Truyện Ngắn - Sơn Nam

Thảo luận trong 'Tủ sách Văn học trong nước' bắt đầu bởi 4DHN, 4/10/13.

Moderators: Bọ Cạp
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    [TABLE="class: tborder, width: 100%, align: center"]

    [TD="class: thead, bgcolor: #3A758E"][​IMG] 06-12-2008, 10:18 PM[/TD]
    [TD="class: thead, bgcolor: #3A758E, align: right"] #Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link[/TD]

    [TD="class: alt2, width: 175, bgcolor: #F4F2ED"]Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Banned

    Tham gia ngày: Nov 2008
    Bài gởi: 162
    Xin cảm ơn: 70
    Được cảm ơn 621 lần trong 162 bài


    [/TD]
    [TD="class: alt1, bgcolor: #F8F7F4"][​IMG]Truyện Ngắn - Sơn Nam
    [HR][/HR]Trong Thư viện Ebook có mở riêng một chuyên mục riêng cho nhà văn Sơn Nam với nhiều bài viết của những bạn bè quen thuộc với nhà văn trong các giới văn, nghệ sĩ cùng thời.

    Tôi sưu tầm được một số bài viết do chính nhà văn Sơn Nam kể, viết lại thành những câu chuyện ngắn về những nét nhân văn, phong tục, tập quán của một vài nơi chốn mà tác giả có dịp ghé đến tham quan, tìm hiểu.

    Những bài viết này được các thành viên trong trang: suutap.com đánh máy và đưa vào. Tôi lấy xuống, đọc lại và sửa vài lỗi chánh tả, rồi đăng vào trong này để giới thiệu cùng bạn đọc.

    Chân thành cám ơn ban Biên Tập trang: suutap.com và các thành viên.

    ----------------------

    Hóc Môn Xưa và Nay
    Sơn Nam

    Hóc Môn xưa từng có 18 thôn "vườn" trầu chuyên cung cấp cho cả Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ khi mở nước, đây là vị trí chiến lược quan trọng, nối vùng Sài Gòn - Chợ Lớn lên Tây Ninh. Đời các chúa Nguyễn, con số 18 đã xuất hiện, tôi hiểu đây là con số mà ta đặt ra để ca ngợi về phong thủy. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi chép, dịch lại như sau:

    "Khi trước, có 18 thôn canh giữ, dân cư trù mật, tạo nên một điểm mua bán lớn ở miền núi (hiểu là vùng cao ráo). Dân nơi đây đều có sản nghiệp, lập nhiều vườn trầu, thường gánh trầu đi bộ một tốp đến ba bốn mươi người xuống bán ở chợ lớn Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay) và chợ Bến Nghé. Chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người, cho nên có câu "dữ như cọp vườn trầu".

    Đã thấy rõ rệt sự giao lưu về mua bán, từ Hóc Môn - Bà Điểm xuống Chợ Lớn và Sài Gòn ngày nay. Mỗi ngày bạn hàng đi bộ mỗi chuyến hơn 20 km, rồi lại trở về, sản lượng trầu quả là to lớn. Thuở ấy, đàn ông, đàn bà, giới trẻ cũng ăn trầu, gặp nhau là mời trầu. Hẳn là trầu đưa xuống Chợ Lớn theo con đường truyền thống mà khi Pháp đến đã đặt tên là Thuận Kiều, từ Thuận Kiều xuống vị trí ngày nay còn giữ tên đất là Chợ Rẫy (Bệnh viện Chợ Rẫy). Hàng bông và cả trầu cau gom về đấy, nền của bệnh viện ngày xưa đâu phải là nơi trồng rau cải, mà là trung tâm phân phối, kiểu chợ đầu cầu.

    Vùng Hóc Môn thành hình rất sớm ở hình thể cao ráo, có giếng để tưới trầu. Trầu là mặt hàng có giá hơn rau cải, người tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy xa Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng người dân nhờ giao lưu hằng ngày để tìm kế sinh nhai, nên Hóc Môn sớm được đô thị hóa. Phong cách của người trồng trầu cũng như của bạn hàng phải lanh lẹ, nắm bắt thông tin về giá cả thị trường từng ngày. Dân ở đất xưa mặc nhiên giữ văn hóa truyền thống.

