Truyện ngắn LUYỆN KIẾN

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi Ngaymua, 28/3/20.

Moderators: nhanjkl
  1. Ngaymua

    Ngaymua Lớp 3

    LUYỆN KIẾN


    Hạnh ngồi bất động nhìn vào bóng tối. Có cái gì ở đó?

    Một màn đêm tĩnh lặng, đen sẫm.

    Không, có cái gì đó cựa quậy. Một tiếng động mơ hồ. Hai đốm xanh lóe lên. Vút, một bóng đen lao đi…. Con mèo đen…. Hạnh vẫn ngồi bất động…


    Đó là trạng thái của kẻ vừa đánh mất một báu vật?

    Không. Hai báu vật. Hạnh vừa đánh mất. Cùng một lúc.


    Mấy ngày nay, tôi không dám rời mắt khỏi Hạnh một giây phút nào. Nếu vì một lý do gì đó, không thể đừng, tôi sẽ nhốt Hạnh vào trong một căn phòng với hai lần khóa. Tất nhiên, Hạnh chẳng thoát ra nổi dù chỉ với một ổ khóa nhưng tôi vẫn khóa hai lần, cho chắc.


    Tôi là cái đuôi ngoe nguẩy của Hạnh.

    Ngày bé, tôi theo Hạnh đi khắp hang cùng ngõ hẻm, tham gia vào những trò chơi đôi khi quái đản của Hạnh.

    Trò quái đản của Hạnh kiểu như: bắt kiến dìm xuống đáy chậu, để cho những con kiến khốn khổ bò dưới đó, mỗi khi chúng hết không khí ngoi lên, lại bị chúng tôi dìm xuống. Hạnh bảo: “Để cho chúng quen đi, để cho chúng sống được dưới nước”. Sau mỗi buổi tập luyện như thế, những chú kiến to khỏe đều lăn ra chết. Thế nhưng, việc đó không làm nhụt ý chí quyết tâm “luyện kiến sống dưới nước” của Hạnh…. Việc của tôi là tìm bắt những chú kiến vàng khỏe mạnh và dìm chúng xuống nước mỗi khi chúng nổi lên, cùng với Hạnh.

    Một trò vui khác của Hạnh là bắt những con mồi thả vào tổ kiến và ngồi xem chúng vùng vẫy thoát ra như thế nào…..

    Tôi chẳng thấy vui với những trò đó, nhưng tôi không thể không làm theo Hạnh, lại càng chẳng thể bảo Hạnh đừng làm. Sao tôi có thể chứ? Tôi chỉ là cái đuôi của Hạnh thôi mà.


    Mẹ Hạnh bảo: “Cháu là bạn thân của Hạnh, cháu trông nom Hạnh giúp hai bác!”.

    Tôi trông nom Hạnh như trông nom những chú kiến dưới đáy chậu. Tôi chăm lo sao cho Hạnh luôn ở trong tầm mắt mình, để chắc Hạnh không làm điều gì dại dột.

    Hạnh chẳng làm gì. Ngày cũng như đêm, ngồi nhìn bất động vào một thứ gì đó trong thinh không. Cứ như thể có một thứ gì đó, ở đấy, mà tôi và cả những người khác nữa không thấy, chỉ riêng Hạnh thấy….


    Tôi là bạn thân của Hạnh. Tôi chẳng hiểu vì sao Hạnh thân với tôi, chỉ mình tôi? Phải chăng vì tôi chẳng có gì để so với Hạnh? Hay vì tôi nhất nhất làm theo mọi sự sắp đặt của Hạnh?


    *****

    Hạnh là tiểu thư khuê các, duy nhất, của một gia đình “Danh gia vọng tộc”. Nếu bạn thấy đá lát sàn dưới chân Hạnh hoặc nhìn thấy ánh sáng diệu kỳ tỏa ra từ trong những bức tường đá của ngôi biệt thự ấy, tự bạn sẽ biết.


    Hạnh đẹp, thông minh - đó là tố chất tự nhiên.

    Hạnh kiêu kỳ, sành sỏi, ích kỷ, độc đoán - đó là do gia đình “quá có điều kiện”.

    Hạnh “phải có” bất cứ thứ gì Hạnh muốn, kể cả là Người yêu hay Chồng.

