Mời soát lỗi chính tả Quần đảo san hô - Hà Đình Cẩn

Thảo luận trong 'Dự án eBook cho Thư viện' bắt đầu bởi 4DHN, 1/11/17.

Moderators: rhea, thuannguyen1088
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    View attachment 60456

    HƯỞNG ỨNG CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN HỌC NGHỆ THUẬT “VÌ MẦM NON TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”. 1976 - 1978

    HÀ ĐÌNH CẨN

    QUẦN ĐẢO SAN HÔ

    (ký)

    BÌA VÀ MINH HỌA CỦA HUY TOÀN

    NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG

    Hà Nội -1978 

    MỤC LỤC
    QUẦN ĐẢO THỔ CHU
    PHÚ QUỐC
    HÒN KHOAI
    ĐẢO TỔ YẾN
    QUẦN ĐẢO SAN HÔ


    VÀI LỜI NÓI ĐẦU

    Vùng biển của ta có trên 1.000 đảo lớn nhỏ. Mỗi đảo là một thế giới riêng biệt về phong cảnh và cơ man là của quí.

    Địa đầu phía bắc có nhóm đảo tạo nên thắng cảnh Vịnh Hạ Long. Người ta ví nhóm đảo này như cái lẵng hoa đá bởi đảo là những khối đá hoa cương, vân trắng lấp lánh những hạt đa kim. Đảo miền Trung cát vàng, loại cát có giá trị kinh tế, chế ra đồ dùng pha lê và hàng trăm mặt hàng công nghiệp khác. Mùa xuân, từ những vùng biển rất xa, chim yến về các hốc đảo miền Trung nhả dãi xây tổ. Tổ yến là thức ăn quí. Mỗi năm ở đây có thể thu hoạch vài tạ. Rồi đến nhóm đảo cực nam còn giữ nguyên những cánh rừng nguyên thủy và các bầy thú chưa biết sợ người.

    Biển của ta còn những đảo xa đứng nơi đầu sóng ngọn gió làm trạm gác tiền tiêu trên thềm lục địa và vùng biển kinh tế độc quyền^[Vùng biển thuộc quyền khai thác của riêng một nước.]: Bạch Long Vĩ, Thổ Chu, Trường Sa...

    Tháng ba, khoảng thời gian ngọn gió nam ấm áp đổi chiều cho gió bấc khô lạnh, biển ôn hòa. Mùa này bạn có thể ra đảo với chiếc thuyền câu thẻ đóng bằng gỗ kền kền của dân chài. Mùa bão, biển nổi sóng lừng, muốn ra khơi xa, ra đảo phải đi bằng tàu đánh cá hoặc tàu sắt của chiến sĩ hải quân.

    Biển không ngăn đường người muốn ra đảo. Và đảo bao giờ cũng đón người từ đất liền tới một cách nồng hậu.

    Trong các trang sách sau đây, tôi muốn mời bạn đọc trẻ đến thăm một số vùng đảo trên biển phía nam của Tổ quốc.

    Các bạn sẽ gặp những vùng thiên nhiên giàu đẹp của biển và đời sống vươn lên mạnh mẽ của những người dân chài cùng cúc chiến sĩ đang ngày đêm làm chủ vùng biển của Tổ quốc thân yêu.

    H. Đ. C

    QUẦN ĐẢO THỔ CHU

    Đảo và chim biển

    Cách bờ biển Rạch Giá gần 200 ki-lô-mét, Thổ Chu là quần đảo ngoài cùng trong số 102 hòn đảo nằm rải rác ở vùng biển phía tây nam nước ta. Khách tới đây bốc một nắm cát trên bãi Ngư hay bãi Mun, thấy hạt nào cũng bị sóng gió mài lăn tròn, khác với cát ở vùng biển yên tĩnh, hình vuông và sắc cạnh.

    Trong quần đảo này hòn lớn nhất là Thổ Chu, đường kính trên 3 ki-lô-mét, có nhiều gỗ quý như mun, kền kền. Hòn Kèo đứng kề bên, hình tròn, nhọn lên như nón úp trên mặt nước. Bên nữa là hòn Từ và hòn Cao, nằm thuôn dài như hai con cá sấu châu đầu vào nhau. Cuối đuôi con cá sấu về phía tây bắc là hòn Cao Cát, đó là vườn bách thú giữa biển vì sự quần tụ khá dày đặc của khỉ, chim và loài bò sát. Khỉ kết thành bầy, khôn ngoan sống nhờ vào trái cây, ong mật và ăn vụng trứng chim suốt mùa hè.

