Hội nhà văn nói gì với người không còn sống (Châu Hải Kỳ)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 2/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    HỘI NHÀ VĂN NÓI GÌ VỚI NGƯỜI KHÔNG CÒN SỐNG


    Nguồn: Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Sự Nghiệp
    Tác giả: Châu Hải Kỳ


    Lời thưa

    Chúng tôi rất mừng khi mua được cuốn Nguyễn Hiến Lê Cuộc Đời & Sự Nghiệp của Châu Hải Kỳ. Với chương IV: Mất Đi Người Tri Kỷ, chúng ta sẽ biết thêm được phần nào những ngày cuối đời của cụ Nguyễn Hiến Lê và “nỗi lòng” của những người thân của cụ sau khi cụ qua đời (lúc 20 giờ 50 ngày thứ bảy, 22.12.1984; nhằm ngày mùng một tháng Chạp năm Giáp Tí) tại Bệnh viện An Bình – Chợ Lớn).

    Ban đầu chúng tôi định chép cả chương IV, nhưng chợt nghĩ, tạm thời nên chép phần “Hội nhà văn nói gì với người không còn sống” vì phần này hợp với mục “Viết về Nguyễn Hiến Lê” hơn.

    Goldfish ​


    Thi sĩ Quách Tấn:

    Khóc Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê

    Bốn trụ tình thân gãy một rồi,
    Đau lòng nhau quá Lộc Đình ơi!
    Còn đâu những bức thơ đầm ấm,
    Cho bớt phong sương lúc trở trời
    Quanh quẽ non xa gìn sự nghiệp,
    Bẽ bàng nắng xế đọng thư trai
    Xuân về thêm nặng oanh thương nhớ?
    Phảng phất nguồn hương bóng lão mai.


    (Tháng chạp năm Giáp Tí) (*)

    ----------------
    (*) Trong Hồi Ký Quách Tấn (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) cũng có ghi lại bài thơ trên, nhưng có mấy chỗ khác biệt cần tìm hiểu thêm. Xin trích nguyên văn:

    “Tết Ất Sửu đến. Nhớ lại năm nào cũng ngồi viết thư nói chuyện tết với nhau, lòng tôi nỗi buồn thương không sao nén được!

    Bốn trụ tinh thần gãy một rồi
    Thương lòng nhau quá Lộc Đình ơi!
    Còn đâu những bức thơ đầm ấm
    Che bớt phong sương lúc trở trời
    Quạnh quẽ non xa gìn sự nghiệp
    Bẽ bàng nắng xế đọng thư trai
    Xuân về thêm nặng canh thương nhớ
    Lạnh thấm nguồn nương bóng lão mai


    Thơ cũng như nước mắt làm dịu dần nỗi buồn thương.

    Chép thơ gởi cho Giản Chi. Cách hai ngày sau, tôi tiếp được thư Giản Chi…”


    Thư của cụ Giản Chi gởi cụ Quách Tấn chúng tôi sẽ chép lại ở phần sau.

    Cụ Quách Tấn làm bài thơ này lúc “Tết Ất Sửu đến”. Không biết nên hiểu là “tết Ất Sửu sắp đến” (còn trong năm Giáp Tí) hay “tết Ất Sửu đã đến” (đã sang năm Ất Sửu)? “Bốn trụ tinh thần” của cụ là Lộc Đình (Nguyễn Hiến Lê), Giản Chi, Nguyễn Đồng và Quách Tạo (con của cụ).

    (còn tiếp)
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Nhà thơ Bàng Bá Lân:

    Điếu Nguyễn Hiến Lê

    Anh bảy mươi tư, tôi bảy ba
    Tuổi già đa bệnh, ấy hai ta!
    Anh chân còn vững, đi đây đó
    (1),
    Tôi gối gần long, liệt xó nhà.
    Đầu tháng được thư anh mách thuốc,
    Cuối tuần nghe bạn báo tin qua…
    (2)
    Hỡi ơi! Dâu bể còn dâu bể,
    Thì kiếp phù sinh vẫn thế mà!


