PHONG GIA TẾT VIỆT - (Trích)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 3/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    [HR][/HR]
    PHONG GIA TẾT VIỆT
    (Trích)



    Nguồn: SƯU TẬP,…
    Hiệu chỉnh & ebook:
    tducchau (TVE)
    Ngày hoàn thành: 02/02/2011
    (Ngày 30 tháng Chạp năm Canh Dần – Phật lịch 2554)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link



    MỤC LỤCNgày Tết có những phong tục gì?
    Tống cựu nghênh tân
    Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi
    Quà Tết, lễ Tết
    Lễ mừng thọ
    Khai nghề, làm lấy ngày
    Cờ bạc​
    Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày tết?
    Tại sao cúng giao thừa ngoài trời?
    Nguyên tắc Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
    I. Nghi-Thức Cúng Gia-Tiên
    II. Định-Nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
    a. Cúng
    b. Khấn
    c. Vái
    d. Lạy​
    III . Ý-Nghĩa của Lạy và Vái
    a. Ý-Nghĩa Của 2 Lạy và 2 Vái
    b. Ý-Nghĩa Của 3 Lạy và 3 Vái
    c. Ý-Nghĩa Của 4 Lạy và 4 Vái
    d. Ý-Nghĩa Của 5 Lạy và 5 Vái​
    IV Kết Luận​
    VĂN KHẤN, VĂN TẾ
    VĂN KHẤN LỄ ÔNG TÁO CHẦU TRỜI.
    VĂN KHẤN LỄ TẠ MỘ VÀO NGÀY 30 TẾT
    VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA NGOÀI TRỜI.
    VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA TRONG NHÀ
    VĂN KHẤN THẦN LINH TRONG NHÀ (Mùng 1)
    VĂN KHẤN TỔ TIÊN NGÀY MÙNG 1 TẾT
    VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI (Mùng 3)​
    DANH XƯNG TRONG GIA TỘC

    Code: Định dạng PRC [Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link]


    Posted by tducchau
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Ngày Tết có những phong tục gì?​




    Dân tộc ta có nhiều ngày Tết. Tết là cách nói tắt hai chữ lễ tiết. Có Tiết Thương Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Thanh Minh, Đoan Ngọ, TrungThu... Ngày tết nêu ở đây tức là nói tắt Lễ tiết Nguyên Đán (ngày đầu năm).

    Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ... Từ trẻ đến già ai ai cũng biết, không nhắc thì thanh thiếu niên cũng mua cho được cành hoa bánh pháo (!), nghèo cũng có chiếc bánh chưng, chai rượu. Vì vậy xin miễn liệt kê dài dòng, để trao đổi một vài phong tục đáng được duy trì phát triển.


    Tống cựu nghênh tân: cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

    Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác viết vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, tra phạt con em, đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dầu lạ dầu quen.

    Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xúy xoá hết. Dầu có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

    Hái lộc, xông nhà, chúc tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hai lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người "Nhẹ vía" mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. ở thành thị thời trước, sáng mồng một, có một số người nghèo gánh một gánh nước đến các gia đình giầu có lân cận và chúc họ "Lộc phước dồi dào". Những người này được thưởng tiền rất hậu. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình "Nặng vía". Chính vì vậy, đáng lẽ sáng mồng một đông vui lại hoá ít khách, trừ những nhà đã tự xông nhà, vì tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà, từ người thứ hai trở đi không tính.

    Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Chú ý tránh phạm tên huý gia tiên, tránh nhắc tới lỗi lầm sai phạm cũ, xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết nhưng người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau "Của đi thay người", "Tai qua nạn khỏi", nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành. Kể cả đối với người phạm tội vẫn với thái độ nhẹ nhàng, khoan dung. Nhưng, nhìn chung trong những ngày đầu năm, người ta kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa.

    Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đặm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chẳng tốn kém là bao. Hiềm một nỗi, nhiều người còn quá câu nệ, công thức ruờm rà, không chủ động được kế hoạch. Nhiều vùng nông thôn, hễ đến chúc Tết nhau nhất thiết phải nâng ly rượu, nếm vài món thức ăn gì đó chủ mời vui lòng, năm mới từ chối sợ bị giông cả năm.

    Quà Tết, lễ Tết: Bình thường qua lại hỏi thăm nhau có khi cũng có quà, biểu lộ mối ân tình, nhưng phong tục ta đi lễ Tết vẫn có ý nghĩa hơn, nhất là đi trước Tết càng quý. Loại trừ động cơ hối lộ quan trên để cầu danh cầu lợi thì việc biếu quà Tết, tổ ân nghĩa tình cảm là điều đáng quý. Học trò tết thầy giáo, bệnh nhân tết thầy thuốc, con rể tết bố mẹ vợ... quà biếu, quà Tết đó không đánh giá theo giá thị trường. Nhưng cũng đừng nên gò bó, câu nệ sẽ hạn chế tình cảm: Không có quà, ngại không dám đến. Dân tộc ta tuy nghèo nhưng vẫn trọng nghĩa tình, "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

    Lễ mừng thọ: ở các nước Tây Âu thường mừng thọ vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ở ta ngày xưa ít ai nhớ chính xác ngày sinh tháng đẻ nên vào dịp đầu xuân thường tổ chức mừng thọ lục tuần, thấp tuần, cửu tuần... tính theo tuổi mụ. Ngày tết ngày Xuân cũng là dịp mọi người đang rảnh rỗi, con cháu tụ tập đông vui.

