Tản văn Ước nguyện đầu xuân

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi Lười Đọc Sách, 29/11/16.

Moderators: nhanjkl
  1. Lười Đọc Sách

    Lười Đọc Sách Thích Nhuận Trí Thành viên BQT

    Tản văn - ƯỚC NGUYỆN ĐẦU XUÂN

    Mến tặng em, Như Quỳnh.


    Đang tìm nhạc để nghe thì tình cờ click nhầm bài "Ước nguyện đầu xuân". Bài này mình nghe không biết bao nhiêu lần rồi, mỗi lần nghe là thêm một lần nhớ đến cô bé tóc dài, chính xác là cô gái, vì cô bé ấy bây giờ lớn rồi.

    Còn hai tháng thiếu một ngày nữa mới đến tết nhưng không khỏi nôn nao khi nghe bản xuân ca tuyệt vời như vậy. Đang chuẩn bị trải cái tấm tâm hồn nhăn nheo lấm tấm bụi này ra để mà hứng lấy những tươi xanh, những mát lành, những âu yếm ngọt ngào của bản xuân ca ấy hầu chải chuốt lại một chút cho trẻ trung thì cô gái Sài Gòn đỏng đảnh như mọi khi chẳng quan tâm đến ai, lướt qua và mở toang một bên cửa chưa dập chốt, tay người yêu của cổ - cũng như mọi khi - ngay lập tức xộc thẳng vào mình thật thô lỗ, hắn phả hơi nóng rát đến khó chịu vào tấm tâm hồn mà mình đang nâng niu. Thế là toi! Có lẽ hắn muốn nhắc mình biết, Sài Gòn của hắn chỉ có chói chang và hừng hực mà thôi. Đành vậy, ông bà đúc kết "ăn theo thuở ở theo thì" chẳng sai.

    Gói ghém tấm tâm hồn (nhăn nheo quá đỗi) cất vào trong ngăn bí mật, bước ra ngoài cửa nhìn những chuyến phi cơ lần lượt nhíu mày tập trung đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Dám chắc nếu được phép nói chuyện, từ ông bé đến ông lớn, ông phi cơ nào cũng nhăn mặt mà thốt lên rằng "Sài Gòn nắng quá, rát cả da tôi!". Mình cảm thông sâu sắc cho các ông ấy, bởi mình chịu đựng cổ (Sài Gòn) đã 5 năm rồi, bấy nhiêu tuy chưa là gì song cũng kha khá đủ để hiểu cô ấy ra sao. Cái tính bất chợt chói chang ấy, hanh trưa ấy, vậy mà đôi lúc lại làm mình nhớ. Dĩ nhiên không phải nhớ cổ, mà nhớ Ba Má, nhớ miền Trung, nhớ đến bỏng rát cả mắt. Mà miền Trung còn hanh hao bỏng rát hơn gấp nhiều lần. Bất giác muốn sao mà muốn, xách ba lô ra phi trường rồi đáp ngay chuyến bay về nhà cho kịp ăn cơm tối với Ba với Má.

    Chẳng được! Ngoài đó đang lạnh. Ba Má lại hay dặn "trời nắng đừng có để gặp lạnh, bị cảm thì ai mua thuốc cho con?". Vậy đấy, bạn bè cùng lứa có đứa lập gia đình, con biết đi biết nói rồi, mà mình đàn ông con trai thì vẫn được dặn dò kỹ lưỡng như thể còn chưa dậy thì. Dẫu vậy: "Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi hết đời lòng Mẹ vẫn theo con". Con dù lớn thì trong mắt Mẹ vẫn là đứa bé một tay Mẹ nuôi nấng vỗ về mà thôi. Một lần nữa phải công nhận, người xưa (Chế Lan Viên) đúc kết chẳng sai! Mà đấy là nói chơi thôi, chứ thực ra là mình.. không có tiền về nhà.