    ---------------(Cuối năm Giáp Tí)
    -------------Bàng Bá Lân kính điếu
    --------------
    (1) Thỉnh thoảng còn đi đi về về Sài Gòn – Long Xuyên được. (CHK)
    (2) Nhà thơ Bàng Bá Lân bị tê thấp nặng lại huyết áp cao không đi đưa đám được. Phần vì thương tiếc bạn, phần vì giận mình bệnh hoạn không được có mặt trong số ít ỏi anh em đưa tiễn biệt bạn, ông đã khóc nức nở, nước mắt đầm đìa khi nhận được thư phúc của bà Nguyễn Hiến Lê “cám ơn ông đã có thơ gửi tới chia buồn” (CHK).
     
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Bạn đồng song với Nguyễn Hiến Lê:

    Điếu văn đọc trước linh sàng anh Nguyễn Hiến Lê

    Hỡi Anh Nguyễn Hiến Lê!

    Anh mất đột ngột, các bạn đồng song của anh không hay biết, nên rất tiếc đã không được theo linh xa lân đài thiêu để vĩnh biệt anh.

    Hôm nay là ngày 11 tháng chạp năm Giáp Tí (10-1-1985) đứng trước bàn thờ anh là:

    Tôi, Võ Ngọc Côn mà các bạn đồng khoá cử làm trưởng tràng, như anh đã biết khi anh còn sống.

    Và các anh:

    Nguyễn Văn Thái, Vũ Đình Dậu, Vũ Văn Khoa, Lê Trọng Huyến, Lê Văn Trước, Đặng Đình Khang.

    Tất cả xin thay mặt cho các bạn khác vì bận công chuyện nên không cùng chúng tôi đến đây dự lễ truy điệu anh ngày hôm nay.

    Trước di ảnh Anh, trước di cốt Anh và trước vong linh Anh, chúng tôi vô cùng xúc động, đốt nén tâm hương, cúi đầu mặc niệm, tỏ lòng thành thực tiếc thương tưởng nhớ Anh là một bạn hiền, một tấm gương cần kiệm liêm chính, một học giả uyên bác, nhưng khiêm tốn, lúc nào cũng quí trọng các bạn sách đèn cũ, bất luận trình độ học vấn thấp cao, địa vị xã hội giàu nghèo sang hèn.

    Anh ra đi làm thưa dần hàng ngũ các bạn đã cùng anh, cách đây ngót sáu chục năm, vào học tập tại ngôi trường bên cạnh Hồ Tây
    (*).

    Anh từ trần ở tuổi 74 là một tuổi thọ khá cao Trời dành cho những ai có đức. Đành rằng sinh ký tử qui, anh ra đi là về với tổ tiên, nhưng Anh cũng để lại bao nỗi tiếc thương cho gia quyến cho bạn bè. Những người còn ở lại chỉ còn được một niềm an ủi là về gia quyến đã có một người thân danh tiếng trong văn học sử nước nhà, và về phần chúng tôi thì mỗi khi tưởng nhớ tới anh sẽ cảm thấy đôi chút kiêu hãnh là đã có một người bạn học, sinh thời tài đức vẹn toàn.

    Anh Nguyễn Hiến Lê hỡi! Trước linh vị Anh, chúng tôi một tấm lòng thành, hai hàng lệ nhỏ. Anh khôn thiêng, xin Anh chứng giám.


    ------------------------------------------------------------------- Thương thay!
    --------------
    (*) Tức Trường Bưởi. Trong Hồi Kí, cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Trường Bưởi ở cuối đường Quan Thánh, trên bờ Hồ Tây, ngó qua vườn Bách Thảo, chỉ cách trường Yên Phụ hai làn nước, không tới 500 thước…”. Trường Cao đẳng Công Chánh ở đầu phố hàng Vôi (?) cách trường Bưởi khoảng bốn cây số.

