Hồi ký - Tiểu sử G Chuyện Trường Cao đẳng Sư phạm - Hoàng Ngọc Phách.

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi sun1911, 30/11/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    CHUYỆN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

    *
    * *

    upload_2015-11-30_15-45-40.png


    Năm 1919, tôi xách ba bằng [1] đi thi vào Trường cao đẳng Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie).

    Trước khi đi thi, tôi phân vân về những ý kiến của bà con và bè bạn; người thì bảo xin bổ giáo học vì có văn bằng Pháp đi dạy học được lương cao, 60 đồng một tháng, trị giá bằng 15 tạ gạo lúc bấy giờ, gấp ba lương giáo viên có bằng Đíp-lôm. Có cụ lại khuyên vào Trường luật để sau ra làm quan. Có ông bảo nên vào Trường thuốc để ra làm Đốc-tơ (bác sĩ), một nghề tự do, kiếm tiền dễ lắm, cứ "cầm cổ tay người ta là có tiền rồi". Nguyên lúc ấy có 7 trường cao đẳng họp lại thành nền Cao học Đông Dương (Université Indochinoise), nhưng người ta đặc biệt chú ý đến ba trường: Trường thuốc, Truờng luật và Trường sư phạm. Trường luật người ta gọi là "trường chính", Trường sư phạm là "trường giáo". Chính với giáo là hai danh từ dùng đã lâu đời. "Chính" là làm quan, "giáo" là làm thầy.

    Trường luật, tôi đã dứt khoát không vào, vì không thích làm quan. Còn Trường sư phạm và Trường thuốc thì tôi đương cân nhắc; thầy thuốc chữa thể chất, thầy giáo chữa tâm hồn. Hai nghề cùng hay cả và tôi cũng thích cả. Nhưng tôi thích viết văn và dạy học, nên vào học "nghề thầy" để ra dạy văn chương, luân lý.

    Nhưng trước khi đi sâu vào chuyện Cao đẳng sư phạm của tôi, cũng nên nhắc qua về hệ thống cao đẳng ở Đông Dương lúc bấy giờ.

    Như đã nói ở trên, hồi ấy ở Hà Nội có 7 Trường cao đẳng, là các trường:

    1- Trường thuốc (École de médecine).

    2- Trường thú y (Ecole de vétérinaire).

    3- Trường công chính (Ecole des travaux publics) (Ba trường này có đã lâu).

    4- Trường cao đẳng [2] Sư phạm (Ecole supérieure de pédagogie).

    5- Trường luật (Ecole de droit).

    6- Trường cao đẳng Canh nông (Ecole supérieure d’agriculture).

    7- Trường thương mại (Ecole de commerce).

    Lịch sử các trường này khá phức tạp. Từ năm 1927 đến năm 1941 thay đổi nhiều lần, có trường mất đi, có trường thêm ra, có trường cải tiến theo hẳn trường đại học ở Paris nước Pháp, v.v... Tôi không đi sâu vào vì sẽ dài quá.

    Có người hỏi tại sao không gọi là Trường đại học lại gọi là Trường cao đẳng. Hai trường khác nhau như thế nào?

    Cao đẳng hay đại học là bậc cao nhất (enseignement supérieur) trong một nước, nhưng mục đích, yêu cầu và tổ chức có khác nhau. Đây tôi nói theo khuôn khổ các trường ở nước Pháp mà chính quyền thực dân đem áp dụng ở Đông Dương.

    Ở Pháp, nền đại học được dạy ở các Trường đại học (faculté) và ở các Trường cao đẳng (Ecole supérieure) nhưng khác nhau ở điểm này: vào Trường đại học không phải thi, không hạn tuổi, không hạn số lượng, chỉ cần có văn bằng trung học (Tú tài). Chương trình học chú trọng về nguyên tắc chung. Các Trường cao đẳng tổ chức chặt chẽ hơn. Sinh viên vào truờng phải qua một kỳ thi. Số lấy có hạn, tuổi có hạn. Sinh viên được học bổng, được ăn ở trong trường. Lúc ra truờng được bổ dụng ngay. Chương trình học chuyên về một vài môn. Mục đích là huấn luyện sinh viên hiểu sâu mấy môn đó để lúc ra trường có thể áp dụng ngay vào công việc thực tế của nghề mình.

    Các Trường cao đẳng ở Hà Nội tổ chức theo kiểu mẫu các trường ở Paris, nhưng trình độ có khác nhau nên phải châm chước nhiều và phải thêm vào cái đuôi "Đông Dương" cho khác "mẫu quốc”.

    Việc tổ chức các trường này khá phức tạp. Muốn hiểu việc đó phải biết rõ dụng ý của chính quyền thực dân Pháp lúc ấy trong việc lập ra các Trường cao đẳng. Đế quốc Pháp vẫn luôn luôn tuyên truyền việc "văn minh hóa” xứ Đông Dương. Trong việc "hóa" này thì việc mở rộng và nâng cao kiến thức của "dân bản xứ" là chính để đi đến chỗ "có tài đức bằng nhau thì được hưởng quyền lợi bằng nhau". Phạm Quỳnh đã nêu ý kiến này ngay đầu bìa tạp chí Nam phong như một châm ngôn: ”Il n’y a que des égaux qui sont égaux" nghĩa là "có đồng đẳng mới bình đẳng". Đó vốn là câu đầu lưỡi của chính khách thực dân, nhất là An-be Xa-rô (Albert Sarraut), Toàn quyền Đông Dưong, một thực dân cáo già, tuy còn trẻ tuổi. Thực ra không phải thế. Mà thực là vì trong hồi Đại chiến thứ nhất (1914 - 1918) Pháp bị thua to, nên Pháp phải dùng chính sách mua chuộc. Toàn quyền Xa-rô đã mua chuộc công chức Việt Nam bằng những phẩm hàm của triều đình Huế. Những bằng sắc Hàn lâm, Thị độc, đã làm cho nhiều công chức phấn khởi, quên cả là người dân mất nước. Có nhiều người về làng khao vọng linh đình, lại còn tranh nhau ngôi thứ. Một nhà văn trào phúng đã mỉa mai: "Các quan quý quốc bảo hộ thật khôn ngoan, đem buộc cổ công chức Việt Nam bằng cái dây tam tòng" (tức là dây đeo thẻ ngà kim khánh).

    Đối với thanh niên trí thức thì Xa-rô mở các Trường cao đẳng để mơn trớn, nói cách khác là nhốt họ vào cái "lồng son ông sứ" để họ ngồi yên, không quấy rối và để họ ca tụng chế độ thực dân, nhất là lúc chiến tranh đương kịch liệt và Pháp đương thua to. Chúng có mua chuộc được không? Điều đó sẽ xin nói sau. Đây hãy xin nói về cách tổ chức nhà trường: chế độ ăn ở, chế độ học tập theo ý nghĩa nói trên.

    Trường cao đẳng mở cho 3 nuớc ở Đông Dương: Việt Nam, Cao Miên (Campuchia), Lào. Nhưng sinh viên Việt Nam nhiều hơn cả. Hai nước kia nhiều khi chỉ có vài ba người thôi, ở Việt Nam thì sinh viên Bắc Kỳ chiếm đa số. Tuy nói đa số, nhưng vào khoảng những năm 1919-20, sinh viên Bắc Kỳ cũng chỉ có độ 80 nguời. Tất cả trường không được 100 người Trung, Nam, Bắc.

    Hết thảy sinh viên đều ăn ở trong trường. Học bổng được khoảng 30 đồng một tháng, trả tiền ăn hết 22 đồng, còn 8 đồng là tiền túi, 22 đồng tiền ăn lúc ấy là sang lắm vì giá thực phẩm hạ: gạo tốt có 5đ một tạ, trứng gà 1,2 xu một quả, lạp xưởng 5 xu một đôi ... Bữa cơm có 4 món: 2 món thịt (lợn hoặc bò), một món rau, một món canh cho 4 người một cỗ. Ăn cơm dùng thìa, nĩa, đĩa tây như ăn cơm Âu. Ăn xong có món "đét-xe”: chuối, quýt hoặc bánh ngọt. Người phục vụ là những bồi bếp lành nghề. Bồi độ 5 người do 1 ngươi cai điều khiển. Bếp có một nhóm độ 10 người do bếp chủ phụ trách. Kể ra phục vụ độ 200 sinh viên của 3 trường: luật, sư phạm, canh nông ở một khu chả cần đông người đến thế, nhưng ở đây còn có tính cách phô trương sang trọng.

    Gạo và thức ăn do nhà thầu đưa đến hàng ngày. Có một điều đặc biệt là việc mua bán, cách nấu nướng, làm thực đơn v.v... là do một Ban quản trị gồm có 2, 3 sinh viên do anh em bầu ra, thường là một sinh viên miền Bắc, một miền Nam, một miền Trung. Ban này có toàn quyền kiểm soát nhà bếp, nhất là nhà thầu, vì bọn này hay gian trá bớt xén. Ví dụ gạo loại 1 thì đưa loại 3. Đưa cá ươn, thịt ôi, rau héo. Nếu Ban quản trị không tinh thì bị lừa luôn. Tôi thường được anh em bầu vào Ban quản trị nên nắm được vấn đề ăn uống này. Nhiệm vụ của Ban này rất khó khăn, nhất là việc làm thực đơn, làm thế nào dung hòa được khẩu vị của anh em cả ba xứ. Miền Bắc thích ăn nhạt, miền Trung thích ăn cay, miền Nam thích ăn mặn (ăn mắm). Nhiều khi vì thức ăn làm không đúng khẩu vị, thành cãi cọ nhau mất đoàn kết giữa anh em sinh viên ba kỳ. Một phần nào, chúng tôi đã thành công.

