Thảo luận Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Nga Hoang, 29/3/20.

Moderators: amylee
  1. Nga Hoang

    Nga Hoang Lớp 11

    Gửi các bạn bài viết mới nhất của nhà thơ, dịch giả Trịnh Y Thư về cuốn Dịch Hạch của Albert Camus.

    Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

    Trịnh Y Thư: Đại dịch COVID-19, đọc lại La Peste của Albert Camus


    Nằm nhà rảnh rỗi suốt những ngày đại dịch Coronavirus Disease-2019 (COVID-19) hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi lại kệ sách lấy xuống cuốn tiểu thuyết La Peste của Albert Camus đọc lại, và sau khi đọc tôi bỗng giật mình vì những gì đang xảy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.

    upload_2020-3-28_15-36-14.png

    Trong cuốn tiểu thuyết này, xuất bản năm 1947, với bối cảnh là thị trấn Oran, xứ Algerie – lúc đó còn là thuộc địa Pháp – Camus thuật câu chuyện xoay quanh một trận dịch hạch khủng khiếp, tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý, biểu hiện bởi thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên.


    Bạn hãy cùng tôi đọc lại cuốn tiểu thuyết quan trọng này của Camus để biết đâu chúng ta tìm ra được những điểm song song giữa cuốn tiểu thuyết hư cấu và những sự kiện thực tại đã và đang xảy ra trong cuộc sống vào những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này.


    Camus thuật, tại thị trấn Oran, thoạt đầu có hàng nghìn con chuột chết ngoài đường phố, nhưng mọi người chẳng ai lưu tâm và chỉ hốt hoảng sau khi báo chí loan tin. Chính quyền địa phương, do áp lực của công luận, phản ứng bằng cách cho nhân viên hốt xác chuột đem đi đốt, mà không biết là làm như thế chỉ khiến dịch bệnh nhiễm truyền nhanh hơn và tác hại khủng khiếp hơn.


    Tự phủ nhận hình như là một thuộc tính của con người, nhất là những con người nắm trong tay quyền lực. Không một chính quyền nào, xưa cũng như nay, dân chủ hay độc tài, muốn một xã hội hoảng loạn. Bằng mọi cách, nhiều khi bằng mọi giá, họ phải bưng bít sự thật, phủ nhận sự thật, cùng lúc che giấu càng nhiều càng tốt những khiếm khuyết, sai lầm với hy vọng mọi chuyện sẽ êm thắm trôi qua trong bóng tối và lãng quên. Đó là cái gì xảy ra tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tháng 11, 12 năm 2019, khi COVID-19 mới được phát hiện. Có bao nhiêu mạng người chết oan vì quyết định vô luân này của nhà nước Cộng sản Trung Quốc? Và nếu thế giới biết sớm hơn thì có lẽ tình trạng ngày nay, như bên Italy, bên Iran, không đến nỗi nguy khổn trăm bề. Chỉ là một giả định, nhưng là giả định đầy thuyết phục.


    Trong cuốn La Peste, khi bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính diện trong cuốn sách, đi gặp nhà cầm quyền để trình bày về tình trạng khẩn cấp của cơn dịch thì chẳng ai tin, chẳng ai thèm quan tâm. Bác sĩ Rieux chính là bác sĩ Lý Văn Lượng bằng xương bằng thịt có thật ngoài đời. Sự khác biệt là bác sĩ Rieux sống sót sau trận dịch, còn bác sĩ Lượng thì chết trong oan khiên và đau đớn. Kẻ cầm quyền, mặc dù là thủ phạm gây nên những cái chết như vậy, nhưng để phủ nhận và che lấp tội ác, họ đề cao cái chết như một hành vi hy sinh cho nước nhà, cho chế độ, cần được tuyên dương, và với một mảnh giấy xanh xanh đỏ đỏ ghi tên người chết là anh hùng, liệt sĩ gì đó, lương tâm họ hoàn toàn yên ổn. Họ phủi tay quay lại với công việc dang dở, tiếp tục che mắt người dân.


    Họ chỉ kéo màn để hở một nửa sau khi không thể bưng bít sự thật được nữa.


    Chính quyền Trump của Hoa Kỳ thoạt tiên cũng không muốn xé to chuyện. Chính Tổng thống Trump, trong một bản tweet, còn bảo người dân là mỗi năm nước Mỹ có cả chục nghìn người chết vì cảm cúm thương hàn thì ba con vi khuẩn Corona này có gì phải đáng lo. Rất may, bên cạnh Tổng thống có những cố vấn hiểu biết và kinh nghiệm đầy mình (như bác sĩ Anthony Fauci với âm giọng New Yorker đặc sệt) khuyến nghị, nên chính quyền Trump đã kịp thời (dù khá muộn) có những biện pháp gắt gao nhằm chế ngự cơn đại dịch.