    Đặc biệt trong quần đảo này là hòn Nhạn. Gọi là hòn Nhạn bởi có chim nhạn ở. Loài chim nhạn biển này cánh khỏe, dám bay cả trong dông bão.

    Buổi sáng, đường bay mở ra một ngày của loài chim này là lao thẳng ra biển. Hàng mấy ngàn con bay rào rào như một trận gió. Không có cánh chim nào ngập ngừng, tỏ ra nhút nhát, tách khỏi đàn bay trở lại. Dường như chúng có một tổ chức nhất định. Trước khi bay, một chú chim nào đó đứng trên mỏm đá vỗ cánh, bất ngờ réo lên một tiếng “réc...”. Thế là cả bầy đen đặc bay ùn theo. Chúng đi kiếm ăn suốt ngày ngoài khơi xa, có khi cách đảo đến 200 ki-lô-mét.

    Buổi chiều, khi mặt biển vừa sẫm lại, nước biển ngả màu tím than và ngọn sóng bạc đầu gợn xa chuyển màu vàng da cam, từ một miền xa tắp ùn ùn nổi lên một đám mây xám bạc. Đám mây nở rộng dần rồi vỡ ra từng chấm sáng. Chim trở về đảo. Những con chim mỏ sắc, màu ngà như mỏ sáo, cánh sải rộng, đuôi xòe chéo chữ “V”, lông đốm sáng. Chúng bay xoay tròn một vòng rồi ríu ran đậu xuống bãi đá trắng một màu phân chim. Mỗi con chim chọn cho mình một chỗ đứng và bắt đầu tỉa tót bộ lông. Cặp mỏ sắc ngắt những lông tơ mịn dưới bụng, dưới cánh, thả vào hốc đá. Chúng làm đẹp chăng? Không phải. Chúng đang làm công việc cao quý của người mẹ biết hy sinh bộ áo đẹp để lót nôi êm cho lũ con khi sinh nở.

    Đẻ bốn trứng màu xanh nhạt, xinh xinh, chim mẹ bắt đầu ấp. Chỉ qua nửa tuần trăng, những chú chim non đã mổ vỏ. Chúng háu đói và lớn nhanh, suốt ngày mở cặp mỏ như hai búp hoa lan đòi chim bố bón mồi. Thoảng đi mười ngày, chim non đã có bộ lông cánh mịn, rời tổ tập nhảy trên những ngọn đá nhọn. Lại thoảng đi dăm ngày nữa, chim mẹ đã tập cho chim con bay từng đoạn ngắn.

    Buổi sáng trên đảo, ánh nắng trong suốt vì sự phản quang của nước biển, không khí mát rượi. Sóng bạc đầu gợn lấp lánh như vô vàn mảnh gương đặt nơi mặt nước hắt sáng lên. Bầy chim non đứng trên mỏm đá, mở đôi mắt đen tròn sáng ngời ngợi nhìn ra biển. “Đây là biển cả” - Đôi mắt chim mẹ âu yếm nhìn bầy con như muốn nói lên điều ấy. Bầy chim non ríu rít chỉ muốn bay lên bằng đôi cánh mỏng như hai chéo lụa. Chim mẹ xòe cánh vỗ nhẹ mấy nhịp như cổ vũ rồi bay lên trước. Bầy chim non theo mẹ bay đi. Đường bay đâu tiên bằng đôi cánh non nớt, chim non đã dám lao thẳng ra biển. Sóng cồn dưới những đôi cánh ấy.

    Người làng chài trên đảo nói: “Ở đây người cũng như chim, phải không sợ biển mới sống được”.