    Trong Hồi Kí chúng tôi mới tìm thấy tên một số bạn học của cụ ở trường tiểu học Yên Phụ là ông Vũ Đình Hoè và ông Lê Huy Vân; ở trường Bưởi là các ông Thiều, Nghiêm, Long, Phó Đức Vinh, Cao Bá Thao và Đỗ Văn Hách. Ông Long và ông Hách cùng đậu vào Công chánh với cụ. Các bạn học ở Công chánh còn có các ông Thái, Nghiêm Xuân Việt, Huỳnh Diên Phú, Nguyễn Văn Hợp, Lê Trọng Minh. Ra trường, ông Hách, ông Thái và cụ được bổ về làm ở Sở Trường tiền (Công chánh) Long Xuyên.

    (còn tiếp)

     
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    Ông Vương Hồng Sển:

    “Hôm 1-1, cháu Bình đem lại nhà cuốn Cơ sở khảo cổ học. Cháu Bình về, tôi xem cuốn sách thì ra đó là sách quí, do ông Trần Quốc Vượng tặng anh Lộc Đình, và nay chị Lộc Đình có nhã ý gởi lại tôi, làm cho tôi lại càng nhớ bạn Lộc Đình và càng ngậm ngùi trước sự ra đi bất ngờ của một người bạn tốt – đáng quí, đáng trọng và đáng tiếc của chúng mình, - và của riêng tôi, vừa mất một người dẫn đường sáng suốt. Tôi nào ngờ anh Lê xấu số như vậy, mới hôm nào tôi còn ép anh đọc sách, tôi đem lại cuốn Scotland Yard, anh Lê đọc xong, tôi lấy về và mang lại cuốn nói về nhà văn Alexandre Dumas “Le roi de Paris”, thuật chuyện nhảm nhí của một người ham viết cho thật nhiều và quơ tác phẩm của người khác làm tác phẩm riêng cho mình đứng tên, lúc ấy anh Lê cũng đọc nốt (*), tỏ ra không đau ốm gì nhiều…

    “Tôi viết thư này cho anh và nhờ anh chuyển lời tạ ơn, tôi xin giữ quyển sách này như vật kỷ niệm của một người bạn quí, đã nhiều phen cho sách và cho thuốc (thuốc Profenid từ Pháp gởi qua), về thuốc thì dùng trị bệnh cho nhà tôi rồi sẽ tiêu dùng, nhưng quyển này, khảo về Khảo cổ học nếu từ chối không nhận thì ra phụ lòng chị Nguyễn Hiến Lê, chớ tôi đã chiều tàn lực tận, còn học hỏi gì được nữa, vã lại về môn khảo cổ, tôi đi một đường, họ đi một nẻo, không theo một hướng như nhau, tôi đâu còn thì giờ đọc và đọc để rối loạn tâm trí và phương hướng riêng, thì xin hỏi anh, có nên đọc chăng?

    “Chị Lộc Đình rồi sẽ về Long Xuyên, anh Lộc Đình nay đã không còn, đường thơ tín từ đây bặt lối, đường đời đã thâu ngắn, mưa gió không chừng, phong vân bất trắc, biết ngày nào gặp lại, thôi thì tôi xin nhờ anh Châu chuyển đạt mấy lời, trước sau như một, tôi ghi mãi trong lòng hình dáng anh Lộc Đình, vĩnh biệt là vĩnh biệt không thấy mặt mày chớ về lòng dạ đã ghi tâm khắc cốt.

    “Trong buổi đến nhà điếu tang, thấy ghi mấy chữ “miễn lạy”, đó theo tôi tưởng, có lẽ là lòng trong sạch của người quá vãng muốn vậy, chớ theo tôi hiểu, lễ lạy là một cách tỏ lòng với nhau, người Nhật vẫn giữ lạy và hai lạy của tôi là một cách tỏ lòng, và xin nhắc từ ngày song thân quá cố, tôi chưa lạy ai khác
    (**)”.

