Người tài tử và khách đa tình (Vũ Quần Phương)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi 4DHN, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Người post: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    TVE

    Người tài tử và khách đa tình (Vũ Quần Phương)

    Người tài tử và khách đa tình


    Người tài tử Nguyễn Tuân mến khách tài tình là mến ở giọng hát đào chay. Khách tài tình cũng quý Nguyễn Tuân là người biết thưởng thức, người tài tử, bạn tri âm. Đọc văn Nguyễn Tuân, quan sát những hành xử trong đời của ông, thấy rõ lắm, trong cốt lõi, ông là một người tài tử.

    [​IMG]

    Tài tử ở chỗ lấy sự thưởng thức của mình là trọng. Sống là thưởng thức cõi tháng ngày mình được sống, nếm cho kỳ được cái vị của năm tháng, của thiên nhiên tạo vật, của những quan hệ với người đời.

    Chỗ hơn người và chỗ tự làm lụy mình của Nguyễn Tuân cũng chính là ở cái chỗ thèm thưởng thức ấy, thèm cảm giác, thèm khám phá, thèm nghĩ ngợi.

    Đến ăn uống, cái việc thường ngày, cái thói quen tất yếu, sinh vật, người ta thản nhiên làm như một bản năng sống, ông nâng nó lên thành một sự thưởng thức của tâm hồn chứ không phải chỉ của vị giác, nó thỏa mãn được cả trí tuệ chứ không phải chỉ thỏa mãn cái dạ dày.

    Ăn mà như thực hiện một nghi thức tôn giáo. Nhiêu khê, cầu kỳ. Nhưng đấy mới chính là sống chất lượng cao. Chất lượng cao nên nhiều tốn kém. Tốn công sức, tốn thời gian, tốn tiền, và cao nhất, nó tốn cái đời mình. Nó lắm phiền toái lắm, có lúc như riêng mình đi ngược với cái đời chung. Có thể bị kêu là lập dị, là khinh bạc.

    Cũng cần một can đảm, một cực đoan mới giữ được cho mình cách sống gọi là có chất lượng cá thể ấy. Yếu bóng vía một chút là hòa tan ngay vào cộng đồng, trốn vào người thiên hạ, vô vị hóa cái mình đi, cho nó yên thân.

    Tôi nghe kể: Vào những năm đang chiến tranh, ngày Tết, ông Hoàng Văn Hoan, có sáng kiến tới thăm nhà Nguyễn Tuân. Hoàng Văn Hoan khi ấy là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, chức vụ ấy là to, cương vị ấy đủ vinh dự hóa người được ông tiếp xúc. Xe ông Hoan đến, người bảo vệ chạy lên gác, báo tin vui cho nhà văn. Nguyễn Tuân đã quần áo tề chỉnh, ngày Tết mà, nghe tin báo, ông xuýt xoa:

    - Tiếc quá, sao cấp trên không báo trước, bây giờ thì tôi đã có cái hẹn phải đi. Tiếc quá! Tiếc quá!

    Người bảo vệ ngạc nhiên, nhưng thấy ngay ông nhà văn có lý và đúng mực, đã hẹn ai thì không nên để lỡ. Một nhà văn lớn thì không thể bên trọng bên khinh với người đời. Ông bảo vệ đành mang nỗi tiếc quá xuống cho thủ trưởng. Chiếc xe nổ máy đi ngay.

    Không biết Nguyễn Tuân có đi ngay không. Nhưng tôi nhớ giới viết văn ngày ấy cũng lao xao bình luận chuyện này. Không tiếp một ông to thế chỉ vì có cái hẹn “dân sự” thì ngông quá.

    Lại có người nói Nguyễn Tuân không thích ông này vì ông ấy “vu nhiều tội oan”? cho Vũ Trọng Phụng, mà theo ông Tuân thì ông Phụng mới là người ở lại với lòng dân chứ không phải ông Hoan kia.

    Nếu đúng vậy thì quả là ông Nguyễn Tuân tiên tri. Mà không như thế nữa, chỉ đơn giản là có hẹn mà từ chối cuộc tiếp kiến không hẹn, thì cũng là một ứng xử chất lượng cao, đáng ghi nhận cho giới bút mực.

    Tôi lại nghe kể, cũng vào những ngày Hà Nội chống chiến tranh phá hoại. Học trò sơ tán theo trường, bệnh viện cũng phải sơ tán. Cuộc sống mọi người đều phải giản lược đến tối thiểu để thích ứng với thời chiến. Thế mà có ông nhà thơ, cũng đã cao niên, đã không đi sơ tán, lại thiết kế rồi sưu tầm tạo dựng một vườn lan ngay giữa Hà Nội tất bật báo động báo yên.

    Ông nhà thơ bị phê bình trong một cuộc họp chi bộ cơ quan Hội Nhà văn. ý kiến cũng sôi nổi lắm, ông nhà thơ chỉ thanh minh: ông muốn có tư thế người đánh giặc chủ động tự tin vv... Nguyễn Tuân chỉ ngồi nghe. Chủ tọa giục ông nói. Ông mới thủng thẳng:

    - Chơi lan như ông H không thể gọi là đã biết chơi lan. Tôi lấy làm tiếc cho những chậu lan ấy. Loài lan nó kỹ tính. Tôi phê bình đồng chí H đối xử như thế là thô bạo với loài lan.

    Mọi người bất ngờ, nhưng ngẫm lại thấy Nguyễn Tuân có lý, sâu sắc việc đời.