    Hãy nhìn vào xứ Nam Hàn. Tuy bị khá nặng, nhưng chính quyền ở đó đã thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm với toàn dân, sớm dốc toàn lực ra đề kháng, và có thể còn quá sớm để biết kết quả tối hậu sẽ ra sao, nhưng chí ít ở giai đoạn đầu của trận chiến, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Hàn đã thành công chế ngự phần nào con vi khuẩn đáng sợ.


    Nhà cầm quyền phải minh bạch, thẳng thắn nhận trách nhiệm, tạo niềm tin nơi dân chúng, đưa ra những biện pháp tuy gắt gao nhưng hợp lý, thì chẳng có lý do nào cơn đại dịch sẽ không trôi qua, trả lại nếp sống bình ổn cho người dân.


    Camus nói rõ như thế trong tác phẩm của ông, nhưng hơn 70 năm qua hình như chẳng ai thèm lưu tâm.


    Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không nhìn thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan tràn một cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó. Một biệt khu được thiết lập trong bệnh viện nhưng chỉ có 80 giường, và trong vòng ba hôm người bệnh chở vào đông nghẹt, không có giường nằm. Số người chết gia tăng khủng khiếp, thế là có lệnh cách ly, ai ở nhà nấy, tuyệt đối không ai được ra khỏi chỗ ở, thậm chí chôn người chết phải có nhân viên hữu trách giám sát.


    Khi số người chết lên quá cao thì có lệnh phong tỏa cả thị trấn. Y như Vũ Hán trong trận dịch COVID-19 này. Mọi cửa ngõ ra vào thị trấn đều bị đóng chặt, tàu hỏa không hoạt động, không thư tín, không điện thoại ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp, điện tín là phương tiện liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.


    Trong tình huống ấy, con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất bình thường. Ông Raymond Rambert xin đi Paris gặp vợ không được, bèn mưu toan tính kế với một băng đầu gấu nhờ bọn này tìm đường trốn thoát ra ngoài. Linh mục Paneloux nhân dịp này thuyết giảng cho con chiên nghe rằng vì ta phạm tội lỗi quá nhiều nên bây giờ bị Chúa phạt. Gã Cottard thì gian xảo hơn, bỏ túi khối tiền nhờ buôn lậu.


    Tôi không ngạc nhiên với những điều Camus viết trong cuốn tiểu thuyết. Toàn những con người điển hình trong bất cứ thời-không-gian nào giữa hoàn cảnh như thế. Hiện tại, trong cơn đại dịch này, chính bản thân tôi cũng gặp phải những con người bất bình thường, những tình huống mà trước đây tôi không bao giờ ngờ có thể xảy ra.


    Hôm qua, tôi lái xe ra chợ mua ít thực phẩm dùng trong những ngày bị nằm nhà do luật tiểu bang, nơi tôi hiện cư ngụ, mới ban hành tuần này: tuyệt đối không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi chợ, ra tiệm thuốc, gặp bác sĩ, vào bệnh viện cấp cứu, và dĩ nhiên nằm bất động trong quan tài cho người khiêng vào nghĩa trang.


    Đường sá trống trơn, khác hẳn ngày thường, các khu nhà hàng, mua sắm không bóng người, không xe đậu, quang cảnh lạ lùng đến độ surreal, như trong một cuốn phim khoa học giả tưởng nói về ngày tận thế. Đến một ngã tư, tôi dừng xe chờ đèn xanh. Bỗng có chiếc xe khác trờ tới đậu sát bên cạnh. Có hai gã đàn ông ngồi trên xe, gã ngồi bên ghế hành khách thò hẳn đầu ra ngoài nói gì đó với tôi. Nghe không rõ, tôi bấm nút quay kính xuống. Ngay lúc đó gã nói như quát vào mặt tôi, “Fuck you, Chinaman! Get back to China!” Đoạn chiếc xe gầm rú, vọt lên mặc dù đèn vẫn đỏ.


    Sự việc xảy ra, tuy bất ngờ, nhưng nằm trong dự liệu của tôi, và tôi chẳng thấy thương tổn chút nào. Cái xấu nhất, tồi tệ nhất, cũng như cái đẹp nhất, cao quý nhất, nơi con người, hiện ra rõ rệt nhất trong những tình huống không bình thường. Và chúng ta đang lâm vào một tình huống không bình thường.


    Camus có lẽ cũng nghĩ như thế nên bên cạnh những con người ích kỷ chỉ biết bo bo thủ lợi, lo nghĩ cho bản thân, còn có những người như bác sĩ Rieux, bác sĩ Castel, ông Jean Tarrou, ông Joseph Grand, những con người tốt lành không quản ngại xả thân cứu giúp những bệnh nhân khốn khổ đang cố nắm lấy tia hy vọng mong manh vào sự sống. Họ là hiện thân những chiến sĩ áo trắng ngày nay trong cơn đại dịch khiếp hãi này, và có không ít người hy sinh mạng sống mình để cứu tha nhân.


