Tập truyện Thần Tháp Rùa - Vũ Khắc Khoan

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi 4DHN, 5/10/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    cover.jpg

    Tập truyện Thần Tháp Rùa - Vũ Khắc Khoan


    Vũ Khắc Khoan
    Tập truyện Thần Tháp Rùa

    Nguồn: Tủ sách talawas

    Đây là tập truyện đoạt Giải Nhất Văn chương Toàn quốc 1959-1960 (VNCH) thể loại tiểu thuyết, đồng hạng với quyển Đò Dọc của Nhà văn Bình Nguyên Lộc vào năm 1961.


    Mục lục

    • Thần Tháp Rùa
    • Trương Chi
    • Nhập Thiên Thai
    • Người đẹp trong tranh


    Năm loạn đầu hậu bán thế kỷ hai mươi dương lịch, có người trẻ tuổi họ Đỗ bán ruộng bỏ vùng quê lên Kẻ Chợ trọ học.

    Đỗ vốn thuộc lớp trung nông, thường sống bằng lợi tức ít mẫu hương hỏa cha mẹ mất sớm để lại.

    Vì quen nếp sống thanh đạm, gia dĩ lại sống một mình nên ít lo sinh kế, hằng ngày thường hay đọc sách, da dẻ trắng trẻo xanh xao, mình gầy vóc hạc. Lại luôn luôn mục kích sự tàn bạo của đám phú nông mà tâm sự ủ ê lộ ra ở đôi mày hay nhíu, miệng có cười, cũng héo hắt không vui. Tính vốn ít nói, trong vốn giao du lại cố tình giữ trọn cái nghĩa nước nhạt của người nước Lỗ, cho nên lắm khi cả ngày không lên tiếng một câu, hàng tháng biếng bước chân ra khỏi cổng. Họa hoằn thao thao bất tuyệt, là lúc đối diện một người hiểu biết. Những lúc đó, Đỗ thường ngửa mặt lên trời mà than thời thế hoặc tác sắc đập bàn luận đàm quốc sự đến bỏ cả cơm. Tuổi đã lớn Đỗ vẫn sống một mình, không nghĩ tới việc vợ con. Con gái trong vùng có trêu ghẹo tỏ tình thì đỏ mặt ngoảnh đi. Người trong họ đôi khi gợi việc trăm năm mối lái, thì xốc áo, nghiêm nét mặt mà không tiếp chuyện.

    Lên đến Kẻ Chợ, Đỗ ngồi dạy học ở phường Hàng Bạc, tạm yên sinh kế để có thể tiếp tục học hành. Đất Kẻ Chợ, nhà cửa như bát úp, người đi lại ngoài đường đông hơn mắc cửi, Đỗ vẫn giữ nguyên tính cũ, ngày một buổi đến trường nghe giảng văn rồi về thẳng nhà, đóng cửa đọc sách lạ. Bạn cùng trường thấy lẻ loi, thỉnh thoảng rủ đi đánh cầu hay nhảy múa, Đỗ đều một mực từ chối. Nhưng trong câu chuyện, nếu có ai đả động đến thời cuộc, so sánh lý thuyết nọ với lý thuyết kia, là lập tức sám nắm bước vào thảo luận, nói hàng giờ không biết mỏi. Hoặc nêu thuyết nhà Phật mà bác bỏ định đề Cơ Đốc. Hoặc đề cao tư tưởng của văn sĩ Pascal mà đánh đổ lý luận vô thần. Hoặc chủ trương giai cấp đấu tranh mà công kích những mưu mô tư bản. Hoặc lập luận tự do cá nhân để chống đối độc tài đoàn thể. Có ai rụt rè nói đến giá trị nội tại của nghệ thuật ắt Đỗ phải lớn tiếng thích nghĩa nhân sinh. Nhưng nếu có người muốn hạ văn chương xuống ngang một "đồ thực dụng" thời Đỗ lại chép miệng thở dài nhắc đến quan niệm nghệ thuật của Kant.

    Giọng Đỗ trầm bổng như tiếng trúc tiếng tơ, khi mau khi chậm, khi thoảng nhẹ tựa cơn gió mùa hạ, khi thiết tha như tiếng đục trạm của người dũa ngọc. Bạn bè ai nghe cũng thấy thích tai, cho là lạ, phục Đỗ đọc rộng, biết nhiều.
    Tựu trung cũng chẳng hiểu Đỗ ra sao.

    Một hôm, có người hiếu kỳ, gần nửa đêm đập cửa nhà Đỗ, đòi chất vấn.
    Người post: vinhhoa (TVE)
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 26/6/16
    Van Nam, Le Quang Tuan, Cải and 7 others like this.
  2. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Thần tháp rùa của Vũ Khắc Khoan

    Hình như Vũ Khắc Khoan đã viết nhiều lắm. Nhưng tôi tưởng chỉ đọc một Thần tháp rùa cũng đủ hình dung được tác giả, đề thuyết của tác giả và nội dung… bức thư không niêm – cái message chẳng hạn – họ Vũ gửi cho thiên hạ. Nói cho đúng: cho một số người.