    Khai nghề, làm lấy ngày: Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ẩn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày: Sĩ, Nông, Công, thương "Tứ dân bách nghệ" của dân tộc ta vốn cần cù, ai cũng muốn năm mới vận hội hành thôn làm ăn suôn sẻ, đầu xuân chọn ngày tốt đẹp, bắt tay lao động sớm, tránh tình trạng cờ bạc, rượu chè, hội hè đình đám, vui chơi quá đà. Sau ngày mồng một, dù có mãi vui tết, hoặc còn kế hoạch du xuân, đón khách, cũng chọn ngày "Khai nghề", "Làm lấy ngày". Nếu như mồng một là ngày tốt thì chiều mồng một đã bắt đầu. Riêng khai bút thì giao thừa xong, chọn giờ hoàng đạo bắt đầu không kể mồng một là ngày tốt hay xấu. Người thợ thủ công nếu chưa ai thuê mướn đầu năm thì cũng tự làm cho gia đình mình một sản phẩm, dụng vụ gì đó (nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn). Người buôn bán, vì ai cũng chọn ngày tốt nên phiên chợ đầu xuân vẫn đông, mặc dầu người bán chỉ bán lấy lệ, người đi chợ phần lớn là đi chơi xuân.

    Cờ bạc: Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.


    Tóm lại, ngày Tết là ngày tiêu biểu cho truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Giá như phát huy thuần phong mỹ tục đó, từ gia đình ra xã hội, ai ai cũng đối xử với nhau trên thuận dưới hoà, kính giá yêu trẻ... thì đất nước quê hương sẽ tươi đẹp, giàu mạnh, bộ máy pháp luật bớt đi bao nhiêu khó khăn.
     
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Vì sao có tục kiêng hót rác đổ đi trong ba ngày tết?​



    Trong "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Một hôm, nhân ngày mồng một Tết, Âu Minh đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Kể từ đó kiêng không dám hót rác ngày Tết.


    Tục kiêng hót rác ba ngày Tết nên ngày 30, dầu bận rộn đến đâu cũng phải dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.
     
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    Tại sao cúng giao thừa ngoài trời?​




    Dân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng.

    Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.

    Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì.

    Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.

    Biết thấu tâm lý của người giàu, các cụ ta đã có nhiều câu chuyện răn đời để người ta hiểu rằng: Các quan mặc dầu phút bàn giao bận rộn khẩn trương nhưng vì là... người nhà trời nên có tài thấu hiểu ngay "Ruột gan" của gia chủ. Nếu có ý cầu lợi, mua chuộc, đút lót, các vị chỉ nhìn dấu hiệu ở khói hương, lửa đèn là biết ngay, và lập tức các vị dông thẳng, không thèm ngó ngàng gì đến vật cúng giao thừa của các nhà cầu lợi ấy. Trái lại, những nhà chân chất, thật thà, sống bằng lao động, ăn ở tử tế thì có khi chỉ cần chén rượu, nén hương (như thổ công đánh tín hiệu qua hương đèn), các vị có chức trách biết ngay mà vui vẻ thưởng thức, dốc lòng phù hộ...
     
  5. Foli

    Foli Lớp 11

    Nguyên tắc Cúng, Khấn, Vái, và Lạy​




    I. Nghi-Thức Cúng Gia-Tiên

    Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên-tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau. Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy.



    II. Định-Nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy

    a. Cúng
    Khi có giỗ Tết, gia-chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ-bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu-kính, biết ơn, và cầu phước-lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình-thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.


    b. Khấn


    Khấn là lời cầu-khẩn lầm-rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên-quan đến các chi-tiết về ngày tháng năm, nơi-chốn, mục-đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.

    Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính-cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu

    “Lầm rầm khấn vái nhỏ to,
    Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.”

    (Câu 95-96)​


    c. Vái
    Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái (xem phần sau).


    d. Lạy


    Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.


    – Thế Lạy Của Đàn Ông:


    Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ- phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý-Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.

    Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.

    Thế lạy phủ-phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập-luyện hằng-ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh-thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn-thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng-bằng.


    – Thế Lạy Của Đàn Bà:

    Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.

    Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.

    Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng-dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển-chuyển tha-thướt, tượng-trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất-tiện là khi mặc âu-phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp-dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc-Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.

    Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền-thống rất có ý-nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành-khẩn vừa trang-nghiêm trong lúc cúng tổ-tiên. Nếu muốn giữ phong-tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự-nguyện. Muốn áp-dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập-dượt lâu mới nhuần-nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.



    III . Ý-Nghĩa của Lạy và Vái


    Số lần lạy và vái đều mang một ý-nghĩa rất đặc-biệt. Sau đây chúng tôi xin trình-bày về ý-nghĩa của vái và lạy. Đây là phong-tục đặc-biệt của Việt Nam ta mà người Tàu không có tục-lệ này. Khi cúng, người Tàu chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái mà thôi.


    a. Ý-Nghĩa Của 2 Lạy và 2 Vái


    Hai lạy dùng để áp-dụng cho người sống như trong trường-hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng-điếu, nếu là vai dưới của người quá-cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., ta nên lạy 2 lạy.

    Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý-nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính-cẩn, chứ không có ý-nghĩa nào khác. Nhưng trong trường- hợp người quá-cố còn để trong quan-tài tại nhà quàn, các người đến phúng- điếu, nếu là vai trên của người quá-cố như các bậc cao-niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá-cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan-tài đã được hạ-huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.

    Theo nguyên lý âm-dương, khi chưa chôn, người quá-cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng-trưng cho âm dương nhị khí hòa-hợp trên dương-thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.

    b. Ý-Nghĩa Của 3 Lạy và 3 Vái
    Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng-trưng cho Phật, Pháp, và Tăng (xin xem bài về “Nghĩa Đích Thực của Quy Y Tam Bảo” đã được phổ biến trước đây và sẽ được nhuận sắc và phổ biến). Phật ở đây là giác, tức là giác-ngộ, sáng-suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh-đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong-sạch, thanh-tịnh, không bợn-nhơ. Đây là nói về nguyên-tắc phải theo. Tuy-nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.

    Trong trường-hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu-phục, nếu cảm thấy khó-khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.


    c. Ý-Nghĩa Của 4 Lạy và 4 Vái


    Bốn lạy để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh-thần. Bốn lạy tượng-trưng cho tứ-thân phụ-mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ-tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao-gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú-ngụ.

    Bốn vái dùng để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp-dụng thế lạy.


    d. Ý-Nghĩa Của 5 Lạy và 5 Vái


    Ngày xưa người ta lạy vua 5 lạy. Năm lạy tượng-trưng cho ngũ-hành (kim, mộc, thuỷ, hỏa, và thổ), vua tượng-trưng cho trung-cung tức là hành-thổ màu vàng đứng ở giữa. Còn có ý-kiến cho rằng 5 lạy tượng-trưng cho bốn phương (đông, tây, nam, bắc) và trung-ương, nơi nhà vua ngự. Ngày nay, trong lễ giỗ Tổ Hùng-Vương, quí-vị trong ban tế lễ thường lạy 5 lạy vì Tổ Hùng-Vương là vị vua khai-sáng giống nòi Việt.

    Năm vái dùng để cúng Tổ khi không thể áp-dụng thế lạy vì quá đông người và không có đủ thì-giờ để mỗi người lạy 5 lạy.



    IV Kết Luận

    Phong tục có được là do thói quen mà mọi người đã chấp nhận, nhiều khi không giải thích được lý do tại sao lại như thế mà chỉ biết làm theo cho đúng thôi. Trong mỗi gia đình Việt Nam, dù theo đạo nào cũng vậy, chúng ta, con dân nước Việt, hãy cố gắng thiết lập một bàn thờ gia tiên. Có như thế, con cháu ta mới có cơ hội học hỏi cách thiết lập bàn thờ gia tiên, và hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng ra sao.

    Thờ cúng là cách biểu thị lòng nhớ ơn tổ tiên cũng như lòng thương và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ. Đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt mà chúng ta cần phải duy trì.


    (Theo Khải-Chính Phạm Kim-Thư)​
     
  6. Foli

    Foli Lớp 11

    VĂN KHẤN, VĂN TẾ​



    Văn tế, văn khấn thật ra chỉ là những lời nói sửa soạn trước cho được nghiêm chỉnh với việc dùng từ ngữ cẩn thận và cách thức kính cẩn trình bày lên các đấng thần thánh, với tổ tiên trong các lễ tế hay cúng giỗ. Cũng có một số bài đã trở thành những áng văn chương tuyệt tác, ý nghĩa thâm trầm được làm ra do những văn tài xuất chúng. Chẳng hạn như bài văn tế tiểu tường do thi sĩ Tản Đà làm giúp cho một vị tri huyện tế mẹ đã được dẫn ở đoạn trước. Thông thường văn tế, văn khấn chia làm ba đoạn chính:

    1. Đoạn thứ nhất gồm có ngày tháng, tên của người đứng ra chủ động việc cúng tế và nói về lễ vật.
    2. Đoạn thứ nhì gồm tên tuổi, hiệu, thụy các vị được cúng tế.
    3. Đoạn thứ sau cùng nói rõ mục đích của tế lễ, nhân dịp nào.