    Lúc mới vào học, anh em ba kỳ không thân yêu nhau, do những thành kiến từ trước. Sinh viên miền Bắc gọi anh em miền Nam là bọn "cộc cạch" (nghĩa là thô bạo), anh em miền Nam gọi miền Bắc là xứ "dưa hấu' (nghĩa là xanh vỏ đỏ lòng). Anh em miền Bắc gọi miền Trung là xứ "cá gỗ" (keo kiệt) v.v... Nhóm chúng tôi, nhất là mấy anh em đã hoạt động ở Trường Bưởi chủ trương đoàn kết, tìm mọi cách làm cho anh em ba kỳ hiểu nhau, thân yêu nhau. Chúng tôi thường đến nói chuyện tâm sự với anh em miền Nam, nhấn mạnh về truyền thống Nam Bắc một lòng và cũng bóng gió xa gần về mưu mô của Pháp ngấm ngầm chia rẽ. Nội dung là thế, nhưng lời nói phải rất mềm mỏng, vì anh em miền Nam hồi ấy vẫn cho Pháp là tốt. Một số sinh viên Nam Kỳ được ra Bắc học là con cái những gia đình thân Pháp và có thế lực. Những lúc rỗi việc, chứng tôi mời anh em đi chơi phố, đến thăm nhà các bạn có gia đình ở Hà Nội. Một lần chúng tôi đã làm được anh em cảm động. Hôm ấy là Tết Nguyên đán. Anh em không về Nam ăn tết được, rất nhớ nhà. Sáng mồng 1 tết, anh em thuê xe đi một đoàn lang thang ngoài phố, có vẻ buồn rầu. Chúng tôi mời được một số vào nhà ăn tết, thấy các cụ già mừng tuổi con cháu, thấy cành đào, chậu cúc đua tươi ở ngoài sân, các anh em cảm động quá không nói gì được chỉ uống trà, nhấp chén ruợu rồi cáo từ. Lúc ra của họ cầm chặt tay chúng tôi mà nói một câu tiếng Pháp: "Cette heure sacrée cous appartient" (cái giờ êm ái thiêng liêng này là của các anh) rồi lững thững ra về. Từ đó anh em Nam Bắc thật sự thương yêu nhau.


    Ngày 10-X-1968,
    HOÀNG NGỌC PHÁCH

    [...]

    ______

    [1] Xem hồi ký Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    [2] Phải để chữ "cao đẳng" để khỏi nhầm với trường trung cấp (NC).
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/12/15
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Ngoài việc trông nom cơm nước, nơi ăn chỗ ngủ cho anh em, Ban đại diện còn phải đương đầu với Giám thị Tây, khi có chuyện xảy ra. Ví dụ mấy lần nhà thầu đưa thức ăn không đúng thể lệ. Ban đại diện không nhận. Nhà thầu nói lót với Tổng giám thị. Viên này bắt chúng tôi phải nhận. Bữa cơm trưa hôm ấy, anh em không ăn. Viên Tổng giám thị xin cấp trên phạt cả trường. Anh em nhất trí "làm reo" và đã thắng lợi; nhưng cũng gian nan và nguy hiểm lắm. Viên Tổng giám thị bảo chúng tôi rằng: "Tôi biết các ông rồi, nhất là ông Trưởng ban, ông sếp [3] Phách. Ông đã có nhiều thành tích chống đối ở Trường Bảo hộ (tức là Trường Bưởi) nhưng đây không phải là Trường Bảo hộ. Các ông cần biết thế và liệu hồn. Rồi các ông sẽ biết”. Chúng tôi chỉ trả lời bằng một nụ cười, tỏ ý không sợ sự đe dọa của hắn, nhưng thực ra hoạt động của chúng tôi có khó khăn hơn. Bọn "tổng” này (Tổng giám thị, Tổng giám đốc, Tổng thư ký, v.v...) coi tất cả các Trường cao đẳng, có quyền hạn khá lớn. Còn mỗi trường có một Giám đốc (Hiệu trưởng) và một Giám thi cũng đáo để lắm.

    Chúng tôi tranh đấu phải dựa vào các Giáo sư có tuổi, nhất là nữ Giáo sư. Các vị này yêu quý sinh viên, vì chúng tôi phần nhiều học giỏi, lễ độ, thường vẫn giúp đỡ họ trong việc nghiên cứu những vấn đề Việt Nam. Nhưng việc "dựa này cũng phải khôn khéo và đúng mức mới có kết quả tốt. Một lần, để chống một việc áp bức vô lý về chuyện ăn uống, chúng tôi "bãi cơm”. Buổi trưa có kẻng ăn, chúng tôi không ai xuống nhà ăn cả, bảo nhau đi ngủ. Tổng giám thị được cấp báo, chạy xuống nhà ăn, chạy lên phòng ngủ. Anh em sinh viên, anh nào cũng vờ ngáy khò khò. Y tìm ban đại diện, chúng tôi lánh mặt. Y tức lắm bảo nhà bếp bỏ hết thức ăn, không cho ăn nữa. Nhà bếp không dám bỏ. Y ra về, mặt hầm hầm. Buổi học chiều, sinh viên một số không xuống lớp, có vẻ lừ khừ. Một nữ Giáo sư hỏi: "Tại sao các anh nom như bị ốm cả?" -"Thưa bà, chúng tôi đói!" -"Các anh không ăn cơm à?" - Không, cơm không ăn được. Người thầu thực phẩm được Ban giám thị dung túng đã ăn bớt nhiều quá". Bà giáo chạy xuống nhà cơm, rồi lên bảo: "Được rồi, chúng tôi sẽ đi tìm ngay ông Giám đốc". Thế là mấy bà giáo kéo nhau sang phòng giấy Giám đốc mời ông này sang ngay. Họ bàn bạc với nhau một lúc rồi Giám đốc bảo nhà bếp làm thêm thức ăn và bảo sinh viên phải xuống ăn đông đủ.

    Thật ra chúng tôi không đói, vì đã bố trí bánh mì, xôi, chuối, nhờ anh em ở ngoài mua hộ đưa vào từ buổi trưa để trong bàn học. Chúng tôi ăn no rồi mới đi ngủ.

    Ngoài học bổng hàng tháng, sinh viên còn có quyền lợi của cái thẻ sinh viên. Có thẻ này, không phải đóng thuế ở Hà Nội, đóng sưu ở nông thôn; đi xem hát, xem chiếu bóng, xem ca nhạc, đưa thẻ ra chỉ phải trả nửa tiền. Mỗi năm nghi hè về nhà, đi xe lửa được vé hạng nhì khứ hồi không mất tiền.

    Việc lưu trú tổ chức rộng rãi. Mỗi ngày cơm chiều xong, khoảng 6 giờ, sinh viên được ra phố hoặc về nhà, đến 8 giờ mới phải vào trường. Chiều thứ bảy ai có gia đình (vợ con) được ngủ nhà cho đến sáng thứ hai mới vào. Nhưng nhiều sinh viên cũng "quấy" lắm: chiều được ra ở luôn ngoài phố chơi nhăng cho đến khuya về treo tường vào hoặc từ mờ sáng đi lẻn cổng. Trước khi ra buổi chiều, họ đã trải chiếu buông màn ở giường ngủ để đánh lừa người kiểm soát ban đêm. Ban đại diện đã phê bình nhiều lần mà các "ông tướng” vẫn không chừa. Đây là một việc khó xử cho anh em đại diện, vì chúng tôi chỉ muốn anh em bảo nhau, không muốn "lập bô" với Tây những việc sinh viên vi phạm kỷ luật.

    Về phần chuyên môn thì như trên đã nói, các Trường cao đẳng Đông Dương tổ chức theo kiểu mẫu trường bên Pháp, nhưng từng trường một có chỗ khác nhau, tùy theo mục đích và nhu cầu của từng ngành nghề, ở đây tôi xin quay trở lại với Trường cao đẳng Sư phạm.


    [...]
    ______

    [3] Hắn gọi tôi là Chef de bande (trùm) (NC).
     
  3. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    [...]


    Trường có hai ban: Ban văn chương (section des lettres) gồm có các khoa văn, sử, địa, triết. Ban khoa học (section des Sciences) gồm có toán, lý, hóa, vạn vật. Cả hai ban học chung khoa sư phạm (pédagogie), coi là một khoa chính, gồm cả lý luận và thực hành.

    Chương trình học là đào tạo Giáo sư tương đương Cử nhân (licencié) Pháp để ra dạy các trường trung học và cao đẳng tiểu học, nhưng mấy năm đầu, trường mới thành lập đương có chiến tranh, thiếu Giáo sư, thiếu phương tiện khoa học, nên có châm chuớc nhẹ đi một phần nào. Học khóa là 3 năm. Chương trình chia đều thành ba phần, nhưng năm thứ ba nhiều việc hơn, vì có thực tập và luận án thi tốt nghiệp.

