Tâm lý XH Cô gái đồng trinh và chàng du tử - D.H. Lawrence <Tủ sách Tinh Hoa Văn Học>

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi Cải, 18/11/13.

  1. Cải

    Cải Cử nhân

    [​IMG]

    Cô gái đồng trinh và chàng du tử của D.H Lawrence là một thiên tiểu thuyết dù ngắn nhưng chất chứa quá nhiều cảm xúc mãnh liệt về tình yêu và khát vọng tự do. Những nhân vật trong truyện đứng ở hai khía cạnh đối lập: một chọn cách sống an phận, bình yên, cam chịu; một lại có đời sống phóng khoáng, ung dung, tự tại. Vũ trụ dường như vỡ òa ra những điều kỳ diệu khi những con người ấy gặp gỡ nhau - một cuộc gặp gỡ dường như là định mệnh. Tình yêu có cơ hội nảy nở, tự do được chắp thêm đôi cánh, sự sống dường như thực sự bắt đầu tư giây phút ấy... Ấn tượng và nhân văn, D.H Lawrence đưa người đọc tìm đến những thông điệp rất ý nghĩa trong cuộc sống, trong tình yêu.

    Tóm tắt nội dung
    Cô gái đồng trinh và chàng du tử khắc họa đời sống của hai chị em trong một gia đình người Anh buồn tẻ và nhiều lề thói cùng người cha là một mục sư hà khắc: Yvette và Lucille, trong đó, truyện tập trung kể về sự thức tỉnh mạnh mẽ của Yvette – một cô gái ngoan đạo. Mẹ của Yvette đã bỏ nhà ra đi vì những nguyên nhân chưa bao giờ được phép đề cập đến, sau khi gia đình cô chuyển đến vùng Vicarage xám xịt và thiếu sức sống này. Dù nhận thức rõ cuộc sống trong gia đình hết sức ngột ngạt, dù Yvette phải cố gắng tìm lấy niềm vui riêng cho chình mình nhưng cũng như những thành viên khác trong gia đình, cô lo sợ phải bước ra cuộc sống hỗn độn ngoài kia, cuộc sống tựa như “một mặt trời quay nhanh và nguy hiểm”.
    Khát vọng thoát ly của cô gái trẻ Yvette được thắp lên sau cuộc gặp gỡ giữa nàng và chàng du mục khôi ngô, tuấn tú. Những bản năng bấy lâu nay cô chưa hề có cảm giác đến lại trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết... Cô thèm tình yêu và khát khao một cuộc sống tự do như chàng du mục. Cô kết giao với những người bạn mới. Cô phát hiện ra con người thật của cha mình. Một cơn bão bất ngờ ập đến... Tất cả ùa đến với Yvette dồn dập, dồn dập... Khao khát được giải thoát của Yvette liệu có thành hiện thực? Cuộc sống của cô sau biến cố này liệu có nhưng chuyển biến gì mới mẻ?

    Qúa trình chuyển biến tâm trạng của một cô gái trẻ thông minh, có cá tính trước những vấn đề lớn trong cuộc đời mà nàng phải lựa chọn đã cho độc giả thấy được sự tinh tế trong bút pháp của nhà văn D.H. Lawrence. Cách xây dựng bối cảnh câu chuyện, đặc biệt là cách khai thác tậm lý nhân vật hết sức đặc sắc của tác giả đã làm sống dậy trong lòng nhân vật những rung động tưởng đã ngủ quên, làm sống dậy trong lòng người đọc những vỡ òa của cảm xúc. Ngoài ra, tâm lý nhân vật và bối cảnh xã hội nước Anh cách đây hơn 100 năm cũng được tác giả miêu tả rất cuốn hút, sinh động.

    Thông tin tác giả
    D.H. Lawrence (1885 - 1930) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà phê bình, họa sĩ nổi tiếng của Anh và được đánh giá là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong nền văn học Anh thế kỷ XX. Ông sinh ở Nottinghamshire, Anh và mất ở Vence, Pháp. Lawrence là tác giả của mọi thể loại, từ thơ ca đến tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, phê bình, dịch thuật... Ông nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm thám hiểm cái đam mê của con người trong mọi chiều kích thân xác và tâm linh như: Cô gái đồng trinh và chàng du tử, Con trai và Người tình; Cầu vòng; Người đàn bà đang yêu; Con rắn có lông; Người tình của phu nhân Chatterly, Con cáo, Công chúa... D.H Lawrence đã mang đến cho văn học Anh và thế giới cái nhìn mới về bản năng, thân xác và tình yêu, cũng như cách nhìn mới về tiểu thuyết.
    Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Hương Châu.

