Nhận định Việt Nam Phong Tục...

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 26/2/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CÁI NHÀ NGƯỜI VIỆT


    Người Việt Nam rất gắn bó với cái nhà của mình. Phong tục Việt Nam cho rằng con người ta, sống cái nhà, già cái mồ, để chỉ sự thiết tha gắn bó của con người đối với cái nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi con người trưởng thành từ lúc sơ sinh đến khi nằm trong mộ. Có những người dù sau này làm nên danh phận cũng không bao giờ quên ngôi nhà ở quê hương mình. Nhiều nhà được dựng trên mảnh đất của cha ông xưa: đất tổ phụ di lai, nên rất thiêng liêng. Có những thuật ngữ mượn ngay cái nhà để chỉ vai trò quan trong của người chủ chốt trong gia đình. Nói vợ cái con cột là ngụ ý như thế. Đời sống của chàng trai nông thôn xưa kia chỉ có ba việc lớn: lấy vợ, làm nhà, sinh con. Con đã nên chồng nên vợ, bố mẹ sắp xếp cho con ra ở riêng. Ở riêng, nghĩa là có được cái nhà, và phải là nhà do bố mẹ làm cho (không như bây giờ, con cái phải liệu lí lấy). Có những ông bà quê mùa trong thôn xóm, có đến bảy, tám đứa con trai mà đều thu xếp được cho đứa nào cũng có một mảnh vướn, một cái nhà. Không hiểu họ đã có tài năng như thế nào, mà làm được như thế!

    Dựng một cái nhà, sau khi đã chọn (mua bán, chia sẻ) được địa điểm, bao giờ người ta cũng phải định hướng. Phải nhờ thầy bày vẽ, song người ta hay chọn nhà hướng nam (lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam). Nhà hướng bắc thường lạnh. Nhà hướng tây thường phải thấy mặt trời lặn, nên phải kiêng. Nhà hướng đông dễ bị gió bão uy hiếp. Nhà thường phải làm thấp, nhất là ở vùng biển, cũng để phòng thiên tai có thể xảy ra hàng năm.

    Có rất nhiều kiểu nhà để người dân chọn lựa nhằm thích nghi với hoàn cảnh riêng của mình. Nhà khá giả, thường dựng nhà tứ trụ (có bốn cột lớn) chắc chắn, khang trang. Nhà bình thường thì có kiểu nhà khuông chạn, gọn gàng mà đẹp mắt. Những nhà gia thế, thường làm nhà kiểu chữ môn, chữ đinh, nhìn vào đại thể rất quy mô chững chạc. Kể cả những nhà nghèo khổ, dù chỉ là một túp lều tranh, người ta vẫn chú ý đến hướng nhà.

    Thông thường, nhà của người Việt Nam có ba gian. Đứng ngoài nhìn vào, gian đầu tiên, phía tay trái thường dành để bày biện nhà thờ. Nhà lớn để ban thờ ở gian giữa. Ban thờ thường không chiếm diện tích lớn, khi nào có giỗ, tết mới phải kê phản, trải chiếu làm chỗ tập trung. Chỗ trống ở gian nhà thờ thường để các đồ khí cụ về nghề nghiệp của gia đình như: cày bừa, đồ thợ rèn, thợ mộc, nếu nhà có dệt vải, thì khung cửi cũng đặt ở đây.

    Gian nhà giữa thường chia làm hai: ngoài cùng là một cái phản. Đó là chỗ cho gia đình tiếp khách. Trước đây, ta không dùng bàn ghế, cái phản đó là dùng để mời khách quý đến chơi nhà. Dọn cơm khách hay bày cỗ cũng ở trên cái phản ấy. Sát với cái phản là bức vách gỗ (hay tre dan) để ngăn cách. Sau bức vách này là cái buồng hay cái kho để chứa của cải, nơi những chum vại, hòm rương, dây treo quần áo, v.v…

    Gian thứ ba, sát với gian giữa, thường rông hơn hai gian đô vài mét theo chiều ngang. Đây là cả một diện tích rộng, được gọi là buồng, có của khóa cẩn thận. Đó là phòng của bà chủ nhà, hoặc phòng dành cho cô dâu được cưới về. Mé ngoài, sát với cửa buồng cũng là một bức vách để che kin buồng. Có thể để ngay trên phần hiên nhà, một cái chõng, hoặc một tấm phản nhỏ. Khách thường có thể ngồi đó trò chuyện.

    Ngoài ba gian nhà chính này, người ta còn dựng thêm một nhà nhỏ độ hai gian hay hai gian rưỡi ở bên tay trái của nhà chính, gọi là nhà ngang. Chính cái nhà ngang này mới là nơi sinh hoạt thường xuyên của gia đình, là chỗ đi lại của khách bình dân quen thuộc. Đây cũng là chỗ đặt những chân xay, chày đạp, những chiếc ghế dài, những cái chõng. Thông thường, ở đây cũng mắc những chiếc võng, (võng đay hay võng lác) làm chỗ cho người ngồi ru con. Nếu rộng, thì cuối phía nhà ngang sẽ là cái bếp để nấu nướng. Trường hợp có điều kiện, phải làm bếp riêng, nơi để nấu ăn và cả để dọn mâm cơm. Người bình dân rất tài thu xếp, họ thường gọi là thu va thu vén, sao cho việc sinh hoạt ở nhà ngang nhà bếp được tận dụng tối đa.

    Người Việt Nam ở nông thôn, dù nghèo đến đâu, khí có nhà là phải có cả sân, cả vườn. Cái sân rất cần để cho trẻ con chơi và còn để phơi thóc, gạo. Ngày mùa, lúa gặt về được đập hoặc trục ngay trên sân. Đêm trăng trục lúa là một cảnh lao động thân thiết và nhộn nhịp rất quen thuộc. Đêm giao thừa, người ta tổ chức lễ cúng ngay giữa sân nhà. Cái vườn cũng rất cần thiết. Quanh năm, vườn của người dân quê sum suê, xanh mướt. Các thứ rau, quả đều có sẵn trong vườn. Nhà giàu, có vườn cây ăn quả và cả vườn hoa, nhà nghèo cũng có vài cây lớn như: chanh, bưởi, quýt, cam. Có nhà, những cây dừa sum sê. Loại cây cao làm đẹp cho vườn, là những cây cau cao vút, hầu như nhà nào cũng có. Phía cuối vườn, người ta đặt những cái chuồng nuôi trâu, bò, gà, lơn. Đa số các nhà đều có loại chuồng này. Bao quanh vườn là bốn phía hàng rào, thường được chăm sóc, và người ta gọi đó là những cái giậu. Có rất nhiều bờ giậu đã được đưa vào thơ ca: giậu mùng tơi, giậu chè mạn thảo…

    Nhiều người cứ tưởng người lao động Việt Nam quanh năm lam lũ, chạy ngược chạy xuôi thì chẳng có thời giờ đâu mà quan tâm đến nghệ thuật. Nghĩ thế là lầm, nhà người Việt thường có nhiều hoa, hoa tự nhiên như loại hoa dâm bụt, hoa mười giờ. Đêm đêm, ở nhà nọ hay nhà kia, vẫn thoang thoảng mùi hương hoa nhài, hoa bưởi. Nhiều nhà có sáng kiến rất ngộ mà rất cảm động. Người ta lấy những mảnh sành, mảnh sắt, đồng vụn buộc vào nhiều cái dây, treo lủng lẳng trên cành cây cao. Gió thổi qua cho những mảnh ấy va chạm nhau, thế là phát ra tiếng nhạc, ngày hay đêm đều có thể vang lên. Nhiều nhà, trên vách vẫn còn treo những con diều, chiều chiều các em bé hay các bác nhà nông thường tung diều lên cao. Diều sáo vi vu giữa không trung, thật là vui tai và đẹp mắt.

    Tùy địa phương, cái nhà người Việt có thể biến hóa về cách xây dựng, cách tổ chức. Bà con ở miền núi thướng ở nhà sàn hoặc ở nhà nửa sàn, nửa đất. Nhà ở quanh thành phố Huế được công nhận là đẹp và có sắc thái hơn. Cuối thế kỉ 19, đức ông Tùng Thiện Vương xây dựng khu nhà ở của mình một cách đặc biệt, nhiều nhà quan lại cao cấp không thể so sánh được, dù có tiền tài và uy thế hơn. Tùng Thiện Vương là một nhà văn hóa, ông dựng cái nhà thành một Sở, gọi là Sở tiêu viên. Vườn lớn gọi là Kí thưởng viên. Nơi để sách vở gọi là Mặc vân sào, nơi ngồi dạo nhạc gọi là Cổ cầm đình, Hàm lục hiên là chỗ trồng cúc, Nga pha là chỗ nuôi ngỗng. Bạch hí là nơi ở của các bà vợ, nhà Hạp lí là chỗ nấu cơm cho các gia nhân v.v…

    Trở lại với quan niệm về cái nhà của người Việt. Gần như trong ngôn ngữ dân tộc, khó có thể tìm được chữ gì thắm thiết, sâu sắc, và thiêng liêng như chữ nhà. Có khi ta mượn chữ Hán để nói cho đầy đủ tầm quan trọng. Chữ gia đình thì gia cũng là cái nhà. Chữ gia thất là để chỉ vào cái buồng (thất là tư thất). Gia thất duyên hài là một mĩ từ đẹp do Nguyễn Du sáng tạo ra. Còn chữ gia đường thật là thiêng liêng, cao cả. Người ta nói: ngồi giữa gia đường (Ngồi giữa gia đường của bác, tôi xin. Nói như thế có nghĩa là, câu nói của tôi trịnh trọng, xin được tổ tiên nhà bác chứng giám v.v…). Còn thông thường, chữ nhà là gắn hẳn với người thân của mình. Khi một người giới thiệu vợ hay chồng mình với người khác, người Việt Nam hay nói: Xin phép bác cho nhà em, nhà tôi v.v… Vậy nhà cũng là vợ, là chồng. Nó tượng trưng cho chúng tôi, chúng ta. Có lẽ không một nước nào trên thế giới có cách nói đặc biệt như thế cả.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/2/14
    girasoli thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĂN CƠM VỚI NGƯỜI VIỆT


    Đến nhà người Việt thường được mời ăn cơm hoặc dự tiệc. Con cháu đến với ông, bà, bố, mẹ hoặc ngược lại đều được mời ăn. Khách xa gần đều được mời rất chân thành chứ không khách sáo. Có nhà nghiên cứu nhận định rằng người Việt Nam có tính thích chiêu đãi. Điều này đúng. Nhiều khi, trong nhà không có gì, nhưng chủ nhân vẫn cố tìm cách để mời ăn (có thể vay mượn, thậm chí phải bán đi một thứ tài sản nào đó để mời khách). Bữa cơm chiêu đãi không nhất thiết phải là phải có sơn hào hải vị, mà thậm chí chỉ ớt cay mắm mặn (chữ dùng của nhà thơ Xuân Diệu) là đủ.

    Ngồi ăn chung mâm với người Việt, có thể để ý cách ăn uống của họ. Bao giờ cũng dành cho người già và trẻ con những miếng ngon trước tiên. Người Mường, khi làm thịt con gà để dọn cỗ, người ta dành hai cái đùi gà cho em bé trong nhà,… Khách phải biết ý, đừng vội vàng nhúng đũa vào những món dành riêng ấy. Xới chén cơm không quá đầy, không quá lưng, so đôi đũa để mời người già ăn trước. Chủ nhân ngồi tiếp khách phải vừa ăn vừa xem khách ăn uống thế nào. Thường người ta hay gắp thức ăn lên chén cho khách một cách đều đặn, không dồn dập. Nâng chén rượu lên một cách thong thả, hiền hòa và nói: mời bác đưa cay. Đưa cay là nhắm một miếng ăn nhỏ nào đấy để cho nó hòa với vị nồng của chén rượu (chứ không ai nói bỗ bã: mời bác uống rượu!).

    Dự tiệc, phải rất vui, rất tự nhiên, mà vẫn luôn luôn giữ tư cách nghiêm chỉnh. Các bậc cha mẹ thường dặn con cháu: Đi chạ, cái giá cắn làm đôi! Đi chạ có nghĩa là đi hội, đi ăn tiệc với người làng bên cạnh. Cái giá là cái mầm trắng nứt ra từ hạt đậu xanh, người ta dùng để ăn tươi như rau sống. Ngồi vào mâm, phải gắp từng sợi gí, cắn ra làm đôi, chứ không phải gắp cả miếng to.