    Vào hè, tình hình dịch bệnh tại thị trấn Oran càng lúc càng bi đát. Bạo loạn xảy ra, cướp bóc tràn lan khắp nẻo, có vài kẻ bỏ trốn bị lính canh bắn chết ngoài bờ rào, thiết quân luật ban hành, người chết chôn không kịp, dân chúng ai nấy nép mình cắn răng chịu đựng dưới cơn thịnh nộ tai quái của trận dịch. Càng lúc càng tuyệt vọng, con người trở nên điên cuồng, phí phạm sức mạnh cả tinh thần lẫn thể xác cho những chuyện không đâu. Tuy vậy người sống vẫn thu gom sức mạnh chăm sóc người bệnh, chôn cất người chết.


    Tình hình chỉ bắt đầu có vẻ khả quan, hy vọng le lói nhúm lên vào cuối tháng Mười khi thuốc chữa của bác sĩ Castel có hiệu nghiệm. Ông Rambert quyết định ở lại thị trấn mặc dù đã thương lượng được với bọn lính canh. Mức độ sát hại của trận dịch giảm dần và cuối tháng Giêng thì gần như dứt hẳn. Kẻ mất người còn gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bác sĩ Rieux, ông Grand đều sống sót. Gã Cottard thì lên cơn điên, từ trong nhà xách súng bắn loạn xạ và bị bắt bỏ tù. Cha Paneloux suốt thời gian chống dịch đã hăng hái xông xáo giúp người, lại bất ngờ từ trần vào phút chót. Số phận cũng không may mắn đến với ông Tarrou.


    Phần kết cuốn tiểu thuyết, những người sống sót nắm tay nhau ăn mừng. Riêng bác sĩ Rieux thì vẫn ưu tư bởi ông biết rõ những con vi trùng dịch bệnh đó chẳng tiêu tan đi đâu mà vẫn nằm ẩn nấp đâu đó trong nhà ngoài ngõ, chỉ chờ cơ hội lại bùng lên hoành hành dữ dội có thể còn hơn trước. Chẳng cần tìm hiểu đâu xa, hình ảnh bác sĩ Rieux lúc này chính là thần thoại Sisyphus – kiên trì lăn tảng đá lên đỉnh núi, để tảng đá lăn xuống chân núi, rồi lại bắt đầu ra sức lăn lên. Cứ thế con người sống mãi trong phi lý vô vọng trong lúc hoàng hôn đỏ như máu của lịch sử từ từ phủ xuống.


    Trận dịch COVID-19 không phải là trận dịch đầu tiên của nhân loại, và có lẽ cũng không đến nỗi kinh hoàng như trận dịch năm 1918 với 100 triệu người thiệt mạng, khoa học và y học ngày nay tiến bộ nhiều lắm sau 100 năm, nhưng nó là trận dịch đầu tiên mà gần như toàn thể nhân loại khắp năm châu bốn biển bị ảnh hưởng, bởi thế giới ngày nay thu hẹp lại thành một cái “làng,” một cái làng có lẽ còn “bé” hơn cái thị trấn Oran của Camus. Những gì xảy ra bên trong thị trấn rất có thể sẽ tương tự xảy ra cho cả thế giới hiện tại. Cái khác biệt là, ông Rambert và những kẻ tuyệt vọng khác còn tí hy vọng bỏ trốn ra ngoài đi lánh nạn sau khi bị cách ly, còn tôi với bạn thì làm sao chúng ta bỏ trốn cái hành tinh này đi đâu đây? Và tôi dám đánh cá một ăn mười thua với bạn là, trong tương lai, không gần thì xa, chắc chắn nhân loại sẽ lại bị một trận dịch khác, tương tự hoặc thảm thiết hơn trận này.


    Gọi La Peste là một kiệt tác văn chương, có lẽ chưa đủ. Không thèm để ý đến nó, “là hành vi báng bổ cái human spirit,” như tay viết phê bình nào đó phát biểu trên tờ New York Times. Với tôi, human spirit không hẳn chỉ đơn thuần là tinh thần, khí thế hay sự can trường của con người, nó còn là biểu hiệu cho “lòng khao khát muốn sống và được sống như con người.”


    Tôi không rõ trận dịch COVID-19 này sẽ đi tới đâu, nhưng tôi tin tưởng vào cái tốt lành và sức mạnh sống còn của con người, vào cái human spirit nói bên trên, và tôi vững tâm.


    (3/2020, giữa cơn đại dịch COVID-19)


    Tác giả gửi trực tiếp cho DĐTK.



    Các bạn có thể tìm đọc tác phẩm này trong Thư viện ở đây:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link[/CENTER]
     
    kerry_13 thích bài này.
  2. Missfly82

    Missfly82 Mầm Non

    Virus chỉ là 1 sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và "đoạn kết" của loài người


    Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, chủ nhân của Nobel văn học 2012, đã phải kêu lên: “Những ngày tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa”.
    [​IMG]



    Đại dịch Covid -19, một lần nữa đã gửi đi nhiều thông điệp khiến chúng ta thức tỉnh.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tế Trung ương là người chỉ huy nhóm nghiên cứu phân lập thành công virus Corona chủng mới từ rất sớm.