    -------------- (Trích thư ngày 3-1-86 của ông VHS gửi ông Lê Ngộ Châu)

    --------------
    (*) Trong Hồi kí (tr. 502) cụ Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Trước ngày Giải phóng, chúng tôi vì mỗi người theo một đường riêng, nên ít gặp nhau. Từ năm 1976, ông [cụ Vương] thường ghé tôi mỗi khi ra Sài Gòn kiếm sách cũ, cho nên càng ngày càng thân. Biết tôi thích loại nào, ông chịu khó đem cho tôi đọc. Tôi quí ông, và lâu không gặp ông thì nhớ”. (Chữ trong dấu ngoặc đứng do chúng tôi thêm vào).

    (**) “Thể theo ý nguyện của ông, bà tổ chức đám tang rất đơn giản, không nhận phúng điếu, từ chối vái lạy. Tuy nhiên, ai cũng tới vái lạy trước linh cữu của ông. Cảm động nhất là lúc chưa liệm, sáng sớm 23, ông Vương Hồng Sển (năm nay 93 tuổi), tới điếu tang; ông sụp xuống lễ ngay dưới đất (ông Lê nằm trên một giường thấp), vừa lễ vừa khóc rằng: “Anh Lê ơi, từ khi sinh ra, tôi chỉ mới lạy cha tôi lúc người mất, nay là lần thứ nhì, tôi lạy anh vì anh là người tôi quí trọng nhất”. (theo Châu Hải Kỳ, Nguyễn Hiến Lê Cuộc đời và sự nghiệp, tr. 414).

    Về việc cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) lạy cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1986), ông Trần Khuyết Nghi đã viết trong bài Người trí thức chân chính Nguyễn Hiến Lê như sau: “Chỉ sau khi ông qua đời chừng vài năm, gặp một số người khác hiểu biết nhiều về ông hơn, tôi thấy dường như ai cũng nhắc đến công đức ông với lòng kính trọng một cách gần như tuyệt đối. Ngay như ông Vương Hồng Sển khí phách Nam Bộ ngang tàng vậy, lớn hơn ông Nguyễn những tám tuổi mà cũng thừa nhận trong đời chỉ quỳ lạy trước linh cữu có ba người, đó là song thân ông Vương, còn người thứ ba là ông Nguyễn”. Đúng ra thì cụ Vương lớn hơn cụ Nguyễn đến mười tuổi và nếu lời cụ Vương khóc trước linh sàng cụ Nguyễn được chép lại đúng nguyên văn thì cụ Nguyễn là người thứ hai (sau thân phụ cụ Vương) cụ Vương đã quỳ lạy.
     
  5. Foli

    Foli Lớp 11

    Ông Giản Chi (1):

    “Ông Lê là một người rất dè dặt và cũng rất cởi mở. Dè dặt đối với người ít quen biết hay mới gặp lần đầu, nhưng lại hoàn toàn cởi mở đối với bạn bè thân thuộc.

    Đối với bạn hữu của ông, ông Lê coi đồng tiền rất nhẹ.

    Sau biến cố 30-4, ông đã tự động tới tìm gặp bạn hữu, những người do thời cuộc mới mà gặp khó khăn cần bao nhiêu và hễ có thể giúp đỡ được là ông sẵn lòng làm ngay. Đã có người ông giúp đến một cây, hai cây v.v…

    Sau hết ông Lê có óc “synthèse”
    (*) kỳ lạ. Cũng mấy cuốn sách, mình đọc xong còn đương ngỡ ngàng thì ông đã viết luôn được một tác phẩm, sau khi đọc cũng như mình”.

    -------------
    (1) Hợp tác với ông Nguyễn Hiến Lê viết ba cuốn: Đại cương triết học Trung Quốc, Hàn Phi Tử, Tuân Tử (2 cuốn sau chưa in) – chú của người viết [CHK].
    Có lẽ cũng nên kể thêm Chiến Quốc sách và Sử kí Tư Mã Thiên.
    (*) Synthèse: tổng hợp.