    Văn tế thường theo một thể riêng như thể phú. Văn khấn có thể viết theo văn vần, gồm một đoạn theo thể phú, hoặc bằng văn xuôi. Văn khấn cũng như văn tế, khi người hay giỏi chữ Nho thường dùng Hán văn, về sau người ta chuyển sang Việt văn. Cần nhất là hay, có ý nghĩa và được đọc một cách trang trọng. Điều cần lưu ý là trong các lễ giỗ kỵ, văn khấn nên viết sẵn ra giấy. Người chủ lễ đứng trước bàn thờ, vái bốn vái rồi cầm giấy đưa ra trước mặt mà đọc. Đọc xong vái năm cái. Tiếp theo là thân nhân trong gia đình vào lễ theo thứ tự.

    Sau đây là một bài văn khấn Nôm bằng thơ nhằm mục đích giúp đàn bà, trẻ con có thể học và dễ nhớ theo một thức giả xưa làm ra, dùng vào việc cúng lễ gia tiên:

    Ngày ... tháng ... năm (âm lịch), tín chủ là ... tuổi ... sinh quán tại ... trú quán tại ... cùng toàn gia.

    Cúc cung bái trước bàn thờ,
    Kính dâng lễ bạc hương hoa rượu trầu.
    Cùng là phẩm vật trước sau,
    Lòng thành tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên.
    Cao tằng tổ khảo đôi bên,
    Cao tằng tổ kỷ dưới trên người người.
    Cô dì chú bác kính mời,
    Đệ huynh đồng thỉnh tới nơi từ đường.
    Cúi xin hưởng chút lễ thường,
    Và xin phù hộ khang cường toàn gia. ​

    Phục Duy Cẩn cáo.


    Lời khấn vái là lời nói chuyện với người quá cố, do đó lời khấn là tấm lòng của người còn sống. thì muốn khấn sao cũng được. Tuy nhiên người xưa cũng đã đặt ra lễ khấn và lời khấn.


    Lễ khấn gồm các thủ tục như sau:

    1. Sau khi mâm cỗ đã đặt xong thì gia trưởng ăn mặc chỉnh tề (ngày xưa thì khăn đống áo dài) đi ra mở cửa chính. Ở xứ lạnh thì cũng phải ráng hé cửa chứ không đóng được cửa kín mít.

    2. Sau đó phải khấn xin Thành Hoàng Thổ địa để họ không làm khó dễ Linh về hưởng lễ giỗ.

    3. Và sau đây là một đoạn khấn theo lối xưa:

    Duy ..... quốc..... Tỉnh/Thị xã .... trang/gia tại ... (số nhà). Việt lịch thứ ..., thử nhật ... (ngày âm lịch) húy nhật gia phụ/mẫu/Tằng tổ v.v. là Hiển khảo/Tỷ... (tên) (cho đàn bà thì là hiển tỷ; với ông nội ngọai thì thêm chữ tổ - hiển tổ khảo/tỷ), Hiếu tử/nữ/tôn v.v là (Tên) tâm thành kính cáo thành hoàng và thổ thần bản địa, tiền chủ tiếp dẫn gia phụ mẫu/cô di v.v... (Người được giỗ hôm nay) đồng cung thỉnh Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, liệt vị tổ tiên, hiển tổ khảo, hiển tổ tỷ, cô di tỷ muội, nội ngoại đồng giai lâm, tọa ngự linh sàn chứng giám. Phục Duy Cẩn cáo.



    VĂN KHẤN LỄ ÔNG TÁO CHẦU TRỜI.​



    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân !

    Tín chủ con là: ............................ Ngụ tại: .................................................. ......

    Nhằm ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén Tâm Hương dốc lòng bái thỉnh.

    Chúng con kính mời:

    Ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
    Phỏng theo lệ cũ, Ngài là vị chủ, Ngũ Tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo Quân chứng giám.

    Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn Thần, gia ân châm chước. Ban lộc, ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.

    Dãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.
    Phục Duy Cẩn cáo.

    NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !



    VĂN KHẤN LỄ TẠ MỘ VÀO NGÀY 30 TẾT
    (phải Tạ Mộ để xin phép Thổ Thần Thổ Địa nơi đó cho Ông Bà về ăn Tết)


    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy :

    – Ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần, Ngũ Ôn Chi Thần, Nguyễn Tào Phán Quan.
    – Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương.
    – Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn thần.
    – Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ long mạch Tôn thần, Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản ở trong xứ này.

    Kính lạy Hương Linh ...........
    Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp, nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.

    Tín chủ con là ................................ Ngụ tại ..............................................