    Giáo sư là các ông Tiến sĩ, Thạc sĩ lão thành làm việc ở Nha học chính Đông Dương và ở Trường Viễn đông bác cổ. Có khi là những Giáo sư thạc sĩ lão thành ở Trường An-be Xa-rô. Cũng có mấy ông ở Pháp mới sang. Các Giáo sư dạy theo phương pháp ở Trường đại học Sư phạm bên Pháp, nghĩa là lên lớp ít, ra bài cho sinh viên nghiên cứu và thuyết trình nhiều, mục đích là để sinh viên đi sâu vào vấn đề và để tập giảng dạy. Có khi một bài ngắn mà phải xem đến hàng chục quyển sách. Đọc xong lại viết thuyết trình thành ra tốn nhiều thì giờ. Những môn học ở đây như văn, sử, địa, chúng tôi đã học ở trung học, không có gì mới lạ lắm, chỉ là sâu rộng hơn mà thôi, nhưng môn triết thì thật mới và bài luận án tốt nghiệp thì chưa từng làm bao giờ. Luận án này là một vấn đề văn chương, luân lý giáo dục, tùy sinh viên được chọn theo danh sách của Ban Giám hiệu đưa ra. Mỗi sinh viên làm luận án có một Giáo sư hướng dẫn. Tôi còn nhớ bài luận án của tôi là "Gia tộc An Nam và ảnh hưởng luân lý của gia tộc" (La famille annamite et son influence morale). Người hướng dẫn là một nữ Giáo sư có tuổi, ngươi hiền hậu và chân thành. Khi bà xem phần nói về gia tộc thì bà khen rất nhiều: tài liệu phong phú, ý kiến dồi dào, văn chương trôi chảy, v.v... Nhung xem đến phần ảnh hưởng luân lý của gia tộc thì bà không đồng ý về nhiều điểm vì trong phần này, tôi phê phán rất nghiêm khắc ảnh hưởng của gia tộc phong kiến mà tôi cho là lạc hậu, tai hại. Có một đoạn tôi nói chính quyền bảo hộ Pháp có ý duy trì ảnh hưởng này để củng cố trật tự phong kiến có lợi cho nền thống trị của Pháp. Bà giáo bảo tôi nên bỏ đi vì có hai điều không đúng: một là ảnh hưởng gia tộc không tai hại như tôi tưởng. Ngay ở Pháp là một nước văn minh mà ảnh hưởng gia tộc vẫn có nhiều chỗ giống như ở Việt Nam. Chúng tôi là phụ nữ đã có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ mà đối với chồng, bố mẹ chồng vẫn phục tòng. Hai là nước Pháp muốn duy trì phong hóa tốt của An Nam là vì người An Nam, không phải để lợi cho việc thống trị.

    Bà ta nói vậy thì tôi biết vậy thôi. Tôi vẫn không tin là đúng và vẫn trù trừ không chữa lại bài của tôi. Một hôm bà ta gọi tôi lại bảo rằng:

    - Anh chữa hay không chữa bài của anh là tùy ý anh. Tôi thích để anh tự do suy nghĩ, vì tôi là người khoan đại như các anh đã biết. Nhưng có điều này, tôi nghĩ cần phải nói thật với anh, vì tôi quý mến anh và cũng là nhiệm vụ tôi phải nói. Sinh viên học là cốt để đi thi, mà thi thì ai cũng muốn đỗ, thế mà bài luận án của anh viết theo một tư tưởng bất thường như thế, không thể được Hội đồng chấm thi chấp nhận. Tôi chắc chắn như thế, và nếu anh không đồng ý với tôi, thì tôi có nhiệm vụ báo cáo lên Ban giám hiệu. Lúc ấy sẽ không hay nữa. Anh suy nghĩ kỹ đi.

    Tôi nghe với tâm trạng buồn bực. Cả bài luận án, tôi chỉ thích có chỗ này và sở dĩ tôi chọn đầu đề gia tộc là định phê phán nghiêm khắc chế độ gia tộc mà tôi để ý đã lâu, nay mới có dịp nói đến.

    Tôi băn khoăn và suy nghĩ mãi. Cuối cùng nể lời bà giáo và các bạn khuyên can, tôi đành phải chữa lại. Tôi biết tinh thần của mình lúc ấy còn non yếu. Thật ra thì tôi cũng muốn đỗ để có thể thi thố những ý định của mình, làm những việc mà mình cho là lợi nhà ích nước.

    Tôi kể dài việc này để bạn đọc thấy rõ cái mà Pháp gọi là "tự do tư tưởng" lúc đó chỉ là một thứ tuyên truyền, và cái việc chống chế độ gia tộc phong kiến này có liên quan đến quyển tiểu thuyết Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link của tôi. Tôi sẽ nói thêm sau.

    Tôi vào Trường cao đẳng Sư phạm là mong thành một nhà giáo và một nhà văn lành nghề. Muốn được vậy phải có kiến thức sâu rộng. Muốn kiến thức sâu rộng phải học rất nhiều. Học trong sách vở và học ở trường đời (bây giờ ta gọi là thực tế xã hội). Tôi nhớ mãi câu nói của một nhà đại nho: "Học nhiên hậu tri bất túc, giáo nhiên hậu tri khôn”; nghĩa là học nhiều mới hiểu mình biết chưa đủ, dạy nhiều mới thấy khó khăn.

    Chúng tôi tự đặt cho mình một kế hoạch, một chương trình, một phương pháp học tập. Lúc đó chúng tôi quan niệm tri thức của con người chỉ ở hai nguồn: một là sách vở cổ kim đông tây mà chúng tôi gọi là học thức. Hai là những điều tai nghe mắt thấy chung quanh mình trên quãng đường đời mà chúng tôi gọi là kiến thức. Hai thứ này thường bổ sung cho nhau.

    Việc học trong sách có phần dễ dàng hơn, vì chỉ cần sáng suốt kiên nhẫn là được. Hồi đó chúng tôi tìm được nhiều sách ở trường học, ở thư viện, ở tủ sách các gia đình, đâu cũng mượn được, ở Hà Nội có 2 thư viện lớn:

    1. Thư viện trung ương ở phố Truờng Thi (nay là Thư viện Quốc gia).

    2. Thư viện Bác cổ (nay là Thư viện khoa học trung ương) (4), ở Thư viện này có cụ Nguyễn Văn Tố mà chúng tôi thuờng gọi là "nhà bác học Việt Nam". Cụ biết rõ rất nhiều sách trong thư viện. Đến tìm sách chỉ cần nói với cụ muốn nghiên cứu vấn đề gì, cụ liền bảo cho biết tất cả những sách nói đến vấn đề ấy. Cụ nhớ cả quyển nào xuất bản năm nào và cụ khuyên nên đọc nhũng quyển nào thích hợp với vấn đề mình nghiên cứu. Lúc lấy sách ra đọc, quả đúng như cụ bảo. Anh em rất kính phục cụ, kính về đức, phục về tài. Viết đến đây, tôi rất thương tiếc cụ mất ở Việt Bắc trong hồi đầu kháng chiến chống Pháp.

    Chúng tôi say sưa với sách, có thế nói quên ăn, quên ngủ. Chúng tôi xem hết sách ghi trong chương trình nhà trường, xem rộng ra các sách mà chúng tôi cho là hay. Chúng tôi xem lan man đến cả những sách "khoa học ảo thuật" (sciences occultes); thôi miên (hypnotisme), viễn cảm (télépathie), truyền tư tưởng (transmission de pensée), thuật chiêu hồn (spiritisme) v.v... Chúng tôi xem các sách đó để tìm hiểu rõ hơn các hình thức "ma thuật” cổ truyền của ta như lên đồng, bắt tà, đánh đồng thiếp, gọi gí, v.v...

    Chúng tôi chú ý nhất là sách văn học và sách sử học. Chúng tôi đọc văn học Pháp từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX. Văn học Việt Nam từ Lý -Trần, Lê cho đến cận đại. Nhờ có biết chữ Hán nên nhiều anh em chúng tôi xem và nhớ cũng không khó lắm. Văn học Việt Nam là một môn mà sinh viên phải tự học vì nhà trường không dạy. Có một số Giáo sư xuất thân ở Trường cao đẳng Sư phạm quả tình không biết Việt văn. Ấy thế mà điều thật lạ là nhà trường lại dạy chữ Hán mỗi tuần một giờ!

    Ngoài chương trình văn học của nhà trường, chúng tôi thích đọc rộng thêm, sâu thêm ba loại sách này:

    1. Văn thơ cách mạng Pháp của ba nhà văn nổi tiếng: Mạnh-đức-tư-cưu (Montesquieu), Vôn-te (Voltaire) và Lư-thoa (Rousseau) mà lúc đó chúng tôi cho là mới lạ, tác động sâu sắc đến tư tưởng và tâm hồn của chúng tôi, những thư sinh thời Pháp thuộc luôn luôn mơ ước độc lập dân tộc.

    2. Văn thơ lãng mạn của trường phái Vích-to Huy-gô (Victor Hugo) nhất là ở giai đoạn sau 1880. Đặc điểm của văn thơ lãng mạn hồi này là cá nhân chủ nghĩa (individualisme), cá nhân tự do, bất chấp luật lệ cổ điển, bất chấp cả phong tục tập quán bó buộc của xã hội chung quanh mình. Cái "tôi" được đề cao triệt để. Mình quay vào tự phân tích cái tâm trạng của mình, mô tả tình yêu thương, lòng ghen ghét, nỗi căm hờn của mình một cách miên man tha thiết. Những hành động xáo lộn tâm can đó được phổ biến ra ngoài bằng những lời văn thơ tán thán (lyrisme). Những sự vật ngoại giới có được tả cũng phải thông qua cái "tôi” (suhjectivisme) mới được biểu hiện. Tâm trạng này là của thanh niên trí thức Pháp sau những cuộc cách mạng tư sản thăng trầm, sau những cuộc chiến tranh nội và ngoại liên miên. Họ bối rối, âu sầu. Họ mắc cái bệnh "chán đời" (Le mal du siềcle). Họ chán cái đời hiện tại mà họ cho là không có ý nghĩa gì. Họ tìm vươn lên một cuộc đời lý tưởng mà họ cho là tốt đẹp hơn. Những cuộc đời tốt đẹp mà họ mơ ước làm sao tìm thấy được trong xã hội bấy giờ. Cho nên rốt cuộc họ đã ngã lòng thất vọng. Tâm trạng này cũng giống tâm trạng của một số trí thức Việt Nam hồi 1914 -1926, những người thiết tha với việc nước, việc đời.

