Truyện ngắn ĐÀO THẠC (Truyện Ngắn)

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi TungNg, 25/8/21.

Moderators: nhanjkl
  1. TungNg

    TungNg Mầm non

    Tui là cây viết mực nghiệp dư. Mong nhận được góp ý của quý anh chị em. Chân thành cám ơn!
    --- --- ---

    ĐÀO THẠC

    Đầu thập niên 1980, Saigon chứng kiến giới doanh nhân và trí thức chế độ VNCH hoảng loạn di cư từ thành phố đến các khu kinh tế mới. Vợ chồng Đào Thạc, với tính bốc đồng của tuổi trẻ, hăng hái đăng ký tham gia cuộc di dân này. Anh và gia đình rời xa thành phố, đi theo tiếng gọi đanh thép từ mảnh đất phèn chua nước mặn để lập nghiệp, ở nông trường An Hạ, thuộc quận 5, TPHCM.

    Vợ chồng Đào Thạc là những trí thức trẻ tốt nghiệp đại học Văn Khoa Saigon. Đến nơi, họ cảm thấy vô cùng xa lạ với hoàn cảnh cuộc sống mới. Tay họ chỉ biết cầm cây viết, gãy dây đàn, dìu nhau theo tiếng nhạc của vũ trường. Nay tay họ phải cầm cây rựa và vai họ phải vác cây cuốc, phải phơi mình từ sáng sớm đến tối mịt dưới cái nắng nóng cháy khét sạm da.

    Những ngày đầu ở nông trường, một vùng đất nghèo đói, không tài nguyên, cuộc sống của họ luôn đối mặt với vô vàn gian truân. Sự háo hức ngây thơ trước đây bây giờ là sự chán nản đầy hối tiếc. Có những lúc họ tưởng không thể chịu đựng được nữa. Có những lúc, họ chỉ muốn vứt bỏ tất cả để trở về lại thành phố. Nhưng đó chỉ là ước mơ. Thành phố không còn là của họ nữa. Thành phố không có nơi cho họ quay về.

    Saigon, cái thành phố phồn hoa kia nay đã là dĩ vãng. Những tháng ngày đẹp đẽ bên nhau dưới ánh đèn lung linh nay chỉ còn là kỷ niệm. Những buổi chiều ngồi nhâm nhi cà phê nhìn dòng người qua lại chỉ còn là ký ức. Những hôm bạn bè rủ nhau râm ran ở tiệm kem Bạch Đằng giờ chỉ còn trong nỗi nhớ. Những chai bia laser mát lạnh với chúng bạn giờ chỉ là nỗi thèm khát vô biên. Họ nhớ lắm những buổi tối nắm tay nhau cùng vào rạp cinema. Họ nhớ da diết giảng đường đại học, nơi tình yêu cháy bỏng của họ nở hoa kết trái.

    Họ phải tập làm quen dần với cuộc sống mới. Ở đây không có nước sạch để sinh hoạt hàng ngày. Họ tắm giặt ở dòng nước trong xanh của con kênh Xáng. Nước ở đây nhiễm phèn nặng nên rất trong. Rong và cây cỏ năng là hai loài chủ yếu mọc ở vùng này. Nước tuy trong veo nhưng khi tắm xong, da vừa khô là xuất hiện một lớp màng màu nâu. Dùng tay gãi nhẹ lớp màng này mốc ra như phấn.

    Nước dùng để ăn uống là một vấn đề rất lớn. Họ dùng những chiếc lu để trữ nước mưa hoặc phải đạp xe đi mua nước sạch cách nhà năm bảy cây số. Nhà nước chỉ đưa họ đến đây, một nơi hoang vu, không bóng cây cao, không có những tiện ích tối thiểu cho cuộc sống. Họ phải tự sống. Ngày ngày, họ làm bạn với những liếp mía và vườn thơm. Đêm đến, dưới ánh trăng vàng vọt, họ cùng nhau ngồi thưởng thức tiếng muỗi vo ve như tiếng nhạc vĩ cầm.

    Có lần, trong lúc đang đi thu hoạch mía, đôi tay tiểu thơ do không thạo dùng dao rựa, vợ anh đã lỡ chặt vào ngón cái, máu tuôn đỏ cả vạt áo. Cái sẹo để lại lớn gần 5cm. Từ hôm đó, vợ anh vứt cuốc, bỏ làm nông. Cô vay mượn tiền của anh chị em bạn bè để lấy vốn đi buôn.

    Một thời gian, do làm nông cũng không nổi, Đào Thạc xin vào làm giáo viên dạy ngoại ngữ ở trường PTCS địa phương. Với trình độ của anh thì đúng là một nhân sự mà nhà trường đang cần. Sáng anh dạy ở trường, chiều anh dạy thêm ở nhà. Cuộc sống tạm ổn cứ thế trôi đi.