    Sắm sanh phẩm vật, hương hoa phù tửu lễ nghi, trình cáo Tôn Thần, kính rước vong linh Bản Gia Tiên Tổ chúng con là .......... có phần mộ tại đây về với gia đình đón năm mới, để cho cháu con phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn Thần, phù thùy doãn hứa. Âm dương cách trở, bát nước nén hương, biểu tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.




    VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA NGOÀI TRỜI. ​



    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy :

    – Đức Đương lai hạ sinh DI LẶC TÔN PHẬT.
    – Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn Thần.
    – Ngài Cựu Niên …... năm …….
    – Đương niên ……. năm …...
    – Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo Quân, chư vị Tôn Thần.

    Nay là phút giao thừa năm …....

    Tín chủ con là ................................ Ngụ tại ..............................................

    Phút thiêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khai thái, vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiều sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

    Chúng con kính mời : Ngài Cựu niên Đương cai, Ngài Tân niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

    Nguyện cho tín chủ : Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

    Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.



    VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA TRONG NHÀ​



    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy :

    – Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật.
    – Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
    – Long Mạch, Táo Quân, chư vị Tôn Thần.
    – Các cụ Tổ Tiên nội, ngoại chư vị tiên linh.

    Nay phút giao thừa năm …….
    Tín chủ con là ................................ Ngụ tại ..............................................

    Phút giao thừa vừa tới, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu Xuân, đón mừng Nguyên Đán, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, tiến cúng Tổ Tiên, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.

    Chúng con xin kính mời :

    Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương, Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa, Phúc Đức Chính Thần, các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long Mạch Tài Thần, các Ngài Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, nội ngoại tộc chư vị hương linh cúi xin giáng về linh sàng hâm hưởng lễ vật.

    Tín chủ lại kính mời các vị vong linh Tiền chủ, Hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này. Nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

    Nguyện cho tín chủ : Minh niên khang thái, trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng.

    Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.



    VĂN KHẤN THẦN LINH TRONG NHÀ (Mùng 1)​



    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 Lần)

    Kính lạy :

    – Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật.
    – Phật Trời, Hoàng Thiên Hậu Thổ.
    – Chư vị Tôn Thần.

    Hôm nay là ngày mồng 1 tháng Giêng, nhằm ngày Tết Nguyên Đán đầu xuân, giải trừ gió đông lạnh lẽo, hung nghiệt tiêu tan, đón mừng Nguyên Đán xuân thiên, mưa móc thấm nhuần, muôn vật tưng bừng đổi mới. Nơi nơi lễ tiết, chốn chốn tường trình.

    Tín chủ con là ................................ Ngụ tại ..............................................

    Nhân tiết minh niên sắm sửa hương hoa, cơm canh lễ vật bày ra trước án, dâng cúng Thiên Địa Tôn Thần. Thiết nghĩ Tôn Thần hào khí sáng loà, ân đức rộng lớn. Ngôi cao vạn trượng uy nghi, vị chính mười phương biến hiện. Lòng thành vừa khởi, Tôn Đức càm thông. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Nguyện cho chúng con mọi người hoan hỷ vinh xương, con cháu cát tường khang kiện. Mong ơn Đương Cảnh Thành Hoàng, đội đức Tôn Thần Bản xứ. Hộ trì tín chủ, gia lộc gia ân, xá quá trừ tai. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối, sự nghiệp hanh thông, sở cầu như ý.

    Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.




    VĂN KHẤN TỔ TIÊN NGÀY MÙNG 1 TẾT​



    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy :

    – Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật.
    – Các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, Bá thúc huynh đệ, Cô di tỷ muội, đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc, ngoại tộc.

    Tín chủ con là ................................ Ngụ tại ..............................................

    Nay theo Tuế luật, Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán, mồng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần, đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên, như trời cao biển rộng, khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật, oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.

    Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng giáng về linh sàng, hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang, mọi bề thuận lợi, sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời : các vị vong ling, tiền chủ, hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hưởng.

    Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.




    VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI (Mùng 3)​



    NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! (3 lần)

    Kính lạy :

    – Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
    – Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân, Long Mạch Tôn Thần
    – Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh.

    Hôm nay là ngày mồng ba tháng Giêng năm …….
    Tín chủ chúng con .......................... Ngụ tại ..........................................

    Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình : Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới. Kính xin : lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

    Phục Duy Cẩn cáo.



    (Chú ý:

    TÊN CÁC VỊ THẦN LINH
    (ứng với từng năm, năm nào thì điền tên vị Thần ấy vào chỗ ấy)

    .Tý : Chu Vương hành Khiển. Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.