    Nhưng nếu chỉ có đức tính siêng năng, cần cù để trồng trầu, thì Hóc Môn chẳng có gì đặc biệt lắm, so với Nam Bộ và cả nước. Từ một phần tư thế kỷ trước, Pháp đã cai trị vùng Hóc Môn, gần Sài Gòn, bộ máy cai trị khá chặt chẽ. ấy thế mà dân Hóc Môn lại khởi nghĩa, giành thắng lợi vẻ vang trong bước đầu, với vũ khí thô sơ. Phủ Ca (Trần Tử Ca) gốc là xã trưởng làng Hạnh Thông, Gò Vấp, buổi đầu giữ thái độ tốt, nhưng khi Pháp hạ thành Chí Hòa thì tích cực theo giặc làm cai tổng rồi lên chức phủ, cai quản huyện Bình Long, đóng tại Hóc Môn. Ông ta thích sử dụng những dụng cụ đo đạc của Pháp tặng, bèn phóng đường, cho quy hoạch, mở mang Chợ Cầu. Vợ ông ta chủ trương mua độc quyền dây đậu phộng (lạc) để bán lại cho giới đánh xe ngựa. Pháp đã bày ra nuôi ngựa đua ở Sài Gòn, dây đậu phộng là thức ăn tốt cho ngựa. Dân chúng bất bình, hắn buộc tội, vu khống, tra tấn để tống tiền. Phan Công Hớn là người của Hội Kín, tự phong quản cơ, tổ chức khởi nghĩa, cho quân nghĩa tập trung từ Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Củ Chi, Chợ Cầu kéo đến để giữ bí mật. Vợ chồng Phủ Ca bị giết tại trận. Dinh quận cháy rực trời. Nhưng hôm sau giặc từ Gia Định kéo đến, đàn áp dã man. Quản Hớn và ông Quá được giặc xem như là "chính phạm", tòa xử tại Bình Hòa (Bà Chiểu) với 14 bản án tử hình, 16 người bị xử tù khổ sai. Dư luận xôn xao lên án Pháp quá tàn ác. Tổng thống Pháp đành nhượng bộ, chỉ xử tử hình 2 người, bao nhiêu người còn lại chịu án khổ sai chung thân. Để khủng bố đồng bào, giặc cho thi hành án xử tử ông Quản Hớn và ông Quá tại chợ Hóc Môn vào 7 giờ sáng ngày 30-3-1886. Sau đó, mấy người con của Phủ Ca đòi bồi thường thêm, vì vậy, dân Hóc Môn và hương chức làng phải nộp bồi thường. Số làng bị phạt là 18.

    Sau phong trào tạm gọi là "Cần Vương" này, đến đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân dấy lên trong cả nước, Hóc Môn lại gây được phong trào, ngay tại Sài Gòn. Chí sĩ Nguyễn An Khương lập Chiêu Nam Lầu, thử kinh doanh ngành khách sạn, tại đường Nguyễn Huệ ngày nay, bên trong vẫn là tạo liên lạc, làm tiền trạm cho các chiến sĩ Đông Du, qua Nhật Bản. Vốn học về quân sự, kinh tế, Nguyễn An Khương viết báo, là người đầu tiên dịch truyện Tam quốc từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Con trai của ông là Nguyễn An Ninh du học Pháp, đỗ đạt, trở về không chịu làm quan mà hoạt động chính trị, văn hóa, ra báo chữ Pháp, diễn thuyết kêu gọi lòng ái quốc, chống thực dân ngay tại trung tâm Sài Gòn...

