Trà phiếm Khi 'Tiếng Việt' được viết thành 'Tiếq Việt'

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 25/11/17.

Moderators: amylee
  1. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Từ “đi” cuối câu bổ nghĩa cho cả cụm động từ “đến quán ăn” thôi mà.
    Còn nếu muốn dùng nghĩa 1 thì e không nghĩ có ai lại sơ ý đến mức chỉ dùng 1 câu “đến quán ăn đi” như vậy. Vì bản thân người nói/viết cũng rất sợ bị hiểu lầm.
    Có rất nhiều câu/từ nhiều nghĩa, nhưng khi dùng thực tế em thấy hầu hết mọi người không quá khó khăn để hiểu đúng nghĩa cần hiểu, vì nó được dùng trong trường hợp rất cụ thể (như nghĩa ngữ cảnh của Tiếng Anh vậy mà). Và cũng một phần do luôn luôn có câu/từ bổ nghĩa được nói/viết kèm theo thôi. Đối với tài liệu dùng để hướng dẫn, phổ cập kiến thức thì dĩ nhiên sẽ được viết rõ ràng, giải thích kỹ lưỡng rồi.
    Số ít trường hợp hông hiểu nhau chắc cũng hông ảnh hưởng mấy đến tình hình chung đâu nhỉ :D
     
  2. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Người nhận SMS đang đói như con sói và có thể chén luôn mà hông cần đợi vì họ vốn suồng sã. Trong khi người gửi tin muốn gặp nhau rồi đi nhậu chỗ khác cơ. Khi gửi tin lại đang bị tắc đường, nên phải viết vắn tắt mập mờ. Tất nhiên vẫn có thể đủ thời gian thêm được một dấu gạch nối nếu muốn.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  3. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Một đám quần chúng thiếu hiểu biết ném đá. Một tiến sĩ cỡ bự của Việt Nam chia sẻ.
     
  4. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Nhắc đến chuyện không hiểu nhau lại nhớ Hai người bạn của KH. Chỉ vì không hiểu đúng 1 câu nói mà 2 người bạn thân trở thành thù hận nhau đến chết. Câu nói đó là bằng tiếng Pháp- ai bảo tiếng tây rõ ràng trong sáng hơn tiếng Việt.
    upload_2017-11-29_13-5-12.png
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  5. Ebolic

    Ebolic Lớp 7

    Hai người bạn của ai viết thế, bác gửi em cái ebook với, tra google không ra.
     
  6. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Của Khái Hưng
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  7. Ebolic

    Ebolic Lớp 7

    Truyện nào vậy bác, trong pdf đó không có truyện Hai người bạn.
     
  8. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Ở trang 89 đó. Tìm trên mạng thì đầy, tìm 'truyện ngắn KH' là ra.
     
  9. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Copy trên facebook
     
  10. hero229

    hero229 Lớp 2

    Trong khoa học chính xác người ta dùng nano mét, mili giây thì mấy số sau dấu phải không đáng ngại đâu.
    Cũng hay. Mình chưa hề học nhưng cũng đọc được luôn. :D
     
  11. Ebolic

    Ebolic Lớp 7

    Đọc xong suýt toét mắt vì scan mờ.
    Em thấy bác mang ví dụ này không đúng rồi, câu incapable kia không phải bị hiểu nhầm vì đa nghĩa, vì thực chất nó vốn 1 nghĩa, mà chỉ là diễn đạt thiếu ý quá. Cái này có thể đổ tại rào cản 2 ngôn ngữ chứ không đổ tại đa nghĩa được.
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  12. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Tôi có bảo câu này hay chữ này đa nghĩa đâu, nguyên văn tôi viết là "không hiểu đúng 1 câu nói", và trong truyện về sau cũng giải thích như vậy.
    Để hiểu đúng 1 câu nói phải căn cứ vào nhiều thứ chứ không chỉ có ngữ pháp và nghĩa từ, tiếng nào cũng vậy thôi. VD như tôi viết mấy câu ngắn như vậy mà bạn đã hiểu sai ý tôi rồi, may mà chưa thành thù hận như trong truyện. :))
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  13. pinoko

    pinoko Lớp 5

    Chả hiểu nếu cải cách sẽ phải đánh vần thế nào nhỉ, thắc mắc lắm a .
     
  14. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đánh vần thì vẫn vậy thôi mà, ví dụ viết là q thì phát âm vẫn là "ngờ"...


    Theo ý kiến chính thức của Bộ Giáo dục, tuyên bố không đủ thẩm quyền thẩm định và không có ý định áp dụng đề xuất của ông Hiền thì có thể thấy đề xuất này chỉ là "cho vui" và sẽ chẳng có thay đổi về chữ viết nào xảy ra trong tương lai.

    Không biết các cụ Tụy và Phê đề xuất cải tiến thế nào, chắc là đơn giản hơn cái đề xuất hiện tại.
     