    .Sửu : Triệu Vương Hành Khiển. Tam thập lục phương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.
    .Dần : Ngụy Vương Hành Khiển. Mộc tinh chi thần, Tiêu Tào phán quan.
    .Mẹo : Trịnh Vương Hành Khiển. Thạch tinh chi thần, Liễu tào phán quan.
    .Thìn : Sở Vương Hành Khiển. Hỏa tinh chi thần, Biểu Tào phán quan.
    .Tị : Ngô Vương Hành Khiển. Thiên Hải chi thần, Hứa Tào phán quan.
    .Ngọ : Tần Vương Hành Khiển. Thiên hao chi thần, Nhân tào phán quan.
    .Mùi : Tống Vương hành Khiển. Ngũ Đạo chi thần, Lâm tào phán quan.
    .Thân : Tề Vương Hành Khiển. Ngũ miếu chi thần, Tống Tào phán quan.
    .Dậu : Lỗ Vương hành Khiển. Ngũ Nhạc chi thần, Cựu Tào phán quan.
    .Tuất : Việt Vương Hành Khiển. Thiên Bá chi thần, Thành tào phán quan.
    .Hợi : Lưu Vương Hành Khiển. Ngũ Ôn chi thần, Nguyễn tào phán quan.)
     
  7. Foli

    Foli Lớp 11

    DANH XƯNG TRONG GIA TỘC​



    Trong quan hệ giao tiếp việc xưng hô là rất quan trọng, đặc biệt trong gia tộc. Ngày nay, trong giao tiếp mọi người thường dùng tiếng Việt và xen nhiều tiếng lóng, từ ngoại lai…Song trong tang lễ hay cúng giỗ các thầy hoặc bậc trưởng thượng thường dùng từ Hán Việt mà ngày nay ít người nhớ nổi.

    Trong Xưng hô (H: 稱呼, P: S'adresser, A: To address ) thì “xưng” là tiếng tự gọi mình còn “hô” tiếng gọi người khác.

    Danh xưng biểu hiện thứ bậc trong gia đình, gia tộc; về quan hệ trên dưới, cấp chức trong công sở hay việc giao tiếp ở ngoài xã hội mà ngày nay, trong giao tiếp mọi người thường dùng tiếng Việt và xen nhiều tiếng lóng, từ ngoại lai…Nhưng khi cúng giỗ, xướng danh khi tang lễ vẫn còn dùng từ xưng hô bằng âm Hán Việt mà với số đông là nghe rất trúc trắc, khó nhớ. Theo THỌ MAI GIA LỄ việc thờ cúng chỉ tới 5 đời, còn lại là tống giỗ. Do vậy trong các lễ tang, các buổi cúng giỗ chỉ dùng các từ xưng hô trong 9 đời.

    Vấn đề Cửu huyền, Thất tổ và Cửu tộc có những cách lý giải khác nhau, trong hoàn cảnh khác nhau. Xưng hô trong Cửu huyền (H: 九玄, A: The nine degrees of relationships, P: Les neuf degrés de parentés) theo quan niệm thời vua Nghiêu vua Thuấn được trở lại từ thời nhà Tần là lấy người trong họ của cha, bà con trực hệ từ bản thân ngược lên 4 đời, và lấy xuống 4 đời, tức từ Cao Tổ xuống đến cháu Huyền tôn là 9 đời. Theo đó, âm Hán Việt được đọc và viết như sau: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Ngã, Tử, Tôn, Tằng, Huyền (高 曾 祖 父 我 子 孫 曾 玄). Trên Internet tôi từng tìm thấy có định nghĩa của người Trung Quốc về Cửu huyền九玄 như sau:子 (Tử, con)、孫 (Tôn, cháu)、曾 (Tằng, chắt)、玄 (Huyền, chút)、來 (Lai, chít)、昆 (Côn, nối)、仍 (Nhưng, quay lại)、雲 (Vân, xa)、耳 (Nhĩ, chút chít).

    Một gia đình gồm có ông bà, cha mẹ và con cháu mở rộng ra nhiều gia đình họp lại thành Gia tộc 家族 nghĩa là họ. Nói một cách đơn giản và đầy đủ thì gia tộc là cộng đồng những người cùng do một cụ tổ sinh ra.

    Nêú như ngôn ngữ Âu tây chỉ có từ chỉ rõ: Cha, Mình, Con thì hệ thống tôn ti trong gia tộc 9 thế hệ của người Việt rất chi li:

    [TABLE="class: ncode_imageresizer_warning, width: 640"]

    [TD="class: td1, width: 20"][​IMG][/TD]
    [TD="class: td2"]Ảnh này đã được co lại. Bấm vào thanh này để xem với kích cỡ đầy đủ. Ảnh gốc có kích thước 926x434.[/TD]
    [/TABLE]
    [​IMG]

