Bài hát Nhạc tiền chiến

Thảo luận trong 'Tủ sách Âm nhạc - Hội họa' bắt đầu bởi RGBCD, 22/8/21.

Moderators: vqsvietnam
  1. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Nhạc tiền chiến là dòng nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam mang âm hưởng trữ tình lãng mạn xuất hiện vào cuối thập niên 1930. Các ca khúc tiền chiến thường có giai điệu trữ tình và lời ca giàu chất văn học. Ban đầu khái niệm nhạc tiền chiến (nhạc trước thời kỳ chiến tranh) dùng để chỉ dòng nhạc mới tiếng Việt theo âm luật Tây phương trước khi nổ ra chiến tranh Việt - Pháp 1945 - 1954, sau này, vì lý do chính trị, khái niệm này mở rộng, bao gồm một số sáng tác trong chiến tranh (1946–1954) cùng phong cách trữ tình lãng mạn, như Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Trăng Mờ Bên Suối của Lê Mộng Nguyên... và cả sau 1954 đối với một số nhạc sĩ ở miền Nam như Phạm Đình Chương, Cung Tiến... Một số ca khúc nhạc đỏ và trữ tình cách mạng trong chiến tranh Việt - Pháp như Lời người ra đi, Sơn nữ ca của Trần Hoàn khi lưu hành ở miền Nam cũng bị gọi là "nhạc tiền chiến". Các bài tiền chiến thường theo điệu Valse, Tango, Slow Waltz, Boston, Blues, March, một số là các trường ca, hay hát theo phong cách cổ điển hoặc bán cổ điển. Trừ số rất ít, hầu hết các ca khúc tiền chiến thuộc dòng thính phòng hay nhạc nhẹ có tính chất thính phòng. Dòng nhạc trữ tình ở miền nam sau này cũng ảnh hưởng của dòng tiền chiến nhưng thường theo điệu Slow Rock, Slow Ballad, Slow Fox, trong khi nhạc đỏ nhiều bài cũng ảnh hưởng của nhạc tiền chiến về giai điệu.

    Những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến: Đặng Thế Phong, Văn Cao, Phạm Duy, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Hoàng Quý, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, Cung Tiến... Các ca khúc như Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Thiên Thai, Trương Chi, Tình ca, Chiều về trên sông, Đêm tàn bến Ngự, Hòn vọng phu,...

    Nguồn: wikipedia
     
    tran ngoc anh and amylee like this.
  2. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Giới thiệu một bản tiền chiến ca từ đẹp nhiều ý nghĩa.

    Phút ban đầu khi mới gặp nhau.
    Ôi! muốn nói nhưng sao nghẹn lời.
    Tình cờ quen nhau qua phút giây
    Mộng đời dệt thành thơ bất ngờ,
    Xa dù xa hẹn đừng quên nhau


    Nhớ mùa hoa tím - Mạnh Phát
     
    amylee and tran ngoc anh like this.
  3. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Bến xuân - Văn Cao

     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/21
    amylee and tran ngoc anh like this.
  4. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn và ca khúc "Biệt ly"

    Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn nhớ lại:

    Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi. Tôi trực tiếp chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Nhưng phải đến mấy năm sau dự định ấy mới có cơ hội trở thành sự thật".

    Tôi viết Biệt ly trong hoàn cảnh chính quyền thực dân Pháp tuyển mộ rất nhiều người Việt Nam sang làm thợ hoặc lính đánh thuê cho các thuộc địa khác của Pháp. Sân ga Hàng Cỏ bấy giờ đông đúc hơn bao giờ hết, liên tục đưa đón tàu đi tàu về chuyên chở những chàng trai Việt lên đường tha hương. Người đi kẻ ở. Buồn lắm. Đau xót lắm. Cái không khí tiễn đưa "không hẹn ngày về" ấy đã tác động mạnh đến tâm cảm vốn day dứt của tôi. Và ca khúc Biệt ly đã nhanh chóng ra đời.
    Nguồn: báo Nhân Dân online

    Biệt Ly
    Tác giả: Dzoãn Mẫn
    Ca sỹ: Khánh Ly
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/8/21
    tran ngoc anh thích bài này.
  5. quang3456

    quang3456 Lớp 10



    Tặng các bạn bài hát Tiếng xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước qua tiếng sáo của tôi.
     
    amylee, tran ngoc anh and RGBCD like this.
  6. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Em bấm like đầu tiên cho bác Quang nhé :D
     
    quang3456 thích bài này.
  7. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Vụ xuất dương này đã tạo ra cộng đồng Việt kiều ở các thuộc địa Pháp ở châu Phi, châu Đại dương. Mà sao chỉ có trai tráng lên đường nhỉ? Nên thế hệ sau toàn con lai. :(

    Ờ mà bà Khánh Ly hát sai lời nhiều quá. :P
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/21
    quang3456 thích bài này.
  8. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Các cuộc di cư đơn tính là cách lịch sử tạo ra một dân tộc mới :D
     
    RGBCD thích bài này.
  9. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Mơ hoa - Hoàng Giác
    Bài này tài tử Ngọc Bảo hát khi ông khoảng 80 tuổi. Và hơn 40 năm không được hát.
     
    amylee thích bài này.
  10. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Gửi người em gái miền Nam
    Nhạc: Đoàn Chuẩn
    Lời: Từ Linh
    Trình diễn: Tài tử Ngọc Bảo
    Screenshot_2021-08-23-12-30-40-93_40deb401b9ffe8e1df2f1cc5ba480b12.jpg
     
  11. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Suối mơ - Văn Cao
    Ca sỹ: Hồng Nhung

    Cụ Văn Cao rất mê rượu, cho nên không thể thiếu chén (ly) rượu trên tay. :P
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  12. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Thu quyến rũ - Đoàn Chuẩn, Từ Linh
    Trình diễn: Tài tử Ngọc Bảo
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  13. DgHien

    DgHien Lớp 4

    @RGBCD: Bạn có thông tin về năm sáng tác của bài Nhớ mùa hoa tím không? Xếp bài này vào nhạc tiền chiến tôi thấy không ổn lắm.
    Về bài Biệt ly của Dzoãn Mẫn, năm sáng tác là năm 1939, thanh niên xuất dương về Pháp nhập ngũ đánh phát xít Đức chứ không phải đi đảo đâu.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  14. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Vụ bài Biệt ly thì từng có rất nhiều cuộc chia ly ở ga Hàng Cỏ (chính là ga Hà Nội), trong đó có cuộc chia ly của thanh niên nhập ngũ. Ấn tượng đó in sâu vào tác giả từ nhỏ, đến năm 1939, khi tác giả 20 tuổi thì nó bật ra thành bài hát.

