Ân sư Nguyễn Hiến-Lê: Những ngày cuối đời (Quế - Kế)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 30/9/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    ÂN SƯ NGUYỄN HIẾN-LÊ:

    Những ngày cuối đời

    Tác giả: Quế-Kế

    Nguồn: Kỷ yếu Giáo Dục Thâm Ân, năm 2012, Hội Cựu học sinh trường Trung học Thoại Ngọc Hầu

    BBT: Từ Sydney (Australia), thầy Huỳnh Kim Quế và cô Nguyễn Thiện Kế - 2 học sinh khoá thứ nhì của Collège de Long Xuyên (Trung học Thoại Ngọc Hầu), đã gởi về cho Ban biên tập một bài rất dài, viết năm 1990, 6 năm sau khi học giả Nguyễn Hiến Lê qua đời. Nội dung bài viết có nhiều tư liệu quý giá, nhưng do khuôn khổ của cuốn Kỷ yếu, Ban biên tập xin được trích đăng một phần, phần còn lại sẽ giới thiệu với độc giả khi có điều kiện.

    [​IMG]

    Thầy Nguyễn Hiến-Lê

    Chiều thứ Bảy 22.12.1984, cả gia đình tôi đang dán mắt vào màn ảnh truyền hình để thưởng thức tài nghệ diễn xuất điêu luyện của các nghệ sĩ cải lương quen thuộc. Sắp đến hồi kết thúc gay cấn thì văng vẳng có tiếng ai đập cửa cùng với tiếng gọi lớn:

    - Cô Kệ ơi, cô Kệ!

    Bực mình vì bị quấy rầy vào giờ giải trí duy nhứt cuối tuần, tôi vội bước nhanh ra hàng ba phía trước trên lầu nhìn xuống xem ai gọi cửa với giọng khác lạ vậy. Khách là một người đàn ông nhỏ con, mang kiếng cận, đang cố vừa nhìn vào trong nhà qua cửa lưới, vừa gọi to với giọng miền Trung: “Cô Kệ ơi, cô Kệ!”. Tôi bèn lên tiếng và vội vã chạy nhanh xuống lầu coi có chuyện gì để còn trở lên kịp xem hết vở cải lương. Ông khách – tôi chưa quen biết bao giờ - mặc áo sơ-mi bỏ ngoài quần, nói giọng miền Trung đặc sệt:

    - Bà Năm bạo tôi đện cho cô Kệ hay là Ông Năm đã mật rồi!

    Hiểu loáng thoáng và sợ mình nghe lầm, tôi gặng hỏi lại và bàng hoàng, sửng sốt được biết là Thầy Nguyễn Hiến-Lê vừa mới mất, và Cô, tức Bà Nguyễn Thị Liệp – nhà tôi và tôi gọi là Cô vì nhà tôi có học môn Nữ công Gia chánh với Cô ở Trường trung học Thoại Ngọc Hầu Long Xuyên - nhắn 2 vợ chồng tôi lại.

    Sét đánh ngang tai! Vẫn chưa tin là thật! Có lẽ Thầy đang hấp hối mà Cô đã lo sợ nên vội vã nhắn tụi tôi đến chăng? Mới lúc trưa nầy Thầy còn sỏi lắm mà, lẽ nào lại có thể như vậy được? Nhà tôi – tên cúng cơm là Nguyễn Thiện Kế - linh tính báo có chuyện bất thường nên vội vàng xuống lầu.

    Sau khi gọi đứa con trai xuống dặn dò việc nhà, chúng tôi, mỗi người một chiếc xe đạp, chạy nhanh đến đường Kỳ Đồng. Gần đến nhà Thầy, chúng tôi thấy con đường vẫn tối tăm với các ngọn đèn điện vàng vọt. Con hẻm nhỏ dẫn vào nhà Thầy vẫn âm u, mờ ảo. Bất chợt, tiếng chuông chùa đầu hẻm ngân lên nhẹ nhàng, nức nở…

    Trong nhà Thầy Cô sáng choang. Cô đang mong mà nghe tiếng động lao xao bên ngoài nhà, bèn vội vã ra mở cửa đón tụi tôi vào. Cô cho biết đang bàn chuyện tẩn liệm với người đại diện nhà đòn riêng của bệnh viện An Bình.