    Tuy là huyện ngoại thành, người dân Hóc Môn ngày nay sống sung túc. Đường đi Sài Gòn, Chợ Lớn khá tốt, vẫn còn sử dụng xe thổ mộ, còn lò chuyên rèn móng ngựa. Nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam không thể bỏ qua địa bàn Hóc Môn, theo tôi, đây là khu vực cổ của miền Đông. Văn hóa phải bộc lộ sức sống và nét linh động. Câu lạc bộ cổ nhạc tài tử của Hóc Môn đã trở nên vui tươi, nền nếp, là một thành tựu đáng cho các quận huyện khác cùng thi đua.

    Văn Hóa Ở Chùa
    Sơn Nam

    Theo dõi việc khẩn hoang ở Nam bộ, tôi thấy hồi xưa trong đám lưu dân có nhiều Phật tử, nhà Sư. Các vị này chắc không làu kinh điển nhưng đã xung phong đến nơi khó định cư trên núi đồi đầy chướng khí(núi Bà Đen, Thị Vải hoặc vùng Thất Sơn). Hoặc đến các nơi đầy sốt rét, cọp, sấu vùng đồng bằng, lắm khi đất quá phèn mặn. Các vị này biết võ thuật (võ Bình Định) để đánh cọp, sấu, đuổi trộm cướp, lại biết chút ít về thuốc dân tộc. Nhà sư làm phận sự tụng niệm cầu siêu cho người chết ở xa quê xứ, lắm khi chết mất xác. Người khẩn hoảng thời trước rất sợ ma quỉ, nơi hẻo lánh. Hể có chùa Phật, ma quỉ phải lánh xa vì sớm chiều ở chùa có tụng kinh "công phu". Người dân ít học, làm lụng dãi nắng dầm mưa không tiếp nhận dễ dàng những câu giáo lý có chữ Hán, chữ Phạn. Các nhà sư ở trong Nam thích làm công tác "ứng phú", ai mời tới gọi là "đi làm đám", kiểu "văn nghệ quần chúng" với giọng ngân nga, thêm kèn, trống, đẩu, chuông, khá hấp dẫn. Trước khi Pháp chiếm nước ta, các vị cao tăng đã thấy vài mặt tiêu cực của kiểu "ứng phú" này, vì tăng sĩ trẻ tuổi được cơ hội tiếp xúc với bá tánh, (dễ sa đà vì tiền, vì sắc dục) nên đã mở hội giữa chư tăng để khẳng định vài nguyên tắc lớn. Những buổi "làm đám" phải có thực chất, không phải thuần túy là giải trí kiểu "nghe-nhìn". Chùa Giác Viên ở Đầm Sen được chọn làm nơi đăng cai cho công tác quan trọng ấy.

    Chùa Giác Viên mãi đến nay vẫn được xem là để nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo với khoảng 50 bộ bao lam (cửa võng) rất hiện thực. Đề tài về quan cảnh vùng nhiệt đới được lưu ý: các loại chim trong mọi tư thế như giành mồi, rỉa lông, đùa giỡn (chắc là bầy le le, gà nước ngày xưa khá nhiều ở Đầm Sen), lại có những loại trái cây của Nam bộ. Tất cả được chạm gỗ linh động, vàng son tráng lệ.

    Thầy Huệ Viên đang trụ trì vốn là chỗ quen biết. Gặp thầy, tôi bàn chuyện văn nghệ, đại ý bản nhạc "Hôm nay em đi chùa Hương" với cô gái tuổi dậy thì, mang yếm đào cầm nón quai thao, khi bị chọc ghẹo thì bình tỉnh đáp lại với câu "Nam Mô A Di Đà" mà chưa chắc cô hiểu được ý nghĩa; có lẽ nó giống như ba tiếng "không dám đâu" mà ngày nay các cô thường dùng. Không có "Nam Mô A Di Đà" thì bản nhạc ấy gãy đổ ngay. Tôi lại hỏi về bản dân ca do Lư Nhất Vũ và Lê Giang sưu tầm, Bản "Ra giêng anh cưới em", mở đầu với câu khó hiểu: "nam mô di bố phù". Lối giải thích ngẫm lại có lý.