  15. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Một gã nhà báo quen vừa gọi, lại nói lát nữa sẽ ghé, là muốn hỏi về vụ đề xuất cải cách chữ quốc ngữ của ông BH. Kể cũng đáng ngạc nhiên vì cái đề xuất nói cho nhẹ nhàng là cực kỳ ngớ ngẩn ấy lại được quan tâm một cách bất thường. Chưa rõ đó là do báo chí thiếu bài hay vì học giới ở không, chứ nói thẳng ra thì cũng giống nhiều đề xuất cải cách chữ quốc ngữ trước nay, về mặt học thuật thì nó xuất phát từ một sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về cả lịch sử chữ quốc ngữ lẫn ngữ âm tiếng Việt, nên căn bản không đáng mất thời gian để bàn cãi.

    Sau đây là trích từ một số bài viết của L. Cadière đăng trên Avenir du Tonkin trong các số từ 24. 9 đến 17. 10. 1906, bản dịch của Nguyễn Nghị, in trong quyển I và y trong chính tả tiếng Việt của Cao Tự Thanh, Nxb. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, phần Phụ lục. Nói thêm là loạt bài này chỉ ra các sai lầm trong đề nghị cải cách chữ quốc ngữ mà Hội đồng Cải cách Học chính bản xứ của người Pháp đưa ra năm 1906. Tác giả đề cập tới mười điểm, sau đây trích điểm 6 và 7 vì có nội dung rất gần với đề xuất làm xúc động dư luận của ông BH mới đây.
    _____

    6. “c, k, q sẽ nhất loạt được viết là k, các ví dụ đặc biệt: cua sẽ viết là kua, qua sẽ viết là koa”.

    Đây cũng vẫn là một trong những cải cách không trọn vẹn, về hai khía cạnh, một mặt tốt, mặt khác đáng phê phán vốn đầy rẫy trong hệ thống mới, bởi vì người ta không muốn làm việc một cách khoa học và không muốn logic tới cùng, bởi vì người ta đã dừng lại giữa đường, giải quyết một khó khăn bằng một bất thường.

    Dự án viết các chữ c, k, q bằng một chữ k duy nhất đọc trong cổ và là âm điếc không phải là mới. Nhưng những người đưa ra dự án này, các ông Aymonnier, Chéon, các thành viên trong Hội nghị các nhà Đông phương học tại Hà Nội cũng đề nghị diễn tả bán nguyên âm tiếp theo sau q bằng chữ w. Đây là hậu quả logic của việc chấp nhận k thay cho q. Các nhà cải cách hiện tại có lẽ đã lùi bước trước sự xáo trộn cách viết đã diễn ra do việc chấp nhận chữ w. Chính vì vậy mà họ đã đi tới chỗ chấp nhận cách viết koa thay cho qua.

    Bởi vì người ta thay c và q bởi cùng một chữ là k, người ta đâm ra lúng túng trước các từ cho tới nay được viết là cua và qua. Ở đây, chúng ta cũng đứng trước những khác biệt căn bản đã thấy trên đây giữa các hình thức có ui và các hình thức có uy. Trong cua, chính u, một nguyên âm đầy đủ, mới là chữ được nhấn mạnh, trong khi a, nguyên âm được giảm nhẹ, không được nhấn mạnh. Trong qua, chính a mới là một nguyên âm đầy đủ, được nhấn mạnh, trong khi u là bán nguyên âm bình thường. Chữ quốc ngữ cổ truyền diễn tả sự khác biệt này bằng cua ở chỗ này và qua ở chỗ nọ. Theo dự án được Hội nghị các nhà Đông phương học chấp thuận, chúng ta sẽ có kua và kwa. Cách viết sau mới là cách viết logic nhất. Hệ thống mới viết kua (cua) và koa (qua).

    Một điều bất thường và một sự không chính xác.

    Không chính xác, bởi vì chúng ta chỉ cần nghe bất cứ người Annam nào nói là có thể thấy rằng trong từ qua, âm được diễn tả bằng u là ou trong tiếng Pháp chứ không phải o. Đây là bán nguyên âm bình thường dưới dạng điếc, hoàn toàn khác về âm với bán nguyên âm dạng kêu được diễn tả bằng o. Nghe một người Annam đọc các từ qua, que, qué và các từ khoa, khoe, người ta sẽ thấy ngay sự khác biệt.

    Tất cả các tác giả đều đồng ý với ý kiến này. Giám mục Taberd, trong lời Tựa của cuốn Dictionnarium, tr. 8, “q est in usus et exprimitur ut in linguà latinà/ được sử dụng và diễn tả như trong tiếng Latin”. Ông Chéon, Cours, tr. 3, “qu có cùng giá trị như trong quatuor”. Linh mục Vallot, Grammaire, tr 17, “qu đọc là cou” – Chỉ có ông Nordemann, Méthode de langue Annamite, tr. 12, diễn tả như sau “âm oa tiếng Pháp được diễn tả thành oa trong oan, loan, soa được viết là ua sau phụ âm q, chẳng hạn: quan, qua”, và viết tiếp ở phần chú thích “sẽ hợp lý hơn nếu viết là koan, koa”.

