Y học thường thức Nhân Học Y Học Với Quan Niệm Mới

Thảo luận trong 'Tủ sách Y học - Sức khỏe' bắt đầu bởi ntnquynhpro, 2/10/13.

Moderators: thichankem, Zhiqiang
  1. ntnquynhpro

    ntnquynhpro Lớp 7

    Nhân Học Y Học Với Quan Niệm Mới
    NHÂN HỌC Y HỌC VỚI QUAN NIỆM MỚI
    VỀ SỨC KHỎE, ỐM ĐAU VÀ BỆNH TẬT

    BS Nguyễn Đức Kiệt

    Ghép thận, thay tim, nối đoạn chi bị đứt, thụ thai trong ống nghiệm, tách, ghép gien... rồi máy siêu âm, máy điện tim, máy chụp cắt lớp...và hàng chục thứ thuốc mới đua nhau ra đời hằng năm với những lời quảng cáo đầy hứa hẹn, đã làm cho nhiều người nghĩ rằng chẳng bao lâu, vấn đề sức khoẻ, bệnh tật sẽ được giải quyết một cách dễ dàng! Nhưng sự thực không phải như nhiều người đã nghĩ.

    Cho đến thềm thế kỷ XXI, người ta mới chua chát nhận ra rằng, mặc dù đã bỏ ra rất nhiều công sức và đặt vào đó biết bao hy vọng, nhưng kết quả chẳng đáng là bao so với những mong muốn mà con người mơ ước: bệnh tật hình như lại có chiều hướng tăng lên, một số loại bệnh tưởng sắp bị tiêu diệt bỗng nhiên quay trở lại như lao phổi, sốt rét, thương hàn, tả... Có lẽ chỉ có một căn bệnh duy nhất mà con người tiêu diệt được là bệnh đậu mùa. Ngược lại một số bệnh mới lại nảy sinh như dị ứng, tim mạch, ung thư, béo bệu, xơ vữa động mạch... và có những bệnh tuy mới được tìm ra nhưng đã trở thành căn bệnh thế kỷ của toàn cầu nhưng chưa có phương sách chữa trị, phòng ngừa hữu hiệu như AIDS chẳng hạn. Kinh nghiệm của nhiều nước phát triển đã chỉ ra rằng có tới trên 2/3 trường hợp bệnh tật không thể giải quyết bằng máy móc tối tân hay những thuốc men hiện đại.

    Nhưng thay vào đó, y học cổ truyền dân tộc và những phương pháp khác từ các bộ môn tâm lý, xã hội, nhân văn, trong đó có nhân học y học, lại có khả năng chữa trị, phòng ngừa mà không cần đến thuốc men hay phẫu thuật.
    Vậy Nhân học y học là gì? Nhân học y học bắt nguồn từ nhân học (anthropology) - gốc từ Hy Lạp, có nghĩa là môn khoa học nghiên cứu về con người. Nhân học có ba phân môn chính: Nhân học thể chất (physical anthropology), nhân học xã hội (social anthropology), nhân học văn hoá (cultural anthropology). Nhân học y học (medical anthropology) là phân ngành hẹp của nhân học xã hội - văn hoá, nghiên cứu tầm vóc văn hoá, xã hội của các vấn đề sức khoẻ và về những nỗ lực của con người nhằm giải quyết vấn đề sức khoẻ. Nói cách khác, nhân học y học nghiên cứu những biểu tượng của một cộng đồng về sức khoẻ, ốm đau, bệnh tật, niềm tin, cách chạy chữa và giải thích tại sao họ chọn phương pháp này, đến nơi này mà không chọn phương pháp kia, đến nơi kia để được chăm sóc, chữa trị. Để hiểu những biểu tượng của một cộng đồng về sức khoẻ và bệnh tật, nhân học y học không nghiên cứu từng cá thể mà nghiên cứu một cộng đồng, trong đó yếu tố chính ảnh hưởng là văn hoá và xã hội. Nhưng trước hết chúng ta cần thống nhất các khái niệm sức khoẻ, ốm đau bệnh hoạn và bệnh tật.

    Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Sức khoẻ không phải chỉ là không có bệnh tật mà là một trạng thái đầy đủ về thể chất, tâm thần và xã hội. Tuy nhiên, các định nghĩa cái gì tạo thành "sức khoẻ" và "ốm đau" lại thay đổi giữa các cá nhân, các nhóm văn hoá và các tầng lớp xã hội. Một đứa trẻ bị tiêu chảy. Nhưng tại sao? Dân chúng trong làng thì bảo chắc cha mẹ đứa trẻ đã làm gì sai trái hoặc họ đã làm cho ông thần hay con ma tức giận. Bác sĩ nói vì đứa trẻ bị nhiễm khuẩn. Cán bộ vệ sinh y tế công cộng cho rằng dân chúng trong làng không có hệ thống nước sinh hoạt tốt hoặc do dùng hố xí không hợp vệ sinh. Nhà cải cách xã hội bảo rằng vì sự phân chia không hợp lý về đất đai và của cải nên những điều kiện mất vệ sinh đã dẫn đến tiêu chảy ở trẻ em. Một thầy giáo lại cho rằng do nạn thất học, ngu dốt gây nên...

    Như vậy, cùng một hiện tượng nhưng quan niệm về nguyên nhân gây bệnh khác nhau, do đó cách xử trí cũng khác nhau. Phần lớn người ta đều hiểu về nguyên nhân gây bệnh và cách chạy chữa theo quan niệm và kinh nghiệm của bản thân mình. Dựa vào các quan niệm ốm đau, bệnh tật khác nhau trong nhân dân, các nhà nhân học y học đã chia ra ba khái niệm khác nhau: ốm đau (illness), bệnh hoạn (sickness) và bệnh tật (disease).

    Ốm đau mang tính chủ quan của người bệnh, do họ tự nhận biết hay người xung quanh phát hiện, phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi người và vào các nhóm văn hoá, tầng lớp xã hội. Câu tục ngữ của Việt Nam: "người giàu bị đứt tay bằng ăn mày xổ ruột" nói lên rất rõ điều đó. Ở mức độ cá nhân, quá trình tự xác định ốm đau có thể dựa vào nhận thức riêng, nhận thức của người khác hoặc cả hai. Việc tự coi mình bị ốm đau thường qua một số kinh nghiệm chủ quan, như những thay đổi của thân thể (sút cân, thay đổi màu da, rụng tóc...), thay đổi chức năng cơ thể (tiểu tiện, đại tiện bất thường, kinh nguyệt ra nhiều, nhịp tim không đều...) chất thải bất thường (đi tiểu đục, tiểu tiện, đại tiện ra máu...), thay đổi trong năm giác quan (chóng mặt, ù tai, mờ mắt, mất cảm giác với mùi vị...), cảm giác khó chịu trong người (như sốt, ho, đau, khó thở, rét run...), trạng thái xúc động quá mức (như bồn chồn lo lắng, trầm cảm, ác mộng...) thay đổi về hành vi trong quan hệ với người khác (điều này còn tuỳ thuộc vào mỗi nền văn hoá). Trong nhiều trường hợp, người ta bị coi là ốm đau khi có sự nhất trí giữa người trong cuộc và những người xung quanh. Như vậy, "ốm đau" là một quá trình xã hội. Khi xã hội thừa nhận họ ốm đau, nghĩa là họ được xã hội chăm sóc và được miễn trừ một số trách nhiệm phải đóng góp với xã hội hay cộng đồng.
    Trong mỗi xã hội đều có quy ước về cách ứng xử khi người ta bị ốm đau và luôn luôn được quan tâm thông cảm của cộng đồng. "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Nghĩa là ốm đau được xác định bởi yếu tố văn hoá và xã hội. Những yếu tố văn hoá xác định triệu chứng hay dấu hiệu nào được coi là bất thường và tập hợp những dấu hiệu hay triệu chứng ấy tạo thành người ốm.