    3. Triết học duy tâm, đặc biệt là tâm lý học, luận lý học, xã hội học, v.v... Chúng tôi hồi đó thích triết học này ở hai điểm: một là nhận thức vũ trụ quan và nhân sinh quan duy tâm đã giải đáp được những băn khoăn thắc mắc hồi đó của chúng tôi trong sách vở và trên quãng đường đời. Hai là triết học này có những yếu tố giống triết học Á đông, cụ thể là học thuyết của A-rix-tôt (Aristote), nhất là của Xô-cơ-rát (Socrate), Pla-tông (Platon), có nhiều chỗ giống học thuyết Khổng Mạnh. Chúng tôi mơ tưởng xây một nền văn chương đạo đức Việt Nam trên nền tảng "Đông Tây hợp thái".

    [...]
    ______

    [4] Từ vài thập kỷ nay, Thư viện này bị tách làm 3: -1. Thuộc viện Hán Nôm; -2. Thuộc Viện thông tin khoa học xã hội; -3. Thuộc Viện thông tin khoa học kỹ thuật.
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Về sử học, chương trình ghi sử thế giới, sử nước Pháp (từ Trung cổ đến Đại chiến thế giới thứ nhất), sử Việt Nam từ Thượng cổ đến chính biến Duy Tân (1916); thời thuộc Pháp phải học nhiều, học trong tài liệu của người Pháp và cả người Việt. Có nhiều chỗ sai sự thật, có lợi cho thực dân. Có điều kỳ là chủng tôi biết là sai mà cứ học. Lúc thi vẫn viết đúng như trong sách. Một thí sinh không viết đúng bị đánh hỏng ngay. Chuyện này rất lý thú, xin kể ra đây để chứng minh.

    Trong kỳ thị tốt nghiệp năm ... (5) có đầu bài hỏi về sử Việt Nam thời Bắc thuộc. Người ra bài muốn thí sinh so sánh Bắc thuộc với Pháp thuộc, cho thí sinh nói tốt cho Pháp. Nhưng có một thí sinh làm một bài kết án bọn xâm lược ngày xưa và nhất là ngày nay. Ban Giám khảo (có Hiệu trưởng và 4 Giáo sư) đã phải họp về việc này. Sau khi thảo luận có 4 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Giáo sư bỏ phiếu trắng nói: "Đa số thanh niên An Nam bây giờ đều nghĩ như thí sinh này nhưng họ không nói ra. Thí sinh này nghĩ nên nói ra, tôi cho là thẳng thắn can đảm và không nguy hiểm cho chúng ta. Tôi đề nghị cho anh ta đỗ để bớt một người thù”. Nhưng thí sinh vẫn hỏng, dù những bài khác rất tốt. Đuợc tin hỏng, anh bỏ trường đi vào Sài Gòn viết báo hoạt động cách mạng rồi sang Pháp, sang Nga làm "giáo sư đỏ”, ít lâu về nước. Nay ở cấp cao trong Đảng và trong Chính phủ.

    Chúng tôi học sử rộng hơn chương trình nhà trường nhiều, đặc biệt chú ý đến hai giai đoạn:

    1. Sử cách mạng Pháp từ 1789 mà chúng tôi say mê.

    2. Sử đế quốc Pháp chiếm nước ta. Nhưng chúng tôi đọc những tài liệu riêng, mượn được ở các gia đình và ở Thư viện Trường Bác cổ do cụ Nguyễn Văn Tố cho mượn. Chúng tôi nhận thấy văn học và sử học phải đi đôi với nhau. Học văn mà không học sử là một thiếu sót lớn.

    Chúng tôi xem rộng văn học Pháp có hai mục đích: một là để ra dạy học, hai là để bổ sung cho văn học Việt Nam. Lúc bấy giờ, nhiều người trong chúng tôi đều nhìn thấy ở văn học Pháp một tư tưởng tiến bộ và rất nhiều tiếng nói phong phú, đa dạng, có lợi cho việc phát triển văn học Việt Nam. Có người đã nói: "Thực dân pháp đô hộ thì nên đánh đuổi đi, nhưng văn học Pháp thì nên giữ lại". Trên kia đã nói nhà trường không dạy Việt văn. Chúng tôi phải tự học lấy cũng khá công phu.

    Chúng tôi bắt đầu học Việt văn ở Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Vào cao đẳng chúng tôi học thêm nhiều. Cái chính vẫn là xem rộng nhớ giai (đa văn cuồng ký). Chúng tôi đọc nhiều sách, học thuộc những bài thơ bài văn hay cổ và kim. Có anh nhờ đọc thêm mà thuộc lòng hầu như tất cả những truyện thơ trường thiên và ngâm khúc như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Bần nữ thán, Thu dạ lữ hoài ngâm, Tỳ bà hành, Chức cẩm hồi văn, v.v... Nhờ biết chữ Hán nên anh em sinh viên học văn Hán Việt không khó lắm. Chúng tôi thuộc những bài phú, bài văn tế dài. Nhiều bài học từ lúc ở trường mà ngày nay vẫn còn nhớ. Đó là những vốn rất quý cho người làm văn thơ và dạy văn thơ. Nó tăng cường nội dung và trau dồi nghệ thuật rất tốt.

    Theo tôi, ở trường dạy văn học mà không chú ý đến những bài học thuộc lòng (récitation) là một khuyết điểm lớn. Nó sẽ dẫn đến chỗ thiếu vốn. Làm văn và viết văn mà thiếu vốn thì khó thành một nhà văn hay được, trừ phi có thiên tài, nhưng thiên tài cũng chỉ là một sự kiên nhẫn lâu dài (le génie nest qu’une Jongue patience).

    Chúng tôi "học" nhiều và cũng "hành" nhiều. Ngay từ Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, chúng tôi đã thực hiện chủ trương này. Nhiều anh em tập làm thơ, viết văn với nhau. Trước còn làm những bài dễ, bài ngắn, sau làm dài làm khó dần. Được bài nào đem đọc cho bạn bè nghe để các bạn giúp ý kiến, ở Trường cao đẳng, chúng tôi viết nhiều và viết đã khá. Chúng tôi viết văn xuôi nhiều hơn làm thơ vì nghĩ rằng trong xã hội báo chương lúc ấy văn xuôi đắc dụng hơn văn vần. Những bài được anh em khen hay, chúng tôi gửi đăng báo. Lúc đầu họ không đăng, có lẽ vì văn thơ mình còn dở. Dần về sau báo chí lác đác đăng, đó là một sự khuyến khích để chúng tôi viết nhiều hơn. Các báo đăng nhiều cho anh em trẻ là Trung Bắc, Thực nghiệp, tạp chí Nam phong... Có bài được độc giả chú ý, ví dụ về thơ tôi có mấy bài về Hồ Gươm, loại thơ cảm khái thời thế:

    Chùa kia ai dựng, cánh ai bày
    Bút Tháp, cầu Thê có phải dây?
    Gió thổi ngang bờ, sen lợp sóng
    Trăng lồng dưới đáy, nưóc lay mây
    Kìa thanh thần kiếm bao kim cổ
    Mà tượng Lê triều khóc cỏ cây
    Ngắm cảnh càng thêm ngao ngán cảnh
    Hồn thơ như gợi dạ như ngây (6).


    NGẮM CÁNH HỒ​

    Một buổi chiều thu đứng ngắm hồ
    Tấm lòng sôi nỗi nước lô nhô
    Dưới cầu Thê Húc sen vàng lá
    Mây lá sen vàng chiếu bóng ô (7).

    Về văn xuôi có bài Văn chương với nữ giới (cái hại văn cảm đối với nữ học sinh).

    Bài này đã gây nên một cuộc bút chiến hơn một năm giữa nhóm thanh niên tân học và một số nhà thơ "sầu thảm thoát ly" đứng đầu là Tản Đà. Việc này tôi nghĩ nên chép lại đây đế bạn đọc hiểu rõ tình hình văn học Việt Nam hồi đó:

    Nguyên do năm 1920, Trường cao đẳng Sư phạm được dời sang Trường nữ học Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vuơng)...

    upload_2015-12-1_16-5-37.png


    [...]
    ______

    [5] Tác giả để trống trong bản thảo.

    [6] Câu kết bài này lúc tôi mới làm là: Mối thù non nước dạ bao khuây. Lúc đem xuất bản, Tòa kiểm duyệt bắt chữa lại. Nếu không Nhà xuất bản sẽ phải phạt. Tôi đành chữa là: Hồn thơ như gợi dạ như ngây. Thật là nhạt nhẽo (NC).

    (7) Câu này nguyên tác lúc đầu là: Mấy lá sen vàng nhớ cố đô, sau cũng phải chữa lại như trên, câu thơ thành ra không có nghĩa. Kiểm duyệt lúc ấy khắt khe lắm. Không xóa mà bắt chữa. Vì xóa một câu thì độc giả biết câu ấy "động thời thế", họ liền tìm cho được để xem (NC).
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    Trường Đồng Khánh được dời lên Trường nữ học Pháp ở phố Phê-lix Phô-rơ (Félix Faures). Chúng tôi dọn đến Trường nữ học thì thấy trên tường đầy những thơ từ biệt hết sức bi ai, ví dụ:

    Một mình xót nỗi nước mây,
    Biết người danh sĩ sau này là ai.
    Xót mình tựa cửa hôm mai,
    Văn chương đèn sách nào ai với mình.
    Thôi thôi từ biệt trường văn,
    Cùng người ngắn ngủn có ngần ấy thôi...