    Thập niên 1990, đất nước đổi mới, thành phố đón chào các dòng thác tiền đầu tư của nước ngoài tới tấp tràn vào. Các doanh nghiệp làm ăn với các đối tác nước ngoài rất cần những người biết tiếng Anh. Đào Thạc thấy được cơ hội. Anh bỏ nghề thầy giáo, đi làm thông dịch cho một doanh nghiệp may mặc lớn của nhà nước. Giám đốc doanh nghiệp là một người từ ngoài Bắc mới vào. Ông ăn to nói lớn, thường dùng tiếng đệm địt đéo để làm cho lời nói có thêm mùi văn chương! Đó là ông ấy giải thích thế.

    Công việc thông ngôn đối với Đào Thạc không có gì khó khăn, vì anh được đào tạo chuyên ngành này trong ban Anh Văn và Pháp Văn ở Đại Học Văn Khoa Saigon trước đây. Ông giám đốc rất trọng dụng anh nên ông dành cho anh nhiều ưu ái. Nhờ lương cao và công tác phí hậu hĩnh, cuộc sống của anh trở nên khá giả. Anh dành dụm tiền mua được căn nhà ở khu cư xá Nguyễn Trung Trực, Q.10 và dọn về đó ở.

    Mỗi lần họp với khách nước ngoài, ông giám đốc có lúc lỡ quên hoặc do thói quen, đã vô tư dùng thêm tiếng đệm mà Đào Thạc không cách gì dám dịch cho khách nghe. Đôi lúc anh cũng gặp phải tai nạn nghề nghiệp, do kiểu nói tắt thường có của những người xã nghĩa ở ngoài Bắc. Ông giám đốc thường dùng các từ nói gộp, nói tắt kiểu như "phối kết hợp", "nông lâm nghiệp", "công nông trường", "vườn ao chuồng", "y bác sỹ", "khu cao xà lá", "thanh kiểm tra"...

    Khoảng năm 2000, nhờ tính chất công việc, quen biết các đối tác nước ngoài, Đào Thạc nhờ họ giới thiệu và cho con trai anh đi du học ở Mỹ. Sau khi tốt nghiệp The College Of Aeronautics, Florida, chàng trai làm phi công cho hãng Singapore Airlines. Thỉnh thoảng Đào Thạc cũng được con trai mời đi nước ngoài trên chính chiếc máy bay anh con trai lái.

    Thập niên 2010, Đào Thạc thường ngồi uống cà phê ở Hồ Con Rùa. Những khi ngồi nhâm nhi cà phê với bạn bè ở Hồ Con Rùa, Đào Thạc thường kêu mấy đứa trẻ lại để đánh giày cho ông. Ông bo rất sộp. Ông cũng thường mua vài tờ vé số của những người bán dạo. Ông ít khi lấy lại tiền thối. Ông mua cũng chỉ để quên đó chứ ít khi ông dò. Vì có trúng đâu mà dò.

    Những ngày cuối năm, đường phố Saigon thường vắng hoe. Đào Thạc trầm tư nhâm nhi ly cà phê một mình ở góc Hồ Con Rùa quen thuộc. Những lúc một mình, ông thường đeo cặp kính mát hình giọt lệ hiệu Rayban, lơ đãng ngắm nhìn xe cộ lưa thưa qua lại. Ông thả hồn bay theo những bài hát trữ tình tiếng Pháp. Ông rất thích những lúc cô đơn như thế này. Nó cho ông những khoảng thời gian tuyệt vời
    nhất để gặm nhấm lại những kỷ niệm. Cuộc sống bao thăng trầm, bao đổi thay, bao mất mát và đau khổ. Nhưng tất cả cũng đã qua đi, giờ chỉ còn là ký ức. Ông ngồi lặng lẽ, bồi hồi chìm vào dĩ vãng...

    … Vợ anh từng là một nữ sinh xinh đẹp, là hoa khôi của trường Văn Khoa Saigon. Cô thu hút những ánh mắt ngây dại của các nam sinh. Cô còn là sự ganh tỵ của các nữ sinh qua những cái liếc mắt dài vô tận. Nhiều chàng trai si tình vật vã vì nhan sắc của cô. Họ chết mê chết mệt vì mái tóc bồng bềnh xõa xuống, chạy dọc theo những cung đường cong dưới lớp tà áo dài. Đào Thạc khéo văn nghệ lại còn học giỏi. Anh may mắn chiếm được trái tim nóng dại của cô hoa khôi.