    Thầy nằm trơ trọi trên chiếc đi-văng gỗ thấp, mặc bộ bà ba vải trắng, thân mình lép xẹp, dán xuống mặt chiếu, hai tay buông xuôi, một vuông khăn the đen che phủ mặt Thầy. Nhà tôi nhẹ nhàng giở khăn đen ra. Tụi tôi nhìn Thầy lần cuối xót xa, nghẹn ngào! Mặt Thầy tươi tắn, đầy đặn hơn ngày thường, miệng như mỉm cười. Có lẽ Cô đã khóc nhiều rồi, lệ đã cạn rồi, nên khi đưa tụi tôi trở ra xa-lông, Cô mím miệng kềm xúc cảm và kể rõ chi tiết giờ phút cuối của Thầy:

    “Sau khi hai cháu ra về khỏi bệnh viện An Bình thì Ổng vẫn mệt, hơi thở dồn dập. Lát sau ổng khoẻ lại, vẫn tỉnh táo chuyện vãn, và ngủ thiếp đi được một chút. Lúc tỉnh dậy, ổng kêu khát. Cô rót nước trà đem lại nhưng ổng chỉ nhắp một ít. Cô bèn đưa cháo nóng cho Thầy đỡ dạ. Ổng ngồi lên, cầm muỗng húp 2, 3 miếng rồi nằm xuống, bảo là hơi mệt. Đến 3 giờ chiều, Ổng bỗng mệt nhiều, thở hổn hển do có nhiều đàm ngăn ở cổ. Cô liền cấp báo cho y tá. Họ đưa xe cáng đến rồi nhanh chóng đẩy Thầy xuống Phòng cấp cứu. Tại đây Ổng vẫn còn tỉnh táo nhìn các vật dụng trong phòng. Bác sĩ được mời đến chẩn bệnh ngay. Rồi các cô y tá lăng xăng chích thuốc khoẻ và úp nắp dưỡng khí giúp Thầy thở, Ổng đỡ mệt một chút và ngã lưng được một lát. Sau đó Ổng cứ mệt lên từng cơn.

    “Khoảng 7 giờ, thấy Cô luôn đứng kề bên giường cấp cứu, quá khổ cực với Thầy, mà Cô vốn không được khoẻ mạnh lắm, Ổng đưa bàn tay vỗ nhè nhẹ chỗ giường sát hông mà thều thào bảo Cô lên nằm nghỉ đỡ trên giường với Thầy. Cô cười vì làm sao đủ chỗ nằm được, mà trong phòng lại không có cái ghế nào để Cô ngồi đỡ chưn (chân).

    “Hồi lâu sau, bỗng Ổng đưa tay làm dấu bị nghẹt ở cuống họng, khiến Ổng khó thở quá. Rồi Ổng rán khạc đàm ra nhưng không được. Ổng thở dồn dập thêm. Cô y tá liền đưa máy hút đàm tới. Ổng thở được hơi thông, nhưng rất mệt, có lẽ tim bị lên cơn nữa. Lại chích thêm thuốc khoẻ. Đến đúng 9 giờ, Ổng nấc lên 2, 3 cái rồi thở hắt ra một hơi mạnh và ngoẹo đầu xuống, bất động. Cô bèn xin xe chở Thầy về. Tội nghiệp các nhân viên trong bệnh viện lo thủ tục ngay, rất nhanh. Đó là một đặc ân vì đáng lẽ hễ mất trong bệnh viện thì không được mang xác về nhà, mà phải đợi tẩn liệm xong xuôi rồi mới được chở đi.