    Chị vẫn thường nói đùa với các đồng nghiệp một điều… rất thật: "Con người cứ cho mình là loài tinh khôn, thống trị thế giới nhưng thật ra virus nó thông minh hơn mình nhiều lắm.

    Tại vì nó là loài biết cách né tránh rất nhiều bẫy phát hiện của đối thủ. Nếu nói về quá trình tiến hóa, virus có sự tiến hóa rất nhanh chóng để chống lại tất cả mọi nỗ lực tấn công từ con người. Hệ miễn dịch của con người sinh ra để tiêu diệt nó thì nó đã nhanh chóng lẩn được qua để tấn công vào các tế bào sống của cơ thể người.

    Con người phải mất hàng nghìn năm để tiến hóa, trong khi đó con virus cúm A mà chúng tôi nghiên cứu chỉ qua 2 - 3 năm nó đã chuyển thành một loại khác rồi. Vẫn tên là A do con người đặt ra đấy, nhưng nó đã mang 1 dáng vẻ rất khác. Con người lại phải vội vội vàng vàng tìm cách đối phó. Mình cứ mãi mãi đi đối phó với nó thôi".

    Con người tự cho mình là thượng đẳng, là làm chủ được muôn loài, nên muốn làm gì cũng được. Tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, giết chóc lẫn nhau liên miên từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Nhân tai đã khiến vô số loài đã tuyệt chủng, đang tuyệt chủng và trớ trêu thay, số phận giống loài "cao cấp" nhất cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sinh tử.

    Vũ trụ, tự nhiên luôn có sự cân bằng hoàn hảo. Ai phá vỡ sự cân bằng đó đều phải trả giá. Những cường quốc số một thế giới, nhà băng đầy tiền, vũ khí đầy kho, khoa học phát triển như vũ bão, vẫn đang lấm lưng trắng bụng toàn diện trước đối thủ không nhìn thấy bằng mắt thường – virus.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tế Trung ương

    Nhỏ hơn vi khuẩn hàng ngàn lần, không có não, không có cả tế bào, virus chưa đủ điều kiện để trở thành một sinh vật sống theo đúng nghĩa, mà chỉ là "những sinh vật ở bên lề của sự sống". Tại sao "sinh vật bên lề cuộc sống" như Virus HIV, sốt xuất huyết, ám ảnh nhân loại bao nhiêu năm mà các nhà khoa học vẫn bất lực trong việc tìm ra vác xin …? Tại sao giống loài bé nhỏ ấy bắt loài người vĩnh viễn chạy theo trong cuộc đua không hồi kết?

    Thế nhưng, virus có phải giống loài đáng sợ nhất? Chắc chắn không phải. Giống loài đáng sợ nhất chính là con người – sinh vật có thể giết thịt và tàn phá mọi giống loài khác.

    Loài người thông minh nhất? Chắc chắn không. Vì kẻ thông minh không bao giờ chấp nhận việc hủy hoại khủng khiếp như thế với nơi mang cho mình sự sống, hủy hoại cả đồng loại.

    Vạn vật sinh ra trong tự nhiên để nương tựa vào nhau, cộng hưởng nhau, không thừa không thiếu. Hủy hoại một mắt xích cũng là hủy hoại chính mình.

    Khi con người manh động phá vỡ trận tự hoàn hảo đó, thì virus giống như một trong rất nhiều sứ giả của tự nhiên đến chứng minh rằng: Con người cũng chỉ là một mắt xích bình đẳng trong chuỗi trật tự đó. Và họ cũng sẽ bị tấn công đến hoảng loạn như đã từng tấn công vạn vật trong thế giới này.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Nhìn sự "phát triển như vũ bão" theo quan niệm thông thường của loài người, Mạc Ngôn, nhà văn đoạt giải Nobel của Trung Quốc, đã tiên đoán: Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại không còn nhiều nữa.

    Ông chỉ ra nguyên nhân của hồi "hồi kết" mà chúng ta đang đi tới: Dục vọng của con người là cái động không đáy, không sao lấp đầy được.

    "Vợ của ông lão đánh cá ban đầu chỉ là muốn có một cái chậu mới, nhưng sau khi có được cái chậu mới rồi, thì bà ta lại muốn ngôi nhà gỗ, có ngôi nhà gỗ rồi, lại muốn được làm nhất phẩm phu nhân, sau đó lại muốn được làm nữ hoàng, sau khi được làm nữ hoàng rồi, bà ta lại muốn được làm nữ long vương nơi biển cả, muốn con cá vàng có thể thỏa mãn dục vọng hầu hạ bà ta, đây chính là đã vượt quá giới hạn, giống như thổi bọt xà phòng, thổi lớn quá mức rồi, tất nhiên sẽ vỡ ra…

    Con người đang điên cuồng cướp đoạt mọi thứ từ Trái đất.

