com-lê lụa và mang cài áo bằng kim cương. Nơi này đúng là dành cho bốn tên lính đánh thuê trong đêm cuối cùng của họ tại Hoa Kỳ trước khi lên đường lật đổ một chính phủ.

    Khi họ tản bộ qua Storyville, những tên đặc vụ của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ (USSS) cũng theo sau họ với khoảng cách đáng kể. Những đặc vụ này đã theo dõi họ trong nhiều ngày qua. Ai cũng biết rằng bốn người này đang âm mưu một cuộc cách mạng ở Honduras; và Cơ quan Mật vụ, vốn chịu trách nhiệm thực thi pháp luật trung lập,(10) muốn chắc chắn rằng họ đã không khởi động kế hoạch ấy trên đất Mỹ.

    Nổi danh nhất trong bốn mưu gia ấy là Lee Christmas, một quân nhân được số phận cường điệu: ông này đã chiến đấu trong hầu hết các cuộc chiến và nổi dậy ở vùng Trung Mỹ trong suốt một phần tư thế kỷ. Mang phong cách của một vị tướng, Christmas mặc một bộ quân phục kết tua mà một thợ may đo ở Paris đã làm riêng cho ông. Ở Hoa Kỳ cũng như ở Trung Mỹ, ông đều nổi tiếng. Các tờ phụ trương Chủ nhật đã phải cạnh tranh để giành quyền xuất bản những bài báo miêu tả các chiến công nghẹt thở của ông. Một trong số đó, phụ trương của tờ New York Times, đã gọi ông là "người anh hùng của Dumas trong đời thực"(11) và là "nhân vật ngoạn mục nhất ở Trung Mỹ ngày nay".

    Nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ cách mạng, đã mang Christmas đến New Orleans vào cuối năm 1910. Chủ đồn điền chuối đầy tham vọng và thành công nhất ở Trung Mỹ, Sam Zemurray, đã thuê ông lật đổ chính phủ Honduras, và ông đã đến New Orleans để vạch mưu. Ông đã xong việc này rồi. Bây giờ ông cần cắt đuôi Cơ quan Mật vụ để có thể dong thuyền đến Honduras và bắt đầu cuộc chiến đấu.

    Đêm đó ở Storyville, Christmas đã đi cùng với ba vị đồng-mưu-gia quan trọng nhất của mình: một tên găng-xtơ nổi tiếng ở New Orleans, George Molony "Súng máy" (Christmas tin là tên này, trong bất kỳ tình huống nào mà họ sẽ gặp phải ở Honduras, cũng sẽ nổ súng theo yêu cầu của ông); Hai tên kia là người Honduras: Manuel Bonilla (Zemurray đã chỉ định tên này trở thành tổng thống tiếp theo của Honduras), và viên sĩ quan phụ tá quan trọng nhất của Bonilla, Florian Dávadi. Bị mắc kẹt ở New Orleans, bốn người quyết định làm hết sức có thể trong tình hình đó. Điều này đã dẫn họ tới nhà thổ May Evans xa hoa trên phố Basin.

    Khi bốn mưu gia biến mất trong những vòng tay ấm áp, “đặc sản” mà nhờ đó May Evans nổi tiếng, các nhân viên mật vụ đứng canh gần đó. Đó hẳn là một nhiệm vụ khó chịu. Các đặc vụ co mình chắn lại gió rét căm căm giữa mùa đông của xứ New Orleans, trong khi những kẻ bị theo dõi chè chén suốt đêm bên trong. Cuối cùng, vào lúc hai giờ sáng, họ xem là đã xong một đêm canh gác.

    Họ báo cáo trước khi về nhà thế này: "Chẳng có gì ngoài một cuộc đàn đúm rượu chè trong Khu Ăn Sương".

    Christmas lập tức được báo rằng các đặc vụ đã bỏ đi khỏi chốt canh. Ông nhảy ra khỏi giường, nhanh chóng mặc quần áo, túm lấy Bonilla và hai đồng chí của họ, rồi lao nhanh về phía chiếc xe.

    Ông nói với Bonilla khi họ đang phóng như bay: "Vâng, compadre,(12) đây là lần đầu tiên tôi nghe chuyện chạy từ nhà thổ đến Nhà Trắng!"

