TG Khác Điểm Tựa Đời Con

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi Justbenice, 28/6/21.

Moderators: mopie
  1. Justbenice

    Justbenice Lớp 4

    ĐIỂM TỰA ĐỜI CON


    Tình mẹ bao la rộng lớn nhưng gần gũi, tình cha lại cao vời vợi đồng nghĩa với sự xa xôi. Mẹ là dòng sữa ngọt nuôi con khôn lớn, cha lại là nóc nhà che chở đời con. Chỉ cần huơ tay đã chạm vào tình mẹ, mấy ai với tới niềm kính ngưỡng tình cha? Có phải vì thế chủ đề viết về Cha đòi hỏi người viết phải giàu trải nghiệm hơn, sâu sắc hơn, lắng đọng hơn?

    Đọc những tác phẩm văn xuôi dự thi “Viết về Cha” như được đi tham quan một bảo tàng tranh. Tôi có cảm giác như đang lần giở từng kho báu nghệ thuật ẩn giấu dưới tầng tầng lớp lớp khắc khoải yêu thương và khát vọng hạnh phúc. Những bức chân dung Cha dẫn tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Mỗi tác phẩm như mang một trường phái riêng. Có Gauguin mộc mạc, hiền hòa. Có Rembrant chân phương, sắc sảo. Có ấn tượng Monet. Có hoang dã Matisse. Có siêu thực Salvador Dali. Có thủy mặc Từ Bí Hồng. Những vệt màu sống Van Gogh xoáy thẳng vào tim óc. Những hình lập thể Picasso cứ đan vào nhau thành những mắc lưới bủa vây... Bản thân cũng là một người cha nhưng tôi không ngờ khuôn mặt người cha lại đa chiều đến thế!

    Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là không có bức chân dung nào hoàn chỉnh, bởi không dễ dàng dùng ngôn từ để khắc họa hình ảnh cha hay tình cha. Tôi không đo được tầm vóc của những người cha trong từng tác phẩm nhưng bù lại, tôi cảm nhận được thần thái của nhân vật Cha qua từng “nét cọ”. Từ những mảng màu sáng tối của cuộc đời vốn dĩ chập chùng, không bằng phẳng, những chân dung Cha dần hiện ra như những bức phác thảo xuất thần! Trong giới hạn từ của cuộc thi, các tác giả đã nỗ lực hết mình để trình bày, giới thiệu những hình tượng Cha bấy lâu còn ẩn khuất:

    - Những người cha rất kinh điển trong việc giáo dục con cái: Nguyên tắc vàng của ba tôi, Bao la tình cha, Cần câu...

    - Những người cha luôn kiên cường, vững chãi trước nghịch cảnh để trở thành hình tượng đáng ngưỡng mộ trong tim con: Tình cha nơi đỉnh núi, Chúthồi ức về tuổi thơ, Nỗi lòng của ba, Bố - Gương sáng đời tôi, Cha tôi (Đỗ Thị Sen)...

    - Những người cha đã chinh phục được con mình bằng quan niệm sống rất nhân văn, lòng nhân ái, độ lượng và cả Đức Tin son sắt: Đơn giản vì bố là... bố, Câu chuyện về “nóc nhà” tôi, Con gái ba, Ký ức về ba...

    Những người cha làm tim con choáng ngợp bởi cả khoảng trời lồng lộng của tình yêu thương: Khúc ru lòng, Hoàng hôn của ba, Con ngựa què dễ thương, Nhớ về bố...

    - Những người cha “lặng thầm” nhưng vẫn là tượng đài sừng sững: Cha tôi (Lm. Trương Hoàng Phong), Tâm sự ngày mưa, Bố- con và những trải nghiệm...

    Bên cạnh đó, không thể thiếu những “bức chân dung” méo mó, dị dạng của những người cha nghiện ngập, đỏ - đen, bạo ngược, vô tâm... Nhiệm mầu làm sao, tôi lại nhìn thấy trong đó tư duy hướng thượng khi các tác giả dường như vắt kiệt sức mình để khai thác và miêu tả cho hết vẻ đẹp của tình cha! Bên cạnh những dấu chấm hỏi đầy buốt nhức lại xuất hiện niềm bình an của tâm tình tạ ơn và hy vọng. “Cho con một lý do đi, ba!” đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh như khi xem họa phẩm “Tiếng thét” của Munch. Vâng, vẫn còn đâu đó những tiếng thét-vô-thanh gợi cho chúng ta rất nhiều về vai trò và trách nhiệm: “Ba ơi, ba mong com ra đời mà, sao lại nỡ bỏ con mà đi như vậy? Hụt hẫng, trống rỗng! Không lẽ mọi sự gầy dựng bấy lâu nay giờ chỉ được kết thúc bằng một chữ ký thôi sao?” (Cho con một lý do đi, ba! - Nguyễn Hoàng Phương Khanh)

    Những tác phẩm viết về Cha không có nhiều những áng văn mượt mà, những thị tứ bay bổng giữađiệp trùng ngôn từ hoa mỹ. Bù lại, trong đó ẩn lắng rất nhiều tư tưởng nghiệm sinh luôn song hành với dòng xúc cảm sâu lắng. Hẳn là các “văn-họa-sỹ” đã mất rất nhiều giờ trầm tư bên bảng màu trước khi đặt những nét chấm phá lên khung “toan” trang trọng:

    - Cảm nhận được gì sẽ trao đi điều ấy. Ước gì tôi có thể cảm nhận được Tình Thương ấy sớm hơn để không phải day dứt vì những đối xử bất hiếu với ba khi người còn sống! (Nhớ về ba - Nguyễn Thị Bạch Vân)

    - Bác sĩ bảo: “Về nhà, bố lại tập đi và chỉ được uống sữa như những đứa trẻ mới thôi nôi”. Đời người như vòng lặp ngược lại trước khi về với bụi tro. (Bố-con và những trải nghiệm - Nguyễn Gia Tuấn Anh)

    - Ba ơi, nẻo đường con đã đi, con không tìm thấy sự thành công của tiền tài danh vọng nhưng con đã khám ra được ý nghĩa thiêng liêng, sự cao quý của tình cảm gia đình, nó cần thiết cho mỗi con người đến dường nào!(Ngọt ngào mùi vị quê hương - Dương Thị Kim Huê)

    - Tôi nghe được tất cả những điều bố dạy bảo, hướng dẫn không phải bằng lời nói, nhưng bằng chính hành động đầy yêu thương ấy. Âm thầm nhưng vang vọng. (Bếp củi không lời - Phan Thế Giang)

    - Con người sống và tồn tại trên thế giới này đều phải có mục đích... nó nhận ra rằng ba tồn tại là để sống với má nó, là để chia sẻ buồn vui với má, là để má có người bạn đồng hành, để má được hạnh phúc dù hạnh phúc đó đôi khi bị phai mờ hay biến mất...(Quên có phải là cách để chữa lành? - Đinh Thị Thúy Hằng)

    - Những buổi tối sóng sánh ánh trăng, tôi hay trộm nhìn ba ngồi trầm ngâm bên tách trà. Cái dáng ngồi cô đơn, buồn thảm lạ lùng! Giá như tôi còn có mẹ...(Hoàng hôn của ba - Nguyễn Thị Nhã Vy)

    - Từ đó, con đã khám phá một điều: Tình yêu thương có thể xóa tan những thứ đen tối nhất! Và chuyện đánh bài của cha, con tin là có thể dùng tình yêu thương để cảm hóa. (Thư gửi người cha đáng thương của con - Phạm Thị Lan Anh)

    - Ba tôi đã để lại cho tôi một kho tàng thật lớn, đó chính là cuộc sống đầy lòng nhân ái của ông. Để tôi, ngày hôm nay thật hãnh diện được là con ông, được thừa hưởng những trí tuệ của ông. Và trên hết là những tiếng thơm mà ông đã dành trọn một đời sống cho hai chữ Nhân Ái. (Ký ức về ba - Nguyễn Ngọc Hà)

    - Con hiểu, do không trút bỏ hoàn toàn được quá khứ đầy ánh hào quang, nên ba bị sốc khi lâm cảnh nhàn cư, phải cậy trông ngược lại vào vợ, vào con. Từ đó dẫn đến những biến đổi tâm tính. (Viết cho ba - Nguyễn Ngọc Sáng)

    Một số chân dung Cha còn được chăm chút cho đến mảng nền (background) để tôn lên nét đẹp nội tại bù trừ cho những khắc khổ bên ngoài:

    - Ngoài trời, những giọt mưa xuyên vào đêm thật nhẹ, thỉnh thoảng mới nghe thấy mưa lách tách rơi. Chỉ có tiếng gió là rõ ràng, gió thổi nghiêng đêm hờn dỗi. Tôi nằm cuộn tròn trong chăn bông thô ráp. Đêm đã khuya mà giấc ngủ vẫn xa vời! Trong đầu tôi tưởng tượng ra biết bao nhiêu thứ bên ngoài túp lều tranh, nơi bố đã chọn để làm ăn thì ít mà để lánh mặt làng xóm thì nhiều. (Bố tôi - Bùi Đức Dương)

    - Mùa thu hai năm trước, con được đếm từng ngày hạnh phúc, được biết thế nào là hạnh phúc khi còn có cha,và rồi con cũng mơ hồ một điều gì đó không hay nếu cái mát dịu mùa thu qua đi và cái giá lạnh sẽ tới. (Cha tôi - Đỗ Thị Sen)

    - Mưa đầu năm thế mà to lắm, ba! Mưa cả ngày, trời âm u... Cũng giống như gia đình mình bây giờ... Âm u lạnh lẽo lắm, ba ơi! Con không biết phải tới bao giờ thì ánh nắng mới về tới nhà mình đây ba? Đến bao giờ mà thôi không khóc, đến bao giờ chị thôi không buồn, đến bao giờ anh thôi không lo lắng, đến bao giờ con thôi nhớ ba? (Tâm sự ngày mưa - Nguyễn Thị Thùy Hương)

    Bao nhiêu sắc màu còn tiềm ẩn?
    Bao nhiêu tâm trạng mới nửa vời?
    Bao nhiêu xúc cảm còn dồn nén?
    Bao nhiêu thông điệp mãi ngập ngừng?...

    Chúng tôi xin được nhường phần còn lại cho quý độc giả tự khám phá. Chúng tôi chỉ làm công việc của người thợ thủ công: đóng khung những tác phẩm tài hoa, treo lên trang trọng và mời gọi mọi người cùng thưởng lãm
    Pdf: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
Moderators: mopie

Chia sẻ trang này