    Thông tin thêm
    Cô gái đồng trinh và chàng du tử (tựa gốc: the virgin and the gypsy) của D.H Lawrence nằm trong “Tủ sách Tinh hoa văn học” (nhánh các tác phẩm tuyển) do Phương Nam phối hợp Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành, cùng các cuốn nổi tiếng khác như: Gối đầu lên cỏ (Natsume Kinosuke), Người đẹp ngủ mê (Yasunari Kawabata), Papillon người tù khổ sai (Henri Charrière)... Tác phẩm được viết vào năm 1926 và được xuất bản sau năm 1930 với những bản in đầu tiên mang tên “Gypsy”. Năm 1970, tác phẩm cũng được dựng thành bộ phim cùng tên.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nguồn : Romance Book.
     
    Last edited by a moderator: 19/11/14
    skyBi, Heiwa89, hienlc91 and 51 others like this.
  2. licorice

    licorice Mầm non

    hehe cuốn này do chị họ của mình dịch nè, giờ down về đọc thử xem sao,
    cám ơn bạn đã up
     
    anthanhnguyen236 thích bài này.
  3. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    Cô Gái Đồng Trinh Và Chàng Du Tử

    Tác giả: D. H. Lawrence
    Dịch giả: Hương Châu
    Định dạng: Epub và Prc
    NXB: Hội nhà văn



    [​IMG]

    Khi vợ ngài mục sư(1) bỏ đi cùng một anh chàng không xu dính túi, để lại hai đứa con gái nhỏ chỉ mới chín và bảy tuổi, tai tiếng bay xa không biết đâu là bờ. Ngài mục sư là một người chồng tốt. Quả thật, tóc ông đã điểm bạc. Nhưng hàm ria mép của ông vẫn đen, ông đẹp trai và còn tràn trề những khát khao thầm kín dành cho người vợ xinh đẹp buông thả của mình.

    1. Nguyên văn: vicar - một chức danh của mục sư phụ trách giáo khu thuộc Giáo hội Anh.

    Tại sao cô lại bỏ đi? Tại sao cô bất thần giở chứng cao chạy xa bay như thể bị phát rồ vậy?

    Chẳng ai đưa ra câu trả lời. Những người ngoan đạo đơn giản gọi cô là mụ đàn bà hư hỏng. Còn một vài phụ nữ tử tế thì im lặng. Họ hiểu vì sao.

    Hai đứa con gái bé bỏng không bao giờ hiểu. Chúng bị tổn thương và mặc nhiên cho rằng mẹ chúng không cần đến chúng nữa.

    Cơn gió chướng chẳng mang đến điềm lành cho ai đã cuốn gia đình mục sư vào dòng tàn lụi. Nhưng hãy nhìn xem! Ngài mục sư, với chút tài năng viết lách và phản biện cũng như hoàn cảnh đáng thương được giới mọt sách cảm thông, đã tìm được kế sinh nhai ở làng Papplewick. Chúa đã bù đắp cơn rủi ro bằng một tòa mục sở ở miền thôn dã phía Bắc.

    Tòa mục sở là một ngôi nhà bằng đá xấu nằm bên bờ sông Papple, trước cửa ngõ dẫn vào làng. Xa xa phía trên giao điểm của dòng nước và đường cái là những guồng quay sợi lớn cũ kỹ một thời chạy bằng sức nước. Con đường đánh vòng lên triền đồi, dẫn vào những lối đi lát đá hiu quạnh của ngôi làng.

    Gia đình mục sư đón nhận sự thay đổi đã được định đoạt thông qua việc thuyên chuyển vào tòa mục sở. Vị mục sư, nay là giáo khu trưởng(2), đón mẹ già, chị gái và anh trai từ thành phố về ở chung. Hai bé gái bước vào một môi trường sống khác hẳn với mái ấm xưa.

    2. Nguyên văn: rector - chức danh của mục sư đứng đầu một giáo phận thuộc Giáo hội Anh. Lawrence sử dụng chức danh này để chỉ nhân vật Arthur Saywell từ đây cho đến suốt cuốn truyện. Người dịch mạn phép gọi ông đơn giản là "mục sư".

    Ngài mục sư, bấy giờ bốn mươi bảy tuổi, biểu lộ một nỗi đau buồn mãnh liệt và không mấy tôn nghiêm sau sự ra đi của người vợ. Các quý nương cao thượng đã phải ngăn ông khỏi tự sát. Tóc ông gần như bạc trắng, và ánh mắt của ông dại đi thảm hại. Chỉ cần nhìn ông là người ta thấy ngay toàn bộ tình thế đã xảy ra tồi tệ ra sao, và bản thân ông bị mang tiếng thế nào.

