Kinh điển Trinh thám Người Đàn Ông Đến Từ Bắc Kinh - Henning Mankell

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi Trúc Quỳnh Đặng, 16/8/19.

  1. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    [​IMG]
    Giới thiệu
    Thụy Điển, một ngày mùa đông lạnh lẽo năm 2006, mười chín người bị sát hại dã man tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền Bắc, đa số nạn nhân đều là người già. Dấu vết duy nhất còn lại trên hiện trường là một dải lụa đỏ.
    Trung Quốc, năm 1863, ba anh em Sáng khởi hành cuộc hành trình dài tới miền đất hứa. Nhưng chờ đợi họ phía trước lại là kiếp sống con vật ở nước Mỹ xa xôi, sống không bằng chết.
    Một sợi dây mỏng manh, thoắt ẩn thoắt hiện liên kết hai câu chuyện. Một hung thủ tưởng như rõ mặt nhưng bị những lý tưởng, những vấn đề của xã hội Trung Quốc hiện đại che lấp. Nữ thẩm phán Birgitta Roslin không theo đuổi một cuộc điều tra gấp gáp, nghẹt thở mà trải dài từ quá khứ với những lắt léo của lòng người.
    Được mệnh danh là ông hoàng trinh thám Thụy Điển, Henning Mankell quả là biết cách khiến độc giả phải trăn trở!
    —★—
    [Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link]
    Scan & Pdf:
    @Nhantinh, @V/C
    Ocr & Xử lý text: @Trúc Quỳnh Đặng
    Soát lỗi:
    Gói 1: @khanh911
    Gói 2: @vqsvietnam
    Gói 3 & 4: @Nyanko
    Gói 5: @Phantantai123
    Gói 6: @pinoko
    Gói 7: @Trúc Quỳnh Đặng
    Gói 8: @darkdragon28
    Soát tổng & Đóng gói: @Trúc Quỳnh Đặng
     

    Các file đính kèm:

  2. Trúc Quỳnh Đặng

    Trúc Quỳnh Đặng Moderator Thành viên BQT

    TẶNG MẤY BẠN MỘT BÀI REVIEW SƯU TẦM NHÉ! ^.^ BỎ VÔ CODE SPOILER NHEN, NÊN CÂN NHẮC TRƯỚC KHI ĐỌC HÉN, NHƯNG MÌNH THẤY TỐT NHẤT LÀ ĐỌC ĐƯỢC GẦN MỘT NỬA TÁC PHẨM RỒI HÃY ĐỌC BÀI REVIEW NÀY, ĐỂ LẤY CẢM HỨNG ĐỌC TIẾP TÁC PHẨM, HAHA :D BỞI, DÀI HƠI QUÁ MỪ :p HIHI. CHÚC VUI NHEN MINNA! :rose:cute_smiley26

    Tôi hiếm khi đọc thể loại trinh thám. Lý do thì đơn giản lắm. Sợ.

    Giết chóc. Máu me. Xác chết. Tất cả đều khiến tôi sợ.

    Mãi gần đây, tôi đã can đảm hơn chút khi đọc một lèo hết series 5 cuốn tiểu thuyết trinh thám tâm lý tội phạm của tác giả Lôi Mễ. Hóa ra, trinh thám cũng có cái hay riêng. Nó không chỉ có giết chóc, máu me và xác chết mà còn có những suy luận logic, những tình huống nghẹt thở, những pha hành động thót tim, những trạng thái tâm lý từ bất thường đến biến thái của những tên tội phạm. Nhưng trên hết, các nhân vật trong trinh thám phần lớn đều thông minh ở cả hai tuyến nhân vật. Thiện và ác.

    Có lẽ, nhờ được “trui rèn sự can đảm” qua series của Lôi Mễ nên tôi đã đọc tiếp Người đàn ông đến từ Bắc Kinh của Henning Mankell. Đọc cuốn này không có gì trong số những điều mà tôi đã liệt kê ở trên khiến tôi phải sợ, mà thật ra thì cũng không có cái gì để tôi sợ về chúng cả. Tuy nhiên, tôi lại sợ một điều khác. Lòng tham của con người.
    “Thụy Điển, một ngày mùa đông lạnh lẽo năm 2006, mười chín người bị sát hại dã man tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền Bắc, đa số nạn nhân đều là người già. Dấu vết duy nhất còn lại trên hiện trường là một dải lụa đỏ.”
    Mở đầu cuốn tiểu thuyết trinh thám này đã đầy rẫy xác chết và tanh mùi máu. Cuộc thảm sát được miêu tả là man rợ chưa từng có tiền lệ tại Thụy Điển. Hung khí có thể là dao hoặc kiếm có lưỡi sắc như dao cạo. Nạn nhân phần lớn đều không toàn thây, có dấu hiệu bị hành hạ dã man trước khi chết. Tất cả các vật nuôi trong nhà đều bị chém đứt lìa làm đôi. Mười tám nạn nhân là người già. Nạn nhân thứ mười chín là một đứa trẻ 12 tuổi. Chết vì một nhát chém duy nhất làm đứt lìa xương sống. Tất cả các nạn nhân đều thuộc ba nhóm họ khác nhau tại làng Hesjovallen nhưng lại có liên quan họ hàng với nhau. Một dải lụa đỏ được tìm thấy trong tuyết cách ngôi làng không xa. Ngoài ra không còn dấu vết khả dĩ nào khác.