    Đúng thế. Người yêu Hạnh, sau này là Chồng Hạnh - Anh Tài - đẹp như tài tử Hollywood, thông minh, đa tài, thân thiện…. Nói chung, quá hoàn hảo để làm Người yêu, làm Chồng, và tất nhiên…. của Hạnh.


    Anh Tài, xứng với cái tên “Anh Tài”, luôn đứng đầu lớp về các môn tự nhiên, văn hay, ngoại ngữ giỏi, thể thao lại càng giỏi. Anh Tài là niềm mơ ước, sự ngưỡng vọng của mọi nữ sinh trong trường, trong đó có tôi.

    Trong trái tim non nớt của những cô thiếu nữ ấy luôn ôm ấp hình bóng chàng. Liệu có ai trong số chúng tôi chưa từng mơ thấy chàng không?

    Tôi đã mơ thấy chàng. Tôi không có quyền đó sao?

    Tôi không dám kể với Hạnh về giấc mơ êm đềm ấy. Hạnh sẽ làm gì tôi, nếu tôi dám có giấc mơ điên rồ ấy? Cắt tóc tôi, cào cấu tôi hay dìm tôi xuống nước như những con kiến ấy? Không thể biết. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã không kể và sẽ không bao giờ kể.


    Hạnh muốn bắt tất cả các nữ sinh không được mơ về chàng. Nhưng làm sao cấm nổi giấc mơ?

    Thực tế lại là chuyện khác, hoàn toàn nằm trong khả năng của Hạnh - không ai được đến gần hoặc tỏ ra có tình ý với Tài.

    Anh Tài không thích Hạnh, thậm chí còn sợ Hạnh. Người Tài thích là Mai -một cô bé không hẳn đẹp nhưng giống như một thiên thần, ngây thơ, nhút nhát, ít nói, chăm học. Ánh mắt Tài thường hay hướng về nơi đó - ánh mắt ấm áp, trìu mến - dù cô bé không một lần đáp trả.

    Điều ám ảnh tôi đến mãi tận sau này là ba ánh mắt tạo thành hình tam giác đó: ánh mắt si tình của Tài hướng về cô bé, ánh mắt man dại của Hạnh hướng về Tài và ánh mắt dụt dè, sợ sệt của cô bé khi lén nhìn về phía Hạnh. Nhưng cái tam giác đặc biệt đó cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Cô bé ấy đã vĩnh viễn biến khỏi lớp học. Không, vĩnh viễn biến khỏi thành phố này, như sau này tôi được biết.


    *****

    Hạnh không còn là Hạnh mà tôi biết, tóc không còn ba mầu rực rỡ, mắt không còn đen kịt, môi không còn đỏ chót. Váy áo hàng hiệu bay hết. Hạnh khoác trên mình những bộ quần áo bình dân. Hạnh lẫn vào chúng tôi, giống như bao đứa trẻ con nhà lao động khác. Hạnh bỗng trở thành thiên thần hiền dịu, xinh đẹp, chăm ngoan đến bất ngờ.

    Ồ! sự hóa thân này vừa xinh để khi Hạnh ở bên chàng, mọi người thấy họ thật xứng đôi.


    Nhà Tài ở trong một con ngõ nhỏ. Đó vốn là một căn hộ tập thể xây theo kiểu cũ, nay được hóa giá. Bố mẹ Tài là người làm công ăn lương. Họ là những con người hiền lành, lương thiện. Điểm đáng chú ý nhất ở căn nhà ấy, chính là góc vườn nhỏ với đủ loại cây cối từ cây ăn quả đến hoa lá…. Đó đúng là sản phẩm của sự sưu tầm đầy ngẫu hứng của mẹ Tài.

    Ở đó, chúng tôi đã làm một cuộc cách mạng.

    Tôi lẽo đẽo theo Hạnh từ chợ Cây đến các Vườn ươm mang về những giống hoa đẹp mê hồn. Cái vườn giản dị, lộn xộn ấy bỗng chốc biến thành một góc vườn đẹp như mơ. Tôi trở thành thợ làm vườn bất đắc dĩ.

    Trong góc vườn đẹp như mơ ấy, tôi đã thấy ánh mắt họ nhìn nhau, đầy yêu thương, âu yếm. Hình ảnh họ quấn quít bên nhau, bên những bông Hoa đỏ rực rỡ như màu máu ấy vẫn ghi dấu trong tôi đến tận bây giờ. Họ thật sự yêu nhau. Tài đã thấy ở Hạnh một người yêu, một người vợ tương lai lý tưởng.