    Đây là bốn chuyện thần thoại – những chuyện thần thoại thông thường mỗi một người Việt Nam có trong trí nhớ. Nói một cách khác: chẳng có gì lạ cả! Nếu có lạ là ở chỗ khác kia! Bối cảnh, nhân vật, những trường hợp chủ quan và khách quan, những chuyện đâu đâu, những chuyện xa xưa, cũng vẫn vậy… Vẫn những mẩu chuyện mà những đêm dài có trăng hay không có trăng, người Việt Nam này kể cho người Việt Nam kia nghe để quên đi trong chốc lát cái đời sống tàn bạo nặng nề và phi lý! Duy chỉ có khí hậu tri thức là khác. Đối thoại mang một màu sắc, một vẻ khác. Còn một chỗ khác nữa: mỗi một nhân vật thần thoại không không gian và thời gian đều có chứa một mảnh tác giả. Khi thì tác giả gợi ra cái ấn tượng tác giả có mặt trong sách, khi thì tác giả lại làm con người mà Jean Paul Sartre gọi là thứ chủ quan ngoại cuộc (subjectivité hors situation), không sống cái sống của nhân vật, chỉ đứng ngoài nhìn mình và nhìn nhận nhân vật lưu động rồi cùng sống với họ: vì họ, bởi họ, do họ – do chính mình! Cũng nên thêm một điều khác nữa: tuy là bốn chuyện thần thoại khác nhau, nhưng toàn thể cũng có một thứ nhất trí: người đọc tìm trong cái toàn diện ấy ý muốn của tác giả. Đồng thời nội dung không rời rạc: người đọc có ấn tượng trí thức đối với người viết sách, một thứ ấn tượng người ta không thể nào có khi người ta đọc một vạn chuyện cổ tích, một vạn chuyện ngắn rời rạc khác nhau ở mọi phương diện. Liêu trai chí dị chứa biết bao nhiêu là chuyện, vậy mà người đọc vẫn có cái ấn tượng mình vừa ra khỏi một toàn diện nhất trí – đề thuyết là đề thuyết chung, khí hậu tri thức và tinh thần không đi một trăm ngả, nát, vụn vặt, loãng… Người đọc Bồ Tùng Linh thấy hẳn một bức chân dung họ Bồ vẽ bằng những nét vẽ phác… rất Á Đông, nhỏ và xinh, tinh vi đến chỗ màu sắc đi trong cõi trừu tượng…

    Thần tháp rùa có chỗ… khác bộ Liêu trai. Người ta thấy một Vũ Khắc Khoan toàn diện, nét mặt bàng hoàng như một anh chàng vừa mới lén lút làm một chuyện thiếu đạo đức cổ truyền: chàng đã cưỡng hiếp một số chuyện thần thoại Á Đông… Người thần thoại e lệ trốn mất vào bóng tối, còn lại họ Vũ kềnh càng ở đó, nghĩ đến chuyện thiếu những khai sinh cho một đứa con gọi là lý tưởng, chưa đặt tên rõ ràng… Thiên hạ nhìn họ Vũ như nhìn một nhân vật khó coi… nhưng họ Vũ tin ở mình, tin ở cử chỉ mình, bình tĩnh đi khai sinh cho lý tưởng của mình một đứa con có tới hai dòng… máu: một dòng uyên nguyên… và một dòng hiện sinh – tôi sẽ nói đến sau!

    Cứ một cái chuyện mượn chuyện thần thoại làm bối cảnh cho lý tưởng đến nói tiếng nói tâm tư của chính mình cũng đủ người ta hình dung được một mảnh tác giả họ Vũ rồi! Chàng cũng không dối được mình: đó là một chàng nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản sống giữa thế kỷ XX, và sống giữa một xã hội mà bao nhiêu giá trị đã nghiêng lệch… Chàng cũng như trăm nghìn văn nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản khác: trốn vào bản ngã, phủ nhận đời sống (négation de la vie), ly dị với hiện tại và đi trốn… Trong những trường hợp này, kẻ thì tạo ra văn nghệ siêu tả chân để tìm một lối thoát, kẻ thì thể hiện tình cảm lên tranh trừu tượng để vạch giữa đời sống với mình một thứ biên giới… kẻ thì chửi đổng… kẻ thì tìm nàng phù dung làm nơi ẩn dật… Một thứ cách mạng (révolutionnarisme) của những thứ người bất mãn… không thích nghi với cái thứ đời sống này và có tham vọng tạo một thứ xã hội khác… Vũ Khắc Khoan cũng như thứ anh, thứ tôi, cũng như mọi người… cũng ẩn trốn vào thần thoại… Có khác một chút là ở Vũ Khắc Khoan, một mảnh người đi trốn, một mảnh người bám lấy giữa thế kỷ XX để nói chuyện lý tưởng… thành ra họ Vũ như một người lấp ló trên một thứ biên giới chia hai cõi bản sắc của con người…