    ---

    (4) Học thuyết Monroe là một chính sách mà Hoa Kỳ đưa ra ngày 2 tháng 12 năm 1823 bởi Tổng thống James Monroe. Học thuyết này khẳng định rằng các quốc gia châu Âu nếu tiếp tục nỗ lực giành thêm thuộc địa hay can thiệp vào các nhà nước ở châu Mỹ sẽ bị coi như hành vi gây hấn và Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng sẽ không can thiệp vào những chính quyền thực dân hiện tại hay các vấn đề nội bộ của các nước châu Âu. Học thuyết này ra đời trong bối cảnh hầu hết các thuộc địa ở vùng châu Mỹ Latinh của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều đã giành được độc lập (trừ Cuba và Puerto Rico). Bằng Học thuyết này, Hoa Kỳ cùng với Anh muốn đảm bảo rằng không một cường quốc châu Âu nào có thể nhảy vào khu vực này nữa. Nó đã trở thành một trong những nguyên lý thống trị lâu dài nhất trong các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Nhiều tổng thống khác đã dựa vào học thuyết này sau đó: Theodore Roosevelt, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Ronald Reagan và những người khác.
    Mục đích và tác động của Học thuyết Monroe kéo dài trong hơn một thế kỷ mà không thay đổi mấy. Mục tiêu chính của nó là để giải phóng các thuộc địa mới giành độc lập ở châu Mỹ Latinh khỏi châu Âu và tránh biến Thế giới Mới thành chiến trường cho các cường quốc của Lục địa Già. Học thuyết khẳng định rằng Thế giới Mới và Thế giới Cũ là hai môi trường rõ ràng riêng biệt, được tạo nên bởi các quốc gia hoàn toàn riêng biệt và độc lập.
    (5) "Hệ luận Roosevelt" được cho là một sự bổ sung cho Học thuyết Monroe, tuy nhiên nó cũng có thể được xem là khởi đầu của một chính sách mới. Trong khi Học thuyết Monroe chỉ cho rằng các nước châu Âu nên tránh xa khu vực Mỹ Latinh, thì Hệ luận Roosevelt đã đi xa hơn khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ có quyền triển khai lực lượng quân đội ở các nước Mỹ Latinh hòng đánh đuổi các nước châu Âu. Sử gia Water LaFeber đã viết: “Đó là một thay đổi rất tài tình từ Học thuyết Monroe, và tất nhiên, nó trở nên rất, rất quan trọng bởi vì trong vòng 15 đến 20 năm tiếp theo, Hoa Kỳ đã đổ bộ quân sự vào khu vực Mỹ Latinh hàng chục lần, đến mức Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trở nên nổi tiếng trong khu vực, được xem như "đội quân của Bộ Ngoại giao" bởi vì họ luôn hành động nhằm bảo vệ lợi ích cũng như chính sách của Bộ Ngoại giao trong vùng biển Caribê. Vì vậy, việc Roosevelt xác định lại Học thuyết Monroe hóa ra lại đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử, và nó dẫn nước Mỹ vào một giai đoạn đối đầu với các dân tộc trong vùng biển Caribê và Trung Mỹ, đó là một giai đoạn rất quan trọng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhiều vị Tổng thống Mỹ đã trích dẫn Hệ luận Roosevelt để biện minh cho sự can thiệp của Mỹ ở Cuba (1906-1909), Nicaragua (1909-1910, 1912-1925 và 1926-1933), Haiti (1915-1934) và Cộng hòa Dominica (1916-1924).
    (6) U.S. Steel Corporation (USS) là một nhà sản xuất thép tại Mỹ, Canada và châu Âu. Năm 2010, công ty này là nhà sản xuất thép lớn thứ 13 trên thế giới.
    (7) James Gilmore Fletcher sinh 1875, Henry Prather Fletcher sinh 10/04/1873, mất 10/7/1959.
    (8) Beachcomber: người lang thang trên bãi biển để tìm đồ quý giá. Ở đây chỉ thủ đoạn của chính quyền Mỹ cố tình cử dân thường đến vùng chiến sự để có cớ can thiệp.
    (9) Storyville là khu đèn đỏ ở New Orleans, Louisiana từ 1897 đến 1917. Khu này còn được người địa phương gọi là District, mà sau này người làm ebook sẽ dịch là “Khu ăn sương”.
    (10) Neutrality laws sẽ còn được nhắc đến nhiều trong sách. Theo người làm ebook, tác giả không nói đến một luật cụ thể nào mà nói đến tinh thần trung lập vốn được giới chính trị Hoa Kỳ liên tục đưa ra kể từ khi lập quốc. Trong lịch sử Mỹ đã có nhiều “Neutrality laws” hoặc có liên quan đến nó, chẳng hạn như “Tuyên bố trung lập” của Tổng thống Washington năm 1793, luật trung lập năm 1794, luật trung lập năm 1818 hay luật trung lập những năm 1930, trong đó nói gì thì bạn đọc chắc cũng dễ dàng đoán ra được.
    (11) Ý so sánh với D’Artagnan và những chàng lính ngự lâm trong tiểu thuyết của A. Dumas.
    (12) (Tiếng Tây Ban Nha) Cha đỡ đầu hoặc Bố già. Người làm ebook không chắc chắn ý nghĩa của xưng hô này nên không dịch.
     