    Chủ nhân người Việt tiếp khách ăn, thường tự thân xẻ miếng cá, miếng thịt ra để mời. Trên mâm cơm, có món chưa được chủ đụng đũa, thì khách không bao giờ ăn trước. Chủ còn phải chờ khách dừng đũa, mình là người chấm dứt bữa sau cùng. Mâm cơm người Việt không chia riêng thành khẩu phần, vì vậy khi ăn phải lưu ý. Không ai dùng thìa múc canh húp soàn soạt, húp không hết lại đổ canh thừa vào bát chung. Thật là bất lịch sự. Nên cẩn thận, đừng để đũa rơi xuống đất, hoặc làm đổ nước mắm ra mâm. Ăn, phải ăn cho đẹp.

    Dọn cơm mời khách, chỉ có ông chủ cùng ngồi. Khách có thể mời bà chủ, nhưng bao giờ bà chủ cũng từ chối. Trẻ con trong nhà không bao giờ được ngồi cùng ăn với khách. Điều bất lịch sự nhất là cả khách và chủ chưa ăn, đã có những đứa trẻ thò tay bắt miếng thịt, miếng trứng trên mâm. Trường hợp như thế bị ngầm đánh giá là nhà không biết dạy con.

    Mời khách ăn cơm, cả nhà phải tỏ ra tinh tế, không để vợ con gây tiếng động như khua nồi, khua mâm dưới bếp. Cơm chưa chín không cho khua sáo là như vậy. Và cũng không quát tháo, to tiếng với nhau. Đuổi gia súc cũng phải khẽ khàng. Sách Gia huấn ca dạy những điều này rất cụ thể: đừng đuổi mèo mắng chó mà quê…
     
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CÁCH ĂN UỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT


    Người bình dân Việt nam ăn uống rất đơn giản. Xuất phát từ hoàn cảnh nhân dân ta chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, lương thực chủ yếu của người dân là các thứ ngũ cốc: gạo, ngô, khoai, sắn, đậu. Thức ăn thường là hàng thủy sản, hải sản. Ngày xưa, thịt là món ăn của những gia đình khá giả. Món ăn chủ yếu của người nông dân rất bình dị, song người dân vẫn lấy thế làm tự hào. Cơm với cà là nhà có phúc; Còn ao rau muống, còn đầy chum tương, v.v… chính là phong vị truyền thống của người Việt Nam. Ngay mới đây thôi, cuối thế kỉ thử XX, có nhà thơ đã khái quát:

    Thuận đường, thuộc ngõ, quen sân
    Ớt cay mắm mặn là dân làng rồi

    Nhưng nói như thế không có nghĩa là cách ăn uống của người Việt quá đơn sơ. Thực ra, nhìn vào cách sống, vào các biểu hiện phong tục tập quán, ta có thể nhận thấy khá nhiều nét độc đáo, dồi dào ý triết học và cả nghệ thuật.

    Người Việt thường gắn việc ăn uống của mình với cuộc sống tâm linh. Trong những ngày tết nhất, giỗ chạp, ta thấy rõ điều này. Để cúng các linh hồn đã khuất, bao giờ cũng phải có bát cơn đơm đầy, quả trứng luộc đã bóc vỏ, đặt kế bài vị và bát hương. Nhiều nước trên thế giới không có tục này. Bát cơm quả trứng là để nhớ đến sự sinh sôi nảy nở từ thuở hình thành vũ trụ. Phải có đôi đũa bằng bặn, cắm đứng giữa bát cơm tròn đầy. Sở dĩ như vậy là để tõ rõ được sự viên mãn, sự hoàn mĩ của cuộc sống. Quả trứng chính là con gà, con vật đã có công gọi thần mặt trời về vào buổi khai thiên lập địa. Bát cơm là tượng trưng cho cuộc sống nông nghiệp dồi dào, hoa cốc phong đăng. Tâm lí cội nguồn ở đây quả là sâu sắc.

    Những ngày tết, ngày giỗ lớn, ngày hội, dứt khoát phải có bánh chưng, bánh giầy. Cúng bánh chưng, bánh giầy cũng thuộc về tâm lí cội nguồn. Người dân còn có nếp cúng lễ, đã thành phong tục, nhưng thực phẩm dâng cúng chủ yếu vẫn là hoa quả. Trầu cau sử dụng ở tất cả mọi nghi lễ để tỏ lòng thành kính. Trầu cau là vật thiêng, là biểu tượng cho cái đẹp, cái thiêng, cho sự nồng nàn thủy chung. Mâm ngũ quả cũng mang ý nghĩa ấy.

    Điều đặc biệt chưa làm sao giải đáp được là những món ăn Việt Nam đã được người Việt Nam nấu nướng, mà những người nhà bếp này hầu hết đều là phụ nữ quê mùa. Vậy mà không hiểu vì sao họ lại có trình độ, phải nói là trình độ khoa học khá cao. Một lí thuyết sâu xa như lí thuyết âm dương ngũ hành, không ngờ lại được các bà, các chị vận dụng một cách khá thành thạo và điêu luyện. Họ không giải ra được, nhưng mặc nhiên, họ thấy được những vị cay, chua, mặn, đắng, ngọt là tương ứng với ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, có sự tương hòa, tương khắc. Dân gian có câu hát:

    Con gà cục tác lá chanh
    Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
    Con chó khóc đứng khóc ngồi
    Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

    Họ cũng phân biệt các loại thực phẩm: loại có tính nhiệt như gừng, hành, tỏi, hạt sen, đu đủ, bột mì; loại có tính ôn như gạo, bầu, bí, vừng, đậu đen, khoai lang, v.v…

    Từ đó mà chọn được thức ăn để bồi bổ, loại nào bổ âm, loại nào bổ dương. Chắc rằng những người ngoại quốc sang Việt Nam không biết được tại sao thịt chó phải cần đến mẻ, riềng, rồi lại phải có cả rau húng, rau ngổ, lá mơ tam thể,… tại sao yến sào lại phải dùng que nứa, chứ không được dùng dao, nấu thức ăn gì nên dùng than hay dùng củi,… Người dân Việt mặc nhiên có được những tri thức khoa học, do kinh nghiệm mà tích lũy được. Không biết khoa nấu nướng hiện nay ở nhiều khách sạn lớn trên thế giới có tiếp cận những điều này không, nhưng với phong tục Việt Nam thì đã được hình thành như thế.

    Đó là nói về tìm tòi và phát hiện. Còn về mặt chế biến, khoa ẩm thực Việt Nam cũng đưa đến những thành tựu lạ kì. Chỉ riêng một việc nấu thức ăn, cũng có nhiều kiểu khác nhau như: Nấu, ninh, đồ, ghế, hông, bắc, rang, hầm, chưng, đun, kho, bung, bác, tráng, tần, v.v… và còn nhiều đồ nữa. Cũng là xào nhưng có xào khô, xào giòn, xào lăn hay cũng là tái, nhưng có tái chín, tái lăn. Hình như không có loại thực phẩm nào, dưới bàn tay của người nội trợ Việt Nam mà có tính cách đơn điệu dù là hạng thô nhất, rẻ tiền nhất. Khoai thì có khoai luộc, khoai xéo, khoai khô,… Ngô thì có ngô luộc, ngô nướng, ngô hầm, ngô rang, ngô bung rồi cốm ngô, chè ngô. Một bữa cơm muối như lời kể của Nguyễn Tuân, có đến 12 dĩa: muối riềng, muối sả, muối ớt, muối tiêu, muối đậu phộng, muối sỏi vườn, muối mè v.v… Phong vị trong ăn uống Việt Nam là như vậy đó.


    ...
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    SẮC THÁI ĐỊA PHƯƠNG QUA CÁCH ĂN VÀ NHỮNG MÓN ĂN


    Có một bài phú viết để ca ngợi phong vị đặc sắc của quê hương đất nước Việt Nam, nhìn qua giác độ văn hóa dân gian, để nhắc đến một số hàng thực phẩm Việt Nam nổi tiếng.

    Vào Thu Xà nếm kẹo gương, ra Thái Bình xơi bánh cáy, vị quê hương hay thật là hay.
    Đến Mường Bi ăn canh đắng, lên bản Vược chén khô nai, mùi dân tộc khoái ơi là khoái.

    Chúng ta có thể nói rằng, đất nước Việt Nam quả thực dồi dào về thực phẩm. Địa phương nào cũng có sản vật riêng, chứng minh cái độc đáo của mình và cho thấy sắc thái địa phương qua những món ăn rất đậm đà, phong phú, không thể kể được hết, xin điểm qua phong vị của một vài địa phương.


    Hương vị Hà thành

    Nói vị là nói đến món ăn, nói phong là chỉ vào phong tục. Hà Nội là nơi hội tụ, hội tụ cả những cái ngày xưa và cái hôm nay. Riêng về các món ăn, Hà Nội có 36 phố phường thì có khá nhiều thức ăn của mọi vùng mọi xứ, một khi về đến thủ đô lại thấy có vẻ ngon lành hơn, hào hoa hơn. Rất nhiều món ăn bình thường, quen thuộc với nhiều nơi, không biết vì sao về đến Hà Nội lại dồi dào ý vị như: bún chả, bún ốc, v.v… Nhất là phở. Phở có ở nhiều tỉnh, nhưng có lẽ chỉ có phở Hà Nội là tiêu biểu hơn cả. Nhiều nhà văn Việt Nam ca ngợi phở trong tác phẩm của mình, nhất là Nguyễn Tuân, rồi Thạch Lam, Vũ Bằng, nhà thơ Tú Mỡ cũng có bài phú rất hay về phở (Phở Đức Tụng). Món phở này đã được giới thiệu ra nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và đều được ca ngợi. Món ăn riêng, chỉ có ở Hà Nội là các loại bún thang, bún cuốn, rồi cốm Vòng, v.v… phương ngân Hà Nội đã ghi lại khá nhiều. Không kể những thành ngữ ngày càng phong phú để chỉ vào các cửa hàng nội đô như: chả cá Lã Vọng, bánh khoái Tây Hồ. Có nhiều câu giới thiệu đặc sản từng làng xóm quan Hà Nội được nhiều người nhớ:

    Khoai lang Triều Khúc, bánh đúc Đơ Bùi
    Bánh cuốn Thanh Trì, bánh giò Quán Gánh
    Giò Chèm, nem Vẽ, chuối Xù
    Tương Nhật Tảo, đào Nhật Tân v.v…


    Phong vị xứ Nghệ

    Có lẽ tính chất phong tục, ý vị riêng tây trong lĩnh vực ẩm thực của xứ Nghệ là rõ nét nhất, so với nhiều nơi. Người dân Nghệ Tĩnh rất quen lối chặt to kho mặn, họ có những thứ thực phẩm riêng, không gặp được ở nơi nào, toàn là những món ăn chân chất, thô sơ, mộc mạc. Nào măng chua, nước chát, nào khoai lang chạc, nước chè trâm, rồi thì cá lẹp kẹp, rau mưng, bún giá cá ruốc, bình dị tầm thường chẳng có gì là cao cấp cả, nhưng nét riêng của phong tục thì rõ ràng. Ngay cả cái tên gọi, phát âm theo giọng Nghệ, khiến cho người nghe cũng có lúc ngạc nhiên, khó hiểu.

    Trong cách chế biến, nấu nướng, người xứ Nghệ cũng rất đơn giản, không thiên về cách cầu kì. Nhưng họ vẫn hiểu các loại thực phẩm, và biết cách nấu, cách gia giảm thế nào để nâng cao chất lượng: cá đồng thì nấu khế, cá bễ thì nấu dưa, cá bống kho tiêu, cá thiều kho mỡ là như vậy. Ngay khi ăn uống, người dân thường có cách ăn mạnh mẽ, táo bạo, đôi khi như là quyết liệt: Bánh đúc thì phải bẻ ba, cá trích phải cắn ngang, tôm canh phải quẹt ngược… Ăn như thế mới thực là khoái. Rất khoái với những món ăn quê hương, thật thà, đơn sơ nhưng không kém phần thi vị. Hãy nghe người dân đắc ý.

    Bồng bồng nấu với tép kho
    Dẫu chết xuống mồ cũng dậy mà ăn.

    Hay:
    Cá rô Bầu Nón kho với nước tương Nam Đàn
    Gạo tháng mười cơm mới, đánh tràn không biết no.