    Thế nhưng đâu đó vẫn có dấu hiệu sai lầm. Một số quý nương, những người đã dành cho ông mục sư niềm cảm thông sâu sắc nhất, giờ đây ngấm ngầm không ưa vị giám khu trưởng. Khi tất cả mọi việc đã qua, ông không khỏi âm thầm tự thị về mình.

    Hai bé gái hẳn nhiên chấp nhận quyết định của gia đình, theo kiểu cách mập mờ của trẻ con. Bà nội, đã quá bảy mươi với thị lực đang giảm sút, trở thành nhân vật trung tâm của ngôi nhà. Cô Cissie, hơn bốn mươi tuổi, xanh xao, ngoan đạo và mòn rữa như thể bị một thứ sâu bọ nào đục khoét từ bên trong, nhận trách nhiệm quản gia. Chú Fred, một người đàn ông cáu bẳn với gương mặt nhợt nhạt ở độ tứ tuần, sống bê bối một cách cô độc, ngày ngày đều ra thị trấn. Và ngài giám khu trưởng tất nhiên có vị trí quan trọng thứ nhì, sau bà nội.

    Mọi người gọi bà nội là Trưởng Mẫu(3). Bà là một trong những sinh thể già nua, khôn ngoan và thô kệch đã quen làm mọi việc theo ý mình cả đời bằng cách lợi dụng sự yếu đuối của những người xung quanh. Bà nắm bắt vị thế của mình rất nhanh. Vị giám khu trưởng vẫn còn "yêu" người vợ tội lỗi của mình, và sẽ mãi "yêu" cô đến chết. Vậy thì… suỵt! Ðừng xâm phạm đến tình cảm thiêng liêng của ông ấy. Trái tim ông ấy vẫn phụng thờ người thiếu nữ trong trắng ông đã cưới và tôn sùng............

    LINK DOWNLOAD:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/8/14
  4. thanhbt

    thanhbt Học sinh Thành viên BQT

    'Cô gái đồng trinh và chàng du tử': Bản năng và khao khát

    Cuốn sách được viết năm 1926 bởi D.H. Lawrence, là một tiếng nói đầy gợi cảm, khơi gợi tận cùng bản năng và khao khát của con người.

    Yvette mười chín tuổi, là một cô gái trung lưu, sống trong một tòa nhà cũ kĩ cùng bà nội trăm tuổi, với một ông bố mục sư, yếu đuối, sầu thảm và mang trong mình nỗi mặc cảm với cuộc đời vì sự ra đi của vợ. Góp mặt trong không khí sầu thảm, cũ kĩ ấy là một ông chú già, một cô người người hầu xanh xao, lúc nào cũng căm phẫn cuộc đời, là những bữa ăn lặng lẽ, những đồ vật hỏng hóc, cũ mòn... Mọi thứ trong căn nhà đều sộc lên một mùi khí u uẩn và chán ngán.

    Yvette và Lucille đi học từ Thụy Sĩ về, và không thể nào chịu đựng được không khí già nua xung quanh. Nhưng Lucille đã biết cách sắp xếp cuộc sống của mình, trong khi Yvette vẫn lang thang triền miên trong những suy nghĩ, nửa chán chường, nửa nổi loạn, nửa lạnh nhạt, nửa mê dại, dường như không hề hòa hợp với khung cảnh buồn chán nơi nàng đang sống. Và cuộc gặp gỡ tình cờ với chàng du mục ấy chính là nguồn cơn thúc đẩy những cơn xúc cảm, đánh thức bản năng đam mê của nàng, khiến nàng chạm được vào khao khát thực sự.

    Trong suốt hai phần ba cuốn sách, Lawrence viết bằng một giọng văn gợi cảm chậm chạp. Ngôn từ vừa rất hoa mỹ, đầy những ẩn ý về sự khao khát và đam mê, nhưng rõ ràng nó vẫn ẩn chứa sự kìm nén. Người đọc đi lại trong không gian của cuốn sách đều cảm thấy một mối lặng câm ngột ngạt, nặng nề, treo lơ lửng trên đầu, cứ lơ lửng ấy, chờ đợi một cú bứt phá để mọi thứ nổ tung, và quay trở về bản thể thực sự của con người.

    Cơn lũ đột ngột ập đến ở phần cuối cùng của câu chuyện, khiến Trưởng Mẫu chết, và căn nhà cũ kĩ sụp đổ. Và trong cơn lũ ấy, cô gái đồng trinh cùng chàng du mục đã được nằm cạnh nhau, trên một chiếc giường. Họ đợi để sống.