    Một mình đứng tựa cầu thang,
    Bước đi một bước hai hàng lệ rơi, v.v...

    Anh em sinh viên xem xong thơ gọi to: "Song An (8) đâu rồi, mời anh ra đây xem thơ than khóc của nữ sinh mà cho ý kiến". Chúng tôi ra đọc một lượt cũng thấy chạnh buồn, nhưng nghĩ kỹ thấy văn thơ sầu thảm này thể hiện một tinh thần khá bạc nhược, cần phải chấn chỉnh lại. Những thơ bi ai này đa số trích ở những quyển: "thơ sầu" mới xuât bản hồi ấy như Mối sầu chung, Dây đàn đau đớn, Ngọn đèn khuya v.v... mà một độc giả đã chê giễu trong một bài thơ hài hước:

    "Một ngọn đèn khuya ” "một tấm lòng",
    "Giây đàn đau đớn" "mối sầu chung".
    Muốn đem "ngọn bút tình" ra vẽ,
    Nhưng "tấm lòng son" những ngại ngùng.

    Đây là nhan đề sáu tập "thơ sầu” bán ra khắp phố phường mà những nguời biết nghĩ không muốn để cho thanh niên thanh nữ (nhất là nữ sinh) đọc, vì nó chứa chan những thơ sầu tình vơ vẩn, sầu cảm bệnh tật, không đưa đến một tính tình cao cả rắn rỏi vì nuớc vì nhà. Các bạn sinh viên sau khi hội ý đồng thanh cử tôi viết một bài phê phán lối giáo dục tư tưởng của Trường nữ sư phạm này vì các nữ sinh sư phạm sẽ là những cô giáo, những bà mẹ tương lai.

    Bài tôi viết đem đăng tạp chí Nam phong, lập tức các nữ sinh Trường Đồng Khánh phản kháng kịch liệt. Các cô năm thứ ba thứ tư đứng đầu là cô Đỗ Thị Đàm (tức nữ sĩ Tương Phố sau này) nhờ người bạn tôi là Nguyễn Hữu Tài mời tôi ra nhà anh để các cô đến "chất vấn". Tôi phân vân đã định không đi, nghĩ rằng xem một bài thơ, một bài văn mỗi nguời có quyền có ý kiến phát biểu tự do, nên tôi chẳng phải trả lời ai cả. Nhưng các bạn sinh viên cứ tha thiết bảo tôi nên đến. Có ngại gì thì các anh đi hộ vệ. Tôi nói tôi sẽ đi và đi một mình, đi đông không tiện.

    Lúc đến nơi, tôi thấy các cô đã ngồi đông ở các ghế, các giường, độ ba chục người, lứa tuổi độ 17-18. Anh bạn tôi giói thiệu, rồi cuộc chất vấn bắt đầu ngay. Cô Đàm lớn tuổi nhất và cũng bạo dạn nhất, đứng lên xin phép hỏi tôi một tràng "tại sao": Tại sao ông viết bài ấy? Tại sao ông gọi văn thơ ấy là văn thơ đạo tình, văn thơ lãng mạn? Tại sao ông nói nhiều về mẫu nghi, mẫu giáo, có ý mạt sát nữ sinh và phụ nữ? v.v... Tôi thấy những câu tại sao đó vụn vặt quá, không có hệ thống và cũng không có gì khúc mắc, nên không trả lời trực diện. Tôi chỉ phân trần là không mạt sát nữ sinh, trái lại còn quý trọng, coi như những bạn đồng sự tương lai, nên có mấy lời nói thật và nói thẳng vậy thôi. Tôi viết lên báo công khai là để chóng thấu đến chị em và cũng để chấn chỉnh độc giả. Nếu các cô không tin lời tôi nói và không đồng ý với bài báo thì xin cứ trả lời trên báo, có lẽ rõ ràng và thuận tiện hon. Cô Đàm không nói gì. Một cô khác nói: "Những câu viết lên tường là những câu vẩn vơ của đám em nhỏ các lớp viết". Tôi trả lời: "Chúng tôi xem bề cao từ mặt đất lên đến các bài thơ thì phải là bề cao của những người 17, 18 tuổi". Có một số cô che miệng cuời.

    Anh bạn tôi lái sang chuyện khác. Anh hỏi tôi về việc học hành trong Trường cao đẳng Sư phạm, việc viết văn của tôi. Tôi nói chuyện niềm nở vui vẻ. Xem chừng các cô bây giờ không tức giận nữa và nghe một số ý kiến tôi trình bày về văn học, sư phạm và nữ giáo nhiều lúc tỏ ý vui cười. Cũng từ sau đó, một số cô giỏi văn thơ, nhất là cô Đàm, đã thành những người bạn văn chương của tôi. Thế là cuộc "chất vấn" kết thúc khá tốt đẹp. Nhưng những nhà thơ sầu bị lên án trong bài báo của tôi lại họp lại, bàn luận việc trả lời. Cuối cùng các ông ấy nhờ ông Mai Đăng Đệ (Cử nhân, làm báo) viết một bài lấy tên một nữ sinh là Nguyễn Đồng Khang, đăng tạp chí Nam Phong, trả lời rất gay gắt bài của tôi. Đại ý nói: phụ nữ "đa sầu đa cảm” là tốt. Không cảm sầu là gỗ đá, không phải là phụ nữ. Phê bình tính đa cảm đa sầu của phụ nữ là quá khắc nghiệt. Chê bai những tập thơ sầu mới xuất bản là đố kỵ, v.v... Tôi bèn viết bài Cảm giác và tinh thần cũng đăng ở Nam Phong trả lời gián tiếp. Ý nói có tình cảm là tốt, là quý. Có tình yêu nước yêu nhà là một động lực vô song. Còn tình cảm nói chung thì cần phải phân biệt hùng cảm (la sensibilité) và nhu cảm (la sensiblerie). Người ta cần phải có hùng cảm để thúc đẩy hành động của mình, ví dụ tình yêu nước thương nòi của bà Trưng bà Triệu. Còn nhu cảm là thứ cảm giác yếu ớt, động một tí là ủ rũ ra ngay, còn làm gì được nữa, chỉ ngồi mà khóc thôi. Văn cảm hùng dũng là hay là quý, nó gợi lòng yêu nước thương nhà, nó thúc đẩy hành động cao cả. Còn thứ thơ sầu, thơ thảm, thơ chán đời vô nghĩa chỉ làm cho nguời ta nhu nhược, chả giáo dục được ai.

    Sau bài này có thêm một số bài đăng ở các báo Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp, Khai hóa của một số thanh niên và phụ nữ tán thành bài của tôi, còn một số bài của đối phưong cũng đăng ở các báo nói trên, thì tôi xin thú thực là không xem hết, vì phải chuẩn bị thi tốt nghiệp. Kết cục là đại đa số các nhà giáo, nhà văn trẻ tuổi đứng về phía chúng tôi, chống nhu nhược bi quan, chán nản. trong khi đang cần phải rắn rỏi tìm phương kế hay cho nhân quần và xã hội.

    Qua những văn thơ sáng tác, tuy không tự giác nhưng cũng dễ dàng nhận thấy chúng tôi chịu ảnh hưởng văn học Pháp rất nhiều. Ảnh hưởng về nội dung tư tưởng và cả hình thức nghệ thuật, vì chúng tôi đọc nhiều sách Pháp, lại phải viết văn và nói tiếng Pháp gẩn như trí thức Pháp. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý là chúng tôi không bị "Pháp hóa" như một số anh em khác học ở Hà Nội và nhất là anh em học ở Pháp về mà đồng hào thường gọi là những người "mất gốc' hoặc "mất rễ" (les déracinés). Chúng tôi có ý chí và có mục đích rõ ràng là nghiên cứu văn học sử học Pháp để biết rõ người Pháp hơn, biết cái hay cái dở của văn minh phương Tây mà bổ túc cho "văn minh Đông Á” của cha ông mình. Chúng tôi luôn luôn giữ bản sắc Việt Nam và tinh thần dân tộc. Xin kể một chuyện mà chúng tôi cho là lý thú về mặt này.

    Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Việt bắc, một lần nhiều anh chị em chúng tôi, những cán bộ phụ trách các ngành chuyên môn liên khu đương họp với Ủy ban kháng chiến, thì có tin báo là có một số tù binh Âu Phi bị giải qua đấy. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban cho người đưa chúng tôi ra xem. Đến nơi chúng tôi thấy độ vài chục người Tây trắng và Tây lai (créole) nom có vẻ buồn rầu tiều tụy. Họ đều nói tiếng Pháp. Một người có vẻ là sĩ quan chào chủng tôi và xin thuốc lá. Trong khi hút thuốc, anh ta xin phép hỏi chuyện chúng tôi và nhờ đồng chí phụ trách phiên dịch. Khi thấy chúng tôi nói tiếng Pháp thạo, anh ta rất ngạc nhiên và hỏi chúng tôi là ai. Đồng chí phụ trách nói là những Bác sĩ, Kỹ sư, Giáo sư, Luật sư cao cấp. Anh ta càng lạ và nói rằng: "Tôi không thể hiểu được tại sao các ông nói tiếng Pháp giỏi như vậy? Có văn bằng như trí thức Pháp mà lại chống Pháp, đánh Pháp hăng hái như vậy?” Chúng tôi trả lời: 'Chúng tôi học, hiểu rõ người Pháp đế chống lại họ có kết quả hơn, chứ không phải để theo họ. Vì người Pháp thực dân xâm lược nước chúng tôi là kẻ thù nguy hiểm của chúng tôi. Bao giờ chúng tôi cũng biết điều ấy". Người tù binh nói: "Chúng tôi chịu các ông, các ông là những khối óc ghê gớm (des têtes terribles)".