    Nhưng có điều rõ rệt nhất là người xứ Nghệ rất dồi dào tình cảm trong vấn đề ẩm thực, họ rất tự hào với những sản vật quê hương mình:

    Quê ta ngọt mía Nam Đàn
    Bùi khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài.

    Và ngay trong khi ăn uống, người Nghệ Tĩnh vẫn có nghĩa tình: Cái ăn của họ là cái ăn chan chứa yêu thương. Quả cà chua, dân Nghệ gọi là cà kiu, có gì cao giá lắm đâu, nhưng canh cà chua thì thật nhiều thương nhớ:

    Nồi giấm mà nấu cà kiu
    Anh ăn mát ruột, chín chiều thương em.

    Bát nước chè xanh đêm đêm bày trên chiếc chiếu trải dưới đất hay trên những chiếc chõng tre, để cho cả xóm đến quây quần nhấm nháp. Những đọi nước (bát nước) ấy là cả nghĩa tình:

    Chè ngon, nước chát xin mời
    Nước no, non nước, nghĩa người chớ quên.


    Nghệ thuật ẩm thực Huế

    Các món ăn ở Huế có một phong vị riêng, đặc biệt gây cảm giác nghệ thuật cho người ăn, ngay ở những món ăn bình dị, phổ thông nhất. Sự tinh tế, khéo léo là một đặc trưng nổi bật của nghệ thuật nấu ăn Huế. Phụ nữ Huế biết làm cho món ăn mình nấu đẹp về hình thức, thơm về mùi vị, ngon về khẩu vị. Hầu hết các món ăn Huế là sản phẩm của sự pha chế tổng hợp từ nhiều lọai rau quả, gia vị, các loại thủy, hải sản, các loại thịt… Món ăn ngon của người Huế phải đạt đủ ba tiêu chuẩn: bổ, thơm, đẹp. Nghệ thuật sử dụng gia vị trong việc chế biến món ăn khá tinh tế. Tiếp đó, còn là nghệ thuật bày biện món ăn. Nhiều người cho rằng, mâm cơm Huế là cả một bức tranh nhiều màu sắc.

    Vào đất Huế, du khách cũng thường tim đến các món ăn đặc sản như bánh khoái Thượng Tứ, bánh lọc Chi Lăng, bánh bèo Ngự Bình, bún bò An Cự, cơm hến Đông Ba v.v… Có lẽ món ăn nổi tiếng được phổ biến rộng rãi trong cả nước được nhiều địa phương bắt chước là món bún bò Huế. Đến Sài Gòn, Hà Nội, hay bất cứ một nơi nào, muốn nhớ đến phong vị Huế, thì đi tìm ăn bún bò giò heo là có thể phần nào thỏa mãn. Cái hay của Huế là Huế cũng có một số thực phẩm riêng đã được đúc kết về phương pháp chế biến. Thí dụ, món ăn người ta gọi là món tré. Nó cũng là một loại mắm, gần giống như mắm tôm, ruốc, song là món ăn tổng hợp đặc biệt. Đã có thơ chỉ rõ cách chế biến món ăn này:

    Thịt này làm tré phải ra da
    Tỏi cựu, gừng non, xắt xổi ra
    Thính, muối, mè đường, đều trộn bóng
    Gói bằng là ổi, bỏ tranh tra.

    Hình như phong cách sinh hoạt của con người cũng góp phần thế nào đó, làm cho người ta thấy món ăn này hay món ăn kia có chất Huế rất rõ ràng, mà không thể nào cắt nghĩa được. Nhà thơ nam Trân đã tả về người phụ nữ đi bán hàng rong:

    Hai tay xách hai vịm
    Một vài mụ le te
    Tiếng non rao lảnh lót
    Chốc chốc: Ai ăn chè!
    Thật không thể nào Huế hơn được nữa!


    Món lạ miền Nam

    Món ăn miền Nam rất phong phú. Tính từ xứ Quảng vào đến mũi Cà Mau, có rất nhiều thực phẩm quý, nhiều món ăn đặc sắc. ta không kể đến những món ăn thông thường gặp ờ cả miền Trung, miền Bắc, cũng không nói đến các loại thực phẩm của nhiều nhà hàng ngoại quốc, nhất là Hoa kiều, rất phổ biến. Có thứ được gia giảm, rồi mang tính cách mới, lại được đặt thành tên riêng như hủ tiếu, v.v… Đáng chú ý hơn là ở vùng Nam Bộ có nhiều món ăn rất lạ. Nhà văn Vũ Bằng vốn ở Hà Nội, vào sống ở miền Nam từ sau 1954, đã viết cuốn sách Miếng lạ miền Nam kể ra nhiều món ăn lạ.

    Canh rùa, cháo cóc, chuột thịt, dơi huyết, khô bò, kiến, đuông, tóp mỡ xào ngào đường v.v…

    Xin trích một đoạn văn của ông để ta có được cảm tưởng chung qua sự thưởng thức và thiết tha của tác giả đới với đất nước quê hương Nam Bộ:

    … “Ăn cháo cóc, nhậu nhẹt đuông chiên, nhắm món dơi xào lăn với bánh mì, ăn ve con lăn bột, nhắm nấm chàm… rồi tráng miệng bằng một li chè rùa hay một ché mủ trôm… Thoạt mới nghe mấy mà du khách không phải cho là lạ hoắc, kì cục hay ớn quá.

    Nhưng có thưởng thức đủ cả những món lạ đó của miền Nam, người ta mới thật nhận thức được đất của miền Nam nước Việt phong phú biết chừng nào, người miền Nam nước Việt hồn nhiên biết chừng nào, và miếng lạ của miền Nam nước Việt lạ biết chừng nào…”
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/3/14
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    VÀO NHÀ NGƯỜI VIỆT


    Nhà người Việt ở vùng quê, những gia đình có cuộc sống trung bình – thường có vườn, có cửa ra vào. Từ cửa vào đến nhà phải qua một con đường nhỏ chừng 5 đến 7 mét, tiếp ngay với cái sân ở trước nhà. Đứng ngoài cửa hay bước vào sân, nên có cách gây tiếng động (hoặc tiếng chào) để báo hiệu cho chủ nhà biết. Nguyên tắc tiếp xúc đầu tiên là: Thượng đường thanh tất dương, nghĩa là vào nhà phải nói cao giọng, phải đánh tiếng ngay. Chủ nhà sẽ tự thân hoặc cho người nhà ra đón, cất xe, cất nón cho khách, giữ cho con chó không được sủa ồn ào. Đó là cử chỉ đầu tiên để tỏ tinh thần trọng khách. Chủ nhà luôn luôn tươi cười, niềm nở, dù lạ hay quen. Cả những quan chức đến nhà, cũng tiếp đón như thế.


    Cơi trầu, chén nước

    Việc đón khách đầu tiên là đưa ra một cơi trầu. Ngày nay ít người ăn trầu, nhưng phải biết rằng đó là một truyền thống trong phép ứng xử của người Việt Nam. Trầu cau là tiêu biểu cho đạo đức Việt Nam (có chuyện cổ tích chứng minh miếng trầu là cả một mối tình thủy chung, sự thắm thiết keo sơn). Ngày lễ, ngày giỗ, đám cưới, đám tang, đều phải có trầu. Khách đến chơi nhà, đưa gói thuốc, mở chai bia, bày bánh kẹo, mới chỉ là làm vui, làm thân, chứ chưa làm được cái ý trọng khách. Cạnh cơi trầu, còn có cái điếu, nhà sang thì điếu bát, điếu khảm, còn đại đa số là cái điếu cày.

    Cùng với cơi trầu, còn có tục rót nước mời khách. Nước phải là nước chè, không rót nước lạnh hay nước lã đun sôi (ngày nay thì khác). Chén nước cũng có ý nghĩa thiêng liêng. Người dân Việt khi làm lễ tổ tiên cũng có chén nước (hay bát nước) đặt lên ban thờ. Sau đó mới đưa rượu ra, nếu gia đình sẵn rượu.


    Chỗ ngồi của khách

    Có khách vào nhà, chủ nhân thường mời khách ngồi ở vị trí trang trọng nhất. Nếu là người cao tuổi, người có vị trí cao trong xã hội thì được mời ngồi trên. Các khách khác đều ngồi phía bên trái (khi đứng ngoài nhìn vào), còn chủ nhà thì ngồi bên phải hoặc ngồi cuối cùng để thù tiếp. Nếu có đông khách, khách phải nhìn nhau, từng người tự xếp lấy chỗ ngồi của mình. Có văn hóa hay kém văn hóa còn là ở chỗ tự thu xếp này. Trong Hồi kí của ông Vũ Đình Hòe (cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp) có đoạn kể rằng có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các cụ già Hà Nội, trong đó có cụ thân sinh ra ông Hòe, Hồ Chủ tịch hỏi chuyện rồi nói với ông:

    Cụ hơn hẳn tôi một giáp, cụ là bậc anh của tôi. Xin mời cụ ngồi lên trên.

    Câu chuyện này đủ nói với chúng ta về sự ứng xử văn hóa của Bác Hồ, và đó cũng là sự ứng xử văn hóa của người Việt nam.

    *​

    Vào nhà người Việt, còn có một điều nữa cũng nên lưu ý là nên kịp thời quan sát nên để ý xem ban thờ chủ nhà đặt ở đâu,, khách không nên quay lưng lại nơi người ta thờ tự. Trong khi chuyện trò, người Việt thường có câu: ngồi giữa gia đường (không phải gia đình) bác, tôi xin thưa rằng, v.v… Dòng chữ gia đường là tỏ ra có phép tắc, tôn trọng (ngụ ý: xin được các tổ tiên nhà bác chứng giám, v.v…). Không được mời thì không tự tiện vào nhà trong, vào hậu đường. Cũng cần nhìn qua để biết quang cảnh nhà cửa, vườn tược cho có khái niệm về tình hình gia chủ mà trò chuyện cho thích hợp.

    Người Việt còn quan tâm đến cả sự ra vào sao cho có lịch sự, có văn hóa. Khi khách vào nhà thì chủ đi trước, khách đi theo chủ (tiền chủ hậu khách). Chủ nhà đi trước để dẫn đường, và để gạt bỏ những trở ngại có thể xảy ra (mèo chó, bậc cửa cao, thấp, v.v…) Khi khách ra về thì khách đi trước, chủ đi sau để tiễn, nếu chủ đi trước thì khác nào lôi khách ra khỏi nhà mình (tiền khách hậu chủ). Phép lịch sự của người Việt tinh tế là vậy.
     
  6. nhan van

    nhan van Lớp 7

    tducchau có nhiều tư liệu hay quá :)
    hy vọng anh post bài thường xuyên, để em còn được đọc ké nhiều nhiều :p
     
    Last edited by a moderator: 11/4/14
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    SỰ TÔN TRỌNG TẬP TỤC CỦA NGƯỜI VIỆT


    Cũng như nhiều dân tộc khác, người Việt có những tập tục riêng, bản thân phải tôn trọng, và cũng muốn người khác phải tôn trọng để tránh phật lòng. Sau đây là một số tục lệ phổ biến.


    Người Việt rất tôn trọng tổ tiên, kính mộ người đã khuất. Người đã khuất là phải để yên (đúng như một thành ngữ của người Pháp: Paix au morts (yên lành cho người chết). Cái yên này còn thể hiện ở một điều kiêng kị: Không được nhắc đến tên ông bà, cha mẹ, nhất là tên tục của người đã khuất. Khi cần phải nhắc đến thì có cách phát âm khác đi một chút. Thí dụ, ông bố tên là Minh, thì hai chữ văn minh phải đọc là văn miêng. Chữ Hán có câu nhập gia vấn húy, nghĩa là vào nhà ai phải hỏi họ, có kiêng tên húy nào không.


    Người Việt thường giận những người hay nhại tiếng nói vùng quê của mình, hoặc dè bỉu cái làng của họ. Tiếng nói ở các vùng nước ta thường khác nhau trong cách phát âm. Ngay hai làng ở cạnh nhau, giọng nói nghe cũng khác. Nhại tiếng nói là hàm ý chê bai nặng nề, người Việt ta có câu: Chửi cha không bằng pha tiếng. Làng quê và nơi chôn rau cắt rốn, dù nó nghèo nàn, lạc hậu, lam lũ, người ta vẫn quý, vẫn yêu nó. Đừng nên xâm phạm vào sự thiêng liêng ấy.