    Thương lắm thích bài này.
  12. bun_oc

    bun_oc VIP

    Chương 3: Từ nhà thổ đến Nhà Trắng (tiếp)

    Họ đua đến Bayou St. John, chiếc du thuyền tư nhân của Sam Zemurray đang neo đậu ở đây, dong thuyền băng ngang hồ Pontchartrain và eo Mississippi đến nơi ẩn náu của ông trên đảo Ship. Người bảo trợ của họ đang đợi họ. Ông có nhiều thùng súng trường và đạn dược cất giấu trên đảo; họ náu vào bóng tối của đêm đông và đi phà cập vào Hornet, một tàu hải quân thừa ra mà họ đã mua nhằm phục vụ kế hoạch của mình. Họ đã kịp căng buồm hướng đến Honduras trước khi bình minh lên.

    Hạ bệ chính phủ Zelaya ở Nicaragua phải cần đến sự phối hợp của Bộ Ngoại giao, hải quân, thủy quân lục chiến và Tổng thống Taft. Ở Honduras, Zemurray đã sắp xếp để tự mình tiến hành. Chưa từng có doanh nhân Mỹ nào nắm trong tay vận mệnh một quốc gia nước ngoài trọn vẹn đến vậy.

    "Ngài chuối" Sam là một trong những nhân vật đa sắc màu nhất trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản Mỹ. Ở New Orleans, ông được nhớ đến như là một người nhân đức đã hiến tặng một triệu đôla cho Đại học Tulane và tài trợ xây dựng một bệnh viện dành cho phụ nữ da đen. Các chuyên gia nông nghiệp vẫn còn ngưỡng mộ những đóng góp của ông trong lĩnh vực trồng chuối. Một số người Do Thái coi ông là một nhân vật gương mẫu trong cộng đồng Do Thái tha hương của họ: một thanh niên không xu dính túi nhập cư từ Đông Âu đến đảo Ellis, lại tích cóp được lượng của cải cũng như quyền lực khổng lồ. Ở Honduras, mọi người biết ông là kẻ đã lật đổ chính phủ của họ và chiếm đất nước của họ.

    Thật an toàn khi cho rằng không ai ở Kishinev, ngày nay là thủ đô của Moldova, đã từng nhìn thấy một quả chuối nào khi Samuel Zmuri sinh ra ở đó năm 1877. Và hầu hết mọi người ở Alabama cũng chưa từng thấy chuối khi cậu bé 15 tuổi vừa được đổi tên thành Sam Zemurray đặt chân lên tiểu bang này cùng người thân của cậu. Cậu tìm được công việc lao động trên bến tàu ở Mobile.(13) Ở đó, cậu thấy thủy thủ quăng những buồng chuối chín nẫu xuống biển. Cậu nảy ra ý tưởng mua số chuối ấy và nhanh chóng chuyển chúng đến những thị trấn sâu hơn trong đất liền. Việc kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Khi Zemurray 21 tuổi, ông đã có hơn 100.000 đôla.

    Sau hơn một thập kỷ bán chuối của người khác, Zemurray quyết định thử tự trồng chuối. Ông vay nửa triệu đô la, trong đó có những khoản với lãi suất cắt cổ lên đến 50%, và mua mười lăm nghìn mẫu(14) đất ở Honduras. Một lần nữa ông đã thành công rực rỡ, dễ dàng thanh toán các khoản nợ và trở thành một thế lực trong ngành kinh doanh chuối. Vấn đề duy nhất của ông là chính phủ Honduras.