    Về bài Nhớ mùa hoa tím tôi nghe lần đầu cùng với bài Mùa thu không trở lại ở Phan Rang năm 1999, trong một cuộc thi hát karaoke: tổ chức ở sân khấu ngoài trời, dùng dàn âm thanh chuyên nghiệp dùng để tổ chức biểu diễn. Hai bài này được một chị trình diễn rất hay, ấn tượng, chính vì thế truyền vào tôi tình yêu với thể loại này. Trước đó thì không biết phân biệt thể loại nhạc, chỉ biết nhạc đỏ, nhạc xanh và nhạc vàng.

    Còn về bài Nhớ mùa hoa tím, thì tôi thấy nhạc điệu đậm chất tiền chiến nên trong lòng coi nó là nhạc tiền chiến, vì vậy đây là quan điểm cá nhân.

    Vẫn chưa tìm thấy năm sáng tác chỉ thấy thông tin về tác giả:

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    tran ngoc anh and DgHien like this.
  15. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Dư Âm (Nguyễn Văn Tý) – “Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến…”

    [​IMG]

    Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người ta thường nhắc đến bài hát tâm đắc nhất của ông và được công chúng yêu thích nhất, đó là Dư Âm, được sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1940, khi dòng nhạc thời kỳ tiền chiến đang thịnh hành những ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn và lời ca bay bổng đẹp như một bài thơ.

    Sau năm 1954, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chuyển sang sáng tác nhạc cổ động cách mạng, nhưng ông vẫn giữ được sự mượt mà trau chuốt như lời ca bài hát Dư Âm trong những sáng tác sau này của mình.

    [​IMG]

    Tâm sự về hoàn cảnh để sáng tác nhạc phẩm này, ông đã thổ lộ người con gái có “mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió” trong bài Dư Âm có tên là Hằng, cô có đôi mắt rất đẹp. Trong một lần, nhạc sĩ ở ngoài sân nhà của bạn mình, nhìn thấy thoáng dáng của cô Hằng ôm đàn guitar ngồi bên thềm hoa vừa đàn vừa hát, khi ông về trở lại đơn vị, nhạc phẩm Dư Âm đã được soạn thành trong một đêm. Nhạc sĩ cũng đã nói thêm:

    “… đến bây giờ và suốt đời có lẽ tôi vẫn yêu. Tôi không sao quên được đôi mắt và nụ cười của người con gái tuổi 16 ấy. Bây giờ tôi vẫn yêu là yêu cái dư âm đó thôi, chứ làm gì có cái thật để mà yêu. Mà cái dư âm thì còn mãi, yêu như thế cũng được và cũng tốt đấy chứ…”.



    Click để nghe Sĩ Phú hát Dư Âm trước 1975

    Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
    Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
    Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
    Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời

    “Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều” – Người ta đã nói vậy, khi yêu là khi mộng mơ nhiều, và hình ảnh của người mình yêu ở trong mơ bao giờ cũng đẹp, nhất là hình ảnh của người con gái ôm đàn, phần nhiều chỉ ở trong những bức tranh hội họa, ít khi có ở ngoài đời. Vậy mà nhạc sĩ đã gặp được thiếu nữ mình yêu thầm nhớ trộm đang ôm đàn bên thềm hoa, buông những lời hát vì ở xa nghe không rõ, nhưng với người đang yêu thì đó là lúc em đang “dìu muôn tiếng tơ”.

    Cả không gian trầm lắng lại để nghe tiếng đàn tiếng hát của em. Không gian, thời gian hòa quyện vào muôn tiếng tơ như chỉ có trong giấc mơ.

    “Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió”: Hình ảnh thơ quá, đẹp quá đã làm cho người nghệ sĩ xao xuyến và đắm say nắn cung đàn thánh thót nên những nốt Dư Âm đề bày tỏ nỗi niềm nhớ nhung cho “đầy vơi đôi mắt xa vời”.

    [​IMG]

    Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ
    Anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ
    Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến…
    Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ

    Chỉ có anh: người đang dệt mộng chung đôi, mới nghe tiếng hát của em êm như lời nguyền ước và đẹp như ước mơ chung đôi. Ước ao lời ước nguyền không chỉ riêng trong lòng của mình anh, mà câu thắm nồng hương lửa ba sinh sau này cũng được cất lên từ môi em.

    Nếu là thi nhân, mà thiếu hình ảnh của em thì anh làm sao mà dệt nên thi tứ. Nên: “Anh như lầu vắng em như ánh trăng gieo muôn ý thơ” như niềm mơ ước hai tâm hồn đồng điệu tri kỷ gặp nhau sẽ trở thành hiện thực. Sự so sánh kết hợp giữa “lầu vắng” và “ánh trăng” thật thơ mộng, lãng mạn tạo nên một bức tranh thơ linh động đẹp mơ màng.

    “Tim anh băng giá” đang chờ tình em sưởi ấm, nhưng lời tỏ tình còn “ngại ngùng” chưa ngỏ nên lời. Dù một đôi lời trìu mến cùng em, là tình yêu đôi lứa trong thời tiền chiến còn e dè kín đáo khép kín sau bức tường rêu lễ giáo gia phong.

    Hẹn em từ muôn kiếp trước
    Nhớ em mấy thuở bạc đầu
    Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
    Em để cung đàn đưa anh về đâu?

    Người xưa yêu nhau thường nguyện ước sống chung với nhau cho đến thuở bạc đầu là chuyện thường tình, nhưng “hẹn em từ muôn kiếp trước” là tâm tình lãng mạn dạt dào lắm mới trào tuôn được câu thương yêu tình tứ như vậy.

    “Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn”, như lời tự thú là anh đã tương tư tiếng đàn của em như muôn tiếng tơ tình vương vấn. “Âu sầu” là vì anh đã “Yêu là chết trong lòng một ít” như nhà thơ Xuân Diệu đã viết. Những cung bậc yêu thương buồn vui đan xen lẫn lộn từ khi lòng anh đã vướng vào đường tơ tình, tâm hồn anh bay bổng vào không gian yêu đương và tự hỏi: “Em để cung đàn đưa anh về đâu?”

    Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
    Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
    Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
    Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.

    Dư âm của tiếng hát “reo lên” từ môi em, như dư âm của tiếng ái tình thanh tao vọng mãi trong lòng anh bao nhớ nhung êm đềm. Hình ảnh em ôm đàn bên thềm hoa quá thơ mộng, và tiếng hát của em dưới đêm trăng quá liêu trai, nên anh đê mê tưởng như hình ảnh của đêm qua chỉ là “giấc mơ” thôi, để cho “anh muốn làm mây nương nhờ làn gió” đưa anh đến cõi mơ hồ nào đó được “muôn kiếp bên nàng”.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Nói thêm về người con gái mang tên Hằng trong ca khúc Dư Âm. Vào một ngày cuối thập niên 1940, có một người bạn thân rủ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về nhà mình chơi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nhà này có 2 người con gái: người chị 22 tuổi và cô em mới vừa 16. Người bạn này muốn làm mai nhạc sĩ cho cô chị, cũng vì thời ấy con gái đến tuổi 18 mới được phép nói đến chuyện lấy chồng, nên người chị 22 tuổi ra mắt còn cô em phải tránh mặt.

    Tuy nhiên chàng nhạc sĩ trẻ chỉ thấy tâm hồn xao động kể từ lúc cô em “bất thần xuất hiện, đến sau lưng chị, tì cằm vào ghế chị ngồi và nhìn tôi với đôi mắt đen tròn lay láy. Ôi! Đôi mắt kỳ diệu đã hút hồn khiến tôi sững sờ, đờ đẫn, rồi lặng im như người mất hồn”, như lời nhạc sĩ nói.

    [​IMG]

    Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ

    Tuy nhiên vì cô em còn quá nhỏ nên gia đình cấm cản, và vì quá nhớ nhung nên Nguyễn Văn Tý vẫn đánh bạo ghé thăm, nhưng chỉ được ngồi ngoài sân trò chuyện cùng với người bạn thân.

    Một đêm trăng sáng, khi hai người bạn đang ngồi trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý một lần nữa chao đảo thần trí khi thấy cô em ra ngoài thềm ngồi hong tóc. Hong tóc xong cô ôm đàn ngồi hát khe khẽ. Tóc người bay bay trong gió dưới ánh trăng thật đẹp. Đó là khoảnh khắc đã tạo nên câu hát: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”…

    Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể lại trong hồi ký: “Trái tim tôi lúc đó tan nát lắm rồi. Không thế sao lại hạ bút viết câu Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ”.

    Khoảng 8 năm sau đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý gặp lại Hằng trên đường về đơn vị ở Vĩnh Yên. Lúc ấy côg cũng đi bộ đội và đã lấy chồng. Nhạc sĩ nhớ lại: “Một chiều đi đến Vĩnh Yên, trời chuẩn bị mưa, tôi ghé vào một doanh trại trên đồi trú mưa. Nhưng vừa nộp xong giấy tờ cho bảo vệ, tôi bỗng thấy một người trong trang phục quân đội chỉnh tề từ xa đi tới. Tôi vô cùng hoảng hốt khi nhận ra người đó chính là Hằng. Hình như cô ấy cũng nhận ra tôi nên dừng lại từ xa. Tôi vội vàng vào trạm bảo vệ xin lại giấy tờ, rồi như người mất hồn đi qua mặt cô, ra cổng và đi thật nhanh như chạy trốn. Kỳ thực trong thâm tâm tôi lúc ấy chỉ nghĩ rằng: Không muốn để ai hiểu lầm tôi mượn cớ để được gặp người mình yêu”.

    Và cũng bởi lúc ấy, Dư Âm không được phép phổ biến ở chiến khu. Năm 1953, người sáng tác ra nó bị tổ chức phê bình, kiểm điểm và bị kỷ luật trong một đợt chỉnh huấn, vì lúc đó nhạc sĩ cách mạng không được sáng tác nhạc lãng mạn. Thậm chí ông còn phải đi khắp nơi để nói chuyện “bài xích” chính bài hát mình sáng tác, cho nhiều người nghe. Sau này ông nhớ lại: “Tôi có đi, nhưng nói không được, vì nói tới đâu người ta lại cười đến đó”. Trong hồi ký viết tháng 2/1987 của mình ông viết: “Thực tế hồi đó lịch sử đã sang trang, nhưng phải nói thật, chủ yếu mới là về mặt chính trị. Còn văn học nghệ thuật, ai kiểm soát được những cái đầu còn mang nặng những tàn dư xưa”.

    Dư Âm bị cấm hát trong “chiến khu”, nhưng lại được phổ biến khắp nơi và rất được yêu thích khi được phát trên đài phát thanh Pháp Á, đặc biệt là trở thành 1 trong 2 ca khúc chính trong bộ phim Kiếp Hoa, với tiếng hát của 2 chị em Kim Chung và Kim Xuân. Kim Chung cũng là bà chủ của đoàn hát Kim Chung rất nổi tiếng sau này ở Sài Gòn. Bài hát còn lại là Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân.

    Bộ phim Kiếp Hoa cũng là phim Việt Nam đầu tiên được thu tiếng. Vào thập niên 1950, trong bối cảnh hoàng kim của sân khấu cải lương, điện ảnh vẫn còn là bộ môn nghệ thuật tương đối xa lạ với người Hà Nội. Chưa có đạo diễn, chưa có nhà quay phim, Kiếp Hoa chỉ là dự án phim mang tính gia đình. Bầu Long (nghệ danh Trần Lang, tên thật là Trần Viết Long – trưởng đoàn hát Kim Chung) viết kịch bản, vai nữ chính (Ngọc Lan) do diễn viên Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em dâu bầu Long) vào vai thứ chính Ngọc Thủy.

    Mời các bạn xem lại trích đoạn phim có phần hát bài Dư Âm:



    Sau năm 1975 tại miền Nam, ca khúc Dư Âm vẫn rất phổ biến và được yêu thích, cho dù nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ sinh sống và làm việc ở bên kia chiến tuyến. Cho tới cuối những năm 1980, bài hát này mới được phổ biến trở lại ở khắp cả nước.