    Ở nông thôn, những tán tích của xã hội cũ còn rơi rớt nhiều. Có những thứ phải bãi bỏ, khắc phục, nhưng còn những thứ dai dẳng, còn gắn với đời sống tâm linh của con người. Ấy là những hèm tục, những tín ngưỡng cổ sơ. Cứ để lẳng lặng như vậy mà tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng nên xâm phạm vào đấy. Ngay trong sinh hoạt bình thường, nhiều khi cũng có những kỉ luật riêng. Chẳng hạn, một số hộ miền núi thường không ăn thịt con vật này, con vật khác. Đôi khi họ còn muốn tránh không nhắc đến một tiếng nói nào mà người ta cho là bị xúc phạm. Thí dụ, khi vào nhà người Dao, phải biết tôn trọng con chó (không ăn thịt). Vào nhà người Khơ Mú, phải tránh nói đến chữ . Nói chữ phố xá, phải tránh đi, mà phải gọi là phố đường, v.v… Câu nói: đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục là một phép ứng xử thông minh và cũng là điều bắt buộc. Đi thuyền phải lựa theo khúc sông rộng hẹp, đến nhà người ta phải biết cái lệ của gia đình ấy thế nào. Không biết điều đó, thì làm sao có thể tự nhận là có văn hóa!
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/3/14
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRANG PHỤC VÀ TÌNH NGƯỜI – NÉT RIÊNG CỦA PHONG TỤC VIỆT NAM


    Rất ít những đồ dùng trong sinh hoạt của con người mà gắn bó tha thiết và dồi dào tình nghĩa như tấm khăn, chiếc áo Việt Nam. Bản chất của ứng xử văn hóa trong trang phục Việt Nam là cái tình, cái nghĩa. Chiếc khăn lau miệng, lau tay (mou choir) hoặc khăn đôi (turban) có nhiều ý thân thương như đã được diễn tả trong nhiều tác phẩm của thế giới, song với văn chương Việt Nam thì nó đã được nhân cách hóa cao độ. Khăn là sự thể hiện tình cảm, là sự nhớ thương:
    Khăn thương nhớ ai
    Khăn rơi xuống đất
    Khăn thương nhớ ai
    Khăn vắt lên vai, v.v…

    Còn chiếc áo thì tình nghĩa lại biến hóa hơn nhiều. Áo tiêu biểu cho niềm vui. Bố mẹ già thì mừng áo thọ, trẻ em thì mừng áo mớ (già được bát canh, trẻ được manh áo mới). Chiếc áo là hiện vật của tình yêu từ buổi đầu gặp gỡ (Em được thì cho anh xin / Hay là em để làm tin trong nhà), cho đến lúc nhớ nhung (Yêu nhau cởi áo cho nhau), đến những ngày vui vầy hạnh phúc (Khi đắp áo ngắn, khi chung áo dài). Cái áo hiện diện trong những phút giây lịch sử (có hoàng bào khoác lên vai người để giao phó nhiệm vụ trọng đại, áo võ tướng đổi cho người lãnh tụ để nhận cái chết về mình, áo của người chiến sĩ cách mạng để lại cho người đồng chí (Chết còn trút áo cho nhau / Bát cơm dành để người sau ấm lòng). Những Dương Vân Nga, Lê Lai, Lưu Chí Hiếu, v.v… đều sáng danh trong lịch sử. Còn những chuyện may áo trấn thủ gửi cho binh sĩ ở chốn sa trường, giúp quần áo, chăn màn cho người dân vùng bão lụt: liệu chăn kẻ rét, lo cơm người nghèo… ở Việt Nam là chuyện bình thường, thường trực.


    Trong tấm áo, hình như có một sự linh thiêng huyền bí nào đó, nên ở nhiều trường hợp, nhiều người dân, cả miền ngược, miền xuôi đã dùng chiếc áo hơ trên ngọn lửa, rang trên cái chảo để làm động tác gọi hồn. Áo còn có thể thành áo tàng hình để cho con người có áo trở nên linh thiêng, bí ẩn. Truyện Dương Tự Minh đời Lí, không ai lạ.


    Màu áo, trên thế giới còn là một hiện tượng đặc biệt, thường gắn với nhiều nhân vật tên tuổi. Hitler ở Đức được gọi là nhà độc tài áo nâu, Mussolini ở Ý được gọi là nhà độc tài áo đen. Màu đen này cũng là màu đen của con rồng Hắc Long ở Nhật Bản với cô gái quyền uy bí ẩn có tên là Phương Lan Cao Trường v.v… Nhưng ở Việt Nam, những màu áo như vậy không được người dân ta chú ý lắm. Chúng ta trân trọng cái áo nâu của người tu hành. Ta cũng ưa màu trắng, màu của sự giản dị và trinh bạch…


    Cũng về câu chuyện trang phục, ở Việt Nam còn có một thứ áo nữa, có lẽ cũng hiếm thấy trên thế gian này. Kiểu áo này dễ nhắc lại cho ta nhớ về văn hóa nông nghiệp Việt Nam, cả trên ruộng đồng và đồi núi. Cái áo tơi rất quen thuộc với nông dân ta. Áo được làm bẳng lá dừa, lá cọ khâu lại với nhau, thành hình một chiếc áo choàng, có thể che kín người từ cổ đến chân. Mặc áo này vào, trông con người như cả một đống lá to sù, mưa bão đến đâu cũng không làm ướt được quần áo và dụng cụ cầm tay. Ngồi thu lu trong áo tơi, ở góc rừng, có thể nghiễm nhiên chờ cho hổ báo đi qua. Thời kì kháng chiến chống Pháp, các chiến sĩ giao liên, các cán bộ đi hội họp đã thường xuyên dùng chiếc áo tơi này. Bà vợ lẽ Đội Quyên, đầu thế kỉ XX, đã dùng áo tơi để che mắt địch. Quân khởi nghĩa đã gọi bà bằng một biệt hiệu: cô Tơi (cô gái áo tơi) mà sách vở thì gọi là Ngưu y nữ (ngưu y là chiếc áo chăn trâu). Áo tơi cũng đi vào văn chương. Nguyễn Công Trứ có lẽ đã dùng áo tơi nhiều lần, mà vẫn còn mơ ước một cách sâu sắc: Áo tơi Nghiêm tử một vai cày. Giờ đây, ta có nhiều kiểu áo che mưa, có ni lông, có vải bạt, có lẽ cũng không nên quên cái áo tơi đã từng là một sản phẩm văn hóa dân tộc.
     
  9. dangky_88

    dangky_88 Mầm non

    Cảm ơn bác đã chia sẻ,đây là bài của bác ạ ?

    Em thấy câu "lấy vợ đàn bà,làm nhà hướng Nam", ngoài ra còn có câu "lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam", câu nào cũng thấy hay cả :D
     
    Last edited by a moderator: 11/4/14
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    @ dangky_88!
    Cám ơn bạn đã quan tâm! Hai câu bạn dẫn quả thực đều 'thấy hay' cả! :)! Tuy nhiên, về góc độ ngữ nghĩa (theo các cụ!) thì... "Lấy vợ... đàn bà..." có thâm thúy và ý vị hơn "Lấy vợ ... hiền hòa..." 'một chút' đó! :)! ... Bạn thử ngẫm thêm 'một chút' đi... :)!...

    Trân trọng!
    tducchau,
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/4/14
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    TRANG PHỤC CỦA NGƯỜI VIỆT



    Mỗi tầng lớp xã hội, mỗi hoàn cảnh sinh hoạt ở Việt Nam, người dân quan niệm và thực hiện theo một kiểu mặc khác nhau, người ta phân biệt nhiều kiểu.

    Mặc quần áo bình thường trong cuộc sống hàng ngày, hoặc trong lúc làm việc, người ta gọi là mặc thường phục.

    Đi dự hội hè, tế lễ: Các vị quan vào triều, dân chúng đến đình chùa, lễ bái, phải mặc loại quần riêng, gọi là lễ phục.

    Các quan ngày xưa, ai có vị trí, chức vụ, phẩm hàm như thế nào , thì mặc những loại áo thích hợp (có ông mặc áo màu xanh, có ông màu tím, v.v…), gọi là phẩm phục.

    Những ông quan võ phải mặc các loại áo giáp, nai nịt gọn gàng, gọi là nhung phục. Học sinh khi đọc sách Chinh Phụ ngâm, có câu: Áo nhung trao quan võ từ đây, cứ tưởng áo nhung là loại áo nhung lụa. Chữ nhung này có nghĩa là binh khí. Nhung y là áo mặc ra trận. Nhung phục cũng có nghĩa như quân phục.

    Con cháu khi có ông bà cha mẹ qua đời thì phải mặc áo để chịu tang, gọi là tang phục. Áo của những người con để tang cha mẹ còn gọi là hiếu phục.

    Người Việt Nam còn có cách nói để qua đó có thể nhận ra được sự đánh giá con người. Thí dụ:

    Nói đến những kẻ mũ cao áo rộng (áo dài) là chỉ các quan lại.

    Nói đến những bạn áo ngắn là chỉ những người lao động.

    Nói đến những người yếm thắm là chỉ phụ nữ (thường là phụ nữ đẹp).

    Nói đến sửa túi nâng khăn là nói đến những người vợ tốt.

    Nói cân quắc anh hùng là chỉ những phụ nữ tài giỏi, những nữ anh hùng (cân quắc là cái khăn, cái yếm).

    Dùng trang phục là một biểu hiện của ứng xử văn hóa và là nét phong tục đẹp.

    Ở Việt Nam, trang phục nhằm giới thiệu con người về tư cách, về phong thái rất rõ rệt. Ở trong nhà, có thể ăn mặc bình thường, nhưng một khi đi ra đường thì phải mặc thế nào cho đúng với con người (tầng lớp, địa vị, lứa tuổi, hoàn cảnh của mình). Thời gian đã tạo sự cố định hóa thể thức trang phục, đến mức giờ đây, chỉ nhìn cách ăn mặc là đã có thể có khái niệm về con người.



    Khăn đóng áo dài


    Đã được xem là một thứ quốc phục Việt Nam. Người nước ngoài lần đầu tiên thấy kiểu ăn mặc này đã phải nhận xét là ăn mặc như vậy làm cho “con người có một vẻ bề ngoài đáng kính hơn dân tộc khác ở phương Đông” (*)

    Lúc đầu, chiếc khăn là một mảnh vải dài, màu đen, bằng nhiễu hay lụa, xếp thành vòng tròn thành lớp gợn sóng quanh đầu. Sau đó, khăn được làm thành một cái vành mũ 5 lớp. đóng chặt, khi dùng chỉ cần đặt lên đầu (chưa đóng chặt thì gọi là khăn xếp).

    Áo dài là áo năm thân, xẻ tà, kín từ cổ đến quá đầu gối, phía trước, sau đều bằng phẳng, che kín ngực và lưng, trông có vẻ đài các, chững chạc.

    Đi đôi với khăn đóng áo dài là chiếc quần trắng cũng bằng vài (chúc bâu, cát bá) hoặc có khi bằng lụa. Bộ quần áo này suốt bao thế kỉ đã là quốc phục của nam giới người Việt. Đi họp, đi lễ, đi việc làng, việc xã v.v… thậm chí cả học sinh ngày xưa (thời phong kiến và thời Pháp thuộc) đều dùng lối trang phục này. Tầng lớp sử dụng nhiều và thường xuyên nhất trang phục này là nho sĩ. Ngày nay, không còn dùng nữa.

    Mở rộng kiểu ăn mặc theo lối khăn đóng áo dài, người Việt Nam còn có loại áo thụng. Loại áo này xưa dành riêng cho các quan lại có thể có nhiều màu sắc. Áo dài quá bắp chân, tay áo rất rộng, mỗi khi cử động thì tà áo (cả tay và thân) xòe ra xùm xòa. Hiện tại, kiểu áo này chỉ dùng cho các cuộc tế lễ, hội hè. Những vị chủ tế, bồi tế chấp sự mới đóng bộ thụng này. Trên các sân khấu tuồng chèo, kiểu áo này cũng phổ biến.

    Những kiểu áo thụng may bằng gấm vóc, cũng được đặt tên cho thích hợp với các quan chức, các buổi lễ, người ta gọi đó là áo bào:

    Cẩm bào: là áo màu vàng, dành cho nhà vua.