    Tại sao lại hợp lý hơn? Vì cách đọc à? Nhưng chúng ta đã thấy, theo các tác giả được nói đến trên đây và người ta có thể thấy khi nghe một người Annam gặp lần đầu tiên nói, rằng qua không đọc như koa – Vì lý do từ nguyên học à? Nhưng khi chúng ta liệt kê danh sách tất cả các từ Hán Việt bắt đầu bằng qu, chúng ta sẽ thấy là các từ này tương ứng với các hình thức được diễn tả bằng ku, kou hay ko trong phương ngữ người Hoa, nghĩa là bao gồm bán nguyên âm có dạng điếc. Chỉ có mấy ngoại lệ khi bán nguyên âm gằn với âm nguyên âm của từ. Chẳng cần phải kê ra các ví dụ ở đây. Một số tác giả, như Linh mục Couvreur, sử dụng khi thì cách viết kou, khi thì cách viết ko. Nhưng không nên để mình bị đánh lừa bởi cách viết sau. Chúng tôi đã lưu ý trong lời tựa là oai đọc như ouai trong từ douai của tiếng Pháp, hay như we trong were của tiếng Anh, oei đọc như oui trong enfoui, nghĩa là trong tất cả các từ này, dù dùng cách viết nào, bằng ou hay bằng o, người ta đều muốn diễn tả bán nguyên âm đưới hình thức điếc.

    Chúng ta hãy thử xem điều ngược lại: Linh mục Couvreur, vốn đã dùng, tôi không hiểu vì lý do gì, dùng cách viết o trong Dictionnaire chinos-français và trong Dictionnarium được in năm 1890 và 1892, ít lâu sau muốn điều chỉnh cách viết của mình theo đòi hỏi của cái tai người Pháp đã buộc phải từ bỏ cách viết bằng o và chấp nhận cách viết bằng ou trong Petit dictionnaire chinois-français của ông in năm 1903. Ở đây, tại thuộc địa Pháp, những người theo đuổi mục tiêu chính -biên bản các cuộc họp cho phép chúng ta nghĩ như vậy- là Pháp hóa cách viết truyền thống, đã từ bỏ cách viết bằng u và chấp nhận cách viết bằng o. Quả là bất nhất làm sao! Tệ hơn nữa, đó là một sự không chính xác như chúng ta đã thấy.

    Cả ở đây, các nhà cải cách hiện tại cũng bị đặt trước khó khăn đã làm những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ phải dừng bước. Nhưng những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã giải quyết khó khăn bằng cách chấp nhận chỗ này dùng c (cua), chỗ nọ dùng q (qua). Đó là một sự thiếu logic, tôi sẵn sàng cho là như vậy, và biện pháp chẳng có chút gì khoa học: chính giá trị của u thay đổi, chứ không phải âm họng ở đầu phải thay đổi hình dạng. Nhưng sự thiếu logic này có thể được châm chước. Những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đều bị bao phủ bởi việc sử dụng xa xưa của tiếng Latin đối với chữ q khi âm họng có bán nguyên âm đi theo. Cách viết của họ không có gì bất thường, nhất là không có gì sai. Họ được hưởng những hoàn cảnh làm nhẹ “tội”, và nhất là cách họ giải quyết khó khăn lại chính đáng hơn cách của các nhà cải cách hiện tại.

    Ông Nordemann cũng chủ trương, trong Méthode, tr. 12, rằng que phải được viết là koe, tr. 14, quan, quanh phải viết là koan, koanh. Ông dựa trên lý do gì? Ông không nói ra. Không phải vì cách người ta đọc các từ này. Tôi không thể nghĩ rằng ông Nordemann lại nhầm lẫn đến độ nghe ra koa, koan, koe vân vân khi người dân nói qua, que, quan vân vân, và giá trị của u được tất cả các tác giả, những người đã nghiên cứu phương ngữ Bắc Kỳ cũng như các người khác đã thừa nhận, tôi không thể chấp nhận được là ở Bắc Kỳ người ta đọc như ông Nordemann mong muốn. – Có lẽ là do nguyên âm của các từ này. Ông Nordemnn chỉ khuyên sử dụng cách viết bằng ko đối với các từ trong đó nguyên âm là một nguyên âm mở, a, a, e. Vì nguyên âm này mở, nên bán nguyên âm đi trước cũng phải được đọc và viết với hình thức mở o. Lý do này, giả thiết là ông Nordemann đã đưa ra cho mình, không có giá trị. Bởi vì, âm họng mở đầu dù là âm họng mạnh thuần túy k (q), dù là âm họng mũi, ng, luôn đòi hỏi là sau nó phải là bán nguyên âm với hình thức điếc thông thường, trong khi các phụ âm khác ở đầu chấp nhận hoặc chỉ bán nguyên âm giảm nhẹ, hoặc hai hình thức, một với bán nguyên âm giảm nhẹ, một với bán nguyên âm thông thường. Quá dài để triển khai ở đây vấn để về ngữ âm. Bản tóm lược các hình thức không cho biết liệu chúng ta sẽ viết koan, koanh, koang, koe, koen vân vân thay cho quan, quanh, quang, que, quen vân vân hay không. Nếu viết, thì chỉ làm gia tăng con số những cách viết không chính xác: kể đã quá lắm rồi khi viết koa thay cho qua.