    Sóng gió trên làng đảo

    Trên đảo Thổ Chu có làng nhỏ. Gần một trăm nóc nhà đứng nép vào chân núi phía tây. Làng na ná như làng thường gặp dọc ven biển: nhà thấp nhỏ, vững chãi, quay cửa ra hướng mép nước. Người ta hay ví đảo (bất kể đảo nào) như một con tàu. Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Sóng, gió và dòng nước chảy thường xuyên theo hai hướng tây và nam đã ảnh hưởng đến cấu tạo địa chất của đảo, thường là dẹt hình thoi, dài. Đảo Thổ Chu cũng na ná con tàu. Chỉ khác, phía đầu tàu chếch sang trái có vùng bị lõm vào tạo thành vịnh bãi Ngừ, nước trong đến mức có thể nhìn thấy con cá nhỏ bơi dưới độ sâu vài mét.

    Có thể xem bãi Ngừ là bãi tắm tuyệt vời của nước ta. Dưới mặt nước từ độ sâu khoảng mười mét trở vào chân sóng là một lớp vụn san hô nhiều màu sắc, nhìn từ trên xuống như một mặt sân lát đá hoa. Ánh sáng mặt nước bị tán xạ và phản quang từ bề mặt lát vụn đá hoa mịn màng ấy dội trở lại làm cho nước chuyển màu xanh nhạt trong suốt. Trong màu nước ấy nhìn rõ từng động tác người lặn dưới sâu, da thịt trắng hồng. Trên bãi tắm các vụn san hô nhiều màu, đa số là trắng, trải dưới những gốc bàng có vòm tán rộng che mát.

    Từ mép nước bãi tắm bước lên là làng. Làng ở theo bờ vịnh, cong hình bán nguyệt. Làng đã có từ lâu đời. Nhiều bóng cây cổ thụ, dừa và cây ăn quả. Dưới bóng cây là bể nước mặn, xây bằng đá để nuôi đồi mồi.

    Thổ Chu là đảo sản xuất đồi mồi nhiều nhất nước ta. có nhà nuôi 2.000 con. Con nào cũng lớn như cái khay với 13, 16 hoặc 18 vảy nâu bóng.

    Công việc nuôi đồi mồi thường bắt đầu từ tháng ba, tháng này biển đã ấm áp. Đêm vắng. Đồi mồi mẹ bò lên bãi cát bới ổ đẻ trứng rồi lấp lại. Đồi mồi đẻ chừng 150 trứng vàng nghệ như chùm quả xoan chín. Nhờ có sức nóng mặt trời và cát ủ, trứng đồi mồi nở. Những người nuôi đồi mồi thường tự ấp lấy. Buổi sáng họ đi theo bãi cát tìm vết chân của đồi mồi mẹ để tìm ra tổ trứng bị lấp. Trứng nhặt được đem vùi trong thùng cát. Đều đặn mỗi ngày tưới nước mặn lên trứng một giờ theo quy luật của thủy triều. Sau một tháng nở những chú đồi mồi bằng con cua nhỏ, vảy mềm; màu hồng nhạt. Người ta bắt đồi mồi con nuôi trong bể xây chứa nước mặn. Thức ăn của đồi mồi là trai, hến và cá con. Bốn năm sau, lớp vẩy đã lớn, dẻo, dày và định màu, có thể lột vảy được rồi vẩy đồi mồi có nhiều màu: nâu bóng, hồng nhạt, lẫn vân đen, xanh óng ánh... dùng làm đồ mỹ nghệ. Chiếc vòng tay hoặc chiếc lược đồi mồi là vật quý, bền và đẹp, tất cả các loại nhựa màu đều không thể sánh kịp.

    Ở Thổ Chu bà con còn đi bắt đồi mồi dưới biển. Bắt đồi mồi có hai cách: đánh lưới hoặc câu. Đồi mồi bắt được thường to, vảy dày, rộng màu sắc tuyệt đẹp. Có khi kéo lên con đồi mồi “chúa” nặng đến 80 ki-lô-gam, bóc được một ki-lô-gam vảy trên bộ mai rộng tựa chiếc ô nâu.

    Có bốn loại đồi mồi: đồi mồi cân, đồi mồi mặt, đồi mồi lửa, đồi mồi đá. Mỗi loại đồi mồi cho một sắc vảy riêng biệt. Cũng khó có thể nói loại vảy nào hơn loại vảy nào. Có người thích màu nâu bóng nổi gân trắng; có người thích màu đen thạch nổi vân màu tro nhạt.