    Từ bao giờ chẳng biết, giống như tôi, Tài luôn làm theo sự sắp đặt của Hạnh.

    Chúng tôi thi vào cùng một Trường Đại học, học cùng một lớp, tất nhiên là phải thế rồi.

    Những ngày tháng đó, việc của tôi là chăm sóc vườn hoa và ngắm nhìn họ. Việc của họ là ngắm nhìn nhau và ngắm nhìn hoa….


    Rồi, chúng tôi làm một cuộc du học tập thể. Mọi chi phí do bố mẹ Hạnh lo. Chúng tôi còn có riêng một ngôi nhà nhỏ, nằm trên sườn đồi thoai thoải. Ngôi nhà như trong Cổ tích với hàng rào gỗ sơn trắng. Tôi lại chăm hoa và ngắm họ, họ lại ngắm nhau và ngắm hoa. Họ như chẳng biết đến sự có mặt của tôi…. Dù vậy, tôi vẫn yêu ngôi nhà Cổ tích với vườn hoa lộng lẫy dầy công sức và tâm huyết của tôi. Tôi yêu khoảng thời gian êm đềm đó và tôi thường mơ về nó, mãi về sau….

    Đôi khi, tôi mơ. Trong giấc mơ, tôi là Cô bé Lọ Lem xấu xí được chàng Hoàng tử tìm thấy, hoặc là Cô gái được bay lượn trên trời nhìn ngắm trăng sao cùng với Siêu nhân…. Tất nhiên, dù là Hoàng tử hay Siêu nhân hay bất cứ nhân vật nào khác thì đó cũng luôn là Tài…. Những giấc mơ đó luôn là bí mật của riêng tôi.


    Ngày cưới Hạnh, tôi chạy như đèn cù, làm đủ việc không tên. Sao lại có thể có nhiều việc không tên thế nhỉ? Tôi không có cái diễm phúc được làm phù dâu cho Hạnh như vị trí đúng ra là phải thế của một cô bạn thân.

    Tôi đứng nhìn theo hút bóng chiếc xe mui trần màu trắng, kéo theo những chiếc lon trên mặt đường làm phát ra những tiếng kêu vui tai, y như trong những bộ phim tình cảm lãng mạn của Mỹ mà tôi thường hay xem. Một cái “Happy Ending”, như người ta nói, cho một mối tình lãng mạn.


    *****

    Ngày tôi cưới, Hạnh bảo: “Mọi chi phí cứ để tao lo, nhưng mày không được đi “tuần trăng mật” đâu đấy….”

    Đầu gối tôi muốn khuỵu xuống,

    “…. mày chỉ được đi “tuần mật” thôi” - Hạnh kết thúc nốt câu, tôi thở ra.

    Phải, Hạnh có thể không cần bố mẹ cả năm nhưng lại không thể không có tôi trong một “tuần trăng”. Tôi là “hầu gái” tâm phúc của “Nữ hoàng”- là Hạnh, là bạn thân, là tri âm tri kỷ, là gì gì nữa?…. Hóa ra, với Hạnh, tôi cũng là người quan trọng!


    “Mày đến ngay trông con bé cho tao, tao phải nói chuyện nghiêm túc với Tài!” - Hạnh buông điện thoại ngay khi câu lệnh vừa dứt.


    “Cô đúng là đồ ích kỷ, độc ác, nhẫn tâm! Tôi đã tha thứ cho cô về chuyện của Mai, tôi đã tha thứ cho cô về cái chết của Bố mẹ tôi. Nhưng tôi không thể tha thứ cho việc cô làm với cô gái tội nghiệp ấy, cô ta chẳng liên quan gì đến tôi cả, cô ta chỉ muốn giúp tôi thôi. Cô ghen với tất cả những người yêu thương tôi, quan tâm đến tôi. Cô là đồ bệnh hoạn, cô còn ghen với cả con mình! Tôi không thể tiếp tục sống với cô nữa. Tôi sẽ bỏ cô.” - Tài hét lên. Quả bom âm ỉ suốt những năm tháng qua, cuối cùng đã nổ tung.