    Ngoài ra, ở đây, tôi còn muốn cho thấy là hệ thống mới này còn kém hơn cả hệ thống cũ trong cách ghi các hình thức khác nhau của tiếng Annam. Hiện nay chúng ta có các hình thức quôc, đất nước và cuôc (đất nước và cái cuốc), hai hình thức này khác nhau, u trong hình thức thứ hai nhạy cảm hơn, dài hơn, nhấn mạnh hơn u của hình thức thứ nhất. Chỉ cần nghe người Annam nói. Hệ thống cũ sử dụng c ở chỗ này và q ở chỗ khác để viết hai hình thức ấy. Hệ thống mới chỉ có thể sử dụng một hình thức duy nhất là kuôk. Chủ tịch Tiểu ban cải cách chính tả chữ quốc ngữ nói rằng khi thực hiện các cuộc cải cách này, người ta muốn qui tắc hóa và đơn giản hóa cách viết thông thường. Người ta quên rằng việc đơn giản hóa đôi khi cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn. Có lẽ người ta hy vọng rằng khi diễn tả quôc và cuôc theo cùng một cách, người ta sẽ khiến người dân đọc hai từ này theo cùng một cách. Như vậy thì đây sẽ là một sự thay đổi triệt để, nhưng trong một thời hạn lâu lắc làm sao. Một lần nữa, chúng ta có thể nói là các nhà cải cách bị đứng trước một khó khăn vốn cũng đã đặt ra cho những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ cổ truyền. Nhưng người này đã giải quyết, trong khi người kia đã không nhận ra hay tưởng là đã có thể loại trừ được bằng cách gạt bỏ.

    7. “d, gi sẽ viết là j”,
    “d, gi đều sẽ viết là j”.

    Cả hai câu này đều nằm trong biên bản các cuộc họp của Hội đồng Cải cách Học chính. Xin độc giả cân nhắc các từ của hình thức thứ nhất: “d, gi sẽ viết là j”. Như vậy, hai chữ d và gi có cùng một âm trị duy nhất, là một phụ âm duy nhất, đó là điều được diễn tả qua việc động từ trong tiếng Pháp được chia ở số ít (s’écrira - sẽ viết là). Ông Nordemann đã giải thích như vậy. Người viết biên bản lần cuối đã nghĩ là phải thay đổi cách viết và dùng số nhiều (s’écriront - đều sẽ viết là). Ít ra đây có thể hiểu là một sự phản đối ngầm. Có thể người này muốn nói rằng d và gi, mặc dù từ nay được viết bằng một chữ duy nhất, vẫn là hai âm, hai phụ âm khác nhau.

    Người này đã nghĩ đúng. Và quả là một sai lầm trầm trọng khi lẫn lộn d và gi.

    Có lẽ không có vấn đề ngữ âm Annam nào lại đem tới nhiều vất vả cho các tác giả Annam hóa của các quyển từ điển hay văn phạm hơn là vấn đề về chữ d không có gạch ngang. Tất cả đều chú trọng vào phần mô tả và tìm cách diễn tả ít nhiều hoàn chỉnh, ít nhiều đầy đủ cách thức mà phụ âm này được đọc theo các miền khác nhau. Nhưng chưa thấy ai tái lập lịch sử của âm này, chưa ai nỗ lực, qua việc tìm hiều một cách kiên nhẫn các hình thức, và lên tới tận gốc gác của nó, tới tận cội rễ xa xôi của nó. Không ai chịu lần theo các nhánh khác nhau trong các phương ngữ Annam một cách đầy đủ và khoa học. Không ai ấn định bản tính của nó một cách dứt khoát.

    Đây là một việc đáng ra phải làm vì lợi ích và tiện dụng của nó. Dẫu sao, đây cũng phải là một công việc chuẩn bị mà đáng lẽ ra người ta đã phải làm vì cần thiết, trước khi đồng hóa d với gi. Quả là đáng tiếc khi người đề nghị và quyết định các cải cách có liên quan đến tương lai dài hay ngắn lại không chịu tìm hiểu một cách chín chắn các vấn đề mà người ta giải quyết một cách vui vẻ.

    Tôi sẽ tìm cách ghi lại ở đây những nét chính của công việc này.

    Trước hết, chúng ta tìm hiểu chữ d Hán Việt.

    Chữ d của các hình thức Hán Việt khi thì biến mất hoàn toàn hay có lẽ lẫn vào nguyên âm của từ, trong một hay nhiều hình thức trong các hình Trung Hoa tương đồng. Điều này xảy ra khi d của các hình thức Hán Việt có bán nguyên âm môi điếc hay kêu theo sau (dudo) hay khi nguyên âm của hình thức Hán Việt là i, iê, u, ư. Tôi rất lấy làm tiếc là không thể kể ra ở đây các ví dụ khẳng định cho qui tắc này, hay các ví dụ khẳng định cho các qui tắc tiếp theo.