    Hoàng bào: áo có thêu rồng, cũng dành cho nhà vua.

    Long bào: áo có thêu rồng, cũng dành cho nhà vua.

    Áo bào của các quan, phía trước và sau lưng áo, có thể dính thêm mảnh vải vuông có màu sắc, hình vẽ riêng, để biểu hiện chức sắc của người mặc áo.



    Giày và hài


    Kèm theo với áo dài, khăn đóng, áo bào, người Việt thường đi guốc, sang trọng hơn thì đi giày. Ta không có các loại giày cao cổ, giày dôn (*) như kiểu phương tây. Vào các cuộc lễ ở triều đình hay hội hè, người ta đi hia; phụ nữ thì đi hài.

    Có nhiều kiểu hài (giày) thích hợp với quan lại hoặc nho sĩ. Hài văn lần bước dặm xanh (Truyện Kiều). Hài văn là giày của nhà nho, nhà văn. Từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX, người Hoa kiều đóng những đôi giày rất được ưa chuộng. Dựa theo hình dáng, có những kiểu như giày hàm ếch, giày mã vĩ (đuôi ngựa). Thông thường, loại giày phía trước là lớp da đen, che kín nửa bàn chân, phía sau để trống như các loại dép. Người ta gôi là giày hạ (thực ra là giày theo kiểu thợ Hạ Châu ở Trung Quốc) hay giày Gia Định (vì sản xuất ở Sài Gòn – Gia Định). Tú Xương cũng đã nhắc đến loại giày này trong buổi giao thời này:

    Thói nhà phong vận: áo hàng Tàu…
    Bít tất tơ, giầy Gia Định bóng…



    Áo phụ nữ


    Phụ nữ Việt Nam khi đi ra ngoài, trang phục bình thường thì có: Khăn đen áo cánh là trang phục quen thuộc. Áo cánh nâu non, khăn vải chít đầu làm nên cái duyên dáng, chững chạc của các chị. Khăn vấn quanh đầu có thể bằng vải, hay bằng nhung lục (khăn nhung). Còn có cái khăn vuông đen trùm kín cả đầu, chỉ chừa khuôn mặt. Nút khăn thắt dưới cằm, nhưng phía trên trán thì xếp cho thành đầu nhọn giống hình tam giác, thường gọi là khăn vuông mỏ quạ.

    Phụ nữ Việt Nam xưa, thường mặc áo dài, được gọi là áo năm thân. Có thể là áo lụa, áo nhiễu, nhưng thường là áo vải Đồng Lầm (Đồng Lầm là một vùng sản xuất loại vải nâu nhẹ, tiện cho việc may các áo dài). Phụ nữ những nhà giàu có hoặc trong dịp cưới hỏi, có thể mặc nhiều lớp áo, có màu sắc khác nhau, gọi là áo mớ ba mớ bảy. Trường hợp có những áo năm thân mà chỉ ngắn đến bụng, bớt đi một tà trong cùng thì gọi là áo tứ thân, Khi không tiện may áo mới, phụ nữ Việt Nam thường sửa áo dài cũ bằng cách thay vải. Thay phía thân trên, thành áo có hai màu, gọi là áo thay vai. Ở miền Nam, người ta lại vá, nên gọi là áo vá quàng.

    Có thể lấy mấy câu thơ của Đoàn Văn Cừ để thấy rõ hơn cái đẹp của trang phục phụ nữ Việt Nam bình dị:

    Người cô dâu hôm nay, coi choáng lộn
    Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao
    Các bạn cô bằng tuổi cũng xinh sao
    Hai má thắm ngây thơ nhìn trời biếc
    Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
    Áo Đồng Lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh…

    (Đám cưới mùa xuân)​

    Những thứ trang phục trở thành hình ảnh đẹp trong truyền thống Việt Nam.



    Chiếc yếm


    Chiếc yếm có lẽ là một loại sản phẩm độc đáo. Đó là một vuông vải che kín ngực. Vải có thể là màu xanh, hồng nếu là yếm trẻ con, là màu điều cho phụ nữ và các bà già. Các cô thường hay mặc yếm trắng. Yếm với khăn là tiêu biểu cho giới nữ. Văn học thường dung chữ phường khăn yếm để chỉ các cô, các bà.

    Một thời gian dài, người ta sản xuất thứ vải trắng dệt những chấm hoa vải, gọi là hoa hạt tiêu. Yếm hoa hạt tiêu là rất phổ biến với các cô gái lịch sự. Cổ yếm thường viền, có giải thắt quấn quanh cổ. Phía dưới, sát hông là hai mảnh vải, dùng màu trắng khác với màu trắng của yếm, khá dài để có thể thắt vành phía sau lưng, và buộc nút ở bụng. Cả bốn giải (cũng gọi là quai) trên cổ và trên bụng như vậy được gọi là giải yếm. Giải yếm đã được đưa vào văn chương. Những mối tình gắn bó nam nữ, thường hay ví von với hình tượng: bắc cầu giải yếm… Có khi chiếc giải yếm được gắn cho một sức mạnh diệu ki:

    Thuyền anh đã cạn lên đây
    Mượn đôi giải yếm làm dây kéo thuyền.



    Chiếc thắt lưng


    Chiếc thắt lưng thường là một mảnh vải dài, hoặc bằng tơ gốc, dệt rất mịn, thông dụng cho phụ nữ nông thôn, gọi là thắt lưng, sồi xe (sồi là sợi tơ gốc, thô, nhưng đẹp và bền). Nếu bằng lụa, thì phải là lụa hồng hay lụa xanh. Mặc áo, yếm và quần chỉnh tề rồi phải bao ra ngoài nột chiếc thắt lưng nữa, vừa để giữ chặt cái quần cái yếm (cũng đã buộc chặt lắm rồi), vừa để trang trí. Thắt lưng phải là lụa hồng, lụa xanh (có khi là lụa trắng). Nút thắt ở trước bụng, nửa kín, nửa hờ (vì đã có tà áo dài che bên ngoài). Hai múi thắt lưng có múi dài múi ngắn, rất dễ tung bay khi đi lại hoặc khi gió thổi. Có người làm thắt lưng theo kiểu thắt lưng bao để có thể đựng tiền vào đó. Chiếc thắt lưng từng là cái cớ cho bao nhiêu cuộc ướm hỏi, nhắn nhe. Hỡi cô mà thắt lưng xanh… là như vậy.



    Chiếc nón Việt Nam


    Chiếc nón Việt Nam rất xứng đáng cho một chuyên đề nghiên cứu dân tộc học, văn học và mĩ học. Nó là dùng chung cho cả nam và nữ nhưng đã được biến hóa thành nhiều hình thức, kiểu cách.

    Nam giới, người sang trọng đội nón dứa (đối với nam giới ngày xưa, áo sa nón dứa là rất quý phái). Có nón lá, nón mây của người lao động, có nón cau của người làm nghề đánh cá ngoài biển khơi. Những người lính phải đội nón chóp, nón dấu. Những cái nón xấu xí của người nghèo khó thì gọi là nón mê. Người ta phát hiện ra bảy công dụng của cái nón: che nắng, mưa, chắn gió, làm quạt, làm đồ đựng thức ăn, dùng để lóng lấy nước sạch mà uống, làm dâu hiệu cho hình nhân bù nhìn và làm đồ trang sức, dụng cụ để múa… Có câu thành ngữ chứng tỏ cái nón rất gắn bó với đời sống người lao động: đi nón sấp (đội nón trên đầu), về nón ngửa (để ngửa nón ra) đựng các thứ gạo, rau, cá, mắm,… kiếm được sau một ngày lao động.

    Riêng với phụ nữ, đặc biệt với người con gái đẹp, nón là thứ đồ trang sức đặc biệt. Có nón ba tầm, nón thúng quai thao, nón bài thơ, v.v… Khuôn mặt đẹp, ẩn dưới nón bài thơ, là cả một mĩ phẩm tuyệt vời… Cả nước nhiều nơi làm nón nổi tiếng nhưng có lẽ nón Huế được chú ý hơn. Công chúa đội nón đẹp hơn là đội mũ ngọc mũ vàng… Chẳng thế mà đã có câu thơ:

    Một hàng tôn nữ cười trong nón
    Sông mở lòng ra, đón bóng yêu.


    *​


    Sang thế kỉ XX, trang phục trên đây vẫn còn tồn tại, nhưng không được thịnh hành nữa. Nam giới chủ yếu là mặc âu phục. Quần áo phụ nữ cũng thay đổi, và có lẽ chiếc áo dài thường gọi là áo tân thời được hoan nghênh nhất. Không theo kiểu mớ bẩy mớ ba, mà áo tân thời được may bằng những thứ lụa nhiều màu sắc. Vẫn còn các thân trước, thân sau, che kín cổ, kéo dài đến gót chân, có đôi giày cao đỡ đôi chân, áo dài này vừa đẹp, vừa gọn mà giữ được vẻ thướt tha diễm lệ. Áo dài của phụ nữ Việt Nam thực là đẹp mà cũng hấp dẫn cả phụ nữ nước ngoài. Kiểu áo này là do tài cải tiến của một họa sĩ có tên Nguyễn Cát Tường. Chữ tường có nghĩa tương đương tiếng Pháp là le mur (bức tường). Vì vậy, cái áo này được gọi là áo lơ mya.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/14
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI VIỆT


    Người Việt có thể là bạn đồng sự, đồng nghiệp, thân hữu với tất cả mọi người trong hoặc ngoài nước. Một khi trở thành bạn thì đối đãi một cách chân tình. Khá nhiều trường hợp, bạn còn được xem là thân thiết hơn cả họ hàng. Việt Nam có câu: bán anh em xa mua láng giềng gần là chỉ vào ý ấy. Cũng có thành ngữ chung lưng đấu cật để chỉ vào tinh thần hợp quần đoàn kết mong cho có kết quả trong quan hệ tình cảm hay trong kinh doanh.


    Trong phong cách lao động, do hoàn cảnh xã hội nông nghiệp ngày xưa, người Việt thường làm việc chậm, không gấp gáp khẩn trương, không đảm bảo được giờ giấc, nhất là ở thôn quê. Sau này, khi có các công sở, các cửa hàng, cách làm việc mới được đi vào nề nếp song thực ra chủ yếu chỉ có ở trường học và ở một số công sở mà thôi. Ngay cả sau này, vẫn có những câu ca, câu thành ngữ phê phán: “Mắt thứ hai, tai thứ bảy” hay “nghe thời tiết, liếc đồng hồ” v.v…


    Về mối liên hệ trong lao động, cố nhiên người ta có nhiều hình thức: loại làm công ăn lương, làm khoán, làm thầu, chung vốn v.v… Nói chung các kỷ luật vẫn được tôn trọng, vẫn bộc lộ được tinh thần tự giác, hợp tác.



    TRÒ CHUYỆN VỚI NGƯỜI VIỆT


    Người Việt rất dễ dàng trò chuyện. Lúc đầu là những câu hỏi thăm nom, cốt để thể hiện sự quan tâm. Thích người ngoài hỏi thăm tình hình bố mẹ, con cái. Người Tây phương nhiều nơi không thích nghe hỏi tuổi tác, chuyện vợ chồng, nhưng người Việt Nam lại thấy đây là điều cần thiết. Người Việt cũng không thích ai hay lục vấn về chuyện cha ông. Cứ để như vậy, khi cần họ sẽ kể, nhưng nghe hỏi nhiều thì thấy ngần ngại, không muốn vội vàng bộc bạch. Cũng không thích nói nhiều đến việc của người khác. Họ luôn luôn dặn dò người nhà:

    Chuyện đâu bỏ đó cho yên
    Đừng đem bên ấy về gièm bên ta.


    Khi chuyện trò, người Việt rất có ý thức giữ hòa khí. Không nói những câu có thể gây hiểu lầm, hoặc bị cho là nói cạnh, nói khóe. Nói hết câu mới cười, mà cười cũng không được tùy tiện. Vô duyên chưa nói đã cười là điều cha mẹ thường nhắc nhở con cái.
     