    Hạnh sẽ thay đổi. Hạnh sẽ lại là một thiên thần của những năm xưa, như con người mà Tài đã từng yêu - Đó là điều tôi dự đoán, không, đó là điều tôi cầu mong.


    Nhưng, không. Lớp hóa trang cuối cùng của thiên thần đã rơi xuống - nó đã rơi dần, từng lớp, từng lớp một từ sau khi cưới, nhất là từ khi con bé ra đời. Như trong phim thần thoại, nàng tiên xinh đẹp rùng mình một cái và hiện nguyên hình là một con quỷ gớm ghiếc, Hạnh rít qua kẽ răng: “Anh dám sao?”

    Cơn giận dữ khiến mặt Tài trắng bệch, nếu có ai đó cầm con dao sắc nhọn cắm thẳng vào cái mạch máu ở trên cái cần cổ ấy, chắc cũng không thấy có một giọt máu nào…..


    Tôi bỏ đi tìm con bé. Nó đang khóc ngằn ngặt, kiên quyết không cho mấy người giúp việc động vào người. Thấy tôi, nó dang tay ra mếu máo. Nó đúng là một thiên thần nhỏ dù mặt đang nhem nhuốc vì mũi dãi. Tôi ôm lấy nó mà tim đau nhói, nó mới vừa lên ba, rồi đây nó sẽ ra sao?


    *****

    Tài đã dám. Tài là “Anh Tài”, sao lại không dám?

    Tài bỏ việc, bỏ nhà. Tài trở về căn nhà cũ của bố mẹ. Cái vườn nhỏ ngày xưa tôi chăm chút, giờ cỏ dại mọc đầy. Tài đạp lên cỏ dại, dọn nhà và quyết tâm sống ở đó.

    Tài đi tìm việc. Với Tài, kiếm việc không khó.

    Nhưng giữ được việc mới là chuyện khó….

    Trong một tháng, Tài chuyển việc hơn chục lần. Từ Công ty Nhà nước đến công ty Nước ngoài, Liên doanh hay Tư nhân, Hợp đồng chưa kịp ký, người ta đã vội lịch sự mời Tài đi nơi khác….

    Quyền lực và tiền bạc như lưỡi cưa thép lạnh lùng, tàn nhẫn đốn gục lòng kiêu hãnh và ý chí của con người ta.

    Hai tháng tiếp theo, không đâu còn tiếp nhận Tài….

    Chỉ còn có nước rời thành phố đi nơi khác hoặc ra Nước ngoài, nhưng Tài không thể đi. Tài có thể bỏ việc, bỏ vợ nhưng không thể bỏ con gái. Tài yêu con vô cùng. Tất cả tình yêu xưa kia dành cho Hạnh đều dồn sang con bé.

    Ba tháng qua, Tài không được gặp con, thậm chí không được nhìn thấy con. Anh nhớ con vô cùng.

    Nhiều lần, tôi thấy Tài lảng vảng quanh nhà để mong nhìn thấy con bé nhưng Hạnh cấm tiệt. Con bé cũng nhớ bố, nó khóc lóc thảm thiết suốt ngày đêm, người chỉ còn như cái giẻ vắt vai.

    Hạnh chẳng động lòng. Hạnh trừng phạt họ vì họ đã dám gạt Hạnh ra: con gái chỉ biết có bố còn Tài chỉ biết có con. Họ đáng bị trừng phạt.

    Và Hạnh biết, Tài không chịu được đòn hiểm đó.

    Đúng vậy, đòn hiểm này đã bẻ gãy nốt chút ý chí cuối cùng của Tài.

    Tài đã treo cờ trắng, Tài đầu hàng, Tài quay về.


    Nếu muốn có định nghĩa về niềm vui thì không có thứ gì diễn tả đầy đủ hơn, sinh động hơn cái cảm xúc hiển hiện trong ánh mắt, trên gương mặt, trên nụ cười của con bé khi nó nhìn thấy bố. Nó chạy lao đến, ngã bổ nhào, lại ngóc dậy chạy đến, quên cả đau. Và cứ thế, nó ôm riết lấy bố không chịu rời ra….

    Nó khóc lóc khi thấy bố đi làm, nó sợ bố nó lại đi không về nữa.


