Phật Giáo Đơn Giản Và Thuần Khiết - Upasika Kee Nanayon (Epub)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tôn giáo' bắt đầu bởi ThànhTâm2409, 12/6/21.

Moderators: mopie
  1. ThànhTâm2409

    ThànhTâm2409 Lớp 2

    Tóm Tắt Pháp Hành

    Phương pháp thực hành này rất dễ học, có ngay kết quả, và thích hợp ở mọi lúc, mọi nơi, và cho mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Đó là sự thực hành ngay nơi thân này –cái thân cao dài hơn một sải– do tâm làm chủ. Thân này sở hữu rất nhiều thứ, từ thô đến tế, rất đáng cho chúng ta tìm hiểu.

    Những ai muốn thực hành Pháp này cần tự tu tập để biết các tiến trình sau đây:

    Thứ nhất, phải biết rằng thân được cấu tạo bởi nhiều thành phần, các phần chính là đất, nước, gió, và lửa; các phần phụ là các dáng vẻ bên ngoài dính chặt vào các phần chính như: màu sắc, hình dáng, mùi vị.

    Tất cả các thành phần này không bền vững, ô uế và gây phiền não. Nếu quán sát chúng một cách sâu xa hơn, ta sẽ thấy rằng thực chất của chúng không hiện hữu. Chúng chỉ là những duyên hợp, và không có gì đáng để được xem là “tôi” hay “của tôi”. Khi tanhận thức rõ ràng thân này chẳng có “cái tôi” hay “của tôi”, thì khi ấy ta mới có thể buông bỏ những sự bám víu hoặc tham đắm vào thân như một thực thể, như cái ngã của ta, của người, hay cái này, cái kia.

    Thứ hai, xem xét các danh pháp (thọ, tưởng, hành và thức). Chú tâm theo dõi một sự thật là các pháp này đều có đặc tính sinh, trụ, diệt. Nói cách khác, bản chất của chúng là sinh, diệt, sinh diệt không dừng. Khi đã nhận thức được sự thật này, ta có thể buông bỏ sự bám víu vào các danh pháp như những thực thể –như là cái ngã của ta, của người, hay thứ này,thứ kia.

    Thứ ba, sự tu tập ở mức độ thực hành không chỉ là học, nghe hay đọc. Chúng ta còn phải thực hành để nhận thấy rõ ràng với chính tâm thức của mình trong các bước sau đây:

    Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên ngoài, và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào. Muốn được như thế, hãy để chánh niệm, tỉnh giác làm chủ trong khi chúng ta quán niệm về thân và tâm cho đến khi tâm trụ vững chắc trong trạng thái an tịnh hoặc trung tính.

    Một khi tâm có thể trụ trong trạng thái bình lặng, ta sẽ thấy các hoạt động của tâm trong trạng thái tự nhiên của chúng là sinh và diệt. Tâm sẽ trở nên trống rỗng, xả và tĩnh lặng –không ưa không ghét– và tâm sẽ nhận biết các hiện tượng tâm sinh lý khi chúng sinh diệt một cách tự nhiên, theo nhịp độ riêng của chúng.

    Khi sự hiểu biết rằng, tất cả mọi thứ đều không có bản ngã riêng biệt trở nên thật rõ ràng, ta sẽ nắm bắt được một điều sâu xa hơn, vượt lên trên tất cả khổ đau, phiền não, thoát khỏi các vòng luân hồi –bất tử- thoát khỏi sinh tử, bởi vì tất cả những gì được sinh ra thì tự nhiên phải già, bịnh và chết.

    Khi nhận thấy rõ sự thật này, tâm ta sẽ trở nên rỗng không, không còn bám víu vào bất cứ gì. Nó cũng không cho rằng bản thân nó là tâm thức hoặc thứ gì khác. Nói cách khác, tâm sẽ không bám víu vào việc tự cho mình là cái gì cả. Còn lại tất cả chỉ là trạng thái thuần khiết của Pháp.

    Những ai nhận thấy rõ ràng trạng thái thuần khiết của Pháp chắc chắn sẽ trở nên nhàm chán đối với những khổ đau không dừng dứt trong cuộc đời. Khi họ biết một cách thấu đáo về chân lý cuộc đời và Pháp, họ sẽ thấy rõ ràng, ngay trong hiện tại, rằng có một cái gì đó vượt trội lên tất cả mọi khổ đau. Họ sẽ biết điều này mà không cần hỏi hay tin theo ai, vì Pháp là paccattam –điều mà bản thân mỗi người tự biết. Những người đã tự mình chứng nghiệm được chân lý này đều luôn chứng nhận điều đó.

    (Trích trong sách).


    Epub:
     

    Các file đính kèm:

Moderators: mopie

Chia sẻ trang này