    Trong rất nhiều từ khác, d Hán Việt tương ứng trong các phương ngữ của Trung Hoa, với bán nguyên âm y hay i. Điều này diễn ra với các từ Hán Việt với da, dang, dâm, dân, dât, dâu, dinh, do vân vân.

    Trong một số từ có hình thức dân, danh, diêu, d Hán Việt tương ứng với m hay l trong các phương ngữ Trung Hoa.

    Một cách đặc biệt, d tương ứng với một âm ngạc (palatale) ch, sh, ch hay với một phụ âm răng t, th, tsh –và một cách đặc biệt hơn, với phụ âm đọc trong cổ họng k.

    Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu về gi Hán Việt. Mỗi người đều biết đây là một phụ âm duy nhất, mặc dù được viết với hai ký tự.

    Phụ âm này, trong các phương ngữ Trung Hoa, tương ứng với đa số các trường hợp có phụ âm đọc trong họng mạnh. Một ví dụ duy nhất có thể cho thấy sự tương ứng này: nhà đọc thành gia trong tiếng Hán Việt, trong phương ngữ miền Bắc Trung Hoa là kia, trong tiếng Thượng Hải là ka. Gi Hán Việt do đó tương ứng với âm đọc trong cổ mạnh, thuần túy trong tiếng Thượng Hải, mềm và có khuynh hướng ngạc hóa trong phương ngữ phía Bắc, hoàn toàn là âm ngạc trong tiếng Hán Việt.

    Trong một số rất ít ngoại lệ, gi tương ứng với h, vốn có thể đồng hóa với một âm họng, hay một âm ngạc ch (tch), hay bán nguyên âm y.

    Từ sự chứng minh này, dù không đầy đủ, người ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng d và gi của từ Hán Việt hoàn toàn khác về từ nguyên học, và vì lý do đó, chúng cần phải được viết bằng hai ký tự khác nhau.

    Chúng ta đừng vội từ bỏ hai phụ âm này trong tiếng Hán Việt, và xem xem chúng ra sao trong các hình thức có họ hàng về mặt từ nguyên học với các hình thức Hán Việt.

    Gi Hán Việt trở lại, trong các hình thức Annam (tức từ thuần Việt – ND.), với các âm đọc trong cổ cũ, mạnh hay dịu. Tốt nhất là đưa ra các ví dụ, dù rằng tôi không thể viết ra bằng chữ Hán.

    Quả cà, tiếng Hán Việt là gia, Annam là cà.
    Cải cay, Hán Việt (Hv): gia, (An): cải
    Gian, Hv: gian, An: căn
    Mắng, Hv: gián, An: can (có lẽ tác giả lầm, vì can không phải là mắng – ND.)
    Gả con gái, Hv: giá, An: gả
    Góc, Hv: giác, An: góc.
    Ghẻ, Hv: giái (giới – ND.), An: ghẻ, vân vân.
    Dây, luật, Hv: cang, An: giường, giềng, chiềng, Giày: Hv: hài, An: giày, vân vân.

    Ngày xưa, gi Hán Việt trở nên mạnh bằng ch trong các hình thức Annam.
    Che, Hv: già, An: che, vân vân.
    Hay gi của Annam tương ứng với ch Hv: Giấy, Hv: chỉ, An: giấy, vân vân.

    Trường hợp của Dám: Hv: cảm, An: dám, được giải thích bởi sự lẫn lộn giữa d và gi mà tôi sẽ nói sau.

    Giờ đây, chúng ta thử xem d Hán Việt sẽ ra sao trong các hình thức Annam có họ hàng về mặt từ nguyên học.

    Hoặc phụ âm này đơn thuần tương ứng với d, các hình thức Annam và Hán Việt có cùng phụ âm này. Không cần phải đưa ra các ví dụ - hoặc nó tương ứng với một âm răng, đ có gạch ngang, hay th. Ví dụ

    Thùng. Hv: dũng, thung, An: thùng
    Thua. Hv: du, An: thua.
    Đồng. Hv: du, An: thau (nguyên bản in lầm là thua, đây đính lại như trên - ND.)
    Thừa. Hv: dư, An: thừa
    Thuốc. Hv: dược, An: thuốc
    Để. Hv: gi (dĩ – ND.), An: để, vân vân.

    Liên quan đến sự kiện này, chúng ta có thể xem d không có gạch ngang của tiếng Annam đôi khi tương ứng với đ (có gạch ngang) của tiếng Hán Việt:

    Hv: đao, An: dao và đao
    Hv: đai, An: dây, vân vân.

    Và cũng cần phải nhớ lại là có nhiều từ trong tiếng Hán Việt có hai hình thức, một với d không có gạch ngang, một với th. Chẳng hạn, nói: Hv: duyệt và thuyết, tương tự: Hv: duật và thuật.

    Chúng ta có một bằng chứng mới cho thấy d và gi trong tiếng Hán Việt nhất thiết phải là khác nhau, bởi vì chữ thứ hai tương ứng, trong các hình thức của tiếng Annam bình dân, với một âm đọc trong cổ và chữ thứ nhất, với một âm răng. Do đó, chúng không thể lẫn lộn và được diễn tả bằng một chữ duy nhất.