    “Tới nhà rồi, Cô mới nhờ ông Trung tá cán bộ bên trong đây – Cô vừa nói vừa chỉ về hướng ngôi nhà bên cạnh ở cuối hẻm - tới nhà 2 cháu nhắn tin giùm. Rồi Cô lau mình mẩy, mặc quần áo khác cho Thầy và để Thầy nằm đó. Ổng đi như vậy tức tưởi thật, nhưng thà vậy còn hơn, chứ thấy Ổng hổn hển kéo hơi lên, Cô xót xa quá, không biết phải làm gì cho Ổng thở được.”

    Thế rồi Cô cho biết là lúc Thầy còn sống, Thầy có dặn rằng việc tang ma của Thầy phải làm hết sức đơn giản, và chỉ cho vài người thân biết thôi. Cô có nhờ một người bạn quen của Thầy đi coi ngày giờ tốt để động quan và hoả thiêu. Vì không chọn được ngày giờ tốt nào khác xa hơn nên Cô quyết định quàn tại nhà một hôm rồi sáng hôm sau - tức thứ Hai – lúc 8 giờ là đưa đi hoả thiêu ở An dưỡng địa trong Phú Lâm, đúng theo ý muốn của Thầy là làm đơn giản, không phô trương rườm rà. Nhà tôi thấy bình sanh Thầy thường ưa thích cảnh đẹp, bèn gợi ý với Cô nên đưa đi hoả thiêu ở Thủ Đức, vì nơi đó gần một ngôi chùa nằm trên đồi cao gió lộng, phong cảnh hữu tình; còn lò thiêu ở Phú Lâm mấy lúc sau nầy nhà cửa xây cất bừa bãi, lấn chiếm gần hết cả lối vào, và vệ sinh rất tệ. Cô cũng thuận ý và giao cho nhà tôi liên lạc lo thủ tục giùm.

    Tụi tôi có nhắc Cô là còn giữ của Thầy nửa lượng vàng, để tụi tôi đưa lại Cô mà chi dụng cho việc tang ma. Cô vội gạt đi mà nói đó là hậu ý của Thầy muốn tặng tụi tôi chút ít của Thầy. Trước đây, tụi tôi đã nhiều lần đem trả lại mà Thầy không nhận.

    Đồng hồ của nhà bên kia hẻm thong thả điểm 12 tiếng. Tôi vào nằm trên bộ ván ngựa ở nhà sau, chỗ trước kia là kho sách. Vừa lạ chỗ vừa được tin bất ngờ về Thầy, tôi trằn trọc mãi không sao chợp mắt được.

    *

    [​IMG]
    Thầy Nguyễn Hiến-Lê và người bạn đời - cô Nguyễn Thị Liệp

    Trời dần dần sáng hẳn. Nhà tôi và người đàn bà hàng xóm đã lục đục dậy nấu nước, pha trà. Cô cũng đã dậy và bước xuống lầu, vẻ mặt tươi tỉnh. Cô cho biết có chợp mắt được nên thấy khoẻ và con mắt không còn mờ hay nhức nữa.

    Chúng tôi lại phân công nhau đi lo các việc Cô nhờ làm. Phần Dũng (cháu trai của Cô) thì đi cho người cháu hay hung tín, người cháu này đã đến ngủ đêm tiếp Cô săn sóc Thầy đêm trước, để nhờ anh ta cùng đi với nhà tôi mà liên lạc lo thủ tục tẩn liệm, hoả thiêu. Nhà tôi còn đi mua các vật dụng cần thiết cho việc cúng kiến.

    Phần việc của tôi là đi đánh điện qua Pháp cho bà Tuệ hay vắn tắt là Thầy đã mất, sẽ thiêu vào ngày 24.12; đồng thời đánh điện ra Nha Trang cho ông Châu Hải Kỳ biết tin dữ về Thầy. Sau đó tôi đi báo tin cho ông Côn, bạn thân của Thầy, có nhà ở khu Bàn Cờ. Ông Côn hết sức sửng sốt khi được tin và bảo sẽ báo tiếp cho các bạn bè khác.