    Chúng ta khiến cho Trái đất chịu tổn hại nặng nề, chúng ta đã làm ô nhiễm sông ngòi, biển cả và không khí, chúng ta chen chúc chung một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những kiến trúc cổ quái kỳ lạ, gọi những nơi này bằng cái tên đẹp đẽ là thành phố, chúng ta ở trong thành phố như vậy phóng túng dục vọng của bản thân mình, chế tạo nên các loại rác khó mà phân hủy được.

    Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt, cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển.

    Đương nhiên, khi mọi người ở trong sa mạc, thì sẽ hiểu được rằng nước uống và đồ ăn còn quý hơn cả vàng và kim cương, khi động đất và sóng thần kéo đến, mọi người sẽ biết được rằng, không kể là biệt thự sang trọng bao nhiêu, trong bàn tay lớn của đại tự nhiên đều chỉ là một mớ bùn; khi mọi người giày xéo Trái đất thành nơi không còn thích hợp để cư trú nữa, đến lúc đó, cái gì là quốc gia, dân tộc, đảng phái chính trị, cổ phiếu, đều sẽ trở nên chẳng còn ý nghĩa gì…".

    Hôm nay, chúng ta đã nhìn thấy "những điều chẳng còn ý nghĩa gì" từ hậu quả của đại dịch. Đó là rất nhiều người trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình không có được cái ân huệ cuối cùng: Nhìn mặt người thân. Họ cô độc đi từ giường bệnh đến lò thiêu. Những lúc ấy, chắc chắn họ muốn đánh đổi những thứ đã lao tâm khổ tứ giành giật trong cuộc đời, để có được một cái nắm tay sau cuối.

    "Họ cảm nhận được họ sắp ra đi. Bạn có biết cảm giác kịch tính nhất là gì không? Chứng kiến các bệnh nhân chết trong cô độc, nghe họ khẩn cầu bạn cho họ được trò chuyện với con cháu" - nữ bác sĩ Francesca Cortellaro ở Bệnh viện San Carlo Borromeo, Milan kể lại cảm giác đau nhói khi phải tận mắt cảnh ấy.

    Khi thiên tai địch họa xảy ra, con người thường xót xa coi mình là nạn nhân của tự nhiên, số phận. Mấy ai nghĩ được sâu xa, hàng ngày chính họ cũng góp phần để trở thành hung thủ?

    Chưa bao giờ một đại dịch lại có thể phơi bày cùng lúc cả hai bộ mặt: Cao cả, nhân văn và phi nhân tính của con người một cách rõ ràng đến như vậy.

    Theo Phật giáo, con người có 4 dạng tâm: Tâm Phật, tâm Người, tâm Thú, tâm Ma. Trong đại dịch, rất nhiều y bác sĩ, cảnh sát, chiến sĩ, lãnh đạo, người dân đã khởi và phát lên tâm Phật: Xả thân, yêu thương, bảo vệ, chăm sóc người bệnh và đồng loại.

    Một y tá ở Vũ Hán, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chỉ kịp cúi gập vĩnh biệt người mẹ vừa qua đời ở nhà, rồi lại gạt nước mắt đến với những bệnh nhân nguy kịch.

    Nhiều y bác sĩ đã về hưu, bất chấp hiểm nguy, tình nguyện quay trở lại tuyến đầu chống dịch, và có người đã biến lần tình nguyện đó thành chuyến đi cuối cùng, không bao giờ quay trở về nhà nữa.

    Có bộ trưởng y tế tự vào khu cách ly sống cùng người bị cách ly, để cảnh tỉnh người dân nước mình đừng xua đuổi đồng loại – chỉ vì họ muốn trở về từ vùng dịch.

    Nhiều nhà hảo tâm chia bớt một phần tài sản, chi tiền nghiên cứu vác xin, cứu trợ thuốc men, vận chuyển người từ tâm dịch; nhiều người khác đã chia nhau từng hộp khẩu trang, san sẻ lương thực, "sạc pin tinh thần" cho nhau đi qua những ngày ngột ngạt…

    Nhưng ở chiều ngược lại, chiếc mặt nạ ngày thường cũng rơi xuống, lộ rõ bộ mặt vô cảm và tàn nhẫn của con người.

    Đó là hình ảnh những cuộn giấy vệ sinh phải xích để khỏi bị lấy trộm, ở một đất nước có tính kỷ luận, nhường nhịn và bình tĩnh nhất thế giới – Nhật Bản.

    Đó là chuyện một băng đảng cầm vũ khí ở Hong Kong, chặn xe cướp sạch giấy vệ sinh đang chở đến siêu thị trong cơn khan hàng giữa đại dịch.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Đó là chuyện một cô gái Hàn Quốc bị đấm trật khớp hàm ở Manhattan - Mỹ chỉ vì là người châu Á "mà dám không đeo khẩu trang", trong khi một nữ sinh sốc Việt khác ở California bị kỳ thị và sỉ nhục chỉ vì dám đeo khẩu trang.

    Đó là những kẻ tìm mọi cách kiếm lời vô luân từ sự sợ hãi và đau khổ của đồng loại: Găm hàng, tăng giá cắt cổ; gom khẩu trang đã sử dụng về phù phép kiếm lời.