    Và điều này cũng đúng ngay cả khi hai phụ âm đôi khi bị lẫn lộn, nghĩa là ngay cả khi có một số từ Hán Việt có hai hình thức, một với d và một với gi. Điều này xảy ra chẳng hạn đối với: tất cả, Hv: dai và giai (hình thức đích thực trong các phương ngữ Trung Hoa là giai), cải cay, Hv: giái và dái (hình thức đích thực là giái), quê kệch, Hv: dã và giại (hình thức đích thực là dã).

    Từ sự kiện một số chữ trong Hán Việt có một hình thức là d và một hình thức là th (chẳng hạn: dung, thùng, tương tự: duật, thuật vân vân) nên người ta phải lẫn lộn d và th, và diễn tả hai phụ âm này bằng một ký tự duy nhất chăng? Chẳng ai dám cho là như vậy. Đối với d và gi của Hán Việt cũng vậy. Hai phụ âm này khác nhau về mặt từ nguyên, vì chúng tương ứng với các phụ âm khác nhau trong các phương ngữ Hán Việt và trong các hình thức Annam có họ hàng. Do đó, chúng phải được diễn tả bằng ký tự khác nhau, mặc dù vài từ rất hiếm hoi chấp nhận một hình thức là d và một hình thức là gi.

    Giờ đây chúng ta thử tìm hiểu, vẫn chỉ là trong những nét chính, d và gi của tiếng Annam.

    Chúng ta đã thấy là d Hán Việt tương ứng, trong các hình thức Trung Hoa, với nhiều âm: khi thì với bán nguyên âm y, khi thì với m, l, sh (s), ch, t, th, ts. Nói cách khác, phụ âm mà tôi sẽ gọi là d Trung Hoa, đọc thành l, y, ts, ch, t, th, bỏ ngoài một số khác biệt tinh tế.

    Chữ d của tiếng Annam là một nhân vật đa diện và đa năng đích thực, có hình thức chập chờn và khó nắm bắt.

    Nhưng các tác giả đồng ý với nhau dành cho nó các hình thức sau đây, hoặc trong cách đọc, hoặc với tính chất tương đương, khi một từ có nhiều hình thức phương ngữ: r, y, dz, dj, di, d, t, th (hãy so sánh Chéon, Cours, tr. 35, Cadière, Phonétique Annamite, tr. 67). Nghĩa là chúng ta bắt gặp, đối với d của tiếng Annam, cũng một loạt các hình thức, hay gần như vậy, như đối với d của Hán Việt hay Trung Hoa.

    d tương ứng với r, đọc là r, đổi thành r, liệu chúng ta có thể nói người ta đã bỏ ngoài vấn đề về ưu tiên của hình thức. Điều này được tất cả các tác giả đưa ra. Chúng ta có thể tham khảo, đặc biệt Distionnarium của Giám mục Theurel và Dictionnaire của Linh mục Génibrel có chỉ ra các từ bằng d có hình thức là r. Hiện tượng này diễn ra chủ yếu ở Bắc Kỳ và một ít ở phía bắc Trung Kỳ. Cách đọc này tương đương với các trường hợp trong đó d Hán Việt tương ứng với l trong các phương ngữ Trung Hoa.

    Thứ nữa là cách đọc d: tất cả các tác giả đều đề cập tới y. Hiện tượng này cũng diễn ra trong các phương ngữ Trung Hoa đối với d Hán Việt.

    Ngoài ra chúng ta còn có một cách đọc là dz vốn chấp nhận nhiều khác biệt tinh tế mà người ta có thể diễn tả bằng dz, dj, di. Theo tôi, cách đọc này diễn tả tính chất đích thực của phụ âm. Nó tương ứng với các trường hợp trong đó d Hán Việt tương ứng với âm răng xuýt (dentale sifflante) ts hay với âm ngạc ch trong các phương ngữ Trung Hoa.

    Cuối cùng, chúng ta còn có ưu thế của yếu tố răng của phụ âm, và chúng ta có, đối với một số từ, bên cạnh hình thức với d, một hình thức với đ (có gạch ngang) hay với th.

    Nhờ vậy, chúng ta có dao và dao, dô danh và thô dèng, dụ, dỗ dành. Các trường hợp này thích ứng với các trường hợp trong đó d Hán Việt có tương đương trong các phương ngữ Trung Hoa là các âm răng t hay th.

    Như vậy, chúng ta thấy có một sự song song gần như hoàn hảo trong sự phát triển, trong các biến đổi của phụ âm d trong tiếng Hán Việt và trong tiếng Annam. Điều này có thể cho phép chúng ta kết luận là d của tiếng Annam khác với gi của tiếng Annam, cũng như d Hán Việt khác với gi Hán Việt.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng thử xem gi của tiếng Annam có theo một diễn tiến giống hệt với diễn tiến của d hay không. Bước đi của gi hoàn toàn khác, d theo một con đường ba ngả, chỗ này dẫn đến phụ âm lỏng r, chỗ nọ tới bán nguyên âm y, chỗ khác với các âm răng thuần túy, ngược lại, gi phát triển bình thường trong nhóm các âm ngạc và trở thành ch hay tr (so sánh Chéon, tr. 36, Cadière, tr. 59).