    Khi trở lại nhà Thầy, tôi có mang theo máy chụp hình, mới mượn của đứa em rồi ghé tiệm hình mua một cuộn phim màu, phòng hờ có thể dùng đến khi cần. Tới nơi lúc 12 giờ trưa, thì người phụ trách tẩn liệm cũng vừa đến. Anh ta bàn bạc nhanh với Cô, rồi lanh lẹ bắt đầu công tác lau rửa cho Thầy. Anh dùng 1 lít rượu để bóp tay chân của Thầy cho mềm dịu lại, rồi nhanh nhẹn, thuần thục thay quần áo khác cho Thầy, luôn luôn khéo léo dùng một khăn nhỏ che hạ bộ của Thầy. Tay chân của Thầy vốn đã gầy ốm, nay sau cơn bịnh thấy tong teo thêm, sạm đen hơn, nhứt là bộ ngực lép xẹp, xương nổi rõ lên. Không ai chụp hình cả, có lẽ vì muốn tôn trọng ý của Thầy Cô là đơn giản tối đa. Tôi ức quá, ít ra cũng phải có chút gì ghi lại để kỉ niệm chớ. Tôi vội vàng lắp phim vào máy hình rồi loay hoay bấm vài kiểu, định bụng lén giữ cho riêng mình. Sau đó anh nhân viên nhà đòn ra về, hẹn sẽ chở quan tài đến để liệm luôn.

    Cô bèn sực nhớ đến cụ giáo Phất, bạn học của Thầy ở trường Bưởi, thường hay liên lạc với Thầy, nên Cô liền nhờ tôi đi cho cụ hay.

    Lúc tôi trở lại thì việc tẩn liệm đã xong xuôi. Linh cữu của Thầy nằm khuất bên trong, giữa phòng kề bên phòng khách, các ngọn nến leo lét cháy, khói hương nghi ngút. Các cháu của Cô cũng đến đông, ai nấy bận rộn tiếp khách, pha trà, rót nước, mời bánh. Tôi vẽ một tấm giấy lớn dán ở cửa thông báo ngày giờ hoả thiêu, và một tấm nhỏ với tên tuổi của Thầy đặt trước linh cữu để người đến chia buồn tiện khấn vái. Một người cháu của Cô mang máy chụp hình tới và thỉnh thoảng bấm chụp.

    Các ông bà hàng xóm, rồi các tổ chức bô lão của phường khóm lần lượt đến phân ưu với Cô rồi về ngay. Cảnh thật ảm đạm, im ắng, u buồn, đúng là của một nhà có tang. Không ồn ào mời mọc, đãi đằng, không có kèn trống bi ai, réo rắt.

    Chiều lại, các bạn thân của Thầy đến, trong số đó tôi chỉ biết có cụ Phất, cụ Giản Chi, cụ Vương Hồng Sển, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ông Lê Ngộ Châu. Ai nấy đều rầu buồn và sửng sốt vì tin dữ đến đột ngột quá. Mới thấy Thầy còn khoẻ vậy mà nay đã ra đi vĩnh viễn rồi! Người nào cũng đều lặng lẽ cắm nhang, xá hoặc lạy và tỏ ý tiếc không quàn lâu hơn, rồi đề nghị dời lễ động quan qua Thứ Ba 25.12.1984 để bạn bè ở xa kịp tới tiễn đưa. Nhưng vì Cô muốn theo ý của Thầy tránh làm rùm beng, chỉ cần càng đơn giản càng tốt, và cũng muốn cho công việc tốt lành, suôn sẻ theo như đã coi ngày, nên đành giữ y như vậy.

    Một vài học trò cũ của Thầy và là bạn học cùng lớp với tụi tôi, bất ngờ hay tin cũng vội vã đến viếng Thầy lần chót.

    Tối đến, không khí tang ma càng ghê rợn hơn. Yên lặng. Tĩnh mịch. Người đi ra, đi vào đều rón rén, nhẹ nhàng, dè dặt, dường như sợ phá giấc ngủ của Thầy.

    Có vài đoàn hộ niệm tới tụng kinh siêu độ cho Thầy nữa.