    Cuối thập niên 1970, họ cưới nhau. Không lâu sau đó, họ xung phong đi kinh tế mới. Cuộc sống khó khăn cực khổ ở vùng kinh tế mới để lại trong cuộc đời họ nhiều kỷ niệm. Vui có, buồn có. Mùa mưa năm 1985, một hôm đi dạy về, Đào Thạc thấy một bức thư trên bàn, anh mở ra. Những nét chữ quen thuộc của vợ anh chợt nhạt nhòa...

    Anh Thạc,

    Em không chịu nổi cuộc sống cực khổ ở chốn khỉ ho cò gáy này nữa. Em ra đi. Tiền bạc em để lại. Anh nuôi con giùm em.
    Em ngàn lần xin lỗi.

    Lý Lệ Giang

    Bức thư ngắn ngủi của vợ làm cho Đào Thạc bất ngờ. Anh bàng hoàng, đau đớn vô cùng. Anh không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Anh đang ngủ mơ chăng? Anh không biết đi tìm vợ ở đâu. Anh đi hỏi thăm người nhà của vợ, bạn bè của vợ, nhưng không ai biết cô ở đâu. Cuộc sống của anh rơi vào bế tắc cùng cực. Một mình anh nuôi đứa con ba tuổi sẽ không hề dễ dàng gì. Thật tội nghiệp cho nó. Mẹ nó bỏ đi khi nó còn quá nhỏ. Nhiều đêm nó giật mình thức giấc, khóc thét kêu mẹ...

    Đào Thạc chợt giật mình, ông thoát ra khỏi dòng suy tưởng… Có tiếng phụ nữ mời ông mua vé số. Không kịp suy nghĩ gì, như một thói quen, ông uể oải cầm xấp vé số và lấy vài tờ. Ông móc bóp trả tiền. Khi người phụ nữ đưa tay cầm tờ hai mươi ngàn đồng, Đào Thạc vô tình nhìn vào bàn tay nhăn nhúm già nua của bà. Ở đó có một vết sẹo dài. Ông bất giác nhìn lên gương mặt người phụ nữ. Ông thoáng cảm thấy có một dòng sét đánh thẳng vào tim. Ông chợt thốt lên:

    - Lệ Giang!​

    Người phụ nữ ngơ ngác đứng im một lúc. Bà bỗng run rẩy, nước mắt tuôn trào. Xấp vé số trên tay bà rơi xuống đất. Giọng nói của Đào Thạc trong tim bà vẫn luôn ấm áp như ngày nào. Đào Thạc đứng lên, ông nhẹ nhàng cầm tay bà Lý Lệ Giang, dìu bà ngồi xuống ghế...

    ... Nhờ vay mượn tiền làm vốn, vợ anh bắt đầu đi buôn lậu. Cô xuống miệt miền Tây mua gạo và thịt heo, rồi đem lên Chợ Lớn bán cho các vựa buôn sỹ của người Hoa. Thời gian đầu, vì chưa quen nên nghề buôn lậu rất bấp bênh. Tiền lời mỗi chuyến tuy cao nhưng mỗi lần bị bắt là đứt vốn. Có nhiều lần cô bị bắt và bị tịch thu hàng, cô khóc lóc, quỳ xuống năn nỉ.

    Vợ Đào Thạc thông minh, sắc sảo. Sắc đẹp trời cho của gái một con đã giúp cô thoát nhiều phen tưởng chừng như mất trắng trong các chuyến đi hàng. Dần dà, cô làm quen được với tay trưởng trạm chống buôn lậu ở Bến Lức. Tay này từ Thanh Hóa vô, nổi tiếng xử rắn, bắt được hàng là tịch thu, không xin xỏ. Ông ta cũng nổi tiếng là một tay nhậu nhẹt không đối thủ. Hầu như ngày nào ông ta cũng nhậu nhẹt, say xỉn. Trạm này bị dân buôn lậu bán chết cho cái tên là ‘trạm hố bom’ vì nếu bị trạm này bắt là tịch thu, không tha. Từ khi làm quen được với tay trưởng trạm, những chuyến hàng của cô không còn là vài chục ký nữa mà là hàng chục dạ gạo.

    Để các chuyến hàng qua được trạm trót lọt, cô phải chiều tay trưởng trạm Bến Lức mỗi khi anh ta đòi hỏi. Họ thường hẹn nhau vào các khách sạn ở Chợ Lớn. Với bản tính háo thắng, anh ta vồ lấy cô như muốn nuốt chửng cả cơ thể của cô. Giày vò, ngấu nghiến, mệt nhoài.