    Trương Đình Tuấn
    Nguồn: nhacvangbolero.com

    Dư Âm | Ca sĩ: Dalena & Anh Khoa | Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý | Trung Tâm Asia
     
    tran ngoc anh, amylee and DgHien like this.
  16. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    'Đêm đông': Ca khúc đưa Bạch Yến lên đỉnh danh vọng

    Chỉ một lần hát "Đêm đông", Bạch Yến từ giọng ca vô danh trở thành tên tuổi đắt show hạng nhất Sài Gòn cuối thập niên 1950.

    Nhân sinh nhật thứ 78 của danh ca Bạch Yến (9/6/1942), nhiều người mộ điệu chia sẻ lại ca khúc Đêm đông - nhạc phẩm kinh điển của dòng tiền chiến được xếp vào hàng thành công nhất sự nghiệp của bà. Nhiều nghệ sĩ bồi hồi khi thưởng thức lại ca khúc. Phương Hồng Thủy nói: "Dù đã biết đến nhạc phẩm từ rất lâu, nghe lại chị Bạch Yến hát vẫn thấy 'đã' làm sao". Ca sĩ Xuân Hòa viết: "Cuộc đời của Bạch Yến luôn có Đêm đông của Nguyễn Văn Thương song hành".

    [​IMG]


    Danh ca Bạch Yến cuối thập niên 1950. Ảnh: Đinh Tiến Mậu.

    Bạch Yến không phải là người đầu tiên hát Đêm đông, nhưng được xem là giọng ca thể hiện thành công nhất. Khi bài hát ra đời năm 1939, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (bố ca sĩ Hồng Hạnh) - đồng nghiệp thân thiết với tác giả - là người thu âm đầu tiên. Bài hát dần phổ biến, trở thành ca khúc tiền chiến đóng mác tên tuổi Nguyễn Văn Thương. Tuy nhiên, đến năm 1958, nhạc phẩm mới chạm tới đỉnh cao.

    Chia sẻ với báo chí khi Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link năm 2014, Bạch Yến kể thuở 16 tuổi, bà bắt đầu đi hát. Trước đó, gia đình gặp biến cố, bà phải đi xiếc môtô bay, kiếm tiền phụ người thân. Nhiều lần gặp tai nạn, lại bị cơ quan chức năng khuyến cáo vì còn quá nhỏ tuổi, bà bỏ nghề, chuyển sang ca hát. Tên tuổi bà chưa được nhiều người biết tới, dù từng đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ do một đài phát thanh tổ chức. Một lần, biểu diễn tại phòng trà Trúc Lâm Trà thất, bà chọn ca khúc Đêm đông.

    Đêm đông vốn được biết đến với các bản phối thịnh hành bấy giờ như valse, tango, boston... Từ thập niên 1950, dòng slow-rock mới du nhập vào Sài Gòn. Khi nghiên cứu ca từ, Bạch Yến cho rằng giai điệu tango không phù hợp với màu sắc sầu bi của ca khúc. Bà nhờ ban nhạc chuyển sang slow-rock, tiết chế nhạc cụ hơn để tôn chất giọng người hát. Một ca sĩ trẻ chủ động đề nghị nhạc công thay đổi bản phối khi ấy được xem là chuyện hiếm thấy.

    Giữa phòng trà, ánh sáng bỗng vụt tắt, chỉ còn ngọn đèn follow rọi vào bóng cô ca sĩ nhỏ bé. Sau đoạn nhạc dạo, Bạch Yến cất giọng với lối hát da diết, u uẩn.

    Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống.
    Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông.
    Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời.
    Cùng mây xám về ngang lưng trời.

    Nơi bà hát khi đó là một phòng trà vốn chỉ quen mở các loại nhạc khiêu vũ, rock... Tiếng hát của Bạch Yến khiến không khí bỗng lặng xuống, khán giả đồng loạt hướng mắt lên sân khấu. Không gian của một đêm đông được mở ra, người nghe như cảm nhận tiếng lá trút theo chiều gió bấc, hơi lạnh của màn sương đang dần buông. Bạch Yến hát dốc lòng như nói thay tâm sự của người bộ hành đang hoài nhớ cố hương. Bà vừa ngưng câu hát cuối, cả phòng trà bừng tỉnh với những tiếng vỗ tay vang dội.

    Tên tuổi Bạch Yến vụt sáng từ đó. Bà kể, có những đêm được yêu cầu hát Đêm đông đến bốn, năm lần. Các phòng trà, vũ trường thi nhau mời Bạch Yến, đưa bà từ một giọng ca vô danh thành ngôi sao đắt show. Nhiều danh ca cùng thời như Thanh Thúy, Lệ Thu cũng hát Đêm đông theo bản phối slow-rock, song Bạch Yến - người tiên phong - vẫn luôn được nhắc nhiều nhất. Sau này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương kể, khi gặp Bạch Yến tại Pháp năm 1982, việc đầu tiên của ông là cảm ơn bà vì đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm. Sau khi nghe băng Bạch Yến hát, mỗi lần giới thiệu ca khúc, ông đã bỏ chữ "tango", thay bằng "slow-rock".

    Khi đang ở đỉnh cao, Bạch Yến ngưng hát, sang Pháp du học vào cuối năm 1961. Bà cho rằng, chính vì đã thành công, bà cần phải đi học. Bà tự nhận sự nổi tiếng của mình cũng chỉ là trong một cái ao. Bà từng nói: "Không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, mà phải học kỹ thuật bài bản để hát được bền, phải giữ khán giả lại bằng cách tự nâng cấp". Bạch Yến hướng đến hình tượng như danh ca Edith Piaf - từng làm mưa làm gió với nhạc phẩm La Vie en rose.

    Ở Pháp, bà được hãng đĩa Polydor mời thu âm nhiều ca khúc nhạc Pháp. Sau hai năm du học, bà về nước cuối năm 1963, tiếp tục biểu diễn nhiều nơi. Một năm sau, bà được mời sang Mỹ tham dự show nổi tiếng bậc nhất lúc ấy - Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Chương trình truyền hình này từng lập kỷ lục về tỉ suất khán giả (rating) với 73 triệu người xem nhóm The Beatles lần đầu biểu diễn ở Mỹ. Bạch Yến là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất - tính đến hiện tại - xuất hiện trên show này.

    [​IMG]

    Bạch Yến bên danh ca Bing Crosby (trái) và tài tử Bob Hope khi quay cho chương trình truyền hình Mỹ.