    Tôi lại cứ băn khoăn dằng co giữa sự tôn trọng ý muốn của Thầy và sự thôi thúc giữ các hình ảnh cuối làm kỉ niệm, rồi cuối cùng, tôi quyết định cãi lời Thầy Cô để chụp vài cảnh đặc biệt. Đợi lúc vắng người, tôi mời Cô cùng các người trong nhà ra đứng 2 bên linh cữu của Thầy mà chụp hình. Người cháu có máy ảnh cũng ra bấm máy nữa.

    Thấy có đông người tiếp Cô và trời đã khuya, tụi tôi xin phép Cô ra về.
     
    toidangki and pho xua like this.
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Sáng hôm sau, tụi tôi đến sớm thì thấy mọi việc đã chuẩn bị dọn dẹp ngăn nắp rồi, hễ xe tang đến là đưa Thầy đi ngay. Cũng có mặt các người đến hôm trước.

    Đúng giờ, xe nhà đòn tới. Vẫn các nghi thức thường lệ, rồi xe lăn bánh hướng về Thủ Đức. Ngồi theo xe tang chỉ có 2 người đội khăn tang là Cô và Liên - con gái nuôi của Cô, từ Long Xuyên lên tối hôm trước.

    Đài hoả thiêu nằm sau chùa trên một ngọn đồi rộng, vươn thẳng ống khói lên cao. Sau các nghi thức đơn giản của Nhà Phật, vào khoảng 9 giờ rưỡi linh cữu được hạ xuống, chuẩn bị đưa vào lò. Không điếu văn, không lời kêu khóc. Tất cả đều trầm lặng. Ai nấy đều ngậm ngùi, lưu luyến nhìn lần chót chiếc quan tài trên đó có bức ảnh bán thân của Thầy với vầng trán vuông rộng, gân 2 bên thái dương nổi lên, miệng hơi cười mỉm, dường như đang vĩnh biệt chào mọi người để sang bên kia thế giới. Bất giác tôi muốn chạy đến ôm ảnh Thầy để gào lên “Vĩnh biệt, Thầy ơi!”. Nhưng bỗng có tiếng ai đó gọi tôi “Mau chụp ảnh đi!” khiến tôi phải kềm mình lại và đưa tay bấm máy.

    Quan tài từ từ tiến vào lò. Củi được chất nhanh vào. Cửa sắt đóng lại, nặng nề, đen đủi. Mọi người đều bước ra phía sau lò. Nhân viên hoả thiêu hất mấy lon dầu vào miệng lò và đưa cây đuốc đã đốt cháy bảo một người thân trong gia đình châm lửa theo thường lệ. Tụi tôi nhắc Cô bước tới cầm đuốc, nhưng Cô rụt tay lại, oà khóc và quay mặt đi, buồn bã nói: “Ai làm giùm đi, tôi không đủ can đảm làm viêc đó được!”. Một người cháu của Cô bước tới cầm cây đuốc đưa vào miệng lò. Lửa bùng lên và cháy phừng phừng. Lát sau nhìn qua cửa lò đã thấy xương sọ của Thầy hiện ra đỏ rực. Thế là hết! Một khối óc đã từng cống hiến bao nhiêu tinh tuý cho đời và đang còn minh mẫn tiếp tục truyền lại kinh nghiệm chân thật về cuộc sống, nay phải chịu tiêu tan, huỷ diệt…!

    Cô cùng mọi người vòng ra trước đài, lễ Phật rồi ra về. Ba người cháu ở lại lo việc thu nhặt tro cốt, vì phải chờ thiêu xong mất 2 tiếng, rồi chờ 2 tiếng nữa cho tro nguội hẳn, mới cho tro vào hũ mang về.

    Xe trở hướng về thành phố. Tôi ngoảnh nhìn lại đài thiêu. Đầu ống khói còn tiếp tục nhả ra một luồng khói trắng, lúc uốn éo, lúc bay thẳng lên cao, tựa như linh hồn Thầy đang bay đi, nửa dùng dằng, nửa dứt khoát với cõi trần tục. Mắt tôi bỗng mờ đi.