    Những lần đầu, cô cảm thấy vô cùng tội lỗi. Khi về đến nhà, cô mệt mỏi, chán chường. Nhưng ma lực đồng tiền cứ nhảy nhót cuốn cô đi, khiến cô giãy giụa trong những cơn bão xác thân vụng trộm mà cô không thể nào thoát ra được. Cô chìm dần.

    Sau những cuộc mây mưa trăng gió, họ thường đến ăn tối ở nhà hàng Ngọc Lan Đình, nổi tiếng ở Chợ Lớn. Dần dà, cô có cảm giác quen với mối quan hệ này. Vài ngày không gặp nhau là cô cảm giác như thiếu gì đó. Cô trở nên chưng diện và thờ ơ với chồng.

    Một hôm, cô để lại cho chồng một lá thư và dứt áo ra đi. Cô bỏ chồng bỏ con, đi theo gã trưởng trạm, làm lẽ. Từ đó, cô trở thành vợ bé của ông ta. Ông ta mua cho cô một căn nhà ở quận 5. Cô không còn trực tiếp đi buôn lậu nữa mà ở nhà điều khiển mấy đứa đàn em đi hàng. Công việc buôn lậu của cô phất lên như diều gặp gió.

    Một buổi tối, khi cô và tay trạm trưởng đang ăn tối ở nhà hàng, một đám bốn năm người mặt mày hung dữ từ ngoài lao đến bàn của họ. Tay trạm trưởng mặt tái mét, ngồi như trời trồng. Ông ta lý nhí trong miệng “ơ kìa, này, ơ kìa, này, này...”. Một người phụ nữ trong đám, đứng tuổi, dáng đẫy đà, mặt hoa da phấn giận dữ, trợn mắt chỉ thẳng vào mặt cô, hét lớn:

    - Địt mẹ. Con mặt luồn này cướp chồng bà. Bọn mày đánh chết nó cho tao...
    Nói chưa dứt câu, bà ta vung tay táng cho cô mấy bạt tai. Cô choáng váng, ngất lịm đi.

    Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm ở vỉa hè, khắp người ê ẩm, mặt cô sưng vù. Quần áo của cô bị xé rách, loang lỗ máu và dính đầy bùn đen. Thành phố đã khuya, vắng người qua lại. Cô đau đớn, ê chề, nước mắt lã chã. Cô cố lê từng bước về nhà.

    Đến nhà, cô thấy đám người bặm trợn lúc tối đang ở đó. Họ không cho cô vào nhà. Đứa con gái năm tuổi của cô đang đứng khóc chờ cô ở ngoài cửa. Đám người kia thảy cho cô một ít quần áo rồi đuổi cô đi. Hai mẹ con lầm lũi bước đi trong đêm. Vô vọng. Vô định. Nhục nhã.

    Họ đi lang thang, ngày qua tháng đến. Bữa đói, bữa no. Cuộc đời dạy cho cô bài học này và trừng phạt cô hình phạt quá lớn. Không biết khi nào cô mới học xong. Cô để dành từng đồng tiền người ta bố thí. Một thời gian, cô không đi ăn xin nữa. Cô đi bán vé số. Cô lại tiếp tục để dành tiền, mua được chiếc xe đạp.

    Nhiều đêm, cô nhớ về Đào Thạc, nhớ anh và nhớ đứa con trai da diết. Một ngày, cô quyết định đạp xe chở đứa con gái về thăm ngôi nhà lá năm xưa. Đêm tối, cô đứng ngoài cổng nhìn vào. Cô cứ đứng như thế, khóc nức nở. Cô muốn gào lên hai tiếng “anh Thạc” nhưng cổ họng cô như tắc nghẹn. Tuần nào cô cũng đạp xe về thăm chồng con như vậy, suốt mấy năm trời. Đào Thạc không hề hay biết.

    Một buổi tối nọ, cô đạp xe chở con gái về thăm chồng con, dưới cơn mưa rào nặng hạt gió rát vào mặt. Từ ngoài cổng nhìn vào, cô không thấy ánh đèn quen thuộc. Ngôi nhà đóng cửa, tối đen. Cô buồn bã đạp xe ra về trong cái lạnh và đói.

    Hôm sau cô lại đến. Ngôi nhà im ắng, không ánh đèn. Hôm sau, cô lại đến. Không có chồng con của cô ở đó. Cô hoang mang. Tuần sau cô lại đến. Ngôi nhà vẫn im tiếng.

    Mỗi tháng cô vẫn đạp xe về thăm chồng con như vậy. Mỗi lần cô về, cỏ cây trong vườn cao lên thêm một chút, um tùm, buồn thảm, tê tái.

    Saigon, 19/08/2021

    [​IMG]
    Ảnh: Mượn trên mạng.
     
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này