    Với những người bất lực về kinh tế, người ta cho ốm đau nằm ngoài sự kiểm soát của bản thân họ. Một số khác tin là ốm đau phụ thuộc nhiều vào tính dễ bị tổn thương cá nhân như về tâm lý, thể chất hay di truyền. Ở những nơi nhân dân có cùng nền văn hoá hay cộng đồng nhất trí về một kiểu mẫu của các triệu chứng và dấu hiệu thì nó trở thành một "bệnh tật dân gian".
    Thí dụ trong nhân dân ta trước đây có một tập quán là khi con gái đi lấy chồng, người mẹ truyền cho con gái kinh nghiệm để chữa trứng "thượng mã trúng phong" và dăn rằng trong khi "quan hệ vợ chồng", nếu người chồng do quá xúc cảm, mệt mỏi, bị chết đột ngột trên bụng vợ thì người vợ phải bình tĩnh, để chồng nằm im ở tư thế đó, rút ngay chiếc ghim cài đầu châm vào huyệt Trường cường ở mỏm xương cùng cụt, người chồng tự khắc tỉnh lại. Nếu người vợ trẻ không biết xử trí mà đẩy chồng ra khỏi cơ thể mình thì sẽ mất cân bằng âm dương, người chồng không thể sống lại được. Đây là một loại "bệnh tật dân gian", chưa hề được viết thành văn, chỉ hoàn toàn truyền miệng, nhưng trước đây ở Việt Nam hầu như người vợ nào cũng biết.
    Mỗi nền văn hoá đều có hàng loạt các "bệnh tật dân gian" của mình. Ở Việt Nam có thể kể ra rất nhiều loại bệnh tật dân gian kiểu thế này như: ngã nước, báng, đậu lào, cảm hàn, cấm khẩu, chốc đầu, nước ăn chân, sâu quảng, sâu răng, cam, cam tẩu mã, hậu sản...

    Bệnh hoạn là điểm trung gian giữa cảm giác chủ quan của con người và những tác động khách quan của môi trường tới cơ thể con người như say sóng, say tàu xe, mộng du, cuồng loạn, "ma làm", "tương tư" ... Bệnh hoạn gần giống như một tai hoạ, nó đến bất ngờ, có khi có những nguyên nhân dễ xác định, cũng có khi có những sự "rủi ro" hay "số phận" làm cho người ta phải nhờ cậy thần linh hay những thế lực siêu phàm giúp đỡ. Vai trò của thầy thuốc trong bệnh hoạn nhiều khi có chức năng tâm lý, chức năng xã hội nhiều hơn chuyên môn, kỹ thuật. Yếu tố tâm lý rất quan trọng trong bệnh hoạn của cộng đồng. Tùy theo các nền văn hóa mà người ta đùm bọc nhau hay căm ghét nhau khi gặp bệnh hoạn.
    Không phải từ những thế kỷ xa xưa mà ngay ở thế kỷ văn minh này, có những nền văn hóa tin rằng một số phụ nữ là nguyên nhân gây ra tai họa cho bộ tộc hay cộng đồng nên thay vì chia sẻ, đùm bọc thì họ đã ném đá cho đến chết người có ״ma gà״ hay bị ״quỷ ám ״ đó.

    Còn bệnh tật ? Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về bệnh tật, nhưng theo các nhà nhân học thì bệnh tật là một trạng thái mất cân bằng của cơ thể do các thầy thuốc phát hiện ra. Bệnh tật có thể biểu hiện ra ngoài bằng các triệu chứng rất rõ như ho khan dai dẳng, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân trong lao phổi ; sốt cao, đau ngực, khó thở trong viêm phổi... nhưng cũng có thể không biểu hiện ra ngoài mà chỉ tình cờ do thầy thuốc khám xét phát hiện ra như loét dạ dày-tá tràng thể «câm», cao huyết áp, lao phổi... không có triệu chứng. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến bệnh tật và dịch tễ học bệnh tật.

    Có thể ở nền văn hóa này thì là bệnh, nền văn khác lại không. Trong dịch tễ học, các yếu tố văn hóa ảnh hưởng thường là tình hình khi tế, cấu trúc gia đình, vai trò của giới, mô hình hôn nhân, mô hình tránh thai, hành vi tình dục, đường lối dân số, thai nghén và tập quán sinh con, nuôi con, chế độ ăn, thói quen mặc, vệ sinh cá nhân, cách thức bố trí nhà ở và công trình vệ sinh, nghề nghiệp, tôn giáo, tập quán ma chay, cưới xin, trạng thái di cư, stress do văn hóa, thói quen sử dụng thuốc an thần, thói quen nuôi chim muông và súc vật trong nhà... và một số yếu tố khác.

    Bệnh tật được các thầy thuốc xác định và thương được chữa bệnh nội trú trong bệnh viện hoặc ngoại trú có giám sát của thầy thuốc. Cách đây 100 năm, người ta đưa ra các danh mục bệnh tật, tiêu chuẩn chẩn đoán và các phác đồ chữa bệnh tương đối thống nhất chung cho toàn cầu. Từng khoảng thời gian, danh mục lại được bổ sung, sửa đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ở các nền văn hóa khác nhau, các thầy thuốc lại dễ dàng thống nhất với nhau về chẩn đoán và chữa bệnh.