    Người làng Thổ Chu làm giàu vì đồi mồi. Những người giầu có này sống đôn hậu và hiền lành, rất mến khách từ đất liền tới. Một buổi sáng nào đó bạn rời đảo, người già sẽ lồng vào tay bạn những vòng đồi mồi và gửi tặng những chiếc nhẫn xinh xinh cho người thân. Đó là tục lệ của làng đảo muốn dành cho người đi xa những kỷ niệm của đảo. Người ta sẽ nói:

    - Đừng có sợ say sóng thì không bao giờ say. Mùa con sóng lặng sang năm lại ra thăm đảo nghe!,..

    *

    * *

    Trước ngày Thổ Chu giải phóng (25-5-1975) đây là căn cứ quân sự của duyên đoàn 4 ngụy, có bãi để cặp tàu. Có sân bay cánh quạt, có đài ra-đa quét sóng, cùng với đài Phú Quốc, Hòn Khoai, Côn Sơn làm thành mạng kiểm soát tàu bè trên biển.

    Từ năm 1965 căn cứ quân sự trên đảo Thổ Chu phình to lên mãi. Tàu chiến tuần tiễu của hạm đội 7 Mỹ ập đến, gieo hoạn nạn ghê gớm cho làng chài. Chúng nghễu nghện đi trên bãi cát rồi đầm xuống biển như những con lợn trương. Cười chán, hú chán lại kéo vào làng chài phá phách, cướp của. Bọn này ranh ma biết đục cột nhà để tìm hạt trai mà đồng bào ta giấu và bới cát ngoài vườn tìm nơi cất vảy đồi mồi.

    Các tai họa khác cũng thường xuyên xảy ra ở hòn đảo xa xôi, nhiều sóng gió này.

    ... Đêm ấy, bà con làng chài Thổ Chu đang đánh cá ngoài khơi, cách đảo chừng năm ki-lô-mét. Mẻ lưới vừa thu xong. Cá đổ đầy khoang, bỗng có tiếng kêu cứu. ở biển nghe tiếng kêu cứu hoặc chỉ là ánh lửa báo hoạn nạn thì bất kể đang làm gì người ta cũng bỏ đấy để cứu nạn. Đó là tình nghĩa giúp đỡ, cứu mạng nhau của người đi biển.

    Thuyền cá của dân vội vàng thu lưới, lao đến nơi có nạn.

    Đến nơi, bà con thấy một chiếc thuyền kỳ dị, đen ngòm, bập hềnh trôi. Vì sao lại kêu cứu? “Có chúng tôi đến giúp đây!”. Người làng chài chất phác vừa cất tiếng thì bất ngờ nghe tiếng súng nổ chói tai. Chiếc thuyền kỳ dị lắc mạnh, áp hẳn vào thuyền cá. Đèn pha vụt sáng. Trên mui thuyền lố nhố những người đeo mặt nạ, bồng súng hoặc cầm dao găm.

    - Cướp Mã Lai rồi! - Bác tài công^[Người chỉ huy thuyền đánh cá.] già kêu lên.

    - Đứng im! - Tiếng nạt nộ kèm theo một loạt đạn nổ.

    Một tiếng thét ra lệnh, bác tài công chỉ huy mọi người trên thuyền nhảy xuống biển. Đạn bọn cướp bắn như vãi sỏi trên mặt nước tối đen. Nhưng người làng chài bơi dưới biển cũng như người miền núi chạy trong rừng. Họ có thể bơi một mạch mười ki-lô-mét trong sóng gió và định hướng một cách chính xác. Bơi suốt đêm ấy, bà con dìu được cả hai người bị thương và một chú bé mới tập ra biển lần đầu vào đảo.

    Còn bọn cướp thì kéo cá lưới, cả thuyền dân chài đi biệt tăm.

    ... Lại có một buổi sáng, dân chài thấy tàu buôn ghé vào đảo. Chủ tàu to béo, xúng xính vàng hạc. Hắn đến làng chài hỏi mua vảy đồi mồi khô. Đồi mồi khô trên đảo không thiếu, có ngay hàng tạ chuyển xuống tàu. Người cuối cùng xách bì vảy đồi mồi khô đã đánh bóng nổi màu nâu láng xuống tàu, bỗng con tàu rùng mình, vội vã nhổ neo.