    Đó là những người nhiễm virus, cố tình gian dối, vô trách nhiệm trong khai báo tiền sử đi lại, khiến cả đất nước còn nghèo, thêm nhiều lần nữa phải oằn mình gánh đỡ sức nặng của cuộc chiến vô tiền khoáng hậu.

    Đại dịch nào rồi cũng sẽ hết. Nhưng những mất mát ấy có thể trở nên vô cùng giá trị nếu chúng ta nhận ra, gìn giữ tâm Phật trong mỗi người và phá bỏ tham lam, ích kỷ, vô cảm trước đồng loại. Phá bỏ tâm người, tâm thú, tâm ma.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Thực tế của đại dịch Covid – 19, thêm một lần nữa, đã chứng minh rất rõ: Mọi toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén riêng mình của một quốc gia nào đó, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thời thế.

    Bầu trời không có đường biên giới.

    Mặt biển không thể xây tường ngăn cách.

    Một cơn bão không chịu cuộn tròn trong một quốc gia.

    Và virus không chờ ở bất kỳ cửa khẩu nào để chờ cấp visa mới xâm nhập. Nỗi đau về sinh mạng cũng không có biên giới.

    Cho đến thời điểm này, đã có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với Covid – 19. Nếu các quốc gia không hợp tác chặt chẽ với nhau, vì nhau, thì tất cả đều trọng thương. Chưa bao giờ, một giống loài virus nhỏ bé lại dễ dàng khiến nhiều cường quốc phải vỡ trận không ít thời điểm như thế. Thậm chí Thủ tướng một đất nước phát triển như Anh, cũng phải cảnh báo rằng: Người Anh cần chuẩn bị tinh thần vĩnh biệt nhiều người thân của mình sớm hơn dự kiến khi đại dịch lan rộng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Khi Tổng thống Trump rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris với lý do "bảo vệ nhiều công ăn việc làm ở Mỹ", thì chính hơn 330 triệu người dân Mỹ phải lãnh đòn đầu tiên: Phải hít thở bầu không khí độc hại hơn.

    Hiệp định Paris năm 2015, Hoa Kỳ cam kết giảm 26-28% lượng khí thải CO2 trong vòng 10 năm. Theo Ủy ban Châu Âu, Mỹ là nước thải nhiều khí CO2 thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2015, Mỹ thải 5,1 triệu nghìn tấn khí CO2, nhiều hơn tất cả 28 nước thuộc Liên minh châu Âu. Con số đó chiếm gần 1/6 tổng lượng khí thải toàn cầu.

    Mỹ không cắt giảm khí thải CO2, chắc chắn trái đất sẽ nóng lên. Băng tan. Nước biển dâng. Hạn hán. Cháy rừng. Bão tố. Tất cả đang diễn ra như một trò domino quái ác.

    Khi bị nhiễm bệnh Covid -19, lá phổi của nhiều bệnh nhân bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 2019, lá phổi của thế giới, rừng Amazone đã xảy ra đến 79.000 vụ cháy, điều chưa từng có trong lịch sử. Cuối 2019, đầu 2020, bầu không khí nước Úc đặc quánh trong khói cháy rừng thảm họa chưa từng có thời hiện đại. Người Mỹ hay người Phi, người Úc, người Á, người Âu, đều phải thở bằng phổi. Tổng thống Trump chắc chắn cũng phải thở bằng phổi. Sự vô cảm và tàn nhẫn của con người chính là những nhát kéo cắt đi một phần lá phổi của mình.

    Một đất nước vô cảm, thiếu trách nhiệm, cả thế giới ảnh hưởng. Một người vô cảm, thiếu trách nhiệm, đương nhiên sẽ làm hại nhiều người khác.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Đại dịch gửi đi một thông điệp: Trong thời đại toàn cầu hóa mọi thứ này, không còn miền đất hứa nào toàn vẹn cả. Con virus đã khiến cho vị thế "công dân không phải hạng nhất" của không ít người có xuất thân ở nước kém phát triển, lộ rõ hơn bao giờ hết. Họ bị kỳ thị và ít nhiều thấy lạc lõng ở xứ người.

    Trong và sau những thảm họa của cộng đồng đất nước; trong và sau những biến cố lớn của mỗi người, chúng ta mới chợt ngộ ra rằng: Trên đời này không có gì quý giá bằng mạng sống, gia đình, bằng quê hương, bằng Tổ quốc.

    Sự hoảng loạn trong xã hội đã chứng minh: Cuối cùng, ai cũng hiểu mạng sống là số 1. Nhưng ngày thường, chúng ta đã tàn phá sức khỏe thế nào? Bia rượu, những cuộc thức thâu đêm suốt sáng, những lần sử dụng chất kích thích…

    Có mấy người trẻ nghĩ đến nghịch lý: Khi có nhiều sức khỏe nhất, thì chúng ta lại tàn phá nó khủng khiếp nhất? Lúc đang kiếm được nhiều nhất mà không biết tích trữ, thì khi biến cố xảy ra, sẽ lấy gì chống đỡ?