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    ĐI CHƠI VỚI NGƯỜI VIỆT​



    Người Việt cũng thích đi chơi và mời bạn bè cùng đi. Những gia đình ở nông thôn xưa, hai vợ chồng thường không mấy khi cặp nhau đi chơi, mà chỉ đi khi cùng có việc. Các bà, các cô, các chị thường cùng nhau đi chợ, chỉ đi chơi khi có hội hè. Bước ra khỏi nhà, phụ nữ thường trang điểm, mang những bộ quần áo mớ ba, mớ bảy, khuyên vàng xà tích, chiếc nón bài thơ. Cái xà tích gần đây không được dùng nữa, nhưng đó là đồ trang sức cho các bà các cô. Đó là một sợi dây bạc đeo từ thắt lưng đến bắp chân, có ngoắc vài cái chìa khóa và một quả đào bằng bạc (dùng cho các bà hay ăn trầu thuốc). Đeo xa tích, gợi cảm giác thanh lịch và quý phái:

    Bà tôi hiền lắm, đẹp làm sao
    Váy võng the thâm, giải yếm đào
    Áo trắng dịu dàng lê dép nhỏ
    Đu đưa xà tích khẽ reo reo


    (Nguyễn Bích Ngọc)​

    Phụ nữ Việt Nam ở nông thôn xưa rất ít dùng son phấn. Ăn miếng trầu cho đỏ môi, hồng má, là đủ rõ cái đẹp rồi. Các bà, các chị ra đường thường đi với em gái hoặc cháu bé, và không bao giờ đi đông:

    Đi phải có u già, cu nhỏ
    Đừng kéo đoàn kéo lũ không hay…


    Bạn bè nam giới cùng đi chơi với nhau, có phần phóng khoáng hơn. Cùng ra đường với bạn, thường lựa chiều để đi bên tay phải bạn với ngụ ý là nếu trên đường có bị va chạm gì với người đi ngược chiều, thì mình che chở, chịu đựng trước. Lên tàu, lên xe thường hay nhường bạn ngồi hay đứng vào chỗ thuận lợi hơn. Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau, không phải là lời khuyên, mà chỉ là một nhận xét trong cách ứng xử với người hơn hay kém tuổi. Nếu cần ghé vào một hàng quán nào đó, thường hay nhận để trang trải chi phí, chứ không để bạn chịu.


    Cùng đi trên đường, gặp người quen, ta sẵn sàng giới thiệu. Tùy theo trường hợp mà giới thiệu ai trước ai sau. Không bao giờ nói tên tuổi người được giới thiệu một cách sỗ sàng. Nếu người mới gặp muốn được nói chuyện riêng với bạn mình, thì giữ ý đứng riêng ra trong vài ba phút. Chia tay với bạn trên đường cũng có thể thức. Hoặc chắp tay cúi chào, hoặc bắt tay thân thiện có ngụ ý dùng dằng. Không ôm nhau, hôn nhau trên đường bao giờ (giờ đây có người đã bắt chước phong cách của phương Tây, song vẫn còn nhiều dè dặt).
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/3/14
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MỘT SỐ SẢN PHẨM VIỆT NAM TIÊU BIỂU CHO
    PHONG CÁCH, TÂM HỒN VÀ DẤU VẾT PHONG TỤC VIỆT NAM



    Cái bát hương


    Là vật thiêng liêng nhất, gắn bó nhất của người Việt, không ai là không phải luôn luôn suy nghĩ và trân trọng. Nhà giàu có bàn thờ, gian thờ, nhà đói không có gì cũng được nhưng bao giờ cũng giữ lấy bát hương. Có nhà không kiềm nối cái bát, vẫn có thể chặt một mẩu bẹ chuối, hay kiếm một cái ống tre nhỏ để cắm hương lên. Bát hương là cả một biểu tượng văn hóa. Với cây hương, người ta có cả một tấm lòng thành. Thắp cây hương lên, con người trong phút giây ấy là con người thành thực nhất, trong sáng nhất và chí tình nhất, dù trước hay sau đó, anh có bị tha hóa đến mức nào. Nhiều nước, người ta cũng thắp hương hay thay hương bằng hoa, nhưng sự linh hương của dân tộc Việt Nam có khía cạnh khác, phải cùng chung sống với nhiều hoàn cảnh mới có thể cảm thông nổi. Với cây hương người Việt Nam tin rằng anh ta có thể giao lưu được với tổ tiên, với chân thành, với cả những vật linh thiêng huyền diệu, Lòng thành thấu cửu trùng thiên… là nhờ có cây hương.



    Cái võng



    Là một hiện tượng văn hóa đẹp của gia đình Việt Nam, hình như cũng ít có trên thế giới. Giờ đây nhiều gia đình không sử dụng võng nữa, nên ít người biết đến cái vật thô sơ, đơn giản mà thân thương này. Ở vùng thành thị, người ta thay võng bằng nôi, nhưng nôi với võng là hai vật khác nhau, mặc dầu nôi cũng có giá trị như cái võng. Bàn tay lắc chiếc nôi là bàn tay cai trị thế giới, câu nói ấy là của Voltaire. Nhưng nôi chỉ giành cho trẻ em, và không cần không gian rộng. Võng phải để trong cả một gian nhà, hoặc phải theo cái chái, góc sân. Nằm trên võng là như muốn bao trùm trong ngoài, tả hữu. Cái võng ở Việt Nam có nhiều vai trò lịch sử lắm: Võng anh, võng nàng của người tri thức, võng điều võng xanh của các quan lại, võng Trường Sơn của anh bộ đội đi đánh Mỹ v.v… nhưng thân thương hơn cả là cái võng của gia đình. Võng của những người yêu nằm mơ bạn tâm tình, của anh khóa ngâm thơ cho quên khi đói bụng, võng của người lực điền ngả lưng sau một buổi cày, võng của ông già nằm đọc sách hoặc lim dim nghĩ đến cháu con, đến chuyện họ hàng làng nước. Nhưng thường xuyên hơn hết, thắm thiết hơn hết là võng của bà, của chị, của me, đã ấp ủ cho bao người con từ thuở trứng nước cho đến tuổi trưởng thành. Cái võng có thể bằng vải điều gấm quý, nhưng đa số là bằng những sợi đay, sợi gai, với những chiếc tã lót, chiếu manh! Thô sơ như thế, nhưng đã là nơi để mẹ gửi gắm, bao bọc bao nhiêu trìu mến, là nơi xuất phát cho những bước chân từ khi chập chững cho đến lúc tung hoành. Có thể có cả một chuyên đề văn hóa cho cái võng, không phải người Việt Nam thì khó lòng tiếp cận được.



    Cái đòn gánh


    Gần đây, việc giải phóng đôi vai đã thực hiện được, nên có thể nhiều người cũng không quan niệm, thậm chí còn không biết được cái đòn gánh là gì. Nhưng hàng ngàn năm qua, người Việt Nam cả nam lẫn nữ, đều rất quen thuộc với cái đòn gánh. Nhà buôn có gánh hàng, nhà nông có gánh khoai gánh lúa, anh học trò cũng phải gánh bồ sách, đội hát xướng cũng phải gánh trống chiêng đàn sáo đi từ làng nọ đến làng kia. Rồi những thứ được đặt lên gánh lại không phải là gánh hàng hóa vật chất nữa, mà trở thành những gánh non sông, gánh nghĩa tình. Từ gánh vác trở nên con người, đến mức “thay da đổi thịt” Đòn gánh tre chín dạn hai vai chính là như thế. Cái gánh thật là tuyệt vời mà đa dạng:

    Nơi đây là:
    Trót đa mang gánh nghĩa gánh tình
    Phải lẽo đẽo tay bồng tay ẵm
    (Đào Tấn)​

    Nơi kia là:
    Cương thường gánh nặng cả hai vai
    Biết tỏ cùng ai, ai hỡi ai
    (Thương tân thị)​


    Và cũng mới đây thôi, khi quân dân ta đánh Mỹ, một bà mẹ hiền lành mộc mạc ở chốn thôn quê đã hát lên:

    Đỉnh núi phương Nam con say giết giặc
    Đỉnh đồi phương Bắc chồng gác biển trời
    Còn ta đứng giữa hai nơi
    Giang vai gánh núi gánh đồi nhớ thương
    (Mai Bình)​

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/3/14
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    Lời hát ru của mẹ


    Là một hiện tượng văn hóa độc đáo ở Việt nam, mang nội dung văn hóa gia đình rất sâu sắc. Đã có một nhà thơ viết: dẫu con đi bốn phương trời, vẫn không đi hết những lời mẹ ru. Văn hóa qua lời ru là cả một đề tài lớn. Hát ru cần được nghiên cứu về âm nhạc, về tâm lý học, giáo dục học và cả về văn chương. Không có điều kiện để chứng kiến các bà mẹ trên thế giới đã ru con như thế nào. Cũng chưa tìm được một từ ngoại quốc nào tương đương hay dịch nổi chữ Ru. Một chuyên đề học thuật về hát ru đang được chờ đợi, mặc dầu vào khoảng năm 1996, bộ Văn hóa Việt Nam có tổ chức một cuộc thi hát ru của các dân tộc. Có điều đáng tiếc là giờ đây, khá nhiều bà mẹ, bà chị không biết hát ru, nhất là các bạn trai thì càng xa lạ.


    Câu hò Việt Nam


    Không biết đã có ai đi được khắp nơi trên thế giới đã biết được bốn biển năm châu này có những tiếng hò hay không. Có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có tiếng hò, nhất là tiếng hò của người lao động. Sông Hoàng Hà, biển Ban Tích, bến cảng Mác Xây đều không thấy hò. Hò phải sử dụng điệu thơ lục bát, mà lục bát chỉ có riêng nước Nam có mà thôi. Lời hò là lời của người Việt Nam, không nơi nào có. Hò có nhiều dạng biến hóa để cho thích hợp với hoàn cảnh nghề nghiệp, hoàn cảnh địa lý từng vùng và hoàn cảnh công việc hay quá trình lao động. Trên sông nước có hò sắng hò vác, trên đồng ruộng hoặc núi đồi có hò đi cấy, hò chặt củi, hò lợp nhà, hò bầy trâu v.v… Thật là phong phú. Từng con sông, có điệu hò riêng mà kỳ lạ là những điệu hò ấy vừa nêu bật được phong cách quê hương từng vùng, vẫn thấm đượm tính cách tâm hồn dân tộc. “Hò sông Lam nghe ngân nga, hò sông Mã nghe gấp gáp, còn hò sông Hương thì nghe thương nhớ lạ lùng” Đi xa Việt Nam, mà được nghe một câu hò mái đẩy, một giọng hò Nghệ vang lên thì thật là cả một hạnh phúc lớn lao cho con người Việt Nam nào trong giờ phút ấy.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/3/14
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    Cây tre Việt Nam


    Có người nói cây tre là bạn thân của nông dân, của nhân dân Việt Nam. Thực tế, tre có mặt ở miền Nam miền Bắc, miền ngược miền xuôi, Tre bảo vệ cho dân làng, tre ăn ở với người đời đời kiếp kiếp. Lũy tre làng bao bọc lấy làng, ngăn chân bọn xấu đến quấy phá, và chặn cả những gì lai căng muốn cắm rễ vào làng. Tre làm thành nhà cho dân ở, làm các dụng cụ để sinh hoạt hàng ngày: từ dàn cây đến cái cối xay, cái thúng cái mủng. Chiếc chõng tre cho người già ngả mình, cho cháu bé ngủ đêm ngày. Giường tre cho đôi lứa xum vầy hạnh phúc. Gậy tre là của các cụ mà cũng là của những chiến sĩ hăng hái vượt Trường Sơn. Tre cũng tham gia vào những bản nhạc đồng quê: vi vu với lá, kẽo kẹt với cây. Cây sáo trúc, sáo tre là nhạc cụ vô cùng tuyệt diệu. Trúc cũng là tre, mà có đốt thẳng tiêu biểu cho sự bất khuất, cho đức tính ngay thẳng kiên cường. Luồng, vàu, nứa cũng là những thứ tre để sử dụng vào những công trình kiến thiết. Tre đi lại được trên mặt nước, có những cái thuyền thúng, thuyền mủng tham gia vào chiến trận. Có những bè nứa đồ sộ đi hết cửa lạch này đến bến sông kia. Tre là bất diệt, thế hệ tre già thì thế hệ măng lại hiện ra, tiếp tục bền vững vô cùng. Tre già măng mọc là câu nói khẳng định sự tồn tại của giống nòi. Nếu cây tre có gân guốc, cứng rắn, chằng chịt thì cứ đến với măng, được dịu dàng, ngon ngọt, hiền dịu vô cùng. Măng trúc măng mai thật là ý vị mà măng non nấu với gà đồng lại không nhường một thứ thực phẩm nào. Tầm nhìn có bị hạn chế đến đâu thì cũng không thể nào coi nhẹ cây tre Việt Nam được.