    Như nhiều doanh nhân Hoa Kỳ khác ở vùng Trung Mỹ, Zemurray xem đất đai của mình là một lãnh địa riêng. Ông phẫn nộ khi phải nộp các loại thuế cũng như phải tuân thủ pháp luật và các quy định của Honduras. Điều đó đặt ông vào cuộc xung đột với Tổng thống Miguel Dávila, ông này không chỉ khẳng định rằng các doanh nghiệp nước ngoài phải chịu thuế mà còn đang vận động để hạn chế diện tích đất mà người nước ngoài có thể sở hữu ở Honduras.

    Dávila là một người theo Đảng Tự do, ông cũng từng là học trò của nhà lãnh đạo bị lật đổ ở Nicaragua José Santos Zelaya. Khi Zelaya bị hạ bệ, ông đã mất một đồng minh chính trị và quân sự sống còn. Trong số những người nhận ra điều này có Sam Zemurray. Ông quyết định rằng thời cơ đã chín muồi để lật đổ Dávila, và bằng một quyết tâm đặc trưng cho tính cách của mình, ông lên kế hoạch để tự mình thực hiện vụ lật đổ ấy.

    Đầu tiên Zemurray cần một kẻ yêu sách, một người có thể đảm nhận chức tổng thống Honduras và thay mặt ông điều hành đất nước. Bonilla, một mưu gia tiềm năng, nguyên là một vị tướng trước đó đã từng giữ chức tổng thống, chính là một ứng cử viên lý tưởng. Kể từ khi bị lật đổ, Bonilla sống ở British Honduras (nay là Belize)(15) và mơ về cái ngày được nắm quyền trở lại. Ông có tham vọng, nhưng không có phương tiện. Mùa xuân năm 1910, ông mô tả tình trạng của mình một cách khá đơn giản.

    Ông viết thư gửi một người bạn: "Tôi cần những nhân tố cốt lõi, không thể thiếu được. Nếu không có sự hỗ trợ quyết định từ El Amigo,(16) tôi sẽ không thể nổi dậy vũ trang và chống lại Tướng Dávila".

    Tất nhiên, El Amigo là người đàn ông quyền lực nhất ở Honduras, Sam Zemurray. Chắc chắn là ông và Bonilla sẽ cùng hội cùng thuyền. Theo một ghi chép về lịch sử thời kỳ này: "El Amigo không phải bất kỳ nhà chính trị Honduras nào khác, trừ một người, mà nếu có thêm quyền lực chính trị, sẽ trở nên cực kỳ thấu hiểu và thông cảm đối với các vấn đề của thương nhân buôn chuối. Zemurray sẽ không ngăn chặn mưu đồ của người này cho đến khi tất cả quyền lực thực tế ở Honduras đã nằm trong tay của một nhà lãnh đạo hoặc một phe phái cảm thông với việc kinh doanh chuối của ông".

    Mặc dù Zemurray và Bonilla là một cặp bài trùng, họ không thể tự mình phát động một cuộc cách mạng. Zemurray có tiền, và Bonilla rất thích hợp trong vai trò thủ lĩnh, nhưng không ai trong số họ biết cách xây dựng và lãnh đạo một lực lượng chiến đấu đáng tin cậy. Tuy vậy, cả hai đều biết ai có thể làm điều đó. Lee Christmas, đã từng là giám đốc sở cảnh sát Honduras trong nhiệm kỳ tổng thống của Bonilla, là chiến binh nổi tiếng nhất Tây bán cầu, mệnh danh là chiến binh của số phận. Không ai phù hợp với công việc lật đổ một chính phủ Trung Mỹ hơn ông. Zemurray tiếp cận ông với một lời đề nghị hào phóng, và ông nhanh chóng chấp nhận.

    Cuối năm 1910, Christmas, Bonilla và Zemurray gặp nhau tại New Orleans để lên kế hoạch. Họ không giấu những gì họ đang làm. Christmas bắt tay vào tuyển người, từ đám người vô dụng và lười biếng đang háo hức lang thang khắp New Orleans, chờ đợi dù chỉ là một cơ hội nhỏ. Trong khi đó, Zemurray sắp xếp mua chiếc Hornet.