    Tài lại về làm ở Công ty cũ. Hết giờ làm, về chơi với con gái. Hai bố con thường chơi dưới giàn hoa Hồng - giàn hoa được chăm sóc kỹ càng, quanh năm nở hoa, rất nhiều hoa, màu đỏ tươi rực rỡ.

    Cuộc sống cứ thế trôi đi….


    Hạnh đã kiên trì phương pháp “Luyện kiến”. Và phương pháp đó đã tỏ ra thành công …. khi áp dụng với người.


    Hạnh có bằng lòng không? Chắc là không, nhưng thế cũng tốt rồi.

    Hạnh không muốn mất Tài không phải chỉ vì hiếu thắng mà vì Hạnh thật sự yêu Tài. Đúng vậy, Hạnh yêu Tài, luôn yêu Tài từ những ngày thơ bé ấy nhưng tình yêu của Tài thì đã chết rồi, chết thật rồi.


    *****

    Buổi chiều gió nhẹ, trời xanh, mây trắng, Tài về sớm. Anh đẹp hơn hẳn mọi khi trong chiếc áo sơ mi trắng thắt cà vạt. Anh chào chúng tôi, mặt rạng rỡ. Ồ! chính vẻ rạng rỡ đó chứ không phải cái gì khác đã khiến cho anh đẹp hơn hẳn mọi ngày.

    Anh đi tìm con bé, thay cho nó một chiếc váy trắng tinh, trông nó như một con búp bê xinh đẹp. Hai bố con lại chơi dưới giàn hoa Hồng. Hình ảnh anh bế con, đứng dưới giàn hoa rực rỡ, trong buổi chiều trong sáng như tạc vào không gian.


    Bàn tay con bé đang vươn ra cố với một bông hoa to, đẹp ở tít đầu cành, cao hơn tầm với của nó.

    Tôi bỗng chột dạ, anh đang đứng bằng mũi giầy trên một chiếc ghế cao, người hơi đổ về phía trước, cố để cho con bé có thể với được cành hoa….

    …..và điều tôi lo sợ đã tới….

    …..tiếng thét, tiếng va đập và những âm thanh hỗn tạp khác…..

    Tôi và Hạnh lao xuống sân, máu đỏ đang loang ra trên chiếc áo sơ mi trắng của anh và nhuộm đỏ dần chiếc váy trắng của con bé….

    Khựng lại vài giây, Hạnh lao đến ôm lấy anh, gào thét: “Em xin lỗi!... em sai rồi!.... anh đừng đi!..... đừng bỏ em!...”, rồi Hạnh ôm lấy con bé, nức nở: “Con ơi, mẹ xin con!....đừng bỏ mẹ!....”. Hạnh cứ gào lên như điên dại cho đến khi lịm đi….

    Tôi đứng như trời trồng, không khóc, không gào thét. Có lẽ cái đầu óc ngu muội của tôi đang cố để hiểu điều gì vừa xảy ra?....


    Đã quá muộn. Tất cả đều đã quá muộn. Không có cách gì cứu vãn….


    Bố mẹ Hạnh đã bay về vào ngày hôm sau. Họ như già đi cả chục tuổi trước tai nạn thảm khốc ấy….


    Tôi đi tìm Hạnh. Hạnh đang ngồi trên giường, đầu tóc rũ rượi…. Hạnh chẳng có phản ứng gì khi tôi lay gọi, đôi mắt vô hồn hướng vào khoảng không vô định…..


    *****

    Một lần anh bảo tôi: “Anh sẽ mang con bé đi thật xa, để mẹ nó không thể làm vẩn đục tâm hồn nó”.

    Tôi đã cố mường tượng xem “cái nơi xa” mà anh nói ấy là ở đâu? Nhưng tôi thực chưa bao giờ nghĩ đến “nơi xa ấy” lại là “nơi đó”….

    Anh đã đưa con bé đi xa, thật xa……. Mãi mãi……


    Những tưởng Hạnh đã hành công với độc chiêu “Luyện kiến” của mình. Nhưng, hóa ra không phải….


    Đến tận phút chót, anh vẫn đủ thông minh để khiến cho người ta tin rằng đó là một tai nạn.

    Vào cái lúc nhìn thấy anh đứng bằng mũi giầy trên chiếc ghế đó, tôi đã lo sợ một tai nạn xảy ra, và nó đã xảy ra….

    Tôi cũng đã tưởng đó là một tai nạn….