    Khách đến viếng chùa khá nhiều, tôi vội ra ngoài, thấy chùa có tổ chức nhà chẩn tế về thuốc nam. Khách ngoài sân khá đông, để tham quan cuộc thi hoa lan cây cảnh với những hiện vật có tầm cỡ. Công viên văn hóa Đầm Sen đã "mở rộng" qua chùa. Nhờ công viên này mà chùa được vẻ khang trang. Và cũng nhờ chùa mà công viên thêm đậm đà màu sắc văn hóa. Không thấy ai hút thuốc, ném rác, ăn mặc lôi thôi và kkông nghe tiếng thô tục. Xem hoa mà hút thuốc thì gây ô nhiễm cho cánh hoa; ai vô tình mà ăn nói thô tục thì lại ô nhiễm cho chính mình và cho người khác.

    Chức năng của nhà chùa vẩn còn và rất cần thiết trong buổi giao thời "tranh danh đoạt lợi" của kinh tế thị trường.

    Về Với Bến Tre
    Sơn Nam

    Tiếp cận sông Cửu Long là khó, cần thời giờ. Đọc sách là một chuyện, nhưng thấy con sông này trước mắt ta sẽ có ấn tượng khác, thú vị hơn. Địa điểm phải gần Sài Gòn, du khách được bảo đảm tiện nghi. Công ty du lịch Bến Tre đã khéo chọn cồn Phụng, một cù lao tương đối nhỏ giữa sông Tiền. Bên này là thành phố Mỹ Tho, bên kia là thị xã Bến Tre, nối liền hai bờ có chiếc phà Rạch Miễu, quê chồng của bà Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đỗ Chiểu. Ở khoảng này sông Tiền khá rộng, phà chạy hơn nữa tiếng đồng hồ. Sông Cửu Long (sông Tiền) đã già nua, vì vậy dòng nước quanh co, với nhiều khúc doi, khúc vịnh.

    Cồn Phụng được người địa phương gọi cù lao "ông đạo dừa", tên thật ông là "Nam Nguyễn Thành", như đã ghi trên cái đỉnh cắm nhang, còn trưng bày. Đảo ngược tên họ, phải chăng ông muốn làm một công dân quốc tế! Nói nghe như khôi hài: lúc chiến tranh đang âm ỉ, ông kêu gọi hai bên nên đình chiến lập tức. Theo suy luận của ông, chiến tranh nên chấm dứt để rồi chẳng ai thắng, ai bại! Tại đầu Cồn Phụng hãy còn mấy cây trụ có rồng vấn kiểu đền vua, xem khá vui mắt. Lại có đài tương đối cao, du khách lên đó tha hồ ngắm sông nước. Nước chảy một chiều, mùa lụt đỏ vì phù sa. Đồng bào quen gọi nước son, phù sa thì gọi đất bồi. Đủ kiểu tàu thuyền lớn nhỏ đi ngược về xuôi, có kiểu xuồng câu tôm kết mui với hai miếng lá chằm, hình chử nhật, có thể mở ra, xếp lại, bánh lái đặt một bên xuồng (không ngay chính giữa). Vài tư liệu bảo là kiểu xuồng ở Thái Lan, du nhập từ đầu thế kỷ. Tàu thuyền chở trái cây, chở vật liệu xây dựng, hành khách. Sông Cửu Long quả là một kiểu "hạ tầng cơ sở" do thiên nhiên ban cho. Lượng phù sa khá cao, mỗi ngày đêm hai lần nước lớn và hai lần nước ròng. Đào mương nhỏ thông với nhau, cho dòng phù sa chảy vào, rồi vét phù sa dưới mương ném lên gốc cây dừa, như thứ phân hữu cơ tốt. Vườn dừa Bến Tre là thế đó, khác với Philipin, Xri Lanca là những xứ trồng dừa trên đất cao hoặc sườn núi. Đó là sáng tạo của ta, kỹ thuật "đào mương lên liếp", tuy đơn giản nhưng là bí quyết của vườn cam, vườn quít, rễ cây dầm dưới nước, không cần tưới. Nhìn quanh cồn Phụng, bãi cứ bồi, cỏ dại như ô rô, cóc kèn mọc quá mạnh, chưa kể những bụi dừa nước. Đồng bào đã đánh bắt phù sa, đốn nhánh bần cắm xuống để lấn ra mé nước. Rễ bần giữ phù sa lại, bờ cù lao nới rộng thêm.