    Một mở đầu quá nhiều xác chết cho một vụ án cần phải tìm ra được lời giải. Thủ phạm hoặc nhóm thủ phạm nào đó sẽ phải bị tóm bởi cảnh sát nội địa, thậm chí có thể là lực lượng Europol hoặc Interpol. Tôi đã nghĩ vậy.

    Thế nhưng, mọi diễn biến tiếp theo của câu chuyện lại khiến tôi bất ngờ, đôi khi ngờ vực.

    Tôi ngờ vực không biết mình đang đọc một quyển tiểu thuyết trinh thám hình sự phá án diễn ra tại một đất nước Bắc Âu lạnh giá vào năm 2006 hay đang đọc một cuốn sách viết về những con người đã bị bắt cóc, bị quăng lên những hầm tàu tối tăm, băng qua đại dương để rồi bị đẩy đến vùng hoang mạc Neveda nước Mỹ lao động khổ sai như những nô lệ. Họ bị buộc phải xẻ núi, vượt hoang mạc bằng những thanh tà vẹt để mở đường cho những đầu tàu hơi nước trông như những con rồng tàn bạo và đen đúa chạy xình xịch từ bờ đông sang bờ tây nước Mỹ vào thế kỷ 19. Mỗi một thanh tà vẹt là một chiếc xương sườn của những con người đó.

    Lắm lúc tôi lại ngờ vực, mình đang đọc cái gì đây? Một câu chuyện chính trị về sự bất đồng và mâu thuẫn giữa một đất nước Trung Quốc và một đất nước Trung Quốc mới mà hai chị em Hồng Quế và Nhã Như là người đại diện cho hai trường phái bảo thủ và cách tân khi Trung Quốc đang loay hoay trước một ngã ba đường. Vào những lúc như vậy, vụ thảm sát tại ngôi làng Hesjovallen dường như chẳng còn tồn tại nữa và tôi đã quên bẵng có một vụ thảm sát như thế đã xảy ra ở đầu câu chuyện.

    Người đàn ông đến từ Bắc Kinh có quá nhiều câu chuyện.

    Câu chuyện xảy ra tại ngôi làng Hesjovallen năm 2006 tại Thụy Điển. Câu chuyện của anh em Sáng rời bỏ làng quê nghèo đói để đến Quảng Châu rồi bị bắt cóc đưa sang Mỹ vào thế kỷ 19 mà ở đó họ phải sống một cuộc sống của kiếp con vật. Câu chuyện đối đầu giữa Hồng Quế và Nhã Như khi Trung Quốc đứng trước những thách thức lớn lao đầu thế kỷ 21. Câu chuyện của nữ thẩm phán Birgitta Roslin bỗng dưng bị kéo vào vụ thảm sát tại ngôi làng xa xôi phía bắc. Nhìn qua, sao chẳng thấy có chút manh mối nào cho thấy những câu chuyện đó có liên quan đến nhau. Nhưng bằng cách nào đó, từng câu chuyện như có vẻ độc lập và đơn lẻ đó lại kết nối với nhau để đi đến lời giải đáp cuối cùng cho câu hỏi: thủ phạm gây ra cuộc thảm sát tại Hesjovallen là ai?

    Và trong mỗi một câu chuyện như vậy lại có một nhân vật chính. Theo tôi thì trong cuốn tiểu thuyết này rất khó xác định nhân vật nào là nhân vật chính. Nữ thẩm phán Birgitta Roslin có thể là nhân vật xuất hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối nhưng bà chưa hẳn là nhân vật chính. Với vụ án tại Hesjovallen, dường như nữ cảnh sát Vivi Sundberg mới là nhân vật chính. Quay ngược thời gian vào năm 1863 tại Trung Quốc và trong bối cảnh hoang mạc Neveda, Sáng mới là nhân vật chính. Chuyển sang đất nước Trung Quốc đầu thế kỷ 21, hai chị em Hồng Quế và Nhã Như là nhân vật chính. Những con người này đều là nhân vật chính trong câu chuyện của riêng họ hoặc có liên quan đến họ. Và tất cả đều được kết nối vào một mối chung là nữ thẩm phán Birgitta Roslin đến từ Thụy Điển.