    Hôm sau tôi đến tiệm ảnh lấy cuốn phim đã chụp được. Tôi ngạc nhiên và thất vọng hoàn toàn vì hình ảnh bị mờ hết: tôi non tay ảnh mà lại dùng máy mượn, không quen sử dụng. Vậy là không thể cãi lại ý muốn của Thầy được.

    Tôi trở lại nhà Thầy, đưa Cô xem cuốn phim đã chụp dù không được rõ, nhưng còn dùng làm kỉ niệm được. Cô cho biết cũng may là các hình đen trắng do người cháu chụp có vài tấm khá rõ.

    Bức ảnh bán thân của Thầy đã được treo trên tường ngay phía trên tủ rượu dài dùng làm bàn thờ. Hũ tro nằm sát bên trong ngang với một bình bông “laydơn” (glaieul) trắng. Lư hương đặt ở bên ngoài với một cây nhang đang cháy dở, cùng một ngọn đèn hột vịt leo lét, bên cạnh một dĩa nhỏ chưng trái cây. Giản dị chỉ có vậy, đơn sơ, bình dị như cuộc đời của Thầy.

    Cô nhắc tôi sắp xếp giùm phòng ốc của Thầy Cô. Các sách vở của Thầy rất nhiều, chứa đầy khắp các phòng, nhưng phòng nào cũng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Tôi nhớ lại hồi trước mỗi lần đến thăm Thầy – có nhiều lần tới tận phòng làm việc của Thầy – tôi không thấy Thầy để sách vở bày la liệt, bừa bãi khắp nơi, mà trong tủ sau lưng Thầy chỉ có vài bộ tự điển và sách tham khảo, còn trên bàn làm việc thì chỉ có vài xấp giấy mỏng. Tôi luôn thắc mắc tự hỏi thông thường chỗ làm việc của các nhà văn hay học giả được mô tả là rất bừa bộn, ngổn ngang, đôi khi vô trật tự, không nhứt định nữa, vậy làm sao Thầy có thể viết nhiều sách như vậy mà không bày biện lung tung, chắc Thầy phải nhọc công vận dụng trí nhớ nhiều lắm. Thì ra Thầy tổ chức việc viết lách rất khoa học, khi cần một tài liệu nào thì tìm được ngay, khỏi phải lục lọi, rồi để bừa bãi. Thầy đã chặt chẽ áp dụng đúng các nguyên tắc đặt ra trong các sách về tổ chức công việc, để vừa đỡ mất thì giờ vừa không hại đến đà viết.

    Đa số các sách tham khảo được Thầy dùng bút chì ghi chú, chỗ thì gạch dọc hay đánh dấu tréo ngoài lề, chỗ thì gạch dưới những chỗ quan trọng, cần nhớ. Thường thường ở các trang giấy trắng ở đầu mỗi sách đều có mang vài dòng viết chì của Thầy sau khi đọc các ý chính cùng những số trang đáng nhớ, đôi khi kèm lời phê bình hay dở ra sao.

    Cô còn cho biết Cô có ý định biến căn nhà ở Long Xuyên thành thư viện mang tên Thầy để vừa lưu lại vết tích xưa vừa tiếp tục giúp đời nữa, như Thầy đã từng theo đuổi, nhưng tình hình di chuyển, chuyên chở quá khó khăn khiến Cô đành gạt bỏ ý định đó.

    Nửa tháng sau, các báo mới đăng tin Thầy mất.

    Tôi nhớ lại cuốn phim tôi đã chụp, muốn in ra giấy để xem đỡ, nên đến xin Cô cho mượn lại. Cô lục tìm nhưng không thấy nó đâu. Có lẽ do ai đó thấy nó mờ mờ, cho là vô dụng nên đã vứt đi chăng? Tôi bèn hỏi mượn khúc phim có ảnh trắng đen do người cháu chụp, hi vọng vớt vát được chút ít kỉ niệm, nhưng cũng không thấy luôn. Thế là các hình ảnh cuối cùng kỉ niệm về Thầy đành tiêu hết. Ý muốn của Thầy được hoàn toàn thực hiện rồi vậy, không cưỡng lại được.