    Các đặc vụ biết rõ rằng chiếc Hornet sẽ được sử dụng trong kế hoạch lật đổ chính phủ Honduras. Họ nói với người chủ sở hữu mới của chiếc tàu rằng ông không được dong Hornet ra khơi trừ khi thanh tra liên bang xác nhận rằng con tàu không vận chuyển vũ khí. Zemurray mời thanh tra trên tàu, và họ đã thấy chỉ có một lượng lớn thực phẩm, hai trăm tấn than và hai mươi người trên tàu. Điều đó có nghĩa là họ không thể câu lưu con tàu, và vào ngày 22 tháng 12, những mưu gia ấy ra khơi từ Mũi Algiers.

    Tuy nhiên, thay vì tiến thẳng tới Honduras, Hornet chỉ loanh quanh bên ngoài giới hạn ba dặm(17) của Mỹ. Theo kế hoạch, con tàu phải đợi ở đó cho đến khi Christmas và những mưu gia khác có thể cắt đuôi bọn đặc vụ bám theo họ. Vào đêm 23 tháng 12 ở Storyville, họ đã làm được. Sáng sớm hôm sau, con tàu Hornet, vừa được chất đầy súng trường, đạn dược cũng như chiếc súng máy Hotchkiss(18) yêu dấu của George Molony, lên đường hành động.

    Vào đêm giao thừa, Hornet cập vào đảo Roatán của Honduras và nhanh chóng chiếm được nó, lực lượng bảo vệ của chính phủ đầu hàng sau chỉ một loạt bắn. Christmas và Molony để lại quân ở đó để ăn mừng. Họ đi xuồng đến hòn đảo Utila gần đó, lôi viên chỉ huy địa phương khỏi giường và nói với ông rằng ông đã bị cách chức. Sau đó, họ ép ông, chỉ mặc đồ lót, chạy vòng vòng xung quanh nhà ông và hô to: "Bonilla muôn năm!"

    Hai tàu chiến Mỹ, TacomaMarietta, đang tuần tra gần đó. Chỉ huy của họ không biết liệu có nên bắt giữ Hornet hay không. Họ biết rằng họ nên hành động theo ý chí của Washington, và quyết định đợi lệnh.

    Khi đó, Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm đến Honduras. Dưới sự cầm quyền của một loạt các tổng thống theo Đảng Tự do, Honduras đã có thói quen vay tiền từ các ngân hàng châu Âu. Tổng thống Taft và Ngoại trưởng Knox không thích thú gì, cũng giống như khi họ phiền lòng về các khoản vay đường sắt của Zelaya năm 1909. Họ yêu cầu Tổng thống Dávila chuyển nợ bằng cách chấp nhận một khoản vay ba mươi triệu đôla từ Ngân hàng Hoa Kỳ của J.P. Morgan, hầu hết trong số đó sẽ được dùng để trả lại các khoản vay từ châu Âu. Để đảm bảo khả năng trả nợ, J.P. Morgan sẽ tiếp nhận dịch vụ hải quan ở đây và giám sát Kho bạc Honduras, hòng biến đất nước này thành một thuộc địa được bảo hộ.

    Đề xuất này đặt Tổng thống Dávila vào một tình thế khó khăn. Ông biết rằng nếu chấp nhận khoản vay, nhiều đồng chí trong Đảng Tự do sẽ cực kỳ tức giận. Nếu ông từ chối, người Mỹ nhất định sẽ trừng phạt ông.

    Khi Davila vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan này, quân nổi dậy trên con tàu Hornet đã cập cảng Trujillo và chiếm cứ nó. Khi tin này đến tai viên Công sứ Honduras tại Washington, ông đã quyết định rằng đã đến lúc phải ký thỏa thuận về khoản vay Morgan. Ông bước đến Bộ Ngoại giao và ký kết. Điều đó càng làm rối tung mọi chuyện, và tin tức này đã khiến Đại tá George Cooper, chỉ huy con tàu Marietta, quyết định cử quân canh giữ Hornet. Ông cảnh báo các phần tử nổi dậy trên tàu đừng phát động tấn công thêm nữa, và khi một nhóm trong số họ vẫn cứ tấn công, ông ra lệnh chiếm giữ con tàu vì nó đã phạm luật trung lập của Mỹ.

    Bất kể diễn biến bất lợi này, Christmas vẫn giữ mối giao hảo với Đại tá Cooper. Ngày 17 tháng 1, hai người đã gặp trên tàu Marietta. Cooper báo cáo Washington thế này: "Ông ấy thông báo với tôi rằng Bộ Ngoại giao biết rõ tất cả các kế hoạch của quân cách mạng trước khi họ bắt đầu, và rằng trên thực tế họ được khuyến khích làm điều đó".