    Nửa người kia của Vũ Khắc Khoan nói một chuyện. Chuyện gì? Khoan nói chuyện về nguyên lý của vũ trụ. "Trời đất phân phân hóa hóa, cái lẽ âm dương tương sinh tương khắc ở đây mà ra. Con người cũng như vạn vật cũng đều phải theo cái lẽ đó mà sinh sôi nảy nở… Con người lại nuôi cái yêu mến trở về nguồn. Nói như vậy không biết đạt được ý không?". Trên đó mấy dòng, họ Vũ đã nói: "… xin cho nương nhờ cái khí tự nhiên nơi đây để hướng về đạo lớn".

    Ấy thế mà lát nữa trong cái trò ú tim giữa tác giả và đời sống, ta lại thấy tác giả muốn làm người hiện sinh! Có lẽ Vũ quên rằng tự mình đương xung đột với mình rồi…! Người hiện sinh không chủ trương có thứ nguồn tuyệt đối hay thứ đạo siêu hình hay đạo lớn nào và cho rằng con người là tổng thể tác động của họ trong đời sống.

    Rồi tác giả nói về nhân sinh quan và đồng thời nói chuyện chân lý. Họ Vũ nhớ man mác chàng Phi Lạc sang Tàu… và nói: "Mã Khắc Tư cầm bút mà thiên hạ phân đôi. Một đàng tư bản đè xuống. Một đàng vô sản vùng lên. Tấn tuồng Hán Sở tranh hùng thuở xưa lại diễn. Chúng ta thật đã sa vào cái thế trên đe dưới búa…". Và họ Vũ cho rằng giữa xã hội hiện thời, con người "thường hay võ đoán, phân biệt giàu nghèo, quần tam tụ ngũ, nêu cao danh nghĩa mà lợi dụng lẫn nhau… Đến lúc đó, dứt áo ra đi là chuyện khó, còn buông xuôi ở lại thì dầu đứng về phía nào cũng sẽ mất cả bản chất con người…". Trong khi đó thì con người trí thức tiểu tư sản hối hận rằng mình đã "trút nốt cái phần nhân tính để lại ven đường, lẽo đẽo… trở nên một con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình".

    Vì vậy, tác giả Thần tháp rùa cho rằng "khôn cũng chết, dại cũng chết. Vậy biết để sống", và đã lờ mờ muốn làm Tăng Điểm cuối mùa Xuân may áo mùa Xuân, rồi cùng với năm sáu người trạc độ hai mươi, cùng sáu bảy đứa trẻ, rủ nhau đi tắm sông Nghi, hóng gió nền Vũ vu rồi hát mà về… Lúc đó là họ Vũ thấy "chân lý ở đời không đơn giản như bụng dạ trẻ con… và chân lý vẫn chập chờn như đom đóp lập lòe giữa bãi tha ma". Vũ cảm thấy bắt đầu "thấy ngấy chữ nghĩa văn chương".

    Họ Vũ thấy ngấy chữ nghĩa cổ nhân và bắt đầu đốt sách… và ly dị với quá khứ? Trong sự ly dị quá khứ, lẽ tự nhiên là họ Vũ phải trải qua một cơn khủng hoảng. Sau khi ra khỏi những giờ phút băn khoăn về thế cuộc, "xót xa như bị lột xác, rợn người như thoáng bóng ma, nhiêu khê ê chề như bị lăng trì…" Vũ nghe tiếng gọi mơ hồ của Jean Paul Satre và lựa chọn: một thứ lựa chọn… đau xót…

    Sau khi nghe tiếng gọi lờ mờ của con người hiện sinh, tác giả lựa chọn rồi lại theo tiếng gọi của Andre Malraux, chọn nghệ thuật làm nơi ngoại hiện cá nhân. Tú Uyên đã bỏ đi từ lâu (trong truyện Người đẹp trong tranh) nhưng họ Phan (Phan Đình Phùng) "rất quý bức tranh tố nữ, luôn luôn treo ở phòng làm việc, không lúc nào rời; thường lúc rỗi, hay ngồi đối diện bức tranh mà thổi ống tiêu – những lúc đó, tâm sự u uất lộ ra cả âm thanh…". Có lẽ người ngày nay là tác giả đã dùng cổ nhân làm tượng trưng nói giùm cái ý chí của mình – riêng đối với mình, với cá nhân mình? Đồng thời tác giả Thần tháp rùa còn lựa chọn một thái độ đối với xã hội: thuyết quân bình. Thuyết quân bình: sản phẩm của một sự tính toán. "Phải xuống núi". "Nhận trách nhiệm. Mưu đại sự". "Vươn về đạo lớn’ và đồng thời sống toàn diện.