    Trong Gia tộc còn bao gồm cả những người mang họ khác, thuộc gia tộc khác làm dâu, rể trong họ. Do vậy, con cháu còn phải thọ tang nhiều người khác quanh mối trực hệ. Đó là: “chú” (em trai của “bố”), “cậu” (em trai của “mẹ”), “cô” (em gái của “bố”), “dì” (em gái của “mẹ”), “thím” (vợ của “chú”), “mợ” (vợ của “cậu”), “bác” (anh hay chị của “bố” và của “mẹ”). Nên Cửu huyền trong Tang lễ lại là Cửu tộc (H: 九族, A: The nine families, P: Les neuf familles) có trong thời nhà Chu. Đó là bà con chín họ có liên hệ thân thuộc với bản thân còn sống, khóc than cho cái chết và chịu tang người quá cố với 9 hạng người, gồm: 4 hạng thuộc Tộc Cha (Những người trong Ngũ phục, Cô và con cô, Chị em gái và con của chị em gái, Con gái và con của con gái ); 3 hạng thuộc Tộc Mẹ (Ông ngoại, Bà ngoại, Cậu Dì) và 2 hạng thuộc Tộc Vợ (Cha đẻ, Mẹ đẻ).

    Như vậy, Cửu Huyền, căn cứ ở huyết tộc, lấy xa gần làm bà con thân sơ theo Trực hệ: Bản thân lên Cao Tổ 4 đời, xuống Huyền tôn 4 đời. Còn Cửu tộc là những người theo mối quan hệ Bàng hệ là từ Bản thân ngang ra đến Anh em ba tầng, kiêm cả nội ngoại.

    Tổng hợp lại khi Cúng giỗ hay trong Tang ma phải biết những người quan hệ cả theo chiều ngang và theo chiều dọc với bản thân người chủ. Đó chính là: "Bản thị Cửu tộc, Hệ thống Cửu huyền". Phối hợp Trực hệ và Bàng hệ, những người thân thiết trong 9 họ gồm: 1. Cha ruột.; 2. Mẹ ruột; 3. Cha vợ (hay Cha chồng); 4. Mẹ vợ (hay Mẹ chồng); 5. Vợ (hoặc Chồng) của Bản thân; 6. Anh chị ruột; Em ruột trai hay gái; 8. Con; 9.Cháu.

    Lúc đó việc gọi người cần nói đến và con cháu tự xưng xin chép như sau:



    Ông Sơ : (Ðời thứ năm, tính từ đời của chúng ta trở lên), thì gọi là Hiển cao cao tổ khảo.
    Bà Sơ : Thì gọi là Hiển cao cao tổ tỷ.

    Cháu của các vị nầy gọi là Chít. Tức là Ngũ đợi, đời thứ năm.


    Ông Cố : (Ðời thứ tư, tính từ đời chúng ta trở lên), thì gọi là Hiển cao tổ khảo.
    Bà Cố : thì gọi là Hiển cao tổ tỷ.

    Cháu của các vị nầy gọi là Chắt. Tức là Tứ đợi, đời thứ tư.


    Ông Nội : (Ðời thứ ba, tính từ chúng ta trở lên), thì gọi là Hiển tổ khảo.
    Bà Nội : thì gọi là Hiển tổ tỷ.

    Cháu các vị nầy gọi là Cháu nội. Cháu nội trai, con vị Trai trưởng thì gọi là Ðích tôn. Cháu trai gọi là Tôn nam, cháu gái gọi là Tôn nữ. Tức tam đợi, đời thứ ba.


    Cha của chúng ta thì gọi là Hiển khảo.
    Mẹ thì gọi là Hiển tỷ.

    Con Trai đầu gọi là Trưởng nam.
    Tất cà những vị con trai kế thì đều gọi là Thứ nam hay Hiếu nam.

    Con gái lớn thì gọi là Trưởng nữ.
    Tất cả con gái thứ thì gọi là Thứ nữ hay Hiếu nữ.

    Dâu thì gọi là Hôn hay Tức.
    Rễ thì gọi là Nghĩa tế.

    Con nuôi thì gọi là Dưỡng tử.


    Ông Ngoại thì gọi là Ngoại tổ khảo.
    Bà Ngoại thì gọi là Ngoại tổ tỷ.
    Cháu Ngoại thì gọi là Ngoại tôn.


    Ông Nội của vợ : thì gọi là Nhạc tổ phụ.
    Bà Nội của vợ : thì gọi là Nhạc tổ mẫu.


    Nam đã có gia đình mà chết thì gọi là Khảo.
    Nữ đã có gia đình mà chết thì gọi là Tỷ.


    Cha chết, con cái xưng là Cô tử.
    Mẹ chết, con cái xưng là Ai tử.

    Cha Mẹ đều chết thì con cái xưng là Cô Ai tử.


    Cha sinh ra mình thì gọi là Thân phụ (hay Từ phụ, Sinh phụ)
    Mẹ sinh ra mình thì gọi là Thân mẫu (hay Từ mẫu, sinh mẫu).

    Cha ghẻ (tức là chồng thứ của Mẹ, mà không phải sinh ra mình) thì gọi là Kế phụ.
    Cha nuôi mình thì gọi là Dưỡng phụ.