    Như vậy chúng ta có hai phụ âm phát triển theo các định luật riêng, biến hóa một cách khác nhau, ngang qua những hình thức khác nhau để tới những điểm trái nghịch nhau, nói tóm lại, hai phụ âm khác nhau phải được diễn tả bằng hai ký tự khác nhau.

    Điều này không ngăn cản hai phụ âm ấy, trong tiến trình của chúng, có những điểm gặp gỡ. Chúng ta đã thấy là giữa d và gi Hán Việt có một số từ, khá hiếm, chấp nhận một hình thức với d và một hình thức với gi.

    Hiện tượng tương tự cũng diễn ra với tiếng Annam, nhưng thường xuyên hơn. d trong tiếng Annam, trong vô số các biến chuyển khác nhau của nó, đã đi tới hình thức y hay dz, dj, tiến gần tới âm di. Từ đó dẫn đến nhiều sự lẫn lộn. Ở Bắc Kỳ, ở Trung và Nam Kỳ, tại một số miền d và gi được đọc theo cùng một kiểu. Điều này có nghĩa gì? d và gi giống nhau à? Không phải vậy. Chỉ có nghĩa là từ này hay từ nọ, thậm chí tính khái quát của các từ, có hai hình thức, một với d, được dùng tại miền này miền nọ, một hình thức với gi, được sử dụng trong các miền khác. Bởi vì từ có nghĩa là mái nhà để nước lọt vào được gọi là dột tại đa số nơi, và trong một số miền, có hình thức thôi, liệu chúng ta sẽ diễn tả d và th bởi cùng một ký tự? Chúng ta cũng không nên lẫn lộn d và gi dưới cùng một chữ.

    d và gi là hai phụ âm vốn phát triển theo đường riêng của chúng, d, trong đường đi khúc khuỷu của mình, nghĩa là qua nhiều hình thức, vào một số lúc, tiến gần tới hướng đi bình thường của gi và lẫn lộn trong cách đọc với phụ âm này. Lẫn lộn khác với đồng nhất. Có hai hình thức thì chúng ta diễn tả hai hình thức. Hãy làm như những người đã đi trước chúng ta. Từ điển Distionnarium của Giám mục Theurel lưu ý đặc biệt các từ với d vốn có hình thức với gi tại Bắc Kỳ, và các từ có hình thức với r.

    Từ điển của Linh mục Génibrel lưu ý các từ có hình thức với d và hình thức với gi, hình thức với d và hình thức với r, hình thức với d và hình thức với nh, với gi và với nh, người ta cũng lưu ý các từ vốn có hình thức với thanh nặng và thanh sắc, thanh hỏi và thanh ngã, thanh không và thanh huyền xuống. Tôi gọi đó là một cách làm logic, hợp lý, khoa học, rõ ràng và mềm dẻo. Nếu người ta muốn thay đổi chữ quốc ngữ cổ truyền, tôi thậm chí có thể nói, nếu muốn hoàn chỉnh nó, hãy dùng z để diễn tả d, j để diễn tả gi. Các lời chỉ trích sẽ ít hơn và những người chỉ trích sẽ có ít lý do hơn. Nhưng làm như ông Nordemann đề nghị trước kia, và tiếc thay như người ta đã quyết định trong thời gian gần đây, là diễn tả d và gi (thậm chí cả r!) bởi cũng một ký tự, sẽ là một cách làm mò mẫm, trái với tất cả các nguyên tắc khoa học, bởi vì trái nghịch với thực tại, là sự nhầm lẫn được hệ thống hóa, tất cả những ai học tiếng Annam theo hệ thống sẽ không tài nào có được một kiến thức chính xác về tiếng Annam, tôi không nói chỉ có một trí thức hợp lý và khoa học, mà một sự hiểu biết thực tiễn, theo cách có thể làm cho người ta hiểu được. Diễn tả d và gi bởi một ký tự duy nhất là xóa bỏ chỉ bằng một nét bút công việc phân tích kiên nhẫn và tinh tế mà những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ đã theo đuổi trong thời gian dài để tách bạch các từ vốn lấy lại hai phụ âm này, là đưa vào trong việc Latin hóa tiếng Annam cái khó khăn chính yếu đã làm cản trở việc Latin hóa tiếng Hán Việt và các phương ngữ Trung Hoa, tức một số lớn các từ được xếp trong cùng một cách viết, cuối cùng, về phương diện sư phạm, là cho người trẻ Annam những khái niệm sai lầm về chính ngôn ngữ của họ và tạo ra sự lẫn lộn trong ý tưởng của họ.
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Ebolic thích bài này.
  16. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Tôi là tôi không khoái bàn mấy chuyện dở hơi, sáng tạo đủ kiểu. Tôi tự nhận mình dốt về mảng ngôn ngữ, không sáng tạo để phá hoại ngôn ngữ cho lớp sau. Vậy nhé!
     