    Bà con hét vang:

    - Trả tiền đi chứ!

    - Bắt lấy bọn cướp!

    - Ôi! Lại mắc mưu bọn cướp Hồng Kông rồi. .

    - Con gái tôi... Trả con gái tôi...

    Tiếng kêu, tiếng thét khàn trên mặt sóng không níu được tàu bọn cướp lại. Lũ cướp trên tàu trơ trẽn cười khả ố và chĩa súng bắn trả lại...

    Thổ Chu đứng ở đầu sóng, ngọn gió đầy những tai họa bất ngờ. Con người ở đây phải đọ sức với bão tố, sóng cồn, phải thắng cướp và địch.

    Ở đây các em nhỏ chưa biết học chữ đã biết bơi. Phải nhuộm nước mặn vào da thịt suốt đời người để gắn bó với biển, với đảo bằng tình yêu thiêng liêng, không bao giờ phai lạt.

    Lớn lên một chút, các em được người lớn đã từng trải dạy cho những môn tập khỏe mạnh đòi hỏi phải có lòng dũng cảm mới vượt lên được: bơi trên sóng cồn, lặn dưới nước sâu mười mét, hoặc tập câu cá mập. Người làng Thổ Chu thượng võ và hun đúc cho thế hệ nối tiếp đức tính ấy. ở đây liên hoan bằng đấu vật, phóng lao, bằng đua thuyền trên sóng. Người ta ưa nhìn những thân hình chắc nịch, vạm vỡ, vì đó là những người sẽ thắng biển.

    Những truyền thuyết của làng chài bao giờ cũng kể về những người cường tráng, đôn hậu. Chuyện chàng trai nọ nhảy xuống biển trong đêm dông bão chém đứt đầu quỷ biển cứu công chúa của các loài cá. Chuyện một ông già nhân đức suốt đời chỉ làm một việc: luyện mật ong với mùi hương thơm của tràm trong ngàn đêm trăng sáng để làm ngọc ong cứu dân chài hoạn nạn...

    Những câu chuyện ấy làm khuôn mẫu cho trẻ nhỏ. Chúng lớn lên như bầy chim biển trên đảo này, đường bay đầu tiên đã xứng đáng với dòng họ: lao thẳng ra biển, không sợ sóng cồn và bão táp...

    Đảo mở hội

    Mỗi năm, cứ đến trung tuần tháng ba, làng trên đảo Thổ Chu lại mở hội đua thuyền.

    Người cao tuổi nhất trong làng đảo bấy giờ là già Dực. Già Dực cả đời làm nghề cá, gắn bó với biển, với đảo, do kiếm kế sinh nhai mà giỏi tính đếm từng con nước, ngọn gió như nhà chiêm tinh học. Bởi thế đến nửa đêm tháng ba nào đó nhìn sao Thần Nông mà đoán chắc ngày mai đẹp trời, già thay mặt cả làng quyết định ngày mở hội đua thuyền.

    Đêm ấy, người già đến bên chiếc trống bọc da cá sấu treo đầu nhà nện “thùng, thùng, cắc, thùng”. Trống báo ngày hội đánh dồn dập và có tiếng “cắc” đệm nghe vui tai.

    Cả làng nghe tiếng trống trở nên bận rộn. Trai làng hò nhau dậy, kéo nhau ra mép nước xảm lại thuyền, trong khi các cô gái soi đuốc ra mé đảo hái hoa bồn bồn màu trắng về tết những vòng hoa làm phần thưởng cho cuộc thi vui ngày mai.

    Buổi đua thuyền bắt đầu từ lúc sáng sớm. Người làng dừng nghỉ mọi công việc, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, kéo nhau ra mép nước, theo dõi cuộc đua.

    Trống hội được đưa xuống thuyền. Người cầm chịch bận bộ quần áo có nẹp đỏ - quần áo trong ngày hội - cầm đùi trống gỗ mun, vung tay đập “thùng, cắc thùng” vào mặt trống một chập, rồi nói một câu khích lệ trai íàng:

    - Nào, đừng đứa nào sợ sóng, sợ gió...