    Vườn cò Ba Tri, cái tên nghe hấp dẫn. Tôi đã tham quan vài vườn cò, vườn chim thiên nhiên phần lớn đều khó tham quan. Gần chiều tối, chim cò rải rác bay về, gần vườn, mùi phân chim bốc ra hôi hám, phần lớn là rừng tràm, rừng tre. Ở Ba Tri không đâu sánh kịp. Kiểu vườn chim ở rừng chà là quanh năm xanh mướt. Chim cò bay về buổi chiều. Tôi sửng sốt khi thấy hàng vạn chim cò che kín chân trời, hàng vạn đốm trắng di động, xen vào đó rất ít chim cồng cộc màu đen. Những đốm trắng tuyết di chuyển linh động trên nền trời xanh nhạt, chân trời là rừng chà là bạt ngàn, xanh đậm. Đứng về chất lượng thì "sản phẩm du lịch" này của Bến Tre khó nơi nào sánh kịp. Ta liên tưởng đến đất trời sơ khai, chim cò có trước, người khẩn hoang đến sau!

    Bến Tre là nơi dân trí cao. Ở góc biển Ba Tri, những phần mộ cụ Đồ Chiểu, cụ Phan Thanh Giản, cụ Võ Trường Toản gom lại, không xa nhau. Người từ miền Trung vào mở nước theo đường biển, không qua Sài Gòn, Long An. Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, Bến Tre thuộc tỉnh Vĩnh Long, khu vực của triều đình. Rồi Pháp chiếm qua miền Tây, dùng chính sách mềm mỏng: quan chức triều đình được phục viên tại chổ, ai muốn cộng tác với Pháp thì có lương bổng tượng trưng, ai muốn ra Huế thì được cấp giấy phép. Nhưng phần lớn quan lại, nho sĩ cứ ở lại Bến Tre.

    Đến Cái Mơn, một khu vực sản xuất cây con cây giống quan trọng (trong ba khu vực Sa Đéc, Đà Lạt, Cái Mơn). Cách biển 50km, nước ngọt quanh năm, mức sai biệt giữa mùa nước lũ và mùa cạn kiệt chỉ là 50cm. Đất phù sa Cái Mơn thuộc vào loại cao cấp. "Đất sét Cái Mơn" được giới trồng cây cảnh ham chuộng, từ Cái Mơn bán lên Sài Gòn để vun quén những cây kiểng "bonsai". Đây là quê hương của học giả Trương Vĩnh Ký với nhà thờ Cái Mơn. Theo lời kể lại đáng tin cậy, buổi đầu là những người theo đạo Thiên chúa từ Nghệ An, từ Quảng Ngãi vào tị nạn, thời Minh Mạng. Dạo ấy, vì cấm đạo, ngày chủ nhật muốn làm lễ phải lén vào rừng chồi, ở ven rừng có người cầm đao mác canh dùm cọp dữ. Trương Vĩnh Ký, nhìn vào khu vực nhà lưu niệm nơi sinh quán ở rạch Ông Mầu, quả là con nhà nghèo. Cha là Trương Chánh Thi, mất ở Phnôm Pênh hồi ông còn bé, mộ phần cha mẹ rất khiêm tốn. Nhờ giao lưu sớm với vùng Mã Lai nên Cái Mơn sớm nhập những giống cây từ "miền dưới" như măng cụt, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm. Ông Hai Trí là người đầu tiên học cách tháp nhánh (greffe), rồi phổ biến. Thông thường, nếu là thuần túy nông nghiệp, với mật độ 1.000 người/km2 thì khó sống, nhưng nhà vườn ở Cái Mơn biết xoay trở, thay vì trồng sầu riêng, vú sữa mỗi công non 30 gốc thì dùng mặt bằng ấy làm nơi tồn trữ cây con, cây giống giá trị kinh tế sẽ cao hơn. Mỗi ngày hàng chục ghe gắn máy ra vào Cái Mơn để đưa cây con, cây giống đi nơi khác. Mặt hàng cây tắc (quất) và con nai kiểng phải chăng là thế mạnh của Cái Mơn. Được may mắn thăm nữ tu viện dòng Mến thánh giá đã kỷ niệm 150 năm (1844-1994), tôi ngạc nhiên khi bắt gặp những chậu sứ Thái Lan to lớn, không đâu sánh kịp.