    ______

    (8) Các anh em thường gọi tôi bằng biệt hiệu, không gọi tên, thành ra biệt hiệu này rất phổ biến lúc bây giờ (NC).


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 5/12/15
  6. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    [...]


    Trên đây là phần "học thức", nghĩa là những tri thức lấy được trong sách vở (mà tôi đã nói ở trên). Còn phần "kiến thức" nghĩa là những hiểu biết qua trường đời cũng hết sức quan trọng. Cái học này khó khăn hơn, phức tạp hơn và nhiều khi gian nan hơn, vì trường đời rộng hơn các thư viện, nhà bảo tàng, các kho tài liệu công khai hay bí mật. Có người nói: một người đã sống dăm bảy chục năm, tất trải việc đời, nghĩa là đã thu được một số kinh nghiệm, kiến thức, cần gì phải học nữa. Đúng, nhưng đợi vậy thì chậm quá. Hơn nữa có người sống lâu, nhưng chả để ý gì đến việc đời, chả suy xét gì thì chả thu được gì cả. Chúng tôi muốn đương thanh niên, ít tuổi đời mà cũng có nhiều vốn sống để dùng vào việc dạy học, nhất là viết văn, vì làm nhà giáo (ông thầy), nhà văn (người hướng đạo) phải sớm tích lũy nhiều học thức và kiến thức. Chúng tôi nhận thấy muốn viết văn hay (nhất là văn hiện thực) phải có nhiều tri thức và nhất là nhiều kiến thức. Chúng tôi từng thấy những nhà văn lớn trên thế giới toàn là những người học rộng biết nhiều, nghĩa là có nhiều học thức và kiến thức: Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Huy-gô (Hugo), Ban-dắc (Balzac), v.v... toàn là những nguời học rộng biết nhiều. Trừ ra Rút-xô (J.J.Rousseau) không đến nhà trường nào cả, nhưng ông đã đọc sách rất nhiều và cái đời lang thang đó đây của ông đã cho ông nhiều kiến thức về thế sự.

    Chúng tôi khẳng định: muốn viết văn hay, phải có nhiều vốn sống, nên nhiều anh em đã sớm lăn lộn trong vòng đời, giam mình trong thực tế xã hội. Cái thực tế của xã hội cũ trước cách mạng lại rất phức tạp, nên phải tốn nhiều công phu, thậm chí trải nhiều nguy hiểm.

    Hồi Pháp thuộc xã hội ta có hai lớp người: lớp cũ và lớp mới. Lớp cũ từ xưa còn lại gồm những nhà nho nghèo, quan lại, nhà giàu ở thành thị, địa chủ và dân cày ở nông thôn. Lớp mới do chế độ thực dân đẻ ra gồm những công chức "bảo hộ", thầu khoán, nhà buôn, mại bản, bồi bếp, cu-ly và những người vô nghề: gái điếm, giang hồ, ma cô, những người sống bằng cờ gian bạc lận... Trong xã hội mới có một hạng người đặc biệt là vợ Tây, sản phẩm trực tiếp của chế độ thực dân đế quốc. Họ sống rất đầy đủ, nhiều người có "quyền sinh sát" ghê gớm, sẽ xin nói rõ ở sau.

    Chúng tôi định đi quan sát tất cả các hạng nguời, nhưng sau thấy phạm vi quá rộng và quá phức tạp không thể làm được, nên đành khoanh lại trong diện những loại người có những nét đặc biệt, có lợi cho việc làm thơ, viết văn, nhất là viết tiểu thuyết.

    Chúng tôi cũng biết, muốn tìm hiểu một người nào thì phải gần gũi, làm quen làm thân với họ. Đó là một việc khó, nhất là đối với phụ nữ, có khi là một việc nguy hiểm nữa là khác. Nhưng chúng tôi có hai điều thuận tiện: một là quen biết nhiều, hai là cuơng vị "sinh viên cao đẳng" mà hồi đó nguời ta rất chuộng, nên vào đâu cũng dễ dàng, dễ được "đối tượng" quý trọng. Câu "phi cao đẳng bất thành phu phụ" mà lúc ấy người ta thường nói có ý nghĩa mỉa mai, nhưng cũng có khía cạnh nói lên lòng hâm mộ của xã hội đương thời.

    Hạng phụ nữ mà chúng tôi chú ý là hạng vợ Tây (thường gọi là me Tây hoặc cô Tây) sản phẩm trực tiếp của chế độ thực dân xâm lược. Họ dựa vào nguời chồng thực dân mà có quyền hành thế lực một thời. Có một số nổi danh là "bà lớn" ở đất Hà thành văn vật. Họ xuất hiện từ lúc Pháp mới chiếm thành Hà Nội. Bài ca Hà thành thất thủ đã có câu:

    Cô Thông Sát, Thông Năm vô số,
    Vợ quan Tây bà cố chan chan;
    Võng đào giầy thắm nghênh ngang,
    Mới hôm nọ đã bà quan tềnh tàng.

    Câu chuyện "một ngày nên quan” ấy rất phổ biến. Thành phần của họ khá phức tạp. Có người trước là gái điếm, có người là gái quê bị đem bán hoặc bị bắt cóc. Có người là "con nhà tử tế" sa đà lỡ bước. Có người là con gái thành phố bị ép duyên vì bố mẹ tham tiền hay tham thế lực. Ca dao hồi ấy đã có câu:

    Cô kia mặc yếm hoa hiên,
    Có muốn lấy tiền thì xuống tàu Tây.
    Có lấy thì lấy quan ba,
    Đừng lấy lính tập mẹ cha mất nhờ...

    Chủng tôi tìm hiểu cái xã hội "lố lăng" này với hai mục đích: một là biết được cái thế lực của các "bà cô" và "bà quan tềnh tàng" đến mức nào trong xã hội Việt Nam hồi ấy. Hai là thu góp văn thơ "lai căng" do cái xã hội này sáng tác. Đây là phần chính.

    Mấy me Tây nổi tiếng về thế lực và gian ngoan ở Hà Nội là Tư Hồng, bé Tý, Hai Giá, Hai Lựu...

    Tư Hồng xuất thân là một thôn nữ khá xinh tươi, thông minh và nhanh nhẹn. Tên thật là Trần Thị Lan, ở vùng Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cô Lan bỏ quê ra Hải Phòng lấy chú Hồng (người Trung Quốc) thành tên là thím Hồng. Ít lâu sau bỏ chú Hồng lên Hà Nội lấy một viên Quan Tư, thành cô Tư. Ngươi ta ghép tên hai người chồng lại thành ra Tư Hồng. Cô Tây Tư Hồng có nhiều mưu mô thủ đoạn xảo quyệt: biết chồng coi giữ thành Hà Nội có nhiều quyền thế và biết cấp trên định phá thành Hà Nội để tìm của, Tư Hồng xin chồng cho bỏ thầu và cô ta được thầu. Của chôn thì không thấy, nhưng việc phá thành đưa lại cho cô ta bao nhiêu là gạch đá, gỗ, sắt. Tư Hồng đem bán và xây được mấy dãy nhà đồ sộ ở phố Hàng Da, phố Quán Sứ và xây biệt thự ở ngõ Hội Vũ. Chốc lát bà ta đã thành một cự phú có nhiều nhà đất ở Hà Nội. Đó là thủ đoạn làm giàu. Còn thủ đoạn làm quan, làm 'bà lớn Án” lại xảo quyệt gian ngoan hơn nữa. Cùng năm ấy, vùng Quảng Trị, Thừa Thiên bị lụt to, dân đói. Tư Hồng buôn lậu gạo vào đó bán với một giá cắt cổ. Bị bắt quả tang, Tư Hồng cãi rằng: mình chở gạo vào phát chẩn cho dân bị lụt, không phải buôn bán, rồi mụ ta nhờ các quan đem tất cả mấy thuyền gạo phát chẩn cho dân. Tin ấy đến tai Tòa Khâm, Tòa đề nghị Triều đình Huế khen thưởng hậu. Tư Hồng luồn lọt thế nào mà được sắc Hồng lô tự khanh, ngang hàm Án sát. Bố Tư Hồng cũng được tặng sắc phong, tư về tận nguyên quán. Thế là Tư Hồng về làng khao vọng linh đình, có mời cụ Tam nguyên Yên Đổ là người hàng tổng. Cụ Tam nguyên không đến, chỉ cho đưa câu đối đến mừng. Mừng rằng:

    Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫv lừng
    băm sáu tỉnh;
    Nào biên, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ đề
    mấy lăm người.

    Một ông Đốc học cũng được mời, cũng có đưa câu đối nhưng câu này trào phúng chua cay hơn:

    Ngũ phẩm sắc phong hàm cụ lớn;
    Trăm năm danh giá của bà to.

    Lần cuối cùng chúng tôi đến nhà Tư Hồng ở Hội Vũ thì cô ta đã già rồi, nhưng giáng điệu và ăn nói vẫn còn trẻ và quan cách lắm! Người ta vẫn gọi là "bà lớn Án".

    Lúc đây Tư Hồng đã lấy một thầy tu phá giới người Pháp, cũng tên là Hồng (Croisier). Thầy tu này còn trẻ, là một thằng Tây rất xảo quyệt. Nó lấy Tư Hồng cốt để bòn của. Của nổi (tiền bạc), của chìm (nhà đất). Nó dỗ dành thế nào mà Tư Hồng để cho nó sang tên tất cả văn tự nợ và văn tự nhà đất, trước khi Tư Hồng chết, về sau lúc đưa đám Tư Hồng, tên thầy tu chống gậy đi sau áo quan để che mắt họ hàng, bà con của nguời chết. Nguời đi xem biết chuyện, ai cũng ghê sợ cái hành động đặc phong tục "An Nam" của y. Báo Argas đã viết bài "chửi" việc này trong 3 số liền. Người ta kết luận: cái giàu của Tư Hồng là "của thiên trả địa"…


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/12/15
  7. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    [...]