    Từ đây con người có tham vọng đã ly khai với quá khứ, đốt đi một mớ sách… đã lựa chọn, đã tìm được lý tưởng cho tự cá nhân mình và cho xã hội. Lý tưởng có đúng không? Đó là vấn đề riêng của tác giả Thần tháp rùa. Ở đây, người đọc sách chỉ nhìn toàn diện một sản phẩm văn nghệ, đặt một vài vấn đề văn nghệ…

    Vũ Khắc Khoan muốn trở về nguồn, về đạo lớn hay muốn làm người hiện sinh để lựa chọn? Hãy ví dụ như họ Vũ muốn làm – hay đương làm – người hiện sinh thì một ngày kia chỉ sợ Vũ sẽ thấy đời sống chỉ là một ngọn núi cao, chỗ cho anh chàng Sisyphe lăn một cục đá lớn… lên và xuống, rồi lại lên… Một thứ đam mê vô ích… (L’homme est une passion inutile) của những người hiện sinh muốn lịch sử có cứu cánh và ý nghĩa (Et le problème n’est pas de connaitre sa fin mais de lui en donner une. Jean Paul Satre. Lettre à Camus) nhưng chưa rõ bản sắc cứu cánh ấy ra sao… Một thứ đam mê có lẽ vô ích… riêng cho cái số người trí thức tiểu tư sản chẳng hạn… cái số người tượng trưng cho ý thức sáng suốt của thời đại, tạo ra và hưởng ứng những phong trào xã hội, gánh lấy trách nhiệm để rồi khi hết những cơn gió phũ phàng… cứ thấy như là mình vẫn là người ngoại cuộc, sẵn sàng nuôi trong tâm hồn những mặc cảm phạm tội (complexe de culpablité) mà không biết tội gì, sẵn sàng đón những tĩnh từ nghiêm khắc… Biết là đam mê vô ích mà vẫn đam mê… một cách phi lý!

    Ô Sisyphe!

    Để chấm dứt bài này, xin nói một vài lời về kỹ thuật tiểu thuyết của họ Vũ.

    Tác giả đã viết Thần tháp rùa một cách ngộ nghĩnh lắm: đây là sự hỗn hợp những mảnh ảnh hưởng của Bồ Tùng Linh lờ mờ giữa hư và thực; của Nguyễn Tuân chán chường, chán chê và tha thiết đượm một thứ hương vị khinh bạc kín đáo; và của… cả những chàng Phi Lạc thấy cá nhân tiểu tư sản trí thức chẳng hạn hãm giữa những thế lực, đang bị dồn. Thêm vào đó ít nhiều màu sắc lợt lạt của Poe và một mảnh huyền bí của Hoffmann… Người đọc không biết giữa nhân vật và người kể chuyện, biên giới ở chỗ nào, giữa thực và hư, có và không, tỉnh và mộng, đường chân trời dài bao nhiêu!

    Một đôi khi, tác giả muốn độc giả hòa mình với những nhân vật – để cho độc giả có ấn tượng rằng những chuyện thần thoại đã hết là… thần thoại, và tác giả, độc giả và nhân vật cùng sống một không gian và thời gian. Có lúc người có thực và người trong mộng, người xưa và người nay, đồng bào cõi Tiên cõi Phật và người xương thịt ở cõi trần, tác giả và độc giả cùng hòa ý thức – và họ Vũ thể hiện được sự đa phương (pluridimensionnalité) của sự kiện trong tiểu thuyết – tức là trong đời sống… Ấy là chưa nói rằng Vũ Khắc Khoan là một con người táo bạo: một nhà tư tưởng thường hay tư tưởng lại lịch sử (repenser l’histoire) thì một nhà văn nghệ cũng có thể tư tưởng lại những chuyện thần thoại – để thêm ống kính phụ vào ống kính chính của máy caméra: thực tại trừu tượng nổi bật lên như mây trên nền trời… và toàn diện hiện ra trước thị giác và thính giác như một thứ đa hưởng tiểu thuyết (polyphonie romanesque) – sự kiện liên tiếp xảy ra và đồng thời tạo ra một dây liên tục ý thức trong tâm hồn nhân vật, tác giả và độc giả… Đó cũng là chỗ thành công về kỹ thuật – một khía cạnh sáng tạo mới… của tác giả.

    1959
    Tam Ích
    Ý văn 1
    Nguồn:talawas
     
    Chỉnh sửa cuối: 26/6/16
    Cải and nguyễn khoa nam like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này