    Vài tháng sau, Cô gợi ý nhờ con trai tôi, lúc đó đang học Đại học Kiến Trúc, vẽ kiểu để Cô xây một cái tháp mộ trước nhà Thầy Cô ở Long Xuyên hầu an vị nắm tro tàn của Thầy và của tổ tiên Thầy Cô vào đó. Dĩ nhiên Cô cũng đã dành sẵn một chỗ trong tháp đó cho ngày trăm tuổi của mình. Tháp đã vẽ và xây xong, hình lục giác, có 3 tầng tượng trưng cho tam qui y Phật, Pháp, Tăng. Bên dưới to rộng, bên trên nhỏ lại với nắp là tượng một bông sen có 3 lớp cánh, dãi dầu sương nắng nhưng vẫn nở tươi. Hũ tro có ảnh của Thầy được đặt ở tầng dưới cùng, trong một hộc xây hướng vô nhà, có kính che bên ngoài. Lúc tụi tôi đến lạy tạ Thầy và từ giã Cô để đi đoàn tụ (có quay phim video nữa) thì thấy kính đã được thay bằng đá cẩm thạch có in ảnh của Thầy hình bầu dục cùng ngày mất và số tuổi của Thầy thọ được. Có lẽ Cô sợ kính che bị bể rồi mất hũ tro quí của Thầy chăng nên mới thay kính bằng đá cho chắc chắn?(*)

    Trước hàng ba của nhà Thầy Cô vẫn còn để cái giá võng, nơi đó Thầy đã thường nằm đong đưa, ngắm các bụi hồng xinh xắn trồng dọc thềm. Cô chỉ vào giá võng và bảo vẫn để nó y chỗ cũ, mặc dầu không xài nhưng cũng không nỡ dẹp đi, vì đó là kỉ niệm của Thầy.

    Trước khi ra đi đoàn tụ, tôi đã nhờ đứa cháu gái của Cô, đang trông coi ngôi nhà ở đường Kỳ Đồng, trao lại Cô các sách tôi đã xin trước kia, vì không thể mang theo được.

    [​IMG]
    Tháp mộ (tại chùa Phước Ân, ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp)

    Giờ đây được sống yên ổn nơi xứ người, cứ mỗi lần nhớ đến Thầy, tôi chỉ còn biết lấy băng video ra xem và lại hối tiếc tại sao lúc đó không cãi lời Thầy mà chuẩn bị chu đáo máy và phim để chụp hình đầy đủ tất cả các việc từ đầu đến cuối. Nhưng trong tâm khảm tụi tôi lúc nào cũng in sâu hình ảnh của người Thầy, người cha tinh thần, khó tìm được người thứ hai trên đời này.

    Nay xin ghi lại những dòng này thay cho hình ảnh những giờ phút cuối cùng của Thầy, gọi là để tưởng nhớ vị ân sư khả kính của tụi tôi.

    BRISBANE
    , ngày 10 tháng 8 năm 1990.


    __________________________
    (*): Sau này, tháp mộ được dời về an vị tại chùa Phước Ân, thuộc ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (BT).
    [Xem thêm ảnh tháp mộ cũ đặt trước nhà Thầy ở Long Xuyên. (Goldfish)].




    [​IMG]
    Tháp mộ Nguyễn Hiến Lê ở Long Xuyên
    (Tư liệu của Goldfish)
     
  3. Kỳ văn

    Kỳ văn Mầm non

    Nghe kể về đám tang và nhìn ngôi tháp mộ của cụ mà ngậm ngùi nhớ đến một số lễ quốc tang ! Cụ Nguyễn Hiến Lê xứng đáng được yên nghỉ trong điện Pantheon ( nếu có)...!!
     
    aduc68 and pho xua like this.
  4. violet

    violet Mầm non

    hay nhỉ :v
     
  5. vanthach

    vanthach Lớp 2

    Cuộc đời của Ông và Bà cống hiến cho nền giáo dục nước nhà bao nhiêu giá trị. Tiếc là đợt rồi mình đi công việc thời gian ít quá chưa qua thắp nhàng cho Ông và Bà được
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này