Trà phiếm Nụ hôn lạnh lẽo - Khi cả tác giả và dịch giả không chơi cờ

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 31/1/21.

Moderators: amylee
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Tôi đang đọc Nụ hôn lạnh lẽo (Steel Kiss - Jeffery Deaver), đọc đến đoạn chơi cờ thấy nhiều chi tiết buồn cười. Xin dẫn ra đây để các bạn cùng biết.

    Bối cảnh trong truyện là nhân vật chính - thám tử Rhyme và một cô gái thực tập đánh cờ với nhau. Họ đều là người khuyết tật nên chơi cờ tưởng (cờ không nhìn bàn, hay còn gọi là cờ mù) chứ không cần bàn. Điều đó có nghĩa họ là những người chơi có kinh nghiệm chứ không còn gà mờ, vì chơi cờ tưởng thực chất không dễ dàng gì (tôi chơi 4 in a row không nhìn với trẻ con ở nhà mà còn thua suốt).

    Bắt đầu: "Khi còn ở bên nhau, người yêu cũ của tôi và tôi chơi khá nhiều. Chúng tôi chơi cờ đạn." Ô hô hô "cờ đạn" là cái gì thế này? Ở ngay tiếp tác giả giải thích: "Nó là một loại cờ tốc độ. Mỗi kỳ thủ có tổng cộng hai phút để đi cờ." Thực chất nguyên bản là "bullet chess". Nếu như dòng cờ nhanh (fast chess hay speed chess, mà dịch giả dịch là "cờ tốc độ" cũng không hoàn toàn chuẩn) có cờ nhanh (rapid) một ván 10 phút trở lên đến 25 phút và cờ chớp (blitz) một ván từ 3 đến dưới 10 phút thì khi đánh không chính thống (không chính thống theo nghĩa không có giải chính thức mà thường chơi online, vì thời gian quá ngắn nên nếu chơi bằng bàn quân sẽ đổ rào rào, chất lượng ván đấu thì không đảm bảo) còn có cả cờ ít thời gian hơn cờ chớp với từ 2 phút trở xuống. Trong tiếng Anh đặt là bullet với nghĩa nhanh như viên đạn, hơn cả tia chớp nhưng thuật ngữ tiếng Việt không ai gọi là "cờ đạn" mà là "cờ siêu chớp" hoặc để nguyên là "cờ bullet". Vậy "cờ đạn" do dịch giả dịch word by word vì không biết thuật ngữ.

    Tiếp theo: "Nhưng trận đấu phải vào thế chiếu tướng hoặc hòa". Ở đây dịch giả không phân biệt được "chiếu" (check, tức vua bị đe dọa và có thể chạy được) và "chiếu hết" (checkmate hoặc mate, tức vua bị đe dọa và không còn đường thoát) là gì. Ở đoạn dưới cũng có một chỗ "chiếu tướng" mà đáng lẽ phải dịch là "chiếu hết" vì nó kết thúc ván cờ.

    Bắt đầu vào ván cờ: "Quân tốt đi từ E2 sang e4." Theo ký pháp cờ vua thì ký tự ký hiệu cột không viết hoa. Nguyên bản là “E2 pawn to e4.” đầu câu nên họ viết hoa. Dịch giả không hiểu nên bê nguyên "E2" sang bản dịch, thay vì "e2".

    Ván cờ tiếp diễn: “Tượng trắng bên vua đi tới c4.”, “Mã đen bên hậu đi tới d4.” Bàn cờ có hai phía: phía vua và phía hậu (với người cầm trắng lần lượt là bên phải và trái mình, với người cầm đen ngược lại). Nhưng tiếng Việt gọi là "cánh": cánh vua và cánh hậu chứ không phải "bên vua" và "bên hậu".

    Ở đây cho thấy tác giả không chơi cờ vua. Khi đánh cờ, xướng ký hiệu, người ta không cần nêu đích xác ô xuất phát của quân cờ, vì thường chỉ có duy nhất một quân có thể đến ô đó, hay vị trí ban đầu của nó như mã cánh vua hay tượng cánh hậu. Ví dụ chỉ cần "tốt e4" hay "Mã d4". Thế còn nếu hai quân thì sao, người ta sẽ thêm vào cột/hàng mà nó đang đứng, ví dụ "Xe b d8". Người ta không quan tâm con mã hay tượng, xe cánh nào, vì đánh một lúc quân cờ bay nhảy lung tung ai còn cần phân biệt mã vua hay mã hậu? Người ta chỉ quan tâm ví dụ màu tượng: tượng ô đậm và tượng ô nhạt trong tàn cuộc mà thôi: nếu tượng cùng màu ô dễ có thắng thua, tượng khác màu dễ hòa. Thành ra hai người chơi có kinh nghiệm (chơi cờ tưởng) mà xướng quân chẳng khác hai đứa trẻ con mới học cờ. Còn sợ độc giả không hiểu nên tác giả chèn tận 14 cái ảnh tương ứng với mỗi nước của mỗi bên. (Ở ebook thì chỉ cần một cái ảnh động của ván cờ tạo từ chesscom chẳng hạn [​IMG]).

    [​IMG]
    Ván cờ kết thúc nhanh nhất trên lý thuyết, sau 2 nước chứ không phải "4 nước".

    Đến cuối cùng khi ván cờ kết thúc: Rhyme nói: “Mười bốn nước nhỉ.” Lại thêm một bằng chứng về sự không hiểu về cờ của tác giả. Nói về độ dài một ván đấu thì người ta tính số nước của mỗi người chơi, tức khi mỗi bên đi một nước thì mới tính là một nước, còn mỗi nước mỗi bên lúc đó gọi là nửa nước. Ở đây tác giả lại cộng tổng số nước của cả hai lại, thực chất ván cờ có 7 nước mà thôi.

    Tổng kết lại, trong phim ảnh đã có nhiều sai lầm ngô nghê về cờ, như bàn cờ để ngược. Ở đây là một ví dụ về sai lầm trong tác phẩm văn học. Với dịch giả thì ngoài hiểu biết sâu về vấn đề chính mà mình đang dịch, cũng nên có hiểu biết rộng về các thứ khác, nếu không sẽ dẫn đến những khái niệm như "cờ đạn" ở cuốn này. Nếu không biết gì về cờ, có thể vào các group cờ hỏi han, tham khảo thuật ngữ, chứ tự chế ra thế này thì có thể gọi là "dịch xổi".

    PS: Ngoài vấn đề về cờ, cuốn này dịch giả nhiều chỗ "dịch Tây", như để bị động hoặc để nguyên dạng ngữ pháp tiếng Anh. Biên tập của Bách Việt với cuốn này thì rất tệ, sai chính tả, nuốt chữ... Về nội dung truyện tôi chưa đọc xong nên không bình phẩm, chứ về chất lượng bản dịch thì cuốn này được tôi đánh giá là "tiên phí mùa".

    -----------
    Do bạn @Annienguyen2311 đang muốn làm tiểu luận về một tác phẩm có nhiều lỗi dịch Anh Việt, tôi đăng lại bài viết đã post trên FB vào tháng 5 năm 2020 về một phần dịch lỗi trong một tiểu thuyết của J. Deaver.
     
    tiendungtmv, amylee and chanhvan1987 like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này