    Giữa cơn phập phồng cảm động ấy, Yvette đã ngủ thiếp đi, trong vòng tay rắn chắt của chàng du mục. Nàng ngủ cho đến khi người ta tìm thấy nàng, và chàng du mục đã đi rồi. Chỉ cho đến lúc ấy, cảm xúc của nàng mới trở nên mãnh liệt hơn bao giờ ấy. Nàng nhận ra rằng, nàng đã yêu chàng du mục. Đó cũng chính là lúc mỏi mệt treo lơ lửng trên đầu chúng ta được phá bỏ. Cái quá khứ níu kéo, kìm kẹp chúng ta trong những cơn co giật của khao khát bức phá cuối cùng đã sụp đổ. Cái chết của người Trưởng Mẫu lừng lững, cùng sự sụp đổ của tòa nhà, đã thực sự khép lại một thời quá khứ đầy sầu não, uể oải và mỏi mòn.

    Sự sống dai dẳng của một người già trăm tuổi, trong một căn nhà già cỗi chính là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với độc giả của cuốn sách. Những cơn buồn nôn ập đến khiến ta ghê sợ. Nếu ai đã từng đọc Nàng Aura của Carlos Fuentes, hay Hoa hồng cho Emily của William Faulkner, hẳn cũng sẽ không thể quên được cái mùi chết chóc sộc lên trong những căn nhà buồn bã, chật hẹp và lưu cữu quá khứ như thế. Căn nhà bên trong toàn mục sở, “trông xấu xí, có phần nhớp nhúa, với không khí ẩm ướt kiểu trung lưu, một vẻ tiện nghi đang trên đà thoái hóa không còn chất tiện nghi mà đã trở nên ngột ngạt, bẩn thỉu”. Đó không chỉ là sự tồi tàn, ảm đạm, già nua của một ngôi nhà, nó là sự lưu cữu, cố chấp của cả một nền văn minh xưa cũ, nơi mà mọi bản năng, đam mê của con người đều bị kìm kẹp xóa bỏ.

    Cái văn minh cũ kĩ ấy cũng biểu hiện trong chính cái cách các nhân vật trong Cô gái đồng trinh và chàng du tử, đối xử với người mẹ đã bỏ đi theo tiếng gọi của một tình yêu ngoài lề xã hội của Yvette, hay với cặp tình nhân người thiếu phụ Do Thái. Đó là minh chứng cho những rào cản, luân lý xã hội mà Yvette, đến cuối cùng của câu chuyện, là người kháng cự lại mạnh mẽ nhất. Và chàng du mục, là kẻ tự do, giữa đất trở đã mở lối cho nàng, đem đến sinh khí mới mẻ cho câu chuyện.

    Trong khi hầu hết các tiểu thuyết của Lawrence bị cấm xuất bản một thời gian rất dài, như Con trai và tình nhân, Người tình của phu nhân Chatterley, hay Người đàn bà đang yêu..., thì Cô gái đồng trinh và chàng du tử là một cuốn sách may mắn đã được xuất bản sau khi tác giả qua đời. Mặc dù vẫn mang đậm bản sắc văn chương đầy nhục cảm, đầy khiêu gợi của Lawrence, nhưng sự lơ lửng, miên man và ý nhị trong cách thể hiện, đã khiến cuốn sách được độc giả dễ đến gần, dễ chấp nhận hơn. Dĩ nhiên, Cô gái đồng trinh và chàng du tử vẫn là một cuốn sách đẹp đẽ và mãnh liệt, ca ngợi bản năng, khao khát và tự do.

    Khi qua đời, dù phần đông dư luận vẫn xem Lawrence là một người viết truyện khiêu dâm, thì E.M.Forster, trong bản cáo phó khi ấy đã lên tiếng thách thức dư luận và gọi ông là “tiểu thuyết gia sáng tạo bậc nhất trong thời đại chúng ta”; Sau đó nhà phê bình có sức ảnh hưởng lớn tại Đại học Cambridge là F. R. Leavis đã nghiên cứu các tác phẩm của Lawrence, và đặt những tiểu thuyết của ông nằm trong số những tác phẩm truyền thống kinh điển của tiểu thuyết Anh, minh chứng cho tài năng và sáng tạo của Lawrence.

    Phong Linh
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
  5. HockeyQ

    HockeyQ Lớp 9

    Thêm định dạng. co-gai-dong-trinh-va-chang-du-tu_1.jpg
     

    Các file đính kèm:

Chia sẻ trang này