Tình Ảo - Từ Triệu Thọ

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi Chava, 5/3/14.

  1. Chava

    Chava Mầm non

    Tinh-ao.jpg

    Tác giả: Từ Triệu Thọ
    Ngôn ngữ: Tiếng Việt
    Lĩnh vực: Văn học nước ngoài
    Dịch giả: Đào Bạch Liên
    Năm xuất bản: 2007
    Đơn vị xuất bản: Văn học
    Giá sách: 60.000 VND

    Giới thiệu
    "Một cuộc tình tay ba thật mà ảo, ảo mà thật. Ảo - bởi cái thời Internet, mạng hóa toàn cầu. Ảo - bởi chính những mộng tưởng của con người. Thật - bởi nỏ hiện tồn trong cuộc sống thực và gây nên những nỗi đau rất thật. Đó chính là nỗi trăn trở, dằn vặt của các nhân vật chính trong Tình ảo Bi kịch chính là ở chỗ, họ luôn đem phân chia đối lập: ảo và thực, tình yêu và tình dục, hạnh phúc và khổ đau, lý trí và cảm xúc..."

    Cái tên “Tình ảo” có thể khiến người đọc đón đợi một câu chuyện mang màu sắc hoang đường? Nhưng như chính tác giả từng nói, trong cuộc sống này, ranh giới giữa ảo và thực thật khó phân định.

    Biết bao nhiêu điều không thể xác quyết là ảo hay thực. Ảo mà thực đấy. Thực mà ảo vậy. Cũng giống như câu chuyện mà nhân vật Dương Thụ kể, mối tình của họ thì ảo, nhưng nỗi thương nhớ, khao khát, những dày vò, suy tư trăn trở lại rất thực. Cuộc sống của Dương Thụ cũng vì tình yêu này mà sóng gió. Hóa ra, chung cục, Tình ảo không đi ngoài quỹ đạo của một câu chuyện chân thực, điều mà tác giả luôn tâm niệm khi sáng tạo.

    Trải dài câu truyện là cuộc đấu tranh nội tâm đầy giằng xé trong tâm tư Dương Thụ. Bên cạnh anh là người vợ xinh đẹp, tuyệt vời Trình Kỳ, người mà anh từng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ. Trong cuộc sống thực, vợ anh đã cùng anh gánh vác bao nhiêu khó khăn, sát cánh bên anh khi khó khăn hoạn nạn. Tuy nhiên, môt phần do con trai anh trí não phát triển không bình thường, hậu quả của quá trình sinh đẻ, vợ anh dành hết sự quan tâm cho con, một phần vì nhận thức không đúng đắn về vấn đề tình dục, nên Trình Kỳ từ chối quan hệ vợ chồng. Khoảng cách giữa anh và vợ càng ngày càng lớn, có những lúc tưởng chừng như chẳng thể vượt qua. Biết bao nhiêu rạn nứt, những hiểu lầm khuấy động cuộc sống không ít sóng gió của họ. Khác với vợ anh, Minh Lệ, người bạn học cũ, người tình trong mộng thủa xa xưa của anh lại gần gũi, chia sẻ với anh mọi điều trong cuộc sống. Minh Lệ đánh thức trong anh những giấc mơ thực sự, khơi dậy khao khát khẳng định trong anh. Minh Lệ sẵn sàng bỏ ra cả khoản tiền khổng lồ để giúp Dương Thụ chữa bệnh cho con. Dù mọi liên lạc của họ chỉ là qua điện thoại, qua mạng Internet, nhưng thực sự, Minh Lệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời anh. Hai người đàn bà, người nào cũng là một ý nghĩa không thể phủ định. Người nào Dương Thụ cũng thực sự yêu thương. Cuộc đấu tranh nội tâm vì vậy rất nhiều giằng xé, đau khổ. Liệu có thể phụ bạc một người vợ hết lòng vì gia đình như Trình Kỳ? Liệu có thể chối từ tình yêu không toan tính, một sự thấu hiểu đến tận cùng tâm hồn như Minh Lệ? Khép của truyện là một kết cục đầy bi kịch. Người đàn bà trong mộng chết vì căn bệnh ung thư. Gia đình Dương Thụ tan vỡ. Dương Thụ chạy trốn tới một miền xa xôi trong cảm giác hối hận và tuyệt vọng. Câu chuyện thật buồn, nhưng qua những tự sự chân thực của nhân vật, truyện nhắc nhở chúng ta một điều thật giản dị, hãy biết trân trọng hạnh phúc thực của đời thường. Nó lắng sâu một triết lí về tình yêu: Tình yêu thực sự là sự hài hòa của thể xác và tâm hồn. Chỉ có yêu thương, chia sẻ, chỉ có sự thấu hiểu và đồng điệu đến tận cùng mới là sợi dây kết nối thực sự của gia đình.