    Sau khi lên sóng, bà được nhiều nơi mời đi show. Ban đầu, bà định ở lại Mỹ hai năm, rồi thành 12 năm. Lúc đó, Bạch Yến nhận ra ca khúc Đêm đông đã vận vào bà như một định mệnh. Bà thấy hoàn cảnh mình giống như kẻ lữ hành trong nhạc phẩm. Bà từng cho biết: "Một mình nơi đất khách, nhất là những đêm đi diễn về, cô quạnh trong cái lạnh, trong sự vắng lặng của bóng đêm, thèm nghe một câu tiếng Việt cũng không có được".

    Năm 2014, khi về nước tổ chức liveshow đầu tiên, bà chọn tên chuơng trình là Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link để ôn lại một thời vàng son. Bà nói, không như nhân vật trong ca khúc, bà đã thôi "ôm sầu riêng bóng" vì đã tìm được bến đỗ cuộc đời. Ở tuổi già, bà và Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link - giáo sư Trần Quang Hải, con trai cố giáo sư Trần Văn Khê - vẫn miệt mài mang âm nhạc dân tộc Việt Nam đi biểu diễn trên 70 nước.
    Nguồn: VnExpess.net
    Bạch Yến - Đêm Đông (Nguyễn Văn Thương) - PBN16


    Ca sỹ: Trần Thái Hòa (slow-rock)- PBN 72

    Giọng nam trầm ấm.

    Ca sỹ Nguyễn Hưng (tango) PBN 94
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/8/21
    DgHien and tran ngoc anh like this.
  17. DgHien

    DgHien Lớp 4

    RGBCD tìm được nhiều thông tin hay quá
     
    RGBCD thích bài này.
  18. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Giọt mưa thu - Đặng Thế Phong
    (14 tháng 4 năm 1918 – 2 tháng 8 năm 1942)

    Giọt mưa thu là nhạc phẩm cuối cùng của cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong được ông viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh năm 1942. Ban đầu bản nhạc mang tên Vạn cổ sầu, nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là Giọt mưa thu cho bớt sầu thảm hơn. Một số ý kiến cho rằng ca khúc này có sự tham gia viết lời của cố nhạc sĩ Bùi Công Kỳ.

    Hoàn cảnh sáng tác
    upload_2021-8-26_11-19-20.png
    Nhạc sỹ Đặng Thế Phong

    Giọt mưa thu được xếp vào những ca khúc hay nhất của tân nhạc Việt Nam. Phạm Duy cho rằng Giọt mưa thu cùng hai nhạc phẩm khác của Đặng Thế Phong khởi đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam đã được Văn Cao và Đoàn Chuẩn tiếp nối. Nhạc phẩm này cũng là cảm hứng để Hoàng Dương sáng tác bài Tiếc thu nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu khi viết bản nhạc đầu tay Ướt mi.

    Về hoàn cảnh ra đời của Giọt mưa thu, theo một bài viết của nhạc sĩ Lê Hoàng Long: "Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn cổ sầu. Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe. Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt mưa thu. Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là dòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong - Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng? Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về."

    Phạm Duy viết trong hồi ký[3]: "Bùi Công Kỳ là người Nam Định, bạn thân của Đặng Thế Phong. Nó nói nó soạn lời ca cho bài Giọt mưa thu, một điều mà tôi vẫn chưa tin là đúng hoàn toàn, vì Đặng Thế Phong chết đã từ lâu, làm sao mà mình kiểm chứng được? Tôi rất yêu nó vì nó có một lối sống bất cần đời..."

    Nhận xét

    Nhạc sĩ Phạm Duy:

    Từ khu vườn nhỏ ra tới sông dài, sông rộng, bây giờ Đặng Thế Phong còn đi xa hơn nữa, đi tới cuối cuộc đời của mình qua một ca khúc mà mới đầu anh định đặt tên là Vạn cổ sầu. Đó là bài Giọt mưa thu:

    Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
    Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi
    Nghe gió thoảng mơ hồ
    Trong mưa thu ai khóc ai than hờ...

    Bây giờ mùa thu đối với anh là một sự chia ly, sự chết chóc. Dương thế trong mùa thu bao la sầu, gió xa xôi vẫn về, mưa giăng mù lê thê và lũ chim non chiêm chiếp kêu trên cành hay vợ chồng Ngâu sẽ mãi mãi khóc vì thu...

    Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
    Như nhủ trời xanh
    Gió ngừng đi, mưa buồn chi
    Cho cõi đời lâm ly
    Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
    Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
    Ai nức nở thương, đời châu buông mau
    Dương thế bao la sầu.

    Giọt mưa thu nghe như bản Nhạc sầu trong thơ Huy Cận:

    Ai chết đó, nhạc buồn chi lắm thế
    Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường
    ...
    Từng tiếng lệ, ấy mộng sầu lá úa
    Chim vui đâu, cây đã gãy vài cành...

    Trong bài Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu ngoài đời và trong đời mình. Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Giọt mưa thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Đông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng.

    Nhạc sĩ Trần Minh Phi:

    ...Phong cách sáng tác này được ông tiếp tục trong ca khúc Giọt mưa thu. Nghĩa là thất cung kết hợp nhuần nhị với ngũ cung, nhưng trong bài này, ông viết có học thuật hơn khi ứng dụng kỹ thuật métabole (chuyển hệ) làm cho âm điệu bài hát trở nên nhiều màu sắc hơn. Bài này, hồi mới lớn cứ mỗi khi mưa, tôi lại bật máy cassette lên nghe, nhất là những đêm mưa nỉ non rơi không nhỏ không to, nghe hoài băng nhão khiến bài hát nghe càng…não nề, nghe mưa như thê thiết hơn.
    Nguồn: wikipedia

    Ca sỹ: Ánh Tuyết
     
    DgHien thích bài này.
  19. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Đặng Thế Phong - Con thuyền không bến
    Nguyễn Thụy Kha | 29/09/2017 21:52

    Cuộc hành trình theo lối "thỏa chí tang bồng" của Đặng Thế Phong đã ghi khắc tên ông vào trang đầu của lịch sử tân nhạc Việt