    Ngày nay, phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh lại càng đa dạng và phong phú, trở thành những trường phái riêng như "diện chẩn" (chẩn đoán bằng cách nhìn mặt đoán bệnh), "thiết chẩn" (chẩn đoán bằng xem mạch), "nhãn chẩn" (chẩn đoán qua mống mắt), thậm chi người ta còn chẩn đoán qua máy vi tính, xem vân tay, qua số tử vi hay thấu thị... Đồng thời cũng có nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau. Nhìn chung, các thầy thuốc phương Tây có xu hướng chẩn đoán bằng cận lâm sàng, thể dịch, còn các thầy thuốc phương Đông lại có xu hướng chẩn đoán dựa trên cách xem xét tổng hợp.
    Để thăm khám có kết quả, cần phải có sự "đồng tình" giữa thầy thuốc và bệnh nhân về tên bệnh, bệnh sinh, tiên lượng và chữa bệnh tối ưu với bệnh. Trong khi trình bày bệnh tật, bệnh nhân cố gắng để bác sĩ hiểu nỗi băn khoăn của họ và mong được bác sĩ cho nhiều thuốc bổ hơn. Thăm khám còn là một quá trình xã hội. Nếu bác sĩ và bệnh nhân không cùng trong một nền văn hóa, tôn giáo hay xã hội thì thường hiểu sai về "ngôn ngữ đau ốm" của bệnh nhân do ngôn ngữ y học càng ngày càng trở nên "kỹ thuật" và "bí mật" hơn, làm cho công chúng càng ngày càng khó hiểu. Trong chữa bệnh, nếu giữa bác sĩ và bệnh nhân hiểu được nhau, tin nhau thì kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều và ngược lại.

    Kết quả chữa bệnh cũng rất khác nhau do các tiêu chuẩn của bác sĩ và bệnh nhân khác nhau. Thí dụ, trong bệnh đau dạ dày, tiêu chuẩn mà thầy thuốc đề ra là vết loét liền sẹo, dịch a-xit giảm đi, niêm mạc mềm mại...trong khi bệnh nhân lại cho các tiêu chuẩn ăn biết ngon, ít đầy hơi, sinh hoạt tình dục tăng lên... là những dấu hiệu tốt của bệnh. Cách tiếp cận khoa học đôi khi lại là một khoảng cách giữa thầy thuốc và bệnh nhân, trong khi những ông lang, bà mế, thầy mo, do cách tiếp cận dân gian lại nhanh chóng thâm nhập được vào cộng đồng và làm cho bệnh nhân tin tưởng. Điều đó giải thích tại sao nhiều khi bệnh nhân không chịu nghe lời khuyên của thầy thuốc nhưng lại dễ dàng làm theo lời chỉ dẫn của một ông lang vườn hoặc bệnh nhân lại vứt thuốc đi, mặc dù họ tự đến khám bệnh.

    Ngày nay, do lượng thông tin rất nhiều, trình độ dân trí tăng lên nên bệnh nhân thương cùng tham gia với thầy thuốc trong cả khâu chẩn đoán và điều trị. Nghĩa là, mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân trước đây là mối quan hệ bị động, phụ thuộc thì nay là mối quan hệ chủ động, phối hợp.

    Quan niệm ốm đau, bệnh tật mang yếu tố văn hóa, xã hội, vì vậy, muốn chữa bệnh có kết quả, cần phải có cách nhìn nhận thống nhất giữa thầy thuốc với bệnh nhân. Nhân học y học ra đời giúp cho người thầy thuốc hiểu được bệnh nhân hơn, làm cho hiệu quả chăm sóc, chữa bệnh tăng lên. Nói cách khác, nhân học y học giúp cho hệ thống y tế mạnh lên vì làm cho yêu cầu sát với nhu cầu. Trong xã hội ngày nay, thầy thuốc có trình độ chuyên môn đơn thuần không đủ mà đòi hỏi phải có kiến thức về xã hội, nhân văn để chuyển từ cách nhìn sinh học đơn thuần sang cách nhìn bao quát hơn: Cách nhìn nhân học./.

    (Bài đã đăng ở Tạp chí Thế giới mới, Vietnam)
    xin lỗi bạn vũ tương sinh bên TVE vì post mà chưa kịp xin phép bạn, mong bạn thông cảm nha
     
    gameaccBook and thichankem like this.
Moderators: thichankem, Zhiqiang

Chia sẻ trang này