    Tính cần cù, óc sáng tạo xoay trở để sống của vùng đồng bằng được biểu lộ tại Bến Tre hơn ở đâu hết.

    Xóm Hố
    Sơn Nam

    Đất Sài Gòn bằng phẳng nhưng cũng có vài "tiểu hình thế", thí dụ như chùa Gò, gò Mây, Bàu Cát, Đầm Sen, nhà thờ Hầm, cầu Hang, xóm Hố. Chẳng biết còn xóm Hố nào khác chăng, riêng tôi thì chỉ mới biết một xóm ở phường 7, quận Gò Vấp. Rất xứng danh là "hố", cả một khu vực rộng cỡ 300 mét bề dài, thấp khoảng 3 mét hơn so với vùng phụ cận. Nên nhớ Gò Vấp cao hơn chín mét so với mặt nước biển, nơi chân gò thấp hơn để có nơi tháo nước. Đi vào xóm, ngỡ như đi dạo chơi xứ Đà Lạt. Con đường nhỏ khoảng hai mét, nhà bên kia lề cất trên cao, như trên sườn đồi; bên này thì nhà lè tè, nóc nhà thấp hơn nền nhà bên kia. Trẻ con nô đùa như ở trên bờ đê, còn bên này ta đứng dưới mặt ruộng. Nghe nói cách đây không lâu, khi mưa to thì nước trên gò trút xuống, chảy theo những cống ra tận rạch Vàm Thuật của sông Sài Gòn. Nay thì ống cống mất rồi, nhà dân lao động chen nhau san sát, cao nhất chỉ có một tầng. Không cây cao, bóng mát. Mưa ào ạt đập vào vách lá, vào mái tôn, vào cánh liếp... Nắng chang chang nấu nung con người, gió cứ hắt bụi. Không là ổ chuột; gẫm lại sướng hơn những xóm ở quận 8, quận 6. Chưa bị ô nhiễm, rác rến dễ gom, dễ hốt, không khí dễ thở. Về đêm, thấy trăng non, trăng già. Hừng sáng, thấy mặt trời mọc; chiều tối, mặt trời xuống đỏ ửng. Mọi người còn có chổ đứng dưới ánh mặt trời!

    Dân xóm Hố sống với nghề gì?

    Nghề đạp xích lô. Ngon lành nhất là người đủ tiền sắm chiếc xích lô đậu chật căn nhà bề ngang hai thước. Còn tay, còn chân là còn sống. Dọc đường, mua một ngàn đồng đậu rồng về chiên xào, ăn sống là bữa cơm ngon miệng. Dạo đó, báo chỉ giảng rằng đậu rồng ăn bổ, hột đậu rồng giàu chất dinh dưỡng như sữa bò. Nói vậy thì hay vậy, nào ai thay thứ sữa bò đó bao giờ? Thịt thì đủ loại "thứ phẩm" ngon lành. Lò heo, lò bò gần xóm, dường như vài người đến công ty sát sinh lớn là Vissan để mua đầu heo, ruột heo, chế biến lại, bỏ mối nơi khác. Rau cải Gò Vấp lừng danh vành đai xanh của thành phố. Một số trai trẻ làm nghề phụ hồ - phong trào xây cất dạo này rầm rộ, mỗi ngày lĩnh hơn 10,000 đồng, tự túc cơm nước, ăn xong dư được năm bảy ngàn. Đàn bà, phụ nữ gánh chè hoặc đẩy xe cà rem, đủ sống. Trong xóm bày ra mua bán vặt vạnh. Với hai trăm đồng, trẻ con có thể mua trái mận, hoặt vài trái xơ ri, cục kẹo. Vài người lớn tuổi dường như mang phong cách "văn minh nhàn rỗi" để giết thời giờ tụ tập lại đánh bài tứ sắc. Thỉnh thoảng nghe hô lên "9, 13". Hoặc "13, 15" (*) ngon lành nhất là bài tới 17 ăn 40. Ăn thua nhỏ, đôi ba ngàn.