    Thôi thì lấy smartphone gọi tổng đài K-U (ký ức) đặt một chỗ VIP trên phi cơ Nguyễn Nhật Ánh, đáp về quãng thời gian mùa hè 5 năm trước (chắc là không bị cảm lạnh), tìm cô bé ấy - Như Quỳnh. Quỳnh lưng chừng mười tám tuổi, lưng chừng là bởi lớn cũng chưa lớn, mà bé cũng chẳng phải nữa! Cái giọng Quảng Trị.. đặc sệt không lẫn vào đâu được. Cũng vì nó đặc sệt, nên mỗi lần nói chuyện thì cô bé đều kết thúc một câu bằng năm từ "hiểu em nói gì không?", thành ra nói chuyện mười câu thì quá nửa là.. hiểu em không. Mình chỉ ậm ờ thôi chứ nào dám nói thật là không nghe được gì, mà điều đó cũng chẳng mấy quan trọng, lúc ấy chỉ cần nghe giọng là thấy thinh thích rồi có nghĩ gì được nữa. À mà thích là thích nói chuyện tâm sự trong sáng, chứ không phải hươu nai trong tối như bạn đang nghĩ đâu đấy. Mình quen Quỳnh qua cái tánh bao đồng hay đi chỉ bài tập cho người khác. Ngày ấy ai nhờ mình giúp bài tập là mình hăng hái đi làm liền, cô bé nhờ mình làm bài tập môn Hóa học và có lẽ vì thế mà phản ứng hóa học mới tạo ra liên kết giữa mình và cô bé. Rồi từ chuyện học tập, tâm sự qua chuyện bạn bè, chuyện trên trời dưới đất chuyện đông chuyện tây đủ thứ cả. Tính Quỳnh nhu mì nhưng không ướt át, nói chuyện lễ phép, cư xử đúng mực, tóc lại dài ngang lưng, hồi đó (kể cả đến giờ) mình rất bồ kết mấy đứa con gái như vậy. Thời gian cứ thế vi vút lướt theo cánh diều no gió trên đồng ruộng mênh mông nơi xứ sở hoa vàng cỏ xanh. Đến độ hạ tuần tháng bảy, cái nắng vẫn còn chói chang, võng trưa vẫn còn hanh hao nóng, đâu đó vài chiếc lá ngả vàng theo gió đáp nhẹ xuống bể cá trước hiên nhà, chớm thu!

    - Em ơi, mai sinh nhật anh đấy?

    - Hì hì, mai em chúc (vẫn cái giọng đặc sệt).

    - Nhiều người chúc rồi, hay mai em hát chúc mừng sinh nhật anh đi?

    - E..m.. không biết hát (chính xác là "em không biết HẠT").

    - Em hát bài Happy Birthday đi, bài đó ai mà chẳng thuộc.

    - (Suy nghĩ một lúc). Hì, dạ, rứa mai em hát nghe.

    - Hay là, 6 giờ sáng gọi điện thoại hát nhắc anh dậy đi.

    - Kỳ rứa, sớm rứa!

    - Kệ đi, mọi khi thấy em dậy sớm mà.

    - (Suy nghĩ tiếp). Dạ, mai em hát nghe, đừng tắt chuông điện thoại đó nghe.

    - OK OK OK.

    Mình ghẹo cô bé thôi chứ tánh mình chan hòa hiền lành, nào có bắt ép ai làm cái chuyện oái oăm như thế. Ấy vậy mà đúng 6 giờ sáng hôm sau, đang còn thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại réo liên hồi như báo động hành quân. Mình mắt nhắm mắt mở chả biết ai gọi vì không nhớ đã giao hẹn trước, vừa bật nút màu xanh lên chưa kịp áp vào tai để nghe thì trong điện thoại đã "Hập bì bơt đầy tú du...", cứ như sợ ai cướp lời, hát một hồi liên tù tì đến hết bài rồi tút tút tút. Làm Má của mình từ phòng bên sang gõ cửa và hỏi vào "sáng sớm đứa nào hát chúc mừng sinh nhật thế?", mình bật cười theo và tỉnh ngủ luôn. Vậy là được một hôm chui ra khỏi phòng sớm, mọi khi nướng khét lẹt đến nỗi ông mặt trời bức xúc lấy tay gõ thẳng từ trên đầu xuống mới ló mặt dậy. Hôm đó mát mẻ đến lạ. Nhưng chỉ mát với mình thôi, còn cô bé đặc sệt thì mãi về sau này mới thú tội "em ngại xấu hổ mất mấy ngày ấy". Cũng phải, nàng thu e ấp xưa nay vốn vậy mà!

    Nàng đến trước cổng nhà mình, những chiếc lá như mê mẩn với vẻ dịu dàng của nàng mà tự nguyện phủ phục dưới gót chân nàng, vàng cả một góc sân. Và nàng ấy đến cũng là lúc mình phải.. cuốn gói khỏi nhà để vào sống với cô ả Sài Gòn đỏng đảnh, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm buồn vui, bỏ lại mùa hè hanh hao, bỏ lại những lời hát mừng sinh nhật một sáng chớm thu mát dịu.

    "Đưa tay níu chút gió heo may
    Mùa thu rồi đó, em có hay
    Lá vàng dệt lại màu ký ức
    Tình yêu chỉ tựa.. một cơn say"
    (khuyết danh).

