Nhận định Hồ - Banana Yoshimoto

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi trangle0109, 5/8/15.

Moderators: Cát Cát
  1. trangle0109

    trangle0109 Lớp 2

    Hồ - Banana Yoshimoto
    Dịch giả: Uyên Thiểm.
    "Hồ" sẽ gột rửa mọi tàn dư trong cuộc sống đã phủ lên cái bản thể cô đơn của tâm hồn con người. Giờ đây chỉ còn lại sự cô độc nguyên thuỷ, nó nhức nhối nhưng bình yên và chân thật.
    Một lần nữa Yoshimoto lại viết về những khoảng trống cô đơn lạc lõng của con người đặc biệt là những người trẻ. Thông qua Chihiro và Nakajima tác giả sẽ đưa bạn đọc về với chính mình, về với phần cô đơn lẩn khuất trong mỗi con người. Những con người đau đớn vì sự dị biệt trong tâm hồn đang ra sức vùng vẫy như vừa cố sức thoát ra lại vừa cố sức biến đổi sao cho phù hợp với cuộc sống. Sự dữ dội ấy được tác giả lột tả hết sức nhẹ nhàng và tinh tế.
    Nhìn cuộc sống bằng tâm hồn nhạy cảm rồi phải trải qua những biến cố trong cuộc đời thế là họ nhận ra mình khác biệt. Hai con người ấy đã từng lẩn tránh, từng chối bỏ để rồi cuối cùng vẫn phải đau đớn thừa nhận sự tồn tại của nó, chấp nhận nó và sống khác biệt. Họ không cố bù đắp những khoảng trống trong tâm hồn nhau, không cố xoá đi nỗi cô đơn trong mỗi người, Chihiro và Nakajima chỉ là đang ở bên cạnh nhau, họ an ủi, chấp nhận, trân trọng và yêu thương nhau theo cách của họ.
    Trong "Hồ" không có lấy một câu văn thừa. Vỏn vẹn chưa đến 200 trang giấy, tác giả đã nhẹ nhàng bóp nghẹt cảm xúc người đọc qua từng câu chữ. Muốn thích nghi, muốn hoà hợp, muốn tồn tại và sợ hãi sự khác biệt nên ai trong chúng ta cũng vô tình khoác lên mình vẻ ngoài sao cho phù hợp với thế giớ xung quanh, nhưng trong tiềm thức ta luôn biết rằng mình là một cá thể tồn tại độc lập và duy nhất nên sự khác biệt và cô đơn là tất yếu. Rồi khi số phận đưa đẩy ta phải quay về là ta, quay về là cá thể cô đơn khác biệt ấy, thì đó cũng là lúc ta thấy mình trần trụi nhất, dễ tổn thương nhất nhưng cũng vững chãi nhất. Ta vừa sợ hãi, vừa hoan hỉ vì được là chính ta ,là chính bản thể cô đơn ấy dù chỉ là trong giây phút thoáng qua ít ỏi.
     
  2. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Đã nghe tiếng từ lâu. Giờ thấy nhận định này nữa. Chắc phải đọc gấp. :)
     
  3. chelsky_ngoann

    chelsky_ngoann Lớp 4

    bonus một review từ tiệm Kafka nà

    Sẽ như thế nào nếu chúng ta không gặp nhau?” bạn có từng hỏi mình như thế chưa? Tôi thì có, hỏi hoài hoài luôn. Có khi bởi 1 lần khựng bước giữa chợ đông, hoặc bởi một cú thắng gấp giữa vòng xoay giữa ngả năm, ngả sáu, ngả bảy gì đó, nghĩa là đang cắm cổ cắm đầu muốn đi mà buộc lòng phải đứng lại, ngẩng đầu lên và tôi thấy mình đang đứng yên, chung quanh dòng người vẫn mải miết chảy, tôi lại lặp lại cho mình câu hỏi đó.

    Nếu chúng ta không gặp nhau, hoặc thậm chí chúng ta không tồn tại, thì tôi nghĩ cuộc đời chắc cũng vậy thôi, nghĩa là nó vẫn đẹp! Chưa bao giờ, tôi nghĩ rằng sự hiện diện của một cá thể nào đó(nhất là mình) có thể làm thay đổi cục diện của cuộc đời này. Bởi mỗi chúng ta chỉ là một phần xíu xiu, nhỏ như cái bọt nước, như lá rong, còn cuộc đời đương nhiên là cái hồ không chỉ rộng mênh mông mà còn sâu thăm thẳm. Vậy đó, có nghĩa gì đâu nếu hông có ta trên cõi đời này! Nên dù bạn có chăm chỉ như rùa, hay nhởn nhơ như thỏ, thì cũng chẳng xi – nhan gì tới cuộc đời rộng lớn này đâu!

    Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta không gặp nhau?

    Tôi vẫn tin rằng mỗi người đến với đời sống này đều mang theo mình một câu chuyện, để kể cho nhau nghe. Nakaji ma có một câu chuyện. Chihiro lại có một câu chuyện khác. Họ gặp nhau và kể cho nhau nghe. “Kể” tức là họ nhìn thấy nhau, cảm nhận nhau, hấp dẫn nhau, tác động lên nhau, phản chiếu lẫn nhau. Có thể trước khi gặp Chihiro, Nakajima đã từng kể câu chuyện của anh cho một ( hoặc 1 vài) người khác. Chihiro cũng vậy. Nhưng chỉ Chihiro mới có thể “nghe” được câu chuyện của Nakajima. Chỉ Nakajima mới nhận ra những nhân vật mà Chihiro đã vẽ. Chỉ với Chihiro, Nakajima mới có thể kể được câu chuyện của mình, bằng ngôn từ của chính mình. Từ đó mọi thứ mở ra, cũng từ đó mọi thứ được xếp lại.

    Tôi tự hỏi bên dưới mặt hồ có bao nhiêu thứ đã được tìm thấy, còn bao nhiêu thứ chưa được gọi tên? Còn cuộc đời này, có bao nhiêu câu chuyện đã được nghe, còn bao nhiêu câu chuyện chưa bao giờ được kể? Và bên dưới mặt hồ, có hay không những thứ mãi mãi không được tìm thấy? Và một lần nữa, câu chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta không gặp nhau? Có những thứ sinh ra rồi mục rữa dưới lòng hồ mà không được biết tới phải không? Và cũng có những câu chuyện mãi mãi không tìm thấy người để kể , có phải vậy không?

    Và thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi mình, không phải 1 câu mà là 1 cặp câu hỏi “ Sẽ thế nào nếu ta không gặp nhau? Đã có bao nhiêu câu chuyện mất đi mà chưa một lần được kể?”

    À, sao nói về cuốn sách ít vậy ta? HỒ, của Banana Yoshimoto nha. Nếu bạn là fan của Banana Yoshimoto mà cuốn sách này không được đính tên của cô ấy ở bìa, bạn vẫn nên đọc. Nếu bạn không phải là fan của Banana Yoshimoto thì bạn cũng nên đọc. Người ta nói “travel is the only thing you buy make you richer” còn mình thấy Reading cũng vậy, nên “cứ đọc đi xin đừng mơ ước gì”, heng!
     
    Ban Tang Du Tử thích bài này.
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này