    Xin chép thêm thư cụ Giản Chi gởi cho cụ Quách Tấn ngày 27/12/1984:

    “Đêm qua nằm nghĩ vẩn vơ, nghĩ rằng chết như Lộc Đình vậy mà sướng. Sống như bọn mình khổ quá, giày vò. Cứ phải mài cặp mắt đau trên trang giấy để quên, để khuây khỏa! Để vẫn không hết nhọc nhằn, buồn rầu! Lộc Đình mất còn được chúng mình khóc. Đến lượt chúng mình, văn hữu nào sẽ khóc chúng mình đây? "Bè bạn lá vàng ngày mỗi rụi"! Buồn quá anh ơi! Tôi sực nhớ một câu thơ nôm hình như của Hạc Thành Hoa:

    Nụ hồng đã rụng trong mưa
    Mùa bong bóng vỡ bây giờ là đây
    Trong hồn đã vắng cơn say...

    Di chúc riêng của Lộc Đình có khoản: “Không nhận phúng điếu”, tôi đành ngâm thầm câu đối khóc ảnh:

    Tảo thành bất hủ danh sơn nghiệp
    Thống khốc nan năng mệnh thế tài”.

    ------------- (Theo Hồi Ký Quách Tấn).
     
  6. Foli

    Foli Lớp 11

    Ông Toan Ánh:

    “Ông Lê mất tôi có đến dự đám tang và tiễn đưa ông tới nơi ông được hoả táng. Đối với ông, tôi coi như bậc đàn anh (*). Khi ông bị đau tôi có đến thăm ông, và lần này, ông đã tiếp tôi ở trên gác nơi giường ngủ. Sau đó ít lâu thì ông qua đời.

    Giờ đây, tôi còn lưu giữ được một số những lá thư của ông, và đây là những kỉ niệm rất quí đối với tôi”.

    Ông nhắc lại một số kỉ niệm:

    “Nhờ ông khuyến khích, tôi đã viết bộ sách về phong tục tín ngưỡng và nếp sống của dân mình và đã lần lượt cho xuất bản tất cả bảy cuốn dày trên 3500 trang (…). Khi tôi viết xong cuốn PHỤC SỨC VIỆT NAM (chưa xuất bản) gửi tới ông, ông đã sắp xếp lại cho một vài chương trong sách, và ông đã nhắc tôi một vài điều thiếu sót trong đoạn tôi viết về Guốc. Ông nhắc tôi về guốc gộc tre và dép một quai (ông có vẽ dép này trong ở bên cạnh trang sách).

    Một kỉ niệm tôi nhớ mãi là ông đã đề tựa quyển CẦM CA VIỆT NAM của tôi”.

    -------------
    (*) Ông Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, nhỏ hơn cụ Nguyễn Hiến Lê hai hoặc ba tuổi (Có tài liệu ghi ông Toan Ánh sinh năm 1913, có tài liệu lại ghi sinh năm 1914)
     
  7. Foli

    Foli Lớp 11

    Đồng nghiệp (cùng ngành xuất bản): Ông Nguyễn Hùng Trương

    Sau 30-4-1975, tạp chí Bách khoa (số 426 ngày 20-4-1975 là số chót, có các bài giới thiệu ông Nguyễn Hiến Lê nhân cuốn sách thứ 100 của ông ra đời – Bách Khoa – ông Nguyễn Hiến Lê và 100 tác phẩm -… chưa đến tay hết các tác giả Bách Khoa, đánh dấu một thời đại chấm dứt. Ở trong cục diện, tác phẩm thứ 100 của ông Nguyễn Hiến Lê (cuốn Mười câu chuyện văn chương do Trí đăng xuất bản) cũng là cuốn sách chấm dứt một thời đại.

    Nhân sự kiện đó, để kết thúc tiểu mục Hội Văn, tôi xin nhắc lại thiện ý của một ông trong ngành xuất bản sách với ông: ông Nguyễn Hùng Trương.