    Dù nhiều nhân vật nhưng Sáng là nhân vật khiến tôi suy nghĩ và có vẻ trăn trở nhiều nhất. Tôi thích Sáng bởi sự mãnh mẽ và ý chí kiên cường của anh ta trước mọi lẽ bất công mà anh ta phải gánh chịu trong những năm tháng đọa đày tại hoang mạc Neveda. Tôi cũng xúc động lắm khi anh ta, dù phải trải qua những điều tưởng như không thể chịu đựng hơn được nữa nhưng vẫn quyết mang về cố hương đốt xương ngón tay cái của Lưu, một thợ mộc mà anh ta chỉ mới quen biết trên con tàu vượt biển sang Mỹ để hoàn thành di nguyện được chôn cất nơi quê nhà của Lưu khi Lưu phải bỏ xác giữa biển khơi mênh mông. Nhưng tôi chợt lạnh người khi Sáng biến thành một tên cướp và một nhát chém chết người có thể xem là ân nhân của anh ta. Sáng cô độc suốt cả cuộc đời và có lẽ vì vậy mà những trang nhật ký chứa đầy nỗi uất hận và khát khao trả thù của Sáng đã thấm sâu vào máu thịt một trong những người thuộc đám con cháu của Sáng sau này. Hơn 100 năm trước, Sáng đã gieo một hạt giống mang tên uất hận và trả thù xuống những trang giấy. Và hơn 100 năm sau, có người đã làm cho hạt giống đó nẩy mầm và phát triển một cách man rợ ra cuộc sống đời thực. Sáng là người khiến tôi vừa xót thương, vừa cảm phục nhưng cũng căm ghét không ít.

    Có lẽ, sẽ có chút thất vọng nếu ai đó kỳ vọng đây là một câu chuyện trinh thám với nhiều suy luận logic mang tính thách thức khả năng suy đoán của người đọc. Và cũng đừng nghĩ sẽ có nhiều tình huống nghẹt thở hay những pha hành động thót tim hay những phân tích tâm lý tội phạm tỉ mỉ từ những dấu vết để lại tại hiện trường nhằm vẽ ra chân dung thủ phạm sẽ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết này. Tôi chắc là không có đâu. Người đàn ông đến từ Bắc Kinh dù được xem là thuộc thể loại trinh thám nhưng lại rất ít chất trinh thám. Nó là sự pha trộn của rất nhiều thứ trong đó mà tôi không biết gọi tên sao cho chính xác. Trinh thám có, chính trị có, tâm lý có. Sau khi đọc hết cuốn tiểu thuyết này, tôi lại cho rằng vụ thảm sát tại làng Hesjovallen và yếu tố trinh thám của nó chỉ là cái cớ để dẫn đến nhiều vấn đề khác mà cuốn tiểu thuyết này muốn đề cập đến mà thôi.

    Và có lẽ, sẽ thất vọng cho những ai, trong đó có cả tôi, ngay từ đầu đã đặt câu hỏi dải lụa đỏ có ý nghĩa gì trong câu chuyện này, nó có phải là vật chứng quan trọng để phá vụ án tại ngôi làng Hesjovallen hay không. Không hề có một câu trả lời nào cho sự xuất hiện của dải lụa đỏ này cả vì người (có thể) mang nó đến hiện trường đã chết trước khi tiết lộ bất cứ điều gì có thể làm thỏa mãn tính tò mò và khả năng suy đoán của người đọc. Nhưng dải lụa đỏ này lại là đầu mối dẫn dắt nữ thẩm phán Birgitta Roslin đến với những “dấu hiệu Trung Quốc” trong vụ án Hesjovallen mà bà vẫn gọi như vậy.

    Cuối cùng, không giống như những tiểu thuyết hay phim ảnh trinh thám hình sự phá án khác, thủ phạm thường xuất hiện rất muộn hoặc gần như khi câu chuyện chuẩn bị kết thúc. Thủ phạm của vụ thảm sát tại làng Hesjovallen không hề có tính thách thức khả năng suy đoán hay khiến của người đọc phải tẽn tò vì đoán nhầm một chút nào. Người đọc không phải suy đoán gì cả. Hắn ta xuất hiện từ rất sớm và rất rõ ràng rằng chính hắn ta là thủ phạm. Thế nhưng, điều đó không làm mất đi sự lôi cuốn của cả câu chuyện. Theo tôi, cái hay của một tiểu thuyết trinh thám không phải là ở việc thủ phạm xuất hiện sớm hay muộn mà là quá trình làm cách nào thủ phạm dần dần bước từ bóng tối ra ánh sáng. Đó mới là cái hấp dẫn và thú vị.

    Tôi nghĩ vậy.
     
  3. Lemaria

    Lemaria Mầm non

    Một trong những cuốn sách mà mình đọc say mê nhất!
     

Chia sẻ trang này