    Đây rõ ràng là một quy tắc ngầm về ngoại giao. Cooper đang xác minh xem Bộ Ngoại giao có thực sự tán thành cuộc cách mạng không. Khi ông không nhận được hồi đáp nào mâu thuẫn với tuyên bố của Christmas, ông quyết định chấp nhận nó là sự thật. Ông đã đúng.

    Các quan chức ở Washington đã mâu thuẫn khi cuộc cách mạng nổ ra ở Honduras, nhưng họ nhanh chóng kết luận rằng thành công của nó sẽ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ. Với họ, Dávila không đáng tin với sự đồng tâm hiệp lực nổi tiếng của những người theo Đảng Tự do; và họ sợ rằng, nếu để cho ông này nắm quyền, ông sẽ trở thành một biểu tượng độc lập rất nguy hiểm, và có thể sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc ở khắp vùng Trung Mỹ. Việc ông nghi ngờ khoản vay Morgan cũng khẳng định sự thiếu tôn trọng đối với sức mạnh Hoa Kỳ. Mặt khác, Bonilla lại mong muốn dẫn dắt Honduras vào mối quan hệ đối tác cực kỳ bất bình đẳng với Hoa Kỳ. Đó là một quyết định dễ dàng.

    Christmas đưa quân lên bờ từ con tàu đã bị tịch thu và dẫn họ tới La Ceiba, một thị trấn duyên hải lớn. Khi đến nơi, họ thấy rằng Đại tá Cooper đã dành cho họ một đặc ân tuyệt vời. Ông đã gửi một thông điệp tới vị chỉ huy quân đội địa phương, Tướng Francisco Guerrero, tuyên bố rằng La Ceiba là "vùng trung lập", do đó là "cấm địa" cho bất kỳ trận đánh nào. Để bảo vệ chức vụ của mình, Guerrero buộc phải tuân theo, chỉ có thể tìm cách tấn công các phần tử nổi dậy bên ngoài thị trấn.

    Trận đánh ở La Ceiba vào ngày 25 tháng 1 năm 1911 là một trong những trận ác liệt nhất của thời kỳ đó. Hai bên đều có hàng trăm người chiến đấu. Molony “Súng máy” đã làm sống dậy danh hiệu của mình bằng cách thể hiện hắn sử súng Hotchkiss cực kỳ điêu luyện, thậm chí còn dùng nó tóm được những tay pháo thủ của khẩu súng pháo Krupp duy nhất.(19) Cuối cùng, quân nổi dậy giành được chiến thắng. Trong số những người bị thiệt mạng có Tướng Guerrero, ông đã bị bắn rơi khỏi ngựa khi thúc quân tiến lên phía trước.

    Tại thủ đô Honduras, Tegucigalpa, Tổng thống Dávila biết rằng La Ceiba thất thủ là tin rất xấu. Hy vọng sẽ cứu vãn được chút gì từ thảm họa này, ông gọi viên Công sứ Mỹ đến văn phòng và nói rằng ông "đã sẵn sàng chuyển giao chức vụ tổng thống cho bất kỳ người nào mà Hoa Kỳ chỉ định". Để chứng minh thiện chí của mình, ông yêu cầu Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận về khoản vay Morgan. Với số phiếu 32/4, Quốc hội từ chối đầy phẫn nộ và thay vào đó, họ đã thông qua một nghị quyết tuyên bố thỏa thuận vay mượn này là vi hiến và là "hành vi phạm tội chống lại Honduras".

    Một nhà sử học sau này đã viết rằng: "Honduras đã thoát khỏi vòng kim cô của giới ngân hàng, chỉ để rơi vào nanh vuốt của những kẻ buôn chuối".

    Kết quả bỏ phiếu chống lại khoản vay Morgan đã quyết định số phận của Tổng thống Dávila. Vài ngày sau đó, Hoa Kỳ đã ban hành một lệnh cấm giao tranh ở Honduras, có nghĩa là Dávila không còn có thể điều động quân đội của mình. Bị tước đi quyền lực tối hậu, không thể tự vệ, ông từ chức tổng thống. Ông đã bị đánh bại, không phải bởi Lee Christmas mà bởi một sắc lệnh ban hành tại Washington.