    Chúng ta đã coi trọng gia đình như thế nào? Ngày thường, chúng ta đã thực sự làm những gì cho gia đình, hay chỉ mải miết đi nhậu, ăn chơi, công việc, kiếm tiền là tất cả? Có bao nhiêu ông bố bà mẹ dành thời gian chơi với con, học với con, tâm sự với con mỗi ngày? Có bao nhiêu đứa con ấn định về thăm bố mẹ hàng tuần, hàng tháng?

    Sự ngược đời trong đại dịch cũng đã xảy ra: Nhiều gia đình bất ổn bỗng như thấy hạnh phúc trở lại vì họ được gần nhau nhiều hơn, có nhiều bữa cơm gia đình hơn và thấu hiểu nhau hơn.

    Còn tổ quốc? Mỗi người đều thấy bất an trong một thời thế quá nhiều thứ đổ xuống đời. Nhưng những ai hay chỉ trích cộng đồng, đất nước có bao giờ cúi xuống nhìn lại: Chính mình đã góp được viên gạch lành lặn nào để xây dựng quê hương, để góp phần thay đổi những khiếm khuyết?

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Một tòa tháp xây mất 4-5 năm, nhưng muốn phá thì chỉ cần 5 phút đặt thuốc nổ. Đất nước làm sao giàu mạnh khi được "xây" bằng những khối thuốc nổ chỉ trích, chê bai, bực tức?

    Đại dịch Covid – 19 đã làm cho rất nhiều người nhận ra ý nghĩa thực sự của hai tiếng "Tổ quốc". Dù còn nghèo, dù còn nhiều bất cập tồn tại đang được giải quyết, nhưng đất mẹ vẫn luôn là vòng tay dài rộng, ấm áp nhất với những đứa con khắp bốn phương trời. "Chống dịch như chống giặc" và lịch sử Việt Nam đã cho thấy, mỗi khi có giặc, thì người Việt lại đồng lòng, bao dung hơn bao giờ hết.

    Khi Covid đến Mỹ, trường nghỉ học, thần đồng Đỗ Nhật Nam khắc khoải muốn về nhà. Mẹ của Nhật Nam không dám khuyên con di chuyển, nhưng chị lại gửi cho con một đoạn thơ của một nhà thơ trẻ:

    Tạ ơn cuộc sống, con còn đó

    Một mảnh quê hương để trở về

    Để mai trong lúc bơ vơ nhất

    Điện thoại đầu kia có người nghe…

    Đại dịch Covid -19 chưa qua đi, nhưng chắc chắn khiến thế giới thay đổi rất nhiều, từ cách ứng xử với tự nhiên, phương thức kinh doanh, bảo vệ sức khỏe, đến chuyển biến nội tâm và xếp lại thang giá trị trong mỗi con người.

    Nếu chỉ coi virus như một kẻ giết người mà không coi nó như là sứ giả gửi những lời cảnh báo sâu thẳm, để giúp con người tỉnh ngộ, thì chắc chắn "những tháng ngày tốt đẹp của nhân loại sẽ không còn nhiều nữa"
     
  3. Missfly82

    Missfly82 Mầm Non

    An nhàn 10 năm trời, bị sa thải sau một đêm vì dịch bệnh: Kẻ mạnh thật sự là kẻ coi bất cứ nơi đâu cũng là vùng an toàn


    Sống vô lo vào năm 20 tuổi, để đến 30 tuổi trở thành một người không có quyền lựa chọn. Tầm thường năm 30 tuổi, dẫn đến kẻ không có chí tiến thủ ở tuổi 40. Không cầu tiến ở tuổi 40, có thể trở thành kẻ thất bại, cái gì cũng không có ở tuổi 50.

    [​IMG]



    Khởi đầu một năm mới mà đã đầy rẫy khó khăn vì dịch bệnh, tôi biết rằng không chỉ riêng bản thân bị ảnh hưởng mà hàng nghìn con người ngoài kia, đang cơm không đủ no, áo không đủ mặc, lao đao vì dịch bệnh, đau lòng hơn khi chứng kiến những doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đứng trước nguy cơ phá sản và buộc phải cho nhân viên thôi việc.

    Trong hàng nghìn con người bị mất đi bát cơm, có cậu em họ của tôi. Thực ra cái chuyện cậu ấy bị cho thôi việc cả nhà sớm đã đoán trước nên chẳng mấy bất ngờ.

    Nhiều năm trước cậu ấy đang thanh niên trai tráng, phấn đấu hết mình, nhiều lần được công ty bình chọn là nhân viên xuất sắc. Chỉ mấy năm sau thôi bỗng trở thành một ông chú bụng bia, cả ngày ăn không ngồi rồi, không chuyên tâm làm việc, đi làm muộn, tan làm sớm. Ỷ rằng bản thân và cấp trên quan hệ tốt, sớm có cái tư tưởng cuộc sống về hưu mơ ước.