    Sau Tư Hồng có Bé Tí. Bé Tí là một me Tây nổi tiếng ở Hà Nội. Y lấy một thằng Tây tên là Betti nên người ta gọi là Bé Tí. Y ở phố Hàng Bạc. Nhà không to lắm nhưng có hai mặt phố, Mặt chính là Hàng Bạc, mặt bên là ngõ Tạ Hiền, Gian nhà chính là phòng khách, bày biện cũng như những nhà sang trọng ở Hà Thành. Nhưng có cái đặc biệt là phòng bên cạnh là điện thờ thanhs, trần thiết lộng lẫy đủ cả gươm đao, cờ quạt, khăn chầu áo ngự rất sang trọng. Đó là nơi Bé Tí ngự đồng và các bạn đến hầu bóng. Nếp nhà phụ quay mặt ra ngõ Tạ Hiền có nuôi những cầm thú kỳ quái: gà ba chân, lợn hai đầu, chó cụt tai. Ở sân có những chậu cây, bồn hoa kì lạ. Ngày chủ nhật Bé Tí cho mở cổng bên để dân chúng vào xem. Có khi người ta chen chúc nhau để xem những con vật lạ. Bé Tí tìm đâu được một người làm, cao khoảng một mét, cho mặc áo gấm quần hồng để ngồi trong một cái lồng sơn son, phao ngôn là người rừng, được thiên hạ đến xem như đám hội. Hội Khai trí tiên đức (mà lúc ấy người ta gọi là “khai vị tiến thực”) trong một cuộc đấu xảo đã mượn con “người rừng” ấy đem bày, bị một số nhà văn, nhà báo “chửi” cho một trận nên thân.

    Bé Tí đi dạo phố bằng cái xe độc mã, xe đạp, ngựa khỏe nom rất “oai”. Y tự cầm cương ngựa, có chú “tiểu đồng” ngồi cạnh che dù cho y. Y giục nguwacj chạy nhanh. Mỗi khi muốn người đi đường tránh thfi Bé Tí dậm chân vào cái chuông ở sàn xe, tiếng chuông kêu ran phố. Nhiều em bé sợ chạy ngã lăn, Ai thấy xe ngựa Bé Tí đằng xa đã tránh rồi, thế mà đội xếp không bao giờ can thiệp, vì sợ quyền thế của người vợ Tây này. Quyền thế ấy thể hiện ở thái độn ngông nghênh của y ở ngoài đường, và nhất là ở trong nhà, quyền thế ấy còn thể hiện ở những hoành phi câu đối của nhất nhiều vị quan lớn đã tặng cô ta, để tạ ơn cô đã che chở. Xem những dòng chữ ấy mới biết rõ quyền thế Bé Tí.

    Chúng tôi có đọc một quyển thơ lục bát xuất bản lúc bấy giờ ca tụng Bé Tí, nhưng rất tiếc chỉ còn nhớ một câu điển hình:

    Đi chơi thì có đi chơi
    Ra đường không có lôi thôi như người

    Quyển thơ này có thể Bé Tí thuê viết là thuê in.

    Lần đầu tiên chúng tôi đến nhà Bé Tí do một bà bạn giới thiệu. Khi nghe nói có các sinh viên cao đẳng đến làm quen thì chủ nhà đón tiếp niềm nở, mở rượu sâm banh ra mời. Những người hầu rượu đều là những thiếu nữ độn 17, 18 tuổi, xinh tươi và lễ phép. Các ông khách trẻ có phần bỡ ngỡ, ngượng nghịu, nhưng các cô thì rất tự nhiên và thành thạo trong việc tiếp khách lắm. Lúc về, chúng tôi hỏi nhỏ bà bạn đó là những ai. Bà cho biết đó là “lâu la” của bà chủ. Lâu la này sẽ được gả cho những “ông chủ quan Tây” nhiều tiền và lắm thế lực.

    Những lần sau chúng tôi đến, cách tiếp đãi có phần thân mật và giản dị hơn. Chúng tôi cũng thu được một số nhận xét thực tế.

    Chúng tôi còn quen biết một số me Tây khác như Hai Giá, Hai Lựu, Ba Lan… nhưng không có gì đặc biệt đáng kể.

    Việc mà chúng tôi chú trọng nhất là phần thơ văn của cái xã hội này. Thơ văn mà chúng tôi gọi là “lai căng” nghĩa là vừa tiếng Việt, tiếng Pháp. Đương nhiên nó không hay, nhưng nó đánh dấu một thời buổi thuộc Pháp “lố lăng”. Văn thơ ấy khá nhiều, xuất hiện từ khi Pháp chiếm Bắc Kỳ cho đến khoảng 1930. Đó thường là nững câu hát, những bức thư bằng văn vần khá dà, có khi là bài hát phổ vào đàn như bài lý hành vân, lưu thủy. Những bài ca ấy thường là truyền miệng. Chúng tôi chưa thấy có sách nào chép nên việc sưu tầm cũng khá khó khăn. Chỉ xin ghi ra đây những bài điển hình:

    1 Những câu hát theo điệu ca dao vừa tiếng Việt vừa tiếng Pháp:

    Xăc-sơ (9) rách một ống quần,
    Còn bên ống nữa cũng gần cat-xê (10)
    Xi-en (11) có thấu tình chăng?
    Có người nhân ngãi phú lo-căng (12) mất rồi.

    2. Bằng tiếng Pháp theo điệu Việt Nam:

    Cút-sê đồng, mông se pò-tý
    Manh-to-năng fi-nó pa-pa (14)
    Đờ-puy cờ, jơ tơ con-nét,
    Jút-kích-xi xít xết an-nê (15).

    3. Một bài hát lý hành vân (toàn tiếng Pháp):

    Se dăng-făng, se dăng- făng,
    Vu zêt jơn jăng
    Lơ tăng pát-xờ vít.
    Tờ-ra-vay-ê, pơ-rơ-nê la pen.
    Ác-bờ-rơ ki pút-xờ, xuốc ki cun.
    Pi-e ki run, mác-cờ lơ tăng ki xê-cun xê-cun (16)

    (bài này có thể hát đúng điệu hành vân).

    4. Một bức thư gửi cho chồng:

    Jê-cờ-ri (17) một bức tình thư,
    Ăng-voa (18), thăm hỏi mẹ xừ di-đăng (19)
    Tú xơn (20) gạt nước mắt than rằng:
    Cô-song (21) cái phận lăng nhăng nhỡ nhàng.
    Đờ-puy (22) thiếp bén duyên chàng,
    Nô-xờ (23) chưa được một bàn tiệc vui.
    Ê-loa-nhê (24) ai khéo giục xui,
    Cu-tô (25) ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa.
    La cua (26) mút (27) mọc, luyn (28) tà,
    La săm (29) biết lấy ai là a-mi (30)
    Lạnh lùng mảnh áo sơ-mi (31),
    Năm canh trằn trọc lơ li (32) một mình.
    A-mi (33) ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba (34).
    Pơ-răng qua (35) để làm quà,
    Jê-cơ-ri uyn lét (36) để mà ca-đô (37)
    Tự ngày bước xuống ba-tô (38),
    Lác-mơ (39) nó chảy như hồ Trúc Yên.
    Xi vu lét-xê moa (40) tiền,
    Thì moa cũng chẳng được yên bông cờ (41).
    Tiện lời thăm hỏi ta xơ,
    Cùng cả gia quyến ơ-rơ (43) thanh nhàn.
    Lơ roa (44) Thành Thái Annam,
    23 tháng Tám bước sang tháng Mười (45).
    Tên em là Nguyễn Thị Thời.

    5. Một bài ca (Bài ca văn mình):

    Văn minh gặp buổi Lang-sa,
    Tri âm thì ít giăng hoa thì nhiều.
    Tiếng xôn xao buổi chiều xe ngựa,
    Giọng ỳ ầm đầy phố chuột chim,
    Xa xôi cũng có người tìm,
    Kẻ xuống Tân Ấp (46) người lên hàng Hòm.
    Cô boóc-đen (47) chưa dòm đã chán,
    Ả săng-tơ (48) không ngắm cũng say;
    Mỗi người mỗi nét mỗi hay,
    Kẻ ưa sắc tía, người say màu hồng.
    Cô bay-dan (49) lộn chồng giả của,
    Quyết lấy chồng khố đỏ ăn chơi;
    Dầu lòng mặc sức chơi bời,
    Tháng 4 đồng rưỡi thảnh thơi vợ chồng.
    Còn khóa lính dầu long ân ái,
    Chàng mãn kỳ thiếp lại đi đăng (50);
    Jô-kê (51) tiếng nức ai bằng,
    Vào voa tê-át (52) tưởng rằng là tiên.
    Thấy nho nhân toan liền bắt nạt,
    Gặp sen-đầm (53) bắt bỏ nhà pha;
    Sáng mai giấy chủ đưa ra,
    Nói với ông cẩm (54 đem tha tức thì.
    Phi (55) hơi sữa cô tây ỏm tỏi,
    Cũng học đòi ăn nói chua ngoa;
    Ngày ngày hằng tú lê xoa (58).
    Mông tê bút-bút (57) để mà sẹc-sê (58).
    Thấy xon-đa (59) liền kề tới cạnh,
    Hỏi me-xừ (60) có thuận moa nông (61),
    A lê tút-xuýt (64) hãi hung lắm thay.
    Cha mẹ kiếp đi nay gặp gái,
    Mai thử về bói cái xem sao;
    Chị em cùng bạn đi chào,
    Hỏi nhau một lũ thế nào hỡi cô.
    Lũ a-jăng (65) liền vồ tóm lấy,
    Đít băng-xe (66) tự ấy theo đòi;
    Tiếng than rầu rĩ kêu trời,
    Tiếng fi-bu-lich (67) biết đời nào xong.