    Và như mình đã thẳng thắn nhận xét về cô nàng Sài Gòn này: chỉ có chói chang và hừng hực mà thôi. Vì thế, dẫu có lượn lờ trong quầy đông lạnh của siêu thị BigC, hay chui vào những ngôi nhà băng đăng ở Đầm Sen cũng chẳng thể nào tìm được cảm giác lạnh đến nỗi hít một hơi thở cũng biết không khí nó chạy đến đâu trong người và thở một hơi ra nước đọng lại trên mi mắt nhòe nhòe như mùa đông nơi xứ sở hoa vàng cỏ xanh thân yêu của mình. Mùa đông ấy, đôi tay của cô bé tóc dài đặc sệt đã biết lạnh, đã biết cần một đôi tay khác đan vào để ủ ấm cho nhau. Dĩ nhiên không phải là tay của mình, vì mình còn bận đối phó với ả Sài Gòn cùng gã người yêu hay cáu gắt. Chẳng biết đôi bàn tay kia có làm cô bé ấm áp hay không, có trân quý tấm chân tình của cô bé hay không, mà sau đó mình hỏi thăm thì biết được cô bé đang rất buồn. Mình gắng hỏi mãi mà không chịu nói lời nào cả, chỉ im lặng và im lặng. Cái tánh của con gái là vậy, đặc biệt là con gái nhu mì và cư xử lễ phép như Quỳnh, khi có chuyện chỉ giữ trong lòng mà không dám chia sẻ cùng ai. Chợt nhớ tới lời bài hát Gõ cửa trái tim: "Ôi cửa tim em bằng vàng, nên tiếng kêu nghe bẽ bàng..". Và tự nhiên cảm thấy một chút cay cú, khi "tim em ai khóa" để anh bị lạnh lùng vạ lây?

    Cũng cái tánh của con gái nữa, mà cái tánh này thì tùy, có đứa giận dai, có đứa một thời gian thì quên chuyện cũ (hay là tạm chốt sổ gì đó rồi lâu lâu giở ra tính lại), Quỳnh chịu nói chuyện bình thường với mình trở lại.

    Tiếng còi tàu xé tan màn sương sớm, loa thông báo rè rè phát tiếng nói "Kính thưa quý khách, đoàn tàu SE4 chuẩn bị đưa quý khách về đến Ga T.H, quý khách có vé xuống ga T.H vui lòng chuẩn bị hành lý và tiến ra cửa, đoàn tàu SE4 dừng tại ga T.H ba phút đón trả khách....". Đoàn tàu rục rịch lừ lừ vắt ngang sân ga, mình thong dong khoác ba lô bước xuống tàu và đi giữa hàng hàng người nhà đón tiễn nhau. Ai nấy cũng tay xách nách mang, người thì bánh, người nhánh mai, kẻ lai rai dăm chai rượu ngoại, nhộn cả sân ga. Ba mình từ đằng xa đang vẫy tay ra hiệu, 7 giờ sáng tàu đến nơi thì 4 giờ ông đã dậy để chạy xe máy đến ga đón mình cho kịp giờ. Ba Má luôn vậy, con trai lớn từng đây tuổi rồi nhưng đi đâu xa về cũng để Ba cất công đón, chẳng chịu ở nhà đợi con tự về.

    Mình đi xa về chỉ ăn dầm nằm dề ở nhà, muốn quây quần bên gia đình để hít cho căng tràn cái không khí ấm áp vào lồng ngực, bù lại quãng thời gian ngột ngạt nơi phố thị. Được dăm bữa thì nhớ nhớ cái giọng đặc sệt ấy, kiếm cớ làm bộ lượn lờ để "biết đâu trên đường đời tấp nập, ta vô tình lướt qua nhau":

    - Anh về nghỉ tết sớm rứa? (vẫn cái giọng đặc sệt không lẫn vào đâu được).

    - Ừ, anh thi xong về luôn.

    - Hì hì.

    - Để anh mở bài nhạc này cho em nghe, hay lắm.

    "Một rừng hoa mai nở, một bầy chim én đưa tin...
    ...Tuy năm nay em lớn nhưng vẫn thích bao lì xì..."

    - Em thích câu đấy, năm nào em cũng thích lì xì, hè hè.

    - Anh thích đoạn "Thật lòng em yêu người", để anh tặng em làm nhạc chờ điện thoại hen?

    - E..m.. ngại lắm..

    - Có gì mà phải ngại, anh thích nghe bài này, anh tặng em làm nhạc chờ để khi nào anh gọi thì anh nghe.

    - D..ạ..

    Và suốt mùa xuân năm ấy, không ngày nào mà mình không nghe bài Ước Nguyện Đầu Xuân. Năm mùa cây trổ lá, mãi đến giờ vẫn vậy. Chỉ có một điều, là cô bé tóc dài ấy chắc đã có một bài nhạc chờ khác, đã có những ước nguyện khác xưa rồi...

    Năm rồi em trăng gầy
    Năm này em mới tròn trăng

    Đón xuân thấy lòng bâng khuâng
    Vì em biết yêu rồi chăng?

    SG, 28-11-2016

     
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này