    Năm 1938, NXB Mai Lĩnh chuyển từ số 7 Hàng Phèn về số 57 Phúc Kiến (nay là Lãn Ông) được ít lâu, tờ Học sinh - tạp chí ra hằng tuần của Mai Lĩnh dành cho thiếu niên học sinh - nhận thêm một họa sĩ vẽ thuê từ Nam Định lên. Người họa sĩ ấy tên là Đặng Thế Phong.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Nhạc sĩ Đặng Thế Phong Ảnh: TƯ LIỆU

    Đến bây giờ, khi tên tuổi Đặng Thế Phong cùng những tình khúc của ông đã vượt qua sự lãng quên của thời gian, ta mới nhắc lại chuyện xưa như bồi hồi nhớ về một ký ức lành mạnh. Còn khi ấy, các ông chủ của Mai Lĩnh chắc chỉ biết đây là một người học dự thính Trường Kỹ nghệ Hà Nội có khả năng vẽ, nên nhận anh chàng với mục đích tạo điều kiện ăn học cho anh. Chắc các ông chủ của Mai Lĩnh không bao giờ nghĩ rằng mình đang nuôi dưỡng một tài năng âm nhạc dị biệt của nền tân nhạc Việt Nam. Vừa học vừa vẽ thuê cho tờ tạp chí, Đặng Thế Phong đã âm thầm tự học nhạc, tự học chơi guitare và mày mò viết ca khúc. Những ca khúc đầu tay của ông như: "Sầm Sơn, trăng sáng, sáng trong rừng…" đã ra đời vào hồi đó.

    Đặng Thế Phong sinh vào đầu tiết Thanh Minh năm Mậu Ngọ (1918) tại thành Nam. Ông thông phán Sở trước bạ Đặng Hiển Thế không hiểu sao tự nhiên gắn bó tên mình vào làm tên đệm của cậu con trai thứ ba và đặt tên là Phong. Ngọn gió mà ông có được đã nhanh chóng tuột khỏi tay ông, tuột khỏi căn nhà ấm cúng mà bà Niệm - vợ ông - ngày ngày lam làm vun vén. Học hết năm thứ hai Trường Trung học Saint- Thomas D’Aquin, Đặng Thế Phong mang tuổi 20 của mình lên kinh kỳ cho "thỏa chí tang bồng". Đấy là lối hành trình của những ông tổ họ Trần (họ Đặng từ họ Trần mà ra) làm ra cả một cơ đồ nhà Trần lẫm liệt trong lịch sử. Riêng với Đặng Thế Phong, cuộc hành trình theo lối ấy đã ghi khắc tên ông vào trang đầu của lịch sử tân nhạc Việt.

    Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong nhập ngay vào phong trào Hướng Đạo. Bài "Đêm thu" được ông viết vào năm 1940 cho lửa trại học sinh. Lúc ấy, Nguyễn Bính - thi sĩ đồng hương và đồng niên với ông đã rất nổi tiếng với giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn và đã xuất bản 2 tập thơ: "Tâm hồn tôi", "Lỡ bước sang ngang". Dường như hai nghệ sĩ thành Nam đồng niên mang mệnh thiên thượng hỏa này đều giống nhau một cách hành trình nữa. Đó là cuộc hành phương Nam, cũng rất giống cha ông ngày mở cõi. Nhưng nếu như cuộc hành phương Nam của Nguyễn Bính đã đưa chàng thi sĩ của thơ lục bát thế kỷ này đến với cách mạng thì cuộc hành phương Nam của chàng nghệ sĩ của nỗi u uẩn thế kỷ này lênh đênh ở một "Con thuyền không bến". Với những ngẫm nghĩ vụt đến khi bên hồ Lakét (nay là hồ Vị Xuyên) chiều rung tiếng chuông nhà thờ, hay thẫn thờ bên bến đò Quan để ngơ ngác cùng "cánh buồm nâu", "cánh buồm nâu, cánh buồm…", song phải đến khi lang thang tới Nam Vang - xứ sở của Ăng-ko, của Mê Kông, của hồ Tông-lê-sáp rồi lại quay về sông Thương, Đặng Thế Phong mới hoàn chỉnh được giai điệu lênh đênh cùng "Con thuyền không bến" của mình. Có nỗi niềm chi đó như con sông Thương nước chảy đôi dòng mà ông đã có lần cùng gặp với thi sĩ đàn anh đồng hương Vũ Hoàng Chương khi ấy làm việc ở ga Bắc Ninh.

    Nghe "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong thật thấm thía buồn. Đấy là nỗi buồn bế tắc thời cuộc khi "bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước". Cái bế tắc ấy là mầm mống cho một cao trào cách mạng. Nhưng riêng chàng nghệ sĩ mẫn cảm và can đảm nhận ra cái bế tắc ấy thì lại tiếp tục chìm sâu tới đáy cùng của nỗi u uẩn này. Viết "Con thuyền không bến" vào năm 1941 (cũng năm này, Văn Cao viết "Thiên thai" như một lối giải thoát. Đặng Thế Phong viết "Giọt mưa thu" (đầu tiên lấy tên là "Vạn cổ sầu") năm 1942 (cũng năm này Văn Cao viết "Suối mơ").

    Nghe đến "Giọt mưa thu" đã cảm thấy ở sự bế tắc cùng cực này hé lộ một thân phận yểu mệnh. Nhưng cái bế tắc là cái thực ở đời, song không hiểu sao khi nó thấm vào âm nhạc Đặng Thế Phong thì lại da diết một nỗi buồn xa vắng, tinh trong lạ lùng. Một nỗi buồn đẹp như một dáng Kiều. Đấy là một nỗi buồn của khát vọng tự do. Làm gì có bến bờ cho một nỗi buồn rất người như thế?

    Ngoài chuyện thời cuộc, Đặng Thế Phong còn buồn hoen vì bệnh lao không cách gì chữa được cứ gặm nhấm dần trong mình. Ông rời Hà Nội, về trút hơi thở cuối cùng tại nhà số 9 phố Hàng Đồng – Nam Định, mùa thu năm Nhâm Ngọ 1942. "Con thuyền không bến" trôi hẳn sang cõi bên kia ở tuổi 24 bên cạnh một dáng Kiều yêu dấu. 24 năm sau, thi sĩ đồng hương đồng niên với ông cũng lại "lỡ bước sang ngang" vào cuối đêm trừ tịch sang năm Bính Ngọ 1966.