    *****

    Tôi thấy mình đang ngồi trên con tàu tốc hành lao vun vút vào không gian. Tôi hốt hoảng nhìn quanh, tuyệt không có một bóng người. Trên tay tôi là một tấm vé - “Vé vào cửa Thiên đường”.


    Tôi thấy Tài đang bế con bé, màu áo trắng, váy trắng hòa vào nhau thật tinh khôi, tuyệt nhiên không có mảy may nào dấu vết của máu. Họ đang mỉm cười nhìn tôi phía trong cánh cổng Thiên đường cầu kỳ kiểu nhà thờ Thiên chúa giáo.

    Tôi lao về phía cánh cổng ấy, tôi sẽ đến với họ. Tôi sẽ có họ….

    Tôi dừng lại, bần thần nhìn thật lâu chiếc vé trên tay…. Tôi nhìn họ, hình ảnh hai cha con bồng bềnh trong mây, đẹp huyền ảo. Họ đang cười với tôi, đang vẫy gọi tôi….. Tôi lại lao đến…. Nhưng…. Hạnh đâu?....

    Hạnh, Hạnh đâu? Tôi lao đi tìm Hạnh. Hạnh đâu?.....


    Tôi chợt thấy một bóng người liêu xiêu trên con đường nhỏ hướng về nơi tôi đang đứng. Đó là Hạnh, mặt mũi bơ phờ, tóc tai rũ rượi, váy áo tơi tả, đôi chân trần loang lổ máu lẫn bùn đất…. Phải chăng Hạnh đã chạy bộ theo con tàu tốc hành đã mang tôi đi?

    Tôi đỡ lấy thân hình sắp đổ sụp xuống của Hạnh, dúi vào tay Hạnh tấm vé: “Đến với họ đi! Nhanh lên!”.

    Nắm chặt tấm vé, Hạnh lao về phía cánh cổng. Nhưng đôi chân mệt mỏi không đỡ nổi thân hình Hạnh nữa, Hạnh ngã dúi dụi…. Hạnh cố nhoài người về phía trước….

    “Cố lên Hạnh ơi! Một chút nữa thôi! Một chút nữa thôi!….”

    Hạnh không còn nhoài lên được nữa, bàn tay chợt lỏng ra, tấm vé bay lên như có một thế lực vô hình nào giật ra khỏi bàn tay Hạnh. Hạnh gắng sức vươn tay ra để chộp lấy tấm vé, nhưng nó như cánh bướm cứ chập chờn bay…. Tôi nhảy bổ về phía nó, cố vồ lấy nó nhưng nó đã bay qua cánh cổng….

    …. Tấm vé tan biến vào không trung, cùng với nó là Tài và thiên thần bé nhỏ….


    Không còn tấm vé, không còn bố con Tài, không còn cánh cổng, không còn Hạnh.

    Không còn gì hết. Tất cả chỉ là thinh không.


    *****

    Tôi bước vào phòng, Hạnh đang nằm trên giường với một đám máy móc, chai lọ, dây rợ loằng ngoằng nối vào người - những thứ đảm bảo cho Hạnh sự sống.

    Sự sống? Hạnh nằm đó mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Thân hình bất động. Ánh mắt cũng bất động.


    Bố mẹ Hạnh đang ở đây, giờ họ không đi đâu nữa.

    Người đàn ông oai phong đã bỏ đi đâu? Người đàn bà quý phái đã bỏ đi đâu? Giờ chỉ còn lại đây hai người già đơn độc, mắt trũng sâu, vai trĩu xuống…

    Lòng tôi dậy lên một niềm xót xa vô hạn!

    Cả đời họ, họ đã phấn đấu, đã gây dựng cho cô con gái cưng duy nhất là Hạnh, vậy mà....

    Họ ở đây chờ đợi…. chờ đợi.... Liệu Hạnh có quay về?


    *****

    Anh đã quyết ra đi.

    Anh đã quyết mang con bé đi theo.

    Anh đã quyết để Hạnh không có cách nào ngăn cản được. Quyền lực và tiền bạc cũng chẳng giúp được gì.

    Anh đã đi. Đi thật rồi, mãi mãi…..

    Còn Hạnh? Hạnh cũng đã đi xa, thật thế, trong cái cõi nào đó của riêng mình….
     
    Lan Giao thích bài này.
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này