Lãng mạn Tình sử Cléopâtre - Carlo Maria Franzero

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học nước ngoài' bắt đầu bởi nguyenthanh-cuibap, 7/1/18.

  1. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    Tình sử Cléopâtre.
    Tác giả: Carlo Maria Franzero
    Dịch thuật: Vũ Hùng
    Xuất bản: KHAI HÓA - 1974

    [​IMG]
    [​IMG]
    CLÉOPÂTRE
    MỘT BÍ MẬT CỦA LỊCH SỬ:
    NGUỒN CẢM HỨNG MUÔN ĐỜI CỦA VĂN GIA, NHẠC SĨ, THI NHÂN VÀ CÁC NHÀ LÀM ĐIỆN ẢNH

    Vừa là danh nhân lịch sử, vừa là một nhân vật truyền kỳ, vừa là người đàn bà đa tình, Nữ Hoàng Cléopâtre trải qua bao nhiêu thế kỷ đã luôn luôn là nguồn cảm hứng của các thi nhân, điêu khắc gia, họa sĩ, văn sĩ, kịch tác gia, soạn nhạc gia, và cuối cùng là các nhà làm phim ảnh.
    Đối với những giới kể trên, Cléopâtre hoặc được coi là một người đa tình đa cảm, điển hình của yêu đương, sẵn sàng chịu chết dưới mũi tên của tình yêu... Hoặc được coi như một bộ mặt chính trị có nhiều tham vọng, biết lợi dụng nhan sắc như một vũ khí lợi hại để điều động hạm đội, quân đội hay các nhà ngoại giao của nàng một cách tài tình... Hoặc được coi như một nạn nhân của đam mê, một người đàn bà yếu đuối không thể đối đầu và chế ngự những biến chuyển chính trị trong hoàn cảnh lịch sử sôi động của thời đại nàng sống, một trong những thời đại sôi nổi nhất.
    Có thể nàng là tất cả, mỗi thứ một chút, Cléopâtre là một khuôn mặt phức tạp, một bí mật của lịch sử.
    Với cái chết đầy bí ẩn của nàng, ngay từ thời cổ Cléopâtre đã đi vào huyền sử.
    Nếu Plutarque đã có đủ khả năng để nhìn thấy bên cạnh những chỗ yếu của người đàn bà còn có những nét duyên dáng cùng sự can đảm và thông minh của một nữ hoàng tài ba, thì nhiều bình luận gia khác như Suetone, Flavius Hoseph, Cicéron... đã lại coi nàng như một kẻ thù của La Mã, một nhân vật chính trị đầy nhân tính nhưng nguy hiểm.
    Phải chờ tới cuối thời trung cổ và khi có phong trào quay về với thời cổ, các sử gia Âu Tây mới bắt đầu phán xét con người Cléopâtre một cách tương đối vô tư, đôi khi có thêm sự thán phục. Chính vào lúc ấy, các văn gia nghệ sĩ mới thay chân các sử gia lạnh lùng, để thi vị hóa khuôn mặt Cléopâtre xuyên qua các tác phẩm của họ.
    Năm 1592, Cléopâtre đã được đưa lên sân khấu lần đầu tiên trong một vở kịch của thi sĩ kiêm dịch tác gia Pháp Etienne Jodelle nhan đề "Cléopâtre Enchainée" (Nàng Cléopâtre Bị Xiềng). Tuồng này của Jodelle được coi như tác phẩm đầu tiên của loại bi kịch cổ điển Pháp. Chẳng bao lâu, nhân vật Cléopâtre đã vượt qua biển Manche từ nước Pháp sang nước Anh, xuất hiện trong kịch phẩm của Samuel Deniel lấy cảm hứng từ một tác phẩm của kịch tác gia cổ La Mã: Sénèque. Đặc biệt hơn nữa, cuộc đời của Cléopâtre đã là đề tài cho vở kịch "Antony and Cleopatra" (1610), một trong những tuyệt phẩm của đại văn hào Anh William Shakespeare.
    Trong vở "Antony and Cleopatra", Shakespeare đã trình bày Nữ Hoàng Cléopâtre như một người đàn bà tuy không còn trẻ lắm, nhưng vẫn giữ được vẻ hấp dẫn của phái nữ, trong khi tại Pháp vài năm sau đó, trong vở kịch nhan đề "La Mort de Pompée" (Cái Chết của Tướng Pompée), văn hào Pierre Corneille đã trình bày một nàng Cléopâtre mới lớn còn đang là một công chúa chứ chưa là một nữ hoàng. Các nhân vật nữ trong những vở kịch sau này của Corneille đều có phảng phất tính chất của nàng công chúa trẻ tuổi đó.
    Cũng trong khoảng thời gian đó triết gia Pascal của nước Pháp đã tuyên bố một câu nói trở thành bất hủ: "Nếu Cléopâtre có chiếc mũi ngắn hơn, bộ mặt thế giới có lẽ đã đổi khác!"