    Dù Bùi Công Kỳ có đổi tên "Vạn cổ sầu" thành "Giọt mưa thu" vì thương cho mệnh hệ của bạn thì sự ra đi của "Con thuyền không bến" Đặng Thế Phong cũng để lại đời một "Dương thế bao la sầu". Có lẽ vì vậy nên tác giả "Ngậm ngải tìm trầm" vốn đã buồn dịu dàng, trước sự ra đi của Đặng Thế Phong, Thanh Tịnh khóc nức nở: "Đêm Phong vũ khóc hoài thiên cổ lụy - đàn mưa reo thổn thức tiếng ly cầm…".

    Thoáng chốc mà đã bao năm qua. Năm nay, nếu hai chàng nghệ sĩ còn trên đời thì đã vào trăm tuổi cùng những tác phẩm của họ. Xuân nay, ai tới thành Nam ăn phở Hàng Đồng ngon nổi tiếng, xin hãy quá bộ ghé thăm căn nhà số 9 cùng phố đứng tưởng niệm trước căn nhà người xưa. Nếu bất thần thấy bát hương hóa thì hãy đọc nốt những câu thơ Thanh Tịnh khóc tài năng âm nhạc độc đáo này:

    "Ta về gây lại lửa si mê/ Phong ơi! Sinh chí lai hề!/ Đốt trầm hương triệu Phong về trần gian/ Hồn bay trên những phím đàn/ Tiếng tơ đồng vọng qua ngàn trúc ty".

    Nguồn Người lao động online

    Ca sỹ: Khánh Ly
     
    DgHien thích bài này.
  20. RGBCD

    RGBCD Lớp 3

    Ca khúc Ngọc Lan và giai nhân bí ẩn của Dương Thiệu Tước
    NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
    04 Tháng Mười Một 2019 | 10:41:00
    (VOV5) - Ngọc Lan nằm trong số những bài hát nhiều bí ẩn của Dương Thiệu Tước (sinh 1915-mất 1995), nhạc sĩ dòng dõi khoa bảng Vân Đình.

    Sau Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, dường như Dương Thiệu Tước thuộc về số ít những nhạc sĩ lãng mạn "tiền chiến" hiện diện như một tác giả có phong cách riêng biệt, tức là các bài hát có đóng dấu tác giả để người nghe nhận ra được giữa rất nhiều bài hát cùng chủ đề.

    Bài hát Ngọc Lan của ông có lẽ đến giờ giới trẻ ít còn rung động giống như những thế hệ trước, có khi người ta chỉ biết ca sĩ Ngọc Lan yểu mệnh, rồi sau này có rất nhiều bài có mùi hương ngọc lan như Lối cũ ta về, Hương ngọc lan.vv.. của các nhạc sĩ khác, nên Ngọc Lan tựa như người đẹp không thấy mặt lần hai, dù được nhiều ca sĩ nổi tiếng hát lại.

    [​IMG]Ngọc Lan là một trong những ca khúc tiền chiến có 'giai điệu khoan thai, mượt mà, lời lẽ hàm súc như thơ cổ", được phổ biến qua giọng hát Thái Thanh lừng lẫy một thời.
    Ngọc Lan nằm trong số những bài hát nhiều bí ẩn của Dương Thiệu Tước (1915-1995), nhạc sĩ dòng dõi khoa bảng Vân Đình, với các tên tuổi Dương Khuê (ông nội), Dương Lâm (ông trẻ) và cha là Dương Tự Như từng làm Bố chánh Hưng Yên. Việc người cha làm quan ở tỉnh này liên quan tới Tổng đốc Vi Văn Định, nên khi Dương Thiệu Tước 18 tuổi và người đẹp Vi Kim Ngọc 17 tuổi, hai gia đình đã có dịp quen biết nhau. Tư dinh hai nhà gần nhau, với cảnh trí hữu tình, làm nên bối cảnh cho mối tình thơ...

    [​IMG]Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước - Ảnh tư liệu.
    Người ta kể: Chàng học ở Hà Nội. Nàng học tại tỉnh nhà. Hai dinh thự gần nhau, mỗi lần chàng về, họ gặp nhau. Nàng đang tuổi dậy thì, cực kỳ xinh đẹp, còn chàng thì khôi ngô tuấn tú, đang học trung học, cháu nội của cụ nghè Dương Khuê, sử dụng được 7 loại nhạc cụ kể cả nhạc “Tây” lẫn nhạc “ta”, trong đó thông thạo nhất là Tây Ban Cầm (tức là đàn guitare) và Hạ Uy Cầm (là đàn Guitare Hawaienne), lại hát rất hay, có tiếng ở Hà Nội.

    Việc gì xảy ra là phải xảy ra, chàng và nàng yêu nhau thắm thiết với sự trong trắng và bồng bột của mối tình đầu. Họ Vi biết rõ cậu cả cháu nội cụ Dương Khuê này, gia đình quan Bố chánh Dương Tự Nhu bèn đem trầu cau sang đính ước.

    Nhưng mối tình trong sáng đó có những đám mây đen kéo tới. Nhà gái dần dần biết Dương học Tú tài chỉ là phụ mà việc Dương ưa thích nhất là học âm nhạc tại trường Viễn Đông nhạc viện tại Hà Nội, cùng với Nguyễn Xuân Khoát. Khoát chuyên về Dương cầm, còn Dương chuyên về Tây Ban Cầm. Đồng thời, bà mẹ vợ tương lai với trực giác nhạy cảm của phụ nữ cũng nhận ra nguy cơ cho con gái: anh chàng này đẹp trai quá, đàn hát lại hay, sẽ là một tai họa cho con mình. Trong khi đó, trường Viễn Đông nhạc viện sau ba năm hoạt động phải đóng cửa vì kinh tế khủng hoảng, Dương lâm vào cảnh dang dở.

    [​IMG]Hai mỹ nhân danh gia vọng tộc, Vi Kim Ngọc và Vi Kim Phú - cô chị lấy tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, cô em lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (con trai Khánh Mỹ quận công, thượng thư Hồ Đắc Trung; em trai tổng đốc Hồ Đắc Điềm). - Ảnh tư liệu.
    Phía bên nhà gái có những bà đã bắt đầu chê bai: “Cậu Tước mặt mày sáng rỡ, đẹp trai như Phan An Tống Ngọc mà chỉ có bằng Diplôme, thi rớt Tú tài”. Rồi họ Vi chuyển từ Hưng Yên sang làm Tổng đốc Thái Bình.