    Mẹ ghẻ (tức là vợ thứ của Cha, mà không sinh ra mình) thì gọi là Kế mẫu.
    Mẹ nuôi mình thì gọi là Dưỡng mẫu.

    Con bà nhỏ gọi bà lớn là Ðích mẫu.

    Mẹ có chồng khác, khi cha mình quá vãng thì gọi là Giá mẫu.

    Mẹ bị cha từ bỏ thì gọi là Xuất mẫu.

    Bà vú thế mẹ chúng ta để nuôi nấng thì gọi là Nhũ mẫu.


    Bác thì gọi là Hiển bá khảo.
    Vợ của bác thì gọi là Hiển bá tỷ.

    Chú thì gọi là Hiển thúc khảo.
    Vợ của chú (tức là thím dâu) thì gọi là Hiển thúc tỷ.

    Cháu của các vị nầy, nếu là Nam thì gọi là Ðiệt nam, Nữ thì gọi là Ðiệt nữ. Nhưng cháu Rể thì gọi là Ðiệt nam Tức, cháu Dâu thì thì gọi Ðiệt nữ Tế.


    Bác của vợ thì gọi là Bá nhạc.

    Chú của vợ thì gọi là Thúc nhạc.

    Cháu của các vị nầy thì gọi là Ðiệt nam, Ðiệt nữ.

    Rể cũng gọi là Ðiệt nam tức, Dâu cũng gọi là Ðiệt nữ tế.


    Cha của chồng thì gọi là Chương phụ.

    Dâu trưởng thì gọi là Trưởng tức.
    Dâu thứ thì gọi là Thứ tức hay Quý tức.

    Nhưng tất cả dùng chung một chữ là Hiếu hôn.


    Anh của cha thì gọi là Bác. Chị dâu của cha cũng xưng là Bác.

    Em của cha thì gọi là Chú. Em dâu của cha thì gọi là Thím.


    Bà thím thì gọi là Thẩm. Các cháu đều xưng là Nội điệt.

    Chồng của Cô thì gọi là Trượng (hay Dượng).

    Chồng của Dì thì gọi là Di trượng hay Biểu trượng (Dượng),


    Cậu thì gọi là Cựu phụ (hay Cữu phụ),

    Mợ (Vợ của cậu) thì gọi là Cựu mẫu (hay Cữu mẫu).

    Cháu của các vị nầy gọi là Sinh tôn.


    Anh hay Em trai của Mẹ thì gọi là Cậu.
    Chị hay em Gái của Mẹ thì gọi là Dì (tức là Di),


    Cậu của vợ thì gọi là Cựu nhạc.

    Cháu Rễ thì gọi là Sinh tế.


    Vợ chết rồi thì gọi là Chuyết kinh,
    Vợ lớn thì gọi là Chánh thất,
    Vợ Chánh chết, cưới vợ khác thì gọi là Kế thất,
    Vợ Bé thì gọi là Trắc thất hay Thứ thất.


    Anh ruột thì gọi là Bào huynh.
    Em trai ruột thì gọi là Bào đệ.

    Chị gái ruột thì gọi là Bào tỷ.
    Em gái ruột thì gọi là Bào muội.


    Anh rễ thì gọi là Tỷ trượng. Em rễ thì gọi là Muội trượng.

    Anh của vợ thì gọi là Ngoại huynh. Em của vợ thì gọi là Ngoại đệ.


    Chị dâu thị gọi là Tợ phụ hay Tẩu phụ.
    Em dâu thì gọi là Dệ phụ.

    Em gái của chồng thì gọi là Tiểu cô.


    Con gái có chồng thì gọi là Giá nữ.

    Con gái chồng chết thì gọi là Sương nữ.


    Cha ghẻ, con xưng là Chấp tử.


    Tớ Trai thì gọi là Nghĩa bộc.

    Tớ Gái thì gọi là Nghĩa nô.


    Cha chết trước, đến ông nội chết thì tôn cháu Trai trưởng lên hàng Ðích Tôn Thừa Trọng.


    Cha mẹ chết mà chưa chôn thì gọi là Cố phụ, Cố mẫu. Chôn rồi thì gọi là Hiển khảo, Hiển tỷ.

    Anh chị em Bác ruột với Cha thì gọi là Ðường bá, Ðường thúc, Ðường cô.
    Cháu của các vị nầy thì gọi là Ðường tôn.


    Anh chị em bạn của Cha thì gọi là Niên bá, niên thúc, lịnh cô.
    Cháu của các vị nầy gọi là Thiểm điệt, lịnh điệt.


    Bác, Chú, Cố của cha mình thì gọi là Tổ bá, Tổ thúc, Tổ cô.
    Cháu của các vị nầy gọi là Vân tôn.


    All posted by tducchau
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này