    Thật chẳng ngờ, công ty chịu ảnh hưởng của đợt dịch bệnh này, cậu ta bỗng trở thành cái tên "đầu sổ" trong danh sách cắt giảm nhân sự.

    10 năm trời hưởng cái cuộc sống nhàn hạ, bỗng một đêm bị sa thải, đối diện với bao thứ phải lo toan cho cuộc sống, nhà mấy miệng ăn, cậu ta cũng chỉ biết mượn rượu tiêu sầu, biến thành cái bộ dạng thê thảm.

    Như Warren Buffett đã nói: "Chỉ khi thủy triều rút dần, chúng ta mới biết ai đang tắm truồng".

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Trong cuộc sống rất nhiều những thành phần như cậu em họ tôi đang tồn tại. Nhóm người ngày nghĩ rằng lười biếng chẳng ảnh hưởng đến họ, nhưng một khi nguy cơ đến, thì sẽ trở thành nhóm bị đào thải nhanh nhất.

    Cuộc đời mỗi người, không sợ tầm thường, đáng sợ nhất đến tuổi trung niên mới hiểu ra "Sống an nhàn, là tại hoa đời người.

    Không có công việc ổn định, chỉ có năng lực ổn định.

    Ngày nay mọi người đang được hưởng sự nhanh chóng, tiện lợi của thời đại công nghệ, nhưng mặt khác cũng phải đối mặt với những nguy cơ, mặt trái, và cảm giác không chắc chắn của sự tiện lợi này.

    Lấy ví dụ tình hình dịch bệnh hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những nguy cơ không lường trước.

    Có thể kể đến sự kiện sa thải quy mô lớn của các doanh nghiệp trên thế giới ví dụ như Pandora, ngân hàng HSBC…, hoặc nếu không sa thải là việc cho nghỉ không lương.

    Rất nhiều người sau đợt dịch này hẳn mởi nhận thức rõ hóa ra chẳng có công việc nào thực sự ổn định, chẳng có ngành nghề nào thực sự ổn định, cũng chẳng có vị trí nào thực sự ổn định.

    Thực chất của ổn định, chỉ có năng lực của bản thân, và mỗi ngày đều phải tiến thêm một bước. Đừng đợi đến khi con thuyền bắt đầu bị nước tràn vào mới nghĩ đến chuyện mình sẽ chết chìm.

    Thay đổi của thời đại, không thể nào ngăn cản nó dừng lại, hãy luôn duy trì cho mình một tinh thần học tập không ngừng, sẵn sàng từ bỏ công việc nhàm chán để tìm cơ hội mới, đó mới thực sự là giá trị của ổn định.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Người dám phá vỡ bức tường an toàn, mới là người chiến thắng.

    Có một câu hỏi rằng cách tốt nhất để hủy hoại một người là gì?

    Có người trả lời rằng, để hủy hoại một người rất đơn giản, cho anh ta một không gian nhỏ hẹp và yên tĩnh, cho anh ta wifi, thêm một chiếc điện thoại nữa là đủ rồi.

    Câu trả lời này có lẽ khiến nhiều người phải giật mình, bởi vì trong bản năng của con người vốn ưa một cái cây thích ở mãi một nơi thoải mái, quen thuộc, một khi không thể nhổ được gốc rễ ở vùng đất khô cằn trồng sang vùng đất màu mỡ thì tư duy và năng lực sẽ dần chỉ ở mức đó, về lâu về dài, cái cây sẽ chất dần chết mòn.

    Ngược lại những người dám phá vỡ bức tường an toàn, mới là người chiến thắng.

    Bạn ơi! Đừng để bản thân được nghỉ ngơi vào thời điểm ta có sức lực để phấn đấu, đừng tách mình khỏi cuộc sống mà bạn phải bạt mạng, mỗi món quà vận mệnh bạn tặng đều có cái giá của nó.

    Sống vô lo vào năm 20 tuổi, để đến 30 tuổi trở thành một người không có quyền lựa chọn.

    Tầm thường năm 30 tuổi, dẫn đến kẻ không có chí tiến thủ ở tuổi 40.

    Không cầu tiến ở tuổi 40, có thể trở thành kẻ thất bại, cái gì cũng không có ở tuổi 50.

    Kẻ mạnh thực sự, khi còn trẻ, trải qua bao thăng trầm, hóa giải những câu đố mơ hồ, học được sự kiên cường, hiểu được mất mát. Chỉ có vậy nơi đâu họ cũng có thể tồn tại, nơi đâu cũng là vùng an toàn.

    Hy vọng bạn sẽ trở thành kẻ mạnh của đời mình, dốc lực toàn tâm phấn đấu, thay đổi số phận. Hy vọng chúng ta trong những ngày này có thể tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Hy vọng chúng ta có thể nhìn thấu mặt trái của thế giới, cùng nhau vượt qua được thời kỳ khó khăn này.
     
    soloshevcento thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này