    Xa mặt cách lòng, đúng lúc ấy thì có sự gặp gỡ. Ý trung nhân này chính là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, nức danh học vấn Đông Dương, lại ở Pháp về... Gia đình họ Vi trả lễ họ Dương.

    Và rồi, ngày 14/2/1936 nàng lên xe hoa về nhà chồng. Lúc ấy nàng 20 tuổi còn chàng 21 tuổi. Chàng buồn, bèn đem tâm hồn mình viết thành bản nhạc “Ngọc Lan” bất hủ (xin nhắc lại: nàng tên Vi Kim Ngọc) (theo Đoàn Dự, Nam Minh Bách, Nguyễn Việt, blog Cafe Văn nghệ).

    Ngọc Lan, dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng
    Ngọc Lan, ngành liễu nghiêng nghiêng, tà mấy cánh phong, nắng thơm ngoài song
    Gió rung mờ suối biếc
    Ý thơ phiêu diêu…


    Dường như bản nhạc đã được viết từ sớm, ngay từ thời đầu tân nhạc ra đời nhưng phải tới năm 1951, bản nhạc mới được Tinh Hoa xuất bản và tái bản vài lần. Sau đó được phổ biến qua giọng ca Thái Thanh.

    Ngón tơ mềm chờ phím ngân trùng, mạch Tương lai láng.
    Dáng tiên nga, giấc mơ Nghê Thường lỡ làng.


    Ngọc Lan giọng ướp men thơ, mát êm làn lụa bóng là.
    Ngọc Lan trầm ngát thu hương, bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương.


    Bông hoa đời ngàn xưa tới nay.
    Rung nhạc đó đây cho đời ngất ngây, cho tơ trùng đờn hờ phím loan.
    Thê lương mây nước sắt se cung Hàn,
    Ôi tâm hồn nghệ sĩ chìm trong hương thắm.
    Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa, Ngọc Lan!


    Sau khi người trong mộng đi lấy chồng, vài năm sau khi người cha mất, gia cảnh sa sút, Dương Thiệu Tước mới đi đến hôn nhân cùng cô Lương Thị Thuần. Cuộc hôn nhân sắp đặt này không được nhắc tới mấy, có lẽ chỉ tồn tại chừng mươi năm.

    [​IMG]Ca sĩ Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. - Ảnh: tư liệu
    Sau đó năm 1951, khi Dương Thiệu Tước đương làm công việc dạy đàn và chơi nhạc tại đài phát thanh và các chương trình biểu diễn thì ông gặp ca sĩ Minh Trang gốc Huế từ đài Pháp-Á ở Sài Gòn ra. Cô sinh năm 1921, vốn là xướng ngôn viên của đài, sau trở thành ca sĩ do tình cờ thiếu ca sĩ trong buổi thu trực tiếp. Cô tên thật là Ngọc Trâm, nghệ danh ghép từ tên hai người con với đời chồng trước. Hai người đến với nhau và trở thành một cặp tri âm để ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Đêm tàn Bến Ngự, Tiếng xưa, Bóng chiều xưa...

    Năm 1979, Minh Trang sang Mỹ, còn Dương Thiệu Tước ở lại, đến năm 1982, ông sống với cô Nguyễn Thị Nga, một học trò cũ trước đây từng học ở trường Âm nhạc quốc gia Sài Gòn. Ông mất 1/8/1995, cùng năm đó Hãng phim Trẻ xuất bản cuốn băng video Thuyền mơ gồm 8 bài hát của Dương Thiệu Tước, là tuyển chọn âm nhạc chính thức đầu tiên sau 1975 của nhạc sĩ này.

    [​IMG]Giai nhân Vi Kim Ngọc và chồng, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên. - Ảnh tư liệu.
    Về giai nhân Vi Kim Ngọc, sau khi kết hôn cùng tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, bà có một cuộc sống hạnh phúc và có với ông 4 người con và đều thành đạt. Bà hoạt động trong ngành Ký sinh trùng, dạy tại ĐH Y Hà Nội. Bà mất năm 1988. Người con trai út là GS Nguyễn Văn Huy, một tên tuổi trong ngành bảo tàng, từng là GĐ bảo tàng dân tộc học.

    Vi Kim Ngọc là một trong hai cô con gái đẹp nức tiếng của tổng đốc Vi Văn Định, họ đều kết hôn với những bậc anh tài. Cô em Vi Kim Phú lấy bác sĩ Hồ Đắc Di (em trai tổng đốc Hồ Đắc Điềm), trong khi đó một cô cháu gái là Vi Thị Nguyệt Hồ lấy BS Tôn Thất Tùng. Dòng dõi Hồ Đắc lẫn Tôn Thất đều là những danh gia vọng tộc thời bấy giờ. Có thể nói, Vi Kim Ngọc được xem như một hoa khôi cành vàng lá ngọc bậc nhất những năm 1930. Hiện gia đình có bảo tàng Nguyễn Văn Huyên ở quê nhà Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội, trong đó có một vài dấu ấn gợi nhớ hình bóng nàng thơ của những bài hát thời đầu của Dương Thiệu Tước.

    Dương Thiệu Tước không để lại nhiều thông tin, nhưng ông có ghi rõ trong các bản nhạc hai chữ Ngọc Lan viết hoa, nhưng ít người hiểu, đa số đều nghĩ rằng ông ca ngợi loài hoa ngọc lan. Cho đến giờ, dường như ẩn số người đẹp trong bài hát này đã rõ ràng. Bài hát mang âm hưởng thính phòng, lời ca diễm lệ, kể về một mối tình lỡ dở... Mùa thu đẹp đẽ dường như cũng thế, lúc nắng gió ngất ngây cũng là lúc tơ chùng đàn hờ phím loan... Cho dù là Kim Ngọc hay Ngọc Trâm (Minh Trang) thì cũng đều là những vẻ đẹp yêu kiều, đáng để tôn vinh.

    Ngọc Lan đã được nhiều ca sĩ thử sức, nhưng dường như Thái Thanh đạt tới độ hoàn hảo hơn cả. Có hai bản thu vào năm 1966 với hòa âm của Vũ Thành và năm 1988 với hòa âm của Duy Cường.
    Nguồn: vovworld.vn

    Ca sỹ: Thái Thanh
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/8/21
    amylee thích bài này.
Moderators: vqsvietnam

Chia sẻ trang này