    Phụ nữ ở đây xinh đẹp, nhưng chẳng chịu thi hoa hậu, vì không tin chắc qua được vòng loại. Trẻ con tới lui trong xóm, có dép nhưng lại thích đi chân đất. Vài đứa giành lấy vỏ bưởi lột ra, đem úp ngược lên đầu, như kiểu mão vua quan. TV không thiếu, máy cassette ai cũng có, đôi nhà mua đầu máy video cũ. Trời lạnh, trẻ con mặc áo ấm của người lớn, tay áo lòng thòng, phất phơ như nhân vật trong múa rối. Không ai thích nhạc Rock, nhưng say mê nhạc có làn hơi dân tộc. Máy cassette văng vẳng ra nào: "Huế của ta ơi, ta có Huế tự hào"; nào "đêm khuya vắng vẻ, càng thấy thương ngoại ô buồn"; hoặc "mạ ngoài đồng, em cấy lúa ba trăng".

    Mua giấy số lai rai, nhưng mười năm qua chưa thấy ai trúng bạc triệu! Người giàu nhất ở ven xóm Hố này là... ông chủ trại hòm (quan tài), bà con gọi đùa đó là mặt hàng mua không cần trả giá. Và cũng là món hàng không cần giấy bảo trì, bảo hành gì cả. Chết rồi, tạm có cái "bao bì" vàng son như thiên hạ.

    Tết năm ngoái, một thi sĩ say rượu đến xóm để "quậy" chơi, ngâm thơ huyên thuyên. Vài người nhớ mặt, xác nhận đó là nhân tài Bùi Giáng. Có người nảy ra sáng kiến: "Giáng" cũng đồng âm với con gián, con rệp. Con gián tương ứng với con nhền nhện, bèn đánh đề số 33, nhưng lại trật lất. Bà con bảo mấy ông thi sĩ làm thơ quá cao siêu, chẳng ích lợi cụ thể nào cho dân nghèo cả. Ăn cơm dưới đất mà chê khen truyện trên trời.

    Làm sao bây giờ? Phường 7 và phòng giáo dục quận Gò Vấp đã nghĩ đến kế hoạch dài lâu. Mở lớp học tình thương, trẻ em và thanh niên lớn tuổi đến khá đông. Đến học được phát tập, phát bút, và thỉnh thoảng chút ít tiền. Vài gia đình đã được hưởng trợ cấp xóa đói giảm nghèo... Bởi vậy tuy nghèo nhưng ai nấy vẫn cười tươi, bám lấy xóm.

    Dám mong bà con xóm Hố vui vẻ đọc bài này và góp ý. Đa tạ lắm.

    (1996)

    (Nguồn: suutap.com)

    ------------------------
    Chú thích của Goldfish:
    (*) Bản nguồn (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link) cũng chép là "Thỉnh thoảng nghe hô lên "9, 13". Hoặc "13, 15"...". Theo tôi thì có lẽ các số đó là "9, 12" và "13, 16"..." mới đúng.
    [HR][/HR]thay đổi nội dung bởi: goldfish, 26-12-2008 lúc 10:37 AM Lý do: Thêm chú thích
    [/TD]
    [/TABLE]
     
    Ktc_nt and hcmangel like this.
Moderators: Bọ Cạp

Chia sẻ trang này