    Đối với ông Nguyễn Hiến Lê, trước sau ông Nguyễn Hùng Trương vẫn giữ một lòng quí trọng. Hồi ông Trương làm nhà chủ nhà xuất bản Khai Trí ở Sài Gòn (trước năm 1975), ông rất biệt đãi ông Lê. Thí dụ một số sách (theo ông Trương chừng mười cuốn) của ông Lê do ông xuất bản, nhưng ông vẫn cho in tên nhà xuất bản là Nguyễn Hiến Lê, Nhà sách Khai Trí chỉ phát hành thôi.

    Tháng 4-1975, thấy ông Lê cho ra tác phẩm thứ 100, ông đề nghị với ông Lê cho Nhà sách Khai Trí tổ chức kỷ niệm 100 tác phẩm của ông Lê: ông trưng bày 100 tác phẩm ở tủ kính bên ngoài và hôm đó mời ông Lê ra Nhà sách Khai Trí để độc giả ai mua sách ông Lê thì ông sẽ kí vô đó để làm kỉ niệm. Ông Lê đã đồng ý, nhưng vì thời cuộc biến chuyển quá mau, không thực hiện kịp.

    Nghĩ kỉ sáng kiến chưa thành hiện thực kia, tôi linh cảm như cái cửa vô hình mở ra, rồi đột nhiên đóng lại “một cuộc đời hoạt động văn học bất tử” dù chỉ âm thầm kiên trì tiếp nối công việc của mình trong khúc ngoặt của tuổi già (*), nó không chấm dứt theo cái chết của ông mà tìm ẩn tận đáy sâu của tâm hồn độc giả và bạn bè…

    Hình ảnh người chết tôi mơ hồ như có hiện về, bồng bềnh trong không khí Hội Văn. Bởi thế tôi xin ông, nếu có điều gì chẳng vừa lòng hợp ý thì cũng xin miễn chấp cho và cho phép tôi dùng việc khơi lại một thiện ý ngẫu nhiên đã tắt lâu rồi kia để ngừng cuộc Hội văn tại đây.

    ------------
    (*) Sau biến cố 30-4-1975, cụ Nguyễn Hiến Lê tiếp tục viết các cuốn Tuân Tử, Hàn Phi (hai cuốn này viết chung với cụ Giản Chi: Cuốn đầu, cụ Giản Chi viết, cụ Nguyễn Hiến Lê xem lại; cuốn sau cụ Nguyễn Hiến Lê viết, cụ Giản Chi xem lại), Mặc học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch, Hồi kíSử Trung Quốc. Ngoài ra cụ còn viết 4 bài báo và sửa một số bản thảo các cuốn viết trước 30-4-1975 nhưng chưa in; lựa các bài một số bài báo cho vào tập Mười câu chuyện thời sự và lựa một số bài văn (tuỳ bút, tiểu luận, tựa, hồi kí…), những đoạn đắc ý trong các tác phẩm đã viết gom vào tập Để tôi đọc lại. (Theo Hồi kí Nguyễn Hiến Lê).

    Bóng dáng kỷ niệm

    Ngày đưa đám ông Nguyễn Hiến Lê, rất tiếc các bạn văn hiện diện không có chụp chung tấm hình nào. Hình cũ của mỗi bạn không còn. Hình mới, chụp sau ngày giải phóng không có.

    Cho nên tôi không thể thực hiện được lòng mong mỏi của tôi là ghi làm kỉ niệm những bóng dáng tuổi tác, đời sống vật chất, nội tâm (sự khốn khổ, bệnh hoạn, nỗi xúc cảm lo âu, băn khoăn, buồn nản hay mừng vui, sung mãn… của mỗi bạn ở một giai đoạn chuyển tiếp của thời đại mới) phản ánh nơi mỗi tấm hình của mỗi con người.

    Thật tôi rất lấy làm tiếc!

    (HẾT)

    Posted by goldfish
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này