    Đồng thời tại Tây Ban Nha, nhà văn Rojas cho xuất bản một tác phẩm nhan đề "Los Aspides del Cleopatra" (Con Rắn Lục của Cléopâtre), và nhà văn Gauthier de la Calprenède cũng cho xuất bản một bộ tiểu thuyết loại võ hiệp kỳ tình gồm 12 cuốn trong đó trình bày những thời kỳ chính của cuộc đời Cléopâtre.
    Tiếp đến nước Đức cũng nói đến nàng trong một vờ kịch của Lohenstein, được viết vào khoảng năm 1650.
    Đúng một thế kỷ sau, nhân vật Cléopâtre lại xuất hiện tại Pháp trong một vở bi kịch của Marmontel. Cũng trong thời kỳ ấy tại nước Ý, Cléopâtre đã hoàn toàn thành công trong một vở kịch thơ năm hồi của Alfieri. Người ta cũng không thể không kể tới vở kịch "Mort de Cléopâtre" (Cái Chết của Cléopâtre) của Chapelle, được viết vào năm 1680, đã được khán giả thời đó tán thưởng nhiệt liệt.
    Đến khi văn trào Lãng Mạn xuất hiện thì cái hình ảnh của bà hoàng Ai Cập nhỏ nhắn ấy lại tỏa ra một hào quang mới. Nhân vật Cléopâtre đã được trình bày một cách thái quá theo thể cách của loại bi lạc kịch (mélodrame). Trong tất cả những tác phẩm về Cléopâtre của thời kỳ văn trào Lãng Mạn đầy vẻ thác loạn ấy, ngoài cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Théophile Gautier nhan đề "La Nuit de Cléopâtre" (Cái Đêm của Cléopâtre), ta phải kể tới hai vở kịch: một của Soumet, và một của Madame de Girardin. Sau đó lại xuất hiện một kịch bản của thi sĩ Catulle Mendès.
    Cũng khoảng thời gian đó tại tỉnh Turin bên Ý, Pietro Cossa đã cho trình diễn vở "Cléopâtre" gồm sáu hồi có kèm theo sáu phụ tấu khúc (intermèdes musicaux) của nhà soạn nhạc Luigi Mancinelli. Đây không phải là lần đầu tiên một nhạc sĩ lấy càm hứng từ đề tài Cléopâtre, trước đó khá lâu, từ 1691 nhà soạn nhạc Đức Kusser đã viết một đại nhạc kịch nhan đề "Cléopâtre", và tiếp theo đã có nhiều đại nhạc kịch khác xuất hiện với cùng đề tài, như của Graun (1742), của Pascale Alfonsi, Cimarosa (1780), của Weigl, Paer, Berlioz (1835), của Victor Massé, Friedrich Thzun, Camille Benoit, Glière, Pedrell và sau hết là của Massenet.
    Sang đầu thế kỷ thứ hai mươi, vào năm 1901 người ta thấy xuất hiện một tác phẩm của kịch tác gia Anh George Bernard Shaw nhan đề "Caesar and Cleopatra", lần đầu tiên đề tài này được viết bằng giọng trào phúng. Rồi tới một bi kịch u thảm của tác giả người Lỗ Nicolas Iorga, và một đại nhạc kịch của tác giả người Hoa Kỳ Henry Hadley. Tác phẩm sau được trình diễn trên sân khấu Nữu Ước năm 1920.
    Cũng trong thế kỷ thứ hai mươi này, một loại nghệ thuật mới tức là điện ảnh xuất hiện, trong lãnh vực này Cléopâtre đã là một nhân vật được các nhà làm điện ảnh đặc biệt chú ý tới. Năm 1906 hãng Pathé ở Pháp đã thực hiện một phim về Cléopâtre. Năm 1912 một cuốn phim khác của Mỹ cũng lấy đề tài Cléopâtre. Ít lâu sau phim Ý củng xuất hiện với đề tài này. Năm 1916 tại Hollywood (Mỹ) lại xuất hiện một phim mới về Cléopâtre, có phảng phất dáng dấp của một siêu phẩm điện ảnh.
    Đó là thời kỳ phim câm. Sang đến thời kỳ phim nói, đề tài này đã được tận dụng triệt để. Trước hết phải kể tới hai cuốn phim vĩ đại: một của Cécil B. de Mille (1933) và một của Gabriel Pascal (1945), phỏng theo tác phẩm của G.B. Shaw.
    Gần đây năm 1960, đạo diễn Joseph L. Mankiewicz thực hiện một phim vĩ đại về cuộc đời, những mối tình, cùng những trận chiến đấu và cái chết của Cléopâtre căn cứ trên tài liệu lịch sử và trên tác phẩm của C.M. Franzero. Phim này do các tài từ Elizabeth Taylor, Rex Harrison và Richard Burton thủ vai chính.
    Cléopâtre quả là một bí ẩn của lịch sử mà muôn đời còn là nguồn cảm hứng của các nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ...

    [​IMG]
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 16/8/21
    amorphous, victra, quan286 and 20 others like this.

Chia sẻ trang này