    Trong vài tuần tiếp theo, Christmas và một nhà ngoại giao Mỹ, Thomas Dawson, đã nhiều lần gặp gỡ trên con tàu Marietta để quyết định tương lai của Honduras. Họ đã đưa ra một công thức mà theo đó tổng thống lâm thời sẽ nắm quyền trong một năm rồi từ chức nhằm đưa Bonilla lên. Mọi việc diễn ra theo kế hoạch, và Bonilla nhậm chức tổng thống vào tháng 2 năm 1912. Khi ông tuyên thệ nhậm chức ở Tegucigalpa, 75 lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đứng gác bảo vệ cầu cảng nơi các công ty hoa quả Mỹ hay dùng ở Puerto Cortés, nhằm đảm bảo rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ không phá hủy nó để thể hiện sự phản đối.

    Một công tố viên người Mỹ ở New Orleans sau này đã chính thức kết tội cả Bonilla và Christmas vì vi phạm luật trung lập, nhưng vụ này không bao giờ được xét xử. Tổng thống Taft đích thân ra lệnh hủy bỏ các cáo buộc chống lại Bonilla. Hiểu rõ thông điệp từ Tổng thống, người công tố viên ấy lập tức làm điều tương tự cho Christmas.

    Tổng thống Bonilla hào phóng tưởng thưởng cho kẻ đã trao ông quyền lực. Ngay sau khi nhậm chức, ông tặng cho Zemurray mười nghìn hecta (khoảng 24.700 mẫu) đất trồng chuối gần bờ biển phía bắc. Sau đó ông tặng thêm mười nghìn hecta nữa gần biên giới với Guatemala. Rồi ông trao Zemurray một giấy phép đặc biệt cho phép các doanh nghiệp của ông miễn thuế nhập khẩu bất cứ thứ gì họ cần. Cuối cùng, ông ủy quyền cho Zemurray tìm kiếm một khoản vay năm trăm nghìn đôla dưới danh nghĩa của chính phủ Honduras, và dùng khoản tiền này để trả nợ cho chính Zemurray vì ông tuyên bố đã phải dành lượng tiền ấy để phát động cách mạng.

    Với chừng đó tài sản, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Zemurray nhanh chóng nổi tiếng với cái danh hiệu "ông vua không ngai của vùng Trung Mỹ". Chắc chắn ông là vua của Honduras. Sau cái chết của Bonilla năm 1913, ông tiếp tục giật dây một loạt các Tổng thống khác. Năm 1925, ông độc chiếm quyền khai thác gỗ trên một vùng rộng lớn tương đương một phần mười lãnh thổ Honduras. Sau đó, ông sáp nhập doanh nghiệp của mình với United Fruit và tiếp quản chức vụ Giám đốc điều hành của công ty. Dưới sự lãnh đạo của ông, United Fruit đã trở nên gắn bó mật thiết đến nỗi không thể tách rời với đời sống Trung Mỹ. Theo một nghiên cứu, nó "bóp hầu bóp họng đối thủ, thao túng chính quyền, độc quyền đường sắt, ép phá sản nhiều chủ đồn điền, chèn ép các hợp tác xã/ liên doanh, bóc lột người lao động, đàn áp công đoàn và tận thu người tiêu dùng". Bốn thập kỷ sau đó, công ty quyền lực độc nhất vô nhị này sẽ giúp lật đổ một chính phủ Trung Mỹ khác.