    Củ nâu


    Màu nâu là một màu quen thuộc và có lẽ là riêng biệt của Việt Nam ta. Màu ấy do củ nâu mà có. Cũng không thấy củ nâu có vị trí thế nào ở nhiều địa phương trên thế giới, mà chỉ thấy nó gần gũi, gắn bó với dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm qua. Người ta đã phải gọi màu nâu là màu quê hương thân mật đậm đà. Các màu sắc khác đều được người Việt nam ham thích trân trọng, nhưng màu nâu gắn bó với tất cả các hạng người, từ vị chủ tịch nước với cái áo nâu giản dị, đến cô gái nhà quê “áo cánh nâu non” khăn vải chít đầu, và đến cả những nhà tu hành. Màu nâu ở Việt Nam hiền lành, chân chất, không chứa cái ý ác như màu áo của các nhà độc tài áo nâu hay độc tài áo đen. Nói màu nâu là mầu Việt Nam cũng là đúng với đất nước này từ thế kỷ XX trở về trước. Củ nâu bình dị mà tầm thường như vậy, song nhiều khi cũng chứa đựng những cái bất thướng. Truyện tiếu lâm Việt Nam nhắc đến củ nâu với ý nghịch ngợm mà thấm thía. Cũng đã có lúc có những đội quân gặp lúc nguy nan, phải dùng củ nâu làm lương thực…



    Quả cà


    Có một câu chuyện vui kể rằng ngày xưa có một ông quan to nào đó, về thăm một làng quê. Quan được ông lý trưởng mời dự một bữa cơm với gia đình mình. Cố nhiên tiệc thiết đãi quan lớm phải rất là hậu, không có nem côm, chả phượng nhưng cũng có đủ sơn hào hải vị. Nhưng bắt đầu cầm đũa thì quan nói với lý trưởng cho xin một đĩa cà. Lý trưởng thú thật là không có. Thường ngày gia đình vốn khá giả nên không phải muối cà dự trữ. Lập tức vị quan lớn đứng dậy, cáo từ ngay, và ra lệnh ngay hôm đó cắt chức lý trưởng. Ông nói: sống với dân nghèo, mà quả cà không ăn thì làm lý trưởng làm gì.

    Có lẽ đây chỉ là một giai thoại. Vị quan mà gắn bó với dân như thế thật là hiếm có. Song quả thực người dân ta rất trọng quả cà. Họ quan niệm “Cơm với cà là nhà có phúc, cơm với cá khúc là nhà có tội”. Nhà có cà là có cái gì đó làm bản, làm gốc cho đời sống hàng ngày. Nhà văn Nguyễn Đổng Chi đề tựa cho cuốn sách Hát giặm Nghệ Tĩnh, đã công bố hẳn: “Món cà mới thực là tiêu biểu cho dân Việt Nam, dân Nghệ Tĩnh”. Con người Nghệ Tĩnh cũng có lần quá đà hăng hái để tuyên bố rằng, nhất định có thể đi lên chủ nghĩa xã hội bằng: một mo cơm, mấy quả cà với tấm lòng cộng sản. Nói như vậy là không đúng, nhưng vẫn có thể cho thấy cái điều: quả cà là một nét dân tộc của ta.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/3/14
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    Cái nón


    Không chỉ là một dụng cụ bình thường mà là một hiện tượng văn hóa xã hội ở Việt Nam – đó là cái nón. Nón ra đời từ bao giờ không rõ, cả cái tiếng “nón” cũng không ai biết được nó đã ra đời từ lúc nào. Từ đời vua Hùng chăng? Có khi còn xa hơn nữa.


    Có bao nhiêu loại nón ở Việt Nam? Chưa thấy ai làm thống kê cụ thể. Xin thử tạm phác ra đây một số loại nón tiêu biểu cho các vùng, miền trên đất nước Việt Nam.


    1. Nếu dựa theo hình thù mà kể ra thì thường nghe người ta nhắc đến nón cụt, nón chóp, nón thúng.

    Người ta có thể dựa theo hình thù quen thuộc của nhưng người sử dụng mà đặt tên. Thí dụ nón cạu là nón của những người ngư dân. Nón chụp gọn trên đầu người, không xòe, không có chóp mà chỉ như cái mũ bê rê bằng lá, hay như một cái mủng con chỉ đủ che cái đỉnh đầu. Gọi là cạu, vì hình thù nó giống như một cái cạu. Những em bé sống hành khất thường dùng cái cạu này. Còn nón mê là loại nón tre nứa đã hỏng cạp, trông thật xơ xác mà các trẻ chăn trâu thường đội. Ấy vậy mà sách giáo khoa ngày xưa đã từng ca ngợi: “đầu tôi đội nón mê như lọng che…”.


    2. Nếu dựa theo các nguyên liệu được sử dụng để tạo thành cái nón thì có các loại:

    Nón lá, nón lá sen, nón lá gồi, nón dứa, nón mây. Trong các loại này có nón dứa là cao giá nhất. Lá dứa đuôi nhọn để làm nón là loại lá đẹp. Chiếc nón cũng mảnh mai nhẹ nhàng, màu sắc sang trọng, quý phái. Ngày xưa mặc áo sa, đội nón dứa đã là có bộ y phục rất chững chạc. Phải là người có phẩm hàm, hoặc có địa vị nào đó mới dùng.


    3. Có những loại nón được đặt tên theo nghề nghiệp hay theo vị thế của những người sử dụng:

    Các nhà sư được đội nón tu lờ, (nào nón tu lờ, nào áo thâm). Những người đi lính thì đội nón dấu (đầu đội nón dấu, vai mang súng dài). Dưới thời Pháp thuộc, nhà cầm quyền đặt ra một loại lính là lính khố xanh. Cũng đội nón dấu, nhưng cái chóp làm bằng kim khí, lại có thêm một vành vải cạp dưới nón để che được gáy và mang tai. Ở các phủ huyện, các nha thự cũng có loại nón này, nhưng không có vải che, thường dùng cho các lính lệ, người ta cũng gọi là nón dấu.


    4. Có những loại nón được xem như loại hàng cao cấp, người ta thường gọi là nón thượng. (Thượng là ở cấp trên, chứ không phải là ở vùng cao). Tên thường phổ biến là nón ba tầm, nón quai thao, nón bài thơ.

    Nón ba tầm, còn gọi là nón mười. Đó là nón cao cấp nhất. Nón vành rộng, tròn và phẳng như một cái mâm. Ở vành ngoài có đường thành nhô cao lên, chạy suốt vòng quanh. Giữa lòng nón, có đính một cái “khua” như hình cái dấu. Gọi là ba tầm vì lòng nón chia làm ba vòng để khâu thắt. Nón mười thường được dùng trong các lễ hội. Cô gái mang nón ba tầm bên người là một cô gái quý phái, lịch sự. Ca dao nói: “Hỡi cô đội nón ba tầm” là vì như vậy.



    Cái áo dài


    Y phục chung của người Việt Nam ngày xưa với nam giới là khăn đóng, áo dài. Các thầy đồ, thầy khóa, các ông hương chức đi làm việc, hoặc thành công chức (cả học sinh phổ thông thời Pháp thuộc) đều phải có áo dài. Đi dự những buổi lễ, những cái áo dài này thường phải may rộng hơn, tay áo bỏ thụng, rất là bất tiện, nhưng là rất trang trọng tiêu biểu cho y phục và phẩm phục Việt Nam. Trong triều đình, các quan đều phải mặc loại phẩm phục này. Đó là quốc phục. (Mới đây khi nước ta tổ chức hội lễ quốc tế, các vị nguyên thủ nước ngoài đến dự, ta cũng phải may cho các vị ấy loại áo thụng này – các ông Putin, ông Bush mà mặc áo thụng cũng là điều đặc biệt).


    Nhưng áo dài của phụ nữ thì phải nói là đạt đến trình độ mỹ thuật cao hơn. Trước kia, ta có những loại áo mớ bảy mớ ba. Có thắt lưng lụa, có yếm đỏ yếm xanh (hoặc yếm hoa hạt tiêu) đã được ghi vào các sáng tác ca dao. Nhưng dưới thời Pháp thuộc (cuối thập kỷ 30), họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã có sáng kiến cải tạo cái áo dài này. Áo dài nữ Việt Nam ngày nay trở nên đẹp đẽ, rất thích hợp với cơ thể phụ nữ, thước tấc rất qui củ, có thể dùng nhiều màu lụa đẹp đẽ, thanh tao mà lịch sự. Rất nhiều phụ nữ trên thế giới đến Việt Nam đã ham thích cái áo dài này. Có thể xem nó là một vẻ đẹp Việt Nam được nhiều người ca ngợi.



    Bát nước chè xanh


    Đậm đà phong vị dân tộc hơn cả, thì phải nói đến bát nước chè xanh. Dân ta khắp nơi đều uống chè xanh. Bát nước chè xanh đi vào phong tục Việt Nam, rẻ tiền, đại chúng mà ấm áp. Nước chè xanh bán khắp phố phường, suốt dọc đường thiên lý, từ Bắc chí Nam. Gần đây, các quán hàng đều có nhiều thứ hàng giải khát, nhưng chè xanh vẫn phổ thông và hấp dẫn hơn. Nhiều vùng quê, nhất là ở Nghệ Tĩnh, thường có tục uống nước chè. Gần như có sự phân công tự nguyện, nay nhà này, mai nhà khác, gia đình nấu một ấm chè, gọi là nước mới, múc ra nhiều bát đặt trên mâm nan, chõng tre hoặc đặt ngay dưới thềm nhà. Chủ nhà hay vợ con đi ới lên vài tiếng gọi. Thế là bạn láng giềng chung quanh lục tục kéo đến nhập cuộc. Họ ngồi nhấm nháp bát nước, trò chuyện như pháo ran. Chuyện làm ăn, chuyện thời sự trong làng ngoài xã. Có cả chuyện tiếu lâm, truyện nôm, được thuộc lòng. Thơ ca dân gian được dịp phát huy tác dụng. Uống hết thì thôi. Có vài nhà đổ thêm nước lã vào, thì gọi là nước dạo, không phải là nước mới nữa nên không dùng. Dân ta không có trà đạo như Nhật Bản, nhưng uống chè đã thành một cái tục, và bát nước chè xanh nóng hay nguội vẫn như làm sống động hồn làng.

    *
    * *​


    Tất nhiên phải nhớ rằng những gì mà ta kể ra trên đây là những sản phẩm cổ truyền của nước Việt Nam những ngày tháng cũ. Tất cả đều ghi đậm nét riêng của phong tục Việt Nam và có giá trị cho ta tìm hiểu tâm hồn và phong cách dân tộc. Có những cái làm nên cái đẹp của quá khứ Việt Nam, sẽ sống mãi với dân tộc. Sang thời đại mới, quan niệm và cách sống của chúng ta thay đổi, những giá trị này không còn nguyên vẹn nữa. Nhưng ta cũng không vì thế mà coi nhẹ giá trị tinh thần của những sản phẩm dù thô sơ mộc mạc, nhưng vẫn làm sáng lên phẩm chất Việt Nam, và phong tục cổ truyền Việt Nam.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/3/14
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    CÁI LÀNG VIỆT NAM



    Ta thường hay nói đến mấy chữ thuần phong mỹ tục và hiểu rằng đó là những gì mà quê hương Việt Nam hàng bao đời nay đã tạo nên. Tạo nên những vẻ đẹp nhờ thiên nhiên mà có, rồi lại gia công tô điểm cho thiên nhiên đẹp hơn. Tạo nên những thói quen nhất định, thói quen về cả những cách ăn ở, đi lại, trò chuyện, những màu sắc, những cách trang phúc. Rồi còn hơn tất cả là họ tạo nên kỷ niệm lâu ngày trở thành di tích lịch sử, những gương mặt có dáng vẻ có sắc thái hấp dẫn. Tất cả những thứ đó, đều tụ hội trong một thực thể đó là cái làng Việt nam. Trên thế giới, các nước đều có làng. Nhưng cái làng Việt Nam có nét riêng, có cái hay cái đẹp của nó mà chắc chắn nhiều nơi không có được. Những làng này cấu thành nên bản sắc Việt Nam.