    Trống vang tiếp ba hồi nữa, dồn dập, nhanh dần. Những anh còn trai đen cháy và vạm vỡ đứng hơi cúi về phía trước dỏng tai nghe trống, đợi dứt hồi thứ ba là lao thuyền ra khơi. Trẻ nhỏ cũng được vào cuộc đua. Mỗi thuyền có hai em ngồi đầu và ngồi cuối khoang, tay cầm gáo dừa để phòng nếu sóng láng nước vào thuyền thì múc ra, giúp cho người đua.

    Hồi trống thứ ba vừa dứt, còn ngân nga trên mặt sóng, người cả làng đã bật lên tiếng reo hò. Các anh con trai rướn người miết mải chèo xuống nước. Thuyền lao lên vun vút về đích phía trước, xa 5 ki-lô-mét.

    Ở đích, có chiếc thuyền chở những cô gái giữ những vòng hoa bồn bồn. Hoa sẽ được tặng cho anh con trai tới đích nhanh nhất. Người già ngồi trên chiếc thuyền làm đích này không giữ vòng hoa bồn bồn mà cầm sẵn những tấm bánh ngọt nấu bằng nước dừa, bột nếp với mật ong. Tất cả trẻ nhỏ đến đây đều được tặng bánh ngọt.

    Sau hội đua thuyền, người con trai thắng cuộc được làng phong làm tài công, chỉ huy thuyền đánh cá. Người chỉ huy trẻ tuổi này đủ đức tính và năng lực, được phép dẫn thuyền đi đánh cá ở những vùng biển xa. Các anh con trai khác chưa thắng trong cuộc đua đến kết bạn với tài công trẻ, nhận “họ”. Những người ra khơi đánh cá đã kết “họ”, ăn thề với nhau rồi thì mọi hiểm nghèo của biển không thể tách rời nhau được. Họ thương yêu nhau như anh em trong nhà, suốt đời lo toan, tận tụy vì nhau.

    Những ngày hội đua thuyền của làng chài thực sự không còn nữa từ khi kẻ địch biến đảo Thổ chu thành căn cứ quân sự. Tháng ba hàng năm vẫn có tiếng trống bọc da cá sấu nện vào chân đảo, nhưng đó không phải tiếng trống mở hội. Đó chỉ là tiếng nhắc nhở về một niềm vui kẻ thù đã xóa mất. Nghe tiếng trống mà căm uất giặc, nhớ hận thù...

    Sáng 25-5-1975, vừa sau khi đảo hoàn toàn giải phóng, tiếng trống hội bỗng vang lên náo nức. Người già đã kịp bọc lại mặt trống mới cho ngày mở hội ăn mừng chiến thắng. Sau bao đổi thay, làng chài lại trở lại tươi vui. Những gia đình đi chạy giặc vào các hốc đảo vắng bây giờ lục tục kéo về. Thanh niên thắng cuộc đua thuyền vào những năm trước vì giặc, bỏ nghề cá, đi du kích, đi bộ đội đánh giặc ở những miền xa như Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá... bây giờ cũng về thăm đảo. Và đông vui hơn là những người bạn mới của làng chài - những chiến sĩ đủ khắp miền đất nước vừa chiến đấu giải phóng đảo, bây giờ ở lại để giữ gìn và xây dựng cuộc sống mới giữa biển khơi này.

    Già Dực nói với đồng chí chỉ huy đơn vị bộ đội:

    - Hôm nay nhiều trai tài đua thuyền mừng đảo giải phóng. Già cũng xin đua thuyền với anh chỉ huy. Già đã nói với cả làng từ tối qua chuẩn bị rượu, xôi nếp để chiều nay đón bộ đội ăn mừng chiến thắng.

    Anh chỉ huy nhận lời, già Dực nắm hai bàn tay vạm vỡ như hai quả trùy, đấm lên mặt trống từng tiếng trầm và ấm.

    Biển buổi chiều nước xanh biếc, gợn những luồng sóng bạc đầu. Chim biển đi ăn xa kéo về từng đàn. Những cánh chim dũng cảm lao vun vút trên đầu những trai làng khỏe mạnh đang đưa thuyền ra khơi xa. Biển bao la mở ra trước mặt họ...

    ....

    Bản full sẽ được đăng thành ebook trong một ngày gần đây. :D
     
Moderators: rhea, thuannguyen1088

Chia sẻ trang này