    ---

    (13) Mobile: thành phố cảng ở miền tây nam Alabama, dân số khoảng 200.000 người.
    (14) 1 acre = 4.046,8 m2. 15.000 mẫu tương đương khoảng 6.070 hecta.
    (15) British Honduras là một thuộc địa của Anh ở Trung Mỹ. Lãnh thổ này đã trở thành thuộc địa của Anh năm 1862. Năm 1964, nó trở thành thuộc địa tự trị. Năm 1981, thuộc địa này được độc lập hoàn toàn, và hiện là một quốc gia độc lập có tên Belize. Belize là thuộc địa cuối cùng trên đất liền của Vương quốc Anh ở châu Mỹ.
    (16) Bí danh El Amigo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là người bạn.
    (17) Three-mile limit: là một quan niệm truyền thống và bây giờ hầu như đã lỗi thời trong lĩnh vực luật pháp quốc tế về biển nhằm xác định lãnh hải của một quốc gia (trong tầm bắn của đại bác từ đất liền: ba dặm, khoảng 5km). Kể từ giữa thế kỷ 20, nhiều quốc gia đã tuyên bố vùng lãnh hải vượt ra ngoài ba dặm giới hạn truyền thống. Thông thường, lãnh thổ hàng hải mở rộng ra thành 12 hải lý (22 km) từ bờ biển, và điều này cuối cùng đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế sau Công ước 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển. Kết quả là, giới hạn ba dặm đã trở thành lỗi thời. Năm 2007, chỉ Gibraltar, Jordan, Palau và Singapore áp dụng giới hạn ba dặm này.
    (18) Súng máy Hotchkiss là một dòng sản phẩm của nhà sản xuất súng người Mỹ Benjamin B. Hotchkiss. Ông này chuyển đến Pháp, lập ra các nhà máy sản xuất vũ khí bán cho quân Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, và sau đó là chính phủ Hoa Kỳ trong Chiến dịch sông Mill 1879. Khi chuyển sang thế kỷ hai mươi, công ty này giới thiệu dòng súng máy Hotchkiss dùng khí để đấy viên đạn ra khỏi nòng, một vũ khí mạnh mẽ và đáng tin cậy được quân Pháp sử dụng rộng rãi trong Thế chiến I và sau đó.
    (19) Súng pháo Krupp: là một dòng súng được quân đội nhiều nước sử dụng từ thế kỷ 19. Đặc điểm chính của súng này là được làm hoàn toàn bằng thép và là loại súng có thời gian nạp ở khóa nòng ngắn nhất, do đó đạn pháo được bắn ra rất nhanh vậy mà Molony “Súng máy” vẫn có thể tấn công và giành chiến thắng.
     
  13. phantung1109

    phantung1109 Mầm non

    Đang đọc,bạn cố gắng dịch nhanh rồi làm thành ebook nhé.
    Bạn có thể gửi cho mình bản tiếng anh được không? email mình là [email protected]
     
    Thương lắm and bun_oc like this.
  14. Có ebook cuốn này chưa bạn ? Post lên cho mình tham khảo với ? Xin cảm ơn !
     
    Thương lắm and bun_oc like this.
  15. huyle1989

    huyle1989 Mầm non

    Chỉnh sửa cuối: 4/9/14
  16. Cuốn này mà có bản dịch thì tốt quá. :D
     
    Thương lắm and bun_oc like this.
  17. kingmax1111

    kingmax1111 Lớp 2

    Cảm ơn bạn đã hết lòng dịch quyển sách này nhé.
    Mình cũng là người học dịch thuật nhưng chưa dịch được chương nào của bất kì quyển nào ra hồn cả :)).
     
    Thương lắm and bun_oc like this.
  18. bun_oc

    bun_oc VIP

    Cám ơn mọi người đã ủng hộ. Mình tạm ngưng một phần vì bận công việc, một phần vì đang dở làm dự án khác, phần nữa cũng là do chưa tìm được người giúp biên tập. Hiện nay mình đã "móc nối" được một bạn đồng ý biên tập giúp rồi, nhân dịp buổi offline hôm nay, mình quyết định khởi động lại dự án. Nay kính báo và kính mong bà con xa gần tiếp tục ủng hộ "bổn tiệm". :)
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hi! Everyone! :)!
    Chào Các bạn! Chúc các bạn luôn được Khỏe_Vui khi 'vi vu" với Góc Tập Dịch Thuật của Diễn đàn TVE-4U! :)!
    Hân hạnh được phục vụ! :)!

    @! bun_oc!
    tducchau sẽ dời quyển nầy vô chuyên mục 'Góc dịch các tác phẩm tiếng Anh' nha! (Đã chuyển_24.01.2015_tdc)
    Lý do: Thuận tiện hơn trong việc xây dựng lại Chỉ mục_Index tra cứu, truy vấn, ... của Topic!

    Rất mong được bạn (& các bạn) hiểu, thông, cảm & tiếp tục hợp tác, cộng tác để Góc Dịch Thuật của TVE-4U luôn có được những bản dịch sách giá trị, hay và hấp dẫn! Xin cám ơn! :)!

    Trân trọng.
    tducchau,
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/1/15
    hoalienbao thích bài này.
  20. cairong

    cairong Lớp 2

    Vậy bao giờ có thể đọc bản đầy đủ vậy bun_oc ?
     

Chia sẻ trang này