  17. cxz27

    cxz27 Lớp 7

    Chẳng khác gì dân xứ Li-li-pút trong Gu-li-vơ du ký, người vịt ngan thỉnh thoảng lại náo loạn lên và chia phe không nhìn mặt nhau vì những chuyện nhảm nhí như kiểu ăn trứng đầu to hay đầu nhỏ!

    Tất nhiên lần này bạn biết tôi nói về chuyện gì rồi: vụ cải cách chữ Việt, chứ sao?

    Thực ra tôi nghĩ cả người điên cởi truồng giữa đường và bọn dừng xe lại xem đều ngu ngốc và khiếm nhã như nhau, người tử tế nên lặng lẽ mà đi, nên không định viết gì. Nhưng có một bạn mà tôi rất yêu quý có hỏi ý, nên thôi tiện thì viết lên phây.

    Chữ viết là một phát minh quan trọng của loài người, giúp ghi lại ký ức, kiến thức, văn chương, nói chung mọi sản phẩm trí tuệ. Trước khi có chữ viết, con người phải truyền miệng kiến thức lại cho các thế hệ sau. Các cụ già rất được tôn trọng ở các bộ lạc nguyên thủy vì họ như google bây giờ vậy.

    Người Việt chúng ta không đủ thông minh để sáng tạo ra chữ viết nên phải nhờ TQ, rồi sau này các cụ thấy nhục quá mới bịa ra chữ Nôm là một thứ tận cùng ngu dốt, may quá Tây qua, sáng tạo giùm người Việt một hệ thống chữ mới mà ta đang dùng.

    Nhưng chính cái chữ Việt hiện đại cũng có tác hại nhất định: nó làm người Việt bị mất liên hệ với quá khứ. Lịch sử văn hóa VN thực ra chỉ có hơn trăm năm, hầu hết đoạn trước đó mất béng, chả ai đọc được cả.

    Nói hơi dài như trên để thấy là nếu chữ Việt lại bị cải cách triệt để lần nữa, thì sẽ có hậu quả là các thế hệ sau lại bắt đầu mất liên hệ với văn hóa và lịch sử. Họ không đọc được văn bản cũ, hoặc phải dùng máy tính phiên dịch, nói chung rất dở hơi.

    Mà đổi lại những tác hại đó thì chúng ta được gì: hình như tác dụng duy nhất là đỡ tốn giấy do số ký tự/chữ trung bình sẽ ít đi. Thực ra điều này tuyệt đối vô nghĩa, vì văn bản điện tử đang thay thế giấy.

    Vả lại, chữ viết còn là một nghệ thuật, các nhà văn lớn viết không chỉ hay mà còn đẹp. Ký ức hình ảnh là một năng lực đặc biệt của con người. Mỗi khi nhớ lại câu văn hay, chúng ta nhớ cả dáng hình của nó chứ không chỉ âm tiết.

    Như tôi vẫn viết: bác sỹ, nghệ sỹ, chứ không viết bác sĩ, nghệ sĩ, vì cá nhân tôi thấy viết thế không đẹp, nó cứ đĩ đĩ, và ký ức hình ảnh của tôi không chấp nhận mấy cái đĩ đĩ kiểu sĩ như vậy.

    Ngôn ngữ nói chung luôn được phát triển và hoàn thiện bởi các nhà văn và triết gia, chứ không phải việc của bọn dở hơi ngồi nghiên cứu một cách ngớ ngẩn, không có lý mà cũng chẳng có tình.

    Nên hãy để người cởi truồng ở lại cùng đám đông rỗi hơi và đi tiếp đi các bạn!
     
    svcntnk42a1 thích bài này.
  18. huydatvns

    huydatvns Lớp 6

    Cùng lắm là xuất hiện thêm 1 dân tộc thứ 55 của người việt nam. Dân tộc Thần Kinh (ko phải người Kinh) sử dụng tiếng này kkk. Ngôn ngữ, chữ viết nó còn thể hiện nền văn hóa, lịch sử và cái hồn của cả dân tộc. Ổng đi phá cách dị hợm kiểu này ko chửi cũng uổng. Mà, ụ móa bọn lều báo với mớ giáo với chả sư chúng nó dẫn dắt đám đông khéo quá, tiếng việt sẽ chẳng còn được trong sáng như thời các cụ đâu. Ụ móa làm bài thơ lục bát éo gieo vần được, fuck tiếq ziệt haha
     
    huydatdn85 thích bài này.
  19. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Cái bà "tiến sĩ" Đoàn Hương cũng tào lao không kém, đã "quần chúng" mà còn thêm "đám" vào. Tiến sĩ kiểu gì thế nhỉ...:lmao:
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  20. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Chẳng phải từ ghép hán Việt cũng viết kiểu kiểu như vậy sao? Một từ thuần Việt và một từ gốc Hán cùng nghĩa, rõ ràng là nó dư nhưng mà xài riết rồi quen ấy mà :D
    Cũng từng thấy cách viết “đám đông quần chúng” nữa.
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này