    Hình thức tự truyện, hay nhật ký, vốn là hình thức kể quen thuộc trong các sáng tác của Từ Triệu Thọ. Hình như, tác giả thực sự hứng thú với kiểu kết cấu truyện lồng truyện? Rõ ràng, kiểu kết cấu phổ biến đó không hề là một chọn lựa ngẫu nhiên. Xây dựng thế giới hư cấu bằng ngôn ngữ bình dị, đời thường, với giọng kể tự nhiên của lời tâm sự, tác giả vừa rút ngắn khoảng cách giữa người kể và người đọc, vừa tạo cảm giác chân thực cho tác phẩm. Đặt nhân vật của mình, đối diện với những ngày tháng đã qua, không hề né tránh những sai lầm, những tội lỗi, những mặc cảm… dù đau đớn và nhức buốt, để vượt lên trên chính bản thân và hoàn thiện, khiến cho tác phẩm nào của tác giả họ Từ cũng như một sám hối. Mỗi cảnh huống đặc biệt của đời sống được hư cấu trong tác phẩm lại khiến người ta phải suy nghĩ về ý nghĩa của tồn tại.

    Có vẻ như, hành trình kiếm tìm ý nghĩa của cuộc sống vẫn tiếp tục và không hề có tín hiệu dừng…?


    Về tác giả
    Từ Triệu Thọ sinh năm 1968, thuộc một trong những người theo chủ nghĩa lý tưởng. Vào đại học, chàng sinh viên họ Từ bắt đầu thấm nhiễm tinh thần ưu tư cuối thế kỷ cũ. Những năm 1990, Từ làm vận động văn học và vận động tư tưởng ở Tây Bắc, bị gọi là "tên điên, kẻ khùng, kẻ khoác lác". Giữa và cuối những năm 90, họ Từ lui về ở ẩn, ít qua lại với người khác. Nổi tiếng trên mạng bắt đầu từ tác phẩm Nhật ký phi thường, từ sau đó, họ Từ liên tục dấn thân vào con đường văn chương, với một loạt các tác phẩm, thu hút được rất nhiều sự chú ý của người Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ thanh niên đương đại. Độc giả Việt Nam đã biết đến một chân dung thế hệ 8x mới qua Sinh năm 1980 của Từ Triệu Thọ với những hình ảnh tiêu biểu mà ở đó, Hồ Tử Kiệt được coi là một “Giả Bảo Ngọc đương thời”. Tác phẩm của Từ Triệu Thọ là tấm gương phản ánh chân thực những trăn trở của thế hệ trẻ mới bước vào cuộc sống. Bên cạnh nỗ lực thể hiện đời sống đầy những lo toan bộn bề công việc và con đường phía trước của người cùng thế hệ, trang viết của anh còn là thao thức không ngừng về tình yêu, lẽ sống, về những lí do khiến con người tha thiết tồn tại trên cõi đời.
     

    Các file đính kèm:

    quan286, vinaguy, page13 and 3 others like this.

Chia sẻ trang này