    Người tài tử thường có mối cảm thương, quý trọng những người có tài, có tâm đang lận đận. Đọc hồi ký những nhà văn tiền chiến, thấy kể Nguyễn Tuân là người mê xênh phách, ông thân lắm với những ca kỹ hát ả đào, hồi ấy gọi là cô đầu.

    Người đời nói chung không trọng lắm nghề này. Nhưng các nhà văn của mọi thời, nhất là Nguyễn Tuân thời ấy, lại phát hiện được trong đám ấy nhiều người thật sự tài năng, có tư chất tài tử, phẩm cách tâm hồn đẹp lắm. Ông mê họ trong nỗi liên tài (thương tài).

    Nhà văn Tô Hoài giảng cho tôi: Cô đầu hồi ấy có hai loại. Đào rượu và đào chay. Như hát karaoke bây giờ, đào chay chỉ có hát, đào rượu mới làm các “công đoạn” khác. Người tài tử Nguyễn Tuân mến khách tài tình là mến ở giọng hát đào chay. Khách tài tình cũng quý Nguyễn Tuân là người biết thưởng thức, người tài tử, bạn tri âm, chứ không phải khách làng chơi.

    Các bà còn bỏ tiền ra cưu mang ông nhà văn những lúc túng. Giữa ông và các bà hình thành một mối thâm tình đồng điệu. Mấy chục năm sau, thời thế bao nhiêu đổi thay, khi nhà văn lẫn ca kỹ đều thành cán bộ, chúng tôi còn được thấy những biểu hiện của mối thâm tình tài tử tài hoa ấy.

    Bà Quách Thị Hồ, sau này được nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê giới thiệu tài năng ra thế giới, được Nhà nước phong nghệ sỹ nhân dân, nhưng vào những năm 60, 70, của thế kỷ trước, bà chỉ là cộng tác viên ngâm thơ của buổi Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà không có sân khấu để biểu diễn, không có không gian để bộc lộ tài năng.

    Người đời, trong cơn chuyếnh choáng thay trời đổi đất, họ nhìn nghệ thuật hát ả đào như một thứ lỗi thời , thậm chí không lành mạnh. ả đào, hồi ấy thường gọi là ca trù, cho nó xa chữ đào đi, chỉ còn là cõi nhớ thương của những người tài tử, khách tài tình một thời vang bóng. Xênh phách chỉ còn được vang lên trên những vuông chiếu hẹp tư gia những quan viên cố nhân như Chu Hà, Xuân Thủy, Ngô Linh Ngọc...

    Tôi làm ở buổi Tiếng thơ, thỉnh thoảng có mời bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Phúc tới ngâm thơ mà không hề biết rằng hai bà từng là những giọng ả đào nổi tiếng một thời. Bà Phúc mấy năm sau sức khỏe yếu. Bà Hồ vẫn sang sảng giọng ngâm.

    Giọng bà sang trọng đường bệ. Tôi thấy chị Trần Thị Tuyết, chị Vũ Kim Dung, chị Linh Nhâm, chị Kim Cúc vẫn kính cẩn hỏi kinh nghiệm của bà. Có lần tôi thấy bà nhận xét một chị: Bài ấy mày ngâm hay nhưng lắm giọng. Tôi hiểu ý bà: Trình bày một bài thơ không nên khoe lắm thứ kỹ xảo của giọng ngâm. Nguyên lý ấy vận dụng được vào nhiều ngành nghệ thuật. Tôi vận dụng vào việc làm thơ. Bài thơ cũng không nên lắm giọng.

    Buổi ấy không biết ông Nguyễn Tuân đến 58 Quán Sứ thu thanh phát biểu gì, gặp bà Quách Thị Hồ ở phòng biên tập văn học. Hai vị thấy nhau, mừng lắm, tíu tít chào hỏi, quên hẳn lũ hậu sinh xung quanh. Bà Quách Thị Hồ lấy trong túi ra gói chè ngon tùy thân, bà nói nhỏ với chị Trần Thị Tuyết: Đun cho u ấm nước, u mời trà ông Tuân. Nước đun ngay ngoài sân, chỗ gốc sấu, trên cái bếp dầu hỏa của nghệ sỹ đàn đáy Đinh Khắc Ban, ông Ban đang tá túc tại phòng làm việc nên mới có các lệ bộ này. Nước sôi rót phích mang vào, bà Hồ tráng ấm, tráng chén, tự tay pha trà, hai tay nâng chén mời ông Tuân. Ông Tuân đón chén chè nghi ngút khói, nâng lên ngang mũi, ông chưa uống. Ông lim dim mắt, ông đang thưởng thức hương trà hay hương cố nhân. Lát sau ông mới uống. Ông nói: Trà ngon lắm, nhưng nước hơi nguội. Bà Hồ đang chờ đợi nghe ông, liền nguýt một cái dài:

    - Uống không uống ngay. Nước người ta vừa mới đun lại kêu nước nguội. Nguội thì ông ngậm dúm trà vào mồm, tôi rót thẳng nước sôi vào xem có nguội không.

    Chúng tôi cười ồ. Ông Nguyễn Tuân như có thoáng ngạc nhiên rồi ngồi lặng, xúc động. Chúng tôi cười xong, cũng ngồi im, trân trọng phút giây đầy ắp kỷ niệm dâu bể của hai người bạn quen nhau từ kiếp cũ.

    Nhà thơ VŨ QUẦN PHƯƠNG (Báo Tiền Phong)

    (Nguồn: Tuổi trẻ Online)
     
    Last edited by a moderator: 10/9/14
    Fish thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này