    Đó là những làng văn. Là đất học hành, khoa cử, đất có nhiều người đỗ đạt, làm quan, viết sách, dạy học… Nhiều khi chỉ cần có một nhà thơ nào đó nổi tiếng, là làng ấy được xem như một làng có truyền thống văn chương (Nguyễn Du với làng Tiên Điền là một ví dụ).


    Đó là những làng võ. Vì làng có nhiều võ tướng, nhiều lực sĩ. Cả những làng thịnh hành những môn thể thao, những trò chơi thượng võ thì làng ấy cũng được mang danh là có võ học, có nghề. Làng Bộc vì có phong tục đánh vật, mà nổi tiếng Vật Bộc là theo cách đánh giá này. Có khi có một gia đình hay gia tộc có nhiều võ tướng, võ sĩ, mà cả cái làng, cái huyện ấy được nổi tiếng. Chẳng hạn có câu: “Người Nghệ An, gan Thạch Hà” là vì ở huyện Thạch hà có người gan góc, nên cả đất Nghệ được vang danh vì tính cách này.


    Đó còn là những làng nghề. Nghề đây chủ yếu là những nghề thủ công như nghề mộc, nghề rèn, nghề khảm. Có trường hợp cả làng theo nghề này, cũng có khi làng chỉ có vài người chuyên nghiệp, nhưng sản phẩm của họ được nhiều nơi ham chuộng, nên làng trở nên nổi tiếng. Những làng nông nghiệp, ngư nghiệp không được chú ý như làng thủ công, song vẫn được quen tên biết tiếng (làng làm muối, làng trồng rau, làng ra khơi vào lộng v.v…).


    Đó còn là những làng chợ. Là làng chuyên nghề buôn bán thông thương. Không nên cho rằng dân ta trước đây chỉ trọng sĩ, trọng nông mà coi nhẹ các làng buôn. Nhà nước không có chính sách đúng đắn với thương nghiệp, nhưng nhân dân vẫn rất quan tâm và cũng tự hào vì các làng này.

    *
    * *​


    Bốn loại làng trên đây là khá phổ biến trong xã hội ta ngày xưa, làm nên những phong tục riêng, để khẳng định sự tôn vinh cái làng mình. Nhưng trong đó lại còn có những làng rất được chú ý về mặt văn hóa. Trước đây chính quyền phong kiến các triều đại rất có ý thức nêu những phẩm chất tốt đẹp của các làng. Nhiều làng được tặng khen là những làng Kiên nghĩa, hoặc làng Mỹ nhân. Làng có các gia đình được tặng biểu: “Khả phong”, biển “Ân tứ”, cũng là loại làng văn hóa truyền thống, vì có những người con phẩm hạnh. Hồi ta phải đối đầu với bọn giắc ngoại xâm, và ngay cả mới đây (chống Pháp, chống Mỹ), có những làng được gọi là làng cách mạng, làng kháng chiến, làng tháp. Tất cả đều tạo nên cái văn hóa làng Việt Nam. Đó cũng là phong tục đẹp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/3/14
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...



    LỜI RAO CỦA ANH MÕ



    Trong các làng quê ngày xưa, thường chỉ định một người làm , cũng thường gọi là anh seo, anh mới. Mõ là con người sai phái, làm đủ mọi chuyện vặt vãnh, quét dọn, hầu hạ v.v… Nhưng việc chủ yếu của anh ta là đi rao, báo tin tức cho các tầng lớp trong làng biết rằng làng đang có công việc gì. Anh ta phải cầm một cái mõ cùng với cái dùi ngắn, gõ cốc cốc để báo hiệu trước khi rao. Rồi cứ gõ như thế mà đi khắp mọi ngõ ngách trong làng. Ngày nay ta có ban thông tin, có loa truyền thanh nên không dùng đến mõ nữa.


    Có thể chú ý đến lời rao của mõ. Lời rao khởi đầu cho việc thông tin. Không phải câu nói thông thường đâu. Mà chính là một lời tóm tắt cho ta biết thứ tự các hạng người trong làng như thế nào. Anh mõ rao:

    Chiềng làng, chiềng xã, thượng hạ tây đông. Sáng mai có việc họp làng ở đình trung. Xin mời: quan viên, tư văn, binh bộ, các chức, các lái, nhiêu học, tri xã, trùm sổ các phe, đồng hương thượng du, ra đình mà nghe công việc.


    Ai không để ý thì không biết rằng lời rao này của anh mõ đã tóm tắt một cách có hệ thống những nhóm người, những thành phần của làng. Chỉ nghe lời rao này, ta có thể hình dung ra thứ tự trên dưới các lớp người sinh hoạt trong làng như sau:


    (1) Quan viên: chỉ vào những người có chức tước, có phẩm hàm, họ là các ông bề trên trong làng xã gồm:

    - Những ông đã được tước hàm: thấp nhất là cửu phẩm, lên đến bát phẩm, thất phẩm, rồi tam tứ phẩm v.v… Các ông quan về hưu, các lão và các vị có đỗ đạt mà có chức tước v.v… cũng là quan viên.


    (2) Tư văn: Là những người đứng hàng thứ hai trong làng. Người đi học mà đỗ được sinh đồ, hương cống, tú tài, cử nhân v.v… đều thuộc hạng tư văn. Ở nhiều làng không có người đỗ đạt, vẫn có các ông tư văn (bỏ tiền ra mua để có vị thứ).


    (3) Binh bộ: Những người đã tòng quân, hết hạn được về, được chức vị như ông cai, ông đội v.v… Họ là lớp nhà binh, nghĩa là ở bên võ. Ngày xưa, dân ta trọng văn hơn võ, nên tư văn được nhắc đến kế tiếp ngay lớp quan viên, còn binh bộ thì sau. Chú ý là binh bộ chỉ kể các ông đội, ông cai trở xuống mà thôi. Họ có chức vị nhưng vẫn là lính, chưa phải là quan. Còn những ông đã lên chức quản, hay chức lãnh binh, đô đốc v.v… thì đã vào hàng quan viên rồi.


    (4) Các chức: Đây là lớp người đứng hàng thứ tư trong xã, là các ông đang giữ chức trách gì đó trong bộ máy quản lý, lãnh đạo việc làng. Như các ông lý trưởng, hương hào hương chúc. Ông lý trưởng tuy là người phụ trách hành chính cao nhất trong làng, song chỉ thuộc loại các chức, không phải là quan.


    (5) Các lái: Chỉ những làng xã có người làm nghề buôn thuyền, nghề đánh cá mới có các lái. Những người này lập thành các vạn chài, vạn te, như các thôn giáp trong làng vậy. Người đứng đầu gọi là ông lái. Các ông lái ở vị trí thứ năm trong xã.


    (6) Nhiêu học, tri xã: Những người chưa thực sự cao tuổi, cũng có ít nhiều tri thức, mà muốn được ra dự nghe các việc trong làng thì có thể bỏ tiền ra mua hai cái vị là nhiêu học, tri xã (được biết việc làng xã). Họ không có quyền ăn nói gì, chỉ ngồi nghe, nhưng cũng được xem là biết việc. Họ đứng hàng gần cuối trong các vị chức dịch.


    (7) Trùm sổ các phe: Nhiều làng thường chia ra thành các xóm, các ngõ. Có nhiều cái tên để chỉ những đơn vị này. Có giáp nhất, giáp nhị, có thôn Đông thượng, thôn Đông hạ v.v… Mỗi đơn vị nhỏ ấy cử ra một người phụ trách, gọi là ông trùm. Các nhóm nghề nghiệp cũng có những ông trùm của họ. Đó là lớp chức dịch đứng hàng cuối cùng trong xã.


    Chỉ một lời rao mà chỉ ra được thứ tự các thành phần, các tầng lớp, các trách nhiệm của các hạng người trong một làng. Rõ ràng làng cổ Việt Nam đã có tổ chức, có nề nếp nhất định. Không nên hiểu làng một cách đơn giản. Tính chất có tổ chức này đã chứng tỏ một nét văn hóa của làng cổ Việt nam. Do lới rao đàng hoàng, có phân biệt, có ý nghĩa như vậy mà người ta không dám khinh anh Mõ. Anh ta thấp hèn thật, nhưng lời rao này của anh đã cho phép anh ta “Thứ tự dưới trên quyền sắp đặt” như một bài thơ cổ đã tô vẽ về anh.
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ÔNG LÝ – ÔNG HƯƠNG


    Lý hay hương đều có nghĩa là làng, đơn vị to nhỏ hay rộng hẹp không được quy định cụ thể, và cách hiểu cũng khác nhau. Nhưng nói chung thì dân chúng thường gọi thống nhất.


    Lý là chỉ vào một cái làng, có thể gồm nhiều thôn, nhiều hương. Lý được xem như tương đương một xã bây giờ. (ngày nay ta không dùng chữ lý và chữ hương nữa).


    Người phụ trách công việc chính quyền của một lý (tức là một xã) được gọi là lý trưởng. Lý trưởng được xem như tương đương với ông chủ tịch xã ngày nay.


    Mỗi làng chỉ có một lý trưởng. Có thể cử một ông làm phó để giúp việc hoặc đề phòng như thay thế. Ông ấy là ông phó lý.


    *
    * *​


    Hương cũng có nghĩa là làng. Đã có người coi sóc việc làng là lý trưởng, lại cần phải có một số người giúp việc cho ông lý nữa. Những người đó gọi là các ông hương… Có 5 ông tất cả, người ta cũng gọi là ngũ hương. Đó là:

    Hương bộ: Coi sóc giữ gìn sổ sách của làng.
    Hương bản: Giữ gìn (tiền, lúa) cho lảng.
    Hương kiểm: Coi sóc việc trật tư trị an.
    Hương mục: Coi sóc việc cày cấy, chăn nuôi, ruộng đồng.
    Hương dịch: Chỉ huy các tạp dịch.​

    Cả sáu ông (ông phó lý và 5 ông hương) đều ở dưới sự chỉ đạo của lý trưởng (một vài nơi gọi ông lý là hương trưởng).


    Đại khái các ông này cũng tương đương như ủy ban hành chính xã ngày nay. Khoảng đầu thế kỷ XX, lý trưởng phải do dân chúng bầu ra, còn các ông hương thì được chỉ định. Tất nhiên việc làng phải do những quan viên, tư văn cùng lo liệu, bàn bạc, nhưng lý trưởng và ngũ hương là những người chịu trách nhiệm điều hành. Nhiều làng xã ngày xưa (thời phong kiến) đã bị bộ máy lý hương này nhũng nhiễu.



    KỲ MỤC – HỘI TỀ


    Hình thức tổ chức lý hương nói trên là ở miền Bắc nước ta từ nửa thế kỷ XX trở về trước. Ở miền Nam, cự tổ chức có chỗ khác hơn. Những người được cử ra điều hành việc làng xã, phường ấp v.v… đều gọi là ban hội tề. Nhiều tài liệu cho biết, sự ổn định là bắt đầu với ông Nguyễn Tri Phương (dưới thời Minh Mạng). Một địa phương cơ sở có:

    Thôn trưởng: vị chỉ huy đơn vị.
    Hương thân: làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tuc.
    Hương hào: làm nhiệm vụ an ninh trật tự, tuần phòng kiểm tra.​


    Sau đó hình thành ban hội tề gồm đến 15 người (có thể tùy tiện cử đủ số hoặc thiếu nhiều ít) gồm có:

    Trưởng mục tức là hương trưởng, hương chủ, hương cả.
    Hương chú: là phó trưởng mục.
    Hương sư: người mô phạm.
    Hương chánh: thu thuế, chi xuất.
    Hương quản: phụ trách an ninh.
    Hương thân: giáo hóa thuần phong mỹ tục.
    Hương hào: tuần phòng, kiểm tra.
    Thôn trưởng: thực hành tất cả công cụ, giữ triện của làng.
    Lý trưởng: phụ trách xóm, dưới quyền thôn trưởng.
    Cai lân: thừa sai của lý trưởng.
    Trưởng ấp: việc như cai lân.
    Cai tuần: đội trưởng dân tuần phòng.
    Biện đình: giúp lý trưởng khi làng có hội.
    Thư lại (thư ký)

    (Những người này cũng gọi chung là hương chức) (*)


    ...

    _______

    (*) Theo tài liệu Minh Điều hương ước năm 1852, sách Địa chí Tiền Giang (2005), trích dẫn.​
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này