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 13/6/16
  8. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    [...]


    Biết rằng thế thì không cho trót,
    Hay chi mà vẹo vọt làm chi;
    Nhớ xưa lúc thúa đương thì,
    Há nghe cha mẹ đến chi nỗi này.
    Pa-rét-xơ (68) làm đày thân khổ,
    Vì guốc-măng (69) nên phải thanh lâu;
    Khuyên ai giữ chí về sau,
    Đừng còn tấp tểnh Tây Tàu mà mo (70).
    Thà răng chịu đói no rau cháo,
    Lấy chồng nghèo giã gạo nấu cơm;
    Chả hơn cá thịt đầy mâm,
    Mà đem thân thể làm thân tôi đòi.

    Bài ca này khác những bài trước. Nó có tính chất mỉa mai châm biến cái xã hội đương thời. Nó đưa ra những hạng người lố lăng thô thiển hồi đó; gái điếm, vợ lính, cô Tây trụy lạc, bọn Jô-kê hống hách bắt nạt lương dân. Người ta nói tác giả là một nhà nho yêu nước, chán ghét chế độ đương thời.

    Chúng tôi sưu tâm đính chính mất nhiều công phuk, vì dều là những bài truyền miệng, có những tiếng Pháp đọc sai, phải hỏi nhiều người mới rõ chữ, ví dụ trong bức thư gửi cho chồng (nói trên ở kia) có câu:

    A-mi ai có thấu tình,
    Để cho đến nỗi thân mình biếng ba.

    Chúng tôi không hiểu “biếng ba” tiếng Pháp là gì, đoán mãi không ra. “Biếng” chắc là chữ bien, còn “ba” là gì. Có người nói “ba” (bas) là thấp nghĩa là thấp kém, hèn cũng không phải. Hỏi những me Tây quen thuộc đều nói không biết nghĩa là gì. Chúng tôi nghĩ phải hỏi những me Tây già may ra họ biết chăng? Mấy người bèn cất công đi sang tận Đáp Cầu (Bắc Ninh) là nơi có địa điểm quân sự Pháp đóng từ lúc Pháp chiếm đóng Bắc Kỳ, có nhiều trại lính và trại “con gái” (vợ Tây). Được sự giới thiệu của các bạn Hà Nội, chúng tôi gặp được mấy me Tây đã có tuổi, các cô trả lời: “Chúng tôi nghe hát thế thì cứ theo thế, không biết chữ nghĩa là gì, nhưng cụ chúng tôi nhớ nhiều câu hát và biết tiếng Tây chắc hiểu rõ, đê tôi hỏi hộ các thầy”. Chúng tôi đề nghị cho gặp cụ già. Các cô đưa đến một nhà gần đấy. Một bà cụ độ 70 tuổi tiếp chúng tôi. Người cũng bình thường không có gì đặc biệt. Bà cụ tiếp đón niềm nở và ăn nói nhẹ nhàng: “Các thầy muốn hỏi già gì nào?”. Chúng tôi vào đề ngay thì bà cụ bảo “biếng ba” là xanh lăm. Nhớ chồng kém ăn biếng ngủ thì xanh xao. Chúng tôi hỏi thêm có phải “ba” là pale không? “Đúng rồi, đúng rôi, biếng ba là bien pale”. Bà cụ trả lời và có đọc thêm cho mấy bài, toàn là những bài chúng tôi đã biết, nhưng cũng đính chính được một số chỗ sai. Hỏi: “Câu 23 tháng Tám bước sang tháng Mười” nghĩa là gì? Trả lời:”23 tháng Tám là ngày ta, Tháng Mười là ngày Tâ”. Hỏi “Nguyễn Thị Thời là ai?” Trả lời: “Một người quê ở Hải Phòng theo chồng lên Bắc Ninh này. Ít lâu chống về Tây, nên cô ta gửi thư cho chồng”. Hỏi: “Có phải chính cô ta viết thư này không? Trả lời: “Không. Nhờ người viết hộ đấy. Cô ta nói ra, rồi người viết ghi vào giấy”.

    Bà cụ có kể cho nghe một vài mẩu chuyện riêng: Trước kia bà là con gái thành phố bán hàng la-ghim (hàng rau), sau bán hàng quà theo các toán linh Tây đi la-mat (la marche) rồi lân la lấy lính, sau lấy cặp-tên (capitaine) sinh được một trai, một gái: thăng Pôn (Paul) và con Jôn (Jaune). Chính bà đã làm bài hát ru con bằng tiếng Pháp

    […]


    ______

    (9) Xác-xơ (Chasseur): lính chiến.

    (10) Cạt-xê (casser): vỡ rách.

    (11) Xi-en (ciel): trời.

    (12) Phú lơ-căng (Foutre le camp): Chạy đi, trốn đi, cuốn xéo.

    (13) Cút-sê đồng (coucher donc): ngủ đi, mông se pờ-tý (mon cher petit): con yêu mến.

    (14) Manh-tơ-năng fi-ní pa-pa (maintenant finit papa): bây giờ không có cha.

    (15) Đờ-puy cờ, jơ tơ con-nét (depuis que je te connais): từ khi tôi biết anh; jut-kich-xi xít-xết an-nê (Jusqu’ici 6, 7 années): đến bây giờ đã 6, 7 năm.

    (16)
    Chers enfants, chers enfants
    Vous êtes jeunes gens
    Le temps passe vite
    Travaillez, prenez la peine
    Arbre qui pousse, source qui coule, pierre qui roule
    Marque le temps qui s’écoule...


    Các con thân yêu, các con thân yêu,
    Các con còn trẻ;
    Thời gian qua nhanh;
    Hãy làm việc đi, hãy chịu khó.
    Cây mọc, suối chảy, đá lăn,
    Đánh dấu thời gian trôi đi thấm thoắt...​

    (17) Jê-cờ-ri (J'écris): tôi viết.

    (18) Ăng-voa (envoie): gửi.

    (19) Di-đăng (résident): Công sứ.

    (20) Tú xon (tout seul): Một mình.

    (21) Cô-song (cochon): con lợn (tiếng chửi).

    (22) Đờ-puy (Depuis): từ khi.

    (23) Nô-xơ (noce): tiệc cưới.

    (24) Ế-loa-nhê (éloigné): xa cách.

    (25) Cu-tô (couteau): dao.

    (26) La cua (La cour): Cái sân.

    (27) mút (mousse): rêu.

    (28) Luyn (lune): mặt trăng.

    (29) La săm (la chambre): buồng.

    (30) (33) A-mi (amie): bạn thân (bạn gái).

    (31) Sơ-mi (chemise): áo lót.

    (32) Lơ li (le lit): cái giường.

    (34) Biếng ba (bien pâle): xanh xao.

    (35) Pơ-răng qua (prendre quoi): lấy gì.

    (36) Jé-cơ-ri uyn let (J’écirs une lettre): tôi viết một bức thư.

    (37) Ca-đô (cadeau): quà.

    (38) Ba-tô (bateau): tàu thủy.

    (39) Lác-mơ (larme): nước mắt.

    (40) Xi vu let-xê moi (Si vous laissez moi): nếu anh để lại cho tôi.

    (41) Bông cờ (Bon coeur): lòng tốt.

    (42) Ta xơ (ta soeur): chị anh.

    (43) Ơ-rơ (heureux): sung sướng.

    (44) Lơ roa (le roi): vua.

    (45) 23 tháng Tám là ngày âm lịch; tháng Mười là dương lịch, cách nhau hơn một tháng (NC).

    (46) Tân ấp: ấp Thái Hà, có xóm cô đầu nổi tiếng (NC).

    (47) Boóc-den (bordel): gái điếm, nhà thổ.

    (48) Săng tơ (Chanteur): cô dầu.

    (49) Baydan (paysanne): thôn nữ.

    (50) Đi đăng: đi đăng lính.

    (51 ) Jô-ké (jockeys): làm nghề cuõi ngựa thi.

    (52) Voa tê-át (voir théâtre): xem hát.

    (53) Sen dầm (gendarme): hiến binh.

    (54) Cẩm (commissaire de police): viên đội cảnh sát.

    (55) Phi (fille): con gái.

    (56) Tú lê xoa (tous les soirs): các buổi chiều.

    (57) Mông tê bút-bút (monter pousse-pousse): lên xe kéo.

    (58) Sec-sé (chercher): đi tìm.

    (59) Xon-da (soldat): lính.

    (60) Me-xừ (monsieur): ông.

    (61) Moa nông (moi non): tôi không?

    (62) Pa vu-loa (pas vouloir): không muốn.

    (63) Điếc cờ nông (dire que non): nói rằng không.

    (64) Alê tút xuýt (aller tout de suite): đi ngay.

    (65) A-jăng (agent): người đi bắt.

    (66) Đít băng xe (dis pensaire): nhà chữa bệnh phát thuốc không lấy tiền.

    (67) Fi bu-lích (fille public) nhà thổ.

    (68) Pa-rét-xơ (paresseur): lười biếng.

    (69) Guốc măng (Gourmand): ăn tham.

    (70) Mo (mort): chết.
     
    Last edited by a moderator: 13/6/16
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này